Xưa có một người nghèo khổ, thường dâng đồ cúng dường chư
thiên, với lòng cầu mong được giàu có. Trải qua thời gian khá lâu, cảm được lòng
thành, chư thiên hiện ra hình người đến hỏi anh ta rằng:
- Ông thường cúng dường chư thiên với lòng cầu mong gì?
- Tôi chỉ mong giàu có, đó là sở nguyện duy nhất của tôi.
Khi ấy vị trời cho ông ta một cái bình, nói rằng:
- Ðây là bình như ý, ông muốn điều gì thì tự nhiên bình ấy sẽ cung cấp cho ông.
Người ấy được bình rồi tùy theo ý muốn của mình, mọi việc đều như ý. Anh ta muốn
có cung điện, xe cộ, vợ đẹp...
Một hôm, anh muốn khoe của, nên mời xóm giềng đến đãi đằng no say. Ðang khi ăn
uống, có người hỏi:
- Trước kia ông nghèo khổ, sao bây giờ lại giàu có, tiền của nhiều như thế?
- Tôi nhờ thường cúng dường chư thiên, nên các ngài cho tôi một cái bình trời,
trong bình ấy sẽ cho ra tất cả của cải tuỳ theo ý của mình nên tôi mới giàu có
như vậy.
Mọi người đều khen ngợi chưa từng có, anh ta sanh lòng kiêu căng tự đắc, cầm
bình nhảy múa, chẳng may, anh bị trượt té, rơi bình xuống đất bể nát. Anh ta xấu
hổ ngồi dậy, nhưng ôi thôi, chung quanh anh, mọi người đang ngồi ngoài đồng
trống, áo quần mặc trên thân anh đều tan biến. Nhà cửa ruộng vườn, xe cộ, vợ đẹp
đều tiêu tan theo bình ấy.
Kể câu chuyện ấy xong, Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo rằng:
- Người giữ giới thì thành tựu được các pháp vi diệu và chí nguyện được viên
thành, ngược lại kẻ phá giới, kiêu căng tự thị, phóng túng cũng như người kia vì
tự đắc mà bình bể, tài sản đều mất.
Nếu ai muốn được niềm vui cõi trời, hay thường lạc ngã tịnh của niết bàn thì
phải kiên trì giới luật đã thọ, siêng năng tu tập cần lao không gián đoạn, đến
khi bỏ thân tứ đại, chắc chắn sẽ được phước báo an lành. Còn nếu không lo tu
tập, không siêng năng cần mẫn, ăn rồi cứ rong chơi, bàn luận thế sự, chẳng những
không lợi ích gì cho hiện tại mà chốn tam đồ chắc không tránh khỏi.
Này các Tỳ kheo, ví như ở phương tây có một quốc vương, trong vương quốc ấy,
không có giống ngựa qúy, nhà vua cho người tìm mua về 500 con nuôi dưỡng luyện
tập đề phòng khi có giặc. Nuôi ngựa đã lâu, nhưng trong nước gặp lúc bình trị,
nhà vua tự nghĩ: "Nuôi 500 con ngựa này hao tốn quá mà chẳng có ích lợi gì, thôi
ta hãy thả cho nó tự do đi kiếm ăn, không kiềm thúc nữa cho đỡ tốn ngân quỹ của
nhà nước". Nghĩ rồi sai quân làm như vậy. Bấy giờ ngựa được tự do chạy nhảy, bao
nhiêu nết cũ, ngựa rong ngoài đồng đều sống lại. Chẳng bao lâu sau, trong nước
bị ngoại xâm, nhà vua ra lệnh nai nịt cho 500 con ngựa ấy để ra trận. Tướng sĩ
phóng lên lưng ngựa, cầm binh khí thẳng tiến về phía giặc, cho roi vào hông
ngựa, nhưng ngựa chẳng chịu chạy tới mà quay đầu chạy trở lại, chẳng như ý chủ
tướng. Quân giặc thấy vậy liền xua quân đánh úp, chỉ trong chớp nhoáng là chiếm
được ngôi vua.
Này các Tỳ kheo, muốn cầu quả báo lành, phải nhiếp niệm thâm tâm, tinh tấn điều
phục và sống theo hạnh của bậc thánh, chớ một khi giặc vô thường đến thì khó giữ
ngăn. Cũng như nhà vua có bầy ngựa quý mà không biết sử dụng để cho nó tự tình
buông lung chạy theo bản tính, khi có giặc đến cướp nước, bầy ngựa chẳng dùng
được mà còn mất nước lụy thân. Các thầy hãy gắng tinh cần, nhắc nhở.
Nguồn: www.quangduc.com