Thuở xưa, bên cõi Thiên Trúc, có năm anh em phú thương kia cử
hành một cuộc lễ tế long trọng, và nhằm cơ hội này mới tổ chức một cuộc bố thí
vỉ đại giúp mọi người nghèo khổ.
Ai ai đều hoan hỷ và đồng thinh tán dương cuộc bố thí hy hữu, số tài vật thí ra
thật nhiều, quá sức tưởng tượng.
Cuộc lễ vừa chấm dứt thì từ đâu một con chồn đèn lại chạy đến. Nửa thân của chồn
đã trổ màu vàng lóng lánh và nửa thân thì lông còn giữ màu xám như thường. Chạy
đến dưới đàn hành lễ, chồn lăn tròn dưới mặt đất mấy vòng, rồi đứng dậy nói cùng
mấy người dự lễ như vầy:
- Các anh chị đều phạm tội vọng ngữ cả! Nào có hiến tế chi đâu?
- Sao ngươi dám quyết là chẳng có? Gia chủ đã thí cho kẻ nghèo vô số tài vật ai
lại còn chẳng biết! Này ngươi phải nhớ rằng đây là cuộc bố thí hy hữu trên cả
thế gian.
Nghe nói như vậy, chồn đứng nhóng hai chân, rồi chậm rãi nói rằng:
- Các anh hãy lắng tai nghe, tôi thuật lại chuyện này! Trước đây, trong một làng
hẻo lánh, có hai vợ chồng cư sĩ kia rất nghèo mà phải nuôi cả con và dâu. Họ
nghèo đến nước túng thiếu trọn năm và nhờ láng giềng thương xót mà giúp đỡ không
biết bao nhiêu lần.
Vận rủi dập dồn. Từ đâu không ai rõ, hạn hán thoạt xảy đến, thiêu hủy hết cỏ
cây. Nạn đói lan tràn khắp thôn quê và thành thị trong ba năm liên tiếp. Thật là
vận khứ lôi vang tiến phước bia! Gia đình của cư sĩ đã lâm vào cảnh khốn cùng
không bút nào tả được. Cả nhà đã nhịn đói trọn ba ngày.
Buổi sáng kia vì đói quá, cư sĩ mới vét khạp gom nhóp được một nắm bột lúa mạch.
Cư sĩ bèn đem hòa với nước lã, nấu chín thành bánh, chia ra bốn phần: cho mình,
cho vợ, cho con và con dâu. Khi cả nhà xúm lại để ăn phần bánh tí ti cho đỡ đói,
thình lình có ai gõ cửa. Cư sĩ vội bước ra mở và trông thấy một người khách lạ.
Nên biết rằng, theo cổ tục của xứ Thiên Trúc, thì bổn phận của gia chủ phải tôn
trọng bất cứ khách nào đến nhà. Khách là hóa thân của Thượng đế thì phải kính
nhường cho xứng địa vị cao quí ấy.
Vì bổn phận, cư sĩ cúi mình chào khách thưa rằng:
- Xin mời Ngài bước vào và chúc Ngài được vạn phúc.
Sau lúc khách đã an tọa, cư sĩ bèn đem dâng phần của mình. Khách dùng trong phút
chốc là hết miếng bánh rồi nói rằng: "Thí chủ hại ta đó! Nhịn đói mười hôm, nay
ăn một miếng bánh thì đói lại càng đói thêm".
Nghe vậy, bà chủ nhà xin phép chồng đem luôn phần bánh của mình dâng cho khách.
Nhưng cư sĩ biết vợ đã đói quá nên lòng chẳng nỡ... Bà vợ cố van lơn: "Tội
nghiệp! Thấy ông đói quá, tôi thật cầm lòng không được! Ta hữu phúc có nhà có
cửa, vậy ta có phận sự giúp kẻ lỡ đàng. Tôi là vợ, ông không còn chi thì tôi
phải giúp thêm". Bà liền dâng phần bánh của mình. Khách dùng luôn, rồi cũng than
rằng chưa hết đói. Người con trai của gia chủ bèn thưa rằng: "Xin cha hãy dâng
phần bánh của con đi! Ðó là con phải giúp cha thi hành nhiệm vụ". Rồi khách lại
dùng miếng bánh thứ ba mà cũng còn than đói. Người dâu của cư sĩ đem dâng luôn
phần bánh của mình. Xong việc, khách mời vừa lòng, chúc phúc cho gia chủ rồi từ
tạ ra đi...
Trong đêm ấy, cả gia đình bị đói cả nên kiệt lực. Bốn người đều qua đời.
Qua ngày sau, có dịp tạt qua làng đó, chính ta đây đã ghé vào cái nhà bất hạnh
ấy. Thấy còn rơi rớt một chút bột trên mặt đất ta vội lăn mình trên bột, và bột
ít quá nên sắc lông của ta mới trở màu vàng được có nửa phần thôi.
Than ôi! Từ đó đến nay ta bôn tẩu khắp bốn phương trời xa lạ, lòng thầm ước dự
một cuộc hiến tế vĩ đại thứ nhì, nhưng mà ngày tháng trôi đi, đã biết mấy thu mà
ta chưa mãn nguyện. Thứ bột vàng quí ấy dường như đã tuyệt trên cảnh sắc Ta
bà... Hiện thời, màu vàng lóng lánh chỉ nhuộm được nửa thân ta. Vì cớ đó ta
quyết rằng đây chẳng phải là một cuộc hiến tế thích đáng.
Nguồn: www.quangduc.com