Truyện Phật Giáo - Nhà khổ hạnh và gã lang thang.

 

 

 

Nhà khổ hạnh và gã lang thang

 

Nguyên tác: Hermann Hesse

Bản dịch: Trí Hải

 

--- o0o ---

 

CHƯƠNG I

 

Trước vòm cung hình bán nguyệt có những cột trụ đôi chống đỡ, lối vào tu viện Thánh Ân, một cây giẻ - đứa con độc nhất của miền Nam mà ngày xưa một thầy dòng từ La-Mã mang đến - vươn lên ngay bên vệ đường, thân mình cường tráng. Tàng cây tròn trải ra trùm trên mặt đường trong một dáng điệu trìu mến và thở nhẹ trong gió như một lồng ngực đang phập phồng. Về mùa Xuân, trong khi vạn vật quanh nó đã xanh rờn và những cây phỉ của tu viện cũng đã khoác lại bộ lá non màu hung, mùa trổ lá cây giẻ này vẫn còn phải đợi rất lâu. Rồi vào thời đêm ngắn nhất, nó tủa ra ngoài các khóm lá một mùa rộ nở dị thường những tia hoa nhạt màu trăùng và xanh lục. Cùng với mùi hương cay nồng của nó, những kỷ niệm vụt khởi, những cõi lòng se lại. Vào tháng mười, khi mùa hái trái và gặt nho đã chấm dứt, từ tàng lá vàng hoe những trái giẻ rơi rụng trong lá thu. Những trái giẻ lởm chởm gai mà không phải năm nào cũng chín, được những oắt con trong tu viện giành nhau để nhặt. Người phụ tá tu viện trưởng, cha Phúc, người đến từ “xứ La-Tinh”, cho nướng hạt giẻ trên lò sưởi. Trên lối vào tu viện, thân cây đẹp của xứ lạ dang ra những cành uốn gợn, với cõi lòng đầy yêu thương, kẻ lữ khách hơi nhát lạnh ấy đến từ một miền khác khí hậu, có những dãy liên hệ huyền nhiệm với những chiếc cột trụ nhỏ thon bằng đá hoa sánh đôi ở các cửa, với tràng hoa trang hoàng trên các khung tò vò, với các vòm cửa và cột ; đây là đứa con yêu của những người Pháp và Ý, kẻ lạ mà người bản xứ phải há hốc mồm nhìn.

Dười bóng cây, nhiều thế hệ học trò đã đi qua, với những bảng con cặp dưới cánh tay, chuyện vãn, cười đùa, gây gỗ, chân trần hay mang giày tùy theo tiết mùa, miệng ngậm một chiếc hoa, răng cắn hạt hồ đào hay tay cằm một trái banh tuyết. Luôn luôn có những trẻ khác đến. Sau vài năm, nơi đây chỉ còn có những bộ mặt mới mà phần đông đều giống nhau : những trẻ tóc hung đánh thành từng lọn. Một số ở lại tu viện, trở thành những tân tòng, những thầy dòng, được cạo đầu, mặc áo thun đọc sách, dạy trẻ, già rồi chết. Những trẻ khác, sau khi đã học xong, được cha mẹ đem trở về lại trong những lâu đài của họ, những ngôi nhà thương gia hay thợ thuyền. Có người đi đây đi đó, mãi mê theo những cuộc chơi, theo các nghề nghiệp, rồi thỉnh thoảng tình cờ trở về viếng thăm tu viện. Khi trở thành người lớn, đem theo con trai đến trường những thầy dòng, họ ngước nhìn lên cây giẻ một lúc với những đôi mắt tươi cười chứa đầy kỹ niệm, rồi lại đi biệt. Trong những phòng nhỏ phòng lớn của tu viện, giữa những vòm cung khổng lồ của các cửa sổ và những cột đôi vạm vỡ bằng đá sỏi hồng, những người đàn ông sống, dạy trẻ, học hành, quản trị, điều khiển. Ở đây họ đào luyện những kiến thức và những nghệ thuật rất khác nhau, thuộc về đạo và tục, mỗi thế hệ truyền cho thế hệ sau những kiến thức đã đưa ra ánh sáng và những gì đang còn trong bóng tối. Họ viết sách, bình luận sách, nghĩ ra những triết thuyết, họ sưu tầm những trước tác thời cổ, vẽ những bức họa trang hoàng các thủ bổn, họ duy trì những tín ngưỡng phổ thông, họ chế nhạo những tín ngưỡng phổ thông. Kiến thức bác học và sự sùng tín, tính ngây ngô và ranh mãnh, túi khôn của Phúc Âm và túi khôn thuộc truyền thống Hy-Lạp, ma thuật và ảo thuật, tất cả đều sinh sôi nẩy nở ở đây, nơi đây có chỗ đứng cho mọi sự. Có chỗ đứng cho cuộc đời cô độc và sự sám hối, cũng như có chỗ đứng cho đời sống xã hội và cho mỹ vị cao lương : tùy theo cá tính của vị tu viện trưởng đang tại chức và những trào lưu chính đương thời mà ý hay khuynh hướng kia thắng thế. Vào một vài thời kỳ, điều làm cho tu viện này nổi tiếng, điều lôi cuốn khách đến viếng thăm là những bùa phép trừ ma quỷ ; vào những thời khác, là âm nhạc diễm lệ của tu viện, đôi khi đấy là thánh cách của một trong những thầy đã chữa lành bệnh và làm những phép lạ, đôi khi lại là những món cháo cá măng hay chả gan nai, mỗi thời một thứ. Và trong số những thầy dòng cùng những học trò sùng đạo nhiệt thành hay lơ lửng, trong số những nhà khổ hạnh và những người bụng phệ, trong số những người đàn ông đến để sống rồi chết ở đây, ta luôn luôn tìm thấy một nhân cách độc đáo, một kẻ mà mọi người đều yêu hay ghét, một kẻ dường như đã được chọn lựa, một hình bóng mà người ta còn nhắc đến mãi về sau, khi những kẻ đồng thời đã bị lãng quên.

Vào thời câu chuyện của chúng ta, ở tu viện Thánh Ân cũng có hai bộ mặt đặc biệt : một ông già và một thanh niên. Trong đám những sư huynh tràn khắp các chỗ đi dạo, các nhà nguyện và phòng học, có hai người mà ai cũng biết đến và tất cả đều nhìn vào. Đấy là tu viện trưởng Từ Vân, ông già, và người môn đệ Huyền Minh, một thanh niên vừa khởi đầu giai đoạn tân tòng. Trái ngược với tập tục, do những năng khiếu xuất sắc của chàng, người ta đã cho chàng làm giáo sư, nhất là về tiếng Hy Lạp. Trong tòa nhà, cả hai người, vị tu viện trưởng cũng như người môn đệ, đều được trọng nể. Người ta quan sát họ, họ gợi trí tò mò, lòng thán phục, thèm thuồng, và người ta cũng lén nói xấu họ nữa.

Hầu hết mọi người đều yêu mến vị tu viện trưởng. Ngài không có kẻ thù. Ngài là tất cả sự tử tế, bình dị, tất cả sự khiêm nhường. Chỉ có những bậc học giả trong tu viện là có lẫn trong lòng kính trọng của họ một chút khinh lờn. Vì mặc dù cha Từ Vân có thể là một vị thánh, ngài tuyệt nhiên không phải là một nhà thông thái. Ngài có một đức bình dị thật hiền thánh, nhưng về tiếng La Tinh Ngài rất tầm thường, và về tiếng Hy Lạp thì Ngài không biết một chữ.

Những người ấy - không nhiều - những người thỉnh thoảng hay cười cái đơn giản của vị tu viện trưởng, lại càng say mê hơn cái duyên dáng của Huyền Minh, vị thần đồng, chàng thanh niên đĩnh ngộ rất giỏi tiếng Hy Lạp, có phong độ hiệp sĩ, cái nhìn trầm tư bình thản và sâu sắc, đôi môi mỏng đẹp với những đường nét nghiêm nghị. Những học giả yêu mến chàng vì chàng sành sỏi tiếng Hy Lạp, và hầu hết mọi người đều chuộng vẻ cao quý và tế nhị của chàng, rất nhiều người say mê đức tính ấy nơi chàng, nhiều người phải lấy làm bất mãn. Tu viện trưởng và môn đệ, mỗi người đều mang lấy số phận “kẻ được chọn” của mình theo một cách riêng. Mỗi người đều thấy gần gũi người kia hơn là đối vối những người khác trong tu viện. Tuy thế người này không tìm thấy con đường của người kia, cõi lòng người này không thể ấm lại trước hiện diện của người kia. Vị tu viện trưởng đối xử với thanh niên rất dè dặt, nể vì, rất lo lắng về chàng như đối với một người đàn em anh hoa phát tiết, một tâm hồn trưởng thành quá sớm, và có lẽ một linh hồn đang lâm nguy. Chàng trai trẻ tiếp nhận tất cả những mệnh lệnh, tất cả những lời khuyên bảo, tất cả những lời khen ngợi của vị trưởng tu viện với một thái đội không thể chê trách. Chàng không bao giờ nói ngược lại, không bao giờ phật ý, và nếu vị tu viện trưởng phán đoán đúng về chàng, nếu khuyết điểm độc nhất của chàng là kiêu ngạo, thì chàng biết cách che dấu khuyết điểm ấy một cách thần tình. Người ta không thể trách cứ gì về chàng, chàng thật hoàn toàn, chàng cao vượt tất cả. Tuy nhiên chàng không có nhiều bạn thực thụ, chỉ có thiên tài xuất chúng bao phủ chàng như một bầu không khí giá băng.

Sau một lần xưng tội, vị tu viện trưởng bảo chàng :

- Huyền Minh, cha nhận lỗi vì đã phê phán con quá nghiêm khắc. Cha thường cho rằng con kiêu ngạo, nhưng có lẽ cha đã bất công với con. Con quả thật cô đơn, Huyền Minh ạ. Con có những người thán phục, nhưng không có bạn. Cha rất muốn thỉnh thoảng có chuyện để chê trách con, nhưng cha không tìm thấy. Cha rất muốn thỉnh thoảng con phạm một điều dại dột nào đó, như những thanh niên vào tuổi con dễ dàng phạm phải, nhưng con không bao giờ phạm. Đôi khi cha lo ngại cho con đấy, Huyền Minh.

Người trẻ tuổi ngước đôi mắt đen nhìn ông già :

- Thưa cha, con vô cùng mong muốn đừng làm gì để cha phải lo lắng. Rất có thể là con kiêu ngạo, thưa cha, và con xin cha hãy trừng phạt con về lỗi ấy. Đôi lúc chính con cũng có ước muốn tự trừng phạt. Xin cha hãy gởi con vào một nhà biệt trú, hay bắt con làm những công việt hèn mọn.

-Con còn quá trẻ, không hợp với cả hai chuyện ấy. Vả lại, con có những năng khiếu cao vượt về các ngôn ngữ và về suy tư, nên thật lãng phí những bẩm phú của thượng đế nếu đặt con vào những việc tầm thường. Chắc chắn con sẽ trở thành một giáo sư, một nhà uyên bác. Chính con lại không mong mỏi điều ấy hay sao ?

- Thưa, xin cha thứ lỗi, con chưa nhất định hẳn về những ước muốn của con. Con luôn luôn ham thích các môn học thuật, điều ấy làm sao có thể khác hơn được ? Nhưng con không nghĩ rằng học thuật phải là môi trường hoạt động độc nhất của con. Chắc hẳn không phải ước muốn của một con người luôn luôn điều khiển vận số và sứ mệnh của họ, mà một cái gì khác : một tiền định.

Tu viện trưởng lắng nghe, vẻ nghiêm trọng lộ rõ trên khuôn mặt già nua. Rồi ngài thoáng nụ cười bảo :

- Nếu cha đã học không sai về sự tìm hiểu con người, thì tất cả chúng ta, nhất là vào thời niên thiếu, đều có khuynh hướng lẫn lộn thiên ý với những ước nguyện riêng tư của mình. Nhưng hãy nói cha nghe, vì con nghĩ là đã biết trước sứ mệnh mình - thế thì con nghĩ con có thiên chức gì ?

Đôi mắt u buồn của Huyền Minh khẽ khép lại, biến mất dưới làn mi đen dài, chàng vẫn im lặng.

- Nói đi, con.- Tu viện trưởng lại nhắc, sau một hồi chờ đợi.

Với giọng nói nhỏ, mắt nhìn xuống, Huyền Minh bắt đầu :

- Thưa cha, con tưởng con biết rằng trước hết con được chọn để sống đời tu sĩ. Con sẽ trở thành thầy dòng, con nghĩ thế. Con sẽ trở thành linh mục, phụ tá tu viện trưởng, và có lẽ thành tu viện viện trưởng. Không phải con tưởng như thế bởi vì con ước muốn được như thế. Những ước nguyện của con hoàn toàn không hướng đến những nhiệm vụ ấy, mà trái lại con sẽ bị gán ép đảm nhận chúng.

 Rất lâu, cả hai đều im lặng.

- Vì sao con nghĩ thế ?.- Ông già ngập ngừng hỏi. Ngoài tri thức ra, con cảm thấy trong con có những khuynh hướng gì khiến con phát lộ một lòng tin chắc như thế ?

Huyền Minh chậm rãi thưa :

- Đấy là khả năng trực nhận bản chất và định mệnh của những con người. Không những định mệnh của con mà còn của những người khác nữa. Đấy là một năng khiếu khiến con phụng sự kẻ khác bằng cách thống trị họ. Nếu con không được sinh ra để sống đời tu sĩ, thì có lẽ con sẽ trở thành thẩm phán hoặc chính khách.

- Có thể như thế - vị tu viện trưởng tán đồng. Con đã từng thử khả năng của con về việc thấu hiểu con người và số mệnh họ vào những trường hợp riêng rẽ nào chưa ?

- Con đã thử.

- Con có sẵn sàng cho cha một ví dụ ?

- Con sẵn sàng.

- Tốt. Vì cha không muốn dò những bí mật của các sư huynh khi vắng mặt họ, con có thể nói cha nghe những gì con cho là con biết về cha, Từ Vân, tu viện trưởng của con không ?

Huyền Minh ngước đôi mi dài, nhìn vào mặt tu viện trưởng :

- Thưa cha, đấy có phải là một mệnh lệnh của cha ?

- Phải đó.

- Con không dễ nói ra, thưa cha.

- Cha cũng thế, cha không muốn buộc con nói, Huyền Minh, nhưng bây giờ cha bất buộc con. Nói đi.

Huyền Minh cúi đầu nói trong làn hơi thì thào :

-Về cha, có rất ít điều con biết được, thưa cha. Con biết rằng cha là một bề tôi của Chúa, thích chăn giữ đàn chiên hay rung chuông trong một nhà biệt trú và nghe những dân quê xưng tội hơn là cai quản một tu viện lớn lao. Con biết cha có một lòng sùng ái đặc biệt đối với đức Mẹ, và cha thích đọc những lời cầu nguyện với Ngài. Đối khi cha cũng cầu nguyện sao cho tiếng Hy-Lạp và những môn học thuật khác được đào luyện trong tu viện này sẽ không mang lại rắc rối và nguy ngập cho những linh hồn đã được phó thác cho cha. Đôi khi trong những lời cầu nguyện của cha, cha cầu sao cho cha đừng mất kiên nhẫn đối với người phụ tá của cha, cha Phúc. Đôi khi cha cầu mong một cái chết êm đềm và cha sẽ được toại ý, con tin thế. Cha sẽ có một giờ lâm chung êm đềm.

Một sự im lặng bao trùm căn phòng nhỏ, nơi tu viện trưởng cho tiếp kiến. Cuối cùng ông già nói tiếp :

- Con thật là một người mộng tưởng, con có những linh kiến - ông nói với giọng thân mật - tuy nhiên, người ta cũng có thể lầm lạc vì những ảo ảnh. Con đừng tin vào những linh kiến ấy. Chính ta cũng không tin gì chúng. Bây giờ ta muốn biết con có thấy ta nghĩ gì về tất cả việc này không?

- Thưa cha, con có thể thấy rằng cha có những cảm tình rất nhân hậu về việc ấy. Cha tự nhủ : “Đứa trẻ này đang lâm nguy. Hắn có những linh kiến, có lẽ hắn suy tư nhiều quá. Ta cũng có thể trừng phạt hắn, hình phạt sẽ không hại cho hắn. Nhưng hình phạt mà ta sắt gia cho hắn, ta sẽ tự gia cho mình…”. Đấy là điều mà cha đang nghĩ.

Vị tu viện trưởng đứng lên. Ngài mỉm cười ra hiệu cho người tân tòng lui ra.

- Rất tốt.- Ngài nói. Đừng quá xem trọng những linh kiến của con, Huyền Minh. Thượng đế còn đòi hỏi chúng ta khá nhiều việc khác hơn là có những linh kiến. Cứ cho là con đã làm hài lòng một ông già khi hứa với lão một cái chết thoải mái. Cứ cho là ông già ấy đã thích thú khi nghe sự hứa hẹn ấy. Bây giờ, thế đủ rồi. Ngày mai con phải đọc kinh một chuỗi sau khóa lễ buổi sáng, con phải đọc từ tận đáy lòng chứ không phải chỉ bằng môi mép. Và ta cũng sẽ làm thế. Bây giờ, con hãy đi đi, Huyền Minh Chúng ta đã nói chuyện khá nhiều.

Một lần khác, vị tu viện trưởng phải làm trọng tài giữa Huyền Minh và vị linh mục trẻ nhất đảm nhận chức vụ giáo huấn. Hai người không thể đồng ý về một điểm trong chương trình dạy dỗ ở trường. Huyền Minh tha thiết yêu cầu phải sửa đổi vài điểm trong việc học, vả chăng chàng biết cách biện minh cho sự sửa đổi ấy bằng những luận cứ hùng hồn, nhưng cha Trương, vì ganh tị không muốn nghe theo những lý lẽ ấy, và họ luôn luôn trở lại chuyện kia. Nhiều ngày trôi qua trong sự giận dỗi và im lặng cáu kỉnh cho đến một hôm Huyền Minh, chắc chắn mình có lý, trở lại đề nghị của mình. Cuối cùng, hơi phật ý, cha Trương tuyên bố :

- Được rồi, Huyền Minh, chúng ta sẽ chấm dứt cuộc tranh luận này. Chú cũng biết là chính tôi, chứ không phải chú sẽ giải quyết vấn đề. Chú không phải là người cộng sự mà chỉ là người phụ tá của tôi, và chú phải vâng phục. Nhưng tôi không hơn chú về kiến thức cũng như về tài năng, trong khi tôi là bề trên của chú theo giáo hệ. Bởi vấn đề đã làm chú thắc mắc nhiều như thế nên tôi không muốn tự mình giải quyết cuộc tranh biện. Chúng ta sẽ đạo đạt lên tu viện trưởng và thỉnh cầu ngài định đoạt.

Họ đến vị tu viện trưởng, và cha Từ Vân kiên nhẫn, từ tốn lắng nghe hai vị học giả với những quan niệm khác nhau của họ về sự dạy dỗ và về văn pháp. Khi họ đã trình bày kỹ lưỡng và biện minh cho quan niệm của mình xong, ông già nhìn họ một cái nhìn đầy ranh mãnh, khẻ lắc lắc chiếc đầu già nua và bảo :

- Này các con, chắc chắn là các con không ai nghĩ rằng cha lại thông hiểu việc ấy bằng các con. Điều tốt là Huyền Minh đã để tâm đến những công việc của học đường, đến cố gắng cải thiện chương trình. Nhưng nếu kẻ bề trên của mình có ý kiến khác, thì Huyền Minh chỉ có việc im lặng và vâng lời. Tất cả những sự cải thiện học đường sẽ không bù được tai hại, nếu vì chúng mà trật tự và tinh thấn vâng phục bị lung lay trong tu viện. Cha phiền trách Huyền Minh đã không biết nhường nhịn. Và, hỡi hai nhà thông thái trẻ tuổi, cha cầu mong cả hai con sẽ không bao giờ thiếu những vị bề trên ngu dốt hơn mình, vì không cách gì tốt hơn để đối trị lòng kiêu căng.

Với lời nói đùa vô hại ấy, ngài cho cả hai lui ra, nhưng những ngày kế tiếp ngài không quên để mắt xem hai thầy giáo ấy có hòa thuận không.

Rồi, một nhân vật mới bỗng xuất hiện trong tu viện, nơi biết bao nhiêu bộ mặt đã đi qua. Nhưng bộ mặt mới này không phải là một trong những khuôn mặt người ta không chú ý hay vội quên đi. Đấy là một cậu trai đã được thân phụ giới thiệu trước, đến vào một ngày mùa Xuân để học ở trường của tu viện. Hai cha con buộc ngựa cạnh cây giẻ, và thầy thủ môn ra cổng đón. Cậu trai ngước nhìn cây cao còn trụi lá, bảo :

- Từ trước đến nay con chưa bao giờ thấy một cây như vậy, một cây xinh đẹp, rất lạ. Con muốn biết nó gọi là cây gì.

Người cha một người đàn ông trọng tuổi, với bộ mặt ưu tư, hơi kiêu, không buồn chú ý đến câu hỏi của con. Nhưng thầy thủ môn liền nói cho cậu biết, cậu đã làm ông ưa ngay khi vừa gặp. Cậu bé nhã nhặn cảm ơn, chìa tay bắt :

- Tôi tên Đan Thanh, đến đây học.

Thầy thủ môn trả lời cậu bằng nụ cười khả ái và đi trước hai người, ông vượt qua cửa chính và bước lên những bực đá lớn. Không ngập ngừng, Đan Thanh đi vào tu viện với cảm nghĩ đã gặp được hai sinh vật mà cậu có thể làm bạn : cây giẻ và thầy thủ môn.

Những người khách được cha hiệu trưởng tiếp, và buổi chiều lại gặp tu viện trưởng. Người cha, một quan viên có thanh thế, giới thiệu cậu trai tên Đan Thanh, ông ta được mời lưu lại ít lâu làm khách. Tuy nhiên ông chỉ nhận ở lại một đêm, bảo phải đi ngay hôm sau, ông biếu tu viện một trong hai con ngựa. Cuộc đàm thoại với những nhà tu diễn ra trong bầu khí trịnh trọng, lãnh đạm, nhưng những tia nhìn của tu viện trưởng cũng như hiệu trưởng đều âu yếm đừng lại trên Đan Thanh, lúc ấy vẫn kính cẩn lặng im. Cậu bé đĩnh ngộ vẻ đa cảm này được lòng họ ngay. Hôm sau, họ để người cha ra đi không lưu luyến, nhưng họ rất sung sướng giữ lại cậu con.

Đan Thanh  được giới thiệu với những thầy giáo và người ta cho cậu một chiếc giường ở phòng ngủ học sinh. Một cách kính cẩn, nét mặt đượm buồn, cậu từ giã người cha đang lên ngựa trở về, đôi mắt nhìn theo cho đến khi ông khuất dạng giữa vựa lúa và nhà xay dưới vòm cung hẹp của cổng ngoài tu viện. Khi cậu quay lại thì một giọt nước mắt long lanh dưới hàng mi dài màu hung. Nhưng thầy thủ môn đã tiến đến vỗ vai thân mật :

- Này cậu, - ông nói để an ủi cậu bé - cậu không nên buồn. Hầu hết mọi học sinh lúc đầu đều hơi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em. Nhưng rồi cậu xem, không bao lâu cậu sẽ thấy ở đây người ta cũng sống được, không đến nỗi tệ.

- Cám ơn, thưa thầy thủ môn - cậu bé nói - tôi không có anh, chị, hay em nào, tôi không có mẹ, tôi chỉ có cha.

- Thế thì thay vì cha cậu, cậu sẽ tìm thấy ở đây những bạn hữu, sự hiểu biết và âm nhạc, và những trò chơi mới mà cậu chưa biết và những thứ này thứ nọ, để rồi cậu xem. Và khi cậu cần một người yêu thương cậu, cậu chỉ cần đến với tôi.

Đan Thanh cười đáp lời ông :

- Ồ, tôi cám ơn thầy lắm. Nếu thầy muốn làm cho tôi vui, xin thầy chỉ ngay cho tôi con ngựa nhỏ mà cha tôi để lại hiện ở đâu. Tôi rất muốn chào nó và xem nó có được an ổn không.

Thầy thủ môn liền dẫn cậu đến chuồng ngựa cạnh vựa thóc. Ở đây, trong bóng mờ ấm áp, một mùi nồng nặc xông lên, mùi phân và mùi lúa kiều mạch, và trong một ngăn chuồng, Đan Thanh tìm thấy con ngựa đã mang cậu đến đây. Cậu choàng tay qua cổ con vật đã nhìn ta cậu và đưa chiếc đầu về phía cậu, đoạn áp má trên chiếc trán rộng điểm lông trắng và âu yếm vuốt ve con ngựa, vừa nói nhỏ vào tai nó :

- Chào mày. Mây Mây, con vật nhỏ tốt bụng của ta ơi. Mày có được mạnh không ? Có yêu ta luôn luôn không ? Mày ăn có được không ? Lại mày nữa, mày có còn nhớ nhà không ? Mây Mây, hỡi con ngưa nhỏ cưng của ta ơi, thật may mắn xiết bao là mày đã ở lại đây. Ta sẽ thường đến thăm và chăm sóc cho mày.

Cậu bé rút từ tay áo một khúc bánh mì cậu đã để dành từ bữa ăn trưa và bẻ từng mẩu cho ngựa ăn. Rồi cậu chào từ giã nó và theo thầy thủ môn đi qua koảng sân rộng như một khoảnh họp chợ của một thành phố lớn, một phần có trồng cây Điền-mã. Ở lối vào các tòa nhà, cậu cám ơn thầy thủ môn và chìa tay cho ông, nhưng cậu bỗng quên đường đi tới lớp mà hôm trước người ta chỉ cho cậu. Mỉm cười hơi đỏ mặt, cậu xin thầy thủ môn hướng dẫn, ông ta vui vẻ làm. Cậu đi vào lớp, ở đây chừng hơn mười trẻ con và thiếu niên đang ngồi trên những chiếc nghế dài. Người phụ giáo Huyền Minh quay lại, cậu bé nói :

- Tôi là Đan Thanh, học trò mới.

Huyền Minh trả lời cậu bằng một cái chào ngắn ngủi, không mỉm cười, chỉ cho cậu một chỗ trên ghế dài cuối lớp, và tiếp tục ngay bài học.

Đan Thanh ngồi xuống, cậu ngạc nhiên thấy một thầy giáo quá trẻ, không lớn hơn cậu bao nhiêu. Cậu cũng ngạc nhiên và sung sướng thấy thầy giáo trẻ này đẹp trai, xuất chúng, nghiêm trang mà đồng thời cũng dễ gây thiện cảm và vô cùng khả ái. Thầy thủ môn đã rất tử tế với cậu, tu viện trưởng đã tiếp đón cậu với niềm hoan hỷ, dưới kia, trong chuồng ngựa thì có Mây Mây, và nó lại là một mẩu nhỏ của gia đình, rồi thì còn có thầy giáo trẻ măng, nghiêm nghị như một nhà bác học, thanh lịch như một hoàng tử, với giọng nói chững chạc, thản nhiên, rõ ràng, thuyết phục người nghe. Cậu lắng nghe lòng đầy cảm ân, mặc dù không hiểu rõ đang nói về vấn đề gì. Cậu  cảm thấy mình sung sướng trở lại. Cậu đã được vào một ngôi nhà gồm những người đáng cho cậu yêu mến và cậu sẵn sàng yêu họ và được tình bạn của họ. Buổi sáng, khi thức giấc trong giường cậu đã cảm thấy buồn bã. Cậu còn mệt vì cuộc hành trình. Khi từ giã cha, cậu đã không khỏi khóc chút đỉnh. Nhưng bây giờ, mọi sự đều tốt đẹp, cậu lấy làm hài lòng. Cậu nhìn thầy giáo trẻ rất lâu, đôi mắt của cậu cứ hướng về người ấy. Cậu vui thích nhìn bóng dáng cao dong dõng và thẳng của chàng, nhìn đôi mắt lạnh lùng kia phóng ra những tia sáng, nhìn đôi môi nghiêm nghị đang đọc những ngữ âm với sự rõ ràng chắc chắn, cậu vui thích nghe giọng nói nhẹ nhàng không mệt mỏi của chàng.

Nhưng khi bài học đã chấm dứt và những học trò ồn ào đứng lên, Đan Thanh giật mình hơi thẹn thùng nhận ra mình đã ngủ một lúc khá lâu. Và không phải chỉ mình cậu nhận ra, những người bên cạnh cũng đã chú ý và thì thào bảo nhau. Vừa khi vị thầy trẻ rời khỏi phòng, bạn bè liền co kéo và đẩy Đan Thanh khắp mọi phía.

- Mày ngủ đã phỉ sức chưa ?.- Một đứa nhăn mặt hỏi.

- Thật là một học trò xuất sắc. Nó sẽ là một ngôi sao sáng của nhà thờ ngủ gật ngay bài học đầu tiên.

- Ta đem thằng bé con này vào giường đi.- Một đứa khác đề nghị.

Rồi chúng nắm tay chân cậu lôi đi giữa những tràng cười lớn. Giật mình thức dậy, Đan Thanh giận dữ tả xung hữu đột, cố thoát và nhận những cú đấm bất ngờ. Cuối cùng chúng thả cậu xuống đất trong khi một đứa trong bọn oắt con còn giữ một bàn chân cậu. Cậu hung dữ cố thoát, nhảy bổ vào đứa bắt được đầu tiên, và cho nó một trận. Đó là một thằng nhóc khá mạnh, mọi người tò mò nhìn hai kẻ đánh nhau. Cậu đã cho đối thủ lực lưỡng nhiều cú đấm, nên có ngay những người bạn trước khi biết tên. Nhưng bỗng chốc, chúng chạy biến mất và vừa khuất dạng thì cha Lương, Giám thị phòng học, đi vào đứng trước mặt cậu học trò mới, lúc ấy chỉ còn một mình. Ngạc nhiên, ông nhìn cậu bé đang lúng túng ngước nhìn ông với một bộ mặt đỏ tía còn in dấu những cú đấm.

- Con làm sao thế ? Ông hỏi.- Con là Đan-Thanh phải không ? Có phải chúng nó đã làm gì con rồi không, tụi ranh mương ấy ?.

- Ồ không.- Cậu bé nói, con bị thua.

- Con bị thua ai ?

- Con không biết. Con chưa biết một người nào cả. Có một người đã đánh lộn với con.

- A ! Có phải chính nó đã gây sự không ?

- Con không biết. Không, con nghĩ có lẽ là chính con đã khởi sự. Chúng chế nhạo con, nên con nổi cáu.

- Ồ, con nhập đề khá đấy, con ơi ! Như vậy, con hãy nhớ kỹ điều này. Lần sau nếu con còn khởi sữ đánh lộn trong lớp nữa, con sẽ bị phạt. Còn bây giờ, hãy đi ăn đi nào !

Và đôi mắt tươi cười của ông dõi theo Đan Thanh đang bẽn lẽn chuồn đi, vừa lùa các ngón tay sửa mớ tóc hung bù rối.

Đan Thanh cũng tự nghĩ, công trạng hiển hách đầu tiên của cậu ở tu viện thật không đúng lối, thật khá lố bịch. Rất hối, cậu tìm đền các bạn cùng lớp đang ngồi ăn. Nhưng sự tiếp đón của họ đầy thịnh tình và tử tế. Vốn có tinh thần thượng võ, cậu giảng hòa với kẻ nghịch ngay giờ phút ấy, thấy mình được đón tiếp nồng hậu.

 

(Còn tiếp)

--- o0o ---

 

Chương 1 |Xem phần tiếp theo

 

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

 Cập nhật: 01-4-2005 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

弘忍 å çœ¼ä½ æ Từ thiện tha long theo Để драма18 Cồn Hoạ Bên 横浜 永代供養 Phật Tản mạn mùa hạ 淨行品全文 lien mÊç å ä¹ chua 我心中最亮的星体育健儿作文 the vn tÃƒÆ B o ngÒ 关于文化的名人名言 Tâm หลวงป แสง Suối Di tảo Đức Phật đối với quan hệ anh em thân ç½ åˆ¹å ³ chân Bến sông vàng phat HT tịnh ThẠnay cac ban tre xuat gia 簡単便利戒名授与水戸 å æ äº å Khám vô lý 心经 长寿和尚 激安仏壇店 chua thanh an 栃木県 寺院数