TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG
Người dịch: Ðồ Khùng
- - -o0o- - -
Tập Một
Hồi Thứ 52
Hồi Thứ 53
Hồi Thứ 54
Hồi Thứ 55
Hồi Thứ 52
Mỹ nhiệm công bái thỉnh Tế Thiền sư
Hội Anh lầu khéo gặp bọn tặc khấu
Sài Nguyên Lộc ôm nâng người treo cổ ấy lên, Ðỗ Chấn Anh chạy tới thấy vậy, nói:
- Ðại ca đã bắt được Hoa Vân Long rồi hả? Thằng Hoa Vân Long này già quá!
- Cái gì? Chú coi, người này râu tóc bạc phơ, già cóp như vậy mà hái hoa nỗi gì.
Hai người đưa ông già xuống, một người vỗ lưng, một người lay gọi ông già tỉnh lại. Cứu cấp hồi lâu, ông già bắt đầu thở nhẹ. Vừa mở mắt ra, đột nhiên ông già mắng lớn:
- Hai thằng nhỏ này, tại sao ngoài đường chẳng chịu đi mà lại vào đây xía vô chuyện của người ta?
Sài Nguyên Lộc bị ông già mắng xong mới nói:
- Ông già này nói nghe không trúng gì hết! Giả thử như bọn tôi treo cổ ở đây, ông thấy có chạy lại cứu không? Có lý nào thấy người sắp chết mà không cứu được à? Ông đừng tưởng hai đứa tôi mặc đồ thường mà khi dễ. Ông nay tuổi tác đã dường ấy, vì cớ gì mà lại tính chuyện không hay như thế? Vì tiền ư? Hay ai khi dễ ông? Ông hãy nói cho chúng tôi biết. Nếu cứu ông được, chúng tôi sẽ giúp cho. Ông mắng chúng tôi, chúng tôi không giận ông đâu. Tôi hỏi thiệt, tại sao ông lại đâm đầu tìm cái chết như vậy?
Ông già thở dài, nói:
- Vừa rồi cạn nghĩ nên đắc tội nhiều với hai vị. Tôi không biết làm gì hơn là mắng hai vị cho đỡ khổ. Tôi nghĩ là việc của tôi nói rõ cho hai vị nghe cũng không giúp gì được, rồi tôi lại phải tìm cái chết thôi. Các vị lại làm cho tôi mắc phải hai lần tội.
Sài Nguyên Lộc nói:
- Ông cứ nói thiệt việc gì làm ông chán đời như vậy đi. Chúng tôi hứa giúp là có thể giúp được mà. Ông thấy bọn tôi mặc đồ nhà quê, trước mặt ông nói như vậy cho là khoe khoang khoác lác, chứ nói thiệt cho ông biết, bất cứ chuyện gì hai tôi đều có thể can thiệp được hết.
- Hai vị muốn hỏi thì xin ngồi xuống đây tôi sẽ từ từ trình thuật. Tôi là người thôn Tụ Hoa, huyện Phú Phong, họ Phó tê Hữu Ðức. Chủ tội họ Phùng tên Văn Thái, làm Tri huyện ở huyện Kính Huyện, tỉnh An Huy. Lão gia tôi là một vị quan thanh liêm, nghiêm nghị chính trực, thương dân như con bị bệnh mất tại chức, nhà cửa sạch không. Tôi cùng phu nhân, công tử và tiểu thư phò linh cữu trở về nguyên quán. Tiểu thư tôi hứa gả cho gia đình quan Lại bộ tả đường Chu đại nhân ở Lâm An. Hiện tại nhà trai đưa tin muốn rước dâu, phu nhân nhà tôi không có tiền sắm sửa cho con về nhà chồng. Phu nhân bảo tôi đến nhà em của phu nhân đang làm quan ở phủ Trấn Giang mượn 200 lượng bạc về sắm sửa cho tiểu thư. Ông cậu ở Trấn Giang nghe tin lão gia tôi mất tại chức bèn trách tôi tại sao không đưa gia đình phu nhân về nhà ông ấy, lại để cho phu nhân và gia quyến phải cực khổ trăm bề như vậy. Ông cậu giao cho tôi 600 lượng bạc và bảo: 500 lượng bạc đem về đưa phu nhân sắm sửa cho tiểu thư về nhà chồng, còn 100 lượng bạc cho tôi làm lộ phí vì thấy tôi đi đường cực khổ quá. Tôi sợ số bạc này rơi rớt dọc đường mới đem đổi thành 12 nén vàng để trong cái túi cột ở thắt lưng. Tôi đi đến rừng này nghe trong bụng quặn đau. Có lẽ do mấy ngày đi đường trúng nắng tôi lại bị cảm lạnh mà ra nông nỗi. Bụng mỗi lúc đau thêm không thể đi được, tôi bèn ngồi nghỉ ở gốc cây một lúc cho đỡ đau. Ðương lúc đó bỗng có một cậu trai chừng 20 tuổi đi đến, trong tay cầm một sợi dây, hỏi tôi tại sao ngồi dưới gốc cây mà không đi nữa. Tôi bảo: - Tôi đau bụng quá. Anh ta đưa cho tôi hai miếng thuốc vạn kim đơn. Tôi uống vào cảm thấy tay chân bủn rủn, thiếp đi lúc nào không biết. Chừng tỉnh dậy chỉ thấy sợ dây trước mặt, còn chàng trai kia đâu mất. Rờ vào thắt lưng, túi vàng cũng mất tiêu luôn. Hai vị nghĩ coi, mất tiền như vậy về gặp bà chủ, tôi biết nói sao bây giờ? Phu nhân nhà tôi đã nghèo lại cần tiền gấp để sắm sửa cho con gái! Trở về nhà ông cậu, tôi phải trả lời như thế nào với ông ấy? Mà nói ra chắc gì ông ấy đã tin tôi. Nghĩ cùng suy cạn, tính tới không xong, tính lui cũng chẳng được, chỉ còn có nước chết mà thôi. Chuyện ở nhà phu nhân tôi mặc cho nó ra sao thì ra. Hai vị dù có hảo ý cứu tôi, cũng không giải quyết gì được, tôi đành phải chết, có phải mắc hai lần tôi không?
Sài, Ðỗ nghe ông già nói mới biết là Tế Công khéo nói để họ kịp cứu người chớ ông già này có phải là Hoa Vân Long đâu! Hai vị bèn nghĩ: “Tại sao mình không chơi trát Hòa thượng một vố?”.
Nghĩ rồi bèn nói:
- Này Phó Hữu Ðức, ông đừng nên chết làm gì! Lát nữa đây sẽ có ông Hòa thượng kiếc từ đàng kia đi lại, ông cứ níu ông ấy lại đòi tiền. Nếu ông ấy không đưa, ông đừng cho ổng đi, bảo ông ấy tính giùm ông.
- Ừ vậy thì được.
Ðang nói tới đó thì từ đầu kia đi lại một Hòa thượng kiếc dáng đi ngã xiêu ngã tó, chân bước loạng choạng, vừa đi vừa hát lè nhè:
Người bảo ta điên, ừ cứ điên!
Ðiên khùng như ta có nét riêng
Nếu ai muốn học điên khùng ấy
Phải nộp bần tăng rượu mấy tiền.
Sài Nguyên Lộc kêu:
- Sư phó, lão nhân gia mau lại đây!
Phó Hữu Ðức dòm ra thấy một vị Hòa thượng kiếc, quần áo rách nát. Hòa thượng bước tới hỏi:
- Này hai vị, ông già này là ai vậy?
Sài, Ðỗ vị đem việc vừa rồi thuật lại. Tế Ðiên hỏi:
- Hai ông có 600 lượng bạc không?
- Không có.
- Hai ông không có 600 lượng bạc làm sao cứu được Phó Hữu Ðức? Có phải là vô cớ bới việc không? Hai ông hiện có bao nhiêu tiền?
- Hai tôi hiện giờ chỉ có 200 lượng bạc làm lộ phí thôi. Ngoài ra một trinh cũng không có!
Phó Hữu Ðức nghe ba người nói chuyện với nhau, tự nghĩ thầm: “Mình mất tiền là chuyện riêng của mình, tại sao phải làm phiền họ đến thế?”. Nghĩ rồi bèn nói:
- Xin ba vị đừng lo cho tôi làm chi.
Tế Ðiên nói:
- Ðâu có lý nào chẳng can thiệp vào việc của ngươi. Ta vừa nghe hai người này nói rõ hết. Lại đây, ta sẽ cột dây giùm ngươi để ngươi treo cổ cho sướng!
Sài, Ðỗ nghe vậy, vội hỏi:
- Sư phụ, lão nhân gia nói gì kỳ vậy? Người bảo chúng tôi đi cứu ông ấy làm chi mà bây giờ bỏ mặc như vậy. Chúng tôi phải giúp ông ấy bằng cách nào đây?
- Việc đến nước này thì phải tính vậy. Này Phó Hữu Ðức, ông đi theo chúng ta nhé. Tới Thiên Gia Khẩu, hễ thấy ai đầu tiên la lên một tiếng chạy về phía ta thì người đó là tài chủ của ông đấy.
- Thế thì được.
Ba người cùng Tế Ðiên đồng ra khỏi rừng đi về phía Thiên Gia Khẩu. Còn cách Thiên Gia Khẩu 4 – 5 dặm, Tế Ðiên cất tiếng hát:
Anh muốn làm sai,
Ðừng tưởng người không hay.
Anh ăn xài huy hoác
Bởi do đời trước phát tâm lành.
Mạng số đã rành rành
Do tự mình sắp đặt
Thời vận đỏ rồi đừng thắc mắc
Tự nhiên nợ mắc trả liền tay
Ðến chừng vận xấu ai hay
Của tiền tiêu hết đọa đày tấm thân.
Thế nên:
Làm thiện bản thân tránh họa tai,
Sợ anh vô phước khó kề vai.
Cơ mưu tính quá tâm hư hỏng
Rốt cuộc bể dâu vẫn trắng tay.
Vừa dứt tiếng hát, bỗng nghe từ xóm Thiên Gia Khẩu có một người chạy ra la lớn:
- Bạch Thánh tăng trưởng lão, lão nhân gia đã đến đây rồi à? Ðệ tử tìm lão gia như thể tìm chim, như cát tìm dầu ấy!
Người ấy với người đi sau cùng quỳ xuống trước mặt Tế Ðiên. Hai vị Ban đầu nhìn lại thấy người đi trước thân cao 8 thước, vai rộng ba vần, đầu đội khăn màu đỏ thêu hoa ngũ sắc, thân mặc áo tiễn tụ bào màu hồng, lưng thắt dây tơ, chân đi khoái hài, mặt như tờ giấy trắng, đôi mắt to long lanh dưới đôi mày nhỏ. Người đi sau đội khăn đoạn màu lam, thân mặc tiễn tụ bào cùng màu, lưng thắt dây da, chân mang khoái hài, trên gương mặt màu vàng nhạt mi đôi vẽ trên đôi mắt rộng, tam sơn cân đối, ngũ nhạc điều hòa, dưới cằm một bộ râu đen che kín ngực. Ðó là Mỹ nhiệm công Trần Hiếu, còn người đi trước chẳng phải ai xa lạ chính là Dương Mãnh ngoại hiệu Bệnh phục thần. Hai người này chính là đạt tam quan bảo tiêu. Lần này nhân bảo hộ một chuyến hàng lên phủ Khúc Châu, đến ngụ tại Thông Thuận điếm ở Thiên Gia Khẩu, bỗng người khách là Vương Trung bị bệnh kiết lỵ cấm khẩu, vội vàng rước thầy điều trị, uống thuốc vào bệnh càng thêm nặng, Vương nằm bệnh khóc chảy nước mắt, nghĩ đến cha mẹ ở nhà, mình hiện mắc bệnh không người thân thích, mang theo 300.000 lượng bạc hàng hóa, thảng như mắt nhắm lìa đời đành làm ma nơi đất khách. Trần Hiếu, Dương Mãnh là người nhân hậu, thấy người khách mắc bệnh trầm trọng lại là người con hiếu, tính mời gắp thầy thuốc trị cho mau hết, nào ngờ ở Thiên Gia Khẩu lại không có thầy thuốc giỏi, hai người mới lên chùa Linh Ẩn tìm Tế Công nhưng không gặp. Dò hỏi kỹ mới biết Tế Công được người mời lên huyện Côn Sơn trị bệnh. Dương Mãnh, Trần Hiếu không biết phải làm sao phải đành nhắn lại trong chùa và ở lại Thiên Hưng điếm để chờ đợi. Qua hai ngày vẫn không thấy Tế Công đến, hai người trong lòng quá lo rầu. Hôm nay ra ngoài chơi cho khuây khỏa, bỗng nghe tiếng Tế Ðiên hát sơn ca, Dương Mãnh mừng quá hét lên một tiếng, chạy đến thi lễ. Tế Ðiên hỏi:
- Hai ngươi đi đâu vậy?
Trần Hiếu đem chuyện người khách bị bệnh thuật lại và nói:
- Hai con lên chùa Linh Ẩn tìm lão nhân gia mà không gặp, chúng con cũng không thể đi được. Cầu xin sư phụ thương tình cứu giúp cho.
- Thôi, hai ngươi đứng dậy đi.
Sài, Ðỗ hai vị Ban đầu cũng bước tới chào hỏi:
- Hai vị đạt quan đi đâu đây?
Trần Hiếu dòm lại thấy hai vị Ban đầu liền hỏi:
- Sao hai vị phải giả trang như vậy?
- Bọn tôi đến đây ngầm điều tra vụ án.
Mấy người đi cùng Tế Ðiên Hòa thượng đến đầu làng, đây là một ngã tư đường Nam Bắc. Hai bên đều có cửa tiệm. Mé Tây có một quán rượu. Tế Ðiên tới đó đứng lại không đi nữa. Lúc đó sáu người có bốn ý khác nhau: Sài, Ðỗ hai vị Ban đầu nghĩ rằng vào đây chắc là sẽ bắt được Hoa Vân Long. Phó Hữu Ðức nghĩ đã có người la lớn một tiếng chạy tới tìm, chắc 600 lượng bạc của mình sẽ được cho ở đây. Hai vị đạt quan chắc ý rằng Tế Công đã đến đây thế nào vị khách của mình cũng được hết bệnh có thể tiếp tục đi nữa. Còn Tế Ðiên thấy tửu lầu chỉ muốn uống rượu, nói:
- Các vị nè, mình vào đây uống ít chén đi.
Mọi người dù không muốn cũng không tiện chối từ, cùng bước vào quán rượu. Tế Ðiên dòm lại quán này tên là Hội Anh Hùng lâu, trong bụng nghĩ: “Muốn bắt tên dâm tặc hái hoa Hoa Vân Long phải chờ ở đây mới được”.*
Hồi Thứ 53
Bợm lục lâm lại gặp giặc cướp đường
Bày mưu gian vẽ cọp không nên việc
Tế Ðiên bước vào Hội Anh lầu, chưởng quỹ thấy có ông Hòa thượng kiếc áo quần rách nát không thèm ngó ngàng tới. Chừng bọn Trần Hiếu năm người bước vào, họ chạy tới đon đả:
- Mời quý vị vào trong này.
Tế Ðiên đứng trước quầy, nói:
- Chưởng quỹ nè, ta cũng vào nữa chứ.
Chưởng quỹ đáp:
- À, Hòa thượng, cũng được, ông vào luôn bên trong đi!
Sáu người đi thẳng vào trong, người hầu bàn chạy tới hỏi:
- Quý vị muốn lên lầu hay thích ngồi dưới này?
Tế Ðiên hỏi:
- Ở đây có phòng thanh nhã không?
- Chỉ có một gian thôi, mà vừa rồi có ba người vào đó ăn uống rồi. Xin mời quý vị lên lầu nhé.
- Ta không lên lầu đâu, ta muốn đến phòng thanh nhã kia thôi. Bảo họ nhường chỗ cho bọn ta được không?
- Thế thì không được đâu.
- Có gì mà không được, ta đến phòng thanh nhã đấy.
Nói rồi vén rèm bước vào thấy có ba người đang ngồi ăn uống. Ðó là ba anh em bạn mới kết giao, đại ca mời hai em uống rượu. Họ đang nói chuyện với nhau thì thấy bên ngoài bước vào một ông Hòa thượng kiếc, nói:
- Ba vị cứ ngồi đây uống rượu, tiền rượu để tôi trả. Ðể tôi kêu cho ba vị mấy món ăn nữa nhé!
Ba người đều đứng cả dậy. Vị đại ca nghi Hòa thượng là người thân của hai em mới kết nghĩa, còn hai người kia lại tưởng Hòa thượng quen biết đại ca mình, lật đật vội nói:
- Hòa thượng trả tiền làm chi, xin mời vào ngồi uống rượu cho vui.
Tế Ðiên nói: Xin mời ba vị.
Nói rồi xoay mình đi ra ngoài, vị đại ca hỏi:
- Này hai em, ông Hòa thượng đó ở chùa nào vậy?
- Tụi em đâu có biết, tưởng là bạn của anh chớ!
- Ðâu có phải. Sao lại có chuyện vậy kìa? Thôi, ngồi xuống nhậu tiếp.
Ba người vừa đặt đít xuống, lật đật nhổm lên. Vị đại ca nói:
- Ta vừa ngồi xuống không biết cái gì đó đâm vào đít ta đau điếng.
Hai người kia nói:
- Thôi, kêu chú dọn bàn đem thức ăn sang phòng khác, chỗ này ngồi không khoái tí nào.
Người hầu bàn lật đật dọn mâm đi chỗ khác, Tế Ðiên và mấy người đi theo thấy họ đã đi ra bèn tiến vào, kêu dọn cơm rượu ra ăn uống. Uống được mấy chén rượu, nghe bên ngoài có người oang oang:
- Chữ Hợp với chữ Xích đừng hở ra nhé. Tụi bầy trẻ đang tìm hợp xích đấy.
Theo tiếng nói, bên ngoài tiến vào ba tên gian dương đại đạo, trong số có Hoa Vân Long. Hoa Vân Long từ khi chia tay với Vương Thông ở Lâm An, hẹn nhau ở quán Thông Thuận tại Thiên Gia Khẩu, nhưng đợi mãi chẳng thấy. Ở trong quán ai cũng tưởng hắn là một đạt quan bảo tiêu. Hắn mướn trọ một gian thượng phòng ở viện sau. Hôm qua hắn ăn cơm tối xong cảm thấy trong người uể oải không an, tóc giống như bị người nắm kéo, thịt đau như dần. Hắn bảo quán tính tiền rồi dặn phổ ky:
- Ta phải đi đây, nếu có người ở Tây Xuyên họ Vương tên Thông đến tìm ta, ngươi nói với anh ấy là ta đã đi rồi hẹn gặp nhau ở nhà anh ấy.
Hắn rời khỏi quán đi ra ngoài thôn. Ðã hết canh một, mặt trăng treo lơ lửng, sao sáng đầy trời. Ði ngược 5 – 6 dặm, đến một khu rừng nghe có tiếng ngâm thơ từ trong rừng đi ra. Thơ rằng:
Ðã quen từ bé tánh rừng xanh,
Sách đèn biếng nhác chỉ ưa tranh,
Bốn biển nổi trôi trừ dân nạn,
Giang hồ xuôi ngược đến am thanh,
Lương thiện gặp nàn ra tay cứu,
Tham quan ác bá tiễu trừ nhanh,
Ðất trời tạm bợ tùy duyên ở,
Nào có kể chi vương pháp hành.
Ngâm thơ xong, vị ấy rút dao hét lớn:
- Này, ai đi qua đường đó, hãy nộp tiền mãi lộ đi, ta sẽ tha chết cho.
Hoa Vân Long nghe nói, hỏi:
- Bạn có phải chữ hợp không?
Người cản đường kia cười hà hà, nói:
- Ta là chữ Hải đây!
- Anh không phải chữ Hợp trong chốn lục lâm sao?
- Ta chẳng biết gì hết!
Nói rồi huơi dao chém tới, Hoa Vân Long cũng rút dao cự địch. Nhìn thấy người ấy mình cao 8 thước, mặc áo thùy lam, mặt như chàm đổ, tóc tợ chu sa, một bộ râu đỏ phất phơ trước ngực, chẳng khác hung thần, mạnh như thái tuế. Người ấy thình lình nhảy trái, đút dao vào bao, nói:
- Ủa, Hoa nhị ca, anh đi đâu vậy? Tại sao phải đi lúc đêm tối như vầy?
Hoa Vân Long nhìn kỹ:
- Té ra Lôi nhị đệ, lại đây anh kể cho nghe, chuyện dài dòng lắm.
Hoa Vân Long bèn đem việc từ Giang Tây tới Lâm An mới kể lại hết, chỉ trừ việc hái hoa ở am Ô Trúc. Người họ Lôi, Hoa Vân Long vừa gặp chính là Lôi Minh, nguyên quán ở Long Tuyền, huyện Ðơn Dương, phủ Trấn Giang, cũng là một vị anh hùng lục lâm. Lôi Minh với Trần Lượng là hai anh em kết nghĩa. Họ chia tay đã hơn một năm mà chưa gặp mặt, Lôi Minh đến Trần Gia Bảo tìm Trần Lượng, người nhà cho biết Trần Lượng đã đi Lâm An rồi. Lôi Minh nghe nói không an tâm bèn đi Lâm An tìm Trần Lượng. Hôm nay trên đường vào kinh gặp một người đi ban đêm, Lôi Minh bèn cố ý từ trong rừng đi ra, rút dao chặn đường, nào dè xem lại là Hoa Vân Long, hai người nhận mặt cùng bày tỏ nỗi niềm xa cách. Hoa Vân Long hỏi:
- Lôi nhị đệ, 8 câu thơ hồi nãy là của em sáng tác, em vừa học phải không?
- Không phải đâu, mấy câu ấy là của Dương Minh đại ca đó. Hoa nhị ca, anh ở Lâm An có gặp Trần Lượng không? Tôi đang muốn tìm chú ấy đấy.
- Ta không có gặp Trần Lượng. Theo ý ta, chú không nên đến đó tìm kiếm làm gì. Vì lúc trước ta ở Lâm An giết người ở lầu Thái Sơn, trộm vòng ngọc và phụng quan của Tần tướng phủ. Bây giờ chú đến đó người ta thấy hành tích khả nghi của chú, sinh ra nhiều chuyện lôi thôi bất tiện lắm.
- Có hề chi, chuyến này tôi đến Lâm An chơi, nếu không có việc gì xảy ra thì tốt, còn có vướng bận lôi thôi thì tôi sẽ thế nhị ca nhận giùm bản án là xong. Này nhị ca, anh với tôi cùng lên Lâm An vui chơi một tháng rồi chúng ta cùng về Giang Tây cũng kịp chán mà.
Hoa Vân Long là người không chủ ý, nghe Lôi Minh nói thế cũng cao hứng, nói:
- Chú đã nói vậy, chả lẽ anh chẳng nghe theo. Thôi, chúng mình cùng đi nhé!
Hai người vừa đi chẳng bao xa, thấy trong rừng trước mặt xông ra một người cản đường. Hai người xem kỹ té ra Thánh thủ bạch viên Trần Lượng. Nguyên khi Trần Lượng thấy Tế Ðiên kiếm nước sôi gội đầu rồi rút dao thái rau cạo tóc cho mình bèn sợ mất vía bỏ chạy tuốt. Sau đó Trần Lượng kiếm một quán trọ vắng vẻ trong thành Lâm An ngụ đỡ. Những sự việc của Hoa Vân Long đã làm ở Lâm An, Trần Lượng đều hay biết. Mấy hôm nay nghe Dã lưu kê tử Lưu Xương bị bắt, Tế Ðiên vâng lệnh ra khỏi Thành Ðô biện án, Trần Lượng bèn đuổi theo Hoa Vân Long báo tin, bảo hắn nên lánh đi xứ khác. Nào ngờ vừa đến đây gặp cả Lôi Minh và Hoa Vân Long. Ba người gặp nhau chào hỏi rồi cùng ngồi xuống đất tỏ bày những việc đã qua. Trời đã sáng bạch, Trần Lượng nói:
- Bọn ta trước hết hãy đến Thiên Gia Khẩu tắm rửa sạch sẽ, kiếm cái gì lót dạ rồi hãy tính đi nữa.
Hoa Vân Long gật đầu. Ba người cùng đến Thiên Gia Khẩu ăn điểm tâm, uống trà. Trời đã đứng bóng, ba người muốn đi uống rượu bèn rủ nhau đến Hội Anh lầu, Hoa Vân Long nói:
- Hãy dòm coi có tụi két giấu cánh không?
Tế Ðiên đang ở tại nhã lầu đã thấy biết hết, nhưng chưa vội ra mặt. Ba người lên đến tửu lầu, thấy cũng sạch sẽ bèn kêu mấy thức ăn nguội, một ít trái cây, hai bầu rượu nóng. Chỉ cốt uống ngon chứ không sợ tốn tiền. Phổ ky lập tức đến trước quầy kêu rượu và thức ăn. Không bao lâu, rượu và thức ăn dọn đủ. Ba người vừa ăn uống vừa chuyện trò thật là hào hứng. Thật là:
Rượu gặp tri kỷ ngàn ly ít,
Lời chẳng hợp tai nửa tiếng nhiều.
Lôi Minh nói với Hoa Vân Long:
- Anh cần gì phải đi đâu, Lâm An không có ai biện án thì thôi, còn nếu có người biện án thì để em tính cho. Bất cứ đến bao nhiêu cũng mặc, đến một tên ta tóm một tên, đến hai tên ta cũng tóm nốt.
Trần Lượng nghe nói, lật đật bảo:
- Này Lôi nhị ca, anh đừng có lớn lối. Hiện có Tế Công trưởng lão mang theo hai vị Ban đầu đi theo bắt Hoa nhị ca đó. Vị Tế Công này thông hiểu quá khứ vị lai đó nhe.
Lôi Minh cười ha hả, nói:
- Này Trần lão tam, chú sợ Hòa thượng chứ ta cóc sợ ổng đâu. Ba người họ kể số gì mà dám bắt Hoa nhị ca chứ? Chẳng phải ta nói phét chớ 200 binh vây chặt nơi đây cũng bắt không được ảnh nữa là cái chắc.
Trần Lượng nói:
- Tại anh không biết mới nói vậy, em xin nói cho anh rõ vị Tế Công trưởng lão này quả là thần thông quảng đại, pháp thuật vô biên đấy. Chỉ cần Ngài nhấc ngón tay lên là đối phương hết cựa quậy.
Nghe nói tới đó, Lôi Minh vỗ bàn hét lớn:
- Trần lão tam, thực tức chết đi thôi, sao chú cứ tâng bốc oai phong của Hòa thượng mà lại mạt sát nhuệ khí của bọn ta quá vậy? Ông Hòa thượng đó không đến đây thì thôi, hễ đến đây thì ta giết ổng ngay. Còn ổng không đến hả, đợi bọn ta về Lâm An, hỏi thăm chùa Linh Ẩn tới làm thịt ổng mới hả cơn giận của ta.
- Ấy chết, này Lôi nhị ca, anh đừng nói câu đó phải hay hơn không? Anh không nói thì không có việc gì, chớ nói ra lời rồi thế nào cũng bị Tế Công biết được tới kiếm ngay đấy. Chừng đó mạng ba đứa kể như đi đứt.
Hoa Vân Long nói:
- Thôi, hai chú lo uống rượu đi, may mắn ở đây không có ai. Nếu có ai nghe được chuyện này càng thêm rắc rối. Mấy chú nói năng phải nên giữ ý một chút.
Lôi Minh nói:
- Hoa nhi ca, anh sợ Hòa thượng chớ tôi cóc sợ ổng đâu.
Mới nói tới đó bỗng nghe dưới lầu có người la lớn:
- Bớ bọn giặc, ta là Hòa thượng tới bắt Hoa Vân Long đây. Bữa nay ta tới tóm trọn ổ không chừa một mống.
Nguyên khi Tế Ðiên đang ngồi ở Nhã phòng uống rượu cùng bọn Dương Mãnh, Trần Hiếu, hai vị Ban đầu và Phó Hữu Ðức, nghe bên ngoài có người nói lóng giang hồ, biết bọ ba người kia đã tới. Ðể cho họ ngồi vào bàn ăn uống, Tế Ðiên mới đứng dậy nói với năm người kia:
- Ta đi tiểu một chút.
Nói rồi bước ra ngoài. Vừa nghe Lôi Minh đang giở giọng khoác lác, bèn hô lớn đáp lại và sửa soạn lên lầu bắt Hoa Vân Long.*
Hồi Thứ 54
Hiển thần thông đùa cợt Lôi Minh
Thí diệu dược nghĩa cứu Vương Trung
Khi Tế Ðiên dưới lầu hô bắt giặc, Hoa Vân Long ở trên lầu như chim sợ ná, vội đứng rột dậy lòn qua cửa sổ trốn mất. Trần Lượng nghe tiếng hô mới nói:
- Lôi nhị ca, anh thấy không. Hồi nãy tôi bảo anh đừng nói mà anh không nghe.
Lôi Minh đưa tay nắm dao, chạy tới cửa lầu nhìn xuống thấy một vị Hòa thượng áo quần rách nát, tóc tai bù xù dài hai tấc có dư, mặt mày bùn đất dính đầy đang dợm bước lên lầu. Lôi Minh rút dao giơ lên, định bụng chờ Hòa thượng lên tới, lấy dao gạt cho rớt xuống lầu. Tế Ðiên bước lên thấy bộ dạng Lôi Minh liền lấy tay chỉ một cái, miệng niệm lục tự chơn ngôn: “Án ma ni bát mê hồng”, dùng định thân pháp giữ cứng cứng Lôi Minh lại. Tế Ðiện thong thả lên lầu, bước ra khỏi Lôi Minh, Trần Lượng ngó thấy, lật đật chạy đến thi lễ:
- Bạch sư phó, trước đến nay sư phó vẫn mạnh khỏe?
Tế Ðiên nhìn một lượt, hỏi:
- Lượng con, con ở đây à, vẫn mạnh khỏe hả?
- Ðệ tử đến đây đã lâu, kính mời sư phó vào uống rượu.
Tế Ðiên bước tới ngồi vào bàn. Trần Lượng rót rượu dâng lên. Tế Ðiên cầm lên uống cạn. Trần Lượng mới bước tới thưa:
- Bạch sư phó, xin sứ phó từ bi giải pháp định thân cho anh con, để như vậy thiên hạ thấy được kỳ lắm!
Tế Ðiên lắc đầu, đang lúc đó bỗng dưới lầu có tiếng la “Eo ôi!”, tiếp theo sau là tiếng loảng xoảng lon con của vật rơi đổ. Nguyên là phổ ky đang bưng mâm thức ăn lên lầu, trong bụng nghĩ thầm: “Ba vị đại gia ở trên lầu rất là hào phóng, ta hầu hạ cẩn thận chắc được tiền thưởng nhiều”. Vừa nghĩ vừa bước lên lầu, ngó trực lên thấy có một người mặt xanh râu đỏ cầm dao giơ lên như cố ý giết người, phổ ky sợ quá, tay chân mềm nhũn, mâm thức ăn tuột khỏi tay đánh xoảng văng tung tóe, chính hắn cũng ngã vật lăn long lóc xuống lầu. Trên lầu Trần Lượng nghe thế, lại ra sức năn nỉ tiếp:
- Bạch sư phó, xin người từ bi thâu phép định thân cho, để người ta nhìn thấy kỳ quá.
Tế Ðiên đáp: Ừ, được!
Lấy tay chỉ một cái, nói: Bảo nó lại đây.
Bấy giờ Lôi Minh mới cử động được, trong lòng nghĩ: “Cái ông Hòa thượng này dễ giận thiệt. Bây giờ đút dao vô bao đã rồi tính ổng sau. Mình sẽ tới nói giảng hòa với ổng rồi cùng uống rượu. Thừa cơ hội ổng không đề phòng, mình cho ổng một dao giết ổng báo thù cho Hoa nhị ca luôn thể, để cho ổng biết thế nào là “thương ngay dễ tránh, tên lé khó phòng” mới được.
Nghĩ rồi bèn bước tới quỳ xuống dập đầu, nói:
- Thưa sư phó, người vốn là sư phó của Trần Lượng bái đệ của tôi, kể cũng như sư phụ của tôi vậy. Hồi nãy tôi nhất thời lỗ mãng không biết, xin lão nhân gia từ bi xá tội cho.
Trần Lượng thấy vậy mừng quá, nghĩ bụng: “Nhị ca của mình biết lỗi ăn năn, coi vậy mà là người tốt”. Nghĩ rồi mới nói:
- Thưa sư phó, nhị ca của con đã biết nhận lỗi rồi, xin sư phó vị tình con mà tha thứ cho ảnh một phen.
Tế Ðiên nói: Thôi, đứng dậy đi.
Lôi Minh liền đứng dậy ngồi cùng trên một ghế dài với Hòa thượng. Tế Ðiên lật đật đứng dậy ngồi tránh qua phía bên kia bàn. Trần Lượng thấy vậy lật đật hỏi:
- Sư phó, ngồi tránh ra bên đó chi vậy?
- Thương ngay dễ né, tên lén khó phòng. Sơ ý bị một dao đâu có thể không sợ được.
Câu nói trúng tẩy làm Lôi Minh sợ mất hồn. Trần Lượng vội thưa:
- Thưa sư phó, người đừng bận tâm. Nhị ca của con tuy là người lỗ mãng chớ quyết không dám vô lễ với sư phụ như vậy đâu!
- Ta cũng biết vậy.
Bỗng có một phổ ky đến nói với Lôi Minh:
- Này đại gia, tôi có đắc tội gì với đại gia đâu mà hồi nãy đại gia cầm dao muốn chém tôi vậy? Báo hại tôi sợ quá té lăn xuống thang lầu làm bể hết mấy cái đĩa, thức ăn trên đó văng tung ráo trọi.
- Không hề chi, lát nữa ta sẽ đền cho đủ số mà, hồi nãy là tại ta nghe có tiếng kẻ thù, ta cầm dao định xuống lầu kiếm nó chứ không có ý giận ngươi đâu. Chuyện đó đã dàn xếp xong.
Lôi Minh nhìn sang thấy Tế Ðiên cứ mãi lo nói chuyện với Trần Lượng mà không để ý gì đến mình, bất thình lình rút dao định đâm Hòa thượng một phát. Tế Ðiên dùng ngón tay trỏ một cái, dùng phép định thân giữ cứng Lôi Minh lại, đoạn vỗ tay hô lớn:
- Hay cho thằng giặc, ngươi muốn hại Hòa thượng ta phải không? Hai vị Ban đầu đâu, mau lên bắt nó, giặc đang ở trên lầu đây nè.
Tại nhà phòng bên dưới, mọi người đều nghe thấy. Sài Nguyên Lộc, Ðỗ Chấn Anh nói:
- Hai vị đạt quan, phiền hai vị giúp chúng tôi một tay, giặc đang ở trên lầu nè.
Hai vị Ban đầu vội cầm thước sắt chạy tuốt lên lầu. Trần Hiếu không có binh khí vội vớ ngay cái thang cửa bằng sắt chạy theo. Dương Mãnh là người hồn nhiên, trong tay không có chút khí giới nào cũng lật đật chạy đi tìm. Vừa hay gặp người chụm lò trong tay đang cầm cây sắt thông bếp, Dương Mãnh vội chạy tới cho một bạt tay xiểng niểng, rồi giật ngay lấy cây thông bếp chạy theo lên lầu. Các thực khách dưới lầu nghe chộn rộn, sợ hãi rủ nhau chạy tứ tán, Sài đầu nói:
- Bạch Thánh tăng, giặc chạy đâu rồi?
- Ta hô lên một tiếng nó chạy mất rồi, còn đây là hai độ đệ của ta. Hai vị Ban đầu lại đây ta giới thiệu cho biết.
Nói rồi Tế Ðiên lấy tay chỉ Trần Lượng, nói:
- Ðây là Lượng nhi, đồ đệ của ta.
Sài đầu nói: Chào Lượng gia!
Trần Lượng nói: Tôi họ Trần.
Sài đầu nói: Té ra là Trần Lượng gia.
Tế Ðiên lại chỉ Lôi Minh, nói:
- Ðây là Minh nhi, cũng là đồ đệ của ta.
Lôi Minh bấy giờ mới nhúc nhích được, sợ muốn đứng tim. Hai vị Ban đầu bước tới chào:
- Chào Minh gia.
- Tôi họ Lôi.
- Vậy kính chào Lôi Minh gia.
Tế Ðiên giới thiệu hai vị Ban đầu xong mới nói:
- Bây giờ bốn vị xuống nhã phòng đợi ta một lát.
Bốn người thấy không có việc gì bèn lục đục xuống lầu. Vừa xuống lầu người chụm lò chạy lại níu Dương Mãnh, nói:
- Vị đại gia này, tôi không để ông yên đâu. Ông muốn cướp cây thông lò của tôi thì cứ cướp, sao nhè miệng tôi mà tống vào, báo hại tôi bị rớt hết mấy cái răng rồi đây này.
Trần Hiếu lật đật chạy đến bồi thường cho người ta và nói mấy lời xin lỗi, rồi cả bọn kéo về nhà phòng tiếp tục ăn uống. Lôi Minh thấy bọn họ đi xuống lầu mới đút dao vào bao, trong bụng thầm nghĩ: “Cái ông Hòa thượng này thật là không thể tha thứ được. Hại ổng trước mặt không xong, mình tính lén rồi cũng được thôi”. Nghĩ rồi ngậm hực xuống lầu, bảo với phổ ky:
- Trên lầu bọn ta ăn uống hết bao nhiêu, cả cơm rượu của mấy người ở nhã phòng này, cứ tính gộp chung ta sẽ trả hết.
Lôi Minh đến trước quầy trả tiền cơm rượu xong, lại kêu lấy thêm một bầu rượu ngon, dặn phổ ky gói theo hai con gà và nói:
- Ðể lát nữa bọn ta mang theo nhắm.
Sau khi nhận gà và bình rượu, Lôi Minh bèn móc túi lấy ra hũ thuốc mê, bỏ một ít vào rượu. Thuốc mê này không phải của Lôi Minh chế mà là của Lưu Phụng. Câu chuyện là như vầy: Một hôm Lôi Minh trên đường đi Trấn Giang về, gặp một người họ Lưu tên Phụng, ngoại hiệu là Ðơn đao Lưu Phụng. Người này là phổ ky trong giới lục lâm, cũng có lúc hầu hạ Lôi Minh và Trần Lượng. Anh ta có tánh ưa bài bạc, không từ bất cứ việc xấu nào, bị chúng anh hùng từ bỏ. Bẵng đi hai năm hôm ấy mới gặp lại. Lưu Phụng mặc bộ đồ rất đắt tiền, đang cỡi ngựa, thấy Lôi Minh vội vàng xuống ngựa chạy đến chào hỏi. Lôi Minh hỏi:
- Lưu Phụng, bây giờ ngươi ở đâu, làm ăn có khá không?
- Tạ ơn đại gia, hiện giờ tôi đang làm một chủ hắc điếm. Gặp người lữ khách đơn độc căng phồng hầu bao, tôi cho họ sang kiếp khác. Huê lợi nhờ đó cũng khá. Hôm nay tôi đến Từ Vân quán mua 10 lượng thuốc mê đây.
- 10 lượng thuốc mê này ngươi hại được bao nhiêu người?
- Có thể hại được 100 người.
- Ðâu đưa ta xem thử nào!
Lưu Phụng mò trong túi lấy gói thuốc đưa ra cho Lôi Minh. Vừa cầm thuốc, Lôi Minh vội nói:
- Ngươi xem đàng kia có ai tới kìa.
Lưu Phụng vừa ngoái cổ nhìn bị Lôi Minh cho một dao chết tốt. Lôi Minh bỏ thuốc vào túi, đoạn kéo thây Lưu Phụng dúi vào khe núi rồi đi thẳng.
Sau khi bỏ thuốc mê vào rượu, Lôi Minh lên lầu nói với Tế Ðiên:
- Thưa sư phó, tôi có một việc chưa được rõ, nhờ sư phó chỉ giáo cho. Ở trên lầu này khách khứa đông đảo nói ra bất tiện, nhờ sư phó cùng tôi đến chỗ vắng người, tôi sẽ trình bày cặn kẽ. Trần Lượng kêu phổ ky tính tiền cơm rượu. Tế Ðiên nói:
- Khỏi cần tính, đã có người trả xong rồi. Bây giờ chúng ta cứ đi thôi.
Ba người đi xuống lầu, Tế Ðiên nói với Lôi Minh:
- Có cái gì cầm theo luôn đi.
Lôi Minh gật đầu, chạy vào mang ra bình rượu và gói gà quay. Ra khỏi Anh Hùng quán, họ đi thẳng về hướng Bắc. Cách cửa thôn chừng vài dặm, có một rừng tòng cảnh trí thật trang nhã. Trong rừng tòng có nổi lên một vồng đất, bên trên một tảng đá trắng giống hệt chiếc bàn ai để sẵn. Ba người đến ngồi bên bàn đá, rượu thịt bày sẵn. Lôi Minh nói:
- Thưa sư phó, việc tôi xin thỉnh giáo với sư phó cũng không có gì lạ. Tôi xin hỏi sư phó điều này: Sư phó là người xuất gia, lẽ ra không nên gánh vác vào việc đời mới phải. Hoa Vân Long dầu là một tên giặc trộm, hắn chỉ trộm ngọc và phụng quan của Tần tướng phủ thôi, chớ có đến chùa của sư phó trộm lấy tiền vàng, y hậu, đồ thờ cúng bao giờ đâu, mà sư phó dây vào chuyện tầm nã chi vậy?
- Nói vậy không đúng rồi đa. Nó không có tội, Hòa thượng ta theo bắt nó làm chi. Ðàng này nó vào chùa am của chúng ta tác tệ quá mức.
Trần Lượng nói:
- Thưa sư phó, nhị ca của chúng con chưa đến chùa mình lần nào mà.
- Nó không vào chùa chúng ta nhưng vào am ni cô, làm hủy hoại nơi sạch sẽ của Phật môn, vì vậy ta mới đuổi theo bắt nó.
Lôi Minh nói:
- Thưa sư phó, thôi gác chuyện đó lại đi. Hồi nãy tôi có đem rượu và đồ nhắm đây, kính mời sư phó.
Tế Ðiên cầm lên xem rồi để xuống. Lôi Minh xé con gà quay ra đưa tới mời nói:
- Mời sư phó làm thứ này trước.
Tế Ðiên nói:
Rượu này ta không uống được đâu. Chủ không uống, khách cũng không uống. Trần Lượng này, con uống trước đi. Trần Lượng cầm đưa lên sửa soạn uống, Lôi Minh giành lại, nói:
- Phần này ta dành cho sư phó mà, chú không nên làm hỗn như vậy.
Trần Lượng không biết trong đó có nguyên cớ chi, cũng nói:
- Thôi, sư phó uống đi.
Tế Ðiên tiếp lấy bình rượu rồi hỏi:
- Này, Trần Lượng, con có phải là đồ đệ của ta không? Tình thầy trò cũng như cha con, nếu ta bị người hại, con phải làm gì?
- Chắc chắn là con sẽ báo thù cho sư phó.
- Con nói như vậy có chắc không?
- Chắc chắn là phải như vậy.
Tế Ðiên hỏi đi hỏi lại hai ba lần. Trần Lượng nói:
- Sư phó khéo lo thì thôi. Lão nhân gia hãy an tâm. Nếu có ai hại sư phó, con sẽ báo thù ngay.
Tế Ðiên nói: Ừ, phải đó.
Nói xong cầm bình rượu lắc lắc mấy cái, đưa lên miệng tu luôn mười mấy ngụm, rồi nhắm mắt ngã gục xuống.*
Hồi Thứ 55
Tiệm Thiên Hưng thi pháp gặp tặc nhân
Nơi tiểu trấn uống rượu nhìn bạn cũ
Lôi Minh thấy Tế Ðiên tợp mấy ngụm rượu vào liền ngã quay ra bèn cười ha hả, nói:
- Hòa thượng ơi, tôi tưởng ông là thần tiên tại thế, làu thông quá khứ vị lai, dè đâu mắc lỡm thằng này.
Trần Lượng nói:
- Nhị ca, việc này là thế nào?
- Này tam đệ, có gì đâu, ta bỏ thuốc mê vô rượu cho ổng lật gù đó! Lát nữa ta trói ổng bỏ bên đường, đợi ổng tỉnh rượu ta cho ổng một trận cho hết làm phách.
Trần Lượng nghe nói, lật đật phản đối:
- Nhị ca, anh làm như vậy không được đâu. Ổng là sư phó của sư đệ, anh không nên làm như thế.
Lôi Minh chẳng nói chẳng rằng, vác Hòa thượng chạy về phía Ðông, Trần Lượng tưởng Lôi Minh đem Hòa thượng để bên vệ đường, nào ngờ đến bờ sông Lôi Minh nén tọt Hòa thượng xuống dòng nước rồi quay đầu chạy về hướng Tây. Trần Lượng đuổi gấp tới nơi thì Lôi Minh đã nén Hòa thượng xuống nước rồi. Dòm xuống chỉ thấy lờ mờ chiếc mũ của Hòa thượng. Bỗng từ dưới vọt lên khỏi mặt nước nửa người, ngả ngang lộ khuôn mặt cười, nhăn hàm răng trắng hếu. Trần Lượng thấy vậy sợ quá, co giò chạy tuốt. Trần Lượng chạy theo kịp Lôi Minh, nói:
- Nhị ca, anh thiệt không phải chút nào. Anh mắc tội lớn lắm nhé. Tế Công là người thần thông quảng đại, pháp thuật vô biên, anh sẽ bị báo ứng cho mà coi.
- Tam đệ, em đừng nói bậy bạ, ổng đã bị ta đánh thuốc mê say như chết và bị liệng xuống nước rồi, còn pháp với thuật gì nữa? Thôi, đi với ta cho rồi.
Trần Lượng không biết nói sao đành cùng với Lôi Minh đi về phía trước. Ði xa khoảng hai dặm, trước mắt là một giồng đất chắn ngang. Hai người vừa đặt chân lên giồng đất thì nghe có tiếng nói:
- Ta bị chết oan uổng quá! Người ta không cho ta gặp Diêm La thiên tử, bảo ta ra mắt Tử Hải Long Vương, Long Vương chẳng may đi vắng, Tuần tra Dạ xoa ghét thây ta hôi quá lại nén tuột ra bên ngoài. Chùa lớn không thâu, miễu nhỏ chẳng chứa, chết đi mà khổ quá vầy nè. Ta ngồi ở đây chờ kẻ hại ta đi đến, gặp kẻ oan gia đối đầu, ta sẽ bóp cổ cho nó chết mới nghe.
Lôi Minh, Trần Lượng ngước đầu lên xem, quả đúng là Tế Ðiên. Hai người hồn bất phụ thể, quay đầu bỏ chạy về hướng Nam. Phía sau tiếng dép lẹp xẹp, lẹp xẹp của Hòa thượng đuổi theo rõ mồn một. Hễ chạy nhanh tiếng dép đuổi theo nhanh, chạy chậm đuổi theo chậm. Hai người càng gia tăng cước lực cố sức chạy nhanh hơn. Chạy đến ngoài năm dặm, không còn nghe phía sau có tiếng dép cỏ đuổi theo nữa mới tạm dừng. Hai người mệt muốn đứt hơi, mồi hôi ra ướt đẫm. Lôi Minh nói:
- Lão tam, bọn mình tới khu rừng trước mặt kia nghỉ ngơi giây lát đã.
Hai người vừa mới tới cánh rừng, bỗng nghe có tiếng hỏi:
- Hai người mới tới à?
Dòm lên lại quả đúng Tế Ðiên, hai người sợ quá quay đầu chạy tuốt. Ðằng sau Hòa thượng vẫn đuổi theo. Lần này may mắn chạy thoát. Vừa đến giồng đất ban nãy đã thấy Hòa thượng đứng sẵn đó, hỏi:
- Tới rồi à?
Lôi Minh, Trần Lượng lại quay đầu chạy nữa, trong bụng nghĩ thầm: “Quái, sao Hòa thượng đến trước chặn đầu mình được cà?”.
Hai người lại chạy đến rừng cây, cũng thấy Hòa thượng đứng sẵn đó tự lúc nào, hỏi: - Mới tới à?
Sợ ba hồn chín vía, hai người tiếp tục chạy nữa, Lôi Minh nói:
- Thôi đừng chạy theo đường cũ nữa, chúng mình chạy sang hướng Tây nam đi.
Hai người rẽ sang hướng Tây nam chạy một đỗi không còn nghe tiếng dép đuổn theo nữa. Lúc này hai người giở chân hết muốn nổi. Thấy trước mặt có đám rừng, Lôi Minh nói:
- Lão tam, bọn mình trèo lên cây trốn, luôn tiện nghỉ ngơi tạm giây lát.
Nói rồi trèo tót lên cây ngay. Mới leo được nữa chừng thấy Tế Ðiên đã ngồi sẵn trên đó, nói:
- Phen này cho ngươi chạy trốn ở đâu cho khỏi?
Nói rồi lấy tay chỉ một cái, dùng định thân pháp trồng cứng Lôi Minh lại. Tế Ðiên từ trên cây tuột xuống đất, nói:
- Thằng chết tiệt này, ta chẳng thèm đánh ngươi, cũng chẳng mắng ngươi làm chi. Ðể ta cho bò cạp cắn ngươi một trận cho biết thân.
Nói rồi niệm chú, tức thời dưới đất vô số con bò cạp xanh to bò lổm ngổm. Tế Ðiên lột mũ xuống, nói:
- Ðể ta đi kiếm con bò cạp bự cái đã. Lượng con, coi chừng giúp thầy nhé!
Nói xong đi về hướng Ðông mất dạng. Nãy giờ Dương Mãnh, Trần Hiếu, hai vị Ban đầu và Phó Hữu Ðức ngồi ở nhã phòng chờ lâu quá không thấy Tế Ðiên xuống, bèn kéo nhau lên lầu kiếm, thấy trên đó không còn ai nữa. Sài Nguyên Lộc hỏi:
- Này phổ ky, vị Hòa thượng đi với chúng ta đâu rồi?
- Ðã đi từ lâu. Hồi nãy vị Lôi gia đã trả tiền cơm rượu cho quý vị ở nhã phòng xong rồi.
Sài Nguyên Lộc nghe trả lời xong mới nói:
- Thưa hai vị đạt quan, xin mời hai vị đi cùng chúng tôi đến tiệm Thông Thuận biện án luôn thể.
Dương Mãnh, Trần Hiếu gật đầu, nói: Cũng được. Năm người kéo nhau ra khỏi quán rượu, thẳng đến tiệm Thông Thuận. Ðến cửa tiệm, Sài Nguyên Lộc đến bàn chưởng quỹ, hỏi:
- Này chưởng quỹ, tiệm này có vị khách nào họ Hoa đến trọ không?
- Có, mà mới vừa đi hồi hôm nay.
Sài Nguyên Lộc nói:
- Thôi không xong rồi, giặc chạy mất tiêu!
Trần Hiếu nói:
- Không hề chi, Tế Công thần thông quảng đại, pháp thuật vô biên, tên giặc này người bắt lúc nào cũng được, dễ như trở bàn tay thôi. Hai vị Ban đầu nè, bây giờ mời quí vị cùng tôi đi với tiệm Thiên Hưng xem thử rồi sẽ liệu.
Hai vị Ban đầu không biết làm sao nữa, bèn cùng Phó Hữu Ðức đồng đến tiệm Thiên Hưng. Về đến nơi, thấy người khách là Vương Trung đang nằm trên giường rên rỉ không ngớt. Trần Hiếu nói:
- Ông khách ơi, tôi chúc mừng cho ông.
Vương Trung nói:
- Ôi, trên đời này đau khổ nhất không gì bằng phải chết, tôi sẽ phải làm quỷ oan nơi xứ khác, cô hồn nơi tha hương thì có vui sướng gì đâu mà chúc.
- Tôi đã thỉnh Tế Công Hòa thượng ở chùa Linh Ẩn đến trị bệnh cho ông. Lão nhân gia thần thông quảng đại, trị đâu hết đó. Lát nữa người đến trị bệnh rồi ông sẽ biết.
Mấy lời của Trần Hiếu vừa rồi lại lọt vào tai của phổ ky trong quán. Nguyên chưởng quỹ của quán này trên lưng mọc một mụt ghẻ to, miệng lớn bằng cái chén, đau nhức muốn chết. Phổ ky vào nói với chưởng quỹ:
- Ông ra ngoài cửa ngồi chờ, lát nữa gặp Hòa thượng đi ngang, ông dập đầu năn nỉ xin trị bệnh. Ông ấy chính là Tế Công Phật sống, trị hết như thần, trị đâu hết tức khắc đấy.
Chưởng quỹ nghe nói lật đật ra cửa bắc ghế ngồi chờ. Quả nhiên lát sau có một vị Hòa thượng đằng kia lon ton đi lại. Chưởng quỹ lật đật bò càng xuống đất dập đầu lia lịa, kêu:
- Xin Thánh tăng cứu mạng.
Dập đầu một lát xem lại té ra ông Hòa thượng ở chùa Tam Quan sát vách quán. Chưởng quỹ nói:
- Ủa, tại sao tôi đi lạy ông?
- Ừ, tôi cũng ngạc nhiên, tại sao hôm nay ông lại nhè tôi mà lạy lia lịa như vậy?
- Tôi tưởng thầy là Tế Công Hòa thượng.
- Không phải tôi đâu.
Nói rồi bỏ đi một mạch. Một lát sau từ đằng kia có một Hòa thượng kiếc từ từ đi lại. Tới trước tiệm hỏi:
- Ái chà chà, trong tiệm ông còn phòng nào trống không, ta muốn ở một phòng.
Chưởng quỹ nhìn lên thấy một vị Hòa thượng rách rưới không tả nổi, mới nói:
- Tiệm của chúng tôi là một khách điếm lớn đấy Hòa thượng.
- Lớn gì? Hồi nãy đứng tại khúc quanh đằng kia ta dòm lại thấy nó nhỏ xíu.
Chưởng quỹ nghe nói tức giận, quay mặt chỗ khác không thèm nói chuyện với Hòa thượng nữa. Nào ngờ Hòa thượng cung tay tống một quả ngay mụt ghẻ của chưởng quỹ, máu mủ tuôn ra như xối. Phổ ky trong quán thấy vậy xách cây ra tính nện Hòa thượng. Dương Mãnh, Trần Hiếu từ trong tiệm chạy ra can:
- Ấy đừng đánh, đừng đánh, tại sao vậy?
Nhìn thấy chưởng quỹ đang nằm lăn ra đất, miệng không ngớt kêu:
- Ui da, ui da, đau quá, đau quá!
Thấy mọi người tới, chưởng quỹ mới nói:
- Ông Hòa thượng bất nhân muốn giết tôi mà. Hai vị đạt quan đừng có can ngăn, ông Hòa thượng này không trị tội không được mà.
Trần Hiếu nói:
- Sự việc là sao, anh nói cho tôi nghe.
Chưởng quỹ mới thuật lại chuyện vừa rồi. Trần Hiếu nói:
- Vị Hòa thượng này là Tế Công đó!
- Ðã là Tế Công, xin lão nhân gia trị bệnh cho tôi với, chuyện vừa rồi kể như đánh nhầm.
- Không đánh nhầm mà ông được như vậy à?
Nói rồi rút trong bọc ra một viên thuốc bỏ vào miệng nhai tóp tép, đoạn nhổ ra thoa lên miệng mụt ghẻ đó. Thịt hư theo nước vàng chảy ra xông lên mùi khó chịu. Tế Ðiên miệng niệm lục tự chơn ngôn: “Án ma mi bát mê hồng”. Ðoạn lấy tay sờ lên mụt ghẻ một cái tức thì chỗ đau lành lại như xưa. Ai nấy gật đầu bái phục, rước Tế Ðiên vào thẳng trong tiệm. Ở thượng phòng phía Ðông, Vương Trung đang nằm rên rỉ không ngớt. Thấy Tế Ðiên vào, Vương Trung nói:
- Bạch Thánh tăng, tôi hiện đang mắc bệnh trầm trọng, không ngồi dậy để hành lễ lão nhân gia được. Xin Thánh tăng từ bi cứu giúp tôi.
- Xong ngay thôi!
Nói rồi kêu phổ ky lấy nửa chén nước mát, nửa chén nước sôi, Tế Ðiên móc ra một viên thuốc hòa tan cho Vương Trung uống. Thuốc vào thẳng bao lâu trong bụng sôi lụp bụp, khí dẫn máu đi, máu dẫn thuốc chạy, mồ hôi toát ra như tắm, ngũ tạng lục phủ bỗng cảm thấy nhẹ nhàng, người như cất được gánh nặng ngàn cân, không còn thấy bệnh tật gì cả. Tế Ðiên bỏ ra phòng ngoài ngồi, Phó Hữu Ðức ở sẵn đó chờ đợi Tế Ðiên tìm giùm số bạc bị mất, Tế Ðiên hỏi:
- Này Sài đầu, Ðỗ đầu! Hai ông cứu người ta không để cho ổng treo cổ, lại không có 600 lượng bạc cho ổng đem về, bây giờ có phải để khó cho Hòa thượng ta không?
Phó Hữu Ðức nói:
- Thưa sư phó, bất tất phải lo lắng như vậy. Ba vị cứ lo việc biện án của ba vị đi, phần tôi để tôi tự lo lấy.
Bên phòng trong, Vương Trung nghe thấy, nhờ Trần Hiếu đi ra hỏi tình tiết. Sài đầu mới đem việc vừa rồi thuật lại một lượt. Vương Trung nói:
- Kêu Phó Hữu Ðức vào đây, cầm lấy 600 lượng bạc của tôi đây này, chớ đừng tính đến chết nữa. Số bạc này kể như tôi thay mặt Tế Công tặng cho ông ấy.
Trần Hiếu nghe nói rất mừng, nghĩ thầm: “Việc này rốt cuộc được vẹn toàn”, bèn cầm 600 lượng bạc đưa cho Phó Hữu Ðức. Phó Hữu Ðức nhận bạc tạ ơn xong bước ra nói với Tế Ðiên:
- Thưa sư phó, lão nhân gia khỏi phải quan tâm nữa, có vị khách quan họ Vương chu cấp cho tôi 600 lượng rồi.
Tế Ðiên nghe nói nhìn chăm bẳm vào mặt Phó Hữu Ðức rồi nói một tiếng:
- Ông thiệt là người bộp chộp quá! Ta tìm giùm ông chưa được 12 nén vàng, ông lại lật đật lấy bạc của người khác. Ông có quen biết với người ta không mà lấy chứ?
Mấy câu nói ấy làm mặt Phó Hữu Ðức hết đỏ rồi lại trắng, vội đem bạc trả vào phòng trong, tự nghĩ: “Chi bằng phen này ta chết quách cho xong”.
Tế Ðiên hỏi:
- Phó Hữu Ðức, 12 nén vàng của ông bị ai lấy trộm ông có biết không?
- Tôi nhớ bị một người trẻ tuổi cầm sợi dây thừng lấy đi.
Tế Ðiên vén vạt áo lên nói:
- Ông lại coi thử nào.
Cả Sài Nguyên Lộc và Ðỗ Chấn Anh đều ngạc nhiên: Hòa thượng dắt bên mình một bó bạc, lộ ra 12 nén vàng y. Hai vị Ban đầu cũng không biết Tế Ðiên tìm đâu ra số bạc lớn ấy. Tế Ðiên bảo Phó Hữu Ðức:
- Ông dòm kỹ xem phải bó bạc này của ông không?
- Phải.
- Còn 12 nén vàng cũng của ông phải không?
- Vâng, chính nó.
- Vậy Hòa thượng ta lấy trộm của ngươi chứ gì?
- Tôi đâu dám nói lão nhân gia lấy trộm của tôi.
Tế Ðiên lấy tay chỉ ra trước, nói:
- Ông xem kìa, người trộm vàng của ông đến rồi đó.
Phó Hữu Ðức nhìn ra thấy một người thanh niên ăn mặc rất bình thường, đằng sau có một người phụ nữ chạy theo níu lại. Phó Hữu Ðức nói:
- Ðúng là người cho tôi uống viên thuốc mê trong rừng cây đấy.
Người kia hai mắt trợn trừng, nhắm quán Thiên Hưng chạy thẳng tới.*
- o0o - Hồi thứ 51
| Mục Lục | Hồi thứ 56
- o0o -
| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |
---o0o---
Vi tính : Tịnh Nguyên, Tịnh Hương, Thanh Tuấn, Bảo Tịnh
Trình bày : Nhị Tường
Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
Cập nhật : 01-07-2002
Nguồn: www.quangduc.com