Xưa ở chùa Quang Minh, làng Hậu Bỗng, huyện Gia Lộc tỉnh Hải
Dương, có một vị sư tên Huyền Trân, tu đắc đạo. Một đêm, nằm thấy Phật Di Ðà báo
mộng rằng: Nhà ngươi tu hành có công đức, trời Phật độ cho kiếp sau được làm vua
nước Tàu. Nhà sư thức dậy lấy làm kỳ dị, gọi các đạo tràng bảo rằng:
- Ðêm, Thầy thấy mộng lạ, đến khi Thầy chết hãy lấy bút son mà viết trên vai
Thầy mười chữ rằng: "Nhà sư tu ở chùa Quang Minh, nước An Nam", rồi đem thiêu
đừng có chôn!
Khi vị sư chết, tuổi đã chín mươi, các đạo tràng làm theo như lời dặn trước.
Ðời vua Hoàng Ðịnh, nhà Lê, ông tiến sĩ tên là Nguyễn Tự Huyện sang cống vua
Khang Hi nước Tàu, vua Khang Hi phán hỏi:
- Ngươi có biết chùa Quang Minh, ở nước An Nam, thuộc về tỉnh nào?
Ông ấy tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần chỉ biết chùa Quỳnh Lâm, chùa Thiên Phúc, còn chùa
Quang Minh thì thần không rõ.
Vua nói rằng:
- Khi Trẫm giáng sinh, ở trên vai có mười chữ son, hẳn là kiếp trước Trẫm tu ở
chùa ấy. Nay Trẫm muốn bỏ những chữ ấy đi, mà không phép nào rửa sạch.
Ông ấy tâu lại rằng:
- Dám xin có phải thế, thì lấy nước giếng chùa ấy mới rửa được.
Vua dặn rằng:
- Thế thì khi về, người tâu với vua Lê cho đi tìm, lấy hộ Trẫm nước giếng ấy.
Ông Nguyễn Tự Huyền về tâu lại với vua Lê như thế. Rồi ông tìm đến chùa Quang
Minh, lấy một vò nước đem sang Tàu, dâng vua Khang Hi. Vua Khang Hi lấy nước ấy
rửa, thì những chữ son đi ngay. Nhà vua mừng lắm, mới đưa cho ông ta ba trăm
lạng vàng, nhờ đem về tu bổ chùa Quang Minh cho lịch sự.
Nguồn: www.quangduc.com