Sau khi gặp Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, Ngài thuyết
pháp ở vườn Lộc Uyển xong, lần lần đi truyền giáo các nơi, rồi thuận đường hành
hóa Ðức Phật đến nước Ca Tỳ La Vệ.
Ðược tin trước, vua Tịnh Phạn cảm mừng vô hạn, rồi tất cả Hoàng gia cũng như
toàn dân Ấn Ðộ đều sửa soạn rước Phật trong niềm hân hoan đặc biệt.
Từ khi vượt thành xuất gia, cho đến ngày thành đạo, thấm thoát hơn hai mươi năm,
hôm nay Ngài trở về, với một tấm cà sa, một bình bát đất, Ðức Phật khoan thai để
chân lên đất nước thân yêu. Ðức độ từ bi của Phật cảm thông cả ngọn cỏ ngàn cây,
nên Ngài đặt chân đến đâu thì hoa lá tươi thêm cây cối xanh tốt. Còn từng rừng
người, từng loạt sóng người đã nấc lên vì cảm động trong lúc người đi ngang qua.
Thế là chiều hôm đó, vua Tịnh Phạn thỉnh Phật thuyết pháp tại Hoàng cung. Ngài
ngự trên pháp tọa cao, dung nghi đĩnh đạc, hào quang của Phật chiếu tỏa một màu
sáng dịu.
Khi ấy vua Tịnh Phạn liền đứng dậy đến trước Phật đảnh lễ rồi bạch:
- Kính cẩn bạch đấng Vô Thượng Sư! Tôi nay già cả xin Ngài chỉ cho một phương
pháp tu hành để được giải thoát các khổ lão, bệnh, tử.
Ðức Phật bùi ngùi khi thấy Phụ Hoàng đầu bạc da nhăn, chân bước run run. Than
ôi, tất cả khí tượng hiên ngang của vị Ðế vương oanh liệt lúc thiếu thời, nay
còn đâu nữa. Thế Tôn thương xót, Ngài đứng dậy đỡ Phụ hoàng ngồi xuống và ôn tồn
bảo:
- Kính tâu Phụ hoàng, từ khi Tất Ðạt Ða xuất gia cho tới ngày thành đạo, trên
đường truyền giáo Pháp đệ A Nan thường bị ngoại đạo phỉ báng: "Thầy ngươi bất
hiếu, bạc tình, chúng ta không phục".
- Kính tâu Phụ hoàng, ngoại đạo vô tri chỉ thấy cái hiếu tầm thường cạn cợt,
không biết Như Lai quyết đi tìm một món quà vô giá để dâng Phụ hoàng và ban khắp
chúng sanh, mà Da Du cũng có một phần trong đó. Món quà vô giá chính là câu Phụ
hoàng hỏi đấy.
- Kính tâu Phụ hoàng! Tất cả các pháp đều vô thường, công danh như bọt, tình ái
như mây, tuổi trẻ qua mau như làn điện chớp, thế mà chúng sanh chỉ bám víu theo
các pháp vô thường, mà quên cái thường còn của mình là "Phật tánh". Tâu Phụ
hoàng, chúng sanh đều có Phật tánh, nên ai cũng có thể phát triển khả năng thành
Phật cả. Nhưng những phương pháp để phát triển khả năng thành Phật có nhiều lối,
song chỉ có Pháp môn niệm Phật là thuận tiện và dễ dàng hơn hết. Như Lai khi
thành Chánh giác đã dùng Phật nhãn xem khắp thế giới trong mười phương, thì chỉ
có thế giới "Cực Lạc" là an vui hơn cả. Ðấng Chánh biến tri ở nước Cực Lạc hiệu
là A Di Ðà từ kiếp xa xưa, trong lúc tu nhân Ngài đả phát 48 lời nguyện, trong
ấy có lời nguyện: "Nếu chúng sanh trong tất cả mười phương, người nào phát tâm
tin tưởng, phát chí tâm niệm danh hiệu ta, người ấy khi lâm chung chắc chắn được
vãng sanh, nếu không như nguyện ta thề không thành Chánh giác".
Tâu Phụ hoàng! "Cực Lạc" là một thế giới an vui, chúng sanh về bên ấy chẳng
những không còn bị khổ: già, bệnh, chết, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất
đắc... mà cũng không bao giờ thấy khổ, nghe khổ. Cõi nước thanh tịnh đầy đủ trợ
duyên để chúng sanh tu hành chóng được thành tựu đạo quả.
Kính tâu Phụ hoàng! Thập phương Như Lai tu hạnh thành Phật, nói lời đúng đắn lợi
ích chúng sanh. Vậy Phụ hoàng và tất cả Thích chủng nên tin tưởng, thật hành
Pháp môn niệm Phật, thì chắc chắn sẽ được thoát các khổ: sanh, lão, bệnh, tử...
Khi vua Tịnh Phạn, Di mẫu và Da Du Ðà La cùng tất cả Thích chủng được nghe pháp
âm của Phật đều phát tín tâm mạnh mẽ, liền chứng "Vô sanh pháp nhẫn".
Thế Tôn mỉm cười thuyết bài kệ:
"Thích chủng có trí tuệ, nghe pháp của Như Lai phát tâm chuyên niệm Phật, người
ấy khi mạng chung, quyết sanh về Cực Lạc, được thấy Phật A Di Ðà, Quan Âm cùng
Thế Chí, chắc chắn thành Bồ Ðề".
Nguồn: www.quangduc.com