...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Ba

Hồi Thứ 151

Hồi Thứ 152

Hồi Thứ 153

Hồi Thứ 154

Hồi Thứ 155

Hồi Thứ 156

Hồi Thứ 157

Hồi Thứ 158

Hồi Thứ 159

Hồi Thứ 160

   

Hồi Thứ 151  (^)

 

Ðến địa phủ thấy tội nhân lòng ác không chừa

Gặp yêu quái khởi tà tâm tan thân mạng

 

Bị quỷ tốt ném vào vạc dầu sôi, Trương Sĩ Phương sợ quá hét lên một tiếng giựt mình tỉnh lại, mở mắt ra mới hay là mình vừa chiêm bao, đang nằm trên giường mà mồ hôi ra ướt cả mền nệm. Vừa mới định thần thì nghe bên kia Lý Tu Duyên la lên:

- Không xong rồi, đau lòng em quá Trương đại ca ơi!

Trương Sĩ Phương hỏi:

- Lý hiền đệ, em la cái gì vậy?

Em mới vừa nằm mộng, thấy có hai quan nhân đến trói dẫn anh xuống gặp Diêm Vương. Diêm Vương bảo quỷ tốt dẫn anh đi xem các địa ngục. Em cũng đi theo phía sau anh. Anh xem các địa ngục xong, Diêm Vương nói anh làm hại Vương viên ngoại, lại còn muốn hại bao nhiêu người nữa. Em thấy anh bị quăng vô vạc dầu sôi sùng sục, sợ quá em la lên một tiếng giật mình tỉnh lại.

Trương Sĩ Phương nghe xong nghĩ thầm: “Lạ thiệt, làm sao mình nằm mộng mà nó biết kìa?”. Rồi lại nghĩ: “Nằm mộng là ở trong lòng thôi, làm gì có việc đó! Phải nghĩ cách giết hai thằng này mình mới phát tài được. Nếu không như vậy thì không xong!”. Nghĩ tới nghĩ lui rồi ngũ nữa. Lại cũng nằm mộng như trước, nhưng lần này thấy mộng không bị quăng vào vạc dầu mà bị ném lên núi dao. Sợ quá giật mình tỉnh giấc, lại ướt đẫm cả mồ hôi! Ba lần như vậy, Trưong Sĩ Phương sợ quá trống ngực đập thình thịch! Nghe bên ngoài trống điểm canh ba, Trương Sĩ Phương nghĩ bụng: “Thôi mình đừng ngũ ở đây nữa, căn nhà này xui quá! Ngủ nữa, mình phải sợ bắt chết đi!”. Hắn nghĩ rồi, ngồi dậy nói:

- Hai vị hiền đệ ngủ đi nhé! Tôi có việc phải đi đây.

Vương Toàn cũng tỉnh dậy, nói:

- Trương đại ca, nửa đêm mà anh đi đâu vậy?

- Chú để mặc tôi. Tôi không ở đây nữa.

- Anh muốn thế thì gọi gia nhân mở cửa cho.

Trương Sĩ Phương mặc y phục xong, bước ra kêu gia nhân mở cửa. Mọi người vừa mới ngủ bị dựng dậy mở cửa, ai cũng rủa thầm hắn vì từ hồi nào đến giờ hắn không được lòng ai cả. Ra khỏi thôn Vĩnh Ninh, Trương Sĩ Phương thẳng đến Hài Sanh kiều, ngước mắt nhìn lên, mặt trăng đang lơ lửng trên không. Ðương lúc tàn thu, mặt nước lặng lờ long lánh như gương. Gió Tây thổi lại, nhuộm màu vàng cả rừng cây. Nhìn xuống dưới cầu, dòng nước thu trong cuồn cuộn chảy về Ðông. Ðêm sâu yên tĩnh, gà chó lặng im. Ðứng trên cầu, Trương Sĩ Phương tự hỏi: “Ðêm khuya canh ba mình đi đâu nhỉ? Chi bằng đến viện Câu Lan nghỉ đỡ đêm nay”. Mới tính như vậy, bỗng nghe trong rừng cây phía Bắc có tiếng đàn bà khóc nỉ non. Trương Sĩ Phương theo tiếng tìm đến gần xem thử. Quả nhiên đó là một thiếu phụ, tuổi cũng không quá hai mươi. Tiếng thở than như mật rót đầy vẻ  bi ai. Trương Sĩ Phương tiếc cho ánh trăng không đủ tỏ để nhìn thấy vẻ nguyệt thẹn hoa nhường. Chiếc miệng nhỏ xíu hợp với đôi mày ngài mắt hạnh trên gương mặt ngọc phù dung, từ đầu đến chân không chỗ nào chê được. Trương Sĩ Phương nhìn thấy tức thì dâm tâm phát động. Hắn ta vốn là quỷ đói trong đám sắc, ma vương của loài hoa, vội vàng nói:

- Vị tiểu nương này, tại sao đêm khuya tăm tối mà lại khóc than ở đây?

Người thiếu ấy ngước mắt lên nhìn, nói:

- Thưa đại gia công tử, tiểu phụ học Chương, chỉ vì chồng không ra gì, cả gia tài đều đem nướng vào sòng bạc hết, đến nổi nhà phải chạy ăn từng bữa. Như vậy chưa đủ, hôm nay chồng tiểu phụ cần tiền, mới bán tiểu phụ để ăn thua trong sòng bạc. Cho nên tối nay tiểu phụ lén trốn ra đây, định ngồi khóc lóc một hồi rồi treo mình kết liễu cuộc đời cho xong. Ðại gia công tử nghĩ xem, rơi vào hoàn cảnh này còn sống mà làm gì?

Trương Sĩ Phương nghe nói có ý mừng thầm, cho đây là dịp thuận tiện, vội nói:

- Tiểu nương tử ơi, nàng đừng nghĩ quẫn như thế! Người ta chết rồi không thể sống lại được. Nàng đang còn tuổi trẻ thanh xuân, chết thật là quá uổng! Chi bằng nàng hãy theo ta có tốt hơn không?

- Ôi,  tôi theo công tử đi đâu?

- Ta nói cho nàng biết, nàng thử hỏi thăm trên phố này xem. Ta họ Trương tên là Sĩ Phương, là ai tài chủ ở tại địa phương này, trong nhà cũng có nhà cửa điền sản đầy đủ, cửa hiệu buôn bán tơ lụa. Gần đây vợ ta vừa mới mất, không ai vừa ý nên chưa tục huyền. Không đi bước nữa không phải tại ta không muốn, mà vì muốn chính mắt mình thấy người ưng ý mới bằng lòng. Nếu nàng chịu đi cùng ta, chúng ta hai người quả là trai tài gái sắc đẹp đôi. Một khi nàng thành vợ của ta, y phục cả rương, đồ trang sức không biết bao nhiêu hộp, nhất hô bá ứng, nàng thấy thế nào?

- Công tử hiện ở đâu?

- Nàng đi với ta nhé!

Nói rồi đưa tay muốn kéo đi. Thiếu phụ ấy nói:

- Công tử xem có ai đến không?

Trương Sĩ Phương ngoái đầu nhìn lại không thấy có người nào, day lại cũng không thấy thiếu phụ đâu. Trương Sĩ Phương còn đương ngạc nhiên, thì một con hương chương nhảy xổ lại ngoạm ngay cổ kéo vật xuống ăn thịt. Nó ăn Trương Sĩ Phương còn chừa lại một đầu và một cái đùi. Té ra người thiếu phụ ấy chính là con hương chương biến ra. Nó vâng lệnh Tế Công chờ sẵn ở đây để ăn thịt Trương Sĩ Phương. Chính tên tiểu tử này tâm ý quá độc ác xấu xa, mới bị yêu tinh thanh toán như vậy.

Sáng hôm sau, Vương An Sĩ nghe nói Trương Sĩ Phương nửa đêm bỏ đi mới cho người đi tìm kiếm. Gia nhân về báo là chỉ gặp chiếc đầu và một cái đùi của Trương Sĩ Phương sót lại. Vương An Sĩ bảo gia nhân đi mua một cổ quan tài về bỏ chiếc đầu và chân còn lại của hắn vào trong đem chôn trên gò mả lạng. Vương An Sĩ muốn cho Lý Tu Duyên hoàn tục rồi mới lo chuyện hôn nhân tiếp theo, bèn chọn ngày lành tháng tốt, sai gia nhân đưa tin đến Hòa thượng phương trượng chùa Quốc Thanh vì Lý Tu Duyên là đệ tử ký danh của chùa. Hôm đó lãi viên ngoại cùng Vương Toàn đưa Lý Tu Duyên lên chùa Quốc Thanh làm lễ nhảy tường hoàn tục. Viên ngoại kêu gia nhân chuẩn bị ba cổ ngựa chở Lý Tu Duyên và đặt tăng mạo, tăng y rách nát lên đó, Các gai nhân đều cưỡi ngựa đi theo, Vừa mới ra khỏi đầu thôn Vĩnh Ninh, Tế Ðiên thi triển nghiệm pháp, con ngựa đang cỡi tách đoàn chạy nhanh tới trước vào thẳng trong rừng. Tế Ðiên nhảy xuống ngựa trút bỏ toàn bộ y phục văn sinh công tử, lấy tăng y cũ mặc vào rồi dùng tay chỉ một cái, đem ngựa treo lên cây, dùng phép ẩn thân giấu biến con ngựa đi, Tế Ðiên cất bước lần về phía trước, thấy từ hướng đối diện đi lại năm, sáu ông Hòa thượng kiếc. Họ bảo nhau:

Chúng mình phải đi nhanh may ra tối nay mới kịp. Hôm nay cháu gái của Ðổng viên ngoại là Lưu Tố Tố con của Lưu Bá Vạn cúng Tăng thí gạo, mỗi người được 200 tiền và một cái bánh bao. Cô nương nguyên đã hứa gả cho Lý Tu Duyên, con của Lý Tiết đạt sứ. Nào ngờ Lý Tu Duyên từ năm 18 tuổi đã bỏ đi mất. Cô nương này hiện ở nhà cậu, Ðổng viên ngoại muốn tìm mối khác cho cô, nhưng cố ấy nói: “Trung thần không thờ hai chúa, liệt nữ chẳng lấy hai chồng, đến chết không đổi ý”. Vị cô nương này là người tài giỏi, các thân hào nhân sĩ của huyện Thiên Thai chúng ta ai cũng khen ngợi cô. Ðổng viên ngoại thúc ép cô dữ quá, bảo cô nương không cần phải chờ Lý Tu Duyên nữa, nên ưng mối khác đi. Cô nương không biết làm sao mới ra một câu đối, nói rằng nếu ai đối được thì ưng người đó. Cô nương ra câu đố khó quá nên mấy giám sinh ở phủ Thái Châu chúng ta không ai đối được, đúng là đụng đầu vào gai! Cô nương tánh hay làm phước, chúng ta đi lãnh bánh  bao và tiền đi!

Tế Ðiên nghe họ nói chuyện, biết là họ nói về cô vợ chưa cưới của Lý Tu Duyên, nên bước tới nói:

- May quá, may quá! Chúng ta cùng đi nhé!

Các ông Hòa thượng kia dòm lại, hỏi:

- Ông cũng đi lãnh bánh bao ở Ðổng gia trang à?

- Chớ sao!

Nói rồi nhìn kỹ trước mắt không xa là một vườn cây, đó là Ðổng gia trang. Tiến vào cửa thôn, thấy cổng lớn ở phía Bắc đường cất một cái rạp rất lớn. Các tăng nhân vào cửa, thấy quản gia đang phát bánh và tiền. Tế Ðiên nói:

- Chúng tôi có bảy Hòa thượng tất cả. Chú đưa bảy cái bánh bao và một điếu tiền 400 tiền cho tôi, tôi sẽ chia lại cho các Hòa thượng kia.

Quản gia nghe nói bèn lấy bảy cái bánh bao và một điếu 400 tiền tổng cộng nặng khoản một cân mốt đưa cho Tế Ðiên. Tế Ðiên nói với Hòa thượng kia:

- Bánh bao thì mấy vị hãy cầm phần mình, còn tiền thì thư thả lát nữa lại đằng kia sẽ chia nhé!

Nói rồi nhìn sang thấy cửa sổ mở hoác, bên trong có một chiếc bàn để sẵn bút mực nghiên đầy đủ. Kế bên dán một câu đối 11 chữ, đều có bộ Mịch trùm đầu, câu đối là: “Ký ngụ khách gia, lao thủ hàn song không tịch mịch”. (Nương náu nơi này, nóng nảy não nề niềm nợ nặng). Tế Ðiên hỏi:

- Câu đối này để làm gì vậy?

Câu đối này của cô nương chúng tôi ra đó. Viên ngoại chúng tôi nói: Nếu có ông nào đối được vế sau thì coi như người nhà; nếu người tăng hay đạo đối được thì viên ngoại tôi sẽ cất một ngôi chùa hay ngôi miếu; hoặc là văn sinh công tử đối được, chỉ cần tuổi tác tương đương, viên ngoại sẽ tình nguyện gả cô nương cho người ấy. Nhưng câu đối ấy quá khó đến nỗi những người đọc sách ở xứ này đều thúc thủ.

Tế Ðiên nói:

- Ðể ta đối vế sau câu ấy có được không?

- Nếu ông có tài học có thể đối được về sau, viên ngoại tôi chắc chắn sẽ cất chùa cho ông đó.

Tế Ðiên cầm viết ngoáy lia liạ. Quản gia cầm đưa cho vú em bảo đem cho cô nương xem. Cô nương xem vế đối cứ tặc lưỡi khen hay, cho thiệt là kỳ văn, diệu văn, tuyệt văn! Thật ra vế trên không phải là dễ đối. Mười một chữ trên đều có bộ Mịch trùm đầu, còn về ý nghĩa thì cô nương nói về thân thế mình, cha mẹ mất sớm phải ở tạm nhà của cậu, khác nào việc “Ký ngụ gia” (tạm ngụ nhà người), còn “Lao thủ hàn song không tịch mịch” là nói con người lẻ loi của chính mình, ngồi một mình ở khuê phòng, trong lòng buồn bả, biết đến ngày nào mới được mở mặt mày!

Về phần vế dưới muốn coi như đắc cách, ngoài việc đối được ý tứ còn phải 11 chữ mang cùng bộ loại: hoặc toàn là bộ Mịch, hoặc ba chấm Thủy, hoặc đeo bộ Khẩu, hoặc Nhơn đơn nay Nhơn kép (xích); hoặc có Ngôn ở bên toàn dùng lời nói; còn vế sau của Tế Ðiên dùng toàn bộ Sước có nghĩa là “đi”. Câu đối là: “Viễn ti mê đồ, thối hoàn liên kỉnh phản tiêu diêu” (Ðường đời đày đọa, đến đâu đạo đức được đồng đi). Ý nghĩa 11 chữ này ám chỉ Lưu Tố Tố cô nương từ khi lọt lòng đến nay, chay tịnh từ bụng mẹ không ăn thịt cá bao giờ. Cô ta vốn là Liên Hoa La Hán chuyển thế lạc vào nữ thai. Hôm nay Tế Ðiên đến làm câu đối lại cốt ngầm độ người vợ chưa cưới. “Viễn tị mê đồ” có ý nói người ta sống ở đời như một giấc mộng to, không khác nào lạc trong đường mê. Xa lánh đường mê tức là phải lánh khỏi đường mê đó. “Thối hoàn liên kỉnh phản tiêu diêu” là nói chi bằng đi xuất gia là được tiêu diêu tự tại. Cô nương xem câu đối tắc khen hay, vội bảo:

- Mau kêu người ấy vào đây cho ta gặp mặt.

Gia nhân nói:

- Người đó là một ông Hòa thượng kiếc.

- Bất luận là tăng hay đạo ta cũng muốn gặp.

Gia nhân chạy ra ngoài tìm Hòa thượng thì không còn thấy tung tích đâu nữa. Tế Ðiên cầm một điếu 400 tiền thi triển nghiệm pháp chạy đi. Sáu ông Hòa thượng trong chớp mắt không để ý, thấy ông Hòa thượng đâu mất bèn lật đật rượt theo. Vừa chạy ra khỏi cửa làng thì thấy Tế Ðiên đang ngồi trên đất nghịch tiền, nói nhảm một mình:

- Tiền này ít quá, hai trăm tiền không đủ đếm!

Sáu ông Hòa thượng thấy vậy nổi giận áp lại vây chặt định đánh Tế Ðiên.*

 

Hồi Thứ 152 (^)

 

Tu Duyên công tử chầu Bửu Duyệt

Tri Giác La Hán gặp Côn Lôn

 

Tế Ðiên đang điếm tiền, sáu ông Hòa thượng hóa tiểu duyên áp tới hỏi:

- Hay cho ông Hòa thượng, ông cầm tiền của chúng tôi quăng đi đâu mà còn lại chỉ mấy đồng này?

Ông Hòa thượng ấy chạy lại đánh một thoi. Tế Ðiên nói:

- Chúng ta một chọi một, đánh nhau nhé!

Sáu ông Hòa thượng vây lấy Tế Ðiên lại đánh. Ai muốn đánh Tế Ðiên một thoi, tất bị trả ngay một thoi. Sáu người đều không ai chiếm được phần hơn. Ðang đánh nhau tưng bừng thì từ phía Bắc đi lại hai cỗ ngựa mà người cỡi chính là Vương Hiếu và Vương Phúc. Vương viên ngoại thấy ngựa của Lý Tu Duyên lồng lên chạy khan, lật đật sai gia nhân đuổi theo. Hai vị quản gia đang đi tìm kiếm, thấy Lý công tử lại mặc tăng y rách nát đang đánh nhau với sáu ông Hòa thượng. Vương Hiếu lật đật xuống ngựa, nói:

Ðừng đánh, đừng đánh nữa!

Các vị Hòa thượng kiếc nói với Vương Hiếu:

- Chú đừng xía vô, ông ấy gạt lấy hết tiền của chúng tôi đó!

- Các ông đừng nói bậy, còn chưa chịu cút đi hả? Ðây là công tử của chúng ta mà.

Mấy ông Hòa thượng nghe nói không dám đánh nữa. Vương Hiếu nói:

- Mấy vị muốn tạo phản mà! Chưa chịu cầm tiền đi sao?

Các vị Hòa thượng nghe nói thế, mỗi người cầm lấy 200 tiền lục tục rút lui êm. Vương Hiếu nói với Tế Ðiên:

- Thưa công tử, nãy giờ đi đâu?

- Ta cùng mấy ông Hòa thượng lên Ðổng gia trang hóa duyên, lãnh một cái bánh bao và 200 tiền.

- Ôi công tử ơi, công tử không sợ người ta cười cho à? Nào có phải là ai xa lạ đâu! Ðổng viên ngoại là chỗ thân thích với chúng ta mà! Còn ngựa của công tử đâu rồi?

- Ta treo ở trên cây bên kia kìa.

- Hồi nãy chúng tôi đi qua đó sao không thấy?

Tế Ðiên lấy ta chỉ, nói:

- Chớ không phải kia à?

Vương Hiếu, Vương Phúc ngoái lại nhìn, quả nhiên thấy ngựa bị cột trên cây, mới hè nhau lên cây mở ngực xuống. Tế Ðiên thót lên ngựa cùng gia đinh trở về. Vương viên ngoại hỏi:

- Con đi đâu vậy?

- Con đâu có đi đâu. Con đi hóa duyên thôi.

- Cái thằng bé này thiệt là bậy bạ quá! Ðã muốn hoàn tục rồi mà còn không quên hóa duyên à? Từ nay không cho đi hóa duyên nữa!

Tế Ðiên gật đầu ưng thuận, mọi người giục ngựa lên sười núi để đến chùa Quốc Thanh. Từ cổng chùa Quốc Thanh, từng cặp tăng nhân đứng xếp hàng dàn chào có đến mấy mươi đôi. Vương An Sĩ nhìn thấy, tưởng Phương trượng trong chùa biết Vương ngoại có tiền mới sắp đặt cung kính quá mức như vậy. Kỳ thật chẳng phải thế. Lão phương trượng năm xưa chùa Quốc Thanh hiệu là Tánh Không trưởng lão đã viên tịch. Vị đương gia Phương trượng Bảo Duyệt Hòa thượng là đệ tử của Tánh không trưởng lão năm xưa. Tánh Không trưởng lão là vị cao tăng đắc đạo, trước khi viên tịch, kêu đồ đệ là Bảo Duyệt đến trước mà dặn rằng:

- Năm đó tháng đó ngày đó có vị Tri Giác La Hán đến dâng hương, cần phải sắp xếp hàng lối, trang phục như thế… như thế… để tiếp đón.

Vì vậy, Hòa thượng Bảo Duyệt mới ghi nhớ trong lòng. Hôm nay, từ đại điện đi tới bên ngoài đều hai hàng 54 đôi là 108 vị Hòa thượng đều đắp y, tay cầm thủ lư hoặc khánh, miệng niệm hiệu để tiếp rước Tri Giác La Hán.

Vương An Sĩ đâu biết được ẩn tình này. Mọi người tới trước chùa xuống ngựa đi vào, Tế  Ðiên nói:

- Á, mấy cái gáo dừa này trọc lóc!

Mấy vị Hòa thượng nghĩ thầm: “Cái ông Hòa thượng này thật dễ ghét! Ông ta nói bọn mình là gáo dừa trọc lóc mà ông ta cũng là Hòa thượng!”.

Chúng tăng đều là phàm phu tục tử làm sao biết được lai lịch Tế Ðiên! Ðoàn của Vương viên ngoại tới chùa, Bảo Duyệt Hòa thượng bước ra đón tiếp, gặp Tế Ðiên bèn vái chào, Tế Ðiên cũng đáp lễ đúng phép. Lão viên ngoại đều không hiểu cách thức đó. Bảo Duyệt Hòa thượng hỏi:

- Lão viên ngoại mới đến à?

Vương An Sĩ hỏi:

- Phương trượng pháp hiệu là chi?

- Tôi là Bảo Duyệt.

Vương An Sĩ hôm nay đến chùa Quốc Thanh, trước hết cúng cho chúng tăng mỗi người một cái tràng, một đôi tăng hài và hai điếu tiền. Phương trượng mời lão viên ngoại vào thiền đường đãi trà. Vương An Sĩ nói:

- Hôm nay tôi đặc biệt đến cho cháu tôi là Lý Tu Duyên làm lễ “Nhảy tường hoàn tục”, xin lão Phương trượng từ bi cho!

Bảo Duyệt Hòa thượng gập đầu chấp thuận và dặn bảo các chức sự hãy tổ chức chu đáo. Mọi người đều lên đại điện dâng hương. Trước đại điện đặt một cái giá bảng tượng trưng cho tường. Bảo Duyệt Hòa thượng nói:

- Này lão viên ngoại, cháu của ngài nhảy tường, ta phải đánh nó một trăm thiền trượng rồi đuổi ra khỏi chùa.

Vương An Sĩ nghe như vậy, lật đật nói:

- Cháu tôi thân thể yếu ớt lắm, bị đánh một trăm thiền trượng làm sao chịu nổi?

- Không phải đánh bằng thiền trượng thiệt đâu! Chỉ lấy mười chiếc đũa thay cho thiền trượng, đánh một cái kể làm mười đó.

- Vậy thì được!

Bảo Duyệt Hòa thượng kêu:

- Tu Duyên, ta đánh chú, chú nhảy qua giá bảng ra khỏi cổng chùa kể như là xong đấy nhé!

Tế Ðiên gật đầu. Bảo Duyệt cầm bó đũa giơ lên đánh xuống, nói:

- Ngươi ngày mồng một không dâng hương, ngày rằm không lễ bái, điện trước không chịu quét, điện sau đất tùm lum, suốt ngày say túy lúy, thịt chó mang cả xâu, xuất gia không tròn phận, đưa trả ngươi về nhà. Hãy cởi bỏ y hậu, bước ra khỏi chùa ngay!

Nói xong bảo Lý Tu Duyên nhảy tường. Tế Ðiên nhảy qua bảng giá, cất bước chạy thẳng ra cổng chùa. Vương An Sĩ kêu:

- Ðừng chạy, đừng chạy!

Câu nói ấy chưa xong thì nghe Lý Tu Duyên la:

Sao tôi đứng lại không được vậy nè!

Vương An Sĩ và mọi người lật đật đuổi theo ra bên ngoài, mắt thấy Lý Tu Duyên đang lơ lửng giữa vực thẳm hẻm núi ngàn trượng. Lão viên ngoại dậm chân than thở:

- Tu Duyên con ơi, không dè con lại chết ở đây!

Rồi cất tiếng khóc thảm thiết. Bảo Duyệt Hòa thượng nói:

- Lão viên ngoại không nên thương cảm thái quá! Lý Tu Duyên là người có lai lịch rất lớn đó.

- Hết rồi! Nó đã chết rồi, tôi về nhà đem một phần gia tài để lập đàn tụng kinh thí thực siêu độ cho nó mới được.

Vương Toàn nói:

- Cha không nên làm như thế! Con thấy em con là người có đạo đức, cũng có thể lần này về điểm hóa cho cha đó, chắc không chết đâu.

Bảo Duyệt Hòa thượng nói:

- Lời công tử nói có lý đấy. Xin viên ngoại cứ yên tâm về nhà đi.

Viên ngoại cứ một mực không nghe, trở về nhà muốn lập đàn siêu độ cho Lý Tu Duyên.

Thật ra Tế Ðiên giả bộ rớt xuống hẻm núi rồi dùng độn pháp lên thẳng Thượng Thanh cung kêu cửa. Bên trong một đạo đồng bước ra, thấy trước mặt mình là ông Hòa thượng kiếc: Tăng y rách nát, tay vắn sứt bâu, lưng thắt dây nhung, khật khà khật khưỡng, hai chân trần xỏ trên đôi dép cỏ, rách rưới hết chỗ nói. Tế Ðiên đã bịt kín tam quang lại, đạo đồng nói:

- Này, Hòa thượng, ông tìm ai?

Cảm phiền tiên đồng vào trong thưa lại giùm một tiếng là có Tế Ðiên tăng ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ đến bái phỏng quán chủ.

Ðạo đồng nghe nói “a” lên một tiếng, đáp:

- Ông là Tế Ðiên tăng đây sao? Ðợi ở đây một lát.

- Ðược mà!

Ðạo đồng vào trong bẩm báo. Lúc đó, lão tiên ông đang có khách. Khách nào thế? Ðó là Ngọc diện trường thọ tiên cô ở Thiên Mẫu cung sau Thượng Thanh cung. Bà ta là con gái của Ngũ vân lão tổ ở Ngũ Vân động. Ðang ngồi tỉnh tọa trong động bỗng thấy Thượng Thanh cung có một cột yêu khí xông lên trời, Ngọc diện yêu hồ nghĩ thầm: “Lẽ nào Thượng Thanh cung lại có thể có yêu tin được? Sao mình không đến đó xem thử là chuyện gì?”. Khi đến  Thượng Thanh cung, Lão tiên ông gọi bà ta là tiên cô, bà ta bèn dùng tiếng Lão tiên ông để gọi lại. Hai vị này thuộc loại đối binh bất kháng. Lão tiên ông biết cha bà ta là Ngũ vân lão tổ, cai quản cả quần yêu thuộc loại mang lông đội sừng, xương ngang xuyên tâm, chẳng phải do tứ tạo sanh ra, xương sống chổng lên trời đều thuộc quyền cai quản của ông ta. Ông ta có một lá phan tụ yêu, một khi treo lên thì yêu tinh trong thiên hạ đều về chầu cả. Vì thế tiên ông cũng không động chạm tới ông ta. Ngọc diện lão hồ cũng biết tiên ông đạo đức rất cao xa, báu vật trấn quán trong miếu có Càn khôn ảo diệu đại hồ lô, bất luận là yêu tinh gì, hễ lọt vào trong đó một giờ ba khắc sẽ hóa làm máu mủ hết. Vì thế bà ta cũng không dám động đến Lão tiên ông. Hôm nay lão tiên ông nghe nói có Ngọc diện tiên cô đến, lật đật xuống thềm đón tiếp, nói:

- Tiên cô đến thăm, có việc gì mà rảnh rang dữ thế?

- Tiên ông, tôi thấy trong miếu của ông có một yêu khí bốc lên trời, không biết là tại làm sao?

Theo tay Lão tiên ông chỉ, lão yêu hồ nhìn lên trần nhà thấy đang treo lủng lẳng một tiểu Hòa thượng, trên đầu có khí đen. Lão yêu hồ hỏi:

- Hòa thượng đó là ai vậy?

Trên trần thế có Tế Ðiên Hòa thượng, hưng Tam Bảo, diệt Tam Thánh, hiếp đáp môn hạ Tam Thanh giáo chúng tôi, như: đốt cháy Tường Vân quán, đốt chết Trương Triệu Hưng, đốt Yên Vân tháp, kêu thiên lôi đánh Hoa Thanh Phong, bắt nhốt Trương Diệu Nguyên, đùa cợt Chữ Ðạo Duyên, Trương Ðạo Linh. Con yêu tinh này là đồ đệ của Tế Ðiên đó. Tôi bắt hắn treo lên chờ Tế Ðiên đến. Tế Ðiên đến trễ một ngày là hắn bị treo một ngày, chừng nào Tế  Ðiên tới tôi mới thả hắn ra. Ðể xem Tế Ðiên là nhân vật như thế nào cho biết.

Ngọc diện lão hồ nói:

- Này lão tiên ông, bao giờ Tế Ðiên tới, xin ngài đưa tin cho tôi biết. Ðại đồ đệ của tôi cùng Châu công tử ở thành Lâm An có một đoạn kim ngọc lương duyên, vô cớ bị ông ta đuổi về. Ðồ đệ thứ ba của tôi là Chương Hương Nương ở nhà Hàn viên ngoại tại thôn Vĩnh Ninh cũng bị ông ta đuổi đi. Tôi còn có đứa đồ đệ nhỏ bị ông ta giết chết ở Tiểu Nguyệt Ðồn. Tôi hỏi bọn đồ đệ tại sao tụi bây không đấu pháp với ông ta. Chúng trả lời là địch không lại ông ta. Chừng nào Tế Ðiên tới, tiên ông cho tôi hay tin, tôi sẽ thi một thuật nhỏ bắt ông ta để trả thù cho bọn đồ đệ của tôi.

- Ðược! Ðã có tiên cô chịu để tâm đến, bao giờ Tế Ðiên tăng tới, tôi sẽ đưa thơ báo tin.

Ðương nói tới đó thì đồng tử vào báo:

- Thư sư phó, Tế Ðiên tìm sư phó!

- Kỳ thực Tế Ðiên không nói như vậy mà chỉ nói đến bái phỏng quán chủ, nhưng đạo đồng lại đưa tin như vậy. Lão tiên ông cũng là bậc cao nhân, vội nói:

- Hãy mời vào.

Ðạo đồng đi ra, không nói “Sư phụ có lời mời”, mà lại nói:

- Sư phó tôi kêu ông vào đi!

Tế Ðiên cũng không tỏ vẻ sắc giận, nói:

- Cũng được, vào thì vào!

Nói rồi cất bước đi vào loạng choạng, chân thấp chân cao, ngã xiêu ngã tó thẳng vào bên trong.*

 

Hồi Thứ 153 (^)

 

Ngọc diện hồ lên Thanh cung hỏi đạo

Tế Thiền sư nói Thiên Thai hội tiên

 

Lão tiên ông dặn bảo đạo đồng mời thỉnh Tế Ðiên vào, vì trong bụng nghĩ: “Ðể ta gặp Tế Ðiên xem là hạng người nào? Nếu là Ðại lộ Kim tiên thì trên đầu có khí trắng, nếu là Tây phương La Hán thì trên đầu ắt có Phật quang, kim quang, linh quang; nếu lày yêu tinh chắc chắn có khí đen; nếu là phàm phu tục tử ta cũng xem thấy biết”. Ðang lúc suy nghĩ như thế thì thấy Tế Ðiên từ ngoài đi thẳng vào. Lão tiên ông xem thấy là một kẻ phàm phu tục tử, trong bụng nghĩ thầm: “Nghe tên không bằng mắt thấy, thấy mặt hơn là nghe tên. Chữ Ðạo Duyên, Trương Ðạo Linh quả là kẻ bất tài mới bị nhục về tay ông ta như thế, thực đáng tức cười quá!”. Lão yêu hồ thấy Tế Ðiên cũng nghĩ giống như vậy: “Xem ra ông ta chỉ là một kẻ phàm phu tục tử mà sao bọn đồ đệ mình khống dám chống lại ông ta kìa?”. Tế Ðiên bước tới hạc hiên, ngước mắt lên quan sát. Tòa viện này là phòng chái phía Ðông, phòng Bắc có năm gian đều mờ mờ tranh tối tranh sáng. Nơi hạc hiên ở Bắc thượng phòng, tấm rèm được cuốn cao lên, dựa tường phía Bắc là một cái bàn bên trên có rất nhiều kinh sách, trong đó có Ðạo Ðức kinh 5.000 lời của Lão Tử. Ở giữa treo Càn khôn ảo diệu đại hồ lô. Phía đàng kia là một bàn bát tiên với hai ghế dựa. Ngồi trên chiếc ghế ở đầu này là một vị đạo cô chừng 40 tuổi, da mặt sáng sạch toát ra vẻ trẻ trung và đẹp đẽ. Bà ta đầu đội mũ đạo sĩ bằng vãi xanh, mình mặc đạo bào màu lam để lộ cổ áo màu xanh, vớ trắng vân hài. Ngồi nơi đầu kia bàn là lão tiên ông. Tế Ðiên nhìn thấy, nói:

- Quí hai ông bà mạnh khỏe hỉ?

Ngọc diện lão hồ nghe nói câu đó mặt đỏ rần. Lão tiên ông nghe nói, “a” lên một tiếng, hỏi:

- Có phải Tế Công ở chùa Linh Ẩn đến không?

- Ðâu dám! Thưa tiên ông, tôi là Tế Ðiên.

Tiên ông kêu:

- Ðạo Tế!

- Ôi hay quá, Thái duyệt!

- Ðiên tăng!

- Mao đạo!

- Ðiên tăng thật lớn mật!

- Mật nhỏ làm sao dám đến đây?

Lão yêu hồ nói:

- Ta tưởng Tế Ðiên Hòa thượng là thế nào ấy! Dè đâu là một ông thầy chùa ăn mày. Ngươi hãy xem lại mình kìa! Tăng y rách nát thiệt hết chỗ nói!

Tế Ðiên cười nói:

Ðừng cười rách nát chiếc Tăng y,

Ðâu biết Tăng y quá diệu kỳ,

Ba vạn sáu ngàn khung lỗ nhỏ,

Kèm theo sáu bốn miếng khảm ly,

Mở ra che kín trời cùng đất,

Thu vào tay áo của Tăng y,

Ðông ấm, Hè lương, Xuân dễ chịu,

Mùa Thu trùng rệp lánh xa nghì,

Có người muốn hỏi bao nhiêu giá?

Vạn lượng vàng ròng khó rớ chi!

Lão tiên ông nghe khoe như vậy, cười hà hà, nói:

- Ông khoe Tăng y của ông có nhiều cái hay, vậy chớ ông biết cái áo bá nạp ta đang mặc đây chăng? Ta thường nói:

Bá nạp này chớ coi thường

Chẳng phải lụa dệt chẳng phải the

Ngày Ðông mặc vào ấm như bông

Ngày Hạ xỏ vào mát như quạt

Chẳng phải giặt, khỏi đổi thay

Cùng không nhuộm, cũng không hung

Cần chi màu đỏ màu xanh thẳm

Sợi dọc tám muôn bốn ngàn hàng

Vá chằm sáu trăm bảy mươi miếng

Càn tam liên, khôn lục đoạn

Ly trung hư, khảm trung mãn

Khoảng giữa giăng giăng tinh đẩu sáng

Ngoài biên thế giới rộng vô cùng.

Mặc vào từng tự cung Hàn Quảng

Mặc vào cũng dự yến Bàn Ðào

Chớ chê bá nạp chẳng ra chi

Bay chẳng một lèo Linh Hư điện.

Tế Ðiên nghe nói khoe rồi nói:

- Chà, hay, hay quá! Ông bắt đồ đệ của ta, nhắn ta lên đây làm gì?

- Này Hòa thượng, ông nên biết rằng: “Thế sự như cuộc cờ, không dính mắc mới là cao thủ, thân này khác nào bình sành, thoát ra mới thấy được chơn không”. Ông cũng nên biết: Một cây gậy trúc gánh cả gió trăng, gánh rồi cũng phải thay vai nghỉ, hai bàn tay không nắm cả cổ kim, nắm xong cũng phải thả ra mà!

- Ðược, đã như thế thì hai ta hôm nay sẽ phân tài “mạnh còn yếu chết, thiệt còn giả mất” mới được. Trước hết, ông hãy thả đồ đệ của ta ra đi, có chuyện gì chúng ta sẽ nói sau.

- Ừ, được.

Nói rồi lật tức thả Ngộ Thiền ra. Ngộ Thiền vỗ vỗ đầu nói:

- Sư phó, người thấy đó, đồ đệ của người không đến nỗi tồi tệ lắm! Con bị treo mấy ngày mà không than vãn tí nào!

- Ðược, có như vậy mới là đồ đệ của ta chớ!

Lão tiên ông nói:

- Này Ðiên tăng, hãy vào trong viện so tài cao thấp với ta.

- Cái lão lộn sòng kia, hãy a đây!

Lão tiên ông vừa muốn động thủ thì Ngọc diện trường thọ tiên cô nói:

- Tiên ông tạm thời hãy bớt giận đã. Tên vô danh tiểu tốt này, tiên ông cần gì phải ra tay! Giết gà đâu cần dao mổ trâu, để tôi bắt nó cho.

Nói xong lão yêu hồ rút kiếm ra, nhắm ngay đầu Tế Ðiên chém xuống. Tế Ðiên né mình tránh khỏi, thuận tay chộp một cái. Lão yêu hồ mặt đỏ đến mang tai, nói:

- Hay cho Ðiên tăng, thật là lớn mật dữ a! Tiên cô hôm nay phải bắt mi mới được.

- Mật lớn mới dám chéo cánh gà trên cột cờ chớ!

Lão yêu hồ đâm chém lia lịa. Tế Ðiên cũng thiệt lẹ, luồn qua lách lại, bước tới thối lui, véo bên trái, xô bên phải. Lão yêu hồ tức quá hét lên:

- Ðiên tăng, thiệt mi muốn chết mà. Ðể tiên cô dùng bửu pháp lấy tánh mạng mi cho mi biết tiên cô lợi hại tới bực nào!

Vừa nói vừa rút ra một sợ dây Khổn tiên thằng dài 9 tấc 9, ánh 3 tấc 3 phân làm tam tài. Sợi dây này còn gọi là Tử mẫu âm dương thằng. Khi luyện dây này, trước phải hại một phụ nữ mang thai bé trai. Mổ bụng người phụ nữ lấy thai ra rồi dùng sợ dây luyện nhúng máu huyết của cả hai mẹ con, thúc bùa chú vào rồi mượn chánh khí trời đất, tinh hoa nhật nguyệt, luyện đủ 49 ngày. Sợi dây này thảy lên có thể dài có thể ngắn, bất luận yêu tinh gì bị sợi dây trói lại sẽ hiện nguyên hình. Ngay cả Ðại lộ Kim tiên bị trói lại cũng mất đi 500 năm đạo hạnh. Hôm nay lão yêu hồ rút sợi dây này ra khỏi bao, miệng niệm chú lâm râm và hô “Sắc lịnh”, mắt thấy kim quang sang ngời nhắm ngay Hòa thượng xông tới. Tế Ðiên la:

- Không xong, không xong rồi! Mau cứu tôi với, bớ người ta!

Tiếng la chưa dứt, Tế Ðiên bị sợ dây trói chặt té huỵch xuống đất. Tiên cô mỉm cười, nói:

- Ta tưởng đâu Tế Ðiên có tài năng pháp thuật ghê gớm, té ra là một kẻ bất tài! Ta cũng không thèm giết nó làm chi, bọn bây vác nó quăng ra ngoài khe núi ở phía sau đi. Này tiên ông, ngài xem tôi chỉ đưa ra một chút pháp thuật là bắt được hắn ngay hà!

- Lão tiên ông thấy vậy cười hà hà, nói:

- Chút pháp thuật đó mà nó còn chịu không nổi. Tụi bây vác ra sau núi ném đi!

Lúc đó Lôi Minh, Trần Lượng, Tôn Ðạo Toàn đều ở phía sau, Ngộ Thiền đứng một bên dòm thấy sư phụ mình bị trói chặt, cảm thấy rất tức giận, nhưng nghĩ mình chẳng phải là đối thủ của hai vị ấy. Tuy chẳng dám mạo hiểm nhưng miệng không nhịn được bèn mắng ngay. Ngọc diện trường thọ tiên cô nghe mắng, tức giận tran hông, nói:

- Ta không muốn giết Tế Ðiên làm gì, nhưng ngặt nỗi tụi bây mắng chửi, ta giết hắn cho rồi.

Nói xong giơ bảo kiếm lên định giết. Lão tiên ông lật đật cản lại, nói:

- Tiên cô đừng làm thế, miếu tôi là nơi thanh tịnh, nếu giết ông ấy ở đây, há chẳng làm hư cuộc đất này sao?

Ðương nói tới đó thì thấy Tế Ðiên từ ngoài khệnh khạng đi vào. Lão tiên ông, lão yêu hồ nhìn thấy không khỏi ngạc nhiên! Nhìn lại kẻ bị trói không phải là Tế Ðiên mà là tiểu đồng đồ đệ thứ hai của lão tiên ông. Lão tiên ông lật đật mở dây ra thì tiểu đồng đã hết thở rồi. Lão tiên ông râu mày đều vểnh ngược, lấy viên thuốc đổ vào cứu tỉnh đồ đệ. Lão yêu hồ nói:

- Hay cho Tế Ðiên, mi thiệc chọc ta tức chết đi thôi!

- Ta chọc tức ngươi thì ngươi cứ chết đi!

Lão yêu hồ lập tức thò tay rút ngay một thứ bửu bối, miệng đọc lâm râm: từ nữa lưng trời có vô số độc xà quái thú, chồn cáo hồ ly ập tới mổ cắn Tế Ðiên. Tế Ðiên cười hà hà, lấy tay chỉ một cái, miệng niệm: “Án ma ni bát mê hồng! Án sắc lịnh hích!”. Tức thì một đạo hào quang phóng ra, bao nhiêu con thú ấy đều hóa thành giấy cả. Ðó chỉ là phép mà mắt người thôi! Lão yêu hồ thấy vậy, giận nói:

- Hay cho Ðiên tăng, cả gan phá mất pháp bửu của ta! Thiệt là: Người không có lòng hại cọp mà cọp lại có ý hại người. Hôm nay đừng trách sơn cô độc ác, đó là tại mi muốn tìm lấy họa mà thôi!

Nói rồi trong miệng niệm lâm râm, vung tay lên, nghe rẹt một tiếng, một khối lửa bùng lên, đó là một cục đá, theo thế Thái Sơn áp đỉnh nhắm ngay đầu Hòa thượng rớt xuống. Cục đá ấy tên là Lôi hỏa thạch, lợi hại vô song! Bất luận tinh linh gì bị nó đánh trúng đều phải chết. Kim tiên ở đảo động nào bị cục đá này đánh phải cũng tiêu mất bạch quang. Tế Ðiên nhìn thấy, nói:

- Ôi, cái gì vậy?

Nói rồi lấy tay chỉ một cái, miệng niệm lục tự chơn ngôn: “Án ma ni bát mê hồng! Án sắc lịnh hích!”. Cục đá xẹt ra một đạo hoàng quang, hiện lại nguyên hình, bị Tế Ðiên đưa tay bắt lấy. Lão yêu hồ thấy Tế Ðiên liên tiếp phá ba món pháp bửu, không dắn được tức giận, mặt đỏ hồng. Lão tiên ông nói:

Tiên cô không cần đối địch với ông ta làm chi, để ta bắt ông ấy cho.

Nói rồi rút bửu kiếm ra nhắm ngay Tế Ðiên chém tới. Tế Ðiên tràn mình tránh khỏi. Lão tiên ông đem Bát tiên kiếm pháp ra thi triển. Thất là:

Lý thiết tiên sinh kiếm pháp cao

Ðộng Tân ra thế xứng anh hào

Chung Ly mang kiếm thanh phong khách

Quá Lão cưỡi lừa nhẹ phụng mao

Quốc cựu tới lui thần quỷ khiếp

Thái hòa bốn mặt chớp như sao

Tiên cô bày bố Bát tiên trận

Tương tử truy hồn dễ trốn nào.

Lão tiên ông thi triển Bát tiên kiếm pháp, Tế Ðiên cứ chạy quanh xà quần. Lão tiên ông chém mãi không trúng, trong bụng tức quá! Lúc này Trần Lượng, Lôi Minh, Tôn Ðạo Toàn, Dạ hành quỷ Tiểu côn lôn Quách Thuận được tin đều ra phía trước xem. Quách Thuận nói:

- Làm sao bây giờ? Tăng, Ðạo đều là sư phụ của tôi cả, phải can ra chớ!

Theo như Tôn Ðạo Toàn tính toán thì mọi người hãy đến trước Lão tiên ông quỳ xuống, năn nỉ giảng hòa. Thấy Lão tiên ông còn đang giận dữ, tay còn run run. Lão tiên ông nói:

- Này Ðiên tăng, mi cậy tài chi của phàm phu tục tử mà dám đến đây ngông cuồng thế? Mi kêu ta ba tiếng “Tổ sư gia”, ta sẽ tha cho khỏi chết!

- Này tên đạo sĩ lộn sòng kia, ngươi kêu Hòa thượng ta ba tiếng “Tổ tông đại Hòa thượng lão gia”, ta cũng chưa tha cho ngươi sống nữa là!

Lão tiên ông nghe nói, tức giận cành hông, lập tức niệm chú lâm râm. Bỗng nhiên nổi lên một trận cuồng phong. Thật là:

Gió lớn lên, gió lớn lên

Tiếng như bò rống đến tai long

Phá núi rừng cây như chặt đốn

Che mặt trời, sát khí thẳng xông

Trời mờ mịt, đất rung rinh

Cuồn cuộn, cát bay đá bật tung

Thượng cổ từng nghe phong cổ quái

Hôm nay gấp mấy cổ quái phong.

Một trận cuồng phong nổi lên, Tế Ðiên và mọi người nhìn thấy quả thật là kinh người.*

 

Hồi Thứ 154 (^)

 

Lão tiên ông đấu phép cùng Tế Ðiên

Thỉnh hồ lô kinh hoảng cả yêu hồ

 

Lão tiên ông niệm chú, cuồng phong nổi lên dữ dội. Tế Ðiên nhìn thấy lão đạo sĩ biết phép phân thân, lại biến ra một lão đạo tiên ông giống y hệt, tay cầm bửu kiếm, một ông cầm kiếm chém, một ông cầm kiếm đâm.

Tế Ðiên nói:

- Hay a! Lão đạo sĩ biết chia ổ, kêu xuống thêm một ông nữa đây.

Nói tới đó thì thấy hai ông đạo sĩ mỗi người bắt quyết niệm chú, hai ông biến thành bốn ông vây chặt Tế Ðiên vào giữa. Tế Ðiên lách mình chạy ra thật lẹ, mấy ông đạo sĩ chém không trúng. Bốn ông lại niệm chú thành tám ông, tám ông biến thành mười sáu, 16 thành 32, 32 thành 64. Phút chốc cả viện đầy chật lão đạo. Tế Ðiên luồn lách chạy lung tung, nói:

- Thiệt đáng lo quá đi!

Nói rồi bốc ngay một nắm đất vung lên, miệng niệm: “Án ma ni bát mê hồng! Án sắc lịnh hích!”. Một trận cuồng phong nổi lên biến ra vô số lão tiên cô. Mấy lão tiên cô ôm cứng các lão đạo sĩ chẳng chịu buông. Mấy lão đạo sĩ bị mấy lão tiên cô ôm chặt, miệng la ôi ối không thôi. Lão đạo sĩ thấy sự tình bất ổn, lật đật cắn chót lưỡi tươm máu phun ra thu hồi các lão đạo sĩ lại. Các lão tiên cô cũng biến mất. Ngọc diện lão yêu hồ giận đỏ cả mặt mày, muốn thí mạng với Hòa thượng. Lão tiên ông nói:

- Tiên cô đừng nói vội, hôm nay ta sẽ lấy tánh mạng của Ðiên tăng đây!

Nói rồi vào trong nhà lấy ra Càn khôn ảo diệu đại hồ lô. Lão yêu hồ biết hồ lô này rất lợi hại, bất luận yêu tinh cỡ nào bị thâu tóm vào trong đó một giờ ba khắc sẽ hóa làm máu mủ hết. Lão yêu hồ dù có 8.000 năm đạo hạnh cũng không chống nổi hồ lô ấy, lật đật thối lui vận yêu phong chạy trốn. Lão tiên ông cầm hồ lô trong tay, nâng lên nói:

- Ðiên tăng, ngươi có biết hồ lô này của ta không?

- Có gì không biết chớ! Ðó là mẫu quảng cáo trong tiệm rượu của người ta, ông lấy trộm chứ gì! Ta thường uống rượu trong tiệm nghe nói ông muốn mua rượu chịu, tiệm rượu không chịu bán thiếu, ông nổi giận lấy trộm mẫu quảng cáo của người ta đó mà!

- Ngươi nói bậy nói bạ không hà! Ngươi có biết lai lịch hồ lô của ta không?

- Ta chẳng nói nó là hàng quảng cáo trong tiệm rượu sao?

- Ta nói cho người biết, chiếc hồ lô của ta đây: trồng dây năm Giáp, nở hoa tháng Giáp, ngày Giáp kết hồ lô, hái nhằm giờ Giáp, bên trong án ngũ hành, bên ngoài án theo tam tài, hút được vật tinh linh, giây lát tan thành tro bụi. Hồ lô của ta đã được bốn giáp tý, bất luận tinh linh nào lọt vào trong đó, trong một giờ ba khắc sẽ hóa thành máu mủ hết. Ngươi đừng khinh thường hồ lô ta nhỏ, nó có thể chứa cả tam sơn ngũ nhạc, vạn quốc cửu châu đấy.

- Còn có đều gì áo diện nữa không?

- Ta bắt ngươi bỏ vào trong đó thì trong sáu tiếng đồng hồ ngươi thành một đống máu mủ thôi.

- Hai ta không thù oán gì nhau, ông cần gì phải lấy tánh mạng ta như vậy? Ông nếu thâu ta vào trong đó, ta thấy khó chịu, ta kêu: “Ðạo gia ơi, thả ta ra đi!”. Ta la lên một tiếng thì ông thả ta ra có được không?

- Ðược chớ, chỉ cần ngươi biết ta lợi hại, chịu phục ta, ta sẽ thả ngươi ra.

- Vậy thì ông cứ việc.

Lão tiên ông lập tức giở nắp hồ lô, miệng lâm râm niệm chú, thì thấy từ trong đó tuôn ra một đạo hào quang, kim quang lẫn lộn, thụy khí nghìn điều. Luồng hào quang tỏa ra trùm lấy Tế Ðiên, Tế Ðiên bị hào quang che mất không còn thấy nữa. Lão tiên ông thâu đạo hào quang lại và đậy nắp hồ lô. Lão tiên ông kêu:

- Ðiên tăng! Thì nghe trong hồ lô Tế Ðiên đáp “ơi”.

Lão tiên ông hỏi:

- Ðiên tăng, ngươi cảm thấy thế nào?

Nghe trong hồ lô có tiếng đáp:

- Vậy mà khỏe ghê! Ta có chỗ ở rồi, khoái quá!

- Ðiên tăng, ngươi không chịu năn nỉ ta, giây lát sẽ hóa thành máu đấy nhé!

Ngay lúc đó, Dạ hành quỷ Tiểu côn lôn Quách Thuận, Tôn Ðoạn Toàn, Lôi Minh, Trần Lượng, ngay cả Ngộ Thiền cũng đều quỳ trước Lão tiên ông van xin:

- Xin Tổ sư gia tha mạng cho. Sư phó chúng con có khùng khùng điên điên, xin người nới tay cho.

Quách Thuận nói:

- Tế Công cũng là sư phó của con. Trước đây sư phó con đã cứu tánh mạng con khỏi chết tại Ngũ Lý Bia ở Khúc Châu, xin sư phó nể mặt đệ tử mà thả Tế Công ra.

- Sơn nhân ta cùng ông ấy trước kia không thù gần đây không oán, tại vì ông  ta hưng Tam Bảo, diệt Tam Thanh, hiếp đáp môn hạ Tam Thanh giáo thái quá! Ta làm như vậy để nở mặt nở mày Tam Thanh giáo đôi chút thôi. Ông ấy đã cứu đồ đệ ta thì được rồi, các ngươi hãy dậy đi. Sơn nhân ta không lấy tính mạng ông ấy là được.

Mọi người lóp ngóp đứng dậy. Lão tiên ông dự định thả Tế Ðiên ra thì thấy Tế Ðiên từ ngoài khệnh khạng đi vào. Mọi người nhìn thấy rất đổi ngạc nhiên. Lão tiên ông “a” lên một tiếng, nói:

- Ta nhốt ngươi trong hồ lô, làm sao ngươi ra được thế?

- Ta ở trong đó buồn quá nên mới bò ra đây?

Lão tiên ông nhìn lại: Nắp hồ lô còn đậy kín làm sao có thể ra được kìa? Hồ lô còn nặng chình chịch đây mà! Lão tiên ông bèn dở nắp lúc lắc hồ lô ra, thì ra trong đó là chiếc mũ rách của Hòa thượng. Tế Ðiên nói:

- Ông chớ coi thường chiếc mũ rách của ta nghe! Ông không chịu nổi một nhát của chiếc mũ này đánh xuống đâu!

Lão tiên ông nghĩ thầm: “Ta ngước lên biết thiên văn, cúi xuống thông địa lý mà sợ chiếc mũ rách của ông ta à?”. Nghĩ rồi bèn nói:

- Này Hòa thượng! Chiếc mũ của ông có bao nhiêu lai lịch nào?

- Chẳng có lai lịch gì, chỉ có chút lợi hại thôi!

- Ta không tin, ông thử giở lợi hại của chiếc mũ cho ta xem nào?

- Ðược chớ!

Nói xong thảy chiếc mũ lên không, miệng niệm lục tự chơn ngôn: “Án ma ni bát mê hồng!”. Lão đạo sĩ thấy chiếc mũ đang ở nửa chừng không tia ra hào quang muôn đạo, thụy khí ngàn trùng, kim quang vần vũ giống như tòa Thái Sơn nhắm ngay đầu Lão tiên ông ập xuống. Lão tiên ông thấy vậy, nói thầm: “Không xong rồi đa”. Trong lòng rúng động: “Ông Hòa thượng này chắc có lai lịch ghê gớm! Cũng có thể là ông ta cố ý đùa cợt mình đây!”. Lão đạo sĩ thấy chiếc mũ rớt xuống đầu, biết rằng nó rất lợi hại, lật đật miệng niệm chơn ngôn, tức thì huyệt thiên môn mở ra, từ Thiên linh cái ló ra một ông đạo nhỏ chừng hơn một thước, đưa hai tay ra muốn đón lấy chiếc mũ. Ðó là điểm chơn đạo hạnh của ông ta, về sau nếu được thành công sẽ lên tiên cảnh, thoát ra khỏi túi thịt da này cũng bằng ngả Thiên linh đó. Nếu không như vậy, sanh ra lại làm đứa trẻ, chỗ Thiên linh cái nhúc nhích, đó là thiên môn, tới chừng hiểu biết việc đời, biết nói chuyện thì thiên môn mới đóng lại. Ðiểm chơn đạo hạnh của Lão tiên ông hôm nay mới hiển lộ, nếu bị chiếc mũ Tế Ðiên đánh trúng sẽ tiêu mất 500 năm đạo hạnh. Tế Ðiên nghĩ mình với Lão tiên ông không thù không oán, vả lại Lão tiên ông cũng là người tốt nên không nỡ làm hại ông ta, bèn lất tay ngoắc một cái thu chiếc mũ về, nói:

- Này tiên ông, ông đừng nghe theo lời của Chữ Ðạo Duyên và Trương Ðạo Linh làm chi! Chuyện đốt cháy Tường Vân quán chỉ vì Trương Diệu Hưng vô cớ thi triển Ngũ quỹ đình đầu pháp, Thất tiễn tỏa dương hầu để ác hóa Lương Vạn Thương; thiên lôi đánh chết Hoa Thanh Phong là tại ông ta luyện Ngũ quỷ âm phong kiếm và Tử mẫu âm hồn kiếm hại người, Mạnh Thanh Nguyên phải chịu tù tội vì giết người ở Mã Gia Hồ. Những chuyện ấy là tại họ ác tâm quá đỗi không thể giải trừ được! Hòa thượng ta lấy đức hiếu sinh làm trọng, đâu vô cớ giết hại sinh linh bao giờ! Chữ Ðạo Duyên vì tuổi trẻ khờ khạo muốn đối địch với Hòa thượng ta nên báo ứng cho nó biết như vậy. Ðại khái tiên ông chưa biết Hòa thượng ta là ai mà!

Nói rồi Tế Ðiên sờ lên Thiên linh cái lộ ra Phật quang, kim quang, linh quang. Bấy giờ Lão tiên ông nhìn thấy trước mắt mình một vị cao một trượng sáu, đầu như đấu gạo, gương mặt đỏ hồng, mình mặc áo cánh, hai chân trần để lộ cả đùi, rành rành là một Tri Giác La Hán.

Lão tiên ông nhìn thấy vội cúi đầu, miệng niệm “Vô lượng Phật”, nói:

- Té ra  là Thánh tăng, đệ tử không biết nên mới xúc phạm như vậy! Mong Thánh tăng vào ngồi trong nhà.

- Tiên ông không cần phải tạ tội. Chúng ta còn có nhiều dịp gần gũi nhau mà!

Lão tiên ông lập tức mời Tế Ðiên vào nhà trong, kêu đạo đồng dọn rượu mời. Tế Ðiên nói:

- Hãy khoan uống rượu đã. Ta cảm phiền tiên ông giúp ta một việc.

- Thánh tăng có cần điều chi, xin cứ dạy bảo.

- Hiện giờ nhà cậu ta là Vương An Sĩ định lập đàn trai đàn tụng kinh siêu độ cho ta. Ta có một phong thơ viết sẵn, nhờ tiên ông vận cước phong đi thẳng đến thôn Vĩnh Ninh giao cho cậu ta rồi trở về đây, chúng ta cùng uống rượu cũng chưa muộn.

- Vâng!

Tiên ông đáp rồI tiếp lấy phong thơ đi thẳng.

Phần Vương An Sĩ tư khi ở chùa Quốc Thanh trở về, muốn cất rạp làm lễ mời chư tăng chùa Quốc Thanh đến tụng kinh, rước 99 vị sư tổ chức ba đàn chẩn thí, 108 vị Hòa thượng tụng Lương Hoàng Sám. Ai khuyên cũng không nghe. Lão viên ngoại định phái gia nhân cất rạp che màn, mời các bạn bè, tổ chức rình rang lễ siêu độ cho Lý Tu Duyên, vớI ý định đem một phần gia nghiệp của Lý Tu Duyên dùng vào việc này. Ðương lúc mọi người lăng xăng bận rộn thì bên ngoài có tiếng “Vô lượng Phật”. Gia nhân nhìn ra thấy đứng trước cửa là một vị lão đạo sĩ mặt như cổ nguyệt ba thu, tóc như tuyết ba đông, tóc mai như sương tháng chín, một bộ râu bạc phau, mình mặc áo nạp rách, sau lưng đeo hồ lô lớn.

Gian nhân nhận biết hỏi:

- Ðây có phải là vị thần tiên trên núi Thiên Thai không?

Tại địa phương này đều biết trên núi Thiên Thai có thần tiên, ở dưới núi nhìn lên thấy trên núi ẩn ẩn có cây có miếu mà không người nào lên được vì trước núi không có đường, vả lại trên núi có nhiều độc xà quái thú nên không ai dám bén mảng đến. Lão tiên ông thường xuống núi hái thuốc, ai ai cũng biết ông là thần tiên. Kỳ thật sau núi có đường lên núi dễ dàng, nhưng vì bóng che khuất nên không người biết. Lão tiên ông cũng không nói cho ai biết vì không muốn giao thiệp với hàng sĩ hoạn, để cho trên núi được yên tịnh. Hôm nay Lão tiên ông đến trước cửa, nói:

- Tôi là Côn Lôn Tử ở Thượng Thai cung trên núi Thiên Thai đây. Bần đạo hôm nay đặc biệt đưa đến Vương thiện nhơn một bức thư.

Gia nhân cầm phong thư đưa vào bên trong, nói:

- Bẩm viên ngoại, hiện có vị thần tiên ở núi Thiên Thai đến đưa thư.

Vương viên ngoại tiếp lấy thư mở ra xem, “a” lên một tiếng, mắt mở trừng trừng, miệng há hốc hồi lâu.*

 

Hồi Thứ 155 (^)

 

Gởi bức thư, dùng lời hay khuyên cậu

Về Linh Ẩn, Quảng Lượng thỉnh Thánh tăng

 

Vương An Sĩ mở thư ra xem thấy đúng là nét chữ của Lý Tu Duyên, trên giấy viết bốn câu thơ:

Bất tất cầu kinh với lập đàn,

Tu Duyên chưa chết vẫn an khang,

ThờI gian thấm thoát đôi năm nữa,

Tu Duyên có dịp trở thăm làng.

Vương An Sĩ xem thư, “a” lên một tiếng lấy làm kinh dị! Lập tức bảo gia nhân mời ông lão đạo sĩ vào. Gia nhân chạy ra tìm không thấy bóng dáng đâu nữa. Lão tiên ông đã vận cước phong trở về miếu, nói:

- Việc của Thánh tăng dặn, đệ tử đã đưa thư xong rồi.

- Chà, chà, tiên ông không nên quá khiêm nhường như thế, sau này Hòa thượng ta còn có dịp phải nhờ đến sự giúp đỡ của tiên ông mới xong.

- Chỉ cần Thánh tăng đưa tin đến là đệ tử sẽ tới ngay.

Nói rồi bảo đạo đồng dọn rượu. Tiên ông bồi tiếp Tế Ðiên uống rượu, chuyện trò rất tương đắc. Tiên ông hỏi:

- Thánh tăng tính sẽ đi đâu nữa?

- Ta phải trở về chùa. Hiện giờ trong chùa ta có việc khẩn cấp, có người tìm ta, không trở về không được. Có một điều này, ta muốn mang các đồ đệ ta về hết, chỉ trừ tên tên đồ đệ này, nói là yêu tinh. Nếu về đến Lâm An gặp bọn quan lại có nhiều bất tiện.

- Vậy thì thế này, để đệ tử viết một phong thư sai nó đem đến chùa Tòng Tuyền ở núi Cửu Tòng coi chùa cho Trường Mi La Hán. Trường Mi La Hán Linh Không trưởng lão vốn là Vi Ðà chuyển thế, tay cầm Hàng ma bảo sử, làm chưởng giáo trong sơn môn, bao nhiêu yêu tinh trong thiên hạ đều thuộc quyền Linh Không cai quản. Còn trong đạo môn thì thuộc về Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh ở Vạn Tòng sơn cai quản. Hai vị này mười năm đi kiểm tra các núi một lần, chắc vài hôm nữa sẽ đến đây. Thánh tăng cứ ở lại đây vài hôm, đợi hai vị ấy tới, đệ tử sẽ giới thiệu cho hai bên biết mặt.

- Ta thật có việc bận. Chúng ta sau này còn có dịp gặp lại. Xin phiền tiên ông viết một lá thư cho đồ đệ ta là Ngộ Thiền cầm đi.

Lão tiên ông viết ngay một lá thư, Tế Ðiên cầm đưa cho Ngộ Thiền. Ngộ Thiền lãnh thư lập tức cáo từ. Tế Ðiên bảo:

- Lôi Minh, Trần Lượng hai con cầm cái thiếp này.

Ðoạn kề tai  dặn: “Phải làm như vậy… như vậy…, đừng làm lỡ việc của ta nhé!”.

Lôi Minh, Trần Lượng gật đầu vâng dạ. Tế Ðiên lại kêu:

- Ngộ Chơn, con hãy trở về miếu của con đi. Cứ ở yên chờ đợi ít lâu rồi đến chùa Linh Ẩn tìm ta.

Tôn Ðạo Toàn gật đầu rồi cùng Lôi Minh, Trần Lượng từ biệt xuống núi. Tế Ðiên uống rượu với Lão tiên ông xong cũng từ biệt. Lão tiên ông đưa ra tận bên ngoài, Tế Ðiên nói lời từ biệt rồi dùng pháp, chớp mắt đã về tới chùa Linh Ẩn. Về đến cổng chùa, Tế Ðiên nói:

- Mệt quá, mệt quá, xin chào!

Vị tăng giữ cửa nhìn thấy, nói:

- Tế sư phó, ông về đấy à? Giám tử Quảng Lượng tìm ông mấy hôm, sai người đến các quán rượu và các nhà thí chủ quen biết hỏi thăm tùm lum hết. Ông mau mau vào trong gặp Giám tử đi!

- Cũng được!

Tế Ðiên nói rồi khật khà khật khưỡng đi vào chùa. Vừa vào đến bên trong, Quảng Lượng trông thấy, nói:

- Sư đệ mới về hả? Vào phòng ta đi!

- Sư huynh có khỏe không?

- Khỏe! Vào đây, vào đây!

Nói rồi lập tức kéo Tế Ðiên vào phòng. Quảng Lượng nói:

- Sư đệ, hèn lâu sư đệ không về thăm chùa, hôm nay ta đãi sư đệ đây. Ta biết sư đệ ăn mặn nên ta bảo dọn cho sư đệ một bàn toàn hải vị thượng đẳng. Sư đệ cứ ăn một mình, chúng ta ăn chay không ai bồi tiếp sư đệ đâu. Nào, còn mấy cân rượu Thiệu Hưng lâu năm nữa!

Nói rồi kêu dọn cho Tế Ðiên một bàn tiệc.Giây lát tiệc rượu đã dọn xong. Tế Ðiên cũng không giữ kẽ, ngồi ăn tự nhiên. Sau khi uống ba chén rượu. Tế Ðiên nói:

- Uống rượu của ai thì phải làm việc cho người đó; xài tiền của người, thì phải cứu tai nạn cho họ! Sư huynh hôm nay mời rượu tôi chắc là có chuyện gì đó hả? Thường ngày tôi ở trong chùa uống tí rượu, sư huynh bảo là phạm thanh quy phải phạt 40 hèo, đuổi ra khỏi sơn môn, việc đó cũng là sư huynh nói hết; còn bây giờ sư huynh làm chủ đãi tôi. Sư huynh biết phép mà phạm pháp thì tội nặng gấp đôi đấy nhé!

- Sư đệ đừng nói như vậy, hôm nay chẳng phải ta đãi sư đệ sao? Ngày thường hai ta có lời xung khắc nhau, bây giờ đừng tính nữa nhé! Chúng ta đâu phải người ngoài, sư đệ để bụng làm chi?

- Thôi, sư huynh đừng nói vòng vo nữa, mấy cái lẻ tẻ đó nhắc làm chi, có gì thì cứ nói thẳng ra đi!

- Sư đệ đã nói như thế thì đây!

Day ra ngoài kêu:

- Hai đứa bây vào đây, dập đầu lạy sư thúc nè.

Câu nói đó vừa xong thì từ bên ngoài đi vào hai vị tiểu hòa thượng dập đầu lễ Tế Ðiên rồi quỳ đó không đứng dậy. Tế Ðiên thấy hai ông hòa thượng này đều mặt vàng gầy đét. La Hán gia án linh quang biết rõ mọi việc. Hai ông hòa thượng nhỏ này tại sao lại đến đây? Nhân vì ngoài cửa Nam huyện Thạch Kháng có Vạn Duyên kiều. Cầu này đã lâu không được sửa chữa nên bị lở lói không thể đi qua được. Vạn Duyên kiều là một đường lớn, người qua lại rất đông, cầu sập rồi, cách một con sông, người không qua lại được. Về sau có người ở khúc sông này đưa đò. Người đi không, tốn 10 tiền, có gánh phải tốn 50 tiền; một cỗ xe phải 100 tiền; một chiếc kiệu phải 200 tiền. Một ngày đưa đò thâu mấy mươi điếu. Người đi đường chỉ tính được qua bên kia thôi, không nghĩ việc trở lại. Ngày tháng qua, họ dựa vào việc đưa đò gạt gẫm người ta. Có người đưa ra giá rẻ hơn. Người vì của mà chết, chim vì ăn mà tiêu đời; người khác ở bờ bên kia đưa đò giá rẻ bằng phân nửa bên này. Tự nhiên bên này ế ẩm, bèn không cho bên kia đưa nữa. Bên kia nói:

- Anh không đóng thuế anh được đưa, tôi cũng phải được đưa đò chớ!

Việc tranh cải đưa đến đánh nhau, hai bên đều kêu phe mình, đánh nhau cả đám và hai bên đều có người bị thương cả. Nội vụ đưa lên quan huyện Thạch Kháng. Quan Tri huyện thăng đường truyền đưa nguyên bị cáo lên xét hỏi. Hai người, một người họ Triệu là anh cả, một người họ Dương thứ ba. Quan Tri huyện hỏi:

- Tại sao các người đánh nhau thế?

Triệu đại nói:

- Bẩm lão gia, nhân vì Vạn Duyên kiều bị hư lở, người ta không thể đi qua được. Tôi ở bên này đưa đò, anh ta bên kia cũng đưa đò giựt mối của tôi.

Dương Tam thưa:

- Bẩm lão gia, anh ấy đưa đò một người đi không phải trả 10 tiền, có gánh phải trả 50 tiền, một cổ xe phải 100 tiền, một chiếc kiêu phải 200 tiền, tôi đưa với giá rẻ hơn phân nửa nên người ta đi đò của tôi. Anh ta không cho tôi đưa đò nữa nên mới đánh như thế. Anh ta kêu người đánh người làm của tôi bị thương hết.

Quan Tri huyện nghe xong bèn nói:

- Hai cái tên này đều lộn sòng cả! Vạn Duyên kiều là đường cái quan, ai cho các người gạt người rồi sanh sự hả? Ta phạt bọn ngươi mỗi người 500 điếu tiền. Phải giao ngay để sung vào công quỹ sửa chữa cầu, rồi mới kết thúc vụ án. Không như thế, ta sẽ trọng phạt các ngươi.

Hai người này không còn cách nào hơn, mỗi người đành phải nộp 500 điếu tiền để kết thúc vụ án. Quan Tri huyện truyền quan địa phương đến, hỏi:

- Vạn Duyên kiều có thể tu sửa được không?

Quan địa phương đáp:

- Bẩm lão gia, Vạn Duyên kiều này có từ đầu nhà Tống đến giờ. Công trình cầu này rất lớn, sức một người làm không nổi.

Quan Tri huyện nghe nói, lập tức ngồi kiệu đưa người đến Vạn Duyên kiều xem thử, thấy hai bên thành cầu gạch đá đều không có, lại dấu mới cạy gỡ. Quan Tri huyện hỏi địa phương:

- Gạch đá trên cầu đều mất đi đâu?

- Hạ dịch không biết bị ai trộm lấy.

Quan huyện trở về nha môn, lập tức sai người đi khắp nơi tra xét:

- Hễ thấy gạch đá của cầu Vạn Duyên ở nhà ai hãy về bẩm báo cho ta biết, ta sẽ phạt nặng họ.

Quan nhơn lãnh lịnh đi tra hỏi, thấy vách sau chùa Hải Triều có xây gạch đá của Vạn Duyên kiều. Quan nhơn thấy rõ ràng, lập tức về bẩm báo với quan huyện. Tri huyện liền ra trát bắt trói Hòa thượng chùa Hải Triều. Phương trượng chùa Hải Triều tên là Quảng Huệ có hai đồ đệ là Trí Thanh, Trí Tĩnh. Quan nhơn vào chùa Hải Triều trói cổ ba thầy trò dẫn về nha môn. Quan Tri huyện thăng đường dạy đưa các tăng nhơn vào. Quảng Huệ cùng Trí Thanh, Trí Tĩnh thượng đường, mỗi người xưng tên họ xong. Quan huyện hỏi Quảng Huệ:

- Ông đã là người xuất gia, đáng lẽ phải thờ vua giữ phép mới phải, lại vô cớ lấy trộm gạch đá cầu Vạn Duyên bán lấy tiền sửa vách. Ông chịu đánh hay chịu phạt? Nếu chịu đánh, ta sung chùa ông vào công quỹ rồi phạt nặng ông. Còn chịu phạt thì ông phải đi hóa duyên cho ta, hóa đủ một muôn lượng bạc để sửa cầu Vạn Duyên.

Quảng Huệ nói:

- Tăng nhơn xin chịu phạt hóa duyên.

- Các ông tình nguyện chịu phạt hóa duyên thì tốt.

Nói rồi lập tức phái bốn quan nhơn áp giải Quảng Huệ, Trí Thanh, Trí Tĩnh mỗi người mang năm cục gạch đi ngoài phố, bảo phải tay đánh đồng la, miệng nói:

Nói cho liệt vị được nghe liền,

Kẻ đánh đồng la xin hóa duyên.

Thí chủ muốn hỏi: Tại sao thế?

Thưa rằng: Trộm gạch chùa Vạn Duyên.

Bốn vị quan nhơn theo giám sát, không nói thì đánh. Mỗi ngày đi ra mang theo năm cục gạch, ai thấy cũng không chịu thí xả, đều nói:

- Có tiền cũng không thèm cho mấy thằng thầy chùa giặc ấy đâu!

Ba thầy trò gánh của nợ ấy thật chịu hết nổi. Quảng Huệ nói:

- Trí Thanh, Trí Tĩnh, hai con đến chùa Linh Ẩn tìm sư thúc của con hiện đương làm Giám tự nơi đó. Trong chùa này có một vị Phật sống Tế Ðiên, nói sư thúc con cầu xin Phật sống Tế Ðiên từ bi hóa duyên giúp chúng ta. Lão nhân gia danh vọng cao lớn, hai muôn lượng cũng hóa được dễ dàng.

Ba thầy trò dúi vào tay quan nhơn hai tiền để trình với quan huyện là ba thầy trò đều bịnh cả. Quan huyện cho phép được nghỉ vì bệnh. Trí Thanh, Trí Tĩnh bèn chạy thẳng đến chùa Linh Ẩn gặp Quảng Lượng, nói:

- Sư thúc ơi, không xong rồi. Thiệt là họa trời sập!

Quảng Lượng hỏi, Trí Thanh mới đem việc trộm gạch, hiện giờ bị tội phải hóa duyên ra sao thuật lại và nói:

- Sư phó con bảo con đến đây tìm sư thúc, nhờ sư thúc năn nỉ với Phật sống Tế Ðiên giúp chúng con hóa duyên. Lão nhân gia danh vọng to lớn chắc hóa duyên dễ dàng.

- Ông ta có thể có tài năng kỳ lạ cổ quái. Cả thành Lâm An này các thân hào phú hộ, trên từ Tể tướng dưới đến kẻ thứ dân, ai ai cũng kính phục ông ta. Ông ta cũng trị bịnh rất nhiều người. Ngặt nỗi đã lâu ông ta không về chùa. Ông ta có thể là ở một quán rượu nào đó, còn không, có thể là mấy nhà phú hộ trong thành Lâm An.

Nói rồi cho người đi tìm ngay. Các quán rượu, các nơi Tế Ðiên thường lui tới đều có đến tìm mà không gặp. Tìm đến ngày thứ năm, bỗng nhiên Tế Ðiên trở về. Quảng Lượng đặt tiệc khoản đãi, yêu cầu Tế Công hóa duyên.*

 

Hồi Thứ 156 (^)

 

Xét nghiệm cầu, bắt giữ tặc hòa thượng

Gặp huyện chủ, trùng tu Vạn Duyên kiều

 

Thấy Tế Ðiên trở về chùa, Quảng Lượng mừng quá, trước hết dọn cho Tế Ðiên một bàn rượu, rồi mới kêu Trí Thanh, Trí Tĩnh vào dập đầu lạy Tế Ðiên. Tế Ðiên nói:

- Này sư huynh, anh thấy không, hôm qua tôi nằm mộng.

- Mộng gì thế? Quảng Lượng hỏi.

- Tôi mộng thấy một ông tặc Hòa thượng, lại kéo theo hai đứa tặc đồ đệ, mỗi người mang trên lưng năm cục gạch, tay cầm đồng la, miệng la lớn:

Nói cho liệt vị được nghe liền,

Kẻ đánh đồng la xin hóa duyên.

Thí chủ muốn hỏi: Tại sao thế?

Thưa rằng: Trộm gạch chùa Vạn Duyên.

Có bốn quan nhơn đi kèm, không la thì đánh. Sư huynh thấy điềm mộng này có mới lạ không?

Quảng Lượng nghĩ thầm: “Lạ thiệt, làm sao ông ta biết được kìa?”. Tuy nghĩ vậy, vẫn nói:

- Này sư đệ, chuyện nằm mộng ấy có thật đấy! Hai tiểu hòa thượng này là sư điệt của tôi, sư phó của chúng nó tên là Quảng Huệ đang làm trụ trì chùa Hải Huệ ở Vạn Duyên kiều. Chỉ vì họ lấy đá gạch ở Vạn Duyên kiều mà bây giờ quan Tri huyện Thách Kháng bắt ba thầy trò trói lại và bảo họ mang gạch đi hóa một muôn lượng bạc để sửa cầu. Sư đệ nghĩ xem ai mà thí cho họ chớ? Bọn họ chịu hết nổi hình phạt này. Biết sư đệ là người có nhiều tài năng cho nên đến đây cầu sư đệ phát lòng từ bi cho! Sư đệ hãy giúp ta làm công đức, công đức này nhé!

Trí Thanh, Trí Tĩnh đồng nói:

- Thưa sư thúc, lão nhân gia nếu không hứa, chúng con sẽ quỳ mãi nơi đây.

Tế Ðiên nói:

- Thôi, các ngươi đứng dậy đi. Ta biết bữa tiệc này không thể ăn không rồi. Bữa tiệc này hôm nay đáng giá muôn lượng bạc đây.

Quảng Lượng nói:

- Sư đệ ráng từ bi giúp cho nhé!

- Ừ, được rồi, lát nữa chúng ta cùng đi.

Trí Thanh, Trí Tĩnh mới chịu đứng dậy, nói:

- Sư thúc đi những đâu?

- Hôm nay đi, lát nữa hóa duyên, ngày mai động công sửa cầu.

Trí Thanh, Trí Tĩnh nghĩ thầm: “Có phải nói đùa không đấy?”. Nhưng miệng vẫn nói:

- Thế thì tốt quá!

Tế Ðiên uống rượu xong nói:

- Chúng ta đi nè!

Quảng Lượng nói:

- Sư đệ, chừng sư đệ về ta sẽ đến cám ơn sư đệ.

- Ơn nghĩa gì nào! Chuyện nhỏ đâu nhằm nhò.

Nói rồi cùng Trí Thanh, Trí Tĩnh bước ra khỏi chùa đi về phía trước. Tế Ðiên vừa đi vừa hát sơn ca:

Khuyên người đời, nên tu phước

Nhà tranh không dột trước tâm an

Áo vải lành lặn hơn là lụa

Nhà tranh không dột chả thua nhà giàu

Không cầu vinh, không chịu nhục

Bình sinh an phận tùy thế tục

Tránh khỏi nhân gian thị với phi

Gặp chỗ diễn trò ta ca hát

Cũng không sang trọng chẳng quê mùa

Một lòng ngay thẳng không riêng rẽ

Suốt ngày an giấc đến gần trưa

Thức dậy điểm tâm tô canh nhạt

Cháo cũng được, rau cũng xong

Tự ca tự múa, không câu nệ

Khách tới đãi nhau một chén trà

Khách đi khỏi, tha hồ ta nhảy nhót

Hoặc nói thi, hoặc bình họa

Nực cười nhân thế quá lăng xăng

Nam Bắc ruổi dong chỉ lợi danh

Vì ai cay đắng với nhục nhằn?

Thất tình sâu, chăn dắt kỹ

Hoa nở trong mưa, đuốc gió lay

Lắm kẻ đầu xanh đưa nhược lão

Nhiều người già lão khóc măng non

Vàng đầy kho, ngọc đầy nhà

Nào đâu tránh khỏi vô thường đến

Lâm nguy còn lại nắm tay không

Trơ trọi một mình không bạn hữu

Nấm mồ cao, quan tài đẹp

Thân này rồi sẽ phải đi thôi!

Trần thế chết đi không sống lại

Tội gì cực khổ với bon chen?

Ruộng ông Trương, nhà họ Lý

Ngày nay giàu có ngày mai không

Ruộng dâu hóa bể, bể nên đồng

Xưa nay thay đổi đều như vậy

Thời chưa đến chớ chau mày

Tám chữ cùng thông có chậm mau

Cam La mười hai thọ ơn Tần

Thái Công tám mươi ăn lộc Châu

Cười A Phòng, luận kim cổ

Xưa nay hưng phế khác chi cuộc cờ

Dám khuyên người đời nên quay lại

Ta nay đã phá nẻo hồn mê.

Tế Ðiên vừa ca vừa đi tới trước. Trí Thanh, Trí Tĩnh cùng đi theo sau. Tế Ðiên nói:

- Hai ông đi mau một chút có được không?

- Dạ được chớ.

- Cặp đùi đó có phải của hai ông không?

- Sư thúc nói gì lạ vậy? Cặp đùi nó dính vào thân chúng con, làm sao không phải là của chúng con được?

- Ta cho các ông chạy rầm rầm nhé!

- Chạy rầm rầm là thế nào?

- Ta niệm chú cho các ông chạy như bay đó mà.

- Thì sư thúc niệm đi!

Tế Ðiên liền niệm chú lục tự chơn ngôn: “Án ma ni bát mê hồng! Án sắc lịnh hích!”. Hai người không tự chủ được, cảm thấy như có ai ở sau xô tới, đi như bay, dừng lại không được. Trí Thanh la lên:

- Sư thúc ơi, thâu phép lại đi! Rừng cây ở trước mắt kia, va vào đó chắc là bể gáo dừa quá!

Tế Ðiên ở sau la lên:

- Không sao đâu! Án sắc lịnh hích! Quẹo qua là khỏi!

Quả nhiên tới rừng cây, Trí Thanh, Trí Tĩnh quẹo qua một chút là đi tuốt. Lại chạy tới nữa, Trí Thanh la:

- Không xong rồi! Con sông chắn ngang kìa, rớt xuống đó chắc chìm chết ngay.

- Không sao đâu! Bấm chân xuống đất vọt qua là khỏi thôi.

Nói xong đã đến trước con sông rộng ba bốn trượng, phưởng phất như có ai nâng chân bay qua vậy. Giây lát đã đến huyện Thạch Kháng. Hai người chân giở không được té nằm trên đất không dậy nổi. Tế Ðiên đến cho mỗi người một viên thuốc vào khỏe lại và nói:

- Hai ông về chùa trước cho sư phụ hay chớ đừng đi đâu nhé! Ta phải lên huyện nha kiếm quan Tri huyện nói chuyện, hỏi ông tại sao trói Hòa thượng chúng ta? Trí Thanh, Trí Tĩnh, hai người lát nữa đến nha môn tìm ta nhé! Bữa nay, giây lát ta sẽ đi hóa duyên để ngày mai động công sửa Vạn Duyên kiều.

Trí Thanh, Trí Tĩnh gật đầu trở về chùa. Tế Ðiên đi thẳng đến huyện Thạch Kháng, xăm xăm đi thẳng vào nha môn. Vị Ban đầu trực nhật nhìn thấy người mới tới là ông Hòa thượng kiếc, lật đật cản lại, hỏi:

- Hòa thượng đi đâu?

- Ta vào trong này uống trà.

- Ông nhướng mắt mà coi, chỗ này là tiệm trà à?

- Không bán trà thì ta vào trong đó ăn cơm, mua một bầu rượu.

- Cái ông Hòa thượng này, thiệt ăn nói bậy bạ không! Ở đây cũng đâu có bán cơm rượu.

- Vậy thì bán cái gì?

- Cái gì cũng không bán, đây là nha môn mà.

- Nha môn là làm cái gì?

- Nha môn là để xử kiện thưa.

- Thì ta kiện thưa đây.

- Ông kiện thưa, mà ông tố cáo ai nào?

- Ta tố cáo chú chớ ai.

- Cái ông Hòa thượng này điên rồi. Ông lấy cớ gì để tố cáo tôi nè? Tôi có mắc mớ gì đến ông đâu?

- Ta không tố cáo chú thì không ai tố cáo được. Hai chúng ta phải đưa lên quan mới được.

- Ðây là việc không có rồi đa.

- Làm sao mà không có được?

- Chuyện đó có thiệt mà!

Ðương lúc cự cải thì bên trong có tiếng tằng hắng, nói:

- Ai ở bên ngoài ồn ào thế?

Mọi người nhìn lại, nói:

- Lão quản gia ra tới kìa!

Từ bên trong đi ra một ông già, tuổi quá 60, đầu đội khăn bốn góc, mình khoác áo choàng đoạn đen, vớ trắng vân hài rất lịch sự. Vị nhơn quan nói:

- Lão quản gia, ông xem đó. Cái ông Hòa thượng kiếc này vô cớ tới đây quậy phá đó!

Vị quản gia ngước đầu nhìn lên, nói:

- Té ra là Thánh tăng!

Nói rồi lật đật quỳ xuống dập đầu thi lễ Hòa thượng. Vị quan nhơn nhìn thấy kinh ngạc, nghĩ thầm: “Cái ông Hòa thượng này chắc có lai lịch chi đây. Chúng ta giữ cửa phải dập đầu chào ông mới được, mà cũng không biết Hòa thượng là ai?”. Vị quản gia này họ Từ Trung, vị quan Tri huyện Thạch Kháng này họ Từ tên là Trí Bình. Trước đây, Thám nan thủ vật Triệu Bân đang đêm dọ thám Các Thiên lâu để trộm Bát quái thiên sư phù, may gặp Y Sĩ Hùng cứu tánh mạng chủ tớ Từ Trí Bình đưa đến gặp mặt Tế Ðiên. Sau, Từ Trí Bình liên tiếp trúng liền mấy khoa, được bổ làm Tri huyện và trấn nhậm tại huyện Thạch Kháng này. Vì thế hôm nay lão quản gia mới nhìn ra Tế Ðiên, vội bước tới thi lễ, nói:

- Bạch Thánh tăng, lão nhân gia từ đâu đến đây? Lão gia chúng tôi luôn luôn nhắc nhở đến Thánh tăng. Tại sao Thánh tăng không bảo chúng nó bẩm báo?

- Ta có kêu thông báo chứ, mà vị Ban đầu này đòi ta tiền vào cửa, ta còn thừa ba lượng bạc đưa hết cho anh ta. Anh ta không chịu, lại đòi mười lượng. Ðã vậy còn không chịu trả lại, bảo ta đi đi. Do đó ta mới cự cãi với anh ta, kế ông ra tới.

Từ Trung nghe kể như vậy mới nói:

- Tụi bây thiệt là lớn mật, dám đòi tiền Thánh tăng chứ! Có lấy bạc trả lại không? Thường ngày tụi bây còn làm bao nhiêu việc tệ hại nữa?

Vị quan nhơn nói:

- Lão quản gia ơi, ông đừng nghe lời đại sư phó, tôi thiệt không có đòi tiền cửa mà.

Tế Ðiên nói:

- Rõ ràng là chú để trước bụng đó mà. Của tôi 3 lượng 4 miếng; chú nói không có, vậy chú mở thắt lưng ra giũ thử xem!

Từ Trung nói:

- Phải đấy! Trong mình ngươi có tiền không?

Vị quan nhơn này vừa mới làm giúp một việc lợi, được chia cho ba lượng bạc cất trước bụng. Gặp chuyện cự cãi này há miệng mắc quai, nói:

- Lão quản gia, trong lưng tôi hiện có tiền thật, nhưng đó là của tôi.

- Chú nói bậy bạ hoài! Có trả lại cho Thánh tăng không? Nếu không trả, tôi bẩm với lão gia cách chức chú đấy!

Vị quan nhơn sợ quá đành phải riu ríu móc tiền đưa ra, nói:

- Ðại sư phó, tôi đưa cho ông đây.

Tế Ðiên cười hà hà, nói:

- Ta không cần đâu, ta cho chú nếm mùi chút chút thôi. Ai bảo chú hay xía việc người làm chi? Chú muốn cản trở ta, ta cho chú biết mùi ngay. Ta là Tế Ðiên tăng ở chùa Linh Ẩn đây. Ta còn đến nữa, chú đừng cản ta nhé!

- Vâng ạ! Vị quan nhơn trả lời.

Mọi người nghe nói Phật sống Tế Ðiên đến đều xúm lại bàn tán xôn xao. Tế Ðiên cùng Từ Trung đi vào bên trong. Từ Trí Bình nhìn thấy, lật đật bước tới hành lễ nói:

- Lâu quá mới gặp Thánh tăng! Hôm nay người từ đâu đến?

- Ta hôm nay đến gặp quan Tri huyện vì một việc.

- Bạch Thánh tăng, việc gì thế?

- Hòa thượng ở chùa Hải Triều là chỗ anh em với ta, xin lão nhân gia hãy thả ông ta đi. Ta sẽ đi hóa duyên sửa cầu Vạn Duyên cho.

- Vâng, đệ tử thiệt không biết Hòa thượng chùa Hải Triều là chỗ anh em với Thánh tăng. Nếu đệ tử có biết thì mật dù có lớn bằng trời cũng không dám trói các Hòa thượng ấy. Thánh tăng đã muốn hóa duyên sửa cầu Vạn Duyên, đệ tử có chủ ý.

- Quan huyện có chủ ý gì?

Từ Trí Bình nói như vầy… như vầy. Tế Ðiên nghe xong gật đầu cười ha hả.*

 

Hồi Thứ 157 (^)

 

Thi Phật pháp, khéo độ Vương Thái Hòa

Nhơn nhà nghèo, lìa cố thổ kinh doanh

 

Tế Ðiên đến huyện Thạch Kháng đề ra việc hóa duyên sửa cầu Vạn Duyên, Từ Trí Bình nói:

- Thánh tăng đã nói đến hóa duyên, cần gì Thánh tăng phải đích thân đi hóa duyên? Ở địa phương này có mười nhà tài chủ thân sĩ, mình quyên mỗi nhà 1.000 lượng bạc sửa cầu là được rồi.

Tế Ðiên cười hà hà, nói:

- Lão gia không cần phải bận tâm, ta tử có phương cách.

Vừa nói tới đó thì có hai tiểu hòa thượng đến bên ngoài chờ Tế Ðiên. Quan Tri huyện lập tức truyền cho Quảng Huệ đến phóng thích ngay tại quan đường. Từ Trí Bình nói:

- Hiện có Tế Công xin cho các vị, bản huyện nể mặt Tế Công thả các người ra. Từ đây mỗi người hãy thủ phận giữ thanh quy. Vạn Duyên kiều đã có Tế Công thay các vị hóa duyên, không cần đến các vị hóa duyên nữa. Thôi, các vị hãy về đi.

Tế Ðiên nói:

- Trí Thanh, Trí Tĩnh đừng về, ta còn có việc.

Hai vị hòa thượng nhỏ vâng dạ ở lại. Quảng Huệ cảm tạ quan huyện rồi về chùa một mình. Tin đó bên ngoài đồn ầm lên, mọi người đều biết hiện có Phật sống Tế Công đến hóa duyên để sửa cầu Vạn Duyên. Quan huyện đang khoản đãi Tế Ðiên thì từ bên ngoài vị đương sai bước vào bẩm báo:

- Hiện có mười nhà thân sĩ đệ lên một tờ đơn, xin lão gia ghé mắt.

Thật ra bên ngoài nghe nói Tế Công đã đến. Người có tên, cây có bóng; mọi người truyền tin cho nhau, truyền đến tai mười nhà thân sĩ. Họ họp nhau cùng bàn định:

- Chúng ta ai cũng thấy biết vị Phật sống Tế Công này, lão nhân gia đã đến hóa duyên sửa cầu Vạn Duyên, chúng ta nên đóng góp mỗi người 1.000 lượng để sửa cầu ấy.

Mọi người thương nghị xong bèn thảo một lá đơn đến gặp quan Tri huyện. Vị đương sai nhận đơn đưa cho Từ Trí Bình xem. Từ Trí Bình nói:

- Bạch Thánh tăng, Ngài thấy đó, mười nhà thân sĩ nghe Ngài tới, họ tự động tình nguyện mỗi nhà xuất ra 1.000 lượng cúng cho Thánh tăng sửa cầu Vạn Duyên.

- Hòa thượng ta hóa duyên là hóa một muôn lượng mà chỉ hóa một nhà thôi chớ không hóa mười nhà. Quan hỏi xem có ai trong bọn họ một người bỏ ra một muôn không, Hòa thượng ta mới lấy!

- Bạch Thánh Tăng, Ngài đừng làm tội họ, Ở địa phương này chỉ có bọn họ là có tiền, ngoài họ ra, người khác không cúng nổi. Nếu Thánh tăng làm tội họ chắc không ai thí xả hết.

- Không hề chi! Lát nữa ta lên Hưng Long trang hóa duyên Vương Bá Vạn.

- Thánh tăng ngàn muôn lần đừng đi. Vương Bá Vạn đó đáng được khen là Vương thiện nhơn, mỗi khi gặp mùa Ðông thí cháo, mùa Hè thí trà mát. Ông ta góp tiền lên Hoàng thượng được phong là Ngũ phẩm viên ngoại. Có một điều là ông ta rất ghét hòa thượng và đạo sị, không trai tăng, không thí đạo. Trước đây tôi đã xử mấy vụ đều là vì tăng đạo hóa duyên chẳng những ông ta không thí xả mà còn đánh họ nữa, làm nội vụ phải đưa đến nha môn. Tôi nghĩ ông ta là người tốt cũng không nên làm tội ông ta. Thánh tăng vạn lần đi không được đâu!

Tế Ðiên cười hà hà, nói:

- Lão gia khỏi phải lo, Hòa thượng ta hôm nay không đi không được! Ông ta đã không thí xả, Hòa thượng ta mới đến hóa duyên chớ. Ta hóa duyên một muôn lượng, ông ta không thể thí 999 lượng được. Hôm nay nếu ta không có thủ đoạn đó cũng không đến đây làm chi. Ðể lão gia xem xem. Trí Thanh, Trí Tĩnh, hãy đi với ta. Lão gia, lát nữa chúng ta sẽ nói chuyện.

Từ Trí Bình cản không được, Tế Ðiên dẫn hai vị hòa thượng nhỏ ra khỏi huyện Thạch Kháng thẳng đến Hưng Long trang. Vừa đến phía Ðông đầu thôn, Tế Ðiên hỏi:

- Trí Thanh, Trí Tĩnh, hai ông có mang theo pháp khí không?

- Con có mang theo khánh. Trí Thanh nói.

- Con có mang theo mõ. Trí Tĩnh nói.

- Ðược, hãy đánh lên vừa đi vừa niệm!

- Niệm cái gì bây giờ?

- Chúng ta đọc bài thí thực cho các vong linh con em dọc đường.

- Vậy thì được, Trí Thanh đáp, rồi vừa đi vừa đọc.

Người hai bên đường thấy vậy cho là khật khùng. Ði tới không xa, thấy phía Bắc đường có một tòa cổng lớn, trên cổng có ngựa đá, dưới cổng cũng có ngựa đá với tám gốc hòe long trảo, bên trên treo một bức vải vẽ 180 con la. Ðối diện là 8 chữ hình đắp nổi. Toà nhà này phòng ốc rất là cao lớn, tất cả đều đắp tô chỉ nổi, điêu khắc hoa như thật. Tế Ðiên bước tới trước cửa xem: ngay cửa là hình bàn cờ, đắp nổi bằng vôi vữa, đá trắng nổi vân rất đẹp mắt. Tế Ðiên vừa kêu “mệt quá” thì từ trong đi ra một vị quản gia chừng hơn 20 tuổi, nói:

- Hòa thượng, ông đi mau đi! Ông không thấy trên cửa chúng tôi có dán giấy là tăng đạo không có duyên sao? Viên ngoại chúng tôi có thể là người tốt, nhưng không trai tăng thí đạo. Trước đây có lão đạo sĩ không cho hóa duyên, ông lại đòi hóa duyên, viên ngoại chúng tôi đi ra cầm roi ngựa đánh cho ông ta một trận, lại phải đưa đến nha môn. Hôm nay may mắn viên ngoại chúng tôi không có ở ngoài này, ông muốn hóa một cổ hương tiền, tôi cho ông đây. Ông đi mau đi! Tôi nói đây là có lợi cho ông đó.

- Chú cho ta mà chú có biết ta muốn hóa bao nhiêu tiền không?

- Hòa thượng muốn hóa bao nhiêu?

- Ta hóa một muôn lượng để sửa cần Vạn Duyên. Hôm nay thí xả cho ta còn được, ngày mai thì không được nhé!

- Tôi không bảo Hòa thượng hóa, có thể là tốt đấy.

Trong lòng anh ta lại nghĩ: “Ông Hòa thượng này chắc là khùng rồi”.

Nếu không cho ta hóa duyên thì chú cho ta mượn cây bút đi, ta viết lên vách đắp này ít chữ, hô lớn ba tiếng rồi ta đi ngay.

Thì đây!

Nói rồi quản gia lấy viết đưa ra, Tế Ðiên cầm lấy bút viết lên vách đắp mấy câu. Quản gia nói:

- Ðáng tiếc cho bút pháp của Hòa thượng! Thiệt là đẹp quá.

- Cái đó tự nhiên rồi.

Tế Ðiên hô lớn:

- Hóa duyên đến đây ơ!

Thuận tay nén bút vào bên trong. Quản gia nói:

- Ông cứ la đi, viên ngoại chúng tôi nếu ra là được.

Tế Ðiên la xong ba tiếng rồi nói:

- Lát nữa viên ngoại các ông có ra, xin làm ơn nói giùm là có Tế Ðiên tăng ở chùa Linh Ẩn muốn hóa duyên một muôn lượng bạc để sửa cầu Vạn Duyên. Phải ngày hôm nay chứ ngày mai không được rồi. Nếu ông ta không chịu thí xả thì hãy nhắc lại lời ta là không bao lâu ông ta sẽ bị tai họa bất ngờ ghê gớm lắm. Hòa thượng ta đi đây!

Nói rồi Tế Ðiên bỏ đi. Quản gia cũng không hiểu ý đó. Nào ngờ Hòa thượng đi rồi thì Vương viên ngoại dắt bốn gia nhân từ trong đi ra. Nguyên viên ngoại đang ngồi trong thư phòng phía sau xem sách, nghe bên ngoài có tiếng la lớn:

- Hóa duyên đến đây ơ!

Liên tiếp nghe ba lần như vậy, Vương viên ngoại cảm thấy trong lòng bực bội, nghĩ thầm: “Kỳ vậy cà? Viện này là nhà năm lớp, bình thường ai rao bán bên ngoài đều không nghe được. Bây giờ bên ngoài có tiếng la “Hóa duyên đến đây”, làm sao nghe rõ ràng thế?”. Nghĩ rồi lập tức dắt bốn gia nhân đi ra. Vương viên ngoại hỏi:

- Ai làm ồn ở ngoài này thế?

Quản gia đương muốn kêu thợ hồ lấy vữa xóa mấy chữ trên vách đi cho viên ngoại khỏi thấy nhưng lại không có vữa. Viên ngoại đi ra nói:

- Ngươi không bảo cho ông ta sao? Ta đây không có duyên với tăng đạo mà!

- Tôi có bảo với ông ta, ông ta mượn tôi cây bút viết mấy chữ lên vách. Ông ta vặn viên ngoại đi ra, tôi nói lại giùm: Ông ta là Tế Ðiên tăng ở chùa Linh Ẩn muốn hóa duyên một muôn lượng bạc để sửa cầu Vạn Duyên. Ông ta nói viên ngoại có thí xả thì thí xả bữa nay chứ ngày mai ông ta không nhận; viên ngoại không chịu thí xả thì sẽ gặp một tai họa bất ngờ ghê gớm lắm.

Vương viên ngoại nghe nói, ngước đầu lên xem mấy chữ của Hòa thượng viết trên vách, nét bút còn ràng ràng. Vương viên ngoại “a” lên một tiếng, nói:

- Mau kêu ông Hòa thượng trở lại! Ta chịu cúng một muôn lượng bạc!

Quản gia cũng không biết tại sao, vội chạy đi kiếm Hòa thượng. Tại sao Vương viên ngoại nhìn thấy mấy chữ trên vách lại chịu thí xả một muôn lượng bạc? Trong đó có một đoạn duyên cớ như vầy: Vương viên ngoại này tên là Thái Hòa, vốn sanh trưởng tại Hưng Long trang này. Lúc nhỏ, gia đình rất giàu, cha mẹ đã đính ước cho con gái Hàn viên ngoại ở trang bên cùng tuổi với Vương Thái Hòa làm vợ. Không ngờ Vương Thái Hòa mạng vận khắc nghiệt: bảy tuổi cha mất, chín tuổi mẹ quy tiên, một phần gia tài bị người gạt lấy, gia cảnh mỗi năm mỗi sa sút. Ðến năm 16 tuổi, trong nhà nghèo đến nỗi củi không có để chụm, gạo không được nửa lon. Nhà của anh ta bị người ta siết nợ bán lần lần chỉ còn lại hai gian nhà nát. Vương Thái Hòa đã được 16 tuổi, mới tự nghĩ: “Chẳng lẽ bó tay chờ chết hay sao? Phải kiếm nghề gì để có cơm ăn áo mặc mới được.” Nghĩ tới nghĩ lui mãi mà không tìm ra cách chi. Sau cùng gom góp những sách vỡ củ rách trong nhà bán đi mua bút mực giấy viết, gánh rương sách đi du học, đến các học quán để bán giấy viết bút mực. Gánh tới gánh lui, gánh tới địa phủ Tòng Giang, nơi đây học quán rất nhiều, nhân tâm hòa nhã, Vương Thái Hòa buôn bán ở đó được mối, lần lần khấm khá, từ khi Vương Thái Hòa đến bán, học sinh các học quán không mua giấy bút ở các chủ khác, chỉ đợi anh ta đến để mua bút mực giấy viết thôi, nhờ thế anh ta mỗi lúc một khá hơn lên. Vương Thái Hòa ở nhờ chùa Chuẩn Ðề ngoài cửa Tây thành trong vòng hai, ba năm, tự mình gom góp được số vốn 5, 60 lượng bạc. Anh ta dù nhỏ tuổi, nhưng trong chuyện lập nghiệp không chuộng phù hoa, chỉ lo bổn phận. Một hôm Vương Thái Hòa thấy trên đường lớn của phủ Tòng Giang có rất nhiều người vây một vòng chật ních, chen chân không lọt, Vương Thái Hòa thấy trước mặt mình là một tấm vải che rạp màu lam, trên viết chữ trắng, đó là một đôi liễn:

“Một bút tợ dao, tách bạch Côn Sơn ra ngọc đá.

Hai mắt như chớp, rạch ròi biển cả cá riêng rồng”.

Vương Thái Hòa chen vào bên trong xem thì thấy một lão đạo sĩ: mặt như cổ nguyệt, một bộ râu bạc phất phơ trước ngực, đầu đội mũ đạo sĩ màu lam, mình mặc đạo bào màu lam để lộ cổ áo màu xanh, vớ trắng vân hài, nhìn thấy vị lão đạo sĩ này hiển lộ tinh thần rất sung mãn, tóc như tuyết ba đông, tóc mai như sương tháng chín, thật là tiên phong đạo cốt! Ông ta xếp các quẻ, phía trên bày 6 hào, án theo quẻ đơn và quẻ kép, có 12 nguyên thần, tiếp 8 lần 8 là 64 quái, 384 hào, mỗi quẻ xấp theo hình dáng có phụ mẫu, huynh đệ, thê tử, quan quỷ… Kế nghe lão đạo sĩ nói:

- Sơn nhân cũng có thể đoán quẻ, cũng có thể xem tướng, hễ có lòng thành thì sẽ linh hiển, nhưng có một điều là phải thành thật hỏi tôi, hỏi cho chính mình hay cho người khác tiền quẻ cũng không lấy gì nhiều.

Mọi người có kẻ coi quẻ, có kẻ xem tướng, và ai cũng khen lão đạo đoán đúng cả. Vương Thái Hòa nghĩ bụng: “Mình cũng nhờ ông ấy xem tướng để biết đại vận suốt đời thế nào”. Nghĩ rồi mới nói:

- Nhờ đạo gia xem tướng giùm tôi.

Lão đạo sĩ nhướng mắt rồi ngạc nhiên nói:

- Bần đạo nói thiệt, xin tôn giá đừng giận nhé.

- Quân tử hỏi họa không hỏi phước, xin đạo gia cứ nói đi!

Lão đạo sĩ mới nói từ đầu đến cuối mọi việc, Vương Thái Hòa không nghe còn khá, khi nghe rồi sợ đến nổi gương mặt tái xanh.*

 

Hồi Thứ 158 (^)

 

Lý Hàm Linh xem tướng độ quần mê

Vương Thái Hòa tài sắc chẳng mê lòng.

 

Lão đạo sĩ sau khi nghe Vương Thái Hòa bảo nói đi, bèn nói:

- Xem tướng mạo các hạ không giống với người ta: trán không có chủ cốt, cặp mắt láo liêng, chân mày thưa mỏng, chủ về anh em không nhờ cậy được; sơn căn thấp lõm, chủ về không giữ được tổ nghiệp; chuẩn đầu là thổ tinh, chủ về kho của, bên trái là giếng, bên phải là bếp, giếng và bếp quá trống trải, có của mà không có kho chứa, các hạ suốt đời không thể giữ của được; lằn đằng xà vào miệng, tương lai chủ về bị chết đói. Các hạ 7 tuổi mất cha, 9 tuổi mất mẹ, 16 tuổi phạm phải sao Dịch Mã, mấy năm nay bôn ba cực nhọc bên ngoài, may nhờ còn biết cần kiệm nên không đến đỗi nào. Từ nay về sau, mỗi ngày một khác đi. Tướng mạo của tôn giá, bần đạo không phải nói thêm nữa.

Vương Thái Hòa nghe lão đạo sĩ nói những việc đã qua không sai một điểm, đại khái những việc vị lai chắc cũng có trúng, bèn trả tiền quẻ, trở về chùa Chuẩn Ðề, nghĩ thầm: “Mình rốt cuộc bị chết đói thì còn chạy đôn chạy đáo nhọc nhằn làm chi? Chi bằng mình trở về nhà xin bãi hôn sự và nói nhạc phụ gả cô nương cho mối khác, mạng số mình đã không may như vậy, đừng để liên lụy đến người khác tốt hơn!”. Càng nghĩ càng thấy buồn, chẳng khác nào bị muôn nhác dao khứa vào tim, không lòng dạ nào buôn bán được nữa, Vương Thái Hòa mới giao phòng lại cho chùa Chuẩn Ðề rồi gánh rương sáp từ Tòng Giang trở về nhà. Hôm đó đi đến nửa đường, vốn là người không thích màu mè, đi đường xa cũng cảm thấy mệt nhọc, bèn đến một rừng cây bên đường nghỉ tạm.

Vừa vào rừng cây, nhìn thấy có một bao bằng đoạn màu vàng. Vương Thái Hòa thả gánh xuống, lượm bao ấy mở ra xem, thấy trong bao có một hộp gỗ cứng khóa kỹ lưỡng và một túi nhỏ bằng đoạn màu vàng, bên trong để chìa khóa. Vương Thái Hòa lấy chìa khóa mở ra xem. Bên trong hộp gỗ là 2 đôi vòng, mỗi đôi khoảng 8 lượng, kim giắt đầu mỗi chiếc 5, 6 lượng. Chiếc hộp có trá trị tổng cộng hơn 1.000 lượng bạc. Vương Thái Hòa nghĩ thầm: “Ta rốt cuộc rồi bị chết đói thì đừng làm hại đến người khác làm chi. Nếu những thứ này là của chủ nhân làm rớt cũng không quan trọng lắm, thảng như đó là gia nhân giúp việc cho chủ, hoặc cầm giùm cho người mà đánh rơi thì sẽ có nguy hiểm đến tánh mạng. Chi bằng mình đợi ở đây, có ai đến tìm mình sẽ trả lại cho người ta”. Nghĩ rồi gói lại cẩn thận, cất vào trong rương sách.

Vương Thái Hòa ngồi dưới đất chờ không bao lâu thì thấy từ phía Bắc, một người cỡi ngựa phi tới, ngựa này là ngựa ô nên chạy rất mau! Khi đã đến gần, ngựa dừng lại, người ấy lật đật nhảy xuống ngựa. Ngựa này trang phục theo lối tùy tùng, khoảng hơn 20 tuổi. Mồ hôi chảy ròng ròng trên gương mặt tái xanh vì nỗi kinh hoàng. Xuống ngựa xong, người này đến trước Vương Thái Hòa, ôm quyền thi lễ, nói:

- Tại hạ họ Tô gọi là Tô Hưng, là tùng nhân của Tô Bắc Sơn viên ngoại. Hôm nay vâng lệnh viên ngoại của chúng tôi đến nhà bà cô ở phủ Tòng Giang lấy một bao đồ, bên trong có 2 đôi vòng vàng, 2 cây giắt đầu. Khi đến đây, ngựa của tôi thấy ngã ba, sợ nhảy dựng lên làm rơi bao đồ xuống. Tôi cũng không xuống ngựa được, tới chừng kìm ngựa dừng lại, tôi mới trở lui tìm bao đồ nhưng không gặp người qua đường nào cả. Thưa tiên sinh, nếu tiên sinh có thấy bao đồ ấy thì xin cứu tôi với! Tôi nếu bị mất bao đồ này chắc phải chết thôi. Lão nhân gia nếu có lượm bao đồ, xin cho lại tôi là cứu tánh mạng tôi đó! Tương lai tôi không dám quên người!

Vương Thái Hòa gật gật đầu, mở rương sách lấy bao đồ ra, nói:

- Chú xem lại coi, mấy thứ này có đúng không?

Tô Hưng xem rồi nói:

- Tiên sinh thiệt là cha mẹ đẻ tôi lần thứ hai, đã cứu mạng sống của tôi! Nếu không có lại những thứ này chắc tôi phải chết. Ðó cũng là do lão nhân gia là người tốt, ngàn vàng không tối mắt! Tôi chưa được lãnh giáo tên họ của tiên sinh.

- Tôi là Vương Thái Hòa, người ở Hưng Long trang, huyện Thạch Kháng.

- Lão nhân gia chừng nào đến thành Lâm An, ngàn muôn lần xin đến nhà Tô Bắc Sơn viên ngoại ở đường số 4, ngõ hẻm Thanh Trúc tìm tôi. Tôi tên là Tô Hưng.

- Vâng, tôi nhớ.

Tô Hưng trong lòng cảm thấy quá áy náy, bèn lấy ra 5 lượng bạc, nói:

- Thưa tiên sinh, cái này thật là không dám nói là đền ơn tiên sinh, chỉ gọi là chút lòng thành để tiên sinh mua cân trà ngon để điểm tâm.

Vương Thái Hòa mỉm cười, nói:

- Chú đừng bày vẽ! Ta nếu muốn lấy bạc của chú thì lượm được gói đồ ta trả chú làm gì? Thôi, chú hãy cất bạc đi.

Tô Hưng thấy Vương Thái Hòa quyết ý không chịu nhận, chính mình cũng không biết phải làm sao, bèn nói:

- Thưa tiên sinh, tiên sinh đã không muốn, tôi cũng không dám nài ép, bao giờ đến Lâm An ngàn muôn lần nên nể mặt đến tìm tôi.

Nói rồi bò xuống đất dập đầu lạy tạ Vương Thái Hòa rồi mới cáo từ trở về. Vương Thái Hòa còn lại một mình, trong lòng càng thêm sầu muộn: “Lão đạo sĩ nói mình 7 tuổi mất cha, 9 tuổi mất mẹ, 16 tuổi phạm phải sao Dịch Mã, nói như thần tiên, chưa đến mà biết cả mọi việc!”. Thật ra, lão đạo sĩ có vẻ đại lộ hoạt thần tiên ấy chính là Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh ở Vân Hà quán trên núi Vạn Tòng. Ông ta xuống núi không phải coi bói xem tướng kiếm tiên mà để phổ độ quần mê, giáo hóa chúng sanh, coi đoán việc như thấy trước mắt. Vương Thái Hòa làm sao biết lai lịch của lão đạo  sĩ! Hôm nay, sau khi Tô Hưng đi rồi, Vương Thái Hòa buồn bã gánh rương sách trở về. Hôm đó đang đi đến khúc vắng, xa không thấy xóm làng, gần không gặp quán trọ. Trời đang nắng ráo, bỗng nhiên mây đùn từ Tây bắc, mịt mù hướng Ðông nam, gió to mưa lớn ập xuống, Vương Thái Hòa đành phải kiếm chỗ trú đỡ, thấy trước mặt có một tòa miếu hoang, tường vách lở lói hết, trong đó ba gian đại điện còn có thể đụt mưa được. Vương Thái Hòa đến gần, vừa muốn bước vào chánh điện thì thấy một cô gái chừng 17, 18 tuổi rất là xinh đẹp đang đụt mưa ở đó. Vương Thái Hòa nhìn thấy rất lấy làm ngạc nhiên, nhưng lại nghĩ: “Nam nữ thọ thọ bất thân, tuy là ở nơi vắng vẻ không người, ta đâu thể tránh sự hiềm nghi làm hư danh tiết của người ta! Chi bằng đứng ở ngoài hiên đại điện đụt mưa cho xong”. Nghĩ rồi Vương Thái Hòa ngồi xổm ngoài hiên đại điện, cũng không nói với cô gái ấy tiếng nào. Ngờ đâu mưa càng lúc càng lớn, mãi cho tới canh năm mới ngưng, đất bằng ngập sâu mấy thước, may mắn là ở sơn đạo nước rút khá nhanh. Trời sáng đã không còn thấy nước nữa. Vương Thái Hòa cất gánh lên vai định đi thì nghe cô gái hỏi:

Xin hỏi tôn tánh của quân tử là gì?

- Tôi họ Vương.

- Tôn giá là người tốt. Nô gia họ Mã tên là Mã Ngọc Dung, nhà ở Mã gia trang gần đây, mong nhờ tôn giá đưa giùm cho mấy bước.

- Cũng được, có hề chi!

Nói rồi đưa cô gái về Mã gia trang. Nhà cô này có cha mẹ anh em đủ cả. Cô gái này đang ở nhà cậu mợ, nhân cãi với mợ mấy câu, giận bỏ về nhà, về đến nửa đường gặp mưa phải trú lại. Vương Thái Hòa đưa cô gái về đến cửa định đi, cô gái vào nhà nói với cha mẹ việc trú mưa trong miếu gặp được Vương Thái Hòa là người tốt, không bước chân vào đại điện cũng không nói chuyện, hôm nay đưa cô về nhà. Nghe cô gái kể, cha mẹ cô lật đật chạy theo mời Vương Thái Hòa trở lại đặt tiệc khoản đãi. Cả nhà lớn nhỏ đều cảm kích. Cha cô gái hỏi:

- Quý tánh của tôn giá là gì? Là người ở đâu? Hôm qua tiểu nữ ở nhà đằng cậu mợ nó, nhân vì cãi vả một vài câu, con gái tính quá nóng nảy, mợ nó không kêu trở lại, nên giữa đường gặp mưa phải đụt lại trong miếu. May gặp được tôn giá là người quân tử chánh trực, nếu gặp phải người xấu không biết sẽ làm sao!

- Tôi họ Vương, kêu là Vương Thái Hòa, nguyên là người ở Hưng Long trang. Về sau đừng để cô nương đi một mình, phải có ai đi theo cô tốt hơn.

Mã lão trượng nói:

- Vâng, phải phải! Vương tiên sinh ở lại thêm vài ngày nữa nhé!

- Tôi còn có việc bận.

Nói rồi cáo từ. Cha mẹ cô gái đưa tiễn cảm tạ không thôi. Vương Thái Hòa thuận theo đường lớn  trở về. Hôm ấy về đến nhà thì đã có người nghèo khổ ở trong thôn đến ở. Khi Vương Thái Hòa về, tự nhiên người ấy phải nhường nhà lại. Ðể gánh sách xuống, Vương Thái Hòa cảm thấy quá buồn bã, ăn uống qua loa rồi đánh một giấc dài. Sáng hôm sau, anh ta đích thân đến nhà Hàn viên ngoại thối hôn. Hàn viên ngoại từ khi hắn còn nhỏ đã hứa gả con gái cho, bây giờ Hàn viên ngoại vẫn còn có tiền. Từ khi cha mẹ Vương Thái Hòa qua đời, gia cảnh hắn mỗi năm sa sút thêm, về sau nghe hắn nói ra ngoài buôn bán. Nhà Hàn viên ngoại có mấy khoảng ruộng, cũng có thể coi là tài chủ trong làng, không thể gả con gái cho ai khác được, đành phải đợi hắn. Cô gái đồng tuổi với Vương Thái Hòa lại là người hay nghĩ ngợi, cho rằng chính mình có mạng số không may, về sau về làm dâu nhà người lại càng thêm khổ sở! Ngày qua tháng lại, lòng lo lắng sinh ra bịnh mắt, đến nỗi mù luôn không thấy gì nữa. Vương Thái Hòa đâu biết việc ấy. Hôm nay gặp Hàn viên ngoại, sau vài câu nắng mưa mở đầu, Vương Thái Hòa mới nói:

- Tôi tính xin lão nhân gia đem cô nương gả chỗ khác! Mạng tôi cũng khổ rồi, đừng bắt tội cô nương cùng khổ vì tôi! Những sính lễ ngày xưa tôi không cần  lấy lại.

Hàn viên ngoại nói:

- Ðâu có được, hiện giờ con gái ta đã mù rồi. Con hãy chọn ngày giờ tốt đi, nếu không nó tàn tật ta cũng không gả cho ai được. Con nên mau mau rước nó về rồi chậm chậm sẽ tính. Nếu con buôn bán nhỏ cần hai ba trăm lượng bạc, ta có thể cho con được. Con chịu khó cần kiệm mà không có gạo ăn sao?

Vương Thái Hòa nghe cô nương đã mù mắt, bèn nghĩ thầm: “Không phải người một nhà làm sao bước qua cửa được? Tới chừng đi xin cơm, ta đi trước dẫn theo một người mù, chẳng là hay lắm sao?”. Nghĩ rồi bèn nói:

- Thưa nhạc phụ, cô nương đã mù rồi, con không thể nói là không cần được. Xin nhạc phụ hoàn thành cho. Con cũng không có nhiều tiền để tổ chức rình rang. Tốt hơn là con thuê kiệu rước cô ấy về.

Vương Thái Hòa không còn cách nào hơn, chỉ có mấy lượng bạc về nhà giăng màn làm lễ, định ngày tốt rước vợ về. Lúc này hắn ta không có bà con thân thích nào để vãng lai trình báo. Hàn viên ngoại tính sau khi gả con vài tháng sẽ cho Vương Thái Hòa tiền để buôn bán. Dè đâu Vương Thái Hòa cưới vợ về chưa được nửa tháng, bỗng ngủ không được vì nhớ lại những việc đã qua! Nằm lăn qua trở lại căng cả mắt, thấy dưới đất có cục lửa lăn đến góc tường Nam rồi biến mất. Liên tiếp ba hôm như vậy, Vương Thái  Hòa mới nói với vợ:

- Dưới đất có cục lửa lăn tới lăn lui mãi, không biết đó là ý nghĩa gì!

- Có thể là của chìm đấy! Vợ hắn nó:

- Cũng có thể lắm.

- Anh xem đúng chỗ nào rồi lấy cây trâm vàng cắm xuống đó làm dấu. Hôm sau đào lên coi thử.

Vương Thái Hòa quả nhiên lấy trâm vàng cắm xuống đó làm dấu, hôm sau lấy xẻng đào lên. Ðào sâu chừng hai thước thì “cộp” một tiếng, Vương Thái Hòa nhìn kỹ lại, mắt mở trừng trừng!*

 

Hồi Thứ 159 (^)

 

Ðược vàng báu, tướng cũng theo phước đổi

Tìm mẹ cha lặn lội khắp chân trời

 

Khi Vương Thái Hòa lấy xẻng đào xuống hai thước nghe “cộp” một tiếng, nhìn lại là một phiến đá. Nạy phiến đá lên xem là một hố vàng bạc nguyên bảo. Vàng nguyên bảo đều là vàng móng ngựa 100 lượng vô một cọc, bạc nguyên bảo đều là bạc đại nguyên bảo 200 lượng một cọc.

Vương Thái Hòa lấy ra trước một cọc rồi lấp lại y như củ, cũng không dám tri hô lên. Hôm sau đến nhà nhạc phụ nói mình muốn sửa nhà. Hàn viên ngoại hỏi:

- Con có tiền không?

- Không có bao nhiêu, làm tạm ở đỡ.

Nói rồi mua hai tủ đựng bạc, tìm thợ mộc đến xem. Nền đất không phải nhỏ nên phải cất nhà ba tầng trước, hễ động công đến đâu dời vàng bạc đi đến đó. Sau khi lợp nhà xong, đếm vàng nguyên bảo được 600 cọc, mỗi cọc có thể đổi được 50. 000 lượng bạc, bạc nguyên bảo là 400 cọc, cộng chung là 1.000 cọc. Từ đó phát lên giàu sang, tính ra gia sản có hơn 300 muôn lượng bạc. Tại địa phương, Vương Thái Hòa mở nhà đổi bạc, tiệm bán tơ lụa, mua sắm ruộng đất nhà cửa. Ai nấy đều biết Vương Thái Hòa phát tài trở về nhưng không biết phát tài bằng cách nào. Vương Thái Hòa tự nghĩ: “Hồi đó tại phủ Tòng Giang, lão đạo sĩ xem bói cho ta bảo rằng ta phải chết đói. Hiện giờ ta có gia tư to lớn như vầy làm sao chết đói được? Lão đạo sĩ chắc lầm lẫn chung thân đại sự của ta rồi”. Từ đó Vương Thái Hòa không tin phục hòa thượng và đạo sĩ nữa, cho rằng tăng đạo đều nói lời yêu ma mê hoặc mọi người. Vương Thái Hòa mỗi năm đến mùa Ðông thí cháo, mùa Hè thí trà, cho áo quần bông mấy người nghèo khổ, những người già cả tàn tật đều được giúp đỡ, nhưng không chịu trai tăng thí đạo. Hôm nay tại sao kiếm Hòa thượng mời về cúng một muôn lượng bạc sửa cầu? Ðó là vì ông ta nhìn thấy mấy chữ trên vách đắp, Tế Ðiên viết lên đó hai bài thơ tuyệt cú.

Bài đầu là:

Thuở trước Tòng Giang hỏi cát hung

Hàm Linh xem tướng bảo bần cùng

Trái lại hôm nay quá sang trọng

Ðều bởi Tô Hưng, Mã Ngọc Dung.

Bài thơ thứ hai:

Ba hôm tỉnh giấc giữa canh tàn

Một vầng lửa đỏ chạy sang Nam

Nạy lên phiến đá nhìn cho kỹ

Bốn sáu bạc vàng lượng đủ ngàn.

Vương Thái Hòa xem rồi ngẫm nghĩ: “Lạ thiệt, chuyện của mình không ai biết, ông Hòa thượng này là thần tiên chắc!”. Vì thế mới kêu gia nhân lật đật đuổi theo. Quản gia chạy theo đến đầu thôn thì thấy Hòa thượng đang đi phía trước, bèn nói:

- Mời đại sư phó trở lại. Viên ngoại chúng tôi chịu thí xả một muôn lượng bạc.

Tế Ðiên mới quay gót trở lại. Vương Thái Hòa gặp mắt, nói:

- Xin mời Thánh tăng vào bên trong ngồi.

Tế Ðiên vào đến thư phòng, gia nhân dâng trà lên Vương Thái Hòa hỏi:

- Bạch Thánh tăng, việc của tôi làm sao Thánh tăng biết được?

- Ngươi làm sao giấu được ta? Ngươi đừng nên hủy báng tăng đạo nhé! Ngươi nên biết có hai câu như thế này: “Tâm không tốt mạng cùng khổ nốt, đến chừng tâm tốt mạng cũng tốt, giàu sang cho đến rốt. Mạng tốt tâm không tốt, giữa đường bị yểu chiết”. Nếu người ta làm việc âm chất có thể gặp hung hóa cát, gặp nạn thành an. Lúc kia lão đạo sĩ xem tướng cho ngươi, ngươi có đàng xà vào miệng chủ về chết đói. Nhờ người làm hai việc âm chất nên nét đằng xà biến thành nét thọ đái đấy!

Vương Thái Hòa bây giờ như nằm mơ mới tỉnh. Tế Ðiên nói:

- Nếu ngươi không tin, ta có cái này để cho người thấy. Ngươi đem một muôn lượng bạc làm việc công đức sửa cầu Vạn Duyên cho chùa Hải Triều, ngày mai tốt ngày khởi công đi. Ngươi bảo người mang bốn khối đá lại đây, ta viết lên đó bốn câu thơ, mỗi khối viết một câu đem gác lên thành cầu, phái hai gia nhân canh chừng. Khối thứ nhất để mọi người xem tự do, nhưng ai muốn xem khối thứ hai phải bỏ ra 200 lượng bạc, muốn xem khối thứ ba phải bỏ 300 lượng bạc, muốn xem khối đá thứ tư phải bỏ 500 lượng bạc. Một ngàn lượng bạc này giúp ngươi tiền rượu xây cầu, nhưng đừng nói ta viết mà nói thần tiên viết nhé!

Vương Thái Hòa nghĩ thầm: “Ai mà chịu bỏ ra 200 lượng bạc để xem một cục đá chớ? Ta dầu có tiền cũng không xài hoang như vậy”. Tế Ðiên nói:

- Ngươi không tin à? Ðể rồi coi có người đòi xem không cho biết!

Vương Thái Hòa lập tức cho người đến chùa Hải Triều, sửa soạn chuẩn bị làm công quán, lại kêu gia nhân đem bốn khối đá đến cho Tế Ðiên viết rồi đem bốn khối đá ấy để trên thành cầu, kêu gia nhân canh chừng. Vương Thái Hòa cũng ở chung với Tế Ðiên tại chùa Hải Triều, không việc gì thì đánh cờ. Cầu Vạn Duyên tiến hành việc tu sửa. Hai gia nhân canh chừng bốn khối đá, nói:

- Thưa các vị đến xem đá, khối đá thứ nhất được xem tự do, muốn xem khối đá thứ hai phải bỏ ra 200 lượng bạc.

Trên đường phố náo động hẳn lên. Mọi người xúm lại xem. Trên khối đá viết câu thơ bảy chữ: “Không phải họ Cao vốn họ Lương”. Ai nấy đều cho hai người này ra thai đố. Ai lại chịu bỏ 200 lượng để xem một cục đá? Mọi người bàn tán lăng xăng. Qua mười mấy ngày không ai hỏi tới. Người ta thấy khối đá thứ nhất cười rồi bỏ đi. Một hôm, Vương Thái Hòa nói:

- Bạch Thánh tăng, lão nhân gia nói có người muốn xem cục đá sao không thấy?

- Người đừng nóng, không quá năm ngày nữa sẽ có người đòi xem mà!

Quả nhiên đến ngày thứ tư, có một vị văn sinh công tử đội khăn văn sinh màu thúy lam, mình mặc áo choàng văn sinh cùng màu, lưng thắt dây tơ, vớ trắng vân hài, gương mặt trắng trẻo, tuấn vũ hơn người, mang theo hai đứa thư đồng gánh theo rương sách và cầm kiếm. Vị văn sinh công tử ấy đến gần xem và hỏi:

- Cục đá này ai viết vậy?

Gia nhân đáp:

- Là thần tiên viết đấy.

- Vị thần tiên ấy ở đâu?

- Công tử không cần biết vị thần tiên ấy ở đâu. Muốn xem khối đá thứ hai thì bỏ ra 200 lượng bạc. Khối thứ nhất cho coi không.

- Tôi chịu bỏ ra 200 lượng bạc, chú giở khối thứ hai cho tôi xem.

Gia nhân lật đật chạy vào chùa Hải Triều báo với Viên ngoại rằng có người muốn xem khối đá. Vương Thái Hòa nghĩ thầm: “Thiệt là có những hạng người này sao? Chịu bỏ ra 200 lượng bạc để coi một cục đá?”. Chính mình không tin, bèn bước ra xem thì thấy một vị phục sức theo lối văn sinh công tử. Vương Thái Hòa hỏi:

- Tôn giá muốn xem đá phải không?

- Ðúng thế!

- Xem khối đá thứ hai phải bỏ ra 200 lượng bạc.

- Tôi chịu bỏ 200 lượng bạc.

Nói rồi mở rương sách lấy ra 4 lượng vàng tính ra là 200 lượng bạc, giao cho Vương Thái Hòa, Vương Thái Hòa sai gia nhân giở khối đá thứ hai ra. Các gia nhân đều không muốn giở. Vương Thái Hòa nói:

- Tụi bây đứa nào đến rinh, ta thưởng cho 2 lượng bạc.

Các gia nhân nghe nói như vậy, người này muốn rinh, người kia muốn rinh, ai nấy đều muốn đến rinh. Không đầy một khắc, khối đá được rinh ra. Vị văn sinh công tử ấy thấy khối đá thứ hai lại càng ngạc nhiên hơn.

Tại sao vị công tử này chịu bỏ ra 200 lượng bạc để xem khối đá thứ hai? Trong đó có một đoại sự tình. Trên khối đá thứ nhất viết: “Không phải họ Cao vốn họ Lương”. Ðúng ngay thân thế của công tử này. Cậu ta chính không phải họ Cao mà vốn họ Lương, là người của Lương Vương trang ở huyện Thạch Kháng. Khi cậu ta 5 tuổi nhắm lúc hai quân Kim, Tống đánh nhau, đại đội Hàn Ly Bất trở lại Giang Nam, mẹ con dắt nhau đi lánh nạn, gặp phải đội giặc, mẹ con lạc nhau, con không tìm được mẹ, đứng khóc ở bên đường. Từ đằng kia có một người đi lại, đầu đội mũ lệch, khoác hờ chiếc áo choàng, nói:

- Em nhỏ ơi, tại sao em khóc thế?

Ðứa bé dù mới năm tuổi nhưng rất lanh lợi, nói rất rõ ràng.

- Tôi là người Lương Vương trang, tên là Hưng Lang. Mẹ tôi đưa tôi đi trốn không may gặp giặc nên mẹ con thất lạc, tôi tìm không gặp.

- Hãy đi với ta tìm mẹ. Ta là cậu của con đây.

Lương Hưng Lang tuy nhỏ nhưng không chịu lép, nói:

- Ông không phải là cậu tôi, chỉ là anh tôi thôi, anh mang tôi đi tìm mẹ đi!

- Thôi đi với ta.

Nói rồi kéo Hưng Lang đến huyện Cam Tuyền, ở lại tiệm Cao Gia Toàn. Nơi đây bình yên không giặc giã, gặp vị Cao chưởng quỹ, nhà hào phú đến trăm vạn mà không con, vợ chồng mở quán cơm cốt giúp đỡ các bạn nghèo. Chưởng quỹ hỏi:

- Ðứa nhỏ mang theo là gì của chú?

Anh chàng bắt cóc con nít ấy nói:

- Tôi họ Lang, kêu là Lang Tán, nó là cháu tôi. Cha mẹ nó giặc bắt đi. Ðứa nhỏ này rơi vào tay tôi, tôi định đem bán nó đi đó.

- Ðể ta xem nào.

Nói rồi kêu Hưng Lang vào phòng chưởng quỹ, cho ăn uống rồi hỏi:

- Người ấy có phải là cậu của cháu không?

- Không phải, tôi không quen biết người đó. Mẹ tôi dẫn tôi đi trốn, kế gặp giặc mẹ tôi mất tiêu. Ông ấy nói là cậu tôi, tôi nói ông chỉ là anh tôi thôi. Ông ấy nói để dắt tôi đi tìm mẹ.

- Cao chưởng quỹ hỏi rõ ràng xong mới hỏi người bắt cóc:

- Chú muốn bán bao nhiêu?

- Bán 50 lượng bạc.

- 50 lượng bạc tôi đồng ý. Chú viết cho tôi tờ giấy đi!

- Tôi không biết chữ.

- Chú không biết chữ, để bảo thư ký viết thay. Trong tiệm của chúng tôi có qui củ, viết như vậy 50 lượng phải bớt phân nửa, còn 25 lượng. Buôn bán trong tiệm phải nộp một phần ba tiền 50 là 15 lượng, bảo thư ký viết giấy tiền công là 10 lượng, cắt đứt hết hai bên không tìm nhau. Bây giờ chú đi đi, không có tiền đưa cho chú. Nếu không chịu, ta sẽ đưa chú lên nha môn, chiếu theo việc bắt cóc con người ta mà tính với chú.

Lương Tán nghe nói ngạc nhiên. Mọi người bàn đi tán lại, định cho hắn ít điếu làm lộ phí cho hắn đi. Cao chưởng quỹ tên là Cao Bá Vạn, người nhà xưng là viên ngoại, giữ Lương Hưng Lang ở lại, mướn vú già nuôi nấng, xin một cho mười, đổi tên là Cao Ðắc Kế. Lớn lên rước thầy dạy học. Ðến 16 tuổi cưới vợ cho, vợ chồng Dương viên ngoại chỉ có một đứa con gái. Qua 5, 6 năm, hai vợ chồng Dương viên ngoại nối nhau qua đời, hai phần gia tài đều về một mình Lương Hưng Lang hưởng trọn. Ngày kia, Lương Hưng Lang nói với vợ:

- Ta vốn là người ở Lương Vương trang, hiện giờ cha mẹ đã qua đời, ta muốn đi tìm hỏi cha mẹ ruột thất lạc nơi nào. Nếu như đã chết, ta đưa hài cốt trở về, nếu như còn sống ta rước về phụng dưỡng. Ta đi lần này đem theo vàng nhiều bạc ít, ngầm giắt châu báu giả dạng làm thư sinh du học, không định là mấy năm trở về, mọi việc trong nhà toàn giao phó cho nương tử.

Dương thị nói:

- Ðó là một phần hiếu đạo của quan nhân, tôi cũng không dám ngăn cản. Xin quan nhân cứ đi đi!

Lương Hưng Lang bèn mang theo hai đứa thư đồng, gặp núi viếng núi, gặp chùa lễ chùa, cầu thần Phật bảo hộ cho mẹ con được gặp. Hôm nay đến Vạn Duyên kiều, nhìn thấy chữ viết trên khối đá, được La Hán gia chỉ dẫn đường mê cho hiếu tử.*

 

Hồi Thứ 160 (^)

 

Lương Hưng Lang ngàn lượng xem ẩn thi

Tế Thiền sư Phật pháp chỉ hiếu tử

 

Lương Hưng Lang khi đến Vạn Duyên kiều nhìn trên khối đá thấy viết: “Không phải họ Cao vốn họ Lương”, bèn nghĩ thầm: “Mình ra đi bao lâu nay mà không phăng được manh mối nào, cũng không biết Lương Vương trang ở đâu! Chắc là thần tiên mách bảo cho đây. Chỉ cần tìm được mẹ ta, tốn mấy ngàn lượng cũng chẳng hề gì”. Vì thế mới lấy ra 4 lượng vàng tính thành 200 lượng bạc để được xem khối đá thứ hai. Vương viên ngoại bảo gia nhân trên đá viết là: “Khéo léo giả trang kiếm huyên đường”. Lương Hương Lang xem rồi rõ ràng là nói về mình, bèn hỏi:

- Khối đá thứ ba có chữ không?

- Muốn xem khối thứ ba phải bỏ ra 300 lượng bạc.

- Tôi muốn xem khối thứ ba.

Nói rồi liền lấy ra 6 lượng vàng tính thành 300 lượng bạc giao cho Vương viên ngoại. Vương Thái Hòa nghĩ thầm: “Thiệt lạ! Vậy mà cũng có người bỏ tiền ra xem”. Rồi bảo gia nhân khiêng ra khối đá thứ ba. Lương Hưng Lang nhìn thấy trên khối đá thứ ba viết là: “Hưng Lang muốn gặp bà mẹ đẻ”. Lương Hưng Lang nhìn thấy như vậy lại càng đúng với mình hơn nữa, bèn nói:

- Ngươi đem nốt khối đá kia cho ta xem.

Gia nhân nói:

- Muốn đem khối đá thứ tư phải bỏ ra 500 lượng bạc.

- Ngươi có gạt người ta không đó?

- Không gạt đâu! Công tử thích xem thì xem, còn không thích thì thôi.

Lương Hưng Lang nghĩ thầm: “Mình bỏ ra 500 lượng rồi, lại phải bỏ ra 500 lượng nữa, chỉ cần biết được mẹ ta thất lạc ở đâu là được. Ðừng nói chi 1.000 lượng, dù 2.000 lượng mình đâu có tiếc”. Nghĩ rồi lại lấy 10 nén vàng ra. Vương Thái Hòa bảo gia nhân khiêng khối đá thứ tư ra xem. Trên khối đá viết: “Ði đến Lâm An hỏi Pháp Vương”. Lương Hưng Lang xem thấy câu này, “a” lên một tiếng, cơ hồ đứng không vững. Tự mình suy nghĩ: “Không xong rồi, đây chắc có người biết tâm trạng ta từ nhà ra đi mới bố trí gạt ta lấy 1.000 lượng bạc đây”. Nhưng rồi lại nghĩ: “Nhũ danh của ta không ai biết, đây thật là khiến người khó lường!”. Nghĩ rồi bèn hỏi:

- Các vị ở đây có ai biết Lâm An Pháp Vương là thế nào không? Có phải là địa danh hay tên người?

Ai nấy đều lắc đầu nói:

- Không biết.

Nghe nói như thế, Lương Hưng Lang càng cảm thấy lòng như dao cắt. Lúc ấy từ đâu đi tới một vị lão trượng, mọi người đồng nói:

- Công tử muốn hỏi ông già này đi. Ông ta được gọi là Phúc thần thánh nhân đấy, việc gì ông ta cũng biết cả.

Lương Hưng Lang lật đật bước tới thi lễ, nói:

- Thưa cụ, xin cho hỏi thăm, cụ có biết Lâm An Pháp Vương là ở đâu không?

- Công tử muốn hỏi Lâm An thì từ đây về phía Ðông nam 20 dặm có một tòa Hưng Long trấn. Hãy đến đó hỏi thăm, ở đây không ai biết đâu.

Lương Hưng Lang nghe nói liền kêu thư đồng gánh cầm kiếm, rương sách đi ngay về hướng Ðông nam. Ði ước 20 dặm, thấy trước mắt có tòa thị trấn, dưới gốc cây ngoài cửa thôn có hai cụ già đang đánh cờ. Một ông mặt trắng râu dài, một ông tướng mạo rất thanh kỳ cổ quái. Lương Hưng Lang bước tới hỏi:

- Xin hai vị lão nhân gia cho tôi hỏi thăm, có tên là Lâm An Pháp Vương hai vị có biết không?

Một ông già nghe nói, đáp:

- Lâm An thì ta biết. Trước khi nhà Kim và Tống chưa đánh nhau, Hưng Long trấn này tên là Lâm An trấn; về sau nhà Tống thiên hạ thái bình mới đổi là Hưng Long trấn. Còn tên Pháp Vương thì ta không biết.

Ông già kia mới nói:

- Này hiền đệ, chú không biết là phải. Ta lớn hơn chú mấy tuổi nên có biết. Hồi ta 12, 13 tuổi thì chú còn bé xíu làm sao nhớ được? Chùa ni cô Như Ý am ở đầu thôn này ta nhớ ngày trước gọi là Pháp Vương am, sau này đổi tên là Như Ý am. Muốn hỏi tên Pháp Vương, tôn giá cứ đến đó mà hỏi.

Cám ơn hai cụ già, Lương Hưng Lang lật đật dắt thư đồng đi về hướng cửa thôn. Phía Bắc đường có một cái miếu với bảng đề là Như Ý am. Nghe tiếng gõ cửa, từ bên trong một ni cô nhỏ ra mở cửa, hỏi:

- Thí chủ muốn tìm ai?

- Chúng tôi muốn đến dâng hương.

- Nơi chúng tôi là chùa ni.

- Dù chùa miếu nào tôi cũng chỉ xin dâng hương thôi!

Vị ni cô nhỏ bèn dẫn vào đại điện. Lương Hưng Lang đốt hương dâng lên xong mới nói:

- Thưa tiểu sư phó, xin dẫn tôi đi dạo quanh trong miếu có được không?

- Ðược chớ!

Vị ni cô nhỏ đồng ý và dẫn Lương Hưng Lang đi thăm các phòng trong viện. Miếu này ba tầng điện, hai bên có nhà chái rất là rộng rãi. Ði tới đi lui qua đến nhà chái phía Ðông. Viện này có ba gian phòng Bắc, hai bên có phối phòng, ngoài cửa phòng Bắc treo một tấm bảng với ba chữ: Băng Tâm đường. Lương Hưng Lang nhìn thấy tấm bảng, biết ở viện này có người sương phụ thủ tiết. Còn đương đứng ngơ ngẩn thì thấy từ trên Bắc Phòng đi ra một bà cụ hơn 60 tuổi, tóc bạc như sương, mặc y phục bình thường. Lương Hưng Lang nhìn bà cụ này, không tự chủ được, trong lòng, buồn bã không cầm được nước mắt. Bà cụ già kia nhìn thấy người trước mặt đôi mắt mộng đỏ, lệ chảy chứa chan, do sự giao cảm của tình mẹ cũng thấy xốn xang nhưng không dám nhìn, mới hỏi:

- Tôn tánh của tiên sinh là gì?

- Tôi họ Lương, nhũ danh là Hưng Lang.

Bà cụ nghe rồi lòng như dao cắt, nói:

- Con ơi, mẹ tưởng rằng đời này mẹ con ta không được gặp nhau nữa, nào ngờ bây giờ mẹ được gặp lại con.

Lương Hưng Lang kêu lên một tiếng “Mẹ ơi!”, càng thảm thiết hơn.

Bà cụ, mẹ của Lương Hưng Lang, tại sao lại lạc vào miếu này? Phàm làm việc gì cũng có định số! Từ khi hai mẹ con thất lạc nhau, bà cụ không tìm được con, mới nghĩ thầm: “Ta còn sống làm chi nữa?” Nghĩ rồi định tự vận. May gặp một người hảo tâm huyên giải:

- Bà đừng chết, thảng như con bà còn sống, tương lai cũng có thể mẹ con gặp lại. Bà cũng nên tìm một cái ni am nào đó ở đỡ, rồi lần lần tìm hỏi tin tức của con bà.

Bà cụ nghe nói cũng phải, bèn xin vào ở am Pháp Vương. Miếu này cách Lương Vương trang ba dặm. Vị lão ni ở miếu này là người trung hậu, thấy hoàn cảnh của bà cụ Lương như thế mới nói:

- Bà nên ở đây với tôi, bao giờ có tin tức của con bà rồi hãy đi. Còn nếu không tin tức thì cứ ở lại miếu này tu hành cùng tôi.

Thế rồi bà cụ Lương ở lại miếu ấy sống cuộc đời khắc khổ, sớm hôm tụng niệm qua ngày. Về sau, những thôn trang phụ cận đều biết ở trong miếu có bà cụ Lương thủ tiết, mọi người mới đưa đến một tấm bảng ba chữ “Băng Tâm đường” để kính tặng. Bà cụ Lương suốt ngày ăn chay niệm Phật cầu nguyện thần linh hiển ứng cho mẹ con gặp mặt. Hôm nay quả nhiên Lương Hưng Lang đã đến. Hai mẹ con gặp mặt ôm nhau khóc ròng. Hưng Lang nói:

- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa! Con bây giờ đã cưới vợ ở huyện Cam Tuyền, cha mẹ nuôi đã nuôi con khôn lớn, bây giờ hai cụ đã qua đời, con mới tìm mẹ đây. Mong ơn thần nhơn chỉ bảo mới được gặo lại mẹ. Mẹ sanh con ra cực khổ mà con chưa có thể sớm thăm tối viếng lần nào, để mẹ phải cực khổ như thế này! Hôm nay con xin rước mẹ về để mẹ hưởng phước thanh nhàn tự tại với con.

Bà cụ  nghe xong mới nói:

- Con ơi! Mẹ con ta hôm nay gặp nhau cũng là nhờ thần linh giúp đỡ, vì mẹ suốt ngày đốt hương cầu nguyện, chỉ mong cho mẹ con ta được gặp mặt. Bây giờ mẹ đã gặp con là mãn nguyện lắm rồi, con cũng không cần phải rước mẹ đi. Mẹ đã xuất gia thờ phụng Phật Tổ, không còn muốn trở lại thế tục nữa.

Lương Hưng Lang nghe nói, cố sức năn nỉ để rước bà cụ về. Nhưng bà cụ giữ ý không đổi. Lương Hưng Lang không còn cách nào hơn, bèn đem cả gia quyến về Hưng Long trấn, và cất cho bà cụ một ngôi chùa để tu hành tịnh dưỡng, phần Lương Hưng Lang cũng được luôn luôn đến trong chùa thăm hỏi. Ngày kia, Lương Hưng Lang nghĩ: “Ðể mình đến thử Vạn Duyên kiều xem thử mấy khối đá do ai viết. Ta phải hỏi ra lẽ mới được”. Nghĩ rồi bèn dắt theo hai đứa thư đồng đến Vạn Duyên kiều. Vạn Duyên kiều sắp làm xong. Lương Hưng Lang hỏi thăm mới biết mấy chữ đó là do Tế Công Thiền Sư viết, Lương Hưng Lang muốn gặp mặt Phật sống Tế Ðiên. Ngay lúc ấy, Vương Thái Hòa cùng Tế Ðiên đến Vạn Duyên kiều để giám sát, có người chỉ dẫn:

- Vị Hòa thượng kiếc kia chính là Tế Ðiên trưởng lão trong chùa Linh Ẩn đấy!

Lương Hưng Lang vội bước tới hành lễ và nói:

- Thánh tăng ở trên, đệ tử xin ra mắt! Trước đây mong nhờ Thánh tăng chỉ bảo cho mới tìm được mẹ, đệ tử thật cảm ơn vô cùng!

- Ngươi đứng dậy đi, không cần phải hành lễ! Mẹ con ngươi đã gặp mặt rồi, ngươi phải hết lòng báo hiếu nhé! Thôi, ngươi hãy trở về đi.

Lương Hưng Lang còn muốn dâng tạ lễ vật cho Thánh tăng trưởng lão, nhưng Tế Ðiên nói:

- Không cần đâu! Hòa thượng ta thường nói: Một là không chứa của, hai là không chứa oán, ngủ cũng an giấc, đi cũng tự do.

Lương Hưng Lang không cách gì hơn đành cáo từ trở về. Vương Thái Hòa đương cùng Tế Ðiên giám sát công trình, bỗng thấy từ đằng kia, một trận gió trốt thổi lại. Tế Ðiên nói:

- Tới rồi, tới rồi!

Vương Thái Hòa nhìn xem, thấy theo trận gió trốt là một vị lão đạo sĩ tóc bỏ xõa, mình cao tám thước, mặt mũi vàng ệch, ba chòm râu đen nhánh phất phơ, mặc đạo bào bằng đoạn màu lam. Vương Thái Hòa nhìn rồi ngạc nhiên thấy lão đạo sĩ chạy nhanh tới trước cúi chào Tế Ðiên. Lão đạo sĩ mới đến không phải người nào khác, chính là Hoàng diện chân nhân Tôn Ðạo Toàn. Tế Ðiên hỏi:

- Ngộ Chơn, con đến đây có việc gì thế?

- Từ khi chia tay ở núi Thiên Thai, con trở về miếu, sắp xếp mọi việc xong, đến chùa Linh Ẩn tìm lão nhân gia, nghe nói lão nhân gia đã đến sửa Vạn Duyên kiều, con bèn ở lại trong chùa chờ đợi; nào ngờ tại thành Lâm An lại xảy ra một tai họa tày trời. Quan Tri huyện Tiền Ðường phái con đến thỉnh lão nhân gia trở về.

Tế Ðiên án linh quang đã biết trước rõ ràng, vẫn hỏi:

- Ở Lâm An xảy ra việc gì thế?

- Nhân vì quan tân nhiệm của huyên Tiền Ðường là Triệu Văn Huy; ông ta vốn xuất thân từ lưỡng bảng, từ khi đáo nhiệm đến nay, hành sự rất thanh liêm, yêu dân như con đẻ. Nào ngờ trên mặt đất lại xuất hiện một nghịch án, em của Tần Thừa tướng là Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên vốn là một tên ác bá, không chừa một việc xấu nào. Hắn ta ỷ anh mình là quan Tể tướng đương triều không ai dám động đến hắn, nên Vương Thắng Tiên trong nhà có đến 30 người hầu thiếp như phu nhân. Có một người hầu thiếp được sủng ái là em gái Ðiền Quốc Bổn. Cô này nguyên là ca kỹ xuất thân, giỏi về đàn hát. Hôm ấy, Vương Thắng Tiên muốn đến hồ Tâm Ðình ở Tây Hồ để thưởng nhạc uống rượu, mới kêu Ðiền thị dẫn a hoàn, vú em đi trước. Ba cỗ kiệu đang đi trên Tô Ðê ở Tây Hồ, bỗng nhiên gặp một luồng gió trốt vây lấy kiệu xoắn đi mấy vòng, đến nỗi người kiêng kiệu mở mắt không ra, đến khi gió trốt qua đi, nhìn lại thì không thấy tung tích Ðiền thị đâu nữa! Những a hoàn, vú em trong kiệu nhỏ mỗi người bị một dao chết tốt. Mọi người sợ đến nỗi mắt mở trừng trừng, miệng há hốc.*

 

- o0o -

 Hồi thứ 146-150 | Mục Lục | Hồi thứ 161-170

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính : Diệu Mỹ
Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-7-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

can điểm thi nghiep qua se ra sao tháng ngày yên ả Vài chua thanh an القانون العام والقانون giận cong 座禅の組み方 Ä á an chay huong neu tri tue khong co dao duc soi duong vẠlãå 弘忍 31 dao tin 580 651 t l phật giáo là trí tín chứ không mê tín cận CÃƒÆ chua to ma Thể dục giúp làm dịu các bất ổn 願力的故事 dau chan voi chua 具一切功德 Nghi thuc tung kinh tuổi trẻ và những điều cần biết khi Điều kiện kinh tế tác động đến chum tho bong xa muon phien cua thay nghiem nếu nghĩ nuôi được cha mẹ là tròn Tương quan Tăng sĩ Cư sĩ và vấn đề ý niệm về hạnh phúc vi nguoi ma tao nghiep ac thi chinh minh phai chiu nghiệp hay định luật đạo đức nhân chùm thơ tỉnh thức của phật tử thanh phat trien tam thuc 心经 moi lien he giua an chay va suc khoe cua xuong 延参法师 大学生申请助学金的申请理由怎么写 19 giúp đỡ sau khi chết phần 2 Những bài thuốc cho người mỡ máu cao tu tướng và tu tâm đại å å æ Žä¹ˆçœ 佛教极乐世界指什么 dung mang da dat o trong Thuốc không hiệu quả trong điều Làm việc theo ca ảnh hưởng xấu đến