Mục Lục 
Thay lời tựa - Tiểu sử 
A - Bàn về " Hiệp Khách Hành "  
Hồi 1 : Huyền Thiết Lệnh
Hồi 2 : Thiếu niên gây đại họa
Hồi 3 : Ma Thiên Nhai
Hồi 4 : Bang chúa rừng Lạc bang
Hồi 5 : Đinh đinh Đang đang
Hồi 6 : Vết thương
Hồi 7 : Tuyết Sơn kiếm pháp
Hồi 8 : Thằng Ngốc
Hồi 9 : Đòn bánh tét
Hồi 10 : Kim Ô Đao pháp
Hồi 11 : Rượu thuốc
Hồi 12 : Hai tấm bài đồng
Hồi 13 : Tình cốt nhục
Hồi 14 : Tứ đại môn phái ở Quan Đông
Hồi 15 : Chân tướng
Hồi 16 : Thành Lăng Tiêu
Hồi 17 : Tự đại thành cuồng
Hồi 18 : Điều phải cầu xin
Hồi 19 : Cháo Lạp Bát
Hồi 20 : Hiệp Khách Hành
Hồi 21: Ta là ai?
TỔNG LUẬN
**Cốt truyện Hiệp Khách Hành**
B - Bàn về " Thiên Long Bát Bộ / Lục Mạch Thần Kiếm "
Hồi 1 : Giữa đường gặp chuyện bất bình
Hồi 2 : Lời nguyền ở Vạn Kiếp Cốc
Hồi 3 : Người được vợ, kẻ vạ lây
Hồi 4 : Lời thề của Mộc Cô Nương
Hồi 5 : Lăng Ba Vi Bộ
Hồi 6 : Chưa kịp bái sư, sư đã ... bái!
Hồi 7 : Cha ăn mặn, con khát nước
Hồi 8 : Ông già áo xanh là ai?
Hồi 9 : Phượng bay ra, loan vào tổ
Hồi 10 : Kiếm khí dọc ngang như tường khói
Hồi 11 : Hai cô Mỹ nữ, một chiếc thuyền con
Hồi 12 : Người đâu gặp gỡ làm chi ...
Hồi 13 : Cô nương chỉ điểm, quần hào ngẩn ngơ
Hồi 14 : Mỹ tửu chạy theo lục mạch, Đệ huynh uống đủ thiên bôi
Hồi 15 : Dù người phụ ta, ta chẳng phụ người
Hồi 16 : Ân xưa oán cũ, sớm bạn trưa thù
Hồi 17 : Nguyện làm con cóc khác thường, chỉ mong thiên nga ngó đến
Hồi 18 : Một ngày ba nỗi đại oan, anh hùng Khất đan rơi lệ
Hồi 19 : Trợn mắt xem khinh nghìn hảo hán, nhất tâm cứu mạng tiểu cô nương
Hồi 20 : Chữ trên vách đá đã mòn, hình xăm trước ngực vẫn còn trơ trơ
Hồi 21: Nghìn dặm đường trường, mơ hồ mộng ảo
Hồi 22 : Tiểu kính hồ lần ra manh mối
Hồi 23 : Chưa vui sum họp đã sầu chia ly ...
Hồi 24 : Yêu nhau lắm cắn nhau đau ...
Hồi 25 : Nén thương đau, đạp tuyết lên đường
Hồi 26 : Tay không bắt cọp
Hồi 27 : Chốn thiên quân bắt tướng, khất cái hóa đại vương
Hồi 28 : Chịu thảm hình trở thành "thiết sửu"
Hồi 29 : Hàn độc trùng, luyện hàn độc chưởng
Hồi 30 : Cuộc hội ngộ kinh hoàng ở Tiết gia trang
Hồi 31 : Nát óc tính cờ đành tự tử, vô tâm đi ẩu được thần công
Hồi 32 : Người câm trổ tài hùng biện, Nhà sư lãnh phái tiêu dao
Hồi 33 : Đẩu chuyển tinh di, trấn áp hồ quần, cẩu đảng
Hồi 34 : Núi Phiêu Diễu mây dồn gió giật
Hồi 35 : Cứu Đồng Mỗ, tiểu tăng phạm giới
Hồi 36 : Bóng hồng đã khép cửa thiền
Hồi 37 : Cùng cười ha hả một tràng, cuối đường yêu hận rõ ràng là không
Hồi 38 : Chén chú chén anh, đồng bệnh si tình thành huynh đệ
Hồi 39 : Vải thưa che mắt thánh, bốn chín gặp năm mươi
Hồi 40 : Biết lúc nào bỏ được lòng si

Hồi 41 : Mười tám kỵ sĩ Yên vân, Khí thế thiên binh vạn mã
Hồi 42 : Giả chết chờ thời phục quốc, cõi thiền nặng nợ phu thê
Hồi 43 :Một đời mộng bá vương, cùng trở về cát bụi
Hồi 44 : Đừng xây mộng đẹp mà chi, trăm năm chẳng có duyên gì với nhau
Hồi 45 : Đáy giếng khô hai lòng hòa nhịp, chốn bùn lầy hẹn ước chung thân
Hồi 46 : Ba câu hỏi kén ngôi phò mã
Hồi 47 : Hoa trà nở rộ vì ai
Hồi 48 : Kẻ thù lại chính là cha, đứa con oan nghiệt bây giờ là vua
Hồi 49 : Sống chết chẳng qua là giấc mộng, sá gì phú quý với vinh hoa
Hồi 50 : Trung nghĩa khó toàn đành tự vẫn, thân tàn chưa tỉnh mộng quân vương
TỔNG LUẬN
**Cốt truyện Thiên Long Bát Bộ**
**Cốt truyện Lục Mạch Thần Kiếm**

 


 


 

Bàn Về Tư Tưởng Phật Học Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung
Thích Chơn Thiện - Chùa Tường Vân Huế 2004
 
______________________________________________________________________________

Hồi 31: Hồi 31 : Nát óc tính cờ đành tự tử, vô tâm đi ẩu được thần công 
 
31. 1. Lược truyện

- Thông Biện Tiên Sinh, sư phụ của nhóm Bát hữu, đang tiếp cờ với các kỳ thủ trên giang hồ tại trú xứ của ông. Tiên sinh cho người xuống núi đón Đinh Xuân Thu, và theo xe Đinh Xuân Thu, lên núi. Tiên sinh sẵn sàng ứng chiến với Đinh lão quái.

- Thông Biện trân trọng chào đón mọi người, rồi thản nhiên tiếp tục ván cờ với Đoàn Dự. Tiên sinh khen ngợi mười mấy nước cờ đầu của Đoàn Dự: vừa nghiêm mật, vừa cao vời. Nhưng tiên sinh lại tiếc rẻ thấy chàng sắp lâm vào thế bí, do nặng tình thương không nở hi sinh các quân cờ trắng.

- Thông Biện nói rõ cho những người hiện diện biết về sự khinh sư diệt tổ của Đinh lão quái.

- Phạm Bạch Linh tiếp cờ, chỉ sau vài nước là thổ huyết; Thông Biện kịp cứu giải.

- Mộ Dung Phục, với sư Cưu Ma Trí và Vương Ngữ yên đi theo, đi vào trận cờ Trân Lung với tâm kiêu mạn và hiếu thắng. Nước cờ của công tử rất sát phạt, thí cờ bất tử. Chàng sớm đi vào bế tắt, suy nghĩ lao lung. Đinh lão quái đứng cạnh dùng thuật thôi miên kích động tâm lý khiến chàng tức trí rút kiếm tự vẫn. Đoàn Dự hốt hoảng phóng thần Kiếm Lục Mạch đánh rơi kiếm của công tử, kịp cứu. Mộ Dung Phục đi ra khỏi cơn mê...

- Đoàn Diên Khánh, tay rất cao cờ trong hàng kỳ thủ, vào cuộc. Ông lại rơi vào nước bí của Mộ Dung Phục. Đinh lão quái lại thôi miên sai sử ông quay đầu gậy sắt đâm vào cổ mình tự vẫn. Hư Trúc hét lớn, nhanh tay vô tâm đặt xuống một quân cờ trắng để thức tỉnh ông. Quân cờ đi vào tử vị, nhưng bất ngờ phá được thế trận Trân Lung. Đoàn Diên Khánh kịp tỉnh trí, bèn dùng pháp truyền âm nhập mật mách các nước tiếp theo cho Hư Trúc kết thúc chiến thắng cuộc cờ. Mọi người đều tỏ bày sự ngưỡng mộ Hư Trúc.

- Thông Biện Tiên sinh dẫn Hư Trúc đi vào căn nhà không có cửa, gợi ý cho Hư Trúc phá vách để vào. Có một âm thanh lạ hướng dẫn chàng đi đến một mật thất yết kiến Vô Nhai Tử, tổ sư chưởng môn phái Tiêu Dao. Hư Trúc theo lệnh làm lễ bái sư; được chưởng môn truyền cho bảy mươi năm nội công và trao chiếc nhẫn chưởng môn. Vô Nhai Tử nói cho Hư Trúc nghe hết các bí mật của phái Tiêu Dao; dặn dò giữ theo mình một tấm đồ hình và tìm gặp một nhân vật của bổn phái để tiếp tục phát huy võ công đến cực điểm, nhiên hậu trừ khử tên phản đồ Đinh Xuân Thu để trừ họa cho giang hồ.

Dặn dò xong, Vô Nhai Tử nhập định mà hóa.

Hư Trúc tần ngần trở lại bàn cờ...

31.2. Ý kiến

- Cánh phản đồ Đinh lão quái là cánh mặt dày mày dạn, hủy hoại lương tâm, gây họa cho giang hồ.

- Đoàn Dự, với tâm thuần lương, dù rơi vào thế cờ bí vẫn thanh thản, tự tại.

- Mộ Dung Phục, với tà tưởng, rơi vào thế cờ bí thì tức trí liền tự vẫn.

- Đoàn Diên Khánh, đầy hận tâm, đi vào tuyệt lộ hẳn là phải vong mạng, nếu Hư Trúc không kịp cứu.

- Hư Trúc, với tâm nhân từ, vô dục, vô chấp nên mở ra được thế giải: cờ đi vào thế tử mà lại sinh. Có lẽ đây là nước cờ Văn hóa nhân văn của vô ngã, vô dục của nhà Phật?

- Việc chọn truyền nhân cho phái Tiêu Dao, với trí tuệ tác giả đã cân nhắc kỷ mở ra thế trận Trân Lung, chờ đến ba mươi năm sau mới hội đủ duyên lành chọn lựa:

- Đinh lão quái thì đại gian đại ác chỉ có thể bị trừ khử, mà không phải là đối tượng chọn lựa.

- Tô Tinh Hà thì lương thiện, đa tài, đa năng, nhưng còn hữu niệm nên khó có thể phát triển đến cao điểm các võ công thượng thừa của Tiêu Dao để lợi lạc cho xã hội.

- Hư Trúc thì vô dục, vô niệm, giàu lòng nhân từ, không tham ái, không cố chấp là thích hợp được chọn làm truyền nhân. Thật sự vô cầu mà được!


Hồi 32: Người câm trổ tài hùng biện, Nhà sư lãnh phái tiêu dao  

32.1. Lược truyện

- Vừa ra khỏi mật thất, Hư Trúc chứng kiến ngay một trận thư hùng: Tô Tinh Hà đang tử chiến với Đinh lão quái. Tô Tinh Hà đang dồn hết nội lực đẩy đám lửa mà lão quái xua đến, sắp thiêu cháy tiên sinh. Tiên sinh quỵ ngã. Hư Trúc vội vàng đỡ lưng tiên sinh; bảy mươi năm công lực Tiêu Dao liền chảy qua người tiên sinh khiến tiên sinh khỏe hẳn đẩy ra chưởng phong cuồn cuộn cuốn về Đinh lão quái đốt cháy râu và áo của lão quái; lão hoảng hốt kêu cứu Du Thản Chi mau xuất hàn phong chưởng để dập tắt lửa, rồi tuôn chạy...

- Nhìn thấy nội lực Hư Trúc vô cùng hùng hậu, và chiếc nhẫn chưởng môn trên tay chàng, Thông Biện tiên sinh đã hình dung ra mọi chuyện... Tiên sinh kéo Hư Trúc trở lại mật thất để đảnh lễ di thể sư phụ, ra mắt tân chưởng môn, dặn dò Hư Trúc và chỉ bày cho Hư Trúc cách vận công để chửa thương cho quầân hùng...

- Thông Biện tiên sinh và Huyền Nạn đại sư do bị nhiễm độc rất nặng chỉ trong chốc lát sau sẽ hóa.

- Bát hữu làm lễ ra mắt tân chưởng môn và xin được phục hồi danh nghĩa môn nhân của Tiêu Dao. Hư Trúc hứa khả

Bên ngoài, quần hùng lần lượt xuống núi ...

- Hư Trúc đi tìm các sư Thiếu Lâm, lại gặp Đinh Lão quái và A Tử (cải nam trang) cùng Mộ Dung Phục trong một phạn điếm. Lão quái không biết Hư Trúc là truyền nhân của phái Tiêu Dao nên có thái độ vô sự với chàng. Hư Trúc thì lánh mặt lão.

- A Tử đang bị lão quái tra vấn về chiếc "mộc đỉnh" của bang phái để luyện Hóa Công Đại Pháp, thì Mộ Dung Phục tìm đến để rửa hận về vụ Lão quái cố ý hại công tử và các huynh đệ của công tử.

32.2. Ý kiến

- Nhờ có sức mạnh chân chính của Hư Trúc, trận huyết chiến giữa Thông Biện tiên sinh và Tinh Tú lão quái mới được giải giáp.

Sức mạnh chân chính là sức mạnh vượt lên trên sức mạnh tranh chấp thị, phi; là sức mạnh trừ hại. Hệt như chân tâm thì siêu vượt các thiện tâm và ác tâm; nó là vô niệm. Đó là sức mạnh của tiểu tăng Hư Trúc, rất thực!


Hồi 33: Đẩu chuyển tinh di, trấn áp hồ quần, cẩu đảng 

33.1. Lược truyện

- Vừa giáp mặt nhau ở phạn điếm, Đinh lão quái và Mộ Dung Phục đã rõ lòng nhau. Bên ngoài thì tỏ vẻ xả giao, bên trong thì ngầm xuất thủ tấn công nhau.

- Lão quái lặng lẽ phóng bột vô sắc Tam Tiếu Tiêu Dao Tán. Mộ Dung xuất chiêu Đẩu Chuyển Tinh Di chuyển độc phấn qua một tên môn đồ của lão quái khiến hắn ta cười ba lượt rồi ngả ra chết.

Lão quái lại vận kình đẩy cốc rượu mời Mộ Dung. Công tử thổi hơi chuyển cốc rượu đến một tên môn đồ khác, tên này chết không kịp hé lời.

Lão quái lại mời công tử cốc rượu thứ hai, tự ông đưa đến chỗ ngồi của công tử; Mộ Dung rít một hơi làm rượu bay thành vòng lên không đi vào miệng tên môn đồ thứ ba, tên này gục ngã không kịp trối.

- Lão quái trở nên bực bội, xuất chiêu Hóa Công Đại Pháp liên tục tấn công công tử. Mộ Dung chỉ né đòn, mà không tiếp chiêu. Lão quái dở ngụy kế đánh lừa, Mộ Dung mất cảnh giác trong một thoáng liền bị bắt một tay hút vào Đại Pháp Hóa Công; công tử liền liên tiếp kéo từng tên môn đồ Tinh Tú Hải đang đứng vòng quanh thế chỗ hóa tán nội lực của chàng. Thấy A Tử tụ thủ bàng quan, Lão quái phóng một chiếc đũa làm mù mắt nàng để trừng phạt; thừa thế bị phân lực, công tử chuyển mạnh Đẩu Chuyển Tinh Di thoát khỏi Hóa Công, lẹ chân tẩu thoát - Mộ Dung một phen hú vía!

- Du Thản Chi thấy A Tử đau đớn, liền bồng nàng phóng như bay trốn thoát.

- Toàn Quán Thanh phát hiện võ công đặc biệt của Du Thản Chi, đã giúp chàng gỡ chiếc mặt sắt, ổn định tâm lý, hầu kết nạp chàng vào Cái Bang để lợi dụng về sau.

- Các đại hộ pháp Đại Lý đi điều tra ở Yến Tử Ổ và khám phá quan tài của Mộ Dung Bác trống không: ông ta đã trá tử.

- Nhóm người Mộ Dung, sau vài ngày dưỡng thương, lên đường và lạc vào hang ổ của Vạn Tiên Đại Hội của 36 động và 72 đảo chúa... Xung đột đao kiếm xảy ra khá ác liệt. Toàn nhóm bị vây chặt, Vương Ngữ yên bị bắt...

33.2. Ý kiến

- Cuộc đọ sức giữa Đinh lão quái và Mộ Dung Phục là cuộc đọ sức điển hình của hai lực lượng ác tà: chỉ có bạo động, dục vọng, sân hận, tàn sát ở đây. Chỉ có tiếng nói phi nhân và hủy diệt ở đây. Nó gây kinh hải cho đời. Nó là động lực làm bung dậy các mong ước thiết tha cái thiện và nỗ lực xây dựng văn hóa nhân văn, phải chăng?


Hồi 34: Núi Phiêu Diễu mây dồn gió giật 

34.1. Lược truyện

- Nhóm Vạn Tiên Đại Hội dọa giết Vương Ngữ yên để uy hiếp Mộ Dung Phục, nhưng chàng nhất mực phản công, không chịu hạ kiếm.

- Đoàn Dự vì nhớ nhung đã lần theo bước đi của Vương Ngữ yên, giữ một khoảng cách vừa đủ để theo dõi. Lúc nàng bị bức hiếp, chàng liền hành Lăng Ba Vi Bộ phóng tới và xuất thần kiếm Lục Mạch cứu nàng. Chàng cõng Vương Ngữ Yên, do nàng bị điểm huyệt, rồi đến gần Mộ Dung công tử để nàng quan sát chiêu kiếm hầu có thể nhắc nhở.

- Bất Bình Đạo Nhân yêu cầu các bên ngưng chiến để kịp chữa độc thương cho hai phía. Tất cả nghe theo. Đạo nhân đề nghị cùng kết bạn, và buộc Tang Thổ Công trao thuốc giải. Đoạn ông gợi ý cho Ô Lão Đại, người triệu tập đại hội, mời Mộ Dung công tử hợp tác để đối phó Thiên Sơn Đồng Mỗ, kẻ đã buộc 36 động và 72 đảo chúa làm nô lệ cho bà nhiều năm qua. Mộ Dung Phục chấp nhận lời mời với ý đồ là sẽ nhờ đám quần hào này giúp chàng khôi phục Đại yên ngày sau.

- Mộ Dung Phục giới thiệu Đoàn Dự là thái tử Đại Lý giữa khi Đoàn Dự hờ hững trước lời mời, do đang tư lự vì ý nghĩ rằng chàng sẽ không có hi vọng gần gũi Vương Ngữ yên trong tương lai. Đạo Nhân và Ô Lão Đại, tính vốn kiêu ngạo, định trừng phạt Đoàn Dự một cách kín đáo: Ô Lão Đại nắm chặt bàn tay Đoàn Dự và siết mạnh. Đạo Nhân thì nắm tay chàng để truyền độc ngứa. Bắc Minh Thần Công và Mãng Cổ Chu Cáp trong người Đoàn Dự đã vô hiệu hóa độc ngứa và hóa tán nội lực người, khiến hai người ơi ới la: "Ôi! Ngươi dùng Hóa Công Đại Pháp". Mộ Dung Phục nhắc nhở khéo, Đoàn Dự sực tỉnh thu về Thần Công.

- Ô Lão Đại kể tội Thiên Sơn Đồng Mỗ và Cung Linh Thứu, và hô hào quần hùng đi trừ khử ngay. Ô Lão Đại cho biết hiện Đồng Mỗ đang ở vào thời gian ngọa bệnh, hãy thừa cơ tấn công gấp.

Mộ Dung Phục ủng hộ kế hoạch tấn công. Đoàn Dự thì phản đối, cho rằng hành động thừa cơ là thiếu chính khí.

34.2. Ý kiến

- Vạn Tiên Đại Hội Chống Thiên Sơn Đồng Mỗ cũng là tà chống tà. Tại đây chỉ nói đến sức mạnh, thủ đoạn, mà không nói đến chính nghĩa, bởi thiếu công chính và lòng nhân ái. Nhưng cũng chính tại đây khát vọng tình người và điều thiện hiện ra rõ hơn bất cứ nơi nào khác.

- Khi thấy Vương Ngữ yên nhìn Mộ Dung rất thiết tha, Đoàn Dự than thầm:

"Chẳng bao giờ nàng muốn mình nâng đỡ nữa rồi. Trong cõi trời đất này ta còn sinh thú gì nữa đâu? Thôi, ta thà về Đại Lý, từ đây quyết không nhìn mặt nàng nữa. Hởi ôi! Ta về chùa Thiên Long xuất gia đầu Phật, quy y dưới tòa Khô Vinh đại sư ... Từ đây quán thân bất tịnh, rửa sạch lục căn, không nhiễm bụi trần..."

(tr.206, tập VII)

Khi phấn chấn, Đoàn Dự không quên làm việc thiện theo giáo lý nhà Phật. Khi tình cảm đi vào chỗ hầu như tuyệt vọng, chàng vẫn không quên hướng về Thiên Long tự, hướng về nếp sống ở ngoài dục vọng và thị phi. Đây là nếp sống nhìn rõ mặt trái của thân sắc để dập tắt lòng ham muốn các sắc tướng; nhìn rõ mặt trái thanh, hương, vị, xúc và tư tưởng - ảnh tượng, để rửa sạch tham, sân, si khởi lên từ chúng.

Lời than của Đoàn Dự như là một sự phản tỉnh trở về các dòng Kinh Phật.

Hồi 35: Cứu Đồng Mỗ, tiểu tăng phạm giới 

35.1. Lược truyện

- Ô Lão Đại nói về kế hoạch đánh cung Linh Thứu, núi Phiêu Diễu. Ông cho biết về sự vắng mặt của Thiên Sơn Đồng Mỗ, và việc ông bắt về, từ cung Linh Thứu, một cô bé chừng chín tuổi, vừa câm, vừa điếc. Ông bảo dẫn cô gái ra thích huyết để tuyên thệ tấn công.

- Lưỡi đao đầu tiên của Ô Lão Đại sắp chém xuống cô bé thì Đoàn Dự phóng thần kiếm để cứu nàng, nhưng kiếm khí bị nghẽn. Hư Trúc đang ẩn mình gần đó thương tâm liền cắp cô bé vụt chạy lên núi.

Ô Lão Đại quyết rượt bắt để bảo toàn bí mật kế hoạch tấn công.

- Hư Trúc càng chạy càng bỏ xa Ô Lão Đại và Bất Bình Đạo Nhân. Cô bé trong bao vải, vốn là Thiên Sơn Đồng Mỗ, lên tiếng chỉ bảo Hư Trúc cách vận khí để phi hành qua các cành cây, không để lại dấu vết. Trên núi cao, Đồng Mỗ bảo Hư Trúc giết thú cho bà hút máu, và cho chàng có thịt để ăn. Hư Trúc lớn tiếng phản đối, giúp Ô Lão Đại và Đạo Nhân phát hiện hai người; họ bèn cùng với vài cao thủ vây đánh Hư Trúc. Đồng Mỗ chỉ cách cho Hư Trúc vận Bắc Minh chân khí ném ra hai nắm hạt tùng đánh chết Đạo Nhân và các cao thủ, gây thương tích nặng cho Ô Lão Đại. An động chúa nhờ khổ người thấp bé nên thoát chết, ném khí giới chạy thục mạng.

- Hư Trúc, theo lời chỉ điểm của Đồng Mỗ, vận khí đưa hai người lên vùng núi cao hơn, thoát khỏi tầm tấn công của quần hào. Đồng Mỗ dùng linh dược cứu sống Ô Lão Đại để sai khiến; dạy Hư Trúc thêm võ công đủ để tự vệ an toàn dù gặp phải đại cao thủ.

- Hằng ngày Đồng Mỗ uống huyết tươi của loài động vật để luyện môn nội công cao nhất của cung Linh Thứu: Bát Hoang Lục Hạp Duy Ngã Độc Tôn. Sau một tuần lễ thì Đồng Mỗ đã có công lực của cô gái 18 tuổi, dù chiều cao không phát triển.

- Bà vốn là sư tỉ của Vô Nhai Tử, nay tuổi thật đã là 96, là địch thủ bất cộng đái thiên của người sư muội. Người sư muội đang lùng kiếm bà để rửa hận.

35.2. Ý kiến

- Giới luật được Thiên Long Bát Bộ bàn đến là giới luật thuộc bộ phái phát triển Phật giáo, hay gọi là Đại thừa, gồm giới của Tỷ kheo (250 giới), giới của Bồ tát (58 giới) - Thập nhân cũng là hạnh của Bồ tát hành các ba - la - mật khá rành rẽ.

(tr.264 - 265, tập VII)

- Về căn bản của đường tu phạm hạnh, tác giả đã phát biểu qua lời lẽ của tiểu Tăng Hư Trúc:

"Đệ tử nhà Phật lấy từ bi làm căn bản, lấy phổ độ chúng sinh làm tâm nguyện, cốt sao cho minh tâm kiến tánh. Còn luyện võ công được cao thâm cũng là hay, mà luyện chẳng tới đâu thì cũng không ngại gì đến việc tu thành chánh quả. Kẻ tu hành không thể chuyên tâm luyện võ mà xao lãng việc chính yếu là tu tâm dưỡng tính"

(tr.294, tập VII)

Lời lẽ đã nói đủ hạnh tu chân chánh của Phật giáo là tự độ song hành với độ tha để mình và người đều minh tâm kiến tánh, đắc được trí tuệ giải thoát, cái trí tuệ thấy rõ sự thật của vạn hữu và chặt đứt sạch mọi phiền não khổ đau. Lời lẽ Hư Trúc đã phản ảnh trung thực giáo lý nhà Phật.

- Khi Hư Trúc đang vướng ngại, chấp thủ cái tướng tiểu cô nương và đại cô nương, thì mường tượng nhớ đến một lời kinh Kim Cương rằng: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" (cái gì có tướng tức là hư vọng). Lời kinh này nhất thời giúp Hư Trúc đi ra khỏi cái tâm vướng ngại về cái tướng cô gái nhỏ, cô gái lớn để tự tại hơn trong học hỏi và cứu giúp Đồng Mỗ.

Hồi 36: Bóng hồng đã khép cửa thiền 

36.1. Lược truyện

- Thiên Sơn Đồng Mỗ và Lý Thu Thủy là tỉ muội đồng môn. Đồng Mỗ là sư tỉ của Vô Nhai Tử, người đương kim chưởng môn phái Tiêu Dao, lớn hơn Vô Nhai Tử ba tuổi đời. Thu Thủy là sư muội của Vô Nhai Tử, đang là Hoàng thái phi Tây Hạ. Cả hai đều đem lòng thương yêu Vô Nhai Tử và trở thành tình địch không đội trời chung. Cả ba đều thành tựu võ công thượng thừa và riêng biệt.

- Đồng Mỗ lúc luyện đến thời điểm thành tựu một võ công siêu tuyệt thì bị Thu Thủy quấy nhiễu gây ra tẩu hỏa, cơ thể bà không thể phát triển, chỉ ở độ tuổi 12, vì thế bà có biệt danh là Đồng Mỗ (bà già với tấm thân trẻ con). Đây là một mối hận lớn!

Đồng Mỗ đã rửa hận bằng cách rạch nát gương mặt kiều diễm của Thu Thủy, cái gương mặt đã làm lung lạc tình cảm của Vô Nhai Tử. Hận này cùng thấm đến xương tủy, khó quên đối với Thu Thủy. Bà mãi lùng tìm Đồng Mỗ để thanh toán nợ nần.

- Giáp mặt Đồng Mỗ đang trốn ở vùng núi cao, Thu Thủy bề ngoài thơn thớt tỉ, muội, nhưng lời chào hỏi thì đến với Đồng Mỗ như là bữa cơm cuối cùng của một tên tử tù.

- Đồng Mỗ khoe chiếc nhẫn chưởng môn bà lấy từ Hư Trúc, và bảo Thu Thủy làm lễ ra mắt tân chưởng môn. Thu Thủy nhanh như chớp chặt lìa ngón tay đeo nhẫn; đoạt nhẫn về cho mình; rồi tiện tay chặt đứt một bàn chân trái của Đồng Mỗ.

- Không chịu nỗi sự tàn ác của Thu Thủy, con người có bề ngoài rất văn nhã, Hư Trúc không nghĩ ngợi gì thêm, cứu Đồng Mỗ băng chạy. Hai người bị rơi xuống một thung lũng, nhưng thoát nạn... bèn tìm nơi lánh nạn an toàn: nơi ở của Thu Thủy ở hoàng cung Tây Hạ, ẩn sâu dưới hầm chứa nước đá để luyện công. Đây là thế cờ Trân Lung khác!

- Đồng Mỗ mưu tính kế sử dụng Hư Trúc để bảo vệ bà, gạt Hư Trúc ngã mặn, và mơ màng ngủ cùng công chúa Tây Hạ, nhan sắc và hiền hậu, trong hầm nước đá: Bị điểm huyệt gây mê khiến hai người có cảm nhận như gặp nhau trong mộng và gọi tên nhau bằng Mộng Cô và Mộng Lang...

Đồng Mỗ vừa luyện công vừa truyền dạy cho Hư Trúc cách giải "sinh tử phù" và nhiều môn võ công thượng thừa suốt sáu mươi ngày. Ngày cuối của công phu Bát Hoang Lục Hạp Duy Ngã Độc Tôn thì Thu Thủy phát hiện tình địch ở hầm nước đá, liền đến để rửa hận.

36.2. Ý kiến

- Trao đổi với Đồng Mỗ, Hư Trúc nói:

"Tiền bối! Nhân sinh vô thường, vô thường là khổ. Người ta chịu khổ phần nhiều là do ba cái độc tham, sân, si mà ra. Giả sử tiền bối cố gắng tự tiêu trừ ba cái độc này, đừng nhớ đừng hận sư đệ sư muội của tiền bối nữa, thì trong lòng sẽ thấy dễ chịu hơn".

(tr.24, tập VIII)

Lời trao đổi nghe rất Phật giáo! Rất trung thực đối với giáo lý nhà Phật, nói lên tính chất thiết thực hiện tại: an lạc ngay trong hiện tại.

- Khi bị hành khổ, Hư Trúc đọc lời kinh để tự tỉnh:

"Tu đạo cực khổ, phải nghĩ kiếp trước, bỏ gốc theo ngonï, sinh lòng yêu ghét, kiếp này không lỗi, nhưng lỗi ở kiếp trước, sao thì phải vậy, không nên oán trách, gặp khổ chẳng buồn, mới là đạt đạo".

(tr.35, tập VIII)

- Biết rõ khổ là do lòng tham lam nhiều, ham muốn nặng, nên trừ hết lòng tham, hết ham muốn mới được tâm an:

"Người trên thế gian, thường xuyên mê muội, không bỏ tham lam, cầu danh cầu lợi, thiền sư giác ngộ, khác xa phàm nhân, an tịnh cõi lòng, cảnh tùy tâm chuyển. Tam giới đều khổ, chẳng ai được an. Kinh sách đã dạy rằng: còn cầu cạnh thì còn khổ não, hết cầu cạnh mới được an vui".

(tr. 36, tập VIII)

- Rất dặc biệt là về điểm tác giả Kim Dung, qua lời Hư Trúc, đã luận về ý nghĩa phạm giới rất phù hợp với lời dạy cua đức Phật:

"Đồng Mỗ cười nhạt hỏi: "Người đã ăn đủ thứ thịt, nào thỏ, nào hươu, nào hạc, nào công, thì còn thành hòa thượng thế nào được nữa, niệm Kinh hoài làm chi?". Hư Trúc đáp: "Tiểu tăng bị tiền bối bức bách chứ không phải tự ý mình, không thể gọi là phá giới".

(tr.39, tập VIII)

Hồi 37: Cùng cười ha hả một tràng, cuối đường yêu hận rõ ràng là không 

37.1. Lược truyện

- Thu Thủy dùng pháp Truyền Âm Siêu Hồn Đại Pháp để lần tìm nơi ẩn núp của Đồng Mỗ.

- Sau một hồi khẩu chiến, hai bà xuất liền tuyệt chiêu để nhanh chóng đánh gục đối phương. Thu Thủy có lợi thế sức mạnh của thân nên thắng được một chiêu, khiến Đồng Mỗ thổ huyết. Đồng Mỗ lên tiếng xác nhận Hư Trúc là truyền nhân của Tiêu Dao Vô Nhai Tử để khỏi bị Thu Thủy hại, hầu tiếp tay hỗ trợ bà. Thu Thủy bồi tiếp tuyệt chiêu để kết liễu Đồng Mỗ. Hư Trúc vội phóng chiêu bí truyền để ngăn chặn. Đồng Mỗ lại tấn công Thu Thủy gây thương thế nặng. Hư Trúc lại ra chiêu ngăn cản Đồng Mỗ. Thu Thủy kịp điều khí, điểm huyệt Hư Trúc để bà rảnh tay giết Đồng Mỗ.

- Cả hai bà đánh nhau đến kiệt lực, lăn ra cạnh Hư Trúc; rồi tiếp đấu nội lực gián tiếp qua thân thể trung gian Hư Trúc. Nội lực của Hư trúc vốn đã rất hùng hậu nên thu hóa hết nội lực của hai bà, tự mình giải khai huyệt đạo. Chàng đưa hai bà ra khỏi hầm nước đá đang bị bốc cháy...

- Đồng Mỗ bảo Hư Trúc bắn tín hiệu để triệu tập các môn đồ đang hoạt động quanh vùng. Nhiều nữ môn nhân tức thì tề tựu; Đồng Mỗ tuyên bố Hư Trúc là tân chưởng môn phái Tiêu Dao và là chủ nhân cung Linh Thứu. Bà nhìn kỷ lại người ở trong tranh, nhận ra không phải là Thu Thủy, bà buột miệng kêu "không phải hắn", rồi cười một tràng mà chết.

- Thu Thủy dùng pháp quy tức giả chết để tránh các đệ tử của Đồng Mỗ sát hại. Giờ ngồi tựa gốc cây, thẩn thờ xem lại đồ hình thì nhận ra là tranh vẽ muội tử của Thu Thủy, Thu Thủy bàng hoàng kể lại câu chuyện tình giữa bà và Vô Nhai Tử cho Hư Trúc nghe: bà và Vô Nhai Tử có chung một cô con gái đi làm dâu nhà họ Vương ở Tô Châu. Rồi nước mắt bà tuôn trào, tuôn trào đến lịm chết...

- Đám cung nhân Linh Thứu kêu khóc rất thảm thương. Hư Trúc bảo rước thi thể hai bà về an táng ở cung Linh Thứu, núi Phiêu Diểu.

- Thám báo phi báo: Cung Linh Thứu đang bị các phản đồ thuộc 36 động và 72 đảo chúa tấn công kịch liệt, sắp lâm nguy. Hư Trúc và cả đoàn phi nhanh về cứu viện. Tiếp Thiên Kiều nối vào cung đã bị chặt đôi; đoàn cứu viện phải dừng chân; chỉ có một mình Hư Trúc phi qua vực vào cung giải cứu...

37.2. Ý kiến

- Do bởi mối tình si, Đồng Mỗ và Thu Thủy đều không thấy đúng tình cảm chân thật của Vô Nhai Tử đã dành cho người khác. Từ nhìn lầm, hai bà rơi vào thù hận, hại nhau suốt một đời.

Cái tướng biểu hiện của tình cảm của Vô Nhai Tử là mơ hồ, mộng mị, huyễn hư, khó thấy cũng như là các tướng trạng hiện hữu khác: chúng là duyên sinh mà người đời nhìn ra hữu ngã, để rồi thương vay, khóc mướn suốt một đời, chỉ còn đợi cười đến chết. Đây là điều mà tác giả lập lại nhiều lần trong truyện "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" (cái gì có tướng trạng đều là hư vọng, không thật) của Kinh Kim Cương Bát Nhã. Lời kinh ấy là rọi đường để sống, chớ có nói triết lý gì đâu?

- Cái tâm lý của con người thường thay đổi theo các duyên (điều kiện sống); nó là vô thường: trung thành đó, phản trắc đó; bạn đó, thù đó ... Vô thường thì khổ!

Cái đọng lại của hồi truyện 37 là thế!

Hồi 38: Chén chú chén anh, đồng bệnh si tình thành huynh đệ 
 
38.1. Lược truyện

- Hư Trúc tiến thẳng vào sảnh đường, sẵn sàng ứng chiến. Nhóm nổi dậy đang lấy cung. Có một âm thanh chính trực khuyên can của Đoàn Dự vang ra. Hư Trúc thử ngồi theo dõi các lời qua tiếng lại và chứng kiến cảnh các cao thủ bị cấy sinh tử phù" lên cơn đau đớn...

- Mộ Dung Phục đi theo nhóm Ô Lão Đại vốn là để có mối thân tình hòng có thể lợi dụng về sau. Nay Đồng Mỗ đã chết, không còn ai để giải sinh tử phù, các cao thủ sẽ vong mạng; mưu đồ của Mộ Dung sớm trở thành sương khói. Vì thế Mộ Dung ngồi yên đầy vẻ thờ ơ, vô tình...

- Hư trúc sử dụng tuyệt chiêu của Đồng Mỗ, chàng bắn vào vách trái tùng, phản lực đẩy một cung nhân dịch xa một trượng, khiến Ô Lão Đại sợ hãi la lớn: "Đồng Mỗ xuất hiện"... Sảnh đường trở nên nhốn nháo... Hư Trúc bước vào vỗ nhẹ vào vai các cung nhân, các huyệt đạo liền giải khai... Hư Trúc cho các cung nhân biết tin rằng các bộ Dương thiên, Chu thiên, Hiệu thiên đã có mặt ở Tiểu Thiên Kiều... mau tìm dây sắt để nối lại cầu...

- Hư Trúc quay lại phía quần hào bảo: chàng vừa đem di thể của Đồng Mỗ về để an táng tại cung Linh Thứu, mong tất cả hãy giải mối thâm cừu.

- Ô Lão Đại định khống chế Hư Trúc, nhưng vô hiệu... Trác Bất Phàm, một tay tuyệt kiếm mà toàn gia đã bị Đồng Mỗ giết sạch, thì đòi Hư Trúc nói lại di ngôn của Đồng Mỗ.

- Châu Nhai Song Quái rút đồ hình người con gái giống hệt Vương Ngữ Yên khỏi người Hư Trúc để trêu ghẹo... Trác Bất Phàm liền uy hiếp Vương Ngữ Yên để ép Hư Trúc... Đoàn Dự nhảy vào cứu nàng, bị thương máu chảy; Hư Trúc liền xuất tuyệt chiêu cứu Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên, cầm máu liền cho Đoàn Dự; rồi chàng sử dụng chiêu Thiên Sơn Chiết Mai Thủ bắt hết các đao kiếm phóng đến, khắc chế các cao thủ manh động...

- Bốn nữ kiếm, tỳ nữ của Đồng Mỗ, ra mắt Hư Trúc để được sai bảo. Hư Trúc trao đổi với bốn cô để giải "sinh tử phù" cho quần hào...

- Mai Kiếm đòi trị tội phản trắc: mỗi người tự chặt một cánh tay...

- Hư Trúc cử Đoàn Dự thay mặt chàng để giải quyết. Đoàn Dự dõng dạc tuyên bố:

- Tất cả ra cúi lễ trước thi thể Đồng Mỗ và các cung nhân đã thiệt mạng.

- Tất cả tự sám hối sai lầm của mình.

- Tất cả từ nay nghe theo lệnh của Cung Linh Thứu, và tất cả đều được tha bổng.

- Quần hào mừng rỡ ra về

Tại cung Linh Thứu, nam phái chỉ còn lại Hư Trúc và Đoàn dự chén tạc chén thù. Hư Trúc thì bị hình ảnh Mộng Cô ám ảnh mà lòng e ngại Mộng Cô là Chung Linh, người đang gần gũi với Đoàn Dự; Đoàn Dự thì sầu nhớ Vương Ngữ yên mà lòng lại e Hư Trúc cũng sầu nhớ nàng. Hai người không ngại nhau, mà còn cảm thấy chung một "tâm bệnh" nên đã cùng nhau kết nghĩa đệ huynh, và tôn Tiêu Phong làm đại ca, sẽ bái kiến về sau...

38.2. Ý kiến

- Với tâm tốt như Hư Trúc và Đoàn Dự thì dù rơi vào hoàn cảnh nào, họ cũng là bạn, mà không là thù, không ganh ghét, đố kỵ nhau.

- Thiên Long Bát Bộ ghi lại một kinh nghiệm lịch sử, xã hội rằng: bằng thủ đoạn ma giáo để khống chế tha nhân, như việc cấy "sinh tử phù", là trái với đạo lý, trái với tình người, sẽ thất bại sớm hay muộn. Nói khác đi, không nên lãnh đạo quần chúng bằng sự dối trá hay tàn ác.

- Nhà lãnh đạo cần tích cực thể hiện lòng nhân, tâm từ, khoan dung, công chính để an lòng dân, cô kết lòng dân để xây dựng và phát triển xã hội trong thanh bình.

- Thái độ sống - con tim và khối óc - của ba huynh đệ kết nghĩa: Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự như là thái độ mà xã hội mong đợi vì hòa bình và thịnh vượng.

Hầu như tác giả Thiên Long Bát Bộ tin như thế?


Hồi 39: Vải thưa che mắt thánh, bốn chín gặp năm mươi 

39.1 Lược truyện

- Hư Trúc dần dần biết tôn trọng quy cũ tổ chức của cung Linh Thứu, thích ứng dần các công việc phục vụ của các cung nhân.

- Bốn nàng thị nữ dẫn đường cho Hư Trúc vào động của tiền chủ nhân Thiên Sơn Đồng Mỗ để luyện các võ công thượng thừa theo các đồ hình trên vách động. Từ đây, Hư Trúc phát triển võ công rất nhanh, dễ dàng giải trừ "sinh tử phù" cho quần hào...

- Ở lại cung Linh Thứu hai mươi hôm, Hư Trúc vừa luyện thuần thục các võ công thượng thặng của một chưởng môn Tiêu Dao, vừa giúp các cung nhân nâng cao trình độ võ thuật. Sau đó, Hư Trúc trở về tham kiến sư phụ và thăm chùa Thiếu Lâm, vừa để sám hối...

- Các đại sư Thiếu Lâm bấy giờ đang bận lo vài phật sự trọng đại, Hư Trúc tạm thời trú ở vườn rau, lo gánh nước, chẻ củi. Nhà sư Duyên Căn phụ trách vườn rau lên mặt kẻ cả trước Hư Trúc, phạt roi Hư Trúc; một tuần lễ sau Mai, Lan, Cúc, Trúc Kiếm hóa trang thành bốn tiểu tăng rõ được sự tình bèn trừng phạt Duyên Căn khiến Duyên Căn run sợ, thay đổi thái độ: rất sốt sắng lo các việc cho Hư Trúc ...

- Đến ngày thứ tám, toàn chúng Thiếu Lâm vân tập ở đại điện để đón tiếp bốn vị khách Tăng: ba sư Trung Nguyên, và một sư Tây Trúc. Các sư này đến hạch tội Thiếu Lâm, đòi Thiếu Lâm thả sư Tây Trúc mà Thiếu Lâm đang giam giữ...

- Quốc sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí bỗng nhiên xuất hiện diệu võ dương oai, biểu diễn 72 huyền công của Thiếu Lâm để nói lên rằng Thổ Phồn cũng có 72 huyền công, hầu hạ uy danh Võ Lâm Bắc Đẩu của Thiếu Lâm.

Cưu Ma Trí đánh trọng thương sư Huyền Độ, khiến Hư Trúc không chịu đựng được phóng chưởng hóa giải các chiêu thức của Cưu Ma Trí. Hư Trúc giúp sư Huyền Độ điều hòa kinh mạch, rồi tuyên bố các chiêu thức của sư Cưu Ma Trí là Tiểu Vô Tướng Công của Đạo gia, mà không phải của Phật gia.

- Thấy rõ nội lực và chiêu pháp siêu tuyệt của Hư Trúc, và tấm lòng bảo vệ danh dự Thiếu Lâm, Huyền Từ phương trượng liền cho phép Hư Trúc tiếp chiêu với Cưu Ma Trí...

39.2. Ý kiến

- Giữa nhiều cao Tăng Phật Giáo như:

- Sư Tây Trúc Triết La Tinh: rất ma giáo!

- Sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí: là đại ma đầu!

- Sư chùa Thanh Lương: đầy dã tâm!

- Các đại sư Thiếu Lâm thì nghiêm túc!

Tiểu tăng Hư Trúc nổi bật cả đức và tài, dù thời gian làm Tăng còn ngắn ngủi. Về tâm thì chân thật, hiền hậu, mà đại nghĩa hiệp. Về tài thì có nội lực, võ công siêu tuyệt. Điều này nhắc nhở người đời nhìn lại các giá trị hình thức rất ước lệ của nền văn hóa cũ: nên nhìn kỷ vào cái thực chất, thực tâm hơn là căn cứ vào cái tướng vốn rất hư vọng.

- Phân biệt sự khác nhau giữa Phật gia và Đao gia, tác giả viết:

"Tiểu Vô Tướng Công là võ học của Đạo gia. Đạo gia dạy phải giữ lòng dạ thanh tĩnh, thần trí phiêu diêu, so với lý thuyết vô sắc vô tướng của nhà Phật, mới nhìn thì giống nhau, bên trong lại khác hẳn... lúc thi triển chiêu thức Bát nhã chưởng, Ma ha chỉ, Đại Kim Cương Quyền thì rõ ràng hắn đã sử dụng Tiểu Vô Tướng Công uy mãnh đến cực điểm để trấn áp mọi người hiện diện. Những người chưa hiểu Tiểu Vô Tướng Công đều phải tin là hắn đã tinh thông tuyệt Kỷ Thiếu Lâm, thật khó mà phân biệt... Huống hồ Tiểu Vô Tướng Công đã lấy vô tướng làm yếu chỉ, không có hình tướng thì còn vết tích đâu mà lần? Nếu không phải là cao thủ đã luyện qua thì không thể nhận ra được..."

(tr.214 - 215, tập VIII)

Về mặt võ công, sự khác biệt biểu hiện rất tế nhị:

- Các Huyền Công của Thiếu Lâm và Tiểu Vô Tướng Công của Đạo gia đều lấy vô tướng làm yếu chỉ: chiêu thức biểu hiện không hình không tướng thì dưới cái nhìn của đôi mắt trần và với sự phân biệt kinh nghiệm qua các tướng trạng, thì hầu như chúng giống nhau; về mặt sức mạnh của chiêu thức, thì với nội lực cao của Đạo gia (như của Cưu Ma Trí) phát ra sức mạnh rất uy mãnh khó mà thấy được sự khác biệt so với sức mạnh của các Huyền Công của Thiếu Lâm. Đây là lý do mà Cưu Ma Trí "man trá" biểu diễn 72 Huyền Công khiến chư tăng Thiếu Lâm phải sững sốt.

Điểm khác biệt đích thật giữa các Huyền Công và Tiểu Vô Tướng Công là nằm ở cái tâm và cái tuệ phát ra chiêu thức: Cưu Ma Trí thì với cái tâm phát chiêu đầy tham vọng, dối gạt, và ác hại sẵn sàng tiêu diệt danh dự và thân mạng của đối phương nên chiêu thức vừa ác liệt, vừa lắc léo, nhưng vẫn giới hạn, không thể ào ạt, mênh mang vô hạn lượng. Các đại tăng chân tu với cái tâm đại từ, giác tỉnh vô ngã, vô hại thì chiêu phát ra sẽ có sức mạnh vô hạn lượng, nhưng thường thì các vị chỉ ra chiêu chừng mực, vừa đủ để ngăn chặn, để hàng phục, mà không phải để hủy diệt. Đấy là sự khác biệt mà chỉ có các đại cao thủ mới tinh tế nhận ra.

Tiểu tăng Hư Trúc do vì đã thành thạo xuất chiêu Tiểu Vô Tướng Công nên nhận ra sự man trá của Cưu Ma Trí...

Về mặt giải thoát của cá nhân và tập thể, sự khác biệt giữa Phật gia và Đạo gia thì thật sự xa vời, nhưng lại càng khó nhận ra đối với các phàm nhân và phàm Tăng. Điểm khác biệt vẫn nằm ở cái tâm phát ra các hành động:

- Tâm của Phật gia phát chiêu thì đầy đủ Giới đức (không gây tổn hại mình và người), đầy đủ Định đức hay Tâm đức (tâm tập trung, an tịnh, vô dục và từ bi), và Tuệ đức (tâm bừng sáng tỏ ngộ sự thật vô ngã) hoàn toàn không dính mắc tự ngã, không dính mắc vào thị, phi; được, mất, hơn, thua...

Tâm của sư Cưu Ma Trí thì thiếu Giới đức (vì ông thường gieo rắt tổn hại), thiếu Tâm đức (vì tâm ông đầy dục vọng, tham vọng), và thiếu Tuệ đức (chấp nặng nhân, ngã; bỉ, thử,...)

Với tâm đại bi và đại tuệ của nhà Phật, hành giả mới có khả năng lớn để cứu khổ, độ đời, và mới có thể làm nền cho một hệ văn hóa nhân văn.

Với tâm hưởng thụ, vị kỷ... như tâm của Cưu Ma Trí, Mộ Dung Bác, Mộ Dung Phục thì luôn là hiểm họa cho giang hồ.

Thiên Long Bát Bộ khi phân biệt rành rẽ hai loại võ công trên là muốn độc giả nắm cho được cái linh hồn Phật học lồng vào một nền văn hóa Nhân văn?

Hồi 40: Biết lúc nào bỏ được lòng si 

40.1. Lược truyện

- Hư Trúc xuống tấn, chỉ đi hai thế võ vỡ lòng của các tiểu Tăng Thiếu Lâm là La Hán Quyền và Vi Đà Chưởng để đối đầu với tuyệt học võ công của Cưu Ma trí.

Thoạt đầu, còn lúng túng, Hư Trúc bị dính cả quyền và cước của Cưu Ma Trí với sức mạnh đánh vỡ đá tảng, nhưng chàng chỉ đau nhẹ, vẫn đứng vững để tiếp chiêu. Hư Trúc thức tỉnh, sử dụng Chiêu Hổ Thâu Tâm của La Hán Quyền lồng vào Tiểu Vô Tướng Công nên dễ dàng hóa giải các chiêu ác liệt của Cưu Ma Trí, khiến ông ta và các đại sư đều kinh ngạc.

- Hư Trúc liền đỡ liên tiếp mười tám chiêu của sư Thổ Phồn nhờ vào nội lực hùng hậu của chàng: nội lực tuôn trào ào ạt, càng lúc càng mạnh khiến Cưu Ma Trí phải giữ một khoảng cách khá xa nên rất khó đánh trúng chàng. Dằn co đến hai trăm chiêu; càng đánh Hư Trúc xuất chiêu càng thạo, chuyển từ thế thủ sang công. Chàng dùng chiêu Thiên Sơn Chiết Mai Thủ và Thiên Sơn Lục Dương Chưởng mà Đồng Mỗ chân truyền rất ảo diệu dồn Cưu Ma Trí vào hẳn thế hạ phong. Ông ta vừa thẹn vừa tức, liền rút ra con dao trủy thủ tấn công; Hư Trúc nắm chặt tay ông và gạt rơi dao, nhưng vì chưa thạo khắc chế binh khí nên dao trủy thủ văng dính vào bả vai chàng; tức thì bốn nữ kiếm thị nữø nhanh như cắt dí ngay bốn mũi kiếm vào cổ Cưu Ma Trí, nhích nhẹ cho máu chảy, Hư Trúc ngăn không cho hại sư...

- Cưu Ma Trí bèn "trí trá" đòi Thiếu Lâm lên tiếng về việc dấu giữ các nữ nhân trong chùa..., và đòi việc thi hành án Hư Trúc mà đại sư Thiếu Lâm đã xử...

- Hội đồng các Cao Tăng đang hội ý thì quần hào khắp nơi kéo về Thiếu Lâm, bảo rằng để chứng kiến một trận thư hùng giữa Huyền Từ (Thiếu Lâm) và Trang Tụ Hiền (Tân bang Chủ Cái Bang) để xác định ngôi minh chủ võ lâm...

40.2. Ý kiến

- Tại hồi 40, Hư Trúc là trung tâm điểm của sự chú ý. Chàng hiện ra như là một nhân vật nói lên quan niệm mới về giá trị, về thái độ sống nhân bản trong một xã hội đầy biến động, và về trí tuệ của nhà Phật.

- Về một tu sĩ Phật Giáo:

- Hư Trúc đã ăn mặn trong điều kiện bị ép, không có chọn lựa. Chàng "liên hệ" với Mộng Cô trong điều kiện cả hai người không có chủ ý. Chàng luyện võ công Tiêu Dao và làm chưởng môn phái Tiêu Dao trong điều kiện sinh tử không thể từ chối. Cũng vậy, chàng nhận làm chủ nhân cung Linh Thứu (toàn nữ hiệp).

Biết hành động như thế là trái với giới luật và môn quy của Thiếu Lâm, chàng trở về Thiếu Lâm để sám hối và nhận tội, chỉ mong được trở về làm một tiểu Tăng.

Về mặt tâm thức, Hư Trúc không hề chủ ý vi phạm, nên về Giới luật nhà chùa và về quy luật nhân quả, nghiệp báo, chàng không mất giới và không có lỗi.

Về đạo tình Thiếu Lâm, Hư Trúc rất kính thương, trân trọng sư phụ và các trưởng lão.

Về xử thế, Hư Trúc toàn làm các việc nghĩa, việc nhân, bảo vệ điều thiện, khử trừ điều ác.

Thế là, Hư Trúc rõ là một tiểu Tăng rất tốt, giữa khi nhiều tiểu Tăng khác thì hẹp hòi, đố kỵ, thiếu từ, thiếu tuệ lại được xem là tốt đẹp hơn Hư Trúc. Giữa họ và Hư Trúc, ai thực sự đáng trách, đáng phạt?

- Về điều mà nhiều người bảo là danh dự chùa Thiếu Lâm:

Nhiều ý kiến nhao lên rằng: cần thi hành kỹ thuật thật nghiêm khắc đối với Hư Trúc, nếu không thì danh dự chùa Thiếu Lâm sẽ bị hủy hoại.

Danh dự ấy là gì? - là thức ăn chay, đồ ăn mặn? Là thế múa võ này, khác?

Giữa khi các sư Tây Trúc và sư Cưu Ma Trí hạ nhục chùa Thiếu Lâm "đến bến", thì chỉ có tiểu tăng Hư Trúc thực sự bảo vệ danh dự, bảo toàn danh dự Thiếu Lâm đúng tư cách của một nhà sư (chân thật, hiền hòa, lịch sự, nhân ái).

Cần nghĩ kỷ lại rằng: danh dự của một nhà sư phải là bảo vệ điều thiện, điều nhân, công chính, an lạc, hạnh phúc của số đông. Đánh mất các giá trị đó mới thực sự là đánh mất danh dự của một nhà sư Phật giáo!

Cần phân biệt rõ rằng: bảo vệ danh dự thì khác với bảo vệ các khái niệm về danh dự, về giá trị trống rỗng.
 
Đầu Trang

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

观宗寺香港 Con nhớ những xuân trước ý nghĩa của bố thí và từ thiện สโตร ส รา Sỏi đỏ giấy bổi vàng Sự giác ngộ dễ thương æŠ æ³ Phá thai Một góc nhìn Phật giáo 梵僧又说我们五人中 Trung tâm Pháp Bảo tổ chức buffet nu dạo 河南有专属的佛教 Thấy đạo truyền đạo Những nhận xét thú vị Bến Tre Buffet chay gây quỹ mùa Trung thu Bùi Giáng và những chuyện chưa Bài thuốc đông y trị sởi Co dao b o tin ngu Phía sau cánh cửa 佛教教學 i l u yeu Não hoc 描写家乡的桥的句子 Thăm chùa Tiêu tăng Ãœ song khong nhin lui chữa æˆ å šæ 元代 僧人 功德碑 水天需 ï½ å å å¾ ç Ÿ 激安仏壇店 経å vÃÆ Đức tin å æœ æ 栃木県寺院数 1 2 3 ta di an chay 人间佛教 秽土成佛 七五三 小山