TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG
Người dịch: Ðồ Khùng
- - -o0o- - -
Tập Ba
Tôn Ðạo Toàn bắt yêu bị hại
Tế Thiền sư kéo thuyền đền ơn
Tôn Ðạo Toàn đang đi tới trước, bỗng nghe sau lưng có một trận quái phong ập tới trước, cuốn theo cát bay đá chạy tứ tung. Tôn Ðạo Toàn nghe trong trận gió ấy có mùi hương lạ sực mũi bèn nghĩ bụng: “Không xong rồi! Con yêu tinh này đuổi theo mình, chắc nó muốn đối địch với mình đây”. Ðương nghĩ như vậy thì nghe phía sau có tiếng người nói:
- Hay cho Tôn Ðạo Toàn, mi chạy đi đâu? Tiên cô nương trước kia cùng mi không oán, gần đây không thù, mi lại phá hư việc của ta, làm nát kim ngọc lương duyên của ta! Mấy năm nay tiên cô chưa ăn thịt người, hôm nay đại khai sát giới, ăn thịt ngươi một bửa mới được.
Tôn Ðạo Toàn ngoái đầu nhìn lại, quả nhiên là thiếu phụ ấy đuổi theo thật, bèn rút kiếm ra chỉ, nói:
- Hay cho con yêu quái lớn mật, dám đối nghịch với sơn nhân chớ! Ta hôm nay kết thúc tánh mạng của mi đây.
- Chớ không phải tiên cô ta tìm mi, vì mi vô cớ phá hoại quỷ thai, làm hư việc của ta, ta đâu có tha mi được!
Tôn Ðạo Toàn huơi kiếm chém tới, yêu tinh tràn mình tránh khỏi rồi vẫy tay vung lên một viên Hỗn nguyên như ý thạch, viên đá này có thể tùy ý lớn nhỏ, đang ở trên không giống như một tòa Thái Sơn nhắm ngay đầu Tôn Ðạo Toàn đánh xuống. Tôn Ðạo Toàn cũng có chút tài năng, được Quảng Pháp chơn nhơn Thẩm Diệu Lượng truyền cho, thấy viên đá đánh xuống đầu, lật đật niệm chú hộ thân, huơi kiếm chỉ một cái, hô “Sắc lịnh”, lập tức viên đá tia ra một đạo hào quang rơi ngay xuống đất. Yêu tinh thấy vậy, nói:
- Hay cho Tôn Ðạo Toàn, mi dám phá pháp bửu của tiên cô hử?
Lập tức vẫy tay một cái. Tôn Ðạo Toàn nhìn thấy vô số loài trùng dài rắn dữ định áp lại cắn mình, biết đó là phép mà mắt, lập tức cắn chót lưỡi phun ra một cái, những loài trùng dài rắn dữ ấy hiện lại nguyên hình toàn là giấy. Yêu tinh bừng bừng nổi giận, mắng:
- Tôn Ðạo Toàn, mi dám phá pháp thuật của tiên cô hử?
Nói xong phùng bụng há miệng phun ra một luồng hào quang, đó là nội đơn ba ngàn năm tu luyện của nó. Tôn Ðạo Toàn lập tức cảm thấy thân thể tê rần, té ngã xuống đất. Yêu tinh cưòi hà hà, nói:
- Ta tưởng đâu mi có nhiều tài năng, té ra chỉ có bấy nhiêu đó! Hôm nay ta chén mi một bữa!
Nói rồi xách Tôn Ðạo Toàn chạy về miếu Sơn Thần đem bỏ tuốt vào bên trong. Yêu tinh đóng cửa lại, tính hiện nguyên hình ăn thịt Tôn Ðạo Toàn. Ðương lúc đó ngoài cửa có tiếng cười hà hà, nói:
- Hay cho loài nghiệt chướng, to gan thiệt! Dám tính ăn đồ đệ của ta hả? Ra đây, Ta cho mi biết tài năng cao thấp!
Yêu tinh nghe nói bước ra ngoài xem, thấy người đến là một ông Hòa thượng kiếc.
Tế Ðiên ở núi Bát Quái, sau khi sai Ngộ Thiền đi rồi mới cáo từ Khảm ly chân nhân Lỗ Tu Chơn. Lỗ Tu Chơn nói:
- Thánh tăng đừng ngại cứ ở miếu này thêm mấy ngày nữa để chúng ta cùng luận đạo.
- Ta có việc gấp cần phải làm, chúng ta còn có ngày gặp lại mà!
Tế Ðiên rời núi Bát Quái đi tới trước, đến một bến đò nhỏ gặp Vương Toàn và Lý Phúc đang bước vào quán rượu, Tế Ðiên cũng vén rèm bước vào theo. Vương Toàn, Lý Phúc ngồi xuống định gọi một bàn rượu, Tế Ðiên bước lại nói với Vương Toàn:
- Bà con mới đến à?
Vương Toàn nhìn lại, thì ra là vị Hòa thượng kiếc mình đã gặp trong rừng ở huyện Tiêu Sơn ngày nọ. Vương Toàn nói:
- Ðại sư phó, người cũng mới tới hả?
- Hai vị đi bao nhiêu ngày mà mới tới đây à?
- Thôi đừng nhắc tới làm chi! Chúng tôi bị vụ án lầm ở Kim Sơn kẹt lại mấy hôm.
- Bà con ơi, hãy đi về nhà đi! Ðừng kiếm em họ nữa. Kiếm cũng không gặp đâu. Cứ về tới nhà, người em họ sẽ về tới ngay. Về ngày nào thì người em họ sẽ về tới ngày đó.
- Phải, Phải! Ðại sư phó ăn cơm chưa?
- Hình như chưa.
- Sư phó ngồi lại cùng ăn cho vui nhé!
- Cảm tạ lòng tốt của công tử.
Vương Toàn lập tức gọi phổ ky lấy thêm chén đũa ly muỗng dọn lên. Tế Ðiên ngồi vào bàn. Phổ ky dọn các thứ trái tươi và thức ăn ngon lành lên. Tế Ðiên lấy tay bốc một miếng thức ăn. Lý Phúc thấy vậy không bằng lòng. Tế Ðiên bốc lên lại mời:
- Hai vị ăn món này nè!
Vương Toàn nhìn thấy Hòa thượng này thiệt là dơ, mặt đầy bùn đất. Vương Toàn thấy dơ ghét, nói:
- Thôi, Hòa thượng ăn đi, dĩa này dành hết cho Hòa thượng đó! Ta cảm thấy thật là “đắc kỳ sở tai!”.
Vương Toàn ăn không vô. Lý Phúc cũng cảm thấy no ngang. Tế Ðiên cứ ăn nhồm nhoàm, lua húp bốc lủm lia lịa làm người dọn bàn cũng lấy mắt dòm lom lom. Người dọn bàn nghĩ thầm: “Dễ gì có một đại gia rộng rãi như vậy! Kêu một bàn tiệc mà ăn cũng không hết, đồ ăn còn thừa để cho Hòa thượng này bốc lủm hết”. Vương Toàn thấy Hòa thượng ăn rồi kêu phổ ky tính tiền. Ngay lúc ấy từ bên ngoài có một người đi vào rao:
- Có ai muốn đáp thuyền không? Thuyền chúng tôi đi Hải Sanh kiều đây.
Lý Phúc nói:
- Thưa công tử, chúng ta đáp thuyền về nhé!
- Ông còn nhắc tới việc ngồi thuyền nữa à! Nói ra ta còn cảm thấy lạnh xương sống nữa là! Ông còn nhớ lúc ngồi thuyền ở Tào Nga giang không?
- Tào Nga giang là mình bao thuyền, còn đây là đáp thuyền thôi. Trên thuyền còn có nhiều khách khác nữa mà!
Nói xong, Lý Phúc hỏi quản thuyền:
- Thuyền của ông đã lên được bao nhiêu người rồi?
- Khoảng hơn hai mươi vị.
- Chúng tôi đi Hải Sanh kiều.
- Trên thuyền có chỗ nào nằm được không?
- Khoang trước sau đều đầy cả rồi, chỉ còn trên mui trống. Hai vị đi Hải Sanh kiều, ngồi trên mui tôi chỉ lấy 500 tiền thôi.
Tiền thì được rồi nhưng hôm nay nhổ neo chưa?
- Hôm nay rời bến đấy!
Lý Phúc mới tính tiền cơm rượu xong, nói:
- Thưa công tử, mình lên thuyền đi!
Vương Toàn không biết ý Hòa thượng nói sẽ gặp ở đâu, chủ tớ cùng quản thuyền ra khỏi quán rượu đến bến đò ở bờ song lên thuyền. Mọi người đi thuyền đều nói:
- Sau chưa nhổ neo?
Quản thuyền nói:
- Nhổ neo chớ! Thuyền chúng tôi còn nhờ hai người. Còn phải nhờ người kéo dây ngắn mới đi được.
Ðương nói tới đó thì ông Hòa thượng kiếc thất tha thất thểu từ phía Ðông đi lại. Quản thuyền kêu:
- Có ai đến kéo dây không?
Hòa thượng nói:
- Có tôi đây.
- Ðại sư phụ, ông là người xuất gia mà kéo dây sao được?
- Ðược chớ, người xuất gia cũng ăn cơm, giống như người thế tục kiếm tiền để ăn cơm vậy.
- Thế thì được, đại sư phó kéo đi.
Nói rồi đưa dây kéo cho Hòa thượng, quản thuyền rút ván rời bến, Tế Ðiên tiếp nhận dây kéo như chạy. Thật ra Tế Ðiên kéo thuyền cốt để báo ơn ông anh họ Vương Toàn đã ra đi tìm mình phải dãi nắng dầm sương, sớm dậy tối ngủ chịu biết bao nhiêu điều cực khổ. Người ta kéo thuyền hò theo lệnh thuyền, còn Tế Ðiên vừa kéo thuyền vừa buột miệng hát:
Anh nói:
Chiếc thuyền này hai đầu cao
Chủ nhân ngồi thuyền lòng nao nao
Ði nát giày sắt tìm kiếm mãi
Anh em gặp mặt chẳng nhìn nhau
Ðến Thiên Thai mới biết rõ
Cốt nhục chí thân nhận được nào!
Tế Ðiên hát xong đi tới nữa, hát tiếp:
Nhớ năm xưa ta cạo tóc
Bỏ thân thể, đầu trọc lóc
Qui y Tam bảo làm con Phật
Kết am tranh nơi chốn tòng lâm
Vọng tưởng trừ, tư lự hết
Chân bị lụy, giả hồ đồ
Mặt chẳng lau, tay không rửa
Vô sự cười hề hề
Ði khắp nơi dạo giang hồ
Ưa ăn thịt khoái nhậu rượu
Sớm tối bất kể chả hương đèn.
Lộn lạo trong thế tục
Gió sương lạnh buốt mặc áo đơn
Khí trời nóng bức ninh áo trừ khử
Tế khốn phải phò nguy.
Tế Ðiên vừa hát vừa đi tới trước, rồi lại hát:
Anh nói:
Chiếc thuyền này, hai đầu nhọn
Người gái quản thuyền khoái lưng thon
Bị vố năm rồi ôm con mọn
Cho đến bây giờ hết thấy ngon.
Quản thuyền la:
- Hòa thượng đừng nói giỡn chớ! Ông mở miệng nói cái gì đâu không hà!
- Ta chẳng thèm đâu!
Nói rồi Tế Ðiên bỏ dây kéo, chạy nhanh về phía trước. Quản thuyền nói:
- Mấy vị coi ông Hòa thượng kìa, thiệt là nửa khùng nửa điên, kéo thuyền nửa ngày trời, gần tới nơi rồi bỏ đi, cả đến tiền cũng không đòi lấy nữa!
Mọi người lăng xăng bàn tán mãi. Về phần Tế Ðiên bỏ đi thẳng đến miếu Sơn Thần, trước che kín Phật quang, linh quang, kim quang lại rồi đến cửa miếu xô vào nói:
- Hay cho loài nghiệt chướng, thiệt là lớn mật, dám ăn thịt đồ đệ của ta. Ðể ta kết thúc tánh mạng mi cho rảnh!
Yêu tinh đang định ăn thịt Tôn Ðạo Toàn, bỗng nghe có tiếng người ngoài cửa bèn ngoái đầu lại xem, thì ra đó là ông Hòa thượng: đầu tóc dài hơn hai tấc, mặt mày tèm lem, tăng y rách nát, tay vắn thiếu bâu, lưng thắt dây nhung, khật khà khật khưỡng, chân trần xỏ trên đôi dép cỏ, bộ dạng ba phần chẳng giống người, bảy phần chẳng giống quỷ. Tế Ðiên đóng tam quan lại nên yêu tinh thấy là một kẻ phàm phu tục tử, tức thì nổi giận mắng:
- Hay cho tên Hòa thượng kiếc này, dám tới đây xía vào chuyện của tiên cô chớ! Chắc là muốn đâm đầu vào chỗ chết hả?
- Con chết tiệt này, mi vô cớ không giữ bổn phận, vấn vít với Hàn Văn Mỹ, lại còn ăn hiếp đồ đệ ta. Hôm nay ta phải đòi mạng mi mới được.
Yêu tinh há miệng phun ra một cột khí vàng định đánh ngã Tế Ðiên. Nào ngờ Tế Ðiên cười hà hà, nói:
- Hay cho đồ nghiệt chướng! Mi muốn phun độc khí hả? Chắc chưa biết lão nhân gia đây là ai chứ gì? Ðể ta cho mi xem!
Tế Ðiên nói rồi sỡ lên đầu một cái để lộ Phật quang, linh quang, kim quang. Yêu tinh nhìn thấy trước mặt mình là một vị thân cao một trượng sáu, đầu như đấu gạo, mình mặc áo sát nách, hai chân trần để lộ hai bàn chân đỏ rực, chính là vị Tri Giác La Hán. Yêu tinh sợ quá lật đật quỳ xuống, kêu u u không ngớt. Người có tiếng người, thú có tiếng thú, nói:
- Bạch Thánh tăng, xin lão nhân gia tha mạng cho. Ðó chẳng phải là tôi muốn hưng yêu tác quái hại người. Nhân vì Hàn Văn Mỹ nhìn thấy tôi, rồi cậy người mai mối, tôi mới chịu thành thân với anh ta. Xin Thánh tăng đại phát long từ bi tha cho tôi một phen.
- Mi hãy hiện nguyền hình cho ta xem!
Yêu tinh lập tức rùng mình hiện nguyên hình. Tế Ðiên nhìn thấy rõ ràng.*
Tế Ðiên thi pháp trị yêu phụ
La Hán về nhà thăm cậu mợ
Sau khi yêu tinh hiện nguyên hình, Tế Ðiên xem lại là một con hương chương (cheo thương). Con hương chương này là đồ đệ thứ ba của Ngọc diện Lão yêu hồ ở Thiên Mẫu cung sau núi Thiên Thai, nó có 3.500 năm đạo hạnh. Lão yêu hồ này là con gái của Ngũ Vân lão tổ ở Ngũ Vân động trên núi Ngũ Vân, tự xưng là Ngọc diện trường thọ tiên cô. Con hương chương này thường đến am Thanh Tịnh nghe kinh. Về sau mới nghĩ: “Chi bằng mình lạy lão ni cô này làm thầy để học kinh với bà”. Nghĩ rồi bèn lắc mình biến ra một nàng thiếu phụ xinh đẹp đến lạy lão ni cô. Nó thưa rằng mình ở phía Bắc thôn Vĩnh Ninh, chồng đã qua đời, mẹ chồng ép cải giá không chịu, nên muốn lạy lão ni cô làm thầy, tình nguyện sớm hôm tụng niệm, khuya tối hương đèn hầu hạ Tam bảo. Nó tự xưng là họ Chương tên Hương Nương. Lão ni cô Diệu Huệ tin là thiệt, chớ đâu biết nó là yêu tinh, mới thâu nhận nó làm đồ đệ. Nào ngờ Hàn Văn Mỹ gặp nó để ý tương tư, cậy lão ni cô làm mai giùm. Lão ni cô sợ Hàn Văn Mỹ chết, vợ chồng Hàn Thành sẽ tuyệt tự, do hảo ý mới làm mối cho Hàn Văn Mỹ. Nay con hương chương gặp Tế Ðiên cầu xin tha mạng. Tế Ðiên nói:
- Mi muốn tha mạng cũng được đi. Mi làm cho ta việc này mới được.
- Chỉ cần Thánh tăng tha mạng, có việc gì xin Thánh tăng cứ sai bảo.
- Mi hãy kề tai nghe ta dặn như vầy… như vầy… rồi làm đúng y như vậy ta sẽ tha mạng cho.
- Thánh tăng dặn như thế nào, con sẽ làm như thế ấy.
- Mi đã hứa như thế thì hãy đi đi. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đó.
Hương chương lập tức lắc mình biến đi mất. Tế Ðiên lúc đó mới cứu tỉnh Tôn Ðạo Toàn lại. Tôn Ðạo Toàn tỉnh lại, mở mắt ra thấy Tế Ðiên đứng một bên mình, liền lật đật trỗi dậy hành lễ sư phụ. Tế Ðiên nói:
- Ngươi thiệt là vô cớ xía vô chuyện tầm ruồng. Thiệt là: “Thị phi chỉ tại nhiều bép xép. Phiền não đều do lỗi khoe mình” mà. Không có bao nhiêu tài năng mà lại dám đi bắt yêu! Bắt yêu không được, suýt chút nữa bị yêu ăn thịt.
Tôn Ðạo Toàn nói:
- May nhờ có sư phụ đến kịp cứu cho, nếu không, chắc mạng con đi đứt rồi!
- Ngươi bắt yêu để nhà người ta đánh đuổi ra thì còn mặt mũi nào thấy người ta nữa? Ðể ta nâng đỡ cho. Ngươi phải giả dạng làm thần tiên mới được!
- Thưa sư phu, con phải giả dạng làm thần tiên như thế nào?
- Ngươi hãy ghé tai vào đây làm theo lời ta dặn như vầy… như vầy… là có thể giả dạng thần tiên được.
Tôn Ðạo Toàn gật đầu đồng ý. Tế Ðiên nói:
- Ngươi đi đi, ta còn có việc của ta.
Tế Ðiên ra khỏi miếu Sơn Thần thẳng đến Hải Sanh kiều, ở phía Tây đường có một quán rượu hiệu là Phụng Minh Cư. Lúc đầu quán rượu này do ba người Hàn Văn Mỹ, Vương Toàn và Lý Tu Duyên mỗi người bỏ ra 300 lượng để mở ra. Họ không lấy lời, chỉ cốt làm cho tiêu khiển thôi. Về sau Lý Tu Duyên bỏ đi, Vương Toàn cũng không đến quán coi ngó nữa. Hàn Văn Mỹ bị bệnh mới đem tiệm này giao cho gia nhân là Vương Lộc coi sóc. Xưa nay tính Vương Lộc không thích làm ăn, chỉ ham đánh bạc thôi. Hiện nay Vương Toàn đi tìm Lý Tu Duyên. Vương Lộc không có người kềm chế, tự ý muốn làm gì thì làm, có bao nhiêu tiềm thu được đều đánh bạc hết. Phía sau tiệm có một sòng bạc, phía trước là phòng chưởng quỹ. Phổ ky đều bỏ đi hết, chỉ còn một phổ ky nhỏ. Hôm đó Vương Lộc đang ngồi ở bàn chưởng quỹ, thấy từ ngoài đi vào một ông Hòa thượng kiếc. Hòa thượng nói:
- Ối chào, mệt quá! mệt quá!
Vương Lộc cũng không nhận ra là Lý Tu Duyên vì Tế Ðiên một là bỏ nhà đi đã mấy năm rồi, hai là dưới hình thức Hòa thượng, mặt mày lem luốc nên không nhìn ra là ai. Vương Lộc hỏi:
- Ðại sư phó đến uống rượu hả?
- Uống rượu! cho hai bầu đi!
Vương Lộc đem hai bầu ra. Tế Ðiên uống xong lại kêu hai bầu nữa. Uống xong lại kêu bốn bầu nữa. Tế Ðiên đứng dậy định đi. Vương Lộc nói:
- Ðại sư phó, làm sao mà đi vậy?
- Uống rượu đủ rồi, không đi làm sao được? Nếu chưa uống chắc chắn phải uống chớ!
- Sư phó đi hãy đưa tiền rượu đã!
- Ðưa tiền cho chú nhậu hả?
- Ðưa tiền rượu vừa uống đó! Sao sư phó không đưa tiền?
- Ta không có tiền. Ta không có tính uống rượu, tại chú viết là Hòa thượng kiếc uống rượu không mất tiền nên ta mới uống đó chớ!
- Có viết cái gì đâu nào?
Tế Ðiên lấy tay chỉ, nói:
- Chú xem kìa!
Vương Lộc nhìn ra thấy trên tường dán một tờ giấy đỏ, trên viết: “Ở tiệm này, Hòa thượng kiếc uống rượu không mất tiền”, bèn nói:
- Cái này là ai chơi phá tôi đây!
- Chưởng quỹ nè, tiệm chú bán có khá không?
Vương Lộc tằng hắng một tiếng, nói:
- Ðại sư phó đừng nhắc tới làm chi! Trước kia khi mới khai trương buôn bán khá lắm! Tại tôi đánh bạc nên bây giờ buôn bán ế ẩm như vầy.
- Hai chúng ta thiệt là đồng bịnh tương lân! Hòa thượng ta có 20 khoảng ruộng, hai ngôi chùa đều bị thua sạch hết. Ta cũng bị thua me đây. Hiện giờ ta học được cách coi hộp hay lắm. Người ta nói: “Ðoán hộp giỏi không quần xỏ”. Câu nói đó đúng thiệt! Sòng me nào gặp ta đều không cho ta đặt; họ cho ta 300 tiền để ta uống trà chơi! Ta chỉ ăn tiền xâu thôi!
Vương Lộc nghe nói, hỏi:
- Ðại sư phó biết đánh me à?
- Biết chớ, bất luận hộp loại nào cũng không qua mắt được ta; hột đồng, hột gỗ, hột nhảy, hột bay, hột chuyền, hột chạy đều không qua mắt được ta; một khi ta đặt thì ăn ngay, giống như điếm tiền vậy. Vì vậy mà các sòng bạc không cho ta đặt, ta cũng không có cách nào hơn.
- Ðàng sau nhà này có sòng me, Hòa thượng đặt cho tôi mấy cái trúng phóc để tôi đỏ một bửa nay đi, chẳng những tôi mời Hòa thượng uống rượu mà còn chịu tiền cho Hòa thượng thay đổi y phục nữa!
- Chú có tiền không?
- Có chớ! Tôi nói cho Hòa thượng biết, tôi vừa mới đi vay 24 điếu đây, phần gốc tám phân, còn lại 96 tiền, 10 điếu còn 8 điếu, 20 điếu còn được 16 điếu, mười ngày trả 2 điếu 4 tiền, 100 ngày trả đủ 24 điếu, nếu tính lại tiền gốc là lời đến 10 tiền. Không cách nào hơn, tôi đành phải mượn thôi! Ðại sư phó, ông với tôi ra đằng sau đi. Ông chỉ cho tôi đặt trúng mấy điếu, tôi không để ông khổ đâu!
- Ừ, thì đi!
Tế Ðiên nói rồi cùng Vương Lộc ra sau xem. Phía sau có mấy mươi người đang vây quanh bàn để hột. Hộp vừa lắc xong, Tế Ðiên nói:
- Chưởng quỹ, chú đánh đi, hột đang ở cửa ba đó! Chú đặt vào cửa ba chắc chắn là đỏ rồi!
Vương Lộc nghĩ bụng: “Ðâu có lẽ khéo trúng dữ vậy! Thảng như mình đặt, 16 điếu thua hết thì còn gì đánh nữa?”. Nghĩ rồi không dám đặt. Tế Ðiên nói:
- Chú không đặt à? Con hột có thể ở số ba đó!
- Ðể xem thử, lần sau sẽ đặt mà!
Nói tới đó, hồ lì giở hộp ra quả nhiên là ba. Vương Lộc dậm chân, tiếc hùi hụi:
- Tiếc là không đặt! Phải hồi nãy mình nghe lời Hòa thượng đem 16 điếu tiền đặt hết vào ăn được 64 điếu 200 tiền.
Giây lát thấy hồ lì vừa để hộp xuống, Vương Lộc hỏi:
- Ðại sư phó, ông đoán hột bây giờ thế nào?
- Hồi nãy ta kêu chú đặt cửa ba, chú không đặt, lần này cũng cửa ba nữa.
Vương Lộc trong bụng do dự, nói:
- Hồi nãy xổ ra ba, bây giờ chả lẽ lại ra ba nữa?
- Chú chịu nghe hay không chịu nghe nè?
Vương Lộc nghĩ thầm: “Ðể coi thử rồi hãy nói”. Nào ngờ khi giỡ hộp cũng số ba nữa. Vương Lộc dậm chân dậm cẳng, nói:
- Cái này không biết nói sao? Hai lần giở hộp nếu đặt trúng tiền phải có hơn 100 điếu.
- Tại chú không chịu nghe lời ta.
- Tôi đâu có biết!
Nói xong hồ lì vừa để hộp xuống, Vương Lộc lại hỏi:
- Ðại sư phó, lần này hột ở cửa nào?
- Hột ở cửa hai. Ðó là kêu Hắc hổ hạ sơn!
Vương Lộc nghĩ thầm: “Hòa thượng đoán hai lần đều đỏ cả, lần này có thể là không trúng, chi bằng mình xem lại cho chắc”.
Tế Ðiên hỏi:
- Chú lại không đặt à?
- Ðợi một chút, vội gì!
Mắt thấy hộp giở ra, đúng là số hai. Vương Lộc nghĩ thầm: “Mình là cái thái gì? Hòa thượng quả nhiên đoán hộp giỏi mà ta không nghe!”. Tế Ðiên nói:
- Chú cứ không chịu đặt, thôi ta đi đây!
- Thôi, đừng đi.
Vương Lộc cầm lại rồi nghĩ bụng: “Lần này đem 16 điếu tiền đặt hết, Hòa thượng kêu đặt cửa nào mình đặt cửa ấy”. Nghĩ rồi để mắt xem hồ lì vừa để hộp xuống, Vương Lộc hỏi:
- Ðại sư phó, lần này tôi đặt cửa nào?
- Ta đoán là cửa ba. Chú có thích đặt hay không?
“Sướng rồi!”. Vương Lộc nghĩ thầm, lấy ngay 16 điếu đặt hết vào cửa số ba, trong bụng chắc mẻm. Chừng hồ lì giở hộp ra thì không phải là cửa số ba. Vương Lộc trợn mắt, nói:
- Này Hòa thượng, ông thấy con hột sai cửa rồi, tôi thua sạch túi.
- Ai biểu chú không chịu đặt mấy lần trước làm chi? Ta liên tiếp đoán ba lần trúng phóc hết mà chú không chịu đặt. Ta đâu có thể đoán trúng hoài!
Vương Lộc nghĩ bụng: “Ðâu thiệt là không còn cách nào hơn, ta đành nuốt lời với Hòa thượng thôi. Hòa thượng ngay cả chiếc quần lành cũng không có nữa là”. Nghĩ rồi im hơi nén giận mà đi ra ngoài. Tế Ðiên cũng theo ra. Vừa đến bên ngoài thì gặp Vương Toàn, Lý Phúc vén rèm bước vào. Tế Ðiên hỏi:
- Bà con mới đến à?
Vương Toàn nhìn thấy, nói:
- Hòa thượng cũng đến nữa à?
- Tốt hơn hết là bà con mau đi về nhà đi! Không nên nấn ná ở ngoài nữa. Nấn ná bên ngoài, bà con cũng không tìm được người em họ đâu. Bà con về đến nhà một ngày thì người em họ cũng về nhà một ngày; bà con hai ngày về nhà thì người em họ cũng hai ngày về tới. Bà con về nhà ngày nào thì người em họ cũng về tới ngày đó.
- Phải! Hòa thượng, ông làm gì ở đây?
- Ta uống bốn bầu rượu, không có tiền họ không cho đi. Bà con trả tiền cho ta nhé!
- Ðược, để tôi trả cho!
- Lý Phúc có vẻ không bằng lòng. Vương Lộc thấy chủ đã về bèn bước ra chào hỏi. Vương Toàn hỏi:
- Này Vương Lộc, ta hỏi ngươi nè, hai hôm nay lão viên ngoại có vui không? Nếu vui thì ta mới nên về.
Vương Toàn vốn là người con có hiếu, muốn hỏi thăm xem nếu Vương viên ngoại không vui thì tạm thời hãy khoan về nhà sợ cha nói, cho nên hỏi thăm trước. Vương Lộc đáp:
- Công tử hãy nên về nhà đi! Lão viên ngoại cơ hồ chết rồi đó! Nghe nói hôm nay mới khá. Nếu công tử về hôm qua còn lo lắng hơn nữa! Lão viên ngoại nằm liệt trên giường không còn thở chút nào, may nhờ một vị đạo sĩ cứu tỉnh lại!
Vương Toàn nghe nói, ngạc nhiên hỏi:
- Lão viên ngoại bệnh gì thế?
- Không phải bệnh, nghe nói là bị âm nhơn hãm hại, hình như việc này là Trương Sĩ Phương câu kết với Ðổng đạo gia, Trương đạo gia ở Tam Thanh miếu, nhưng không biết hãm hại bằng cách nào? Công tử nên trở về mau đi!
- Người khác còn có thể nói, còn Trương Sĩ Phương thiệt là hết nói được! Bình thường ta vẫn cho tiền nó mà nó lại sanh lòng hãm hại như vậy, thiệt là đáng giận! Tế Ðiên nói:
- Thôi, bà con hãy nói chuyện, ta đi đây!
Nói rồi Tế Ðiên bước ra khỏi quán rượu đi thẳng về thôn Vĩnh Ninh để cậu cháu gặp mặt.*
Thăm cậu mợ, Tế Ðiên về làng cũ
Ðiếm Kỳ Mộng, Thánh tăng độ thiện nhơn
Tế Ðiên rời khỏi quán rượu đi thẳng về thôn Vĩnh Ninh trở lại làng xưa chốn cũ. Tế Ðiên nhìn lại, tằng hắng một tiếng, đi xa mấy năm mà quang cảnh quê nhà đã đổi khác. Chính nơi thỏ chạy đám cỏ hoang, chồn ngủ bên lá mục, đều là chỗ ngày xưa ca hát. Sương lạnh hoa vàng, khói mờ cỏ rậm, cũng là trường chinh chiến ngày xưa. Trẻ nít ngày nào bây giờ khôn lớn, bạn bè thuở trước tan tác một nơi. La Hán gia tiến về cửa thôn Tây, một tòa cửa lớn phía Bắc khóa kín chính là nhà cũ hồi nào. Ba tòa đại sảnh ở giữa là nhà của Vương An Sĩ, cách vách bên Ðông là nhà Hàn viên ngoại, cách vách phía Tây là nhà Lý Tu Duyên. Từ khi Lý Tu Duyên đi rồi, viên ngoại cho người dọn trống hết rồi khóa kỹ. Tế Công bây giờ nhìn lại, vật cũ gợi tình xưa. Nhớ lại ngày nào cha mẹ, trong nhà nhất hô bá ứng, bây giờ còn trơ lại nhà không, tự mình một thân một bóng không khỏi chạnh lòng! Tế Ðiên ngước đầu nhìn lên thấy cậu mình là Vương An Sĩ đang đứng trong cửa nhìn ngẩn ngơ như có tâm sự gì. Tại sao Vương viên ngoại lại đứng trong cửa vào lúc đó? Nhân vì Hàn viên ngoại đánh lão đạo sĩ một bạt tai nắm lôi ra cửa, Vương viên ngoại cảm thấy quá hổ thẹn. Khi HànThành trở vào, Vương An Sĩ nói với Hàn Thành:
- Hàn hiền đệ, việc vừa rồi thật là lỗ mãng đấy! Lão đạo sĩ cùng tôi tới đây là do hảo ý mà hiền đệ lại đối xử thô lỗ quá!
- Tại huynh trưởng không biết thôi! Nó là con dâu của tôi mà ông đạo sĩ đó ở đâu vô duyên vô cớ lại cầm kiếm hăm dọa nói, thảng như nó sợ hết hồn rồi làm sao? Cháu anh là Hàn Văn Mỹ lại đang mắc bịnh nữa!
Vương viên ngoại cảm thấy khó nói, rất lấy làm tiếc về việc lo chuyện tào lao nên lập tức cáo từ. Về nhà hỏi bọn gia nhân lão đạo sĩ có trở lại không. Viên ngoại nghĩ rằng: “Lão đạo sĩ là người có ơn cứu mạng mình, vì việc này chắc là xấu hổ không trở lại nữa”. Vương viên ngoại định tạ ơn lão đạo sĩ mấy ngàn lượng bạc mà không biết lão đạo sĩ đi đâu. Chính ông cũng cảm thấy phiền muộn, lại muốn xin lỗi lão đạo sĩ, cho nên đứng trông cửa ngóng trông. Vương An Sĩ đang lúc ngẩn ngơ thì Tế Ðiên bước vào quỳ dưới đất, nói:
- Thưa cậu ở trên, cháu là Lý Tu Duyên xin hành lễ ra mắt.
Vương An sĩ nhìn thấy trước mặt mình là ông Hòa thượng kiếc, aó quần rách nát, Lão viên ngoại ngạc nhiên, cũng chưa nhận ra, mới lật đật kêu:
- Bây đâu, lấy ra hai điếu tiền cho vị đại sư phó này để ổng đi đi!
Vương viên ngoại mỗi ngày sớm tối ngóng trông Lý Tu Duyên, hận Lý Tu Duyên sao không về ngay tức khắc, tại sao gặp Lý Tu Duyên lại cho hai điếu tiền rồi bảo đi? Ðó là do viên ngoại nhìn không ra. Ngày xưa khi còn ở nhà, Lý Tu Duyên mặt mày trắng trẻo, ăn mặc theo lối công tử phú hào. Hiện giờ trước mặt mình là một Hòa thượng mặt dính bùn đất tèm lem, quần áo rách rưới thì làm sao viên ngoại nhìn ra cho được! Vương viên ngoại cho rằng Hòa thượng này biết tâm sự của ta nên ông cố ý bảo cho hai điếu tiền để Hòa thượng đi cho rồi. Tế Ðiên vần quỳ khống đứng dậy, nói:
- Cậu không cần phải cho tiền. Cháu thật là Lý Tu Duyên trở về nhà đây!
Vương viên ngoại nghe nói “a” lên một tiếng. Ðương lúc còn đang ngạc nhiên thì Vương Toàn và Lý Phúc cũng vừa về tới. Vương Toàn thấy Hòa thượng này đang quỳ trước cha mình thì cũng không biết tại làm sao, bèn lật đật bước tới hành lễ, nói:
- Thưa cha ở trên, con xin kính chào.
Hồi ở Phụng Minh cư, Vương Toàn nghe Vương Lộc nói Vương viên ngoại suýt chết nên không an tâm, lật đật trở về nhà. thấy Vương viên ngoại đang ở trước của nên bước tới dập đần hành lễ. Vương viên ngoại hỏi:
- À con, con mới về đó à! Con có tìm được em Lý Tu Duyên của con chưa?
- Con chưa tìm được em Lý Tu Duyên, ở huyện Tiên Sơn con bị án mạng oan khó giải bày, suýt mất tánh mạng. Vì vậy con mới trở về đây.
Vương an Sĩ gật gật đầu. Vương Toàn mới hỏi:
- Vị Hòa thượng này, chúng ta gặp một lần khi đi ra, sao bây giờ lại quỳ ở đây?
Tế Ðiên nói:
- Anh ơi, anh không nhận ra em sao? Em là Lý Tu Duyên trở về đây mà!
Lý Phúc nhìn lại rồi nói:
- Cái ông Hòa thượng này thiệt là nói bắt quàng, đã ăn của chúng ta một bữa cơm, bây giờ còn tới giả nhận là tiểu chủ của ta nữa. Công tử nhà ta thì ta phải nhận ra chứ!
Tế Ðiên nói:
- Anh Lý Phúc ơi, anh không nhận ra tôi à? Ðể tôi rửa mặt anh sẽ nhận ra ngay.
Vương An Sĩ nghe thế mới nói:
- Ðược, ngươi hãy vào nhà rửa mặt để ta xem.
Lập tức Tế Ðiên và mọi người cùng vào thư phòng. Lão viên ngoại kêu gia nhân đem nước rửa mặt lại. Gia nhân đem nước rửa mặt ra. Tế Ðiên rửa sạch hết bùn ghét trên mặt. Vương An Sĩ nhìn xem quả đúng là Lý Tu Duyên. Vương Toàn thấy vậy mới khóc, nói:
- Em ơi, hồi ở huyện Tiêu Sơn gặp nhau sao em không nói? Nếu em nói, ta đã đưa quần áo cho em thay đổi rồi, chớ cần gì phải nhọc nhằn khổ sở trên đường đi như vậy!
Lý Phúc thấy đúng là chủ mình mới nói:
- Lão nhân gia ngàn muôn lần đừng nên nổi nóng! Lão nô đây thiệt quá lỗ mãng, ăn nói quá xúc phạm, mong công tử rộng lòng tha thứ cho!
- Anh không cần phải hành lễ, không biết thì tôi không giận đâu!
Vương An Sĩ thấy cháu mình ở hoàn cảnh đó không khỏi thương tâm, cảm thấy xốn xang, bất giác lệ rơi lã chã, nói:
- Tu Duyên con ơi, tại sao con làm Hòa thượng như vậy? Không tiện nói thiệt, Tế Ðiên nói:
- Hôm đó ở nhà đi ra, con gặp một ông Hòa thượng kiếc hóa một ít tiền (duyên), ông ta khuyên con xuất gia. Ông ta nói làm Hòa thượng ăn cơm khắp thiên hạ, đi đến đâu cũng không cần lệ phí. Con nghe nói cũng hay nên theo ông xuất gia. Sau đó ông lấy hết y phục của con, gạt con bỏ đi mất. Con bực quá phát khùng luôn. Nhơn đó con cũng không nghĩ đến việc về nhà nữa. Hiện tại con ở bên ngoài hóa tiểu duyên, ngao du bốn phương, không câu không thúc, ở đâu cũng là nhà. Người ta thường nói: Một ngày chỉ có ba nắm gạo, chẳng làm thầy cúng ở nhân gian. Con nghĩ người xuất gia hay hơn người tại gia, vượt khỏi hồng trần, lặng ngắm nước mây, tiếu ngạo giang hồ, tuý luý càn khôn. Ngày tháng trong hồ rượu, vinh nhục chẳng để lòng, phước họa nào kể đến. Tuy ở chỗ vắng vẽ mà trong lòng vẫn an vui. Dù chỉ ăn tạm bợ mà tự tại chẳng ai bằng, như con đây:
Chỗ nào có duyên chỗ ấy vui,
Tuỳ thời tuỳ phận tuỳ thời an.
Vương viên ngoại nghe xong, nói:
- Cái thằng nhỏ này thiệt là nói tầm phào không! Trong nhà gia tài vạn ức, vinh hoa hưởng không hết, sang giàu xài bất tận, nếu con không bỏ đi thì đâu có rơi vào hòan cảnh khốn khổ như vầy! Từ khi ra đời tới giờ, có bao giờ con mặc rách rưới như thế này? Hồi cha mẹ con còn sống, lúc còn nhỏ đã định duyên phận cho con xong. Hiện tại Lưu Tố Tố cô nương cha mẹ đã mât, đang ở với cậu là Ðổng viên ngoại. Bên ấy cứ thúc ta đi tìm con về để làm lễ nghinh tân cho con. Việc ra đi của con là do tự ý con muốn, nhưng con đâu có biết là người ta nói ta vì tham mưu đoạt gia tài của con mà đuổi con đi khỏi nhà đấy. Con hãy mau cởi bỏ quách bộ đồ giẻ rách này! Này Vương Hiếu, mi hãy vào trong lấy y phục của công tử mi ra cho công tử đây thay này!
Lập tứ gia nhân vâng dạ vào trong lấy ra một bao quần áo. Tế Ðiên thay đổi y phục văn sinh công tử rồi đem chiếc mũ cũ và tăng bào của mình cuộn lại, nói:
- Thưa cậu, ngàn muôn lần chớ có quăng bỏ bộ y phục rách của con nhé! Quăng đi sẽ mắc tội lớn lắm! Chừng con hoàn tục rồi mới mặc luôn đồ thường phục được.
Vương viên ngoại nghe nói thế, bảo:
- Ðã như thế thì hãy đem bộ y phục này vào trong cho thái thái cất giữ. Ðợi ta chọn ngày lành tháng tốt sẽ lên chùa Quốc Thanh làm lễ hoàn tục cho nó.
Tế Ðiên gật đầu đồng ý. Lão viên ngoại sai bày tiệc rượu. Gia nhân vâng lời sửa soạn lau dọn bàn ghế thì vú em từ bên trong đi ra nói:
- Thưa lão viên ngoại, lão thái thái bảo kêu Lý công tử và công tử ở nhà vào cho thái thái gặp mặt.
Vương An Sĩ nói:
- Ðược, con ơi, con và Lý Tu Duyên hãy vào trong gặp mẹ con đi!
Vương Toàn cùng Lý Tu Duyên đi vào nhà trong. Lão thái thái bấy lâu không gặp mặt con, lâu ngày không gặp mặt cháu nên có ý mong đợi. Vương Toàn bước tới làm lễ mẹ trước, Lý Tu Duyên mới làm lễ mợ sau. Vương thái thái nói:
- Lý Tu Duyên, con hãy ngồi bên cạnh mợ đây. Ta hỏi con, mấy năm nay con ra bên ngoài làm gì?
Lý Tu Duyên không tiện nói thiệt, cũng nói như là đã nói với viên ngoại cho lão thái thái nghe. Ðang nói được mấy câu thì gia nhân vào báo:
- Ngoài thư phòng tiệc đã dọn xong, lão viên ngoại chờ hai vị công tử ra uống rượu.
Lúc đó Vương Toàn và Lý Tu Duyên mới xin phép đứng dậy đi ra bên ngoài. Về đến thư phòng đã thấy lão viên ngoại ngồi chờ sẵn. Trong nhà đã dọn sẵn trái cây tươi ngon, thịt nguội xào nóng đều có đủ. Hôm nay Vương An Sĩ trong lòng rất sung sướng, con đã về nhà cháu cũng đã về, có thể cùng ngồi một bàn uống rượu, mặc sức chuyện trò. Lão viên ngoại ngồi ở đầu bàn, kêu Lý Tu Duyên ngồi bên phải, còn Vương Toàn ngồi bên trái, ba người ăn uống cùng bàn, cậu cháu cha con vừa ăn uống, vừa chuyện trò vui vẻ. Lão viên ngoại muốn hỏi cháu cặn kẽ mấy năm nay sinh sống ra sao, nào ngờ Lý Tu Duyên không muốn nói thiệt, không chịu nói ra lai lịch đạo đức của mình, trong lời nói đều có ngầm ý khuyên giải viên nggoại. Tế Ðiên tính độ thoát cậu mợ xuất gia tu hành, nào ngờ Vương An Sĩ tham luyến hồng trần, chấp mê không ngộ. Ba người ăn uống xong cơm tối, tiệc tan dọn trà lên. Vương viên ngoại kêu gia nhân đem mùng mền ra, hôm nay cùng ngủ lại thư phòng. Gia nhân giăng màn trải nệm xong, lão viên ngoại ngủ riêng một giường, Vương Toàn và Lý Tu Duyên ngủ chung một giường cho dễ bề tâm sự. Vương An Sĩ sợ con và cháu đi xa mệt nhọc, nói nhiều tổn thần nên giục đi ngủ sớm. Lão viên ngoại nói:
- Không cần phải nói nhiều, hôm nay ngủ sớm đi, ngày mai hãy nói tiếp.
Lão viên ngoại nói rồi hai mắt nhắm híp. Ðang lúc mê mê ly ly hôn hôn trầm trầm, lão viên ngoại ngước đầu lên sợ mất hết hồn cả hồn vía!
Tế Ðiên muốn thi triển Phất pháp, đại hiển thần thông ngầm độ cậu mình.*
Yêu phụ hiến mình thức tỉnh Văn Mỹ
Chơn nhơn tặng thuốc cứu tỉnh Tu Duyên
Vương An Sĩ vừa mới nằm ngủ bỗng thấy bốn bề lửa cháy, sợ đến hồn bất phụ thể! Lại sợ con và cháu bị kẹt trong lửa mới lật đật kêu:
- Vương Toàn, Lý Tu Duyên mau chạy theo ta!
Vương Toàn và Lý Tu Duyên cùng chạy theo Vương An Sĩ. Ðương chạy tới trước bỗng thấy sau lưng một con mãnh hỗ lắc đầu đập đuôi, hả miệng lớn như chậu máu đuổi gấp theo sau. Ba người chạy riết, bỗng thấy trước mặt có con sông nhỏ cắt đường mà không có thuyền bè chi hết. Vương An Sĩ nghĩ thầm: “Ðiệu này chắc không xong! Mãnh hổ rượt tới chỉ có chết mà thôi!”. Ðang lúc quá gấp rút, bỗng thấy dưới sông vang lên một tiếng, từ dưới nước nhô lên một đài sen, ngồi trên đài sen là một vị lão tăng, mình mặc tăng y màu đồng xưa, trên cổ đeo xâu chuỗi 108 hạt, đang ngồi xếp bằng, hai tay để trên lòng. Vương An Sĩ nhìn thấy vội kêu:
- Xin Thánh tăng cứu mạng cho!
Vị Hòa thượng miệng niệm:
- Nam mô A Di Ðà Phật! Thiện tai, thiện tai. Biển khổ không bờ, ngoài đầu là bến!
Nói xong, vị lão tăng ngắt một đóa sen thả trên mặt nước, lập tức đóa sen biến thành một chiếc thuyền. Vị Hòa thượng nói:
- Vương thiện nhân, các người hãy lên thuyền đi!
Vương An Sĩ muốn bước lên thuyền lại sợ mãnh hổ chạy đến ăn thịt con và cháu đi, mới vội kêu lên:
- Tu Duyên mau lên thuyền! Con ơi mau lên thuyền!
Vương Toàn và Lý Tu Duyên gật đầu, vừa bước lên thuyền thì mãnh hổ cũng vừa chạy tới nhăn nanh múa vuốt há miệng chực táp. Vương viên ngoại còn chưa kịp lên thuyền, sợ quá “a” lên một tiếng, giật mình tỉnh dậy. Mở mắt ra mình mẩy ướt đẫm mồ hôi vì sợ, té ra là một giấc giấc Nam Kha! Vương An Sĩ nghe trống ngực còn đập thình thịch, kế nghe Lý Tu Duyên la ú ớ:
- Cậu ơi, cậu, không xong rồi!
Vương An Sĩ hỏi:
- Tu Duyên, con la cái gì thế?
- Con nằm mộng ghê quá! Con thấy nhà chúng ta bị cháy, cậu lôi hai con chạy đi, lại bị con hổ rượt phía sau. Chúng ta đang chạy gặp phải con song chán ngang không qua được. Bỗng nhiên có một vị lão tăng ngồi trên đài sen, ngắn một đóa sen thả xuống mặt nước biển ra một chiếc thuyền. Vị lão tăng nói: “Biển khổ không bờ, ngoái đầu là bến!”. Con với anh con vừa lên thuyền, thấy con cọp chạy đến táp cậu làm con sợ quá la lên tỉnh giấc.
Vương viên ngoại nói:
- Thiệt là kỳ lạ! Ta cũng vừa nằm mộng thấy y như vậy.
Lý Tu Duyên nói:
- Thưa cậu, theo con nghĩ, nên xuất gia là hơn! Con thấy xuất gia rảnh rang hơn tại gia nhiều. Người ta sống đến một trăm một tuổi rồi cũng phải chết đi, chi bằng tu phước gieo đức vẫn hơn, không tu kiếp này kiếp sau tu, để ra khỏi một thân oan nghiệt. Giống như cậu, mấy năm nay chịu nhiều cay đắng càng nên xuất gia mới phải!
- Cái thằng nhỏ này! Ðiên điên khùng khùng mới nói đến chuyện xuất gia đó. Ta ở trong nhà này nhất hô bá ứng, xuất gia có gì đẹp đâu nào? Con không nhớ sao, mấy năm nay con ra đi xuất gia chịu không biết bao nhiêu cảnh khổ sở nhọc nhằn, gió táp mưa sa ư! Còn về dòng dõi họ Lý chỉ có một mình con độc nhất, không có anh em chi cả, làm sao rạng rỡ tổ tông hiển đạt môn đình, phong thê ấm tử để tiếp nối lửa hương cho được! Mạnh tử nói: “Bất hiếu có ba, không con nối dõi là lớn nhất”. Con đã đọc sách Khổng Mạnh, chắc rành lễ Châu Công. Nói như thế phải chăng là con đã quến hết rồi ư?
- Cậu nói lời đó sai rồi! Cậu há không biết “Một con đắc đạo, cửu huyền thăng thiên” hay sao?
Viên ngoại tằng hắng một tiếng, tức giận không nói nữa. Lại cảm thấy buồn ngủ, mộng thấy như trước. Ba lần như vậy. Ðó là Tế Ðiên muốn độ thoát cho Vương An Sĩ ra khỏi biển khổ nhưng ba lần được nằm mộng cảnh giác mà ông không chịu tỉnh ngộ! Nghe bên ngoài trống đã sang canh ba, Vương viên ngoại nghĩ tới nghĩ lui một hồi rồi tiếp tục ngủ lại. Trời sáng ra, lão viên ngoại, Vương Toàn, Lý Tu Duyên đều thức dậy, gia nhân chuẩn bị nước rửa mặt, uống trà điểm tâm. Tế Ðiên hỏi:
- Thưa cậu, đại ca Hàn Văn Mỹ của con sao không thấy đến?
- Hàn đại ca của con hiện đang bị bịnh.
- Chúng ta nên đi thăm anh ấy đi! Mấy năm nay con không gặp mặt.
Vương viên ngoại nói:
- Ðược, chúng ta cùng đi đến đó.
Vương Toàn cũng đi theo. Ba người đến cổng nhà Hàn viên ngoại kêu cửa. Gia nhân bên trong đi ra thấy nói:
- Lão viên ngoại mới đến à?
- Ngươi vào bên trong thưa lại, có cháu ta là Lý Tu Duyên mới về nhà, đặc biệt đến thăm Hàn công tử.
Gia nhân đi vào trong, giây lát trở lại nói:
- Thưa viên ngoại, công tử chúng tôi xin mời.
Vương An Sĩ mới dẫn Lý Tu Duyên đi thẳng vào trong, đến phòng ngủ của Hàn Văn Mỹ đã thấy Hàn Thành có mặt ở đó rồi. Hai bên cùng chào hỏi nhau xong, Tế Ðiên thấy Hàn Văn Mỹ đối với Lý Tu Duyên không phải là người ngoài, hôm nay gặp nhau sau mấy năm xa cách, nên lật đật nói:
- Lý hiền đệ, Mấy năm nay đi đâu?
- Tôi ra bên ngoài hóa chút duyên.
- Hiền đệ hóa chút duyên mà có khá không?
- Hóa chút duyên cũng không lấy gì làm khá mà cũng chẳng không. Gặp đâu ăn đó thôi. Hàn đại ca! Anh sao không uống thuốc?
- Uống thuốc đã nhiều rồi mà cũng không thấy khá.
- Sẵn đây có một viên thuốc, tôi cho anh uống nhé!
- Thuốc gì vậy?
- Thân thối trừng nhãn hoàn.
- Này chú, chú đừng giỡn chơi chớ! Cho tôi uống thuốc gì mà duỗi chân (thân thối) trợn mắt (trừng nhãn) chớ?
- Tại anh không biết thôi, thuốc này uống vào duỗi chân trợn mắt là bệnh hết ngay. Thuốc này có thể trị bá chứng được! Viên thuốc không phải của tôi đâu, mà là tôi lấy trộm của Tế Ðiên Hòa thượng đấy.
Vương viên ngoại trợn mắt ngó Tế Ðiên một cái nhưng Tế Ðiên vẫn nói:
- Thuốc này thiệt là của tôi lấy trộm đấy, bất luận nam phụ lão ấu, bị tạp chứng gì hễ uống vào là khỏi ngay.
Hàn Văn Mỹ uống ngay viên thuốc, quả nhiên cảm thấy thần thanh khí sảnhg tức thì. Tế Ðiên hỏi:
- Bệnh của anh là bệnh gì, anh có biết không?
- Tôi không biết.
- Tôi biết bệnh của anh là hư lao.
- Này chú, chú đừng nên nói hồ đồ nghe.
- Chẳng những anh mắc bênh hư lao mà trong người anh còn có mang yêu khí nữa. Anh hay bị hoa mắt phải không?
- Chú nói điên khùng gì vậy?
- Tôi không điên chút nào! Hàn đại tẩu ở đâu cho tôi gặp một chút.
Ở phòng chái phía Tây ấy.
- Ðể tôi đi gặp chị ấy.
Tế Ðiên nói rồi bước đi, mọi người cùng đi theo. Tế Ðiên đến bên phòng chái phía Tây nhìn xem rồi nói:
- Phải chăng là nó? Ðúng là yêu tinh.
Hàn Văn Mỹ nói:
- Chú này điên thiệt rồi. Chị dâu của chú sao bảo là yêu tinh? Ðây là chỗ anh em, nếu là người khác nói bậy nói bạ như thế, tôi lập tức tống ra khỏi cửa ngay.
Tế Ðiên không trả lời, cứ đi xăm xăm về phía vợ của Hàn Văn Mỹ, đánh thêm một bạt tai. Hàn Văn Mỹ thấy vậy sửa soạn làm dữ, thì thấy vợ hắn há miệng phun ngay Tế Ðiên một luồng khí đen. Tế Ðiên lập tức ngã té trên mặt đất, bất tỉnh nhân sự, giống như người chết. Yêu tinh hiện ra nguyên hình là một con hương chương giống như con la nhỏ, cỡi gió chạy mất. Hàn Văn Mỹ rất ngạc nhiên, giờ mới rõ ràng: “Lâu nay mình ấp yêu con hương chương này, ngày ngày cùng nó chung chăn gối, cho đến bây giờ mình mới biết rõ!
Xưa nay ân ái, bây giờ thành không,
Ngày xưa phong lưu, hiện nay đâu còn?”.
Chẳng lạ gì người ta nói: “Phù dung mặc ngọc chỉ là xương khô mang ngọc, Hồng nhan đẹp đẽ đều là dao bén giết người.” Bấy giờ Hàn Văn Mỹ mới chịu tỉnh ngộ. Lúc đó, Vương viên ngoại thấy cháu mình bị yêu tinh phun té, gấp quá kêu lia lịa:
- Tu Duyên ơi, tỉnh lại con!
Kêu liên tiếp mấy tiếng không thấy ừ hử, Vương viên ngoại dậm chân, nói:
- Bây giờ phải làm sao đây?
Ông ta dòm tới dòm lui, giống như trông cháu trở về vậy. Tuy thấy nó chết mà kể như còn sống. Vương Toàn cũng lo lắng không kém! Vương viên ngoại nghĩ: “Nếu Lý Tu Duyên lần này chết thiệt, ta đem một phần gia nghiệp của nó để lo việc tang ma”. Còn đương ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mất trí thì từ bên ngoài một gia nhân đi vào báo:
- Thưa viên ngoại, hiện giờ bên ngoài cửa mới đến một lão đạo sĩ, đó là Mai hoa chân nhân. Ông ta nói biết Lý công tử bị yêu phun độc khí nên có ý đến cứu trị. Ông ta có tiên đơn diệu dược có thể khởi tử hồi sinh được.
Vương viên ngoại nghe nói vội cho người ra mời vào. Vương viên ngoại thấy lão đạo sĩ từ bên ngoài đi vào bèn nói:
- Thưa tiên trưởng, xin lão nhân gia từ bi chữa trị cho.
Lão đạo sĩ móc ra một viên thuốc, bảo người lấy nước âm dương hòa tan để cho Lý Tu Duyên uống. Qua nhiên giây lát nghe trong bụng Lý công tử sôi ột ột mấy tiếng. Công tử mở mắt ra và lồm cồm ngồi dậy như thường. Tế Ðiên giả bộ như không quen biết Tôn Ðạo Toàn. Vương viên ngoạn thấy Tôn Ðạo Toàn cứu tỉnh Lý Tu Duyên mới nói:
- Thưa tiên trưởng, lão nhân gia đừng có đi. Trước đây người đã cứu mạng tôi, bây giờ lại cứu tánh mạng của cháu tôi nữa, tôi thật cảm ơn vô vàn! Trước hết xin mời tiên trưởng về nhà tôi, tôi có chút lễ mọn kính tặng tiên trưởng.
Hàn Thành lúc đó cũng biết dâu mình quả là yêu tinh, trước đây đánh lão đạo sĩ đuổi ra khỏi nhà thật là xấu hổ, vội bước lên xin lỗi:
- Trước đây tôi thiệt lỗ mãng, xúc phạm đến chân nhân, hôm nay xin chân nhân hỷ xả cho.
Lão đạo sĩ cười hà hà, nói:
- Thưa hai vị viên ngoại, chúng ta sau này có lúc sẽ gặp lại. Tôi còn có công vụ phải làm, tạm thời xin cáo từ.
Nói rồi Tôn Ðạo Toàn vận chẩn cước phong bỏ đi.
Lão đạo sĩ vâng lệnh Tế Ðiên đi thẳng lên Thượng Thanh cung đưa tin cho Thái Duyệt lạo tiên ông. Vương viên ngoại thấy lão đạo sĩ đi rồi bèn dẫn Vương Toàn, Lý Tu Duyên trở về nhà mình, vừa bảo dọn rượu thì thấy Trương Sĩ Phương từ ngoài đi vào. Tên tiểu tử này từ khi Tam Thanh quán bị cháy, hắn đem 400 lượng bạc mà Vương thái thái giao cho đặt nhà đám nhà đồ đi đánh bạc thua sạch. Hắn tự nghĩ: “như vầy hãy còn thua ít”. Lại nghe nói Vương Toàn và Lý Tu Duyên đã về, hắn thầm nghĩ: “Hai tên này mà về nhà thì cô ta đâu có để ta muốn làm gì thì làm được. Hai đứa này thiệt là phổng tay trên mình mà! Mình há không muốn tài sản đó thuộc về mình sao. Tại sao mình lại không phổng tay trên tụi nó?”. Tên tiểu tử Trương Sĩ Phương thật là lòng lang dạ chó rất độc ác. Hắn ta nghĩ rằng hai người này một khi trở về thì cô hắn không còn cho tiền hắn nữa, chi bằng tìm cách hại họ đi, tương lai Vương An Sĩ chết rồi thì gia tài trăm vạn này sẽ về tay hắn. Nghĩ rồi hắn đến tiệm mua một trăm tiền thạch tín, một trăm tiền hồng phàn (phèn đỏ). Tiệm thuốc hỏi:
- Chú mua thứ thuốc độc này để làm gì?
Hắn đáp:
- Ðể làm thuốc diệt chuột.
Thuốc trộn xong, hắn cầm đi thẳng đến nhà Vương An Sĩ, muốn lén bỏ thuốc độc ngầm hại Vương Toàn và Lý Tu Duyên.*
Mua thuốc độc ngầm hại người em họ
Ðiềm ác mộng khó độ kẻ hôn mê
Trương Sĩ Phương lén mang thạch tín, hồng phàn đến nhà Vương An Sĩ, khi gặp Vương viên ngoại, hắn nói:
- Thưa dượng, dượng có khỏe không? Con nghe hai em đã trở về nên đặc biệt tới thăm đây.
Vương An Sĩ không biết Trương Sĩ Phương cấu kết với hai lão đạo sĩ hại mình, lại cho hắn là người tốt. Tại sao như thế? Nhân vì Vương thái thái rất thương cháu ruột, khi Vương An Sĩ mạnh rồi, Vương thái thái kể nhiều điều tốt cho hắn, nói rằng khi ông bệnh, Trương Sĩ Phương thiệt là quá tốt, thấy em nó không có ở nhà mà ông bị bệnh, nó lo việc giăng màn tính hậu sự trước; lại đi đặt nhà đám nhà đồ, chạy tới chạy lui lăng xăng mấy bữa. Thấy ông mạnh lại mới đi về đó. Vương An Sĩ nghe vợ nói tin là thiệt, nói:
- Thằng bé này tại nó không lo làm ăn thôi chớ kỳ thật không đến nỗi không tốt.
Hôm nay Trương Sĩ Phương đến thăm, Vương An Sĩ rất vui, nói:
- Trương Sĩ Phương, con thấy hai em con đã về rồi đó. Từ nay nếu con cải tà quy chánh, ta lo nhân duyên của Lý Tu Duyên xong sẽ cưới vợ cho con.
Trương Sĩ Phương gặp Lý Tu Duyên hỏi:
- Này chú em, mấy năm nay chú đi đâu? Ta thiệt nhớ chú quá!
Tên tiểu tử này ngoài miệng nói ngọt xớt mà trong lòng lại toan tính: “Lát nữa thừa dịp họ bất phòng, mình bỏ thuốc vô bình trà, còn không nữa, mình bỏ vô rượu hay trong chén cơm để hai thằng ấy chết đi mình mới phát tài được”. Trong lòng toan tính hại người mà bên ngoài hắn nói những lời nhân từ đạo đức!
Lý Tu Duyên nói:
- Trương đại ca, anh lại đây, một lát chúng ta cùng ăn cơm chung bàn nhé!
Vương An Sĩ nói:
- Ðược, ba anh em con ăn chung bàn đi, ta thấy vui đó.
Nói rồi kêu gia nhân dọn cơm rượu lên, Trương sĩ Phương ngồi giữa, Vương Toàn và Lý Tu Duyên ngồi hai bên. Vừa định uống rượu thì Lý Tu Duyên nói:
- Trương đại ca, anh coi tôi bây giờ cần có người ăn chung lắm, tôi rất sợ nên phải đề phòng. Bây giờ người tốt thì ít mà người xấu thì nhiều. Tôi rất sợ người ngoài miệng nói tốt mà trong lòng toan tính hại tôi. Mua 100 tiền thạch tiền thạch tín, 100 tiền hồng phàn, rình khi bất phòng bỏ vào chén cơm, còn không được thì bỏ vào ly rượu.
Trương Sĩ Phương nói:
- Chú em, chú nói khùng à? Ai dám hại chú đâu.
- Năm kia có người đồng bạn của chúng tôi cũng là hòa thượng kiếc, ông ta cùng ăn cơm chung với tôi lại bỏ thuốc độc, suýt chút nữa là tôi bị hại rồi. Từ dạo đó ăn cơm chung với ai, tôi hay để ý lắm; thật ra chúng ta là anh em với nhau, lẽ nào lại hại tôi sao? Trương đại ca, anh đừng giận! Trên mình anh có mang theo thạch tín không?
- Không có đâu!
- Có mang theo hồng phàn không?
- Cũng đâu có!
- Tôi cũng biết anh không thể làm như vậy, mà để ý vẫn tốt hơn!
Câu nói đó làm cho Trương Sĩ Phương tâm thần rúng động. Hắn sẵn có tịch thành ra càng nhột nhạt. Làm sao trên đời này lại có một trường hợp giống như vậy được. Hắn sợ quá, cũng không dán lòi ra. Một ngày hai bữa cơm hắn không dám bỏ thuốc. Trời đã tối, viên ngoại nói:
- Trương Sĩ Phương, nếu con không về thì ở đây ba anh em con ngủ ở thư phòng, ta ra phía sau nghỉ.
- Vậy cũng được, Trương Sĩ Phương nói.
Lão viên ngoại đi vào trong. Ba người ngủ lại thư phòng. Vương Toàn và Lý Tu Duyên ngủ một giường, Trương Sĩ Phương ngủ riêng một giường. Vương Toàn nằm xuống là ngủ ngay, Lý Tu Duyên cũng ngáy pho pho, chỉ có Trương Sĩ Phương nằm lăn qua lăn lại không ngủ được. Trong bụng hắn trù tính: “Ta phải tìm cách hại hai thằng này mới phát tài được.” Nghĩ tới nghĩ lui đã chìm sâu vào giấc ngủ. Vừa mới thiếp ngủ thì thấy từ ngoài đi vào một ngườI chừng hơn 50 tuổi, mặt trắng râu đen, đầu đội mũ bằng vải xanh, mặc áo kép cùng màu lưng thắt dây to bản, mang giày đỏ két, đế mỏng, tay cầm truy hồn thủ mạng bài, đi theo sau là một con quỷ nhỏ, mặt như bùn xanh, hai chân mày đỏ, đầu tóc đỏ nốt, mình trần quấn quanh chiếc quần màu da cọp, tay cầm lang nha bổng, răng chơm chởm. Trương Sĩ Phương nhìn thấy sợ run lập cập! Vị công sai ấy nói:
- Trương Sĩ Phương, việc của ngươi làm ngươi có viết không? Hiện tại có người tố cáo ngươi, ngươi phải đi với ta.
Nói xong khua dây sắt rổn rảng, trói chặt Trương Sĩ Phương và lôi đi. Trương Sĩ Phương thấy mình đi trên đường cát vàng im ỉm không giống như đường đã đi. Ðương đi thấy trước mặt có môt toà lầu, trên đề chữ “Âm Dương Giới”. Trương Sĩ Phương lo lắng: “Không xong rồi! Chắc tới Âm tào Ðịa phủ đây!”.
Qua khỏi tòa lầu không xa, thấy trước mặt có một toà thành trì rất là hiểm ác! Chỉ thấy âm phong thăm thẳm, mây đen mịt mù. Trong âm phong phưởng phất có tiếng khóc than, trong mây đen lảng vảng bóng hình li mị. Mang gông xiềng xích, chưa biết ngày nào thoát khỏi âm sơn! Cưa xẻ giã nhồi, không hay bao giờ xa rời địa ngục! Mục Liên mẫu tựa lan can dõi mắt trông con, vợ Giả Sung ngồi bên Nại Hà chờ chồng, Mã diện Ngưu đầu kéo lôi Tào Man vừa qua, Tang môn điếu khách trói dắt Vương Mãn lại đến.
Thật là:
Nhân gian chẳng thấy bọn gian dâm,
Ðịa phủ chất đầy người thọ tội.
Trương Sĩ Phương đang kinh hãi quá sức thì thấy một con quỷ lớn mình cao một trượng, tam đình nở rộng, mặt như gạch nám, lông mày đỏ tươi, con mắt đỏ lòm, tóc để xõa, mình đầy lông lá, tay cầm thiên xoa ba ngấn, bộ tướng rất hung ác, lớn tiếng hỏi:
- Mày là du hồn ở phương nào đến địa phương Phong Ðô của tao, Hãy nói mau để khỏi bị bắt giữ.
Viên công sai ấy đáp:
- Xin chào quỷ vương huynh! Tôi vâng lịnh Diêm La Thiên tử bắt hồn quỷ Trương Sĩ Phương đến đây.
- Ðã như thế thì thả cho mày đi qua.
Viên công sai lại kéo hắn đi tiếp, thấy trước mặt một tòa cửa lớn, hai bên vô số ác quỷ dữ tợn, trước cửa có một đôi liễn đối:
Bên này:
Dương thế gian hùng, thương thiên bại lý bởi do ngươi.
Bên kia:
Âm tào địa phủ, xưa qua nay lại có chừa ai?
Bảng ngang đề: Ngươi đến rồi ư?
Trương Sĩ Phương nhìn thấy mật rớt tim run! Tiến vào cửa lớn, bên trong phưởng phất giống như một tòa Kim An điện. Trên cột điện có một đôi liễn:
Chớ làm càng, ảo mộng sanh hoa, sờ sờ trước mắt thật cùng không, luống nhọc tâm cơ!
Ðừng lớn mật, sắt nóng đồng sôi, mờ mịt tâm thần sợ hay không, nghĩ suy cặn kẽ!
Trên biển ngang đề: Thiện ác phân minh.
Trương Sĩ Phương ngước đần nhìn lên thấy Diên La Thiên tử ngồi chễm chệ ngay chính giữa, đầu đội mũ ngũ long tranh châu, đầu rồng day ra trước, mình mặc cổn lông bào màu vàng, ngọc đái thắt ngang lưng, chân dận quan hài. Diêm Vương mặt như dao sắt, ba chòm râu đen lòa xòa trước ngực. Thiệt là thiết diện vô tư, phán quan: Một vị cầm sổ thiện ác, một vị cầm sổ sinh tử. Hai vị phán quan đều đội mũ đen giắt lông trĩ, mình mặc đại hồng bào, cổ tròn tay rộng, lưng cột bảo đái bằng tê giác, chân mang giày đen đầu vuông. Hai bên đều có Ngưu đầu Mã diện, rất nhiều ác quỷ dữ tợn đứng dàn hầu. Vị công sai ấy hô:
- Diêm La Thiên tử ở trên, quỷ tốt vâng sắc chỉ bắt hồn quỷ Trương Sĩ Phương về đây.
Trương Sĩ Phương lúc đó không tự chủ được, tự động quỳ xuống. Diêm La Thiên tử ở trên nhìn xuống, nói:
Trương Sĩ Phương, ngươi đời trước có tích tụ phước đức nên đời này thác sanh làm con nhà giàu sang, hưởng phước an nhàn tự tại, không ngờ ngươi lại tự tung tự tác làm chuyện thương thiên nghịch lý, ra ngoài tìm hoa hỏi liễu, phá hoại phụ nữ nhà lành, làm tổn hao âm đức; ngươi lại mưu hại dượng ngươi là Vương An Sĩ, bây giờ định mưu hại em họ là Vương Toàn và Lý Tu Duyên nữa. Thật là tội ác đầy trời! quỷ tốt đâu! Hãy dẫn Trương Sĩ Phương đến các vua Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Ðế Vương, Ngũ Quan Vương, Biện Thành Vương, Thái Sơn Vương, Ðô Thị Vương, Bình Ðẳng Vương, Chuyển Luân Vương, qua Tả ba tào, Hữu bốn tào, 74 ty, rồi sau đó dẫn nó đi thăm các cửa ngục cho biết mà chừa.
Quỷ tốt dạ rân, lập tức lôi Trương Sĩ Phương qua 10 điện Diêm La, rồi mới đến một sở, nơi đó hai con ác quỷ dữ tợn đang trói một người và cầm dao cắt lưỡi người ấy. Trương Sĩ Phương nhìn thấy, hỏi:
- Quỷ vương ơi, đây là tội gì thế?
- Người này hồi còn ở dương thế hay nói mách lẻo, khêu gợi chuyện thị phi, nói bạ. Sau khi chết phải vào địa ngục cắt lưỡi này.
Trương Sĩ Phương thấy ghê quá. Lại đi tới chỗ quỷ sứ đang mổ ngực móc tim tội nhân ra. Trương Sĩ Phương hỏi và quỷ tốt đáp:
- Người này hồi còn ở dương thế lòng quá ích kỷ, gian dâm, trộm cắp. Sau khi chết phải vào địa ngục moi tim.
Lại đi tới nữa, thấy một tòa núi dao, có mấy con quỷ lớn nâng bổng người tội ném trên núi dao ấy. Họ đều bị mũi dao đâm suốt cả người, máu tuôn xối xả. Trương Sĩ Phương hỏi:
- Mấy người này tại sao bị như thế?
- Ðó là những đứa con bất hiếu, chửi mắng cha mẹ, oán trời trách đất, rủa gió hờn mưa. Sau khi chết phải vào địa ngục núi dao này.
Lại đi nữa, thấy một cây cột sắt cháy đỏ hừng hực, bắt một tội nhân đến ôm bị một con quỷ to đánh đập khổ sở. Trương Sĩ Phương hỏi và ngục tốt đáp:
- Người này hồi còn sống ở dương thế gian dâm vợ người làm mất danh tiết của họ. Sau khi chết xuống phải ôm cây cột lửa này.
Lại đi nữa, đến một tòa Hồ băng, người tội thân thể lõa lồ, nằm trên hồ băng giá buốt ấy. Trương Sĩ Phương hỏi và ngục tốt cho biết:
- Người này hồi còn sống ở dương thế cổ xướng những dâm thư, chuyên hát những dâm từ, dẫn dụ phụ nữ nhà lành hư thân mất tiết. Sau khi chết phải vào trong địa ngục băng lạnh này.
Lại đi nữa đến một ao huyết, rất nhiều người đàn bà đang uống máu dơ trong đó. Trương Sĩ Phương hỏi và được cho biết:
- Những người đàn bà sống ở dương thế không biết kính trọng cha mẹ, không tiếc ngũ cốc, không tin thần Phật, không kính trọng chồng. Sau khi chết phải vào đây uống máu dơ. Ðây là ao máu dơ.
Lại đi tới nữa không xa, thấy có một cái cân lớn đang móc ngang lưng một người. Hỏi ra mới biết người này khi sanh tiền chuyên dùng cân già cân non, hại người lợi mình, nên phải chịu quả báo này. Lại đi nữa gặp chỗ xay nghiền, chảo nấu dầu, chỗ ngàn dao muôn kiếm, chỗ lột da rút gân đủ thứ đủ loại. Ðó là những chỗ dành cho người tội lúc sinh tiền giết người phóng hỏa, trộm cắp, tà dâm… Trương Sĩ Phương đi một hồi lâu đến chỗ cầu vàng và cầu bạc. Một ông già mặt mũi hiền từ, có Kim Ðồng, Ngân Ðồng cầm quạt đứng hầu. Mội người trong tay đều có cầm bàn toán, trong bàn toán có chỗ cắm quạt. Trương Sĩ Phương hỏi:
- Người này sao được thanh nhàn như thế?
- Người ấy trên dương thế hay bình sách, giảng cổ luận kim nói đạo đức, dạy nhân ái. Khắp độ kẻ mê muội, khuyên người làm lành. Sau khi chết được Kim Ðồng, Ngân Ðồng đưa qua cầu vàng cầu bạc siêu sanh về nhà quyền quý. Phàm ở dương thế đắp đường sửa cầu, phóng sanh, trai tăng thí gạo, mùa đông thí nước gừng, mùa hè thí trà mát, tế khổn phò nguy, kính trời đất, lễ thần minh, thờ tổ tiên, hiếu cha mẹ. Những người này sau khi chết được qua cầu vàng cầu bạc.
Trương Sĩ Phương gật đầu nghĩ: “Hèn chi người ta nói: Thiện ác rốt rồi đều phải trả, chỉ có đến mau với chậm thôi”. Trương Sĩ Phương đi khắp các địa ngục, lại dẫn đến gặp một vị Diêm Vương. Diêm Vương truyền:
- Ðem Trương Sĩ Phương quăng vào vạc dầu chiên nó.
Quỷ tốt dạ rân, trước mắt thấy một chảo dầu lớn đang sôi sùng sục, khói bốc mịt mù, Trương Sĩ Phương bị nhấc bổng lên sắp quăng vào chảo, sợ quá thét lên một tiếng giật mình tỉnh lại.*
- o0o -
Hồi thứ 141-145 | Mục Lục | Hồi thứ 151-155
- o0o -
| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |
---o0o---
Vi tính : Diệu Mỹ
Trình bày : Nhị Tường
Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
Cập nhật : 01-7-2003
Nguồn: www.quangduc.com