CHƯƠNG IX
Khi cu Lợi thức dậy thì trời đã tảng sáng. Nhìn lên chỏng tre, nó thấy u
nó nằm yên, hơi thở đều đặn. Lợi cảm thấy an tâm. Thang thuốc của ông
lang Ý Yên hay thật. Cả ngày hôm qua u nó quằn quại không ngớt vì đau,
vày mà hồi hôm uống bát thuốc vào bà đã nằm yên và ngủ được. Ông lang
sau khi bắt mạch và cho thuốc, đã về ngủ tạm ở nhà bác Trực ở dưới chân
núi. Trong nhà, ngoài u nó và nó, còn có bà Tư xóm dưới. Bà Tư cũng đến
từ chiều hôm qua. Bà thường hay đến giúp bà con trong xóm vào lúc sinh
nở. Người ta nói là bà có "kinh nghiệm". Hiện bà đang ngủ ở trên chỏng
của Lợi. Hồi hôm Lợi đã lấy rơm trải ra giữa nhà mà ngủ. Ban đầu nó nghĩ
rằng nó sẽ phải thức cả đêm để săn sóc cho u nó. Ai ngờ u nó uống thuốc
được một hồi thì nằm yên và sau đó thì bà ngủ thiếp đi. Lợi cũng ngủ
thiếp đi. Cả ngày lo lắng lăng xăng cho nên nó mệt và ngủ rất say.
Lợi đi xuống bếp. Hồi hôm nó đã sắc nước nhì của thang thuốc, bây giờ nó
định hâm lại cho u nó uống. Lợi rút một nắm rơm nhỏ dúi vào bếp trấu và
đợi. Một lát sau rơm ngún và có khói. Vẫn dí nắm rơm và bếp trấu, nó kề
mồm vào thổi nhẹ. Lửa bùng cháy. Lợi cầm một chiếc đũa tro cời cho trống
khoảng giữa ba ông đầu rau rồi đặt nắm rơm đang cháy vào đấy. Nó tiếp
rơm vào rồi lấy chiếc đũa tro chặn lên phía bên ngoài nắm rơm để cho rơm
cháy chậm. Xong, nó bắc một nồi nước đầy lên bếp. Vừa coi sóc cho lửa
cháy đều dưới nồi, Lợi vừa lấy mấy cục than tàu để trên lửa rơm cho cháy
xém trước khi gắp bỏ vào chiếc hỏa lò kê gần đấy. Sắc thuốc thì phải
dùng hỏa lò và than tàu. Than tàu còn ít lắm, chỉ đủ để hâm thuốc mà
thôi. Hôm qua ông lang Ý Yên bảo phải chuẩn bị than củi để phòng khi nó
sinh em bé thì đốt lên cho u nó sưởi. Bà Tư bảo than tàu đắt lắm. Bà sai
Lợi ra hốt một thúng trầu đỏ sẵn giữa nhà. Bà còn bảo nó đi kiếm củi gộc
đem vào. Củi gộc tức là gốc tre khô. Bà bảo khi cần sưởi thì đốt cho gộc
cháy rồi đổ trấu vào cho lửa cháy ngún. Bà Tư còn bảo Lợi kiếm cho bà
một thanh nứa để dành bà cắt nhau cho em bé.
Vừa đun bếp, cu Lợi vừa nghĩ đến công việc phải làm hôm nay. Có lẽ nó
phải thổi cơm cho bà Tư ăn. Nó phải nghĩ tới trả cá bống khi mặn gần như
còn nguyên, có thể dọn ra để bà Tư ăn với cơm. Như vậy là nó chỉ cần
thổi một niêu cơm là đủ. Bỗng Lợi nhớ ra rằng hôm nay là ngày mồng tám
tháng tư, ngày Phật Đản. Ngày hôm nay thiên hạ ai cũng ăn chay. Vậy là
trả cá bống không được tích sự gì rồi. Lợi đứng dậy, đi tìm hũ vừng. Nó
ôm hũ vừng mà lắc, còn một ít vừng, may quá. Nó sẽ rang muối vừng để bà
Tư ăn cơm, nhưng mà trước phải vo gạo để nấu cơm đã.
Suốt ngày hôm qua, cu Lợi lo lắng cuống cuồng, có nhiều lúc u nó đau đớn
đến chảy cả nước mắt. Lợi chịu đựng không nổi khi nghe tiếng rên siết
của u. Bố nó chết trận bên Chiêm năm ngoái. Bây giờ nếu u nó chết theo
thì nó sẽ trở nên mồ côi. Tiền bạc không có, làm sao có có thể đi rước
thầy thuốc về xem mạch cho u. U nó bảo nó chạy sang xóm bên mời bác Tư.
Bác Tư đã làm đủ cách nhưng cơn đau của u nó cũng không giảm xuống tí
nào. Bác đã đem gừng sống giã nhỏ pha với rượu để xoa bóp, đã dùng cả lá
trầu không và một mớ tóc rối để đánh gió cho u nó. Trong lúc hai bác
cháu còn đang cuống quít chưa biết làm gì hơn cho u nó bớt đau thì Ni Sư
Hương Tràng đến. Thì ra Tuất đã báo chi Ni Sư biết là u nó ốm nặng và nó
phải ở săn sóc cho u. Lạ quá, Ni Sư Hương Tràng không phải là thầy
thuốc, nhưng khi thấy bà vừa bước vào nhà Cu Lợi có cảm tưởng ngay rằng
mọi sự sẽ êm đẹp và u nó sẽ không còn đau đớn. Mà thật vậy, Ni Sư vừa
đặt tay lên trán của u nó thì u nó không còn rên siết nữa. Ni Sư dịu
dàng hỏi thăm u nó để biết xem trong người đau đớn như thế nào, và u nó
đã bình tĩnh trả lời từng câu một, không còn vừa nói vừa thở vừa khóc
hổn hển như trước. Sau đó, Ni Sư dặn bác Tư và nó ở lại trông coi và
thỉnh thỏng xoa bóp tay chân cho u nó trong khi Ni Sư sang Ý Yên mời ông
thầy thuốc.
Đó là khoảng xế chiều. Từ lúc Ni Sư đi khỏi, u nó có lên cơn đau hai lần
nhưng không còn dữ dội như trước. Có lẽ nhờ bác Tư và Lợi xoa bóp chân
tay theo lời Ni Sư dặn; cũng có lẽ là nhờ biết rằng Ni Sư sẽ trở về với
một ông thầy thuốc.
Đến tối mịt Ni Sư mới về tới. Có ông lang Ý Yên về theo với Ni Sư. Ông
mang theo một tay nải khá lớn. Có cả thằng Qúy và thằng Tâm đốt đuốc đi
theo để đưa đường cho hai người. Quý và Tâm cũng là người làng Hổ Sơn.
Chúng cũng là những em bé chăn trâu như cu Lợi.
Vào tới sân nhà, Ni Sư bảo Quý và Tâm dụi đuốc để dành, rồi bà đưa ông
lang về nhà, mời ông ngồi nghỉ và bảo cu Lợi đi nấu nước vối mời ông
uống. Sau đó, ông lang bắt mạch cho người bệnh. Bắt mạch xong, ông mở
tay nải bốc thuốc. Trong khi cu Lợi nhen hỏa lò sắc thuốc thì ông nói
với Ni Sư rằng chứng bệnh của u thằng Lợi là do sự buồn phiền và lo lắng
mà sinh ra. Thuốc của ông có công dụng an thần và tẩm bổ chứ không có gì
lạ. Ni Sư tiếp chuyện ông lang cho đến không nước nhất của thang thuốc
được sắc xong và u thằng cu Lợi được đỡ dậy để uống thuốc. Thuốc uống
xong, Ni Sư đỡ người bệnh nằm xuống rồi đắp chăn cho bà. Ni Sư nói:
- Uống thuốc này vào thì thế nào cũng khỏe, rồi bác sẽ sinh cháu dễ
dàng. Bác cứ niệm Phật Quan Âm một lát rồi ngủ. Này Lợi, bây giờ con sắc
nước nhì đi, để sáng mai hâm lại cho u con uống. Con đổ vào một bát rưỡi
nước lã và sắc lại còn nửa bát thôi nhé.
Ni Sư lại còn đến nắm tay bác Tư và dặn dò mấy câu. Rồi bà bảo Quý và
Tâm đốt đuốc lên, đưa thầy lang về nhà bác Trực ngủ tạm đêm nay và cũng
để đưa bà về núi. Trước khi đi, Ni Sư còn căn dặn cu Lợi là hễ có gì xảy
ra thì lên chùa báo tin cho Ni Sư biết.
U thằng cu Lợi nằm yên. Một lúc sau đó thì bà ngủ. Cu Lợi mừng quá. Nó
bưng cây đèn dầu lạc đi xuống bếp, định đi lấy gạo thổi cơm để dọn cho
bác Tư, nhưng nó vừa xuống tới bếp thì bác Tư cũng đã theo xuống, Bác
bảo rằng bác còn no lắm và cu Lợi chỉ cần nấu cơm đủ cho một mình nó ăn
thôi. Nghe bác nói thế, Lợi không nấu cơm nữa. Nó đi lấy bát xúc cơm
nguội còn lại trong nồi và xin phép bác Tư ngồi ăn ngay dưới bếp. Nó đem
trả cá bống không mặn ra để ăn với cơm nguội. Bác Tư kê một chiếc đòn
thấp rồi ngồi bên cạnh Cu Lợi. Bác nói:
- Cháu đừng lo. Bác nghe nói ông lang này giỏi lắm. Thế nào u cháu và em
bé cũng được bình an. May quá, nếu không có Ni Sư trên chùa đích thân đi
mời thì ông lang Ý Yên chẳng bao giờ bước chân tới nhà này đâu. Thế là
nhà cháu có phúc lắm đấy con ạ.
Cu Lợi vừa ăn vừa nghĩ đến tiền thầy và tiền thuốc cho u nó. Như đoán
biết được nó đang nghĩ gì, bác Tư lại nói:
- Mày đừng lo, cháu ạ. Ni Sư đích thân đi mời ông lang thì chắc chắn là
Ni Sư sẽ chu toàn cho u con mày, mà có thể ông lang vì nể Ni Sư mà không
lấy tiền chuyến này cũng không biết chừng. Cứ lạy Phật phù hộ cho u mày
mạnh khỏe mẹ tròn con vuông là quý rồi. Thôi, mày ăn cơm đi. Tao lên ngủ
một chốc, có gì thì gọi tao dậy nghe cu Lợi.
Cu Lợi đứng dậy định lấy đèn đưa bà Tư lên nhà trên nhưng bà đưa tay ra
hiệu bảo không cần. Bà Tư lên rồi. Cu Lợi ngồi xuống tiếp tục ăn cơm. Nó
gắp thêm một con cá bống để lên chén cơm. Trả cá này là do u nó kho,
nhưng u nó chưa hề động đũa tới, những con cá bống trong trả đều do Cu
Lợi câu được ở ngoài bờ sông. Nó nhớ tới buổi chiều hôm kia khi đang câu
cá ở bờ sông thì Tuất tới tìm nó. Ni Sư Hương Nghiêm bảo Tuất đi tìm Lợi
và gọi Lợi lên chùa để tập diễn lại cuối sự tích Phật tổ giáng sinh.
Tuất đến nhà Lợi thì u Lợi nói Lợi đang câu cá ở bờ sông. Tuất ra bờ
sông kiếm Lợi. Lúc đó giỏ cá của Lợi đã đầy tới nửa. Tuất tới nhìn vào
giỏ cá mà phần lớn là cá bống rồi nói với Lợi:
- Anh Lợi ác lắm, những con cá này hiền lành có làm gì Lợi đâu mà anh
Lợi lại bắt chúng lên để cho chúng chết?
Lợi ngước nhìn Tuất. Tuất mặc một chiếc áo cánh màu nâu non; tóc Tuất
xõa chấm trên hai vai, khuôn mặt xinh đẹp của Tuất sáng rỡ trong ánh
nắng chiều và hai mắt của Tuất đen láy. Lợi không biết trả lời Tuất ra
sao. Nếu gặp một người khác hỏi nó câu đó thì nó trả lời được ngay. Nó
sẽ trả lời rằng con người sinh ra đời phải ăn và phải uống, vì vậy mà từ
xưa tới nay người ta đã làm ruộng, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà và câu
cá. Trời sinh ra lúa gạo, lợn, gà, tôm, cá là để nuôi người. U Lợi đã
từng nói với Lợi như vậy, và người lớn nào cũng sẽ trả lời như vậy,
nhưng Lợi biết đối với Tuất nó không thể trả lời như thế. Tuất giống như
một cành hoa đào mong manh, trả lời như thế cũng giống như một luồng gió
mạnh tới thổi bay tất cả những cánh hoa đào mơn mởn. Tuất giống như một
tờ giấy trắng tinh, trả lời như thế cũng giống như làm đổ nghiên mực vào
tờ giấy. Lợi biết Tuất khờ dại ngây thơ nhưng trong thâm tâm nó không
dám chê cười sự khờ dại ngây thơ đó. Trái lại, nó còn thấy cái khờ dại
ngây thơ này như là một cái gì dịu hiền, trong trắng và đẹp đẻ. Có một
cái gì nơi Tuất khiến nó nghĩ tới Ni Sư Hương Tràng. Ni Sư Hương Tràng
thương yêu Tuất là phải, Lợi nghĩ như thế. Ni Sư là một người lớn, nhưng
nơi bà, Lợi thấy có sự hồn nhiên ngây thơ của những đứa trẻ con như
Tuất. Nó nghĩ có lẽ vì vậy mà nó yêu mến Ni Sư lạ lùng. Mỗi lần được
ngồi nghe. Ni Sư nói chuyện nó thấy trong lòng ấm áp, và sung sướng lạ
kỳ. Lợi đã gặp bao nhiêu người lớn, nhưng Lợi chưa bao giờ thấy được một
người lớn tươi mát như Ni Sư Hương Tràng của nó. Cần câu trong tay Lợi
chúi xuống nặng tay nó. Cá cắn câu. Nó giật lên. Một con cá bống lớn
bằng ngón chân cái của nó đang dãy dụa loang loáng dưới ánh nắng chiều.
Lợi chỉa thẳng cần câu lên trời để cho con cá xáp vào gần nó. Lợi đưa ta
ra nắm lấy con các bống và gỡ miệng cá ra khỏi lưỡi câu. Lúc đó, Tuất
cũng đã xáp lại gần. Tuất nói:
- Anh Lợi, anh cho Tuất con cá này đi.
Lợi nhìn Tuất hơi ngập ngừng nhưng cũng đưa con cá bống cho Tuất. Tuất
nắm lấy con cá, nhìn vào cái hàm cá nhỏ xíu bị chiếc lưỡi câu làm cho bị
thương gần như tọac ra. Nó xít xoa như chính nó bị đau. Rồi nó bảo:
- Tội nghiệp chưa, con cá đẹp thế này mà bị người ta móc lưỡi câu vào
hàm rồi kéo lên. Bống ơi, chị thả bống xuống nước rôi bống bơi cho xa,
đừng có trở lại loanh quanh ở bến này nữa nhé.
Tuất nói chính Tuất và con cá bống nghe nhưng Lợi có cảm tưởng như Tuất
nói những lời này chỉ là để trách móc Lợi. Nó chưa biết nói sao thì Tuất
đã thả con các bống xuống nước. Con cá lội đi rồi mà Tuất vẫn còn đưa
tay khoác nước như muốn đuổi con cá đi cho thật xa. Tuất lau tay vào
chéo chiếc áo cánh nâu non của nó rồi nói với Lợi:
- Thôi Tuất về nhé, anh Lợi. Anh nhớ lát nữa lên chùa, Ni Sư đợi anh
đấy.
Rồi Tuất đi, Từ đó về sau, Lợi không câu được con cá nào nữa. Đầu óc
ngẩn ngơ. Nó nghĩ lẩn thẩn rằng con cá bống mà Tuất thả xuống nước đã
báo cho những con cá khác mà lìa xa khúc sông Lợi đang câu. Nó cuộn cần
câu lại và xách giỏ cá về. Giao cá cho u, Lợi đi tắm, thay áo và lên
chùa. Nó vừa đi vừa suy nghĩ đến Tuất và con cá bống. Con cá bống hồi
nãy mà Tuất thả xuống sông có một liên hệ gì đó với con cá bống trong
truyện Tấm Cám mà nó đã từng nghe u nó kể nhiều lần. Nó thấy Tuất là chị
Tấm trong truyện và con cá bống sau này sẽ có thể làm cho Tuất trở nên
một bà hoàng hay một bà chúa. Nghĩ tới đây lại thấy sự việc dính vào
nhau rất lạ lùng. Ni Sư Hương Tràng của nó cũng là một bà chúa, và bây
giờ bé Tuất theo Ni Sư học đạo rồi cũng sẽ trở nên một bà chúa. Hồi còn
bố nó ở nhà nó đã từng nghe bố nó và u nó nói chuyện về Ni Sư Hương
Tràng với một thái độ kính phục. Nó nghe nói Ni Sư là một bà chúa đi tu.
Lúc ấy Lợi không thể tin rằng Ni Sư là một bà chúa được. Một bà chúa thì
phải sang trọng như tiên, quần áo lượt là, luôn luôn có người hầu hạ hai
bên, đi đâu cũng có kiệu rước và hai bên có lính hầu. Đằng này Ni Sư của
nó lại sống rất đơn giản như bất cứ người nghèo nào ở trong làng. Ni Sư
đi dép thật đấy, nhưng đó chỉ là dép cỏ. Áo Ni Sư mặc là áo nâu, một
chiếc áo nâu đã cũ và màu cũng đã bạc. Vải áo là thứ vải gai thô sơ chứ
cũng không được mịn màng như chiếc áo cánh nâu non của bé Tuất nữa. Nó
không tin Ni Sư là bà chúa nhưng ở trong xóm nó hình như người lớn nào
cũng nói Ni Sư là một bà chúa, em ruột của đức hoàng đế đương triều,
nghĩa là em của vua. Cho đến một ngày nọ, cách đây chừng hai năm, nó mới
tin. Hôm đó hai bố con Lợi đang loay hoay đào củ đậu ở đám vườn gần nhà
bác Trực thì thấy có một đoàn người ngựa đến ngừng dưới chân núi. Từ
trên chiếc xe song mã, có một người ăn mặc rất uy nghiêm bước xuống. Có
những người lính hộ vệ cầm giáo đứng hai hàng để bảo vệ cho người ấy.
Rồi lại có người đem kiệu ra để cho người mặc áo uy nghiêm kia ngồi lên.
Rồi trong khi đám người ngựa chờ đợi ở chân núi, hai người khiêng kiệu
bắt đầu leo lên đường núi. Lại có bốn người lính khiêng giáo đi theo hai
bên để hộ vệ. Tất cả đều ăn mặc rất sặc sỡ và nghiêm chỉnh. Xe và kiệu
cũng được trang hoàng vàng rực và đỏ chói. Hai bố con của Lợi không dám
đến gần. Sau khi đào xong được hai gánh củ đậu, họ ghé lại nhà bác Trực
xin nước uống và hỏi thăm. Bác Trực nói hồi nãy bác đã đem nước rối ra
mời các bác lính hầu và đã được các bác này cho biết là hôm nay có ngài
Huệ Võ Đại Vương từ trên kinh về thăm Ni Sư. Huệ Võ Đại Vương là anh
ruột của Ni Sư Hương Tràng. Đại Vương và Ni Sư đều là em ruột của đức
Kim Thượng tại vị. Ngài về làng nhưng không sứ về cho xã quan nên dân
làng không ai được biết để ra nghinh đón.
Chiều hôm ấy, nghe bác Trực nói, Lợi bắt đầu tin rằng Ni Sư Hương Tràng
là một bà chúa thực. Nó định bụng chiều hôm sau lên chùa nhìn lại Ni Sư
cho kỹ để thấy cho thật rõ mặt mũi của một bà chúa. Hôm sau mới tới chân
núi thì nó gặp Ni Sư đang đi xuống về phía vườn ương. Nó chắp hai tay
chào bà, và nhận thấy rằng bà vẫn ân cần và đơn giản không khác gì mọi
hôm, và chẳng có dấu hiệu nào nơi bà chứng tỏ vẻ cao sang của một bà
chúa cả. Nó lại bắt đầu nghi ngờ trở lại. Rồi nó nghĩ rằng có lẽ bà là
một bà chúa thật nhưng là một bà chúa núp trong thể xác của một Ni Sư,
cũng như trong truyện cổ tích xưa có vị hoàng tử núp trong thân xác của
một con cóc. Có thể là một hôm nào đó, Ni Sư của nó sẽ biến trở lại một
bà chúa lộng lẫy và nó sẽ được mặc sức ngắm cho thỏa thích, nhưng Lợi
lại thấy trong lòng e ngại. Nếu Ni Sư mà biến thành bà chúa thì chắc gì
nó đã dám đến gần, và chưa chắc bà chúa đã chịu gọi nó để xoa đầu như
thường lệ.
Một hôm cùng bé Tuất giúp Ni Sư mang giỏ tre trên núi xuống vườn ương,
nó lấy hết can đảm lên tiếng hỏi Ni Sư xem bà có phải là một bà chúa
không thì Ni Sư nói không. Ni Sư nói ngày xưa có lần Ni Sư đã là một bà
chúa, nhưng bây giờ chỉ là một người thường như bất cứ ai ở trong xã Hổ
Sơn.
- Tại sao làm một bà chúa sung sướng hơn mà Ni Sư không làm, lại đi làm
một Ni Sư? Bé Tuất hỏi.
- Làm một bà chúa không sung sướng như các con tưởng đâu, Ni Sư trả lời.
Bây giờ Ni Sư sung sướng hơn hồi còn làm bà chúa nhiều. Nếu Ni Sư là một
bà chúa thì Ni Sư đâu được đi trên con đường núi này với hai con. Làm bà
chúa cực lắm các con ạ. Nội một việc chải tóc, mặc áo và đi giày cũng đủ
mệt rồi, đừng nói tới những việc khác.
Cu Lợi vẫn chưa quên được chuyện con cá bống hồi nãy. Ngày xưa nhờ con
cá bống mà chị Tấm từ một cô gái quê đã trở thành một bà chúa. Biết đâu
con các bống của Tuất một ngày nào đó cũng đã làm cho Tuất trở nên một
bà chúa như chị Tấm trong truyện cổ tích. Lợi nhớ có lần Ni Sư Hương
Tràng kể cho bọn Lợi nghe một truyện Tấm Cám hơi khác với truyện Tấm Cám
mà u Lợi thường kể. Đó là chuyện hoàng hậu Ỷ Lan. Ni Sư nói rằng chuyện
hoàng hậu Ỷ Lan là chuyện có thật. Hồi bé hoàng hậu chỉ là một cô bé nhà
quê tên là Tấm. Tấm lớn lên hái dâu và chăn tằm rất giỏi. Quê Tấm là
làng Thổ Lỗi ở tỉnh Bắc Ninh. Tấm cũng xinh đẹp (có lẽ cũng xinh đẹp như
Tuất, Lợi nghĩ thầm). Tấm cũng có một đứa em cùng cha khác mẹ tên là
Cám. Cám cũng lén bắt con cá bống của Tấm nuôi ở giếng ăn thịt rồi chôn
dấu xương cá đi. Bụt cũng hiện ra bảo Tấm đi tìm xương cá bống rồi đem
chôn ở chân giường. Tấm chôn xương bống được một trăm ngày thì đào lên
và tìm thấy một đôi hài rất đẹp. Tấm ướm thử hài vào chân thì thấy rất
vừa. Thấy đôi hài hơi ấm, Tấm đem phơi nắng. Có một con qụa thần sà
xuống xớt một chiếc hài và đem thả vào cung vua Lý Thánh Tông. Vua thấy
hài đẹp truyền lịnh cho các cô gái trong nước tới ướm hài. Tấm bận hái
dâu nuôi tằm không trẩy kinh như tất cả các cô gái khác. Trong nước,
không ai ướm hài vừa chân. Mùa xuân năm Qúy Mão vua ngự giá đi lễ Phật ở
chùa Dâu. Kiệu vua đi tới đâu dân chúng mở hội tưng bừng tiếp rước tới
đó. Trai gái già trẻ đều mặc áo đẹp ra đứng hai bên đưòng vua đi. Khi
ngự giá đi ngang qua làng Thổ Lỗi, ngồi trên kiệu cao vua trông thấy một
cô gái đang hái dâu ngoài ruộng mà không ra đón vua. Vua truyền ngừng
kiệu ại, cho vời cô gái đến, và hỏi tại sao. Cô gái ấy là Tấm. Tấm thưa
với vua là nhà cô nghèo, cô phải làm lụng để nuôi gia đình cho nên không
có thì giờ để vui chơi. Vua thấy Tấm xinh đẹp, ăn nói lễ phép và dịu
dàng, liền đem lòng thương yêu. Ngài hỏi Tấm đã trẩy kinh ướm hài chưa,
rồi ra lệnh cho Tấm phải xin phép theo vua về kinh mà ướm hài. Tấm trở
nên một bà chúa và vua đặt tên cho Tấm là Nguyên Phi Ỷ Lan. Vua xây cung
Ỷ Lan cho Tấm ở và rước thầy về dạy cho Tấm học. Sau này Tấm sinh một
hoàng tử Kiền Đức sau trở thành vua Lý Nhân Tông. Tấm làm bà chúa nhưng
vẫn đảm đương chịu khó như khi ở với gia đình. Tấm giúp vua trị nước,
sửa sang triều chính, chấn hưng nền kinh tế và mở mang việc học hành.
Tuy làm một bà chúa nhưng Tấm không quên đời sống cơ cực miền quê. Ngày
xưa trong làng Tấm có người hay đi trộm trâu ăn thịt làm cho nhiều nhà
nghèo mất cả trâu cày, không làm ăn gì được. Tấm tâu với vua xin trừng
phạt những người ăn trộm trâu. Tấm còn xin vua giúp đỡ dân nghèo, bỏ
tiền ra mua chuộc những người nghèo khó đã đem thân gán nợ cho các nhà
giàu. Con gái, con trai bị bán cho nhà giàu từ đó được vua chuộc về và
họ còn được dựng vợ gã chồng cho nữa. Tấm là người có lòng nhân từ rất
lớn. Người trong nước, ai ai cũng yêu mến Tấm và ca ngợi công đức của
Tấm. Họ gọi Tấm là Quan Âm Nữ, nghĩa là con gái của đức Bồ Tát Quan Thế
Âm, vì nhân từ như thế nên Tấm không làm việc gì thất đức. Tấm không
giống với cô Tấm trong truyện Tấm Cám mà u Lợi thường kể. Em của Tấm
ngày xưa có ăn thịt con bống của Tấm thật đấy, nhưng Tấm vẫn tha thứ cho
em, và bà dì của Tấm cũng không bị Tấm thù ghét. Trái lại cả hai đều
được Tấm cải hóa thành người tốt.
Bọn cu Lợi rất ưa câu truyện Tấm Cám này. Ni Sư đã nói truyện có thật
thì chắc là truyện có thật. Chẳng bao giờ Ni Sư lại nói dối bọn Lợi đâu.
Có lần Ni Sư đưa cho bọn Lợi xem một cuốn sách mà Ni Sư nói vài ba năm
nữa bọn Lợi có thể đọc được. Cuốn sách nói về cuộc đời của hoàng hậu Ỷ
Lan, tức là của Tấm. Tên sách là Lý Triều Đệ Tam Hoàng Hậu Sự Tích.
Chính Lợi đã đọc được trọn cái tên sách ở ngoài bìa. Lợi rất mong đến
ngày có thể đọc được trọn cuốn sách này. Nó tự nguyện là sẽ cố gắng học
cho mau giỏi. Tấm là bà chúa mà còn học, huống gì mình. Nghĩ lại, nó
thấy sở dĩ bọn nhà nghèo mà được đi học là cũng nhờ có Ni Sư Hương
Tràng. Trong xã Hổ Sơn từ trước đến nay, chỉ có bọn con nhà giàu mới
được đi học. Bọn thằng Kim, thằng Tuấn chẳng bao giờ xem Lợi ra gì.
Trong khi Lợi phải đi chăn trâu, đào khoai và bắt ốc thì bọn nó cắp sắch
đến trường. Ngoài thì giờ đi học, chúng chỉ biết đi chơi. Ấy thế mà rồi
cuối cùng Lợi cũng được học như chúng. Nó đã học xong các sách Tam Tự
Kinh, Ấu Học Ngũ Môn Nôn Thi, Sơ Học Vấn Tân và bây giờ đang bắt đầu học
sách Minh Tâm Bảo Giám. Năm nay, nó không có thì giờ nhiều để học bài
như năm ngoái. Từ ngày bố nó chết trận bên xứ Chiêm, nó phải thay bó làm
bao nhiêu là công việc. Nó là người đàn ông duy nhất trong gia đình và
nó phải lo mọi chuyện. U nó lại sắp sinh em bé. Không biết u nó sinh con
giai hay con gái. Lợi thầm ước u nó sinh cho nó một đứa em gái thùy mị
và xinh đẹp như Tuất. Nó sẽ nói với u nó đặt tên em là Tấm. Nó sẽ bắt
một con cá bống cho em nó nuôi. Và biết đâu em nó không trở thành bà
chúa như cô Tấm ngày xưa. Có thể là Tuất và em Tấm của nó cả hai đứa sau
này đều trở nên những bà chúa.
Lợi bỗng nhận ra rằng chị Tấm ngày xưa đã từ một cô gái quê trở nên một
bà chúa, còn Ni Sư Hương Tràng của nó, ngược lại, đã từ một bà chuá mà
trở nên một người dân thường sống chung với những người dân thường khác
như nó và như bé Tuất. Nghĩ tới đó, Lợi cảm thấy ấm áp trong lòng. Hình
bóng của Ni Sư và của bé Tuất hiện ra êm dịu trong lòng cậu bé. Lợi nghĩ
tới cả hai người với một thứ tình cảm trìu mến, một thứ cảm tình mà nó
cảm thấy mới mẻ và tươi mát. Không có Ni Sư thì Lợi đã không có dịp gặp
gỡ và quen biết Tuất. Lợi cũng biết sở dĩ hồi chiều, Tuất trách cứ nó ác
cũng vì Tuất có cảm tình với Lợi. Rất ít khi nó gần gũi Tuất và nói
chuyện với Tuất nhưng nó nghĩ thật nhiều đến Tuất. Tuất có mặt trong
lòng nó như một con bươm bướm duy nhất có mặt trong vườn hoa cải phía
sau vườn nó. Nó muốn tới gần con bướm nhưng nó không dám vì nó sợ con
bướm bay đi. Có khi nó thấy hình bóng dịu dàng và tươi sáng của Tuất lẫn
vào với hình bóng của Ni Sư. Tuất hiền hơn nó. Tuất không câu cá. Tuất
không giết bất cứ một con vật nào dù đó là một con ốc hay một con sâu.
Tuất ăn chay trường theo các Ni Sư. Có lần trong vuờn ương, Lợi nghe
Tuất nó chuyện với cây hoa hải đường, làm như cây hải đường là một đứa
bé biết nghe và biết hiểu. Lúc đó, Lợi cho Tuất là "chơi trò trẻ con",
nhưng mà một hôm khác, nó bắt gặp Ni Sư Hương Tràng vừa rửa lá cho một
cây hoa trà mi vừa nói chuyện với cây hoa trà ấy. Bà nâng niu chăm sóc
cây trà mi như chăm sóc cho một đứa trẻ. Lần này Lợi không dám nghĩ là
Ni Sư "chơi trò trẻ con", nhưng nó cho rằng Ni Sư nói chuyện với cây là
vô ích, bởi vì cây cối làm gì hiểu được tiếng người. Vừa lúc đó Ni Sư
ngước lên. Thấy vẻ mặt của Lợi bà hiểu nó nghĩ gì và bà mỉm cười. Bà
nói:
- Con đừng tưởng các loài cây cối không hiểu được tiếng người và không
phải là chúng không biết nói. Cây cối nói bằng lá bằng hoa của chúng,
nếu ta tinh ý thì ta có thể biết là chúng nói gì. Cây cối cũng biết đau
buồn và mừng vui. Con xem cây cây hoa trà này giỏi lắm. Nó biết làm ra
những bông hoa màu đỏ thật đấy và thật đẹp. Nếu ta thương yêu nó, nó
cũng biết thương yêu lại ta.
Lợi rất yêu kính Ni Sư, và nó tuân theo mọi lời chỉ dạy của bà. Nhưng nó
vẫn có cảm tưởng là nó không gần gũi với Ni Sư bằng Tuất. Ngồi trong
vườn ương với Tuất và Ni Sư, nó có cảm tưởng là Ni Sư và Tuất đang ngồi
hẳn trong vườn ương, còn nó thì như là có chân đặt trong vườn ương còn
một chân khác thì còn đặt ở ngoài vườn ương. Cảm giác đó làm Lợi không
hoàn toàn sung sướng. Chợt Lợi nghĩ rằng nó không muốn Tuất trở nên một
bà chúa nữa. Tuất mà trở nên một bà chúa thì Lợi sẽ không bao giờ được
gặp Tuất. Không bao giờ nó được cùng Tuất khiêng giỏ tre đi bên cạnh Ni
Sư trên con đường xuống núi hoặc cùng ngồi trong vườn ương. Lợi ước mong
cho con các bống của Tuất đừng bị ai ăn thịt. Nó tự hứa 1à từ nay sẽ
không câu cá bống nữa. Rủi mà câu được cá bống, nó sẽ gỡ cá ra khỏi lưỡi
câu và liệng cá trở lại trong dòng nước. Nó muốn Ni Sư mãi mãi còn là Ni
Sư, đừng bao giờ trở lại thành một bà chúa, và nó cũng muốn Tuất mãi mãi
còn là Tuất. Nó cũng không còn mong em nó trở nên một bà chúa như có lần
nó đã ước mong. Ni Sư của nó tuy không còn là một bà chúa sống trong
cung điện rực rỡ như hoàng hậu Ỷ Lan ngày xưa nhưng bà vẫn là chỗ nương
tựa cho bao nhiêu người, như nó và u nó. Không có Ni Sư thì hồi hôm làm
sao u nó qua khỏi cơn đau. Ni Sư đã đi suốt một buổi chiều để mời ông
lang Ý Yên về cho u nó. Chắc là Ni Sư mỏi chân lắm.
Bỗng Lợi nghe có tiếng rên la trên nhà và tiếng bà Tư gọi nó. Nồi cơm đã
cạn, nồi nước đang sôi sùng sục từ bao giờ mà cu Lợi vẫn không biết.
Trời đã sáng; nó vội dụi tắt nắm rơm đang cháy dưới nồi và chạy lên nhà.
Trên chiếc chõng tre, u nó đang rên la, tay bà nắm chặt lấy thành chõng,
mồ hôi ướt dầm cả mặt. Bà Tư đang lấy tay luồn vào dưới áo để thăm bụng
cho u nó. Bà bảo Lợi:
- Đến giờ rồi, cháu đem củi gộc mà đốt đi để nhóm lửa cho u cháu sưởi.
Đem ra ngoài sân mà đốt. Khi nào gần hết khói thì hẳn mang vào đây để mà
un trấu.
Nhìn u đang quằn quại trên chõng, Lợi hỏi bà Tư:
- Liệu u cháu có sao không hở bác?
- Không sao đâu, cháu cứ an tâm đi đốt củi đi. Đau đẻ thường ấy mà cháu.
Lợi khiêng củi gộc ra sân và vào bếp lấy rơm ra làm mồi đốt. Nó làm công
việc rất nhanh. Khói bốc lên cuồn cuộn. Một lát sau, nó nghe tiếng rên
la gần như thất thanh của u nó. Lợi sợ quá chạy vào. Vừa mới đến cửa nó
liền bị bà Tư đuổi ra:
- Mày ra ngoài sân mà đứng, không được vào đây. Chừng nào tao kêu mới
được vào. Ra ngay đi!
Lợi miễn cưỡng chạy ra sân. Lòng nó như lửa đốt. Nó thầm niệm đức Bồ Tát
Quan Âm gia hộ cho u nó tai qua nạn khỏi. Nó nóng ruột quá, nếu xảy
chuyện gì thì nó biết làm sao. Nó là con trai, là đàn ông, là chủ gia
đình. Có chuyện gì thì nó phải gánh hết. Nếu có Ni Sư Hương Tràng ở đây
thì nó đâu đến nổi hoảng sợ thế này. Ý định chạy lên chùa báo tin cho Ni
Sư thoáng qua trong trí óc nó. Hồi hôm, Ni Sư đã chẳng dặn nó có chuyện
gì thì chạy lên bảo cho Ni Sư biết là gì. Tuy nhiên nó ngần ngừ không
dám quyết định. Có thể bà Tư cần đến nó để chạy những việc gấp khác. Từ
đây lên tới chùa xa lắm, đón được Ni Sư về thì đã hết buổi, không kịp
đâu.
Bỗng Lợi nghe có tiếng chuông chùa vọng lại xem lẫn với tiếng trống. Giờ
này trên chùa lễ Phật Đản đã bắt đầu cử hành. Ni Sư chắc đang mặc y vàng
hành lễ với Ni Sư khác. Dân chúng tụ họp trên chùa chắc đông lắm. Bọn
thằng Khải, con Tuất hiện giờ đều có mặt trên đó. Bây giờ là giờ đức
Phật ra đời. Lợi bỗng nghe tiếng tiếng con nít khóc oe oe. Nó ngạc
nhiên, nhưng một ý nghĩ vụt qua đầu nó, nhanh như một tia chớp giật. U
nó sinh em bé rồi! Nó muốn chạy ngay vào, nhưng lại sợ bà Tư đuổi ra.
Tiếng khóc vẫn rành rẽ. Nó lên tiếng gọi lớn:
- Con vào được chưa, thưa bác?
- Mày vào được rồi. Có tiếng bà Tư trả lời.
Lợi chạy ùa vào nhà. Nó nhìn lên chõng. U nó đang nhìn nó mỉm cười. Một
nụ cười yếu ớt. Bên cạnh u, em bé được quấn trong một cái áo cũ của bố
nó. Bà Tư đang gói một gói gì đó. Bà bỏ cái gói này vào trong một chiếc
nồi đất mới, còn đỏ au. Bà nhìn Lợi, bảo:
- Nhà cháu có phúc lắm đấy, cu Lợi ạ. U mày vừa mới sinh cho mày một đứa
em giai. Mày ngồi đó với u, để tao đi ra tìm chỗ chôn cái nồi này đã. Nó
nhìn em bé. Đứa bé đã hết khóc. Nó ngủ. Lợi nói với u:
- Thằng bé này kháu lắm u a. U đã định đặt nó là gì chưa, hả u?
U nó trả lời bằng một giọng còn yếu nhưng đầy hạnh phúc:
- Chưa con ạ. Bác Tư bảo có thể đặt tên nó là thằng Đa, nhưng u nghĩ để
nhờ Ni Sư đặt tên nó. Tạm thời mình hãy gọi là thằng cu Em.
Lợi nhìn u, ái ngại:
- Chắc là u mệt lắm và đói bụng lắm. Để con xuống xới một bát cơm nóng
đem lên cho u nó ăn nhé. Có cá bống kho, ăn với cơm ngon lắm.
Vừa lúc ấy, bà Tư trở vào. Nghe Lợi nói thế, bà bảo:
- Phải chưng nước mắm cho u mày ăn với cơm. Vài ba bữa nữa mới được ăn
cá bống.
Lợi định đi xuống bếp nhưng bà Tư ngăn lại:
- Để bác lo cho. Bây giờ con thay áo và lên chùa báo cho Ni Sư biết để
Ni Sư mừng. Cứ đi đi. Củi gộc lát nữa bác sẽ mang vào nhà và un trấu
sau.
Lợi còn đang lưỡng lự thì u nó nói:
- Phải đấy con ạ. Con lên chùa báo cho Ni Sư biết đi. Nhớ rửa tay rửa
mặt và thay áo trước khi đi, con nhé.
Cu Lợi vâng lời u. Nó đi ra phía sau bếp, cởi áo quần rồi múc nước mưa
trong chum xối lên đầu ào ào để tắm. Xong nó vào thay áo cánh và quần
cộc, chào u nó và bà Tư rồi đi ra ngõ.
Tiếng chuông chùa vẫn khoai thai rành rọt điểm từng tiếng một. Lợi nghe
như có tiếng nhiều người tụng kinh. Làm sao từ đây mà nghe được tiếng
tụng kinh, chắc là trí óc mình tưởng ra như vậy đó thôi, Lợi thầm nghĩ.
Nó mong đi mau cho tới chùa. Nhưng con đường khá xa, còn phải leo trèo
khá lâu mới tới chùa được. Vừa đi, nó vừa nghĩ tới u nó, tới em bé mới
sinh, tới Tuất, và tới Ni Sư. Đó là những người mà nó yêu mến nhất trên
đời này. Bố nó đã chết. Nó chỉ còn lại những người đó. Nó thầm niệm đức
Bồ Tát Quan Thế Âm để cho những người đó đừng bao giờ ốm đau hoặc gặp
phải những tai nạn khác.
Lợi đến chùa khi buổi tụng kinh vừa chấm dứt và các Ni Sư đang rút lui
vào hậu liêu vài phút trước khi ra làm lễ tắm Phật. Người đâu mà đông
thế. Có lẽ tất cả dân làng Hổ Sơn đều có mặt trên núi này. Ai cũng mặc
áo quần tươm tất. Chỉ có nó là ăn mặc đơn sơ nghèo nàn. Lợi đợi Ni Sư ở
bên ngoài liêu xá. Kìa Ni Sư đã trở ra. Bà khoác một chiếc y vàng ngoài
cái áo nâu thường ngày. Thấy vẻ mặt của nó, Ni Sư không cần hỏi cũng
hiểu cái gì vừa xảy ra. Nó đến gần Ni Sư chắp hai tay và cúi đầu xuống.
Ni Sư hỏi:
- U con sinh con trai hay con gái?
- Bạch Ni Sư, u con sinh con trai.
Ni Sư không hỏi thêm gì nữa. Bà bảo Lợi đi theo bà qua vườn cảnh của
chùa, nơi đó lát nữa sẽ cử hành lễ tắm Phật. Bọn con Tuất, con Thìn,
thằng Thông đã chuẩn bị sẵn sàng để sau khi các Ni Sư tụng kinh sau thì
diễn tích Đản Sinh. Già trẻ lớn bé bao quanh hồ nước thành không biết
bao nhiêu từng lớp, trẻ con đứng trước, người lớn đứng sau. Mọi người rẽ
lối cho các Ni Sư đi vào. Lợi đi với Ni Sư Hương Tràng nên nó len theo
được vào giữa một cách dễ dàng. Mọi người chắp tay hướng về phía đức
Phật sơ sinh. Ni Sư Tĩnh Quang xướng bài Khai Kinh Kệ rồi hướng dẫn mọi
người tụng Kim Quang Minh Kinh. Tuy là một buổi tụng kinh trang nghiêm
nhưng không khí hôm nay còn vui hơn cả một ngày hội. Tiếng tụng kinh cao
vút. Tụng Kim Quanh Minh xong. Ni Sư tụng đến bài Tam Tự Quy rồi đến bài
Hồi Hướng. Bài Hồi Hướng vừa chấm dứt thì các lồng chim được mở ra và
hàng trăm con chim tung cánh bay lên giữa tiếng hò reo của mọi người. Có
tiếng Ni Sư Tĩnh Quang hô lên: "Trần Triều Đương Kim Hoàng Đế Vạn Tuế".
Tất cả thiện nam tín nữ đều hô lên "Vạn Tuế", để đáp lại. Ni Sư lại hô
"Đại Việt quốc dân vạn tuế". Mọi người lại hô lên "Vạn Tuế" để đáp lại.
Tiếng hò reo vang dội cả núi. "Phục nguyện quốc thái dân an, tứ phương
bình định can qua, pháp giới chúng sinh tình dữ vô tình, đồng thành Phật
đạo". Ni Sư Tĩnh Quang đọc xong lời Phục Nguyện thì tiếng niệm "Nam Mô
Thích Ca Mâu Ni Phật" của quần chúng cũng vang vọng lên trong một niềm
phấn khởi mà Lợi chưa từng thấy bao giờ. Lợi ngước mắt nhìn những con
chim vỗ cánh bay lên trời xanh. Có những con chim chưa chịu bay xa cứ
luẩn quẩn trên những cành cây gần đó. Lợi biết là tất cả những con chim
này đều đã được làm lễ quy y Tam Bảo hồi sáng nay. Lợi mừng cho chúng.
Lợi mải miết nhìn đàn chim bay lên không chán mắt. Nó mơ ước trở thành
một con chim bay liệng trên không để nhìn xuống đám người đang dự lễ Đản
Sinh. Bỗng nó nghe giọng Ni Sư Hương Nghiêm vọng lên rõ ràng và rành
mạch từng tiếng:
- Đêm ấy, hoàng hậu Ma Gia mộng thấy một điềm lành. Bà thấy một con voi
trắng sáu ngà từ trên trời đi xuống và nhẹ nhàng chui vào hông bà. Sáng
dậy bà thuật lại giấc mộng cho vua Tịnh Phạn nghe ...
Thì ra cuộc diễn tích đã bắt đầu. Lợi nhìn xuống. Khoác trên mình một
tấm lụa, bé Tuất đang đóng vai hoàng hậu Ma Gia. Lợi chăm chú nhìn và
theo dõi. Bé Tuất đóng vai hoàng hậu Ma Gia rất khéo. Thằng Chí đóng vai
vua Tịnh phạn cũng hay. Vua Tịnh Phạn cho người vời những ông thầy đoán
mộng vào cung. Người ta đoán rằng hoàng hậu sẽ hạ sinh một hoàng nam.
Hoàng nam sẽ trở nên hoặc một vị Chuyển Luân Thánh Vương hoặc một đức
Phật. Bây giờ đây, hoàng hậu đang ngự chơi trong vườn Lâm Tì Ni, có cái
Thơm và cái Uyên làm thị nữ theo hầu. Kìa hoàng hậu đang vịn vào một
nhánh cây đầy hoa và nghiêng mình xuống. Cái Uyên quỳ xuống đỡ ngang
hông hoàng hậu và nâng lên một đức Phật sơ sinh. Đó là một cái bắp hoa
chuối non. Cái Uyên bọc đức Phật sơ sinh trong một tấm vải lụa vàng. Tất
cả bọn trẻ đồng thời lên bài "Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư"
theo điệu Đăng Đàn Cung. Cái Uyên nâng thái tử Tất Đạt Đa trong tư thế
ấy cho đến khi bài hát chấm dứt. Nó quỳ xuống trước mặt hoàng hậu, dâng
thái tử lên. Trong khi đó bọn thằng Trâm, thằng Nguyên, thằng Quyền làm
vua rồng phun nước xuống tắm cho đức Phật sơ sinh. Chúng nó làm khéo
quá. Những vòi nước từ phía sau hòn non bộ phun ra rơi xuống đúng vào
đức Phật sơ sinh trên tai cái Uyên, trong khi tất cả các đứa khác đang
đóng vai chư thiên ca hát và tung hoa mừng thái tử ra đời. Tiếng hát
sáng tươi ấm áp như mặt trời mùa xuân: "Nhạc trời trổi dậy, hoa tung đầy
đất: chào mừng đức Phật, chư thiên hát vang ...". Bây giờ đây thì đoàn
thị nữ đang bảo vệ hoàng hậu và thái tử về cung.
Nhìn ra phía sau hòn non bộ, Lợi thấy bóng thằng Thông đang ướm bộ râu
lá chuối vào cằm. Vai Thông khoác một tấm vải nâu. Nó sắp đóng vai đạo
sĩ A Tư Đà. Một ý nghĩa thoáng qua đầu Lợi. Nó rời chỗ đứng của mình,
chạy quặt ra phía sau non bộ. Nó đưa tay gỡ bộ râu lá chuối. Hiểu ý,
thằng Thông lấy ngay tấm vải choàng lên lưng nó và khoác lên vai Lợi,
rồi dúi chiếc gậy tre vào tay nó. Vừa lúc đó quân hầu vào báo với vua
Tịnh Phạn là ông tiên A Tư Đà từ trên núi Tuyết đi xuống, muốn vào bệ
kiến để xem tướng cho thái tử.
- Truyền mời ông tiên A Tư Đà vào, thằng Chí dõng dạc ra lịnh. Từ phía
bên kia ngọn giả sơn, cu Lợi chống gậy bước ra, lưng còm xuống dưới tuổi
tác của nó. Ông tiên A Tư Đà chầm chậm tiến tới trước thái tử và hấp háy
nhìn bằng hai con mắt đã lèm nhèm của ông. Chợt ông bật khóc nức nở,
chiếc gậy ông rung rung. Vua Tịnh Phạn hoảng hốt hỏi:
- Tại sao, tại sao đạo sĩ lại khóc như thế? Có tai nạn gì xảy đến cho
thái tử đây không?
Cu Lợi khóc nức nở thêm một hồi nữa rồi mới ngước đầu lên, đưa cánh tay
trái dịu mắt trong lúc lưng nó vẫn còng và thân hình nó dựa hẳn lên trên
chiếc gậy đạo sĩ, Nó nói bằng một giọng khàn khàn rất hay:
- Tâu bệ hạ, bần đạo khóc là khóc cho bần đạo chớ không phải khóc vì
thái tử. Bần đạo đã già rồi, sẽ chết trước khi thái tử lớn lên và thành
Phật. Tâu bệ hạ, thái tử sẽ trở thành một đức Phật Như Lai ...
Lợi còn nói nữa, nhưng nó phải ngừng lại để chùi thêm nước mắt một lần
nữa. Trong khi nghiêng đầu lấy cánh tay chùi hai con mắt ráo hoảng của
nó, Lợi thoáng thấy dáng Ni Sư Hương Tràng. Ni Sư đang nhìn nó. Nó thấy
rõ ràng là miệng Ni Sư đang mỉm một nụ cười.
CHƯƠNG X
Chùa Nộn Sơn tuy là một ni viện nhỏ nhưng các Ni Sư đều có chức vụ rõ
rệt. Ni Sư Tĩnh Quang là giám viện của chùa và chức vụ của bà là tri sự,
nghĩa là chịu trách nhiệm tổng quát về mọi việc trong chùa. Ni Sư Đàm
Thái đảm nhiệm chức vụ tri diện, và tri khách, tức là vừa trông coi
chánh điện cho sạch sẽ và trang nghiêm vừa lo việc tiếp đón các vị khách
ni và các thiện nam tín nữ đến viếng chùa lạy Phật. Những lúc công việc
tri khách trở nên bề bộn thì Ni Sư Tĩnh Quang và các Ni Sư khác đều phải
phụ sức vào để làm đỡ công việc này. Ni Sư Hương Nghiêm lo việc tri
tạng, tức là chăm sóc về kinh điển thư tịch và việc dạy học, còn công
việc tri viên, tức là coi sóc vườn tược thì do Ni Sư Hương Tràng đảm
trách.
Chức vụ của tri viên, bao hàm việc săn sóc vườn cảnh, vườn rau và vườn
ương của chùa. Đáng lý việc quản lý ruộng chùa cũng nằm trách vụ tri
viên, nhưng vì thấy công việc này nặng quá cho nên Ni Sư Tĩnh Quang đã
tự mình trực tiếp đảm nhận lấy với sự tiếp tay của gia đình bác Trực
dưới chân núi.
Ni Sư Hương Tràng đã trồng được rất nhiều danh mộc trong vưòn chùa. Ngọc
lan, hoa mộc, hải đường và nhất là các loại tùng, bách, được trồng trên
khắp nơi trên núi. Vườn rau nằm ngay phía sau hậu liêu. Ở đây gần suối
cho nên việc tưới tắm rất dễ dàng. Tất cả bốn Ni Sư đều có tiếp tay vào
việc chăm bón vườn rau. Vườn ương dưới chân núi thì không xa nhà bác
Trực. Ni Sư Hương Tràng để thật nhiều thì giờ vào công việc chăm sóc khu
vườn ương này. Ni Sư Hương Nghiêm cũng rất ưa đi xuống vườn ương. Cô là
người phụ tá đắc lực nhất cho Ni Sư Hương Tràng trong việc chăm sóc vườn
ương. Bác Trực, bé Tuất và thằng cu Lợi cũng giúp Ni Sư rất nhiều. Những
ngày Ni Sư bận rộn công việc trên chùa, bác Trực và bé Tuất thường quảy
nước tưới vườn thay cho Ni Sư. Những khi cần người khuân vác nặng thì đã
có bác Trực và thằng cu Lợi giúp đỡ.
Mùa kiết hạ bắt đầu từ ngày rằm tháng tư và sẽ chấm dứt sau lễ Vu Lan
ngày rằm tháng bảy. Các Ni Sư tuy kết hạ nhưng giới hạn an cư rất rộng.
Họ có thể đi lại bất cứ nơi nào trên núi và cũng có quyền xuống cả tới
vườn ương. Sáng nay trên đường xuống núi, Ni Sư Hương Nghiêm hỏi Ni Sư
Hương Tràng:
- Em nhận thấy nghi thức công phu buổi sáng gồm toàn những bài đà la ni
cả, tại sao vậy thưa chị?
Ni Sư Hương Tràng cũng nhận thấy điều sư muội bà nói là đúng. Từ ngày
nghe chú Pháp Đăng tụng kinh trên am Long Động, bà đã để ý tới điểm này
rồi. Buổi công phu bắt đầu bằng thần chú Thủ Lăng Nghiêm, đi qua thần
chú Đại Bi, và đến chín bài thần chú khác. Thiền học ở nước Đại Việt đã
bị mật giáo xứ Tây Tạng lấn áp rồi chăng? Từ ngày quân Mông Cổ chiếm cứ
Tây Tạng rồi qua diệt nhà Tống để thành lập nước Nguyên, Mật giáo lan
tràn rất chóng. Tuy Đại Việt đánh bại được quân Nguyên nhưng văn hóa
phương Bắc vẫn cứ ảnh hưởng tới Đại Việt. Tại sao trong buổi công phu
sáng lại không có những kinh văn về Thiền, như Kinh Lăng Già hoặc Kinh
Kim Cương mà lại toàn là các bài thần chú? Bà rất mừng mà nhận thấy rằng
tuy Hương Nghiêm còn trẻ tuổi, cô đã có nhận xét rất sáng suốt, nhưng mà
những người như vị ni cô trẻ tuổi này còn ít quá. Khắp nơi người ta học
theo lề thói người phương Bắc một cách thiếu ý thức. Cả ngay tại những
sơn môn lớn như Báo Ân, Quỳnh Lâm và Yên Tử, các bậc trưởng thượng cũng
vô tình áp dụng nghi thức mới. Hương Tràng đã từng đọc sách Thiền Uyển
Tập Anh Ngữ Lục. Bà biết rằng đạo Phật đời Lý rất thịnh nhưng về sau đã
suy sụp vì ảnh hưởng mật giáo. Đọc các bộ lục như Khóa Hư Lục và Tuệ
Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục bà thấy các vị Phật tử tiền bối đời Trần đã gạn
lọc Phật Giáo và làm cho Phật học đời Trần trở lại thuần túy thiền học.
Bây giờ đây, thiền học lại bắt đầu biến chất. Bà rất lo lắng cho tương
lai Phật học nước nhà. Trên hai trăm năm, thiền học đã làm trụ chống
tinh thần cho cả nước, nhờ đó mà thiên hạ được thái bình và nước nhà giữ
vững được nền độc lập. Từ ít lâu nay, ảnh hưởng Nho học mới của nhà Tống
đã bắt đầu gây nên sự kỳ thị giữa Nho gia và Phật gia, không những ở
trong giới học giả mà ngay cả ở chốn triều đình. Bây giờ lại thêm sự
biến chất của thiền học vì Lạt Ma giáo. Hương Tràng tự nhủ không biết
rằng người cầm đầu giáo hội Trúc Lâm là tôn giả Pháp Loa có để tâm đến
vấn đề này hay không.
Giáo hội Trúc Lâm hiện đang tiến hành việc khắc bản Đại Tạng Kinh. Đại
Tạng Kinh này được khắc theo bản do nhà Nguyên ấn hành và như vậy là có
thêm nhiều kinh điển Lạt Ma giáo. Nghĩ đến việc khắc bản kinh Đại Tạng,
Hương Tràng chợt nghĩ tới quốc sư Bảo Sát, đệ tử đầu tay của Trúc Lâm
đại sĩ, người mà bà đã được may mắn làm quen ở am Tử Tiêu trên núi Yên
Tử và đã được thừa tiếp một lần thứ hai tại chùa Tư Phúc trong nội
thành. Quốc sư Bảo Sát hiện đang lãnh trách nhiệm khắc bản Đại Tạng kinh
để ấn hành tại Đại Việt. Khắc bản Đại Tạng kinh là một công trình vĩ
đại, bởi vì Đại Tạng kinh có tới trên sáu ngàn quyển. Công việc này đã
được khởi hành từ năm Ất Mùi nghĩa là mười bảy năm về trước, nhưng bị
gián đoạn từ ngày Thượng hoàng viên tịch. Năm ngoái vua Anh Tông ra
chiếu chỉ tiếp tục công việc khắc bản. Pháp Loa tôn sư đã ủy cho sư
huynh mình là quốc sư Bảo Sát đứng ra giữ trọng trách này, vì công việc,
quốc sư Bảo Sát đã phải rời am Tử Tiêu về cư trú ở chùa Báo Ân để tiện
việc cắt đặt công việc. Hằng ngày có cả trăm người thợ lo viết chữ và
khắc chữ trên gỗ. Hồi đầu năm nay, Hương Tràng đã ủy sư muội bà là Hương
Nghiêm về kinh để thỉnh toàn bộ các tác phẩm của Trúc Lâm đại sĩ. Hương
Nghiêm đã được gặp quốc sư Bảo Sát. Quốc sư cho cô biết là ít ra cũng
phải năm năm nữa Đại Tạng kinh mới được khắc xong. Tuy nhiên những tác
phẩm do các thiền sư Đại Việt sáng tác đều đã được khắc và đã được ấn
hành riêng, trong đó có Khóa Hư Lục, Thượng Sĩ Ngữ Lục Thiền Lâm Chiết
Chủy Ngữ lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ v.v...
Hương Tràng biết rõ tính khí của quốc sư Bảo Sát. Vị cao đệ này của
Thượng hoàng không ưa chốn phồ hoa đô hội, không ưa tổ chức và hội hè.
Trúc Lâm đại sĩ yêu mến người đệ tử này nhất và Bảo Sát cũng là người
thân cận đại sĩ nhiều nhất. Sở dĩ đại sĩ không ủy cho người làm tổ thứ
hai của giáo hội Trúc Lâm cũng chỉ vì người không nhận trách vụ này. Hồi
Hương Tràng lên thăm đại sĩ trên núi Yên Tử, ngài đã bảo công chúa gọi
Bảo Sát là sư huynh. Bây giờ tuy Hương Tràng là đệ tử của quốc sư Bảo
Phác, bà vẫn có khuynh hướng muốn gọi thiền sư Bảo Sát là sư huynh, dù
trên nguyên tắc bà phải gọi người là sư bá.
Hương Tràng nhớ lại những ngày được Thượng hoàng cho phép lưu lại Yên Tử
và đi viếng khắp nơi trên núi. Đó là vào tháng tám năm Mậu Thân. Trước
khi Huyền Trân lên tới núi thì đại sĩ đã cho tất cả các thị giả của ngài
xuống núi và chỉ để một mình sư huynh Bảo Sát ở lại bên mình. Tuy thế,
sau khi tiếp chuyện với Hương Tràng, ngài lại phái Bảo Sát về kinh để
trình bày với vua Anh Tông về việc lấy thuyền đưa ba trăm người Chiêm về
nước, và dặn Bảo Sát sau khi làm xong trách nhiệm thì trở ngay lên Yên
Tử. Chỉ trong vòng hai hôm là Bảo Sát đã trở về am Tử Tiêu. Lúc bấy giờ
ba người mới mở đầu cuộc viếng thăm các thắng cảnh trên núi. Có lẽ đại
sĩ biết đây là lần thăm viếng cuối cùng của ngài cho nên ngài lưu lại
thật lâu ở mỗi nơi, nhìn từng gốc thông, sờ từng phiến đá. Ba người leo
trèo trong suốt bảy hôm, không nơi nào là không đến, từ ngọn Hồ Sơn,
đỉnh Vân Tiêu, đỉnh Cánh Diều, cho đến các đỉnh Ngọa Vân, Tử Tiêu, các
am Thung, am Dược, am Trượng, suối Long, suối Hổ v.v... Ba người đi
thong thả. Mệt thì nghỉ, đói thì mở cơm nắm ra ăn, khát thì vốc nước
suối uống. Trong những lúc ấy, Huyền Trân có ý thức rằng đây là những
ngày đẹp đẽ nhất trong đời mình. Sư huynh Bảo Sát rất ít nói. Không ai
bảo ai, cả ba đều cảm thấy tràn đầy an lạc và hạnh phúc. Từ giã Thượng
hoàng về kinh đô, Huyền Trân không biết rằng đó là lần gặp gỡ cuối cùng
giữa cha con nàng. Huyền Trần đinh ninh sẽ có dịp trở lên núi để được
làm lễ xuất gia với đại sĩ rồi về tìm một chốn sơn thanh thủy tú nào ở
miền Hải Dương để lập am tu hành. Đại sĩ đã hứa cho nàng thọ Bồ Tát giới
xuất gia. Ai ngờ chỉ chỉ hơn hai tháng sau, tại kinh sư nàng nghe tin
đại sĩ viên tịch. Sư huynh Bảo Sát đã cho người đã cho người về chùa Báo
Ân báo cáo đại tang, và từ chùa Báo Ân, tin Thượng hoàng băng hà đã được
đưa vào nội cung. Đó là vào giữa giờ ngọ ngày mồng ba tháng mười một năm
Mậu Thân. Lúc đó Huyền Trân còn đang ở bên chùa Tư Phúc với Thị Ngọc.
Vua Anh Tông truyền gọi công chúa về và báo cho nàng biết là Thượng
hoàng đã băng giữa khuya ngày mồng một. Huyền Trân vào đóng cửa ở trong
tẩm điện suốt một ngày một đêm, không gặp mặt ai cũng không ăn uống gì,
và cũng không chịu lên núi Yên Tử để dự lễ trà tỳ Thượng hoàng. Sáng
ngày mồng bốn, hai người anh của nàng là vua Anh Tông và Huệ Võ Vương
Quốc Chẩn cùng cả triều thần khởi hành từ kinh sư bằng đường thủy về núi
Yên Tử trên sáu chiếc thuyền. Ngày mồng bảy vua tôi về tới kinh sư rước
theo xá lợi của Trúc Lâm đại sĩ. Sư huynh Bảo Sát cũng theo về trong
chuyến này. Ông lưu lại chùa Tư Phúc một đêm một ngày và cho vời Huyền
Trân để chuyển lại lời di chúc của Thượng hoàng cho công chúa. Chính tại
chùa Tư Phúc mà sư huynh Bảo Sát đã kể cho Huyền Trân nghe những giờ
phút cuối của đại sĩ.
Sư huynh Bảo Sát kể rằng hồi đầu tháng mười đại sĩ có về kinh sư thăm bà
chị là công chúa Thiên Thụy một lần mà không ai biết. Ngài chỉ đem theo
một vị thị giả, đó là chú Pháp Đăng. Hai thầy trò đi bộ thong thả cho
nên khởi hành từ ngày mồng một mà tới ngày mồng mười mới đến kinh sư.
Thăm chị xong, đến ngày rằm ngài lên đường về núi. Trên đường ngài ghé
nghỉ đêm tại chùa Siêu Loại, và hôm sau cũng có ghé chơi chùa Pháp Vân ở
Cổ Châu. Theo chú Pháp Đăng thuật lại thì tại chùa Pháp Vân, ngài có đề
một bài thơ ngũ ngôn trên vách tăng đường. Bài thơ như sau:
Số đời, một hơi thở,
Tình đời, hai biển trăng.
Cung ma đâu sá kể?
Nước Phật một trời xuân!
Ngày mười bảy, ngài ghé nghỉ đêm tại chùa Sùng Nghiêm. Tuyên Tử hoàng
thái hậu, dì của Huyền Trân, lúc bấy giờ đã xuất gia và đang tu ở am
Bình Dương gần đó. Nghe ngài ghé chùa, bà muốn được thỉnh ngài về am thọ
trai. Đại sĩ nhận lời, cười mà nói: "Có lẽ đây là bữa cơm cúng dường
cuối cùng". Ngủ tại Sùng Nghiêm đêm ấy, sáng ngày mười tám ngài lại lên
đường. Hai vị tỳ kheo chùa Sùng Nghiêm là Tử Đính và Hoàn Trung đi theo
hầu ngài, bởi chú Pháp Đăng đã được lệnh về núi trước. Thầy trò leo trèo
mãi mới tới được am Tú Lâm ở ngọn An Sinh. Nghỉ ở đó một lát, ngài bảo
hai vị: "Tôi muốn về ngay am Ngọa Vân nhưng sức chân yếu quá, làm thế
nào bây giờ?". Hai vị trả lời: "Hai chúng tôi xin phù ngài đi". Họ lấy
võng đưa ngài lên tới đỉnh Ngọa Vân. Vào am xong, ngài cám ơn hai vị và
nói: "Các vị xuống núi đi, và về chùa lo tu hành. Đừng cho chuyện sinh
tử là nhàn hạ". Tại am Ngọa Vân lúc bấy giờ chỉ có hai vị thị giả là
Pháp Không và Pháp Đăng. Ngày mười chín, ngài bảo chú Pháp Không lên am
Tử Tiêu gọi sư huynh Bảo Sát về gấp.
"Tại am Tử Tiêu, được tin đại sĩ gọi thì trời đã tối, tôi phải đợi sáng
ngày mai mới lên đường. Ai ngờ đi được nửa đường thì trời nổi cơn giông
bão. Mây đen phủ đầy núi và mưa rơi như thác đổ. Nước suối dâng cao,
không có cách gì vượt qua được. Tối đến, tôi phải vào tạm trú ở một sơn
điếm gần đó. Lòng như lửa đốt, đêm ấy tôi mộng thấy những điềm bất
thường. Sáng dậy thì trời đã ngớt mưa; mưa nước suối đã xuống thấp và
tôi lội qua được. Trưa ngày hăm mốt, tôi đến được am Ngoạ Vân. Thấy mặt
tôi, đại sĩ nói: "Ta sắp đi rồi, sao người đến chậm thế? Có chỗ nào
trong Phật pháp mà ngươi chưa hiểu thì hãy hỏi đi". Tôi hỏi: "Ngày xưa
khi thấy thiền sư Mã Tổ trong người bất an, thầy trú trì đến hỏi thăm
xem Ngài cảm thấy thế nào, thì thiền sư nói: "Ngày đối diện Phật, đêm
đối diện Phật. Như thế là ngài muốn nói gì?". Đại sĩ cao tiếng mắng tôi:
"Người cho Ngũ Đế và Tam Hoàng là vật gì? Tôi mới hỏi tiếp: "Hoa nở rực
rở phô mầu gấm, gỗ phương Nam, tre phương Bắc, là nghĩa làm sao?". Ngài
nói: "Mù mắt ngươi đi. Tôi biết ngài rất sáng suốt và đã chuẩn bị sẵn
sàng nên rất mừng. Tôi với hai chú Pháp Không và Pháp Đăng ở lại hầu hạ
ngài, không dám rời bước khỏi am. Mấy hôm liên tiếp trời mưa gió âm u và
trên núi không biết tại sao chim kêu vượn hú rất buồn. Đêm mồng một
tháng mười một tự nhiên trời hết mưa gió hết thổi. Tôi ra ngoài nhìn lên
trời không còn một gợn mây, và sao sáng đầy trời. Lúc đó là đúng nửa
đêm. Thấy tôi trở vào, đại sĩ hỏi: "Giờ này là giờ gì?. Tôi đáp: "Bạch
thầy, giờ Tý". Ngài đưa tay đẩy cửa để nhìn ra khung trời đầy sao rồi
bảo nhẹ: "Đã đến giờ ta đi rồi". Tôi hỏi: 'Tôn đức định đâu vào giờ
này". Ngài đọc bài kệ:
Mọi pháp đều không sinh
Mọi pháp đều không diệt
Nếu hiểu được điều đó
Thì thấy Phật trước mặt
Không đến cũng không đi
Tôi hỏi tiếp: "Còn khi đã bất sinh bất diệt rồi thì sao?", Ngài xua tay:
"Đừng nói mê nữa". Rồi ngài ngồi trong tư thế sư tử tọa mà hóa. Hai chú
Pháp Không và Pháp Đăng khóc nấc lên, tôi tới ôm vai các chú bảo đừng
khóc. Rồi chúng tôi quỳ bên giường đại sĩ, niệm Phật cho tới sáng.
"Trước đấy hai hôm, ngài đã có cho di chúc về việc trà tỳ nhục thân.
Ngài bảo ngài không muốn có một lễ quốc táng do triều đình lo liệu. Ngài
là người xuất gia của sơn môn Yên Tử và ngài muốn chính đệ tử ngài làm
lễ hỏa táng ngài trong một nghi thức thật đơn sơ, Ngài dặn dựng hỏa dàn
ngay tại trong am Ngọa Vân và làm lễ hỏa thiêu ngài trước khi báo về cho
kinh sư biết. Để triều đình sau này không làm khó dễ sơn môn, ngài đã tự
tay thảo di chúc hẳn hoi. Suốt ngày mồng hai, tôi và chú Pháp Không lo
đốn gỗ thơm về đựng hỏa dàn. Tối ngày mồng hai, sau khi đưa nhục thân
đại sĩ lên hỏa đàn, chúng tôi làm lễ khai hỏa. Am Ngọa Vân bốc cháy cùng
với hỏa đàn. Mùi hương thơm bay lên sực nức. Chúng tôi nghe như có thiên
nhạc trỗi lên vang dội trên hư không, và phía trên hỏa đàn có một đám
mây năm sắc bay đến bao phủ. Lễ trà tỳ cử hành xong, rạng ngày mồng ba
tôi cho chú Pháp Không về kinh thông báo. Sư đệ tôi là Pháp Loa từ chùa
báo Ân nghe tin lập tức cùng chư tăng lên núi. Tất cả các thị giả và đệ
tử của đại sĩ từ chùa Báo Ân đều tức tốc trở về. Đến chiều ngày mồng
bốn, Pháp Loa và chư tăng lên tới. Sư đệ Pháp Loa sai nấu nước thơm rưới
lên hỏa đàn và làm lễ thu nhập xá lợi. Ngọc xá lợi có đủ năm mầu, đếm cả
thảy lớn nhỏ trên năm tram hạt. Tối hôm ấy, vua Anh Tông, Huệ Võ Vương
và đình thần lục tục lên tới. Mọi người vừa lạy vừa khóc. Tiếng khóc của
triều thần vang động cả núi rừng.
"Sáng hôm sau, vua và triều thần định xuống núi, bắt tôi phải về theo để
tường trình cớ sự. Xá lợi của đại sĩ được rước về theo thuyền. Trên
thuyền, các quan vẫn tiếp tục khóc thương, tiếng khóc rất ai oán. Có vị
tỏ vẻ bất bình vì tôi và các chú Pháp Không và Pháp Đăng đã dám làm lễ
trà tỳ mà không đợi lệnh triều đình. Họ còn nói là họ sẽ tâu vua làm tội
tôi. Tôi nào có sợ gì, bởi vì tôi chỉ làm theo di giáo của đại sĩ. Tôi
lại đem theo di chúc của ngài, và về tới kinh đô tôi đã trình lên vua".
Sư huynh cho Huyền Trần biết là đại sĩ có dặn dò người về việc lo công
chúa được xuất gia. Ngài dặn sư huynh làm lễ thế độ cho công chúa, cho
công chúa thọ xuất gia bồ tát giới và tìm nơi cho công chúa tu học. Sư
huynh bảo là sẽ nhờ một vị sư đệ của ông là thiền sư Bảo Phác lo lắng
việc này. Công chuá sẽ xuất gia và thọ giới với thiền sư Bảo Phác ở núi
Vũ Ninh và thiền sư sẽ cho công chúa nhập chúng tu học ở đó cho đến khi
kiến thức Phật pháp của công chúa đã khá vững vàng. Sau đó thiền sư sẽ
tìm một nơi thanh tịnh để công chúa an cư và tiếp tục tu học.
Huyền Trần đã vâng lời sư huynh Bảo Sát. Chỉ chưa đầy một tháng sau,
nàng đã được xuất gia tại Vũ Ninh và được học Phật dưới sự chỉ dẫn của
thiền sư Bảo Phác cùng vơi một số các vị tân ni khác. Nàng được thiền sư
Bảo Phác cho pháp danh là Hương Tràng. Ni Sư Hương Tràng nhờ bản tính
thông tuệ cho nên học Phật rất mau chóng. Bà rất được các bạn ni sinh
quý mến. Tháng mười năm sau, bà được thiền sư Bảo Phác cử về chùa Hổ
Sơn. Bà đã xin với thiền sư để đem sư muội của bà là Hương Nghiêm đi
theo. Về tới Hổ Sơn được ba tháng, hai chị em thỉnh được Ni Sư Tĩnh
Quang và Ni Sư Đàm Thái về nhập chúng. Tôn trọng Ni Sư Tĩnh Quang là bậc
tiền bối và tu học lâu hơn bà tới mười năm, Hương Tràng mời bà đứng lên
làm giám viện của chùa này.
Sư huynh Bảo Sát từ hôm ấy đã trở lại am Tử Tiêu trên núi. Chỉ mới năm
ngoái đây thôi, ông đã phải rời am Tử Tiêu để về chùa Báo Ân lo việc
khắc kinh. Vua Anh Tông nhân dịp này ban hành danh hiệu quốc sư cho ông
và cho cả sư đệ ông là thiền sư Bảo Phác. Hương Tràng biết là thiền sư
Bảo Sác không ưa gì cái danh hiệu quốc sư và sở dĩ ông phải rời am Tử
Tiêu cũng bởi vì công việc san khắc Đại tạng kinh không thể trông cậy
vào một ai khác. Theo nhận thức của bà thì trinh độ học Phật và tu chứng
của thiền sư Bảo Sát rất thâm sâu. Chính tay sư huynh đã biên tập sách
Trúc Lâm Đại Sĩ Thực Lục nhưng ông không ký tên tác giả. Sách này nói về
cuộc đời và sự nghiệp hành đạo của Thượng hoàng. Ông đã nhờ thiền sư
Huyền Quang duyệt lại bản thảo trước khi cho khắc bản. Những điều thiền
sư Bảo Sát kể lại đều được ghi chép trở lại trong sách. Mới vừa hôm qua,
Hương Tràng được đọc lại đoạn ấy và lần này bà đã trục nhận được tình sư
đệ thâm sâu giữa hai thầy trò Trúc Lâm và Bảo Sát. "Khi thiền sư Mã Tổ
bệnh, viện chủ hỏi ngài cảm thấy trong người thế nào? Mã Tổ đáp Ngày đối
diện Phật, đêm đối diện Phật". Nào phải là sư hynh không hiểu được điều
đó. Sư huynh đem hỏi cốt là để dò xem trong giờ phút sắp nhập diệt, đại
sĩ có vững chãi an trú trong chính niệm không. Đại sĩ biết ý mới mắng sư
huynh: "Ngươi nghĩ Ngũ Đế Tam Hoàng là vật gì?". Có ý nói rằng nhà ngươi
coi thường ta quá. Bảo Sát đã mừng, nhưng muốn cho chắc ý hơn nữa nên
hỏi thêm câu "tre Nam gỗ bắc ..." Đại sĩ bảo: "Mù mắt ngươi đi" - Ngài
có ý nói rằng pháp thể chân như vẫn hiện tiền mầu nhiệm trước mắt ngài,
và người đệ tử thân yêu đừng có nên trêu ghẹo ...
Trong một thời gian, Hương Tràng đã cảm thấy rất cơ đơn, nhất là sau khi
bà nghe tin về cuộc viễn chinh của quân Đại Việt trên đất Chiêm Thành.
Nền hòa bình mà đại sĩ đã xây dựng lên bằng cả tâm não của ngài và trong
đó Hương Tràng đã đóng góp bằng cả cuộc đời mình, nền hòa bình đó ngắn
ngủi và mong manh quá. Chỉ ba năm sau ngày Thượng hoàng băng, người ta
đã gây lại cảnh binh đao giữa hai nước, đi ngược với ý chí của vị lãnh
đạo tinh thần của cả nước. Ba năm đủ để xong thời kỳ tang chế. Cả hai
người anh ruột của bà, vua Anh Tông và Huệ Võ Vương, đều có mặt trong
cuộc viễn chinh. Không biết họ có nghĩ đến Thượng hoàng mà không làm
theo được ý nguyện của ngài, trông cậy gì đến kẻ khác. Theo những điều
bà đã được nghe thì chính vua Anh Tông cầm một đạo quân đi đường đồng
bằng, còn anh Quốc Chẩn cầm một đạo quân đi đường núi. Thủy quân thì do
tướng Trần Khánh Dư điều khiển. Cuộc xâm lăng này đã được chuẩn bị trước
đó khá lâu, và viên trại chủ Câu Chiêm của nước Chiêm Thành đã hứa làm
nội ứng. Vua Chế Chí tin lời vua Đại Việt đi thuyền từ Vijaya đến trại
Câu Chiêm để làm lễ thần phục, mong mua lấy hòa bình. Ai ngờ đến nơi thì
bị bắt. Quân Đại Việt đưa em của vua Chàm là Chế Năng lên coi việc nước
và thiết lập nền đô hộ trên nước Chiêm Thành. Vua Chế Chí được áp giải
về Thăng Long rồi đưa đi giam lỏng ở hành cung Gia Lâm. Để làm dịu bớt
nỗi hận thù của người Chàm, vua Anh Tông ban cho vị vua cũ của Chiêm
Thành tước hiệu là Hiệu Trung Vương. Một ông vua bị tù đày như thế thì
cần gì tước hiệu? Hương Tràng biết rõ con người của vua Chế Chí. Hồi còn
ở Chiêm, bà nhận thấy Chế Chí là một người con trai đôn hậu hiền lành.
Chế Chí không có tài vũ dũng của cha nhưng lại có tình nghĩa. Trong con
người có lưu chảy dòng máu Qua Oa, bởi hoàng hậu trước của vua Chế Mân
là người xứ này. Biết vua Chế Chí đang bị an trí ở hành cung Gia Lâm
nhưng Hương Tràng không dám đi thăm. Thăm hỏi làm gì, bà có quyền lực gì
trong triều đình, một triều đình mà bà cảm thất rất xa lạ? Thăm hỏi chi
để thêm chua xót cho cả hai bên. Những gì mà cha con bà xây dựng đã đổ
nát tan tành trong giây phút. Hương Tràng nghe nói gần đây vì phẩn uất
về việc Chế Chí bị tù đày trên đất Việt, dân Chàm đã nổi lên đánh phá ở
miền biên giới. Mộng ước hòa bình giữa hai nước còn đâu?
Từ ngày đi đánh Chiêm về, anh Quốc Chẩn của bà không về núi thăm bà nữa.
Có lẽ anh ấy sợ ngượng với bà chăng? Không. Huệ Võ Vương chỉ là thiên
lôi, chỉ đâu đánh đó. Anh ấy không có đủ sức để có thể suy tư và hành
động độc lập, nhưng còn vua Anh Tông, anh Thuyên của bà đâu có phải là
một người thiếu óc phán đoán? Bà nghĩ đên những vị cận thần trong triều
như Đoàn Nhữ Hài và Trần Khắc Chung mà thở dài. Nhưng nỗi cô đơn của
Hương Tràng đột nhiên tan biến khi bà nghĩ tới những người như su huynh
Bảo Sát. Đại sĩ tuy đã viên tịch nhưng công trình của người không phải
là đã dứt đoạn. Hình bóng sư huynh Bảo Sát ngồi trên am Tử Tiêu vẫn làm
ấm lòng bà ... Trong triều ngoài họ còn biết bao nhiêu người thấy được
con đường mà đại sĩ đã vạch ra. Hương Tràng nghe nói rằng chính ở chốn
triều cung cũng có nhiều người chống đối cuộc viễn chinh Chiêm Thành,
trong đó có cả Minh Hiện Vương, con trai út của vua Thái Tông ngày xưa.
Tuệ giác và đức hiếu của đại sĩ, nghĩ cho kỹ, vẫn còn được tiếp nối ở
mọi nẻo đường.
Hương Tràng tự dưng chú ý đến hơi thở của mình. Bà cảm thấy bà thở cho
bà mà cũng thở cho Trúc Lâm đại sĩ. Thì ra trên núi Hổ Sơn từ lâu nay
không lúc nào mà bà không thở những hơi thở của pháp thân đại sĩ. Bà
biết trên đất nước này còn có nhiều người như bà, khắp nơi, đang nối
tiếp con đường giác ngộ của đại sĩ. Chú Pháp Đăng hiện giờ ở đâu không
biết, nhưng chắc chú cũng đang như bà, đang thở một nhịp với vị sơn tăng
trên núi Yên Tử. Năm nay chú đã mười bảy hay mười tám tuổi gì đó rồi.
Chưa đến tuổi thọ giới tỳ kheo, nhưng chắc chú đã tiến bộ nhiều trên
bước đường tu học. Hương Tràng chợt thấy lại hai bàn tay của chú đang
vọc nước trên giòng Hồ Khê. Đồng thời bà cũng thấy hiện ra trong trí
hình ảnh bàn tay nhỏ xíu của đứa hài nhiều em trai thằng cu Lợi. Hôm
mồng mười vừa qua, bà đã xuống núi thăm u thằng cu Lợi và đứa bé, và đã
trông thấy hai bàn tay ấy. U thằng Lợi xin bà cho em bé sơ sinh một cái
tên. Bà hứa sẽ cho nó một cái tên. Lợi đã cho bà biết là bà Tư có đề
nghị đặt cho em nó tên Đa, Lê Văn Đa, nhưng u nó chưa chịu, cứ nằng nặc
đòi Ni Sư ban cho một cái tên cho thật đàng hoàng. Cái tên Đa cũng hay
đấy chứ. Trong óc của bà Tư, đó là hình ảnh của sự thịnh mầu, giàu có và
hạnh phúc. Đa tư, đa tôn, đa phú quý. Trong khi đó cái âm Đa gợi lên
trong trí Hương Tràng những hình ảnh khác. Trước hết là hình ảnh thằng
bé sinh ra trong lúc chuông trống vang rền chào đón giờ Đản sinh của một
người ngày xưa tên Tất Đạt Đa. Rồi đến một hình ảnh khác, hiện thực như
núi sông và xa xôi như một tiền kiếp: Đó là hình ảnh của Dayada, con của
bà, hiện thời không biết luân lạc nơi nào. Giọt máu ấy, dầu còn hay mất
vẫn là chứng tích của tình hữu nghị, lòng thương yêu và ý chí xây dựng
hòa bình. Cả hai cái tên đều mang âm vận "đa" trong lòng chữ. Cái cảnh u
thằng cu Lợi cho con bú, Hương Tràng đã chứng kiến cách đây mươi hôm,
nhưng sáng hôm nay đi trên con đường xuống núi này với người sư muội, bà
mới thực sự trông thấy. Hình ảnh bàn tay nhỏ xíu của đứa bé đang bám
chặt vào vú mẹ làm cho Hương Tràng thấy rõ mặt mũi của vạn hữu trong
liên hệ duyên sinh. Đức Phật Đản sinh năm xưa ở thành Ca Tỳ La cũng là
em bé giờ đây đang áp đầu vào vú mẹ. Hình bóng Dayada xa xôi bỗng nhiên
cũng trở về đồng nhất với đứa bé. Hương Tràng có cảm giác chính mình,
ngay trong giờ phút này, đang đưa ngực mình cho em bé bú. Bà thấy bà và
u thằng Lợi là một. Bà thấy người đang đi trên núi và người đang cho con
bú là một. U thằng Lợi đang cho em bé bú, nhưng người Ni Sư cảm thấy như
sữa đang chảy từ ngực mình. Bao nhiêu ý thức phân biệt giữa quyền quý và
bần hàn, giữa quá khứ và hiện tại, giữa phương Bắc và phương Nam đột
nhiên tan biến như sương sớm dưới anh mặt trời. Cảnh tượng u thằng cu
Lợi vạch yếm cho con bú đã trở về và giúp cho người sư nữ thoát nhiên
siêu việt được cái hố thẳm sinh tử. Hương Tràng nhu một con chim vừa
tung rách được chiếc lưới thời gian, bay thoát lên không gian tự do.
Hương Tràng vẫn đi những bước chậm rãi bên cạnh người sư muội trẻ tuổi.
Chắc hẳn Hương Nghiêm không thấy được ánh hào quang vừa lóe sáng trong
tâm người sư tỷ. Hương Nghiêm vừa hỏi Hương Tràng câu hỏi về nội dung
buổi công phu khuya. Hương Tràng chưa kịp trả lời. Thời gian hình như
không còn hiện hữu đối với bà. Bà muốn chia xẻ niềm vui và cái thấy mà
mình vừa đạt được với người em đồng đạo, nhưng bà bỗng nhận thấy rằng Ni
Sư Hương Nghiêm còn trẻ quá. Hương Nghiêm là một cô gái thông minh và có
căn cơ linh lợi, nhưng cô vẫn còn là một đứa em gái ưa được nuông chiều.
Từ hai năm nay, Hương Nghiêm nuôi mộng ước là được đi viếng núi Yên Tử
với Hương Tràng. Cô đã nghe vị sư tỷ kể lại chuyện du hành của bà cùng
với Trúc Lâm đại sĩ và sư bá Bảo Sát trên những ngọn núi danh tiếng kia,
và ước ao được lên viếng núi trong một hoàn cảnh tương tự. Đại sĩ tịch
rồi, chú Pháp Đăng không biết hiện giờ đang tu học ở đâu, nhưng được đi
núi với Hương Tràng và được Hương Tràng hướng dẫn trong khi thăm viếng
từng am tranh, từng dòng suối và từng tảng đá trên ấy, đó thật là chuyến
du hành mà cô mong ước. Cô đã có nhiều dịp để đi lên núi hành hương,
nhưng cô đã không đi bởi vì cô chỉ muốn lên núi theo điều kiện mà lòng
cô đòi hỏi, cô nghĩ chỉ khi đi với Hương Tràng cô mới có hy vọng tìm
thấy khung cảnh ngày xưa. Hương Tràng thì lại không muốn đặt chân lên
núi Yên Tử nữa. Bà đã từng có cảm tưởng rằng không có Trúc Lâm đại sĩ
trên đó thì Yên Tử không còn là Yên Tử của bà. Nhất là khi bà nghe nói
hiện giờ trên ấy chùa tháp đã được tạo lập nhiều nơi và tiền của đã đổ
ra để cho cung vàng điện ngọc được dựng lên khắp chốn. Bà biết rằng am
Ngọa Vân ngày nay không còn nữa và trên nền am người ta đã xây tháp Huệ
Quang để thờ xá lợi của đại sĩ. Cạnh đấy, người ta đã xây dựng lên một
ngôi chùa lấy tên là chùa Vân Yên. Am Long Động cũng đã được xây thành
chùa và vì mỗi năm có tới hàng mấy trăm vị tăng sĩ ghi tên nhập hạ cho
nên người ta đã xây cất chùa chiền và tăng xá trên núi rất nhiều. Không
muốn làm đổ vỡ núi Yên Tử linh thiêng trong tâm mình, Hương Tràng đã từ
bao nhiêu năm nay không chịu đặt chân lên núi, và cũng vì vậy, bà vẫn
chưa chìu theo được ý muốn của pháp muội mình. Nếu Hương Tràng chưa từ
chối hẳn việc này, đó cũng là vì bà còn ái ngại và không muốn làm cho
người em đồng sư thất vọng.
Nhưng cái thấy hôm nay chợt đến trong tâm bà đã khiến cho bà mở rộng tầm
kiến thức. Tất cả những cội cây và hạt sỏi trên núi Hổ Sơn này đối với
bà đã trở nên mầu nhiệm và mang hình ảnh thiêng liêng của Yên Tử ngày
ấy. Đại sĩ không những có mặt ở Yên Tử ngày xưa mà còn có mặt ở Hổ Sơn
hôm nay. Dayada còn đó, là vì thằng Lê Văn Đa còn đó, Tất Đạt Đa còn đó
cũng vì thằng Lê Văn Đa còn đó. "Cái này có vì cái kia có, cái này sinh
vì cái kia sinh". Bà chăm sóc cho thằng Đa tức là đồng thời chăm sóc cho
Dayada mà cũng là săn sóc cho Đức Phật sơ sinh. Hơi thở của Đa là hơi
thở của chính đại sĩ, và bên cạnh bà, người sư muội tên Hương Nghiêm
cũng đang thở những hơi thở của đại sĩ. Hương Tràng bỗng nhiên thấy mình
có khuynh hướng muốn cưng chiều người sư muội. Bà thấy thái độ ngày xưa
của mình là hẹp hòi. Hình ảnh thiêng liêng của núi Yên Tử trong lòng bà
không thể nào sụp đổ. Hình ảnh đó bất diệt như pháp thân của đại sĩ. Bà
có đức tin rằng dù bây giờ chùa tháp đã dựng lên khắp núi và dù người
viếng núi có đông đúc đến chừng nào đi nữa, bà vẫn có thể tìm lại Yên Tử
Sơn của ngày xưa và vẫn có thể đưa người sư muội của bà vào thẳng thế
giới tâm linh cao khiết của người đại sĩ am Ngọa Vân ngày trước.
Hương Tràng lên tiếng:
- Tháng tám này, khi mùa an cư đã mãn và núi Yên Tử đã bớt người, chị sẽ
đưa em về thăm núi.
Ni Sư Hương Nghiêm ngẩn ngơ. Cô không hiểu vì sao mình vừa hỏi một câu
hỏi về buôi công phu sáng mà lại được Ni Sư Hương Tràng trả lời một câu
về chuyến du hành núi Yên Tử. Nhưng vì không có thì giờ để thắc mắc lâu.
Cô chỉ thấy lòng cô tràn đầy niềm hân hoan sung sướng. Chị Hương Tràng
đã thương cô, đã chiều cô. Điều ấy là điều quan trọng nhất. Trong khi
đó, Hương Tràng nghĩ đến những đám mây la cà trên đỉnh Ngọa Vân. Xung
quanh cái am tranh đó, mỗi chiều, có nhiều đám mây tụ họp lại và bao phủ
lấy am. Mây về am để ngủ. Nhưng người trong am không ngủ. Người trong am
đang ngồi thiền định. Tuy đất trời và non sông còn chìm trong bóng tối,
người ngồi trong am vẫn trông thấy những gì đang xảy ra ở kinh đô, ở
biên giới miền Bắc, ở biên giới miền Tây và ở biên giới miền Nam. Người
ngồi trong am đang lấy hào quang định lực của mình mà quán chiếu trong
và ngoài, trên và dưới. Ở Ngọa Vân am, mây ngủ nhưng người còn thức.
Hương Tràng cảm thấy tâm hồn rung động. Bà nghĩ có thể đặt tên cho em
thằng cu Lợi là Thức.
LỜI BẠT
Am Mây Ngủ tuy là một truyện ngoại sử nhưng nó không có tính cách truyện
giả sử mà trái lại rất gần với chính sử. Năm tháng và những dữ kiện lịch
sử trong truyện đều phù hợp với chính sử. Sách Tam Tổ Thực Lục mà tác
giả sử dụng đã bổ khuyết được nhiều cho các bộ quốc sử và đính chính lại
những điểm ghi chép sai lầm trong các bộ này.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói rằng: "vua Chế Mân băng vào tháng năm
năm Đinh Mùi, và mãi đến tháng mười năm ấy quan Thượng Thư Tả Bộc Xa là
Trần Khắc Chung và quan An Phủ Sứ Đặng Vân mới khởi hành qua Chiêm để
đón công chúa và thế tử Đa Gia về, bởi vì theo tục nước Chiêm Thành, hễ
vua chết thì hoàng hậu phải lên hỏa đàn chết theo". Thực ra, hỏa đàn của
vua theo đúng tục lệ Chiêm Thành, được tổ chức bảy ngày sau khi vua
băng. Khởi hành từ Thăng Long vào tháng mười một, như vậy là đã hơn sáu
tháng trôi qua ngày vua lên đàn hỏa. Người Chiêm đã để cho Huyền Trân
sống cho tới ngày sứ giả Đại Việt qua tới, điều đó chỉ có thể giải thích
bằng thái độ e dè của người Chiêm không muốn gây nỗi bất bình với vua
Đại Việt. Khi người Đại Việt cướp công chúa về, không phải là người
Chiêm không đuổi theo bắt lại được. Họ là những thủy thủ rất thiện nghệ.
Nhưng họ đã để cho công chúa đi thoát. Những dữ kiện trên đáng làm cho
ta suy nghĩ.
Thái tử Chế Đa Gia nhất định là con của công chúa Huyền Trân, nếu không
thì tại sao vua Đại Việt ra lệnh cho Trần Khắc Chung và Đạng Vân đón
thái tử về cùng với công chúa? Nhưng người Chiêm đã cố tình giữ thái tử
Chế Đa Gia lại, vì thái tử là thuộc về dòng họ của vương quốc Chiêm
Thành. Vì lẽ đó mà các quan đã không bắt theo được thái tử Chế Đa Gia.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có thể nói đến vụ Trần Khắc Chung "tư thông
vói công chúa rồi loay hoay ở đường biển lâu ngày mới về đến kinh sư".
Vụ này có thể là do miệng lưỡi xấu xa thêu dệt. Trần Khắc Chung đâu phải
đi Chiêm một mình. Bên cạnh ông còn có quan An Phủ Sứ Đặng Vân và cả một
thủy thủ đoàn mà ta biết chắc là đông đảo.
Sách Đại Việt Sử Ký lại còn nói rằng sau khi Trúc Lâm đại sĩ mất, trong
triều đình có người xin vua làm tội thiền sư Pháp Loa, vì thiền sư đã
dám làm lễ hỏa thiêu Thượng hoàng mà không cho vua và triều thần hay
biết. Thực ra, người đứng ra dựng hỏa đàn là thiền sư Bảo Sát. Lễ khai
hỏa đàn cử hành đêm mồng hai tháng mười một mà tới ngày mồng bốn thiền
sư Pháp Loa mới lên tới núi Yên Tử. Nếu bắt tội thì bắt tội Bảo Sát chứ
sao lại bắt tội Pháp Loa. Sách Tam Tổ Thực Lục cho ta biết chính Trúc
Lâm di chúc cho Bảo Sát làm lễ hỏa táng ngài ngay tại am Ngọa Vân trước
khi báo tin về triều đình biết.
Sách Tam Tổ Thực Lục nói rằng khi vua Nhân Tông mới sinh, sắc mặt vàng
như hoàng kim, nên vua Thánh Tông yêu quý gọi thái tử là "Kim Phật". Tác
giả sách Đại Việt Sử Ký, một nhà Nho không ưa Phật, nói rằng "Ở trong
hai cung, mọi người gọi thái tử là "kim tiền đồng tử". Những chi tiết
như vậy, tuy nhỏ nhặt, cũng làm giảm đi ít nhiều giá trị của bộ sử.
Tác giả Truyện Am Mây Ngủ chưa được viếng núi Hổ Sơn, chỉ nhờ đọc sách
Đại nam Nhất Thống Chí cho nên biết được rằng công chúa Huyền Trân sau
khi về nước đã lên tu ở đây, và nhờ đọc bài L'Inscription Chame de Po
Sah của E. Aymoneir (Bull Comm. Archeol, Indochine 1911) cho nên biết
được rằng hồi mới về Chiêm, công chúa được vua Chế Mân ban hiệu là
Paramesevari và việc này đã được khắc vào bia Po Sah.
Trúc Lâm đại sĩ và công chúa Huyền Trân đã "lỡ" thương người Chàm cho
nên mới muốn sống hòa bình với dân tộc Chàm. Vì thương, họ đã mở rộng
trái tim để đón nhận một dân tộc anh em. Cái ta nhỏ hẹp trở thành cái ta
rộng lớn.
Ai mà không muốn cho các dân tộc Đông Dương sống với nhau như anh em một
nhà. Nhưng vũ lực không chinh phục được tình huynh đệ. Chỉ có lòng
thương mới chinh phục được tình huynh đệ.
NIÊN BIỂU
1291 Tuệ Trung Thượng Sĩ mất.
1292 Thái tử Thuyên được lập làm Hoàng thái tử.
1293 Thái tử lên ngôi, hiệu Anh Tông, mười tám tuổi. Nhân Tông làm Thái
thượng hoàng. Em Anh Tông là Quốc Chẩn, mười ba tuổi, được phong làm Huệ
Võ Vương. Thái hậu Khâm Từ băng.
1295 Vua Nhân Tông thực tập xuất gia ở hành cung Vũ Lâm.
1299 Vua Nhân Tông xuất gia ở núi Yên Tử, đạo hiệu Trúc Lâm đầu đà.
1300 Hoàng tử Mạnh sinh.
1301 Trúc Lâm đầu đà du hành sang Chiêm Thành, hứa gã công chúa Huyền
Trân cho Chế Mân. Trần Quang Triều được phong làm Văn Huệ Vương. Hội Vô
Lượng được tổ chức ở chùa Phổ Minh gần cung Thiên Trường để thuyết pháp
và chẩn cấp tiền, lụa cho người nghèo trong nước.
1304 Trúc Lâm du hành trong nhân gian, thuyết pháp và khuyên dân thực
hành thập thiện. Trúc Lâm cho Pháp Loa xuất gia. Vua Anh Tông thọ Bồ Tát
tâm giới.
1305 Pháp Loa thọ giới tỳ khưu tại Kỳ Lân Viện. Huyền Quang xuất gia với
Bảo Phác. Sứ Chiêm sang làm lễ cầu hôn công chúa Huyèn Trân.
1306 Pháp Loa được lập làm giảng sư chùa Siêu Loại. Bảo Phác đưa Huyền
Quang tới làm thị giả cho Trúc Lâm. Công chúa Huyền Trân về Chiêm.
1307 Trúc Lâm kết hạ tại am Ngọa Vân và dạy Đại Huệ Ngữ Lục cho Pháp Loa
và bảy vị đệ tử khác. Vua Chế Mân băng. Trần Khắc Chung và Đặng Vân qua
Chiêm cứu công chúa Huyền Trân, sợ công chúa bị hỏa thiêu.
1308 Trúc Lâm làm lễ ủy Pháp Loa kế thế trụ trì chùa Báo Ân trước mặt
vua Anh Tông và triều thần. Tuyên Từ thái hậu xuất gia, thọ Bồ Tát giới
với Pháp Loa. Huyền Trân về nước. Trúc Lâm đại sĩ tịch. Bảo Sát làm lễ
hỏa thiêu Trúc Lâm tại Ngọa Vân Phong. Pháp Loa làm niêm tụng cho sách
Thạch Thất Mỵ Ngữ của Trúc Lâm.
1309 Rước xá lợi Trúc Lâm từ đại nội về Lăng Quy Đức bằng thuyền. Trai
đàn lớn được tổ chức cho Trúc Lâm.
1311 Bảo Sát được lệnh tục san Đại Tạng Kinh. Huyền Quang trình kiến
giải lên pháp Loa. Đại Việt đánh Chiêm. Vua Chế Chí bị bắt, đem về Đại
Việt.
1312 Anh Tông mời Pháp Loa vào chùa Tư Phúc trong đại nội giảng Đại Tuệ
Ngữ Lục. Vua cử Pháp Loa phát năm vạn quan tiền và lụa cho kẻ nghèo.
1311 Vua Chế Chí mất tại chùa hoàng cung Gia Lâm. Anh Tông sai trùng tu
chùa Báo Ân, xuống chiếu lập tang tịch và quy định tăng chức trong thiên
hạ. Hoàng hậu Bảo Từ cúng ba trăm mẫu ruộng vào chùa Báo Ân.
1314 Đại Tạng Kinh hoàn thành. Bản in đầu an trí tại chùa Báo Ân. Chùa
Báo Ân, và Phật điện, tạng kinh và tăng đường đếm được ba mươi sở. Hoàng
tử Mạnh lên ngôi hiệu là Minh Tông, mười lăm tuổi. Anh Tông làm Thái
Thượng Hoàng.
1316 Anh Tông thọ tại gia bồ tát giới.
1317 Huệ Võ Vương được gửi đi đánh Chiêm Thành. Vua Chế Năng, em của vua
Chế Chí chạy về quê mẹ ở Qua Oa (Java).
1318 Anh Tông mời Pháp Loa về Thường Lạc am ở cung Thiên Trường để giảng
Truyền Đăng Lục và Tuyết Đậu Ngữ Lục. Anh Tông ban cho Pháp Loa hiệu Phổ
Tuệ Tôn Giả. Vua Minh Tông xuống chiếu triệu một vị tăng Ấn Độ tên Ban
Để Đa Ô Sa Thất dịch kinh bách Tán Cái Thần Chu. Thái hậu Tuyên Từ băng.
1319 Đói. Vua Minh Tông nhờ Pháp Loa tổ chức cứu trợ. Huệ Võ Vương Quốc
Chẩn mời Pháp Loa về phủ An Hoa giảng Đại Huệ Ngữ Lục.
1320 Anh Tông băng.
1321 Hoài Ninh Hầu đúc tượng Quan Âm Thiết Phủ Thiên Nhãn và viết bài
bạt cho Đại Tạng Kinh. Quốc Chẩn thọ tại gia bồ tát giới ở chùa Sùng
nghiêm.
1322 Pháp Loa viết sách Tham Thiền Yếu Chỉ, được ban hiệu Minh Giác,
Giáo Hội Trúc Lâm đúc 1,000 tượng Phật. Văn Huệ Vương Quang Triều xuất
gia với Pháp Loa.
1324 Chùa Quỳnh Lâm có hơn 1,000 mẫu ruộng và 1,000 tịnh nhân làm ruộng.
Huệ Túc Vương Đại Niên đem quân đánh Chiêm Thành thất bại, phải rút quân
về. Chiêm Thành khôi phục nền độc lập.
1330 Pháp Loa tịch.
1377 Vua Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành bị phục kích chết trong
thành Trà Bàn. Quân Đại Việt thua lớn. Cuối năm, chiến thuyền Chế Bồng
Nga ra Thăng Long.