ĐI
CON ĐƯỜNG KHÁC
Võ Hồng
- Bác gắng tăng thêm tốc độ.
- Dạ.
- Gắng tăng thêm nữa.
- Dạ.
Người tài xế bặm môi nhíu sát hai
lông mày vào nhau. Những nếp nhăn hằn lên, khổ sở. Tôi chong mắt
nhìn ra trước xe. Những cánh đồng trải rộng, trải dài, lác đác
có thôn ấp nấp sau những lũy tre. Chúng nằm bất động, cản ngăn
tầm mắt khiến tôi có cảm tưởng là xe vẫn còn chạy chậm. Tôi
muốn giục thêm bác tài nhưng tự nhiên thấy mình khiếm nhã. Tôi
đã giục nhiều lần rồi. Giục thêm, có khác nào bảo rằng bác ta
thiếu thiện chí hay kém tài năng.
Tôi ngồi chồm ra trước, làm như tư
thế đó giúp cho xe chạy mau hơn. Tôi rung những ngón tay tưởng như
điều đó làm cho chiếc xe cũng sốt ruột mà gắng chạy nhanh hơn.
Rặng núi thấp có những rẫy sắn rẫy đậu nằm bắc thang trên
sườn, từ nãy giờ vẫn chưa vượt qua. Tôi muốn bất chấp xã giao
lên tiếng giục bác tài chạy mau hơn nữa, nhưng chợt nhìn xuống
cây kim đỏ chỉ tốc độ tôi phát hoảng : 110 cây số giờ. Đó là
tốc độ nguy hiểm đối với đoạn đường này. Là đùa với Thần
Chết và đi kề cái chết.
Tôi lẩm nhẩm nghĩ : "Đằng
nào cũng trễ rồi. Hôm nay đã 16 tháng chín. Xe không thể chạy về
đêm. Trưa ngày 17 là hết. Là xong hết..." Tôi cảm thấy nóng
nơi khóe mắt. Tôi cảm thấy nước mắt đang tụ tập về điểm lệ
nhưng tôi cố ngăn không chúng họp thành giọt. Tôi cắn răng, cầm
chắc sự can đảm trong bàn tay trái nắm chặt.
Chợt xe phanh gấp một tiếng két
nhức tai. Tiếng bánh xe lết trên mặt đường. Người tôi nhảy
chồm lên, ngã nhào tới trước. Nhưng tôi hoàn toàn không có
chút hoảng sợ. Tôi bình tĩnh đến mức độ lạ lùng. Tôi sửa
lại tư thế ngồi, dựa lưng ra nệm và chậm rãi ra lệnh :
- Thôi bác chạy chậm lại. Tám mươi
đến chín mươi cây số thôi.
Tôi không cần biết cái hãm phanh
vừa rồi có nguyên do nào. Mọi nguyên do đều vô ích khi không sửa
chữa được Thực tại. Tôi nhắm mắt lắng nghe hơi thở của mình.
Trong trí óc tôi có tiếng kêu. "Chương ơi! Chương ơi!", tiếng
kêu của tiềm thức tôi. Không có tiếng đáp lại. Vĩnh viễn từ
nay sẽ không còn tiếng đáp lại.
Tôi lần mở xắc lấy ra tờ chương
trình. Năm chữ "Đại giới đàn Phước Huệ" in màu chữ
đỏ. Những danh từ xa lạ. Lật trang sau...
Điều kiện thọ giới Sa-di :
Thuộc hai thời công phu
Thuộc hai cuốn luật tiểu
Điều kiện thọ giới Tỳ-kheo :
Đã thọ Sa-di ít nhất hai năm
Đủ hai mươi tuổi đời.
Thuộc hai thời công phu và bốn cuốn
luật tiểu.
Phải có đầy đủ y bát, tọa cụ
và đãy lọc nước.
Những điều kiện này đang ràng
buộc Chương. Đang thắt cột Chương vào một tập thể lớn có qui
luật, nơi đó Chương xóa bỏ Quá Khứ của anh. Nơi đó Chương sẽ
là một cái lá trong nhiều cái lá, một cành cây giữa những cành
cây, một hạt bụi lẫn lộn trong hằng hà sa số hạt bụi. Và tôi,
Trâm, người yêu của anh sẽ không còn chiếm nửa linh hồn anh, ba
phần tư linh hồn anh, bốn phần năm linh hồn anh... mà tôi rút gọn
lại chỉ còn là một chúng sinh xếp đồng đẳng với muôn triệu
chúng sinh trước đôi mắt anh. Tôi tham lam hơn, Chương ơi! Tôi không
chịu được ý niệm Dân chủ, tôi ghét cái cân của ngành Luật
pháp bởi tôi không chịu đồng đẳng với ai, tôi phải chiếm chỗ
cao hơn hoặc là tôi đoạn tuyệt.
Mà anh có đi tu thật không? Có thể
là con Như nó lầm không? Em nhận được thư hỏa tốc của nó bảo
đích xác là có tên anh trong danh sách những người nhận giới trong
Đại giới đàn. Có thể có sự trùng tên không? Em không hi vọng
lắm. Khó có hai người cùng mang tên Lại Tăng Chương.
Như nó gởi luôn cho tôi tờ chương
trình. Ngày 17 tháng 9 Quí Sửu, sáu giờ : Hưng tác thượng phan,
khai chung bản, khai kinh bạch Phật. Tôi chẳng hiểu nói cái gì trong
đó. Đoán lờ mờ là có treo cờ, đánh chuông, tụng kinh. Chắc
không sai mấy, 8 giờ : Tấn đàn Sa-di. Chắc có nghĩa là truyền
giới cho mấy ông Sa-di. 12 giờ : Quá đường. Có phải nghĩa
là đi qua phòng ăn để thọ trai? Có thể là không phải vậy. Mặc
kệ. Chiều ngày 19 và sáng ngày 20 : Tấn đàn Tỳ-kheo. Lễ
truyền giới cho Tỳ-kheo kéo dài lâu hơn chắc bởi cấp bực tu trì
cao hơn. Chẳng biết Chương sẽ nhận giới ở cấp bực nào.
Tôi hỏi bác tài :
- Bác dự tính chạy hết tốc lực
thì tối nay nghỉ ở đâu?
- Theo cái đà này thì chúng ta phải
nghỉ đêm tại Sông Cầu.
- Sông Cầu là chỗ nào?
- Giữa Qui Nhơn và Nha Trang.
- Chỗ đó có khách sạn không?
- Không hi vọng có.
Tôi định hỏi thêm "Nếu không
có khách sạn thì ngủ ở đâu và đậu xe ở đâu" nhưng trí
óc tôi lười biếng quá rồi, tôi không muốn đặt câu hỏi nữa.
Thà để trí óc trống rỗng, trắng bệch còn hơn là bắt nó nghĩ suy
lấy lệ.
Con đường chạy dài, xe vượt quá
một cánh đồng thì bắt gặp một xóm làng. Những ngôi nhà tranh
đứng hiu quạnh bên cạnh những bụi chuối bụi sả trông thật buồn.
Tưởng chừng như những ngôi nhà bỏ hoang nếu nhìn quanh quất đâu
đấy không thấy một con chó đang nằm khoanh nơi cháy bếp, một con gà
giò ốm lỏng khỏng đi thơ thẩn nơi vạt nước hay một bà lão gầy
gò da mặt nhăn nheo đang nhíu mắt nhìn ánh nắng rung rinh.
Chương sống cô đơn từ những ngày
nhỏ. Gia đình anh là một thảm kịch : Cha mẹ ly dị nhau, cha cưới vợ
riêng và mẹ đi lấy chồng. Anh trở thành đứa trẻ mồ côi bởi
vì về ở với cha thì không chịu được dì ghẻ, về ở với mẹ
thì không chịu được dượng ghẻ. Cha và mẹ anh khi cùng ở với
nhau thì điều khiển một nhà xuất nhập cảng lớn, khi ly dị nhau thì
trở nên hai nhà xuất nhập cảng còn lớn hơn xưa. Trong việc tái
lập gia đình, hai người đều tỏ ra gặp được hạnh phúc. Tóm lại
chỉ có Chương mới là kẻ bất hạnh cho dù cha và mẹ anh đều nài
nỉ anh về ở với mình, và ở với người nào thì anh cũng được
chìu đãi sung sướng. Chương sống tự lập ngay khi vào Đại học. Khi
ra trường, anh xin đi dạy học ở một tỉnh miền trung.
Gia đình tôi và gia đình Chương quen
nhau từ nhiều năm vì Ba mẹ tôi cũng mở hãng xuất nhập cảng. Cảm
tình giữa chúng tôi biến thành tình yêu và sóng gió trong gia đình
Chương khiến tôi càng yêu anh nhiều hơn. Tôi thấy tôi có bổn phận
đối với Chương, giúp đỡ và an ủi anh. Chương chỉ còn có tôi
ở trên đời để yêu ngoài cái đam mê suy tưởng Triết học. Yêu
tôi, nhưng khi ba mẹ tôi đề cập đến hôn lễ thì Chương tỏ vẻ
ngại ngùng.
- Hôn lễ, đó là nghi thức cần
thiết. tôi nói.
Chương gật đầu :
- Đúng vậy,
- Nhưng sao anh...
- Tại vì... Tại vì...
Tôi đoán biết tại vì sao rồi. Ba
mẹ tôi giàu lớn còn anh thì hiện thời đang đứng sắp hàng theo
chỉ số. Phải đi nhích tới từng bước. Nếu không muốn để cho
đồng tiền cám dỗ thì mắt phải chăm chăm nhìn lên những chữ Lễ
nghĩa, Liêm sỉ, Đạo đức. Chương yêu tôi mà không dám cưới
tôi. Ngoài ra, những hình ảnh của cuộc hôn lễ linh đình ngày cha anh
đi cưới mẹ anh đã ám ảnh anh. Chính tôi đã được nhiều lần
ngồi nhìn say mê những bức hình chụp đám cưới ấy. Cha anh mặc
áo thụng gấm có thêu những cái hoa to bằng cái bát úp. Má anh
đội khăn màu vàng như một nàng công chúa. Xung quanh hai người là
cả một rừng áo gấm và một bầy công chúa xinh đẹp như nhau. Bây
giờ thì những chữ Song Hỉ bị bẻ ra làm đôi, mỗi người cầm
giữ một nửa. Chương không thuộc về một bên nào. Anh lửng lơ ở
nơi biên giới, ở nơi ranh giới, ở no menland , ở chỗ
đáng lẽ không có người.
Tôi nói :
- Nhưng em không thể đến sồng với
anh mà không hôn lễ.
- Anh biết.
- Biết mà vẫn cứ để vậy?
- Anh không có lối thoát.
- Ba mẹ em không thể đợi anh lâu.
- Chắc là anh mất em.
Từ ngày anh ra miền trung, tôi làm
gan không biên thư cho anh nữa. Tôi đợi sự hồi tâm của anh. Thì
đột nhiên có bức thư khẩn cấp của Như.
- Bác liệu có thể chạy xa hơn Sông
Cầu không?
- Thưa cô chắc không được. Giờ
này mà mình còn leo đèo Cù mông thì không hi vọng đi vượt quá
Sông Cầu.
- Cù Mông là cái gì?
- Cái đèo lớn nằm giữa tỉnh Bình
Định và tỉnh Phú Yên.
- Sao mà lắm đèo lắm ải vậy?
- Miền Trung mà cô. Hết đèo đến
ải.
Y như cuộc đời của Chương. Y như
mối tình của chúng tôi. Người bình dân hát rằng : "Thương
nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội cửu thập đèo
cũng qua". Đó là những sông những núi những đèo của
Thiên nhiên, dẫu cao dẫu sâu dẫu trắc trở mà với quyết tâm
người ta vẫn có thể vượt được. Chỉ cần thời gian. Với núi
đèo do con người tạo ra thì vượt qua không phải dễ. Và Chương
đang chọn một lối vượt qua của anh.
Tôi ngủ lại đêm ở Sông Cầu.
Đêm thật đen và thật buồn. Thành phố nằm bẹp dí xuống mặt đất,
nhà thấp và mặt biển liếm sát bờ cát. Không thấy một sự cố
gắng vượt lên. Hạnh phúc xuề xòa. Hạnh phúc cao một thước năm
ngang vòng tay ôm. Hạnh phúc cao một thước sáu ngang đôi môi hôn.
Hạnh phúc trong giây phút hiện tại, trong đêm tối an nghỉ, giữa hai
tràng đạn bắn vu vơ, giữa hai quả hỏa tiễn câu vu vơ... Chương
ơi anh coi thường thứ hạnh phúc trần gian này, anh ngước nhìn lên
cao hơn, anh rướn mình lên cao hơn.
Sau một đêm ngủ chập chờn, mới
mờ sáng chiếc Falcon đã lại lướt gió, nuốt vội đường
trường. Những cánh đồng còn chìm trong một biển sương trắng đục
mênh mông. Những toán dân vệ đi thành hàng lặng lẽ trên những
bờ ruộng thấp, mũi súng chĩa xuống đất. Một đêm tối bất trắc
đã qua, mọi người đón nhận ánh sáng mặt trời, vui mừng như
giữa những thời xa xưa loài người còn cư ngụ trong hang đá.
Xe nhẫn nại bỏ lui lại những xóm
làng. Xe hớn hở lượn theo vòng đèo, xe mê mải bò lên những
dốc cao. Ánh nắng đã lên, nhuộm hồng những tàu lá cau, nhuộm
vàng những ruộng lúa. Tôi không có cách nào trì níu thời gian,
chiếc kim đồng hồ cứ lặng lẽ quay vòng và khi xe tôi ngút hơi
đậu lại chân núi nơi địa điểm của giới đàn thì mặt trời đã
lên cao.
Trễ giờ rồi. Tôi không còn hi
vọng nắm giữ lấy đôi tay Chương và đổ ra những giọt nước mắt
để bắt anh lưỡng lự, khí giới của tôi chỉ có thế. Tôi hơ hãi
leo lên triền núi, đặt chân bất kể lên những viên đá gập
ghềnh. Những bụi me đất, những đám lá dang lá bìm bìm bò vô tư
dưới chân những cây mít cao. Lối đi thoai thoải rải rác lá vàng,
lẩn quất dưới những tàn cây âm u.
Leo được nửa dốc, tôi mệt quá
ngồi bệt xuống một tảng đá. Đằng nào thì cũng đã trễ rồi.
Bóng người lao xao ở đỉnh núi, di động rộn ràng. Tiếng tụng kinh
chậm rãi, tiếng mõ gõ nhịp đều đều được máy phóng thanh chuyền
vang xuống núi. Tôi gượng đứng dậy bước tiếp. Vài người lên
xuống cùng chia với tôi lối đi hẹp. Tôi bước lên những bực
cấp xây bằng đá. Tôi vịn tay lên đường lan can bằng xi măng. Tôi
bước lên những bước cuối cùng.
Người đi dự lễ mặc áo dài
nghiêm trang đứng nhấp nhô ỡ dãy nhà trù, ở hiên nhà khách,
ở sân chùa chen chúc bụi trúc khóm tùng. Tôi len vào giữa những
thân người, tôi luồn vào giữa những thân cây. Tôi đi lần tới
chánh điện. Uy nghi lặng lẽ, một tượng Phật lớn thếp vàng ngồi
tĩnh tọa trên đài cao. Phía dưới nhiều vị sư đắp y vàng ngồi
nghiêm trang sau những chiếc bàn thấp sắp dàn ra hai bên. Nơi bàn
giữa dưới chân tượng Phật, một vị Đại lão hòa thượng đang
chậm rãi cân nhắc từng tiếng giữa cái im lặng mênh mông, cái im
lặng mắc kẹt dưới những góc bàn chân ghế, cái im lặng rung rinh
trên đầu người :
- Các giới tử ! Phật vì đại sự
nhân duyên mà ra đời cho nên nói ra không lường pháp môn, tám
vạn bốn ngàn diệu nghĩa ... (tôi đang nhích tới để nhìn cho rõ mặt
vị Đại lão hòa thượng) ... tóm lại không ngoài ba môn học là
giới, định, huệ. Song huệ do định mà phát, định nhờ giới mà sinh,
công năng sinh ra giới ... Các bậc Thánh nhờ giữ giới mà chứng
Bồ đề, chư Phật do nơi giới mà thành Chánh giác.
Tôi đưa mắt nhìn sang đám đông
gần ba trăm vị sư trẻ đang quì trật tự trước lễ đài, cúi đầu
lắng tai. Không cần hỏi ai tôi cũng biết đó là những ông Sa di.
Tôi vội vàng rời chỗ đứng đi lần về phía giới trường đó.
Những ông Sa-di mặc áo tràng màu
xám. Vì giới trường hẹp, họ sắp thành mười mấy hàng, mỗi
hàng gần hai mươi ông. Tôi điểm mặt từng người một để tìm
khuôn mặt của Chương.
Hàng đầu : một, hai, ba, tư, năm ...
mười ba, mười bảy... Không có.
Hàng nhì : một, hai, ba, tư ... mười
lăm, mười sáu. Không có.
Hàng ba : một, hai ... năm ... bảy ...
mười hai ...
Hàng tư : một, hai ... tám ... chín
......
Tim tôi đập rộn ràng. Lạy Trời
đừng có Chương. Sự thể sẽ không quá chậm đâu miễn là không
có Chương trong đó. Tôi sẽ chấp nhận mọi điều kiện của Chương,
tôi sẽ không cần đám cưới linh đình, tôi sẽ ở cạnh Chương
giúp anh vượt qua những khổ não chập chùng đang bủa vây anh. Tôi
sẽ quày xe lại đi ngay ra Trung tìm anh, tôi sẽ tự lái xe lấy và
lần này kim tốc độ sẽ chỉ tám mươi cây số là cùng, bởi chưng
tôi yêu đời, bởi chưng tôi quý trọng sự sống.
Hàng chín : một, hai... tám... mười
bảy... Không.
Hàng mười : một, hai... mười bốn,
mười lăm... Không.
Hàng mười một : Một... Tim tôi
nhói lên. Mắt tôi hoa đi. Tôi vội bấu tay vào khung cửa. Chương
đó. Rõ ràng là Chương đó. Tôi nhìn anh trừng trừng. Anh cúi
đầu lắng nghe pháp ngôn của Hòa Thượng.
- Nay các vị nguyện bỏ thế tục theo
phép xuất gia, vượt khỏi thường tình là không lạy cha mẹ. Song
các vị phải nhớ bốn ân đức lớn trong giờ phút này phải
chuyên tỉnh lễ tạ, về sau không còn lạy nữa.
Có tiếng phát ra từ loa phóng thanh :
- Giới tử xoay về hướng Bắc lễ
tạ bốn ơn.
Những tấm lưng cúi xuống, quì lạy,
đứng lên, rồi lại nhịp nhàng cúi xuống, cuồn cuộn như những
lượn sóng nhấp nhô. Lạy Tạ cha mẹ! Phải lắm, cha mẹ "sinh
thành chi đức", công lao như bể trời. Tôi nghe người ta nói
"cát ái từ thân", nhưng cát ái từ thân đâu phải
chỉ có cắt đứt tình thương đối với cha mẹ. Nơi những quả tim kia
chỉ có tình thương cha mẹ thôi sao? Chương ơi, thế em không có một
chỗ đứng nào trong trái tim của anh sao? Sao anh không lẩm nhẩm nói
tiếp lời Hòa thượng rằng : "Còn riêng con, con xin lạy thêm
một lạy để tạ từ..." Không, không, anh tha lỗi cho em, em
không dám đòi hỏi một cái lạy của anh. Tình yêu không có nghĩa
gì hết. Đối với cha mẹ, từ giờ phút này anh đã xin cắt đứt
bổn phận rồi mà. Bốn cái lạy cuối cùng hướng về cha mẹ trả
nghĩa sinh thành. Từ nay dù cha mẹ anh có từ trần, anh cũng không
được quyền quì lạy trước bàn thờ nữa. Anh đã cắt đứt mọi
dây liên lạc tìm cảm, cắt đứt mọi bổn phận riêng tư, như cái
cây đã bứt lìa hết mọi lớp rễ chằng chịt bám vào lòng đất
và thay vào đó, cây sẽ nhú ra những lớp rễ mới, bám vào
những sinh môi mới. Em thuộc vào sinh môi cũ của anh. Đã cắt
đứt lìa rồi. Hai giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên má tôi.
Cùng với các vị Sa-di, anh vừa tụng
niệm bốn lời thệ nguyện vừa quỳ lạy liên hồi:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện
thành.
Anh lạy vụng hơn mọi người, luôn
luôn quỳ gối chậm hơn và đứng dậy cũng chậm hơn. Có hồi
vướng víu gấp gáp, anh lúng túng sắp ngã. Nhưng anh đã gượng
lại được. Nhìn anh quỳ lạy mà lòng em xót xa. Quỳ lạy là cái
hình thái khiêm tốn cùng cực, hạ mình cùng cực, là xóa bỏ cái
ngã mạn to lớn mà ngoài đời, trước kia anh đã dựng lên với
tất cả niềm kiêu hãnh. Bây giờ, ở giữa chốn này, anh xếp lại
đôi cánh đại bàng.
Giọng trầm trầm của Hòa thượng
chủ lễ :
- Các giới tử, cái y này tiếng
Phạn gọi là Ca sa. Mặc y này có thể giải thoát tham, sân, si... Tôi
nay trao y này cho các vị, các vị phải gia pháp mà thọ trì.
Tiếng Hòa thượng vừa dứt, mỗi
Sa-di lần mở chiếc y vàng mới tinh còn nguyên lằn xếp choàng vào
người, choàng ra ngoài chiếc áo xám đang mặc. Gần ba trăm vị vươn
tay duỗi vai, xốc cổ vuốt lưng... đã tạo ra một sinh hoạt rộn ràng.
Nhiều vị lúng túng trong việc tháo cái dải áo và cột lại dải
áo. Nhiều vị vội vàng, xỏ tay lộn ngược. Chương là một trong
những người lúng túng. Ngoài đời anh vẫn vậy. Anh như con hải âu
bay vượt trùng dương, thách thức bão tố, nhưng để đứng trên
boong tàu thì chỉ làm trò cười cho lũ thủy thủ độc ác nhỏ nhen.
Một vị Tỳ kheo đứng cạnh đó đã
tiến lại choàng chiếc y vàng lên vai anh. Vị đó còn ân cần buộc
dải áo giúp anh và vuốt thẳng bâu áo. Xin cảm tạ vị Tỳ kheo rộng
lòng lân mẫn. Chương hôm nay chỉ còn quý vị để giúp đỡ, để an
ủi. Ngày trước đôi mắt tôi chọn ca-vát cho anh. Đôi tay tôi chọn
bít-tất cho anh. Mũi tôi chọn nước hoa cho anh. Hôm nay thì những món
kể trên trở thành kỷ niệm. Hòa thượng lúc nãy có trao giới
tướng :
- Các ông suốt đời không đeo
tràng hoa thơm, không xoa ướp dầu thơm vào người, không xem nghe ca
múa hát xướng, không ngồi giường cao, không tham chứa vàng bạc...
Mọi giới cấm đều không nặng đối
với Chương. Khi ở ngoài đời anh cũng chỉ bị nhuộm màu đời một
cách lợt lạt. Luôn luôn anh là kẻ phong phú trong suy tưởng mà
bần cùng trong hưởng thụ.
Khi các vị Sa-di đã tề chỉnh y vàng
đứng sát cạnh nhau thì cái quang cảnh giới trường bỗng sáng rực
hẳn lên. Màu vàng rực rỡ, màu của tâm niệm giải thoát, màu
của Đông Nam Á Châu tràn đầy ánh nắng và tràn đầy khổ đau.
Chương bây giờ đã hòa mình vào cái khối màu vàng kia rồi. Anh
lẫn lộn trong đó, anh biến mất trong đó, không thể chỉ nhìn sau lưng
mà biết được anh, không thể chỉ nhìn dáng đi mà biết được anh.
Mà bây giờ cho dù có nhìn rõ mặt, thì anh cũng đã không còn là
anh nữa rồi. Anh đã thay đổi khác rồi.
Tiếng chuông trống đổ hồi chấm
dứt buổi lễ. Các Sa-di sắp hàng một đi vòng trước sân chùa, đi
theo một hành lang dài để về các liêu. Từ một góc hoa viên,
đoàn nhã nhạc bốn người mặc áo đen dài luân phiên nhau thổi
những điệu kèn thật buồn. Tôi rời chỗ đứng, đi ra phía hành
lang, ẩn mình dưới một gốc trắc bách diệp.
Đoàn Sa-di lần lượt đi qua, áo
vàng rực rỡ, mắt nhìn xuống đất, chân bước khoan thai. Tiếng kèn
thánh thót, tiếng kèn nỉ non như dẫn dụ gót chân, như nâng nhẹ
gót chân, những gót chân trần chạm nhẹ trên nền xi măng.
Một vị Sa-di đi qua, gương mặt nông
dân nặng và chắc. Tiếp tới một vị nét mặt ngây thơ, tuổi chưa
đến 18. Một vị mày rậm và dài, mắt xếch như môn sinh của một
Thiếu lâm tự. Một vị gầy gò mảnh khảnh tuổi có đến 30. Một vị
đẫm thấp mập mạp dáng khoan dung yêu đời. Một vị da mặt đen đúa
lấm tấm nhiều mụn. Chương lững thững đi tới kia. Luôn luôn nét
mặt anh rạng rỡ và dáng dấp uy nghi. Không một cử động dư. Anh đi
ngang qua chỗ tôi đứng. Ánh sáng nơi khuôn mặt bất động làm tôi
bỗng nhiên bối rối kinh sợ. Tự nhiên tôi quỳ xuống.
Hành động bất ngờ khiến có
người lao xao di chuyển gần tôi. Họ đoán một biến động, phòng
ngừa một bạo động. Tôi phải giơ tay ra hiệu cho họ yên tâm. Tôi
không muốn xáo động những bước chân của Chương. Lúc nãy tôi
có ý định đợi khi anh đi qua tôi sẽ khẽ gọi tên anh. Tiếng gọi
sẽ khua động cả tâm thức anh, sẽ chấn động cả tâm linh anh, sẽ
phá đổ cả cái mặt biển bình lặng của tâm hồn anh hiện tại. Tôi
tự tin bởi tôi biết tôi ngự trị nơi cái vùng trời Quá Khứ
của anh. Nhưng khi nhìn ánh sáng nơi khuôn mặt bất động của anh, tôi
vụt thấy tôi là kẻ bại trận. Vô nghĩa, phù du là tình yêu của
một người đàn bà, là chính ngay người đàn bà. Trời ơi! Một
con phù du vừa có ảo vọng ngông cuồng là vỗ cánh lên để làm
giật mình một con sư tử.
Bóng của Chương đi khuất, nối tiếp
theo là những bóng khác, cũng chậm rãi đều đặn theo một nhịp
điệu êm êm, mê hoặc của giọng kèn nỉ non. Tôi vẫn cứ quỳ đó
bất động, bất lực, cảm thấm thía lần đầu tiên thân phận phù du
của mình.
- o0o -
| Mục lục Võ Hồng | Mục
lục Tác giả |
Source: Trang nhà Phật Việt
Cập nhật ngày: 01-06-2001
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục