Có một thời Ðức Phật ở trong vườn của ông Cấp Cô Ðộc và cây
của ông Kỳ Ðà thái tử tại nước Xá Vệ, vua Ba Tư Nặc chủ nước ấy, có một quan đại
thần tên là Lê Kỳ Di ông là người rất hiền hậu và giàu có lắm, ông sinh hạ được
bảy người con trai, sáu người con lớn ông đã gây dựng cho thành gia thất cả rồi.
Bấy giờ ông tự nghĩ rằng hiện nay mình già sức yếu, sống chẳng bao lâu nữa, mà
xem tất cả mấy nàng dâu lớn, không ai là người đủ tài đảm đang giữ gìn được cơ
nghiệp này. Nay còn một người con út, cần phải kén chọn một nàng dâu sao cho đủ
tài năng đức hạnh để giao phó thì mới an tâm.
Ông nghĩ xong liền cho mời một ông bạn thân tới để bàn về việc đó. Khi ông bạn
kia tới ông tiếp đãi rất trọng hậu rồi nói với ông bạn rằng:
- Tôi còn một cháu út, nay muốn gây dựng cho cháu, nhưng chưa tìm được nơi nào
xứng đáng, vì cháu là người thông minh đĩnh độ, nên tất cả cơ nghiệp sau này của
tôi, tôi định giao cho cháu út chủ trương.
Xưa nay ông là người hay đi lại khắp nước, tôi muốn phiền ông làm ơn giúp cháu
việc này, xin ông để ý cho, xem đâu có người con gái hiền hậu tài năng tương
đương với cháu xin ông cố làm mối giúp cho.
Ông bạn nhận lời, đi thăm dò khắp cả, khi đến nước Ðặc Xoa Thi Ly thất một tốp
con gái rủ nhau đi hái hoa để trang điểm chơi với nhau. Ông liền theo dõi để ý
xem xét, một lúc đi tới quãng đường lội thì các cô đều trút guốc và vén áo lội
qua. Trong số đó chỉ có một cô người rất xinh xắn, và coi có vẻ thông minh hiền
hậu lắm, lúc lội xuống cô để yên cả áo và đi cả guốc lội qua. Lúc đến rừng, các
cô kia đều tranh nhau trèo lên cây hái hoa, riêng cô ấy cứ đi xin mỗi người một
vài hoa và không bao lâu mà đã được đủ các thứ hoa.
Bấy giờ ông kia liền đến tận nơi hỏi cô ấy rằng:
- Thưa cô, tôi có chút việc hơi thắc mắc cô có thể làm ơn chỉ giúp cho?
- Thưa cụ, cụ cần có điều chi hỏi đến cháu, cụ cứ nói, nếu cháu biết cháu xin
trả lời.
- Vì sao lúc nãy lội qua nước, tất cả mọi người đều bỏ guốc mà chỉ một mình cô
đi cả guốc là sao?
- Thưa cụ, sở dĩ người ta chế ra guốc cốt để hộ vệ cho bàn chân. Ði trên khô,
nếu có chông gai đá sỏi còn có thể thấy được để tránh, chứ ở dưới nước đáy nước
là chỗ khuất mắt không trong thấy, thì những thứ chông gai ngói sỏi rắn độc, rất
dễ làm hại chân người, vì thế mà cháu không bỏ guốc chứ có chi lạ.
- Mọi người đi qua chỗ lội đều vén áo, riêng cô không vén áo là sao?
- Thưa cụ, thân thể người ta có tốt có xấu, nhất là đàn bà con gái nếu đi chỗ
lội mà vén áo lên rất là khó coi, bị người ta chê cười, vì thế cháu cứ để yên.
- Thế sao chỉ có mình cô không lên hái hoa?
- Thưa cụ! Vì sợ gãy cành nên cháu không dám lên.
Người con gái ấy chính là con ông Ðàm Ma Ha Tiện, ở nước vua Ba Tư Nặc, trước vì
bị tội trốn sang đất nước này, lấy vợ sanh ra người con gái đặt tên là Tỳ Xá Ly.
Ông nghe những lời lẽ trên biết là người hiền lành, liền hỏi lại rằng:
- Cha mẹ cô còn không?
- Thưa cụ, hãy còn cả.
- Nay tôi muốn vào thăm ông bà nhà có được không?
- Xin mời cụ quá bộ lại, cháu xin về thưa ngay với thầy mẹ cháu.
Khi tới nơi người con báo tin cho cha mẹ biết, liền cùng ra đón tiếp thân mật,
ông liền hỏi rằng:
- Có phải người con ấy là con của ông bà không?
- Thưa phải!
- Xin lỗi, đã gả cho ai chưa?
- Thưa cháu hãy còn nhỏ chưa dám cho ai.
- Ông bà có biết ở nước Xá Vệ có quan Ðại thần tên là Lê Kỳ Di không?
- Trước tôi đã quen biết.
- Thưa ông bà, hiện nay ông ấy còn một người con út rất thông minh ngay thẳng và
cực kỳ khôi ngô, ông muốn nhờ tôi đến thưa chuyện với ông bà để cho cậu út ông
ấy được kết duyên cùng cô em nhà, việc đó nên chăng thế nào xin ông bà cho biết
ý kiến tôi xin cám ơn.
- Ông ấy cũng là một nhà hào kiệt xứng đáng nếu quả có lòng thương cháu thì
chúng tôi cũng vui lòng.
Khi được rồi, may sao lại có người về nước Xá Vệ, ông liền viết thơ gởi cho ông
Lê Kỳ Di bảo cho ông biết các việc đã xong xuôi, đúng như ý muốn của ông, vậy
sắm sửa sang đón dâu về.
Ông Lê Kỳ được tin mừng, lập tức sắm sửa đủ các lễ vật, xe ngựa, đi sang gần tới
nơi, cho người báo tin cho ông Ðàm Ma Ha Tiện biết. Ông liền sắp đặt đón rước
rất là long trọng, mời cả họ hàng bạn bè yến tiệc ròng rã suốt bảy ngày. Lúc trở
về Xá Vệ cô con gái vào bái biệt cha mẹ, bấy giờ bà mẹ đứng trước mặt mọi người
dặn con rằng:
"Từ này về sau lúc nào con cũng mặc áo thật đẹp, thường phải ăn các thứ thật
ngon, ngày nào cũng phải soi gương luôn".
Người con gái quỳ xuống xin vâng lệnh.
Ông Lê Kỳ Di nghe thấy thế, nghĩ thầm trong bụng lấy làm giận lắm, cho người ta
sinh ra ở đời những sự khổ sự vui làm thế nào mà ấn định được. Sự ăn ngon, mặc
đẹp làm thế nào mà có mãi được, huống chi là soi gương suốt ngày thì lại càng vô
lý lắm.
Tuy ông nghĩ như thế, nhưng dù sao ông cũng phải giữ lễ chủ khách cho qua, và đã
trót tin ở ông bạn rồi, bây giờ cũng đành cố nhẫn xem sao.
Công việc xong, đôi bên từ giã, cùng nhau thẳng đường về trước. Khi đến giữa
đường vào nghỉ nhờ một nhà trọ, rất lịch sự mát mẻ, ai nấy đều lấy làm vui
thích, mọi người đến trước đều đã nghỉ ngơi cả. Khi cô dâu đến sau, cô nói với
bố chồng rằng: "Xin dời nhà khác, chớ ở đây".
Ông cũng không trái ý, thu xếp ngay chỗ thoáng đãng rộng rãi nghỉ ngơi, còn mấy
người cố ý không nghe ở lại, đến đêm những voi ngựa buộc chung quanh nhà bị ngứa
ngáy chúng nó cọ xát đổ nhà cột gãy, đè phải người ở trong, người thì chết người
thì bị thương, không người nào thoát cả.
Bấy giờ ông nghĩ rằng: Hôm nay ông thoát chết là nhờ ở con dâu, nên từ đấy ông
đem lòng kính nể tin cậy.
Hôm sau lại lên xe ngựa đi đến bên một bờ sông con, mọi người thấy cây cối um
tùm mát mẻ liền dừng lại nghỉ, khi cô dâu đến sau, cô cũng lại nói là đi chỗ
ngay chỗ khác, không ở đây, phải lên trên chỗ cao ráo mới có thể yên được.
Mọi người nghe lời vừa đi lên trên ngọn đồi nghỉ được một lúc thì bỗng dưng đùng
đùng nổi lên cơn dông tố, ầm ầm gió táp, mây kéo nghịt trời, sấm vang chớp giật,
mưa xuống như trút, trong khoảnh giây phút mà nước ngập hết cả đường đi lối lại
những chỗ vừa qua.
Bấy giờ ông Lê Kỳ lại nghĩ rằng: "Hôm nay lại nhờ con dâu nên tất cả mọi người
được thoát chết". Từ đấy nàng dâu nói câu gì ai ai cũng lấy làm tin cẩn.
Khi về đến nhà, ông cho mời tất cả họ hàng, bạn bè thân thích đến mở tiệc ăn
mừng rất là vui vẻ.
Mấy hôm xong công việc, ông liền cho hội họp tất cả các con dâu lại mà bảo rằng:
- Bây giờ cha già tuổi yếu, tất cả công việc và của cải trong nhà, nay cha muốn
giao lại cho các con trông coi gìn giữ giúp đỡ cha. Vậy ai có thể đảm đương được
thì nhận lấy công việc và cầm lấy chìa khóa các kho tàng.
Sáu người đều từ chối, chỉ có nàng dâu út nhận lời. Khi nhận công việc rồi thì
nàng hết sức chăm chỉ, sáng dậy sớm, sai bảo các người ở sửa sang quét dọn nhà
cửa, đi chợ nấu ăn, sắp đặt việc dâng cơm lên cha mẹ và dọn cho cả nhà ăn, rồi
thu xếp cho các người tôi tớ ăn xong, phân công người nào việc ấy, xong xuôi tất
cả công việc rồi nàng mới ăn.
Ngày nào cũng như thế, ông bố chồng thấy nàng khác hẳn người phàm, lấy làm lạ
nhất là không thấy nàng làm theo những lời mẹ dặn khi bước chân về làm dâu. Ông
liền hỏi:
- Trước khi con về nhà chồng thì mẹ con có dặn là: "Phải ăn ngon, mặc đẹp, ngày
ngày soi gương", việc đó có ý nghĩ như thế nào?
Nàng liền thưa:
- Theo chỗ mẹ con dặn phải mặc áo đẹp, nghĩa là ở trong thân thể phải luôn luôn
giữ gìn cho sạch sẽ, còn áo mặc thường chỉ cốt sao cho bền chắc sạch sẽ là đủ.
Những lúc hội họp tiếp xúc với tân khách mới cần phải ăn mặc cho xứng đáng.
Còn ăn ngon, không phải là ăn các thứ cao lương mỹ vị béo bổ, mà ý mẹ con dặn
nên ăn muộn lại cốt để cho đói thì ăn mới ngon, bấy giờ dù thức ăn thế nào cũng
vẫn thấy ngon.
Còn ngày ngày soi gương, không phải các thứ gương soi thường dùng. Mà ý mẹ con
dặn phải dậy sớm, chăm chỉ quét dọn, rửa ráy trong ngoài mọi nơi cho sạch sẽ,
sửa sang kê lại bàn ghế thẳng tề chỉnh gọn gàng, không được để chỗ nào xiên xẹo
bẩn thỉu. Nhất là mỗi ngày phải kiểm điểm trong ngày ấy mình có phạm lỗi lầm gì
không để mà sửa chữa... Ðó chính là ý nghĩa những điều mẹ con đã dặn.
Nghe xong, trong lòng ông rất kính phục là bà mẹ có biệt tài dạy con, mà con
cũng là người khác hẳn phàm tục, ông liền giao phó tất cả cơ nghiệp cho trông
coi, và từ đấy vui vẻ không còn lo ngại gì nữa.
Có một hôm, đàn chim nhạn bay qua sân nhà vua, nó đánh rơi một bông lúa "tám
cánh" là một thứ lúa rất quí ở mãi ngoài bể khơi, mọc ở các gò rất xa, khi nó ăn
tha về qua đánh rơi. Có người nhặt được đem dâng vua, vua cho là thứ lúa ấy có
thể làm thuốc được, vậy không nên bỏ đi, liền chia cho các quan mỗi ông mấy hạt
về làm giống cấy để dành.
Ông Lê Kỳ Di được phần đem về cho cô dâu út, nàng liền sai người làm ruộng rất
kỹ càng và ở trong thửa ruộng tốt nhất gieo mạ chăm chỉ cấy. Ðến mùa sau, được
bao nhiêu lại để giống gieo nàng cho là giống lúa quí nhất mà xưa nay ít thấy,
kế tiếp mãi mùa nọ sang mùa kia, số thóc đó trong nhà ông có rất nhiều.
Bấy giờ Hoàng hậu bị bệnh rất nguy kịch, các thầy thuốc đều bảo làm thế nào lấy
được thứ lúa tám cánh ở ngoài bể để chế thuốc thì mới chữa được, không thì đành
phải chịu.
Vua liền nhớ lại ngày trước có được thứ lúa ấy đã giao cho các quan đem về làm
giống cấy. Vua liền triệu các quan vào hỏi việc đó. Ông thì nói nó không nở, ông
thì bảo bị chuột ăn, ông thì nói sâu cắn, mỗi ông có mỗi cách, không ông nào còn
lại hạt nào.
Ông Lê Kỳ Di về hỏi lại con dâu, thứ lúa ngày xưa cho đem cấy bây giờ thế nào,
nay nhà vua cần một ít để làm thuốc cho Hoàng hậu, cần lắm.
Người dâu đáp: "Thứ lúa ấy hiện nay ở nhà có rất nhiều, nếu chỉ làm thuốc thì có
thể chữa cho cả nước cũng không hết, chứ chữa cho một người thì có là bao".
Ông Lê Kỳ Di đưa lúa vào, vua cho thầy thuốc dùng chữa được Hoàng hậu khỏi ngay.
Vua rất mừng rỡ, ban thưởng các phẩm vật và vàng ngọc cho ông rất nhiều.
o O o
Bấy giờ giữa nước Ðặc Xoa Thi Lý và nước Xá Vệ hai bên hiềm khích nhau, thường
thường xảy ra những sự xung đột trở nên rối loạn.
Vua nước Ðặc Xoa Thi Lý muốn thử xem nước Xá Vệ có những bậc hiền tài trí tuệ
không, liền sai sứ giả mang sang hai con ngựa thật giống nhau như một. Hỏi xem
con nào là con, con nào là mẹ.
Vua cho hội họp cả các quan lại bàn, tuyệt không ai biết làm thế nào mà biết
được.
Ông Lê Kỳ Di cũng đi họp về, tỏ vẻ buồn rầu lắm, vì nếu không hiểu được thì cả
nước sẽ bị khinh.
Ông về tới nhà, người dâu thấy ông có vẻ khác, liền hỏi ngay thì ông nói lại
việc trong triều cho nghe.
Nàng nói:
- Việc đó có khó gì phải lo ngại, nghĩa là đem ít cỏ rất ngon bỏ cho cả
hai con, thì thế nào mẹ nó cũng nhường cho nó ăn trước, phân biệt rõ
ngay.
Hôm sau ông vô vào tâu làm đúng như thế, thử xong gọi sứ giả vào bảo,
người kia nhận là đúng. Vua lấy làm mừng lắm, lại ban thưởng cho ông
được thăng phâm tước và bổng lộc.
Khi sứ giả về tâu vua nước kia, thì vua nước ấy lại sai mang sang hai
con rắn dài bằng nhau, hỏi xem con nào đực con nào cái?
Vua quan bên này lại hội họp cùng bàn, cũng lại không giải quyết được,
ông Lê Kỳ Di lại về hỏi con dâu xem như thế nào thì biết được?
Nàng bảo:
- Lấy lụa giải xuống đất, rồi đặt hai con rắn lên trên, hễ thấy con cái
thì nó nằm yên, còn con đực thì nó cựa quậy luôn. Bởi vì tánh con cái
thích trơn nhẵn êm dịu không thích động, còn tánh con đực thì mạnh mẽ
hay bạo động, suy đó có thể biết được.
Ông lại vào tâu vua làm đúng như thế rồi bảo sứ giả, cũng chịu nhận là
đúng. Vua lại ban thưởng tước lộc cho ông.
- Sứ giả về tâu lại, vua nước kia lại cho mang sang một cây gỗ dài 10
thước, bào nhẵn hai đầu giống nhau, lại cho sơn kín. Hỏi đầu nào là gốc,
đầu nào là ngọn?
Tất cả vua quan bàn nhau mãi cũng không ai nghĩ ra, ông Lê Kỳ Di lại về
hỏi con dâu: Nàng bảo:
- Ðem thả xuống nước, đầu nào chìm tức là gốc, còn đầu nào nổi là ngọn.
Hôm sau sứ cũng làm cho đúng như thế, rồi lại trả lời cho sứ giả. Sứ giả
chịu nhận là đúng. Vua lại ban thưởng tước lộc cho ông.
Còn vị sứ giả về trình tấu với vua nước ấy mọi sự việc. Vua nước ấy nghe
xong rất lấy làm hoan hỷ, cho là ở trong nước bạn có bực hiền tài thực
phải tôn kính.
Vua liền cho sắm sửa lễ vật và các thứ châu báu, sai sứ giả mang sang
cống hiến và đề nghị từ nay hai nước nên tu chỉnh lễ nghĩa, giữ tình
giao hảo tốt đẹp với nhau, vì nước bạn thực đã có bực hiền tài phước
đức.
Vua Ba Tư Nặc bấy giờ lại càng mừng rỡ sung sướng, liền cho triệu ông Lê
Kỳ Di vào, đồng thời hỏi ông làm thế nào mà trước đây ông quyết đoán
được mọi sự thử đố của nước láng giềng.
Ông thành thực tâu với vua, không phải chính ông có những sáng kiến đó,
mà chính là do tài trí của người dâu út của ông.
Vua nghe xong hết sức cảm phục, cho triệu nàng vào cung và ban đặc ân
nhận nàng là em thứ ba của vua.
o O o
Nàng dâu Tỳ Xá Ly này sau sanh ra một bọc 32 cái trứng, nở ra 32 người
con trai, người nào cũng thông minh anh dũng, văn võ toàn tài, sức một
người địch nổi muôn người, cha mẹ rất yêu mến mọi người đều kính sợ.
Những người con kia khi khôn lớn lên lấy toàn con gái các nhà hào phú
trong nước, thuần là những con nhà phúc đức hiền hậu.
Cả nhà này đều ngưỡng mộ Phật pháp, thường thỉnh Phật và Chư Tăng tới
cúng dường và được nghe thuyết pháp, nên người nào cũng đã đắc đạo chứng
được bậc sơ quả, duy còn một người con út chưa chứng đạo.
Có một hôm cưỡi ngựa đi chơi ở ngoài thành, lúc đi qua một cái cầu, gặp
một chàng thiếu niên con quan Phụ tướng đi tới cầu. Chàng thiếu niên kia
đi xe, hai bên gặp nhau, đều cậy vào con nhà hào phú quyền thế không ai
chịu nhường bước ai. Lúc đó con bà Tỳ Xá Ly nổi giận, lập tức xuống dùng
sức mạnh lôi xe của chàng kia vứt xuống vệ cầu, làm cho thân thể chàng
bị thương nặng.
Chàng bị đau bưng đầu khóc, về mách với cha: "Con của Tỳ Xá Ly nó làm
nhục nên con bị đau đớn như thế này.
Quan Phụ tướng thấy con bị thương rất lấy làm tức tối và thương con,
song ông lại nghĩ: "Lũ con nhà kia có sức khỏe, hiện nay cả nước không
ai dám địch với chúng", nên ông nghĩ kế để báo thù.
Ông liền thuê thợ làm 32 cái roi toàn bằng thép ở trong có lưỡi rất sắc,
ngoài bọc kín chỉ nhìn như bao kiếm, đem tặng cho mỗi người một chiếc.
Lúc đem tặng nói là các cậu trẻ tuổi nên dùng thứ này để thường cầm tay
cho tiện, tất cả đều nhận để chơi, vì thấy nó rất nhỏ rất xinh.
Luật trong nước lúc bấy giờ cấm không ai được mang dao trong mình, sau
khi tặng ông thấy các người con của bà Tỳ Xá Ly thường mang roi đi chơi,
ông mới vào dèm tâu với vua: 32 người con của bà Tỳ Xá Ly mỗi người sức
địch được hàng nghìn người, nay xem như là có ý ám hại vua.
Vua nghe không lấy gì làm tin, ông liền tâu tiếp: Nếu vua không tin cho
nghiệm xét sẽ thấy. Hiện nay thường nào cũng mang dao giấu trong roi
ngựa, cứ lấy đó suy ra là đúng.
Vua liền đòi vào xem thử quả đúng.
Lập tức vua cho triệu các người lực sĩ vào mai phục ở trong cung rồi cho
gọi tất cả 32 người con của bà Tỳ Xá Ly vào, giết chết xong cắt tất cả
đầu đóng vào một cái hòm đậy kín, cho mang lại nhà em vua là bà Tỳ Xá
Ly.
Ðúng ngày hôm ấy lại là ngày bà thỉnh Phật và Chư Tăng về nhà thọ trai,
khi có người mang hòm đến bà tưởng nhà vua giúp thêm thứ gì cho bà, định
mở ra, Phật liền ngăn lại, bảo để ăn cơm xong đã.
Khi ăn xong, Phật cho tất cả mọi người cùng ngồi, Phật thuyết pháp cho
nghe. Phật nói:
- Tất cả cái thân của người ta đây, đều là vô thường không có chi là bền
chắc cả. Phàm đã có thân đều phải chịu những sự đau khổ, không thể kêu
ai được. Tất cả muôn sự muôn vật ở đời đều là giả dối, như chiêm bao,
như bọt nước, không có chi là có thực. Cái thân này cũng là giả hợp,
mượn nhiều nhân duyên họp lại mà thành, đến khi nhân duyên hết lại tan
rã, như cây chuối kia khi bóc hết bẹ ra là không thấy cây đâu nữa. Nói
tóm lại, phàm đã có sinh ra thân này đều phải chịu những sự lo buồn khổ
não nó ràng buộc, những sự lo buồn khổ não nó ràng buộc, những sự đắng
cay chua xót nó vẫn ở luôn bên mình, những sự yêu mến nhau tới lúc ly
biệt nhau làm cho nhau thương xót ảo não, uổng chịu những nỗi khổ đau
làm cho thân tâm nhọc mệt mà không ích lợi gì cho đạo cả, không có gì
đứng mãi không đổi thay tàn hoại. Chỉ có những người có trí tuệ mới hiểu
các lẽ đó.
Lúc đó bà Tỳ Xá Ly nghe xong liền tỉnh ngộ, chứng được quả A Na Hàm, vui
mừng chắp tay bạch Phật:
- Xin Phật thương xót cho con được làm theo bốn điều nguyện như sau:
1. Xin cung cấp thuốc thang cơm nước cho các vị Tỳ kheo bị đau ốm.
2. Cung cấp cho những người trông nom các vị Tỳ kheo bị bệnh.
3. Cúng dường các vị Tỳ kheo ở xa mới tới.
4. Cúng dường lương thực thuốc thang cho các vị Tỳ kheo đi xa.
Bởi vì những vị bị bệnh nếu không có đủ thuốc thang ăn uống, có thể nguy
mất tánh mạng.
Những người săn sóc cho các vị bị bệnh, nếu thiếu các sự ăn uống và cần
dùng, thì người ấy sẽ bỏ vị bị bệnh, người bệnh khó khỏi.
Những vị ở các phương xa mới tới, còn lạ lùng bỡ ngỡ, đi xin rất khó,
hoặc gặp chó dữ hoặc gặp người không tốt, có khi họ làm cho khó chịu
sanh lòng căm giận nên con phải cúng dường các vị ấy trước.
Các vị Tỳ kheo đi xa cần nên có bạn, nếu không có bạn hoặc thiếu lương
thực, hay không đi kịp bạn, đường lối hiểm trở gặp nhiều thú dữ, có khi
xảy ra tai nạn, vì thế nên phải cúng dường cung cấp cho các vị ấy trước.
Khi Phật nghe bà Tỳ Xá Ly phát nguyện như thế, Phật liền khen ngợi: "Hay
lắm, hay lắm! Ngươi phát nguyện như thế cũng như cúng dường Chư Phật".
Công việc xong, Phật và Chư Tăng cùng về Kỳ Hoàn Tịnh Xá.
Sau khi Ðức Phật về rồi, bà Tỳ Xá Ly mới mở hòm ra, trông thấy 32 cái
đầu, nhưng nhờ bà đã hiểu đạo, dứt bỏ được mối ái dục, nên không đến nỗi
áo não lắm.
Về phía họ hàng bên vợ của 32 người con kia, khi được tin đều lấy làm
đau khổ vô cùng và căm giận lắm. Cho vua là người vô đạo, giết hại những
người lương thiện, nên cùng nhau chiêu tập binh mã kéo tới vây kín cả
chung quanh nhà vua định để báo thù.
Vua lấy làm sợ hãi quá, vội vàng chạy tới chốn Phật ở, các người kia lại
kéo quân tới, vây kín chung quanh Tịnh Xá Kỳ Hoàn.
Lúc ấy, Ngài A Nan nghe tin vua Ba Tư Nặc giết chết 32 người con của bà
Tỳ Xà Ly, nay có người họ hàng bên ngoại đem quân tới báo thù, liền bạch
Phật rằng:
- Bạch Ðức Thế Tôn! Vì cớ gì mà 32 người con kia bị giết một cách đau
đớn đến thế?
Phật nói:
- Ai muốn nghe nhân duyên 32 người con Tỳ Xá Ly bị chết thì lặng yên mà
nghe rồi ghi nớ lấy:
Ngài A Nan và mọi người đều bạch với Phật:
- Chúng con đều muốn nghe, xin Phật dạy bảo cho.
Ðức Phật bảo Ngài A Nan và tất cả đại chúng:
- Về đời trước kia, cách đây đã lâu lắm, có một bọn 32 người kết bạn với
nhau, đi ăn trộm một con bò. Bấy giờ tại địa phương ấy có một bà già,
con cái không có, bị nghèo túng, ở trong một cái nhà ở vùng hẻo lánh.
Khi bọn kia bắt được bò thì dẫn tới nhà bà lão ấy làm thịt, bà lấy làm
mừng rỡ lắm, bà liền đi sắm sửa củi nước, chuẩn bị các thứ thổi nấu.
Lúc sắp giết thì con bò quỳ xuống tỏ ý cầu cứu xin tha mạng. Nhưng các
người kia đã quyết định giết, nên đồng bảo: "Không thể nào mà tha cho mi
được!".
Khi con bò bị giết, trong bụng phát lời thề: "Nay chúng mi giết ta, sau
này ta sẽ không tha cho chúng mi, dù chúng mi có đắc đạo ta cũng không
tha". Phát lời thề xong thì bị giết, mọi người xúm lại cắt xẻo đem nấu
nướng ăn uống cùng nhau, cả bà lão kia cũng ăn, vừa ăn vừa khen vừa cám
ơn các người kia là quý hóa.
Ðấy, chính con bò kia ngày nay là Vua Ba Tư Nặc. Lũ ăn trộm bò ấy bây
giờ là 32 người con bà Tỳ Xá Ly. Bà lão thưở trước nay là bà Tỳ Xá Ly.
Vì quả báo ấy, mà đã 500 đời nay thường bị giết như thế. Cho tới ngày
nay cũng vậy, bà lão kia vì trong 500 đời cũng lại thường làm mẹ để đồng
chịu những sự khổ não. Nay được gặp ta mới chứng được đạo quả, nên mới
đỡ đau khổ một phần nào, vì đã hiểu đạo.
Ngài A Nan lại hỏi ví cớ gì những người này lại được hưởng phúc giàu
sang mạnh khỏe? Phật nói:
- Cũng về đời đã qua, trong thời Ðức Phật Ca Diếp có một bà lão tin kính
Tam Bảo nhà bà rất giàu có, bà mua đủ thứ hương hoa để cúng dường và bà
rất chăm việc làm phúc đức cứu giúp những người cùng khổ. Có một hôm, bà
làm các việc phước thiện, đi gặp một lủ 32 người bà khuyên các người kia
giúp vào để hưởng phước cùng nhau. Chúng ta sẽ nguyện cùng nhau sanh vào
nhà giàu, mà thường được làm mẹ con với nhau, và được gặp Phật nghe pháp
tu để tu thành Ðạo quả. Vì thế nên trong 500 đời nay vẫn được sanh làm
người giàu sang khỏe mạnh.
Bà lão lúc bấy giờ nay là Tỳ Xá Ly, còn 32 người kia, ngày nay là lũ con
của bà bây giờ đấy.
Khi tất cả mọi người nghe Phật nói như thế rồi, những người có lòng phẫn
uất đều nguôi hết giận, mà nói với nhau rằng:
- Không phải là vua cố ý giết, đấy là vì kiếp trước những người kia đã
tạo ra tội, nên nay phải chịu quả báo. Giết một con bò mà còn bị quả báo
như thế. Vậy Vua Ba Tư Nặc là chủ của chúng ta, sao ta nỡ giết hại để
gây thành tội báo. Lập tức thu khí giới nộp cho vua và xin lỗi, vua hoan
hỷ không chấp những lỗi ấy.
Tất cả đại chúng được nghe Phật nói các Pháp dạy tu nhân tích đức, xa
lìa các sự tàn ác. Phật lại nói rõ các pháp Tứ Ðế cho mọi người nghe, ai
nấy đều đắc đạo, vui mừng theo lời Phật dạy mà tu hành.
Nguồn: www.quangduc.com