|
c
Công Án Thiền và
Vấn Đề Nhận Thức
TT. Thích
Đức Thắng
Khi
chúng tôi đặt vấn đề này, chúng tôi vẫn biết đây là
một việc làm sai lầm ngốc nghếch; bởi vì vấn đề này
đối với Thiền Tông không can hệ gì. Hơn nữa, như chính
đức Phật đã dạy ngài Ma Ha Ca Diếp: "Ta có chánh pháp
nhãn tạng, diệu tâm Niết bàn, thực tướng vô tướng, nay
trao lại cho Ma Ha Ca Diếp."(Ngẫu kiến Đại Phạm Thiên
vương vấn Phật quyết nghi kinh), và cho đến Bồ Đề Đạt
Ma khi mới sang Trung Quốc tuyên bố rằng: " Chỉ thẳng tâm
người thấy tánh thành Phật, chẳng lập văn tự, truyền
riêng ngoài giáo."(Huyết mạch luận trong Thiếu Thất lục
môn). Rõ ràng đã nêu Tông chỉ và sự kế thừa của Thiền
tông như thế nào rồi. Nhưng ở đây, chúng tôi vẫn đặt
ra vì chúng có những nguyên nhân sâu xa, và cấp bách của
chúng.
Như
chúng ta đã biết, hơn bốn thập kỷ qua phong trào học Thiền,
đã và đang phát triển mạnh trên toàn thế giới, nhằm đáp
ứng những nhu cầu cấp bách, do môi trường sống chung quanh
đang tác động, qua đó con người là nạn nhân chính do nền
văn minh cơ khí vật chất hiện đại mang lại. Chúng đã làm
băng hoại tất cả mọi giá trị tinh thần, kể cả những
thành tựu về vật chất do chính chúng đẻ ra. Từ những
đòi hỏi đó, chỉ có Thiền mới đáp ứng và giải quyết
một cách trực tiếp, sự điều hòa cuộc sống thế giới,
trong đó con người là yếu tố cần và đủ cho mọi quyết
định này, do đó Thiền học hiện đang là đối tượng cần
được phát triển mạnh. Ở đây, chính vì muốn có sự phát
triển mạnh này, nên Thiền đã trở thành đối tượng nhận
thức tư duy cho mọi người, và cũng từ đó chúng đẻ ra
không ít, những sai lầm trong phương pháp học cũng như trong
việc thực hành do chính con người tạo ra; mà cái hậu quả
của chúng sẽ trở thành một tác dụng nguy hiểm, đối với
chính họ và những người đi sau.
Hiện
tại Thiền đã trở thành một phong trào thời thượng, để
trang điểm cho một nội dung trống rỗng, mà con người đang
đổ xô chạy theo nó và, tự đánh mất chính mình. Đó là
một hiện tượng suy đồi của Thiền tông, chứ không phải
là một sự phát triển; vì chúng đã phản bội lại truyền
thống và, sự kế thừa của Thiền tông mà chủ đích nhắm
đến của nó là: " Trực chỉ nhơn tâm kiến tánh thành
Phật, giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự."Với
tinh thần này thì rõ ràng những việc làm hiện tại của
chúng ta, trong việc cố gắng đại chúng hóa Thiền tông bằng
cách bàn luận - giảng giải - định nghĩa - phân tích Thiền
như thế này, hay như thế kia qua những bộ luận dày cộm,
với mục đích là để cho mọi người cùng hiểu như chúng
ta; hay bày ra những trò hí luận ngoa ngôn xạo ngữ, nhằm
trang điểm cho một thứ kiến thức què quặt qua cửa miệng.
Những việc làm này đối với Thiền tông chúng không ăn nhập
vào đâu cả, mà trái lại đối với Thiền chúng sẽ bị
rơi vào bệnh" Khẩu đầu Thiền," một con bệnh nguy hiểm,
rất tối kỵ đối với Thiền tông. Ở đây, họ đã biến
Thiền tông thành một thứ Thiền học bệnh hoạn, và đẩy
chúng trở thành một thứ Thiền giáo không hơn không kém,
để từ đó họ mang chúng ra bàn luận mổ xẻ như một đối
tượng cần phải đạt đến và, cái tệ hại không thể tha
thứ được là, họ đã dùng những công án người xưa, đem
ra giải phẩu phân tích bàn luận, để chứng tõ cái sở học
của họ.
Họ
đâu biết rằng, việc bàn công án của họ, không những không
đem đến cho mọi người một sự đạt ngộ nào về Đạo
cả, mà ngược lại còn làm cho người ta xa lìa ngăn cách
hơn; vì họ cứ tưởng rằng: Lý Thiền lý Đạo là như thế
này hay như thế kia, rồi an tâm cho rằng mình đã đạt Đạo,
đã đạt Thiền. Từ đó, chấp vào khái niệm ngôn từ qua
lời bàn của chúng ta, cho đó là Đạo là Thiền; thế là
muôn kiếp ngàn đời, họ bị chết chìm trong mớ khái niệm
ngôn từ đó, làm sao thoát ra được? Cho dù chúng ta nổ lực
giảng giải phân tích đến chỗ kỳ cùng của nó, và khiến
cho mọi người hiểu được, thấy được đi chăng nữa, thì
cái hiểu và cái thấy này, vẫn là cái hiểu cái thấy về
một khái niệm biểu hiện cho một thực tại, mà chúng ta
chưa được thấy như thực chính nó. Do đó, cái hiểu và
cái thấy này, vẫn ở trong vọng thức điên đảo phân biệt;
còn tự nó, lý Thiền lý Đạo vẫn ở ngoài tầm tay và ngoài
trí phân biệt của chúng ta.
Cái
hiểu cái biết cái thấy ở đây, cũng giống như kiến thức
của bọn mù không hơn không kém. Vì kiến thức của bọn
mù có được về thế giới quanh họ, là nhờ vào những người
sáng mắt, dẫn nói phân biệt cho họ về những sự vật chung
quanh, và nhờ đó họ mới có những khái niệm tưởng tượng
theo thế giới mù của họ về hình tượng màu sắc v.v...
Nhưng những kiến giải tri thức này, chỉ là những khái niệm
mườn tượng về sự vật chung quanh, chứ không phải chính
như những sự vật mà họ nhận thấy bằng mắt.
Cũng
vậy, cái kiến thức của người chưa đạt Đạo cũng giống
như kiến thức của bọn mù. Vì cái sở đắc của họ nhờ
vào người đạt Đạo nói cho nghe, cho biết chứ không phải
chính họ thấy. Như trong kinh Viên Giác đức Phật dạy: "Người
chưa ra khỏi luân hồi mà nghĩ bàn về Viên Giác, thì tánh
Viên Giác đó cũng trở thành luân hồi"(trang 64 kinh Viên Giác,
H.T. Thiện Hoa dịch).
Từ
những nhận thức sai lầm mà chúng ta không nhận ra đó, đã
đưa việc làm của chúng ta đến những hậu quả sau đây:
*
Sẽ không có sự đạt ngộ về Đạo trong cách dùng kiến
giải do trí phân biệt mà bàn ngược bàn xuôi về công án
Thiền.
* Biến
Thiền tông thành Giáo tông.
* Biến
những hoạt ngữ của công án Thiền trở thành tử ngữ (giết
chết công án Thiền).
* Làm
mờ mắt thiên hạ bằng những lập luận hợp tình hợp lý
của kiến thức nhị nguyên về công án Thiền.
* Từ
những sai lầm này đưa thiên hạ đến những sai lầm khác.
* Chúng
ta đã bị kiến giải tri thức đánh lừa, cứ tưởng rằng
những hiểu biết về pháp là do sự đạt ngộ hiển bày.
* Từ
những sai lầm trên chúng ta đã phản bội lại chính mình,
đã phản bội lại chư vị Tổ sư, đã phản bội lại đức
Phật.
Như vậy,
công án Thiền không phải là một đối tượng nhận thức,
vì cứu cánh của chúng vượt lên trên ngôn ngữ chấp trước
của tri thức, đó là một cảnh giới mà kinh Bát Nhã gọi
là" VÔ SỞ ĐẮC," kinh Kim Cương gọi là"VÔ SỞ TRỤ," kinh
Lăng Già gọi là"CẢNH GIỚI CỦA THÁNH TRÍ TỰ CHỨNG."蠃ũng
theo ý nghĩa tự chứng này, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn
trong kinh Hoa Nghiêm:
"Thiện
Tài đồng tử hỏi:
Môn
giải thoát này làm sao hiện tiền? làm sao chứng đắc?
"Diệu
Nguyệt trưởng giả đáp:
Một
người thân chứng hiện tiền môn giải thoát này khi nào người
ấy khởi tâm Bát Nhã Ba La Mật và cực kỳ tương thuận;
rồi thì người ấy được chứng nhập trong tất cả những
gì mà mình thấy và hiểu.
"Thiện
Tài đồng tử lại thưa:
Có
phải do nghe những ngôn thuyết và chương cú về Bát Nhã Ba
La Mật mà được hiện chứng?
"Diệu
Nguyệt đáp:
Không
phải. Tại sao thế? Bỡi vì Bát Nhã Ba La Mật thấy suốt
thể tánh chân thật của các pháp mà hiện chứng vậy.
"Thiện
Tài thưa:
Há
không phải do nghe mà có tư duy, và do tư duy và biện luận
mà được thấy chân như là gì? Và há đây không phải là
tự chứng ngộ?
"Diệu
Nguyệt đáp:
Không
phải vậy. Không hề do nghe và tư duy mà chứng ngộ được.
Này thiện nam tử, đối với nghĩa này ta phải lấy một thí
dụ, ngươi hãy lắng nghe!
"Thí
như một sa mạc mênh mông không có suối và giếng, vào mùa
xuân hay mùa hạ khi trời nóng, có một người khách từ tây
hướng về đông mà đi, gặp một gã đàn ông từ phương
đông đến, liền hỏi gã:
"Tôi
nay nóng và khát nước ghê gớm lắm; xin chỉ cho tôi nơi nào
có suối trong và bóng cây mát mẻ để tôi có thể uống nước
tắm mát, nghỉ ngơi và hoàn toàn tươi tỉnh lại?
"Gã
đàn ông đó nghe theo lời yêu cầu, liền chỉ dẫn cặn kẽ
cho người khách rằng: Cứ tiếp tục đi về hướng đông,
rồi sẽ có con đường chia làm hai nẻo, nẻo phải và nẻo
trái. Bạn hãy đi theo nẻo bên phải và gắng sức mà đi tới
chắc chắn bạn sẽ đến một nơi có suối trong và bóng mát.
"Này
Thiện nam tử, bây giờ ngươi có nghĩ rằng người khách nóng
khát, từ tây đến, khi nghe đến suối mát và những bóng
cây liền tư duy về việc đi tới đó càng nhanh càng tốt,
người đó có thể trừ được cơn khát và được mát mẻ
chăng?
"Thiện
Tài đáp:
Người
ấy không thể làm thế được; bỡi vì người ấy chỉ trừ
được cơn khát và được mát mẻ khi nào theo lời chỉ dẫn
của kẻ kia mà đi ngay đến giòng suối và tắm ở đó.
"Diệu
Nguyệt:
Này
Thiện nam tử, đối với Bồ tát cũng vậy, không phải chỉ
do nghe, tư duy và huệ giải mà có thể chứng nhập hết thảy
pháp môn. Này Thiện nam tử, sa mạc chỉ cho sanh tử; người
khách đi từ tây chỉ cho các loại hữu tình; nóng bức là
tất cả những sự tướng mê hoặc; khát nước là tham ái;
gã đàn ông đi từ đông đến và biết rõ đường lối là
Phật hay Bồ tát, an trụ trong nhất thiết trí, các ngài đã
thăm nhập chân tánh của các pháp và thật nghĩa bình đẳng;
giải trừ khát cháy và thoát khỏi nóng bức nhờ uống giòng
suối mát là chỉ cho sự chứng ngộ chân lý bỡi chính mình
vậy."
"Lại
nữa này thiện nam tử, nay ta sẽ nói thí dụ khác cho ngươi
nghe: Giả sử đức Như lai sống giữa thế gian một kiếp
nữa, ngài dùng đủ các thứ phương tiện, và những ngôn
từ thiện xảo, vì mọi người trong cõi đất mà nói về
loại mật hoa trên thế giới, đầy đủ các phẩm tính, hương
vị ngọt ngào xúc chạm mềm dịu; ngươi nghĩ sao? Những chúng
sanh kia khi nghe lời nói của đức Phật, tư duy về mật hoa,
mà có thể nếm biết hương vị của nó chăng?
"Thiện
Tài thưa:
Quả
thật không thể.
"Diệu
Nguyệt nói:
Cũng
vậy không phải chỉ do nghe và tư duy không thôi mà chúng ta
có thể chứng nhập chân tánh của Bát Nhã Ba La Mật.
"Thiện
Tài thưa:
Vậy
thì bằng những ngôn từ xảo dịu và phương tiện khéo léo
nào mà Bồ tát có thể khiến cho hết thảy chúng sanh thấu
hiểu được chân thực của thực tại?
"Diệu
Nguyệt nói: |