Đường xưa mây trắng
theo gót chân Bụt

Thích Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản lần 2, 1992, San Jose, Cali, USA

--- o0o ---

 

 

8.

Chương 36

BÔNG SEN DUYÊN KIẾP

Mộ hôm công nương Yasodhara thỉnh Bụt, đại đức Kaludayi và thầy Nagasamala tới thọ trai ở cung điện riêng của mình. Bà cũng đã mời hoàng hậu. Sau buổi cúng dường, bà đã thỉnh Bụt và hoàng hậu đi ra ngoại thành thăm những xóm nghèo nơi bà đã làm việc cứu tế xã hội trong những năm qua. Các thầy Kaludayi và Nagasamala cũng cùng đi với người, Rahula cũng được đi theo Bụt.

Khi Bụt tới nơi, người thấy trẻ con tập hợp đông có tới hàng trăm đứa, thì ra công nương Yasodhara đã triệu tập chúng từ những xóm làng quanh đó. Chỗ tập hợp là gốc cây hồng táo năm xưa, nơi mà Bụt đã ngồi thiền định lần đầu lúc người mới lên chín tuổi. Mới đó mà hai mươi bảy năm trời đã trôi qua. Cây hồng táo đã lớn lên gấp bội. Yasodhara cho Bụt biết là những đứa trrẻ Bụt gặp năm xưa nay đã là những người chủ gia đình. Những đứa trẻ mà Bụt được gặp cách đây tám năm bây giờ cũng đã trở thành những chàng trai cao lớn và những cô gái duyên dáng. Phần lớn bọn trẻ mà Bụt gặp hôm nay đều từ bảy tới mười hai tuổi, hầu hết là con cái nhà nghèo.

Bọn trẻ đã được bà Yasodhara dạy cách đón mời Bụt. Khi thấy Bụt tới, chúng bỏ cuộc chơi, đứng dậy, dàn thành hai hàng để Bụt có lối đi tới gốc cây hồng táo. Nơi đây chúng đã đặt một cái ghế đặc biệt cho Bụt ngồi. Chúng đã trải chiếu để mời những vị quan khách khác như bà Gotami, Yasodhara, và các thầy đi theo Bụt.

Bụt rất hài lòng được ngồi giữa bầy trẻ và giảng dạy giáo pháp cho chúng. Người nhớ những buổi tập họp của bọn trẻ em nhà nghèo ở Uruvela. Người kể cho các em nghe về chú bé chăn trâu tên Svastika và cô bé mang sữa tên Sujata. Người dạy các em về cách nuôi dưỡng lòng thương yêu và mở rộng tầm hiểu biết. Người lại kể cho các em nghe câu chuyện tranh nhau con chim thiên nga giữa người với Devadatta hồi người mới lên bảy tuổi. Bọn trẻ con được nghe giảng dạy bằng những câu chuyện hấp dẫn này rất lấy làm vui sướng.

Cuối cùng Bụt bảo Rahula ra ngồi trước mặt người rồi Bụt kể cho tất cả các em bé nghe một câu chuyện tiền thân. Người nói:

“Ngày xưa có một chàng trai trẻ tên là Megha, thông minh, đức hạnh, hiếu thuận và học giỏi. Chàng sống ở miền chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Chàng muốn đi về miền đồng bằng để học hỏi thêm. Không có tiền, nhưng chàng cũng can đảm ra đi. Chàng mang theo một cái gậy, một cái nón, một cái bình đựng nước uống và một chiếc áo choàng. Trên con đường về kinh đô mỗi ngày chàng ghé lại làm việc cho những nhà nông dân bên đường để được có cơm ăn, và để tiếp tục đi nữa. Có khi chàng còn được trả tiền. Khi đến thủ đô Divapati, chàng đã để dành được năm trăm đồng trong túi áo.

Vào đến cửa thành chàng thấy dân chúng đang mở hội rất vui. Chàng không biết người ta đang mở hội ăn mừng việc gì nên có ý muốn tìm người để hỏi. Vừa lúc ấy có một cô thiếu nữ xinh đẹp, mặt mày thật sáng sủa, đi ngang. Cô cầm trong tay một bó sen. Bó sen có tất cả bảy bông sen hàm tiếu. Chàng hỏi cô:

- Có việc gì vui mà dân chúng mở hội thế cô?

Thiếu nữ đáp:

- Chắc anh không phải là dân địa phương cho nên mới không biết hôm nay dân chúng mở hội gì. Số là hôm nay tại thủ đô Divapali có một bậc giác ngộ xuất hiện tên là Dipankara. Người là bó đuốc soi đường cho tất cả chúng sanh Ngài là con của vua Areimat, đã đi tu và đã thành đạo. Đạo của ngài sáng chói cả thế gian. Hôm nay, để mừng ngài, dân chúng tại đây mới mở hội.

Nghe nói có một vị giác ngộ xuất hiện trên thế gian. Megha rất lấy làm sung sướng. Chàng rất muốn được cúng dường ngài, được tới làm lễ ngài và học đạo với ngài. Chàng hỏi cô thiếu nữ:

- Cô mua bảy bông sen này bao nhiêu tiền thế, thưa cô?

Thiếu nữa đưa mắt nhìn người con trai lễ phép và có dáng dấp thông minh. Nàng trả lời:

- Em chỉ mua có năm bông thôi. Hai bông kia là của em đem theo. Em hái hai bông ấy ở ao nhà.

Megha nói:

- Vậy năm bông kia cô mua bao nhiêu, thưa cô?

- Em mua hết năm trăm đồng.

Megha khản khoản cầu xin thiếu nữ để lại cho anh ta năm bông sen ấy để anh có thể có hoa đem cúng Bụt Dipankara. Thiếu nữ không chịu. Nàng nói:

- Em mua để cúng Bụt chứ không phải để bán lại.

Megha hết lòng khẩn khoản. Anh nói:

- Cô cúng dường hai bông cũng được rồi mà. Xin cô vui lòng cho tôi lại năm bông để tôi cũng có dịp được cúng dường bậc giác ngộ với. Thưa cô được gặp một bậc giác ngộ trên đời là quý hóa lắm. Tôi quyết tâm cùng đi với cô để tới gặp ngài. Tôi muốn được học hỏi đạo lý do ngài chỉ dạy. Nếu cô vui lòng nhượng cho tôi năm bông hoa ấy, tôi sẽ nhớ ơn cô suốt đời.

Thiếu nữ nhìn xuống đất, không nói.

Megha lại năn nỉ:

- Nếu cô cho tôi mua lại năm bông hoa, tôi sẽ làm bất cứ điều gì cô sai bảo để trả ơn cô.

Thiếu nữ không dám ngửng đầu lên. Hai người im lặng đi bên nhau rất lâu. Cuối cùng cô lên tiếng:

- Anh ơi, không biết tại vì duyên nợ nào từ những kiếp trước mà khi gặp anh, em đem lòng thương anh liền. Em đã gặp nhiều người con trai, nhưng chưa bao giờ trái tim của em rung động như hồi nãy khi em mới gặp anh. Em muốn tặng không cho anh năm bông sen này để anh cúng đức giác ngộ, nếu anh hứa với em là trong kiếp này cũng như trong những kiếp khác em được làm vợ của anh, hoài hoài và mãi mãi.

Nàng nói một mạch những điều trên, và nói xong nàng thấy gần như hụt hơi. Megha im lặng một lát rồi nói:

- Có là người rất dễ mến. Và cô lại là một con người rất chân thật. Mới đầu gặp cô, tôi cũng thấy có cảm tình với cô ngay, nhưng tôi là người chí tu đạo giải thoát. Cưới vợ thì bị ràng buộc, làm sao sau này tôi có được tự do mỗi khi có dịp ra đi tìm đạo?

Thiếu nữ nói:

- Anh cứ hứa với em đi. Em xin nguyện rằng mỗi khi anh muốn ra đi tìm đạo thì em sẽ không dám tìm cách ngăn cản anh. Trái lại, em sẽ tìm cách giúp anh thực hiện được hoàn toàn chí nguyện.

Nghe thiếu nữ nói như thế, Megha vui vẻ nhận lời.

Hai người tìm tới đức giác ngộ Dipankara. Quần chúng đông đảo đang vây quanh Người. Thấy sắc diện của vị đạo sĩ Dipankara. Megha biết ngay đó là một bậc giác ngộ chân thực. Chàng rất sung sướng. Chàng phát nguyện phải tu học cho đến khi đạt tới quả vị giác ngộ cao tột như đức giác ngộ này. Chàng muốn tiến tới gần để dâng lên Dipankara năm bông sen, nhưng quần chúng vòng trong vòng ngoài đang vây phủ lấy người, chàng không tài nào tiến tới được. Cuối cùng chàng dùng hết sức của hai cánh tay chàng tung năm bông hoa sen vào cho đấng giác ngộ. Lạ thay, cả năm bông sen đều bay tới và rơi đúng vào trong hai cánh tay ngài. Megha thấy thế mừng rỡ. Chàng biết là lòng thành của chàng đã cảm ứng được đấng toàn giác. Vừa lúc ấy thiếu nữ trao cho chàng hai bông sen còn lại, ra hiệu cho chàng tung vào cho Bụt. Chàng nhận hai bông hoa và tung lên. Mầu nhiệm thay, cả hai bông hoa này cũng đều rơi vào giữa tay đức giác ngộ Dipankara.

Vừa lúc ấy, đức toàn giác Dipankara lên tiếng gọi người cúng dường hoa sen tới bên cạnh người. Quần chúng hé lối cho Megha đi vào. Megha cầm tay thiếu nữ kéo nàng theo đến trước mặt Bụt, Megha và thiếu nữ quỳ xuống. Đức giác ngộ Dipankara nói với Megha:

- Ta biết được tâm thành của con. Ta cũng biết rằng con có chí lớn muốn tu học để đạt tới quả vị giải thoát và cứu độ cho loài chúng sanh. Con hãy an lòng. Ta biết con sẽ trở nên một bậc giác ngộ hoàn toàn trong tương lai.

Rồi nhìn thiếu nữ đang quỳ bên Megha, ngài nói:

- Còn con, trong kiếp này và trong những kiếp tới con sẽ là người bạn đường của Megha Con hãy nhớ lời nguyện của con, lo tác thành cho chí hướng của chồng mà không tìm cách ngăn cản chàng mỗi khi chàng ra đi tìm đạo.

Megha và thiếu nữ rất cảm xúc được nghe lời dạy chỉ bảo của bậc toàn giác. Từ đó về sau, cả hai người đều chăm chỉ tu học theo đạo lý giải thoát của đức giác ngộ Dipankara.

Các con nghe không, từ kiếp ấy về sau, trong kiếp nào chàng Megha và cô thiếu nữ cũng đều được gặp nhau và cũng đã trở nên vợ chồng, và mỗi khi người con trai đến tuổi ra đi tu đạo, người con gái lại tìm cách giúp đỡ người con trai. Chẳng bao giờ nàng tìm cách cản ngăn chí nguyện của chàng. Vì vậy, chàng rất biết ơn nàng. Cho đến một kiếp nọ, chàng thực hiện được chí nguyện lớn của chàng và trở thành một bậc giác ngộ, sáng suốt không kém gì bậc giác ngộ Dipankara kiếp trước.

Các con nên biết: tiền của và danh vọng không phải là những vật quý nhất trên đời. Tiền của và danh vọng có thể tiêu tan rất mau chóng, nhưng sự hiểu biết và lòng thương yêu mới thật sự là những gì quý nhất trên đời. Có hai thứ ấy thì chắc chắn là con người có hạnh phúc. Chàng Megha và cô thiếu nữ đã sống hạnh phúc với nhau trong nhiều đời nhiều kiếp, đó cũng nhờ hai người đã có sự hiểu biết và lòng thương yêu. Đã hiểu và đã thương thì không có gì mà ta không thực hiện được trên cõi đời này”.

Yasodhara chắp hai tay trước ngực hướng về phía Bụt. Bà rất cảm động về câu chuyện tiền thân này. Bà biết tuy Bụt kể chuyện này cho bọn trẻ nghe nhưng người cũng đã kể chuyện này với bà. Bụt đã nói lên lời cảm ơn của Bụt đối với bà một cách tế nhị. Bà cảm động đến muốn khóc. Hoàng hậu Prajapati nhìn bà. Hoàng hậu cũng hiểu lời Bụt như bà hiểu. Bà đặt một bàn tay lên vai người con dâu. Rồi bà lên tiếng nói với lũ trẻ:

- Các con biết chàng Megha trong tiền kiếp xa xưa đó là ai không? Chính là Bụt đấy. Trong kiếp này, chàng đã thành một bậc giác ngộ sáng suốt hoàn toàn, và các con có biết cô thiếu nữ trong tiền kiếp xa xôi đó là ai không? Đó chính là lệnh bà Yasodhara của các con vậy. Nhờ lệnh bà có hiểu biết cho nên lệnh bà đã không ngăn cản thái tử Siddhatta. Thái tử đã đi tu và đã thành đạo. Các con nên cảm ơn lệnh bà.

Bọn trẻ đã sẵn có lòng quý mến Yasodhara từ lâu. Nay nghe hoàng hậu nói, chúng đều hướng về bà chắp hai tay lại trước ngực và cúi chào bà rất kính cẩn. Thấy cảnh tượng ấy, Bụt rất vui. Người đứng dậy, và cùng các đại đức Kaludayi và Nagasamala trở về tu viện.

 

Chương 37

MỘT NIỀM TIN MỚI

Nửa tháng sau, vua Suddhodana thỉnh Bụt tới thọ trai trong hoàng cung để vua và hoàng gia lại có cơ duyên được nghe Bụt thuyết pháp. Lần này vua chỉ mời Bụt và đại đức Sariputta chứ không mời tăng đoàn, Vua cũng không mời vị tân khách nào cả. Trong không khí gia đình, Bụt đã giảng dạy về cách theo dõi hơi thở, quán chiếu các cảm thọ, phương pháp đi thiền hành và ngồi thiền tọa. Người dạy dỗ rất kỹ về cách thức quán chiếu để duy trì chánh niệm và an trú trong chánh niệm. Yasodhara, Rahula, Nanda và Sundari Nanda cũng có mặt trong buổi thuyết pháp này. Rahula đặc biệt có cảm tình với thầy Sariputta. Cậu rất ưa đứng gần thầy và nắm lấy tay thầy.

Khi Bụt đứng dậy ra về, mọi người đều muốn đưa người ra tới cổng Nam. Bụt trao bình bát cho em là Nanda cầm và chắp tay búp sen chào mọi người. Nanda ôm bát, đợi Bụt chào xong thì trả bát lại, nhưng Bụt không lấy lại bất. Vì thế Nanda mang bát đi theo Bụt về tới tu viện.

Về tới tu viện, Bụt bảo Nanda ở lại chơi và sinh hoạt năm bảy hôm tại đây. Vừa yêu vừa kính Bụt, Nanda vâng lời. Thấy nếp sống ở đây rất thanh tịnh và thoải mái, vị hoàng tử trẻ đem lòng mến mộ. Một hôm Bụt hỏi Nanda có muốn xuất gia theo Bụt tu học một thời gian không. Nanda đáp có. Bụt bảo thầy Sariputta làm lễ xuất gia cho hoàng tử.

Việc xuất gia của Nanda, Bụt đã có bàn trước với phụ vương. Vua cũng đồng ý với Bụt rằng tuy Nanda đủ thông minh và rất hiền lành, chàng vẫn chưa có đủ nhận thức độc lập và tính cương quyết cần có của một nhà chính trị. Bụt nói với vua có thể cho Nanda đi theo tu học và gần gũi với Bụt một thời gian để Bụt có thể rèn luyện cho chàng những đức tính cần thiết. Vua đã đồng ý với Bụt.

Nanda xuất gia được một tháng thì bắt đầu nhớ vị hôn thê của mình là tiểu thư Yanapada Kalyani. Thầy có thể che dấu nỗi buồn, nhưng Bụt đã thấy hết. Bụt nói với thầy:

- Kẻ nam nhi muốn thực hiện chí nguyện lớn thì phải vượt qua được những tình cảm dung thường. Em phải quyết tâm học đạo và rèn luyện bản thân thì sau này mới có cơ giúp ích được cho đời.

Rồi Bụt dặn đại đức Sariputta sắp đặt để thầy Nanda khỏi đi khất thực về khu phố của tiểu thư Kalyanu. Khi Nanda biết điều này, thầy vừa oán Bụt mà cũng vừa thương Bụt. Thầy thầm bảo là ông anh mình không có cái gì là không biết. Ông ấy nhìn thấu tận đáy tâm can của mình.

Rahula thấy chú được xuất gia ở suốt ngày với Bụt thì ham lắm. Cậu phân bì với mẹ. Yasodhara vuốt đầu con, bảo rằng phải lớn lên ít nhất là bằng chú Nanda thì mới được đi xuất gia. Rahula hỏi mẹ làm sao để có thể lớn mau, Yasodhara bảo cậu phải ăn uống cho đàng hoàng và tập thể dục mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Rahula đã được mẹ dạy gọi Bụt bằng thầy. Bà nhớ hôm đầu tiên Rahula được thấy Bụt từ trên lầu cao, bà đã chỉ Bụt và nói với con: “Cái ông thầy tu ấy là cha con đó. Con chạy xuống chào cha con đi và bảo cha con trao gia tài lại cho con”. Từ hôm ấy, Rahula cứ quen gọi Bụt là “ông thầy tu ơi”. Yasodhara nghe được. Bà bật cười, gọi Rahula lại và bảo:

- Con đừng gọi Bụt là “ông thầy tu ơi”. Con phải gọi Bụt là “thầy ơi”.

Từ đó, Rahula mới dùng tiếng “thầy ơi” để gọi Bụt.

Có một hôm tăng đoàn đi khất thực rất gần hoàng cung. Yasodhara và Rahula đứng ở trên lầu. Bà trông thấy Bụt giữa đám các vị khất sĩ. Rahula cũng trông thấy người. Yasodhara nói với con:

- Con chạy xuống với Bụt đi, và lần này nhớ xin cho được gia tài của người.

Rahula chạy xuống lầu. Cậu rất thương mẹ nhưng cũng rất thương Bụt. Ngày nào cậu cũng được ở với mẹ suốt ngày, nhưng cậu chưa từng được ở với Bụt suốt một ngày nào. Cậu ao ước được như chú là hoàng thái tử Nanda, hiện đang được sống suốt ngày bên cạnh Bụt. Cậu chạy mau lắm, cậu đã xuống tới sân hoàng cung. Cậu chạy ra cửa Nam và thấy Bụt. Lúc bấy giờ Bụt đã khất thực xong là đang cùng các vị khất sĩ trong nhóm đi thành hàng chậm rãi trở về tu viện.

Rahula chạy thẳng tới một bên Bụt. Thấy Rahula, Bụt đưa một ngón tay trái ra. Bụt nắm lấy ngón tay ấy rồi đi theo Bụt. Cậu nói:

- Thầy ơi, đi ở bên thầy mát lắm, và dễ chịu nữa.

Nắng cuối xuân đã bắt đầu gay gắt. Cậu bé đi bên Bụt vừa được hưởng bóng mát của người vừa được hưởng tình thương của người.

Đứng trên lầu cao, Yasodhara thấy hết. Bà biết Rahula được Bụt cho theo về tu viện.

Một lát sau, Rahula hỏi:

- Thầy ơi, gia tài của con đâu?

Bụt đáp:

- Về tu viện thầy sẽ trao cho con.

Trưa ấy về tới tu viện, đại đức Sariputta chia phần ăn của mình với Rahula, Rahula được ăn cơm im lặng bên cạnh Bụt và bên cạnh đại đức sa. Rahula lại được gặp chú Nanda để nhỏng nhẻo. Bụt bảo Rahula ngủ chung phòng với đại đức Sariputta. Thầy nào cũng cưng quý cậu. Cậu muốn ở luôn tại tu viện. Đại đức Sariputta nói muốn được ở luôn tu viện thì phải đi tu. Rahula nắm tay thầy Sariputta tới xin Bụt cho phép đi tu. Bụt gật đầu. Bụt bảo thầy Sariputta cho Rahula được xuất gia.

Đại đức Sariputta ngạc nhiên. Thầy tưởng là Bụt nói đùa, ai dè Bụt lại nói thật. Thầy hỏi:

- Thế Tôn, làm sao mà cho Rahula xuất gia được?

Bụt dạy:

- Thì cho cháu tập sự xuất gia, thọ giới khu ô sa di, và giao cho cháu phận sự đuổi quạ trong giờ các thầy ngồi thiền. Quạ ở đây nhiều quá, chúng đến quấy phá các thầy trong giờ thiền tập khá nhiều.

Thầy Sariputta xuống tóc cho Rahula và cho cậu thọ tam quy và dạy cho chú bốn giới: không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, không uống rượu. Thầy lấy bớt một chiếc ca sa của thầy, cắt ra và may lại thành một chiếc ca sa nhỏ xíu cho Rahula mặc. Thầy dạy cho Rahula cách khoác y và ôm bát. Khoác y và ôm bát vào, Rahula trông giống một vị khất sĩ con con, ai thấy cũng thương, Rahula được lệnh ngủ chung với thầy Sariputta, đi khất thực và học hỏi với thầy Sariputta. Từ hôm có Rahula bên mình, thầy ít khi vào thành khất thực. Thầy đưa Rahula đi khất thực trong những thôn lạc gần tu viện. Theo phép người xuất gia, ai cũng chỉ được ăn mỗi ngày một bữa trước khi giờ ngọ chấm dứt, nhưng Rahula còn nhỏ quá, sợ chú tiểu mất sức, thầy Sariputta cho phép chú được ăn một lần nữa vào buổi chiều. Các vị thí chủ thường nhớ mang sữa và thức ăn để dành cho chú.

Tin Rahula đã được cạo đầu mặc áo ca sa làm chú tiểu đã vào tới trong cung điện. Vua Suddhodana buồn lắm. Từ ngày Rahula đi với Bụt về tu viện, ông nội, bà nội, và mẹ chú nhớ chú lắm. Họ tưởng chú đi chơi vài hôm rồi về, ai ngờ chú lại ở trong tu viện và trở thành chú tiểu. Ông bà nội của Rahula không có cháu để cưng, rất lấy làm buồn khổ, nhưng Yasodhara thì buồn vui lẫn lộn. Tuy nhớ con quay quắt, nhưng mỗi khi nghĩ đến con đang được gần gũi Bụt, bà cũng thấy ấm áp trong lòng, bảy năm nay cậu bé đã thiếu cha.

Một buổi chiều, vua truyền lấy xe cho ngài về tu viện. Hoàng hậu Gotami và bà Yasodhara cũng được đi vói ngài. Vua được Bụt ra đón tiếp. Nanda và Rahula cũng ra đón tiếp hoàng gia. Rahula chạy ra đón mẹ. Thầy Sariputta gọi chú lại, bảo chú chỉ được đi chứ không được chạy. Yasodhara ôm lấy chú tiểu vào lòng. Sau đó, Rahula lại đi đến với ông nội và bà nội.

Vua làm lễ Bụt và nói, giọng có vẻ trách móc:

- Thế Tôn, trẫm đã đau xót vô cùng khi người bỏ nhà đi xuất gia, rồi mới đây, Nanda cũng bỏ trẫm, bây giờ đến Rahula cũng bỏ trẫm. Như vậy là quá đáng. Thế Tôn, đối với một người tại gia như trẫm, tình cha con và ông cháu rất nặng. Niềm đau xa cách cũng như nhát dao cắt vào da. Cắt vào da xong, dao cắt sâu vào da thịt, cắt sâu vào da thịt rồi, dao lại cắt vào xương và vào tủy. Vậy xin Thế Tôn nghĩ lại cho. Xin Thế Tôn và các vị đại đức từ nay đừng nhận cho người còn nhỏ tuổi xuất gia nếu không có sự ưng ý của cha mẹ chúng.

Bụt an ủi vua, Người thuyết pháp cho vua nghe để vua thấy được rõ thêm sự thực về vô thường và vô ngã. Người nói đến công phu tu tập tinh tiến hàng ngày như là cửa ngõ duy nhất thoát ra ngoài khổ nạn. Người nói Nanda và Rahula đang thực sự sống trong chánh đạo. đó là một điều may mắn và người khuyên vua tinh tiến trong sự tu tập đạo giải thoát. Tìm được niềm vui chân thật trong nếp sống tỉnh thức hàng ngày.

Càng nghe Bụt, vua càng cảm thấy nhẹ nhõm, và cuối cùng vua đã vui lên trở lại. Bà Gotami và Yasodhara cũng được nghe Bụt nói. Hai người cũng cảm thấy được an ủi rất nhiều.

Nhân có đại đức Sariputta ngồi bên, Bụt quay lại nói với thầy:

- Từ nay trở đi, các vị khất sĩ sẽ không chấp nhận cho trẻ em xuất gia nếu không có sự đồng ý của phụ huynh các em. Xin đại đức ghi vào quy chế như vậy.

Thấm thoát mà Bụt và giáo đoàn đã ở lại vương quốc Sakya hơn nửa năm. Số người đến xin xuất gia với Bụt hoặc với các vị khất sĩ lớn đã lên tới gần năm trăm vị. Số cư sĩ tại gia thì đông quá không thể nào đếm cho xiết. Vua Suddhodana đã dâng cúng cho giáo đoàn một cơ sở mới để làm tu viện. Cơ sở này là cung điện mùa Hè ngày xưa của thái tử Siddhatta, có vườn cây rất rộng rãi và rất mát, nằm về phía Bắc kinh đô, đại đức Sariputta sắp đặt để đưa mấy trăm vị khất sĩ về chủ trì tu viện này. Tăng đoàn đạt được cơ sở vững chắc cho sự hành đạo tại vương quốc, Bụt sẽ trở về tu viện Trúc Lâm cho kịp mùa an cư, như người đã hứa với vua Bimbisara và với tăng đoàn ở đấy. Vua Suddhodana biết Bụt sắp ra đi nên đã thỉnh người vào cung để cúng dường và xin người thuyết pháp. Vua đã mời hoàng tộc và triều đình đến để nghe Bụt.

Trong buổi thuyết pháp này, Bụt đã nói về đạo đức và chính trị. Người nói đạo đức có thể soi sáng cho chính trị và người làm chính trị có thể nương theo đạo đức để thực hiện công bằng và hạnh phúc trong xã hội. Người nói:

“Nếu quý vị biết tu dưỡng bản thân, mở rộng tầm hiểu biết và lòng từ bi, thì quý vị sẽ tìm ra được một đường lối giúp nước và trị dân có thể đem lại thái bình và hạnh phúc mà không cần đến những phương thức bạo động. Quý vị không cần chém giết, không cần đến những bản án tử hình, không cần đến những biện pháp tra tấn, tù đày và tịch biên gia sản. Điều này không phải là mộng tưởng mà là một điều có thể thực hiện được.

Khi người làm chính trị có đủ hiểu biết và thương yêu thì họ có thể thấy được sự thật về những người dân đang sống trong nghèo khổ và áp bức. Thấy được như thế, nhà chính trị sẽ tìm cách cải thiện guồng máy cai trị, để làm giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội va để loại trừ sự lạm dụng quyền thế và sự bóc lộ dân nghèo.

Thưa quý vị, người làm chính trị phải sống đời gương mẫu. Đừng sống đời giàu sang thái quá, bởi vì sự giàu sang là bức tường ngăn cách mình với dân chúng. Nên sống thanh bạch, giản dị, và dùng thì giờ của mình vào việc ích nước lợi dân chứ đừng mãi mê trong việc hưởng thụ dục lạc. Có như thế, người làm chính trị mới có được niềm tin của dân chúng. Hễ mình thương dân thì dân sẽ thương mình lại, do đó, mình có thể thực hiện được con đường chính trị nhân ái của mình. Con đường chính trị này có thể gọi là con đường đức trị, khác với con đường pháp trị. Đức trị thì dùng đạo đức nhiều hơn sự trừng phạt. Pháp trị thì dùng sự trừng phạt nhiều hơn đạo đức. Theo đạo lý Tỉnh Thức, hạnh phúc chân thật có thể đạt được bằng con đường đức trị”.

Vua Suddhodana và quần thần lắng nghe Bụt với tất cả sự chú ý. Hoàng thúc Dronodanaja, chú của Bụt, và là thân sinh của Devadatta, nói:

- Con đường đức trị mà Bụt nói thật là một con đường rất đẹp, nhưng có lẽ ở đây chỉ có một mình Bụt là có đủ tư cách và đức độ để thực hiện mà thôi. Tại sao Bụt không ở lại Kapilavatthu, tại sao Bụt không nắm lấy giềng mối chính trị ở vương quốc Sakya này để tạo an lạc và hạnh phúc cho muôn dân?

Vua Suddhodana cũng nói:
- Tuổi trẫm đã cao rồi. Nếu Bụt chịu ở lại thì trẫm sẽ thoái vị để Bụt ngồi vào vương vị. Với đạo đức của Bụt, với uy tín và sự thông minh của người, trẫm tin chắc là quốc dân sẽ hoàn toàn đứng sau lưng Bụt, và vương quốc sẽ chẳng lao lâu sẽ trở nên giàu sang và lừng lẫy.

Bụt mỉm cười, người lặng thinh cúi đầu. Cuối cùng nhìn vua, Bụt nói:

- Phụ vương, con không còn là người của một gia đình, của một dòng họ hay của một vương quốc nữa. Bây giờ đây gia đình của con là nhân loại, nhà cửa của con là trời đất và địa vị của con là một ông thầy tu sống vào hạt cơm bố thí của mọi người. Con đường mà con đã chọn là con đường của người đạo sĩ chứ không phải là con đường của nhà chính trị. Con nghĩ là con sẽ phụng sự cho nhân loại được bền bĩ hơn với tư cách của một người tu.

Hoàng hậu Gotami và Yasodhara không tiện phát biểu trong một cử tọa như cử tọa hôm nay, nhưng cả hai điều cảm động gần rơi lệ khi nghe Bụt nói. Hai người đều thấy Bụt nói đúng.

Bụt tiếp tục thuyết giảng cho vua và cho mọi người nghe về năm giới và cách tổ chức hành trì năm giới trong khung cảnh gia đình và trong xã hội. Người nói năm giới có thể được xem như là những nguyên tắc sống có thể đem lại hạnh phúc trong gia đình và hòa bình trong xã hội. Người giảng cặn kẽ về từng giới một. Cuối cùng người nói:

- Muốn có đoàn kết toàn dân, một niềm tin cần được tạo dựng. Những người làm chính trị nếu thực hành được năm giới thì sẽ tạo được niềm tin lớn trong quốc dân. Với niềm tin ấy không có công trình gì mà không xây dựng được. Niềm tin ấy có thể bảo đảm được hòa bình, hạnh phúc và công bằng xã hội trong vương quốc. Nếp sống tỉnh thức là nền đạo lý mà chúng ta đang cần đến như một đường lối và một niềm tin. Giáo lý truyền thống Bà la môn không chứa đựng được đức tự tin và không bảo đảm được quyền bình đẳng giữa mọi con người. Ta hãy dùng đạo lý Tỉnh Thức như một niềm tin mới.

Bụt cho biết người sắp lên đường trở về vương quốc Maghada, nhưng người sẽ còn trở lại Kapilavatthu. Vua, triều thần và hoàng tộc rất vui khi nghe người nói như vậy.

 

Chương 38

ÔI! HẠNH PHÚC!

Bụt đã rời khỏi vương quốc Sakya nhưng người vẫn còn hoằng hóa ở miền Bắc vương quốc Kosala, Người và khoảng một trăm hai mươi vị khất sĩ đang cư trú ở một công viên gần thành phố Anuplya của bộ tộc Malla. Đại đức Sariputta vẫn còn ở bên người. Kaludayi, Nanda và chú tiểu Rahula cũng ở bên người. Trong thời gian Bụt ở ngoại thành Kapilavatthu, nhiều thanh niên trong hoàng tộc đã đến xin xuất gia với người, phần lớn là xuất thân từ những gia đình có từ ba người con trai trở lên. Sau khi Bụt rời Kapilavatthu được nửa tháng, có hai anh em ruột thuộc giòng họ Sakya cũng muốn đi xuất gia. Nhà của họ giàu lắm. Gia đình có tới ba cơ sở cư trú, một cho mùa Hè, một cho mùa Mưa, và một cho mùa Đông. Hai anh em tên là Mahanama và Anuruddha. Thấy nhiều bạn hữu của mình trong hoàng gia đã đi xuất gia với Bụt, Mahanama cũng muốn được đi xuất gia. Mahanama nghĩ trong gia đình có hai người con trai thì nên đi xuất gia một người thôi, chàng nhường quyền xuất gia cho em. Anuruddha đi tìm mẹ để xin phép. Bà mẹ nói.

- Mẹ chỉ có hai con là niềm vui của mẹ thôi. Nếu một đứa trong các con xuất gia thì mẹ buồn lắm.

Anuruddha thưa với mẹ là đã có nhiều thanh niên trong hoàng tộc xuất gia, và nếp sống xuất gia sẽ đem lại lợi lạc không phải chỉ cho người xuất gia mà cho cả gia đình và xã hội. Chàng đã được nghe Bụt giảng tại tu viện Nigrodha nhiều lần nên chàng giảng thuyết về đạo pháp rất hay. Cuối cùng bà mẹ nói:

- Nếu bạn của con là Baddhiya mà xuất gia, thì mẹ cũng cho con đi xuất gia.

Bà nói vậy vì bà nghĩ là Baddhiya chẳng bao giờ xuất gia đâu. Baddhiya là người trong hoàng gia, và chàng có chức vị rất cao, quyền hành và danh vọng rất lớn, khó có thể bỏ được tất cả để mà đi tu.

Anuruddh nghe mẹ nói liền tìm tới Baddhiya. Baddhiya làm trấn thủ các tỉnh miền Bắc vương quốc. Dưới quyền chàng có nhiều đội binh. Dinh thự của chàng có lính gác bốn phía. Kẻ hầu người hạ tấp nập. Baddhiya tiếp Anuruddha như một thượng khách. Anuruddha bảo bạn:

- Tôi muốn đi xuất gia theo học với Bụt, nhưng tôi không xuất gia được, đó là tại vì anh.

Baddhiya cười:

- Tại sao vì tôi mà anh không đi xuất gia được? Tôi cấm anh xuất gia hồi nào? Tôi sẽ làm đủ mọi cách để anh được xuất gia.

Anuruddha kể lại đầu đuôi câu chuyện, rồi chàng nói:

- Anh vừa hứa với tôi là anh sẽ làm đủ mọi cách để tôi có thể đi xuất gia, mà cách duy nhất là anh cùng đi xuất gia với tôi.

Baddhiya thấy mình kẹt quá, không phải là chàng không hâm mộ Bụt và đạo lý tỉnh thức. Chàng cũng đã có ý định sau này sẽ đi xuất gia, nhưng không phải bây giờ. Chàng nói:

- Bảy năm nữa tôi sẽ đi xuất gia. Anh cứ đợi tôi.

- Bảy năm nữa thì lâu quá. Biết tôi có còn sống đến lúc ấy hay không?

Baddhiya cười:

- Sao anh bi quan quá như vậy? Nhưng thôi, nếu anh nóng lòng xuất gia thì anh đợi ba năm nữa vậy.

- Ba năm cũng còn lâu quá. Anuruddha nói:

- Thôi thì bảy tháng. Tôi còn phải sắp đặt công việc nhà cửa và trao trả quyền hành.

- Đã xuất gia thì cần gì phải sắp đặt lâu như thế. Xuất gia là từ bỏ hết để đi theo con đường xuất trần siêu thoát. Anh đợi lâu như thế lỡ ra anh đổi ý thì sao.

- Anh đã nói vậy thì bảy hôm nữa tôi sẽ đi với anh. Thôi anh về đi.

Anurudha mừng rỡ về báo mẹ và anh biết tin này. Bà mẹ không ngờ quan tổng trấn Baddhiya lại chịu bỏ chức tước và danh vọng một cách dễ dàng như vậy. Bà chợt thấy tầm cao siêu của đạo lý giải thoát, và bà bằng lòng cho con đi xuất gia.

Anuruddha rủ thêm được một số các bạn hữu nữa cùng đi xuất gia. Đó là Bhagu, Kimbila, Devadatta và Ananda. Cả thảy là sáu người, tất cả đều là các vương tử quý phái. Đúng ngày hẹn, họ gặp nhau tại nhà Devadatta rồi lên đường, Tất cả đều đã là những chàng trai thành niên, trừ Ananda ra, Ananda mới có mười tám tuổi, nhưng chàng đã được phép cha là thân vương Dronodanaraja cho phép đi theo anh. Bảy vị vương tử đi bằng xe tứ mã cho đến khi họ tới một thị trấn nhỏ nằm sát biên giới Kosala. Họ cho xe trở về và cùng đi bộ tới biên giới. Họ biết Bụt và các vị khất sĩ tùy tùng đang cư trú ở Anupiya, cách biên giới không xa, Anurauddha đề nghị mọi người cởi bỏ hết những trang sức trên người và ăn mặc thật đơn giản trước khi vượt biên. Mọi người tán thành. Họ cởi những xâu chuỗi ngọc và những chiếc vòng bàng vàng bằng bạc ra và gói lại trong một cái áo. Họ định đi tìm một người nghèo để tặng tất cả những châu báu đó rồi sẽ tìm đường ra biên giới sau. Vừa định đi vào trong thôn để kiếm một người nghèo thì họ thấy có một quán hớt tóc bên đường. Cái quán khá tồi tàn: người thợ hớt tóc là một chàng thanh niên trạc tuổi họ, mặt mày cũng khôi ngô, nhưng ăn mặc rách rưới nghèo nàn. Anuruddha ghé vào quán. Chàng hỏi tên người thợ hớt tóc. Anh ta nói anh tên là Upali. Chàng nói các vị vương tử muốn nhờ anh ta chỉ đường ra biên giới. Upali bằng lòng.

Upali đưa các vương tử đến biên giới nước Kosala, Anh ta chào các vị vương tử để trở về. Anuruddha cám ơn Upali và trao cho Upali một chiếc áo cuốn tròn trong đó có đầy đồ trang sức châu báu. Chàng nói:

- Upali, chúng tôi muốn theo Bụt xuất gia. Chúng tôi không cần những thức trang sức châu báu này. Chúng tôi tặng lại anh. Từng ấy châu báu vàng bạc đủ để anh sống sung sướng suốt đời.

Các vương tử chào Upali, và lên đường. Người thọ hớt tóc mở chiếc áo ra. Vàng ngọc làm anh ta lóe mắt. Anh ta không tin đây là sự thật. Anh thuộc về giai cấp hạ tiện trong xã hội. Cha ông của anh đời này sang đời khác đã sống cần cù lam lũ và chưa bao giờ có được một lạng vàng hay một chiếc cà rá. Bây giờ đây anh có một bọc châu báu trong tay. Bỗng nhiên anh cảm thấy lo sợ. Ôm một bọc châu báu trong người, anh cảm thấy anh mất hết sự an ổn và thảnh thơi. Anh có thể mất mạng như chơi nếu có người biết anh đang ôm cái gì trong tay.

Upali suy nghĩ. Anh thấy các vương tử giàu sang đến thế, quyền hành nhiều như thế mà vẫn bỏ hết để đi xuất gia. Chắc chắn những người này đã nhận thấy nặng nề và nguy hiểm của giàu sang và của danh vọng. Anh chợt có ý liệng bỏ gói châu báu để đi theo các vị vương tử, tìm cầu anh lạc và giải thoát. Nghĩ như thế, anh làm ngay. Anh treo gói áo trên một cành cây gần đó, thầm nhũ rằng ai là người đầu tiên thấy được gói châu báu này thì gói châu báu này sẽ thuộc về người ấy. Treo gói áo lên cây xong, anh vượt biên và chạy theo các vị vương tử.

Chỉ một giờ sau, Upali bắt kịp họ. Các vị vương tử ngạc nhiên thấy Upali chạy theo mình. Devadatta hỏi:

- Upali, anh chạy theo chúng chúng tôi làm chi? Gói châu báu anh để đâu?

Upali thở hổn hển một hồi, rồi kể lại câu chuyện.Chàng nói chàng đã treo gói áo lên một cành cây và nguyện tặng lại châu báu ấy cho người đầu tiên bắt gặp. Chàng nói chàng không cảm thấy an ổn với gói châu báu và xin được cùng các vị vương tử tìm tới Bụt để xuất gia.

Devadatta cười ha hả:

- Anh cũng muốn xuất gia như chúng tôi? Anh là ...

Anuruddha ngắt lời Devadatta:

- Hay lắm, hay lắm! Chúng tôi rất hân hạnh được anh cùng đi với chúng tôi. Bụt có dạy rằng tăng đoàn như là biển cả, và người xuất gia như những con sông. Sông nào cũng chay ra biển và cũng thành biển. Chúng ta tuy xuất thân từ những giai cấp khác nhau, nhưng khi đã gia nhập tăng đoàn thì chúng ta sẽ là anh em, không còn phân biệt giai cấp nữa.

Baddhiya tán thành ý kiến của Anuruddha. Chàng đưa tay nắm tay người thợ cạo Upali. Chàng giới thiệu chàng là quan tổng trấn từng tri nhậm các tỉnh miền Bắc của vương quốc, và chàng giới thiệu các vị vương tử khác với Upali. Upali cúi chào từng vị với một dáng điệu kính cẩn. Sau đó bảy người lại tiếp tục lên đường.

Ngày hôm sau họ tới Anupiya. Họ hỏi thăm nơi cư trú của Bụt và tăng đoàn. Họ được biết Bụt và tăng đoàn hiện cư trú ở một khu rừng về phía Đông Nam cách thành phố chừng hai dặm. Bảy người tìm tới nơi này và được gặp Bụt.

Baddhiya thay mặt cả nhóm trình lên Bụt ý nguyện của họ được theo Bụt xuất gia. Bụt lặng yên ưng thuận. Baddhiya nói:

- Chúng con xin Bụt cho Upali được xuất gia trước. Chúng con sẽ lạy Upali như là một vị sư huynh. Như vậy chúng con có thể trừ khử ý niệm phân biệt và kỳ thị có thể còn sót lại nơi chúng con.

Bụt khen ngợi cả bảy người. Bụt cho Upali làm lễ xuất gia trước, và sau đó làm lễ xuất gia cho sáu người: Baddhiya, Anuruddha, Bhagu, Kimbala, Devadatta và Ananda. Tuy mới có mười tám tuổi, Ananda cũng được xuất gia, nhưng chàng chỉ được thọ giới sa di và học theo hạnh khất sĩ. Đúng hai mươi tuổi chàng mới được thọ giới khất sĩ. Chàng là người trẻ nhất trong tăng đoàn, trừ Rahula. Được gặp lại chú Ananda, Rahula mừng lắm. Ba hôm sau lễ thọ giới của bảy chàng, Bụt và các vị khất sĩ rời Anupiya, hướng về Vesali. Tại Vesali, Bụt nghỉ ở rừng Mahavana, Bụt lưu lại ba hôm ở đây. Trong thời gian ấy Bụt có thuyết pháp cho dân chúng, rồi Bụt lại lên đường. Đi lần hồi trên mươi hôm nữa, Bụt về tới tu viện Trúc Lâm ở Rajagaha.

Các đại đức Kassapa, Moggallana, và Kondanna thấy Bụt về rất hoan hỷ. Đại chúng trong tu viện đông gần sáu trăm vị, ai cũng tỏ vẻ vui mừng. Vua Bimbisara nghe Bụt đã về, lập tức tìm tới thăm Bụt. Không khí Trúc Lâm rất sống động và vui tươi. Mùa Mưa đã gần tới, và các đại đức Kondanna và Kassapa đã chuẩn bị đầy đủ về mặt tổ chức để đại chúng có thể an cư tu học. Đây là mùa an cư thứ ba từ ngày Bụt thành đạo. Mùa thứ nhất, Bụt ở vườn Nai, mùa thứ hai và mùa thứ ba, Bụt ở tại Trúc Lâm.

Đại đức Baddhiya, trước kia làm quan tổng trấn miền Bắc vương quốc Sakka, và là người trong hoàng tộc Sakya, tu học rất tinh tiến. Tại tu viện Trúc Lâm, ông học theo đại đức Kassapa, chỉ cư trú dưới gốc cây mà không ngủ trong am thất. Ông học tập rất chuyên cần và sử dụng phần lớn thì giờ của ông vào việc thực tập thiền quán.

Một đêm kia trong lúc thực tập thiền tọa dưới một gốc cây, ông bỗng cảm nhận một niềm vui sướng mà chưa bao giờ ông từng biết tới trong thời gian còn ở nhà. Ông thốt lên:

- Ôi, hạnh phúc! Ôi, hạnh phúc!

Lúc ấy trời đã về khuya. Có một vị khất sĩ ngồi thiền tọa cách ông không xa nghe được những tiếng ấy. Sáng hôm sau, vị này tới gặp Bụt. Ông thưa với Bụt:

- Thế Tôn, hồi khuya trong lúc thiền tập, con có nghe khất sĩ Baddhiya thốt lên hai tiếng “Ôi, hạnh phúc!”, con nghĩ là thầy Baddhiya không cảm thấy thoải mái với đời sống xuất gia. Có lẽ thầy ấy tiếc nuối những giàu sang và danh vọng khi còn là cư sĩ. Con xin trình bày để Thế Tôn biết, và để người định liệu.

Bụt gật đầu.

Trưa hôm ấy sau khi tăng đoàn đã thọ trai, Bụt thuyết pháp cho đại chúng. Sau thời thuyết pháp, Bụt gọi đại đức Baddhiya ra trình diện. Đại chúng có mặt đầy đủ trong giờ này, không những các vị khất sĩ mà còn có những người đệ tử cư sĩ đã đến cúng dường và nghe pháp. Bụt hỏi:

- Baddhiya, hồi khuya trong lúc thiền tọa, thầy có thốt lên “Ôi, hạnh phúc! Ôi, hạnh phúc", có đúng như thế không?

Đại đức Baddhiya chắp tay trả lời:

- Thế Tôn, hồi đêm quả thật con có thốt lên những tiếng đó.

- Tại sao xin thầy hãy nói cho đại chúng cùng nghe.

- Thế Tôn, ngày trước làm tổng trấn, con sống trong giàu sang, phú quý và có nhiều quyền lực. Đi đâu con cũng có một đội binh theo hầu cận và bảo vệ. Dinh phủ của con luôn luôn có binh lính cánh gác ngày đêm, bên trong cũng như bên ngoài. Vậy mà lúc nào con cũng lo lắng, sợ hãi, cảm thấy thiếu an ninh. Bây giờ đây đi một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, vậy mà con không hề có cảm tưởng nghi ngại và sợ hãi. Con cảm thấy có một niềm thảnh thơi và an lạc chưa bao giờ từng có. Thế Tôn, đời sống xuất gia thật là thoải mái đối với con, con không sợ ai, con không sợ mất gì, con không có gì để sợ mất, và con sống vui thú như một con nai trong rừng. Trong thiền định đêm qua con thấy được rất rõ niềm thảnh thơi vui thú đó, cho nên con đã buột miệng kêu lên hai lần: “Ôi, hạnh phúc!, Ôi, hạnh phúc!" làm kinh động đến Thế Tôn và các bạn tu của con. Con xin thành tâm sám hối.

Bụt ngợi khen Baddhiya trước mặt đại chúng. Người nói:

- Hay lắm, khất sĩ Baddhiya. Thầy đang đi những bước vững chải trên con đường tự tại và vô úy. Niềm an lạc của thầy, cả chư thiên cũng biết ước ao, huống nữa là người đời.

Giữa mùa an cư năm ấy, Bụt có độ cho nhiều người xuất gia, trong số đó một nhân tài lỗi lạc: đó là Mahakassapa, Mahakassapa là con trai một thương gia giàu có vào bậc nhất ở vương quốc Magadha. Tên cha mẹ đặt của chàng là Pippali. Gia tài của vị thương gia này chỉ thua có công khố quốc gia mà thôi, trong nước không ai giàu có bằng ông ta. Mahakassapa đã thành hôn với một thiếu nữ sinh trưởng ở Vesali. Nàng tên là Bhadra Kapilani. Hai người đã sống với nhau được mười hai năm, nhưng cả hai đều có chí xuất trần, cả hai đều muốn tìm thầy học đạo. Một buổi sáng nọ khi thức giấc, Mahakassapa thấy vợ mình đang ngủ say và một cánh tay nàng buông thỏng từ trên giường xuống tới gần mặt đất. Trong khi đó có một con rắn độc đang trườn qua dưới gầm giường nàng. Mahakassapa nín thở, không dám động dậy. Khi con rắn đã bò ra khỏi nhà, chàng tức tốc chỗi dậy đánh thức nàng. Cả hai người cùng ngồi chiêm nghiệm về tính cách vô thường của cuộc đời. Vợ chàng khuyên chàng nên tức tốc đi tìm thầy học đạo. Nghe nói có Bụt hiện đang hướng dẫn đại chúng tu học tại Trúc Lâm gần thành Vương Xá, Mahakassapa liền vội vã đi tìm. Ngay khi mới trông thấy Bụt, chàng biết ngay đây là thầy của mình. Nói chuyện với Mahakassapa, Bụt nhận thấy đây là một con người lỗi lạc, hiếm có trên đời, Bụt nhận cho chàng xuất gia, Mahakassapa có trình bày với Bụt về trường hợp người bạn trăm năm của mình. Bụt bảo chàng cơ duyên chưa thuận lợi để có thể chấp nhận phụ nữ vào giáo đoàn. Người nói cần đợi thêm ít lâu nữa.

 

Chương 39

BA LẦN THỨC DẬY TRỜI VẪN CHƯA SÁNG

Mùa an cư mới chấm dứt được ba hôm, thì có một người thương gia trẻ tên là Sudatta từ vương quốc Kosala đến thăm Bụt và thỉnh cầu Bụt về vương quốc của chàng để giảng dạy đạo lý tỉnh thức.

Sudatta là một thương gia rất giàu có. Chàng cư trú ơ thủ đô Savatthi nơi quốc vương Pasenadi trị vì. Cả vương quốc Kosala đều biết tiếng chàng, và Suddatta nổi tiếng là người biết che chở và bênh vực cho những kẻ nghèo khổ và cô độc. Chàng luôn luôn để ra một phần của gia sản mình để chu cấp cho những kẻ nghèo hèn và không có thân nhân. Công việc giúp đỡ người khốn khổ này chàng đã làm liên tục trong nhiều năm và chàng tìm được rất nhiều nguồn vui trong công việc ấy. Người đồng bào của chàng đã tặng cho chàng cái mỹ hiệu là Anathapindika, có nghĩa là “người cứu giúp cho kẻ khốn cùng và cô độc”, gọi là Cấp Cô Độc. Để có thể tiếp tục công việc cứu trợ những kẻ nghèo khổ, Suddatta phải tiếp tục nghề nghiệp của mình là một thương gia. Chàng hay qua lại nước Magadha để buôn bán và mỗi khi tới thủ đô Rajagaha, chàng thường cư trú tại nhà của người anh vợ của chàng, vốn cũng làm nghề buôn bán. Người anh vợ này rất quý mến chàng. Mỗi khi chàng đến, ông ta làm đủ mọi cách để giúp đỡ chàng và làm cho thời gian cư trú tại Rajagaha của chàng được dễ chịu. Ông săn sóc chàng từng li từng tí. Tuy nhiên, kỳ này Suddatta không được ông anh vợ đặc biệt chú ý tới như những kỳ trước. Ông bận rộn cắt đặt và sai phái những người ăn người ở trong nhà như là nhà sắp có đám giỗ hay đám cưới, và đối với chàng em rể giàu có, lần này ông chỉ chú ý và săn sóc một cách vừa phải thôi. Suddatta lấy làm lạ. Chàng hỏi thì người anh vợ nói không có đám giỗ mà cũng không có đám cưới nào cả. Cũng không phải là để rước hoàng gia về nhà thết đãi. Ông nói:

- Ngày mai, anh mời Bụt và các vị khất sĩ tới thọ trai.

Nghe nói đến tiếng Bụt, Suddatta ngạc nhiên. Chàng hỏi lại:

- Anh nói sao, ngày mai anh thỉnh “Bụt” hả?

- Đúng rồi ngày mai anh thỉnh Bụt và các vị khất sĩ học trò của người.

- “Bụt”? nghĩa là “người tỉnh thức"?

- Đúng rồi. Bụt là người tỉnh thức. Đó là một bậc giác ngộ toàn vẹn. Đó là một con người thật mầu nhiệm và thật đẹp đẽ. Sáng mai, thế nào em cũng sẽ được gặp người.

Danh từ Bụt gây nên trong tâm tư Suddatta biết bao nhiêu nguồn cảm hứng. Chàng bắt ông anh vợ ngồi xuống và nói thêm cho chàng nghe về con người giác ngộ này. Ông anh vợ chàng kể rằng anh đã được trông thấy các vị khất sĩ học trò của đi khất thực, đã tìm hiểu về Bụt, đã tới nghe Bụt thuyết pháp tại tu viện Trúc Lâm và đã được người chấp nhận là đệ tử tại gia của người. Ông cũng kể là hồi đầu mùa an cư ông đã được Bụt cho phép dựng thêm những chiếc nhà nhỏ lợp lá làm chỗ che mưa nắng cho các vị khất sĩ. Trong một ngày, ông đã cho dựng luôn sáu mươi căn nhà như thế rải rác trong khuôn viên của tu viện Trúc Lâm.

Không biết vì một duyên cớ thâm sâu nào đó mà Suddatta đem lòng thương mến Bụt sau khi mới nghe nói đến danh hiệu của người. Suốt đêm đó Suddatta không ngủ yên giấc. Chàng cứ mong cho trời sáng để có thể đi viếng Bụt tại tu viện Trúc Lâm dù chàng biết hôm nay Bụt và giáo đoàn của người sẽ tới thọ trai tại nhà ông anh vợ. Ba lần chợt tỉnh trong đêm là ba lần chàng tưởng trời đã sáng, nhưng trời vẫn chưa sáng. Cuối cùng, Suddatta, chỗi dậy, trời chưa sáng, nhưng chàng nhất quyết ra đìm Bụt. Chàng mặc áo, mang giày và mở cửa ra đi một mình. Trời khuya còn đầy sương và lạnh. Qua cổng Sivaka, chàng hướng về phía tu viện Trúc Lâm. Trời còn tối lắm, nhưng khi chàng vào tới cổng tu viện thì dáng cây dáng lá đã bắt đầu hiện rõ. Suddatta nóng lòng muốn gặp Bụt nhưng trong tâm còn e ngại. Chàng nói một mình để trấn tĩnh: “Suddatta, đừng e ngại”. Lúc ấy Bụt đã thức, và người đang đi thiền hành ngoài trời ngay phía trước mặt chàng mà chàng không biết. Bụt gọi:

“Suddatta".

Suddatta giật mình. Tiếng gọi đến từ phía trước. Chàng ngửng nhìn lên thì thấy dáng một người đang đi tới. Linh tính báo cho chàng biết rằng đó là Bụt. Bụt đã gọi tên chàng. Chàng đang đi tới với Bụt và Bụt đang đi tới với chàng. Suddatta bước tới một bước nữa và chắp tay cúi đầu làm lễ Bụt.

Bụt đỡ Suddatta dậy và cầm tay chàng đưa về tịnh thất của người. Tới nơi chàng được Bụt mời ngồi. Chàng hỏi thăm Bụt có ngủ ngon không. Người nói người ngủ rất ngon. Suddatta tự giới thiệu mình và kẻ cho Bụt nghe chuyện chàng thức dậy ba lần trong đêm và cứ tưởng trời đã sáng. Chàng xin Bụt dạy cho chàng về đạo lý. Và Bụt bắt đầu giảng dạy cho chàng về trí tuệ và từ bi.

Suddatta rất sung sướng. Chàng lạy xuống xin Bụt nhận chàng làm đệ tử. Bụt lặng yên chấp nhận. Chàng lại thỉnh Bụt và giáo đoàn ngày mai tới thọ trai tại nhà người anh vợ của chàng. Bụt cười:

- Hôm nay thầy và các vị khất sĩ sẽ tới đây thọ trai rồi. Không lý ngày mai cũng tới đây nữa sao?

Suddatta khẩn khoản:

- Ngày hôm nay là anh con thỉnh cầu Bụt. Ngày mai người thỉnh cầu Bụt  và và các vị khất sĩ lại là con. Con tiếc không có nhà cửa riêng ở đây để có thể thỉnh cầu Bụt và các thầy. Xin Bụt từ bi chấp nhận cho con.

Bụt mỉm cười nhận lời Suddatta. Chàng sung sướng làm bái biệt ngài. Trời đã sáng hẳn. Chàng phải về để giúp ông anh vợ chuẩn bị công cuộc đón tiếp Bụt và giáo đoàn.

Trưa hôm ấy, tại nhà ông anh vợ. Suddatta lại được nghe Bụt thuyết pháp. Niềm hân hoan của chàng như không có bến có bờ. Tiễn Bụt và giáo đoàn về xong, Suddatta bắt đầu chuẩn bị lo lễ cúng dường ngày mai. Ông anh vợ hết sức giúp đõ chàng. Ông nói:

- Suddatta, ở đây dượng là khách chứ không phải là chủ. Thôi để anh đứng ra đài thọ lễ cúng dường ngày mai cho.

Suddatta không chịu. Chàng muốn tự mình thiết lễ cúng dường. Chàng nhất quyết đài thọ mọi phí tổn, nhưng chàng bằng lòng để cho gia đình ông anh vợ tiếp tay với sự nấu nướng và dọn dẹp.

Ngày mai, sau lễ cúng dường, Suddatta lại được nghe Bụt thuyết pháp. Lòng chàng nở ra như một đóa hoa. Sau khi Bụt đã nói xong pháp thoại, chàng quỳ xuống thỉnh nguyện:

- Lạy Bụt, hầu hết dân chúng nước Kosala chúng con chưa có cơ duyên tiếp đón Bụt và giáo đoàn tôn quý của người để được học hỏi về đạo lý tỉnh thức. Con cầu mong Bụt chấp nhận lời mời của con về cư trú và giảng dạy tại kinh đô Savathi trong một thời gian. Chúng con xin Bụt rủ lòng thương xót dân chúng của vương quốc Kosala.

Bụt nói với Suddatta là người sẽ về đàm luận với các vị đệ tử lớn của người về chuyện này và sẽ trả lời chàng sau. Sau đó Bụt và giáo đoàn trở về tu viện.

Mấy hôm sau tới tu viện, Suddatta được Bụt cho biết là người đã chấp nhận việc đi hoằng pháp tại vương quốc Kosala. Người hỏi Suddatta xem ở gần thủ đô Savathi có chỗ cư trú cho một giáo đoàn đông đảo không. Suddatta bạch rằng chàng sẽ lo liệu chu toàn về việc cư trú của giáo đoàn. Suddatta còn thỉnh Bụt cho phép một vị cao đệ của Bụt là đại đức Sariputta về thủ đô Savathi một lần với chàng để chuẩn bị cho công cuộc hoằng pháp của Bụt. Bụt hỏi ý Sariputta thì thầy bằng lòng.

Một tuần lễ sau đó, Suddatta tới tu viện từ giã Bụt cùng giáo đoàn, đồng thời rước đại đức Sariputta cùng lên đường về thủ đô.

Hai người hướng về phương Bắc, vượt sông Hằng và đi lên thành Vesali. Tại Vesali, hai người được bà Ambapali rước về cư trú và nghỉ ngơi tại vườn Xoài trong hai hôm. Đại đức Sariputta có cho nữ phật tử Ambapali biết là Bụt cùng giáo đoàn sẽ mở một chuyến đi hoằng pháp tại vương quốc Kosala và cũng sẽ ghé qua thành phố Vesali này. Ambapali rất vui mừng. Bà hỏi thăm đại đức xem chừng nào Bụt sẽ ghé ngang qua để bà có thể chuẩn bị đón tiếp Bụt và giáo đoàn. Đại đức nói là trong khoảng sáu tháng. Bà tỏ ý rất hoan hỷ được tiếp đón thầy Sariputta và cư sĩ Suddatta. Bà ngõ lời khen ngợi vị trưởng giả trẻ tuổi này về công trình cứu tế xã hội của chàng và khuyến khích chàng trong công việc tổ chức chuyến đi hoằng pháp sắp đến của Bụt.

Từ giã Ambapali, hai người hướng về phía Tây Bắc, đi trên tả ngạn dòng sông Aciravati. Đây là lần đầu Suddatta đi bộ trên một quãng đường dài như thế. Chàng không thể dùng xe ngựa bởi vì chàng phải cùng đi bộ với đại đức Sariputta. Đến đâu chàng cũng báo tin là trong vòng sáu tháng Bụt và giáo đoàn sẽ đi qua và mọi người nên chuẩn bị để đón tiếp.

“Bụt là một bậc tỉnh thức vừa xuất hiện trên cõi đời. Bà con cô bác hãy thành tâm chuẩn bị để đón tiếp người và giáo đoàn cao quý của người". Vương quốc Kosala là một nước hùng mạnh không kém gì vương quốc Magadha. Biên giới miền Nam của vương quốc là sông Hằng. Đất đai của vương quốc trải dài tới miền Bắc cho đến những ngọn đồi sát chân dãy Hy Mã Lạp Sơn. Dân chúng ở vương quốc Kosala không mấy ai là không nghe đến Suddatta. Ai cũng gọi chàng là trưởng giả Cấp Cô Độc, Anathapindika, người chu cấp cho những kẻ bần cùng và cô độc. Khi chàng mở lời ca tụng bậc giác ngộ, ai cũng tin ngay lời chàng. Ai cũng ước ao được thấy mặt Bụt và giáo đoàn của người. Đại đức Sariputta sáng nào cũng ghé vào các thôn xóm để khất thực, và Suddatta thường đi theo người, Suddatta thường lấy cơ hội tiếp xúc này để nói cho đồng bào chàng nghe về Bụt và về giáo đoàn các vị khất sĩ.

Đi như thế được non một tháng thì hai người về tới Savathi. Đại đức Sariputta được Suddatta mời về nhà để cúng dường. Chàng ân cần giới thiệu đại đức với gia đình chàng và cầu xin đại đức thuyết pháp cho mọi người nghe. Thân phụ, thân mẫu và nội trợ của chàng đều xin phát nguyện thọ trì ba sự quay về nương tựa và năm giới. Nội trợ của Suddatta tên là Punnalakkhana, dáng người đoan trang và thùy mị. Nàng đã có bốn đứa con với Suddatta. Cả bốn đều còn nhỏ tuổi, ba đứa đầu là con gái và đứa chót là con trai. Đứa lớn tên là Subhadha chị, đứa kế tên là Subgadha em, đứa áp út tên là Sumagadha, cậu con trai tên là Rala.

Đại đức Sariputta bắt đầu đi hành hóa trong thủ đô Savathi. Buổi chiều và ban đêm, thầy về cư trú tại một khu rừng thưa gần bờ sông. Trong khi đó Suddatta đi tìm một nơi khả dĩ có thể làm chỗ cư trú thuận tiện cho Bụt và giáo đoàn trong chuyến hoằng pháp quan trọng sắp đến.

 

Chương 40

BAO NHIÊU TẤC ĐẤT BẤY NHIÊU TẤC VÀNG

Suddatta đi xem xét nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào đẹp đẽ và thanh tịnh bằng khu lâm viên của thái tử Jeta nằm sát thủ đô Savathi. Chàng nghĩ nếu có được khu lâm viên này làm cơ sở lưu trú và hành đạo của Bụt và giáo đoàn thì đạo lý tỉnh thức sẽ được truyền bá sâu rộng trong vương quốc. Suddatta tìm đến thái tử Jeta xin gặp. Hôm ấy trong dinh thự của thái tử có mặt một vị văn quan trong triều mà Suddatta cũng có quen biết. Sau khi chào hỏi thái tử và vị văn quan, Suddatta trình bày ước muốn của mình và xin thái tử nhượng lại cho chàng khu vườn của thái tử để làm cơ sở tu học và hoằng pháp cho Bụt. Thái tử Jeta mới có hai mươi tuổi. Khu vườn này là của vua Pasenadi ban cho chàng năm ngoái. Thái tử nhìn vị văn quan rồi nhìn Suddatta nói:

- Khu vườn ấy là của phụ vương tôi cho tôi, và tôi quý nó như vàng. Nếu ông có đủ vàng lá đem trải đầy khu vườn thì tôi sẽ nhường nó lại cho ông.

Thái tử Jeta nói nửa đùa nửa thật nhưng thương gia trẻ tuổi lại không cho đó là chuyện đùa. Chàng nói:

- Được rồi, tôi sẽ theo điều kiện của thái tử đặt ra. Sáng mai, tôi sẽ cho chở vàng tới.

Thái tử Jeta giật mình:

- Tôi nói đùa đó mà, tôi không bán khu vườn của tôi đâu. Ông đừng chở vàng tới.

Nhưng Suddatta vẫn nghiêm trang:

- Thưa thái tử, ngài là một bậc vương giả, ngài đã nói ra lời nào thì chắc lời ấy không thể bị xóa bỏ.

Rồi Suddatta quay sang hỏi vị văn quan đang ngồi uống nước với thái tử:

- Thưa đại nhân, có phải đúng như vậy không?

Vị văn quan gật đầu. Ông ta xoay về phía thái tử Jeta:

- Vị thương gia Anathapindika này nói đúng, thưa điện hạ, đã không ra giá thì thôi, một khi đã đưa giá cả thì ta không có quyền không bán.

Thái tử Jeta đành nhượng bộ, Tuy nhiên chàng hy vọng rằng Suddatta không có đủ vàng. Thái tử chưa kịp nói gì thêm thì Suddatta đã đứng dậy chắp tay tạ ơn và cáo biệt. Ngay sáng hôm sau, chàng cho người chở vàng tới lót khu vườn.

Thái tử Jeta chứng kiến cảnh tượng lót vàng này và rất lấy làm kinh ngạc. Thái tử biết đây không phải là một chuyện mua bán tầm thường. Không ai bỏ ra một số vàng lớn như thế để mà mua một khu vườn giải trí. Bụt và giáo đoàn của người chắc chắn là những nhân vật lỗi lạc lắm cho nên người thương gia này mới phát tâm dũng mãnh như thế này được. Nghĩ thế, thái tử tới gần Suddatta và hỏi thăm chàng về Bụt. Mắt vị thương gia sáng lên. Chàng kể cho cho thái tử nghe về con người của Bụt, về đại cương giáo lý của người và về giáo đoàn các vị khất sĩ. Chàng lại hứa ngày mai sẽ đến mời thái tử đi thăm viếng đại đức Sariputta, một vị cao đệ của Bụt, hiện đang có mặt tại thủ đô. Nghe Suddatta nói, thái tử Jeta cũng cảm thấy hứng khởi trong lòng. Lúc bấy giờ người của Suddatta đã chở vàng được ba chuyến và đã lót được khoảng hai phần ba khu vườn. Khi chiếc xe sắp đi chuyến thứ tư thì thái tử Jeta đưa tay ngăn lại. Thái tử nói với Suddatta:

- Thôi, ông lót từng ấy vàng đủ rồi. Phần đất còn lại là phần tôi hiến tặng cho Bụt và giáo đoàn. Tôi cũng muốn góp phần vào công trình lớn lao và đẹp đẽ của ông. Tôi nói như thế này, ông nghe có được không nhé: cứ xem như là ông cúng đất, còn tôi thì cúng cây cho tu viện. Sau này có ai hỏi thì ta có thể nói rằng tu viện này tên là “Vườn Anathapindika với cây của Jeta”. Ông chịu không?

Suddatta rất hoan hỷ. Chàng hân hoan thấy thái tư Jeta chịu đóng góp vào công cuộc hoằng pháp lớn lao này. Chiều hôm sau, chàng đến rước thái tử đi thăm đại đức Sariputta, để thái tử được thấy nhân cách của thầy và được nghe thuyết pháp. Sau đó, cả ba người cùng đi đến khu vườn mà Suddatta vẫn gọi là Jetavana, dù chàng đã đứng tên làm địa chủ. Suddatta hỏi ý kiến thầy Sariputta và thái tử Jeta về kế hoạch xây dựng cư xá, thiền đường, nhà giảng và phòng tắm. Chàng muốn dựng một mái tam quan trước cổng tu viện trên khoảng đất của thái tử Jeta cúng dường để kỷ niệm và cũng để làm vui lòng thái tử. Thầy Sariputta đã đưa ra nhiều chỉ dẫn rất quý báu về việc xây dựng cư xá, thiền đường, nhà giảng và phòng tắm, bởi vì thầy biết rất tường tận về những nhu yếu của các sinh hoạt tu viện. Một nơi êm mát được chỉ định để làm am lá cho Bụt. Những con đường được vạch ra, và những giếng nước được bắt đầu đào. Sariputta khẩn khoản yêu cầu đại đức Sariputta cư trú ngay tại Jetavana để giúp chàng điều động công việc xây cất những tiện nghi tu viện. Có những buổi sáng gia đình Suddatta mang thức ăn lên để cúng dường đại đức. Vào những hôm này đai đức không đi khất thực, còn vào những buổi khác, đại đức thường mặc áo mang bát đi khất thực trang nghiêm trong thành phố. Dân chúng thủ đô dần dần biết tới đại đức, và từ câu chuyện Suddatta lót vàng mua đất Jetavana đã được truyền đi khắp nơi. Ai cũng biết rằng vị thương gia trẻ Anathapindika đã mua đất của thái tử và đang xây cất tu viện cho một giáo đoàn sẽ từ Magadha tới. Thỉnh thoảng vào những buổi chiều, đại đức Sariputta thuyết pháp tại Jetavana và dân chúng thủ đô đã bắt đầu đi nghe khá đông, Bụt vẫn chưa tới mà đạo của Bụt đã được dân chúng hâm mộ.

Bốn tháng sau, khi công cuộc xây cất đã gần hoàn tất, đại đức Sariputta lên đường trở về Rajagaha đón Bụt.

Buổi sáng khi đại đức Sariputta về tới Vesali, thầy thấy bóng dáng rất nhiều chiếc áo vàng trong thành phố. Hỏi ra thầy biết là Bụt và trên năm trăm vị khất sĩ đã tới Vesali trước đó mấy hôm. Hiện Bụt đang cư trú trong Rừng Lớn. Sariputta lập tức tìm về giảng đường thăm Bụt. Bụt cho thầy biết là nữ cư sĩ Ambapali vừa mới tới thỉnh Bụt và giáo đoàn tới thọ trai ngày mai tại vườn Xoài của bà. Người hỏi thăm về cuộc hoằng hóa của thầy ở Savatthi. Sau khi nghe Sariputta kể lại những gì đã xảy ra tại thủ đô vương quốc Kosala, Bụt cho thầy biết rằng hiện các đại đức Kondanna và Uruvela Kassapa đang hướng dẫn đại chúng tu học tại Trúc Lâm và tất cả các vị khất sĩ hành đạo trong vương quốc Magadha đã được Bụt thông báo nên y chỉ vào hai thầy ấy.

Trong số năm trăm vị khất sĩ đi theo Bụt, hai trăm vị sẽ ở lại hành đạo tại tiểu bang Videha và tại Vesali, còn ba trăm vị sẽ theo Bụt qua Kosala. Mọi việc đều đã được các thầy phụ tá sắp đặt chu đáo. Bụt cho biết ngày mốt Bụt sẽ rời Vesali để lên đường đi Savatthi và người bảo thầy Sariputta cùng đi với người.

Được cúng dường Bụt và giáo đoàn khất sĩ tại vườn Xoài của mình. Ambapali rất lấy làm mãn nguyện. Bà chỉ tiếc cậu con trai của bà là Jivaka đã không có ở nhà để thừa tiếp Bụt và giáo đoàn. Cậu đang theo học ngành y khoa gần thủ đô Rajagaha. Ngày hôm qua, sau khi tới thỉnh Bụt ra về, bà gặp một số các vương tử Licchavi ở giữa đường. Các vị vương tử này là những người có quyền thế vào bậc nhất ở Vesali. Họ đi trên những chiếc xe song mã trang sức cực kỳ lộng lẫy. Họ đón đường bà. Chiếc song mã của bà phải ngừng lại. Họ hỏi bà đi đâu. Ambapali trả lời bà vừa đi thỉnh Bụt và giáo đoàn ngày mai về dùng cơm trưa. Các vị vương tử đề nghị bà hủy bỏ việc mời Bụt đi và chỉ nên mời họ. Họ nói:

- Nếu nàng chịu mời chúng tôi, chúng tôi sẽ trả giá bữa cơm ngày mai là một trăm ngàn đồng vàng.

Theo ý các vị vương tử, mời các ông thầy tu thì chẳng có ích lợi và vui vẻ gì. Ambapali trả lời:

- Quý vị vương tử chưa biết Bụt nên mới nói như thế. Tôi đã mời Bụt và giáo đoàn của người vào ngày mai rồi. Quý vị vương tử có cho tôi cả thành Vesali cùng tất cả đất đai vao quanh thành, tôi cũng không đánh đổi bữa cơm ngày mai cho các vị, đừng nói là các vị trả cho tôi một trăm ngàn đồng vàng. Thôi tôi xin phép quý vị được về nhà sớm để lo cho cuộc đón tiếp ngày mai.

Các vương tử Licchavi bắt buộc phải tránh đường cho bà đi. Ambapali đâu có biết rằng sau khi tránh đường cho bà đi, họ đã rủ nhau tìm đến Bụt để xem ông thầy tu này là ai mà Ambapali kính trọng đến thế. Họ tìm đến Rừng Đại Lâm. Họ đậu xe ở ven rừng và đi bộ vào.

Bụt biết đây là những thanh niên có nhiều hạt giống từ bi và trí tuệ. Người mời họ ngồi và kể chuyện cho họ nghe. Người kể cho họ nghe về thân thế và lịch trình tu đạo của người. Rồi người nói về đạo lý diệt khổ, và lý tưởng giải thoát. Người biết họ cũng thuộc về giai cấp Ksatriya, cũng thuộc về hoàng tộc như người. Nhìn họ, người thấy hình ảnh của người ngày xưa. Câu chuyện người nói vì thế rất có vẻ thân mật.

Sau khi được nghe Bụt thuyết pháp, các vị vương tử Licchavi bừng tĩnh. Họ thấy được họ. Họ thấy sự hưởng thụ giàu sang và quyền bính không đủ để đem lại cho họ hạnh phúc. Họ tìm thấy lý tưởng cho tuổi trẻ họ. Tất cả đều xin nguyện làm học trò tại gia của Bụt. Họ ngõ lời thỉnh Bụt ngày mai đến thọ trai. Bụt mỉm cười:

- Ngày mai tôi đã được Ambapali mời rồi.

Các vị vương tử cũng mỉm cười. Họ nhớ lại cuộc đối đáp giữa họ và Ambapali trước đó. Một vị nói:

- Vậy thì chúng con xin thỉnh Bụt vào ngày mốt.

Bụt mỉm cười chấp thuận.

Tại lễ cúng dường tổ chức ở vườn Xoài. Ambapali đã mời các thân hữu của bà đến để nghe Bụt thuyết pháp. Một số các vương tử Licchavi cũng đã được mời tham dự buổi lễ này.

Ngày hôm sau, Bụt với trên một trăm vị khất sĩ tới dự lễ trai tăng tại trú sở các vương tử Licchavi. Bụt và các vị khất sĩ được đón tiếp rất long trọng. Các thức ăn được cúng dường tuy là những thức ăn chay nhưng đều là những thức trân quý vào bậc nhất. Các loại trái cây như mít, xoài, chuối, và hồng táo đều đã được hái từ vườn cây của các vương tử. Thọ trai xong, Bụt giảng cho mọi người nghe về giáo nghĩa duyên sinh và con đường của tám sự hành trì chân chính. Bài giảng của ngài làm rung động tâm can của người nghe. Mười hai vị vương tử đã cầu Bụt cho được xuất gia. Bụt vui lòng chấp nhận họ. Trong số những người được xuất gia hôm ấy có Otthaddha và Sunakhatta, hai vị vương có ảnh hưởng lớn trong bộ tộc Licchavi.

Cuối buổi cúng dường, các vị vương tử trong bộ tộc Licchavi khẩn khoản thỉnh Bụt và giáo đoàn sang năm về an cư tại Vesali. Họ hứa sẽ cất tu viện và giảng đường trong khu Rừng Lớn để có chỗ an cư cho Bụt và hàng trăm vị khất sĩ. Bụt chấp thuận lời thỉnh cầu này.

Sáng hôm sau, nữ cư sĩ Ambapali đến viếng Bụt rất sớm. Bà ngõ ý muốn Bụt nhận vườn Xoài của bà như một phẩm vật cúng dường của bà cho giáo đoàn khất sĩ. Bụt nhận lời. Sau đó, Bụt cùng Sariputta và tăng đoàn lên đường đi về thủ đô Savatthi.

 

 

--- o0o ---

 

 [ Mục Lục ] [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] [8]

 [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16]

 

--- o0o ---

Vi tính: Cao Thân. Trình bày: Nhị Tường

 Cập nhật: 01-6-2005 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Đức Phật đối với quan hệ anh em thân ç½ åˆ¹å ³ chân أبا درج 正報 七佛灭罪真言全文念诵 Bao giờ có thể như xưa Bến sông vàng phat HT sự tích phật bà nam hải quan âm thuc tap thien mang lai loi ich nhu the nao trong 生日快乐 Dễ dàng làm món khổ qua trộn ThẠnay cac ban tre xuat gia Chữa huệ năng và sơ tổ trúc lâm 腳底筋膜炎治療 Trái sung chữa tan sỏi túi mật メス Giảm cân bằng dâu tây và cà chua cẩm nang thiền cho bất cứ ai å æ äº å hãy khéo chăm sóc cái tâm các phật tử tin tưởng gì tÆáng cái tôi và minh triết về cái tôi ブッダの教えポスター cúng gia tiên nên dâng lễ mặn hay chay ด หน ง お墓のお手入れ方法 rừng đại thụ dần khô Vị Bồ tát mang dép ngược Gi bầy sẻ trước hiên nhà cũng Ngài Gyalwang Drukpa Hãy chuyển hóa oán tình 塩谷八幡宮 Leo vách núi và thái cực quyền 修道吾有正法眼藏 法会 河南有专属的佛教 佛頂尊勝陀羅尼 禅の旋 Nghệ Phương thuốc diệu kỳ å眼ä½æ è å å ˆ Mộc dục tượng thờ