•
Mục Lục
•
Thay lời tựa
01.
Thái Tử Nhẫn-Nhục-Khải
02.
Xá-Lợi-Phất Niết
Bàn Trước Phật
03.
Cắt Thịt Nuôi Cha Mẹ
04.
Thiện Hữu và Ác Hữu
05.
Hai Nhà Vua Hiền Ðức
06.
Chuyển Luân Thánh Vương
07.
Vua Chuyển Luân Ðảnh-Sanh
08.
Vì Hiếu Quên Thù
09.
Kẻ Ngu Hay Cãi
10.
Chồn Cưới Công Chúa
11.
Chim Phượng Hoàng
12.
Nai Cứu Người
13.
Quốc Vương Hữu-Ðức
14.
Tể Tướng Ðại-Ðiển-Tôn
15.
Nhẫn Nhục Tiên Nhân
16.
Người Ðệ Tử Cuối Cùng
|
LƯỢC TRUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
Hòa thượng Thích Ðức Niệm
Phật Học Viện Quốc Tế, California, 1998
______________________________________________________________________________
Xá-Lợi-Phất Niết Bàn Trước Phật
Khi biết đức Phật sắp vào Niết-bàn, tôn giả
Xá-Lợi-Phất đã tận dụng khả năng thần thông trí huệ của mình giáo hóa vô
số người phát tâm Bồ-đề tu học đạo giác ngộ, rồi chính tôn giả đến trước
đại chúng nói lớn rằng: "Thưa chư đại chúng! Tôi không yên lòng nhìn
thấy cảnh đức Như-Lai vào Niết-bàn". Nói xong, tôn giả Xá-Lợi-Phất bay
lên hư không dùng lửa thần thông tự thiêu đốt mình, làm sáng rực cả bầu
trời mà vào Niết-bàn.
Trước cảnh tượng lạ lùng khiến cho đại chúng ai nấy đều xúc động bàng
hoàng thương tiếc, trầm lặng nhìn nhau, lắc đầu não ruột thầm than. Ðể
giải tỏa không khí yên lặng nặng nề bao trùm nỗi hoài nghi trong lòng
đại chúng, tôn giả A-Nan từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước pháp tòa đảnh lễ
đức Phật rồi kính cẩn thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Tại sao tôn giả
Xá-Lợi-Phất lại vội vàng dùng lửa thần thông nhập diệt trước đức
Thế-Tôn, việc làm khiến cho đại chúng đều sửng sốt xót xa thương tiếc
như vậy? Cúi mong đức Thế-Tôn rủ lòng thương xót, vì giải tỏa sự nghi
ngờ của đại chúng và chúng sanh đời sau mà giảng nói cho".
Ðức Phật dạy rằng: "Nầy A-Nan! Chẳng những chỉ ngày nay Xá-Lợi-Phất nhập
diệt trước khi Như-Lai vào Niết-bàn đâu, mà nhiều kiếp về trước ông ấy
cũng đã làm như vậy rồi".
A-Nan thưa: "Bạch đức Thế-Tôn! Trong những kiếp quá khứa tôn giả
Xá-Lợi-Phất cũng đã từng làm như thế, vậy việc ấy ý nghĩa như thế nào?
Cúi xin đức Thế-Tôn dủ lòng từ bi giảng nói những nguyên nhân sâu xa đó
để cho Ðại-chúng dứt mối nghi ngờ".
Ðức Phật bảo A-Nan rằng: "Nầy A-Nan! Ông hãy lắng nghe cho kỹ, cách đây
hơn một kiếp A-tăng-kỳ, có vị quốc vương tên là Ðại-Quang-Minh tu hạnh
bố thí không nghịch ý. Hằng tháng nhà vua cho voi ngựa xe cộ chở thức ăn
áo quần thuốc men đồ dùng ra bốn cửa thành bình đẳng bố thí cho những
người thiếu thốn. Dân chúng các tiểu quốc đều đến nhận lãnh đồ bố thí
của nhà vua. Ðức bố thí của vua Ðại-Quang-Minh đã khiến cho dân chúng
bốn phương đều được ấm no, đất nước thái bình thạnh trị. Tiếng thơm đồn
xa, khắp thiên hạ nức lòng ca ngợi ân đức của nhà vua. Lúc bấy giờ có vị
Tiểu-vương nước láng giềng thấy sự thạnh trị hùng cường của nước
Ba-La-nại và vua Ðại-Quang-Minh được khắp nhân gian bốn phương thiên hạ
tôn sùng ân đức như cha mẹ, nên đem lòng ganh ghét oán thù.
Vị Tiểu quốc vương nước láng giềng nầy biết vua Ðại-Quang-Minh tu hạnh
bố thí bất nghịch ý, nên đã triệu tập quần thần hỏi rằng: "Nầy các
khanh! Trong các khanh ai là người có thể vì ta đến kinh đô nước
Ba-La-Nại để xin đầu nhà vua Ðại-Quang-Minh đem về đây, ta sẽ trọng
thưởng chức đệ nhất quan đầu triều và ngàn cân vàng". Quần thần đều im
lặng, không ai dám nhận lãnh sứ mạng nguy hiểm ấy cả. Trước sự im lặng
đó, khiến cho Tiểu-vương thất vọng buồn bực vô cùng.
Sau đó, Tiểu-vương lại truyền lại khắp trong nước rằng, ai đến thành
Ba-La-Nại xin được đầu vua Ðại-Quang-Minh đem về thì sẽ được trọng
thưởng mười ngàn cân vàng. Lúc ấy có người Bà-la-môn nghe được phần
thưởng quá to lớn như vậy sanh lòng tham, nên đã yết kiến Tiểu-vương,
xin nhận lãnh xứ mạng đó. Tiểu-vương vô cùng mừng rỡ, liền ra lệnh cấp
lương thực ngựa xe và thúc dục người Bà-la-môn gấp rút lên đường. Trải
hơn tháng trời lên núi trèo đèo vượt rừng băng suối, người Bà-la-môn mới
đến được nước Ba-La-Nại.
Khi người Bà-la-môn đến trước cửa thành Ba-La-Nại thì quả đất bỗng nhiên
chấn động nứt nẻ, bầu trời u ám lạnh buốt, chim muông sợ hãi bay tứ tán,
mặt trăng lu mờ, sao băng, tinh tú chuyển động mất vị trí, suối hồ ao
giếng cạn khô, hoa quả héo sầu, cây lá vàng úa rơi rụng, hiện tượng tiêu
điều thê thảm hiển bày khắp cả nước Ba-La-Nại, khiến cho dân chúng kinh
hãi lo âu.
Lính gác cửa thành thấy kẻ lạ Bà-la-môn vừa đến thì xuất hiện nhiều hiện
tượng suy đồi kinh hoàng, nên hỏi người Bà-la-môn về xuất xứ từ đâu và
mục đích đến đây để làm gì? Người Ba-la-môn kể lể nỗi cực khổ đã trải
qua trên đường đi từ tiểu quốc lân bang đến đây. Và y đến chỉ mong được
yết kiến vua Ðại-Quang-Minh để trình bày việc quan trọng. Dù mấy lần
quan giữ cửa gạn hỏi việc quan trọng ấy là việc gì, người Bà-la-môn vẫn
giữ bí mật không nói ý định của mình, mà chỉ nằng nằng nài nỉ xin được
yết kiến Ðại-vương. Lính gác cửa thành vẫn quyết không cho vào. Người
Bà-la-môn quyết tâm đứng ngoài cửa thành suốt bảy ngày đêm, và cuối cùng
nói sự thật ý định của mình là, nghe Ðại-vương Quang-Minh tu hạnh bố thí
bất nghịch ý, tiếng thơm đồn xa, nên đến đây ra mắt để được xin cái đầu
của Ðại-vương.
Vừa nghe, quân lính gác thành nổi khí xung thiên, giận dữ đánh đuổi quát
mắng, nếu không có sự can gián kịp thời thì người Bà-la-môn không toàn
tánh mạng. Thấy vậy, viên tướng ngự lâm quan đem việc xảy ra ngoài cửa
thành trong bảy ngày qua tâu với vua Ðại-Quang-Minh. Nhà vua nghe kể
xong đầu đuôi câu chuyện, liền hạ lệnh quân gác cửa thành cho người
Bà-la-môn vào triều ra mắt.
Người Bà-la-môn quỳ trước bệ rồng giả vờ khóc lóc kể lể về nỗi khổ cực
hiểm nguy trên đường đi, nỗi nhục nhã bị quân lính giữ thành hành hạ bảy
ngày qua. Người Bà-la-môn tiếp tục lạy lục lia lịa, khóc than khẩn thiết
thưa: "Dù vậy cũng không quản ngại. Kẻ tiện dân nầy từ xa đến đây được
yết kiến Ðại-vương là vạn phúc lắm rồi! Dù có bao khổ nhục đi nữa cũng
chẳng đáng gì. Chỉ mong Ðại-vương thương tình hứa khả cho xin một điều
duy nhất thôi, thì kẻ tiện dân cũng thỏa nguyện lắm rồi".
Vua Ðại-Quang-Minh phán rằng: "Ðiều gì, nhà ngươi cứ nói tự nhiên, đừng
e sợ".
Người Bà-la-môn vận dụng khổ nhục kế thiểu não với giọng khẩn thiết run
run thưa: "Tâu Ðại-vương! Ðức độ nhân từ cao cả của Ðại-vương rộng lớn
vang lừng bốn phương thiên hạ đều tôn sùng ngưỡng mộ bái phục. Hạnh tu
bố thí bất nghịch ý của Ðại-vương mười phương thánh thần trời đất đều
chứng giám. Ðức độ nhân từ của Ðại-vương chỉ có một không hai trên đời.
Tiện dân từ vạn dặm lặn lội gian nan, cam chịu vô cùng cực khổ đến đây,
chỉ mong được Ðại-vương mở lượng hải hà mà bố thí đầu của Ðại-vương, thì
ơn mưa móc cứu nhân độ thế của Ðại-vương, thật vô lượng vô biên, tiện
dân nầy nghìn triệu kiếp ghi xương khắc cốt không dám quên".
Người Bà-la-môn vừa dứt lời, các vị đại thần nhìn nhau, nhao nhao lớn
tiếng, nổi giận, căm tức cực độ. Muốn lôi cổ người Bà-la-môn ra chém đầu
ngay.
Nhưng vua Ðại-Quang-Minh vẫn thái độ ung dung trầm tĩnh từ hòa can gián
quần thần: "Này các khanh! Các khanh đừng làm nghịch ý người".
Rồi nhà vua quay sang dùng lời hiền hòa an ủi người Bà-la-môn. Người
Bà-la-môn được thế lại tỏ ra thảm não khẩn thiết quỳ tâu tiếp: "Muôn tâu
Thánh-lượng! Ân đức bố thí bất nghịch ý của Thánh-thượng bốn phương
thiên hạ xa gần ai nấy cũng nức lòng khâm phục ca tụng tôn sùng ngưỡng
mộ. Cho dù kẻ tiện dân nầy có chịu gian nan mất mạng mà được Ðại-vương
bố thí bất nghịch ý, thì kẻ tiện dân nầy còn gì sung sướng phước đức cho
bằng".
Nghe người Bà-la-môn nói xong, nhà vua trầm tư suy nghĩ: Từ vô thỉ kiếp
đến nay, ta đã bao lần sanh tử tử sanh cũng chỉ vì tham tiếc cái thân
nầy. Nay ta vì hoàn thành hạnh nguyện bố thí bất nghịch ý, để cầu đạo
quả Vô-thượng Bồ-đề phổ độ chúng sanh, thì có xá gì cái thân ô uế giả
tạm nầy mà tiếc? Suy nghĩ một hồi, rồi nhà vua nói với người Bà-la-môn
rằng: "Ngươi yên tâm, không có gì trở ngại. Ta sẽ làm cho ngươi toại
nguyện. Xin hãy chờ ta trong vòng bảy ngày để ta có thời gian sắp đặt
người giao phó ngôi vua, phu nhân, thái tử và quốc thành, rồi ta sẽ tặng
đầu ta cho".
Quần thần và phu nhân, thái tử cùng hoàng tộc nghe nhà vua quyết định
đem đầu cho người Bà-la-môn, tất cả đều vô cùng xúc động bỏ ăn mất ngủ
lăn lộn khóc lóc thở than, tìm đủ mọi cách can gián nhà vua nên bỏ ý
định. Cùng lúc ấy, hơn năm trăm vị đại thần uất hận đau khổ đập mình
xuống đất than thở, họ muốn phanh thây nuốt sống người Bà-la-môn kia. Họ
hỏi tại sao người Bà-la-môn không xin châu ngọc vàng bạc quý báu mà lại
cứ nằng nằng nài nỉ xin cho được cái đầu máu mủ làm gì? Họ thương lượng
với người Bà-là-môn muốn đổi cái đầu làm bằng bảy thứ báu kim cương thay
vì đầu của nhà vua, để cho người Bà-la-môn được giàu sang đời đời. Nhưng
thuyết phục dẫn dụ thế nào đi nữa, người Bà-la-môn cũng đều từ chối, chỉ
nhất quyết xin cho được cái đầu của vua Ðại-Quang-Minh mà thôi.
Mặc dù quần thần, phu nhân, thái tử và hoàng tộc khóc lóc lạy lục van
xin, nhưng nhà vua lòng đã quyết nói: "Nay ta vì các người và hết thảy
chúng sanh mà xả thân bố thí, không vì lý do gì làm ngăn cản hạnh nguyện
bố thí bất nghịch ý của ta".
Nói rồi, nhà vua chấp tay thành kính hướng về bốn phương đảnh lễ phát
nguyện: "Kính lạy mười phương chư Phật, chư vị Bồ-Tát từ bi thương sót
chứng minh gia hộ cho con được trọn thành hạnh nguyện". Nói xong, tự tay
cắt lấy đầu trao cho người Bà-la-môn. Ngay lúc đó, trời đất rúng động,
trên hư không nhạc trời chúc tụng, mưa hoa rải khắp trên mình nhà vua.
Ðang trong lúc nhà vua thành tâm lễ lạy mười phương, phát nguyện thực
hành hạnh bố thí bất nghịch ý, thì trong quần thần có vị đệ nhất quan
đầu triều không nhẫn tâm nhìn thấy cảnh tượng đau lòng của nhà vua xả
thân cắt đầu bố thí một cách đau đớn, nên vội vào phòng riêng một mình
tự sát trước khi vua Ðại-Quang-Minh thực hành tâm nguyện đầu. Và trải
qua nhiều kiếp, tôn giả Xá-Lợi-Phất thực hành tâm nguyện chết trước ta
như thế, chứ nào phải chỉ riêng trong kiếp nầy!"
Nói đến đây, đức Phật bảo ngài A-Nan rằng, vị quan đệ nhất đại thần đó
chính là tiền thân Xá-Lợi-Phất. Kẻ Bà-la-môn kia là tiền thân Ðề-Bà
Ðạt-Ða. Còn vua Ðại-Quang-Minh chính là tiền thân của Thích-Ca Như-Lai
ta đây vậy.
Đầu Trang |
|