•
Tản Mạn Về Mẹ Nhân Mùa Vu Lan 2004
•
Tản Mạn Về Cần Thơ
•
Bồ Tát Đưa Thơ
•
An Tâm
•
Bất Tăng Bất Giảm
•
Hành Hương Thiên Trúc
•
Hồng Hạnh
•
Người Đẹp Thoảng Hương Sen
•
Ngưu Ma Vương
• VẾT NHẠN LƯNG TRỜI (Tập
Truyện)
Lời Giới Thiệu của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh
Trần Truồng
Vết Nhạn Lưng Trời
Thuốc Đắng
Loài Hoa Bình Dị
Thành Toàn
Ngộ
Đâu Chẳng Là Nhà
Chân Dung Của Mẹ
• CỬA THIỀN DÍNH BỤI (Tập
Truyện)
Một Bước
Chẳng Rời
Khẩu Phật Tâm Xà
Khảo
Cửa Thiền Dính Bụi
Tầm Thầy
Ðiệu Múa Loài Ong
Sen Trắng
Tiền Nào Của Ấy
• NHƯ THẾ MÀ TRÔI (Tập Truyện)
Trò Chơi Cút Bắt
Tan Loãng Theo Mây
Lấy Chồng Xa Xứ
Như Thế Mà Trôi
Cam Lồ Xa Mạc
Thần Tài Gõ Cửa
Tình Nghĩa Xương Rồng
Hoằng Nguyện Thênh Thang
• CON ĐƯỜNG VÔ TẬN (Tập Truyện)
Lời Nói Đầu
Một Vị Phật Khai Sinh
Phổ Nguyện
Ngưỡng Cửa Của Thương Yêu
Cửa Thiền Cửa Tịnh
Tô Canh Bù Ngót
Con Ðường Vô Tận
Một Niệm Buông Lung
• MẸ QUAN ÂM CỬU LONG (Tập
Truyện):
Lời Nói Đầu
Theo Dấu Chân Xưa
Mẹ Quan Âm Cửu Long
Người Đẹp Thoảng Hương Sen
Mở Toang Cửa Địa Ngục
Tiếng Chuông Của Chư Thiền Sư
Quan Âm Tóc Rối
Cây Khô Trổ Bông
|
Truyện Ngắn Phật Giáo
Cửa Thiền Dính Bụi
Một Bước Chẳng Rời
Huỳnh Trung Chánh
______________________________________________________________________________
Kỷ niệm ấu thời bỗng trải ra trước mắt Hồng Lãnh. Mới ngày nào, như
thường lệ, nàng vẫn nằm khoanh trong lòng vú Năm thương yêu, thích thú
thả hồn nhiên lưu theo những mẫu chuyện huyền hoặc về vùng Bảy Núi (1),
quê hương kỳ bí của vú. Vú vừa xoa lưng Hồng Lãnh, vừa cất tiếng ru ngọt
ngào:
À ơ!... Núi đá cheo leo...
Trâu trèo trâu trợt, ngựa trèo ngựa đổ...
Tiếc công anh lao khổ, tự cổ... chí kim,
Làm cho đá nổi rong chìm!
Muối chua, chanh mặn, mới tìm đặng em!...
Dù đang buồn ngủ "gục cần câu", Hồng Lãnh cũng ráng nhướng mắt nũng nịu:
- Núi gì mà ghê quá vậy vú?
- Ơ! người ta ví von vậy thôi! chớ núi Sam mà cheo leo nguy hiểm chi
đâu?
- Núi Sam? Tên nghe ngộ quá hén vú! Tại sao người ta gọi núi tên Sam vậy
vú?
- Ơ! Có thể vì hình dáng của núi tương tợ như con sam, một chủng loại
với loài cua, nhưng có cái đuôi dài nhằng dị hợm. Sam không được ưa
chuộng về khẩu vị, mà chỉ thường được nhắc nhở về đời sống lứa đôi của
chúng. Sam sống thành cặp, sam đực bám sát lưng sam cái, khắn khít không
rời nhau. Người ta có thành ngữ "đeo nhau như sam" là vì vậy. Người ta
kể rằng, ngày xưa có chàng trai trẻ tên Thạch sống bình bồng trên giòng
Cửu Long bát ngát. Thạch tinh thông thủy tánh, bơi lội như rái nên có
tục danh là "Nổi". Thạch Nổi bản chất hiền lành nên tuy phải lưới bắt
tôm cá làm phương kế sinh nhai, nhưng anh ta chỉ bắt ít đủ cho nếp sống
đạm bạc, chớ không hiếu sát bừa bải. Thỉnh thoảng lưới được sam, Thạch
thương giống vật đa tình lứa đôi mặn nồng nên thả đi và liến thoắng chúc
cho chúng "yêu nhau đến răng long đầu bạc". Một hôm, đang thả thuyền
trên sóng nước, chợt có làn gió lạnh lẽo khiến Thạch rùng mình rồi mê
đi. Một quái nhân kỳ dị trồi lên mặt nước, tự xưng là thần núi Sam phán
dạy: "Ngươi thật thà trung hậu, lại biết thương đám con cháu nhà ta, nên
ta mối mai cho ngươi một cô vợ hiền thục". Dứt lời quái nhân biến mất.
Tiếng sóng vỗ mạn thuyền thức tỉnh Thạch, và đúng lúc thuyền chàng lạc
tay lái đâm ra giữa giòng Hậu Giang cuồn cuộn, ngay điểm tiếp giáp với
Vàm Nao. Vàm Nao nguyên là đoạn kinh ngắn nối liền sông Tiền và sông
Hậu, lưu lượng nước từ hai giòng sông nầy đổ vào ồ ạt khiến kinh khuyết
lở biến thành to lớn như một nhánh Cửu Long nguyên thủy. Vào mùa nước
đổ, sông Tiền, sông Hậu tranh đua mang nước về tràn ngập ruộng đồng,
khiến cho giòng nước tuôn chảy mạnh mẽ. Tại điểm giáp nước tại Vàm Nao
và sông Hậu, đôi khi những luồng nước đối nghịch cấu tạo thành xoáy nước
gây trở ngại việc chèo chống. Thạch vội bẻ lái cho ghe vào bờ thì chợt
thấy một chiếc thuyền từ Vàm Nao phóng nhanh ra đến giữa giòng sông Hậu
rồi bị khựng lại, lao đao xoay theo xoáy nước không điều khiển được. Hai
người chèo thuyền, có lẽ không mấy rành thủy tánh, mất bình tĩnh la hét
ỏm tỏi, quậy mái chéo lung tung làm cho thuyền chòng chành hơn. Từ trong
mui, hai người hành khách hoảng hốt cuống cuồng, phóng chạy qua lại
khiến thuyền nghiêng hẳn một bên, rồi lật úp. Hai người bạn chèo bơi lội
tương đối thành thạo, nhưng kinh hoàng giữa giòng Cửu Long mênh mông như
biển cả nên họ chỉ tự cứu mình. Hai nạn nhân còn lại rơi vào tình trạng
cực kỳ nguy hiểm. Người đàn ông cố gắng chập chững quờ quạng, nhưng có
lẽ cũng không chống chỏi bao lâu. Người con gái trong cơn tuyệt vọng chỉ
với cánh tay cầu cứu, rồi chìm lĩm. Không một chút do dự, Thạch phóng
xuống nước, lặn sâu tận đáy cứu cô gái. Khi Thạch trồi lên, thì vừa thấy
người đàn ông hơi sức cũng đã mòn mõi, nên lại tìm phương tiếp ứng. Cứu
hai người cùng một lúc là việc cực kỳ nguy hiểm, nhưng Thạch vốn thành
danh với nghệ thuật nổi trên nước, nên hai tay cặp hai nạn nhân, mà vẫn
còn đủ sức thả ngữa chầm chậm vào bờ. Tuy mệt lả, người đàn ông vẫn lo
lắng cho sanh mạng cô con gái, đang thiêm thiếp như chẳng còn hơi thở,
nên cố gắng năn nỉ Thạch chạy chữa. Không một chút chậm trễ, Thạch vác
nạn nhân lên vai, đầu chúi xuống để xóc nước, đoạn hai tay từ từ ấn ngực
và bụng nạn nhân, hầu giúp không khí dễ len vào buồng phổi. Nhờ vậy,
gương mặt tím ngắt của cô gái bắt đầu có sinh khí, và lần lần tươi tỉnh.
Yên tâm Thạch bắt đầu nhìn kỹ nạn nhân, rồi bất giác mặt mũi đỏ bừng,
lính quýnh lảng tránh xa xa. Thạch đã tự nhiên ôm ấp, đụng chạm vào thân
thể người con gái đang xuân, nên nhột nhạt hổ thẹn, mà cũng vừa xúc cảm
lâng lâng.
Trong câu chuyện, Thạch được biết người đàn ông là thương gia tại Châu
Đốc, nhân chuyến đặt hàng tại chợ Thủ, họ Lâm đưa Minh Châu, cô con gái
cưng về thăm quê ngoại tại cù lao Ông Chưởng. Chuyến về, khi thuyền đến
Vàm Nao thì lâm nạn. Nhận thấy Thạch hiền lành khôi ngô, nhứt là mục
kích cảnh Thạch ôm ấp, đụng chạm Minh Châu trong khi cứu chữa, Lâm Ông
tự ý đề nghị gả con gái cho ân nhân. Niềm vui to lớn vụt đến khiến Thạch
sửng sốt tưởng chừng như đang cơn ảo mộng. Chàng véo tai, bứt tóc để tin
chắc mình thức tỉnh, rồi mới lúng túng quì lạy tri ân nhạc phụ. Chàng
cũng lầm thầm cảm tạ vị thần Sam đã ngầm xe duyên cho mình. Sau đó,
Thạch lo sắp xếp ghe thuyền để hộ tống nhạc phụ và người vợ tương lai về
Châu Đốc. Năm ngày đi đường là thời gian thần tiên đã gắn chặt trái tim
của đôi trẻ, nguyện yêu nhau keo sơn khắn khít đến bạc đầu. Về đến Lâm
gia trang, Thạch bỗng cảm thấy bối rối trước cảnh giàu sang của gia đình
bên vợ. Lâm Ông nghiêm nghị hẳn ra, rồi nhân danh lễ giáo, ông ngăn cấm
đôi trẻ gần gũi thân mật. Sau đó, tuy Lâm Ông không hẳn phủ nhận lời hứa
gả con, nhưng lại ra điều kiện bắt buộc Thạch phải "ở rể" đủ ba năm, thì
mới được thỏa lòng. Lệ, theo đó những chàng trai nghèo, ở rể theo nghĩa
làm mướn không công như một thứ quà xứng đáng để cưới vợ, không phải làm
việc hiếm hoi. Tuy nhiên, trường hợp ở rể nầy có lẽ chỉ là một cách hoãn
binh. Trước kia, Lâm Ông, khi được Thạch cứu mạng, xúc động nhất thời đã
tự đề nghị gả con. Nay vụ thoát nạn nguôi ngoai, ân tình giảm dần, lão
mới khám phá rằng chàng rể không môn đăng hộ đối, bèn tìm phương cách
kéo dài để chờ cơ hội xóa bỏ lời hứa. Thế là Lâm Ông tìm cách hành hạ
Thạch, sao cho Thạch nản lòng tự ý bỏ cuộc. Minh Châu thương Thạch năn
nỉ cha nhớ đến ân tình cũ, nhưng thái độ đó càng khiến Lâm Ông nổi cơn
thịnh nộ, tìm cớ mắng nhiếc chàng tàn nhẫn hơn mà thôi. Thấu rõ hoàn
cảnh đó, Minh Châu xót xa mà chỉ biết khóc thầm. Phải kiên nhẫn chờ cơ
hội thuận tiện, Lâm Ông vắng nhà, nàng mới gặp riêng được người yêu khóc
lóc tỏ tình thương nhớ. Lòng sắc son của nàng là chất liệu giúp Thạch
thêm sức chịu đựng với gian khổ đoạ đầy. Gần hết hạn ba năm, mà Thạch
vẫn kiên gan khiến Lâm Ông thất vọng mất bình tĩnh, bèn trơ tráo công
khai trở mặt:
- Dù mi có làm rể đủ ba năm chăng nữa, tao cũng không gả con Châu đâu!
Rể của tao phải tài ba đức độ, chớ cái ngữ vô tài vô tướng như mầy, đừng
hòng...
- Dạ thưa cha!
- Ai là cha con với mầy!
- Xin Lâm Ông thương cho con nhờ. Con chỉ là kẻ sống trên sông nước, khả
năng con chỉ liên quan đến nước, chớ con chẳng có tài cán chi đặc biệt
cả.
Nghe nhắc đến nước, nghĩ là Thạch cố ý nhắc khéo ơn cứu tử, Lâm Ông vừa
thẹn, vừa tức giận, gay gắt hét lên:
- Hứ! nổi trên nước thì tài cán đếch gì mà khoe khoang.
Đang cầm viên đá, Lâm Ông dằn mạnh xuống bàn, rồi châm chọc:
- Hừ! khoe tài nổi trên nước, mà có đủ tài làm viên đá nầy nổi không?
Làm được thì tao mới khâm phục!
Cục đá xanh dằn giấy tròn cỡ miệng tô, tuy không dầy lắm song cũng nặng
trĩu, để nằm trên đất mềm còn lún xuống, huống hồ thả trên nước. Thế
nhưng, không biết suy nghĩ sao, Thạch cầm lấy viên đá, rồi chẳng chút
phân vân, cương quyết hỏi:
- Thưa viên ngoại! nếu như con làm cho đá nổi được, viên ngoại có đồng ý
gả Minh Châu cho con không?
- Tao hứa chắc đó!
Không ngờ lúc tức giận đưa ra điều kiện vô lý mà thằng nhỏ ngu đần lại
sụp bẫy nhận chịu, Lâm Ông khoái chí thầm nghĩ: "Thế là nó sẽ mất vợ mà
không thể hó hé gì được. Mình vừa khỏi thất hứa, vừa lời mấy năm làm
việc không công của nó. Hên thật là hên!. Sợ Thạch đổi ý, Lâm Ông ngọt
ngào dụ dỗ:
- Đúng vậy! đúng vậy! Con mà làm cho viên đá nầy nổi được thì ta gả con
Minh Châu ngay mà không đòi hỏi một điều kiện nào khác cả. Ta thề là nếu
ta trái lời thì cho Trời đánh ta đi!
- Vậy thì ngày mai, vào giờ thìn, con sẽ ra sức làm cho đá nổi.
- Tốt lắm! ta banh mắt ra xem ngươi trổ tài. Thành thì được vợ, còn thất
bại thì ráng mà chịu, chớ đừng kêu ca là điều kiện khó khăn nhe!
Tin Thạch sẽ biểu diễn tài làm cho đá nổi như một điều kiện cưới vợ,
trong phút chốc lan tràn cả thị trấn khiến mọi người xôn xao bàn tán. Kẻ
trách họ Lâm lường lọc gian ác, người chê Thạch ngu si. Thế rồi, người
người rủ rê nhau đến chứng kiến nội vụ. Đúng giờ thách đố, trước đám
đông hiếu kỳ, Thạch nghiêm trang đặt viên đá trước mặt, đốt nhang khấn
vái thần núi Sam, đoạn hai tay nâng viên đá đi đến bờ ao, long trọng đặt
trên mặt nước. Viên đá chìm lĩm. Thật ra, không một ai ngạc nhiên trước
kết quả đó, nhưng thương chàng trai khờ khạo, mọi người đồng "ồ" lên
tiếc rẻ. Rồi bỗng nhiên họ cùng "ồ" lần nữa, âm thanh lần nầy đầy ngạc
nhiên thích thú. Họ trố mắt bất động nhìn viên đá xanh xanh dưới đáy ao
từ từ trồi lên mặt nước. Có tiếng ai la lớn:
- Trời ơi! lạ quá! đá nổi thật tình bà con ơi!
Thế rồi, dù trời mưa lất phất, người ta vẫn sửng sờ ngớ ngẩn đứng yên;
kẻ vái Trời Phật linh thiêng, người quì lạy thần Sam mầu nhiệm. Lâm viên
ngoại trơ mặt sượng sùng, dù vẫn muốn mưu đồ tráo trở nữa mà suy nghĩ
mãi vẫn chưa tìm ra phương chước gỡ rối, đành lặng yên bức rức. Mưa bắt
đầu nặng hột, kẻ hiếu kỳ cuối cùng cũng lần lượt giải tán. Một làn sét
sáng rực, tiếp theo là tiếng gầm long trời lở đất. Tiếng ai sợ hãi hét
to: "Trời đánh! trời đánh!". Lâm viên ngoại lòng dạ gian ngoa, đang trù
tính lật lọng, bỗng nghe tiếng sấm sét mang tai. Nhớ đến lời thề độc địa
của mình, Lâm viên ngoại cực kỳ kinh hãi, ôm lấy đầu lủi trốn rồi van
vái: "Con xin giữ lời hứa gả con. Xin Trời Phật tha tội cho con...". Mưa
như thác đổ xua đuổi mọi kẻ bàng quan, để danh cho Thạch và Minh Châu
một khoảng trời riêng tư ướt át, mà tràn đầy hạnh phúc.
Về sau, có kẻ nghi ngờ chuyện linh thiêng huyền bí. Họ cho rằng Thạch
vốn thông thạo các giống thủy tộc, nên đã thoa viên đá một loại ngải độc
tợ như giây thuốc cá. Khi viên đá chìm xuống nước, chất thuốc bức bách
đôi sam mà Thạch đã neo sẵn, phải trồi lên. Có những kẻ trông gà hóa
cuốc, thấy lưng sam tưởng là đá nổi, cũng có kẻ biết sự thật nhưng ghét
người gian ác, thương kẻ thật thà mà hùa theo. Kể ra thì cũng khó đoan
quyết rõ rệt đâu là sự thật, chỉ biết chắc chắn là Thạch cưới được vợ,
những bà mẹ quê lại có thêm câu ca dao "đá nổi rong chìm" để ru con, và
núi Sam, bỗng được tin tưởng là vị thần tình yêu vĩnh cửu. Người ta cho
rằng, những cặp tình nhân đưa nhau lên núi một lần, dù tình duyên trắc
trở như thế nào, cuối cùng cũng đoàn tụ nhau, dính liền như đôi sam
trong sóng nước.
Mẫu chuyện hoang đường trên, Hồng Lãnh đã yêu cầu vú kể hàng trăm lần mà
lần nào nghe cũng ngây ngất say mê. Có lẽ đó là lý do thầm kín khiến
Hồng Lãnh cảm thấy thương yêu, nhưng nhớ mảnh quê hương núi non kỳ bí
chưa một lần thăm viếng nầy. Do đó, ngay khi phụ thân, Khâm Sai đại thần
họ Nguyễn, lập tổng hành dinh tại Châu Đốc, Hồng Lãnh đã nằn nì xin được
tháp tùng theo. Ngắm nhìn ngọn núi Sam hiền lành ẩn hiện xa xa, Hồng
Lãnh liền khám phá rằng nàng đã quen thuộc núi tự kiếp nào. Ngọn núi hàm
ẩn một sợi dây liên hệ buộc ràng có khả năng thu hút lạ thường, khiến
nàng khao khát muốn đặt ngay bước chân lên núi. Chương trình đi núi liền
được phát họa, theo đó, vú sẽ hướng dẫn Hồng Lãnh thăm miễu Bà Chúa Xứ,
chiêm bái Tây An tự, rồi nếu thích sẽ trèo lên tận đỉnh để ngoạn cảnh.
Miễu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi, hướng Tây Nam, là địa điểm lũ
lượt kẻ sùng mộ ra vào. Tượng Bà bằng đá lớn như người thật, tạc chân
dung một vị thần Bà la môn giáo, có thể xuất hiện từ thời Phù Nam quốc.
Theo truyền thuyết, tượng Bà nguyên ở trên đỉnh núi, đã bị đội quân Xiêm
La xâm lăng cướp đoạt định mang đi, nhưng vừa tới chân núi thì bọn chúng
bỗng nhiên điên cuồng chém giết lẫn nhau chết cả. Yên giặc, dân làng tìm
cách di chuyển tượng trở về vị trí cũ nhưng bất lực. Sau đó, bỗng Bà
nhập vào một xác đồng, tự xưng là Bà Chúa Xứ đất nầy, dạy rằng phải chọn
chín cô trinh nữ phụ trách mới xong. Đám trinh nữ di chuyển tượng nhe
nhàng, nhưng đến địa điểm hiện tại thì tượng tự nhiên nặng trĩu. Dân
làng tin tưởng Bà chọn chốn nầy nên vái lạy xin lập miễu phượng thờ. Từ
đó, Bà ngày càng linh thiêng, không những phù hộ dân làng an cư lạc
nghiệp, mà những khách hành hương từ phương xa đến cầu chi cũng linh ứng
cả. Tiếng đồn lan rộng. Thế là, thiên hạ đua nhau trẩy hội Bà: quỳ lạy
sơ sịa, cúng chút đỉnh tiền..., mà sẽ giàu to, mạnh khỏe, sống lâu, vinh
hoa phú quí đủ thứ..., ai mà chẳng ham. Người ta vẽ ra lắm trò phục vụ
cho nhu cầu tín ngưỡng lợi lạc nầy: nước tắm Bà là thuốc thánh trừ bá
bệnh, y phục cũ của Bà được xé manh mún thành bùa hộ mạng, bùa trừ tà
ma; vay tiền Bà làm ăn, xin xâm để cầu Bà đưa đường dẫn lối. Rồi người
ta cũng nhân danh Bà cúng kiến, rượu thịt ê hề, để mặc sức thi đua nhau
thù tạc. Vui thật là vui.
Nhận thấy không phù hợp với lề lối tín ngưỡng dễ dãi, hối lộ thần thánh
để xin xỏ lợi lộc công danh, Hồng Lãnh chỉ lưu lại Miễu Bà một thời gian
ngắn, rồi trở về hướng Bắc leo lên triền đồi thoai thoải để viếng chùa
Tây An. Tuy hai địa điểm cách nhau không xa, nhưng vừa qua cổng tam
quan, khách cảm giác xóa bỏ ngay được dấu vết tín người nặng mùi xôi
thịt ở dưới kia, để nhẹ nhàng tận hưởng bầu không khí trang nghiêm,
thanh vắng và thoát tục tại đây. Đúng như Vú Năm cho biết, Chùa không hề
quyến rủ khách thập phương bằng cách "hạ" Đức Phật xuống hàng thần thánh
nhận lễ bái để ban phúc họa. Do đó, chùa không khuyến khích Phật tử cầu
phước, cầu tự, không bày vẽ thẻ xâm cũng không phụ trách việc cúng sao
giải hạn, mở bùa ngải chi cả. Phật tử đến chùa hầu được nhắc nhở tu tâm
dưỡng tánh, nuôi dưỡng hạt giống từ bi trí tuệ mà thôi. Dù được tôn xưng
là thánh địa, ngôi chùa cổ kính thể hiện lối kiến trúc giản dị, trang
trí đơn sơ mà tràn đầy đạo vị, chớ không đồ sộ nguy nga như thường tình.
Sắc thái đó có lẽ đã phản ảnh trung thực tinh thần khiêm cung, bình dị
và nhập thế của thầy tổ ngày xưa. Tổ chẳng hề tự nhận là bậc cao tăng,
mà khiêm cung xưng là kẻ khùng điên để len lỏi chung đụng với hạng cùng
đinh hầu tìm phương giáo hóa họ. Tổ không chùa, không pháp danh, không
một bộ y lành lặn..., giảng dạy giáo lý thực tiễn tầm thường như lánh ác
hành thiện, hiểu nghĩa, thương yêu, nhưng đến nay ảnh hưởng của người
vẫn bao trùm khắp miền Tây. Khi tổ dừng chân chùa Tây An, tín đồ lũ lượt
kéo về quy ngưỡng. Họ đồng thỉnh nguyện tổ kiến thiết chùa thành chốn
tùng lâm vĩ đại, nhưng tổ không đồng ý. Tổ tiện tặn sử dụng tiền cúng
dường, chỉ chi tiêu cho những công tác thật cần thiết. Tiền đủ dùng rồi
thì tổ không nhận nữa, mà khuyến cáo Phật tử đem bố thí cho kẻ nghèo
hèn. Theo tổ, "cúng dường chúng sanh, tức cúng dường Phật", đùm bọc kẻ
rách rưới, che mưa đỡ nắng cho họ cũng có giá trị như xây chùa, tạc
tượng dâng y. Khi liễu đạo, tổ dặn dò đệ tử bó chiếu xác người vùi dưới
đất sơ sài, chớ không chấp nhận phung phí tiền xa hoa bừa bải cho việc
chôn cất rềnh rang. Trầm ngâm chiêm bái mộ của tổ, một vạt đất phẳng lì
nhỏ bé (2), không bia, không nấm đất, không bình hương..., mà Hồng Lãnh
xúc động rạt rào. Nàng có cảm giác là thấy rất rõ sự hiện hữu của tổ. Tổ
vẫn còn lẩn khuất đâu đây, tổ đã và vẫn tiếp tục trao truyền đạo hạnh
của người cho bao thế hệ Phật tử.
Từng bước chân an lạc, Hồng Lãnh đi theo con đường mòn lên đỉnh núi, con
đường mà trước kia chắc chắn tổ cũng đã đặt chân đi. Vú Năm, không bao
giờ rời cô chủ quá ba bước, lăn xăn chạy theo tíu tít:
- Cô nương nhìn lên đỉnh kia. Đám mây trắng bồng bềnh trôi lảng đảng
quanh ghềnh đá đẹp quá!
Đang thả hồn tưởng nhớ đến tổ xưa bị vú ngắt ngang nguồn tư tưởng, Hồng
Lãnh phụ họa lấy lệ: "Ơ! đẹp lắm!".
- Hay là mình lên đỉnh chơi cô nhé! Sẵn dịp cho tôi viếng thầy Huệ Cao
một chút.
- Thôi! Con thích quanh quẩn gần chùa. Vú cứ tự nhiên đi một mình vậy.
Huệ Cao là pháp danh của người cháu gọi vú dì ruột. Khi vú về làm gia
nhân cho gia đình Hồng Lãnh, người cháu mới mười tuổi. Không ngờ cách
biệt nhau mười mấy năm mà nay người cháu đã trở thành tu sĩ khả kính.
Nôn nóng gặp cháu, vừa đến chùa, vú vội phóng ngay vào bếp tìm các bà dọ
hỏi, mới biết cháu tu trên núi. Tuy chưa gặp được Huệ Cao nhưng vú cũng
mừng rỡ mang về mớ tin tức sốt dẻo. Vú hãnh diện tíu tít khoe vang:
"Thầy Huệ Cao Phật học uyên thâm, đức độ hơn người. Thầy đã văn hay, chữ
tốt mà lại còn đẹp trai nữa". Hồng Lãnh đoán rằng đẹp trai theo lối nhà
quê, có lẽ mập mạp tròn trịa và phúc hậu vậy thôi. Từ lâu, bao nhiêu
tình thương vú đều dồn cho Hồng Lãnh, nay vú lại lăn xăn nhắc nhở cháu
mãi, khiến nàng nảy sanh một chút ganh tị với người xa lạ. Do đó, tuy
bảo vú lên đỉnh núi một mình, Hồng Lãnh nổi tính hiếu kỳ lẽo đẽo bước
theo chân vú. Là một tiểu thơ đài các, đi mỗi bước đường đều có ngựa xe,
võng kiệu nên tuy đường mòn núi Sam dễ đi, mà chỉ leo trèo một lúc Hồng
Lãnh cũng mệt nhoài. Chân tay rã rời, mồ hôi nhỏ giọt, cổ khô, miệng
đắng, đi hoài mà Hồng Lãnh vẫn chưa đến đỉnh. Tuy vậy, cuối cùng thì dãy
rẫy xanh tươi cũng hiện ra. Vú thoăn thoắt bước về hướng am tranh dựa
bên vách đá. Vừa gặp một chú tiểu đang săn sóc giây bí rợ, vú xin ngay
tí nước rồi đon đả trao cho Hồng Lãnh. Gáo nước lã tầm thường sao ngon
ngọt lạ lùng. Chất nước mát tận tạng phủ và dường như xua đuổi hết bao
nỗi nhọc mệt ra ngoài. Xoay qua chú tiểu, vú hỏi:
- Thầy Huệ Cao có ở nơi nầy không chú?
- Dạ! sư huynh hiện đang sao chép thi kệ của tổ trong am. Chư huynh đệ
trên núi chỉ lo rẫy bái và tu tập nên không tiếp kiến khách thập phương.
Xin thí chủ cảm phiền!
- Không! tôi là dì Năm của thầy! Tôi lên đây để thăm thầy mà! Rồi như sợ
chú tiểu ngăn cản, dì Năm bương bả đi một hơi đến cửa am, gọi lớn:
- Thầy Huệ Cao ơi! dì Năm đến thăm cháu nè!
Thế rồi vú khóc bù lu bù loa, kể lể bao nỗi nhớ niềm thương của bà qua
tháng năm dài dằng dặc. Mỉm cười quan sát cử chỉ vú, Hồng Lãnh vô tình
chạm nhìn người tu sĩ lạ, rồi bỗng giựt mình sửng sốt. Nàng tuy dịu dàng
khả ái nhưng lại ngấm ngầm cao ngạo, nên lâu nay đâu có bậc vương tôn
công tử nào đáng để nàng bận tâm. Thế nhưng vừa gặp Huệ Cao nàng háo hức
như tìm được người trong mộng. Quả nhiên, đúng như thiên hạ truyền tụng
thầy thanh nhã và thoát tục. Ngoài ra, Hồng Lãnh còn cảm giác có cái gì
quen thuộc, gần gũi, có niềm nhung nhớ mông lung chôn kín trong đôi mắt
sâu sâu trầm lặng đó, đã thật sự thu hút nàng. Trước người đó, Hồng Lãnh
bỗng dưng cảm thấy nàng yếu đuối, mỏng manh mong được chở che, nương
tựa... để vĩnh viễn quấn quít bên nhau chẳng rời. Hồng Lãnh bước lần tới
trước. May quá, vú sực nhớ và lên tiếng giới thiệu:
- Thầy ơi! Đây là cô tiểu thơ Hồng Lãnh, con gái cưng của quan Khâm Sai
Đại Thần.
Thầy quay lại, xá chào kính cẩn rồi thôi. Trong thâm tâm thầy, có lẽ
công chúa, tiểu thơ hay một cô gái quê cục mịch cũng không có gì khác
cả. Thầy trầm mặc lạnh lùng quá. Ôi cái trầm mặc lạnh lùng đáng yêu làm
sao ấy!
Sau chuyến hành hương trở về, cô tiểu thơ nhí nhảnh yêu đời bỗng âm thầm
câm nín với nỗi niềm riêng. Người con gái nết na, mà đi yêu thương một
chàng trai lạ cũng xấu hổ rồi, huống chi nàng lại mê say nhà sư ngay khi
vừa gặp gỡ. Càng suy nghĩ càng rối ren, càng hi vọng lại càng tuyệt
vọng, nên Hồng Lãnh cứ héo hắt dần. Nhớ nhung da diết quá, Hồng Lãnh lại
năn nỉ mẹ cho đi chơi núi. Chuẩn bị chuyến đi thì nàng vui tươi hứng
thú, trở về nhà lại cũng ủ rũ héo hon. Tâm trạng đó không dấu nỗi bà mẹ.
Khâm Sai phu nhân dọa dẫm, tra hạch vú, rồi cuối cùng cũng khám phá được
ẩn tình của cô con gái. Phu nhân tức thời cấm con ra khỏi nhà, đồng thời
thổ lộ nội vụ cho chồng để có biện pháp ngay với tên gian đạo sĩ đã dám
dùng loại bùa ngải tà đạo nào mê hoặc con bà. Quan Khâm Sai nổi giận
khiển trách viên tri huyện Châu Đốc đã để cho bọn gian sư lộng hành.
Quan không muốn thấy bọn đó lảng vảng chốn nầy nữa. Việc loại trừ vài
tên thầy chùa đâu có khó khăn gì đối với viên tri huyện, chuyện bợ đỡ
thượng cấp. Chưa có bằng chứng thì quan tạo ra bằng chứng. Chỉ cần giải
thích rộng chữ "Tây" trong Tây An tự liên hệ với Tây Sơn, thì gán cho
bọn thầy chùa Tây An tội gì chẳng được. Thế rồi thầy trụ trì Tâm Thành
cùng đám đệ tử đều bị giam giữ để điều tra. Trong chốn lao lung, trình
độ tu chứng mỗi người đều bộc lộ rõ rệt, không che dấu ai được. Lắm kẻ
đã để lộ chân tướng đạo đức giả hiệu. Sư phụ Tâm Thành vẫn ung dung tự
tại, biến tù ngục thành một đạo tràng và vẫn tiếp tục hành đạo như không
có việc gì xảy ra. Huệ Cao tuy không lo âu sợ hãi, nhưng tâm vẫn ái náy
không yên, tự nghĩ do lỗi mình mà cả chùa lâm nạn. Sư phụ giữ Huệ Cao
bên cạnh đặc biệt dạy dỗ, mường tượng như là sắp giã biệt hay giây phút
trối trăn. Bị giam giữ đúng một tuần, trong đêm tăm tối thình lình bọn
lính mở cửa ngục tràn vào bắt thầy dẫn đi. Thầy sẽ bị thủ tiêu chăng?
Các huynh đệ xôn xao lo lắng. Sư phụ Tâm Thành bình thản dặn dò:
- "Tùy duyên tiêu cựu nghiệp
Nhậm vận trước xiêm y". (3)
Huệ Cao ngạc nhiên tột độ trước thái độ hòa nhã khác thường của bọn
lính. Chúng lại ân cần mời chàng lên ngựa đưa đến tư dinh quan Khâm Sai.
Dì Năm đón thầy tận cổng ngoài, khóc lóc kể lể nguồn cơn. Hồng Lãnh vốn
đã gầy gò yếu đuối, khi bị mẹ cha ngăn cấm chuyện tình yêu liền bắt đầu
ngã bệnh. Phu nhân cuống quýt mời lương y chữa trị nhưng bênh tình ngày
càng trầm trọng. Khi nàng được vú rỉ tai hung tin của Tây An tự mà vú
vừa nghe ngóng được, thì nàng khóc nức nở, rồi bất tỉnh. Cạy miệng đổ
sâm, kêu réo mãi thì hơi thở yếu ớt phục hồi, nhưng thần trí nàng vẫn mê
mang. Thỉnh thoảng nàng thều thào gọi tên thầy Huệ Cao, mà nước mắt chảy
dài. Thương con quá, phu nhân đành nhượng bộ, cho đòi Huệ Cao đến, hi
vọng mạng sống của con may ra được cứu vãn. Thầy Huệ Cao tần ngần đứng
bên giường bệnh. Tình trạng của Hồng Lãnh đã nguy kịch. Nhìn người con
gái thiêm thiếp bất động, hơi thở yếu ớt và đứt khoảng tưởng như sắp lìa
đời thầy Huệ Cao cực kỳ xúc động. Thầy gọi nhỏ "Cô Hồng Lãnh! cô Hồng
Lãnh!". Nước mắt thầy chảy dài, rơi trên gương mặt xanh xao của nàng.
Không biết có phải nhờ những giọt nước mắt mầu nhiệm mà thân xác bất
động của nàng dường như đã bắt đầu có sinh khí. Đôi mắt đờ đẫn từ từ hé
mở. Mừng rỡ, vú hối thúc:
- Thầy lên tiếng mau đi!
- Cô Hồng Lãnh! Cô Hồng Lãnh! Tôi là Huệ Cao. Tôi đến thăm cô đây!
Gương mặt khô héo của nàng tươi tắn lần. Thời gian trôi thật chậm trong
sự khoắc khoải đợi chờ của mọi người. Bỗng Hồng Lãnh mấp máy đôi môi,
loáng nhoáng tiếng còn, tiếng mất nên thầy Huệ Cao phải kề sát để nghe
cho rõ.
- Thầy hứa ở bên Hồng Lãnh hoài nghen thầy!
Thầy Huệ Cao thật khó xử. Trước mạng sống của cô gái, mong manh như "chỉ
mành treo chuông", thầy không thể nhẫn tâm khước từ, dù biết hậu quả lời
hứa thật khó ước lường. Thầy vốn điềm tỉnh và dứt khoát, nên chững chạc
đáp ngay:
- Xin cô Hồng Lãnh yên tâm. Tôi sẽ không xa cô đâu.
Lời hứa đó công hiệu như toa thuốc thần giúp Hồng Lãnh khôi phục sức
khỏe nhanh chóng. Khâm Sai và phu nhân mừng rỡ, thay đổi hẳn thái độ,
một mặt khuyên nhủ thầy Huệ Cao sớm hoàn tục, mặt khác cử người thỉnh sư
phụ Tâm Thành đến để thương lượng việc hôn nhân. Thầy Huệ Cao vô cùng
bối rối. Thầy hứa hẹn nhân lúc cấp thiết cứu người chớ không mảy may có
ý định hoàn tục. Thầy hi vọng giải pháp lý tưởng theo đó Hồng Lãnh cứ
vào chùa ở, rồi mạnh ai nấy tu. Nhưng suy nghĩ cặn kẻ, thầy thấy có điều
không ổn. Trước thái độ si tình cuồng nhiệt của Hồng Lãnh, năm tháng dài
gần gũi bên nhau liệu tâm thầy có còn bền vững không? mà dù tâm không
vọng động thì làm sao tránh khỏi bị miệng thế dèm pha, gây tai tiếng
chốn thiền môn. Bỗng dưng thầy nhớ đến lời dặn dò của sư phụ, thầy thầm
nghĩ kẻ tu hành phải tùy nghiệp duyên của mình mà tu tập, nếu phải mặc
áo trắng hay y vàng thì cũng nương theo vận số, không có gì phải cố
chấp. Do đó, cuối cùng thầy đồng ý hoàn tục cưới Hồng Lãnh miễn nàng
chấp nhận rời bỏ chốn quyền quí để sống đời dân dã theo chồng.
Sau lễ cưới một thời gian ngắn, Huệ Cao chuẩn bị đưa vợ ra đi. Thương
con Khâm Sai và phu nhân chỉ biết chu cấp con vàng bạc kèm theo đám gia
nhân hầu hạ, nhưng tuân ý chồng Hồng Lãnh chỉ chọn Vú Năm đi theo mà
thôi. Huệ Cao đích thần chèo ghe chở vợ và vú xuôi theo giòng sông Hậu,
như một gia đình nghèo nàn lưu lạc tìm chốn định cư. Chàng cho thuyền tẽ
theo kinh Vàm Nao đến sông Tiền, đoạn theo tả ngạn sông vượt qua khỏi cù
lao Giêng vào xóm Mỹ Trà hoang vắng thì dừng lại. Cặp vợ chồng son trẻ
Hai Cao bắt đầu dựng nghiệp. Dùng chút vốn liếng của vợ, Hai Cao huy
động được một số dân đinh để khai phá rừng hoang cày ruộng. Nhờ những
năm trúng mùa liên tiếp, chú Hai Cao đã bành trướng diện tích khẩn hoang
chạy dài từ Phong Mỹ cho đến Cần Lố. Thế rồi ông chủ điền nhân đức tụ
tập dân chúng về sinh sống. Ông chia đất cho dân cày cấy không lấy địa
tô cũng không đòi hỏi đều kiện nào khác, nhưng số đông cũng biết tự
nguyện góp nhân lực, vật lực với ông trong những công tác từ thiện. Ông
cũng chu cấp tiền bạc để đài thọ cho lương y ở thường trực trong vùng
săn sóc sức khỏe dân chúng, mời thầy đồ về dạy học cho trẻ con. Ông lại
dựng một trại cứu tế tại Xép để nuôi dưỡng những kẻ tật nguyền, già cả,
thiếu thân nhân chăm sóc. Ngoài ra, một khu chợ cũng được khai sanh dựa
bên rạch Mỹ Trà hầu dân chúng có nơi bán buôn đổi chác. Nhờ thiện chí
của ông Hai Cao, chỉ trong vòng mươi năm vùng đất hoang vu muỗi mồng
ngày trước đã biến thành sung túc, thịnh mậu khác thường. Vợ chồng hiếm
hoi, nhưng ông Hai không bao giờ phiền muộn gì về điều nầy, vì ông bà đã
có đám con nuôi đến mười hai đứa. Chúng ngoan ngoãn, dễ dạy và rất hiếu
thảo. Chuyện xin con nuôi của ông Hai cũng có nét đặc biệt. Có lần đi
đến Doi Lửa (4), Cù Lao Tây, gặp thằng bé khôi ngô lỗ tai chảy mủ đau
nhức mà cha mẹ nó lơ là, ông thương nên săn sóc rồi tìm thầy chữa trị.
Thấy đứa bé quyến luyến ông xin làm dưỡng tử, đặt tên là Vô Minh. Lần
khác đến tỉnh Long Hồ, gặp hai đứa bé trai song sinh câm và điếc, bị mẹ
cha ruồng rẫy, anh em hiếp đáp nên ông xin về nuôi, đặt tên chúng là
Hành và Thức. Về nhà ông tìm cách nói chuyện với chúng bằng phương pháp
ra dấu tay. Ông chịu khó dạy dỗ và chăm sóc nên chúng rất hạnh phúc.
Tiếng đồn ông thương yêu trẻ con tàn tật khiến kẻ lạ cũng mang con câm
điếc tặng ông. Thét rồi (5), ở khắp ba tỉnh miền Tây, ai sanh con câm
điếc cũng tìm đến ông trao của nợ. Do đó, mười hai cậu con trai của ông
Hai, trừ thằng lớn nghễnh ngãng, đám em đều câm điếc.
Mùa hè năm Tân Tị, khi trời bỗng trở nên ngột ngạt và độc địa. Nhiều
người ngã bệnh, rồi bệnh dịch hạch bắt đầu tràn lan không cách gì chận
đứng được. Người bệnh nằm la liệt, kẻ chết không đủ người chôn cất. Tình
trạng bi đát và tuyệt vọng. Thương dân, ông Hai buồn ray rức. Ông vò đầu
bức tóc, suy nghĩ bao nhiêu cách đối phó cũng vô hiệu. Bất ngờ, vẻ khẩn
trương biến mất, ông thanh thản lễ Phật rồi tụng một thời kinh đầy an
lạc. Bà Hai theo dõi tâm tư chồng không phút giây lơ đểnh. Ông lo lắng
bà lo lắng theo, ông vui bà vui theo, ông thanh thản thì bà cũng nhẹ
nhàng. Vợ chồng chung sống với nhau trên hai mươi năm, mà càng chung
sống bà lại càng kính yêu ông bội phần. Bà kính yêu đạo đức, lối cư xử
hòa ái, nhân nghĩa của ông đối với mọi người. Ông tử tế, nhỏ nhẹ với
người, thì dĩ nhiên với bà lại càng ngọt ngào mềm mỏng. Ông thương yêu
và hiểu biết, đối với trẻ con xa lạ còn nài nỉ đút cơm, o bế rửa ráy...
vậy nếu có chiều chuộng vợ nhõng nhẽo tí cho vui, thì đó cũng là việc
thường tình.
Lễ Phật xong, ông Hai đến bên vợ, mặt hân hoan rạng rỡ:
- Bà à! đạo đức vô hành của người xưa bao la, nên ở chốn nào, dân chúng
cũng nhờ đó được lợi lạc an cư...
- Dạ!
- Tôi nghĩ hổ thẹn cho mình! Mình đạo đức mỏng manh nên dân chúng xứ nầy
hoạn nạn mà không phương cứu giúp!...
- Xin ông đừng nghĩ như vậy. Ông đạo đức, ông thánh thiện, ông không có
gì để hổ thẹn!- bà bỗng lo lắng vu vơ, nên hơi cà lăm - Cái nầy! cái
nầy! có lẽ tại nghiệp báo của họ thôi. Sức người làm sao cứu vãn nỗi!
- Ơ! chính vì nghĩ đến nghiệp báo như bà, nên khi tụng kinh tôi mới
nguyện với Phật Trời xin được chết thay cho dân. Tội nghiệp của họ kiếp
này hay kiếp trước, dù phải chịu quả báo đọa đầy ở địa ngục nào, tôi
cũng xin gánh chịu thay họ.
Ngưng một lúc, nhìn bà đậm đà thương yêu, ông ngỏ lời giã biệt:
- Xin bà bảo trọng!
- Ông à! - giọng của bà điềm tỉnh và chắc nịch - Ta như đôi sam, một
bước chẳng rời. Nay ông quyết hành hạnh bố thí thân mạng thì tôi cũng
noi gương ông để bố thí. Ông nguyện vào địa ngục chịu hình phạt thay
người, thì tôi cũng theo ông hành hạnh nguyện đó.
Hai ông bà tương thông tình ý. Bà không hề ngăn cản ông bố thí, ông bao
giờ chống đối bà bám theo. Hai ông bà sánh vai nhau bước ra cửa. Xa xa
ngoài kia, mười hai đứa con nuôi tuân theo lời dặn của cha trước khi ông
vào nhà lễ Phật, đã chuẩn bị xong hỏa đài. Ông Hai giải thích cho các
con nội vụ, dặn dò chúng chung sống thương yêu, hòa thuận; đoạn ông nâng
niu nựng từng đứa con, từ thằng trưởng Vô Minh, cho đến thằng út Lão Tử,
rồi mới khoác tay từ biệt. Sau đó, đích thân ông Hai châm lửa, rồi nâng
niu dìu đỡ bà cùng leo lên dàn hỏa.
Chứng kiến cảnh cha mẹ tự thiêu thân xác, đám con đau khổ tột cùng.
Người con trưởng Vô Minh, đột nhiên quyết định kéo lôi cha mẹ ra khỏi
vòng lửa đỏ, nhưng vừa dợm chạy thì đã trật chân té nằm dài. Khi Vô Minh
ngẩng đầu nhìn kỹ, thì lạ chưa, trước mắt anh ta không phải là dàn hỏa,
mà là ngọn núi Bửu Long, với ngôi chùa Di Đà. Dưỡng phụ chàng là sư phụ
Minh Huệ đang hướng dẫn mười hai đệ tử tu học. Bọn đệ tử thông minh tinh
tấn khiến sư phụ vui lòng hả dạ. Bỗng sức khỏe sư phụ yếu dần, khiến sư
bà Minh Hồng, sư muội đồng môn của sư phụ, trước nay ngụ tại chùa ni gần
đó thỉnh thoảng đến thăm hỏi, đâm ra lo lắng. Nhận thấy bọn nam đệ tử
vụng về cơm nước, sư bà đích thân lưu lại để tự tay săn sóc sư huynh. Có
sư bà thì đám đệ tử càng lơ là, và điều đó khiến sư bà có lý do chính
đáng ở hẳn chùa Di Đà. Thế rồi không một đệ tử nào được sư bà tin tưởng
để chia xẻ việc chăm sóc thầy. Bà độc tài và độc quyền đảm trách mọi
công việc, thậm chí có những thứ nên để bọn đàn ông lo lắng cho nhau, bà
cũng bất cần. Bọn đệ tử thấy bị sư bà gạt ra xa sư phụ, họ bắt đầu ganh
tị và khó chịu. Thế rồi những tiếng xầm xì phát sinh. Từ những cử chỉ
quá tự nhiên của sư bà, họ mổ xẻ, diễn dịch mãi, rồi bóp méo thêm bớt,
cuối cùng trở thành những hành vi xấu xa, nhơ nhớp. Người đại đệ tử
không hề tham gia vào việc đàm tiếu thầy vì anh quan niệm kẻ tu hành,
ngay đối với hành vi xấu xa của người cũng không lưu tâm, huống chi là
bịa chuyện để nói xấu. Tuy nhiên, cũng hơi khó chịu sư bà, nên anh lại
thích nghe kẻ khác nói bậy. Nguyên sư bà tuy thương kính sư huynh mà
lòng không chút dâm tà, còn vị sư phụ tu hành chân chính, tâm đâu còn
phân biệt nam nữ để vọng động như thường tình. Sư hiểu đám đệ tử dị nghị
mà thấy không cần biện bạch. Tình trạng kéo dài khiến bọn đệ tử lần lượt
bỏ đi. Sư Minh Huệ nương theo pháp môn Tịnh Độ, chí nguyện vãng sanh,
nhưng đến lúc lâm chung nhìn vị sư muội héo gầy thân xác, vì mình phải
khổ sở trăm chiều, lại chịu tiếng nhuốc nhơ nên sinh lòng xúc động. Nhớ
đám đệ tử bỏ đi, ông thương chúng và cũng tự trách mình đã thiếu tế
hạnh, khiến cho bọn đệ tử mắt phàm tục hiểu lầm rồi tạo khẩu nghiệp thật
là tai hại. Chút niệm tình vương vấn khiến thần thức của sư bỗng nặng
trĩu nghiệp lực không vãng sanh được nữa để trầm luân ở chốn ta bà, tìm
lại những mối dây oan nghiệp xưa mà rộng đường cứu độ.
Thoáng ảo ảnh tan dần. Khi Vô Minh tỉnh dậy, thì hỏa đàn gần rụi, tai
chàng nghe tiếng đám em đang khóc lóc, kể lể thảm thiết. "Lạ thật! chúng
nó đã hết câm điếc rồi!...". Vô Minh thầm nhủ.
Có thể do một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay từ nguyện lực nhiệm mầu của
bậc Bồ tát, mà sau khi ông bà Hai Cao tự thiêu, nạn dịch tức thời chấm
dứt và cũng không hề đáo lại. Nhớ ơn hai ông bà - ông tên Cao, bà tên
Lãnh - , người dân đã ghép tên ông bà thành địa danh đặt cho vùng đất
nầy (6). Địa danh đó trở thành chánh thức khi người Pháp thành lập quận
Cao Lãnh, đặt trực thuộc tỉnh Sa Đéc. Thời đệ nhất cộng hòa, Cao Lãnh
được nâng thành tỉnh lỵ của tỉnh tân lập Phong Thạnh, sau đổi thành Kiến
Phong, và ngày nay là Đồng Tháp. Lịch sử đã bao lần đổi thay, nhưng lòng
từ bi vô lượng của ông Cao bà Lãnh muôn đời vẫn còn đó, vẫn soi sáng cho
thế hệ mai sau.
Tháng 12.1989
oo0oo
Ghi Chú:
1. vùng Bảy núi: vùng Thất sơn (Châu Đốc)
2. Nhục thân của Phật Thầy Tây An được chôn sau chùa Tây An, vẫn không
bia, nấm mộ, bình thường..., nhưng đệ tử đã làm một hàng rào khiêm tốn
quanh nơi chôn cất có lẽ để tránh bị siêu lạc hay thú rừng dày xéo. Và
điều nầy, thật ra, cũng trái với di chí của Phật Thầy.
3. "Tùy duyên tiêu cựu nghiệp
Nhậm vận trước xiêm y" (tổ Lâm Tế)
Việt dịch: "Tùy duyên tiêu nghiệp cũ
Hồn nhiên mặc áo xiêm" (H. T. Thanh Từ)
4. Doi lửa: địa điểm lịch sử tọa lạc tại phía Nam cù lao Tây, một trạm
canh gác có nhiệm vụ đốt lửa báo động khi có giặc ngoại xâm.
5. Thét rồi: Người miền Nam dùng chữ thét rồi với nghĩa cuối cùng rồi,
riết rồi nhưng còn hàm ẩn một chút thở than, một tiếng thở dài.
6. Ông Cao bà Lãnh là hai nhân vật lịch sử của thời khai quang lập ấp.
Hạnh nguyện của hai ông bà vẫn được bao thế hệ nhắc nhở truyền tụng.
Theo địa phương chí quận Cao Lãnh thì hai ông bà chủ chợ hiền đức, ông
tên Cao, bà tên Lãnh, khi thấy nhân dân bị nạn dịch chết quá nhiều, nên
khẩn nguyện với Phật Trời cho mình được chết thay. Khấn xong hai ông bà
treo cổ tự tử và liền ngay đó, bệnh dịch chấm dứt.
Đầu Trang |
|