...... ... .

 

VỤ ÁN MỘT NGƯỜI TU

Viên Giác, 1995

 

Thích Như Điển

---o0o---

 

Phần 3

 

CHƯƠNG MƯỜI MỘT 

CÁNH CỬA TÙ ĐÃ MỞ 

Sau khi Sư nằm tại nhà thương để điều trị những vết bầm trên thân thể, chân Sư cũng đã bị xiềng rồi. Họ xiềng Sư không phải nghi Sư điên tiết lên, giết thêm mấy mạng người vô tội bên cạnh nữa, mà họ xiềng xích Sư, vì lẽ không cho Sư chạy trốn nơi nầy. Họ mong Sư mau lành bịnh và sẽ chở Sư vào tù để chờ ngày hầu tòa. Cho đến nay vụ án mạng chưa được rõ ràng, cũng như không thấy ai đóng tiền thế chân cho vụ nầy để tại ngoại hầu tra cả.

Thời gian cứ thế trôi nhanh, mới đó mà đã 3 tháng rồi. Trong 3 tháng nầy Sư có đủ thì giờ để suy gẫm về cuộc đời quá khứ của mình, về nhân tình thế thái, về Giáo Hội, về tương lai và về chính bản thân mình. Thật ra Sư cũng không trách ai cả. Vì Sư quan niệm rằng: người nào gây nghiệp, người ấy phải chịu trả quả. Ở đây cái quả của Sư phải trả là việc có liên quan đến bạc vàng. Nếu không có cái chuyện tình lẩm cẩm ấy. Nếu không có mấy thoi vàng và viên kim cương, hột xoàn ầy thì làm sao Sư phải ra nông nỗi nầy? Sư xem lại trong cuộc đời mình đã trải qua được mấy chữ "t" rồi. Chữ thứ nhất là chữ "tu", Sư đã bỏ lại cha mẹ già, lén lút ra Trung để tìm Sư học đạo. Rồi trở lại Nam, chẳng may lại vướng vào chuyện tình cảm chẳng đặng đừng với Duyên. Rồi qua đây, vì chuyện tiền tài mà phải mang họa, đến giờ phút nầy đang nằm trong tù để chờ luận tội. Xem ra 5 chữ "t" chữ nào Sư cũng đã trải qua rồi.

Ở tù, thật sự ra đây không phải là lần đầu. Vì Sư đã trải qua mấy lần rồi. Lần thứ nhất hồi năm 1963, khi tranh đấu chống lại kỳ thị tôn giáo dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm. Rồi đến năm 1966 Sư cũng đã ở tù, vì vấn đề đem Phật ra đường dưới thời ông Thiệu ông Kỳ. Đến sau năm 1975, khi người cộng sản chiếm miền Nam, Sư cũng đã 5 phen 7 lượt tìm đường vượt biên không trót lọt, cũng đã bị tù. Rồi bây giờ ở xứ tự do nầy, cũng bị ở tù. Đúng là "chữ tù liền với chữ tu một vần" mà. Đã nhiều lần Sư than thở như thế!

Đã làm thân phận tù thì ở đâu cũng như vậy thôi. Bây giờ nằm trong khám đường nầy, Sư so sánh thử những loại tù để xem sao.

Hồi năm 1963 ở tù tập thể, nhất là sau ngày 20 tháng 8 năm 1963 ấy, tất cả các chùa chiền Sư Sãi đều bị bắt. Sư cũng nằm trong chính sách ấy. Khi vào tù ai cũng nghĩ rằng sẹ bị thộn vào bao bố giữa đêm khuya, rồi sẽ bị thả sông. Họ không phải sợ chết, nhưng sợ cho một kế hoạch tiêu diệt Phật Giáo có hệ thống! Cuối cùng rồi ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã đến và mọi người đã ra khỏi được nhà tù.

Nhưng đến năm 1966, mục đích tranh đấu có khác đi chăng? Vẫn do Tăng Ni lãnh đạo; nhưng sao có cái gì không ổn. Tuy nhiên mình là con đẻ của Giáo Hội, không lẽ thờ ơ về vấn đề nầy, nên Sư Tịnh Thường cũng đã tham gia, cuối cùng bị bắt và bị đày vào ngục tốt, ở chung với các Phật Tử khác.

Nhà tù là ngục thất, như Cụ Phan Bội Châu và Cụ Phan Chu Trinh đã tả vào thời kỳ cách mạng chống Pháp hồi đầu thế kỷ 20 nầy. Còn thời ông Thiệu, ông Kỳ nó cũng chỉ thế thôi. Ăn một chỗ ngủ một chỗ, thậm chí đại tiện và tiểu tiện cũng ở đó luôn, chẳng khác thú vật là bao. So ra thì chỉ khác có cái đầu óc biết suy nghĩ. Con vật nuôi sao chịu vậy. Còn con người nếu bị đối xử nghiệt ngã quá thì họ nổi lên đòi hỏi, mặc dầu ở trong tù cũng thế; nhưng đòi hỏi thì đòi hỏi, chứ những cai tù toàn là loại đầu trâu, mặt ngựa đâu có sợ ai mà chống với đối?

Mỗi ngày họ chỉ cho ăn rau muối 2 bữa trưa chiều. Cuối tuần lại được thăm nuôi. Thỉnh thoảng những tin tức cũng được lọt vào trong hoặc ngược lại từ trong ra ngoài qua các cộng rau muống. Đúng là nhiệm mầu và "vỏ quít dày, có móng tay nhọn" là thế ấy.

Những chuyên viên của sự tranh đấu thì rành rẽ lắm. Nếu khi nào ở ngoài họ muốn cho quý Sư thuở ấy ở trong tù biết tin tức thì họ tìm cách đưa vào trong bằng nhiều hình thức khác nhau, trong ấy hình thức viết vào giấy rồi cuộn tròn lại, xẻ ống rau muốn tươi bỏ vào trong, bó chung lại với những cộng rau muống khác, khi thăm tù, người ta chỉ cầm xem qua loa, rồi cho qua. Khi trong, quý Sư lặt rau muống ra nấu canh, hoặc ăn sống, thế là bắt được tin tức bên ngoài. Còn đưa tin ra ư? Dễ lắm. Mỗi "cà-mên" cơm đều có một từng trống, quý Sư tha hồ để tin tức vào đó rồi mang ra, bọn cai ngục cứ nghĩ rằng xách đã lưng, tức đã lấy đồ ăn rồi là xong. Đâu có ai ngờ trong ấy là những mật mã, chuyên chở tin tức cho bên trong lẫn bên ngoài biết.

Còn nhiều cách khác nhau mà thuở bấy giờ Sư cũng như nhiều Thầy, Cô khác đã trải qua mùi cay đắng trong chốn bụi trần.

Rồi những ngày vượt biên bị bắt, hình phạt cũng đâu có kém hơn xưa. So ra còn tệ hại hơn nữa. Ngày trước bọn tù nhân còn đòi hỏi yêu sách về ăn uống, đôi khi giám thị còn nể tình và mở lượng từ bi, cho thêm chút rau, chút chao. Còn ở tù sau 1975 thì khỏi chê. Mỗi tháng đi tắm được 4 lần. Mỗi lần được 15 phút. Mình mẩy ai cũng bị ghẻ lác, trong như con chó bị chủ ruồng bỏ vậy? Còn áo quần ư? Nhiều lúc đói quá, có kẻ đã gậm nhấm đến sờn hết tất cả các cánh áo và khuy áo.

Ăn mỗi ngày chỉ được một bữa, húp một chút nước muối, đôi khi còn bị tra tấn nặng đòn; nhưng đâu dám thở than. Vì mình có tội mà. Có tội phản bội lại Tổ Quốc nên mới vượt biên, tìm đường sinh kế. Đâu có ai biết cho mình là mỗi loài sinh vật trên quả đất nầy đều cần đến một loại dưỡng khí khác nhau để sinh sống!

Ở đây càng chật chội hơn, mỗi người là một xà-lim và tiêu tiểu cũng đó, nhiều lúc hôi hám vô cùng; nhưng khi vào đây rồi mới thấy ý nghĩa của việc quán bất tịnh là thấm thía và thực tế nhất. Thông thường ta chỉ học qua sách vở và có tính cách lý thuyết vậy thôi; nhưng ở đây đã chứng thật thực tế rồi thì ai cũng ngộ. Ngộ ở đây là ngộ cái chân lý tuyệt diệu ấy. Chân lý ấy là: Phân là người. Người là phân. Người từ phân mà đến, rồi người cũng trở lại làm phân. Cây cỏ cung cấp đời sống cho con người. Con người thừa trải ra chất dơ để cung cấp cho cây cỏ, rồi người lại ăn cây cỏ để sống và tiếp tục, khi già khi chết thân người sẽ cung cấp cho cây cỏ những chất dưỡng sinh. Đời là thế và Đạo cũng vậy. Chân lý ấy Đúc Phật đã được chứng thật, còn chúng sanh như chúng ta vẫn còn hờ hững với điều nầy.

Cuối cùng rồi Sư Tịnh Thường cũng đã được ra khỏi khám đường vì bên ngoài có Sư Tịnh Đạo và cô Diệu Duyên lo lắng sao đó với công an phường và với cai tù nên đã được trả tự do. Còn ở đây, kể từ khi Sư vào đây mới chỉ có vài ba bà Phật Tử có gan tới thăm, còn tông phong của Sư, bạn hữu của Sư đâu có thấy ai đâu.

Có lúc Sư tự giải thích cho quý Phật Tử thăm nuôi nghe rằng:

- Ở đây tự do lắm. Ở tù mà như sống ở cõi tiên. Trong nầy có trường học, có dạy nghề, có truyền hình màu. Ăn ngày 3 bữa đàng hoàng. Riêng Sư thì mỗi tuần có 2 lần đi dạy giáo lý cho mấy người bạn tù nữa. Về dọn dẹp, vệ sinh đã có người lo, còn tù chẳng làm gì cả.

Có bà nghe như vậy nên hỏi Sư:

- Bạch Sư, nghe Sư nói như vậy chắc ở đây sung sướng hơn ở ngoài sao? Trên thực tế, thường nhật, mọi người phải tranh đấu với nhau dữ lắm mới có chỗ làm, có miếng ăn và để tránh sự mất mát công ăn việc làm, đôi khi phải làm hai xuất trong ngày để kiếm thêm tiền và bảo đảm cho cuộc sống. Theo con nghĩ và như Sư đã giới thiệu, chắc ở đây sung sướng hơn nhiều?

Một bà phật Tử khác bấm nhẹ tay bà nầy và tiếp:

- Chị không thấy ở đây văn minh đó sao? Khi vào thăm tù họ đã đóng lên tay mình một con dấu dạ quang và khi vào đây nói chuyện tự do thoải mái mà?

- Đúng là vậy! Nhưng họ đóng dấu vào tay mình làm gì thế hở chị?

- Tôi cũng không rành lắm; nhưng nghe đâu để họ kiểm soát người mình và tù đấy chứ!

- Kiểm soát là kiểm như thế nào?

- Nếu người nào có ý gian lận tráo đổi tù nhân, thì tù nhân đi ra, không có con dấu dạ quang trên tay, tức là có vấn đề không ngay thẳng và bị bắt lại.

- Lỡ mình rửa mất dấu thì sao?

- Như chị thấy đó! Dấu nầy phải rửa bằng một loại xà phòng đặc biệt mới sạch được. Lúc ra khỏi cổng tù, chị sẽ nhận được xà phòng ấy.

Bà Phật Tử kia đã thông hiểu và hỏi Sư tiếp:

- Bạch Sư! Nghe nói Sư có dạy cho mấy người tù trong nầy, vậy Sư xử dụng ngôn ngữ gì vậy Sư?

- Có khó gì đâu! Tụng kinh và ngồi thiền. Tụng kinh thì bắt họ đọc theo tiếng Việt Nam. Còn ngồi thiền đâu có cần gì đến ngôn ngữ?

- Việc của Sư đã có kết quả gì chưa?

- Sao hồ sơ của tôi bị dìm hoài, chưa thấy động tĩnh gì ráo! Thôi thì ở đâu cũng tu vậy mà. Quý bà thí chủ cứ an tâm và về nhà cầu nguyện cho Sư đi.

Nhiều bà cảm động lắm; nhưng cũng chẳng biết giúp Sư được gì hơn nữa! Thôi cứ để vậy mà chờ đợi. Lẽ ra bên bị can cũng phải có một Luật sư để biện hộ; nhưng ai cũng sợ bị liên lụy nên không dám đứng ra công khai vận động, nên mới ra nông nỗi nầy.

 

CHƯƠNG MƯỜI HAI

 

BÍ MẬT LẠI ĐƯỢC BẬT MÍ 

Bây giờ vào nằm trong tù rồi, tính đến nay cũng đã hơn 6 tháng, Sư Tịnh Thường có đủ thì giờ để kiểm điểm lại những gì đã xảy ra trong cái chết oan uổng của bà Bảy Diệu Đạo, người nữ thí chủ mà Sư vẫn thường quý mến. Bao nhiêu câu hỏi, bấy nhiêu câu trả lời cũng chỉ để đó mà thôi chứ chưa có gì sáng tỏ cả. Một hôm Sư nhận được giấy hầu tòa; nên Sư phải chuẩn bị để đi. Bên nạn nhân dĩ nhiên là đã có con cái của bà và ngay cả nhân chứng nữa, là ông hàng xóm bên cạnh đã kêu dùm cảnh sát lúc án mạng xảy ra. Còn bên Sư, lẽ ra phải thuê một Luật sư biện hộ; nhưng chẳng có ai lo cho vấn đề nầy cả. Sư cứ phó thác cho cuộc đời nên chính phủ đã cử một Luật sư làm thiện nguyện ra tranh cãi vụ nầy. Dĩ nhiên, khi họ không lãnh thù lao, chỉ làm với tư cách thiện nguyện thì họ đâu có hết mình. Nếu bên bị cáo tiền bạc và thân nhân lo liệu cũng đỡ đi đôi chút.

Hôm đó là ngày 15 tháng 6, cũng là ngày sinh nhật của Sư, một nhà tu mặc áo nhà tù màu xanh nước biển đã đến trước vành móng ngựa.

Ông Biện lý cuộc mở tập hồ sơ dày cộm với đầy đủ tang chứng và dõng dạc hỏi bị cáo:

- Trần Văn Nam, tại sao ông có hành động sát nhân như thế (Trần Văn Nam là tên thế tục của cha mẹ Sư đã đặt).

- Thưa không! Tôi đã không làm việc ấy.

- Tang chứng và nhân chứng đã rõ ràng, tại sao ông chối điều đó?

Đây là dấu tay của ông đã sờ vào cổ, vào người của bà chủ tiệm. Ngoài ra máu me của bà ta cũng còn sót lại nơi mặt kính của ông đang đeo lúc ấy. Còn nữa. Chiếc áo nhựt bình mà ông mặc đã dính máu của Bà Bảy. Đó là tất cả những tang chứng. Ngoài ra còn một vấn đề quan trọng nữa, trong túi ông đã có một số hột xoàn, đã lấy được và chuẩn bị tẩu thoát, thì có sự giằng co của Bà Bảy, nên Cảnh sát đã hay tin qua người hàng xóm; nên đã đến kịp thời, có phải thế không, nhân chứng?

- Đúng vậy! Chính tôi đã nghe thấy tiếng động và thấy nhà Sư nầy với máu me đầy mình nên kêu Cảnh sát. Ngay lúc ấy tại cửa tiệm vàng không còn thấy ai nữa hết.

Thưa ông Biện lý cuộc, lời của Luật sư thiện nguyện đứng về phía bị cáo nói rằng:

- Thật ra những tang chứng nầy chưa có đủ điều kiện để buộc bị cáo là sát nhân, vì lẽ theo luật pháp ở xứ nầy, khi xảy ra án mạng, nạn nhân hay nhân chứng phải kêu Cảnh sát ngay và không được lấy tay chạm vào bất cứ nơi đâu cả, đằng nầy vì không biết luật pháp sở tại, hai nữa vì tình thương của một nhà tu nên ông ta mới đến đỡ bà chủ tiệm vàng dậy, do đó dấu tay ấy chứng tỏ không phải là dấu tay bóp cổ bà chủ. Còn những giọt máu còn đọng lại trên kính của nhà Sư kia cũng thế thôi. Đó chỉ là một sự ngẫu nhiên, khi đỡ nạn nhân lên, trong tiếng nói thì thào, bà ta đã thổi mạnh vào mặt kiếng. Còn vàng bạc và kim cương hiện có trong túi (đãy) đựng y áo của ông ta, theo ông ta nói, đó là đồ để dành đã mang từ Việt Nam sang và nhờ bà chủ xem hộ để đón giá.

Cả hội trường ở dưới nhao nhao lên và kẻ thì thu tay lại đấm vào hư không, người thì lấy tay chỉ trỏ vào bị cáo. Nói lớn lên rằng: Hãy giết nó, hãy cho nó một án tử hình. Vì chính nó là kẻ sát nhân. Rồi từng tàng khua tay múa mỏ liên tiếp như vậy được thốt ra.

Sư lẳng lặng nghe như điếng hết cả người. Những tiếng nói ấy chẳng ai khác hơn là con cái của Bà Bảy. Lúc bấy giờ Sư mới thấm thía cho tình đời nghĩa đạo. Sư nhìn quanh quẩn gian phòng xử án hôm đó, chẳng có ai là đại diện cho mình để đi tham dự phiên tòa nầy cả. Sư nhìn vị Luật sư trẻ kia để thầm cảm ơn ông ta. Mặc dầu Sư không hiểu hết được những gì ông ta đã biện hộ dùm; nhưng Sư tin chắc là những lời nói vừa rồi của ông ta không phải là những lời kết án mà là những lời bênh vực cho Sư, nên bên nạn nhân mới to tiếng cãi lại như thế, làm cho ông Biện lý cuộc phải lấy búa gỗ đạp vào bàn mấy cái, cả hội trường mới yên lặng lại như cũ. Đoạn ông tuyên bố:

- Tòa cần 30 phút để nghị án. Mong quý vị trở lại phòng nầy đúng giờ như đã quy định.

Sau 30 phút, mọi người đã trở lại hội trường xử án. Lúc bấy giờ ai cũng chờ đợi một phán quyết từ quan tòa; nhưng cuối cùng rồi ông Biện lý cuộc đã tuyên bố rằng:

- Thật sự ra vụ án nầy còn nhiều uẩn khúc lắm! Chưa thể kết tội bị can ngay lúc nầy được. Bổn tòa phải cần thêm nhân chứng và nhất là thời gian, ít nhất là 6 tháng mới tái xử lại vụ án nầy. Đến đây xem như phiên tòa thứ nhất được kết thúc.

Ai nấy ra về; nhưng không vui vẻ mấy. Còn Sư được hai người Cảnh sát còng tay lại và chở về nhà tù, nơi Sư đã ở bấy lâu nay.

Ở trong tù, Sư học thêm tiếng địa phương để còn bập bẹ với cai tù hoặc bạn tù nữa; nên mỗi ngày Sư đã học được 4 tiếng. Thời gian còn lại Sư xem truyền hình, chơi bóng bàn. Thỉnh thoảng cũng dọn dẹp vệ sinh và đôi khi cũng có người từ phương xa đến thăm Sư; nên Sư phải tiếp khách.

Ở đây việc thăm viếng cũng dễ, nó tự do như bao sự tự do khác ở bên ngoài; nhưng tất cả đều được theo dõi kỹ càng. Tất cả những cuộc nói chuyện đều được thâu băng lại, mà cả người thăm lẫn người tù đều không biết. Vì vậy không ai dám nói sự thật cho nhau nghe gì cả. Chỉ thăm hỏi qua loa về vấn đề sức khỏe và nhiều lắm là cho người thân một ít tiền bạc để tiêu vặt thôi.

Sư cũng còn được một ít an ủi là thỉnh thoảng có bạn bè ở xa tới thăm. Nhìn họ mà Sư chứa chan hai hàng lệ, muốn phân trần với bạn bè thật nhiều; nhưng Sư thấy cũng không đi đến đâu; nên Sư lại thôi.

Một hôm có một nạn nhân mới được nhốt vào ở chung trong phòng giam với Sư, may quá chàng ta là người Việt, nên Sư có cơ hội để nói tiếng mẹ đẻ của mình mà giãi bày tâm sự tất cả xưa nay những gì Sư đã gặp phải. Mục đích không phải minh oan; nhưng để giãi bày tâm sự.

- Nhưng sao cậu phải vào đây? Sư hỏi thế.

- Con hả Sư? Có nhiều lý do lắm. Vì thiếu tiền cho nên phải đi ăn cướp, ăn trộm. Đời con chỉ cần tiền mà thôi. Vì vậy cho nên tiền nó đã hại con và con cũng chẳng màng gì hơn.

"Núi bốn bể là nhà của lữ thứ

Chốn lao tù là quán trọ của đời tôi"

Sau khi Sư nghe cậu ta ngâm hai câu thơ như vậy. Sư hỏi tiếp.

- Vậy cậu ở tù mấy lần rồi?

- Như cơm bữa mà Sư. Bị bắt vào lại được thả ra; nhưng chắc lần nầy thì khó lắm. Vì liên quan đến một án mạng. Còn Sư, tại sao Sư lại vào đây?. Mới đầu con cũng không tin là một nhà Sư; nhưng con nhìn cung cách và việc ăn chay của Sư trong trại nầy nên con nghi là như vậy. Thực ra không phải con mới bị bắt vào đây đâu; nhưng đã vào ra đây nhiều lần rồi.

Sư hả? Ừ! Thì Sư cũng liên quan đến một vụ án mạng. Nạn nhân là một chủ tiệm vàng.

- Ở đâu vậy Sư?

- Ở nơi đông cư dân Việt Nam mình ở đó.

Bỗng nét mặt của hắn ta sa sầm xuống và lẩm bẩm những gì không biết nữa. Bên nầy Sư Tịnh Thường tiếp tục kể lể những gì đã xảy ra cho hắn ta nghe.

Một hôm Sư đi tắm, lúc trở về thấy thư từ sách vở ở đầu giường mình có gì không bình thường, nên Sư kiểm điểm lại một lần thử xem sao. Đúng ra là có ai đã lục lạo gì đây rồi. Sư không dám nghi là cậu Việt Nam nầy; nhưng có lẹ cũng đúng thôi. Vì chỉ có cậu mới đọc được tiếng Việt, còn tất cả những người bị giam trong phòng nầy đâu có ai hiểu mô tê ất giáp gì đến ngôn ngữ nầy đâu.

Sư cũng định hỏi cậu kia; nhưng lại thôi. Rồi một đêm tối trời, sau khi ngồi Thiền, Sư mới duỗi lưng dài ra để nằm ngủ, thì cậu Việt Nam kia trờ tới bên Sư và nói rằng:

- Sư ơi! Con có điều muốn nói với Sư.

- Việc gì vậy? Để mai nói cũng được mà.

- Không đâu Sư! Con muốn tâm sự cùng Sư.

- Cậu cứ nói:

- Thật ra thì tâm cang con cắn rứt lắm, nhất là khi đã gặp được Sư ở đây và đã hiểu biết về án mạng ấy.

Sư hồi hộp quá hỏi tiếp:

- Nhưng cậu là ai? Và tại sao cậu lại hiểu rành rẽ về vấn đề nầy vậy?

- Con là ai, Sư không cần hiểu đến. Con cũng chỉ là một tứ chiến giang hồ thôi. Nhưng kẻ cướp như con cũng còn có lương tâm mà Sư. Lương tâm ấy là một lời sám hối với Sư đây. Nói xong cậu ta sụp lạy Sư ba lạy, trong khi nước mắt lại ràng rụa chảy dài trên gương mặt còn non nớt độ chừng 25 tuổi ấy.

Sư tự trấn an mình và hỏi tiếp:

- Thế nào? Cậu cho tôi biết rõ hơn đi.

- Thật ra, án mạng hôm đó có con và con là một trong những người đã hành động ấy. Việc làm của tụi con cũng chĩ vì vấn đề tiền thôi.

- Ai đã thuê cậu làm điều đó?

- Việc ấy vẫn còn trong vòng bí mật mà Sư.

- Nhưng tôi tin rằng một ngày mai sẽ được sáng tỏ.

- Lúc ấy chưa biết bao giờ; nhưng có nhiều người liên lụy lắm đấy Sư.

Còn Sư? Sư muốn trắng án?

- Việc ấy chẳng cần thiết; nhưng tôi chỉ muốn biết là ai đã chủ mưu vụ nầy và điều khác, mong rằng linh hồn Bà Bảy sớm siêu thoát nơi thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà.

- Lâu nay con chẳng tin nhân quả là gì; nhưng sao vụ án nầy con thấy lương tâm con nó áy náy quá. Nếu con khai ra thì đồng bọn con sẽ bị bắt cả lũ, mà chắc chắn điều đó Sư cũng không muốn; nhưng phải khai với Sư, thật tình mà nói con cũng không biết gì hơn nữa, ngoại trừ việc sám hối với Sư là hôm đó con đã có mặt nơi hiện trường và chính con… chính con là người đã hành xử không phải với Sư mà thôi. Ngoài ra còn nhiều tai to mặt lớn khác góp mặt vào vấn đề nầy, khó nói lắm Sư ơi! Bứt dây sẽ động rừng. Con xin Sư.

Sau khi nghe câu chuyện ấy, Sư ôm đầu suy nghĩ. Chuyện đâu mà rắc rối thế. Sư tự nghĩ rằng. Hay mình hãy nhận tội là mình đã giết Bà Bảy để câu chuyện được kết thúc nơi đây và mình sẽ nhận một án tử hình là đủ, rồi mọi việc sẽ trôi vào quên lảng. Rồi Sư suy nghĩ lung tung.

Ai đã chủ mưu cà? Có phải người hàg xóm bên cạnh đã thuê bọn cướp vào cướp của giết người rồi phi tang? Hay con cái của bà ta chủ mưu vụ nầy? Nghĩ đến đây Sư rùng mình, không dám nghĩ tiếp nữa. Mặc dầu ở đây việc ấy xảy ra nhan nhản hằng ngày. Sư nghĩ rằng gia đình nầy là một gia đình gia giáo, nề nếp gia phong làm gì có chuyện ấy. Vả lại tang cha chưa mãn, tang mẹ đã mang, ai có muốn điều đó đâu? Vả lại bà ta đã già rồi, trước sau gì rồi cũng chết, tài sản ấy về tay con cái trong gia đình chứ đâu có thuộc về chùa mình mà họ sợ để làm như vậy? Nhưng nếu có chuyện gì đó không vui, nhiều lắm là xí phần chút đỉnh, chứ làm sao gây ra cả một án mạng lạ lùng như vậy, để làm gì? Còn nữa, nếu con cái muốn tiêu xài, thưa với bà ta và xin bà ta 5, 3 cây vàng chắc bà ta cũng không từ chối đâu, tại sao phải làm như vậy?

Sư nghĩ tới rồi nghĩ lui, nghĩ xuôi rồi nghĩ ngược và cuối cùng chẳng có câu giải đáp nào có lý cả.

Thế rồi Sư muốn nói chuyện tiếp với cậu Việt Nam kia và Sư chỉ yêu cầu cậu ta một điều là hãy làm nhân chứng cho Sư khi Sư ra tòa lần tới. Chỉ cần nói cho Luật sư của Sư biết là, chính y thị là nhân chứng có mặt tại hiện trường để cho họ điều tra tiếp tục.

Sau bao nhiêu lần thuyết phục, cậu ta đồng ý; nhưng Sư thì cũng không biết rõ được luật pháp ở xứ nầy là một người tù có được làm chứng cho một người tù không nữa. Tuy nhiên Sư rất mừng và hằng đêm vẫn cầu nguyện Đức Quan Thế Âm gia hộ cho Sư được sở cầu như nguyện.

Cuối cùng rồi ngày ra tòa lần thứ hai cũng đã đến sau sáu tháng trước. Bây giờ thì Sư đã vững dạ hơn là có nhân chứng trong vụ án rùng rợn kia. Bây giờ quan tòa bắt đầu xử lại vụ kiện.

Nhà Sư Tịnh Thường thế danh Trần Văn Nam lại ra trứơc vành móng ngựa lần thứ hai. Lần nầy thì Sư an tâm hơn lần trước. Vì lần đầu không có kinh nghiệm. Vả lại chẳng có chứng nhân. Còn bây giờ thì Sư an ổn trong lòng lắm. Đoạn Luật sư biện lý cuộc nói:

- Đã sáu tháng qua bổn tòa cũng đã nghiên cứu sự kiện và bị cáo hôm nay cũng đã có người làm chứng. Vậy nhân chứng đâu hãy nói lên những sự thật.

Sư đưa mắt thật nhanh và nhìn như có ý khẩn cầu người bạn tù Việt Nam kia; nhưng y thị như bị thôi miên chẳng động đậy gì cả. Khiến quan tòa phải nhắc lại một lần nữa.

- Nhân chứng đâu, xin cứ trình bày.

- Dạ em, dạ con tên là Nguyễn Văn Y, không biết, không nghe, không thấy gì cả về vụ nầy!

Sư Tịnh Thường mặt mày hớn hở, bỗng nhiên tái xám đi lúc nào không hay biết. Luật sư thiện nguyện biện hộ cho Sư cũng thất vọng. Không hiểu thế nào là thế nào?

Cuối cùng thì Luật sư của Sư Tịnh Thường có nêu lên vài sự kiện nho nhỏ sư sau:

- Theo tôi, việc nầy ắt có kẻ thứ ba mới xảy ra án mạng ấy được. Không lẽ một ông Thầy thanh niên đánh lộn với một bà già mà ra nông nỗi ấy? Một bà già làm sao có thể đánh nổi một nhà Sư trong tư thế tự vệ được, khi nhà Sư nầy còn trai trẻ như vậy? Và một câu hỏi nữa được đặt ra là; Ai đã đánh nhà Sư? Và ai đã làm cho nhà Sư sưng đầu sưng trán?

Ông Biện lý cuộc cứ bóp trán suy nghĩ và có ý nghi ngờ cho phía nhân chứng. Bỗng ông tuyên bố bãi tòa và có ý muốn gặp riêng người thanh niên bạn tù của Sư để hỏi rõ tự sự như thế nào?

Cả hội trường đã vắng, bây giờ chỉ còn một Luật sư của Biện lý cuộc và cậu thanh niên nầy. Bên ngoài pháp đình có mấy người cảnh sát đang canh giữ.

Ông Biện lý cuộc hỏi:

- Tại sao cậu đã nhận làm nhân chứng? Rồ੠lúc bấy giờ lại nói không thấy, không nghe, không biết nghĩa là thế nào?

- Thưa ông! Tôi sợ bạn bè của tôi phải vào tù chung với tôi nữa; nên không dám nói hết sự thật, làm cho nhà Sư cũng hụt hẫng quá; nhưng tôi phải nói sao đây khi mà áp lực từ phía bên nạn nhân quá nhiều.

Ông quan tòa lẳng lặng nghe từng tiếng một của cậu nầy nói và ghi sâu vào trí nhớ. Đoạn ông hỏi tiếp:

- Theo cậu nói: áp lực từ phía bên kia nghĩa là thế nào?

- Thưa ông! Nếu tôi nói lên sự thật, ông cũng chỉ để làm tin thôi. Vì tôi không nắm rõ hết mọi nguyên nhân của câu chuyện.

- Được! Cậu cứ nói.

- Tổ chức của chúng tôi đông lắm và người dưới chỉ biết một người trên ra lịnh và người trên biết một người trên nữa thôi. Cứ thế và cứ thế cho đến người cuối cùng trên hết. Vì vậy người ở trên cùng thì biết bộ hạ của mình là ai và gồm bao nhiêu người; nhưng ngược lại thuộc hạ ở dưới thì tuyệt nhiên không biết ai là kẻ cầm đầu mình. Vì thế những gì tôi kể cho ông Biện lý cuộc hôm nay nghe đây, cũng chỉ để thêm một sự kiện mà thôi.

Theo tôi nghĩ thì có ai đó đã thuê bọn cướp chúng tôi hạ sát bà chủ để tranh giành tiền bạc của cải. Dĩ nhiên, nếu việc êm xuôi, chúng tôi sẽ nhận được một số tiền. Chỉ đơn giản vậy thôi. Không ngờ hôm đó, đúng 12 giờ trưa là giờ hành động, lại có mặt vị Sư này; nên vị Sư nầy đã bị oan ức đấy thôi. Theo tôi nghĩ thì có nhiều câu hỏi và câu trả lời vậy.

- Đúng thế! Nên việc xử chưa đi đến chỗ chung kết. Bởi vậy chưa tìm ra thủ phạm. Dẫu cho nhà Sư ấy có nhận là thủ phạm đi nữa, bổn tòa cũng sẽ còn chờ nhiều phúc trình khác của Cảnh sát, của Luật sư và của dư luận quần chúng nữa. Thôi xin cảm ơn em và em sẽ được trả lại chỗ cũ.

Về lại nhà, đôi khi vợ con của ông cũng có hỏi về công chuyện ở pháp đình. Hôm nay tự dưng ông lại kể câu chuyện trên cho bà vợ của mình nghe. Thông thường thì ông ít làm việc nầy lắm. Vì nghĩ rằng chuyện công là công và tư là tư, nên đã không làm việc đó.

Nào ngờ đâu bà vợ của ông cũng là một Phật Tử thuần thành, nghe tin một nhà Sư bị nạn như vậy, bà tỏ ý phân bua với chồng:

- Ông thấy đó. Người tu bao giờ cũng chịu hàm oan hết. Tôi hỏi ông, một người tu đã hơn 30 năm rồi. Trong giới luật của Phật chế, con kiến còn không được giết, làm sao giết người? Tuy chúng ta không đồng chủng tộc với bị can; nhưng xin ông hãy thận trọng về vụ án nầy. Một vụ án vô tiền khoáng hậu tại xứ nầy chăng? Chuyện cha cố đôi khi có lăng nhăng về việc tình cảm đôi chút. Còn chuyện một nhà Sư mang tội giết người quả là có nhiều nghi vấn.

- Tôi cũng biết vậy; nhưng sự việc chưa rõ ràng thì phải tính sao đây?

Sau bữa ra tòa hôm đó, Sư về lại căn phòng giam của mình, không còn gặp cậu Việt Nam kia nữa, Sư đâm ra lo âu và cứ tự hỏi với mình rằng:

- Hay chính chủ nhân của cái chết đã gài người vào đây để thử lòng dạ mình? Nhưng Sư thì không tin điều đó. Hỏi rồi tự trả lời như thế.

Tại sao người đàn ông kia khả nghi quá. Đã nhận lời mình là sẽ làm nhân chứng tại tòa; nhưng hôm nay lại không? Chuyện gì đã làm cho hắn ta sợ sệt? Bề nào thì hắn ta cũng đã vào tù nhiều lần rồi. Bây giờ đâu có ngán ngẩm một ai đâu?

Bao nhiêu câu hỏi, bấy nhiêu câu trả lời. Câu nào rồi Sư thấy cũng có lý cả. Nhưng ai và những gì sẽ là câu trả lời đúng nhất cho việc nầy?

Ngày lại tháng qua thế mà đã 7 năm rồi. Bảy năm trôi qua một cách tẻ nhạt trong tù. Trong suốt thời gian ấy Sư Tịnh Thường đã học và nói rất khá tiếng địa phương. Thỉnh thoảng Sư đến nhà bếp trong nhà tù để trổ tài cho các tù mới, thấy tài của Sư trong việc bếp núc.

Người ta thường nói "ma cũ ăn hiếp ma mới"; nhưng Sư thì không. Sư đối xử với mọi người như là những chúng sanh cùng một dòng máu, Sư không phân biệt đen, trắng, đỏ, vàng, nên đã được cảm tình với rất nhiều người và ngay cả cai ngục nữa; nên việc ra vào nhà kho, nhà họp tự do hơn. Nghĩa là Sư muốn đi đâu trong phạm vi của tù, vào bất cứ giờ nào và bất cứ ở nơi đâu, Sư không bị một sự kiểm soát nào cả.

Có đi như vậy Sư mới thấy được hết mọi khổ đau của nhân thế và chính đây là cơ hội để Sư thể hiện tinh thần Bồ Tát Đạo ở chốn Ta Bà nầy. Ngày xưa khi còn là một Du Tăng Khất Sĩ, Sư phải đi xin để độ nhật. Còn bây giờ chính bây giờ và nơi đây đúng là nơi mà Sư có thể tế độ họ một cách dễ dàng.

Sư han hỏi họ, chăm sóc họ, vỗ về họ. Sư giảng cho họ nghe về khổ đau, tục lụy. Về vô thường, vô ngã, về Niết Bàn tịch tịnh chơn như.. Có nhiều khi Sư thấy nhiều người khóc và cũng có lắm lúc có nhiều người đến thố lộ riêng với Sư về chuyện gia đình, chồng con, sự nghiệp v.v… Dĩ nhiên Sư cũng có nỗi khổ riêng của Sư; nhưng ở đây Sư thấy họ còn khổ hơn Sư nhiều như thế nữa và từ đó Sư có ý nguyện ở luôn trong tù để chăm sóc những người bất hạnh hơn mình.

Hạnh nguyện thì cao cả thật; nhưng đâu phải ai cũng làm được, ngoại trừ một số người có tâm địa Bồ Tát, muốn cứu độ chúng sanh.

Hình ảnh của một nhà Sư đi ủy lạo những người bạn tù, đi săn sóc vấn đề tâm linh cho những người cùng một cảnh ngộ, đã làm cho nhiều người hoan hỷ, tán thán và chính Sư cũng rất vui khi thực hiện những công việc nầy. 

Rồi một hôm sau 7 năm không động đậy tới chuyện hầu tòa, bỗng nhiên Sư được kêu lên và được biết là sẽ ra tòa lần thứ ba vào ngày thứ hai tuần tới.

Lần nầy thì Sư chẳng mong gì hơn là xin tòa ở lại trong tù để coi sóc tù nhân. Nhưng Biện lý cuộc đã nói, khi Sư đã đến trước vành móng ngựa:

- Thú thật với mọi người, vụ án nầy sau 7 năm đã điều tra, không tìm ra được thủ phạm. Tuy có một vài việc đáng nghi ngờ cho ông Sư nầy là can phạm; nhưng cũng không đủ kết tội vị nầy là giết người.

Bên kia, vị Luật sư của bị cáo tiếp:

- Thưa ông Biện lý!, ông Biện lý nói điều ấy rất đúng và hôm nay tôi có thêm một số bằng chứng nữa để chứng minh rằng nhà Sư nầy không có ý vào tiệm để cướp của giết người. Sau khi thu thập mọi dữ kiện, chúng tôi thấy rằng những nữ trang mà cửa tiệm mất không phải là số nữ trang nằm trong túi (đãy) y áo của Sư, mà số nữ trang nầy chính là của riêng Sư, mặc dầu những vật nầy không có chứng từ là từ đâu mang đến.

Còn nữa, bọn cướp của giết người đã cao bay xa chạy. Nếu vụ án nầy chỉ có một bà già và một thanh niên Tăng như Sư đây thì không đến nỗi phải xảy ra án mạng. Vả lại, khi tìm hiểu sâu hơn thì đương sự ở đây và kẻ bị giết không có tiền án; mà ngược lại họ đã có một sự liên hệ rất tốt đẹp cho đến ngày cuối cùng khi xảy ra án mạng.

Sau một hồi lâu nghỉ để nghị án, ông Chánh án, ông Biện lý cuộc và Luật sư của bị can cũng như tất cả mọi người hầu tòa hôm đó đều nghe ông Chánh án dõng dạc tuyên bố rằng:

- Nhà Sư được tại ngoại; nhưng vụ án chưa kết thúc. Vì Sư không phải là kẻ giết người. Chỉ khi nào tìm ra kẻ giết người hoặc kẻ chủ mưu giết người thì Sư mới trắng án.

 

CHƯƠNG MƯỜI BA

 THỜI GIAN TẠI NGOẠI 

Ông bà mình vẫn thường hay nói "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" đúng quá chừng. Một ngày ở trong tù dầu được tự do hơn những tù nhân khác; nhưng Sư Tịnh Thường vẫn thấy sao mà nó dài thế!

Cứ 6 giờ sáng có kẻng tập họp là mọi người nhao nhao ngồi dậy, kẻ đánh răng, người rửa mặt, súc miệng. Sau đó là tập thể thao, thể dục.

Đúng 8 giờ ăn sáng. 9 giờ đi học nghề, học chữa hoặc làm việc ở trong nhà tù. 12 giờ ăn trưa sau đó nghỉ cho đến 2 giờ và từ 2 giờ đến 5 giờ là giờ học và làm việc. 6 giờ chiều ăn tối. 7 giờ xem truyền hình công cộng cho đến 9 giờ và 10 giờ đi ngủ. Thời khắc biểu như thế, ai ở trong tù đều phải tuân theo; nếu không, sẽ bị kỷ luật. Sư thấy rằng thời khắc biểu ấy đâu có khác gì thời khắc biểu ở trong chùa mấy; nhưng sao thấy nó dài và lâu hơn gấp vạn lần. Đôi lúc Sơ ôn lại những bài học trong tứ thập nhị chương để tự an ủi mình. Trong ấy Đức Phật dạy rằng: "Người ở tù dầu có bao lâu, hết hạn tù sẽ được ra; nhưng người đã bị mắc vào đường tình ái rồi thì suốt đời không thể ra được". Đúng như vậy. So sánh cái nầy với cái kia Sư thấy hữu lý lắm. Nhiều lúc ở trong tù, Sư trông con chim bay trên trời, Sư ao ước được cái tự do của nó quá. Sư nghe tiếng nhạc du dương, Sư ước gì mỉnh sẽ vượt qua được không gian và thời gian ấy. Biết bao nhiêu điều ao ước đơn sơ như vậy nhưng Sư có thực hiện được đâu.

Rồi một hôm, bỗng nhiên Sư được văn phòng giám thị kêu lên giao cho một tờ giấy, trên ấy có ghi mấy chữ: "Tù nhân Trần Văn Nam được tại ngoại". Chỉ có mấy chữ vậy thôi. Không biết là nên vui hay nên buồn đây. Vì lẽ chốn tù đày lâu nay mình cũng đã quen rồi. Bây giời về lại nơi xưa, không biết có ai dung chứa mình không? hay lại bị xua đuổi nữa. Sư đang suy nghĩ vẩn vơ, bỗng ông Giám thị chìa bàn tay ra trước mặt Sư và nói:

-Tôi chúc ông trở về quê quán bình yên.

-Xin cảm ơn ông. Sư miễn cưỡng trả lời thế, đoạn siết chặt tay ông. Sau đó Sư lầm lũi trở về phòng thu xếp mới hành trang và rồi trại.

Đồ đạc của Sư chẳng có gì ngoại trừ mấy chiếc áo nhựt bình màu dà, mấy chiếc y màu vàng và một vài dụng cụ cá nhân của mình. Sư lục lạo thật kỹ trong cái bóp, thấy hình ảnh của song thân mình. Sư mủi lòng quá, đem tấm hình ấy áp vào mắt và tự nhiên giọt nước mắt lại lăn tròn qua hai gò má. Sư nghĩ, cha mẹ mình không biết giờ nầy đã ra sao rồi. Sinh con ra chưa nhờ vả được gì, mình đã xuất gia học đạo, rồi biền biệt nơi chốn thiền môn. Bây giờ ở ngoại quốc lại vào tù. Nếu mà ông bà ở nhà nghe được chắc ông bà thí chủ sẽ buồn lắm.

Chính những lúc cô đơn lạc lõng như thế này con người thường hay tìm về quá khứ và nhất là những người thân. Người đời thì có mái ấm gia đình để tìm về, còn Sư đây, không có ai hết cả. Bạn bè đồng tu ư? Họ đang dửng dưng rồi. Giáo Hội ư? Họ đã sợ mang tiếng nên không chở che gì cả. Phật Tử ư? Ai là người dám chứa mình đây?

 

Sau khi Sư Tịnh Thường rời cổng nhà tù, Sư đứng lại và quay về hướng nhà tù vẫy tay chào và nói: "Thôi tau chào mi. Dẫu sao đi nữa mi cũng đã cưu mang tau 7, 8 năm trường. Trong những năm tháng dài đăng đẵng ấy, chính mi là bạn tương đắc của tau, đã che chở nắng mưa cũng như trong sự cô đơn giá lạnh. Xin từ biệt mi".

Sư nói mấy lời như thế, rồi Sư quay mặt ra hướng không gian cao rộng nói lớn lên rằng: "Tự do thật quý hóa; nhất là những người đã mất tự do như tôi. Nhưng ai có lòng từ thiện ở đây? Phật Bồ Tát hay con người? Ai sẽ là người cứu giúp tôi đây?". Sư la to lên như thế, bỗng Sư dừng lại và từ từ nhìn khắp thân thể mình từ đầu chí cuối rồi tự nhủ:

Còn ai nữa, chính mình phải tự giúp mình mới mong thoát khỏi cảnh luân hồi sanh tử và chính mình mới có thể cởi trói cho mình mà thôi. Sư thấy có lý và lấy tay xoa vào đầu mình như thầm cảm ơn về những suy nghĩ ấy mà trí óc đã ban cho mình. Sư tư lự – chắc là mình phải đi cạo cái đầu trước khi mặc áo nhà tu trở lại; Nhưng Sư lại thôi và nghĩ rằng: Đi tu đâu phải chỉ để cạo đầu. Vì có biết bao nhiêu kẻ cạo đầu mà họ có tu đâu. Người đi tu cạo cái tâm quan trọng hơn cạo đầu. Sư nghĩ thế rồi mỉm miệng cười. Đúng vậy! Đường còn dài và đời còn lắm chông gai, mình phải phấn đấu lên. Đoạn Sư sờ vào túi áo của mình lấy mấy đồng bạc lẻ để gọi điện thoại.

Ở đâu đây kia một vị Trưởng Lão trả lời:

-Việc ấy chẳng có sao đâu! Thôi cứ về chùa ta mà ở, ta sẽ bảo bọc cho.

-Bạch Ngài! Ngài không sợ miệng lưỡi thế gian trách móc Ngài tại sao che chở cho một người tù à!

-Việc ấy đâu có gì quan hệ. Con sâu, con kiến, người tu còn phải che chở huống chi con người.

Sư cảm ơn Ngài và gác ống điện thoại, ngẩn ngơ một lúc rồi suy nghĩ: "Quả thật thế gian nầy vẫn còn những con người tốt đẹp như thế, chứ đâu phải tâm ai cũng nhuộm chàm như ta vẫn thường nghĩ đâu! Trong chốn khổ đau vẫn có những người thoát tục. Trong nhiều người gian dối, cũng có lắm kẻ thật thà… Sư bây giờ suy nghĩ nhiều lắm. Mỗi lần suy nghĩ lại gợn lên một vết nhăn trên vầng trán rộng ấy. Nhiều khi Sư tự nhủ rằng: Phải chi ở trong tù sướng hơn, vì thân phận ai cũng giống nhau. Bây giờ về lại thế giới tự do với phương trời cao rộng nầy thấy khó xử quá.

Một hôm có một bà Phật Tử đến chùa thăm Sư cụ rồi gặp Sư hỏi:

- Con nghe nói rằng Sư đã về; nhưng bản án ấy dành cho ai Sư?

-Án nào bà thí chủ?

- Thì cái án mà Sư đã mang lâu nay đó?

- Chắc bà thí chủ muốn nói đến việc họ cho rằng tôi giết người ấy à?

- Đúng vậy, thưa Sư!

- Nếu tôi là kẻ giết người, tôi phải đền tội trước Pháp luật; nhưng vì bằng chứng không rõ ràng nên tôi được tại ngoại, chỉ đơn giản thế thôi.

- Theo Sư, thì nội vụ ra làm sao?

- Ai mà biết được. Chỉ có người gây ra câu chuyện ấy mới biết mà thôi.

- Nhưng ai đã gây ra?

- Điều ấy còn nằm trong vòng nghi vấn mà.

- Theo con nghĩ là Sư bây giờ có thể kiện lại họ được đó.

- Kiện ai?

- Kiện người đã giam Sư, làm cho Sư mất tự do 7, 8 năm trường và con nghĩ rằng số tiền ấy lớn lắm Sư ơi!

- Theo tôi nghĩ: việc ấy đã đủ cho tôi đớn đau rồi. Làm chi cho kẻ khác tan gia bại sản nữa. Vả lại chính tôi cũng là người có lỗi nữa. Lý do chính là tại chuyện vàng bạc hột xoàn, mà người đi tu không nên và không bao giờ chứa chấp nó để làm gì. Điều ấy Phật đã dạy; nhưng khi ra xã hội nầy, chính tôi cũng quên mất đi. Ban đầu tôi nghĩ rằng chính bạc vàng sẽ cứu tôi trong cơn khốn khổ. Nhưng tôi đã lầm. Chính nó là con rắn độc đã hại tôi và bây giờ tôi là một con người chưa được phục hồi danh dự lại như xưa; nên tôi cũng không muốn ai vào tù ngồi thế cho mình cả, khi sự kiện chưa rõ ràng thì mình cũng không dám nghi cho ai nữa. Vì nghi ngờ đã là một cái tội rồi.

Sau khi biết tin Sư được tại ngoại, Sư đã nhận được không biết bao nhiêu cú điện thoại hăm dọa, bảo rằng hãy câm miệng lại không được tiết lộ một chi tiết nào cả trong vụ nầy. Nếu tiết lộ Sư sẽ bị mất mạng.

Nhiều đêm Sư giật mình tỉnh giấc, nghĩ lại giấc mộng xưa và nay quá hãi hùng. Sư có ý quyên sinh để cho đời khỏi dị nghị và khỏi nghe những tiếng thị phi to nhỏ của người đời; nhưng Sư cũng tự trấn tĩnh với mình rằng: đã bao nhiêu khó khăn gian khổ trôi qua mà Sư còn gượng sống để xem tấn tuồng đời sẽ tái diễn ra sao, thì bây giờ và nơi đây, tại sao Sư phải thực hiện điều ấy? Không! đó chỉ là một ý nghĩ điên rồ thôi! Sư tự nêu ra câu hỏi, rồi biện hộ, rồi tự mình trả lời câu hỏi mình đã nêu ra. Điều nầy Sư đã quen làm như thế. Vì bên cạnh mình chẳng có ai giúp đỡ ý kiến; nên Sư phải làm như thế.

Bỗng một hôm Sư đang ngồi lễ Phật, có một nhà Sư mặc áo vàng trờ tới trước Sư. Người ấy mang kính mát và hỏi Sư với giọng điệu lố lăng:

- Tại sao mi đến chùa nầy với ý đồ gì?

- Mô Phật, người tu hành sao ăn nói gì kỳ vậy?

- Mầy bảo ai tu hành? Mầy là thằng ăn cướp, mầy là thằng giết người. Còn mặt mũi nào mầy về đến chùa này để quấy phá Sư Tăng?

Sư nghe như điếng cả hồn mình. Chân tay Sư bủn rủn. Nghiệp duyên nào đã dong rủi mình làm người? Bây giờ đây, mình muốn trở về lại với con người nguyên thủy của mình lại bị chính người đồng môn, đồng cảnh nguyền rủa. Ôi! khổ đau biết dường nào! Nhưng cuối cùng rồi Sư cũng tự cứu được mình bằng cách im lặng. Vì nếu có trả lời, có biện hộ cũng đâu có ai hiểu cho mình được, nên lại thôi. Chỉ có thời gian mới có thể giúp Sư. Còn con người, sao mà lại tệ bạc quá?

Rồi một hôm Sư đi trong một xe Bus, phía trước có hai người đàn bà Việt Nam ngồi nói chuyện mà họ không để ý đến sự hiện diện của Sư.

Một bà kể:

- Chị ơi! Bà có biết vụ án một nhà Sư giết người không?

- Nhà Sư làm sao giết người được?

- Vậy mà chuyện có thật đó.

- Tại sao vậy?

- Tại vì tu không lo tu. Lo đi mua vàng sắm bạc. Buôn bán như người đời, đến khi ăn thua không được với người ta lại cướp của giết người.

- Đời nầy sao lắm Sư hổ mang thể?

- Ở đâu cũng có loại sâu bọ ấy chị ơi.

- Nếu tôi là người tu ấy thì phải tự sát, hoặc tự treo cổ để chết, mà đời còn chưa hết nguyền rủa nữa.

Sư ngồi đó mà trông như người trên bếp lửa nóng hơ. Bây giờ Sư phải làm sao đây? Tiến tới nơi hai bà kia để phân trần hay ngồi đây để chịu trận nghe tiếp tục nữa? Kế nào cũng không hay bằng đào tẩu là thượng sách. Mặc dầu chưa đến chỗ Sư muốn xuống xe như thường lệ; nhưng Sư đã bấm chuông để tài xế dừng xe lại. Sư xuống xe rồi đi lang thang như người không hồn và suy nghĩ miên man về thế thái nhân tình, về miệng lưỡi thế gian. Sư cũng đâu có độc ác với ai, mà tại sao mọi người lại độc ác với mình đến thế? Vả chẳng tại mình tu. Nếu mình không tu, chắc không ai để ý làm gì? mà đúng vậy. Người tu giống như tờ giấy trắng, lỡ dính một chút bụi là thiên hạ thấy liền. Còn người đời, bao nhiêu bụi bặm dính thêm vào chiếc áo trần tục ấy, đâu có sao? Nghĩ vậy nên nhiều lúc Sư cũng muốn ra đời, không nhứt thiết phải đi tu nữa. Nhưng đó cũng chỉ là một ý nghĩ trong muôn ngàn ý nghĩ khác thôi. Sư lại dừng và tự biện hộ cho mình là tại sao suốt 7, 8 năm trường trong nhà tù mình vẫn còn giữ được tư cách của một nhà tu. Còn bây giờ tại sao mình lại buông thả?

Mỗi suy nghĩ đưa Sư về một lối thoát khác nhau; nhưng lối thoát nào Sư cũng thấy không an ổn. Lối thoát duy nhất là cửa thiền; nhưng cửa thiền lại dính bụi. Vì thế bất cứ nơi đâu, và ở đâu Sư Tịnh Thường cũng thấy lẻ loi vô cùng. Sư đâm ra suy nghĩ vẩn vơ như người không trí, không hồn. Nhiều khi Sư đi suốt ngày không về chùa. Sư bỏ ăn, biếng ngủ và không thiết gì đến hoàn cảnh chung quanh.

Một hôm nọ, vì suy nghĩ vẩn vơ, lúc băng qua đường Sư chẳng để ý là đèn đỏ. Một chiếc xe phía trước trờ tới. Sư gượng lại không kịp, thế là hết, Sư đã nằm sóng sã trước mũi xe, Sư bất tỉnh nhân sự. Chừng 3 phút sau thì xe cứu thương chạy đến, nhân viên cấp cứu khiêng Sư lên xe và hụ còi chạy vào một bệnh viện gần đó.

 

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

 

KHÔNG HẸN MÀ GẶP

Sư uể oải trở mình và văng vẳng bên tai có tiếnói dịu dàng của ai như quen thuộc lắm. Sư từ từ mở mắt ra và nghe tiếng nói ấy thỏ thẻ tiếp:

- Tại sao Sư lại ra nôn nổi nầy? Đã gần 10 năm rồi còn gì nữa. Giờ đây gặp lại Sư trong hoàn cảnh éo le như thế nầy, em biết tại sao đây?

Sư cố mở mắt mình to hơn nữa và cố gượng dậy; nhưng cô y tá ấy ra hiệu cho Sư dừng lại vì bác sĩ bảo Sư còn yếu lắm. Hãy tịnh dưỡng vết thương, nhất là vết thương ở đầu vẫn chưa dứt hẳn. Bất chợt Sư nhận ra cô Diệu Duyên, Trần Thị Diệu Duyên. Sư đang mơ hay đang sống trong trạng thái thực tế đây? Sư đang ở cõi nầy hay ở cõi xa xăm nào đấy chăng? Khi bị xe cán, Sư nghĩ rằng đời mình thế là xong. Không ngờ mình lại được cứu sống và oái oăm thay, lại gặp người xưa. Người mà trong tâm tư của mình đã lắng đọng lại tự thuở nào. Sư không muốn khơi lại chuyện cũ; nhưng cứ hỏi:

- Tại sao cô lại ở chỗ nầy?

- Tại con… tại em đang làm y tá tại bệnh viện nầy mà.

- Y tá?

- Vâng, đúng thế, là y tá của bệnh viện.

- Nhưng cô đến xứ nầy khi nào? Và tại sao lại có nhân duyên nầy?

- Việc đến xứ nầy thì con… thì em có thể nói cho Sư biết; nhưng việc tại sao lại gặp Sư ở nơi đây em không trả lời được.

Thưa Sư, cuộc đời em chìm nổi lắm. Kể từ khi Sư ra đi, trong lòng em vẫn nhớ đến Sư và không muốn xa Sư, nên em mới tìm đủ mọi cách để được gần Sư, em dò la tin tức của Sư đã lâu. Cuối cùng biết được Sư ở nước nầy. Em đã tìm đủ mọi cách để gặp Sư. Nhưng khi đến đây thì em đã biết được rằng Sư đang ở trong tù. Chỉ có thế thôi. Còn em đang làm y tá tại đây, vì em học nghề y tá. Đó là một nghề em thích.

- Đúng là nhân duyên đã an bày.

- Sư nói gì vậy? Nhân duyên? Nhân duyên gì vậy Sư?

- Chuyện của cô và tôi, dĩ nhiên tôi đã quên rồi. Nhưng ai đã xui khiến cho cuộc gặp gỡ nầy?

- Chắc là duyên nợ?

- Tôi với cô vốn không duyên và không nợ thì gặp gỡ để làm gì?

- Tại sao Sư nói gì mà bi quan lắm vậy?

Em được biết rằng giờ đây Sư tứ cố vô thân không có ai bên cạnh. Nếu Sư cần, em sẽ cận kề bên Sư để lo thuốc men và nhất là nếu tính xa được hơn nữa…

- Cô nói gì tôi nghe không rõ ?

- Nếu chúng ta đi được xa hơn nữa.

Cô Diệu Duyên gằn từng tiếng cốt ý cho Sư Tịnh Thường nghe; nhưng Sư như cố ý tránh đi hình ảnh và tiếng nói quen thuộc ấy. Sư cố quên một sự kiện, một tấm lòng quảng đại đang mở ra để đón mời Sư.

- Sao Sư nỡ chối từ lòng tốt của em vậy?

- Theo tôi nghĩ, thế gian nầy có rất nhiều người tốt bụng như cô; nhưng tôi không thể đi thương riêng một người được. Vì điều ấy Phật đã cấm.

- Giờ nầy mà Sư còn Phật, Pháp làm gì nữa? Suốt mấy ngày nay, khi Sư vào đây, em đâu có thấy ai là người đồng đạo của Sư và thăm Sư đâu, mà Sư còn quyến luyến với cửa thiền để làm gì ?

- Tuy bên tôi không có người đồng đạo thăm nom; nhưng trong tâm tôi đã có Đức Phật ngự trị. Chính Ngài đã giúp tôi có được nghị lực để sống sót và chính Ngài mới là vị cứu tinh của tôi. Cô biết đó, tất cả mọi người, kể cả cô nữa chỉ là người lợi dụng tôi mà thôi.

- Tại sao Sư nói vậy? Chính em đây là người cứu Sư trong sự sống ngặt nghèo nầy. Sư chưa trả ơn cho em, nay Sư lại trả oán và gieo vào lòng em một sự ngờ vực sâu đậm như thế chăng?

- Mọi người và dể cả loài người đâu có ai tốt với tôi đâu mà bảo tôi phải tốt lại với họ? Đâu có ai thương tôi đâu mà bảo tôi phải rộng lượng đối với họ ?

- Có em đây mà Sư! Em đang thương Sư đây nè !

- Tình thương của cô nó cũng chỉ là một loại ái tình vị kỷ thể thôi. Cô đem món hàng nầy cố đổi lấy một món hàng khác vậy thôi và xin nói cho cô biết, tôi không phải là một món hàng để cho cô dễ đem ra đổi chác vậy đâu?

- Sư nói như vậy không hẳn đúng! Vì khi người ta thương hay yêu nhau, người ta có thể tha thứ cho nhau và xem nhau như một mà.

- Nhưng loại tình cảm ấy nó ủy m lắm. Nó tầm thường lắm. Tôi có thể thương hết mọi người và giúp họ như đã giúp ở trong tù. Chứ tại sao tôi phải chỉ thương có một người thôi?

- Sư thấy đó ! Sư giúp hết mọi người; nhưng bây giờ có ai giúp được Sư đâu? Ngoại trừ chỉ có một mình em bên cạnh Sư?

- Việc tôi và cô gặp ở đây nó chỉ là một sự tình cờ thôi, chứ không phải là việc trả ơn trả nghĩa, lại càng không phải để nói về chuyện tình yêu.

Sư nói thật nhanh, thật nhiều, đoạn Sư thiếp đi lúc nào không hay biết. Có lẽ vết thương ở não vẫn còn hành hạ Sư. Bây giờ thì Sư cố 1uên đi tất cả. Dầu cho hình ảnh đó là người thần hay kẽ thù. Dầu cho đó là tiền bạc hay hạnh phúc. Sư thấy tất cả đều vô vị.

Một hôm, sau khi tỉnh dậy, Duyên cố đưa Sư trở về lại câu chuyện cũ.

- Thưa Sư, theo em nghĩ tụi mình sẽ giàu có lắm. Nếu Sư trở lại cuộc đời với em và chúng ta sẽ tạo lập hạnh phúc cho nhau và từ đó chúng ta sẽ đâm đơn kiện lại người đã bỏ tù Sư. Biết đâu chúng ta sẽ có vài triệu bạc hoạnh tài, chúng ta tha hồ tiêu pha sung sướng.

- Côểu lầm rồi. Ở đây tôi cần phân định cho cô rõ : Thứt nhất, là cho đến giờ nầy tôi vẫn không có ý định hoàn tục, mặc dầu mọi người chung quanh tôi đều nguyền rủa tôi; nhưng đó là cái nghiệp riêng của tôi phải chịu mà thôi. Thứ hai, ân tôi trả; nhưng oán thù thì tôi tha thứ, không muốn cái lợi về mình mà kẻ khác phải bị hại. Họ có gia đình vợ con bè bạn. Nếu chẳng may họ phải trả nghiệp như tôi thì gia đình họ tan nát hết. Vợ con họ khổ sở lắm. Còn tôi, chỉ có một thân một mình đâu có để khổ lụy cho ai. Tôi chịu oan cho bao nhiêu người được sung sướng. Tôi chỉ mong một điều là dưới suối vàng hay nơi cảnh giải thoát nào đó bà Bảy Diệu Đạo hiểu tôi, không phải là người như con cái họ đã nghĩ cũng như miệng đời mai mỉa là được rồi.

Sư nói rất nhiều, nói như không kịp nghĩ để rồi sau đó mệt lả đi. Cứ mỗi lần như thế khiến cho cô ý tá Diệu Duyên phải khổ nhọc không ít để lau mồ hôi và quạt gió cho Sư.

Dẫu sao đi nữa những giờ phút cận kề như thế cô ta cũng đã thỏa mãn phần nào sự nhớ nhung tê tái mà suốt cuộc hành trình dài trong cuộc sống khổ đau nầy, cô ta đang muốn được hội ngộ.

Một buổi sáng sớm Duyên trở vào lại giường bệnh đánh thức Sư dậy điểm tâm như thường lệ; nhưng lạ thay chiếc đầu của Sư đã ngoẻo sang một bên và tay chân của Sư như bất tỉnh. Duyên đưa tay vào lỗ mũi thấy không còn động tĩnh gì nữa. Mặt Duyên như cắt không còn một giọt máu, nàng chạy hối hả đi kêu y tá và bác sĩ vào phòng.

Khi Bác sĩ đặt ống nghe vào ngực thì lắc đầu. Sau khi rọi kiếng đầu, mới biết Sư bị chấn thương chưa lành và bị kích động tâm lý, nên đã xuất huyết não và Sư đã ra người thiên cổ.

Phần Duyên thì ân hận lắm. Chính tại mình mà đã làm cho Sư hết khổ tâm nầy đến khổ tâm khác, để cuối cùng đi đến trạng thái nầy. Nàng gục đầu vào xác Sư và khóc lên thành tiếng não nề.

 

CHƯƠNG MƯỜI LĂM

 

ĐÁM TANG CỦA SƯ TỊNH THƯỜNG 

Ai sinh ra rồi cũng phải chết. Đó là một định luật mà nhà Phật gọi là vô thường. Nhưng cái chết của Sư Tịnh Thường thì ít có người mong muốn. Dẫu sao câu chuyện bí mật, đằng sau cái chết của bà Bảy Diệu Đạo đã chưa sáng sủa; nay tiếp đến cái chết của Sư làm cho màn bí mật đã từ từ khép kín lại mà công lý cũng phải chịu thua.

Theo sau chiếc áo quan, không kèn không trống, chỉ một thân một mình cô Diệu Duyên từ từ đếm bước và niệm kinh. Cô đanh nghĩ về thân phận của mình cũng như cuộc đời vắng số của Sư; nhưng cô cũng chưa yên tâm chút nào. Vì đâu là sự thật? Và ai là người đã giết bà Bảy?

Khi quan tài vừa hạ xuống huyệt, cô Diệu Duyên đã khóc nức nở và quì xuống lạy 2 lạy sau khi đã ném xuống huyệt hai nắm đất để tiễn đưa một người tình, một vị Thầy lần cuối. Duyên ngồi đó thật lâu để suy nghĩ về cuộc đời, về nhân thế và cô Trần Thị Diệu Duyên thấy đời chẳng có gì đáng nói và đáng trách cả. Nếu có chăng phải tự trách mình, vì chính có sự hiện hữu của mình mà cuộc sống mới lắm khổ đau và nhiều tục lụy. Duyên ý thức được cuộc sống như thế nên lòng cô lại chùn xuống và cũng muốn thế phác quy y, xuất gia đầu Phật để cho tâm trí mình được rảnh rang và biết đâu đó cũng là một hình thức chuộc lại lỗi lầm xưa. Vì cô đã không khích lệ sách tấn Sư Tịnh Thường tiến xa trên đường đạo hạnh mà còn có ý làm cho Sư thối chí nhụt tâm; nhưng cũng may là Sư Tịnh Thường đã một lòng một dạ cho Phật Pháp, không vì tình riêng mà quên đi mục đích cao cả của mình.

Sau khi đi chôn đám ma của Sư về, Duyên thấy buồn quá; nên đã tìm đến một ngôi chùa gần đó. Cô nghĩ rằng đám ma của Sư đã không có một người đưa tiễn đã đành, lại thiếu tiếng kinh lời kệ làm cho buổi lễ đã tẻ nhạt lại càng sầu thảm nhiều hơn thế nữa. Vì vậy nên mỗi ngày Duyên đều tìm đến chùa để nhờý Sư tại đây cầu kinh cho Sư Tịnh Thường. Nàng đi vào chùa cũng như đi từ cõi vô thức trở về. Nàng không biết ai bên cạnh cả.

Một hôm có một vị Sư trố mắt nhìn cô và nhất là sau khi đã nghe được vị Sư trụ trì phục nguyện tánh danh Trần Văn Nam pháp danh Pháp Tánh tự Thích Tịnh Thường đã viên tịch và quay lại hỏi:

- Có phải cô là cô Duyên? Trần Thị Duyên?

- Sao nhà Sư biết tên con? Có lẽ Suy đã nghe tên trong khi phục nguyện?

- Đúng thế ! Nhưng cũng không phải. Chắc cô đã quên tôi rồi?

Nàng nhìn thật kỹ, hoá ra đây là nhà Sư Chơn Nghĩa kia mà. Một nhà Sư mình không ưa, nhưng khi ở Việt Nam lại phải gặp hoài và khi ra ngoại quốc nầy lại còn bị gặp Sư nữa. Ngược lại nhà Sư Tịnh Thường, một nhà Sư mình muốn luôn luôn gần gũi nhưng có được gần gũi đâu?

Sau đó Sư hỏi cô Duyên về việc ra khỏi tù của Sư Tịnh Thường và cái chết vừa rồi. Cô Diệu Duyên chậm rãi thưa:

- Bạch Sư! Đời đúng là vô thường thật. Con đâu có ngờ ngày hôm nay lại gặp Sư và con cũng không ngờ rằng con và Sư Tịnh Thường lại gặp nhau trong hoàn cảnh éo le như vậy.

- Theo tôi nghĩ. Mỗi người có một nhân duyên và nghiệp lực khác nhau; nhưng nghiệp ai gây ra nấy trả, đâu có ai trả dùm cho ai mà sợ.

- Đúng vậy! Nhưng sự trả nghiệp ở đây còn có nhiều điều chưa sáng tỏ. Theo ý Sư thì sao?

- Chuyện ấy cũng dể thôi. Chính ông Sư ấy (ý ám chỉ Sư Tịnh Thường) cứ ham vàng bạc của cải, cuối cùng chính vàng bạc của cải ấy đã hại Sư.

- Điều ấy hẳn đúng và chính Sư đã tự thú tội ấy rồi. Nhưng còn cái án mạng giết người kia?

- Sự thật rồi cũng sẽ trả về cho sự thật thôi.

Sau khi Sư Chọn Nghĩa nói ra câu đó, cảm thấy mình hớ hênh điều gì, nên lại đổi đề tài sang chuyện khác và hỏi cô Diệu Duyên.

- Cô Duyên qua đây vơi ai?

- Con đi có một mình.

- Hiện đang làm gì ?

- Đang làm y tá và cũng nhờ làm y tá tại bệnh viện gần đây, nên mới gặp được Sư Tịnh Thường trong khi bị tai nạn.

- Và chuyện bây giờ cũng như tương lai nữa ?

- Đời con là thân gái dặm trường, biết tính sao đây.

Nhưng sau cái chết của Sư Tịnh Thường con thấy đời sao mà mỏng manh quá. Không có gì chắc thật hết; nên con có ý xuất gia đầu Phật để giảm được nghiệp oan mà lâu đời con đã đan kết lại.

- Cô không thấy rằng đi tu như Sư Tịnh Thường cũng đâu có giải được nghiệp, mà còn kết thêm nghiệp nữa kìa.

- Mỗi người có nhân duyên và nghiệp lực khác nhau mà Sư. Con khác và Sư Tịnh Thường khác mà.

Sau buổi gặp gỡ tại chùa với Sư Tịnh Thường, Duyên về lại quán trọ và nàng suy nghĩ mông lung, mỗi ngày nàng đều đi ra mộ của Sư, Thỉnh thoảng đặt một cành hoa cúc tại đó sau khi đã đốt 3 nén nhang khấn vái đất trời. Có nhiều khi nàng ngồi thật lâu tại đó để ôn lại quãng đời dĩ vãng đã qua. Hôm nay, sau thất thứ nhưt, đất vẫn còn mới, hoa vẫn còn tươi và các cộng chưn nhang bên mộ của Sư vẫn còn đỏ au au màu nhang khói. Nàng nhìn thật kỹ phía dưới, bên kia mấy tàn nhang mà nàng vừa cắm có một mảnh giấy nhỏ, gói rất gọn gàng trong một bọc ni-lông, cốt giữ cho mưa nắng khỏi phai mờ. Nàng trườn người tới và với tay lại, đỡ gói giấy nhỏ ấy lên. Nàng vội vàng mở mấy miếng giấy ra và bắt đấu đọc: 

Lời sám hối

Sư ơi! Con thật sự ăn năn. Lẽ ra con phải xuất đầu lộ diện để sám hối với Sư, khi Sư còn sống, nhất là khi Sư đả ở tù về. Nhưng con hèn nhát quá, con không dám đến với Sư. Vì còn sợ khi sự thật đã được phơi bày, thì chính đời con cũng sẽ được kết liễu. Vì thế con không đủ can đảm để đến bên Sư và sám hối với Sư. Con còn vợ, còn con và chính vợ con của con cũng cần sự sống của con; nên bắt buộc con phải sống.

Phải chi, khi Sư còn ở trong tù, con xuất đầu lộ diện thì án của Sư đã trắng rồi. Bây giờ thì Sư không còn nữa, biết tính làm sao đây? Dẫu có quan toà nào bây giờ đến đây để phục hồi danh dự cho Sư đi nữa thì Sư cũng đã không còn. Vì vậy hôm nay con đến đây để quỳ trước mộ Sư và dâng lên một lời sám hối chân tình và để báo cho Sư biết, chính con là tội nhân đã sát hại bà chủ tiệm vàng kia, chứ không phải Sư mà bao nhiêu dư luận búa rìu lâu nay đã giáng lên đầu Sư. Con thành kính xin Sư tha lỗi cho và để sửa đổi những lỗi lầm ấy, con sẽ siêng năng sám hối và làm phước cứu người để tiêu trừ tội lỗi.

Bái biệt Sư.

Nguyễn Văn Nhân 

Duyên vừa gấp miếng giấy lại, lòng nàng thổn thức vô cùng. Chính Sư, Sư là người vô tội. Thế mà có hỏi gì Sư vẫn không nói và một đều đặc biệt là Sư không bao giờ nghi oan giá hoạ cho ai. Đúng là tư cách của một nhà tu.

Có nhiều vụ án mà cả một cuộc đời đã không tìm ra được tông tích, chỉ khi chết. Đúng thế, chỉ cái chết của một người trong cuộc, sẽ làm cho vụ án rõ ràng hơn và hôm nay vụ án của Sư Tịnh Thường là một. Dĩ nhiên nỗi oan của người không bằng nỗi oan của Thị Kính; nhưng đó cũng là một bài học để cho đời soi chung và cũng phải nhớ rằng mọi việc trên thế gian nầy, khi nắp quan tài chưa đậy lại thì đừng vội kết luận liền.

Nàng suy nghĩ thế và hai tay chắp ngay ngực niệm lớn lên rằng:

"Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật"

---o0o---

Mục Lục | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4

---o0o---

Vi tính: Hoa Giác, Minh Chính

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 6-2003

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

do tha ao lam trong tieng ve mua phuong vi Mứt thanh trà ngày Trung thu cuộc đời của đức phật là bài học Yết ma Từ Cẩn Một nhà sư yêu nước Dấu chân chợ Tết con nguoi la mot loai virut dang so nhat nghiệp hay định luật đạo đức Xương rồng cô tôi gai hoa và chuong iii khau da la man nuong va duc phat phap ban dao son tra duoc cong nhan la diem du lich tam Ni sư Chứng Nghiêm nhà hoạt động từ Khánh Hòa Lễ húy nhật Tổ khai sơn рикна 心经 轉識為智 hue kinh ngac tuong thien su giong het nguoi that Cà ri chay lưu Về quê nhớ cái hàng rào 蘇東坡佛印禪師 chánh niệm Chất xơ ngăn ngừa huyết áp cao Tổng luận năm Thủ uẩn sức mạnh của sự tu hành bảo æˆåšæ Lễ húy kỵ vua Cảnh Thịnh tại chùa già เพรงดนต ฟ Đại 仏壇 通販 安い 日本仏壇センター 七五三 小山 giao ly nghiep 修行の手順 å æžœå žå¾ 佛教词汇 tà n Giới 水子葬儀のお礼品とお祝いの方法 niå³ å Æ ä½ å çœ ç çº å kinh phap hoa 地藏十轮经 佛法怎样面对痛苦 lãæ Ly yeu xuân trong tôi ngày ấy và bây giờ 栃木県 寺院数