Ưu Ðà Di (UDÀYI ) là một viên đại thần rất được sủng ái của
đức vua Tịnh Phạn. Ông có biệt tài tổ chức các vấn đề kinh tế tài chánh và ngoại
giạo. . . Nhưng cũng có một tật khá lớn là vô cùng háo sắc, đắm nguyệt say hoa.
Chính ông là người đã hiến kế cho đức vua Tịnh Phạn lập tam cung lục viện, tuyển
mộ cung phi đem sợi tóc mỹ nhân để cột chân Hoàng tử Tất Ðat Ða dạo nọ.
Khi đã được tin con mình đã thành đạo, đi bố giáo nhiều nơi mà chưa chịu về thăm
nhà, vua Tịnh Phạn vô cùng nôn nóng, liên tiếp Ngài phái liền chín vị cận thần
thân tín mời Ðức Ðạo Sư về thành Ca Tỳ La Vệ. Ðáp lại sự chờ mong của đức vua,
sau khi gặp Phật và nghe pháp, chín vị sứ giả đều tỉnh ngộ, quên phứt đi sứ mệnh
của mình, xin cạo tóc sống đời Sa môn và lần lượt đắc quả cả. Lần thứ mười Ưu Ðà
Di phụng mạng ra đi, thỉnh được Ðức Ðạo Sư trở về thăm quê cũ, dù ông cũng rất
lấy lòng cảm động khi nghe những thời pháp của Ngài, nhưng Ưu Ðà Di vẫn trở về
phò vua giúp nước như trước.
Mãi đến lúc vua Tịnh Phạn mất, Ưu Ðà Di mới từ quan, bỏ lại hàng chục tòa dinh
thự nguy nga cùng hàng trăm thê thiếp lộng lẫy, cạo bỏ râu tóc sống đời khất sĩ.
Ðể ghi dấu lần đổi thay vĩ đại này ông đổi tên là Ca Lưu Ðà Di (KALUDÀYI). Tuy
đã thay đổi thức ăn, hình thức, cùng nếp sinh hoạt nhưng các cố tật của Ca Lưu
Ðà Di vẫn còn, vì thế ông đã gây ra khá nhiều rắc rối cho Ðức Ðạo sư, Tăng đoàn
cũng như chính bản thân ông.
Vừa gia nhập Tăng đoàn, Ca Lư Ðà Di đã đến gặp Ðức Ðạo sư than phiền rằng diện
tích tấm tọa cụ do Ngài hạn định cho chư Tăng thật là khiêm tốn so với thân hình
to béo của Sư. Ðức Thế Tôn liền chế luật cho phép Sư được mở rộng kích thước tấm
nệm ngồi, mỗi bề thêm nửa tấc.
Có được tấm tọa cụ ưng ý, Ca Lưu Ðà Di vẫn chưa tọa thiền được, vì tiếng quạ kêu
ồn ào làm tâm tư xao động. Thế là trong lúc các bạn đồng phạm hạnh đang ngồi
thiền định, Ca Lưu Ðà Di liền đi chẻ tre, chuốt cung tên để đi bắn quạ. Sau giờ
tỉnh tọa, các thầy Tỳ kheo kinh hoảng khi thấy xác quạ nằm đầy vườn, vì vua quan
thành Ca Tỳ La vốn lừng danh với tài xạ thủ. Chuyện đến tai Phật, Ca Lưu Ðà Di
bị Ngài khiển trách một trận nên thân. Chưa hết, một hôm trên đường đi kinh
hành, đức Ðạo sư bắt gặp một sàng tòa cao ngất nghểu đặt giữ gã ba đường, Ca Lưu
Ðà Di đang nằm đong đưa trên chiếc gường dây nầy. . . Ðương sự được mời xuống và
Ðức Ðạo sư phải chế thêm một giới cấm nữa: "Không được giăng võng quá cao".
Nhờ sự hướng dẫn của Ðức Ðạo sư và các bạn đồng phạm hạnh Ca Lưu Ðà Di gọt rửa
dần nhhững tập khí quan liêu vương giả, duy có một điều gây rắc rối không ít cho
Sư và Tăng đoàn là Sư khó lòng tự chủ khi thấy bóng mỹ nhân.
Một hôm đang ngồi trong tịnh thất, chợt thoáng thấy một thiếu nữ diễm lệ đi
ngang, quên phứt là mình đã xuất gia, Ca Lưu Ðà Di liền tụt xuống giường thiền
chạy ra chận đường người đẹp. chuyện đến tai Phật, Sư bị rầy la nặng nề và thề
chừa hẳn.
Lời thề chỉ giữ được một nửa: lần khác Ca Lưu Ðà Di không chạy ra chận đường
người đẹp nhưng ngồi trong tịnh thất Sư không nín được dăm lời trêu chọc. Lần
này Ca Lưu Ðà Di lại phủ phục dưới chân Ðức Ðạo sư nguyện. . . sẽ không chọc
ghẹo người đẹp nữa. . . Xui xẻo cho Sư nhiều Hoàng phi và cung nữ của vua Bình
Sa, trên đường đi lễ Phật lại đi qua tịnh thất của Sư. Đương sự liền khua chìa
khóa lẻng kẻng để gợi sự chú ý của thiên hạ. để trừ hậu hoạn, Ðức Ðạo sư cho
phép Ca Lưu Ðà Di được dời tịnh thất ra cuối vườn để tránh cảnh.
Chuyện rắc rối lại xảy đến với nhà sư đa tình này trên đường đi khất thực: Ca Lư
Ðà Di ôm bát đứng bất động trước nhà mỹ nhân. . . Ðức Ðạo sư đành chế giới:
"Tỳ kheo khất thực xong phải đi không được nấn ná lại nhà người đẹp".
Ðiều luật này được Ca Lưu Ðà Di hết sức tôn trọng, Sư chỉ đứng ngoài đường lộ
dòm vào thôi. Có người mách Phật, Ngài lập tức chế giới. Ca Lưu Ðà Di liền ngồi
trên ngạch cửa, Ðức Ðạo sư cấm ngồi nơi cửa, Sư bèn chui vào kẹt cửa của gia
chủ. . . Nhiều phen Sư bị các ông bố hoặc đấng phu quân của mỹ nhân vây đánh
phải chạy thục mạng, vất cả y cùng bát.
Tai tiếng của Ca Lưu Ðà Di bay tới tấp đến hương thất của Ðức Ðạo sư, sau các
lời khiển trách, Ngài từ bi đích thân giáo hoá Sư, cấm không được rời xa Ngài.
Nhờ vậy, Ca Lưu Ðà Di dần dần bỏ được thói cũ, tinh cần tu tập, không bao lâu
đắc A La Hán quả.
Việc lớn đã xong, Tôn giả Ca Lưu Ðà Di dùng hết năng lực của mình để phụng sự
mọi người. Tôn giả tỏ ra xứng đáng xuất sắc trong việc giúp Ðức Phật tổ chức
Tăng đoàn và hướng dẫn quần chúng bình dân, vì hành chánh và ngoại giao là một
trong những biệt tài của Tôn giả. Tôn giả còn được Ðức Ðạo sư phái đi giảng hòa
những vụ tranh chấp trong dân chúng. Và bất cứ cuộc hiềm khích nào, dù gây go
cách mấy, khi Tôn giả đã nhúng tay vào đều được hòa giải rất tốt đẹp.
Về sau do những dư nghiệp của quá khứ, Tôn giả Ca Lưu Ðà Di đã điềm nhiên thị
tịch dưới nhát dao của tên hung bạo, khi Tôn giả muốn cứu hắn ra khỏi bùn nhơ
của dục vọng.
Nguồn: www.quangduc.com