•
Tản Mạn Về Mẹ Nhân Mùa Vu Lan 2004
•
Tản Mạn Về Cần Thơ
•
Bồ Tát Đưa Thơ
•
An Tâm
•
Bất Tăng Bất Giảm
•
Hành Hương Thiên Trúc
•
Hồng Hạnh
•
Người Đẹp Thoảng Hương Sen
•
Ngưu Ma Vương
• VẾT NHẠN LƯNG TRỜI (Tập
Truyện)
Lời Giới Thiệu của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh
Trần Truồng
Vết Nhạn Lưng Trời
Thuốc Đắng
Loài Hoa Bình Dị
Thành Toàn
Ngộ
Đâu Chẳng Là Nhà
Chân Dung Của Mẹ
• CỬA THIỀN DÍNH BỤI (Tập
Truyện)
Một Bước Chẳng Rời
Khẩu Phật Tâm Xà
Khảo
Cửa Thiền Dính Bụi
Tầm Thầy
Ðiệu Múa Loài Ong
Sen Trắng
Tiền Nào Của Ấy
• NHƯ THẾ MÀ TRÔI (Tập Truyện)
Trò Chơi Cút Bắt
Tan Loãng Theo Mây
Lấy Chồng Xa Xứ
Như Thế Mà Trôi
Cam Lồ Xa Mạc
Thần Tài Gõ Cửa
Tình Nghĩa Xương Rồng
Hoằng Nguyện Thênh Thang
• CON ĐƯỜNG VÔ TẬN (Tập Truyện)
Lời Nói
Đầu
Một Vị Phật Khai Sinh
Phổ Nguyện
Ngưỡng Cửa Của Thương Yêu
Cửa Thiền Cửa Tịnh
Tô Canh Bù Ngót
Con Ðường Vô Tận
Một Niệm Buông Lung
• MẸ QUAN ÂM CỬU LONG (Tập
Truyện):
Lời Nói Đầu
Theo Dấu Chân Xưa
Mẹ Quan Âm Cửu Long
Người Đẹp Thoảng Hương Sen
Mở Toang Cửa Địa Ngục
Tiếng Chuông Của Chư Thiền Sư
Quan Âm Tóc Rối
Cây Khô Trổ Bông
|
Truyện Ngắn Phật Giáo
Con Đường Vô Tận
Huỳnh Trung Chánh
______________________________________________________________________________
Lời Nói Đầu
Trên bước đường lánh nạn cơn chiến chinh khốc liệt năm 1945, từ Trà Vinh
về Cao Lãnh bằng xuồng chèo trên giòng sông Cửu Long, hằng ngày tôi đã
phải ngắm nhìn vài mươi xác người sình chương trôi lềnh bềnh trên giòng
nước. Hình ảnh ghê rợn đó đã ám ảnh tôi suốt quãng đời thơ ấu. Tôi hằng
khoắc khoải về thân phận bé bỏng của con người, và ước mong tìm ra giải
đáp về lẽ sống chết qua tôn giáo. Do đó, tôi đã không ngần ngại viếng
các ngôi thánh đường công giáo, Tin Lành và Cơ Đốc Phục Lâm để tìm hiểu.
Thánh đường nào cũng đồ sộ nguy nga, quý vị linh mục và mục sư hùng
biện, chương trình nghi lễ tươm tất, tổ chức thanh thiếu niên vui tươi,
hợp với ban ca thánh điêu luyện…, nên đúng ra phải có sức lôi cuốn tuổi
trẻ rất mạnh. Thế nhưng, dẫu cố gắng hết sức, tôi vẫn thấy mình xa lạ
ngàn trùng với tôn giáo nầy. Nỗi niềm xa lạ đó, không phát sinh từ lý
luận đúng sai, mà thật ra chỉ dựa vào một thứ trực giác mơ hồ khó giải
thích. Tôi có cảm giác rằng, vĩnh viễn mình chỉ là người khách đứng bên
ngoài chớ không thể nhập cuộc thành một con chiên ngoan ngoản được.
Mãi đến năm mười tám tuổi tôi mới đặt chân đến cổng chùa. Lần đó, tôi
theo người bạn thân tên Trịnh hưng Vận đến chùa Linh Sơn, chợ Cầu Muối,
Saigon do hòa thượng Thích Tắc Thuận trụ trì, để dự lễ sám hối. So với
thánh đường, ngôi chùa tiều tụy nghèo nàn, tổ chức lượm thượm, không có
ban ca nhạc, không phần thuyết giảng, không có ban “làm chứng đạo” nồng
nhiệt chiêu dụ. Có lẽ nhờ vậy mà tôi dễ cảm thấy tự nhiên thoải mái. Tôi
chiêm ngưỡng tượng Phật từ bi, tôi lặng nhìn thầy trụ trì hiền hòa từ
ái, tôi lắng nghe tiếng chuông thanh thoát, tôi hòa hợp với niềm vui mộc
mạc của những cụ bà Phật tử quê mùa… Và tôi bỗng khám phá rằng dường như
tất cả những gì ở chốn nầy đều thân thương đều quen thuộc với tôi tự
kiếp nào. Tôi lễ Phật trong niềm vui lạ lùng của một đứa con hoang đàng
lạc lõng bất ngờ được quay về ngôi nhà xưa ấm êm. Dù chưa hiểu chút giáo
lý, chỉ trong một thời gian ngắn, tôi xin thọ tam quy ngũ giới và được
thầy ban pháp danh Thiện Tâm, về sau, tôi chọn cho mình pháp hiệu Hư
Thân. Hư thân vừa mang nghĩa là thân hư huyễn, vừa ngầm gợi lại hình ảnh
đứa con hoang đàng hư hỏng về nhà, tâm trạng của tôi khi vừa “trở về”
chùa.
Tôi bắt đầu tự tìm hiểu Phật giáo qua bộ Phật Học Phổ Thông của thầy
Thiện Hoa. Khi nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn Đức Phật dạy vua Ba
Tư Nặc : “Nầy Đại Vương! Thân thể mặt mày ông tuy già, mà cái thấy vẫn
không già. Cái nào già thì cái ấy sẽ bị biến đổi sanh diệt; còn cái nào
không già, thì không biến đổi sanh diệt! Nó đã không sanh diệt, thì làm
sao bị luân hồi sanh tử được…”bất chợt lòng tôi rung động, một niềm vui
mênh mang tràn ngập thân tâm tôi và đã kéo dài hàng tháng. Từ đó tôi
vững tin rằng tôi vốn đã không sanh và cũng sẽ không bao giờ diệt. Tôi
thường tìm đến chùa Aán Quang xin gặp thầy Thiện Hoa thỉnh thầy chỉ dạy
những điều chưa thông suốt. Pháp nhủ thầy giản dị, dễ hiểu và có lẽ đã
đi thẳng vào tâm tôi, nên bao năm tháng trôi qua, mà lời dạy của người
vẫn hiển hiện sáng ngời trong tâm khảm. Tôi luôn luôn kính thầy là bậc
ân sư đã khai mở cho tôi phát tâm bồ đề. Điểm tâm đắc mà tôi đón nhận
nơi ân sư là tinh thần hài hòa dung hợp tông phái : thầy tu tịnh độ,
nhưng trong tịnh lại tràn ngập thiền, giáo, mật. Về sau, có lúc tôi dành
rất nhiều thời giờ để học hỏi và thực tập thiền. Thế nhưng, càng nghiên
cứu thiền, thì niềm tin của tôi đối với pháp môn tịnh độ càng tăng thêm
phần kiên cố.
Sau năm 1963, tôi lại có duyên học Phật tại Viện Cao Đẳng Phật Học (tiền
thân của Phân Khoa Phật Học, Viện Đại Học Vạn Hạnh). Tôi được quý thầy
Nhất Hạnh, Thanh Từ, Minh Châu, Thiên ân, Thanh Kiểm… cùng các vị cư sĩ
như cụ Mai thọ Truyền, Nguyễn đăng Thục, Phan Khoang… giảng dạy. Đối với
tôi, vị thầy đặc sắc nhất mà tôi học hỏi và chịu ảnh hưởng sâu đậm là
thầy Nhất Hạnh. Tôi mang ứng dụng những điều thầy dạy vào cuộc sống hàng
ngày và nhận thấy đã gặt hái rất nhiều lợi lạc.
Tôi ghi lại vài giòng vắn tắt về bước đầu học Phật, để nhân dịp nầy nói
lên lòng thành kính và biết ơn sâu xa của tôi đối với bổn sư, ân sư
Thiện Hoa, quý thầy, quý bạn đã dạy dỗ và hướng dẫn tôi tìm về suối
nguồn Phật Pháp.
Phật Giáo đã là niềm tin, lẽ sống của tôi bao năm qua. Nhờ chỗ dựa tinh
thần nầy mà khi giòng đời trắc trở, tôi không đến nỗi bị cái thắng thua,
vinh nhục… làm xao xuyến, và vẫn có thể tìm được những giây phút thanh
thản nhẹ nhàng. Từ khi lưu lạc xứ người, nghĩ đến thâm ân Tam Bảo, tôi
hằng ước nguyện sẽ làm điều gì để góp phần nào vào công cuộc hoằng dương
đạo pháp. Nhân duyên tình cờ đưa đến khi quý thầy kêu gọi tôi viết bài
cho một tập san Phật giáo. Tôi đắn đo định viết bài khảo cứu, nhưng cuối
cùng tôi thử chọn thể truyện ngắn phảng phất chút hương vị đạo, và cứ
thế mà tiếp tục sản xuất cho đến ngày nay. Với tôi, viết truyện đạo là
một phương cách biểu lộ niềm tin sâu xa vào Phật Pháp, vừa có cơ hội
nhìn lại chính mình để tu dưỡng thân tâm. Khuyết diểm của truyện ngắn
là, do nhu cầu câu chuyện, phần giáo lý không thể trình bày đầy đủ, rõ
ràng và có thứ lớp, do đó, bạn đọc nên thận trọng, tránh tiếp thu một
cách dễ dãi. Qua những mẩu chuyện đạo, tác giả chỉ ước mong gởi đến
người đọc chút hương đạo nhẹ nhàng và nếu may mắn, có vị nào nhân đọc
truyện mà hứng thú tìm hiểu sâu rộng Phật Pháp, thì hân hạnh cho tác giả
biết bao. Ngoài ra, tác giả cũng xin lưu ý bạn đọc là một truyện ngắn,
dù đã được dựa vào sử liệu và nhân vật có thật, thì tình tiết cũng bị
thêm bớt và nhồi nắn lại nên phải được coi là một sản phẩm tưởng tượng.
Nhân đây, tác giả xin có lời cảm tạ quý thầy, quý thân hữu và bạn đọc đã
hướng dẫn, khuyến khích, cung cấp tài liệu và giúp đỡ tác giả hoàn thành
các tập truyện.
Tác giả đặc biệt xin chân thành tri ân hòa thượng Đức Niệm, vị thầy đã
hết lòng khuyến khích nâng đỡ tác giả sáng tác. Không có sự yểm trợ của
hòa thượng, chắc chắn tác giả đã ngưng viết từ lâu.
Trân trọng.
Tháng 7.1998
Hư Thân Huỳnh trung Chánh
Đầu Trang |
|