Chùa nằm trên một cồn đất nhỏ bên cạnh dòng sông quanh
năm nước lớn. Đêm, nghe tiếng ễnh ương ồm oam hòa với tiếng nước vỗ lên
bờ kè đá trước hiên chùa oàm oạp. Chùa quê vách lá, gió thản nhiên ùa
vào ù ù buốt lạnh. Mái tôn có dăm ba chỗ mục, đôi lúc ngồi tụng kinh,
giữa tiếng chuông, tiếng mõ, chợt nghe lẫn cả tiếng nước mưa từ trên mái
nhà long tong nhỏ xuống.
(Trại sáng tác VHPG lần thứ I - 2003)
Mùa Phật đản năm ấy, người ta ngậm ngùi, lo lắng khi phát hiện ra bức
ảnh Đản sinh đặt trong chái kho phía sau chánh điện bị nước mưa làm cho
nát mục. Đó là bức ảnh khổ vừa, được vẽ trên một loại giấy ép, đã cùng
chia sẻ với những người Phật tử tha hương biết bao nỗi khổ, niềm vui từ
ngày họ vào đây lập nghiệp và dựng lên mái chùa này. Mỗi năm, cứ đến mùa
Phật đản, người ta lại bày hương án, bức ảnh được thỉnh lên ngự trên lễ
đài như một hình ảnh vừa tôn quý, vừa thân thương nhất.
Năm đó, tôi vừa tròn chín tuổi, nhưng mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn không
quên được hình ảnh cả làng tôi ra đứng bên bờ sông trông ngóng đoàn
người đi rước Phật. Hôm đó là mười một tháng Tư, lẽ ra còn năm ngày nữa
mới tới ngày Phật đản, nhưng chùa tôi lại đón mừng Phật đản trước đó ba
ngày vì không có tượng. Ba tôi làm trưởng khuôn hội, cùng ba bác nữa ra
tỉnh để thỉnh Phật về. Gọi “thỉnh” nhưng kỳ thực là “mượn”. Bởi lẽ chùa
tỉnh lúc đó cũng chỉ có mỗi một bức tượng Phật đản sinh, được thầy trụ
trì hoan hỷ lắm mới cho thỉnh về làm lễ trước rồi sau đó thỉnh lên lại.
Tôi không biết như thế có đúng hay không, nhưng vẫn nhận ra rằng nếu
không có hình ảnh Ngài ngự trên lễ đài được thiết kế tuy nhỏ gọn mà
trang nghiêm ấy thì lễ Phật đản năm đó chắc là buồn lắm.
Mặt trời đã xuống khá thấp, gác chênh chếch trên mấy ngọn bần mà đoàn
người đi thỉnh Phật vẫn chưa về. Trên bờ sông lúc đó có đến cả trăm
người đang thấp tha thấp thỏm chờ đợi. Lễ đài đã được thiết kế đâu ra đó
rồi, có một cái bục gỗ xinh xắn để đặt tượng Ngài, xung quanh là hoa
cúng dường được cắm rất khéo léo, bên dưới là một khán đài nho nhỏ vừa
là chỗ cho ban hành lễ, vừa là chỗ diễn văn nghệ. Văn nghệ Phật đản
thường được mọi người trong làng nô nức kéo đến xem chật cả sân chùa,
nhiều người còn neo ghe ngoài sông nhoài lên xem cho rõ. Cảnh tượng
trông thật vui...
Xa xa, có tiếng ghe máy nổ xình xịch, chợt ai đó reo lên: “A, về rồi.
Phật về rồi!”. Bọn trẻ con chúng tôi nhảy cẫng lên hoan hô dù không mấy
hiểu được cảm giác vui mừng ấy là tại sao, còn người lớn thì kính cẩn
chắp tay lại. Chiếc ghe máy tấp vào bờ. Ba tôi nhảy ngay xuống nước,
không nghĩ đến việc ông đang mặc chiếc quần mới mà thường ngày ông không
bao giờ để bẩn. Bác Ba Hoành cũng nhảy xuống theo. Hai người trên, hai
người dưới đỡ pho tượng một cách kính cẩn, dù chỉ cần một người cũng có
thể dễ dàng đỡ được. Pho tượng Đản sinh cao độ tám tấc, trông rất đẹp
được đặt trên một cái bàn nhỏ trước khi đưa lên bục. Mọi người vòng
trong vòng ngoài chắp tay xá rồi xúm xít xem. Ai nấy quen nhìn bức ảnh
Đản sinh cũ kỹ rồi, nên thấy pho tượng vừa đẹp, vừa sống động thì có vẻ
lạ lẫm nhưng thích lắm.
Trong khi mọi người đang cung kính không ai dám đụng vào pho tượng, thì
bỗng dưng có một ngón tay nho nhỏ với những cái móng hơi dài, cáu bẩn ở
đâu đó thò ra, chạm khẽ vào má pho tượng rồi từ từ đưa lên mũi... ngửi.
Ai nấy ngạc nhiên quay lại nhìn. Thì ra là thằng Cự khùng. Nó cười hì hì
khoái chí rồi chợt nhoài người tới, bất thần hôn đánh chụt vào má pho
tượng một cái. Không ai kịp ngăn nó lại, vì chẳng ai nghĩ là nó sẽ hành
động như thế. Nó hân hoan một cách lạ lùng, vừa nhảy cẫng lên vừa hát.
Bác Khoan, ba thằng Cự, vừa lôi nó ra, vừa phét vào mông nó mấy cái:
“Phật đó, không phải em đâu, nghe chưa!”. Nó ú ớ không ra lời, lấm lét
nhìn ba nó sợ hãi. Không ai cười cả. Tại vì nó là thằng Cự, thằng Cự
khùng. Nó không như mọi người. Nó khùng nhưng tính tình nó rất hiền
lành, trừ khi mấy đứa nhỏ hè nhau lôi nó ra chọc ghẹo, nó mới vác đá
ném, còn thì ai bảo gì nó cũng dạ. Bác Khoan có hai đứa con, thằng anh
không được bình thường, thằng em thì thông minh ngoan ngoãn. Mùa nước lũ
vừa rồi, không may thằng em bị trượt chân té xuống sông chết. Bác Khoan
đau khổ lắm. Nhưng đau khổ nhất có lẽ là thằng Cự. Gặp đứa trẻ nào trong
xóm nó cũng nhào tới ôm hôn vì nó nghĩ rằng đó là em Toại của nó...
Sáng sớm mười hai, chùa tổ chức lễ Phật đản. Trời vừa hửng sáng, ba hồi
trống đổ dồn như thúc giục, báo hiệu cho mọi người biết một ngày Phật
đản tươi vui. Mặc dù chiếc trống cũ, tiếng có hơi bèn bẹt, nhưng điều đó
vẫn không ngăn được niềm háo hức của những người đang nô nức đến chùa.
Mấy hôm trước trời mưa, con đường đến chùa nhoèn nhoẹt, nên không mấy
người đi bộ. Đoạn sông trước chùa toàn ghe là ghe, chen nhau cặp san sát
như những chiếc lá nâu to lớn dập dồi dợn lên dợn xuống theo từng con
sóng.
Lễ Phật đản kéo dài gần một tiếng đồng hồ, vừa dứt thì bất chợt một cơn
mưa đổ ập xuống. Ai nấy cuống cuồng chạy tìm chỗ nấp. Mưa đến nhanh quá,
mọi người không kịp trở tay, chỉ bưng được mấy cái lư hương, đèn và mấy
bồng quả vào trong, còn thì đành phải để lại. Mọi người đứng trong nhìn
ra. Và, trước mặt họ là một cảnh tượng thật lạ lùng, cảm động: Thằng Cự
đứng cởi áo ra che cho pho tượng! Ai đó lớn tiếng gọi nó, nó vẫn đứng
như trời trồng, bất động. Ba tôi và bác Khoan vội chạy ra đưa tượng Đản
sinh vào, mặc cho thằng Cự đứng đó im lặng nhìn theo một đỗi rất lâu.
Tôi vẫn nhớ cặp mắt của nó buồn, thật buồn...
Hôm sau, nhiều người lại ghé qua chùa để “tiễn” Phật. Tiếng ghe máy nổ
lịch xịch, lịch xịch xa dần. Ai nấy đứng trông theo. Không thấy bóng
thằng Cự đâu. Nó bị cảm lạnh. Bác Khoan bắt nó phải ở nhà. Nó sợ ba một
phép, không bao giờ dám trái lời. Sau khi bóng dáng chiếc ghe khuất hẳn
rồi, chợt có tiếng ai đó khóc nấc lên rất thảm thiết bên bờ sông. Thì ra
thằng Cự. Nó đang ngồi núp trong lùm ô rô, cóc kèn, hai tay nó bưng lấy
mặt. Nó khóc, khóc không còn biết trời trăng gì nữa. Vừa khóc, nó vừa
gọi: “Toại ơi! Phật đi rồi, Toại ơi!”...