Kho Báu Nhà Thiền
Thiền sư Văn Thủ
Dịch giả: Ðịnh Huệ
- - -o0o- - -
Chương 22
Học Ðạo Cần Phải Ðến Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ
Từ lâu tập sách này hoàn thành đến chương Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ, tôi không viết thêm nữa.
Một hôm, có một vị tăng hỏi:
- Am chủ trứ tác tập này rất tiện cho người sơ học xem. Nhưng đến chương Nơi Hoàn Toàn Thôi Nghỉ, tại sao Ngài không viết?
Tôi đáp:
- Ta chẳng biết, ta chẳng hội.
Tăng hỏi:
- Am chủ vì sao lời chưa hết?
Tôi vỗ tay cười ha hả. Ông Tăng ấy mù tịt. Tôi làm bài kệ: “Bốn oan nghi trong núi” để trình bày cái chí của mình như sau:
Ði trong núi
Thẳng đường chim chân trần đầu trụi
Gặp hùm beo chạm vuốt nhe nanh
Trở về trong dáng lặng thinh
Cùng ai chiếc gậy thầm kinh nhau kìa!
Ðứng trong núi
Chỉ hằng biết chiều chiều sớm sớm
Khách tới thăm gạn vấn làm chi!
Muôn non nghìn núi uy nghi
Nộ cuồng thét tiếng vang trời đáp ngay.
Ngồi trong núi
Tu Di nọ một tòa ngồi dựa
Ðâu phải là chán mứa Thiền tông
Chỉ hay khéo học đạo nhàn
Ðem manh y rách khâu lần cho vui.
Nằm trong núi
Bụng no nê đánh khò một giấc
Gối êm ru tỉnh mặc an hòa
Mừng thay! Chẳng kẻ tìm ta
May thay! Hàng ế không người tìm mua.
Phụ dịch âm chữ Hán:
Sơn trung hành
Xích cước tiêm đầu điểu đạo bình
Phùng trước đại trùng xúc nha trảo
Quy lai trượng tử ám tương kinh.
Sơn trung trụ
Chỉ thức tùng triêu hựu đáo mộ
Khách lai nhược vấn nhân thập ma
Vạn nhạc thiên phong nổ lực nộ.
Sơn trung tọa
Kháo thủ Tu Di na nhất tọa
Bất thị quyện thiền học lạc đà
Thời bả nạp y dục bổ phá.
Sơn trung ngoạ
Bảo câu câu địa tiêu nhất cá
Mặc diệu thao huy phó chẩm nhi
Hạnh nhiên vô nhân cầu truệ hóa.
Bạt
Cổ đức nói: “Biết nhiều về ngôi hạnh của người xưa là để thành lập chi chí của mình”.
Tiên sư Nhất Ty đã từng ở ẩn trong núi Ðan, những lúc rảnh rang, Sư xem qua các kinh sách Trung Hoa, Thiên Trúc (Ấn Ðộ) thâu thập ngôn hạnh của người xưa biên soạn lại thành một tập sách nhan đề Truy Môn Bảo Tạng Tập (bản dịch này đề Kho Báu Nhà Thiền) gồm ba quyển[1] chia thành hai mươi hai chương. Mở đầu là quyết định lòng tin lấy sự sợ sanh tử làm gốc. Sau cùng lấy sự siêng năng thực hành công phu để đạt đến chỗ hoàn toàn thôi nghỉ mới là cùng tột. Ở trong đó bao gồm những lời dạy như cần phải chọn thầy lựa bạn, lý kiến tánh minh tâm, cho đến con đường hướng thượng, câu tà chánh, khách chủ được phân tích trình bày theo bộ loại. Trong đó lại thêm phần bình luận để chiết trung. Vì thế, sách này được người học luôn luôn truyền nhau gìn giữ như viên ngọc quý.
Khi tôi được xem qua thì thấy từ ngữ dùng lẫn lộn cho nhau rất nhiều, nên mùa đông năm ngoái, tôi xem kỹ lại tập sách này, đại khái tôi có đính chính và thêm dấu chấm câu để tiện cho người sơ học xem, song e rằng vẫn còn nhiều sơ sót. Nay xin đem khắc bản lưu truyền lại đời sau cho hàng hậu tấn. Người đọc nếu y theo những lời dạy trong đây mà thực hành thì ắt thành tựu chí lớn của mình một cách chắc chắn. Bằng như người đời trước có linh cốt đủ siêu tông dị mục thì tập sách này cũng chẳng thành lời thừa với người ấy vậy!
Vĩnh Nguyên, Tiểu Tỳ kheo Huệ Tuần
Cẩn bạt.
[1] Trong bộ Thiền Học Ðại Thành, nguyên tác chữ Hán, thì tập Truy Môn Bảo Tạng chia thành ba quyển. Riêng đây, vì muốn cho các chương được liên tục nên được xếp từ chương I đến chương XXII
---o0o---
Mục Lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |10 | 11 12
| 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22
---o0o---
| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |
---o0o---
Vi tính : Lan Thanh, Thanh Nhàn
Trình bày : Nhị Tường
Cập nhật : 01-08-2002
Nguồn: www.quangduc.com