THUYẾT NHÂN QUẢ

 

.

 

 

 THUYẾT NHÂN QUẢ

QUA LĂNG KÍNH DUY THỨC

 

LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN PHẬT HỌC

 

GS hướng dẫn: Trần Tuấn Mẫn

Người thực hiện: TN. Nguyên Chủng

Thế danh: Huỳnh Thị Hà

Khóa: V (2001 – 2005) 

--- o0o ---

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

 

PHẦN DẪN NHẬP

1.1. Lý do chọn đề tài

1.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận văn

1.3. Phạm vi nghiên cứu và phương pháp luận

 

 PHẦN NỘI DUNG

 

Chương 1: TRÌNH BÀY SƠ LƯỢC VỀ LÝ NHÂN QUẢ

1.1. Định nghĩa nhân quả

1.2. Đặc tính nhân quả

1.2.1. Một nhân không sinh ra quả

1.2.2. Nhân thế nào thì quả thế ấy.

1.2.3. Trong nhân có quả, trong quả có nhân

1.2.4. Sự phát triển mau và chậm từ nhân đến quả

1.2.4.1. Nhân quả đồng thời

1.2.4.2. Nhân quả khác thời

1.3. Nhân quả chi phối đời sống vật chất và tinh thần

 

Chương 2: GIỚI THIỆU VỀ DUY THỨC

2.1. Định nghĩa duy thức

2.2. Tiến trình vận hành và nhiệm vụ của tám thức tâm vương

2.2.1 Tiền ngũ thức

2.2.2. Ý thức

2.2.3. Mạt na thức

2.2.4. Alaya thức

2.3. Sự huân tập, hiện hành của chủng tử  

 

Chương 3: NHÂN QUẢ QUA LĂNG KÍNH DUY THỨC

3.1. Nguyên nhân của luân hồi sanh tử

3.2. Mọi hành động thiện ác đều huân thành chủng tử

3.2.1. Bản hữu chủng tử

3.2.2. Tân huân chủng tử

3.3. Vũ trụ vạn hữu đều mang tính chất nghiệp báo

 

Chương 4: TRỰC NHẬN NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI SỐNG TU TẬP

4.1. Thay đổi nghiệp nhân

4.1.1. Về suy nghĩ

4.1.2. Về lời nói

4.1.3. Về hành động

4.2. Đối diện với nghiệp quả

4.2.1. Xét về bản thân.

4.2.2. Xét về tha nhân

4.2.3. Xét về nhân quả

4.3. Đốt đuốc chánh niệm, chuyển hóa nội tâm

4.3.1. Chánh niệm tỉnh giác

4.3.2. Trực nhận phiền não (vọng thức)

4.3.3. Trở về với chân tâm (tuệ giác)

 

 PHẦN KẾT LUẬN

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

 

LỜI NÓI ĐẦU

Ước vọng vươn đến đời sống lý tưởng của mình là điều ai ai cũng có. Nhưng cái gọi là”lý tưởng” ấy còn tùy thuộc vào khả năng tư duy và trình độ nhận thức của mỗi người. Vì vậy, khi nói đến cuộc sống lý tưởng, trước hết chúng ta cần xác định lý tưởng của mình, mục tiêu lý tưởng và con đường đi đến mục tiêu lý tưởng đó. P.Drive từng nói:“ Mỗi cuộc đời là một con đường. Con đường mở ra không phải để ta an giấc hay nghỉ ngơi mà để ta bước đi trên đó”.

Chúng con, những học Tăng, học Ni đang đồng hành bước vào ngôi nhà Như Lai, cùng tắm mình trong biển Pháp mênh mông. Kiến thức của chúng con chẳng khác nào những con rạch nhỏ đang lần lượt tìm về biển cả để hòa quyện cùng vị mặn của đại dương mênh mông. Vẫn biết “nước bốn biển chỉ có một vị mặn, Giáo Pháp của Như Lai chỉ có duy nhất một vị giải thoát” nhưng, với kiến giải nông cạn, vốn kiến thức còn non kém, người viết chỉ xin góp nhặt những kiến thức học được từ Kinh điển, từ những bài giảng của chư Tôn đức Giáo thọ sư, từ những nhân duyên thuận nghịch trong cuộc sống để thực hiện luận văn này.

Hoàn thành bản luận văn này, người viết thành kính tri ân HT. Hiệu trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Hội đồng điều hành Học viện, chư Tôn đức Giáo thọ sư và chư vị thân Giáo sư đã truyền đạt cho chúng con nhiều kiến thức giá trị về nội điển, ngoại điển. Tri ân chư Giáo thọ sư các trường Sơ cấp, Trung cấp đã tận tình dẫn dắt chúng con những bước đầu học Phật.

Đặc biệt người viết xin thành kính đảnh lễ tri ân Giáo sư Trần Tuấn Mẫn, người đã hết lòngï hướng dẫn, giúp người viết hoàn thành tập luận văn này.

Tri ân nhị vị Ni sư trụ trì Ni Viện Vạn Hạnh - Quận Thủ Đức, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người viết trong suốt quá trình học tập.

Thành kính tri ân Thượng tọa Thích Tín Đạo, bậc Thầy đã xây dựng nền móng Duy Thức và là người cung cấp nhiều tài liệu giá trị giúp người viết hoàn thành luận văn này. Chân thành tri ân các tác giả, dịch giả của các tác phẩm mà người viết đã sử dụng tham khảo.

Sau cùng, người viết kính dâng hai Đấng Sanh Thành và chư Pháp Hữu gần xa lời tâm huyết và tri ân chân thành nhất.

Dù đã cố gắng hết khả năng, người viết vẫn không sao tránh khỏi những khiếm khuyết, ngưỡng mong chư Tôn Thiền Đức cùng chư Thiện Hữu tri thức từ bi chỉ giáo. 

TP.HCM, ngày 28/ 5/2005

Cẩn bút 

Thích Nữ Nguyên Chủng


 

 PHẦN DẪN NHẬP

 

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

Giàu - nghèo, được - mất, hơn - thua, vinh - nhục… là những cặp phạm trù đối đãi làm tiền đề cho mọi hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội. Con người sanh ra chẳng những không đồng nhau về hình tướng, dòng tộc mà còn sai khác về những thăng trầm, may rủi trong sự nghiệp mưu sinh. Nó giống như một bản án vô hình mà định mệnh đã an bày sẳn cho mỗi người:

“Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

[Nguyễn Du, Truyện Kiều]

Có phải chăng một Thần Linh hay Đấng Tối Tôn nào đó có toàn quyền “bắt phong trần” hay “cho thanh cao”khiến con người phải phục tùng theo quyền uy của họ? Không! Thượng Đế, Thần Linh, đấng sáng tạo là những sản phẩm do con người tự xây dựng lên để giải quyết những nguyên nhân bất đồng sâu kín, và cũng chính con người trở lại làm nô lệ cho niềm tin đó.

Bằng thuyết nhân quả, Đức Thế Tôn đã mở ra một lối thoát cho con người, phục hồi quyền làm chủ của con người, chỉ cho họ thấy Thượng Đế tối cao quyết định họa phước của mỗi người chính là bản thân nghiệp nhân của họ, trong đó Ý thức đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tạo nghiệp. Tổ Quy Sơn dạy: “Đời này mình quyết định lấy mình chứ chẳng ai khác. Bằng cách ý thì ngưng, quên hết các duyên, không cùng căn trần đối đãi. Bởi lẽ tâm vốn không, cảnh vốn lặng, chỉ vì bị bế tắc lâu ngày không thông suốt mà thôi".(kim sanh tiện tu quyết đoán, tưởng liệu bất do biệt nhân, tức ý vong duyên. Bất dữ chư trần tác đối, tâm không cảnh tịch, chỉ vị cửu trệ bất thông”[Văn Cảnh Sách]

Chỉ cần làm chủ được tâm ý mình tức đồng nghĩa với làm chủ vận mệnh, không còn lầm lẫn về nhân quả nữa. Đó là lý do người viết chọn đề tài: THUYẾT NHÂN QUẢ QUA LĂNG KÍNH DUY THỨC làm mục tiêu nguyên cứu cho bản luận này.

2. Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA LUẬN VĂN:

Nói đến đạo Phật là nói đến Nhân Quả- Nghiệp Báo. Thuyết Nhân quả của Đạo Phật đã thấm nhuần tư tưởng của dân tộc Việt Nam, tạo nên những câu ca dao, tục ngữ mang đậm màu sắc triết lý của Phật Giáo:

Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây phước để đời mai sau. [ca dao]

Hay

Gieo gió gặt bão. [tục ngữ]

là những câu nói cửa miệng của người dân Việt. Tổ Quy Sơn cũng có dạy: “thanh hòa hưởng thuận, hình trực ảnh đoan, nhân quả lịch nhiên, khởi vô ưu cuï”(âm thanh hòa thì tiếng vang phải thuận, hình ngay thì bóng thẳng. Nhân quả rõ ràng như vậy không thể không sợ).

Khi đã tin nhân quả thì không ai không sợ ác báo. Nhưng, người sợ đón nhận quả báo đau khổ hoàn toàn không giống người sợ gieo nhân đau khổ. Kẻ vô văn phàm phu vui thích tạo nhân bất thiện, đến khi quả báo đau khổ đến rồi mới sợ. Đó là sợ quả. Ngược lại, bậc trí giả không dám tạo nhân bất thiện vì sợ quả báo đau khổ. Đó là sợ nhân. Sự sai khác giữa kẻ trí và người ngu xuất phát từ khả năng nhận thức của mỗi người và khả năng giác ngộ của tự thân. Không luận là Tăng hay tục, trẻ hay già, mỗi khi hành động có tác ý đều tạo thành Nghiệp nhân và đều có quả báo tương ứng.

Với kiến thức thiển cận của mình, người viết không cao vọng góp một đóa hoa Nhân Quả vào vườn hoa Giáo Lý Phật Đà, chỉ xin làm một vi trần hiện hữu trong vườn hoa muôn sắc, nâng gót ngọc cho bất cứ tao nhân- mặc khách nào muốn viếng cảnh, xem hoa.
 

3. PHẠM VI NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN:

Trong khuôn khổ của luận văn, người viết chỉ trình bày sơ lược về nhân quả và phát họa vài nét về tiến trình vận hành của tám thức Tâm Vương. Với phương pháp quy nạp, người viết đề cao tầm quan trọng của ba thức năng biến (Ý thức, Mạt na thức, Alaya thức) trong tiến trình tạo nghiệp qua hình thức chủng tử.

Từ sự tác động của các chủng tử thiện ác có sai khác tạo nên kết quả y báo chánh báo sai khác. Vì vậy, vị hành giả tu học Chánh Pháp không phải là tu học một cái gì cao xa, bí ẩn, mà chính là làm cuộc cách mạng, đánh tan mọi thế lực tà thuyết huyền bí về vũ trụ nhân sinh, gióng lên hồi chuông tỉnh giác nhằm khẳng định con ngươi là chủ nhân duy nhất, có đầy đủ uy quyền quyết định cuộc đời mình theo ý muốn của tự thân. Thiên đàng hay địa ngục, đau khổ trầm luân hay giải thoát an lạc tùy thuộc vào sự chọn lựa nghiệp nhân của mỗi người.

 
 

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1

TRÌNH BÀY SƠ LƯỢC VỀ LÝ NHÂN QUẢ

Nói đến nhân quả là nói đến một chân lý, một định luật tất nhiên. Định luật này không phải do một đấng tối cao nào áp đặt, cũng không phải do Thượng Đế ban phát. Nó là luật thiên nhiên, vô hình, vô ngôn nhưng có sức chi phối mọi hiện tượng giới một cách mãnh liệt và hoàn toàn chính xác.

1.1. ĐỊNH NGHĨA NHÂN QUẢ

Nhân là nguyên nhân, là cái hạt (hạt nhân), là năng lực phát động để một sắc, một pháp được hình thành.

Quả là kết quả, là cái mầm, là sự hiện hữu của một sắc, một pháp của năng lực phát động ấy.

Tất cả các pháp hiện hữu trong hiện tượng giới đều có mối tương quan mật thiết. Chúng vừa làm nhân vừa làm quả, xoắn lấy nhau, tiếp nối nhau, nương vào nhau mà có. Nói cách khác, mối tương quan nhân quả chính là tương quan Duyên Sinh. Trong đó, một pháp hiện hữu làm nhân chính (nhân trực tiếp). Nhân chính này muốn phát động cần phải có những nhân phụ (nguyên nhân xa) hổ trợ, giúp cho nhân chính phát triển. Trong nhà Phật gọi những nhân phụ này là duyên. Để một pháp được hình thành thì Duyên là một yếu tố không thể thiếu. Do đó, nhân quả là cách nói lược của Nhân - Duyên - Quả.
 

1.2. ĐẶC TÍNH NHÂN QUẢ:

1.2.1. Một nhân không sinh ra quả:

Như trên đã trình bày, sự hình thành từ nhân đến quả còn có nhiều yếu tố duyên xen vào. Tuy nói duyên là nguyên nhân phụ, nguyên nhân xa, nhưng nó có thể chi phối , hoán đổi cái quả theo một chiều hướng khác.

Nếu chúng ta muốn thành lập một công ty, có nguồn vốn lớn, máy móc hiện đại đầy đủ (nhân), mà không được nhà nước chấp thuận cấp giấy phép kinh doanh (thiếu duyên) thì ta cũng không thể thành lập công ty (quả) được. đây là trường hợp có nhân mà thiếu duyên thì nhân ấy không thể sanh ra quả. Hoặc giả, một công ty đã đi vào hoạt động sản xuất, nhưng trình độ tay nghề của công nhân không cao (duyên không tốt) thì sản phẩn được làm ra (quả) sẽ kém chất lượng. Cho nên nói rằng duyên có thể chi phối, hoán đổi kết quả theo chiều hướng khác.

1.2.2. Nhân thế nào thì quả thế ấy:

Một người nông phu muốn có lúa ăn thì phải gieo hạt lúa, không thể nào trồng cây cam mà được hạt lúa. Một người học trò muốn thi đậu thì phải chăm chỉ học bài, thuộc bài, không thể chơi bời, leo lỏng suốt ngày mà trở thành học trò giỏi được.

Nhân và quả bao giờ cũng đồng loại với nhau, hễ nhân đổi thì quả cũng đổi.

1.2.3. Trong nhân có quả, trong quả có nhân:

Nói đến nhân tức là nói đến một sự vật ở nguyên thể của nó, chưa nhận sự tác động của duyên để biến chuyển thành một cái quả mà ta quan niệm. Nói đến quả là nói đến một sự vật đã chịu sự tác động của các duyên, biến chuyển và hình thành một trạng thái mà ta mong đợi. Mỗi sự vật đều vừa là nhân cho một sự vật ở tương lai, vừa là quả cho cái nhân quá khứ. Ví như hạt đậu là cái nhân cho cây đậu trong tương lai, nếu hạt đậu đó được gieo trồng. Hạt đậu ấy cũng chính là kết quả của những cây đậu trong quá khứ. Nhân và quả tiếp nối nhau, đắp đổi nhau như những vòng khoen sanh diệt không cùng.

1.2.4. Sự phát triển mau và chậm từ nhân đến quả:

Sự biến chuyển từ nhân đến quả không có một chu kỳ về thời gian nhất định cho bất cứ một sắc, một pháp nào. Đứng về phương diện thời gian mà phân định thì có hai loại: nhân quả đồng thời và nhân quả khác thời.

1.2.4.1. Nhân quả đồng thời:

Là loại nhân mà thời gian từ nhân đến quả rất nhanh. Như tay vừa đánh vào mặt trống thì tiếng trống phát ra; đưa mồi lửa vào đống rơm thì rơm liền bốc cháy.

1.2.4.2. Nhân quả khác thời:

Khác thời là cách một khoảng thời gian từ khi gieo nhân cho đến lúc nhận kết quả. Nhân quả khác thời được chia làm ba loại:

a. Hiện báo: Nghĩa là nghiệp nhân gây ra trong đời hiện tại và thọ lãnh kết quả ngay trong đời này. Ví như một sinh viên thi đậu vào trường y, sau một quá trình học hành chăm chỉ, nghiên cứu tường tận, vị đó tốt nghiệp và trở thành bác sĩ giỏi.

b. Sanh báo: Tức là tạo nhân thiện, bất thiện trong đời này nhưng đến đời sau mới thọ quả báo. Như câu chuyện Phật tử Nguyễn Thị Hiên, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm hiến đất để xây lại chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức). Nhờ công đức này nên sau khi chết, bà Hiên được đầu thai làm công chúa nhà Thanh (Trung Quốc).[Võ Văn Tường, những ngôi chùa nổi tiếng tại TP.HCM]

c. Hậu báo: Tức là tạo nhân đời này nhưng trãi qua nhiều đời sau mới thọ quả báo. Trường hợp hậu báo này được Đức Thế Tôn kể qua những câu chuyện tiền thân trong kinh Bổn Sanh, Bổn Sự.

Ba chu kỳ thọ báo bất đồng trên tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố duyên, dẫn đến kết quả được gọi là định nghiệp hay bất định nghiệp. Duyên ở đây chỉ cho sự tác động bởi yếu tố tâm lý nhiều hơn là vật lý. Nói cách khác, yếu tố tâm lý can thiệp vào nghiệp nhân có sai khác nên dẫn đến nghiệp quả cũng sai khác. Dù quả báo đến nhanh hay chậm, định nghiệp hay bất định nghiệp, thì nó cũng là định luật mà tất cả chúng sanh không ai có thể thoát khỏi.

1.3. NHÂN QUẢ CHI PHỐI ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN:

Khi đề cập đến nghiệp nhân và nghiệp quả, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu đã viết: “nhân quả nơi con người không phải do bên ngoài sắp đặt mà chính do tự con người chủ động. Con người tự tạo ra nhân, ấy là tạo nghiệp nhân, rồi chính con người thu lấy kết quả, ấy là thọ nghiệp quả”[22, 9]

Nói đến nghiệp nhân, là nói đến hành động có chủ ý. Vì:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ tạo tác

Ý làm chủ tạo tác

Nếu với ý ô nhiễm

Nếu với ý thanh tịnh

Nói năng hay hành động

Nói năng hay hành động

Khổ não bước theo sau

An lạc bước theo sau

Như chiếc xe theo chân con vật kéo.

Như bóng không rời hình.

[Pháp Cú 1]

[Pháp Cú 2]

Từ sự sai khác của “ý tạo” dẫn đến muôn ngàn sai khác trong cuộc sống của kiếp người. Sự sai khác này là nỗi suy tư muôn thuở của nhân loại và của các bậc Hiền triết Đông Tây kim cổ.

Thời Phật còn tại thế, thanh niên Subha đã hỏi Thế Tôn: “Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, duyên gì, giữa loài người với nhau lại có người liệt, có người ưu? Có người đoản thọ, có người trường thọ? Có người nhiều bịnh, có người ít bịnh? Có người đẹp sắc, có người xấu sắc? Có người trí tuệ kém, có người trí tuệ đầy đủ?v.v…”

“Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sanh; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu. Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Ở đây, khi mạng chung nếu được đi đến loài người, chỗ nào nó sanh ra, nó phải đoản mạng. Nhưng nếu có người đàn bà hay đàn ông từ bỏ sát sanh, có lòng từ, sống thương sót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới ở đời. Ở đây, khi mạng chung nếu nó đi đến loài người, chỗ nào nó sanh ra, nó được trường thọ v.v[24, 360]

Đoạn Kinh trên cho chúng ta thấy tất cả nghiệp nhân của vô lượng kiếp quá khứ đã tập trung vào thân năm uẩn này. Tùy theo sự sai khác của nhân thiện hay bất thiện, dẫn đến sự sai khác của nghiệp quả có liệt có ưu. Sự sai khác giữa kẻ giàu người nghèo, giữa kẻ trí người ngu không phải là sự mặc khải do thần linh định đoạt vì “con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp.” Mối tương quan từ nghiệp nhân đến nghiệp quả của con người đã hình thành nên sự sai khác trong đời sống mà con người phải thọ nhận.

Như trên đã nói, thân năm uẩn của chúng ta là kết tinh của tất cả những nghiệp nhân quá khứ mà chúng ta đã gây ra. Thế Tôn dạy “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là nghiệp cũ. Các hành động của thân, khẩu, ý trong hiện tại là nghiệp mới” [25,141]

Theo Đạo Phật, nghiệp không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng là nguyên nhân chủ yếu của mọi sự sai biệt trên cõi đời này:

Này A Nan, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: “Chắc chắn không có ác nghiêp, không có quả báo ác hạnh, chác chắn không có thiện nghiệp, khômg có quả báo thiện hạnh. Như vậy ta không chấp nhận cho người ấy. Này A-nan, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: chắc chắn có ác nghiệp, có quả báo ác hạnh. Chác chắn có thiện nghiệp, có quả báo thiện hạnh. Như vậy ta chấp nhận cho vị ấy.”[24]

Đành rằng “có ác nghiệp, có quả báo ác hạnh…” nhưng do nhân gì, duyên gì hình thành cái nghiệp ấy? “Ở đâu có mặt ái, thủ thì ở đó có mặt của nghiệp, có mặt của nhân quả. Ở đâu không có ái, thủ thì ở đó không có mặt sự tạo tác nghiệp mới, ở đâu không có mặt của nghiệp hay chỉ còn ảnh hưởng của nghiệp cũ để lại, thì ở đó nhân quả chỉ còn là ảnh hưởng của ngoại giới, hoặc không còn có mặt nữa” [11, 292]

Chúng ta không thể nào lập một bản công thức nhất định về nhân quả, cũng không thể liệt kê về tướng trạng của chúng. Bởi vì, nhân và quả đều là duyên sinh, mang ý nghĩa bất định như các pháp hữu vi khác. Nói đến pháp duyên sanh, tức là nói đến chuổi sanh diệt luân lưu bất tận, nó ly khai hai phạm trù thường kiến và đoạn kiến, nó mang ý nghĩa tương sanh tương tức. Nhưng, trong chuổi luân hồi vô tận trong các thú, cần phải có một cơ quan lưu giữ hạt nhân, để hạt nhân ấy hội đủ duyên phát sanh quả. Theo triết học Phật Giáo, cơ quan ấy chính là thức.
 

Chương 2

GIỚI THIỆU VỀ DUY THỨC

2.1. ĐỊNH NGHĨA DUY THỨC:

Thức là cái biết, cái hay phân biệt. Mỗi chúng ta đều có một cái biết, cái “biết” ấy chính là tinh thần linh tri của chúng ta. Thức là một thứ động lực vô hình vô tướng, lớn bao trùm cả vũ trụ, nhỏ thì nhỏ nhặt vô cùng. Do đó, muôn vật muôn pháp đều quan hệ với “Thức”, đều không ra ngoài phạm vi của thức, hay cả vũ trụ vạn vật có ở đây, chỉ Duy Thức làm chủ động biến ra. Thế nên, Thức là chúa tể, muôn pháp do thức biến ra là cái bị biết. Thức là tạo hóa công, muôn pháp bị biết kia là đồ vật do tay thợ tạo đã tạo ra, cho nên nói ngoài tâm không vật, ngoài vật không tâm, chính là nghĩa Duy Thức vậy.

Duy, tiếng Pàli gọi là màtrarà, nghĩa là chỉ có.

Thức, tiếng Pàli gọi là vijnàna, nghĩa là hiểu biết.

“Thức” còn có nghĩa là “Minh liễu phân biệt” (hiểu biết phân biệt rõ ràng) nói đơn giản là Liểu Biệt. Nghĩa là tất cả muôn vật trong thế gian đều là những vật “bị biết” và “bị phân biệt”. Chính cái hay “Minh Liểu Phân Biệt” đó tức là Thức.

Tiền tố “vi” (Vijnàna/ vijnapti) là phân biệt, xét đoán, nhận thức. Đây là biệt hiệu của tâm. Xét về phương diện bản thể thì gọi là “Tâm”; xét về phương diện tác dụng, thì gọi là “Thức”. Cái vô hình tướng, vô phân biệt ấy là Tâm; từ chỗ vô hình tướng mà hiện ra có tướng, từ chỗ vô phân biệt mà khởi niệm phân biệt, nên gọi là “Thức”.

Duy Thức (Vijnànamàtratà) nghĩa là chỉ có sự hiểu biết trên hết và ngoài sự hiểu biết ra không còn sự vật nào khác có thể thay thế được, nên gọi sự hiểu biết là Duy Thức.

Nói đến Duy Thức là nói đến năng phân biệt và sở phân biệt, tức chỉ cho chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Duy Thức Tam Thập Tụng có câu: “Do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển, bỉ y thức sở biến”(có các thứ ngã- pháp chuyển biến, các tướng kia y nơi thức mà biến hiện ra). Các pháp do thức biến hiện ra (Thức- năng biến), rồi thức trở lại phân biệt các pháp (pháp- sở biến). Nếu không có năng phân biệt thì không có sở phân biệt, cho nên gọi là Duy Thức.

Theo Phật Quang đại từ điển: “Duy Thức” tiếng Phạn (Vijnapti-matratà) dịch âm là Tỳ Nhã Đễ Ma Đảm Lặt Đa. Chữ “Duy” là Matratà, duy nhất, liên biệt. “Thức”là bản thể của tâm. Thức hiểu biết phân biệt, lìa ngoài sự biến hiện của thức thì không có một thực tại nào cả nên gọi là Duy Thức. Nói cách khác, tất cả mọi hiện tượng đều do sự chủ quan (kiến phần) và khách quan (tướng phần) của tự thể ở thức biểu hiện ra.

Như vậy, Thức cũng là một pháp. Nó có công năng phân biệt về tự thân và tha nhân, phân biệt các pháp trần. Điều này cho thấy không chỉ loài người mà các loài hữu tình đều có Thức. Chúng chuyển biến tương tục, tự giữ gìn các chủng tử và các chủng tử ấy kết hợp làm nhân, làm duyên cho các pháp hiện hành. Do sức huân tập và sự kết hợp qua lại tạo nên sự nhớ, biết, phân biệt.v.v..

Thành Duy Thức Luận có ghi: “Duy Thức là duy cái biết, do cái biết. Muôn sự muôn vật không tự hiện hữu, chỉ hiện hữu khi đủ duyên, chỉ hiện hữu giữa mọi mối quan hệ, lớp này lớp khác trùng trùng vô tận, một làm duyên cho tất cả, tất cả duy một. Tất cả làm duyên cho một, một duy tất cả. Do cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt. Như thế là duyên khởi, y tha khởi.”[23, 23]

 Duy Thức học còn gọi là Pháp Tướng Học. Ở đây, tuy hai danh từ nhưng ý nghĩa đồng nhau. Pháp tướng Duy Thức học nghĩa là, tất cả mạo tướng, nghĩa tướng và thể tướng của các pháp đều do một thứ năng kiến mà được tồn tại, năng kiến ấy là thức. Bản chất của tất cả pháp ngoài năng lực ấy ra, không còn một thứ gì nữa cả. Thời gian, không gian, vũ trụ, nhân sinh đều là kết quả của năng lực ấy, những pháp phân biệt và bị phân đều nằm gọn trong phạm vi của năng lực ấy, nên gọi là Duy Thức.


 

2.2. TIẾN TRÌNH VẬN HÀNH VÀ NHIỆM VỤ CỦA TÁM THỨC TÂM VƯƠNG:

“Tâm Vương” còn gọi là “Tâm Pháp”, tức các pháp hữu vi đều tùy thuộc vào sở hữu tâm này. Nói cách khác, “Tâm Vương” là tâm chủ chốt, tâm đứng đầu, làm chủ và chi phối mọi hành nghiệp của chúng hữu tình. Muốn tìm hiểu về tiến trình vận hành và nhiệm vụ của tám thức Tâm Vương, người viết trình bày qua bốn phần:

2.2.1. Tiền ngũ thức (Năm thức trước):

Thức là năng lực hiểu biết và phân biệt các sự vật sai khác. Thức thuộc phần tâm linh, rất trừu tượng, không thể sinh hoạt độc lập mà cần phải đầy đủ những điều kiện giao thoa giữa căn, trần thì thức mới sanh khởi.

Tiền ngũ thức là chỉ căn cứ vào năm giác quan bên ngoài của thức sinh hoạt mà đặt tên cho sự hiểu biết, phân biệt của chúng. Tên gọi của những tâm thức như sau:

1.  Nhãn thức: hiểu biết sắc trần qua con mắt.

2.  Nhĩ thức: hiểu biết âm thanh qua lỗ tai.

3.  Tỷ thức: hiểu biết mùi hương qua lỗ mũi.

4.  Thiệt thức: hiểu biết vị qua cái lưỡi.

5.  Thân thức: cảm giác qua sự xúc chạm của thân thể.

Khi năm căn (năm giác quan) mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với năm trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc thì sẽ xuất hiện sự hiểu biết, phân biệt về cảnh trần. Sự hiểu biết, phân biệt ấy chính là năm thức. Như vậy, năm căn là chỗ nương tựa của năm thức. Năm trần là đối tượng của năm căn. Nhờ năm căn mà thức mới phân biệt được các pháp trần.

Căn có hai phần, phần hiện tướng thô phù bên ngoài (phù trần căn) và hệ thống thần kinh bên trong (thắng nghĩa căn). Não bộ là trung tâm sinh hoạt chung của năm giác quan (hệ thống thần kinh). Năm giác quan này hoàn toàn khác nhau, chúng sinh hoạt một cách độc lập và không thể giúp nhau về phương diện nhận thức.

Căn không có nhiễm tịnh, tốt xấu, sự tốt xấu là do thức phân biệt. Tuy nhiên, căn và thức phải hòa hợp nhau, cùng tồn tại trên một thực thể, nếu tách rời căn thì thức không thể sanh khởi hiện hành.

Năm tâm thức này, mỗi thức đều có sẳn hạt giống (chủng tử) nơi thức tạng và có sự hiểu biết riêng biệt theo khả năng của chúng, các tâm thức khác không thể thay thế công việc cho nhau được. Mắt chỉ thấy sắc chứ không thể nghe tiếng hay ngữi mùi… Nói cách khác, thức là phân biệt nhưng chỉ phân biệt ở khả năng giới hạn của nó mà thôi. Nếu năm căn không tiếp xúc với năm trần thì thức không thể sanh khởi.

Ngoài năm hệ thống giác quan (năm căn) thuộc vật chất, con người còn tiềm tàng một sức sống vô cùng quan trọng, đó chính là Ý Thức thứ sáu.

2.2.2. Ý thức:

Trong tám thức Tâm Vương, ý Thức đứng hàng thứ sáu nên còn gọi là Đệ Lục Thức. Thức này vô cùng quan trọng, không thể thiếu ở con người và chúng sanh hữu tình. Ý Thức góp phần làm thăng hoa cuộc đời, giúp hành giả tu tập chứng Thánh quả và Ý Thức cũng là nhân tố chính khiến cho chúng sanh hữu tình trầm luân trong biển khổ sanh tử. Tùy theo tác dụng mà Ý Thức có các tên gọi khác như: Minh Liễu Thức, Phân Biệt Sự Thức.v.v..

Ý Thức có đầy đủ ba tánh thiện, ác, vô ký. Nó giúp cho năm thức trước phân biệt rõ ràng về một sắc, một pháp.

Ví dụ: khi mắt (căn) tiếp xúc với một bông hoa (trần), trong sát na đầu tiên chưa có sự hiện diện của thức nên chúng ta không có khái niệm phân biệt về hình dáng, màu sắc của bông hoa. Khi nào có sự phân biệt, hiểu biết của Ý Thức thì khái niệm về một sắc, một pháp mới hình thành. Nói cách khác, hiện tượng vạn hữu muốn hiện bày đúng nghĩa của nó cần phải có đầy đủ ba yếu tố Căn- Trần- Thức. Sáu căn, sáu trần, sáu thức cọng lại thành 18 giới.

Về tiến trình vận hành thì Ý thức có hai phần: Ngũ câu ý thức và Độc hành ý thức.

Ngũ câu ý thức: tham gia cùng năm thức trước (phần thô) để duyên với năm trần.

Độc hành ý thức: khi năm thức trước không khởi hiện hành, bản thân nghiệp dụng của Ý Thức tự khởi niệm phân biệt về những cảnh đã qua, mơ tưởng những cảnh chưa đến.

Như vậy, Ý Thức có nhiệm vụ hiểu biết, phân biệt những sự vật có hình tướng, có chất lượng duyên sanh và những ảo ảnh vô tướng nằm bên trong nội tâm.

Bát thức quy củ có câu: “Động thân phát ngữ độc vi tối, dẫn mãn năng chiêu nghiệp lực khiêm”. Đối với ba nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp thì Ý nghiệp dẫn đầu các pháp và làm chủ mọi hành động. Ngoài sự hiểu biết, Ý thức còn ghi nhớ một cách rõ ràng về tính chất, giá trị và ý nghĩa của mọi sự vật mà năm thức trước không làm được. Đây là hình thức hồi tưởng của Ý Thức, làm sống lại những hình ảnh, những sự việc mà mình đã tiếp xúc qua, khiến những sự việc trong quá khứ không lu mờ, không biến dạng.

2.2.3. Mạt Na thức:

Tiếng Phạn Manas, Trung Hoa dịch là Ý Căn, gọi tắc là Ý, nói đầy đủ là Sanh Diệt Tương Tục Ý. Vì tính của nó là tư lương và chấp ngã, nên còn có tên là Truyền Thống Thức, Tư Lương Thức.

Thông thường khoa học chỉ biết có sáu thức (sáu giác quan) mà không đề cập đến thức thứ bảy và thứ tám. Theo Duy Thức học, nếu Ý Thức có mặt để giúp cho năm thức trước phân biệt rõ ràng về trần cảnh và ghi nhớ chúng, thì phải có một cơ quan thường trực làm nhiệm vụ chuyển tải những ảnh tử ấy. Cơ quan ấy chính là Mạt Na.

Mạt Na có nhiệm vụ thu nhặt những ảnh tượng có tính chất ảnh tử của thế giới vật chất từ tiền lục thức đưa vào lưu trữ trong Alaya và mang những chủng tử đã chứa trong Alaya ra để làm sự sống cho Ý Thức nhớ lại. Vì câu hữu với bốn món phiền não: ngã si, ngã ái, ngã mạn, ngã kiến nên Mạt Na luôn chấp chặt, bảo thủ, luyến ái các pháp khả lạc, khả ái và tỏ thái độ chán ghét các pháp bất như ý. Ngoài ra, Mạt na còn chấp tướng phần của Alaya làm tự thể thật ngã của nó. Cho nên, tâm thức Mạt Na đóng vai trò trung gian với tính cách tiềm năng làm nhịp cầu nối giữa thế giới ngoại cảnh mà Ý Thức thứ sáu thu nhặt và thế giới nội tâm, tàng trữ trong Alaya.

2.2.4. Alaya thức:

Theo Duy Thức học, Thức Alaya là thức vi tế nhất và quan trọng nhất trong tám thức tâm vương. Gọi Alaya là Thức Tạng vì nó là chỗ y cứ của vũ trụ vạn vật. Tùy theo nhiệm vụ và diệu dụng của Alaya mà các nhà Duy Thức gọi Alaya bằng nhiều tên khác nhau như sau:

1.  Tâm: Tâm có nghĩa là tích tụ tất cả chủng tử.

2.  Chủng tử thức: Vì Alaya là nơi chứa chủng tử các pháp và là cội nguồn để các pháp sanh khởi.

3.  Căn bản thức: Nói căn bản thức vì Alaya đứng đầu, làm chủ bảy thức trước.

4.  Đệ bát thức: Tính từ ngoài vào thì thức này đứng hàng thứ tám.

5.  Cùng sanh tử ấm: Cùng là sau chót. Khi thân hoại mạng chung, thân ngũ uẩn của chúng sanh bị tiêu diệt thì thức này vẫn tồn tại với hình thức thân trung ấm.

6.  Dị thục thức: Là những kết quả tùy thuộc vào nghiệp thiện ác mà phát khởi hiện hành.

7.  Tàng thức: Là kho chứa tất cả ảnh tử của chúng sanh. Kho chứa này sinh hoạt tiềm ẩn bên trong thân thể con người và bên trong thân thể của vạn pháp, với đầy đủ ba ý nghĩa: Năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng.

a.Năng tàng: chỉ cho công năng chứa nhóm, bảo trì nghiệp, chủng tử vạn pháp và chờ đợi đầy đủ nhân duyên những hạt giống này sẽ sanh khởi hiện hành.

b.Sở tàng: Alaya là tâm địa để hạt giống thiện ác của vạn pháp sanh khởi. Sau khi làm căn thân, khí giới cho tất cả các pháp tạp nhiễm, thức Alaya bị các pháp tạp nhiễm nói trên lợi dụng làm chỗ che dấu.

c.Ngã ái chấp tàng: vì thức Mạt na thứ bảy nương vào Alaya thứ tám làm căn để hiểu biết, chấp trước, nên Mạt Na luyến ái, chấp vào kiến phần của Alaya làm bản ngã.

Những ý nghĩa này đã nói lên nghiệp dụng của Alaya vô cùng lớn lao, làm nền tảng căn bản không thể thiếu để cho vạn pháp sanh khởi.

Tóm lại, tám thức Tâm Vương có mối quan hệ móc xích với nhau theo luật nhân duyên như các pháp hữu vi khác. Năm thức trước và Ý Thức có liên hệ mật thiết với lãnh vực sinh lý và vật lý. Mạt Na thức làm căn cho Ý Thức thứ sáu nương tựa. Ngoài ra, Mạt Na còn đóng vai trò trung gian làm gạch nối để đưa những ảnh tử từ tiền lục thức vào Alaya. Alaya là mảnh đất tốt để vạn pháp nương tựa, sanh khởi hiện hành, biến tướng và vận hành theo quy luật nhân quả nghiệp báo. 

2.3. Sự huân tập, hiện hành của chủng tử:

Như một tờ giấy trắng tinh khiết bị chuyển màu vì những vết mực và những lớp bụi thời gian, cũng vậy, sự giao thoa giữa thế giới ngoại cảnh và thế giới nội tâm đã làm vẫn đục Alaya bởi vô số hạt nhân thiện ác.

Khi năm căn ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tiếp với năm trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc), Ý Thức hiện khởi, phân biệt cảnh trần để hình thành khái niệm đẹp, xấu, đáng yêu, đáng ghét v.v…đến lúc các căn không còn hoạt động nữa, những ảnh tử này vẫn ngầm vận hành trong thế giới nội tâm. Dù là pháp đáng ưa hay đáng ghét, một khi Ý Thức đã hình thành một khái niệm thì khái niệm ấy được cấu thành chủng tử và được Mạt Na Thức đưa vào cất giữ trong Alaya. Đức Phật dạy “Tác Ý là nghiệp”. Tất cả mọi khái niệm mà Ý Thức thứ sáu can dự vào, dù thiện hay ác cũng  tồn tại dưới hình thức hạt giống. Kho chứa Alaya thì vô tận, có thể dung chứa tất cả nghiệp nhân chủng tử. Mỗi hạt nhân này được xếp vào một vị trí nhất định, không thể lẫn lộn. Cứ như thế, ngày qua tháng lại, Mạt Na tiếp tục lấy những ảnh tử từ tiền lục thức đưa vào Alaya và lôi khéo những khái niệm được tàng trữ trong Alaya ra làm cơ sở cho Ý Thức phân biệt. Tự thân của những hạt giống đang ẩn mình trong Alaya hàm tàng một sức sống mảnh liệt, chúng chờ cơ hội, hay nói đúng hơn là chờ đợi một trận mưa Duyên để phát khởi hiện hành thành nghiệp quả. Khi những nghiệp nhân chủng này đủ mạnh, chúng chuyển mình để sanh tác dụng, chỉ cần thuận duyên thì nghiệp quả sẽ xuất hiện và bản thân của người tạo nghiệp nhân ấy phải thọ lấy nghiệp quả mà mình đã gây ra. Ngược lại, khi nghiệp nhân chủng tử đủ mạnh để phát khởi hiện hành, trong lúc chúng chuyển mình trổ quả, nếu gặp nghịch duyên tác động, thì nghiệp nhân ấy sẽ bị hư hoại, không còn cơ hội trổ quả nữa.

Ví như người suốt đời tạo nghiệp ác, những chủng tử ác ấy được huân tập vào tàng thức. Dù đến cuối đời người ấy không còn tạo nghiệp ác nữa, nhưng đến khi mạng chung, những chủng tử ác đã huân tập từ trước quá mạnh, chúng áp đão những chủng tử thiện, hình ảnh nghiệp nhân xấu ác hiện khởi làm rối loạn tâm người sắp mạng chung. Vì vậy, sau khi mạng chung, người ấy rơi vào ác đạo, đọa xứ, địa ngục. Ngược lại, một người hành nghiệp ác, những chủng tử ác ấy được huân tập vào tàng thức. Đến cuối đời người ấy bỏ ác làm lành. Đến lúc mạng chung, những chủng tử ác được huân tập từ trước chuyển mình để phát khởi hiện hành, nhưng người sắp mạn chung gặp nhiều thắng duyên hổ trợ, nhắc vị ấy nhớ lại những nghiệp lành của mình đã tạo, hoặc nhớ lại danh hiệu Phật, Bồ tát, vị ấy nhiếp tâm thanh tịnh, niệm Hồng danh Phật. Do nhân duyên này, những chủng tử ác bị tiêu diệt, không còn cơ hội để phát khởi hiện hành. Sau khi chết, nghiệp nhân chủng tử thiện lúc sắp mạng chung sẽ đưa họ thác sanh vào thiện thú thiên giới cõi đời này.

Ngoài hai trường hợp trên, những nghiệp nhân chủng tử thiện ác chưa đủ duyên để phát khởi hiện hành vẫn tồn tại trong Alaya ở thế tiềm năng. Tuy nhiên, Alaya “vừa hằng lại vừa chuyển”, cho nên, những nghiệp nhân chủng tử này có thể thay đổi, bị đẩy lùa hoặc được tịnh hóa hoàn toàn bằng cách bản thân hành giả huân tập vào Alaya những nghiệp nhân thánh thiện. Quá trình huân tập và phát khởi hiện hành từ nghiệp nhân đến nghiệp quả tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố duyên; cái duyên này Kinh Nhập Lăng Già gọi là “gió cảnh giới”

 “ Như biển gặp duyên gió,

Khởi đủ thứ sóng mòi.

Sanh tác dụng hiện tiền,

Không lúc nào giáng đoạn.

Biển tạng thức cũng thế,

Gió cảnh giới kích động.

Thường khởi các sóng thức,

Sanh tác dụng hiện tiền.”

(Kinh Nhập Lăng Già)

 

Chương 3

NHÂN QUẢ QUA LĂNG KÍNH DUY THỨC

Nhân quả là một đề tài muôn thuở hằng hiện hữu trong kiếp sống nhân sinh. Không ít người đã sanh tâm nghi ngờ về câu nói: “nhân nào quả ấy”, bởi trong cuộc sống thường nhật, có những người chân chất hiền lương, cày sâu cuốc bẩm mà vẫn cơ cực hàn vi; lại có kẻ xảo trá, ác tâm, ăn không ngồi rồi mà giàu sang phú quý. Nguyên nhân vì sao có sự bất công trong xã hội loài người như thế? Ai có thể giải quyết vấn đề này?

Tìm về khoa học, chúng ta thấy rằng, các nhà khoa học thuộc lãnh vực kinh tế học, xã hội học, phân tâm học.v.v. dù có cố gắng giải thích theo cách nào đi nữa, cũng không giải quyết được sự bất công này. Tìm về tôn giáo, có nhiều tôn giáo xem đó như sự mặc khải của đấng tạo hóa, là số phận Thượng Đế đã an bày. Tìm đến với Đạo Phật, chúng ta nghe Đức Thế Tôn dạy: “mình là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc.”

Nghiệp bao gồm nghiệp nhân và nghiệp quả, nói cho đầy đủ là “HOẶC NGHIỆP- QUẢ”. Nghĩa là do vô minh (hoặc) dẫn đến những hành động sai trái. Những hành động này (nhân) lặp đi lặp lại nhiều lần (nghiệp) và tùy theo mức độ của nghiệp dẫn đến kết quả hạnh phúc hay khổ đau (quả).

Như vậy, trước khi muốn tìm hiểu về tiến trình vận hành từ nhân đến quả xảy ra như thế nào, người viết xin trình bày về nguyên nhân của luân hồi sanh tử.

3.1. NGUYÊN NHÂN CỦA LUÂN HỒI SANH TỬ:

Căn cứ theo nội dung của đại thừa khởi tín luận thì Tâm là điểm tựa cho vạn hữu phơi bày. Tâm ấy hằng hữu, xuyên suốt cả không gian và thời gian.

Cũng theo Kinh này, từ vô lượng kiếp về trước, các hàng Thánh chúng đang tu tập ở các cõi trong thế giới Chân Như, vì chưa trực nhận được Phật tánh nên họ khởi tâm động niệm, mong sớm thành Chánh Quả như các Đức Phật. Do khởi niệm trong khi tu tập thiền quán, tâm các vị Thánh chúng này bị động niệm, sa vào vọng tưởng điên đảo của thế giới vọng hiện. Đây là nguyên nhân của sự bất giác đầu tiên.

“… do Như Lai tạng mà có tâm sinh diệt. Tâm sinh diệt ấy hòa hợp bất diệt và sinh diệt một cách không phải đồng nhất cũng không phải biệt lập, và gọi là A- lại- da thức. A- lại- da thức có hai mặt, bao gồm và phát sinh tất cả pháp; hai mặt ấy là tuệ giác và bất giác.”[25, 70]

Bất giác là sự phân biệt, hiểu biết sai lầm về tâm thể. Sự bất giác đầu tiên này khuấy động, chính là “hoặc”, chất liệu của vô minh căn bản hiện khởi, loạn niệm mê vọng lôi cuốn các vị Thánh chúng sa từ thế giới Chân Như vào sinh hoạt ở thế giới vọng hiện.

Thêm nữa, do bất giác mà phát sinh ba trạng thái không tách rời với nó. Một là năng động, là bất giác thì vọng động, và gọi là nghiệp ; giác thì không vọng động, vọng động thì khổ não, vì hậu quả không tách rời nguyên nhân. Hai là năng kiến, là vọng động chuyển thành nhận thức, không vọng động thì nhận thức cũng không. Ba là năng hiện, là nhận thức hình thành đối cảnh, tách rời nhận thức thì đối cảnh cũng không.”

“Rồi do đối cảnh hổ trợ mà phát sinh sáu trạng thái nữa. Một là phân biệt, là phân biệt đối cảnh cái dễ ưa, cái dễ ghét. Hai là liên tục, là do phân biệt mà phát sanh khổ vui, làm cho cảm giác liên tục. Ba là cố thủ, là do sự liên tục mà bám víu đối cảnh, khổ vui giữ mãi trong lòng. Bốn là từ ngữ, là sự cố thủ hình thành ngữ văn. Năm là động tác, là từ ngữ tạo ra đủ loại hành vi. Sáu là khổ não, là hành vi buộc phải nhận lấy hậu quả, không còn tự do.”[25, 87-88]

Như vậy, nghiệp được thành lập từ ý niệm bất giác, vọng động đầu tiên. Sự vọng động này hình thành sự nhận thức. Nói đến nhận thức tức là nói đến sự phân biệt giữa chủ thể và khách thể (chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức), là sự hòa quyện giữa căn- trần- thức, là một tiến trình sinh hóa của tám thức Tâm Vương và 51 pháp Tâm Sở tương ưng tạo nên pháp giới trùng trùng duyên khởi. Trong đó, tâm ô nhiễm thì gọi là phiền não chướng, thứ phiền não làm chướng ngại, không cho trí căn bản hội nhập Chân Như; ý niệm bất giác thì gọi là sở tri chướng, là cái nhân phát sinh mọi sự ô nhiễm, làm chướng ngại đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.

Tìm hiểu về nguyên nhân của luân hồi sanh tử, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về cơ quan đầu não của ý niệm bất giác thuộc về tâm, ý hay ý thức?

Như trên đã trình bày, hạt giống vô minh nghiệp tướng đầu tiên được thành hình là do niệm bất giác của các vị Thánh chúng nơi thế giới Chân Như. Vọng tưởng phân biệt này liền nội kết trong Tạng Như Lai và cấu thành một tiềm năng với hình tướng hạt giống. Đây gọi là hạt giống vô minh nghiệp tướng, tức là một loại nghiệp mang tính chất vô minh.vô minh nghiệp tướng này vận hành trong Tạng Như Lai làm cho Tạng Như Lai bị vẫn đục, ô nhiễm bởi chất liệu vô minh liền biến thành Thức Tạng (thức Alaya), là kho chứa tất cả các chủng tử ngã tướng và pháp tướng làm tiền đề tạo nên vạn pháp với vô số hình tướng khác nhau trong thế giới sanh diệt.

Ngã tướng và pháp tướng là một trong những yếu tố quan trọng làm nhân chánh để xây dựng nhân sanh và vũ trụ. Chúng là những ảnh tử không có thể chất chân thật và là sản phẩm do thức thứ sáu dựa theo hình ảnh của những trần cảnh bên ngoài để sáng tạo. Sau khi kiến tạo những mô hình ngã tướng và pháp tướng, Mạt Na thức tổng hợp chúng lại thành hình tướng chung gọi là lạc tạ ảnh tử rồi Mạt Na mang vào cất giữ trong thức thể Alaya

Như vậy, nguồn gốc phát sanh ra hạt giống ngã tướng và pháp tướng chính là Ý Thức thứ sáu. Ý Thức thứ sáu của chúng sanh hữu tình duyên với năm thức trước để phân biệt hình ảnh những sự vật bên ngoài rồi biến thành ảnh tử có nội dung. Thức thứ sáu này còn là nguyên nhân để phát sanh ra hạt giống nghiệp lực về thân, về lời nói và suy nghĩ (tam nghiệp). Chính hạt giống nghiệp lực này cô động thành sợi dây sanh tử trói buộc chúng sanh trong ba cõi. Cho nên, khi nói về Ý Thức, Luận Đại Thừa Bách Pháp khẳng định: “động thân phá ngữ độc vi tối, Dẫn, Mãn năng chiêu nghiệp lực khiên”(thân động miệng nói nó hơn hết, Dẫn nghiệp, Mãn nghiệp thọ quả báo).

3.2. MỌI HÀNH ĐỘNG THIỆN ÁC ĐỀU HUÂN THÀNH CHỦNG TỬ:

Chủng tử có nghĩa là hạt giống ở dạng nguyên thể. Nó không phải là là hạt giống bình thường (seed) như hạt giống cam sanh ra cây cam, mà bản thể của chủng tử chính là cái năng lực sanh ra quả.

Trong đây pháp gì gọi là chủng tử? Nghĩa là công năng sai biệt trong bản thức, chính nó đích thân sanh ra tự quả của nó. Công năng này với bản thức và tự quả do nó sanh ra chẳng phải một , chẳng phải khác, thể và dụng, nhân và quả, đúng lý là như vậy.” [23, 82]

Theo Pháp Tướng Tông, thức thứ tám và chủng tử là hai thứ khác nhau. Trong đó, thức thứ tám là cái tổng thể chứa đựng cái năng lực có thể sanh khởi hiện hành, chủng tử tức là từng thứ năng lực ấy. Nói cách khác, thức thứ tám là kho chứa các chủng tử, năng lực ấy là sự tác động của chủng tử từ thức thứ tám phát ra.

Chủng tử gồm có hai loại, bản hữu chủng tử và tân huân chủng tử.

3.2.1. Bản hữu chủng tử:

Bản nghĩa là nguồn gốc, là chủ thể. Hữu là có.

Bản Hữu Chủng Tử là nguồn gốc của hạt giống có sẳn nơi mỗi chúng sanh. Luận Du Già nói: “thể của các chủng tử từ vô thỉ lai, tánh tuy vốn có nhưng do nhiễm tịnh mới huân tập mà phát hiện.” Nếu trong mỗi chúng sanh đều có sẳn hạt giống hữu lậu và vô lậu từ vô thỉ, năng huân và sở huân cũng có từ vô thỉ thì sự huân tập không thể sanh ra pháp vô lậu mà nó chỉ là tác nhân làm cho pháp hữu lậu tăng trưởng.

Theo Pháp Tướng Tông, từ vô thỉ, trong thức thứ tám đã có sẳn một ít năng lực khác nhau làm nguyên liệu thiết yếu cho sự sanh khởi muôn pháp. Vì vậy bản hữu chủng tử còn có tên là Bản Tính Trụ Chủng.

3.2.2. Tân huân chủng tử:

Tân là mới, mới bắt đầu, là khách thể.

Huân là sự huân tập, sự nối kết, xông ướp, chứa nhóm.

Tân Huân Chủng Tử nghĩa là hạt giống mới bắt đầu huân tập sau này.

lại có ba thứ chủng tử được huân tập là danh ngôn, nghiệp và ngã chấp, nó tổng nhiếp hết thảy chủng tử các pháp hữu lậu. Ba thứ này là do huân tập mà có, cho nên chủng tử hữu lậu chắc chắn nhờ có huân tập mới phát sanh.”[23, 85]

Theo Pháp Tướng Tông, từ vô thỉ đến nay, bảy chuyển thức luôn huân tập những hình tướng của các pháp trần bên ngoài tạo thành những nghiệp duyên khác nhau, sinh ra muôn pháp. Vì vậy Tân Huân Chủng Tử còn có tên là Tập Sở Thành Chủng.

Các chuyển thức của hai chủng tử nói trên cùng với A-lai-da làm tính nhân duyên cho nhau. Khế Kinh nói: “các pháp đối với tạng thức, tạng thức đối với các pháp cũng vậy, làm quả tánh cho nhau, cũng thường làm nhân tánh cho nhau.”

Khi ở trạng thái nguyên thể, hai chủng tử này giữ tánh chất độc lập ở hình thức hạt giống, không ảnh hưởng với nhau. Tánh chất nguyên thể của Bản Hữu Chủng Tử sẳn có từ vô thỉ nên nó thuộc về năng lực của trí tuệ, còn bản chất của Tân Huân Chủng Tử thuộc về nghiệp lực và nghiệp tướng được nội kết từ thế giới nghiệp duyên trong thế gian. Những hành động thiện ác mà chúng hữu tình tạo tác hằng ngày đều huân thành chủng tử. Khi chưa đủ duyên để phát khởi hiện hành, thì những hạt giống vốn có và hạt giống mới huân tập đều được cất chứa một cách độc lập trong Alaya, chờ hội đủ nhân duyên mới hình thành vạn pháp. Nhiếp Đại Thừa Luận của Ngài Vô Trước có nói về sáu nghĩa của chủng tử:

1.  Sát na diệt: “Nghĩa là thể nó vừa sanh liền diệt, có năng lực thù thắng mới thành chủng tử.”

2.  Quả câu hữu: (Chủng tử cùng với quả cùng có) “Nghĩa là nó cùng với quả pháp hiện hành do nó sanh ra cùng hòa hợp một lúc mới thành chủng tử.”

3.  Hằng tùy chuyển: “Nghĩa là phải cùng một loại tương tục trường kỳ cho đến khi đạt địa vị cứu cánh, mới thành chủng tử.”

4.  Tính quyết định: “Là tùy theo sức của nhân thiện ác có công năng quyết định sanh ra quả thiện hoặc ác không hỗn loạn, mới thành chủng tử.”

5.  Đãi chúng duyên: “Là phải chờ các duyên cùng loại chung hợp lại, có công năng thù thắng mới thành chủng tử.”

6.  Dẫn tự quả: “Nghĩa là mỗi mỗi dẫn sanh ra hiện quả sắc và tâm riêng biệt, mới thành chủng tử.”[23,94]

Chủng tử - đơn vị nguyên thủy của vũ trụ- phải đầy đủ sáu nghĩa trên, và có nhiều dạng thức khác nhau. Vì nhân chủng tử khác nhau nên quả hiện hành mỗi thứ cũng khác nhau. Nhân nào sanh quả đó, các chủng tử thiện hay bất thiện mỗi mỗi đều theo đó hiện quả riêng biệt, không hề lẫn lộn. Nếu không như vậy thì không gọi là chủng tử.

Đại Thừa A-tỳ-đạt-ma viết:

Vô thỉ thời lai giới

Giới từ vô thỉ lại

Nhất thiết pháp đẳng y

Hết thảy pháp đều nương

Do thử hữu chư thú

Do đó có các thú

Cập Niết Bàn chứng đắc.

Và Niết Bàn chứng đắc.

Chữ “Giới” ở đây chính là “nhân”. Từ vô thỉ đến nay, “Giới” này lần lượt tiếp nối “hằng chuyển như bộc lưu”, đích thân sanh ra các pháp, làm chỗ nương của các pháp một cách bình đẳng. Chữ “giới” còn là tên khác của “chủng tử”. Khế Kinh nói: “hết thảy loài hữu tình từ vô thỉ lai có chủng tử giới như chùm trái ác-xoa, pháp nhĩ như vậy vốn có.” Tất cả các ảnh tử đều được lưu lại qua hình thức chủng tử và làm nhân để chúng hữu tình luân hồi trong các cõi. Như vậy “chư thú” hay “Niết Bàn” đều là quả. Bài kệ trên cho chúng ta một kết luận, mọi hành động thiện ác đều không mất, khi chưa hội đủ nhân duyên để phát khởi hiện hành, chúng nằm yên trong thức tạng qua hình thức chủng tử.

3.3. VŨ TRỤ VẠN HỮU ĐỀU MANG TÍNH CHẤT NGHIỆP BÁO:

Alaya bao gồm toàn thể chủng tử của vạn pháp, chúng tồn tại ở thế tiềm năng và chỉ đợi có đủ nhân duyên là phát khởi hiện hành. Dù trong trạng thái tiềm ẩn của chủng tử, các pháp vẫn chuyển biến liên tục “hằng chuyển như bộc lưu” để phát hiện ảnh tượng chủng tử đồng thời bảo trì sanh mạng hữu tình và thế giới vật lý trong đó sanh mạng tồn tại. Sự phát hiện và bảo trì ấy tuân theo nguyên tắc HOẶC - NGHIỆP - QUẢ.

HOẶC là sự lầm lạc, lừa dối, nghi ngờ, mê tối. Hoặc cũng đồng nghĩa với vô minh, phiền não kiết sử.

Hoặc có ba phần: kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc.

Khi lục căn tiếp với lục trần, tham tâm sanh khởi khiến cho ý thức thứ sáu khởi niệm phân biệt, chấp trước sai lạc về cái thấy biết, cách suy nghĩ nên gọi là Kiến tư hoặc. Sự lầm lạc này tiếp nối chồng chất nhiều như bụi cát nên gọi là Trần sa hoặc. Mối nghi ngờ, mê tối về các pháp càng sâu thì phiền não chướng càng nhiều nên gọi là Vô minh hoặc. Vô minh lậu hoặc bắt nguồn cho những hành động sai trái phát sanh, tạo thành nghiệp chướng.

NGHIỆP là hành động tạo tác của thân, khẩu, ý. Khi chúng ta nói năng, hành động, suy nghĩ dù thiện hay ác một cách có ý thức đều gọi là nghiệp. Đức Phật dạy” này các Thầy Tỳ Kheo, Như lai nói rằng tác ý là nghiệp”. Tác ý bắt nguồn từ cái nhân vô minh và ái dục được lặp đi lặp lại nhiều lần. Hành động này huân thành chủng tử tàng chứa trong Alaya, làm nhân để phát khởi hiện hành.

QUẢ tức là kết quả, là sự phát hiện và cấu thành từ nghiệp nhân ấy.

Chúng ta hãy bắt đầu nghiên cứu nhân quả từ sự sự chấm dứt cuộc sống của một sanh mạng.

Khi một chúng sanh chết, ngũ căn của vị ấy thiếu điều kiện để phát khởi hiện hành, các căn thô phù bị hư hoại vì chúng thiếu sự bảo hộ của Alaya. Riêng phần thức và ảnh tượng của ngũ trần đều trở về trạng thái chủng tử tại Alaya. Tất cả những nghiệp nhân (chủng tử) mà cá nhân đã làm trong suốt đời mình đều hiện hữu trong Alaya ở thế tiềm tàng và tiếp tục chuyển biến dưới định luật nghiệp báo. Nói cách khác, tất cả nghiệp nhân đều được chứa đựng trong Alaya, ngầm chuyển tác động trong Alaya. Khi nào các nghiệp nhân chủng tử ấy hội đủ cơ duyên liền phát khởi hiện hành để bắt đầu hình thành một đời sống mới. Đời sống kế tiếp tùy thuộc vào tổng thể và giá trị của mọi nghiệp nhân. Do năng lực của nghiệp và tập khí của kiến phần (ngã chấp) và tướng phần (pháp chấp)mà chúng sanh hiện hữu.

Nếu nghiệp nhân tốt, tập khí thiện, Alaya sẽ tham dự vào một cọng nghiệp tốt và thừa hưởng một nghiệp báo tốt, một môi trường hoàn toàn hạnh phúc, thanh tịnh, giải thoát. Nếu nghiệp nhân xấu, Alaya sẽ tìm đến một cọng nghiệp thấp hèn. Tùy theo nghiệp nhân mà chúng hữu tình có sự hưởng thọ sai khác về nghiệp quả (y báo và chánh báo). Nói rõ hơn, 4 cõi thánh và 6 cõi phàm đều dựa trên cơ sở nghiệp thiện ác theo nguyên lý tự biến và cọng biến.

Theo Duy Thức học, vạn pháp trong vũ trụ từ vật chất đến tinh thần đều do thức biến hiện và mang tính chất nghiệp báo. Vì mang tính chất nghiệp báo nên vạn pháp sanh khởi và phát triển theo quy luật nhân quả. Từ sự sai khác của nghiệp nhân dẫn đến sự sai khác của nghiệp quả kéo theo muôn ngàn sự sai khác về cảm thọ khổ vui. Duy thức học trình bày những cảm thọ quả báo này với cái tên cọng biến và tự biến. Kinh tạng trình bày nghiệp báo qua hai loại: cọng nghiệp (nghiệp chung) và biệt nghiệp (nghiệp chung). Cọng nghiệp tức là nguyên nhân của cọng biến trong đó có tự biến, bất cọng biến là nguyên nhân của tự biến trong đó có cọng biến.

Trong thế giới tánh cảnh, các pháp tồn tại dựa trên bốn hiện tượng sau:

1.  Thuần tự biến.

2.  Thuần cọng biến.

3.  Trong tự biến có xen cọng biến.

4.  Trong cọng biến có xen tự biến.

Thế nào là tự biến?

Tự biến nghĩa là kiến phần thức Alaya của mỗi cá nhân biến hiện ra năm hệ thống tịnh sắc căn (thần kinh hệ). Hệ thống sinh lý này sinh hoạt riêng biệt không liên hệ đến kiến phần thức Alaya của nhiều chúng sanh khác.

Cọng biến là nhiều kiến phần thức Alaya của các chúng hữu tình cùng nhau biến hiện tạo nên thời gian, không gian, sơn hà, đại địa.v.v..thế giới mà tất cả chúng sanh cùng nhau hưởng thọ.

Đây là hai biến tướng thuần nhất (thuần tự biến, thuần cọng biến). Tuy nhiên, thế giới tánh cảnh không phải do một Alaya phát hiện, cũng không phải do nhiều Alaya phát hiện. Trong thế giới tánh cảnh, ngoài sự tồn tại thuần tự biến hoặc thuần cọng biến của các pháp, còn có mối tương quan trùng trùng duyên khởi; trong tự biến có xen vào cọng biến. Năm căn thô phù bên ngoài (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) là do Alaya của cá nhân tự biến, song cũng là biến tướng của Alaya người khác vì đó thuộc hình tướng mà người khác có thể thấy được. Trong cọng biến có xen vào tự biến như vũ trụ quan là thế giới cọng biến nhưng nhà cửa, ruộng vườn thuộc về sở hữu của từng cá nhân, từng gia đình nên có sự hưởng thọ khác nhau. Sự hưởng thọ khác biệt ấy là do kết quả tự biến xen vào.

Nhìn chung, thế giới vũ trụ là tổng thể sản phẩm của tâm thức các loài hữu tình đồng cọng biến và đồng thọ dụng quả báo. Trong cái chung ấy vẫn tồn tại cái riêng về căn thân và hoàn cảnh của mỗi Alaya tự biến; nhiều tự biến thành ra cọng biến. Ví như một vườn hoa khoe sắc là tổng thể của nhiều bông hoa hợp lại, vườn hoa ấy là cọng biến. Nhưng thật ra, mỗi bông hoa đều có sắc đẹp và mùi hương riêng của nó. Cái riêng đó là tự biến trong cọng biến. Khi một bông hoa tàn úa, thế giới tánh cảnh của vườn hoa dường như không mất cái gì, chúng vẫn hiện hữu để reo cười với bướm, nhưng thật ra, thế giới tánh cảnh cọng biến của vườn hoa có mất đi một phần nhỏ.

Động lực của sự biến hiện ấy là nghiệp, là năng lực phát động từ những hành vi có tác ý, mong cầu, dục vọng của mỗi cá nhân. Thức thứ sáu đóng vai trò chủ động trong việc tạo nghiệp này. Chính vì nghiệp lực tác động vào hạt giống ngã tướng và pháp tướng trong Alaya tạo nên căn thân và thế giới. Căn thân và thế giới thuộc về QUẢ, là Y Báo và Chánh Báo của chúng hữu tình.

Y Báo: Tức chỉ cho quả báo hoàn cảnh như: điều kiện văn hóa, xã hội, kinh tế, nền dân chủ của một quốc gia, rộng ra là toàn thể vũ trụ.

Chánh Báo: là quả báo về căn thân như năm giác quan và những điều kiện sinh tâm lý khác.

Y Báo và Chánh Báo thuộc về nghiệp quả, tức là kết quả của hành động xuất phát từ những hành động thuộc về thân thể (thân nghiệp), lời nói (khẩu nghiệp) và suy nghĩ (ý nghiệp).

Trong ba nghiệp vừa kể trên, Ý Thức thứ sáu là chủ thể phát động của nghiệp lực. Xét về phần ô nhiễm, tội lỗi thì Ý Thức thứ sáu đứng đầu, nhưng xét về mặt tu tập hướng thượng, thì công của thức thứ sáu này cũng không nhỏ. Vì Ý Thức chủ động tạo nên ba nghiệp nên ảnh hưởng rất lớn đến nghiệp quả. Nghiệp quả này một mặt do ảnh hưởng nghiệp quá khứ nơi tiềm thức, một mặt do ảnh hưởng hiện nghiệp nơi tâm mình và tâm người khác tạo ra những chủng tử thương ghét đối đãi trong thức tạng. Nghiệp quả quá khứ là kết quả tổng hợp những điều đã làm được chứa nơi thức thứ tám. Bát Thức Quy Cũ gọi nghiệp quả này là Dẫn Nghiệp. Khi thọ mạng đã hết, Dẫn Nghiệp dẫn dắt chúng sanh đầu thai vào loài này hoặc loài khác, cõi này hoặc cõi khác. Đối với người tạo nhiều phước thiện, sau khi chết, Dẫn Nghiệp sẽ dắt thần thức thác sanh vào cõi trời. Nếu chúng sanh tạo nhiều điều ác, Dẫn Nghiệp sẽ dắt thần thức tùy nghiệp chiêu cảm lấy ác báo ở ba đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu nghiệp lực của chúng sanh ấy tương đối giữa thiện và ác, Dẫn Nghiệp sẽ dắt thần thức thác sanh vào cõi người.

Dẫn Nghiệp là động lực cho đời sống hiện tại. Cá nhân chịu tất cả các quả báo thiện hoặc ác của túc nghiệp (nghiệp trong quá khứ) và hiện nghiệp (nghiệp hiện tại) để đền ơn, báo oán, vay trả lẫn nhau. Tại sao sự vay trả của nghiệp báo lại có sự góp mặt của hiện nghiệp? Vì sự tác động của túc nghiệp cũng như sức đẩy của một mũi tên được bắn ra, đến một chừng mực nào đó, sức đẩy không còn thì mũi tên sẽ rơi xuống. Vì vậy túc nghiệp đóng vai trò chính trong việc tái sanh và phát họa mô hình Y Báo- Chánh Báo của mỗi chúng sanh ở đời sống hiện tại. Trong giai đoạn hiện tại, cá nhân chịu ảnh hưởng một phần nghiệp quá khứ, một phần do ảnh hưởng nghiệp hiện tại khiến nghiệp báo hóa thành cụ thể trong từng lúc, từng nơi, từng việc, mỗi người mỗi khác cho đến khi viên mãn cái báo thân riêng của từng cá nhân, nên gọi là Mãn Nghiệp. Hiện nghiệp có thể nối tiếp hành vi thiện ác ở quá khứ làm cho những chủng tử có sẳn trong Alaya mạnh hơn, cũng có thể chuyển đổi những chủng tử tại Alaya bằng cách huân vào những nghiệp nhân mới.

Vì vậy, nhân quả hay nghiệp không phải là cái gì bất di bất dịch, nó là pháp vô thường và con người có thể chuyển biến, thay đổi tùy theo ý chí mạnh hay yếu của họ. Vấn đề mà Đạo Phật quan tâm không phải là sự hoài niệm về cái nhân quá khứ, mà là định hướng cho hành vi tạo tác (xúc) giữa thân căn và thế giới (căn- trần- thức) trong hiện tại. Hay nói cách khác, lối đi của giải thoát chân thực thật sự không phải là hoài niệm về nghiệp quả của năm uẩn mà chính là cải tạo nghiệp nhân, hành vi tạo tác của năm uẩn. 

 
 

Chương 4

TRỰC NHẬN NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI SỐNG TU TẬP

Nếu khổ đau là một thực trạng hằng hiện hữu trong cuộc sống đối đãi thì việc mưu cầu hạnh phúc luôn là mục đích then chốt mà nhân loại mãi tầm cầu. Thông thường, chẳng có mấy ai chịu khó truy quả tầm nhân; họ cứ chạy đuổi theo ảo ảnh hạnh phúc để vui cười với nó khi thuận ý xuôi dòng, hoặc trách đất than trời khi mong cầu không được toại ý. Trong Kinh Kim Cang Đức Phật dạy: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”(muốn biết nhân đời trước, hãy xem quả hiện tại. Muốn biết quả đời sau, hãy xem nhân hiện tại).

Cuộc sống hiện tại phản ánh nghiệp nhân quá khứ và nghiệp quả ở tương lai. Cội nguồn xuất phát của nghiệp nhân là tâm “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác…” Cái tâm, ý, suy tưởng vô hình nhưng nó lại tạo ra hết thảy báo ứng của nghiệp. Trong đó, tác ý là đơn vị nhỏ nhất của một tâm niệm. Từ đơn vị tác ý, Tâm thức phát họa nên một dòng biến động ngất trời để hình thành thế giới nghiệp duyên. Cái nghiệp nhân ấy biến dịch, xoay vần mãi, khi đội lốt người, khi mang hình dáng thú, trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Mỗi khi ý nghĩ, thân động, miệng nói dù thiện hay ác cũng kết thành sợi dây vô hình bền chặt chứa trong Alaya qua hình thức chủng tử, làm nhân quyết định sanh thú an vui hay đau khổ của đời sống kế tiếp. Hiểu được quy luật nhân quả quay đều khắp càn khôn vũ trụ và hiểu được cường độ của nghiệp quyết định ở chỗ dụng tâm chứ không phải quy mô và hình thức của sự việc, hành giả cần phải khéo dụng tâm và trực nhận nhân quả trong đời sống tu tập để thay đổi nghiệp nhân, tu nhân giải thoát để trút đi gánh nặng sanh tử.

4.1.THAY ĐỔI NGHIỆP NHÂN:

Thay đổi nghiệp nhân không đơn thuần như người thợ làm vườn thay đổi giống hoa dại, rẻ tiền để thay vào những giống hoa kiêu sa, đài cát; thay đổi không có nghĩa là sự đổi chủ thay ngôi vì mục đích danh vọng và lợi dưỡng. Sự thay đổi nghiệp nhân tức là làm cuộc cách mạng để trở về với Bản lai diện mục của chúng ta, về với Chân Tâm Thường Trú đã bị áng mây vô minh, vọng tưởng che khuất. Nói cách khác, thay đổi nghiệp nhân, tức là thay đổi tư duy, ngôn ngữ và hành động của ba nghiệp thân - khẩu - ý.

4.1.1. Về suy nghĩ:

Khi tìm hiểu nguyên nhân của luân hồi sanh tử đối với ba pháp năng biến, chúng ta thấy công năng và diệu dụng của Thức Thứ Sáu vô cùng rộng lớn, bên ngoài ý Thức thứ sáu duyên với năm trần cảnh để phân biệt các pháp, bên trong nó thông đồng với Mạt Na để phát họa mô hình ngã tướng- pháp tướng. Nên nói: “ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ tạo tác…”

Ý ở đây là chỉ cho mô hình ngã tướng và pháp tướng mà Ý Thức Thứ sáu đã phát họa. Thông thường, khi gặp cảnh khả ái khả lạc, ý vui thích. Liền khi ấy, tâm tham khởi lên kết hợp với bản chất cố chấp của Mạt Na rồi tự trói buộc ảnh tử khả ái ấy đưa vào tàng thức. Nếu Ý Thức thứ sáu xét thấy đối tượng ấy xấu xa nhàm chán, sân tâm liền khởi lên và muốn tẩy trừ hất hủi, ảnh tử đáng chán này vẫn được Mạt Na thu nhặt đưa vào thức thể Alaya. Ở đâu có sự hiện hữu của tâm tham lam, sân hận, thì ở đó đã có sự đồng lõa của si mê. Vì sao? Vì si mê mới lầm chấp hơn thua, đẹp xấu; vì si mê mới khởi lòng tham muốn và sân hận. Tham, sân, si có mối tương quan mật thiết, cùng tác động lẫn nhau đồng thời mở cánh cửa nghiệp lực. Cho nên, trong Kinh Hoa Nghiên Đức Phật dạy:

Nhược nhơn dục liểu tri

(Nếu ai muốn rõ biết

Tam thế nhất thiết Phật

Ba đời mười phương Phật

Ưng quán pháp giới tánh

Nên quán tánh pháp giới

Nhất thiết duy tâm tạo.

Tất cả do tâm tạo.)

Pháp giới thiện hay bất thiện đều do tâm tạo, ” dụng tâm làm thú hướng tái sanh”. Một quả bom hạt nhân quăng xuống giết bao mạng người há không phải xuất phát từ ác tâm kẻ chế tạo là gì? Một đứa trẻ đang đi, bỗng dừng lại giữa đường và cúi xuống nhặt cây đinh đang chỉa mũi nhọn lên trời, há không phải xuất phát từ thiện tâm hay sao? Biết rõ chỗ cội nguồn của tâm, hành giả cần giữ chắc tâm ý, hướng nó vào thiện nghiệp để gặt kết quả tốt cho đời sống của ta và mọi người xung quanh ở hiện tại và tương lai.

Ý nghiệp thuộc căn bản phiền não, là cội gốc của tham, sân, si. Một niệm sân hận khởi lên chẳng khác nào một cơn lốc đen làm mở toan những cánh cửa trần lao phiền lụy. Thay đổi ý nghiệp là thay đổi cội gốc của sự việc, ngăn ngừa khi nó mới tượng hình và chưa phát khởi hiện hành. “Tâm kẻ phàm phu thường xao động biến hóa rất khó chế phục gìn giữ, nhưng kẻ trí lại biết chế phục tâm mình làm cho chính trực một cách dễ dàng, như thợ khéo uốn nắn mũi tên.” [Pháp Cú , kệ 33, Phẩm Tâm]. Người biết tu tập là người biết chế tâm “chế tâm một chỗ, không có việc gì mà không thông suốt”.

4.1.2. Về lời nói:

Tục ngữ có câu: “bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”. Nói như vậy quả là quá phiếm diện! Bởi vì hết thảy chúng sanh đều phải nhờ ăn uống để nuôi thân mạng, và con người sỡ dĩ được xem là động vật “tối linh” là vì con người có ngôn ngữ. Chính ngôn ngữ đưa con người đến chỗ được kính trọng nể vì, cũng chính ngôn ngữ kéo họ xuống hố sâu mà người đời miệt thị.Vì vậy, khi chế năm giới căn bản cho hàng Phật tử tại gia, ở giới thứ tư, Đức Thế Tôn đã ân cần khuyên dạy đệ tử Phật không được nói dối, không nói thiêu dệt, không nói lưỡi hai chiều và không nói lời thô ác. Trong Tứ Nhiếp Pháp, Aùi Ngữ Nhiếp là hành trang không thể thiếu cho bất cứ ai muốn thành công trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Bởi vì ngôn ngữ là tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách của một cá nhân. “Nghe tiếng hót của con chim, người ta biết được đó có phải là giống chim quý hay không. Nghe ngôn ngữ của một người, người ta co thể đánh giá đó có phải là người lễ độ hay không”. Ngôn ngữ thô ác, siểm nịnh, khiếm nhã không thể xuất phát từ trái tim biết cảm thông, yêu thương và chia sẻ. Trong Kinh Địa Tạng ghi rõ: “Với kẻ nói lời hung ác, Bồ Tát lấy sự báo ứng, bà con kình chống nhau mà dạy. Với kẻ nói xấu, dèm pha, Bồ Tát lấy sự báo ứng không lưỡi, miệng lỡ mà dạy.” Nhân quả rõ ràng như vậy, sao có thể không tu sữa những lời nói thiêu dệt, dối lừa, tàn hại lân nhau… thành những lời từ ái, chân thật và ôn hòa!

4.1.3. Về hành động:

Hành động thuộc về ba nghiệp ác của thân là sát sanh, trộn cướp, tà dâm và ba nghiệp thiện là trưởng dưỡng tâm từ bi, thực hành bố thí, tu trì tịnh giới. Con người khác vạn vật ở chỗ con người có ý thức trong việc tạo tác hành vi. Hành vi thiện ác của con người sẽ là một dẫn lực hấp dẫn con người đến thú sanh an vui hay sầu khổ. Nghiệp nhân(hành vi) thiện ác quyết định quả báo khổ vui theo quy luật nhân quả. Kinh nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”Vì chỉ sợ quả nên họ vì cái lợi trước mặt mà nhắm mắt làm càng, để khi quả báo đến mới than thân trách phận. Nên biết, muốn có cuộc sống tốt đẹp ở đời sau thì phải sớm thay đổi hành vi hiện tại, tránh tạo nhân tội ác, dù cái ác rất nhỏ:

Chớ chê khinh điều ác

Chớ chê khinh điều thiện,

Cho rằngchưa đến mình,

Cho rằng chưa đến mình,

Như nước chảy từng giọt,

Như nước nhỏ từng giọt

Rồi bình cũng đầy tràn.

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người ngu chứa đầy ác,

Người trí chứa điều thiện

Do chất chứa dần dần.”

Do chất chứa dần dần.”

[Pháp Cú 121]

[Pháp Cú 122]

Thuyết nhân quả- nghiệp báo không phải hô hào trên bình diện lý thuyết mà rất chú trọng đến việc thực hành trong cuộc sống thực tế. Hãy nghĩ lành, nói lành, làm lành để tạo nghiệp lành. Cái khoảng cách giữa kẻ trí với người ngu chỉ trong một niệm tỉnh giác mỏng manh như đường tơ kẻ tóc mà tội phước ngăn cách muôn trùng. Hiểu được như vậy, chẳng những hành giả chế ngự ba nghiệp, quyết thay đổi nghiệp nhân, mà còn vui vẻ đón nhận nghiệp quả như người mắc nợ sẳn lòng trả nợ.

4.2. ĐỐI DIỆN VỚI NGHIỆP QUẢ:

Nói đến nghiệp quả, không ai không nhớ đến tiếng than như cam phận, như bừng tỉnh của Nguyễn Du:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

[Nguyễn Du, Truyện Kiều]

Cái nghiệp nhân chúng ta tự tạo trong quá khứ khi hội đủ nhân duyên liền kết thành nghiệp quả làm thân người hiện tại. Dù có đẹp như Thúy Kiều, có oai hùng như Từ Hải, đanh sắc như Hoạn Thư, dị hợm như Tú Bà hay hạnh phúc như Thúy Vân cũng đều là sản phẩm của từng cái khung Túc Nghiệp (nghiệp quá khứ). Vô minh vọng nghiệp là động lực phát hiện thân căn, thế giới, phát hiện sanh mạng hiện tại để bắt đầu một cuộc trả vay và tiếp nối vòng luân hồi sanh tử. Cái nghiệp quả này không phải là sự mặt khải của Trời, Thần, Quỷ, Vật. Nó chính là những sản phẩm thuần chất mà Đệ lục thức chứa nhóm tiền trần để chế tạo và được Mạt na mang vào cất giữ trong kho tàng Alaya.

4.2.1. Xét về bản thân:

Khi cá nhân chết, nghiệp nhân tiếp tục biến chuyển và chín mùi vào một giai đoạn nào đó. Các chủng tử tại Alaya thức dẫn dắt chúng sanh thọ thân (chánh báo) và hoàn cảnh (y báo). Y báo, chánh báo là kết quả của các nghiệp nhân đã tạo trong giai đoạn sinh mạng trước.

4.2.2. Xét về tha nhân:

Trong cuộc sống, có những người chúng ta vừa mới gặp mặt lầân đầu, đã có cảm giác gần gũi và thân thương như ruột thịt. Lại có những người khi vừa gặp mặt, lại cảm thấy ghét đắng ghét cay. Không ít những số phận hẩm hiu phải đón nhận nhiều bất hạnh, oan ức, đọa đày. Tất cả những hiện trạng sai khác ấy đều không ra ngoài quỷ đạo vay trả của quy luật nhân quả: “Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian này, chẳng có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã gây”. [Pháp Cú số 127]

4.2.3. Xét về nhân quả:

Khi hiểu được việc lành dữ đều có quả báo tương ứng, chỉ khác nhau ở chỗ đến sớm hay muộn mà thôi, thì việc trả quả không còn là vấn đề phải suy nghĩ nữa. Có vay thì phải trả, không trả với hình thức này thì cũng phải trả với hình thức khác. Người có trí, hiểu lý nhân quả, không bao giờ trốn tránh nghiệp quả mà phải đối diện với nghiệp quả, nhìn thẳng vào nghiệp quả bằng thái độ bình thản và tỉnh giác.

Cuộc tương hội giữa cha - con, vợ - chồng, anh- em, bè - bạn, họ hàng quyến thuộc, v.v… là bắt đầu cho một vỡ kịch đền ơn, báo oán, vay trả lẫn nhau trên sân khấu cuộc đời mà cá nhân mỗi người là diễn viên chính. Ngôn ngữ dân gian gọi là “duyên nợ”. Theo Phật giáo, chữ “duyên” là chỉ cho thiện duyên, đưa đến hạnh phúc, an lạc. “nợ” là chỉ cho ác duyên, là tương hội để báo oán, để trả thù, để đòi nợ. Vua A Xà Thế đời trước có oán thù với vua Tần Bà Sa La nên món nợ máu ấy thôi thúc A Xà Thế giết vua cha để giành ngôi báo. Trong một kiếp quá khứ, Ngộ Đạt Quốc sư vì xử án oan, giết lầm Triệu Thố còn bị Triệu Thố báo oán bằng cách hiện hình ghẻ mặt người nơi đầu gối, làm cho Ngộ Đạt Quốc Sư đau nhức thấu xương. Sau đó, nhờ Ngài A Nhã Ca dùng nước Từ Bi mới rửa sạch mối oan khiêm. Nên Kinh nói: “giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”. (Tạo một nghiệp nhân gì, dù đến trăm ngàn kiếp cũng không mất, khi hội đủ nhân duyên, phải nhận lấy quả báo.)

Hiểu được luật nhân quả, chúng ta không còn cầu đảo, vang xin sự ban ân, che chở của những thế lực siêu nhiên huyền bí, cũng không bi quan, bất lực đầu hàng nghịch cảnh. Nghiệp báo do mình gây ra thì dù cho hiện đời có phải đối đầu với những nỗi bất hạnh lớn lao, chúng ta vẫn an nhiên tự tại, không than trời trách đất, không tuyệt vọng, bi quan. Phải đối diện với nó để quán xét như quán xét và suy nghiệm một đề mục thiền quán. Nếu có ai ám hại ta, mạ lị ta, vu khống ta… luật nhân quả soi sáng cho ta biết trong nhiều kiếp về trước ta đã từng gây nhân oán thù với họ. Nếu có người cướp đoạt tài sản của ta, luật nhân quả cho ta biết, những người ấy đã từng là chủ nợ của ta trong chuổi sống luân hồi. Nhân quả báo ứng như bóng theo hình, không sai chạy mảy may. Chỉ tiếc, chúng sanh luôn sống theo vọng tưởng điên đảo, ba độc tham, sân, si làm cuồn loạn tâm trí nên cứ mãi tham cầu không biết chán. Người vay nợ không biết rõ số nợ minh đã vay là bao nhiêu, người chủ nợ cứ đòi mãi vẫn chưa thấy đủ. Sự vay trả, trả vay cứ thế chất chồng làm rối tung những sợi dây oan nghiệt. Muốn chấm dứt lưới vô minh ấy, hành giả phải khơi đèn trí tuệ, chuyển thức thành trí.

4.3. ĐỐT ĐUỐC CHÁNH NIỆM, CHUYỂN HÓA NỘI TÂM:

Đạo Phật chú trọng đến con người. Nền giáo lý uyên áo của Đạo Phật nhằm mục đích giải thoát con người ra khỏi mọi hệ lụy khổ đau nhân thế. Con người là một chủng loại trung giới nối liền Phật giới với chúng sinh giới. Khác với những loài động vật khác, con người có toàn quyền định đoạt cuộc sống của chính mình. Đức Phật dạy: “con người là hơn cả” (nhân thị tối thắng cố), vì con người có khả năng điều khiển cuộc đời mình. Bằng “chánh niệm tỉnh giác” con người có thể giải phóng nghiệp quả, tịnh hóa chúng bằng cách chuyển hóa nội tâm, huân tập vào Tạng Thức những chủng tử thánh thiện, lành mạnh.

4.3.1. Chánh niệm tỉnh giác:

Ở chương ba, người viết đã trình bày sơ lược về sự vận hành của tám thức tâm vương. Trong tám thức này, Ý Thức thứ sáu là lanh lợi hơn hết. Thức thứ sáu nương nơi ngũ căn để tiếp với trần cảnh và phân biệt tiền trần. Bản chất của Thức thứ sáu lăn xăn như khỉ chuyền cành nên các nhà Duy Thức học thường nói “tâm viên ý mã”. Chư Cổ Đức còn ví tâm ý như chàng họa sĩ, có thể phát họa ngũ ấm thế gian. Chính vì sự buông lung này, Ý Thức đã đóng vai trò tiên phong cho đạo quân vô minh nghiệp chướng. Muốn cải thiện cuộc sống, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, người hành giả phải biết điều chỉnh tâm ý của mình:“Muốn làm chủ được thời cuộc, phải làm chủ được người xung quanh. Muốn làm chủ người xung quanh, phải làm chủ lấy chính mình”. Làm chủ chính mình là cách sống Thiền - Chánh niệm tỉnh giác. Nói cách khác, làm chủ chính mình tức là “rõ biết” về suy nghĩ, ngôn ngữ và hành vi của mình, không để Ý Thức xuôi theo thói quen của nghiệp thức.

Ví như một người có thói quen chưởi thề, muốn thay đổi thói quen ấy, trước hết người này phải ý thức được việc chưởi thề la một thói quen xấu cần phải bỏ. Người này luôn ghi nhớ “chưởi thề là thói xấu cần phải bỏ” thì thói quen chưởi thề sẽ không có cơ hội hiện hành. Có thể lúc đầu người này khó sửa đổi vì thói quen xấu ấy đã trở thành tập khí. Nhưng nhờ có Tỉnh Giác trong Chánh niệm nên dần dần người này không còn chưởi thề nữa.

Cũng vậy, trong vòng luân hồi bất tận từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta đã gieo vào trong tâm thức biết bao nhiêu hạt giống ganh ghét, ích kỷ, hận thù, khát ái, yêu thương, v.v.. có những hạt giống đã đủ duyên trổ quả và phát khởi hiện hành, có những hạt giống cô đọng lại, nằm ẩn sâu trong thức tạng, có những hạt giống đang trở mình chờ đợi trận mưa duyên. Dù ở dạng hình thức nào, những hạt giống ấy vẫn sinh tồn và vận hành theo quy luật “hằng chuyển như bộc lưu”. Nhờ tính vừa hằng lại vừa chuyển này , chúng sanh có thể tu tập để chuyển hóa nội tâm, thay đổi nghiệp lực. Mỗi pháp môn tu tập là một cách huân tập nghiệp nhân chủng tử thanh tịnh mới và đẩy lùi những chủng tử ô nhiễm trước đây. Chánh niệm tỉnh giác, xưng niệm hồng danh Đức Phật, quán tưởng tướng hảo của chư Phật, chư Bồ Tát là cách huân tập những hạt giống từ bi, trí tuệ, hoan hỷ, thanh tịnh vào chủng tử của mình và áp đảo những ý niệm điên đảo, vọng tưởng của vô minh phiền não. Được thấm nhuần chủng tử tốt, Alaya sẽ được thanh tịnh hóa dần dần, đó là điều kiện căn bản mà mỗi cá nhân đều có thể tự tạo một thế giới cọng nghiệp tốt đẹp cho chính mình.

4.3.2. Trực nhận phiền não(vọng thức):

Vì sao phải nhận diện phiền não? Phiền não được thể hiện qua nhiều hình thức, nhưng chung quy lại không ngoài những khối vui buồn, lo sợ, khổ đau được tích tụ trong lòng ta. Nó vô hình vô tướng, nương sáu căn theo thời gian dần dần nội kết thành một “khối” trong lòng ta. Ví như người mới tập hút thuốc, mới hút thì chẳng thấy gì, những lúc buồn , ngồi một mình nhả khói thuốc cảm thấy hay hay, ngày qua tháng lại người ấy nghiện thuốc lúc nào không biết. Trong cuộc sống tình cảm cũng vậy, khi tiếp xúc với một người gọi là “tâm đầu ý hợp”, chúng ta “nghiện” lời nói, ánh mắt, nụ cười của người ấy lúc nào không hay. Cho đến khi thiếu vắng người ấy, ta mới cảm thấy khổ đau vì cảm giác cô đơn, trống vắng. Như Xuân Diệu đã nói:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hôn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhẹ nhẹ gió hiu hiu...

[Xuân Diệu, Vì Sao]

Nếu mình có chánh niệm, khéo hộ trì sáu căn thì dù cho phiền não nội kết có tinh vi đếm thế nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra, kịp thời ngăn chận. Đuốc chánh niệm không những giúp cho hành giả tỉnh giác trong cuộc cách mạng giải phóng những chủng tử nhiễm ô, để ánh trăng chân như hiển lộ, đuốc chánh niệm còn giúp hành giả nhận diện bộ mặt thật của phiền não, sản phẩm của các nghiệp ác. Đức Thế Tôn đã xác định: “A Nan! Nếu không đoạn trừ được ba nghiệp không lành của thân, khẩu, ý thì mỗi chúng sanh đều có phần tội riêng mình. Từ những cái riêng tương tợ hợp thành cái đồng phận chung tương tợ cho nên cảnh địa ngục khổ đau không phải là không có chỗ nhất định. Tất cả đều do vọng kiến của tự mình sanh ra, mà vọng thì không chân, không thể truy nguyên nguồn gốc được”[Kinh Thủ Lăng Nghiêm]

Vọng kiến sai lầm của chúng sanh tạo nên nỗi thống khổ trong Tam Giới này. Vì nó là vọng, huyễn sanh, huyễn diệt nên chỉ cần biết rõ vọng thì vọng liền tan. Vọng và chân cũng như ánh sáng và bóng tối, nơi nào có ánh sáng xuất hiện, thì bóng tối liền tan biến.

Từ vô lượng kiếp, chúng ta cứ xuôi theo dòng đời mà huân vào chủng tử những tập khí thế gian. Thói quen thuận dòng đời này khiến chúng ta cảm thấy vui thích khi thỏa mãn tham dục. Aùnh sáng chánh niệm giúp chúng ta ý thức “vui trong tham dục vui rồi khoå” bởi cái niềm vui ấy phát sinh từ cội gốc phiền não thì làm sao tránh khỏi khổ lụy vào thân. Trực nhận phiền não chính là nhận diện động cơ chính phát sanh ra vọng thức. Trực nhận phiền não là cách nhận định chánh tà một cách rõ ràng, để khỏi rơi vào sai lầm “nhận giặc làm con”. Sanh tử luân hồi hay Niết Bàn vô thượng cũng từ cái Tâm này sanh khởi. Khế Kinh dạy:”Tâm là căn bản của Bồ Đề, Niết Bàn, nếu khéo vận dụng sống theo con đường chánh pháp; trái lại tâm là nguồn gốc của luân hồi sanh tử, nếu đánh mất hoặc không phát hiện cái chân tâm thường trú của mình”. Sống theo chánh pháp, tức là sống theo Thánh Đạo Tám Nghành, vung gươm trí tuệ để phá lưới vô minh, chặt dây tham ái.

4.3.3. Trở về với chân tâm (tuệ giác):

Người viết dùng từ “Trở về với chân tâm” là vì Bản Lai Diện Mục, Như Lai Tạng, Chân Như …sẳn có trong mỗi chúng sanh, chỉ vì vô minh vọng kiến che lấp nên Thể Tánh Tịnh Minh ấy không hiển lộ được. “Nhất thiết chư pháp, tùng bổn dĩ lai, ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng, tất cánh bình đẳng, vô hữu biến dị, bất khả phá hoại, duy thị nhất tâm, cố danh chân như”. (tất cả các pháp, từ xưa đến nay, lìa các tướng nơi lời nói, nơi chữ nghĩa, nơi tưởng tượng, tuyệt đối bình đẳng, không có thay đổi, không có hư hoại, cùng chung một bản thể sáng suốt của nhất tâm, nên gọi là chân như)[25, 234]

 “Trở về” không có nghĩa là chúng ta từ chối thực tại để trở về với một cảnh giới Niết Bàn tìm lại Chân tâm. Trở về, tức là sống an lạc trong giây phút hiện tại, ý thức rõ từng động tác khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, nói chuyện.v.v.. Thực tập chánh niệm để ý thức được những cảm thọ khổ, vui xảy ra trong tâm mình nhằm làm cho thế lực phiền não suy yếu cho đến khi chúng hoàn toàn bị tiêu diệt.

Trở về với Chân Tâm là cách nói khác về ngũ vị tu chứng và chuyển thức thành trí của Duy thức học (chuyển tiền Ngũ Thức thành Thành Sở Tác Trí, chuyển Ý Thức thành Diệu Quang Sát Trí, chuyển Mạt Na Thức thành Bình Đẳng Tánh Trí và chuyển Alaya thức thành Đại Viên Cảnh Trí). Trở về với Chân Tâm, theo cách nói của nhà Thiền là thấy được Bản Lai Diện Mục; theo cách nói của Tịnh Độ Tông là đạt đến chỗ Niệm Phật Tam Muội.

Ở đây, người viết chỉ muốn mượn lăng kính Duy thức để trình bày Nhân Quả Nghiệp Báo. Vì vậy, trở về với Chân tâm tức là dùng năng lượng chánh niệm an trú trong phút giây hiện tại. Không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai, chấm đứt cuộc phiêu lưu của tâm ý, trở về sống an lạc trong giây phút hiện tại, gieo nhân giải thoát để hưởng quả Niết Bàn.

Như ánh sáng mặt trời

Chiếu soi loài cây cảnh

Chánh niệm khi thắp lên

Chuyển hóa mọi tâm hành.   (6, kệ 45)


 

 PHẦN KẾT LUẬN

Lăng kính Duy Thức cho chúng ta thấy Nhân Quả- Nghiệp Báo của Đạo Phật không phải là một áng văn định mệnh của Đấng Tạo Hóa toàn năng ấn quyết cho mỗi số mệnh nhân sinh. Thuyết Nhân Quả- Nghiệp Báo của Đạo Phật tôn vinh trách nhiệm và giá trị con người, thúc đẩy con người luôn hoàn thiện mình, sống đạo đức, có lý trí và theo lẽ phải, khích lệ con người hành động tích cực để tiến bộ. Khi con người biết rõ:

Tác tại tâm, ương tại thân

Bất tu oan tố cánh vưu nhân

Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp

Mạc báng Như Lai chánh pháp luân”

(Dấy khởi niệm, dữ lành TÂM chủ động

Nghiệp hiện hành, Thân chịu hậu quả kia

Chớ trách ai, đừng đổ lỗi oan khiêm nào

Nghiệp vô gián, muốn tránh xa hãy tu học Như Lai chánh pháp)

[Chứng Đạo Ca, thi ca 41]

Nếu vô minh- nghiệp chướng dẫn dắt chúng sanh bôn ba trong thế giới hiện tượng giả huyễn, vô thường sanh diệt để chịu trầm luân trong biển khổ sanh tử, thì Chánh Pháp của Như Lai mở cửa Chân Như, để mỗi chúng sanh bước vào cảnh giới thường trụ, an lạc, không hư vọng, không sanh diệt và không biến hoại. Chánh Pháp của Như Lai cho chúng ta thấy Đấng tạo hóa kia không ai xa lạ, chính là Tâm thức cũa chúng ta, “Tam giới duy Tâm, vạn pháp duy thức”.

Thật vậy, vạn pháp hiện có mặt trong thế gian đều do tâm thức xây dựng và biến hiện nên. Tứ Thánh, lục phạm đều sẵn có trong một cái TÂM. Thức chính là sự tác dụng của Tâm, trong đó Ý Thức là chủ thể phát động cho nghiệp lực. Bởi vì, chỉ có Ý Thức thứ sáu mới có khả năng phân biệt được tánh chất, giá trị và ý nghĩa của vạn pháp. Alaya là căn bản cho việc xây dựng và bảo tồn vạn pháp. Mạt Na có bổn phận bảo vệ Alaya và làm nhịp cầu nối cho Ý Thức thứ sáu và Alaya.

Tóm lại, trong tám thức Tâm vương, ý thức thứ sáu và thức Alaya thứ tám là hai tâm thức căn bản, đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng và phát huy vạn pháp ở thế gian. Trong đó, bản chất của Alaya vô phú vô ký, nên nó hàm chứa hết thảy chủng tử thiện ác mà Ý thức thứ sáu tạo ra. Cho nên, tu học Như Lai chánh pháp chính là thanh lọc tâm ý mình. Bằng những ngôn từ thiết thực, Thế Tôn dạy về phương pháp tu học Chánh Pháp không ngoài:”không làm các việc ác, làm tất cả việc lành, gột rử tâm ý mình” (chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật Giáo)

“Chỉ ác tác thiện” là điều mà ai ai cũng nói được, nhưng thực hành phương châm ấy lại tùy thuộc rất nhiều vào khả năng nhận thức và ý chí của mỗi cá nhân. Hằng ngày, chúng ta tạo nghiệp bằng ý nghĩ, bằng lời nói và thân hành động. Nghiệp này nối tiếp nghiệp kia, nghiệp sau tác động trở lại nghiệp trước tạo nên vòng tròn của bánh xe sanh hóa mà trục của nó là căn bản vô minh nghiệp tướng. Năng lực của nghiệp tuy mạnh, nhưng khi tu tập đến ngôi hiền thánh, chứng quả giải thoát thì nghiệp lực chuyển động và tiêu ngay. Vấn đề là phải tu tập theo đúng nguyên tắc nghiệp lực, tức tu giới- định- tuệ.

Giới là hàng rào ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp thân- khẩu- ý, trong đó, ý thức đóng vai trò chủ chủ động. Nhờ hàng rào giới, hành giả làm chủ được những nghiệp nhân đang sanh khởi và sẽ sanh khởi trong tâm thức mình. Khi Ý Thức không còn buông lung theo trần cảnh, tâm được định tỉnh, sức nảy nở của ác nghiệp bị khống chế, guồng máy giả dối của nghiệp lực bị tiêu diệt, thế lực ô nhiễm ẩn mình trong Tàng Thức bị đẩy lùi, ánh trăng Chân Như dần dần thể hiện. Lúc bấy giờ, căn bản vô minh nghiệp tướng bị tiêu diệt hoàn toàn thức thể Alaya được chuyển thành Đại Viên cảnh Trí.

Hiểu rõ lý nhân quả qua lăng kính Duy thức, hành giả sẽ không còn tin tưởng, nương tựa bất cứ thế lực siêu nhiên nào. Quả vịï giải thoát, giác ngộ hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng tự điều phục của mỗi người:

Hãy nương tựa chính mình

Chớ nương tựa ai khác

Người khéo điều phục mình

Đạt chỗ tựa khó đạt.

[Pháp Cú số 160]

Lời dạy của Đức Thế Tôn như một hồi chuông cảnh tỉnh, giúp người hành giả tỉnh giấc mơ hoang, quay về với thực tại. Từ lâu, chúng ta mãi lặn hụp trong đêm tối vô minh, tà kiến, tâm buông lung tạo nhiều ác nghiệp. Những ác nghiệp ấy dẫn dắt chúng ta đi mãi, đi mãi trong biển khổ sanh tử. Đấng Đại Giác Thích Ca Mâu Ni vì lòng bi mẫm, thị hiện độ sanh, chỉ cho ta biết hạt giống Phật sẳn có trong mỗi chúng sanh từ vô thỉ, chỉ vì vô minh, vọng niệm che khất làm cho Phật Tánh không hiển bày. Tìm hiểu nhân quả qua lăng kính Duy thức, chúng ta thấy mọi hành nghiệp thiện ác đều do tâm tạo. Tâm vọng tưởng, tà kiến thì tạo nghiệp đau khổ luân hồi; Tâm thanh tịnh, tỉnh giác dẫn đến quả giải thoát an lạc. “Tất cả các pháp do Tâm tạo”. Vì vậy, người tu học Chánh pháp cần phải tự mình đốt đuốc chánh niệm, thay đổi nghiệp nhân tốt, chuyển hóa các chủng tử ô nhiễm thành thanh tịnh, cải tạo ác nghiệp, vun bồi thiện nghiệp. Khi hành giả diệt trừ một phần phiền não, ô nhiễm thì nội tâm bớt đi một phần hư vọng và thêm một phần thanh tịnh.

Tu học Như Lai Chánh Pháp chính là chuyển hóa nghiệp quả, cải tạo nghiệp nhân vì mục đích liễu sanh thoát tử.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

[1] Ban Hoằng Pháp Trung Ương, Phật học cơ bản, tập 1&3. nxb.TP HCM

[2] Chùa Quy Sơn, Pháp bảo sưu tập, Vũng Tàu 1971

[3] Đức Nhuận, Phật học tinh hoa, viện triết lý Việt Nam & triết học thế giới, California xb 1995

[4] Giải Minh, Biện minh duy thức học, 1996

[5] Nhất Hạnh, Vấn đề nhận thức trong duy thức học, Lá Bối

[6] Minh Chi, Quan niệm của Phật giáo đối với sống chết, nxb TPHCM 2002

[7] Phật tử Khánh Anh, Duy thức triết học, Giác Nguyên Phật Học Đường xb

[8] Tâm Minh Lê Đình Thám, Bát thức quy củ tụng, nhà xuất bản Thuận Hóa.

[9] Thạc Đức, Duy thức học thông luận, Phật Học Đường Nam Việt xb

[10] Thạc Đức, Đạo Phật qua nhận thức mới, Hội Phật học Nam việt Xuất bản

[11] Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận

[12] Thích Chân Quang, Luận về nhân quả, nxb Tôn Giáo

[13] Thích Minh Châu, Thắng pháp tập yếu luận, Tu Thư Viện ĐH Vạn Hạnh.

[14] Thích Tâm Giác, Tìm hiểu duy thức học, tập 1&2, Nha Tuyên Uùy Phật Giáo Ấn hành

[15] Thích Nhất Hạnh, Giảng luận duy biểu học, Lá Bối 1996

[16] Thích Từ Thông, Duy thức học cương yếu

[17] Thích Nguyên Ngôn biên soạn, Giáo trình duy thức học cương yếu, lưu hành nội bộ

[18] Thích Thiện Hoa, Duy thức học, nxb Tôn Giáo

[19] Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, quyển 1&3 - THPG TPHCM ấn hành 

[20] Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý

[21] Thích Thắng Hoan, Khảo nghiệm duy thức học tâm lý học thực nghiệm

[22] Thích Thiện Siêu, Chữ Nghiệp trong Đạo Phật, nxb Tôn Giáo 2002

[23] Thích Thiện Siêu, Thành duy thức luận, VNCPHVN ấn hành 1996

[24]  Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh, tập 3,

[25]  Thích Minh Châu, Tương Ưng Bộ Kinh, Phẩm mới và cũ 

[25]  Trí Không, Những bài giảng mẫu, Ban Hoằng Pháp GHPGVN

[27]  Trí Quang dịch, Khởi tín luận

[28]  Tuệ Quang, Duy thức học, Huyền Cơ Phật Học Viện

[29] Junjiro Takakusu, Tuệ Sĩ dịch, Các tông phái của Đạo Phật, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1973

(Có một số sách người viết lấy từ trang web www.quangduc.com nên không biết nơi xuất bản. Xin chân thành cáo lỗi tác giả và chư độc giả.

 

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 1-9-2005

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

罗刹女 uong quat ma 护法 blogger 上人說要多用心 ý 多彩的活动作文六年级 ทาตอะไรเป นองค 这次不再错过的作文题目开头 ç 明开夜合 åº 长寿和尚 宗教五寶 梵僧又说我们五人中 义云高世法哲言 僧人心態 tÃÆ 市町村別寺院数 phật giáo đem lại lợi ích gì cho tuổi æµæŸçåŒçŽ 生日快乐 Hạnh phúc рикна 弘忍 å çœ¼ä½ æ Từ thiện tha long theo Để драма18 Cồn Hoạ Bên 横浜 永代供養 Phật Tản mạn mùa hạ 淨行品全文 lien mÊç å ä¹ chua 我心中最亮的星体育健儿作文 the vn tÃƒÆ B o ngÒ 关于文化的名人名言