...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Một

Hồi thứ 33

Hồi thứ 34

Hồi thứ 35

Hồi thứ 36

Hồi thứ 37

 

Hồi Thứ 33

 

Rắp mưu gian, ác hóa Lương Bá Vạn

Phát từ tâm, La Hán cợt Diệu Hưng

 

Tế Ðiên đang kêu gào hóa duyên thì thấy Lương viên ngoại từ trong nội viện đi ra hỏi:

- Ai ở ngoài cổng mà làm ồn thế?

Tế Ðiên bước tới trước hết chào hỏi rồi nói:

- Viên ngoại muốn biết hả? Thì Hòa thượng ta đây nè. Ta có việc đi ngang qua đây, đã lâu ngưỡng mộ viên ngoại là người hiền đức mà nhìn thấy ngôi nhà này phạm phải ngũ quỷ phi liêm sát, trong nhà chắc phải có người bệnh, ta muốn làm phép an trạch trừ sát lũ quỷ trị bệnh giùm. Khi tới cổng vào, mấy đứa gia nhân đòi ta tiền vô cửa, ta nói không phải đến xin viên ngoại làm sao có tiền mà cho người? Vì thế mà cãi cọ rùm lên như vậy.

Viên ngoại nghe thế nói:

- Bọn tôi tớ này, không biết bọn bây làm bao nhiêu việc lôi thôi ngoài cổng.

Gia nhân nói:

- Thưa viên ngoại, không phải thế đâu, ông ấy tới đây trước nói là hóa duyên.

Rồi đem những sự việc vừa rồi thuật lại cho viên ngoại nghe. Viên ngoại nghe xong cũng không lý luận gì, giây lát mới hỏi:

- Xin hỏi ngôi bảo sát của Hòa thượng ở đâu?

Tế Ðiên đáp:

- Ta ở chùa Linh Ẩn nơi Tây Hồ, Hàng Châu, ta tên Ðạo Tế mà người ta đồn đại là Tế Ðiên tăng cũng chính ta.

Lương viên ngoại nghe xong nhìn bộ dạng Tế Ðiên như thế, bán tín bán nghi nhưng vẫn nói:

- Ðã là Tế Công, xin Ngài mờ long từ bi theo để tử vào trong này.

Tế Ðiên theo viên ngoại thẳng lên gian thượng phòng phía đông. Ðến nơi nhìn thấy trên giường Lương Sĩ Nguyên nằm dài bất động trong tình trạng hôn mê bất tỉnh, hai bên có rất nhiều vú em, gia nhân phục thị. Lương viên ngoại nhìn thấy con, lật đật kêu:

- Con ơi! Lương Sĩ Nguyên, tỉnh lại con!

Kêu liên tiếp mấy tiếng vẫn thấy Lương Sĩ Nguyên hôn trần nhơn sự bất biết, ngay cả đầu cũng không nhúc nhích. Tế Ðiên nói:

- Viên ngoại đừng có lo, để ta bảo nó nói vài câu, ăn được tí chút, giây lát sẽ thấy hiệu nghiệm ngay.

Lão viên ngoại rất mừng, vội nói:

- Nếu được như thế xin Thánh tăng mở lượng từ bi giúp giùm cho cháu.

La Hán gia bèn đưa tay lột mũ đang đội ra, bảo người nhà nâng Lương Sĩ Nguyên dậy, rồi từ từ cầm cái mũ đội lên đầu Sĩ Nguyên, trong miệng niệm lục tự chơn ngôn: “Án ma ni bát mê hồng, án sắc lịnh hích!”. Mọi người thấy Lương Sĩ Nguyên từ từ mở mắt ra thở một hơi dài, nói:

- Mau đem cho ta một miếng nước!

Lão viên ngoại thấy rất vui mừng, khen hay luôn miệng. Tế Ðiên nói:

- Thôi, nghỉ một lát, bây giờ xin viên ngoại một bữa cơm có được không?

- Bạch Thánh tăng, xin Ngài đừng nói thế, đừng nói chỉ một bữa mà cúng dường lão nhân gia thường thường cũng được mà!

- Không cần phải thế!

- Bạch Thánh tăng, Ngài muốn ăn món chi, để tôi sai sắp nhỏ sửa soạn?

- Viên ngoại cứ bảo đầu bếp lại đây, tôi sẽ dặn nó.

Giây lát đầu bếp tới, Tế Ðiên dặn:

- Ngươi dọn cho ta: chè đường một miếng, trái cây tươi rói, thịt ướp xào thơm, cao lương hải vị đầy bàn rồi dọn lên gian giữa nhà ngoài cho ta.

Ðầu bếp vâng dạ đi ngay. Hễ nhà giàu không hứa thì thôi, mà đã hứa thì thứ gì lại không có đủ. Gia nhân lo dọn bàn ghế. Giây lát, đầu bếp đưa lên thức ăn còn bốc khói. Viên ngoại vội mời Tế Ðiên ngồi ở ghế trên uống rượu. Viên ngoại lại nghĩ: “Cái mũ của Hòa thượng hay quá! Biết bao linh đan diệu dược cũng không bằng! Ðể ta hỏi Ngài cần bao nhiêu tiền để nài lại cho con ta đội”.

Viên ngoại nghe bên trong Sĩ Nguyên cũng đòi uống nước đường và thèm ăn, trong lòng rất mừng và nói:

- Diệu pháp của Thánh tăng thật tài tình, ra tay là hết bệnh!

- Viên ngoại thấy cái mũ ta có tốt không?

- Tốt lắm!

- Tốt thì tốt thật, nhưng ta muốn kiếm người nào thích bán nó cho rồi.

Viên ngoại nghe nói thế như mở cờ trong bụng, vội hỏi:

- Bạch Thánh tăng, Ngài muốn bán bao nhiêu?

Viên ngoại muốn ta để lại cũng tốt thôi, chỉ cần viên ngoại đem cả gia tài sự nghiệp phòng nhà điền thổ giao hết cho ta, ta sẽ để lại cái mũ ấy cho viên ngoại.

Lão viên ngoại lắc đầu lia lịa, nói:

- Ðệ tử mua không nổi với giá đó.

Gia nhân lúc đó cũng vừa mang cơm rượu lên xong, viên ngoại bồi tiếp Tế Ðiên uống rượu. Tế Ðiên nói:

- Viên ngoại nè, ông kêu người quản gia coi việc gác cổng vào đây ta hỏi thăm một chút!

Viên ngoại vội bảo gia nhân kêu vào. Giây lát quản gia đến trước mặt, thưa:

- Thưa viên ngoại, người bảo tôi vào, có điều chi dạy bảo?

Tế Ðiên nói:

- Hồi nãy ta nói muốn xin một bữa cơm thượng hạng đầy sơn hào hải vị trái tươi roi rói, thịt ướp xào thơm, đường tảng mật miếng và kêu viên ngoại đứng bồi tiếp rượu. Ngươi thấy có đúng không?

Gia nhân nói: Ðúng!

Tế Ðiên nói:

- Này viên ngoại, xin người mở lòng từ bi bố thí cho, có ba người cùng đi với tôi hiện đứng chờ ngoài cổng. Họ chưa ăn uống gì!

Viên ngoại lật đật cho người mời vào và dặn sửa soạn một tiệc rượu bên nhà ngoài tiếp đãi họ. Gia nhân nghĩ: “Cái ông Hòa thượng kiếc đến nỗi quần áo không chỗ nào lành lặn, mấy người đi theo ông ta chắc còn tệ hơn nữa”. Nghĩ rồi bèn ra cửa kêu lớn:

- Ai đi với ông Hòa thượng kiếc đâu?

Cao Quốc Thái đáp: Chính tôi đây!

Gia nhân nhìn lại, thì ra là một vị nho lưu tú tài anh tuấn phi phàm, ăn mặc chỉnh tề. Gia nhân hỏi:

- Còn hai vị nữa đâu?

Tô Lộc và Phùng Thuận cùng bước tới nói:

- Bọn tôi cùng đi với lão Hòa thượng đây.

Lương Phước thấy hai người ăn mặc còn đẹp đẽ hơn. Tô Lộc là người hầu của Tô Bắc Sơn viên ngoại nên trang phục còn có phần sang trọng. Lương Phước thầm nghĩ: “Hòa thượng có tiền đem cho mấy người nầy hết trọi”.

Bèn vội vàng bước ra ba người vào phòng ngoài mời ăn uống. Bên trong lão viên ngoại đang cùng Hòa thượng uống rượu, luận bàn thế sự đang hồi cao hứng. Bỗng từ bên ngoài, một gia nhân chạy vào kề tai viên ngoại nói nho nhỏ không để Hòa thượng nghe:

- Thưa viên ngoại, đạo gia đã đến!

Câu nói đó làm cho viên ngoại ở trong tình trạng thật khó xử. Nếu có lòng ở lại tiếp chuyện với Hòa thượng thì sợ đạo gia tức giận bỏ đi: nếu chạy ra tiếp rước đãi đằng lão đạo thì e Hòa thượng lại nổi giận! Trong lòng viên ngoại nghĩ: “Dù là ai, ta cũng không nên đắc tội, bất kỳ là Hòa thượng hay lão đạo, vị nào cũng đến cứu trị cho con ta, ta đều phải cảm tạ hết”.

Ðương lúc khó xử đó, bỗng nghe Tế Ðiên nói:

- Viên ngoại nè, hình như ông có người bà con mới đến phải không? Ra tiếp đi chứ, đừng câu nệ làm chi.

Câu nói đó làm viên ngoại như cất đi gánh nặng, vội đáp:

- Thưa, phải.

- Ông cứ đi tiếp đãi người bà con đó, dù gì cũng là người nhà, không chừng là dì của bầy trẻ đó.

Viên ngoại cười cười, đứng dậy dặn dò gia nhân:

- Mi phải hầu rượu Thánh tăng cẩn thận, ta đi ra xem thử, một lát sẽ trở lại hầu rượu Thánh tăng.

Nói rồi lật đật đi ra thư phòng bên ngoài. Lão viên ngoại ra đến thư phòng đã thấy lão đạo sĩ đang ngồi ở đó, gia nhân đứng hâu bên chào, vội bước tới thi lễ, nói:

- Tiên trưởng giá lâm mà tôi không ra tiếp rước kịp, thật là lỗi muôn phần.

Trương Diệu Hưng nói:

- Viên ngoại nói chi những lời ấy? Ðã là tri kỷ mà còn khách sáo làm chi!

Lương viên ngoại lật đật bảo gia nhân rót rượu và hỏi:

- Tiên trưởng dùng chay hay dùng mặn?

- Chay mặn đều được tất.

Gia nhân liền lau dọn bàn ghế, chén bát bày ra, giây lát một mâm rượu thịt thịnh soạn. Viên ngoại tự tay rót rượu mời lão đạo, vừa bồi tiếp vừa bàn chuyện nhân tình thế thái. Lương viên ngoại nói:

- Thưa tiên trưởng, tôi muốn hỏi thăm Ngài về một người, không biết Ngài có biết không?

- Ai vậy? Hễ có tên là ta biết, không tên thì đành chịu.

- Ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ có một vị tên là Tế Ðiên Công, không biết Ngài có biết người đó không?

Lão đạo trong lòng rung động, nghĩ thầm: “Nếu mình nói Tế Ðiên có nhiều phép lạ, chứng tỏ rằng mình thua kém ông ta sao”. Nghĩ rồi bèn nói:

- Người mà viên ngoại nói đó, có phải là ông thầy chùa Tế Ðiên điên điên khùng khùng ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ không? Ối, cái bọn tép riu ấy có gì đáng nói!

Câu nói ấy vừa thốt ra, bỗng nghe trong viện có tiếng:

- Hay cho tên đạo sĩ lộn song kia, dám ăn nói hỗn hào chứ!

Bức rèm được vén lên, người bước vào chính là Tế Ðiên. Lão viên ngoại thấy Tế Ðiên bước vào, trong lòng thầm nghĩ: “Bọn gia nhân thật chết đi được! Mình bảo chúng hầu rượu Hòa thượng cho tử tế mà sao bọn chúng lại để cho Hòa thượng ra đây? Thảng như hai bên gặp mặt, lời qua tiếng lại thật bất tiện biết bao!”.

Sự thật thì sau khi viên ngoại bước ra một lát, Tế Ðiên đang ngồi li bì uống rượu, bỗng đứng rột dậy, bước ra nhà trong, đến bên Lương Sĩ Nguyên chộp lấy chiếc tăng mão Sĩ Nguyên đang đội, chụp lên đầu mình. Lương Sĩ Nguyên đang nói nói cười cười bỗng ngã ngang hôn mê như cũ. Gia nhân hỏi:

- Hòa thượng ơi, ông lột mũ xuống chi vậy?

- Ðội mũ một lát đó đủ giá một mâm cơm rượu rồi.

- A, Ngài muốn đổi cơm rượu à? Thì Hòa thượng cứ đội cho công tử đi, không đợi viên ngoại dặn, chúng tôi xin dọn thêm một mâm khác nữa cho Hòa thượng dùng.

- Thôi, bây giờ ta không đói, chừng nào đói sẽ tính nữa.

Nói rồi rảo bước ra ngoài. Gia nhân hỏi:

- Hòa thượng định đi đâu đó?

Ta muốn rút bớt bầu tâm sự.

- Ðể tôi đưa Hòa thượng đi.

- Ấy ấy, không được đâu! Có ai đi theo ta khó xổ lòng lắm!

Gia nhân nghe bảo thế chẳng dám đi theo. Tế Ðiên bước ra liền thẳng đến Tây viện. Vừa hay lão đạo nói với Lương viên ngoại câu: “Ối, ông thầy chùa say điên điên khùng khùng, thứ đồ tép riu, có gì đáng nói”. Tế Ðiên mới vén rèm bước vào nói:

- Hay cho lão đạo lộn sòng kia, dám nói hỗn hào chứ!

Trương Diệu Hưng vừa muốn mở miệng trả lời, thì Tế Ðiên ngước mắt lên, nói:

- À ạ, ở đây lại có một vị lão đạo nhân à? Ông đừng giận nhé, tôi không có mắng ông đâu. Tôi mắng ông lão đạo kia mà.

Lương viên ngoại lật đật bước tới nói:

- Xin rước Thánh tăng ngồi. Xin mời tiên trưởng ngồi. Sẵn dịp tôi xin giới thiệu để hai Ngài cùng quen biết.

Tế Ðiên nói: Thôi, khỏi cần giới thiệu!

Nói rồi bèn ngồi bệt xuống ghế. Gia nhân lấy chén đũa và thức ăn. Tế Ðiên rót rượu uống tì tì. Lão đạo cũng không biết là ai, thấy Hòa thượng quần áo rách rưới không có chỗ nào lành lặn, ngồi xuống và rót rượu uống li bì, mới hỏi:

- Xin hỏi Hòa thượng ở miếu nào?

Tế Ðiên nốc cạn ly rượu đánh chót một cái, đảo mắt nói:

- Ông muốn biết ta à? Thì ta là Tế Ðiên, tên thầy chùa say điên điên khùng khùng ở chùa Linh Ẩn, là tên tép riu, không có gì đáng nói đây nè.

Lão đạo nghe nói trong lòng không vui. Tế Ðiên lại hỏi:

- Này Trương đạo gia, ông họ gì?

- Hòa thượng đừng giả ngộ chứ? Đã biết tôi họ Trương rồi còn hỏi tôi họ gì.

- Ta muốn hỏi thăm một người, mà không biết ông có biết không?

Ai vậy?

- Ta có đứa đồ tôn tên là Hoa Thanh Phong, không biết ông có biết nó hay không?

Trương Diệu Hưng nghe nói tức giận cành hông, nhè sư phụ mình mà ông hạ xuống làm đồ tôn chứ, để ta kết thúc tánh mạng ông ta cho bõ ghét. Nghĩ rồi bèn nói:

- Hòa thượng này ăn nói bậy bạ quá, để lão sơn nhân lấy tánh mạng ông cho rảnh!

Nói rồi lấy tay bắt quyết, niệm thần chú quyết đấu phép với Tế Ðiên. Thật là:

Người mạnh còn có người mạnh nữa.

Kẻ tài lại gặp tài hơn.*

 

Hồi Thứ 34

 

Thi yêu pháp, ác đạo hại người

Hiển thần thông, Tế Ðiên đấu phép

 

Trương Diệu Hưng nói với Tế Ðiên:

- Này Hòa thượng, ta kêu ông ba tiếng, ông có dám trả lời đủ ba tiếng không?

- Ðừng nói là ba tiếng, mà sáu tiếng ta cũng trả lời tuốt. Ông cứ kêu thử!

Lão đạo kêu liên tiếp ba tiếng và trong niệm niệm lâm râm, rồi cầm chén rượu úp lên bàn một cái “bốp”, hô: Sắc lịnh hích! Chỉ thấy Tế Ðiên đang ngồi uống rượu bỗng nhiên ngã ngang té dài trên mặt đất. Lương viên ngoại thấy vậy cả kinh, lập cập hỏi:

- Lão pháp sư ơi, làm sao bây giờ?

- Ông đừng có hỏi, ta thi chút thuật mọn để trị Hòa thượng láo khoét ấy mà. Chén rượu này úp một ngày thì Hòa thượng sẽ thẳng cẳng một ngày, chừng ta giở chén rượu lên hay cho uống thuốc, Hòa thượng mới sống lại được!

Vừa nói tới đó bỗng thấy Tế Ðiên lồm cồm đứng dậy. Lão đạo thấy vậy nói:

- Ta chưa giở chén mà ông đứng dậy được sao?

- Lại đây, ông chưa cho uống thuốc, ta phải ngồi dậy đòi chứ.

- Này Hòa thượng, ông dám đem ngày sanh tháng đẻ nói cho ta biết không?

- Ta đâu có ngán! Ngươi hãy nghe đây: Ta sanh ngày… tháng… năm, coi ngươi làm gì ta.

Lão đạo lập tức trong miệng niệm lâm râm thần chú rồi hô: Sắc lịnh hích, nhằn đầu Tế Ðiên đánh xuống một chưởng và đứng dậy nói:

- Này viên ngoại, sau khi bần đạo ra khỏi đây rồi, nên thả Hòa thượng đi đâu thì thả, kẻo khuya nay chừng gà cất tiếng gáy, ông ấy sẽ hết thở rồi viên ngoại sẽ mang vạ vào thân phải lên quan đấy.

Lương viên ngoại ngó lại thấy Tế Ðiên nằm dài hôn mê bất tỉnh mà lão đạo định bước ra về, bèn chạy theo khẩn khoản:

- Tiên trưởng đừng về, tôi xin thay mặt Hòa thượng tạ tội, tiên trưởng xá tội cho!

Diệu Hưng lẳng lặng đi một mạch về Tường Vân quán ở núi Ngũ Tiên. Về đến nơi, lão đạo kêu sư đệ là Lưu Diệu Thông bện gấp cho một hình nộm. Diệu Thông hỏi:

- Bộ anh tính hại ai nữa đấy hả?

- Không phải ta vô cớ hại người đâu, chỉ vì ta đến hóa duyên nơi Lương viên ngoại, bị Tế Ðiên Hòa thượng giỡn mặt khi dễ ta, ta phải ám hại ông ấy để báo thù rửa hận mới hả giận.

Lưu Diệu Thông cũng không trái ý, lập tức lấy cỏ khô bện thành một hình nộm và sắm đủ thứ cần thiết như lời Diệu Hưng dặn. Cơm chiều xong, một chiếc bàn bát tiên được đặt trước đại điện, trên có thắp sẵn hương hoa đèn nến với các vật dụng cần thiết và hai hình nộm được đặt ở hai bên. Ðợi đến khi sao mọc đầy đủ. Diệu Hưng bèn ra trước điện, trước tiên lột mũ đạo sĩ xuống, cả dây cột tóc cũng bỏ ra nốt để cho tóc xõa ra, đoạn rút kiếm ra khỏi bao, đốt hương lầm rầm khấn vái: “Nguyện cầu các thần linh quá vãng, Tam Thanh giáo chủ bảo hộ cho đệ tử! Giúp đệ tử hại được Tế Ðiên, hóa duyên được với Lương viên ngoại, đệ tử sẽ thắp hương cúng dường, thiết lễ hoàn nguyện”.

Khấn xong, lấy nước vô căn rưới lên kiếm và dúi mũi kiếm vào dĩa lương thực ngũ cốc, lấy chu sa nghiền nát, cầm bút mới vẽ ba đạo bùa trên ba tờ giấy vàng để sẵn. Vẽ xong đem bùa dán trên lưỡi kiếm và lấm râm niệm chú. Kiếm huơ lên một vòng, lửa cháy càng lúc càng sáng rực. Diệu Hưng hô:

- Ðốt đạo bùa thứ nhất cuồng phong nổi dậy. Ðạo bùa thứ hai bắt hồn phách Tế Ðiên trói lại. Ðạo bùa thứ ba Tế Ðiên phải chết, hồn biến thành ma, ma biến thành tinh.

Ðương lúc dương dương đắc ý, bỗng nghe luồng gió lạnh, Diệu Hưng vội vàng tràn mình né tránh, ngoái đầu lại xem: Trước mặt là một vị anh hùng lục lâm. Người ấy đầu đội mũ lông ngựa, bên mái tóc vắt cành hoa Thủ Chánh giới dâm, thân mặc áo đoạn mềm màu đen, quần màu xanh, đi giày gót dày lộ đôi vớ lam, mặc như ngọc trắng, mắt như sao, mày như nét vẽ, mũi thẳng như son, ngũ quan cân đối ưa nhìn. Người ấy tay cầm con dao bén nhắm ngay Diệu Hưng chém tới. Diệu Hưng lật đật tràn qua né tránh rồi lấy tay chỉ một cái, miệng niệm chơn ngôn. Người ấy tức thì ngã xuống, Diệu Hưng xốc tới định chém một nhát, bỗng nghe có tiếng la:

- Sư huynh ngừng tay! Bạn em đó.

Từ trong nhà Diệu Thông chạy ra nâng người ấy đứng dậy. Người ấy đến ở Trần Gia Bảo, thuộc trấn Ðan Dương, phủ Trấn Giang, họ Trần tên Lượng, từ nhỏ cha mẹ mất sớm, Trần Lượng ở với chú là Trần Quảng Thái làm nghề buôn bán vải. Trần Lượng từ nhỏ đã luyện tập quyền cước côn bổng, theo học với vị bảo tiêu một môn công phu tên là “Tiến bộ liên hoàn thối”. Sau đó kết giao với một người ở địa phương tên là Lôi Minh, trác hiệu là Phong lý vân yên, hai người tình như ruột thịt. Chính Lôi Minh dẫn Trần Lượng gia nhập vào nhóm lục lâm. Ở huyện Ngọc Sơn, Giang Tây, có một lão tiêu đầu họ Dương tên Minh, trác hiệu là Oai trấn bát phương Dạ du thần. Ông ta là người chuyên hành hiệp trượng nghĩa, giữa đường gặp việc bất bình không tha, giết tham quan, chém ác bá, bình sinh ưa kết giao với các anh hùng trong thiên hạ. Trần Lượng sau khi nhập vào nhóm lục lâm hay ở chung với mấy người này. Người ta gọi 36 võ hiệp huyện Ngọc Sơn, trong đó nhân vật nào cũng đều có đủ. Một ngày nọ nhằm lễ chúc thọ của mẹ Dương Minh, mọi người đến chúc mừng đều có mang lễ vật trọng hậu. Trần Lượng tới mà không mang theo gì cả. Lôi Minh mới nói:

- Này hiền đệ, đáng lẽ em phải kiếm một chút gì đó để tỏ lòng hiếu kính đối với bá mẫu chớ! Ngày sinh nhật của bá mẫu, đừng để không giống ai là được rồi.

- Lễ vật của tôi chút nữa sẽ có, mà không giống với người ta đâu.

Bấy giờ là những ngày đầu tháng tư, sau canh ba, Trần Lượng trộm về một trái đào chín đỏ, mọi người nhìn thấy đều ngạc nhiên. Lúc ấy đào mới có, chưa chín chẳng phải là chuyện dễ! Ai nấy đều tặng trác hiệu Thánh thủ bạch viên, và gọi Trần Lượng bằng trác hiệu này. Năm ấy Trần Lượng về thăm nhà, em gái là Trần Ngọc Mai cùng với chú tỏ bày ý kiến không bằng lòng việc Trần Lượng gia nhập vào nhóm lục lâm. Ông chú bảo rằng:

- Nhà họ Trần ta bao đời nay tuy không làm quan chức chi nhưng cũng thuộc dòng thi lễ, bây giờ cháu gia nhập vào nhóm lục lâm làm giặc, trên thì có lỗi cùng tổ tiên, dưới lại lỗi với xóm giềng làng nước. Một ngày trộm cắp suốt đời mang danh kẻ giặc, sự việc đến quan, tiếng xấu lan truyền khắp kẻ chợ, bản thân lại bị pháp hình. Trên hại đến cha mẹ, dưới hại đến con cháu. Cháu nên theo lời khuyên của chú và em mà sớm tỉnh ngộ quay về bỏ hết lỗi lầm cũ. Vả lại nhà ta buôn bán đang thiếu người trông coi, cháu về giúp chú!

Trần Lượng nghe nói, lặng thinh không buồn đáp lại. Thật là:

Rượu gặp tri kỷ ngàn chén ít

Lời chẳng lọt tai nửa câu thừa.

Hôm sau Trần Lượng lặng lẽ bỏ đi, không từ biệt một ai. Với chủ đích riêng, Trần Lượng nghĩ: “Chuyến này mình sẽ đi đến kinh sư, phỏng tìm cao tăng đạo đi tu quách cho xong một đời oan nghiệt cho rồi! Hiện nay mình trên không cha mẹ vấn vương, dưới không vợ con níu kéo”. Bữa đó Trần Lượng đến trấn Vân Lan muốn kiếm chút ít tiền bạc để làm lộ phí, bèn đến đêm thay đồ dạ hành vào nhà phú hộ nâng đỡ một lạng bạc. Xong lại có ý đến Tường Vân quán thăm huynh trưởng Lưu Diệu Thông. Ðến trước miếu không thêm kêu cửa, từ phía Ðông nhảy tường mà vào, thấy trước chánh điện có một bàn bát tiên, đứng đằng sau là một lão đạo sĩ tóc xõa phất phơ theo gió, mặt đen hung dữ, tay cầm bảo kiếm đang niệm chú làm phép. Trần Lượng chưa gặp mặt người này bao giờ, trong lòng thầm nghĩ: “Tên này chắc là hãm hại Lưu đạo huynh rồi ở đây hưng yêu tác quái như vậy. Thật là đáng giận! Ðể ta giết quách hắn đi cho bõ ghét!”. Nghĩ rồi bèn nhảy tới chém một đao, nhưng chưa trúng đích lại bị Diệu Hưng phất tay áo một cái lăn quay xuống đất. Trần Lượng chỉ còn nhắm mắt chờ chết, bỗng nghe Diệu Thông la:

- Sư huynh dừng tay lại! Bạn của em đó. Xin nể mặt em mà tha cho hắn!

Diệu Hưng nói:

- A, thì ra ngươi cấu kết với người ngoài ám hại ta để độc chiếm ngôi miếu đây mà!

Trần Lượng nói:

- Không phải vậy đâu! Tại tôi nhất thời thô lỗ, tưởng rằng ông đã hại đạo huynh Diệu Thông để độc chiếm miếu này, chứ không biết hai vị là anh em.

Lưu Diệu Thông giới thiệu cho hai bên biết nhau. Trần Lượng nhận lỗi về phần mình xong bèn vào nhà trong hỏi Diệu Thông:

- Hồi nãy Trương đạo gia đang thi triển pháp thuật gì vậy?

- Hiền đệ! Sao em không đến sớm một chút hay trễ một chút mà lại đến đúng ngay hôm nay. Anh ấy đang làm phép ám hại Tế Công trưởng lão ở chùa Linh Ẩn bằng cách bắt ba hồn bảy vía của người đó.

- Ta nghe nói Tế Công là một vị chân tu đắc đạo, chưa chắc là bắt được hồn quách của người.

Trần Lượng nghe nói, nghĩ thầm: “Mình đang để tâm tìm một vị cao tăng hay cao đạo để xuất gia mà nay không dè gặp cả ở đây. Ðể xem hai vị ai cao, ai thấp cho biết”.

Ðang nghĩ như vậy thì nghe ở đại điện Diệu Hưng đang làm phép hô lớn:

- Hồn quách Tế Ðiên ở đâu? Sao không đến, còn đợi chừng nào?

Lại lấy hai đạo linh phù đốt tiếp, ánh lửa sáng rực, ném ra bên ngoài. Bỗng thấy từ phía Tây bắc nổi lên một trận cuồng phong. Thật là:

Nộ khí cuồng phong ào ạt

Cây rừng xơ xác ngả nghiêng

Dưới sông ồn ào nước réo

Cây khô răng rắc chuyển mình

Sóng biển cất cao như núi

Ao đầm muôn lượn dập dồn

Ngàn quỷ rú gào thê thảm

Cát bay đá chạy lung tung!

Trận cuồng phong đi qua, cảnh vật lạnh tanh, bỗng tiếng giầy cỏ lẹp xẹp vang lên theo bước chân nghe rõ mồn một từ từ hướng về đại điện. Chẳng bao lâu sau, một ông Hòa thượng kiếc khật khưỡng lù lù trước bàn hương án. Diệu Hưng quát:

- Hay cho đại yêu tăng! Ta đã bắt hồn vía của ngươi rồi, ngươi là ai mà còn dẫn xác tới đây?

Tế Ðiên cười ha hả, nói:

- Ðồ nghiệt chướng! Ngươi to gan thật! Ngươi há không biết câu: “Thiệt ác vay rồi đều có trả. Thời gian ứng hiện chậm mau thôi” hay sao mà hưng yêu tác quái thế?*

 

Hồi Thứ 35

 

Ðốt yêu đạo nghĩa thâu Trần đồ đệ

Tìm Tế Ðiên giữa đường gặp bất bình

 

Sau khi Diệu Hưng đánh một chưởng cho Tế Ðiên ngất ngã rồi trở về Tường Vân quán. Lương viên ngoại chạy theo năn nỉ nhưng không được, đành phải trở vào thư phòng xem Tế Ðiên sống chết ra sao, nào ngờ thấy Tế Ðiên đang ngồi uống rượu. Mừng quá, viên ngoại chạy tới hỏi:

- Bạch Thánh tăng, lão nhân gia không chết thật à? Lão đạo sĩ nói đã bắt hồn quách Thánh tăng rồi mà!

Hồn quách ta làm sao ổng bắt được, hồn quách công tử bị ổng bắt đi thì có, để tối nay ta đi kiếm ổng đòi lại.

- Bất tất phải thế!

- Ông ấy là người tu hành mà tại ác nghiệp như vậy sớm muộn gì cũng không tránh khỏi trời trả báo.

- Thánh tăng không cần phải kiếm ông ấy làm chi! Theo tôi thấy thì chuyện này cũng tại ông ấy hết.

Tế Ðiên chẳng nói chẳng rằng ngồi tì tì uống rượu cho tới tối. Bỗng đứng vọt dậy nói:

- Ta ra ngoài chơi quanh quẩn một lát rồi sẽ trở lại.

Lương viên ngoại tưởng thật cũng không cản lại. Ra khỏi nhà Lương viên ngoại, Tế Ðiên đi thẳng một mạch đến núi Ngũ Tiên, vào Tường Vân quán thấy lão đạo sĩ đang làm phép, việc Trần Lượng đến Tế Ðiên cũng thấy rõ ràng. Khi lão đạo sĩ họa phù niệm chú lần thứ hai, Tế Ðiên mới theo gió bước vào trước án. Việc này đáng lẽ Diệu Hưng phải tỉnh ngộ mới phải, bắt hồn người mà người còn dẫn xác đến chứng tỏ rằng đạo hạnh Tế Ðiên không phải tầm thường. Thay vì tỉnh ngộ, Diệu Hưng lại đùng đùng nổi giận lấy kiếm chỉ vào Tế Ðiên hét lớn:

- Bớ Ðiên tăng! Ta hóa duyên Lương viên ngoại mắc mới gì ngươi mà ngươi cả gan theo phá bĩnh ta? Nếu ngươi biết điều thì quỳ xuống pháp đài này, dập đầu gọi ta là tổ sư gia ba tiếng thì ta lấy đức hiếu sinh tha cho tội chết! Bằng không thì bải kiếm này sẽ lấy tánh mạng rác của ngươi đó!

- Hay cho yêu đạo, ngươi dám ở đây hưng yêu tác quái, ác hóa Lương Vạn Thương mà lại còn dám vô lễ với ta như thế hử?

Càng nói càng thêm nổi giận. Bất ngờ Tế Ðiên phóng tay vả mặt Diệu Hưng cái bốp. Mặt Diệu Hưng in dấu tay đỏ rần và uất lên tận cổ, tức thì huơ kiếm nhằm đầu Tế Ðiên chém xuống. Hai người giở hết tài năng, xà quần trước chánh điện. Lão đạo sĩ huơ kiếm lung tung quyết lấy tánh mạng Tế Ðiên mới hả giận, còn Tế Ðiên thì né tránh chạy loanh quanh, thỉnh thoảng bấu một cái, chọt một nhát làm đạo sĩ tức lộn ruột đến nỗi phải thở hỗn hển! Ðánh lâu mà không làm gì được Tế Ðiên, Diệu Hưng bèn dừng lại, rút ra trong bọc một món bảo pháp, miệng lâm râm niệm chú, thảy lên không, miệng hô: Sắc lịnh hích! Tức thì một vật trắng sáng lấp lánh đánh xuống Tế Ðiên. La hán gia trợn mắt nhìn xem thấy có vật trắng sáng nhờ nhờ đang xè xè ngay trên đầu mình bèn biết pháp bảo ấy tên là Hỗn nguyên như ý thạch. Viên đá này muốn lớn nhỏ tùy ý, lớn có thể đến mấy trượng, nhỏ có thể bằng cái trứng bỏ gọn vào trong túi. Cục đá này nếu va vào đầu người sẽ bể đầu chảy máu, toi mạng như chơi.

Tế Ðiên bèn lấy tay chỉ một cái, miệng niệm lục tự chơn ngôn: Án ma ni bát mê hồng, án sắc lịnh hích      ! Cục đá ấy từ từ đi chậm và nhỏ dần trở lại kích thước nguyên hình, rớt ngay vào tay áo Tế Ðiên. Diệu Hưng thấy bị mất phép, giận đến nỗi ba hồn tóe lửa, bảy khiếu bốc hơi, bèn đưa tay rút ra trong bọc một vật. Lão đạo sĩ đang đứng chánh Bắc, dùng mũi kiếm huơ lên miệng lâm râm đọc chú, tay bắt ấn quyết, tức thì nổi lên một trận quái phong lạnh lẽo ghê người. Tế Ðiên lại trợn mắt nhìn xem, thì ra là một con mãnh hổ vằn vện đang lắc đầu đập đuôi nhảy về phía mình. Thật là:

Ðầu lớn, tai tròn, đuôi nhỏ

Khắp mình thêu vẻ đẹp ghê

Mục đồng ngửi hơi vỡ mật

Tiều phu nghe tiếng kinh hồn

Beo gấm núi sâu săn đuổi

Một mình chúa tể rừng xanh.

Tế Ðiên thấy cọp chờn vờn nhảy tới bèn cười ha hả, nói:

- Ðồ nghiệt chướng, ngươi định đem phép thuật rẻ tiền này hù dọa Hòa thượng ta ư? Thật là lấy muối bỏ biển!

Nói rồi lấy tay chỉ một cái, con cọp hung hăng hiện nguyên hình là con cọp giấy. Diệu Hưng thấy mình bị phá mất hai bửu bối, không dằn được cơn giận, hét:

- Hay cho Hòa thượng cả gan thiệt! Cho ngươi biết sơn nhân ta lợi hại như thế nào!

Nói rồi thò tay rút ra trong túi một sợi Khổn nguyên thằng. Tay tả cầm chặt, miệng lẩm bẩm: “Người không có lòng hại cọp, cọp lại có ý đả thương người. Ta vốn không có ý hại ngươi, việc này là ngươi tìm lấy, phen này có chết đứng oán sơn nhân ta nhé! Hôm nay ta đành phải khai sát giới đây!”. Sợi Khổn nguyên thằng này thật là lợi hại, bất cứ yêu tinh tà mị nào bị nó trói chặt là phải hiện nguyên hình ngay. Tế Ðiên thấy sợi dây ấy, lật đật nói lia lịa:

- Cứu tôi với, ai cứu tôi với, không xong, không xong rồi, á! Ðừng trói Hòa thượng ta!

Chớp mắt Hòa thượng bị trói làm ba vòng té lăn xuống đất. Trương Diệu Hưng cười ha hả, nói:

- Ðiên tăng, ta tưởng ngươi là thần thông quảng đại ghê gớm lắm chứ, ai ngờ coi kỹ lại là kẻ vô tri. Hãy coi ta kết thúc cái mạng rác của ngươi đây.

Nói rồi huơ kiếm nhắm ngay bụng Tế Ðiên chém một nhát. Bảo kiếm chém lòi một đường trắng hếu. Lại thấy Tế Ðiên mở mắt trừng trừng nhìn mình không chớp mắt, chẳng nói chẳng rằng cũng không nhúc nhích. Lão đạo nghĩ thầm: “Coi chừng mình bị tráo đồ giả”. Coi kỹ lại thì ra Khổn nguyên thằng trói nhằm cái lư hương đá. Chạy tìm Tế Ðiên không thấy tung tích đâu hết! Diệu Hưng đang sục sạo tìm kiếm bỗng bị Tế Ðiên véo cho một cái từ đằng sau thật đau điếng, bèn ngoái đầu lại hét lớn:

- Hay cho Ðiên tăng, chọc ta tức chết đi được. Hôm nay ta thề quyết không đội trời chung với ngươi đó.

Nói xong móc ra một mắn hương nhang cháy dở kèm theo một bó củi khô chất bên đại điện, miệng niệm thần chú dẫn hỏa, lửa bắt vào bó củi biến thành một khối lửa, ném vào Tế Ðiên. Lão đạo sĩ hôm nay quá tức giận, ra tay độc ác định giết chết Tế Ðiên mới hả, trong niệm chú thúc lửa, lửa bừng lên mỗi lúc một cao, trùm lên đầu Tế Ðiên. Tế Ðiên lấy tay chỉ một cái, miệng niệm lục tự chân ngôn: Án ma ni bát mê hồng, án sắc lịnh hích! Tức thì khói lửa đổi hướng quay ngược lại đốt Diệu Hưng nhanh đến nỗi trở tay không kịp, Diệu Hưng râu ria cháy xém, tóc tai quăn queo, áo quần khét nghẹt, lật đật mang lửa chạy trốn trong đại điện.

Ðó là Diệu Hưng bị báo ứng nhãn tiền, phút chốc một lửa phàm hợp cùng lửa thiên hỏa sáng rực, lửa đó bắt vào đại điện, lưỡi lửa như con rắn bay liệng từng không, vây chết Diệu Hưng trong đó, Ðông Tây phối điện cũng bị lửa liếm hết không từ. Tế Ðiên không thèm để ý đến Diệu Hưng nữa mà vào đại điện tìm hình nộm trù yểm Lương Sĩ Nguyên, nhổ hết 7 cây kim ra và bắt hồn Sĩ Nguyên bỏ vào tay áo, cũng không quản đến Lưu Diệu Thông sống chết ra sao, cứ một mạch đi thẳng. Trần Lượng nảy giờ ở Ðông phối phòng theo dõi tình hình không sót một mảy, tới chừng lửa bén nóc phòng mới lật đật co giò thoát ra theo ngã cửa sổ chạy theo Tế Ðiên. Tế Ðiên đi mau, Trần Lượng cũng đi mau, Tế Ðiên đi chậm, Trần Lượng cũng đi chậm bước, hai người trước sau về đến Vân Lan. Người giữ cổng của Lương viên ngoại thấy Tế Ðiên về, lật đật nói:

- Tháng tăng ơi, Ngài đi đâu vậy, nãy giờ viên ngoại tôi chờ sốt cả ruột.

Tế Ðiên đáp: - Ờ! Rồi rảo bước vào nhà trong thẳng lên thư phòng.

Lương viên ngoại thấy Tế Ðiên về, lật đật hỏi:

- Bạch Thánh tăng, nãy giờ Ngài đi đâu vậy?

- Ta đi tìm hồn phách của công tử về rồi đây này.

Nói rồi Tế Ðiên đi xăm xăm vào phòng Lương Sĩ Nguyên. Lương Sĩ Nguyên đương nằm hôn mê bất tỉnh bị Tế Ðiên lấy tay vỗ vào đầu một cái, hồn tức thì nhập vào xác tỉnh lại như thường. Bên ngoài, lão viên ngoại hối gia nhân dọn tiệc rượu thết đãi Tế Ðiên, hai người ngồi vào bàn, uống được vài ba chén, Tế Ðiên hỏi:

- Này viên ngoại, trong nhà ông có bị kẻ trộm cướp đến khuấy rối không?

- Nhà tôi từ trước đến nay không hề bị trộm cướp bao giờ, những tay hảo hán họ biết nhà tôi lương thiện nên chẳng ghé làm chi, còn những tay trộm vặt hạ lưu thì không thể vào được.

- Ờ, để ta nói ra vài tên hảo hán coi ông có biết không?

- Tôi thật không quen biết với ai về phía ấy.

Nãy giờ Trần Lượng nấp trên nóc nhà nghe lén, chừng nghe Tế Ðiên sắp nói mấy tên hảo hán bèn động tính hiếu kỳ, không biết Tế Ðiên sẽ nói đến những anh hùng ở lộ nào. Kế nghe Tế Ðiên nói:

- Có một người tên là Vô ngân Liêu Ðoan, ông có biết không?

- Không biết.

- Người này có ngoại hiệu là Ðạp tuyết vô ngân, đi trên tuyết mà không để lại dấu chân, nhẹ nhàng ghê chưa?

- Thật là nhẹ nhàng quá sức, đi trên tuyết mà không để lại dấu chân nào hết!

- Không để lại dấu chân có thể ông ta mang cây chổi theo vừa chạy vừa quét đấy.

Viên ngoại nghe nói cũng cười xòa, Tế Ðiên lại nói:

- Có một người tên Ðào Phương đạp bèo đi qua sông, người này có tài đi trên mặt nước mà không chìm ướt.

- Trên thế giới này có mấy người được như vậy, thật là ít có, tôi chưa thấy bao giờ!

- Ôi! Có gì lạ đâu, ông ấy nhằm mùa đông nước đóng băng mới đi trên mặt nước đó!

- Mùa đông, tôi cũng đi trên mặt nước được.

- Lương Sĩ Nguyên hiện giờ đã mạnh rồi, ngày mai Hòa thượng ta phải về Lâm An gấy.

- Thánh tăng chưa đi vội, tôi muốn mời Ngài ở lại ít bữa nữa để báo đáp chút công ơn cứu mạng cho cháu.

- Kêu giùm một gia nhân đến để Hòa thượng ta nhờ việc.

Lương Phước đến, Tế Ðiên kế tai nói nhỏ: Như vầy, như vầy… Lương Phước đi ra lo phận sự. Trần Lượng đang núp trên mái nhà nghe Tế Ðiên kêu mấy người toàn là bạn bè của mình cả, bèn nghĩ thầm: “Ông Hòa thượng này là người xuất gia mà sao biết vanh vách các việc giang hồ của bọn ta vậy kìa?”.

Còn đương thắc mắc trong lòng, bỗng thấy bốn mặt bị bủa vây. Lương Phước xuất lãnh bọn gác cửa, quản gia, canh phu, tránh đinh kẻ thước người dao hơn ba mươi mấy tên nhất tề kéo đến, miệng hò hét:

- Ăn trộm trên nóc nhà, bắt nó, bắt nó.

Trần Lượng giật mình đánh thót, té ra Tế Ðiên nói nho nhỏ vào tai Lương Phước khi nãy là bảo người đi bắt trộm. Trần Lượng đứng trên nóc nhà khoa dao, nói:

- Nè, các ngươi dang ra, ta không phải là kẻ trộm, cũng không phải là kẻ mượn đường, ai tránh ra thì sống, còn cản đường ta thì chết ráng chịu.

Nói rồi băng mình nhảy xuống đất đi thẳng. Lúc đó Tế Ðiên cũng vừa đi ra. Thật là:

Anh hùng khó lên Tam bảo điện,

La Hán rộng mở Ðại thừa môn.*

 

Hồi Thứ 36

 

Dạo Tây vào tửu điếm nghe chuyện phiếm

Nổi xung thiên đêm tối lẻn Tô Gia

 

Khi Tế Ðiên ra đến cửa thì Trần Lượng đã đi xa rồi, Tế Ðiên bèn tức tốc đuổi theo. Trần Lượng lúc đó chạy thật mau quanh mấy thôn trang rồi mất dạng. Trời hừng sáng, Tế Ðiên đến Tường Vân quán. Nơi đây điện nhà Ðông nhà Tây đều bị thiêu rụi. Mọi người đến chữa lửa hãy còn chưa về. Phía Tây có hơn một chục người xúm dụm lại, Tế Ðiên bước tới đó thấy Lưu Diệu Thông khắp người bị phỏng rộp đang thở dốc hấp hối. Tế Ðiên động lòng trắc ẩn mới bước tới đến gần, nói:

- Ðạo gia! Ngươi thấy trong lòng thế nào?

- Bạch Thánh tăng, tôi không có mắc tội với Ngài, chuyện vừa rồi do sư huynh tôi làm việc bất chính nên phải gặp ác báo. Xin sư phó từ bi cứu giúp cho tôi với!

Tế Ðiên cười ha hả, nói:

- Ông đã biết là tuần hoàn, làm oan nghiệt phải gánh lấy tai họa là tốt rồi, thôi để ta cho ông một viên thuốc là xong ngay.

Một vị quan địa phương đứng bên vội cản:

- Không được đâu, ông Hòa thượng đừng có lắm chuyện, ông cho uống thuốc vào rủi ro có bề gì thì càng rối thêm!

Diệu Thông nói:

- Không hề chi, uống thuốc vào dẫu có chết, ông Hòa thượng cũng không có can chi mà, tại mạng số thế thôi!

Mọi người có mặt cùng nói:

- Thây kệ! Ông muốn uống thuốc cứ cho uống, hơi nào mà lo.

Tế Ðiên bảo một người đem đến chén nước, đoạn lấy ra một viên thuốc đưa cho Lưu Diệu Thông uống, Diệu Thông uống xong giây lát bụng sôi ục ục, những mụt phồng rộp đều vở ra chảy nước, không còn nghe đau nhức nữa. Mọi người chứng kiến đều buột miệng nói: - Thuốc hay thiệt!

Một người đứng sau Tế Ðiên nói:

- Hay quá, thật là thuốc thần tiên, linh đơn diệu dược có khác!

Tế Ðiên quay lại nhìn, thì ra là một người mình cao tám thước, lưng nhỏ vai rộng, đầu đội khăn tráng sĩ sáu múi bằng đoạn màu lam, bên trên gắn sáu hạt minh châu lấp lánh, mình mặc áo tiễn tụ bào trắng thêu làm nổi bật sợi tơ vàng thêu ngang lưng, chân đi giày đế mỏng lộ ra màu vớ xanh nhạt, mặt như ngọc trắng với chân mày chữ bát trên đôi mắt sáng long lanh, ngũ quan rất thanh tú. Tế Ðiên quay lại nhìn mặt người ấy, bỗng thốt lên “a!” một tiếng. Người ấy lật đật co giò bỏ chạy, Tế Ðiên cũng gấp rút đuổi theo. Người bỏ chạy không phải ai xa lạ mà chính là Thánh thủ bạch viên Trần Lượng. Nhân vì khi hôm Trần Lượng bị Tế Ðiên đuổi theo miết, đến quá nửa đêm không còn nghe tiếng dép phía sau mới dáng ngừng lại tìm chỗ nghỉ đỡ, sáng ra lật đật thay đổi đồ mặc ban ngày, định đến Tường Vân quán xem Lưu Diệu Thông sống chết ra sao! Vừa đến thấy Tế Ðiên cho thuốc cứu mạng Diệu Thông bèn buộc miệng khen hay. Hòa thượng nghe tiếng, ngoái lại “a” một tiếng, Trần Lượng tự động quay mình bỏ chạy, Tế Ðiên cũng chạy theo nốt. Ðang chạy, Trần Lượng nghĩ: “Mình đâu phải là kẻ trộm, Hòa thượng cũng đâu bắt mình, tại sao mình chạy? Ðể coi ổng đuổi theo mình làm chi cho biết?”.

Nghĩ rồi bèn đứng lại, Tế Ðiên cũng vừa trờ tới, Trần Lượng hỏi:

- Này Hòa thượng, ông rượt theo tôi chi vậy?

- Tại sao ngươi lại chạy chi vậy?

Trần Lượng nghe nói cũng tức cười, mới nói:

- Bạch Hòa thượng, tôi biết lão nhân gia là một bậc cao tăng. Xin nhân gia thâu nhận tôi làm đồ đệ, tôi xin nguyện theo Ngài để xuất gia!

Tế Ðiên lắc đầu lia lịa, nói:

- Không được, không được đâu, ngươi là tên đạo tặc làm sao có thể xuất gia theo ta được. Bọn xuất gia chúng ta phải kỷ luật là Tam qui Ngũ giới, Tam quy là: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ giới là không được làm năm việc: giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói láo và uống rượu. Ngươi là sao sửa đổi được mà làm những điều này?

- Tôi hiện nay trên không còn cha mẹ vấn vương, dưới không vợ con cản trở, muốn xuất gia để xong một đời oan nghiệt cho rồi! Thưa sư phó, những lời người vừa nói, tôi đều có thể làm được.

- Ngươi nói như vậy, ta cũng tạm nhận cho, vậy ngươi hãy đến Lâm An đợi ta nhé. Hiện nay ta còn chút việc chưa làm xong, chúng ta sẽ gặp lại ở Lâm An nhé!

- Thưa sư phó, người bảo chờ người ở Lâm An mà thành Lâm An quá rộng lớn, tôi biết chờ lão nhân gia ở đâu?

Tế Ðiên ngẫm nghĩ rồi nói:

- Tới Lâm An, chúng ta sẽ gặp nhau ở sàn để hạ nhé!

Trần Lượng nghe nói, nghĩ rằng: “Ở thành Lâm An chắc có nơi nào có cái tên ngồ ngộ đó”, bèn xá Tế Ðiên, nói:

- Tôi xin đi trước, đến Lâm An đợi lão nhân gia.

- Ờ, ngươi cứ đi trước đi.

Trần Lượng cáo từ, cũng không ghé qua Tường Vân quán thăm Diệu Thông, cứ theo đường cái một mạch đi thẳng đến Lâm An. Trên đường đi cứ đói ăn, khát uống, ngày đi đêm nghỉ, chẳng mấy chốc đến Lâm An. Trần Lượng lần đầu mới đến kinh đô, thấy người qua lại như mắc cửi thật là nhộn nhịp, bèn tìm một quán trọ ở đường Thiên Trúc ngoài cửa Tiền Ðường ở đỡ. Ngày kế ra khỏi quán, một mình đi tản bộ về phía Tây Hồ, vào chơi Lãnh Tuyền đình. Ðứng ở Lãnh Tuyền đình nhìn ra bốn phía, cảnh đẹp nên thơ, hồ rộng nhìn không thấy bờ, ngắm cảnh giây lát lại thả bộ đi về chùa Linh Ẩn. Ðến trước cổng chùa, thấy có hai vị Tăng gác cổng đang ngồi bên trong, bèn bước tới hỏi:

- Thưa hai vị sư phó, Tế Công trưởng lão ở chùa này đã về chưa?

- Ôi, ông ấy đi lu bù, ít khi có ở chùa lắm! Có khi năm, bảy bữa, có khi đi ba, bốn tháng mới về, không chừng đổi gì hết!

Trần Lượng nghe nói thế, đành thả bộ trở về, kiếm người hỏi thăm điểm hẹn. Gặp một người hỏi:

- Làm ơn cho hỏi thăm, sàn để hạ ở đâu?

Gặp ai cũng hỏi. Hỏi không biết bao nhiêu người mà chả ai biết chỗ đó là ở đâu cả! Buồn quá, Trần Lượng định tìm tửu lầu nào đó uống tí rượu giải sầu rồi về quán trọ hỏi quản lý xem sao. Nghĩ rồi, bèn quay trở về, đến đường Thiên Trúc thấy phía Bắc có một tửu lầu với chữ Thiên Hòa tửu lầu to tổ bố ở trước cổng, bên trong vọng ra tiếng dao bằm thịt lốt bốp gợi thêm. Trần Lượng vào quán đi thẳng lên lầu lựa một cái bàn kề bên cửa sổ nhìn xuống đường để dễ ngắm người qua lại nhộn nhịp. Trần Lượng mới vừa ngồi xuống ghế, phổ ky lật đật chạy lại lau bàn và hỏi:

- Khách quan dùng chi?

Trần Lượng kêu mấy dĩa thức ăn và mấy bầu rượu, tự rót rượu nhâm nhi một mình. Uống được mấy chén, Trần Lượng kêu phổ ky lại. Phổ ky hỏi:

- Ðại gia cần món gì thêm?

- Thôi, không cần kêu thêm nữa, tôi chỉ nhờ anh một việc là chỉ giúp tôi một địa điểm của thành này thôi.

- Tưởng cái gì khó, chứ còn chỗ nơi thì dễ ợt, đại gia cứ nói đi, ở đây hang cùng ngõ hẻm gì tôi cũng biết hết.

- Ở thành Lâm An này có nơi nào tên là Sàn Ðể Hạ không? Anh biết chỉ giùm tôi!

- Không có địa danh đó đâu!

Trần Lượng cũng không buồn hỏi lại, trong lòng thầm nghĩ: “Tế Công lão nhân gia chẳng lẽ gạt ta. Không có địa danh đó ta biết đi hỏi ai bây giờ?”. Ðang lúc buồn bực vì hỏi không ra Sàn Ðể Hạ là ở đâu, bỗng nghe tiếng ồn ào từ dưới đường phố vọng lên. Trần Lượng vội nhìn qua cửa sổ thấy có một chiếc kiệu nhỏ đi qua với một số người tay cầm đao thương gậy gộc đi theo. Trong kiệu vang ra tiếng kêu khóc hình như đó là một vụ cướp người giữa ban ngày. Kiệu đi từ Tây sang Ðông, giây lát sau lại có một người đàn ông đi ngược lại từ Ðông sang Tây, khắp người máu me thương tích, cùng với nhóm người ồn ào khi nãy chạy đến dưới tửu lầu mạnh ai nấy cãi ô ô, a a loạn xạ. Trần Lượng nghe ồn ào mà không hiểu họ nói cái chi, mới hỏi phổ ky:

- Này phổ ky, dưới lầu này có một người bị thương mới đến, anh ta bị ai đánh? Mà sao bị đánh dữ vậy?

Quản lý nói:

- Thưa lão gia, lão nhân gia không phải là người ở địa phương này nên mới hỏi như vậy. Chứ sự thật đáng giận, đáng tức lắm! Lão nhân gia có thấy người bị đánh vừa rồi đó không? Anh ta họ Vương, anh em một họ với chưởng quỹ chúng tôi. Vì có tánh hay xía vô chuyện người, giữa đường gặp chuyện bất bình không tha nên anh ta mới bị đánh mang thương tích như thế.

- Chuyện là thế này, ở xế cổng nhà của mấy người đó có anh Hàn Văn Thành, sinh sống bằng nghề buôn bán vàng bạc, chỉ vì làm ăn lỗ lã nên đóng cửa đã lâu, còn thiếu viên ngoại Tô Bắc Sơn 200 lượng bạc. Hôm nay quản lý của Tô gia đi đòi bạc nợ, Hàn Văn Thành xin khất, đợi bán nhà xong sẽ trả đủ. Tô quản gia không chịu, bèn đem người tới bắt em gái Hàn Văn Thành là Kim Nương làm con tin. Cả Hàn Văn Thành cũng bị đánh cho một trận. Ông Vương tam gia ấy ưa xía vô chuyện thiên hạ mới kéo người tới choảng nhau với họ, bị đánh cho một trận tơi bời, mới kéo nhau về tìm chưởng quỹ chúng tôi nói cho hả tức! Viên ngoại Tô Bắc Sơn là một thân sĩ của thành Lâm An này, lại là một tài chủ hạng nhất, kết giao với quan lớn, ai mà dám đụng đến!

Trần Lượng nói:

- Ở đây sát bên Thiên tử mà còn làm việc bất kể vương pháp như thế, ở ngoài tỉnh xa, họ còn tác tệ biết chừng nào! Bọn côn đồ ác bá đó nhà nó ở đâu?

- Ở phía Bắc ngã bốn hẻm Thanh Trúc trong thành nội có cái nhà lớn, cổng cũng lớn. Ngoài ngõ có bốn cây long trảo hòe là nhà của ông ấy.

Trần Lượng ăn uống xong, trả tiền xuống lầu, lân la đến hẻm Thanh Trúc thám dọ đường đi nước bước, xem xét các nơi một lượt rồi vào một quán uống trà, vừa uống trà vừa nghĩ thầm: “Nơi đây là chốn đế đô mà sao lại có bọn côn đồ ác bá như thế? Hôm nay ta gặp chuyện này đâu có thể ngó lơ được. Tối nay ta sẽ vào giết quách hết cả nhà để cho mọi người thấy là bao giờ ông trời cũng có mắt”. Nghĩ rồi, chờ khi đêm xuống, cơm nước xong, Trần Lượng tìm chỗ vắng thay y phục hạ hành, đem đồ ban ngày gói lại và cột chặt vào thắt lưng, đoạn trổ thuật phi hành leo tường vượt vách chạy qua mấy nóc nhà đến Tô gia để thám thính. Vào đến Tô gia thấy nhà toàn bằng gạch, phòng ốc lộng lẫy, trước hàng ba sau đại sảnh rất là tráng lệ. Ở gian nhà phía Tây, có ánh đèn lung linh dọi ra và tiếng người nói chuyện. Trần Lượng lẻn đến gần nghe trong nhà có tiếng gọi:

- Thu Hương đâu, đem trà lên cho ta!

Trần Lượng nép bên cửa sổ nhìn vào thì thấy bên trong là một cái phòng cuốn nhỏ. Trên tường phía Bắc treo hình hoa lê rất đẹp, trên bàn trang trí những đồ cổ, một cái giường lớn kế bên rèm bên trên đặt một cái tợ. Ngồi bên tợ là một phụ nữ trung niên độ ngoài 40 tuổi, ngũ quan thanh tú đang dùng trà, có hai a hoàn và hai bộc phụ đứng kế bên hầu trà. Kế nghe vị phu nhân nói:

- Viên ngoại sao giờ này chưa về, đi đâu hoài không biết! Nhà ta không có đàn ông bảo ta không lo sao được!

Lại thấy một vị xử nữ nói:

- Thưa thái thái, viên ngoại chúng ta không về thế nào cũng có tin về cho mà! Nhà trong này nếu không có lệnh gọi đàn ông không được vào. Thưa thái thái, để đỡ sốt ruột, chúng ta bày trò đố vui đi!

- Ðể ta nói một câu, bọn ngươi đoán thử xem nhé:

Cô Hoa hận nhất anh hàng dầu

Rước đưa liên tục suốt đêm thâu

Tới lui khách khứa tình lai láng

Nỡ đem ngọc thể ném ngàn dâu!

Hai bà vú già đoán mãi không ra, xử nữ Thu Hương, Thu Quế thấy thế kêu lên:

- Thôi, thái thái nói ra đi, để lâu bực chết đi được!

- Là cái bọng ép dầu.

Cả bọn Thu Hương đồng cười rộ. Lại nói:

- Xin lão nhân gia nói cái gì gần gần để chúng tôi dễ đoán!

- Thôi, ta không nói đâu! Nói ra rồi bọn bây đoán không ra lại quấy rầy ta nữa.

- Lần này bọn tôi không nói đâu. Thái thái cứ nói đi!

Phu nhân bèn nói:

Sông đen rắn bạc nằm chờ,

Một ngọn đèn sáng bên bờ lắc lư.

Nước sống rắn uống từ từ,

Sông đen khô cạn đứ đừ rắn tiêu.

Bọn Xử nữ đang cố sức đoán thử, bỗng nghe một tiếng bộp vang lên. Mọi người phụ nữ chạy ra xem: Một vạc lửa đỏ đang bốc ngọn. Thật là một chuyện kinh người! Ấy là:

Sự đời trước mắt in tuồng giả,

Lời nói qua tai chưa chắc chân.*

 

Hồi Thứ 37

 

Nghe lời gian, Tô Phước sanh tâm họa

Gặp Tế Ðiên, đen trắng được phân minh

 

Vợ Tô Bắc Sơn là Triệu phu nhân cùng bọn xử nữ đang bày cuộc đố vui giải muộn trong phòng, bỗng nghe bốp một tiếng, cả bọn lật đật chạy ra xem, bên ngoài lửa cháy sáng rực, những nhánh đào, thạch lựu, hoa kiểng trên bồn hoa đều bén lửa. Vú em, a hoàn chạy ra xem lấy tay phủi xuống đều tắt hết. Việc lửa phựt lên là kế điệu hổ ly sơn cửa Trần Lượng. Thấy mọi người dồn cả ra sân, Trần Lượng từ trên nóc nhà nhảy xuống, tiến vào trong phòng. Phòng này bài trí thật u nhã, trên tường nét chữ danh nhân thật hùng tráng, liễn đối cổ kính, nhân vật sơn thủy, nét bút rất tiêu sái. Kế bên giường là một chiếc giường tre sương phi (bông) lên nước láng bóng, bên trên treo màn gấm thuê hoa. Trước giường, một chiếc bàn nhỏ với mấy chiếc ghế thấp, trong phòng vật dụng toàn là đồ cổ quí giá. Trần Lượng đang trầm trồ ngắm nghía bỗng nghe bên ngoài phu nhân nói với bọn vú em:

- Chắc là bọn thằng Phước, thằng Lộc bày trò nghịch ngợm, đốt lửa chơi như vậy.

Nói rồi, cả bọn kéo trở về phòng. Trần Lượng đang thưởng ngoạn đồ vật trong phòng, nghe mọi người kéo vào, lật đật tự nghĩ: “Cha chả, để họ vào rồi mình phải làm sao đây!”. Trong lúc túng quá phải tính gấp, vội chạy đến bên giường, vén màn lên chui tọt dưới gầm giường (sàn để hạ) mà núp. Mọi người kéo vào vô tình chẳng biết trong phòng có người đang ẩn nấp. Mới vừa ngồi yên chỗ, mọi người nghe từ bên ngoài hành lang có tiếng bước chân đi tới. Thu Hương vội hỏi:

- Ai đó?

Bên ngoài có tiếng trả lời, chính là Ðắc Phước, Thu Hương hỏi:

Có việc gì thế?

- Viên ngoại đã về, cùng đi với Hòa thượng. Vị Hòa thượng này không chịu ngồi ở thư phòng, cũng không chịu ngồi ở phòng khách, lại muốn ngồi ở phòng ngủ của thái thái. Viên ngoại bảo: Xuống nói với thái thái mau mau tránh sang phòng khác cho viên ngoại tiếp khách.

Thái thái nghe nói lật đật bảo a hoàn dọn dẹp đồ đạc cho ngăn nắp. Trong bọng nghĩ thầm: “Cái ông viên ngoại nhà mình hôm nay thật hết chỗ nói: Bên ngoài có phòng khách, có thư viện lại không chịu tiếp, nhè phòng ngủ của mình mà tiếp Hòa thượng chớ!”. Ðang suy nghĩ tới đó thì bên ngoài có tiếng hối thúc:

- Thái thái thu xếp mau đi! Viên ngoại với Hòa thượng vô tới rồi đó!

Thái thái lật đật bước sang phòng khác. Trong khi a hoàn dọn dẹp chưa xong thì nghe tiếng của viên ngoại:

- Bạch sư phó, lão nhân gia vào nhà đệ tử cứ coi như vào nhà mình, đừng câu nệ gì hết, muốn ngồi chỗ nào xin tùy ý.

Trần Lượng đang nấp dưới gầm giường (sàn để hạ) thầm nghĩ: “Hoà thượng nào mà vào nhà ác bá thì đâu phải Hòa thượng tốt, chắc là hạng Hòa thượng bất chánh đây”. Bên ngoài Tế Ðiên cười ha hả, nói:

- Không có Hòa thượng tốt xấu nào đâu, ta sợ ngươi đợi lâu quá đó chứ. Thôi mau ra đây đi!

Tô Bắc Sơn thầm nghĩ: “Hay a, Hòa thượng đòi vào phòng ngủ của vợ mình để hò hẹn với ai đây?”. Nghĩ rồi bèn nói:

- Bạch sư phó, lão nhân gia bữa nay chắc say rồi?

- Ta đâu có say.

Nói rồi đi thẳng vào trong phòng. Trần Lượng nghe nói cả kinh. Người mới vào chẳng ai khác mà chính là Tế Công trưởng lão ở chùa Linh Ẩn bên Tây Hồ. Trong lòng nghĩ thầm: “Tế Công làm sao lại vào đây kìa?”.

Sau khi chia tay cùng Trần Lượng, Tế Ðiên trở vào nhà Lương viên ngoại ở trấn Vân Lan. Viên ngoại thấy Tế Ðiên về, lật đật hỏi:

- Thánh tăng đã về rồi à! Tôi ở nhà thật chẳng yên tâm chút nào! Từ lúc người đuổi theo kẻ trộm đi biền biệt không về, tôi phái người nhà đi tìm cùng hết mà không gặp. Lão nhân gia chắc là đi xa lắm?

- Ta trở lại Tường Vân quán ở núi Ngũ Tiên xem thử. Tòa miếu ấy bị cháy sạch sanh, đến một viên ngói cũng không còn nguyên vẹn.

Lương viên ngoại hối dọn tiệc rượu. Tiệc đã dọn xong, Lương viên ngoại bồi tiếp Tế Ðiên uống rượu. Uống được mấy chén, viên ngoại hỏi:

- Bạch sư phó, lão nhân gia từ đâu đến đây? Mấy người cùng đi với người là ai vậy?

Tế Ðiên mới đem việc ni cô Thanh Tịnh ở núi Thành Hoàng mời thỉnh đi tìm Cao Quốc Thái giùm. Trên đường đi, dắt theo Tô Lộc và Phùng Thuận. Sau khi tìm được Cao Quốc Thái, trở về Lâm An, trên đường qua đây gặp việc bèn ghé lại, tất cả thuật qua một lượt. Lương viên ngoại nói:

- Té ra Thánh tăng đi tìm Cao Quốc Thái là con người bạn của tôi. Ngày xưa cha nó còn sống qua lại rất thân với tôi, chẳng dè cha nó qua đời mấy năm mà nhà nghèo rớt mồng tơi như thế!

Bèn bảo gia nhân kêu Cao Quốc Thái đến. Giây lát Cao Quốc Thái từ ngoài bước vào. Viên ngoại bảo Cao Quốc Thái ngồi và hỏi:

- Này Cao Quốc Thái, sự tình của gia đình ngươi từ trước đến nay ra sao, hãy nói cho ta rõ.

- Thưa viên ngoại, tôi chỉ biết sơ sơ một vài điều thôi.

- Cha người là Cao Văn Hoa, làm Hiếu liêm ở huyện Dư Hàng, ta với cha ngươi là đôi bạn qua lại rất thân, lúc ấy ngươi hãy còn bé, nhắc lại cũng là việc mười mấy năm trôi qua! Sau đó cha ngươi qua đời, ngươi hãy còn nhỏ lắm, cũng không cho ta biết tin tức thành ra liên lạc bị đứt đoạn. Nào ngờ không gặp nhau mấy năm mà ngươi lại ở cảnh nghèo rớt mồng tơi như thế! Vừa rồi nghe Thánh tăng nói đến tên, ta mới biết ngươi là con của người bạn cũ!

Cao Quốc Thái nghe nói, mới nhớ lại ngày xưa có lần nghe mẹ nhắc đến việc này, vội vàng đứng dậy thi lễ, nói:

- Té ra là lão bá phụ! Tiểu điệt xin kính chào ra mắt. Ngày trước, cháu có nghe thân mẫu nhắc đến lão nhân gia, nhưng vì gặp lúc gia cảnh sa sút không thể thù tạc vãng lai với ai, nên không thể viếng thăm bá phụ được.

- Hiện nay em cháu là Lương Sĩ Nguyên đang trong thời kỳ dụng công học tập, cũng thiếu người chỉ giáo kèm cặp cho nó, cháu cũng không cần phải trở về huyện Dư Hàng làm gì. Ta sẽ rước gia quyến cháu cùng về ở đây. Cháu sẽ cùng em cháu học tập, cùng gắng sức rèn luyện. Ðến kỳ đại khoa, hai con cùng lên trường ứng thí.

Cao Quốc Thái cũng gật đầu ưng thuật. Tế Ðiên nói:

- Viên ngoại nè, Hòa thượng ta muốn hóa viên ngoại chút duyên.

- Thánh tăng có lời dạy gì? Xin cứ bảo!

- Ông bỏ ra mấy trăm lượng bạc mua chỗ đất ở Tường Vân quán đi, và kêu Lưu Diệu Thông tới đây cho ông ta năm trăm lượng bạc để về núi Cổ Thiên. Còn Tường Vân quán, ông vẫn cất lợp như cũ mà đổi lại là Tường Vân am. Xong xuôi cho người qua rước lão ni Thanh Tịnh ở núi Thành Hoàng, luôn cả vợ con Cao Quốc Thái cũng rước về cho ở đó. Chi tiêu về khoản này kể như là phần hóa duyên của Hòa thượng ta đó. Nếu không như vậy, gặp lão đạo sĩ Trương Diệu Hưng đớp của ông mấy ngàn lượng như không!

- Phải đó, xin kính tuân lệnh dạy của sư phó.

Nói rồi sai gia nhân đi tìm Lưu Diệu Thông ngay. Diệu Thông liền đến nhà viên ngoại, vết cháy mới vừa lành, da còn đỏ hỏn. Viên ngoại cấp cho năm trăm lượng bạc. Diệu Thông hết lòng cảm ơn và cầm bạc đi về Lăng Vân quán ở núi Cổ Thiên. Viên ngoại lưu Quốc Thái ở lại nhà, cả Phùng Thuận cũng giử lại nốt. Ðoạn sai gia nhân đến núi Thành Hoàng rước lão ni Thanh Tịnh và gia quyến Cao Quốc Thái sang. Mọi sự đã ổn thỏa, Tế Ðiên mới cáo biệt trở về. Lương viên ngoại lấy ra mấy trăm lượng bạc xin với Tế Ðiên thổi y phục và làm lộ phí. Tế Ðiên cười ha hả, nói:

- Viên ngoại đừng có bận tâm! Hòa thượng ta thường nói: một không chứa tiền, hai không chứa oán, ngủ cũng yên giấc, đi cũng dễ dàng! Ta chẳng cần có tiền đâu!

Tế Ðiên cùng Tô Lộc cáo từ mọi người ra khỏi trấn Vân Lan, theo đường lớn thẳng một mạnh về Lâm An. Ðang đi gặp khí trời lạnh mát, Tế Ðiên cất tiếng ca:

Khí trời đang mát mẻ

Xua bực dọc thế nhân

Thong thả vào thánh lộ

Tiêu dao nào ngại chi

Tự do không ràng buộc

Ðịnh tánh vẫn an nhiên

Thỏng tay từ phàm thế

Cất bước đến cửa không

Vượt ngoài sanh tử lộ

Thong dong cõi an lành

Mồng một chẳng đốt nhang

Ngày rằm không bái sám

Ðiện trước tự do sập

Tường sau cỏ cứ len

Khách đến không trà nước

Bạn bè cóc đãi đằng

Ai chê mặc tình chê

Ai lạ thì cứ lạ

Thị phi dồn dập đến

Như gió thổi ngàn cây

Không cần khoe sức mạnh

Cũng chẳng lộ hùng tâm

Học đòi kẻ vô dụng!

Tế Ðiên và Tô Lộc cứ ngày đi đêm nghĩ, đói ăn khát uống, chẳng mấy chốc về tới Lâm An. Thấy một tửu quán bên đường, Tế Ðiên bảo:

- Bọn mình vào đây làm mấy chén giải nghề rồi đi tiếp!

Vừa bước vào quán thì thấy Tô Bắc Sơn cùng Tô Thăng ngồi phía trong uống rượu. Tế Ðiên vào, Tô Bắc Sơn lật đật chạy lại, nói:

- Bạch sư phó, lão nhân gia đã về rồi à! Trên đường đi chắc là cực nhọc lắm! Sư phó có tìm được Cao Quốc Thái không? Còn Phùng Thuận đâu?

Tế Ðiên mới đem sự việc của Cao Quốc Thái đầu đuôi thuật lại. Tô Bắc Sơn nói:

- À ra là thế! Báo hại sư phó phải cực nhọc quá chừng! Thôi, xin mời ngồi! Ngồi xuống đây uống với đệ tử vài chén!

Tế Ðiên cùng với Tô viên ngoại vừa mới ngồi xong, bỗng từ ngoài xồng xộc đi vào một ông già, đầu tóc trắng phau, mày râu cũng trắng nốt, tay cầm cây gậy nhắm ngay đầu Bắc Sơn giáng xuống. Tô viên ngoại lật đật né ngang, sợ đến nỗi mặt mày biến sắc, nói:

- Hàn lão trượng! Chúng ta là chỗ quen biết xưa nay! Hơn nữa, từ trước tới giờ có thù oán gì đâu mà lão trượng lấy gậy đánh tôi như thế? Có chuyện gì vậy?

Tô Bắc Sơn, hôm nay ta hận không đập chết mi được, mạng già ta mà kể số gì! Con ta đã lên huyện Tiền Ðường báo cáo, còn mạng già này sẽ treo cổ ở cổng nhà mi đế báo oán đây!

Tô Lộc, Tô Thăng vội níu chặt lão già lại, làm lão nổi giận, mặt tái xanh tái xám. Tô Bắc Sơn không rõ nguyên cớ tại sao. Hai gia nhân dìu lão trượng ngồi xuống ghế nghỉ. Tô Bắc Sơn nói:

- Thưa Hàn lão trượng, xin người đừng nói vội! Có chuyện gì ghê gớm mà đến nỗi đòi cất chỗ đội nón của tôi vậy? Lão trượng nói rõ cho tôi biết.

Hàn lão trượng ngồi xuống nghỉ một lát, rồi thở dài đáp:

- Này Tô Bắc Sơn, con tôi nó thiếu ông hai trăm lượng bạc phải sập tiệm đóng cửa, định bán nhà trả tiền lại cho ông, ông chẳng những không chịu mà còn phái côn đồ đến bắt con gái tôi đi, còn đánh con tôi bị thương nữa. Bộ tính bắt người thế tiền sao? Họ Hàn nhà tôi, đời đời làm nghề buôn bán, vô cớ ông cướp con gái tôi đi là nghĩa lý gì?

- Thưa lão trượng, việc lão trượng vừa nói có đúng thật không? Tôi thật không hay biết tí gì về việc này cả! Trong đó chắc có duyên cớ gì đây, nhưng không phải là gia nhân, thủ hạ của tôi, vì sao lão trượng lại hỏi tôi cớ sao lại làm việc thương luân bại lý như vậy? Mà ai đi đòi tiền lão trượng kia chứ?

- Rõ ràng là gia nhân của ông chứ còn ai. Hồi đó đưa tiền cho con tôi cùng là nó chứ ai.

Tô Bắc Sơn ngồi cố nhớ hồi lâu cũng không nhớ ra. Tế Ðiên cười ha hả, nói:

- Tô Bắc Sơn, Hàn lão trượng, không có gì phải gấp! Ðể ta đưa hai vị đi kiếm người đó cho, mà trước hết Hàn lão trượng phải cho người kêu Hàn Văn Thành về, khỏi phải đi cáo quan làm chi cho mệt!

Bèn sai Tô Thành đi tìm Hàn Văn Thành, giây lát sau Hàn Văn Thành về tới. Vừa gặp Tô Bắc Sơn, Hàn Văn Thành hai mắt đỏ ngầu trợn trừng trừng nói:

- Tô Bắc Sơn, tôi thí mạng cùi với anh đây.

Tô Bắc Sơn vội nói:

- Hiền đệ, lâu nay chúng mình qua lại thân thiết, chú thiếu tôi hơn 200 lượng tôi đâu có ý đòi, làm sao có chuyện cướp người? Chuyện này là đổ oán cho tôi đó!

- Rõ ràng là gia nhân của anh đến cướp em gái của tôi, lại còn đánh cho tôi thương tích đầy mình như vậy mà anh còn chưa nhận à?

- Hôm nay có Tế sư phụ ở đây, chúng ta phải đem chuyện này nhờ người gỡ rối mới được!

Tế Ðiên nói:

- Các ngươi đừng tranh luận gì cho mất công, cứ đi theo ta chút nữa ngô khoai gì ra khỏi quán, thẳng về hướng Nam, vào một ngõ hẻm, đến trước cửa một nhà trọ, Tế Ðiên kếu lớn:

- Tô quản gia, tiền đem trả cho ông đây!

Một người từ trong nhà đi ra. Tô Bắc Sơn, Hàn lão trượng và mọi người đồng thanh: À, thì ra là hắn.

Tế Ðiên nắm chặt kẻ hành hung tác ác lại.*

 

 - o0o -

 Hồi thứ 24-27 | Mục Lục | Hồi thứ 38-42

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính : Tịnh Nguyên, Tịnh Hương, Thanh Tuấn, Bảo Tịnh
Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

xÃƒÆ 护法 Mắt 僧人心態 bạn 山梨県正覚寺 æåŒ CÃn tho ý nghĩa dâng hương Ao 五痛五燒意思 om mani padme hung vô lý thị 日本的墓所 Ð Ð Ð Yêu vÙi 除了学习外 平时有时间也会多看看书 妙蓮老和尚 Bún trả can điểm thi nghiep qua se ra sao tháng ngày yên ả Vài chua thanh an القانون العام والقانون giận cong 座禅の組み方 Ä á an chay huong neu tri tue khong co dao duc soi duong vẠlãå 弘忍 31 dao tin 580 651 t l phật giáo là trí tín chứ không mê tín cận CÃƒÆ chua to ma Thể dục giúp làm dịu các bất ổn 願力的故事 dau chan voi chua 具一切功德 Nghi thuc tung kinh