Ngày xưa, tại Ấn Ðộ có một Phạm Chí học vấn uyên thâm, biện
tài vô ngại. Ông thường dùng xảo ngôn để lập thuyết, lấy hư làm thực, lấy thực
làm hư, chưa một ai địch lại, ông rất lấy làm tự đắc.
Một hôm ông đến thành Xá Vệ, giữa ban ngày ông đốt đuốc cầm đi, mọi người thấy
lạ chạy theo coi, có người trong đám hỏi ông:
- Này đạo sĩ, giữa thanh niên bạch nhật như thế này sao đạo sĩ lại đốt đuốc mà
đi?
- Trong nước tối tăm, không có ánh sáng, nên ta phải đốt đuốc mà đi.
Câu chuyện được đồn đến tai vua, nhà vua rất lấy làm hổ thẹn, nghĩ cả nước chẳng
có người tài giỏi, để phải bị kẻ xảo ngôn nhục mạ. Nhà vua liền sắc các quan
quân mang trống lệnh treo trên cửa thành dóng lên từng hồi vang vọng để cầu các
bậc biện tài vô ngại, hàng phục kẻ ngông cuồng, xảo ngôn ấy.
Bấy giờ có một vị Sa môn tài cao đức lớn, đi ngang qua thành, thấy trống lệnh
dóng lên liên hồi, liền kêu quân giữ thành hỏi:
- Nhà vua cầu việc gì mà đánh trống lệnh liên hồi vậy?
- Thưa Sa môn, vua muốn cầu bậc hiền tài để tranh luận với Phạm Chí xảo ngôn
kia.
Nghe vậy, vị Sa môn vào thành yết kiến nhà vua. Nhà vua lấy làm mừng rỡ, cho lập
đàn tranh luận và báo cho Phạm Chí cùng dân chúng biết.
Ngày khai đàn tranh luận được quy định, vị Sa môn đến thật sớm, lên ngồi nơi tòa
cao nhất. Phạm Chí đến sau nên ngồi dưới thấp. Vị Sa môn nói:
- Này Phạm Chí, ai ngồi trên thì được nói trước, ông bằng lòng chăng?
Phạm Chí tự nghĩ: "Ta là bậc biện tài xưa nay chưa hề có ai địch lại, vậy sợ gì.
Hãy cho Sa môn này nói trước".
- Này Sa môn, ông cứ nói trước rồi đến phiên ta.
- Lành thay, này Phạm Chí ông là kẻ trí tuệ, minh đạt, là bậc chơn nhơn đạo cốt,
chứ chẳng phải kẻ đầy tớ, tôi đòi, binh lính, xe ngựa hay kẻ vác xác chết ngoài
bãi tha ma.
Khi ấy Phạm Chí suy nghĩ mông lung chẳng biết trả lời sao cho được. Nhà vua thấy
Phạm Chí cúi đầu làm thinh, không đối đáp, rất lấy làm mừng rỡ, dọn tiệc thiết
đãi, rồi ra lệnh cho Phạm Chí hốt phân đội trên đầu mà đi và đuổi ra khỏi nước.
Nguồn: www.quangduc.com