Hồi ấy, cách đây hơn 2500 năm, người ta tính trên trái đất Ấn
có đến 96 học thuyết và giáo phái. Tôn giáo nào cũng tự hào lý thuyết mình là
đúng, là hay rồi tìm mọi phương để bành trướng. Trong số có một phái tôn thờ quỷ
thần, thủ lãnh là một bà mập mạnh, có giọng nói oang oang, lại thêm có tài hùng
biện. Nhờ thế mà phái ấy làm chủ được một vùng khá rộng.
Hôm nọ, một tin rúng động từ xa đưa đến: Thái tử Tất Ðạt Ða đã chứng thành đạo
quả ở gốc cây Bồ Ðề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Hiện Ngài đã bắt đầu đi truyền
giáo. Người theo Ngài rất đông. Lý thuyết Ngài dạy là hễ gây nhân nào là hưởng
quả ấy. Cuộc sống của mọi người đều do bàn tay của họ sáng tạo. Con người không
thể là trò chơi của các đấng thần linh. Hay tin ấy, bà thủ lãnh rất đỗi lo sợ.
Bà lo vì ảnh hưởng của đức Phật càng lan rộng tất đạo của bà sẽ hết người tôn
thờ. Am đền của bà sẽ trở nên "hương tàn bàn lạnh". Bà sẽ hết đất để sinh nhai.
Nhưng lo cũng không khỏi, cái gì đến tất sẽ đến, tín đồ của bà hướng về đức Phật
mỗi ngày mỗi đông. Ăn ngủ không yên, bởi dòng suy tưởng chi phối. Bà mong có
phương pháp thần hiệu để hạ uy tín đức Phật.
Ðêm hôm ấy, trằn trọc mãi không ngủ, bà đánh thức các môn đồ dậy lo cho bà ăn
thật sớm.
Thấy nỗi thắc mắc và lo toan hiện rõ trên nét mặt của bà, các môn đồ hỏi lý do.
Bà cho hay là sáng ngày bà sẽ đi sỉ nhục đức Phật. Bà khuyên môn đồ giữ vững đức
tin. Bà hứa với họ rằng, bà sẽ cầu xin đấng thần minh ban phước cho bà triệt hạ
uy tín đức Phật.
Cơm nước xong, không gian đang mù tỏa ban đêm, bà hăm hở lên đường trong niềm hy
vọng. Vài giờ sau, mặt trời vừa xuất hiện, soi sáng trần gian bà đã đến nơi đức
Phật thiền định, bà la rầy khiêu khích dùng lời thô tục mắng nhiếc đức Phật.
Mặc cho bà quát tháo, đức Phật vẫn ngồi yên lặng. Thật là hai thái cực!
Thấy Phật không trả lời, bà nghĩ là Ngài đã thua cuộc và chứng tỏ rằng ngài quá
ương hèn trước áp lực của người khác. Như thế, Ngài là người không đáng cho mọi
người kính trọng và tôn thờ. Do đó bà càng làm già hơn nữa. Nhưng lúc mặt trời
vừa đứng bóng, bà mệt lả, vì bụng đói, khát nước và rát cổ. Bà ngồi phịch xuống
đất và suy gẫm. Sau cùng thua buồn thua kiện, bà đến hỏi đức Phật:
- Ông kia, sao tôi la rầy ông từ sáng sớm đến giờ mà ông không nói gì cả. Thường
thường tôi mắng ai, tôi một thì họ mười. Trái lại tôi chưa gặp ai như ông, mặc
cho người khác nguyền rủa.
Cơ duyên đã đến, đức Phật xuất định, dịu dàng cất tiếng:
- Ta xin hỏi ngươi một điều này: một hôm nọ, nhà ngươi có giỗ, ngươi mang bánh
cho hàng xóm, nhưng họ không nhận, thế thì bánh ấy về ai?
- Ồ! Nghe thiên hạ đồn, ông là bậc giác ngộ, trí tuệ tuyệt vời, song giờ đây
nghe ông hỏi, tôi nghĩ buồn cười quá, tôi mang cho hàng xóm, nhưng họ không nhận
vậy thì tôi mang về. Tôi giữ lại cho gia đình tôi ăn chứ nó về ai nữa mà hỏi.
Ông thật là điên rồ!
Vẫn bình tĩnh, dịu dàng, đức Phật lại nói:
- Ngươi mang bánh cho hàng xóm nhưng họ không lấy thì ngươi mang về, cũng như
thế, từ sáng đến giờ ngươi biếu ta không sót một tiếng gì nhưng ta không lãnh,
vậy những cái ấy tự trở về với ngươi tất cả. Ðiều ấy có khác gì kẻ cầm đuốc đi
ngược gió, tất sẽ cháy tay, kẻ đứng ngược gió vãi bụi tất sẽ lấm mình, hoặc kẻ
ngửa mặt lên không trung mà nhổ nước miếng tất nước miếng sẽ rơi vào mặt.
Suy gẫm một hồi, bà ta xác nhận rằng, mình hại người, tội lỗi về sau phải chịu
đó là thứ vô hình mình không thể thấy, song hiện tại mình quá ư lỗ lã. Xưa nay
mình không ăn sáng, nay phải mất một bữa cơm, đó là điều lỗ thứ nhất. Sáng nay
bỏ mất một buổi làm ăn, đó là điều lỗ thứ hai. Khát nước, bụng đói, rát cổ,
nhưng trưa nay về không thể nuốt được cơm nước, đó là điều lỗ thứ ba. Với sự mệt
mỏi, dầm sương phơi nắng từ khuya đến giờ, thế nào cũng mang bệnh. Nếu bệnh tất
phải bỏ làm ăn tốn thuốc men, phiền lụy đến thân thuộc, đó là điều lỗ thứ tư.
Sau phút suy gẫm bà cảm thấy đức Phật là một bậc có sức mạnh vô song khôn hơn
mọi người, bà hết sức khâm phục và trở nên hòa dịu. Bà đến qùy trước đức Phật
cầu xin sám hối lỗi lầm, xin quy y làm môn đệ và nguyện sau khi trở về sẽ dẹp
thần tượng, hướng dẫn môn đồ trở về con đường chân chánh.
Trên đường về, người đệ tử của đức Phật - bà thủ lãnh của đạo quỉ thần miên man
nghiệm lời Phật dạy. Ðể dằn sự hung bạo quen thói của mình, đồng thời để nói lên
ý nghĩa của lời Phật dạy, bà ta lặp đi lặp lại:
"Gieo gió, gặt bão".
Nguồn: www.quangduc.com