TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG
Người dịch: Ðồ Khùng
- - -o0o- - -
Tập Bốn
Hồi Thứ 231
Nói đăng mê cợt đùa Tông Ấn
Thánh La Hán lìa khỏi Linh Ẩn
Ðại chúng giục Tế Ðiên:
- Ông hãy nói đi!
Tế Ðiên nói:
- Các ông nghe đây:
Trùng vào ổ Phụng chim bay mất,
Trên bảy đầu người mọc cỏ cao,
Mưa to đổ xuống nghiêng triền núi,
Nửa tên bằng hữu biến đằng nao.
Ðây cũng là bốn chữ, ai mà đoán được ta sẽ đem tăng bào của Lão hòa thượng cho người đó.
Mọi người đều đoán:
- Trùng vào ổ phụng chim bay mất là chữ Phong. Trên bảy đầu người mọc cỏ cao là chữ Hoa. Mưa to đổ xuống nghiêng triền núi là chữ Tuyết. Nửa tên bằng hữu biến đằng nao là chữ Nguyệt.
Có mấy người đoán được, chỉ có Quảng lượng là mau miệng nói ngay:
- Ðó là Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt.
- Ðúng! Tế Ðiên nói.
Rồi đem tăng bào cho Quảng Lượng. Tế Ðiên lại nói:
Ngoài xóm cửa Ðông lửa cháy lan,
Bên trong đốt chết đến hai người,
Còn lại một trai và một gái,
Cháy từ giờ Dậu đến canh ba.
Bốn câu này đoán ra bốn chữ.
Ở bên ngoài đoán ra là: Lãn - nhục - hảo - tửu. Tế Ðiên lại lấy giường nệm mền gối của Lão hòa thượng đem cho. Tế Ðiên lại nói:
Ba người cùng ngày đi xem hoa,
Trăm vạn hóa ra người cùng nhà,
Hòa Hỏa hai bên cùng ngồi lại,
Tịch dương chìm xuống lộ hai ngà.
Ở bên trong cũng có người đoán được: Ðó là bốn chữ Xuân - Hạ - Thu – Ðông. Tế Ðiên lại đem những vật dụng để lại của Lão hòa thượng đem cho sạch, không để lại một thứ gì. Qua mấy hôm sau, Trịnh Thiết Ngưu nghe nói Tế Ðiên quen biết nhiều với các thân hào phú hộ, quan viên trưởng giả ở Lâm An. Tông Ấn vốn là một Hòa thượng ưu thế lợi, mới bàn với Quảng Lượng là mở một đàn chay, bảo Tế Ðiên mời họ đến dự. Quảng Lượng nói: - Ðược!
Biết chắc Tế Ðiên có quen rất nhiều đại tài chủ ở Lâm An, sau vụ làm chay này thế nào cũng dư được mấy vạn lượng, nên Quảng Lượng lật đật đi kiếm Tế Ðiên, nói:
- Hiền đệ, để ta bàn với hiền đệ một việc. Lão hòa thượng về chùa nhận chức phải làm kinh động mọi người mới phải. Ta định tổ chức một đám chay đàn, hiền đệ quen biết rất nhiều vị đại tài chủ, khi mở hội phát thiệp mời họ có được không?
- Ðược quá chớ! Nhưng với một điều kiện là người tôi quen đều là thân sĩ phú hộ, mình mở hội chay phải nấu nướng cho ngon, phải cỗ tám lượng một mâm, mỗi người mời một mâm mới được. Tiền hương đèn cúng thí cho lễ hội bao nhiêu không định nhiều ít, cũng có thể một người cúng vào cả mấy vạn lượng bạc. Tôi biết khi xưa đi hóa duyên lầu Ðại Bi, một người cúng thí cả vạn lượng. Trong hội chay này, có ai đến không luận cúng tiền hương đèn nhiều ít, cứ mỗi người đi theo cho họ một điếu tiền, còn người đi kiệu, cho kiệu phu mỗi người một điếu. Nếu chịu làm theo điều kiện này thì tôi mời cho, còn không nghe theo làm sao thì làm, đừng để tôi mất mặt với người ta.
Quảng Lượng nghĩ thầm: “Thâu vô gấp nhiều lần lo gì!”. Bèn nói:
- Tôi làm đúng như ý của sư đệ! Sư đệ hãy viết nhiều thiếp mời nhé!
- Tôi cần 100 thiếp thôi.
Quảng Lượng nghe nói rất khoái tỷ, bèn chọn ngày rằm tháng này mở hội. Ông ta trước hết xin Tông Ấn xuất cho 5.000 lượng để làm vốn. Xuất ra 2.000 lượng để mua sắm nấu nướng thức ăn, còn 1.000 lượng dùng để cất rạp chưng dọn, mua các thứ linh tinh. Tất cả đều sửa soạn chu đáo. Nào ngờ đâu 100 thiếp của Tế Ðiên yêu cầu, được dán lại không cho ai thấy, bên trong viết là: - Rằm tháng này, nhân dịp Lão hòa thượng Tông Ấn nhậm chức Phương trượng, mở hội chay đàn ăn mừng. Ngày đó cung thỉnh liệt quý vị hạ giá quang lâm, thắp hương khấn nguyện. Trụ trì tăng: Tông ấn, Quảng Lượng, Ðạo tế đồng bái. Tiệc chay dọn sẵn ở chùa Linh Ẩn, mỗi vị đến thiện hội không cần mang theo nhiều, chỉ đem theo 24 văn thôi. Nếu ai đem nhiều sẽ bị trừng phạt nặng.
Tế Ðiên đem thiếp cho mời khắp. Hôm đó xe ngựa, kiệu chật cả cổng chùa Linh Ẩn. Các đại tài chủ ở Lâm An như Châu Bán Thành, Tô Bắc Sơn, Triệu văn Hội... cũng đều có mặt, có người mang theo hai ban kiệu phu, đều là 6 người, 8 người, ít nhất cũng bốn người. Mỗi người đi theo đều được thưởng tiền cả. Các lễ vật phong bao đi cúng thiện hội đều giao cho ban sổ sách. Mở ra xem đều 24 văn cả. Mỗi vị được mời một bàn , tất cả hơn 200 bàn. Tối lại thí chủ về hết, ban thư ký kết toán sổ sách chỉ thâu vào hơn 20 đấu tiền! Cả những người quen với Quảng Lượng cũng cúng như vậy. Trong dịp này, bỏ ra 5.000 lượng coi như đi đứt. Tông Ấn, Quảng Lượng giận Tế Ðiên ghê lắm. Hôm sau Quảng Lượng kêu Tế Ðiên lại, hỏi:
- Ông thiệt là muốn hại chúng tôi mà. Trong chùa hết cần ông rồi. Ông mau kiếm chỗ khác ở đi. Từ đây không cho ông về chùa Linh Ẩn nữa.
- Ði thì đi, có gì quan trọng nào!
Ðương nói tới đó thì Dương Mãnh, Trần Hiếu từ ngoài đi vào. Hôm mở thiện hội chay, hai người này mắc đi bảo tiêu không có ở nhà. Hôm nay vừa về tới, nghe trong nhà nói:
- Chùa Linh Ẩn mở thiện hội chay, có gửi thiệp mời.
Hai người nghe nói lật đật đến chùa, muốn cúng tiền hương đèn. Gặp Tế Ðiên, Dương Mãnh nói:
- Sư phó, hôm mở thiện hội hai đứa tôi không có ở nhà, nên hôm nay đến cúng. Sư phó cần tiền, hai tôi có sẵn đây.
- Họ đã đuổi ta ra khỏi chùa, không cho ta ở nữa. Hai con cần thí xả làm chi!
Nói tới đó thì Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng cũng vừa tới. Hôm qua Trịnh Hùng đi dự thiện hội cũng gói 24 tiền cúng, đem theo 8 người khiêng kiệu, 8 người tùy tùng, tất cả là 16 người đều được thưởng mỗi người một điếu. Riêng Trịnh Hùng được mời một bàn mâm cỗ thật hậu, trong lòng cảm thấy không ổn, không biết trong chùa xẩy ra việc gì đây? Bèn đem 500 lượng bạc đến gặp Tế Ðiên để hỏi thăm. Ðến chùa, thấy tế Ðiên đang nói chuyện với Dương Mãnh, Trần Hiếu. Trịnh Hùng bảo gia nhân đem 500 lượng bạc đến nói:
- Sư phó, hôm qua tôi đến dự thiện hội, gói cúng có 24 tiền mà trong chùa lại cho mấy người đi theo mấy điếu, tôi nghĩ không có lẽ như vậy! Hôm nay tôi đem đến 500 lượng bạc để cúng vào đèn hương, sư phó cần dùng thêm, tôi sẽ cho người về lấy.
- Ông chẳng cần thí xả làm gì! Họ không cho ta ở chùa, ta phải đi đây!
Quảng Lượng thấy có tiền, lại không tiện trả lời. Trịnh Hùng nghe Tế Ðiên nói như vậy, bèn nói:
- Họ không cho Thánh tăng ở nữa, thì sư phó lên chùa ở nhà tôi. Ngôi Tam Giáo tự chưa có ai coi ngó, để tôi giao cho sư phó.
- Thế thì tốt lắm!
Nói rồi dẫn Chữ Ðạo Duyên, Tôn Ðạo Toàn cùng Trịnh Hùng thẳng lên Tam giáo tự. Dương Mãng, Trần Hiếu cũng cáo từ ra về. Một hôm có hai người ăn mặc theo lối tráng sĩ đến trước cửa chùa Linh Ẩn, một người mặc áo trắng, một người mặc áo lam, y phục rất mới. Ðến trước cổng chùa hỏi vị tăng gác cổng:
- Tế Ðiên tăng có trong chùa không?
Vị tăng gác cổng hỏi:
- Hai vị tìm Tế Công có việc chi? Hai vị ở đâu? Quý họ tên là gì?
- Chúng tôi là người phủ Quỳ Châu, sống nghề bảo tiêu, đã lâu ngưỡng mộ Thánh tăng nên đến đây bái phỏng. Tôi họ Vương, còn người này họ Lý.
- Hai vị ở đây chờ một lát, tôi vào trong xem lại, Tế Công có thể ở nhà, có thể không có.
Nói xong, thầy giữ cửa vào trong chùa thưa với Giám tự Quảng Lượng. Quảng Lượng đinh ninh là thí chủ nên bảo thầy giữ cửa nói Tế Ðiên bỏ đi rồi, mà chỉ nói Tế Ðiên đi ra ngoài có việc vài ba hôm trở về. Ðích thân Quảng Lượng ra đón tiếp, thấy hai người trước cổng chùa áo mũ rất mới, trạc trên 30 tuổi, ăn vận theo lối tráng sĩ, ngũ quan khác phàm, bèn bước tới hỏi:
- Xin mời hai thí chủ vào trong chùa dùng trà! Tế Công hôm nay có việc đi khỏi, đại khái sớm tối cũng về thôi. Quý tánh hai vị là gì?
Tráng sĩ áo lam nói:
- Tôi họ Vương, còn vị này là nghĩa đệ của tôi, họ Lý.
- Xin mời hai thí chủ vào trong.
Hai vị cùng vào trong chùa. Ðến khách sảnh, Tri khách tăng đãi trà. Hai người muốn bái phỏng Phương trượng, Tri khách tăng đưa họ vào thiền đường ở hậu viện để gặp Phương trượng Thiết Ngưu Tông Ấn. Gặp Phương trượng mời ngồi, hai người hỏi:
- Bạch Phương trượng, Tế Công có phải là đồ đệ của Phương trượng không?
Tông Ấn nghĩ thầm: “Hai người này ăn mặc sang trọng chắc là kiếm Tế Ðiên đưa lễ tặng đây. Chi bằng mình nói Tế Ðiên là sư đồ của mình thế nào họ cũng kính cho ít tiền bạc chớ chẳng không”. Nghĩ rồi bèn nói:
- Phải đó, ông ấy là đồ đệ của tôi.
Hai người gật đầu rồi hỏi:
- Tế Công đi đâu vậy?
- Ông ấy đi không nhất định, có khi hôm nay về cũng nên. Hai vị có điều gì xin nhắn lại! Còn không việc, thì hôm nay ở lại chùa nghỉ qua đêm cũng được.
Vị họ Vương nói:
- Cũng được!
Thấy trên tay Phương trượng đang cầm xâu chuỗi trân châu 108 hạt, hai người ngồi nhìn chăm chăm. Bên ngoài tiến vào một người tuổi ngoài 20 , đầu đội khăn điều bốn góc màu lam, mình mặc áo choàng điều cùng màu, da mặt hơi đen, mày ngắn, mắt ba góc. Người này chính là cháu họ của Tông Ấn tên là Trịnh Hổ. Hắn ta là người gian trá, tham dâm hiếu sắc, ỷ chú mình làm Phương trượng rồi gạt gẫm người lấy tiền, tha hồ làm chuyện quấy. Gặp hai người khách, hắn hỏi:
- Các vị từ đâu đến?
Hai người đều nói:
- Tìm Tế Công!
Trịnh Hổ trong lòng không vui, vừa định nói, thì Quảng Lượng kéo hắn ra ngoài mớm ý cho ăn khớp. Hắn lại trở vào tiếp chuyện với hai người, có một vài câu cuồng ngạo vô tri, lại có rượu vào càng nói càng phét coi trời bằng vung. Ăn cơm xong, lưu họ ở lại nghỉ. Hôm sau Giám tự mới thức dậy, nghe bên trong có tiếng người huyên náo bước vào xem, sợ đến mất cả hồn vía.*
Hồi Thứ 232
Hai tên giặc giết lầm Trịnh Hổ
Tế Thiền sư trị giếng hóa duyên
Quảng Lượng ra sau nhìn thấy Trịnh Hổ bị người ta giết chết rồi, hai người thí chủ đó không thấy tung tích đâu nữa. Lại nhìn lên bàn thấy có một tờ giấy trên viềt tám câu thơ:
Nhân khi rảnh việc đến thăm chơi,
Muốn kiếm Tế Ðiên tính nợ đời,
Tế Ðiên hôm nay nếu có mặt,
Một dao đưa hắn mạng lên trời,
Giết chết Trịnh Hổ cừu chưa báo,
Trộm chuỗi hạt châu dạ chửa nguôi,
Nếu hỏi bọn ta danh cùng tánh,
Tiêu Diêu, Tự Tại đúng hai người.
Hai người đến chùa kiếm Tế Ðiên chính là bọn giặc thuộc lộ Tây Xuyên, một người là Tiêu diêu cư sĩ Lương Ðống, một người là Tự tại tán tiên Lý Lương. Hai người này là anh em kết nghĩa với Tiểu táng môn Tạ Quảng và Trại vân long Hoàng Khánh. Họ đến đây chỉ vì muốn báo cừu cho bè bạn, tên tiểu tử Trịnh Hổ cũng là người chẳng ra gì nên bị báo ứng tuần hoàn, tình oan mà mạng chẳng oan. Nếu Tông Ấn không nói Tế Ðiên là đồ đệ, thì Vương Ðống, Lý Lương đâu có giết hắn làm chi! Buồn cười thật!
Quảng Lượng nhìn thấy rồi vào báo với Tông Ấn, Tông Ấn nghe báo, cất tiếng khóc lớn, nói:
- Ðây chắc là Tế Ðiên chủ trương giết cháu ta, phải tố cáo nó mới được.
Nói rồi sai Quảng Lượng lập tức lên huyện Tiền Ðường kêu oan. Trị nhật ban hỏi:
- Chuyện gì thế?
- Tôi là Giám tự ở chùa Linh Ẩn bên tay Hồ, tên là Quảng Lượng, hôm qua cháu của Lão phương trượng chùa tôi bị giết chết, bọn giặc chạy trốn trộm đi một xâu chuỗi trân châu 108 hạt, còn để lại tám câu thơ. Ðây là Tế Ðiên Hòa thượng chủ trương sai đến, cầu xin lão gia minh oan cho.
Trị nhật ban vào trong bẩm lại, lão gia lập tức thăng đường, kêu đem Hòa thượng cáo báo vào. Quảng Lượng vào trước công đường quỳ xuống. Lão gia hỏi:
- Ông tên chi? ở chùa nào?
- Tôi ở chùa Linh Ẩn, tên là Quảng Lượng. Hôm qua có hai thí chủ đến chùa tôi, miệng nói là kiếm Tế Ðiên. Mà Tế Ðiên đã bị đuổi khỏi chùa, gạch tên không tính là người trong chùa nữa. Ông ta hiện ở chùa Tam Giáo. Hai người này một vị họ Vương, một người họ Lỳ, ở lại qua đêm trong chùa chúng tôi. Tối lại giết chết Trịnh Hổ là cháu của Phương trượng, trộm lấy xâu chuỗi trân châu. Ðây chắc là Tế Ðiên sai họ đến vì ông ta còn hận trong lòng nên mới sai người đi giết người như vậy.
Quan Tri huyện xem tờ giấy viết để lại của giặc rồi nói:
- Ðâu rõ ràng là họ đến kiếm Tế Ðiên để báo thù, ai biểu các người mời họ ở lại chùa làm gì? Tế Ðiên là vị cao tăng đắc đạo, ông lại đi vu khống cho người tốt. Ông mau trở về tẩm liệm cho Trịnh Hổ đi, đợi bản huyện bắt được hung thủ rồi sẽ tính.
- Cầu xin lão gia ân điểm cho. Ðây là do Tế Ðiên sai người đến gây ác đó. Xin lão gia trị tội ông ta.
Quan Tri huyện vỗ kỉnh đường, nói:
- Ông chỉ nói bậy nói bạ thôi! Có mau ra khỏi đây không? Không nể mặt ông là người xuất gia, tôi xử nặng rồi đấy nhé!
Quan nhân lập tức kéo Quảng Lượng ra khỏi công đường. Quảng Lượng không còn cách nào hơn, đành trở về chùa. Quan huyện sai người đi mời Tế Ðiên. Thủ hạ đến chùa Tam Giáo gặp tế Ðiên, nói:
- Lão gia chúng tôi thỉnh thánh tăng đến nha môn để hỏi chuyện.
Tế Ðiên cùng gia nhân đến nha môn, quan huyện xuống thềm đón tiếp, nói:
- Lâu quá mới gặp thánh tăng!
- Mới đây mà!
Quan huyện mời vào thư phòng, gia nhân dâng trà.
Tế Ðiên hỏi:
- Lão nhân hẹn Hòa thượng ta đến có việc chi?
- Chỉ nhân vì cháu của Hòa thượng Tông Ấn là Trịnh Hổ ở chùa Linh Ẩn bị hai tên giặc giết chết, Quảng Lượng đến nha môn cáo báo, ông ta vu cho thánh tăng chủ mưu. Bản huyện mắng đuổi ông ta ra khỏi công đường rồi. Bọn giặc chắc là loại phi tặc, cầu xin Thánh tăng từ bi giúp bọn thủ hạ tôi biện vụ án này.
- Chuyện này họ đã vu khống cho ta, ta không thể xen vào được. Hơn nữa, ta còn có những việc cần thiết khác.
- Xin Thánh tăng vị tình tôi mà từ bi giúp cho.
Tế Ðiên nhất định không xen vào, quan huyện không còn cách nào hơn, bèn lưu Tế Ðiên ở lại ăn cơm chiều. Tế Ðiên cáo từ trở về chùa Tam Giáo. Hôm sau có chúng tăng ở chùa Tịnh Từ đến mời thỉnh Tế Công. Ngôi chùa Tịnh Từ này ở về phía Tây nam chùa Linh Ẩn trên núi Thiên Trúc. Ngôi chùa này từ đầu núi đến chân núi hơn 20 dặm đất, cũng là một đại tòng lâm. Dưới núi có một cái giếng, trên núi không có suối, nên trên núi muốn tưới cây hay dùng nước thì các tiểu hòa thượng phải xuống núi gánh nước lên, hao phí công sức rất nhiều. Trong chùa cũng có hơn 300 chúng tăng. Nge Tế Công bị đuổi ra khỏi chùa Linh Ẩn, biết Tế Công danh tiếng rất lớn, lại là một vị cao tăng đắc đạo, nên Lão phương trượng chùa Tịnh Từ là Thanh Sơn bàn với Giám tự là Ðức Huy mời Tế Công làm chức Trưởng đầu. Chức Trưởng đầu trong tăng là hễ có vị Hòa thượng nào đến quải đơn (xin trọ) đều thuộc quyền Trưởng đầu quản lý. Thương lượng xong, phái mấy người trong chùa đến chùa Tam giáo thỉnh Tế Ðiên. Tế Ðiên từ chối không nhận. Sau đó Giám tự Ðức Huy đích thân đến chùa Tam Giáo gặp Tế Ðiên. Ðức Huy nói:
- Tôi vâng lệnh Lão phương trượng đến thỉnh Tế sư huynh cùng tôi lên núi làm chức Trưởng đầu, ngàn muôn lần chớ nên thoái thác.
Nói hai ba lần, Tế Ðiên mới chịu nhận. Rồi đem việc ở chùa Tam Giáo giao cho Ngộ Chơn, Ngộ Duyên coi sóc. Tế Ðiên đến chùa Tịnh Từ gặp Phương trượng và nhận chức Trưởng đầu quản lý trong chùa. Nếu có vị nào quải đơn hay ở lại đều phải gặp Trưởng đầu.
Ngôi chùa này rất rộng rãi to lớn, các chức sự trong chùa đến 46 vị, dùng nước không phải dễ, nên nước là vấn đề hàng đầu của chùa này. Hằng ngày các tiểu hòa thượng phải xuống núi gánh nước lên, cực nhọc không thể tả xiết. Tế Ðiên thấy sau Ðại Hùng bửu điện có một cái giếng khô, hỏi thăm tăng nhân trong chùa, họ đều nói:
- Trước đây giếng có nước, nhưng đã khô hơn 20 năm rồi.
Tế Ðiên nói:
- Ðể tôi nay tôi cầu xin nước cho, chùa chúng ta được chuyển vận sẽ tự có nước trong thôi.
Mọi người đều nói:
- Nếu Tế Công cầu suối, thiệt có được nước, thì chúng tôi đỡ phải gánh nước nhọc nhằn khổ sở nữa.
Tế Ðiên cho người dự bị hương án. Chờ đến canh ba, Tế Ðiên đích thân đốt hương, trong lòng thầm đảo cáo cúi đầu, cầu thỉnh vua chín giang tám hà, thần năm hồ bốn biển. Tức thì nghe trong giếng có tiếng nước réo dâng, giây lát nước đến miệng giếng. Tế Ðiên trở lại vào thiền đường. Hôm sau dậy sớm, Lão phương trượng biết Tế Ðiên trị giếng có nước, trong lòng rất cảm niệm. Tăng chúng cả chùa đều biết Trưởng đầu tăng Ðạo Tế là người có đạo đức. Lão phương trượng hôm đó mời Tế Ðiên dùng cơm, rồi đề ra ngôi chùa này đã lâu không sửa sang, mà công trình quá lớn, muốn hóa duyên đủ số để tu dửa không dễ dàng gì. Tế Ðiên nói:
- Ðược rồi, Lão hòa thượng cứ yên tâm, tôi có cách hóa duyên.
- Việc của chúng ta là việc công, không nên nói đùa.
- Không cần nói nhiều, trong vòng một tháng sẽ thấy thôi.
Từ ngày Tế Ðiên nói chuyện hóa duyên ở phòng phương trượng, tăng chúng trong chùa đều biết Tế Ðiên muốn sửa chùa. Nhưng không thấy Tế Ðiên bước ra khỏi cửa, cứ ăn nhậu say sưa li bì, lại còn nói:
- Chỉ có say là thú. Nói chuyện tỉnh làm chi.
Mọi người đều không đoán ra cách hóa duyên của Tế Ðiên. Ngày tháng như thoi đưa, lật đật mà đã hết 27 ngày, còn ba ngày nữa là đúng một tháng, cũng không thấy Tế Ðiên ra khỏi chùa. Vậy mà hôm sau, cơm sáng vừa xong thì bỗng có quanh Kinh doanh điện soái Trương Sĩ Ðạt mang theo 500 lính luôn cả phủ huyện ở Lâm An cùng đến chùa, kêu Tri khách tăng và Phương trượng nói:
- Hôm nay thánh giá Thái hậu đến chùa dâng hương, phải quét dọn sạch sẽ để đón rước thánh giá.
Tăng chúng trong chùa nghe nói sợ quá, lật đật đi quét dọn đại điện phòng nhà các nơi với sự giúp đỡ của các binh lính. Quét dọn vừa xong thì bên ngoài phụng giá đã tới, theo hộ vệ có Tần tướng, Mạc tướng, Thái giám, cung nhân... tiền hô hậu ủng đến chùa Tịnh Từ. Lão hòa thượng dẫn tăng chúng ra quỳ tiếp phụng giá rước lên DDại Hùng bửu điện. Thái hậu dâng hương xong rồi đến ngồi nghỉ ở thiền đường, hỏi:
- Trong chùa có bao nhiêu tăng nhân?
Phương trượng đáp:
- Trong chùa có hơn 40 chúng thường trú, kể cả quải đơn, tăng số 100 người.
Thái hậu bảo đem sổ ghi danh tăng ra xem thử. Lão phương trượng lật đật lấy sổ ghi danh tăng chúng đưa cho Tần tướng. Tần tướng đệ lên cho Thái hậu. Thái hậu giở ra xem, xem tới xem lui, xem đến gần cuối thấy đề là Trưởng đầu Ðạo Tế. Thái hậu gật gật đầu, nói:
- Á, ra là ở đây!
Lập tức truyền chỉ bảo Lão phương trượng kêu Ðạo Tế lên. Lão phương trượng và mọi người nghe nói như thế, chẳng biết chuyện gì. Chỉ biết Tế Ðiên khùng khùng điên điên, e xúc phạm đến phụng giá rồi làm sao mà gỡ tội đây? Thái hậu truyền chỉ không dám không tuân theo, lật đật sai Giám tự Ðức Huy đi tìm Tế Ðiên.
Tại sao Thái hậu lại đến chùa Tịnh Từ dâng hương như thế? Trong đó cũng có một đoạn ẩn tình. Nguyên Thái hậu trước đây bị bệnh thế rất trầm trọng, biết bao danh y cắt thuốc trị bịnh đều không công hiệu. Một hôm Thái hậu đang ngủ mơ màng, thấy bên ngoài có một ông Hòa thượng kiếc, tóc dài hai tấc, mặt mày bùn đất tèm lem, tăng y rách nát, tay ngắn sứt bâu, lưng thắt dây nhung, khật khà khật khưỡng, hai chân trần xỏ trên đôi dép cỏ, nhìn Thái hậu nhăn răng cười. Thái hậu hỏi:
- Ông Hòa thượng kiếc này từ đâu đến đây?
Hòa thượng trả lời:
Tây Hồ có ngọn Thiên Trúc sơn,
Trưởng đầu Hòa thượng hiệu Tế Ðiên,
Ta nay đến đây không việc khác,
Ðặc biệt cùng người kết thiện duyên.
- Ông kết thiện duyên gì với ai gia?
- Ta có linh đơn diệu dược, Thái hậu uống vào bảo đảm bệnh thể sẽ lành ngay.
Thái hậu tiếp nhận thuốc uống vào, cảm nghe mùi hương lạ khác thường. Giật mình tỉnh dậy thì là giấc mộng. Trong miệng còn nghe mùi hương, thân thể nhẹ nhàng như trút đi hòn núi Thái Sơn, trong lòng cảm thấy rất lạ lùng. Vừa nhắm mắt lại, lại thấy Hòa thượng đó vẫn đứng trước mặt. Thái hậu hỏi:
- Này Hòa thượng, ông lại đến đây làm chi?
- Ta đến hóa duyên trùng tu chùa Tịnh Từ, mời Thái hậu đến núi Thiên trúc dâng hương.
- Bệnh mạnh rồi, ta nguyện chắc chắn sẽ tới đó dâng hương.
Như vậy ba lần, sáng sớm hôm sau, quả nhiên Thái hậu bệnh thể hoàn toàn hồi phục, bèn truyền chỉ cho quan Kinh doanh điện soái dẫn đường đến chùa Tịnh Từ núi Thiên Trúc dâng hương. Hôm nay nhìn vào sổ thấy có Trưởng đầu Ðạo Tế, Thái hậu truyền chỉ muốn gặp.*
Hồi Thứ 233
Khâm ban nghạch, xuống chiếu chỉ gia phong
Hội quần ma, lần đầu đến Kim Sơn
Thái hậu truyền chỉ đưa Trưởng đầu Ðạo Tế đến gặp mặt. Giám tự Ðức Huy lật đật chạy kiếm các nơi, tìm đến sau chùa, thấy Tế Ðiên đang chơi với bọn con nít. Sau chùa có mấy nhà ở. Bọn con nít ở mấy nhà đó khoái nghe Tế Ðiên nói chuyện tếu. Ðức Huy đến gần, nói:
- Tế sư đệ, Thái hậu đến thắp hương rồi kìa.
- Thái hậu đến thắp hương thì có can gì tôi?
- Thái hậu truyền chỉ sư đệ đến gặp mặt đấy.
- Kêu tôi gặp mặt để làm chi?
- Tôi nào có biết.
- Ðã như vậy thì tôi đi xem thử.
- Sư đệ đừng để bộ dạng như vầy mà đi ra. Trước hết hãy vô chùa rửa sạch mặt mày đã, thay đổi y phục, đội mũ mới, lại phải hết sức cung kính, thảng như có điều gì xúc phạm đến thái hậu thì khó gỡ đó nghe.
- Không hề gì! Tôi cứ giữ như vầy thôi. Tôi cũng không rửa mặt, vì sợ gió lớn thổi hư mặt đi.
Ðức Huy nói gì thì nói, Tế Ðiên vẫn không nghe, đành dẫn Tế Ðiên ra gặp Tần tướng trước. Tế Ðiên vốn là Thế tăng của Tần tướng, ngày xưa Tần tướng biết rõ Tế Ðiên có tánh điên điên khùng khùng. Tần tướng đi đến trước Thái hậu hành lễ, nói:
- Khải bẩm Thái hậu, Trưởng đầu Ðạo Tế có hơi điên điên khùng khùng, áo quần rách rưới quá mức, e xúc phạm đến phụng giá.
- Không hề chi! Ta không lạ gì ông ấy! Chỉ cần dẫn ông ấy đến gặp ta là được.
Tần tướng trở vào nói:
- Thánh tăng nên cung kính một tí, ngàn muôn lần không nên dể duôi.
Tế Ðiên cười hề hề, cùng theo vào đến trước Thái hậu. Thái hậu nhìn thấy quả đúng là ông Hòa thượng trong mộng. Tế Ðiên bước tới chào hỏi. Thái hậu hỏi:
- Ông là Trưởng đầu Ðạo Tế phải không?
Tế Ðiên nói:
Tây Hồ có ngọn Thiên Trúc sơn,
Trưởng đầu Hòa thượng hiệu Tế Ðiên,
Ta nay đến đây không việc khác,
Ðặc biệt cùng người kết thiện duyên.
Thái hậu nghe nói đúng là những lời nói trong mộng nên gật đầu lia lịa, nói:
- Phải, phải! Ta đến cùng ngươi kết thiện duyên! Ta hãy hỏi ông, ai gia đời sau so với đời này như thế nào?
Tế Ðiên nghe hỏi, miệng nói lia lịa:
- Không biết, không biết.
Nói rồi đứng ngay trước Thái hậu, giở mũ ra, xé rách quần lòi cả hạ bộ. Mọi người nhìn thấy, sợ mất hồn vía! Trước mặt Thái hậu mà bầy chuyện lỗ mãng như vậy làm sao tha thứ được? Quan võ thị vệ muốn đánh, Thái hậu nhìn thấy, nói:
- Các ngươi đừng đánh, ai gia đã rõ biết rồi! Ðời sau chắc được chuyển nữ thành nam.
Lập tức nạt lui Kim côn võ sĩ và hỏi:
- Trưởng đầu Ðạo Tế, ông xuất gia ở chùa này mấy năm rồi?
- Tôi mới đến đây mấy ngày thôi, tôi thấy chùa này đã lâu không được tu sửa mà công trình quá lớn, cầu xin Thái hậu nương nương phát lòng từ bi trùng tu chùa này cho.
Thái hậu lập tức truyền chỉ, phái tần tướng, Mạc tướng làm giám công, đem tiền lương son phấn chi dùng phát ra 10 vạn lượng để trùng tu chùa Tịnh Từ. Tần tướng, Mạc tướng nói:
- Xin tuân chỉ!
Tế Ðiên cảm tạ Thái hậu. Thái hậu truyền chỉ hồi cung. về đến cung, Thái hậu đem chuyện này tâu cho Hoàng thượng rõ. Hoàng thượng biết Tế Ðiên là bậc cao tăng đắc đạo, sắc phong là “Hộ Quốc Tán Thiền Sư”, và truyền Thượng thư phòng viết lên 17 chữ của vua ban:
“Phung điên khuyến thiện, dĩ tửu độ nhân.
Phổ độ quần mê, giáo hóa chúng sanh”
( khùng điên khuyến thiện,lấy rượu độ người.
Khắp độ quần mê, giáo hóa chúng sanh)
Cùng với một số tiền bạc đưa đến chùaTịnh Từ. Chọn ngày hưng công, năm tầng đại điện, La hán đường, khách đường, thiền đường, lầu chuông trống, Tàng kinh lâu đều sửa lợp xong. Cho đến ngày nay cổ tích vẫn còn. Mỗi năm vào tháng tư, chùa Tịnh Từ ở núi Thiên Trúc mở hội, nhộn nhịp phi thường. Lão phương trượng rất cảm niệm lòng tốt của Tế Ðiên, tăng chúng trong chùa muốn mở hội ăn mừng cho Tế Ðiên, nhưng Tế Ðiên nói:
- Không cần nữa, ta phải lên chùa Kim Sơn ước hẹn đã.
Hôm đó Tế Ðiên xuống núi đến chùa Tam giáo. Chữ Ðạo Duyên, Tôn Ðạo Toàn hành lễ sư phó. Tế Ðiên nói:
- Hai con nên ráng trông nom chùa nhé! Thầy phải lên chùa Kim Sơn phó hội với bát ma đây!
Chữ Ðạo Duyên nói:
- Sư phó đi không nên đâu!
- Không đi cũng không được, Tế Ðiên nói, ta phải đi thôi. Ðây là do tiểu sư huynh con gây họa cho ta! Ta không đi, Bát ma cũng không để cho ta yên đâu. Ðây là thiên số đã định vậy mà!
Ngộ Chơn, Ngộ Nguyên cản không được. Tế Ðiên đi ra khỏi chùa Tam Giáo, thẳng đến chùa Kim Sơn.
Ðoạn trước nói Vạn Niên Vĩnh Thọ quậy phá chùa Kim Sơn, hắn ta vốn là Ðại nguyên soái trấn giữ một dãi trường giang ở Qua Châu theo lịnh của Ðông Hải Long Vương Ngao Quảng. Nhân vì Phương trượng chùa Kim Sơn sắm ra thuyền đánh cá để thu thuế, làm thương tổn đến con cháu của nó rất nhiều. Nó vốn là con đà long lớn có một vạn năm dạo hạnh, đến chùa Kim Sơn mỗi ngàt đánh Lão phương trượng. Hôm đó nó sắp đánh Lão phương trượng thì có một trận quái phong, từ bên ngoài tiến vào tám người, mặt chia làm xanh đỏ vàng đen trắng tía lục lam. Những người ấy chính là Ngọa vân cư sĩ Linh Tiêu, Lục hợp đồng tử Tủng Hải, Thiên hà điếu tẩu Dương Minh Viễn, Quế lâm tiều phu Vương Cửu Phong, Tiên vân cư sĩ Chu Trường Nguyên, Bạch vân cư sĩ Sính Tú, Ban đảo càn khôn Ðảng Yến, Ðăng viên vũ trụ Hồng Ðào. Bát ma đều mang theo Hỗn ngươn ma hỏa phan, Táng môn kiếm, Tử mẫu âm hồn điều, đến trước chờ Tế Ðiên. Vừa đến chùa Kim Sơn, thấy trên đại điện ngồi chễm chệ một ông hòa thượng mặt đen, Bát ma hỏi:
- Ông là ai dám đến đây quậy phá thế?
- Ta là Vạn Niên Vĩnh Thọ đây!
Bát ma muốn xổ Ma hỏa phan, Lục hợp đồng tử Tủng Hải móc Lục hợp châu ra vẫy tay một cái, chỉ nghe tiếng nổ long trời lở đất, ngay lúc đó Vạn Niên Vĩnh Thọ lăn xuống bàn cúng điện, hiện ra nguyên hình con đà long lớn. Bát ma cũng không sát hại nó, nó tự bò ra khỏi chùa lặn xuống sông đi mất. Bát ma tiến vào đại điện, các thần tượng đều dời ra hết, tám người thượng lên tám bàn thờ. Các hòa thượng trong chùa cũng không dám động đến, cũng không biết tám người rừng này là ai. Hôm đó Bát ma bấm tay tính lại, biết Tế Ðiên sẽ tới bèn xuống bàn cúng ra ngoài chùa đón. Họ thấy Tế Ðiên đi trên chiếc thuyền nhỏ đến chùa Kim Sơn. Tế Ðiên đưa một ít bạc trả tiền đò, rồi xuống thuyền. Lúc này Tế Ðiên không cần bế tam quang để Phật quang, kim quang, linh quang lộ ra bình thường nhưng Bát ma vẫn không để ý. Bát ma nói:
- Tế Ðiên, ông đến đây hay quá! Chúng tôi đợi ông ở đây hèn lâu!
- Tám vị tìm tôi chi vậy?
- Tại vì ông thi triển yêu thuật đốt cháy đồ đệ hàn Kỳ của chúng ta trong lò Bát quái, đùa cợt Ðặng Liên Phương, đó là chuyện nhỏ; ông lại sai đồ đệ Ngộ Thiền đại náo Vạn Hoa sơn, hỏa thiêu Thánh giáo đường. Thiệt là ông khi dễ bọn ta quá mức! Bọn ta chờ ông để báo thù cho Hàn kỳ đây.
- Ðược, chúng ta vào chùa rồi sẽ nói chuyện.
- Ði!
Họ cùng nhau vào chùa. Tế Ðiên nói;
- Mấy ông muốn so tải với ta đừng có vội. Phương trượng ở chùa này là chỗ quen biết, ta phải đi gặp Lão phương trượng đã.
- Ông cứ đi gặp Phương trượng đi, chúng ta không cản trở đâu.
Ðương nói tới đó nghe bên ngoài có tiếng: “Vô lượng Phật”. Mọi người ngoái đầu nhìn lại thì thấy đi vào hai lão đạo sĩ. Ðạo sĩ đi trước mặt như cổ nguyệt ba thu, râu tóc đều bạc, sau lưng mang càn khôn áo diệu đại hồ lô. Người này chính là Ðông Phương thái duyệt Lão tiên ông ở Thượng thanh cung trên núi Thiên Thai. Ði sau là Thần đồng tử Chữ Ðạo Duyên.
Số là sau khi Tế Ðiên từ chùa Tam Giáo ra đi. Chữ Ðạo Duyên không yên tâm mới vận chẩn cước phong chạy theo sau. Ði đến trấn Thạch Phật thì gặp Lão tiên ông. Lão tiên ông sau khi chia tay cùng Tế Ðiên, được quan Tri huyện địa phương mởi thỉnh các thân hào quý hộ đóng góp trùng tu chùa Thạch Phật. Công trình tuy to lớn nhưng cũng hoàn thành. Lão tiên ông thấy Chữ Ðạo Duyên vội vội vàng vàng mới hỏi:
- Chữ Ðạo Duyên, ông đi đâu đó?
Chữ Ðạo Duyên lật đật hành lễ Lão tiên ông và nói:
- Tôi đuổi theo sư phó Tế Công đến chùa Kim Sơn. Nhân vì tiểu sư huynh Ngộ Thiền của tôi gây họa, trước đây hỏa thiêu Thánh giáo đường, nên nay Bát ma hội lại chùa Kim Sơn muốn bầy ra Ma hỏa kim quang trận để đốt sư phó tôi. Tôi muốn chạy theo để giải hòa.
Lão tiên ông nghe xong bèn nói:
- Ðã như vậy ta cùng đi với ông để giải hòa.
- Vậy thì tốt quá!
Lập tức Lão tiên ông mang “Càn khôn áo diệu đại hồ lô” cùng Chữ Ðạo Duyên vận chẩn cước phong đuổi theo. Ði đến Qua Châu, thuê một chiếc thuyền thẳng đến chùa Kim Sơn. Vừa xuống thuyền thì thấy Tế Ðiên đang nói chuyện với Bát ma. Lão tiên ông miệng niệm “Vô lượng Phật”, nói:
- Xin chào các vị Ma sư gia.
Bát ma nhìn lại nhận ra Lão tiên ông là người cùng đi với Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh kiểm tra núi.
Bát ma ngước đầu lên xem rồi hỏi:
- Ðạo hữu, ông đến đây làm chi?
- Tôi nghe nói các ông có cừu thù với Tế Ðiên nên đến đây để giảng hòa. Các ông không nên như vậy, Tế Ðiên cũng có chút lai lịch, không dễ gì đụng đến đâu. Làm Tỳ kheo mười đời mới chuyển thành La Hán đấy. Các vị muốn bầy Ma hỏa kim quang trận hại ông ta à? Nể mặt tôi dẹp trận đó đi.
Ngọa vân cư sĩ Linh Tiêu nói:
- Ðạo hữu đừng xen vào làm chi! Chúng tôi với Tế Ðiên ngày xưa không oán, gần đây không thù, chỉ tại ông ta dùng lửa đốt chết Hàn Kỳ là đồ đệ của chúng tôi, đùa cợt Ðặng Liên Phương, cái đó cũng là chuyện nhỏ; ông ta lại chủ mưu sai đồ đệ hỏa thiêu Thánh giáo đường của chúng tôi, đại náo Vạn Hoa sơn, chúng tôi không kết thúc tánh mạng ông ta thì không được!
- Các vị nên n ghe lời tôi, oan gia nên mở không nên buộc.
- Ðạo hữu, ông nên đi mau khỏi nơi đây đi! Ðừng múa lưỡi khua môi với chúng tôi nữa. Ông còn nhiều lời, đừng trách chúng tôi trở mặt vô tình.
Lão tiên ông nghe vậy nổi giận phừng phừng, nói:
- Mấy người không biết nghĩa lý gì cả.
Lục hợp đồng tử Tủng hải nói:
- Lão đạo sĩ nhà ông cứ xía vào chuyện của người ta không thôi. Cái đó kêu là nhận đầu không chết hả? Có lẽ nào ông ta đốt chết đồ đệ chúng tôi, hỏa thiêu Thánh giáo đường chúng tôi, khi dể chúng tôi mà lại bảo chúng tôi đừng bầy Ma hỏa kim quang trận chớ. Cũng được! Ông kêu Tế Ðiên ra đây dập đầu lạy chúng tôi, nhận tội chịu thua thì chúng tôi sẽ tha cho ông ta.
Tế Ðiên nói:
- Ông cứ nói bậy nói bạ không thôi! Ông dập đầu lạy ta, ta cũng không tha cho ông thì có.
Lão tiên ông nói:
- Bọn nghiệt súc các ngươi có bao nhiêu tài năng mà dám vô lễ thế? Ðể sơn nhân lấy pháp bửu bắt ngươi, thâu hết các ngươi vào, để các ngươi biết ta lợi hại thế nào.
Nói rồi, Lão tiên ông lấy Càn khôn áo diệu đại hồ lô ra. Hồ lô này có đủ Thiên Ðịa Nhân Tam Muội chân hỏa, trải qua bốn giáp tý, bất luận yêu ma quỷ quái li mị vọng lượng sơn tinh hải quái gì, hễ bị lọt vào trong đó một giờ ba khắc sẽ hóa thành máu mủ hết. Hôm nay Lão tiên ông mở nắp hồ lô ra, miệng niệm chân ngôn, vẫy tay một cái định bắt Bát ma.*
Hồi Thứ 234
Nhân giảng hòa, tiên ông đấu Bát ma
Lục hợp đồng tử nổ nát hồ lô
Lão tiên ông giở nắp hồ lô, miệng niệm chú lâm râm: “Ta phụng Thái Thượng Lã Quân, cấp cấp như luật lịnh”, rẹt rẹt, từ bên trong hồ lô tuôn ra năm sắc hoa quang phủ đến Lục hợp đồng tử Tủng Hải. Lục hợp đồng tử Tủng Hải bị hoa quang cuốn vào trong hồ lô ngay. Lão tiên ông liền đậy nắp hồ lô lại. Bọn Ngọa vân cư sĩ mới nói:
- Hay cho lão đạo, ông dám hại người anh em ta hả?
Mọi người định rút Hỗn ngươn ma hỏa phan thí mạng với Lão tiên ông. Lão tiên ông định thâu hết Bát ma vào trong hồ lô. Ngờ đâu Lục hợp đồng tử Tủng Hải có ý muốn phá hư bửu bối của Lão tiên ông chơi. Lục hợp đồng tử muốn biến mình nhỏ lớn tùy ý, muốn nhỏ có thể biến nhỏ thành con ruồi xanh, muốn lớn có thể lớn bằng gấp mấy người thường. Ông ta vào trong hồ lô thi triển pháp thuật biến mình càng ngày càng lớn ra. Bỗng nghe trong hồ lô có tiếng rồ rồ, rồi bốp một tiếng như pháo nổ, chiếc hồ lô bị tét thành ba bốn mảnh. Lão tiên ông sợ hãi rụng rời, lượm nửa trái bầu quay lưng bỏ chạy. Chữ Ðạo Duyên thấy vậy sợ quá cũng lật đật chạy theo. May mắn Bát ma không đuổi theo bọn họ! Lão tiên ông rời chùa Kim Sơn, tiếc bửu bối hùi hụi, không kìm lòng được cất tiếng khóc rống. Chữ Ðạo Duyên thấy tình cảnh thê thảm của lão tiên ông như vậy, lại sợ Tế Ðiên bị Bát ma hãm hại, cũng không tự chủ cất tiếng khóc theo. Ðang khóc bỗng nghe phía trước có tiếng:
- Vô lượng Phật! Thiện tai, thiện tai! Ðạo hữu vì sao lại như thế?
Chữ Ðạo Duyên ngước đầu lên thấy hai vị đạo sĩ đang đi tới. Vị đi trước mặt như ngọc, mày rậm mắt to, râu tóc đều bạc, đầu đội khăn đạo sĩ bằng đoạn màu tía, mình mặc đạo bào cùng màu, lưng buộc dây tơ màu vàng hạnh, vớ trắng vân hài, lưng đeo bảo kiếm, tay cầm phất sa. Lão đạo sĩ đi sau đầu đội khăn đạo sĩ cửu lương bằng đoạn màu xanh, mình mặc đạo bào bằng đoạn màu lam, lưng buộc dây tơ vàng, vớ trắng vân hài, mặt như cổ nguyệt ba thu, tóc như tuyết ba đông, tóc mai như sương tháng chín, bộ râu quai nón bạc trắng xòe ra trước ngực, tay cầm phất sa. Thật là tiên phong tiêu sái, khác nào Thái Bạch Lý Kim Tinh giáng trần. Vị đi trước chính là Bạch vân tiên trưởng Từ Trường tịnh, vị đi sau là Dã hạc chân nhân Lữ Ðổng Minh. Hai vị này nguyên từ Tiêu Sơn đến, muốn ngoạn cảnh chùa Kim Sơn, đi đến đây vừa gặp Lão tiên ông tay cầm mảnh hồ lô cùng Chữ Ðạo Duyên than khóc. Từ Trường Tịnh và Lữ Ðổng Minh vội bước tới, hỏi:
- Tiên ông, sao mà thê thảm thế này?
Lão tiên ông đằng hắng một tiếng, nói:
- Hai vị đạo hữu không biết đấy. Tại vì đồ đệ của Tế Công trưởg lão hỏa thiêu Vạn Hoa sơn gây họa với thiên ma ngoại đạo, họ bày Ma hỏa kim quang trận tại chùa Kim Sơn định đốt chết Tế Ðiên. Tôi cùng Tế Ðiên vốn là chỗ quen biết cũ. Hơn nũa, Tế Công là một vị cao tăng đắc đạo. Tôi đi giải hòa, Bát ma trở mặt với tôi. Tôi dùng Càn khôn áo diệu đại hồ lô định thâu Bát ma, nào ngờ Lục hợp đồng tử Tủng Hải nổ bể hồ lô của tôi.
Từ Trường Tịnh nói:
- Ðáng tiếc, đáng tiếc thật! cái hồ lô đó của Bồng Lai Tử cho ông làm bửu bối, chẳng dè hôm nay bị Bát ma làm hư, thiệt đáng giận!
Lão tiên ông nói:
- Hai vị đạo hữu đã đến đây, hãy giúp tôi báo cừu, bắt Bát ma có được không?
Từ Trường Tịnh nghe vậy liền lắc đầu lia lịa, nói:
- Ba người chúng ta đâu phải là đấu thủ của họ? Ông ngồi đây than khóc chỉ là uổng công thôi, bửu bối cũng đã hư rồi. Hai người sao không đi mời người bắt Bát ma?
- Ði thỉnh ai đây?
- Ðể tôi chỉ ông hai con đường chắc ăn, một người đi đến Vân Hà ở núi Vạn Tòng tìm Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh mượn “Trảm ma kiếm”, một người đi lên chùa Tòng Quyền ở núi Cửu Long tìm Trường Mi La Hán Linh Không trưởng lão mượn “Hàng ma sử”. Không có hai thứ này không bắt được Bát ma đâu, có như vậy mới cứu được Tế Công trưởng lão. Nghe nói Tế Công là vị chánh nhân, phổ độ quần mê, đến đâu cũng cứu khốn phò nguy cả. Người gặp đại nạn này làm sao chúng ta không cứu cho được? Làm như vậy cũng là để trả thù về cái hồ lô của ông đó.
Lão tiên ông nghe qua như chiêm bao chợt tỉnh, nói:
- Ða tạ hai vị đã chỉ giáo. Tôi người trong cuộc lú lẫn mất, quên hai vị ấy đi chứ!
Lão tiên ông lại nói:
- Chữ Ðạo Duyên, ông hãy vận chẩn cước phong càng nhanh càng tốt tìm về sư phụ ông là Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh mượn Trảm ma kiếm đi. Ông đi Vạn Tòng sơn, còn ta lên Cửu Long sơn tìm Linh Không đạo trưởng, ai đem về nhanh chừng nào thì bắt được Bát ma sớm chừng ấy. Như vậy ông cũng cứu được sư phó của ông.
Chữ Ðạo Duyên lập tức gật đầu, mọi người chia tay. Về phần Tế Ðiên thấy Lục hợp đồng tử Tủng Hải làm bể chiếc hồ lô của Lão tiên ông, bèn nói:
- Các ông không cần phải đối địch với Lão tiên ông làm gì. Oan có đầu, nợ có chủ, chúng ta cùng vào trong chùa đi. Trước hết ta phải vào bên trong gặp Lão phương trượng nói vài câu đã, sau đó các ông sẽ cùng ta phân tài cao thấp nhé!
- Ông cứ đi đi, mà đừng có chạy trốn nhé!
Tế Ðiên bước vào bên trong, đến thiền đường hành lễ Phương trượng Nguyên Triệt trưởng lão. Nguyên Triệt nói:
- Này Ðạo Tế, ông đến đây hay quá! Hiện tại trong chùa ta bị quấy quá đi. Trước đây bị Vạn Niên Vĩnh Thọ quậy rồi, bây giờ tới tám người rừng này. Ông có biết tại sao mà có tình tiết này không?
- Lão phương trượng không biết đấy. Tám người này là thiên ma ngoại đạo không biết kính Phật. Chỉ tại đồ đệ của con hỏa thiêu Thánh giáo đường của họ nên tám người này kiếm con báo thù. Họ định lập Hỏa ma trận để đốt con đấy. Lão nhân gia cũng đừng để ý đến làm chi. Con đến thỉnh một người có tài để giúp con việc này.
- Ðâu có người nào!
- Trong chùa này có một người tài năng ghê gớm lắm.
- Không có, không có đâu!
- Có, phải đích thân con đi mời mới được. Con không đi thì không xong. Người này có lai lịch rất lớn.
Nói rồi Tế Ðiên bước ra hậu viện. Trong chùa này quải đơn (tạm ngụ) tăng và tăng chánh thức đến mấy trăm người. Tế Ðiên nhìn thấy có ông Hòa thượng mặt đen ngồi đó cúi đầu không nói. Tế Ðiên nói:
- Ông ở đây mà tôi cứ đi tìm mãi.
Chúng tăng nói:
- Ðạo Tế, ông tìm ông ấy làm chi vậy? Ông ta vừa câm lại vừa điếc. Ai nói gì ông ta cũng không nghe thấy cả. Ông ta đến chùa này quải đơn đã hai ba năm rồi mà không nói một câu nào hết.
- Ông ta không có câm điếc đâu.
- Ông ta ở trong chùa hai ba năm mà đâu có nói tiếng nào. Ông làm sao biết hơn chúng tôi được? Ông ta thiệt vừa câm lại vừa điếc nữa.
Tế Ðiên bước tới nhắm ngay thiên linh cái của Hòa thượng vỗ liền ba chưởng, nói:
- Tôi tới tìm ông đây.
Vị Hòa thượng đó ngước lên nói:
- Ðạo Tế, ông vô cớ gây ra một trường ma nạn, tìm ta để làm gì?
Mọi người thấy vậy, nói:
- Lạ thiệt, Hôm nay ông ta mới chịu nói. Hơn hai năm nay ở chùa này không bao giờ ông nói chuyện. Hôm nay thiệt lạ không chớ!
Có người nói:
- Cũng có thể Tế sư phó đánh ông ta ba cái, trị bệnh câm điếc rồi chăng?
Mọi người đều biết Tế Ðiên có thể trị bệnh, bàn tán lăng xăng.
Vị Hòa thượng này tên là Phổ Diệu, nguyên là Phục Hổ La Hán ở chùa Tây Phương giáng thế, vâng lệnh Phật Tổ độ chúng tăng. Phổ Diệu đến chỗ nào cũng giả như câm điếc, ai cũng cho rằng ông ta là Hòa thượng ngốc, chớ nào biết lý lịch của ông. Ông ta cũng không xen vào việc của ai. Mỗi khi đi quải đơn ở một đại tòng lâm, gặp vị hòa thượng nào chuyên lo chánh vụ tham tu thì ông ngầm độ thoát cho, chớ không nói cho ai biết. Hôm nay Tế Ðiên nài nỉ yêu cầu, Phục Hổ La Hán mới chịu nói:
- Ðạo Tế, ông vướng phải một trường ma nạn, đến tìm ta để làm gì?
- Tôi đến tìm ông để giúp đỡ việc này, nếu ông không chịu giúp chắc là không xong đa.
- Ðã như thế thì ta đi với ông. Ai bảo tôi với ông ở một chỗ nơi chùa Ðại Lôi Âm vâng lịnh Phật Tổ phổ độ quần mê làm chi? Ông đã bị như thế đến tìm ta thì ta đâu có thể giũ áo làm ngơ được?
Nói xong cùng Tế Ðiên đi ra phía trước. Bát ma bây giờ đều ngồi ở đại điện, thấy Tế Ðiên cùng đi ra với một ông Hòa thượng mặt đen, Linh Tiêu cư sĩ hỏi:
- Tế Ðiên, ông còn việc gì nữa không?
- Xong rồi, các ông muốn làm gì thì làm đi.
- Tế Ðiên, ông cũng đã biết, ông hết kiếp số rồi, đừng có mơ màng nữa.
- Ta không biết cái gì là “kiếp số” cả. Hôm nay các ông muốn phân tài mạnh được yếu thua, thiệt cỏn giả mất thì cứ giở ra đi! Ðể xem bọn nghiệt chướng các ông có bao nhiêu tài năng nào?
Nghe vậy rồi, Lục hợp đống tử Tủng Hải rút trong bọc Lục hợp châu ném ra luôn. Tế Ðiên cười hà hà, nói:
- Ðó cũng là pháp bửu ư?
Nói rồi đưa tay bắt lấy Lục hợp châu. Ngọa vân cư sĩ Linh Tiêu nhìn thấy tức giận tràn hông, đưa tay rút “Xung thiên thỉ” nhắm ngay Tế Ðiên bắn tới. Cung tên này là bửu bối do phù chú luyện thành, bất luận tinh linh nào bị bắn trúng đều phải hiện nguyên hình, còn người thường trúng phải thì mất đi ba hồn bẩy phách, lợi hại vô kể. Mũi tên bắn ra bị Phục Hổ La Hán bắt được. Bát ma nhìn thấy lập tức án theo phương vị, mỗi người đều rút Hỗn ngươn ma hỏa phan ra, miệng niệm chân ngôn, hô: “Cấp”, rồi “Mau lên”. Tức thì bốn phía Ma hỏa cất cao ngàn trượng, từ bên ngoài nhìn vào phưởng phất một đám sương mù. Tri Giác La Hán Ðạo Tế, Phục Hổ La Hán Phổ Diệu lật đật ngồi xếp bằng lại, trên đầu phóng ra ba trượng cao ba đạo Phật quang, kim quang, linh quang. Hai người miệng niệm chân ngôn hộ thể, chẳng dám nhắm mắt. Nếu nhắm mắt lại, pháp thuật của Bát ma sẽ có ảo cảnh, nhắm mắt lại tưởng gì sẽ thấy cảnh đó, ưa uống rượu thì có rượu, ưa hình tượng gì sẽ thấy hình tượng đó. Một khi nhập vào aỏ cảnh sẽ bị Ma hỏa đốt chết. Kể ra Tế Ðiên cùng Phục Hổ La Hán đạo đức rất sâu xa, nhưng không thể cự nổi với bọn họ. Chỉ thấy kim quang bị Ma hỏa đốt cho đi đảo lại, trong sáu tiếng đồng hồ kim quang co lại còn ba thước, một ngày một đêm mất đi sáu thước, nếu kéo dài năm ngày, kim quang La Hán sẽ bị đốt mất tiêu, sau khi chết sẽ không về được núi Già Lam. Liên tiếp ba ngày như vậy, kim quang của Ðạo Tế và Phổ Diệu còn lại hơn một trượng. Bỗng bên ngoài có tiếng “Vô lượng Phật”. Bát ma nhìn ra sợ mất cả hồn vía.*
Hồi Thứ 235
Quần ma giận bầy Kim quang trận
Ðạo Duyên trộm lấy Trảm ma kiếm
Bát ma đương bày Ma hỏa kim quang trận đốt hai vị La Hán, bỗng nghe bên ngoài có tiếng “Vô lượng Phật”. Người đến chính là Thần đồng tử Chữ Ðạo Duyên, trong lòng đang ôm Trảm ma kiếm. Bát ma nhìn thấy hồn bay ngàn dặm. Chữ Ðạo Duyên ở bờ sông chia tay cùng Lão tiên ông. Lão tiên ông lên núi Cửu Long chùa Tòng Tuyền để tìm Trường mi La Hán mượn Hàng ma sử. Còn Chữ Ðạo Duyên đi một mạch lên Vân Hà quán ở núi Vạn Tòng, trên đường đi gấp như tên bắn, hận chẳng mọc thêm hai cánh để đi nhanh hơn nữa, vận chẩn cước phong đi hết một ngày mới đến núi Vạn Tòng. Ngọn núi này rất cao, mỗi lần sau cơn mưa, từ trong hốc núi khói trắng tuôn ra như mây. Núi này nguyên là một tòa núi báu. Lúc trước Chữ Ðạo Duyên làm đạo đồng ở đây, ông ta cũng thông minh nên rất được Lý Hàm Linh cưng chiều. Hôm nay Chữ Ðạo Duyên đến trước cổng miếu, tự nghĩ thầm: “Mình khoan vào đã, mình đã bái Tế Công làm thầy rồi. Nếu nói rõ mình cần Trảm ma kiếm, chắc sư phụ gia sẽ không cho đâu. Thôi thì mình vào bên trong kiến cơ nhi tác vậy”. Nghĩ như vậy rồi liền đến bên cửa nghách vỗ lên hai tiếng, nghe bên trong có tiếng “Ðến à!”. Két một tiếng, cánh cửa mở ra. Chữ Ðạo Duyên nhìn xem, nhận ra Thanh Phong đồ đệ, đạo đồng của Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh. Trong miếu này có hai đạo đồng, một người tên Thanh Phong, một người tên Minh Nguyệt, kể là bạn đồng môn huynh đệ với Chữ Ðạo Duyên. Hôm nay gặp Chữ Ðạo Duyên, họ vội vàng thi lễ, hỏi:
- Sư huynh, anh từ đâu đến đây? Nghe nói anh đã quy y Tam bảo Phật môn rồi. Hôm nay còn đến đây làm gì?
Chữ Ðạo Duyên đem lý do tại sao mình bái Tế Ðiên làm thầy nói qua một lượt. Hai người bèn đi ra sau. Chữ Ðạo Duyên hỏi:
- Sư phụ lão nhân gia ở trong viện nào?
Thanh Phong nói:
- Chưa về miếu. Sư phụ đi đã hơn mười ngày rồi, đi chầu Bắc Hải, chỉ để hai đứa tôi ở lại coi miếu thôi. Sư huynh đến đây có việc chi?
- Vào trong nhà, từ từ ta nói cho chú rõ.
Vào Bắc thượng phòng ở Ðông viện, Minh Nguyệt đón tiếp, hành lễ xong ba người ngồi xuống. Thanh Phong bảo Minh Nguyệt đi châm trà. Chữ Ðạo Duyên trong lòng gấp như lửa đốt, nói:
- Này sư đệ, hôm nay ta đến đây là vì sư phụ Tế Công đó. Lão nhân gia vốn là Tây phương La Hán, nhân vì hay xen vào việc người quá. Ở Thường Châu có một tòa Từ Vân quán, vị quán chủ là Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong chiêu binh mãi mã, tích thảo đồn lương, hãm hại lê dân bá tánh. Tế Công giúp đỡ binh phủ Thường Châu công phá Từ Vân quán. Thiệu Hoa Phong trốn đến Thánh giáo đường ở Vạn Hoa sơn. Tôi có một tiểu sư huynh tên là Ngộ Thiền đến Thánh giáo đường ở Vạn Hoa sơn bắt Thiệu Hoa Phong, gặp Bát ma, Ngộ Thiền đốt Thánh giáo đường của Bát ma nên kết thành cừu oán với họ. Bát ma hiện giờ đang ở chùa Kim Sơn bày Ma hỏa kim quang trận để đốt Tế Công. Nếu qua bốn năm ngày mà kim quang của La Hán bị đốt cháy tan đi, Tế Công chắc phải chết. Lão nhân gia là một người chánh vụ tham tu, đáng tiếc bị hại về tay Bát ma. Ta nhờ Lão tiên ông khuyên giải, chẳng ngờ bị Bát ma trở mặt làm nổ bể Càn khôn áo diệu đại hồ lô của lão tiên ông đi. Hiện tại Lão tiên ông đã lên chùa Tòng Tuyền ở núi Cửu Tòng tìm Linh Không trưởng lão để mượn Hàng ma bảo sử, còn ta đến sư phụ gia mượn Trảm ma kiếm. Không có hai thứ bảo bối này không thể bắt Bát ma được. Chân nhân đã không có ở nhà, hai vị sư đệ hãy từ bi từ bi lấy Trảm ma kiếm cho ta mượn một lát, ta đi cứu Tế Công trưởng lão rồi đưa về ngay. Ta cũng không cần bửu bối của Tổ sư gia đâu.
Thanh Phong, Minh Nguyệt nghe xong, lắc đầu nói:
- Việc đó hai đứa tôi không dám lớn mật như vậy đâu. Tổ sư gia mà biết được, chúng tôi tránh không khỏi đòn. Trước đây nhân vì sư huynh trộm lấy Bát vân quang trang tiên đại mà Tổ sư gia đánh chúng tôi một trận, nói hai đứa tôi không để ý. Việc này hai đứa tôi càng không dám nữa!
- Hai vị sư đệ làm việc này là tốt thôi! Tế Công nguyên là một vị La Hán, nếu không có Trảm ma kiếm này sẽ phải chết trong tay Bát ma. Người xuất gia là chuyên lo tích công bồi đức, ta đi cứu Tế Công rồi đem về trả liền, quyết không để cho hai sư đệ bị quở trách đâu. Nếu mà Tổ sư gia có biết đi nữa, thì đó là một việc tốt. Tổ sư gia cũng không trách cứ đâu.
Thanh Phong, Minh Nguyệt nói:
- Sư huynh nói gì thì nói, hai đứa tôi không dám nghe theo đâu.
- Hai sư đệ biết Trảm ma kiếm để ở đâu không?
Thanh Phong nói:
- Biết thì có biết, mà hai đứa tôi không dám nói cho anh biết đâu.
- Khi xưa lảm đạo đồng trong miếu, ta thấy thanh kiếm đó treo trong khám thờ ở điện năm tầng, không biết bây giờ có dời đi chỗ khác không?
- Sư huynh đã biết chỗ rồi tự đi tìm lấy, hai đứa tôi không biết đâu đấy. Tổ sư gia nếu có hỏi, hai tôi nói là không biết. Hai tôi chắc không tránh khỏi đòn nặng vì tội mách lẻo nói cho anh biết.
- Ðã như thế, hai vị sư đệ cứ để mặc tôi tìm lấy. Hai vị sư đệ không cản ngăn là tôi cám ơn lắm rồi.
- Anh là đại sư huynh của chúng tôi, hai tôi cũng không dám cản ngăn anh! Anh mà trừng mắt thì hai tôi đâu dám chọc giận.
- Ta cũng không dám trừng mắt với hai sư đệ. Thôi ta đi tìm đây.
Nói rồi bước ra phía sau. Lên điện năm tầng kiếm ở khám thờ không thấy. Chữ Ðạo Duyên nghĩ thầm: “Lạ thiệt! Tại sao lại không có kìa?”. Ngạc nhiên hồi lâu, rồi nghĩ lại: “Chắc là còn ở trong miếu này, để tìm chầm chậm thử xem, không tìm thì không được”. Nghĩ rồi, Chữ Ðạo Duyên lục tìm khắp nơi suốt cả đêm, đến sáng hôm sau vào giờ ăn sáng, tìm đến điện sau cùng nhìn lên khám thờ thấy có bảng ngà đề là “Tảm ma kiếm”. Chữ Ðạo Duyên nhìn kỹ thấy đoạn vàng gói bao kiếm bằng da cá màu lục, nhung vàng quấn cán có những tua màu vàng. Chữ Ðạo Duyên hồi còn làm đạo đồng trong miếu đã thấy thanh kiếm này, quả nhiên không sai. Chữ Ðạo Duyên thấy rồi mừng quá, lạy tám lạy, trong miệng chúc cáo đã xong rồi mới đưa tay thỉnh kiếm xuống, ra nhà chái nói:
- Hai sư đệ, cám ơn sự giúp đỡ rất nhiều. Vài ba hôm ta sẽ đem kiếm về trả. Nếu Tổ sư gia chưa trở về thì càng hay.
- Hai đứa tôi không biết đâu à! Anh làm sao được thì làm. Anh lục tung khắp nơi trong miếu này, hai tôi có cản cũng không được. Chỉ mong anh về trước Tổ sư gia là được.
- Phải đó!
Chữ Ðạo Duyên nói rồi cáo từ ra khỏi Vân Hà quán, vận chẩn cước phong đi nhanh, lòng gấp như tên bắn, hận chẳng mọc thêm đôi cánh để sớm đến chùa Kim Sơn. Khi vừa đến bờ sông, nhìn xa xa chỉ thấy bên trong chùa Kim Sơn, ma hỏa cao ngàn trượng, cửa chùa đóng chặt, người dâng hương ngoạn cảnh vắng tanh. Nhìn vào chùa Kim Sơn như một đám mây mù, không biết việc gì xẩy ra trong đó! Chữ Ðạo Duyên đến trước chùa lấy tay chỉ một cái, cổng chùa mở bét, nhìn vào bên trong chẳng thấy kim quang đâu, bèn hét lớn:
- Hay cho nghiệt súc cả gan! Sơn nhân ta đến đây.
Trấn phía chánh Nam chính là Thiên hả điếu tẩu Dương Minh Viễn , Quế lâm tiều phu Vương Cửu Phong. Hai người ngước đầu nhìn lên, hồn bay ngàn dặm, vì họ biết Chữ Ðạo Duyên là đồ tôn của Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh, trong tay đang cầm thanh bửu kiếm giống như Trảm ma kiếm.
Dương Minh Viễn nói:
- Chúng ta ngày xưa không oán, gần đây không thù, vì sao hôm nay ngươi về phe Tế Ðiên mà đối địch với bọn ta?
Chữ Ðạo Duyên nói:
- Ngươi có biết Tế Ðiên là gì của ta không?
- Ngươi là đạo gia, ông ấy là hòa thượng, có là gì của ngươi đâu?
- Ông ấy là sư phó của ta, các ngươi là cửu thù của sư phó ta, tức là oan gia đối đầu của ta đó!
Dương Minh Viễn và Vương cửu Phong nghe xong bèn nói:
- Tế Ðiên là sư phó của ngươi, bọn ta nể mặt ngươi không đốt ông ấy nữa là được rồi! Thánh giáo đường ở Vạn Hoa sơn của chúng ta nể mặt ngươi coi như bị đốt không đi! Chúng ta trở về núi Vạn Hoa, ông ấy trở về núi Linh Ẩn, từ đây hai bên bãi chiến, ngươi thấy thế nào?
Lúc đó nếu Chữ Ðạo Duyên bằng lòng thì tốt biết bao! Ðằng này Chữ Ðạo Duyên đang hận trong lòng không giết được Bát ma thì không hả giận, liền nói:
- Không được! Hôm nay ta phải giết các ngươi mới được!
Nói rồi thò tay vào rút kiếm ra. Thanh kiếm này có gì đặc biệt? Nguyên thanh kiếm này khi rút ra khỏi vỏ có một làn bạch quang tỏa ra làm vẹt tan cả Ma hỏa, rất là lợi hại, nên mới có tên là “Trảm ma kiếm”. Khi Bát ma tôn Lục hợp đồng tử Tủng Hải làm đầu, chỉ nhân vì ông ta ra ngoài làm nhiều việc quấy, thường thường hại người. Tử hà chân nhân Lý Hàm Linh tuần tra núi, dùng thanh kiếm này chém ông ta, chế phục Bát ma. Cho nên Bát ma rất sợ Lý Hàm Linh và Trường Mi La Hán một tăng một đạo này thôi, ngoài ra không sợ ai nữa cả. Nào ngờ đâu hôm nay Chữ Ðạo Duyên lấy trộm thanh kiếm này, nhưng chẳng phải là “Trảm ma kiếm” thiệt. Thanh kiếm thiệt làm sao ông ta lấy được? Tử hà chân nhân sợ e có linh tinh nào đó vào trong miếu trộm Trảm ma kiếm đi, cho nên mới dự bị thanh kiếm này. Hôm nay Chữ Ðạo Duyên tự cho là kiếm thật, thò tay rút kiếm ra, không thấy có bạch quang đâu cả. Chữ Ðạo Duyên còn đang ngạc nhiên thì Bát ma đã nhận ra không phải là Trảm ma kiếm rồi. Dương Minh Viễn nghĩ thầm: “Ra tay trước vẫn hơn”, liền rút Táng môn kiếm vẫy lên, tức thì thiên hỏa, địa hỏa, tam muội chân hỏa đồng loạt xô đến Chữ Ðạo Duyên. Chữ Ðạo Duyên muốn chạy cũng không kịp, cả người lẫn kiếm bị đốt cháy khét lẹt. Tế Ðiên lúc đó cứu cũng không kịp, chỉ miệng niệm:
- A Di Ðà Phật, thiện tai, thiện tai!
Vương Cửu Phong nói:
- Dương đại ca, anh gây rắc rối dữ rồi đó. Ông ấy là đồ tôn của Tử hà chân nhân, anh đốt chết rồi, thảng như Tử hà chân nhân đến báo cừu, mình phải làm sao đây?
- Ðã đốt chết rồi, dù cho Lý Hàm Linh có đến, chúng ta cũng quyết sống mái với ông ta một phen. Cứ sợ ông ta hoài làm sao nên đại cuộc?
Ðương nói tới đó thì bên ngoài có tiếng kêu lớn:
- Ðạo Duyên ơi! Sao mà chết khổ sở quá vậy!.*
Hồi Thứ 236
Thần đồng tử thân gặp ma hỏa kiếp
Thỉnh Phật Tiên sử kiếm trấn quân ma
Dương Minh Viễn vừa đốt chết Chữ Ðạo Duyên thì nghe bên ngoài có tiếng khóc lớn:
- Ðạo Duyên ơi, không ngờ ngươi bị chết thảm thiết như thế này! Hết rồi, hết rồi! Lão phu đi chuyến này kể như công cốc! Chưa thỉnh được bửu bối. Thôi rồi, xong hết! Kể cả Tế Công, Phục Hổ La Hán cũng tiêu luôn. Ðây chắc là điều khổ của người tu đạo chúng ta đây!
Dương Minh Viễn nhìn ra, thì người mới đến chính là Ðông phương thái duyệt Lão tiên ông, tay còn cầm nửa trái bầu chưa chịu liệng bỏ. Lão tiên ông sau khi chia tay cùng Chữ Ðạo Duyên, một mạch thẳng đến núi Cửu Tòng tìm Trường Mi La Hán mượn Hàng ma bảo sử để cứu Tế Công, sẵn báo cừu việc bể hồ lô luôn thể. Ngờ đâu đến núi Cửu Tòng chỉ gặp Ngộ Thiền. Ngộ Thiền lật đật hành lễ, nói:
- Tiên ông từ đâu đến đây?
- Ngộ Thiền ơi, không xong rồi! Chỉ tại ngươi hỏa thiêu Vạn Hoa sơn mà bây giờ Bát ma bày Ma hỏa kim quang trận ở chùa Kim Sơn để đốt sư phó ngươi. Ta đi khuyên giải họ, Bát ma chẳng chịu nghe, ta định dùng Càn khôn áo diệu đại hồ lô thâu họ vào đó, nào ngờ Lục hợp đồng tử Tủng Hải thần thông quảng đại, ông ta nổ nát hồ lô của ta. Ta cùng Ðạo Duyên đang than khóc, may gặp Bạch vân tiên trưởng Từ Trường Tịnh, Dã hạc chân nhân Lữ Ðổng Minh nói cho ta công việc nên làm, bảo Chữ Ðạo Duyên về Tổ sư gia Lý Hàm Linh mượn Trảm ma kiếm, còn ta thì đi tìm Trường Mi La Hán để mượn Hàng ma bảo sử cứu Tế Công. Nếu không có hai thứ ấy thì Bát ma sẽ đốt chết sư phó ngươi rồi cũng sẽ đến tìm ngươi thôi. Chẳng cần phải Bát ma đến cả, chỉ một người đến thôi, vẫy Ma hỏa phan là ngươi phải hiện nguyên hình. Năm ngàn năm đạo hạnh của ngươi kể như đi đứt, ngươi cũng không sống nổi.
Ngộ Thiền nghe rồi đằng hắng một tiếng, nói:
- Việc đến nước này, không còn cách nào khác, tôi phải đi gặp sư phó tôi mới được.
- Cái thằng nhỏ này nói bậy bạ không! Ngươi làm sao mà đi được? Ngươi là đầu mối họa, Bát ma muốn tìm ngươi mà tìm không được! Bây giờ ngươi đi há chẳng phải là chui vào rọ sao? Ngươi hãy cùng ta đi gặp Trường Mi La Hán, ngươi thay mặt sư phó ngươi dập đầu cầu xin, cả ta nữa cũng xin Ngài, mới có thể nhờ Ngài cứu mạng sư phó ngươi.
- Lão phương trượng không có ở chùa. Nếu có ở chùa tôi đã dẫn ông đi gặp người rồi.
- Ði đâu vậy?
- Ði đã mười mấy ngày rồi, hẹn với Tử hà chân nhân đi chầu Bắc Hải, chỉ để tôi và Thông tý viên hầu ở lại giữ chùa thôi.
Lão tiên ông nghe nói mấy câu đó, ngạc nhiên một hồi lâu, mới nói:
- Ta vào trong chùa đợi mấy ngày, biết chừng đâu lúc đó sư phó ngươi trở về. Nếu như không trở về, chắc là hết cách rồi đa!
- Cũng được!
Ngộ Thiền nói rồi cùng Lão tiên ông vào trong chùa Tòng Tuyền. Ngộ Thiền đưa vào Bắc thượng phòng ở viện chái Ðông mời ngồi rồi đun nước pha trà đãi tiên ông. Ðang nói chuyện, từ bên ngoài đi vào một con vượn lớn, cả người lông đều trắng cả, hai mắt đỏ long lanh, tay xách giỏ trái cây. Thấy tiên ông, con vượn bò xuống đất dập đầu vái lạy. Ngộ Thiền nói:
- Ðây là con Thông tý viên hầu, mỗi khi hái được trái cây ngon đều đem về cho Lão phương trượng.
Lão tiên ông gật đầu nói:
- Vô lượng Phật! Thiện tai, thiện tai! Súc sanh cũng biết tu đạo. Hèn chi người ta nói:
Gõ cửa vượn hoang ngày cúng trái,
Giữ nhà lão hạc tối nghe kinh.
quả thật không sai!
Lão tiên ông ở lại trong chùa một ngày, lòng tựa dầu sôi. Hôm sau Trường Mi La Hán cũng chưa về. Ngộ Thiền nói:
- Thôi, tiên ông đừng đợi nữa! Xin tiên ông đến chùa Kim Sơn xem thử. Nếu sư phó Tế Công đã chết, xin tiên ông kiếm cho một cái lu liệm người vào đó. Tôi chờ tin tiên ông trở về. Tôi ở chùa này đại khái Bát ma chẳng dám đến tìm tôi đâu. Chừng nào Lão phương trượng trở về, tôi sẽ dập đầu van xin người trả thù cho sư phó tôi, đến núi Vạn Hoa bắt họ. Bát ma cũng không chạy thoát đâu. Xin lão nhân gia đi xem thử coi, tôi không an tâm chút nào!
Lão tiên ông không còn cách nào hơn, đành gật đầu lủi thủi ra khỏi chùa Tòng Tuyền, vận chẩn cước phong đi đến chùa Kim Sơn. Ðến nơi thấy một đám hỏa quang bừng lên đốt Chữ Ðạo Duyên thịt da cháy khét nghẹt. Lão tiên ông cất tiếng khóc lớn, nói:
- Ðạo Duyên, sao ngươi chết khổ sở quá vậy nè?
Dương Minh Viễn nghe tiên ông vừa khóc vừa nói như vậy, bèn nói:
- Cái lão đạo này hôm trước tha cho khỏi chết, trốn chạy xa bay, hôm nay còn tới đây nói láp giàp hử? Ông có chịu đi chưa, bọn ta sẽ lấy tánh mạng ông bây giờ đấy!
Lão tiên ông nghe nói, đáp:
- Ðược, được! Ta đang không muốn sống đây, chúng ta muốn chết, chết cùng một chỗ sướng hơn! Ngươi lấy Ma hỏa phan đốt chết ta đi, ta cam lòng đó!
- Ðốt ông có khó gì!
- Lại đây!
Lão tiên ông nói rồi nhắm mắt chờ chết. Dương Minh Viễn, Vương Cửu Phong vừa muốn rời phương vị xổ Ma hỏa phan ra, bỗng nghe phía chánh Ðông có tiếng: “A Di Ðà Phật”. Tiếp theo là một tăng nhân, một đạo nhân xuất hiện. Vị đạo nhân đi trước miệng xướng sơn ca:
Tham lợi mưu cầu khắp thế gian,
Chẳng bằng áo rách đạo nhân nhàn,
Gà lồng no đủ đang chờ luộc,
Hạc nội không lương mặc thênh thang,
Phú quý trăm năm không giữ được,
Luân hồi sáu nẻo mặc tuần hoàn,
Ðạp phá hồng trần toàn hư ảo,
Học đòi bất hủ chốn thâm san.
Vị hòa thượng đi sau miệng ngâm:
Làm người bất tất phải tranh phuông,
Muôn việc rồi ra nhất lý đồng,
Hổ báo thường lo cua biển kẹp,
Giao long lại sợ nạn ngô công,
Tiểu nhân hành hiểm rồi sa hiểm,
Quân tử cố cùng ắt sẽ thông,
Vạn hộc thuyền rồng chìm đáy nước,
Ðều do chống lại sức cuồng phong.
Lão tiên ông nhìn ra thấy vị đạo nhân đó mình cao tám thước, đầu đội khăn đạo sĩ liên hoa, mình mặc đạo bào bằng đoạn màu ngà hoàng, lưng buộc dây tơ, chân đi vân hài đế cao, sau lưng quải xiêng một thanh bảo kiếm vỏ da cá màu lục sa có tua nhung vàng đằng đầu, mặt như chậu bạc, mày như chữ Bát, mắt như sao sáng, mũi thẳng, bộ râu quai nón bạc phất phơ trước ngực, trong tay cầm một cây phất sa. Vị tăng nhân đi sau mình cao chín thước, đầu đội tăng mạo màu xanh, mình mặc tăng bào bằng đoạn màu vàng, vớ trắng vân hài, mặt đỏ, mi dài, mắt sáng, trong lòng ôm Hàng ma bảo sử, dánh điệu kinh người. Hai người mới đến không phải ai khác mà chính là Linh Không trưởng lão và Tử hà chân nhân. Hai vị này là thần tiên sống, chỉ nhân vì họ đang chầu Bắc Hải. Hôm đó đang du ngoạn các danh thắng ở Bắc Hải, bỗng thấy một cột sát khí từ Tây sang Ðông xông thẳng lên Ðẩu Ngưu, Linh Không trưởng lão nhìn thấy, nói:
- Thiện tai, thiện tai! Ðạo huynh xem kìa!
Tử hà chân nhân buộc miệng niệm:
- Vô lượng Phật! Thiện tai, thiện tai! Té ra Hàng Long, Phục Hổ hai vị La Hán gặp nạn! Hay cho loài nghiệt súc! Cả gan dám hưng yêu tác quái thế ư? Trước sự kiện này lẽ nào ta chẳng để tâm, nếu không quan tâm đến e rằng Phật Như Lai ta sẽ quở trách!
Linh Không trưởng lão nói:
- Tôi sớm đã có ý trừ khử bọn thiên ma ngoại đạo ấy đi, nhưng tôi lại không nỡ. Bọn họ đang tu đạo tại Vạn Hoa sơn, tôi cũng không nỡ vô cớ mà sát hại sanh linh. Bây giờ họ đã hưng yêu tác quái như vậy, chúng ta phải mau về mới được.
- Chúng ta cần trở về cho mau!
Nói rồi hai vị tăng đạo mượn độn quang trở về. Khi còn chưa đến chùa Kim Sơn, Tử hà chân nhân bắt rùng mình, miệng niệm:
- Vô lượng Phật! Thiện tai, thiện tai! Tên Ðạo Duyên nghiệt chướng đó bị kiếp số rồi! Ðáng tiếc, đáng tiếc!
Linh Không trưởng lão nói:
- Chúng ta phải đi mau! Nếu trễ một khắc thì e Ðông phương thái duyệt Lão tiên ông có thể nguy hiểm đến tánh mạng đấy!
Hai vị tăng, đạo lật đật đi riết đến chùa Kim Sơn, vừa gặp lúc Dương Minh Viễn, Vương Cửu Phong sắp dùng Ma hỏa phan sát thương Lão tiên ông. Tử hà chân nhân hét lên một tiếng:
- Hay cho nghiệt súc, cả gan thiệt!
Lão tiên ông mở mắt ra nhìn thấy, nói:
- Ðạo nhân, La Hán! Hai vị mau đến đây!
Bát ma thấy Tử hà chân nhân và Linh Khong trưởng lão cùng đến, mọi người đều ngạc nhiên. Tử hà chân nhân đưa tay rút Trảm ma kiếm ra chỉ một cái, một mảng kim quang tỏa ra, Ma hỏa bị dồn đè xuống. Linh Không trưởng lão rút Hàng ma bảo sử chỉ một cái, một luồng bạch quang tỏa ra, Ma hỏa bị hóa thành làn khói trắng bay tứ tán. Tế Công cùng Phổ Diệu lúc đó mới bước ra tạ ơn. Bát ma làm sao dám đấu pháp với hai vị tăng, đạo? Tám người sợ quá, đều quỳ xuống đất. Ngọa vân cư sĩ Linh Tiêu nói;
- Chân nhân, La Hán xin chớ giận! Chẳng phải chúng tôi vô cớ đối địch với Tế Ðiên, nhân vì ông ta đốt chết đồ đệ của tôi là Hàn Kỳ, đùa cợt Ðặng Liên Phương, rồi còn sai đồ đệ là Ngộ Thiền hỏa thiêu Thánh giáo đường, cho nên chúng tôi mới kiếm ông ta báo cừu rửa hận.
Tử hà chân nhân nói:
- Hay cho nghiệt chướng! Ngươi còn làm bộ nói lời tử tế nữa! Ðồ đệ ngươi là Hàn Kỳ cùng Ðặng Liên Phương đi Doanh Châu Ðông Hải hái linh chi thảo lại xen vào chuyện tào lao làm chi? Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong đã là người tu đạo lại còn chiêu tập tặc nhân chốn lục lâm, buôn bán thuốc mê, mông hãn dược,, sai người trộm lấy thai nhi và tử hà sa để luyện Âm hồn trận, hại bao tánh mạng, giết hại sanh linh, lưu độc bách tính. Quan binh đến bắt, chống lại quan binh, tình đồng phản nghịch. Ðồ đệ ngươi giúp ông ta trợ Trụ vi ác, tức là chính mình làm ác rồi, chết đâu có oan uổng? Các ngươi ở núi Vạn Hoa sơn che giấu Thiệu Hoa Phong, Ngộ Thiền đi bắt, ngươi đáng lẽ giao Thiệu Hoa Phong ra, các ngươi chẳng những không giao mà còn thi triển Ma hỏa muốn hại mạng nó nữa. Nó cũng có 5.000 năm đạo hạnh chẳng dễ gì làm hại được. Hơn nữa, nó ở chùa Tòng Tuyền của Linh Không trưởng lão, các ngươi cũng thấy điều đó chớ? Các ngươi muốn hại mạng nó, làm sao nó không hận ngươi mà chẳng đốt Thánh giáo đường cho được? Cái này là các ngươi tự tìm lấy đó! Hiện tại hai vị La Hán ở chùa Ðại Lôi Âm bên Tây phương vâng sắc chỉ của Phật Như Lai giáng thế cứu người, các ngươi cả gan dám dùng Ma hỏa đốt hạo ông ấy, thiệt là cả gan làm bậy! Ðây là các ngươi tự làm tội nghiệt, chẳng thể sống được!
Linh Không trưởng lão nói:
- Các ngươi hãy đi cùng ta nhé! Chúng ta trở về chùa Tòng Tuyền sẽ nói chuyện sau.
Bát ma không dám chẳng đi theo.
Ba vị La Hán, hai vị đạo đái lãnh Bát ma thẳng đến chùa Tòng Tuyền.*
Hồi Thứ 237
Thâu Bát ma phù chú niêm cửa động
Mở thiện hội phước thiện tụ Kim Sơn
Trường Mi La Hán cùng Tử hà chân nhân, Ðông phương thái duyệt Lão tiên ông, Tế Công trưởng lão cùng Phục Hổ La Hán đái lãnh Bát ma về chùa Tòng Tuyền ở núi Cửu Tòng. Trên núi này có một tòa “Tí Ngọ Phong Lôi Tàng Ma Ðộng”. Trường Mi La Hán dùng Hàng ma bảo sử mở động ra, miệng niệm chú lâm râm, dùng pháp thuật đặt Bát ma vào trong động. Lập tức cửa động đóng chặt, dùng chú phong tỏa lại. Linh Không trưởng lão nói:
- Bát ma bị nhốt vào đây, khỏi sanh mầm họa. Ðộng này đến giờ Tý có Phong lôi nổi lên rung chuyển cả Bát ma. E có người đến đây cứu họ ra rồi sanh thị phi, nên cửa động phải có người canh giữ mới được.
Ðương nói tới đó thì Tiểu Ngộ Thiền đến, hành lễ mọi người. Linh Không trưởng lão nói:
- Ngộ Thiền, ngươi mau đi tìm Linh Viên Hóa cho ta, bảo nó giữ động này.
Ngộ Thiền vâng lời, đi không bao lâu, cùng Mai hoa chân nhân Linh Viên Hóa đến. Linh Viên Hóa hành lễ mọi người xong và hỏi:
- La Hán cho tôi gọi có điều chi dạy bảo?
Linh Không trưởng lão nói:
- Bảo ngươi coi giữ động này. Ðem Hàng ma bảo sử và Trảm ma kiếm treo ở cửa động. Khi nào Bát ma ra, ngươi dùng Trảm ma kiếm chém chúng cho ta.
Linh Viên Hóa gật đầu ưng thuận, ở lại canh Bát ma và tự tu hành. Linh Không mời mọi người vào trong chùa, ngồi xuống. Tế Ðiên nói:
- Xin cảm tạ La Hán, Chân nhân đã tiếp cứu. Tôi phải mang Ngộ Thiền đi tổ chức thiện hội để trùng tu chùa Kim Sơn. Cũng vì tôi mà Bát ma phá hư chùa Kim Sơn, nếu không trùng tu bị tội nghiệt rất lớn.
Phục Hổ La Hán cũng cáo từ đi nơi khác độ người. Tế Ðiên cáo từ, dẫn Ngộ Thiền về chùa Kim Sơn, viết thiếp sai Ngộ Thiền đi mời. Tất cả những đồ đệ ở các địa phương Tế Ðiên đi qua đều được mời cả, như: phủ U Châu, huyện Long Du, huyện Hải Triều, huyện Dư Hàng, huyện Thạch Kháng, phủ Thường Châu, phủ Trấn Giang, huyện Ðơn Dương, huyện Khai Hóa, thành Lâm An, huyện Tiền Ðường, huyện Nhơn Hòa... Những chỗ Tế Ðiên quen biết đều không bỏ qua, trên từ Tần tướng, hoạn quan, thân hào, phú hộ, cử giám sinh viên, dưới đến thứ dân. Ngộ Thiền đưa thiếp đến: hẹn vào sáng ngày mùng một tháng tám dâng hương. Cả thành Lâm An đều náo nức trước tin này. Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên nghĩ: “Tế Ðiên được sắc phong Hộ Quốc Tán Thiền Sư, chính là vị tăng đạo cao, đang mở thiện hội tại chùa Kim Sơn, cả đến anh ta là Tần Thừa tướng cũng được mời, tại sao lại không mời ta kìa?”. Hôm đó có Phong nguyệt công tử Mã Minh đến thăm. Hai người mới đem chuyện này ra bàn. Vương Thắng Tiên nói:
- Hiện tại Tế Công mở thiện hội ở chùa Kim Sơn, có mời Tần Thừa tướng, sao không mời ta?
Mã Minh nói:
- Cũng không có mời tôi.
- Ông ấy không mời chúng ta, chúng ta lại muốn đến, mang theo một ngàn lượng bạc cúng tiền hương đèn, đến chùa Kim Sơn một phen nhé!
- Cũng được!
Bàn tính xong, họ lập tức thuê một chiếc thuyền lớn, đem theo 20 tên gia nhân, trên thuyền cắm một một lá cờ lớn, trên đề: “Dâng hương chùa Kim Sơn, cúng thí ngàn lượng bạc”. Họ bắt đầu từ thành Lâm An ra đi thẳng đến chùa Kim Sơn ở phủ Trấn Giang. Hôm đó thuyền đang đi, bỗng thấy trước mặt có một chiếc thuyền, trên cờ đề: Chánh đường huyện Hải Triều. Dựa bên cửa sổ thuyền nhìn ra ngoài là hai đứa a hoàn và một vị tiểu thơ. Vị tiểu thơ này thật là thiên kiều bá mị, muôn vẻ phong lưu, gương mặt trái lê với đôi má hạnh. Quả là Diêu Trì tiên tử, Nguyệt điện Hằng Nga khó tày, đáng gọi là tuyệt thế giai nhân. Vương Thắng Tiên và Mã Minh thấy vị tiểu thơ này nhìn muốn rớt con mắt. Hai người này vốn là ác bá ở thành Lâm An, tối ngày chỉ bàn mưu tính kế cướp người. Vương Thắng Tiên từ vụ chó trắng náo động phòng cắn sứt mũi đi, hắn cho người mời danh y chữa trị cho nhưng vẫn bị nói ngọng. Tuy nhiên thói ác vẫn không chừa, một khi thấy sắc đẹp vẫn động lòng, máu tham dâm háo sắc vẫn không bỏ. Thuyền của Vương Thắng Tiên đi đến cửa Trấn Giang còn cách chùa Kim Sơn 40 dặm. Thấy thuyền người ta đỗ lại, Vương Thắng Tiên cũng kêu thuyền mình đỗ lại. Hai thuyền đậu kế bên nhau. Vương Thắng Tiên đến gần xem, vị tiểu thơ đó quả là dung mạo quá mỹ miều. Tên tiểu tử này nhìn không chớp mắt, thấy cô nương này quả càng nhìn càng ưa. Vương Thắng Tiên thật là mật lớn bằng trời, bảo viên quản thuyền lấy đòn ván bắc qua bên thuyền kia. Phong nguyệt công tử Mã Minh hỏi:
- Ông làm gì vậy?
- Ta đi qua thuyền kia hội diện với người đẹp, hồi ta sanh ra tới giờ chưa gặp người nào đẹp tuyệt sắc như thế, không gặp mặt chịu không nổi.
- Làm vậy sao được? Ông có biết chắc cô nương ấy là con nhà ai không? Ông mà làm ngang như vậy, há không xảy ra chuyện rối rắm hay sao?
- Không sao đâu! Anh ta là Tể tướng đương triều, ta là Ðại lý tự chánh khanh, ai mà dám động đến ta? Cho dù bất kể con cái nhà ai, bữa nay ta phải ra tay mới thỏa được lòng.
Nói rồi Vương Thắng Tiên kêu quản thuyền lấy ván bắc qua rồi đủng đa đủng đỉnhbước qua thuyền đó. Vị tiểu thơ ngồi trên thuyền đó chính là em gái của Trương Văn Khôi, Chánh đường huyện Hải Triều, tên là Kim Nương. Nhân vì Tế Công mời thiện hội, Trương Văn Khôi thí trợ 500 lượng hương đèn, cô nương mang theo vú em và a hoàn, có Tam ban Ðô đầu Ðộc giác giao An Thiên Thọ, rất tinh thông võ nghệ trên cạn dưới nước, dắt theo mười mấy tên Ban đầu đi theo bảo hộ cô nương dâng hương. Từ huyện Hải Triều ngồi quan thuyền đi đến Giang khẩu này, cô nương kêu An Thiên Thọ mua một ít trái cây tươi mang đến cúng chùa Kim Sơn, cho nên thuyền mới dừng lại ở đây. An Thiên Thọ lên bờ mua đồ, vừa đúng lúc đó Vương Thắng Tiên từ bên thuyền này đủng đa đủng đỉnh muốn bước qua thuyền. Trên thuyền bấy giờ chỉ có mười mấy tên tráng dịch. Vương Thắng Tiên mình mặc đại hồng bào cổ rộng tay rộng, dưới chân mang hài đế trắng, tay cầm một chiếc quạt xếp, dáng điệu vai rút lưng cong, mặt vàng nhòn nhọn, thật là đầu thỏ mắt rắn, lưng rùa eo lừa, dợm muốn bước qua cửa thuyền. Ðương sai nhìn thấy lật đật cản lại, hỏi:
- Ông làm gì vậy?
- Thấy cô này đẹp quá, lão gia muốn vào bên trong chơi một lát.
- Ông là cái thá gì, ăn nói láo tóet thế! Ðây là tiểu thơ nhà ta, sao ông dám vô lễ như thế, bộ ông không sợ chết à?
- Mặc kệ tiểu thơ nhà quan nào, đại nhân ngươi muốn mua vui, tên nào dám không nghe chớ?
Vừa nói tới đó, An Thiên Thọ mua đồ cũng về tới, thấy các sai dịch đương cãi nhau với Vương Thắng Tiên, An Thiên Thọ hỏi:
- Cái gì thế?
Các sai nhân nói:
- Cái nhà ông này ngang bướng muốn bước lên thuyền. Chúng tôi hỏi ông ta làm cái gì vậy? Ông ta nói thấy tiểu thơ xinh đẹp quá, muốn đến chơi. An đô đầu, ông hãy xem trên thế gian này có người nào không thông tình đạt lý như vậy không? Chúng tôi nói cho ông ta biết đây là tiểu thơ, ông ta nói bất luận là tiểu thơ nhà ai, ông ta cũng vui đùa được cả.
An Thiên Thọ nghe nói cả ngực nóng ran, lập tức trợn mắt lên, nói:
- Ông có mau cút đi không? Nếu không nghe lời, tôi kết thúc tánh mạng ông đó!
Vương Thắng Tiên thấy An Thiên Thọ mình cao tám thước, mặt tía, trên đầu có cục bướu thịt, bộ râu quai nón màu đồng, đầu đội mũ lông két, mình mặc áo chẽn bằng vải xanh, lưng thắt dây da, mang giày đầu ưng đế mỏng, dáng dấp của một vị Ban đầu. Vương Thắng Tiên tự cho mình là em của Tể tướng đương triều, đang có lợi thế ai mà dám đụng tới? Bèn nói:
- Ai dám cản ta hả? Ta cho chúng mày đi đứt hết!
Nào ngờ An Thiên Thọ chẳng cần biết hắn là ai, đã ra tay trước, tống ngay hắn một bạt tai xiểng niểng, tiếp bồi thêm ngay bụng hắn một đá. Vương Thắng Tiên la “a ôi” một tiếng, té ngửa ra sau rồi lật người lọt tõm xuống nước. Nước trong đại giang sâu hàng mấy trăm trượng, bọn gia nhân thủ hạ của Vương Thắng Tiên thấy vậy, nói:
- Tụi bay thật là mật lớn bằng trời! Ðại nhân nhà ta là Vương Thắng Tiên, em của Tần tướng đương triều, mà ai dám đá lọt xuống sông hử?
- Vương Thắng Tiên mà làm như thế hử? Ðá xuống sông làm mồi cho Vương Bát cho rồi! Trước khi hắn chết, cho thi thể tả tơi ra, coi dám kiện tới Hoàng đế không?
Vừa nói tới đó trước mặt có tiếng đồng la vang dội, một chiếc thuyền to đi đến, trên thuyền có một cỗ kiệu lớn, trên cờ đề Chánh đường phủ Trấn Giang. Người đến chính là Triệu Hàn Chương đại lão gia, Tri phủ tại địa phương này. Nhân vì Tế Ðiên mở thiện hội tại chùa Kim Sơn, Triệu đại lão gia phải đích thân đái lãnh ba ban Tráng Tạo Khoái đến chùa Kim Sơn để coi sóc mọi việc. Lão gia mới từ chùa Kim Sơn cáo từ, Tế Công thân đưa ra khỏi chùa và kề tai quan Tri phủ nói mấy câu, quan phủ gật đầu. Thuyền đến sông sắp sửa lên bờ thì thủ hạ gia nhân của Vương Thắng Tiên nhìn thấy, biết là quan Tri phủ Trấn Giang, liền đến kêu oan. Quan Tri phủ bảo đưa đến tra hỏi:
- Chuyện gì thế?
Gia nhân thưa:
- Ðại nhân nhà tôi là Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên, em của Tần tướng đương triều, bị bọn họ đá lọt xuống sông.
Vừa nói tới đó thì Vương Thắng Tiên hình như từ dưới sông có ai đem bỏ lên bờ. Các gia nhân nhìn thấy cũng ngạc nhiên. Vương Thắng Tiên uống hết hai hớp nước cũng không hề chi, giây lát tỉnh lại ngay. Mọi người đều rất hoang mang, không biết tại sao có chuyện lạ đó. Thực ra, Tế Ðiên mở thiện hội đã dặn trước Vạn Niên Vĩnh Thọ rồi. Hễ có thuyền đến dâng hương, không được để cho ai bị hại dưới sông. Tế Ðiên nói:
- Nếu ai bị hại dưới sông này, ta sẽ báo với Long Vương chém đầu ngươi đấy. Ngươi làm sao thì làm!
Vạn Niên Vĩnh Thọ vâng dạ, truyền dặn bọn con con cháu cháu thủ hạ, binh tôm tướng trạch tuần tra các nơi cho nghiêm ngặt. Hôm nay thấy Vương Thắng Tiên bị rớt xuống sông, Tiểu Vương Bát này dùng đầu nâng Vương Thắng Tiên để lên bờ. Vương Thắng Tiên tỉnh lại nhìn thấy Tri phủ Trấn Giang bèn nói:
- Tri phủ, ông đến đây hay quá! Ta muốn tìm ông đây.
Quan Tri phủ hỏi trước:
- An Thiên Thọ, bên đó tại làm sao thế?
An Thiên Thọ thưa:
- Hạ dịch là đương sai ở huyện Hải Triều, tiểu thơ nhà tôi lên chùa Kim Sơn dâng hương, đậu thuyền lại đây để mua trái cây cúng Phật. Cái ông nhà kia ngang nhiên muốn bước qua thuyền, nói rằng tiểu thơ nhà tôi xinh đẹp quá, ông ta muốn qua vui chơi. Cản ông ta lại, ông ta không nghe, nhất định muốn bước vào.
Quan Tri phủ mới day qua hỏi:
- Ngươi là ai?
Vương Thắng Tiên hý hửng đáp:
- Ta là Ðại lý tự chánh khanh Vương Thắng Tiên, em của Thừa tướng đương triều.
Tri phủ nạt:
- Mi ăn nói tầm ruồng! Vương đại nhân đâu có làm chuyện bậy bạ được? Rõ ràng là mi mạo nhận quan trưởng mà! Bây đâu, đè nó xuống đánh một trận cho ta!
Lập tức quan nhân đè Vương Thắng tiên xuống đánh 40 hèo, da rách thịt lòi, máu tuôn xối xả.*
Hồi Thứ 238
Hoa thái tuế ham vui bị ác báo
Ðộc Giác Giao đêm thăm Quỳ hoa trang
Sau khi ra lệnh đánh Vương Thắng Tiên xong, quan Tri phủ nói:
- Ðáng lẽ ta phạt ngươi nặng hơn nữa, nhưng thương tình ta thả ngươi ra. Lần sau không chịu an phận, gặp phải bản phủ, quyết sẽ trị tội nặng không tha.
Nói xong truyền An Thiên Thọ nhổ neo đưa tiểu thơ đi. Quan Tri phủ cũng ngồi kiệu về dinh. Vương Thắng Tiên đau đớn nghiến răng ken két, nghĩ lại không ngờ hôm nay mình bị khổ như thế này, tức giận đến nước mắt chảy ròng ròng, nói:
- Hay cho tên Tri phủ Trấn Giang! Ta không lấy được mạng ngươi, ta chưa báo được thù này của ta!
Nghĩ rằng mình không thể đến được chùa Kim Sơn, Vương Thắng Tiên ra lệnh nhổ neo quay thuyền về. Cách đó 40 dặm là Quỳnh Hoa trang, chính là nhà cũ của Tần Thừa tướng. Tần Thừa tướng có một đứa con trai tên là Tần Khôi biệt hiệu là Lam diện thiên vương, cũng là tay không kiêng điều ác, hay cướp đoạt thiếu phụ trưởng nữ nhà người. Vương Thắng Tiên nhớ lại, mình phải tìm thằng cháu này để thương lượng, tìm cách báo thù rửa hận mới được. Phần An Thiên Thọ cùng cô nương đến chùa Kim Sơn dâng hương. Hôm mở thiện hội, người đến dâng hương rất nhiều. Trước đây Tế Ðiên ra ngoài trị bịnh cứu người mà không nhận tạ lễ, họ coi như là nợ ơn Tế Ðiên, hôm nay thiện hội trùng tu chùa Kim Sơn lại là một việc thiện nên mọi người rủ nhau tới, cúng vào ít nhất cũng 100 hay 50 lượng bạc. Những người quen thân với Tế Ðiên đều có mặt đủ cả. Cúng rồi họ chưa chịu về còn hỏi Tế Ðiên:
- Tiền cúng vào có đủ chi dùng không? Nếu chưa đủ, chúng tôi cúng thêm cho đủ.
- Các vị đừng lo, giàu có dư dả mà.
An Thiên Thọ cùng tiểu thơ giao 500 lượng bạc cúng, đốt hương xong, ăn một bữa cơm chay rồi mới cáo từ. Khi ngồi thuyền trở về đi ngang qua Quỳ Hoa trang, bỗng nhiên có một trận quái phong thổi mù mịt, đối mặt không thấy nhau, cơ hồ muốn lật thuyền, khi trận gió đi qua, nhìn lại thấy a hoàn vú em đều bị giết, tiểu thơ bị điệu lên bờ. An Thiên Thọ trong lòng gấp quá:
- Ở đây chắc có giang tặc, tại sao chẳng thấy bóng dáng ai cả. Việc này phải làm sao đây? Trở về gặp lão gia phải nói như thế nào?
Có một vị lão gia, cũng là người ở lâu năm trong nhà họ Trương tên là Trương Phước, nói:
- An đô đầu không nên nóng vội, hãy hỏi thăm các vùng phụ cận xem sao? Nếu dò được thì thôi, còn dò hỏi không được thì chúng ta trở lại chùa Kim Sơn kiếm Tế Công nhờ lão nhân gia tìm tiểu thơ giùm ta. Nếu tìm không được tiểu thơ thì chúng ta không thể trở về nhà được nữa.
An Thiên Thọ không còn cách nào hơn là đậu thuyền lại, bỏ thuyền lên bờ. Ði theo bờ sông không xa thấy có một chiếc thuyền câu nhỏ, An Thiên Thọ hỏi:
- Bác lái thuyền ơi, xin hỏi, thôn trang phía trước mặt tên là gì thế?
- Tên là Quỳ Hoa trang.
- Người ở trong đó thường làm gì?
- Chú không phải là người ở làng này nên không biết cũng phải. Ðó là nhà của đại thiếu gia Tần Khôi, con của Tần Thừa tướng đương triều đấy.
An Thiên Thọ nghe nói trong lòng bắt rúng động, bèn hỏi:
- Vị Tần Khôi này thường là người tốt hay người xấu?
- Thôi đừng nhắc tới, đừng nhắc tới! Chú là người làng khác nên không biết. Ðể ta nói cho chú nghe: Vị công tử Tần Khôi này ở địa phương chúng tôi ỷ vào quyền thế hiếp đáp người, thường hay cướp đoạt thiếu phụ trưởng nữ nhà lành mà cả địa phương này không ai dám động tới.
An Thiên Thọ tự nói:
- Sao ta không vào thôn trang thám dọ thử xem? Việc này xảy ra thật là kỳ quái, khiến người khó lường!
Nói xong An Thiên Thọ đi ngay vào thôn trang thám dọ. Thấy phía trước đường có một cổng lớn hình chữ Bát, bên ngoài đặt mấy con ngựa đá, có bốn cây hòe Long trảo với mấy con lừa ngựa cột ở đó. An Thiên Thọ nhìn thấy độ chừng đây là phủ Thừa tướng nên có nhà cửa phòng xá rất nhiều. Phía Nam đường có một tòa quán nhỏ, treo cái bầu rượu, trên viết: “Nghe hương xuống ngựa”, “Biết vị ngừng xe”. An Thiên Thọ lớn bước đi thẳng vào, bên trong cũng không có mấy bàn rượu. An Thiên Thọ tìm một chiếc bàn ngồi xuống, phổ ky chạy lại hỏi:
- Ðại gia cần mấy bầu rượu?
- Ðem cho ta hai bầu rượu và hai đĩa đồ nhắm.
Phổ ky lau dọn bàn ghế, đem rượu và đồ nhắm ra. Bên ngoài trời cũng đã tối, trong nhà đã lên đèn. An Thiên Thọ lòng bứt rứt như bị dao đâm, uống rượu cũng không vô. Ðang lúc trong lòng buồn bực bỗng thấy bên ngoài có hai người bước vào đều khoảng 30 tuổi, mặc áo hoa tía, quần chẽn, mặt có bướu thịt vằn vện, dáng điệu rất hung ác. Hai người ăn nói huyên thuyên, lưỡi muốn ríu lại vì quá chén. Một người nói:
- Này nhị ca, trang chủ chúng ta chẳng nói sao? Mỗi người được thưởng hai lượng bạc mà sao không thấy thưởng?
Người kia nói:
- Trang chủ nói không chắc đâu, nói rồi quên rồi! Cũng có thể ngày mai sẽ thưởng, hôm nay chỉ cho uống rượu mừng mà thôi.
Chưởng quỹ ở kế bên hỏi:
- Trang chủ của các anh có việc gì mà vui thế?
- Hôm nay chú của trang chủ chúng tôi là Vương Thắng Tiên đến, nhắc lại việc lên chùa Kim Sơn dâng hương, chỉ vì một người đẹp mà bị quan Tri phủ Trấn Giang đánh cho 40 hèo, ông ta đến tìm trang chủ chúng tôi, phái người đi bắt cô nương ấy về, hôm nay kể như là ngày vui.
- Lão nhị, người kia nói, chú đừng nói nữa! Việc này không thể nói ra được.
- Không hề gì, ở địa phương này ai dám phá việc của trang chủ chúng mình chứ?
Nào ngờ An Thiên Thọ ở kế bên nghe rõ cả, bèn nghĩ thầm: “Bọn họ dùng yêu thuật tà pháp gì mà bắt tiểu thơ nhà ta kìa? Ta phải đến nhà họ thám dọ rồi sẽ tính”. Nghĩ rồi, trả tiền cơm rượu ra đi, vòng lên phía Tây bắc, ngoái nhìn bốn phía không có ai bèn phóng mình nhảy lên tường, thấy bên trong tối om om, không cả tiếng người nói, chó sủa. An Thiên Thọ đập tường vượt nóc như đi trên đất bằng. Thám tới dọ lui một hồi ra tiền sảnh. Viện này là bốn đại hợp phòng, Bắc thượng phòng năm gian, Nam thượng phòng năm gian, Ðông Tây phối phòng đều ba gian. Nơi Bắc thượng phòng có ánh đèn lấp lánh. An Thiên Thọ ở trong tối nhìn ra thấy bên trong ngồi ngay ghế trên ở giữa là một người mặt vàng, đầu đội khăn bốn góc, mình mặc đại hồng bào tay rộng cổ trắng, chính là Vương Thắng Tiên. Bên tay phải, một vị công tử có vẻ lãng đãng, chính là Phong nguyệt công tử Mã Minh, lại có một vị mặt lam, hai đạo chân mày đỏ lòm, một đôi mắt tròng vàng lấp lánh, lòi ra ngoài khuôn mặt, đầu đội khăn tiêu diêu bốn góc, thòng hai dãi thêu, mình mặc đại hồng bào tay rộng, người này chính là Lam diện thiên vương Tần Khôi. Bên dưới còn có một vị lão đạo sĩ đầu đội khăn đạo sĩ cửu lương bằng đoạn màu xanh, mình mặc đạo bào bằng màu lam với cổ áo màu xanh, vớ trắng vân hài, mặt như gừng vàng, mày rậm mắt to, râu quai nón bạc trắng. Mọi người đang cùng nhau uống rượu. An Thiên Thọ đứng rình hồi lâu, kế nghe lão đạo sĩ nói:
- Vương đại nhân, theo tôi thấy, hôm nay ngài đừng động phòng với cô ta vội, hãy bảo vú em khuyên giải từ từ, để cô ấy ưng thuận mới tốt. Hơn nữa, việc này phải làm cho kín đáo, đừng để tiết lộ ra ngoài. Theo tôi nghĩ bọn họ thế nào cũng đi tìm kiếm Tế Ðiên. Gạt ai được chớ gạt Tế Ðiên không được đâu! Ðại khái họ không để yên vụ này đâu. Nhưng tôi cũng không sợ Tế Ðiên, chắc gì ông ta là đối thủ của sơn nhân. Chỉ sợ việc này đồn tùm lum ra mình khó giải quyết thôi. Trên thuyền của họ có một người có tài nghệ, nếu hắn đến đây dọ thám thì càng hay, tôi sẽ bắt hắn, trảm thảo trừ căn luôn.
Vương Thắng Tiên nói;
- Tế Ðiên có đến cũng hề chi! Ông ấy phải nói chuyện tử tế thôi. Ông ta là thế tăng của anh ta, đáng lẽ ông ta không nên xen vào chuyện của ta mà giúp đỡ người ngoài mới phải? Còn ông ấy không biết điều ư? Ðạo gia cứ bắt ông ấy lại giết quách đi, có chuyện gì ta sẽ gánh hết! Chỉ đáng giận là tên Triệu Hàng Chương, Tri phủ Trấn Giang, hắn dám sai người đánh ta 40 hèo, thù này không trả không được!
An Thiên Thọ trong tối nghe rõ hết, tự nghĩ thầm: “Mình cần phải giải cứu cho tiểu thơ nhà ta trước, thảng như tiểu thơ có điều gì thất thố, mình còn mặt mũi nào gặp lão gia nữa?”. Nghĩ rồi dùng thuật phi thiềm tẩu bích nhảy lên nóc nhà tìm kiếm khắp nơi. Tìm đến nhà chái phía Ðông, viện này Bắc thượng phòng ba gian, Nam phòng ba gian, Ðông Tây phối phòng đều ba gian. Gian phía Ðông của Bắc thượng phòng có ánh đèn sáng trưng, bóng người lay động. An Thiên Thọ nhảy xuống thấm nước miếng soi lỗ nhìn qua cửa sổ. Trong nhà sát vách tường trong kê một chiếc giường, phía trước có mấy cái ghế. Người ngồi trên giường chính là tiểu thơ Kim Nương. Dưới đất có bốn người vú em đều trên 30 tuổi, người nào cũng miệng lưỡi lanh lợi. Một người nói:
- Cô nương ơi, thôi đừng khóc nữa, cũng đừng nghĩ quẩn lôi thôi! Cô đã tới đây rồi, muốn đi cũng không được đâu! Ðây không phải là địa ngục mà kể như cô nương đã đến thiên đường đấy. Cô chỉ cần thuận theo ý đại nhân chúng tôi thì hưởng phú quý vinh hoa bất tận, nhất hô bá ứng ngay thôi. Còn cô không chịu nghe theo, chọc đại nhân chúng tôi giận, ngài sẽ lất dây trói cô lại đánh đòn, không đánh chết ngay đâu, đánh đến chừng nào cô chịu nghe theo ý ngài, ngài mới không đánh nữa. Chừng đó cô ăn năn thì đã muộn rồi.
Người vú em ấy nói xong, người kia lại tiếp tục:
- Cô nương đừng khóc nữa, tôi nói cho cô biết, trai lớn phải lấy vợ, gái lớn phải lấy chồng, sớm muộn gì cô cũng lấy chồng thôi, mà có chắc là lấy ai đâu, không biết chừng lại khổ vì chồng con cũng có. Cỏn như đại nhân của chúng tôi là em của Thừa tướng đương triều, đương giữ chức Ðại lý tự chánh khanh, cô ưng ngài sẽ làm phu nhân ngay. Ðàn bà con gái ai mà không nghĩ đến cái ăn cái mặc, được người chồng như vậy, tìm chũng không chắc được thì cô khóc làm gì? Thôi, nghe lời tôi, cô rửa mặt chải tóc trang điểm, thay đổi xiêm y, làm vừa lòng đại nhân đi thì muốn một có mười ngay.
Người này nói xong, người khác nói tiếp, đều là giọng lanh lợi. An Thiên Thọ bên ngoài nghe thấy, tức giận tràn hông, muốn vào giết quách họ cho rồi, nhưng lại sợ kinh động tiểu thơ. Chi bằng kêu họ ra giết êm hơn. Nghĩ rồi bèn nói:
- Các chị ra đây! Trang chủ kêu tôi đến hỏi, các chị khuyên dỗ thế nào rồi?
Các vú em hỏi:
- Ai đó?
- Tôi, An Thiên Thọ đáp.
Nói xong từ bên trong bước ra hai vú em, bị An Thiên Thọ mỗi người một dao chết tốt. Hai người vú em bên trong nghe tiếng lụi đụi, hỏi
- Chị Vương, chị làm sao té thế?
An Thiên Thọ nói:
- Các chị ra mà xem!
Hai người này bước ra cũng bị An Thiên Thọ giết nốt.
An Thiên Thọ bước vào phòng cứu tiểu thơ, nhưng nhìn lại tung tích tiểu thơ đâu không thấy. An Thiên Thọ sợ hết cả hồn vía.*
Hồi Thứ 239
Nhân cứu tiểu thơ, bị giặc bắt
Ðể dọa tặc nhân, giả quỷ thần
An Thiên Thọ giết bốn người vú em xong, bước vào trong định cứu tiểu thơ, ngờ đâu tiểu thơ không thấy tung tích đâu cả. Còn đứng ngơ ngẩn vì ngạc nhiên thì bên ngoài có tiếng hô:
- Bắt giặc!
Vương Thắng Tiên từ khi bị quan Tri phủ Trấn Giang đánh 40 hèo rồi ông ta mới đi kiếm Tần Khôi, bèn cùng Phong nguyệt công tử Mã Minh dẫn bọn gia nhân đến gọi cổng. Gia nhân vào trong thông báo, Tần Khôi nghe có chú mình đến lật đật bước ra nghinh tiếp. Tần Khôi ra cổng hành lễ chú xong, Vương Thắng Tiên mới giới thiệu Phong nguyệt công tử Mã Minh. Vào đến bên trong, Vương Thắng Tiên ngước đầu nhìn thấy vị lão đạo sĩ đang ngồi sẵn ở sảnh đường, bèn hỏi:
- Hiền điệt, vị đạo gia này là ai vậy?
- Ðây là Hỗn Thiên lão tổ, sư phó tôi dạy tôi luyện Kim chung chạo và Thiết bối san. Vị lão đạo sĩ này biết yêu thuật. Ông ta còn biết phối hợp các thứ thuốc thoa vào kim sang đâm không ngã, mỹ nữ tự thoát y nữa.
Tần Khôi dù thích luyện tập, nhưng hắn là phường tửu sắc, cho nên cần lão đạo sĩ kính như thượng khách. Gặp Vương Thắng Tiên, Tần Khôi liền giới thiệu ngay:
- Ðây là sư phó của tôi, lão nhân gia rành việc hô phong hoán vũ, sái đậu thành binh, dời núi lấp biển, biến hóa ngũ hành, rõ năm trăm trước, rành năm trăm năm sau, rành cả toán thuật, khéo biết việc quá khứ vị lai.
- Thế à! Vương Thắng Tiên nói.
- Thúc thúc, hôm nay từ đâu đến thế?
- Thôi, đừng nhắc tới nữa! Ta vốn có ý lên chùa Kim Sơn dự thiện hội. Ðang đi trên sông bỗng gặp một nàng con gái thật đẹp, ngồi trên thuyền cắm cờ Chánh đường huyện Hải Triều. Ta muốn đi qua thuyền của cô ta, không ngờ bị thủ hạ cô ta là người có tài, đá ta lọt xuống sông. May mắn mạng ta còn dài, cũng không biết tại sao mà lên được. Gặp Tri phủ Trấn Giang là Triệu Hàn Chương đi tới, ta nói tên họ ta cho hắn biết, hắn không tin lại còn đánh ta 40 hèo nữa. Ta đau đớn thở chẳng ra hơi mà người đẹp không rờ tới được. Người đẹp này, ta thiệt yêu không rứt được! Ta đến tìm cháu giúp ta một ý kiến xem sao.
Hỗn Thiên lão tổ ở kế bên cười hà hà, nói:
- Chuyện đó dễ ợt thôi! Ðại nhân muốn bắt người đẹp rất dễ, để tôi thi triển pháp thuật bắt cô ta về ngay, chẳng phải phí chút sức nào.
Vương Thắng Tiên nghe vậy vui mừng quá sức, nói:
- Tổ sư gia nếu bắt được cô ấy về cho ta, ta chắc chắn sẽ trọng thưởng.
- Ðã như thế thì đại nhân hãy chờ đi, tôi đi sẽ được ngay.
Lão đạo sĩ đi ra khỏi Quỳ Hoa trang, chờ đợi ở cửa sông. Không bao lâu, chiếc thuyền của huyện Hải Triều đi đến. Lão đạo sĩ miệng niệm chú lâm râm, lập tức một trận cuồng phong nổi dậy. Lão đạo sĩ lên thuyền giết chết a hoàn vú em và xáng một chưởng vào thiên linh cái của tiểu thơ, tức thì tiểu thơ cảm thấy mơ mơ hồ hồ. Lão đạo sĩ thi triển pháp thuật mang tiểu thơ đi trong trận cuồng phong đó, trở về giao cho vú em, bảo họ đốt một đạo bùa rưới lên mặt, chờ cho tiểu thơ định tỉnh lại rồi từ từ khuyên giải. Lão đạo sĩ về đến đại sảnh, nói:
- Vương đại nhân, sơn nhân ta đã đem người đẹp về cho ngài rồi đấy.
Vương Thắng Tiên nói muôn lời cảm tạ. Tiệc rượu dọn lên ở đại sảnh, mọi người đều ăn uống vui vẻ. Theo ý lão đạo sĩ, hôm nay Vương Thắng Tiên không nên động phòng với tiểu thơ. Vương Thắng Tiên uống rượu say rồi lại muốn vào động phòng. Nếu như cô ta không chịu nghe theo, hôm nay ta sẽ cho người trói cô ta lại, cũng không kể là cô ta có chịu nghe lời hay không. Lão đạo sĩ nói:
- Vương đại nhân, hôm nay muốn vào động phòng, nếu cô không ưng thuận, tôi đưa đại nhân một viên thuốc cho cô ta uống vào, bảo đảo là cô ta sẽ tình nguyện hiến dâng thôi.
Vương Thắng Tiên vui như mở cờ trong bụng, lật đật kêu gia nhân đi xuống trước hỏi vú em xem khuyên giải như thế nào, nàng ta có đáp ứng hay không. Gia nhân vào trong viện dự định kêu thì thấy bốn vú em bị giết nằm trên đất. Gia nhân vội chạy vào trong đại sảnh nói lớn:
- Không xong rồi! Bốn người vú em trong viện đều bị giết hết. Có một người dang tiến vào trong viện.
Tần Khôi nghe nói liền hô:
- Mau lên hai vị hộ viện đi bắt giặc, đừng để nó chạy thoát.
Trong nhà này có hai người hộ viện nguyên là hai tên giặc ở lộ Tây Xuyên. Một người tên là Kê minh quỷ Toàn ÐắcLượng, một người tên là Tháo nguyệt bằng Trình Trí Viễn. Nghe gia nhân báo, hai người đều cắp binh khí đến kêu gióng thanh la nhóm chúng rồi kéo thẳng đến chái nhà Ðông. An Thiên Thọ giết bốn vú em xong, bước vào nhà tìm tiểu thơ không thấy, tìm một hồi lâu mới trở ra ngoài. Toàn Ðắc Lượng hô lên:
- Hay cho tên giặc, coi mi chạy đi đâu?
An Thiên Thọ nhìn lại thấy Toàn Ðắc Lượng đầu đội khăn tráng sĩ sáu múi màu thúy lam, bên trên có gắn sáu miếng kiếng nhỏ, mình mặc tiễn tụ bào màu lam, lưng buộc dây loan đái, mặc quần chẽn, mang giày đề mỏng, mặt như gừng già, hai đạo chân mày ngắn trên đôi mắt ba góc, chiếc mũi chim ưng nằm giữa hai má xương xẩu, tay cầm một cây hoa thương. Ðứng sau là một người đội khăn tráng sĩ bằng đoạn màu tía, mình mặc tiễn tụ bào cùng màu, mang giày đế mỏng, tay cầm một khẩu cương đao, gương mặt màu tía đầy những nốt đỏ, mày hung mắt ác, những mụn thịt mọc đầy. An Thiên Thọ tìm không thấy tiểu thơ lòng gấp như lửa đốt, thuận tay rút dao ra, nói:
- Bớ bọn giặc, tụi bây thi triển yêu thuật tà pháp gì cướp mất tiểu thơ nhà ta thế? Hôm nay An đại thái gia sẽ cho tụi bây từng nhát phân thây, từng kiếm chém nát hết.
Toàn Ðắc Lượng bước lên huơi thương nhắm ngay tết hầu An Thiên Thọ điểm tới. An Thiên Thọ đưa dao ra đón đỡ, tên giặc quày thương lại nhắm ngay ngực đối phương điểm tới. Thương này có ba hoa chín móc, múa lên móc rung động như kim kê gật đầu lia lịa. An Thiên Thọ đao pháp thuần thục, môn hộ tinh thông, trả đòn nhanh chóng. Trình Trí Viễn xách dao nhảy vào đánh tiếp. Bọn thủ hạ ác nô đều cầm đèn cầu lửa sáng rực đứng bên ngoài hò hét. An thiên Thọ nhìn thấy họ người nhiều thế đông, dự định rút chạy, nào ngờ Tần Khôi và lão đạo sĩ cũng kéo đến. Thấy Toàn Ðắc Lượng và Trình Trí Viễn đánh lâu mà không bắt được An Thiên Thọ, lão đạo sĩ nói:
- Hai vị tránh ra đi! Cái tên tiểu bối này thiệt là: Thiên Ðường có nẻo không tìm tới, địa ngục kín bưng cứ lủi vào! Ðể sơn nhân bắt nó cho.
Bọn Toàn Ðắc Lượng đứng tránh một bên, lão đạo sĩ miệng niệm chú lâm râm, hô “Sắc lịnh”, rồi dùng tay chỉ một cái, trồng cứng Thiên Thọ lại. Trình Trí Viễn rút dao định chém, lão đạo sĩ nói:
- Ðừng giết! Trói nó lại đem ra phía trước hỏi trakỹ càng xem sao.
Gia nhân lập tức trói An Thiên Thọ lại, khiêng ra trước đại sảnh. Vương Thắng Tiên, Tần Khôi, Mã Minh cùng lão đạo sĩ ngồi ở bên trên. Lão đạo sĩ hỏi:
- Mi họ gì, tên gì? Ðến đây làm chi? Mau khai thiệt ra!
An Thiên Thọ trợn mắt nói:
- Ðại thái gia nhà ngươi đi không đổi tên, ở không đổi họ. Ta họ An, kêu là Thiên Thọ, trác hiệu là Ðộc giác giao, là Tam ban Ðô đầu của huyện Hải Triều. Cũng bởi tụi bây làm quá nhiều tội lỗi, thi triển yêu thuật tà pháp cướp đi tiểu thơ nhà ta. Ta vâng lịnh đường dụ lão gia chúng ta đến trước tìm kiếm tiểu thơ. Ðại thái gia đã bị bọn ngươi bắt rồi, muốn giết mổ gì ta thì cứ làm đi!
Tần Khôi nói với lão đạo sĩ:
- Tổ sư gia cần gì phải hỏi cho kỹ, cứ đem hắn giết quách là xong.
Ðang nói tới đó thì bỗng nghe từ nhà sau có tiếng thanh la cheng cheng nổi lên. Tần Khôi nghe thấy rất ngạc nhiên, vì mỗi khi trong nhà có việc khẩn cấp mới đánh thanh la lên. Còn đang ngạc nhiên thì có vú em đã chạy đến đại sảnh, hoảng hoảng hốt hốt nói:
- Trang chủ ơi, không xong rồi! Ðằng nhà sau có quỷ lộng, mợ cả, mợ hai sợ đến ngất đi cả. Trang chủ mau vào mà xem!
Tần khôi nói:
- Cái này lạ thiệt! Chúng ta cùng đi xem thử.
Toàn Ðắc Lượng, Trình Trí Viễn nói:
- Ðây chắc là người lục lâm giả thần giả quỷ mà!
Tần Khôi liền cắt hai tên gia nhân ở lại canh giữ An Thiên thọ, rồi cùng Vương Thắng Tiên, Phong nguyệt công tử Mã Minh, lão đạo Hỗn Thiên lão tổ dẫn Kê minh quỷ Toàn Ðắc Lượng, Tháo nguyệt bằng Trình Trí Viễn đi thẳng vào nhà trong. Tần khôi vừa đến nhà trong xem thấy các nàng hầu đều chết ngất, bất tỉnh nhân sự. Tần Khôi kêu mấy người vú em lớn mật đỡ mợ cả mợ hai dậy, rồi từ từ kêu tỉnh. Phải một lúc lâu họ mới mở mắt. Lão đạo sĩ đưa cho Tần khôi mấy viên thuốc định thần bảo hòa với nước âm dương cho họ uống. Sau khi họ định thần rồi, Tần khôi hỏi:
- Các vị nương, chuyện gì xẩy ra đến nỗi chết ngất hết cả vậy?
Mọ cả mới nói:
- Chúng tôi đang cùng vú em a hoàn nói chuyện phiếm dưới đèn, chờ công tử vào nghỉ ngơi. Bỗng từ bên ngoài tiến vào một con quỷ to lớn, mình cao hơn một trượng, mặt mày vằn vện, chiếc đầu to tổ bố, nhảy vồ chúng tôi. Sợ quá bọn tôi ngát đi cả. Cũng không biết con quỷ đã đi đâu?
Tần Khôi nghe thuật lại, tức giận la hét om sòm:
- Hay cho con quỷ! Cả gan dám đến đây phá nhà ta. Tụi bây đổ xô đi tìm nó thử xem. Tìm được nó ta bằm nó ra làm trăm mảnh.
Các gia nhân đốt đèn lên chia nhau đi tìm kiếm. Ðằng trước, đằng sau, nhà giữa, lục soát cùng khắp mà không tìm thấy tung tích của quỷ đâu cả. Họ mới trở lại nhà sau, thưa:
- Thưa trang chủ, chúng tôi đã tìm khắp nơi mà không thấy quỷ đâu cả!
Kê minh quỷ Toàn Ðắc Lượng, Tháo nguyệt bằng Trình Trí Viễn vốn là người lục lâm, làm gì qua mắt được họ? Hai người này ở trong lục lâm việc gì cũng có làm qua, ngồi trong lu giả rồng, thoa lọ nghẹ giả ông táo, họ đều biết cả. Trình Trí Viễn nói:
- Thưa trang chủ, tại ngài không biết. Ðây quyết không phải quỷ đâu, chắc là dư đảng của An Thiên Thọ đấy.
Tần Khôi nói:
- Ta cũng biết chớ! Giữa ban ngày ban mặt làm gì có quỷ chớ? Ðây là kẻ vô danh tiểu tốt nào giả thần giả quỷ đây mà! Nếu là bạn tốt trhì đừng có chạy đi. Ðồ quỷ chó ở đâu đến làm kinh sợ ái thiếp của ta.
Tần Khôi ở trong viện cất tiếng chửi đổng, nào ngờ người anh hùng hiệp nghĩa đâu để cho người mắng chửi được. Bỗng nghe trên nóc nhà có tiếng rền vang đáp lại:
- Thằng tù này! Mi đừng mắng chửi nữa có được không? Ðại thái gia đây đâu phải là quỷ, tại vì thấy tụi bây làm quá nhiều điều ác, vô cớ cướp giựt phụ nữ nhà lành. Ðại thái gia là kẻ anh hùng hiệp nghĩa chuyên giết thổ hào ác bá, tặc quan nịnh đảng, cứu giúp nghĩa phu tiết phụ, hiếu tử hiền tôn. Hôm nay đặc biệt đến đây kết thức tánh mạng tụi bây đây!
Kê minh quỷ Toàn Ðắc Lượng, Tháo nguyệt bằng Trình Trí Viễn nói:
- Mi giỏi thì xuống đây!
Ngay lúc đó từ trên nóc nhà nhảy xuống hai vị đại anh hùng kinh thiên động địa.*
Hồi Thứ 240
Lôi, Trần vâng lệnh cứu người hiền
Tế Công xong việc về Tịnh Từ
Lam diện thiên vương cất tiếng chửi đổng, trên nóc nhà có tiếng đáp lại và nhảy xuống hai người, một người đầu đội khăn tráng sĩ màu tía, tiễn tụ bào cùng màu, lưng buộc dây loan đái, mặc quần chẽn, đi giầy đế mỏng, mặt như thoa chàm, tóc tợ chu sa, lông đỏ áp tai. Còn một người mặc áo thúy lam, dáng điệu tráng sĩ, mặt trắng đẹp đẽ khác người, đều cầm cương đao. Hai người này không phải ai khác mà là Phong lý vân yên Lôi Minh và Thánh thủ bạch viên Trần Lượng. Hai người này từ khi được giải oan vụ án ở kinh đô, cùng Mã Diêu Hùng, Tần Nguyên Lượng ai về nhà nấy. Lôi Minh và Trần Lượng đóng cửa ở trong nhà, không chịu đi ra cửa, đoạn tuyệt với lục lâm. Mấy hôm trước tiếp được thiếp mời của Tế Công mở thiện hội ở chùa Kim Sơn, hai người không thể không đi, bèn chuẩn bị mang theo 200 lượng bạc tiền hương đèn, đến chùa Kim Sơn đón tiếp thí chủ giúp đỡ Tế Công. Tế Ðiên kêu Lôi Minh, Trần Lượng tới một bên, nói:
- Hai con làm giúp ta việc này.
Lôi Minh, Trần Lượng hỏi:
- Sư phó có điều chi dạy bảo?
- Hai con không cần ở đây giúp đỡ ta làm chi. Hai con hãy mau đến Quỳ Hoa trang đi. Hiện tại Tần Khôi là con của Tần tướng bắt Trương Kim Nương, em gái của quan huyện Hải Triều rồi. Có Tam ban đô đầu là An Thiên Thọ đi cứu tiểu thơ của anh ta. Hai con đi giúp đỡ cứu tiểu thơ ấy ra khỏi đầm rồng hang hổ, chỉ nên cứu người thôi. Ngàn muôn lần chớ vây vào bọn Tần Khôi ấy. Ở đó có một lão đạo sĩ, hai con không phải là đối thủ của ông ta, ngàn muôn lần chớ nên cùng ông ta giao chiến. Thảng như hai con bị tai họa đó, ta ở đây bận rộn lắm không thể cứu hai con được.
Lôi Minh, Trần Lượng gật đầu cùng bước ra khỏi chùa Kim Sơn, ngồi thuyền đến Quỳ Hoa trang thì sắc trời đã tối. Hai người lên bờ thi triển thuật phi thiềm tẩu bích, đến nhà Tần Khôi để dò xét. Ở đại sảnh, mọi người đang ăn uống nói cười, Lôi Minh, Trần Lượng đều thấy rõ cả. Hai người đi các nơi tìm kiếm tiểu thơ, tìm đến Bắc thượng phòng ở viện chái phía Ðông, trong phòng các vú em khuyên dỗ cô nương. Lôi Minh, Trần Lượng nằm trên mái nhà nhìn xuống thấy An Thiên Thọ đang sử dụng kế điệu hổ ly sơn kêu vú em ra ngoài rồi giết chết bốn người ấy đi. Lôi Minh, Trần Lượng dự tính nhảy xuống cứu tiểu thơ, nhưng nghĩ lại: “Nam nữ thọ thọ bất thân! Người ta là gái chưa chồng làm sao đụng chạm được?”.
Hai người còn đang trù trừ thì thấy An Thiên Thọ tiến vào phòng “a “ lên một tiếng, kêu:
- Tiểu thơ đâu rồi?
Lôi Minh, Trần Lượng nghĩ thầm: “Ai vậy kìa? Ði trước mình một bước thế?”. Hai người lật đật đuổi theo. Ðuổi ra khỏi gia trang cũng không thấy đâu. Bỗng nghe trong trang có tiếng hò hét om sòm, hai người quay trở lại thấy An Thiên Thọ đang đánh nhau với Toàn Ðắc Lượng và Trình Trí Viễn. Giây lát sau thấy An Thiên Thọ bị lão đạo sĩ bắt. Lôi Minh muốn nhảy xuống cứu, Trần Lượng nói:
- Nhị ca đừng có lỗ mãng. Sư phó dặn chúng ta không nên động thủ vì chẳng phải là đối thủ của lão đạo sĩ. Chúng ta đừng nên đâm đầu vào đinh mà mang họa.
Trần Lượng níu Lôi Minh lại. Thấy họ khiêng An Thiên Thọ lên đại sảnh, Lôi Minh nói:
- Nếu không cứu hắn chắc hắn chết về tay ác bá quá. Chúng ta dùng kế diệu hổ ly sơn cứu hắn mới được.
Nói xong đi vào nội trạch, lấy mặt nạ mang vào, nhát các nàng hầu đều sợ ngất đi hết. Hai người ở trên nóc nhà nhìn thấy vú em chạy ra phía trước đưa tin, giây lát Tần Khôi và bọn lão đạo sĩ đều có mặt ở nhà trong. Lôi Minh, Trần Lượng vội ra phía trước cứu An Thiên Thọ. Ðến chừng ra trước đại sảnh nhìn lại thấy hai tên gia nhânđã bị người giết rồi mà An Thiên Thọ không thấy ở đó nữa. Lôi Minh còn đương ngạc nhiên thì Trần Lượng nói:
- Thôi rồi! Thiệt là: Ðêm ngủ sáng mới thức. Trên đường lại có người đi sớm!
Hai người ngạc nhiên giây lát rồi ra nhà sau thám dọ. Nghe Tần Khôi chửi đổng, Lôi Minh tức quá, mở miệng đáp ngay và nhảy xuống đất. Trần Lượng cản không được, cũng nhảy xuống theo. Kê minh quỷ Toàn Ðắc Lượng bước tới nhắm ngay Lôi Minh đâm một thương. Lôi Minh vội rút dao đón trả. Trình Trí Viễn khoa dao nhắm ngay đầu Trần Lượng chém tới. Trần Lượng với con dao trong tay sử dụng thức “Ðáy bể mò trăng” bước tới đón đỡ. Kẻ địch nhắm ngay tim xả tới. Trần Lượng né mình dùng dao gạt qua. Hai bên đánh nhau năm sáu hiệp. Lôi Minh, Trần Lượng võ nghệ xuất chúng, bản lĩnh cao cường, đao pháp thuần thục. Toàn Ðắc Lượng và Trình Trí Viễn không phải là đối thủ của hai người, có bao nhiêu chiêu số đều giở ra hết nhưng không làm gì được đối phương, cuối cùng chỉ có nước chống đỡ. Lão đạo sĩ Hỗn Nguyên lão tổ miệng niệm “Vô lượng Phật”, nói:
- Bọn tiểu bối này thiên đường có nẻo không chịu đến, địa ngục kín bưng cứ lủi vào. Thiệt là bướm đâm vào đèn, tự tìm chỗ chết mà! Ðể sơn nhân kết thúc tánh mạng tụi bây cho rồi.
Nói rồi lấy tay chỉ một cái, miệng hô “Sắc lịnh!”, dùng định thân pháp trồng cứng Lôi Minh, Trần Lượng lại. Tần Khôi hét gia nhân trói lại và khiêng ra phía trước đại sảnh . Ra tới đại sảnh thấy hai tên gia nhân bị giết, mà An Thiên Thọ đâu mất tiêu, Tần Khôi nổi giận quá mặt mày xám xanh, bèn hỏi:
- Hai tên kia họ gì, tên gì? Tại sao đến quấy rối trong nhà ta?
Lôi Minh nói:
- Ðại thái gia đi không đổi tên, ở không đổi họ. Ta tên là Lôi Minh, người ta gọi Phong lý vân yên đây; còn người này là Thánh thủ bạch viên Trần Lượng. Hai chúng ta từ chùa Kim Sơn vâng lệnh sư phó chúng ta là Tế Công trưởng lão đến đây trước. Nhân vì bọn bây cướp đoạt tiểu thơ đi dâng hương nên bọn ta đến đây để cứu người.
Tần Khôi nghe nói, nghĩ thầm: “Tế Công là thế tăng của cha ta. Việc này nếu lọt ra ngoài, phanh phui ra là ta đi cướp đoạt con gái nhà lành, bị cha ta biết được sẽ không dung thứ cho ta. Nếu không đưa hai người này tới quan thì tính làm sao ổn với sáu nhân mạng trong nhà này đây?”.
Nghĩ xong, Tần Khôi nói:
- Tế Công sai hai người tới đây à? Ta với Tế Ðiên ngày xưa không có oán, gần đây không thù. Các vú em gia nhân có phải bọn ngươi giết không?
Lôi Minh nói:
- Nếu ngươi hỏi ai giết họ, thật bọn ta không biết.
Tần Khôi nói:
- Ðại khái hỏi tụi bây điều gì, tụi bây cũng hkông chịu nói thiệt! Bây đâu, trói rút ngược hai tên này lại, đánh nó cho ta.
Bọn gia nhân thủ hạ dạ ran. Sắp sửa đánh Lôi Minh và Trần Lượng, bỗng nghe ở nhà sau nhốn nháo cả lên. Gia nhân la to:
- Không xong rồi, nhà sau phát hỏa!
Bọn Tần Khôi nghe báo, sợ mất cả vía! Mọi người lật đật đổ ra nhà sau. May mắn bọn gia nhân nhiều, dập tắt kịp thời. Tần Khôi tức giận la hét om sòm. Trở về nhà trước xem lại thì Lôi Minh, Trần Lượng đâu không thấy mà trời đã sáng rõ rồi. Tần Khôi nói:
- Tụi bây đi tìm kiếm kẻ đốt nhà cho ta!
Mọi người đuổi theo ra khỏi viện, kéo về phía đầu thôn. Vừa đến đầu thôn thì thấy từ đầu kia Tế Ðiên dẫn 20 vị Ban đầu của phủ Trấn Giang đến. Phong nguyệt công tử thấy bộ không xong bèn dẫn kẻ tùng nhân của mình lẩn trước. Lão đạo sĩ thấy Tế Ðiên, mặt đỏ hồng. Thực ra vị lão đạo sĩ này chính là phe giặc ở Từ Vân quán bị lọt lướt. Ông talà Hữu điện chân nhân Lý Hoa Sơn, trước đây chạy trốn ra khỏi Tàng Trân Ổ, mỗi người chạy một nơi, ông ta chạy đến đây nương náu với Tần Khôi, tự xưng là Hỗn Thiên lão tổ. Lẽ ra ông ta phải ăn năn sửa đổi, nhưng mà ác cũ không chừa nên hôm nay mới gặp quả báo như vậy. Nguyên hôm qua Tế Ðiên mắc bận rước các thí chủ đến dự cúng thiện hội không thể phân thân được, thâu vào bẩy tám muôn lượng bạc. Sáng sớm hôm sau dẫn 20 vị Ban đầu tại địa phương đặc biệt đến đây bắt lão đạo sĩ. Lão đạo sĩ định chạy trốn mà làm sao trốn được? Bị Tế Ðiên lấy tay chỉ một cái, miệng niệm “Án ma ni bát mê hồng!”, lão đạo sỉ không cục cựa được. Tế Ðiên bảo các quan nhân trói ông ta lại. Tần Khôi thấy không xong vội chạy trước về nhà, đóng cửa chẳng ra. Vương Thắng Tiên vừa gấp vừa sợ, trốn chạy về nhà bị bệnh nằm liệt không dậy nổi, nhắm mắt lại thấy vô số oan quỷ kéo đến trước giường đòi mạng. Bệnh kéo dài hơn một tháng rồi chết luôn. Ở thành Lâm An ai cũng mắng nhiếc hắn cho là chết đáng đời. Ðó cũng là ác báo của một đời làm bậy của hắn. Bình thời hắn giết trai cướp gái, hiếp đáp người lương thiện, hôm nay phải chết như vậy cũng là ác báo nhãn tiền. Về phần Tế Ðiên bắt được yêu đạo và thấy Tần Khôi chạy trốn cũng không đuổi theo. Bỗng từ phía Nam có mấy người đi lại, trong đó có An Thiên Thọ, Lôi Minh và Trần Lượng. An Thiên Thọ ở đâu đi lại thế? Và được ai cứu? An Thiên Thọ bị bắt trói lại đem bỏ ở sảnh đường, Tần Khôi và bọn giặc, yêu đạo muốn giết đi, Lôi Minh, Trần Lượng sử dụng kế diệu hổ ly sơn giả quỷ ở nhà sau. Bọn Trần Khôi chạy ra sau xem thử, thì từ trên nóc nhà nhảy xuống một vị anh hùng, mình mặc áo dạ hành, mặt như bạch ngọc, da tực dồi phấn, mày dài mắt to, mũi thẳng môi son, độ ngoài 20 tuổi, tuấn phẩm hơn người, tay cầm cương đao. Người này cởi trói cho An Thiên Thọ trước, nói:
- Bạn ơi, hãy theo tôi. Tôi đến cứu bạn đây.
Nói rồi phi thân lên nóc nhà. An Thiên Thọ nói:
- Ân công khoan đi đã! Tôi còn phải đi cứu tiểu thơ nữa.
- Anh đừng lo, tôi đã cứu tiểu thơ lên thuyền rồi. Chúng ta ra bên ngoài trước đi. Anh hãy ở đây đợi tôi, tôi lộn lại Quỳ Hoa trang xem ai dùng kế diệu hổ ly sơn đó!
Hai người đi ra tới bên ngoài, người ấy nói:
- An đô đầu, anh hãy đợi tôi nhé!
Nói rồi người ấy phi thân vào trong trang, nhằm lúc Lôi Minh, Trần Lượng bị bắt. Người này qua bên Tây viện phóng hỏa, lửa cháy rần rần. Bọn Tần Khôi lật đật chạy đi cứu hỏa. Thừa cơ hội đó, người ấy cứu Lôi Minh, Trần Lượng ra luôn. Ra đến bên ngoài, gặp An Thiên Thọ ở một chỗ. An Thiên Thọ nói:
- Huỳnh đài đã cứu tánh mạng của tôi, chưa được lãnh giáo quý tanh phương danh của huynh đài là gì? Người thuộc địa phương nào?
Lôi Minh, Trần Lượng cũng bước tới hỏi thăm tên họ. Người ấy nói:
- Tôi họ Bành, tên Hằng, là người ở Bành Gia Tập tại Hắc Giang Sơn nơi Giang Bắc. Người trên giang hồ gọi tôi là Bát tí bàn phi hành thái bảo cửu kiệt Bành Hằng. Tôi đi tìm thăm sư phụ tôi là Tiết Ðức Phương, đi ngang qua đây nghe người ta đồn Quỳ Hoa trang hiểm ác vô cùng, không ai dám đụng đến, do đó trang chủ hiếp đáp người lành, không việc ác nào từ nan. Tôi muốn kết thúc tánh mạng bọn dâm ác chuyên môn khuấy phá nhà người, không dè tới đây gặp lúc An đô đẩu đang tìm cách cứu cô nương ở đó. Thấy vậy động lòng trắc ẩn, tôi cứu cô nương ra trước. Tôi không để ý đến tị hiềm, cõng tiểu thơ ra trước bên ngoài, hỏi ra mới biết là Trương tiểu thơ bèn đưa về thuyền luôn. Kế đó vào nhà họ Tần, định giết cả gia quyến họ, không ngờ đến đó thấy An đô đầu bị bắt, Lôi Minh và Trần Lượng hai vị dùng kế diệu hổ ly sơn, tôi bèn cứu An đô đầu ra. Lại vào trong xem, thấy hai vị Lôi Trần bị bắt, tôi đốt lửa dụ họ đi, bèn cứu vị ra.
Nói xong bốn người về đến thuyền, lúc đó Trương tiểu thơ đòi chết, a hoàn vú em đang khuyên giải, mỗi người cùng nói việc mình. Trời đã sáng rõ, thấy hướng chánh Bắc có tiếng la hét, Lôi Minh, Trần Lượng cả bọn cùng lên bờ, đến ngoài Quỳ Hoa trang nhìn xem, thấy Tế Công bắt được yêu đạo, Tần Khôi chạy trốn. Tế Ðiên bảo Lôi Minh, Trần Lượng về chùa Kim Sơn phụ giúp xử lý công việc. Am Thiên Thọ tạ ơn Tế Công, đưa tiểu thơ về. Bành Hằng cũng cáo từ ra đi. Tế Ðiên cùng các quan nhân giải yêu đạo về phủ Trấn Giang. Quan Tri phủ căn cứ theo luật trị tội, giải giao cho quan phủ Thường Châu hoàn án. Tế Ðiên về đến chùa Kim Sơn, cho người gọi các đồ đệ lại, trước hết cạo tóc cho Tôn Ðạo Toàn và cử làm tri khách tăng của Kim Sơn. Ngộ Thiền vẫn trở về chùa Tòng Tuyền ở núi Cửu Tòng. Tế Công chọn ngày khai công trùng tu chùa Kim Sơn. Không đầy nửa năm, công trình hoàn thành, tô vẽ hoàn toàn mới. Mọi việc đã xong, Lôi, Trần xin trở về nhà. Tế Công trở về chùa Tịnh Từ. Chúng tăng ra đón trọng thể. Phương trượng Ðức Huy nói
- Tế Công, Ngài về đây hay quá! Lão tăng đang trông Ngài đây. Hiện tại chùa Báo Hoa, hạ viện của chúng ta lâu năm chưa tu sửa. Công trình trùng tu này quá lớn, nếu không phải Ngài thì không ai khuyến mộ được. Ðây là một việc tốt, công đức vô lượng.
Tế Công gật đầu, đáp ứng việc mộ hóa thập phương trùng tu chùa Báo Hoa. Các quan văn võ trong triều ngoài nội, các thân hào phú hộ tại kinh đô đều ghi vào sổ khuyến mộ của Tế Ðiên. Chưc được nửa năm mà số bạc khuyến hóa lên đến hơn hai vạn lượng. Từ đó hưng công khởi tạo, xây cất tô vẽ mới hẳn lên. Ðến ngày lạc thành, thiện nam tín nữ khắp nơi tề tựu đông vô số kể.
Về phần Tế Ðiên vẫn trang phục rách rưới đó, chu du khắp nơi, đến đâu cũng cho thuốc cứu giúp người nghèo, sống đời vô định như thuở nào.
- o0o -
- o0o -
| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |
---o0o---
Vi tính : Tịnh Nguyên, Tịnh Hương, Thanh Tuấn, Bảo Tịnh
Trình bày : Nhị Tường
Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
Cập nhật : 01-07-2003
Nguồn: www.quangduc.com