Tương truyền 500 năm về trước, tại huyện Mỹ Nùng có một vị tu
hành đức hạnh tên là Chánh Thông pháp sư, nhân muốn lập một tòa tùng lâm tại nơi
này, đã đặt chân khắp nơi để tìm địa điểm mà vẫn chưa tìm thấy.
Có một đêm, pháp sư ra suối tắm, khi trở về qua khu rừng, dưới ánh trăng trong
vằng vặc, bỗng nghe có tiếng nho nhỏ gọi:
- Lão Pháp sư! Lão Pháp sư!
Người dừng bước trông chung quanh không thấy một bóng ai cả, trong lòng lấy làm
kỳ quái tưởng là mình nghe lầm nên cứ thản nhiên tiến về thảo am. Nhưng vừa đi
được vài bước, lại nghe có tiếng gọi:
- Pháp sư! Lão Pháp sư!
Chánh Thông pháp sư liền theo hướng tiếng gọi phát lên mà tìm đến coi thử thì
thấy trong đám cỏ dại um tùm trước hoang viện, hiện ra một người giống hệt dáng
hồ ly, chắp tay vái pháp sư.
Pháp sư hoan hỷ hỏi:
- Thế ra nhà ngươi gọi ta?
- Dạ đúng! Người đó trả lời.
- Vậy ngươi có chuyện gì muốn nói cùng ta Pháp sư hỏi. Người đó chớp chớp đôi
mắt nói:
- Có phải lão Pháp sư định tìm một địa điểm để xây dựng tu viện?
- Làm sao ngươi lại biết?
- Dạ, con là người ở xứ này, có biết một chỗ rất thích hợp cho việc kiến trúc tu
viện. Nếu Pháp sư bằng lòng con xin đưa Pháp sư đi coi.
Pháp sư nở một nụ cười sung sướng:
- Nguyên lai như thế. Vậy địa điểm ở nơi nào, xin ngươi đưa ta coi một phen!
Thế là hai bóng đen, ngay trong đêm đó, một trước một sau, thoăn thoắt băng rừng
lội về nẻo Châu Quán Lâm, ở đây có một khu rừng rộng lớn, cây cối u nhàn, cảnh
sắc tuyệt đẹp. Chánh Thông pháp sư rất lấy làm mãn ý quyết định lập một tòa Tùng
Lâm tại chốn rừng này, lấy tên là Mậu Lâm Tự.
Sau khi thành lập ngôi chùa Mậu Lâm rồi, người khách chỉ đường ấy lại đến nói
với Chánh Thông pháp sư:
- Con hy vọng được ở chốn này với Pháp sư để tu học Phật, vậy xin lão Pháp sư mở
lòng từ bi thu làm đệ tử, phỏng có được không?
Lẽ dĩ nhiên là Chánh Thông pháp sư gật đầu ưng ngay và đặt tên người đó là Thủ
Hạc. Từ đó, Thủ Hạc ngày ngày quét chùa, lên hương, tụng kinh, thổi cơm, sớm hôm
chăm chỉ thật là tinh tiến.
Quang âm thấm thoát trôi mau. Chánh Thông pháp sư cũng viên tịch, kế đến vị Hoà
Thượng thứ hai, thứ ba... vị nào cũng là bậc cao tăng đại đức kế tiếp trụ trì
chùa này, tới vị thứ sáu lên Niết bàn thì Nguyệt Chu pháp sư thay thế là vị thứ
bảy mà Thủ Hạc vẫn thường thọ và mạnh khỏe như xưa tưởng chừng sống mãi không
chết. Thủ Hạc đối với bảy vị Hòa Thượng, thủy chung vẫn tỏ rất trung thực, thành
kính một lòng, không hề xao lãng một phút những việc quét tước chùa, lên hương,
tụng kinh, thổi nấu ăn, nhất là đối với khách thập phương cùng dân làng chung
quanh, Thủ Hạc thường thường hết lòng giúp đỡ những việc khốn khó.
Năm đó vào năm Phật lịch 2113 pháp sư Nguyệt Chu sửa soạn cử hành một đại quy mô
pháp hội tại Mậu Lâm Tự, dự ước tín đồ thập phương lại nghe giảng có tới ba, bốn
ngàn người, và lúc này tiết trời về tháng hạ, tất nhiên phải lo vấn đề về nước
uống cho chu toàn. Pháp sư bù đầu suy nghĩ chưa tìm đâu ra được chiếc ấm trà nào
to, dung lượng có thể thỏa mãn nước uống cho bấy nhiêu người.
Thủ Hạc nhìn thấu tình hình ấy liền nói với Nguyệt Chu pháp sư:
- Thưa Pháp sư! Ấm đựng trà trong chùa chỉ có thể đủ 50 người uống thôi. Ngày
mai có thể tới mấy ngàn người thì làm thế nào?
- Ðúng, đúng! Ngày mai nhất định có nhiều người mà ta chưa chuẩn bị được đủ số
ấm đựng nước... (Pháp sư thở dài tiếp) không biết tính sao đây???
- Nếu vậy con xin đến xứ Giang Hộ, mượn một chiếc ấm trà thật lớn về đây, sư phụ
tính sao?
- Ðến xứ Giang Hộ, cha chả! Ðường xa mấy ngàn dặm, làm sao mà tới được trong một
đêm? Vả chăng, dù có đi tới xứ Giang Hộ đi nữa, chắc gì đã mang được ấm trà về?
- Xin pháp sư phóng tâm! Nhất định con mang về được. Bây giờ còn sớm con xin đi
ngay, kẻo muộn không kịp.
Thủ Hạc nói xong, mặc giầy cỏ vào chân, thoắt một cái đã bước ra khỏi chùa. Còn
pháp sư trong lòng vẩn vơ nghĩ, nếu Thủ Hạc có mượn được ấm cũng chẳng thể đem
về kịp ngày mai...
Sớm hơm sau, Nguyệt Chu pháp sư còn đang tọa thiền trong phòng bỗng cánh cửa
phòng hé mở, thấy Thủ Hạc đã chắp tay bạch:
- Bạch Pháp sư, con đã về.
Pháp sư trông qua song cửa ra ngoài hiên thấy chiếc ấm to lớn để thù lù ngăn cả
lối đi thì kinh ngạc chưa kịp hỏi, bỗng Thủ Hạc đã trỏ ấm trà cười bảo:
- Có chiếc ấm này rồi, tất không còn sợ nhiều khách hay ít khách nữa.
Nguyệt Chu pháp sư tấm tắc khen ngợi Thủ Hạc:
- Thật là chiếc ấm khổng lồ, to quá! to quá!
- Chắc vác về vất vả lắm đấy!
Thủ Hạc đem ấm trà xuống phòng, đổ nước vào đun sôi thì lạ thay trong ấm bốc ra
một hương thơm lạ lùng, ai uống vào cũng thấy nhẹ nhàng, dễ chịu, mà chẳng còn
nóng nực chút nào. Nhân thế, người người xúm lại xin nước uống lấy uống để:
- Cho tôi một chén!
- Tôi... tôi... một chén nữa!
Thực ra, Thủ Hạc đem chiếc ấm trà này về chẳng khác gì đem về một ngọn suối, cứ
việc đậy chặt nắp lại là nước tuôn ra bất tuyệt, dùng bao nhiêu cũng không hết
và uống xong là hết khát liền. Các người thấy lạ, thì cho là chuyện hết sức
huyền bí liền hỏi Thủ Hạc:
- Thủ Hạc sư phó! Ấm trà này thật là kỳ diệu, tại sao lại được như thế, hử sư
phó?
Thủ Hạc nở nụ cười vui sướng nói với quần chúng:
- Ấm trà này gọi là Phúc Ðức Hồ, trong có tám món công đức nên khi uống vào
thấy:
1/ Không sanh bệnh.
2/ Thêm sức
3/ Không sợ sệt.
4/ Sanh trí tuệ.
5/ Có nhân duyên.
6/ Ðược người tôn kính.
7/ Trừ tai nạn; và sau hết.
8/ Ðược trường thọ. Nhân có công đức như vậy Phật tử nên uống nữa đi! Uống nhiều
càng tốt.
Sau khi pháp hội viên mãn, chiếc ấm trà này trở nên một vật trân bảo của chùa
Mậu Lâm.
Thủ Hạc với một tuổi thọ phi thường dài lâu, ông còn sống tới vị trụ trì thứ 10,
là pháp sư Thiên Nam, mà thân thể vẫn tráng kiện như còn trẻ. Tất cả người trong
vùng ai cũng tỏ vẻ cung kính ông. Nhất là bàn đến chiếc ấm Phúc Ðức Lồ, tức ấm
trà không ai là không ngớt tán tưởng và nổi lên nghị luận xôn xao.
- Thủ Hạc sư phó chẳng phải là người tầm thường phổ thông như ai!
- Ðúng, đúng! Nếu không giỏi thì sao một mình mang nổi chiếc ấm to như thế?
- Theo ý tôi, sống tới hơn 100 năm không chết mà còn mạnh khỏe như thế, tất
nhiên là hồ ly...
o O o
Tới năm Phật lịch thứ 2130, ngày 28 tháng 2, một buổi nọ trời xuân ấm áp, trăm
hoa đua nở, con hoàng oanh trong bụi cất tiếng hót líu lo làm thức tỉnh cảnh u
tĩnh của chùa Mậu Lâm. Thủ Hạc ngồi tắm ánh dương quang ở hành lang chùa, trong
lòng cảm thấy khoan khoái êm đềm, bất giác ngủ đi lúc nào không biết. Vừa lúc
đó, có một vị Sa di đi tới, bỗng hoảng nhiên trông thấy một chú cáo già đang
ngon giấc, phát lên tiếng ngái khò khò, thì thất kinh tán đảm kêu lên:
- Hồ ly! Hồ ly!...
Thủ Hạc bị Sa di làm kinh động liền tỉnh dậy chưa kịp thu hình thì tứ phía đã
xúm lại đông nghịt cùng xỉa xói xỉ vả:
- Bây giờ mới rơi mặt nạ nhé! Thì ra mi là một con hồ ly! Cứ tưởng mi lại đây
nương nhờ Chánh Thông pháp sư giáo huấn tu hành học Phật để thoát cái nghiệp
chướng súc sinh nào ngờ ngày nay hồ lại hoàn hồ!!! Thôi nhé! Từ nay trở đi biết
đường biết nẻo thì cút, nghe chưa!
Tiếng lao xao vang đến tai Pháp sư trụ trì. Người liền ra tận nơi, Thủ Hạc thấy
Pháp sư liền cung kính bạch:
- Bạch Pháp sư cùng chư đồng đạo! Ðã từ lâu, tôi được ơn dày chiếu cố, thật cảm
kích bội phần. Nay vì báo đáp từ ân đem lực thần thông ra diễn một đoạn việc
xưa, vậy toàn thể hãy nhìn vào phía rừng rậm kia.
Mọi người nghe xong liền trông thẳng vào rừng, thấy hiện ra một cảnh giới trang
nghiêm không đâu sánh kịp, trong đó có hình ảnh Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni trên
núi Linh Thứu đang thuyết pháp, tại tọa có tới 1250 cao cấp đệ tử và mấy nghìn
vạn Thiên Long Bát Bộ, ai cũng tâm niệm niệm nghe Phật thuyết pháp. Mọi người
thấy thế đều kinh lạ phép Phật thì cùng thụp lạy.
Thủ Hạc đợi mọi người ngẩng đầu lên, liền cất tiếng từ biệt:
- Giờ đây, tôi xin từ biệt quý vị. Chiếc ấm trà Phúc Ðức Lồ lưu lại chùa này để
làm kỷ niệm, dám xin quí vị bảo vệ cho! Thôi, xin chào quí vị ở lại!
Nói xong, Thủ Hạc lao thân như chớp vào rừng biến mất.
Nguồn: www.quangduc.com