Truyện Cổ Phật Giáo
Truyện Thơ Tập 1
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Diệu Phương xuất bản 2002
---o0o---
(6)
Xâu Ngọc... Nước
Hoàng cung cảnh đẹp vô cùng
Hoa thơm, cỏ lạ một vùng tươi xinh
Có hòn non bộ hữu tình
Có hồ bán nguyệt in hình trời mây
Mưa nhè nhẹ, gió hây hây
Muôn chim đua hót ngất ngây lòng người.
Bên mành Công Chúa đang ngồi
Nụ cười trong trắng, tuổi đời ngây thơ
Cảnh vườn Thượng Uyển như mơ
Nhưng Nàng đưa mắt thờ ơ ngắm nhìn
Quá quen cảnh vật ngoài hiên
Nên Nàng mơ mộng về miền xa xôi
Thả hồn mơ cảnh lạ đời
Khác hơn mọi thứ ở nơi cung đình.
*
Hạt mưa lất phất qua mành
Rơi trên mái ngói men xanh hiên ngoài
Ðọng thành dòng nhỏ chảy dài
Buông từng giọt xuống rãnh nơi thềm nhà,
Giọt mưa rọi nắng vàng pha
Nở thành bóng nước như hoa tuyệt vời
Sắc mầu kỳ ảo rạng ngời
Giống muôn hạt ngọc hiếm nơi dương trần.
*
Mặt Công Chúa chợt sáng ngần
Nàng nhìn bóng nước nghĩ thầm: "Ðẹp thay!
Ta nhiều châu báu trong tay
Nhưng so với "ngọc nước" này kém xa
Ước gì ai tặng cho ta
Một tràng chuỗi kết toàn là ngọc đây
Ðeo lên trang điểm cổ này
Biết bao hạnh phúc dâng đầy tim côi!".
*
Khi mưa trên mái tạnh rồi
Nước ngưng lòng rãnh. Ôi thôi còn gì!
Bao hình bóng nước biến đi
Còn đâu ngọc quý! Còn chi mộng hờ!
Tâm hồn Công Chúa ngẩn ngơ
U buồn nét mặt! Thẫn thờ con tim!
Về phòng đóng cửa, im lìm,
Vội vàng cung nữ báo tin triều đình.
Ðức Vua, Hoàng Hậu hoảng kinh
Tưởng Nàng bệnh nặng, xót tình con yêu
Thường nâng niu, vốn nuông chiều
Nên cùng gạn hỏi đủ điều hồi lâu.
E dè Công Chúa cúi đầu
Lời hoa thỏ thẻ trình tâu ý mình
Muốn tràng "ngọc nước" đẹp xinh
Bồng bềnh trên rãnh, kết thành chuỗi đeo.
*
Vua vui vẻ nói: "Con yêu!
Ðó là bóng nước mưa chiều tạo ra
Tuy trông đẹp tựa ngọc ngà
Kết đâu thành chuỗi! Chỉ là giả thôi!
Ta nhiều ngọc hiếm trên đời
Cho con ngọc thật chứa nơi kho tàng!"
Vua sai mang ngọc cho Nàng
Nhưng nào Công Chúa có màng đến đâu
Chỉ đòi "ngọc nước" muôn mầu
Giờ đây thất vọng, âu sầu ngày đêm
Bệnh tình càng trở nặng thêm
Vua và Hoàng Hậu muộn phiền lo âu.
*
Thế rồi nhân một buổi chầu
Vua, Quan họp lại cùng nhau luận bàn
Làm sao chữa bệnh cho Nàng,
Triều thần lúng túng không phương kế nào.
Vua đòi thợ ngọc giỏi vào
Lệnh theo bóng nước sắc mầu long lanh
Mà làm ra ngọc đẹp xinh
Ðể xâu thành chuỗi đem trình lên Vua.
Bao nhiêu thợ giỏi chịu thua
Làm sao chuốt ngọc đẹp như bóng hình!
Vua mong Công Chúa chóng lành
Nghìn vàng treo thưởng tìm danh y về.
*
Rồi vào một buổi sáng kia
Có người thợ ngọc xin đi vào chầu
Già đời, trắng tóc, bạc râu
Sau khi nghe chuyện Cụ tâu đôi lời:
"Ðây là tâm bệnh mà thôi
Thuốc thang điều trị không đời nào xong
Bệnh tình Công Chúa trong cung
Hạ thần có cách. Chữa mong khỏi liền!"
Vua Cha mừng rỡ vô biên
Ði tìm Công Chúa báo tin: "Có người
Xâu được ngọc quý thật tài!"
Nàng nghe vội nở nụ cười. Mộng mơ.
*
Hôm sau được dịp trời mưa
Bao nhiêu "ngọc nước" trôi bờ rãnh hoa
Cụ già tâu với Vua Cha
Xin mời Công Chúa ghé ra trước thềm
Cụ thưa: "Tôi mắt kèm nhèm
Ngọc nào tốt xấu khó nhìn ra thay
Xin nhờ Công Chúa khéo tay
Lại thêm tinh mắt, ra đây lựa giùm!"
Long lanh bóng nước từng chùm
Trôi trên bờ rãnh chập chùng nối nhau
Tựa như ngọc quý muôn mầu
Tiếc thay chạm đến tan mau không ngờ!
Nàng Công Chúa tiếc ngẩn ngơ
Nhanh tay cố vớt hàng giờ uổng công.
Hồi lâu chán nản trong lòng
Xoay qua lên tiếng thưa cùng Vua Cha:
"Thứ này chẳng đáng ước mơ
Chỉ là hình dáng phô ra bên ngoài
Toàn là giả tạo mà thôi
Con không ưa thích nữa rồi! Thưa Cha!"
Nàng Công Chúa tỉnh ngộ ra
Thẹn thùng về chuyện vừa qua vô vàn.
*
Phật quay qua Ngài A Nan
Và cùng đại chúng khẽ ban lời vàng:
"Vật chi thể chất rõ ràng
Lại thêm hình tướng sẽ càng mau tan:
Bồng bềnh như bóng trôi ngang
Chập chờn như dải nắng vàng trong mưa
Mà nai khao khát thích ưa
Tưởng lầm là nước vội đua nhau dành!"
*
Sắc thân ngũ ấm chúng sanh
Nếu mà quán tưởng như vành nắng kia
Quán như bóng nước tan đi
Thoát vòng sanh tử! Còn chi luân hồi!
(phỏng theo bản văn xuôi
của Trí Hiền)
- o0o -
Mục Lục tập 01 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 |6 |7 | 8 |9 |10 |11 |12 |13 |14
|15 |16 |17 |18 |19 |20 |21 |22 |23 |24| Xem tiếp tập 02 |
- o0o -
| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |
---o0o---
Trình bày : Nhị Tường
Cập nhật : 01-03-2002
Nguồn: www.quangduc.com