Ngày trước, bên sườn núi có một khu sơn trang, trong đó, một
ngôi chùa thờ Phật được dựng lên từ lâu lắm rồi.
Trong chùa, trừ vị sư già cỡ chừng 70 tuổi ra, không còn có ai nữa. Năm đó,
Người đã trắng xóa đôi lông mài, và chòm râu phất phơ trước ngực tựa hồ chùm
cước trắng. tuy nhiên, Người vẫn mạnh khoẻ. Các công việc trrong chùa như khóa
tụng sớm chiều, thổi cơm, quét đất, nhặt cỏ, giặt áo, lên đèn nhang. . . nhất
nhất đều do hai bàn tay Người đảm đương cả.
Các người trong sơn trang, ngày ngày đi qua sân chùa thấy Người làm lụng cực khổ
đều ra ý ái ngại hỏi:
- Thưa Hòa thượng! Hòa thượng tuổi già sức yếu mà còn làm việc cực nhọc. Vậy
không cảm thấy sự mệt mỏi sao? Bà con chúng tôi xin lại giúp Người giặt giũ đây!
Hoặc có việc gì khác xin cứ dạy bảo, chúng tôi nguyện tận tâm làm thay.
-Cảm tạ tấm lòng quý hóa của quí vị: hiện bần Tăng còn có 1sức công tác, khi nào
sức ấy kiệt quệ, quí vị có lòng giúp đỡ, lúc đó bần tăng đâu dám từ chối. Vả
chăng, sức còn khoẻ mà được phục vục công tác, cũng là một đều khoái hoạt cho
tinh thần.
Hòa thượng nói xong, để hở hai hàng lợi móm phát lên một hồi cười giòn giã:
Khách . . . khách. . .
Ðại khái cuộc sinh hoạt hằng ngày của Hoà thượng rất là hồn nhiên vui sướng,
không bợn chút phiền não ưu tư chi hết. Các người trong thôn trang gặp sự gì khó
giải quyết, hoặc không thông hiểu đều ra hỏi Hòa thượng và được Hòa thượng giải
đáp một cách rành rẽ, đầy lòng từ bi hỷ xả, có khi thuận miệng, Hòa thượng còn
giảng them kinh kệ và Ðạo Phật cho nghe nên hầu hết gia đình ở thôn trang này
đều tỏ ra cung kính tôn sùng Hòa thượng.
Ðể biểu lộ tấm lòng ấy, họ thường mang gạo, rau tương ra chùa cúng dường. Khi
nào trời mưa to, gió lớn, họ ra chùa hỏi Hòa thượng xem chùa có bị hư hoại gì
không, và mái chùa có chỗ nào lủng dột?
Hòa thượng trả lời mọi người với giọng vui vẻ:
- Cảm tạ quí vị! Cảm ơn quí vị! Ðêm qua nước dỏ giọt lên trên đầu bần Tăng, lên
giường bần Tăng, đại khái, trời mưa luôn ít ngày như thế này thì nhất định
gìường lên nấm và lúc đó tha hồ làm ăn.
Thế là mọi người cùng xúm lại lên mái chữa dột, thay chiếc rui mục nát đi và lấp
các chỗ trống lại. Nhân vị Hòa thượng là vị đạo đức, nên dù là chùa nhỏ, cảnh
nghèo, mà nhân dân hết sức ủng hộ, lại kính trọng phi thường vị Hoà thượng trụ
trì. Còn vị Hòa thượng trụ trì này tuyệt đối không cảm thấy sự nghèo khổ là gì.
Trái lại, lúc nào cũng hồn nhiên, vô tư lự, đến nổi gian chùa nhỏ này, giường
của sư nằm, nấm cứ tự do mọc, tường chái và sân chùa, cỏ cứ tự do lên. Hòa
thượng vẫn giữ nếp sống vui vẻ, từ bi tự tại.
Một năm qua, mùa đông heo hút đã đến.
Hôm đó, tuyết trắng phau nphau, chất đầy cổng mái, sân chùa, càng về chiều khí
lạnh càng toát, thấu đến xương tủy. Bỗng có tiếng gõ cửa: Cách cách cách. . .
- Ai? Hòa thượng lớn tiếng hỏi:
- Lão Hòa thượng! Lão Hòa thượng! Ở ngoài có tiếng trả lời.
Hòa thượng lấy làm kỳ dị, tự nghĩ: "quái lạ! Ðêm đông lạnh lẽo như cắt ruột thế
này mà có ai đến gọi ta?" Tuy nhiên, chân Hòa thượng đã như chiếc máy tiến sát
tới cửa.
Chiếc cửa mở ra, ngờ đâu chú hồ ly đang ngồi thu hình vào khe tường, ngoài trời,
những tràng gió bấc vù vù thổi tới, đập vào cánh cổng ầm ầm. Khí lạnh thấu
xương, chú hồ này toàn thân rung lên lẩy bẩy, thật là run như cầy sấy!
- Té ra là mi, tội nghiệp! Ðêm hôm giá lạnh tới đây làm gì? Hay là có chi cần
đến bần Tăng này chăng? (Hòa thượng xúc cảnh sanh tình mà phát lên lời này, chứ
ai chẳng biết rằng loài vật đâu có biết nghe tiếng người)
Nhưng thật lạ lùng! Hồ ly này biết nghe và nói tiếng người nữa. Nó nghe Hòa
thượng nói xong, liền quỳ xuống sát đất thưa với Hòa thượng:
- Lão Hòa thượng! Hòa thượng không nhận con ra sao? Con ở ngay phía sau núi này,
hiện nay tuổi mỗi năm mỗi già, thân thể gầy ốm, không chịu nổi được sức rét của
trời đông này ở trong hang, nên con đến đây trông ơn Hòa thượng từ bi cứu khổ,
cho con được vào trú tạm thời đêm nay và đốt lửa hông cho đỡ rét, phỏng có được
không?
- Ðược, được. Vào đi!
Vị Hòa thượng từ bi này đưa hồ ly vào bếp, lấy luôn củi nhóm lửa cho hồ ly sưởi,
và bảo hồ ly:
- Củi này của đồng bào thôn trang đem ra cho bần Tăng chuẩn bị mùa đông ngay từ
khi trời thu mới bắt đầu. Nhưng bần Tăng nghĩ rằng sưởi một mình thì phí quá,
nếu là hai người thì số củi cũng chỉ tốn như thế mà thôi. Vậy hồ ly đừng e ngại,
lần sau cứ lại đây sưởi chung với bần Tăng nhé!
Hồ ly nghe câu này, cũng cảm tạ lòng thương người của Hòa thượng, thì gật đầu
lia liạ.
Hòa thượng lại hỏi hồ ly:
- Xưa nay bụng đói làm tăng cơn rét. Chắc rằng hồ ly đói lắm phải không? Ðây bần
Tăng còn cơm, bần Tăng đem ra cho hồ ly ăn, nghe không? Nói rồi, Hòa thượng lấy
ra một bát cơm lớn đưa hồ ly.
Hồ ly đỡ lấy cơm nét hoan hỷ lộ ra ngoài mắt, làm chiếc đuôi ngoe ngoảy lên
trời, và chỉ nháy mắt, bát cơm to lớn đã trút hết vào bụng chỉ còn trơ lại chiếc
bát.
Cơm no, sưởi ấm, hồ ly dần dần trở lại trạng thái bình thường, tưởng đến giấc
ngủ ngon liền từ biệt Hòa thượng mà về hang của mình.
Hòa thượng tươi nét mặt đáp:
- Hồ ly có tánh quen ngủ trong hang, bần Tăng cũng chẳng cần giữ lại ở đây. Duy
tiết trời kỳ này lạnh lắm, vậy thường lại đây mà sưởi ấm nhé!
Từ hôm đó trở đi, chiều nào hồ ly cũng lại chùa sưởi ấm với Hòa thượng. Có một
chiều nọ, hồ ly lụm cụm vác một cây củi lớn trên lưng đem lại đưa Hòa thượng.
Hòa thượng cười, khuyên:
- Hồ ly! Bần Tăng khen trí thức hồ ly mỗi ngày một mở mang, đã biết nhặt cây khô
đem lại sưởi ấm, bần tăng rất cảm ơn. Tuy nhiên, hồ ly nên để ý chớ bẻ bậy cây
cối của người. Người ta đánh chết đấy!
Chẳng bao lâu xuân tàn xuân tới, những mảng tuyết trắng phau chất đầy ngọn núi
đã tan hết, để lộ cành cây trơ trụi đã bắt đầu lú nhú mầm non. Khí tiết cũng đổi
thay với một ôn độ ấm áp như trả về bình thườnh cho vạn vật.
Một buổi chiều nọ, hồ ly gập mình xuống đất nói với Hòa thượng:
- Lão Hòa thượng! Con được bóng từ bi che chở, nếu không thì đã chết rét ngay từ
đêm mùa đông vừa rồi! Cái ân ấy to tát lắm thay, con chưa biết gì báo đáp. Vậy
xin Hòa thượng có cần chi, nói cho con biết, để con tận lực làm theo ý muốn của
Hòa thượng.
- Không, không, hồ ly không cần để tâm điều đó làm gì! bần tăng hiện nay, không
cần chi hết.
- Hồ ly từ tạ trở ra, nhưng trong lòng vẫn thắc mắc phải có dịp báo đáp được ân
tình của Hòa thượng đã ban cho mới thôi, mặc dầu Hòa thượng có nói là không cần
đến.
- Qua mấy hôm sau, hồ ly lại đến. Trong lúc vui chuyện, Hòa thượng bất gíác buột
miệng than thở với Hồ Ly:
- Bần Tăng trụ trì ở ngôi nhà nhỏ bé này đã 60 năm nay, đội ơn từ bi của Phật
Tổ, và nhờ sự thôn trang ủng hộ. Nhưng 60 năm, ngôi chùa đã dần dần hư hoại, cần
phải sửa chữa, tượng Phật cũng cần phải thếp vàng. Bần Tăng nghĩ rằng, trong đời
bần Tăng còn sống đây, thế nào cũng phải lo sửa chùa, tô tượng, và mời thôn
trang lại thọ trai một bữa để tỏ tình cảm tạ mới hả lòng này.
- Thế sao Hòa thượng không khởi sự ngay đi? Hồ ly ngây thơ hỏi:
- Cái đó phải đợi lúc nào trong tay có được vài lượng vàng mới nói chuyện khởi
sự được. Còn bây giờ, dù có nghĩ, cũng chỉ là không tưởng mà thôi!
Hòa thượng nói đây, chỉ là rổi rãi bàn chơi, không ngờ hồ ly cúi đầu trầm trầm
tỉnh tỉnh nghe Hòa thượng nói hầu như ngây ra không còn cử động, khiến cho Hòa
thượng rất hối hận cho lời nói của mình, muốn đánh lảng sang chuyện khác, nhưng
hồ ly vội vàng cáo biệt.
- Hòa thượng! Con cần phải về, xin hẹn một buổi khác sẽ lại. Kính chào Hòa
thượng.
Mấy ngày sau, không thấy hồ ly tới chùa. Hòa thượng trong lòng nghĩ: có lẽ trời
đã ấm, không cần sưởi nữa, nên hắn không lại, nhưng nếu quả vì đó mà hắn không
lại thì cũng là thường, chuyện vài lượng vàng mà ta vô tình buột miệng nói ra,
khiến hắn không kiếm được mà mắc cỡ không dám lại thì đó cũng là thường không
đáng quan tâm. Ta chỉ sợ, hắn đi ăn trộm ăn cắp vàng của người khác, rồi bị đánh
chết thì mới là tội nghiệp quá.
Vị Hòa thượng từ bi này nghĩ như thế thì trong lòng nổi lên hối hận, yên trí hồ
ly không còn sống ở cõi đời này nữa, nên cứ sớm chiều hai buổi gắng sức tụng
kinh, niệm Phật cầu cho Hồ ly kiếp sau không phải đọa vào loài súc sinh, mà được
chuyển sang làm người.
Thời gian thấm thoát như nước chảy dưới cầu. Chớp mắt trôi qua đã ba năm có lẽ.
Vị Hòa thượng cũng đã tám, chín mươi tuổi và vẫn trụ trì ở chùa này.
Một buổi mùa hạ, vào khoảng đêm lặng canh tàn, vừng trăng ngà treo lơ lửng trên
không tỏa ánh êm dịu xuống khắp khu chùa. Trong bờ lau, bụi cỏ, các côn trùng
đang cùng nhau hòa khúc nhạc du dương, Hòa thượng toan đi nằm, thì ngoài cổng
bỗng có tiếng gõ và tiếng gọi:
- Lão Hòa thượng! Lão Hòa thượng!
Hòa thượng lắng nghe, trong đêm im lặng, rõ là tiếng hồ ly, liền mau ra mở cửa.
- À! Hòa thượng như trút được mối ưu tư trong mấy năm trường, quả nhiên là hồ
ly! Thế ra hồ ly vẫn còn sống? Mừng quá! Mừng quá! Mau vào đây!
Hòa thượng vuốt đầu hồ ly, cả hai cùng rươm rướm mắt cảm động về sự lâu ngày
cách biệt, nay bỗng trùng phùng.
Hồ ly cầm tay Hoa thượng rồi đặt vào lòng bàn tay một thỏi vàng.
Hòa thượng ngac nhiên, hỏi Hồ ly:
- Cái gì đây? Làm ao mà có được của này? Hồ ly đem ngay đi nơi khác, đâu trả về
đấy, chớ có tham lam phải tội!
Hồ ly đặt thoi vàng xuống giường từ tốn giải bày:
- Ba năm trước đây, Hòa thượng có còn nhớ câu chuyện cần vài lượng vàng để sửa
chùa, tô tượng, cùng thiết cơm chay không? Từ đó đệ tử vốn có ý niệm đi lấy trộm
của người đem về cúng dường, nhưng nghĩ rằng Lão Hòa thượng là một vị cao Tăng
đạo đức, đâu chịu nhận như thế, nên con phải rút lui ý đó mà theo người ta vượt
qua bể sang đảo Kim Sa, ở đấy có mỏ vàng nhân dân đang khai mỏ lấy vàng, nhưng
dù sao vẫn còn tí chút vàng rơi vải lẫn vào cát, con liền cố công nhặt kỹ luôn
trong ba năm, được một số ngần này đây, con đốt củi nung cho vàng chảy liền với
nhau và đem về cúng dường Hòa thượng để khởi sự sửa chùa, tô tượng, thiết trai
như ý Hòa thượng mong mỏi.
Hồ ly nói xong, nhặt thoi vàng đặt vào lòng bàn tay Hòa thượng.
Hòa thượng quá cảm động, bất giác ứa lệ, không phải ứa lệ vì mừng được vàng, mà
ứa lệ thấy hồ ly có tín tâm, không quản ngàn dặm, vượt bể mót vàng luôn trong ba
năm biết bao là lao khổ, biết bao là bền gan nhẫn chí, thật là cái tinh thần ấy,
cái nghị lực ấy, cái tín ngưỡng sắt đá ấy mới khiến cho Hòa thượng nhỏ lệ và cứ
để thoi vàng đặt trên lòng bàn tay run run như thế mãi hàng giờ không hạ xuống.
Nguồn: www.quangduc.com