•
Bước Ði Của Thiên Thần
•
Cây Đa Chùa Cũ
•
Dâu Trăm Họ
•
Ðường Lên Núi Linh
•
Giấc Mộng Đầu
•
Nghề Ðuổi Qụa
•
Những Ván Cờ
•
Người Quét Chợ
•
Pháp Sư Tí Hon
•
Quét Lá
•
Sân Ngoài Còn Lá |
Truyện Ngắn Phật Giáo
Quét Lá
Vĩnh Hảo
______________________________________________________________________________
Thầy trụ trì vóc người gầy gò, xương xẩu như một nhà tu khổ hạnh nhưng
thầy làm việc rất mau mắn, tươm tất. Cứ đến chùa mà nhìn cách thầy điều
động công việc trong một ngày lễ lớn thì biết thầy có óc tổ chức và giỏi
dang như thế nào. Thầy sống bình dị, hiền hòa, ai gặp cũng thấy cảm mến.
Nhờ vậy mà ngôi chùa nhỏ trở nên rất cần thiết cho cái xóm lao động
nghèo khổ này. Năm ngoái có vài bổn đạo ở thị xã đến viếng chùa và muốn
cúng tiền để thầy cất lầu cao lên. Thầy không nhận. Nguyên do rất đơn
giản: thầy không muốn mái chùa cao khỏi những mái nhà ọp ẹp chung quanh
cũng như vượt quá tầm nhìn của những con người lam lũ trong xóm. Thầy
chú trọng việc cảm hóa, dạy dỗ kẻ khác trong việc học đạo cũng như giúp
đỡ họ lúc khó khăn hơn là xây dựng chùa tháp đồ sộ nguy nga để rồi không
lợi ích gì thiết thực cho những con người đau khổ.
Một hôm, trời hãy còn mờ sáng, thầy đang ngồi đọc sách thì thấy thấp
thoáng ngoài vườn chùa một chú bé trai đâu chừng mười hai tuổi đang đi
dạo trong sân, quanh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Giờ này ít có ai đến
chùa. Sự hiện diện của chú bé vào lúc mờ sáng như vầy khiến thầy cảm
thấy có một cái gì khác thường. Trông chú bé mặt mày sáng láng thông
minh, ăn bận tươm tất chứ không lem luốc như lũ trẻ hàng xóm. Từ trong
nhìn ra, thầy thấy rõ chú bé, nhưng chú bé không nhìn thấy thầy. Tự dưng
thầy lưu tâm đến chú bé như đọc được nơi chú cái nét đặc biệt mà lại
quen thuộc nào đó. Thầy nhớ năm xưa khi thầy còn bé sắp sửa đi tu, thầy
cũng đến chùa và lẩn quẩn quanh sân với một vẻ trìu mến như vậy. Lúc đó,
thầy thấy thế giới của chùa trở thành ngôi nhà thân yêu quen thuộc của
mình. Cảm giác đầu tiên của thầy bấy giờ khi bước chân vào chùa chẳng
khác gì cảm giác của một gã giang hồ lâu năm trở về căn nhà xưa của mình
vậy. Nay hình ảnh chú bé dạo sân chùa gợi lại nơi thầy kỷ niệm dễ thương
của ngày cũ. Chú bé dừng lại trước tượng Quán Thế Âm, ngước mắt lên nhìn
đức Bồ Tát như đang muốn nói lên ước nguyện nào đó của chú. Thầy xúc
động nhớ lại rõ ràng cách đây ba mươi năm trước thầy cũng đứng trước
tượng Bồ Tát để cầu nguyện cho sự xuất gia của mình được thành tựu. Có
lẽ chú bé đang dự tính xuất gia như thầy xưa kia, thầy nghĩ thầm như
vậy. Thầy xếp sách lại, từ từ bước ra khỏi phòng để ra sân chùa. Ngang
nhà bếp, thầy nhặt cây chổi có cán dài mang ra sân. Sân hãy còn ướt nước
vì thầy đã tưới cây và rưới nước sân từ hồi năm giờ sáng sau khi tụng
thời công phu khuya. Bây giờ thầy quét, đất không lên bụi. Lâu nay, vì
chùa không có chú tiểu nào, thầy đảm trách luôn việc quét sân chùa.
Thầy quét từ hiên bếp dần ra sân trước. Vừa quét thầy vừa nhớ lại năm
xưa sư phụ của thầy cũng quét sân và thầy là chú bé đến làm quen với sư
phụ để học cách quét lá đa và xin tham dự vào hàng ngũ những thiên thần
quét lá. Lần đầu gặp sư phụ, thầy đã thấy cảm mến lạ thường, như thể
thầy tìm lại được một người thân lâu ngày xa cách. Sư phụ nhận thầy làm
đệ tử mà không cần sự cho phép của cha mẹ, bởi vì thầy là một đứa bé mồ
côi trốn từ cô nhi viện ra. Sau khi thế phát cho thầy trở thành một chú
tiểu, sư phụ đến cô nhi viện để thông báo cho dì phước ở đó biết rằng
chú bé tên Nguyên đã xuất gia đầu Phật. Dì phước biết tiếng sư phụ là
một vị chân tu và cũng là một mạnh thường quân thường quan tâm đến trẻ
mồ côi, đã từng ủng hộ vừa tâm lực vừa sản vật cho cô nhi viện nên dì
hoan hỷ và lo giúp đỡ mọi thủ tục cho sự xuất viện của chú Nguyên, xem
như chú đã có người xin nhận làm con nuôi. Quả vậy, bao nhiêu tình cảm,
sư phụ dành trọn cho chú, chăm sóc chú từ cơm ăn áo mặc, học hành cho
đến công phu tu niệm—cái tình đó so với tình phụ tử e còn nặng hơn. Vì
không có cha mẹ nên chú Nguyên không tưởng ra được tình phụ tử và mẫu tử
to lớn ra sao. Nhưng chú nghĩ nếu chú có cha mẹ thì cha mẹ chú cũng chỉ
lo cho chú ăn học (như sư phụ chú từng làm) chứ không thể chăm sóc được
cho vườn tâm của chú bằng sự giáo dục tâm linh qua giáo lý và công phu
tu tập. Từ sư phụ, chú Nguyên tìm lại được vòm trời đã mất của chú.
Chẳng may, năm chú Nguyên thọ đại giới, tức là chính thức trở thành một
vị tỳ kheo, tăng sĩ của giáo hội, thì sư phụ viên tịch. Lúc đó chú mới
tròn hai mươi tuổi. Chú thay sư phụ đảm nhận chức trụ trì ngôi chùa cho
đến ngày hôm nay. Hơn hai mươi năm rồi, chú Nguyên, tức là thầy trụ trì
bây giờ, đã tu tập một mình như vậy giữa xóm nghèo này chứ không có một
bạn đồng tu hay một đệ tử xuất gia nào để chia xẻ niềm vui học đạo. Thầy
không hiểu sao từ sư phụ rồi đến lượt thầy nữa, lại không có cái duyên
thu nạp nhiều đệ tử xuất gia như những tăng sĩ ở các chùa khác. Có lẽ
trong đạo cũng như ngoài thế tục, mỗi người đều có một lối đi, một đời
sống riêng (mà trong đạo gọi là biệt nghiệp), không ai giống ai, nhưng
đôi khi: cha nào con nấy như ở thế tục, và thầy nào trò nấy như ở trong
đạo. Bây giờ nhìn thấy chú bé trước sân chùa, thầy bỗng có linh cảm rằng
chú bé sẽ là kẻ tiếp nối thầy trong sứ mệnh hoằng dương Phật pháp tại
ngôi chùa này.
Thầy quét gần tới sân trước thì chú bé nhìn thấy thầy. Chú hơi bối rối
một thoáng rồi đứng chắp tay cúi đầu chào thầy từ xa khi thấy thầy nhìn
mình. Thầy rất hoan hỷ đón nhận cái chào rất đúng phép của chú. Thầy
nghĩ bụng, "chắc chú ấy đã từng đi chùa với cha mẹ chứ không phải như
mình hồi trước. Mình ở cô nhi viện của nhà thờ nên chỉ biết cầu nguyện,
làm dấu thánh giá và hát Thánh ca của Thiên Chúa giáo chứ đâu có biết
chắp tay chào sư phụ như chú bé này." Thầy đáp lễ chú bằng cách gật đầu
chào lại. Rồi thầy cúi xuống quét tiếp. Chú bé liền bước đến chỗ thầy,
lễ phép nói:
"Bạch thầy, để con quét sân giúp thầy."
"Con biết quét không?" thầy vừa hỏi vừa ngạc nhiên khám phá rằng chú bé
nói năng như người biết lễ nghi trong chùa.
"Bạch thầy, biết. Quét sân chùa cũng giống như quét sân ở nhà."
"Giống mà thật ra không giống con ạ."
"Vậy thầy dạy con quét sân chùa đi."
"Con thực sự muốn học không? Được, con lắng nghe nhé. Khi quét chùa
miệng đọc câu:
Cần tảo già-lam địa
Thời thời phước huệ sanh
Tuy vô tân khách chí
Diệc hữu Thánh nhân hành.
tức là: siêng năng quét đất già-lam thì phước đức và trí tuệ càng ngày
càng thêm lớn. Dù không có khách khứa đến chùa thì cũng có thánh nhân
hay thiện thần qua lại. Ngoài ra, quét chùa phải quét trong chánh niệm,
tức là chỉ chú tâm vào việc quét chứ không để tâm lan man nghĩ đến
chuyện khác. Còn nữa, quét rác phải quét kỹ lưỡng, không để sót lại cọng
rác hay chiếc lá nào. Những cọng rác lớn nhỏ kẹt trong hốc đá như vầy
phải moi ra cho được, không để rác rưới ẩn nấp, tụ lại. Chưa hết, quét
không để lại dấu vết nào trên đất, tức là không để lại những vết tích
của chổi kéo thành lằn vẽ, thành đường ranh trên đất. Gặp chỗ đất cát
như chỗ này, bắt buộc phải để lại dấu vết thì phải để lại những dấu vết
ngay hàng thẳng lối chứ không quệt qua quệt lại một cách cẩu thả, lười
biếng. Quét như vậy cũng y như là con cầm bút mà vẽ một bức tranh vậy.
Nhưng bức tranh ở đây, nơi cửa chùa, chỉ cần những nét ngay thẳng chứ
không cần những nét ngửa nghiêng xô lệch. Tâm con sẽ hiện rõ trên từng
đường chổi lướt đi trên nền đất. Cứ nhìn cái sân sau khi quét là thấy
được cái tâm của người quét. Còn rất nhiều điều mà con cần học trong
việc quét chùa. Thầy chỉ nói sơ lược cho con biết mà thôi. Sao, con thấy
quét chùa thế nào và có thấy là khác với quét sân nhà không?"
"Bạch thầy, khác. ở nhà, khi chị ở bị bệnh, mẹ con bảo con ra quét sân,
con chỉ quét mau cho xong chứ không nghĩ gì hết," chú bé ngưng một lúc
rồi nói tiếp "quét chùa khó quá thầy há, nhưng con sẽ quét được."
"Con muốn quét chùa lắm sao?" thầy hỏi với giọng xúc động, hồi hộp.
"Dạ... con muốn," chú bé đáp.
"Con ở đâu đến đây?"
"Bạch thầy, con ở phố," chú bé đáp với chút ngập ngừng. Thầy hỏi tiếp:
"Sao mới sáng sớm mà con đã đến đây? con đi với ai hay đi một mình?"
"Bạch thầy... con đi một mình."
"Con mấy tuổi rồi? sao dám đi một mình từ phố xuống xóm này?"
"Dạ con mười hai tuổi. Tết rồi mẹ con có dẫn con đi hành hương vào lễ
chùa này nên con biết đường."
"Con đi sớm như vậy... ủa, con đi bằng cách nào mà có mặt ở đây giờ
này?"
Chú bỗng bật khóc. Thầy vỗ vai xoa đầu chú, khuyên giải:
"Nín đi con, con có chuyện gì cứ kể thầy nghe để thầy giúp cho."
Khóc như tức tưởi một hồi chú bé mới dịu dần rồi nói:
"Con trốn nhà để đi tu. Ba mẹ con không cho con đi tu nên con trốn."
"Vậy sao! Con trốn đi hồi nào?"
"Bạch thầy con mới đi hồi khuya này thôi. ở nhà ai cũng còn ngủ nên
không biết con đi."
Thầy thấy khó xử, suy tính một lúc rồi nói:
"Nếu con thật sự muốn đi tu thì đến đây tu với thầy. Nhưng... phải có sự
đồng ý của ba mẹ con mới được. Luật ở chùa chỉ nhận người xuất gia dưới
mười tám tuổi nếu có sự cho phép của cha mẹ hoặc anh chị lớn. Riêng
thầy, thầy rất vui mừng đón nhận con vào chùa. Con nghĩ là con có thể
xin phép ba mẹ được không?"
Chú bé ngẫm nghĩ như đang tìm câu trả lời, rồi chú nói:
"Nếu con xin phép được thì con đâu có trốn nhà."
"Ừ nhỉ, vậy mà thầy nghĩ không ra. Ba mẹ con nói sao mà không cho con đi
tu?"
Chú bé ôn lại lời ba mẹ đã nói với mình:
"Ba mẹ con nói đi tu khổ lắm, con không tu nổi đâu. Ba mẹ con còn nói là
con còn con nít, biết cái gì đâu mà đòi tu. Với lại... ba mẹ con nói là
ở nhà đâu có thiếu cơm thiếu gạo, sao mà đòi đi tu."
Thầy phì cười:
"Đâu phải thiếu cơm thiếu gạo mới đi tu. Cũng không phải là con nít
không biết tu, người lớn mới biết tu. Hồi thầy đi tu, thầy mới có mười
hai tuổi, tuổi của con bây giờ. Không có gì trở ngại trong việc lớn tuổi
hay nhỏ tuổi cả. Lớn tuổi đi tu cũng được mà nhỏ tuổi đi tu cũng được.
Sao cũng tốt cả. Điều quan trọng là tu mà thôi. Có điều, theo kinh
nghiệm của thầy, thầy thấy rằng tuổi nhỏ xuất gia dễ thành công hơn.
Những người lớn... cái đầu họ già đi rồi: đầy ắp những thành kiến, những
định kiến, những thói tật, những cố chấp, bảo thủ, những... à, chắc con
không hiểu những danh từ đó. Tóm lại là người lớn có cái đầu chai sạn,
khó mà vào được cửa đạo một cách thong dong nhẹ nhàng như tuổi thơ vô tư
của con được. Còn nữa, những cái như oai-nghi tế-hạnh, à... con cũng
không hiểu danh từ này.. tóm lại là sự trau luyện kỷ luật và đức hạnh,
tức là hạnh kiểm đó, chỉ có thể trau luyện một cách hoàn hảo qua thời
gian ấu thơ. Các thầy lớn tuổi mới xuất gia không có được những oai nghi
tế hạnh mà những thầy khác luyện tập từng giờ từng phút từ thuở nhỏ.
Cũng có người lớn tuổi đi tu thành công, nhưng đa phần là các vị đồng
chơn xuất gia, tức là những người đi tu từ nhỏ, trở thành rường cột của
đạo pháp. À, nói vậy chắc con không hiểu. Thầy nói tóm cho con... rằng
đi tu lúc nhỏ tuổi có cơ hội thành công nhiều hơn là để lớn tuổi mới đi
tu. Kìa, con nhìn lên trời xem, con thấy mây bay không. Đó, cái gì nhẹ
thì mới bay được trong không gian bao la. Phật pháp cũng vậy, là vòm
trời cao rộng mà chỉ có những tâm hồn nhẹ nhàng như mây trắng mới bay
qua nổi. Tuổi thơ, như sợi mây mỏng, như cánh chim hiền, không cố gắng
nhiều mà tâm hồn lúc nào cũng có thể cùng với trời cao hòa chung một
nhịp. Con chim nếu không tập bay lúc nhỏ thì khi lớn chỉ biết đi chứ
không biết bay. Đứa bé không tập đi thì khi lớn lên cũng chỉ biết bò chứ
không biết đi, dù có hai chân rắn chắc. Những chuyện dễ dàng như thế mà
không chịu tập từ nhỏ thì lớn cũng đã trở thành chuyện khó khăn, khổ
nhọc cho mình. Huống chi, tu là tập bay giữa vũ trụ bao la bát ngát, là
tập đi trên con đường thênh thang không cửa không lối! Đi tu là gì? Là
trở về với tuổi ấu thơ của mình. Chờ cho lớn tuổi, cho già khụ đi mới
tính chuyện trở về thì xa lắm, khó lòng về tới nơi tới chốn được. Cho
nên đi tu lúc bé chính là giữ cho cái hồn nhiên thiên thần của mình
không bị mất đi. Bảo vệ vật quí trong túi của con dù gì cũng dễ hơn là
đánh mất nó rồi lại đi tìm nó, phải không? Người lớn đi tu cũng được chứ
chẳng phải không, nhưng... nếu không có tuệ căn và chí nguyện xuất trần
cực mạnh, nếu không dốc lòng cầu đạo, khổ nhọc tu tập như thái tử
Tất-Đạt-Đa thì một đời xuất gia kể như uổng phí mà thôi."
Thầy nói ngang đó thì ngưng lại, sực nhớ rằng nãy giờ mình nói với một
chú bé mà như nói với một người bạn ngang tuổi mình. Tuy vậy, qua đôi
mắt thông minh của chú bé, thầy như cảm nhận rằng chú ấy có thể vượt lời
mà hiểu được ý thầy. Thầy trìu mến hỏi:
"Con tên gì?"
"Bạch thầy, con tên Thông."
"Tại sao con muốn đi tu đến độ cha mẹ không cho lại trốn nhà mà đi?"
Thông suy nghĩ một lúc rồi trả lời thầy:
"Bạch thầy, con không biết sao nữa. Con chỉ thấy... con chỉ thấy con
thích đi tu quá, rồi con xin ba mẹ đi tu."
"Con đến chùa, thấy thích chùa rồi đòi đi tu, hay là con đang ở nhà bỗng
dưng thấy thích đi tu?"
Thông cười như được thầy hiểu và nói trúng ý mình, đáp ngay:
"Dạ, con đi chùa với mẹ, thấy cảnh chùa tự nhiên con muốn đi tu chứ
không biết sao nữa."
Thầy gật gù, rồi cười tủm tỉm, nghĩ thầm: "Đơn giản như vậy thôi. Thế
giới của con chim là bầu trời, nó được thấy bầu trời thì nó thích. Đâu
có cần phải hiểu vì sao. Còn những chàng thanh niên nhiệt huyết của thế
gian thường đến chùa học đạo hoặc xin xuất gia thì mang theo họ những lý
tưởng, những hoài bão, những ước nguyện cao xa lắm: nào là học làm Phật
làm Tổ, nào là đốn ngộ thiền tâm, nào là hoằng dương Phật Pháp, nào là
liễu sinh thoát tử v.v... nhưng rồi, qua một vài năm nỗ lực đã bị đánh
rơi lại phía sau như những chiếc lá mùa thu vàng rụng. Họ đến với sự hăm
hở nồng nhiệt như thểø một ngày hai ngày là vói ngay đến được mục tiêu
tối hậu; nhưng đến khi ra đi thì lặng lẽ tiêu điều như thể cửa chùa
không đủ chất liệu để đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của họ vậy! Lý do rất
dễ hiểu: bầu trời này quá xa lạ với họ. Bỗng dưng phải nhảy vào trời mà
bay, dĩ nhiên là khó khăn rồi. Trong khi những kẻ đồng chơn xuất gia ung
dung qua lại giữa rừng giới luật và các oai-nghi tế-hạnh như đi dạo mát
xem hoa, thì họ, những kẻ trung niên xuất gia hay bán thế xuất gia, như
bị ném vào một thế giới mới mẻ đầy những ngõ ngách âm u và chằng chịt
những lối đi hiểm hóc, không biết đâu mà dò. Chỉ những kẻ đã đánh mất đi
sự hồn nhiên của mình mới thấy cần thiết phải vẽ ra những con đường,
những lý tưởng, những mục tiêu này nọ để thánh-hóa con đường xuất gia
của mình; còn những thiên thần cao khiết như bé Thông thì không cần sự
vẽ vời đó. Cảm thấy thích chùa nên muốn đi tu. Chỉ vậy thôi. Đúng, chỉ
vậy thôi, là đủ rồi. Nhất giả, phát tâm xuất gia, hoài bội đạo cố (Tiên
khởi, phát tâm xuất gia là vì cảm mến đạo). Điều thứ nhất trong Năm Đức
của các chú Sa-di (các chú tiểu) đã nêu ra như vậy mà. Nay bé Thông nói
thích chùa và muốn đi tu là đúng với đức thứ nhất đó, có gì là lạ đâu.
Chính mình năm xưa cũng xuất gia với lý do đơn giản như vậy: cảm mến
đạo, cảm mến chùa ngay từ lúc đầu bước chân vào."
Thầy lại hỏi:
"Con nói con mới trốn đi hồi khuya, vậy con đi bằng gì đến đây?"
"Bạch thầy... con đi bằng xe ngựa."
"Bằng xe ngựa?" thầy hỏi rồi bật cười, "xe đông khách không vậy con?"
Thông ngạc nhiên không hiểu sao thầy lại thắc mắc chi tiết đó. Ngẫm nghĩ
một lúc, chú đáp:
"Bạch thầy, lúc đó còn sớm chưa có ai đi nên chỉ có con với bác đánh xe
ngựa thôi."
Thầy bật cười vui vẻ:
"Năm xưa thái tử Tất-Đạt-Đa rời bỏ cung điện xuất gia và cỡi con ngựa
tên là Kiền-Trắc để vượt thành. Chỉ có một người hầu cận đi theo thái tử
thôi. Con bỏ đi giữa khuya trên chiếc xe ngựa trông cũng giống thái tử
xuất gia quá hả! Người hầu cận của con là bác đánh xe đó."
Thông cười sung sướng như được thầy tán đồng và khích lệ việc trốn nhà
đi tu của mình vậy. Chú hỏi:
"Bạch thầy, con trốn nhà đi tu... có được không?"
"Ý con muốn hỏi là... việc đó đúng hay sai hả?"
"Bạch thầy, phải. Con hỏi là đi tu như vậy có đúng không."
Thầy ngập ngừng một lúc:
"Vì chí xuất gia của con quá mạnh mà gia đình cản trở mới khiến con bỏ
nhà đi tu như vậy. Điều đó không phải là sai vì nếu sai thì thái tử
Tất-Đạt-Đa cũng đã sai: ngài đã bỏ nhà đi tu một cách lén lút vào giữa
khuya, gia đình ngài không ai hay biết. Tuy nhiên, hoàn cảnh của con
không giống như hoàn cảnh của thái tử. Con còn bé, khi con bỏ nhà đi tu,
ba mẹ con không biết có thực là con đã vào chùa hay con đi lạc ở nơi
chốn nào. Lúc thái tử đi tu thì ngài đã trưởng thành, gia đình không lo
là ngài bị lạc đường lạc lối. Ngài cũng là người học nhiều hiểu rộng, có
chí khí, có bản lãnh, có lập trường, nên gia đình không sợ ngài đi bụi
đời hoặc rong chơi lêu lỏng. Vậy mà khi vào rừng rồi, ngài cũng không
quên gửi lại mái tóc và đôi lời nhắn nhủ với gia đình nhờ người hầu cận
đem về. Còn con, bác đánh xe ngựa có nhắn tin dùm con không? Chắc là
không rồi. Cho nên, gia đình con sẽ lo âu, mọi người sẽ đổ ra đường đi
tìm kiếm con, sợ con bị bắt cóc hoặc đi lạc đường, hoặc bị bạn xấu rủ đi
bụi đời, phải không? Trước khi đi con có viết thư để lại cho ba mẹ
không?"
"Bạch thầy, có. Con có viết cho ba mẹ con lá thư, nói rằng con muốn đi
tu, ba mẹ đừng lo lắng cho con và đừng tìm kiếm con."
"Chà, viết như vậy thôi thì ba mẹ con làm sao yên tâm nổi."
"Chứ viết sao, bạch thầy?"
Thầy gãi đầu ngẫm nghĩ, rồi nói:
"Thầy cũng chẳng biết viết sao. Hồi đó thầy đi tu cũng trốn đi nhưng
trốn cô nhi viện chứ không có trốn nhà như con. Thầy không có ba mẹ
nên... thầy không biết là phải viết làm sao. Hơn nữa, thầy đâu biết tính
ba mẹ con ra sao. Con biết rõ ba mẹ thì con mới viết được. À, con có nói
là con sẽ đi tu ở chùa nào không?"
"Bạch thầy, không. Vì con không muốn ba mẹ con tới đây," Thông đáp liền.
"Bộ con sợ ba mẹ con lắm hả? Ba mẹ con hay đánh đập con lắm sao?"
"Bạch thầy, không phải. Ba mẹ con hiền lắm, không bao giờ đánh con.
Nhưng... con không muốn ba mẹ đến đây rồi bắt con trở về nhà."
"Tại sao con không nghĩ rằng khi ba mẹ thấy con quyết chí, ba mẹ sẽ đồng
ý cho con đi tu chứ không ngăn cản con nữa?"
"Bạch thầy, con nghĩ ba mẹ sẽ không đồng ý vì hồi trước con có người chị
cũng khóc lóc đòi đi tu, ba mẹ con đã cho phép đi. Chị ấy đi tu chưa
được một năm thì đòi về nhà, không chịu ở chùa nữa. Ba mẹ con thấy vậy
nên không thích nghe con nói chuyện đi tu nữa. Ba mẹ con sợ con sẽ giống
như chị con."
"Ồ, ba mẹ con lầm rồi. Con trai với con gái khác nhau chứ, con đồng ý
không? Ngay cả chuyện trốn nhà đi tu, cũng chỉ có con trai mới dám làm
chứ con gái hầu như không. Theo thầy thấy, ba mẹ không nên cản trở con."
Mắt Thông sáng lên. Chú vui mừng vì thầy biểu đồng tình với mình. Chú
nói:
"Vậy con đâu có sai hở thầy?"
"Ừ, thầy đã nói khi nãy rồi, rằng trốn nhà đi tu không có sai. Tuy
nhiên, phải làm sao cho gia đình yên lòng kẻo tội nghiệp họ. Con có biết
là... ba mẹ và các anh chị em ở nhà thương con lắm không? Con bỏ đi, gia
đình lo lắng buồn rầu lắm."
"Vậy con phải làm sao, bạch thầy?"
Thầy suy nghĩ hồi lâu, đột nhiên hỏi:
"Sao con không đến đây hỏi thầy trước về chuyện đi tu rồi sau đó hãy
tính đến chuyện trốn nhà!" Nói đến đó, thầy thấy mình lỡ lời, có vẻ như
khuyến khích chuyện trốn nhà của Thông vậy. Thầy bèn chữa:
"Ý thầy nói là nếu con đến đây thưa chuyện với thầy trước biết đâu thầy
có cách hay để chỉ bày cho con, khỏi phải trốn nhà."
Thông im lặng như hối tiếc. Thầy xoa đầu Thông rồi nắm tay dắt chú đi
vòng vòng sân chùa. Vừa đi thầy vừa nói:
"Chuyện đi tu của con thầy nghĩ cũng dễ thôi chứ không khó. Con xin
không được nhưng thầy xin dùm có lẽ là được."
"Thật hở thầy?" Thông mừng rỡ.
"Thật, nhưng bây giờ thầy trò mình chưa kịp về nhà con thì ba mẹ con kéo
đến đây rồi."
Thông giựt mình, trố mắt lên nhìn thầy như muốn hỏi vì sao thầy nói vậy.
Thầy mỉm cười nói:
"Ngoài chùa này ra con có biết ngôi chùa nào khác không?"
"Con chỉ biết một chùa ở gần nhà với chùa này thôi," Thông ngây thơ đáp.
Thầy cười cười nói:
"Vậy thì ba mẹ con sẽ đến ngôi chùa gần nhà xem thử có con ở đó không;
nếu không có, họ sẽ đến đây, phải không?"
Lúc đó Thông mới sực nghĩ ra là chú muốn nhảy một bước xa thật xa nhưng
cũng không xa khỏi tầm tay níu kéo ràng buộc của gia đình. Khả năng trốn
nhà của chú cũng chỉ đến đó là cùng. Chú không thể trốn xa hơn. Chú chỉ
biết tìm đến ngôi chùa ở thôn quê duy nhất mà chú có đến một lần trước
đây. Bây giờ chú mới biết rằng chuyện đi tu của chú chưa có gì làm chắc
chắn. Lúc tìm đến chùa này, chú chỉ nghĩ thật đơn giản là nội trong ngày
hôm nay, chú sẽ thưa với thầy ý nguyện xuất gia của mình; thầy sẽ đồng
ý, và chú sẽ trở thành một chú tiểu ở chùa, không ai có thể ngăn cản
được chú. Hóa ra sự việc không dễ dàng như chú nghĩ. Đi tu là chuyện tốt
mà cũng phải có sự đồng ý của cha mẹ nữa sao! Vậy thì trốn nhà làm gì!
Trước đây chú còn nghĩ rằng chùa là một nơi chốn của tự do, chùa rất
rộng rãi, dễ dãi và sẵn sàng đón tiếp mọi người. Vậy mà nay chú đến chùa
xin xuất gia thì thầy nói phải có sự cho phép của gia đình mới được chấp
nhận. Chú thất vọng, mặt chú sầm xuống, buồn bã. Đôi mắt long lanh của
chú bây giờ trông tội nghiệp như đôi mắt của một con nai con bị lạc bầy
mà chẳng ai giúp đỡ. Thấy Thông bắt đầu bồn chồn, líu quíu như kẻ chạy
trốn sợ bị đuổi kịp, thầy thương cảm ôm vai chú, nói:
"Con đừng lo. Xuất gia là việc lớn. Chính vì lớn mà gặp nhiều trở ngại
gian nan. Nếu con giữ chí bền chặt thì lo gì không vượt khỏi những
nghịch cảnh."
"Bạch thầy, xin thầy giúp con. Ba mẹ con mà đến đây con không biết làm
sao... Con muốn đi tu..."
Thông vừa nói đến đó thì thấy thầy nhướng mắt nhìn ra ngoài cổng chùa.
Thông liền quay lại và thấy ba mẹ mình vừa mới đến. Ba Thông đang dựng
chiếc xe gắn máy ở trước cổng chùa. Mẹ Thông vội vàng xuống xe. Cả hai
nhìn vào chùa và thấy ngay đứa con mình đang đứng với vị thầy trụ trì mà
họ từng gặp trước đây vào mỗi kỳ lễ lớn. Thấy được đứa con trai bé bỏng
là hai ông bà vui mừng, thở nhẹ. Phản ứng của Thông lúc đó rất tội
nghiệp: chú định quay mình bỏ chạy. Thầy nắm tay giữ chú lại, nói vừa đủ
cho chú nghe trong khi ba mẹ chú đang bước vào cổng chùa, cách chỗ hai
thầy trò một khoảng sân rộng:
"Con yên tâm đi, ba mẹ thương con sẽ đồng ý cho con đi tu mà. Thầy sẽ
nói giúp con chuyện xuất gia nhé. Đừng sợ, hãy đến với ba mẹ con đi."
"Thầy nhớ xin giùm con..." vừa nói Thông vừa rời tay thầy, lững thững
tiến về hướng cha mẹ.
Mẹ Thông bước nhanh tới, ôm chầm lấy Thông mà khóc. Ba Thông trầm tĩnh
hơn, bước đến sau, đứng bên cạnh hai mẹ con, lấy một tay xoa đầu con.
Người mẹ ôm chặt lấy con như sợ vuột mất lần nữa, vừa mếu vừa nói giọng
trách yêu:
"Sao con dại quá vậy con, có gì thì cũng thủng thỉnh để ba mẹ tính chứ."
Thông chẳng nói gì. Chú cũng không khóc dù chú rất cảm thương ba mẹ.
Điều chú mong đợi lúc này là ba mẹ cho phép chú xuất gia chứ không ngăn
cản nữa. Chú ngoái đầu lại tìm thầy. Chú hy vọng thầy sẽ xin được cho
chú xuất gia. Lúc chú ngoái lui thì thầy cũng vừa bước đến. Mẹ Thông
đứng dậy chắp tay chào thầy. Ba chú cũng bắt chước, chắp tay chào theo
nhưng trông ông lúng ta lúng túng như thể đây là lần đầu ông chào một
người khác bằng cách chắp tay vậy. Thầy chắp tay chào lại hai vợ chồng:
"Chào ông bà. Tôi vừa nói với chú ấy là ông bà sẽ đến đây tìm chú. Tôi
và chú đều có ý đợi chờ ông bà đó."
"Bạch thầy, cháu Thông của chúng con dại quá. Chúng con không ngờ cháu
dám bỏ đi một mình giữa đêm khuya như vậy. Chắc cháu nó làm phiền
thầy..." mẹ Thông ái ngại nói.
Thầy xua tay:
"Đâu có gì phiền, tôi thích nói chuyện với chú ấy lắm. Sáng giờ hai thầy
trò tôi nói chuyện với nhau chờ quí vị đến đó. Thôi mời ông bà vào trong
phòng khách, chúng ta nói về chuyện chú ấy."
Mẹ Thông quay lại nhìn chồng như hỏi ý. Người chồng khẽ gật đầu. Hai vợ
chồng dắt tay Thông bước theo thầy. Thầy bước vài bước bỗng dừng, quay
lại nói với Thông:
"Con ở chơi quanh sân, để thầy nói chuyện với ba mẹ con nhé. Còn nữa,
thầy dạy con cái gì sáng nay, con thử thực tập xem sao."
Nghe thầy nói, tự dưng Thông thấy như việc xuất gia của mình đã thành
tựu. Chú hân hoan đáp lời thầy ngay:
"Dạ."
Nhưng ba mẹ chú có vẻ như không yên lòng khi để chú ở ngoài môät mình.
Thầy hiểu ý, trấn an họ:
"Ông bà đừng quá lo. Chú ấy không bay xa hơn nữa đâu. Chú ấy đang chờ
đợi kết quả mà."
Rồi họ cùng vào trong, bỏ lại Thông ngoài sân. Thông hí hửng đi tìm cây
chổi quét sân. Cầm chổi trên tay, chú ôn lại lời thầy dạy khi nãy về
cách quét sân chùa. Chú không nhớ bài kệ thầy đọc, nhưng thầy dạy cách
quét sân như thế nào thì chú không quên. Bắt đầu quét, chú thầm nguyện:
"Con quét sân chùa, nguyện cầu ba mẹ con cho con đi tu."
Rồi chú quét.
Bên trong phòng khách, thầy và ba mẹ chú đã ngồi vào bàn. Thầy châm trà
mời khách. Hai ông bà có vẻ bồn chồn, ngồi không yên. Người vợ mở lời
trước:
"Bạch thầy, chúng con không muốn cho cháu xuất gia."
Thầy chỉ cười nhẹ, nói:
"Tôi không bắt chú ấy xuất gia. Ông bà cũng không bắt chú ấy xuất gia.
Tự chú ấy muốn như vậy."
"Dạ, chúng tôi biết cháu nó tự nguyện, nhưng... không phải cháu muốn là
mình phải đáp ứng," người chồng nói.
"Dĩ nhiên ông bà có quyền sắp xếp cuộc sống của con theo ý mình. Nhưng
chắc ông bà cũng thấy rằng trăm ngàn đứa bé mới có một đứa phát tâm xuất
gia, tự nguyện dấn mình vào con đường thoát tục. Và sự tự nguyện phát
tâm này là một vấn đề đáng quan tâm chứ không phải chỉ cấm đoán là yên
chuyện."
"Bạch thầy, chúng con biết xuất gia là tốt, là điều phúc cho gia đình
nhưng thật sự là chúng con không đủ can đảm để thả con ra khỏi vòng tay
mình khi nó còn non dại," người vợ nói như phân trần.
Thầy gật gù:
"Cha mẹ nào cũng muốn con mình được sống cuộc sống bình an, êm ấm, vì
vậy chẳng ai an lòng cho con vào chùa xuất gia. Tôi biết đó là lý do
khiến ông bà không cho phép chú Thông xuất gia dù rằng chú ấy đã nài nỉ
ông bà nhiều lần. Tôi rất thông cảm tâm trạng của ông bà. Nhưng mặt
khác, tôi cũng rất thông cảm tâm trạng của chú Thông: một đứa bé phát
tâm xuất gia. Tôi chưa bao giờ khuyên người khác xuất gia dù rằng đối
với tôi, dĩ nhiên xuất gia là việc tốt. Nhưng tôi cũng không thể không
cảm động khi thấy một đứa trẻ trốn nhà xuất gia. Ông bà không thấy cái
điểm khác thường nơi một đứa bé trốn nhà đi tu sao? Tôi muốn ứa nước mắt
khi tưởng tượng chú ấy nửa khuya rón rén rời khỏi nhà để một thân một
mình ra bến xe ngựa, tìm đến chùa này xin xuất gia. Trong việc trốn đi
của chú có cái vẻ quyết tâm đáng sợ mà chúng ta không tưởng tượng ra
nổi. Người ta nói đời sống trẻ thơ là đời sống thuần tình cảm; tình
thương đối với trẻ thơ rất cần thiết. Vậy tại sao chú ấy đang sống trong
gia đình êm ấm với tình thương yêu của cha mẹ và anh chị em mà lại bỏ đi
để tìm một cuộc sống khác? Với lứa tuổi mười hai, tôi không tin là chú
ấy buồn chán gì gia đình cả. Chú ấy chỉ đi tìm một cuộc sống mới thích
hợp với tâm hồn và ước nguyện sâu xa nào đó của chú mà thôi."
Người chồng nói chen vào:
"Tuổi trẻ có những ước mơ đôi khi bốc đồng. Có thể cháu nó nông nỗi
tưởng tượng ra một nếp sống thần tiên ở ngoài mái ấm gia đình của nó."
"Tôi đồng ý là tuổi trẻ bồng bột. Nhưng bồng bột trong những ước vọng
thế tục thì nhiều, còn bồng bột trong ước nguyện xuất gia thì tôi chưa
thấy. Tôi cũng đồng ý rằng trốn nhà đi tu mà chưa biết ở chùa có chấp
nhận mình hay không là cái bồng bột của chú Thông; nhưng thái độ quyết
tâm đạt được ước nguyện của mình vào cái tuổi bé nhỏ đó thì không phải
là bồng bột. Và khi quyết tâm thành đạt ước nguyện của mình, chú ấy bất
kể mọi trở lực. Không ai cưỡng ép chú chọn lựa con đường xuất gia và
cũng không sợi dây nào trói buộc được chú với đời sống gia đình thế
tục."
Người chồng vẫn chưa đồng ý:
"Lý tưởng của một đứa trẻ mười hai là một lý tưởng đáng ngờ lắm. Không
ai tin rằng một đứa bé như thế có thể tự tìm tự vạch cho mình một lý
tưởng sống."
Thầy cười nói:
"Ước nguyện xuất gia của một đứa bé thực ra không phải là một lý
tưởng—vì lý tưởng chỉ là con đẻ của lý trí—trong khi bé Thông, con của
ông bà, đã không sử dụng lý trí để chọn lựa lối đi của nó. Vả lại, mọi
manh động của lý trí đều trở nên vô ích và phải bị đánh rơi trước khi
đặt chân vào lộ trình thênh thang dẫn đến đạo quả giải thoát. Chú Thông
đã đến với cửa thiền bằng con đường ngắn nhất mà những kẻ giàu lý trí,
ưa chuộng lý trí, muôn đời không thực hiện nổi. Chú đến đây với một tình
cảm thuần chất không pha lẫn chút lý trí nào. "
Người vợ định nói gì đó nhưng người chồng đã nhanh miệng nói:
"Theo tôi thì những ước mơ của một đứa bé chưa trưởng thành cần phải
được cha mẹ nó phán xét, quyết định. Và chúng tôi quyết định rằng giữ nó
ở nhà, cấm nó ra khỏi nhà, tảng lờ mọi yêu cầu của nó, một thời gian
thôi, mọi ước mơ, mọi mong cầu nông nỗi của nó cũng sẽ chết tiệt và đi
vào quên lãng."
Thầy lại cười nhẹ nói:
"Điều quan trọng là tạo nên hạnh phúc cho đứa con mà mình thương yêu chứ
không phải là lo bảo vệ sự ổn cố, bình yên của mình. Ông bà nghĩ rằng
với sự cấm đoán, ông bà sẽ giữ chân được con và khiến cho nó được hạnh
phúc sao? hay là suốt đời nó cứ thao thức ôm mãi một ước nguyện chưa
tròn? Và ông bà có thể ngăn cản chú ấy được mãi hay không? Bây giờ chú
mới mười hai mà đã dám bỏ nhà ra đi rồi. Một hai năm nữa, khôn lanh hơn,
nghị lực hơn, liều lĩnh hơn, quen thuộc đường sá hơn, biết cách xoay sở
hơn, liệu ông bà có còn cầm chân chú ấy nổi hay không? Đừng cho rằng
chuyện chú ấy xin ông bà cho xuất gia cũng giống như lúc chú ấy xin
miếng bánh hay cây kẹo. Một đứa bé tự động xin xuất gia không phải là
một sự kiện cỏn con có thể bỏ qua, không quan tâm được. Đó không phải là
một nhu cầu vật chất mà là một nhu cầu tâm linh. Chúng ta không thể dửng
dưng bỏ mặc một đứa con nít kêu khóc vì đói bụng; cũng vậy, chúng ta
không thể phớt lờ sự đói khát tâm linh của nó. Tôi biết gia đình ông bà
là một gia đình Phật tử thuần thành nên tôi mới dám có đề nghị với ông
bà là hãy nhìn kỹ lại cái ước nguyện cao đẹp của con mình. Ước nguyện đó
rất khác với những ước vọng thông thường của tuổi trẻ như muốn trở thành
ca sĩ, kỹ sư, bác sĩ, triệu phú v.v... Một bên thì bỏ tất cả, một bên
thì muốn tất cả. Ông bà sợ con mình bỏ tất cả để rồi không có tương lai
đối với cuộc sống, phải không? Nhưng ông bà đừng quên rằng khi một đứa
trẻ không đòi được cái gì nó thích thì nó cũng đã mất tất cả ngay tự lúc
đó chứ không phải chờ đến tương lai, phải vậy không?"
Người chồng im lặng một chốc, nhìn vợ dò phản ứng; thấy vợ như không
biết phải nói gì, ông liền nêu câu hỏi với giọng cay chua:
"Thưa thầy, vậy có nghĩa rằng thầy rất tán đồng sự kiện con chúng tôi bỏ
nhà đi tu?"
Thầy từ tốn giải thích:
"Tôi tán đồng sự kiện một đứa bé tự nguyện xuất gia. Còn chuyện nó bỏ
nhà ra đi chỉ là phản ứng trong hoàn cảnh đặc biệt của nó mà thôi. Nếu
có sự thương lượng một cách hòa hợp giữa đôi bên thì không có chuyện nó
bỏ nhà ra đi. Sự kiện bỏ nhà đi tu là một cách để biểu lộ mức độ khao
khát của đứa bé đó. Sự kiện không quan trọng; mục tiêu mới là điểm chính
yếu. Khi đứa trẻ nói lên ước nguyện của nó mà người lớn không đáp ứng,
nó sẽ tìm mọi cách để người lớn quan tâm cái ước nguyện chính đáng của
nó. Sự kiện trốn nhà có vẻ như là một hành vi hoang đàng, ngỗ nghịch,
nhưng thực ra đó chỉ là cách để biểu lộ sự phản kháng mãnh liệt của một
đứa trẻ đối với môi trường sống của nó hoặc nó muốn bày tỏ ước nguyện
của nó một cách cụ thể và khẳng định hơn."
"Ý thầy muốn nói rằng chúng tôi đã đối xử không được tốt đẹp đối với con
cái khiến cho một đứa phải tỏ thái độ phản kháng?"
"Không, xin ông bà đừng hiểu lầm. Như tôi đã nói khi nãy: tôi không nghĩ
rằng chú Thông đã buồn chán gì gia đình mà bỏ đi. Sự chăm sóc của ông bà
với những sinh hoạt vui vẻ và tiện nghi trong một gia đình thế tục đương
nhiên là đầy đủ và hấp dẫn trẻ con hơn cuộc sống thanh bần đạm bạc buồn
tẻ của thiền môn chứ. Nhưng điều này không ngăn cản được ý thích xuất
gia của nó. Khi người lớn chọn lựa một lý tưởng, một nếp sống, họ suy
tính thiệt hơn, so đo từng chi tiết; còn đứa trẻ thì không chọn lựa lý
tưởng mà chỉ chọn lấy một cách vô tư những gì nó thích. Nó thích đến
chùa, nó thích ở chùa, đơn giản vậy thôi. Không nhất thiết là phải chán
cái này mới tìm đến cái khác mà có khi chỉ vì quá thích một cái khác mà
người ta bỏ rơi những gì hiện có."
Người chồng lắng nghe xong, thở dài. Một thoáng buồn trên mặt ông. Ông
nhìn ra ngoài sân qua khung cửa lưới nhỏ của phòng khách: con ông đang
cầm chổi quét sân chùa. Bộ tịch con ông coi có vẻ vui tươi, phấn khởi
lắm. Nhưng ông chỉ thấy buồn, và hơi bất mãn. Ông nghĩ thầm, "không lý
nào con mình lại trở thành một chú tiểu, ăn rồi chỉ biết làm ba cái việc
lặt vặt trong chùa thôi sao! Chưa đi tu mà nó đã bị sai quét sân rồi
huống chi vào chùa ở hẳn thì phải biết! Chắc là bao nhiêu cực nhọc đổ
lên đầu nó!" Không kềm được sự bất mãn của mình, ông đặt vấn đề với
thầy:
"Một đứa trẻ vào tu ở chùa sẽ làm gì, học gì và... tương lai của nó thế
nào?"
Thầy bình thản nói:
"Chùa là trường trau luyện đời sống tâm linh đức hạnh. Kẻ nào chấp nhận
vào chùa là chấp nhận sự trau luyện đó. Tất nhiên sẽ không có ngoại lệ
nào dù là ngoại lệ cho một chú tiểu."
"Nghĩa là chú tiểu cũng chịu đựng tất cả những thử thách, những khổ nhọc
như một người lớn tuổi trong chùa?" người chồng khó chịu hỏi.
Thầy bật cười:
"Tôi không hiểu sao mọi người đều nghĩ rằng cuộc sống trong chùa là một
cuộc sống đày ải, khổ nhọc. Thực ra điều đó cũng đúng nếu ta đứng ở
ngoài mà nhìn vào: chẳng hạn một người ham ngủ sẽ không thích giờ giấc
ngủ nghỉ quá ít của thiền môn rồi cho rằng tu thật là khổ, khổ vì ít
ngủ; kẻ ham tiền bạc tài sản cũng sẽ không thích đời sống thanh đạm bần
hàn lấy trí tuệ làm sự nghiệp của người tăng sĩ, rồi họ cho rằng cuộc
sống tu hành là khổ, khổ vì nó không cho phép họ chạy theo sự nghiệp làm
giàu; kẻ tham nữ sắc, thích cuộc sống lứa đôi ràng buộc gắn bó với nhau
cũng sẽ không chịu đựng nổi cái cảnh tự nguyện độc thân suốt đời của
người tu sĩ, từ đó họ cho rằng tu là khổ nhọc, khổ vì phải sống độc thân
v.v... Chung qui, cũng vì những ham muốn của họ đều bị tước mất khi vào
cửa chùa mà họ cho rằng tu là khổ. Nhưng cái thực tế khổ nhọc đó thật
không đúng chút nào với những kẻ tự nguyện dấn bước vào chùa. Nó lại
càng không đúng với những đứa trẻ hồn nhiên, những tâm hồn trong trắng
thanh cao như thiên thần. Những đứa trẻ đó vì chưa vướng bận mùi tục lụy
nên không đau tiếc tục lụy, vì chưa tham đắm trần duyên nên không cần
phải xả bỏ trần duyên, và vì chưa có óc chiếm hữu, vị kỷ nên không có
tâm bảo thủ, cố chấp. Cho nên, chúng không cần cố gắng mà vẫn bước vào
thanh qui và nề nếp của thiền môn một cách dễ dàng. Chúng không thấy đời
sống ở chùa là khổ sở như những người lớn của thế tục thường nghĩ. Ngược
lại, nếp sống thiền môn đối với chúng là một nếp sống hạnh phúc. Và khi
chúng cảm thấy hạnh phúc, người ta không có gì cần phải bàn về các sinh
hoạt và những vấn đề thứ yếu khác của chúng nữa, phải không?"
Người chồng chưa thỏa mãn, lại cật vấn:
"Đó chỉ là mặt lý thuyết. Còn trên thực tế thì sao? Chúng tôi muốn biết
một đứa trẻ sẽ làm gì, và học được gì từ những việc làm mà chúng phải
gánh lấy khi vào chùa? Chẳng hạn như... việc quét tước dọn dẹp ở ngoài
sân kia," nói đến đây thì ông đưa tay chỉ con mình đang cầm chổi quét
phía ngoài, gần khung cửa sổ.
Thầy vẫn nở nụ cười hiền hòa, an nhẫn:
"Trong cửa thiền, mọi sinh hoạt đều không ngoài công phu trau luyện tâm
đức. Bài học vỡ lòng tôi dạy chú ấy sáng nay là bài học về quét sân. Chú
ấy đang thực tập bài học đó. Thôi, bây giờ tôi đề nghị chúng ta hãy cùng
thăm viếng thế giới của chú Thông để từ đó ông bà dễ dàng quyết định
hơn," vừa nói thầy vừa kéo ghế đứng lên, đưa tay ra dấu mời hai vợ chồng
cùng ra sân. Người vợ ngó chồng hỏi ý. Người chồng do dự một lúc rồi
đứng dậy, theo thầy ra ngoài.
Cái sân rộng đã được Thông quét gần hết, chỉ còn một khoảnh ở quanh cây
me phía phải của sân chùa. Thông chăm chú quét lá. Chú đưa chổi đi từng
đường ngay hàng thẳng lối. Chú quét một cách thận trọng, không để sót
một cọng rác hay một chiếc lá cỏn con nào. Những sỏi đá lợn cợn nổi lên
trên nền đất cũng được chú dồn lại, hốt sạch rồi đem đổ dưới gốc cây me.
Những chiếc lá me nhỏ kẹt trong các hốc đá hay ẩn nấp dưới các chậu
kiểng cũng được chú bươi móc ra, cào dồn rồi hốt đi đổ. Chỗ nào không
dùng chổi được, chú lấy tay lượm từng chiếc lá nhỏ bỏ vào đồ xúc rác.
Chú tăn măn tỉ mỉ dọn sạch vườn chùa với tâm hồn và nét mặt hân hoan,
thư thới. Thầy và ba mẹ chú bước ra sân, quan sát chú làm việc mà chú
cũng không hay biết. Chú cứ cặm cụi quét dọn. Chút mồ hôi rịn chảy thành
hai dòng hai bên má chú mà chú vẫn không bận tâm. Chú cứ cười tươi và
chăm chú làm việc một mình. Quét xong rồi, chú nhìn lại toàn bộ cái sân
rồi lom khom đi lượm những chiếc lá còn sót lại hoặc mới rụng xuống. Khi
chú lần dò kiểm soát trở lại chỗ chú bắt đầu quét, chú mới phát giác sự
quan sát lặng lẽ của thầy và ba mẹ mình. Chú nở một nụ cười tươi tắn hồn
nhiên như một lời chào hướng về ba người. Chú ngước nhìn họ, có vẻ như
muốn hỏi tại sao họ lại đứng yên lặng để nhìn chú quét, và có vẻ như
muốn dò biết cuộc nói chuyện giữa ba người đã đưa đến kết quả nào cho sự
xuất gia của chú. Chú e dè đứng lại một khắc rồi chắp hai tay, thưa với
thầy bằng ngôn ngữ ẩn dụ mà thầy nói chuyện với chú ban sáng:
"Bạch thầy, tâm con đã dọn xong."
Thầy hài lòng khen:
"Tâm con đẹp lắm. Năm xưa thầy phải tốn ba bốn tháng thực tập mới dọn
được một vườn tâm đẹp như vườn tâm của con. Con thật xứng đáng là đứa
con ngoan của ba mẹ mà còn là đệ tử giỏi của Phật nữa đó."
Chú quay lại nhìn công trình quét lá của mình lần nữa. Quả thật, thầy đã
không quá khen. Sân chùa bây giờ quá đẹp và sạch mà trông như chẳng có
dấu vết gì cho thấy là mới được quét dọn. Ba mẹ chú trố mắt nhìn cái sân
rộng rồi nhìn đứa con trai bé bỏng của mình. Chú thấy cõi lòng tràn ngập
hạnh phúc. Mặt chú tươi lên như một cánh hoa mới nở đón chào tia nắng
sớm. Rồi chú nhìn vào mắt thầy, vào mắt ba mẹ, chờ đợi. Chú chưa biết họ
đã quyết định thế nào. Thầy chỉ lặng thinh nhìn chú, vừa xúc động vừa
thấy thương chú vô cùng. Mẹ chú cũng không nói gì, chỉ ứa hai giọt lệ
hãnh diện. Còn ba chú thì lẩm bẩm một mình:
"Sân nhà mình chưa bao giờ được chăm sóc kỹ như vậy. Chị ở hay bất cứ
người lớn nào ở đời cũng không thể nào dọn được một cái sân như con mình
đã làm. Quả thật đây không phải chỉ là quét sân mà là một sự trau
luyện."
Hai vợ chồng đều cảm thấy con mình đã bước thật xa, ra khỏi vòng tay
mình. Thế giới của Thông là đây. Niềm vui của Thông là đây. Nhìn nét mặt
hân hoan của Thông thì thấy. Chưa bao giờ Thông tươi tắn rạng rỡ như hôm
nay. Hạnh phúc nơi Thông thật khác lạ: hạnh phúc nhẹ nhàng và tự nhiên,
không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Như một loài hoa quí chỉ có thể thích
hợp duy nhất với một loại đất, hay một khí hậu đặc biệt nào đó, Thông có
vẻ như chỉ thích hợp với đất này, không khí này. Không thể bứng cây hoa
này đi đâu khác. Ba Thông gọi chú đến với mình, ông nói:
"Con muốn đi tu thật hở Thông?"
Không chút ngập ngừng, Thông đáp:
"Dạ, con muốn đi tu."
"Con không muốn sống với ba mẹ nữa sao?"
Thông lặng thinh không đáp. Ba Thông kéo chú vào lòng, ôm chú, xiết nhẹ
lấy chú với đầy thương yêu. Rồi ông nói với mẹ chú:
"Thầy nói đúng đó em. Chúng ta sẽ không ngăn cản bước đi của con được
đâu."
Mẹ Thông nói:
"Em cũng tính nói với anh điều đó. Ngay bây giờ, em biết chúng ta phải
hy sinh để biểu lộ lòng thương của mình chứ không phải giữ gìn con trong
vòng tay để rồi nó phải quay quắt một đời với một ước nguyện chưa thành.
Đến đây với mẹ, con."
Người mẹ ôm con vào lòng, khóc.
Sau khi gửi gắm Thông nơi thầy rồi dặn dò con đủ thứ, họ bằng lòng để
Thông ở lại với thầy. Đợi ba mẹ bước ra khỏi cổng chùa rồi, Thông nói
với thầy:
"Con cám ơn thầy. Thầy nói sao mà ba mẹ con nhận lời vậy hở thầy?"
Thầy xoa đầu chú, cười nói:
"Người lớn nói chuyện với nhau chỉ bày vẽ chuyện lý luận mà cuối cùng
cũng chẳng đưa đến đâu. Chỉ có cái sân do chính tay con quét dọn và chỉ
có niềm hạnh phúc an lạc trong con mới đủ khả năng thay đổi sự kiên
quyết của ba mẹ con mà thôi. Thầy không có công lao gì hết. Tất cả là
nhờ chính con. Với một cây chổi cùn, con có thể vẽ nên ước nguyện cao xa
của con. Và nếu con luôn giữ tâm con sạch đẹp như sân chùa hôm nay thì
việc gì con cũng sẽ thành tựu."
Tám năm sau, chú tiểu Thông thọ đại giới. Hai năm sau nữa, thầy chú viên
tịch. Chú thay thầy trụ trì ngôi chùa nhỏ đó. Cũng như thầy, chú không
ham xây cất chùa to Phật lớn. Chú chỉ đặt hết tâm mình vào việc tu niệm
và sốt sắng góp công sức vào những việc từ thiện xã hội mà chú thấy là
đem lại những lợi ích cụ thể cho cuộc đời. Và cũng như sư tổ (sư phụ của
thầy), cũng như vị thầy khả kính của mình, chú luôn luôn sử dụng cây
chổi như một cây bút, vẽ nên bức tranh cao đẹp chân chất của thiền môn.
Đầu Trang |
|