Tu bụi

Trần Kiêm Đoàn

           

Chương hai mươi mốt

Lạc

 

Những ngày đầu ngồi im lặng, định tâm trên đỉnh núi nầy, Trí Hải hầu như mượn cảnh cô liêu tịch mịch để suy nghĩ riêng mình.

Muôn ý nghĩ dấy lên trong từng khoảnh khắc.

Những ý nghĩ cứ tiếp nối, sinh sôi nẩy nở, rồi biến tướng thành đàn, thành lũ không ngừng xâm nhập đầu óc Trí Hải. Cái lò bát quái nằm trong đầu cứ sôi lên sùng sục làm cho tâm trí như muốn nổ tung từ trong thế ngồi mà thoạt nhìn từ bên ngoài ngỡ như an tịnh. Nhưng bên trong, hình bóng Ba Gấm, nỗi nhớ Ba Gấm, sự cuốn hút và thèm khát Ba Gấm… cứ từng hồi không ngớt nổi lên xoắn lấy mọi suy tư và cảm xúc của Trí Hải. Sau mỗi màu hồng, màu thắm, màu xanh của khát vọng là màu đen, màu lạnh, màu xám của vô vọng cứ ùn ùn tràn tới. Những mảnh đời lớn nhỏ có lúc xa vời như lân tinh; lúc vần vũ như mây bão khởi lên và tắt ngúm; rồi khởi lên và giương mắt nhìn nửa như thách thức, nửa như van nài để công phá cái yên ắng muôn trùng của rừng thẳm trong lòng Trí Hải.

Trí Hải gần như ngất ngư, hụt thở giữa trùng trùng ý niệm và hình tướng không ngớt dấy lên trong tâm thức. Cứ đuổi một lại đến đôi; đuổi đôi lại tới ba. Đuổi ba lại tới đến năm điều, mươi chuyện liên tục. Trong cái vắng lặng sao lại ồn ào đến thế. Cố định thần đôi mắt thì cố kìm hãm tai nghe thì tiếng núi rừng vang động. Cố điều hòa hơi thở thì hương núi rừng ngan ngát đã phả vào mặt, vào mũi; lưỡi mặn đắng, nước bọt trào ra. Cố nghiến răng, lắc đầu, mím miệng thì cái ngứa ngáy rần rật đến từ mọi phía khắp châu thân. Trí Hải đã ngồi chịu trận như thế qua mấy ngày, mấy đêm, Trí Hải nhớn nhác tìm quanh một sinh vật hay một đồ vật nào đó để cho dòng tâm thức tựa vào, đỡ dật dờ trôi nổi, nhưng quanh ông chỉ là sự vắng vẻ dị thường.

Sự chiến đấu nội tâm của một chiến trường bên ngoài lặng lẽ, nhưng bên trong cát đá, thành quách xoay chuyển, đổ vỡ mịt mờ làm cho mồ hôi chảy thành dòng trên mình Trí Hải giữa cảnh núi rừng lạnh cóng. Câu thơ sương khói của sư ông Chân Nhã Đại Hùng thấp thoáng đâu đó trong trí nhớ mịt mờ của Trí Hải:

Đóng cửa lại

Mới thấy được vầng trăng

Đóng đôi mắt

Mới thấy núi Linh Sơn

Đóng cửa tai

Mới nghe hồn Nguyệt Quế

Đóng mũi dày

Mới ngửi được trầm hương

Co lưỡi lại

Mới nếm vị Ta Bà

Ném châu thân

Mới bay vào vũ trụ

Ném tâm lý

Mới tìm vào an trú

Trí Hải hoang mang trong ý nghĩ: “Phải chối bỏ chính mình, phải phủ định tất cả mới tìm ra được sự an lạc hay sao?”. Hay phải kêu lên bơ vơ và lạnh cóng như thiền sư thi sĩ xứ tuyết, Trường Lạc An:

“Miền an trú ở nơi đâu?

Là một cõi trời vô tưởng định;

Là phi xứ

Là phi tưởng xứ

Là phi phi tưởng xứ,

Là đây,

Là kia,

Là đó,

Là một giấc mơ đời vĩnh cửu ở trong ta?”

- Ôi, trời đất cao dày, ta đối diện với ai đây?

Trí Hải nghe tiếng mình kêu lên như tiếng ai và lịm đi trong cơn chấn động bất ngờ.

Nắng mai lên. Hơi ấm mặt trời nâng Trí Hải dậy. Cái tam tài: Thiên, Địa, Nhân của cuộc sống bon chen trên mặt đất dưới kia khó mà hiểu được cái “tam thiên”: Nắng vàng, mây trắng và cây xanh trên đỉnh núi nầy.

Niềm thanh thoát vô biên như một phép lạ không có phép lạ. Giữa trần gian nầy không có phép lạ. Phép lạ là kết quả của của một chuỗi dài công lao truy tìm và thực hành định hướng.

Trí Hải tự đặt ra cho mình một định hướng suy tưởng và thực hành bước đầu. Thử phủ định toàn triệt như đại lão thiền sư Chân Ngã Đại Hùng giữa rừng thông tuyết lạnh xứ Tây Tạng huyền bí. Một bài tự dặn mình nho nhỏ mà Trí Hải gọi đùa trong trí là “Tâm cửa vào nhà trống” dần dần trở thành một sự nhắc nhở cận kề mỗi khi tạp ý nổi lên:

Thở vào không có Ta

Thở ra không có Người

Mắt nhìn không thấy sắc

Tai lắng không nghe thanh

Mũi thở không có hương

Lưỡi thường không cảm vị

Toàn châu thân an nghỉ

Tâm trí chỉ là không.

Ngày lại ngày, Trí Hải tự ép buộc mình phải xả bỏ tất cả để đi tìm an lạc. An lạc chỉ có trong phủ định. Sự xả bỏ đầu tiên là chối bỏ chính mình. Trí Hải áp đặt dòng suy tưởng của mình thành một gã đao phủ ý thức trên chính mình. Phải triệt hạ cho bằng được sự hiện hữu của thân xác tội lỗi tày đình nầy. Phải cho dòng ý thức chảy vào thân xác nầy như những cơn lũ cường toan thiêu hủy tất cả mọi cứ điểm ngoan cố, bảo thủ của nó.

Phải nghĩ rằng: “Thân xác con người là một bị thịt thối tha”, chẳng nên bảo trọng.

Phải thấy được hang ổ vi trùng trong từng lỗ chân lông. Thấy máu mủ dưới làn da đẹp. Thấy bộ xương trắng hếu sau thân xác mỹ miều. Thấy bệnh hoạn chực chờ dưới dáng vẻ trẻ trung, mạnh khỏe.

Phải cảnh giác rằng: “Lòng ham muốn, nỗi đam mê, tính phản kháng, ý nắm giữ… là thuốc độc cần phải loại trừ ra khỏi nơi ta”.

Dòng tâm thức của Trí Hải càng phủ định cuồng nhiệt chừng nào, cái nhìn về chính mình và xung quanh càng khắt khe chừng ấy.

Đầu tiên là phải diệt dục nơi ta. Nương theo phương pháp của Mật tông sư Đạt Lai Đề Văn, Trí Hải sử dụng “kiếm khí” bằng hơi thở để diệt dục, chặt đứt những ham muốn đời thường. Bất cứ lúc nào, hễ ra khỏi giấc ngủ mê man, Trí Hải lại chăm đắm vào con đường diệt dục. Chu kỳ của một hơi thở phải thành đao kiếm diệt dục để chặt hết gốc rể của ham muốn. Toàn tâm ý hướng hơi thở của mình từ mũi, chạy lên đỉnh đầu, vòng xuống cổ, chạy dọc theo xương sống, truy quét hết chất nhiệt chứa trong vùng bụng, thóp hai bên hông vào tận xương sống, vét lần cuối hơi ấm vùng thận, chuyển hết ra ngoài thân thể theo đường hậu môn. Động tác lúc đầu là một chu kỳ có điều kiện. Lâu dần, thành một phản ứng thể chất vô điều kiện. Những ngày đầu, Trí Hải cảm thấy khối da thịt đeo nặng của chính mình nhẹ dần. Ham muốn thể xác bốc hơi. Ham muốn tinh thần lắng xuống. Ham muốn đầy ảo ảnh bùng lên. Đôi mắt đẹp mà buồn thăm thẳm của Ba Gấm nhạt nhòa. Mùi quyến luyến gọi mời của thân xác mất đi cái nóng bỏng, háo hức, râm ran cuồng nhiệt của nó. Trí Hải mất dần khả năng về ham muốn. Mơ mộng luyến ái tắt dần. Ngày ngày đi quanh vùng đồi núi để ngắm cảnh, kiếm thức ăn cây trái thiên nhiên. Đêm đêm về nhà trai chùa Từ Vân nghỉ chân. Phải chạy, phải đuổi, phải diệt lòng ham muốn. Tinh lực trong người bị dòng tâm ý khinh miệt và phản bác tống khứ ra ngoài không thương tiếc. Hơi thở lúc dồn dập, lúc ngắt quãng và thân xác từ từ lạnh giá.

Nỗ lực định tâm và cố gắng xua đuổi tạp niệm từ trong tư tưởng dừng lại chỉ đôi ba phút lúc đầu. Mỗi ngày sự định tâm đó kéo dài thêm và dài thêm, có khi suốt mấy ngày đêm không động tĩnh. Rồi Trí Hải cảm thấy thân xác mình không còn điểm tựa giữa trần gian nầy nữa. Tất cả theo một dòng lũ mới tinh khôi vi vút bay đi. Đi, đi mãi đến những vùng trời mới lạ. Mắt ngập tràn chói ánh hào quang. Trí Hải ở trong trạng thái xuất hồn. Hồn cũng chỉ là “Ta” không có xác, bềnh bồng bay, bay nhẹ như bông. Trí Hải gặp lại những nhân vật mà xưa nay chỉ biết trong cổ thư, kinh sách. Vua Trời Phạm Thiên, Phật, Chúa, Thánh, Thần, Tiên, Hiền, Bồ Tát… đều mang tính người để nghinh tiếp. Có khi uy nghi lộng lẫy, khi gần gũi thân tình, nhưng tất cả đều làm cho Trí Hải mê say cùng cực. Thế giới thánh linh hay ma ảnh, ảo ảnh, tâm ảnh ấy đẹp vô ngần. Tất cả đều thanh thoát và diệu kỳ có sức cuốn hút đến độ làm cho Trí Hải hạnh phúc ngập tràn; hoan lạc say mê vô cùng tận. Mỗi lần tỉnh lại sau cơn xuất hồn, Trí Hải có cảm giác như mình vẫn còn đứng rất xa để nhìn một cách đầy khinh miệt cái thân xác xương thịt chướng ngại đang đến hồi tàn tạ ở cõi trần thế thô lậu và mông muội nầy. Thế nhưng cái hồn thanh tân ấy vẫn phải rùng mình chui vào cái xác. Sau cùng, Trí Hải có thể chối bỏ tất cả, nhưng lại không thể chối bỏ cái thân xác tội nghiệp, cái trần gian lấm lem bụi đời hiện hữu trong chính mình và quanh mình. Trong đó và nơi đó, hơi thở vẫn đang duy trì sự sống.

Trí Hải cũng đã có lúc chới với kêu lên: “Hỡi cái trần gian ma trơi mà diệu kỳ; yêu thương mà tàn nhẫn nầy, làm sao mà bỏ mi cho đành đoạn, cho mất hết dấu tích trong ta, để cho ta nhẹ như thinh không mà bay về cõi trời vô tưởng ấy…”.

Khi những vọng ảnh va chạm vào nhau và vỡ tung. Vũ trụ chỉ còn là ánh sáng. Khối “đại linh quang” ngập tràn thiên thể. Ánh sáng, ánh sáng, ánh sáng… tất cả là ánh sáng. Con người chỉ là một đốm sáng trong vũ trụ mênh mông nguồn sáng. Mỗi người là một tiểu linh quang mang hết bản ngã của đại linh quang. Do đó, mỗi con người là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ ánh sáng. Từng đốm sáng nói chuyện với nhau. Từng vệt sáng cuốn hút với nhau. Từng tinh cầu ánh sáng tác hợp với nhau để biến tướng thành tinh cầu mới. Tình yêu nguyên sơ tác hợp với tình yêu trần thế, rồi thiên biến vạn hóa thành vô số những cuộc tình ngây ngô, hoang dại hay nghiêm cẩn, trang đài mà tạo ra thế giới con người và muôn loài…

Thêm một lần đổi đời, Trí Hải chối bỏ tất cả để chiêm nghiệm Đại Linh Quang. Biển ánh sáng kéo dài bất tận. Và bởi bất tận không có biên cương mà cũng chẳng có phương hướng cho nên ánh sáng là ánh sáng, không có đầu, đuôi; xuôi, ngược. Cũng chẳng có điểm khởi đầu và kết thúc.

Trí Hải đang ở giữa vùng xoáy của tư duy, nơi đó, lửa đang cháy rần rật. Lửa thiêu sống hết thảy mọi giá trị, quy ước, ý nghĩa, cảm nhận về đời sống. Lửa thiêu rụi tất cả để sáng tạo ra một thế giới mới. Thế giới khi trống không, đen ngòm, hoang lạnh; khi rộn ràng hiện ra muôn ức điệu sống. Sự gặp gỡ của thiên giới lẫn ta bà đang diễn ra rộn rã. Trí Hải đi vào miền hoang tưởng của một trạng thái tâm lý, tri thức và cảm giác đang bị đổ vỡ tan hoang mà những luận sư tâm lý gọi là trí động, tâm loạn, rối đạo, âm dương không bình hành hay “tẩu hỏa nhập ma”!

Thiện Giả đến gần một Trí Hải đang ngồi định thần bên suối Bản Lai, mắt nhắm nghiền, miệng nói ra những điều khó hiểu. Nghe tiếng động, Trí Hải mở mắt. Đôi mắt thông minh có vẻ như đờ đẫn mệt mỏi đang vân du về một cõi nào đó rất xa, say sưa nói những điều bâng quơ dưới lớp vỏ minh triết:

- Từ cõi hỗn mang, tất cả trời đất quỷ thần đều là một. Ta vừa gặp vua trời Phạm Thiên. Ngài mời ta uống rượu bồ đào và cho biết thế giới trần gian nầy sắp đến ngày tận thế. Cho nên ta phải tìm ra một chân lý siêu tuyệt nhất để cứu đời. Ta đã bay tới vùng trời Đâu Suất, nghe chim Ka Lăng Tần Già ca hát. Ta đã gặp Phật, gặp Chúa, gặp chư vị bồ tát, thánh thần trò chuyện. Ta đã học được hết kho báu của trời, kho khôn của người, kho quý của đất. Ta là sứ giả của muôn loài…

Thiện Giả ái ngại lặng nghe giọng trầm ấm của Trí Hải nói lảm nhảm vang lên giữa rừng núi như tiếng chảy lạc hồn của một dòng sông buồn ngủ. Giọng Trí Hải mới nghe qua, mang đầy vẻ tự tin của một nhà khải đạo. Nhưng thật sự đây chỉ là tiếng nói từ vô thức. Kiến thức, lý thuyết sách vở cộng với những mơ ước ngút ngàn không thể hiện được trong cuộc đời thường đang gặp gỡ nhau giữa dòng cuồng lưu của tâm thức bị ức chế vừa tạo ra một Trí Hải khác. Trí Hải bây giờ như con sông mới lạc vào biển rộng, mất hết cá tính và tan loãng vào một thực tế ảo, còn đó mà như không, vẫn trôi đi mà không có phương hướng bến bờ.

Trước khi thiện Giả kịp lên tiếng, Trí Hải đã quay sang ngỏ lời giáo chủ:

- Này thiện Giả. Ta nhận người làm môn đệ đầu tiên của ta. Đừng sợ hãi. Hai ta sẽ lên đường hành đạo cứu đời. Đạo của ta là đạo siêu nhân. Đường ta đi là đường chân lý. Tất cả các nẻo khác đều sai lầm. Hãy cầu nguyện. Hãy niệm. Niệm ta. Niệm to lên. Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Ta. Niệm Nam mô Ta Bà Trí Hải Linh Quang Đại Vũ Trụ. Ta là bậc thượng thừa đại thánh. Là giáo chủ sắp truyền mật ấn cho ngươi! Theo ta. Theo ta. Hãy theo ta. Hỡi thiện Giả và muôn loài.

Thiện Giả đặt bàn tay ấm áp của mình lên bàn tay lạnh ngắt của Trí Hải. Niềm cảm thông chân tình ùa đến. Thiện Giả đã quanh quẩn nơi vùng núi đồi Kim Phụng nầy đủ lâu để chứng kiến những khúc quanh đầy sóng gió và quyết liệt trong tâm thức của những con người cầu đạo, tu đạo và hành dạo theo một cách riêng phù hợp với căn cơ của mình. Ban đầu, có thể họ cũng có một tấm lòng nhân ái. Nhưng họ tự bỏ mình vào cái lò luyện đạo, năng nổ muốn dùng lửa tam muội của tôn giáo để đốt lò. Họ cố nhen lên một bếp lửa riêng. Nhưng khi cố bật mồi lửa đầu tiên thì bật hoài mà lò không nhá lửa. Đơn giản vì những ông Đạo, bà Đạo nhỏ nầy muốn thành nhà sáng tạo mà lại không hề có một mảnh nhỏ tư tưởng của riêng mình. Những ông bà Đạo Nhỏ nầy lém lỉnh cắt một miếng của Đạo; xén một mảng của Nho; gói một mớ kinh điển Phật, ghém một tràng yếu lý của Chúa… để “luyện trong lò bát quái” của riêng mình. Luyện hoài không chín, đành vớt sống ra rao bán giữa đời. Vì thế, một sản phẩm tâm linh mà chưa chín nhừ sẽ thành một mớ cơm độn lổn chổn thứ nào cũng có. Nói hoài những điều không phát ra từ trí tuệ chân chính nên hết linh thiêng và nhiều ông bà Đạo Nhỏ bỏ cuộc nửa chừng.

Bỏ cuộc, người ta chỉ tới được một trong hai con đường: hoặc là được mình, hoặc là mất mình. Được mình là tìm lại về mình, tìm thấy con người thật của mình để tỉnh ngộ và sửa đổi. Mất mình là mang ảo tưởng tự thánh hóa mình và tìm cách thánh hóa kẻ theo mình. Trí Hải đang mất mình vì đang ở trạng thái tự thánh hóa mình và tìm cách hóa thánh “môn đồ” Thiện Giả. Tâm lý hóa thánh lâu ngày sẽ dần dà trở thành một cơn bệnh kinh niên. Bệnh nầy là tin vào một điều không có thật nhưng cứ tin hoài thành ra thật - ngụy tín - nên thấy mình là thánh thật và đòi hỏi người đời phải cung bái mình như thánh. Thiện Giả đã chứng kiến nhiều người “tự hóa thánh” như vậy xuống núi. Thánh cứu đời hay đời chôn thánh cũng chẳng có tác động gì đến ai. Nhưng đã làm thui chột đời sống tâm linh của những người theo họ vì nhân sinh quan và vũ trụ quan vá víu và khập khiễng của “giáo chủ”. Trong những tôn giáo với lịch sử hàng nghìn năm, vẫn thường có những hiện tượng “tiểu đạo” nhất thời ồn ào, vọng động như thế. Tuy biết thế, nhưng lần nầy, thiện Giả không thể dửng dưng trước hiện tượng “hóa thánh” của một trí giả có chân tâm và chân tài như Trí Hải. Thiện Giả quỳ xuống trước đôi mắt lạc thần vừa ánh lên nét long lanh ma quái của Trí Hải. Vừa vái như vái với bậc chân nhân thánh sống, vừa sửa giọng cầu đạo, Thiện Giả lên tiếng:

- Bẩm Hoàng thân chí thánh, xin tạ ơn ngài đã nhận Thiện Giả nầy làm đại môn đệ. Tuy nhiên, kẻ cầu đạo nầy chỉ xin một điều kiện nhỏ, chẳng rõ ngài có soi xét cho không?

Trí Hải đặt tay lên đầu Thiện Giả như ban phát hồng ân:

- Được, được. Ta cho phép ngươi cứ nói.

Thiện Giả chắp tay thưa:

- Dạ, Thiện Giả tôi chỉ theo ngài nếu ngài vượt qua được bờ bên kia của dòng suối nhỏ nầy.

Trí Hải cười. Tiếng cười không mang nét vui buồn thường lệ mà lanh lảnh như tiếng chim từ lưng trời đổ xuống.

- Ôi chao! Chuyện nhỏ, người yên chí theo ta. Phép thần thông ta còn có được, vua Trời ta còn gặp được thì dòng suối nhỏ nầy có đáng vào đâu. Này Thiện Giả! Quảy giỏ mây lên vai và đi theo ta.

Trí Hải nhớm đứng dậy nhưng người còn yếu quá phải ngồi xuống lại lấy hơi. Luồng sức mạnh ân sủng tự kỷ tràn tới đẩy Trí Hải đứng lên và bước xuống bờ suối. Trên bờ, con dã nhân đã đứng đó từ bao giờ. Mắt nó đỏ ngầu, hai tay cầm hai vòng lửa đang cháy rần rật, đầu đội mũ kim khôi giáo chủ, miệng không ngớt nói rít qua kẽ răng những âm thanh chói tai, vô nghĩa. Khi đến gần bờ suối, Trí Hải sấn tới một bước, dã nhân sấn tới hai bước. Trí Hải buông lời thuyết giáo, con dã nhân lặp lại qua tiếng hét, tiếng gào đinh tai nhức óc. Trí Hải đưa tay làm cử chỉ ban phát, dã nhân tung cả hai vòng lửa vào đầu ông. Với hai vòng lửa cháy quanh mình, Trí Hải vùng vẫy chống đỡ lửa nóng và bổ nhào xuống suối, nhưng dã nhân đã nổi cơn thịnh nộ hất tung lên bờ. Trí Hải quằn quại vật vã cho đến khi ngất lịm trên bờ suối.

Không biết ngã xuống đã bao lâu, khi mở mắt tỉnh dậy, đêm đã quá nửa khuya.

Trí Hải cảm thấy như chân tay và đầu óc buông lung của mình đang bị trói chặt vào một tảng đá hay gốc cây vững chắc. Từ trên cao có ai đang nhìn. Tia nhìn dữ dội xé nát cơn hoang tưởng ra từng mảnh nhỏ. Trí Hải lạnh tê người và run rẩy trong tia nhìn im lặng đầy phong ba đó. Có một sức mạnh đang nâng Trí Hải lên, vực Trí Hải dậy, giải hết những mây mờ đã chôn vùi ánh sáng của lý trí. Khi tâm bị quật ngã, thể lực mất thế dựa cũng ngã theo. Trên đà rơi nhanh vùn vụt của tâm thức không còn chỗ dựa, cần phải có một sức mạnh đối trị. Sức mạnh đó là Định Lực Nội Tại của bậc thần thánh hay định lực an trú có nơi các vị cao tăng. Ngồi bên cạnh một bậc chân tu là ngồi trong vòng thế giới linh cảm. Không cần lời mà vẫn hiểu được sự uyên náo của tư tưởng; không cần xoay chuyển mà vẫn cảm nhận được sự an lạc của thân tâm.

Khi những tia sáng ban mai đầu tiên vừa lọt qua khe núi, Trí Hải mới nhận ra là suốt đêm qua ngoài Thiện Giả thấp thoáng dưới chân đồi, còn có một người, một vùng, một thế giới đứng yên, không quay cuồng xoay chuyển bao bọc quanh mình. Những ảo ảnh điên cuồng quay tít trong không gian, trong trí tưởng “giáo chủ” Trí Hải từ mấy ngày trước cho tới đầu hôm qua từ từ chậm lại, đứng yên, khi ẩn khi hiện, rồi mất dạng. Ngày lên và cái bóng thứ hai đó cũng không còn.

Trí Hải cố vươn mình đứng dậy. Thiện Giả đang ngồi nhìn, nở nụ cười hiền bên cạnh. Nhìn xuống dòng suối, con dã nhân đã đứng sẵn ở đó tự bao giờ đang chằm chặp nhìn lên. Lần đầu Trí Hải mới có dịp nhìn thẳng lại nó. Bốn tia mắt gặp nhau, Trí Hải cảm thấy toàn thân rúng động như đang nhìn vào xác chết của chính mình. Thân thể mỏi mệt cơ hồ vỡ ra từng mảnh vụn. Đầu óc đặc quánh. Trí Hải cảm nhận được bàn tay ấm dịu của Thiện Giả đặt lên trán mình, trăn trở hỏi:

- Tôi vẫn còn sống ư?! Không phải tôi đã bị đốt cháy thành than rồi sao?

Vẫn nụ cười hiền chưa tắt, Thiện Giả trả lời:

- Có lửa hỏa thiêu bên ngoài đâu mà cháy. Hai vòng lửa trên tay dã nhân chính là lửa trong tâm của Hoàng thân quý hữu. Đó là ngọn lửa của tham vọng và vô minh tự thánh hóa mình thành giáo chủ và cố hóa thánh người khác thành môn đồ của mình.

- Tôi đã mơ thành giáo chủ sao?

- Vâng, Hoàng thân không phải chỉ mơ mà đã hành xử như một ngài giáo chủ.

Trí Hải mở mắt nhìn cây lá ngỡ ngàng như vừa tỉnh dậy sau một cơn mơ:

- Mà giáo chủ là ai, là hiện thân của một mẫu người như thế nào và có nghĩa lý gì không mà tôi phải mơ thành người như thế?

- Đấy là tiếng gọi mơ hồ nhưng vô cùng thúc bách của tham vọng và quyền lực thống lĩnh tâm linh giữa một thế giới toàn ma ảnh.

- Tôi đã sống qua những giờ phút cập kỳ vọng tưởng đến như thế sao? Cái gì đã đưa tôi trở lại với tôi như bây giờ?

- Định lực.

- Định lực là gì?

Thiện Giả trả lời như nói thuộc nằm lòng:

- Là sức mạnh tâm linh siêu việt nhất mà con người có được.

- Sức mạnh đó từ đâu mà con người có được?

- Nguồn sức mạnh đó có sẵn khắp nơi trong trời đất

- Nhưng làm sao để lấy được?

- Chỉ cần một bình chứa. Bình càng lớn chức được càng nhiều

Trí Hải cảm thấy vui vui như một cuộc chơi cút bắt:

- Bình chứa đó kiếm từ đâu ra?

- Khỏi cần mua hay kiếm, ai cũng có sẵn nơi mình.

- Ở đâu?

- Ở tánh rỗng lặng.

- Làm sao có được tánh rỗng lặng?

- Dọn cái kho đang chứa đầy những thứ hỗn tạp trong tâm, trong trí của mình. Vứt bỏ tất cả.

Trí Hải đuổi nhanh hơn:

- Vứt bỏ luôn cả mình sao?

- Bỏ tuốt!

- Mình là ai mà lại bỏ tuốt dễ dàng thế?

Đến đây thì Thiện Giả đưa cả hai tay lên trời cười xòa, trả lời thành thật:

- Chịu. Tôi chỉ mới học tới ngang đó.

- Học với ai?

- Với người có định lực siêu việt đã cứu một người bị tẩu hỏa nhập ma hồi đêm qua đó.

Chợt hiểu, nhưng Trí Hải muốn xác định rõ hơn:

- Ai là người cứu và người được cứu vậy?

Thiện Giả cười to, nói đầy cởi mở:

- Hoàng thân Trí Hải phải biết quá rõ người đó là ai mới tìm lên núi nầy chứ. Mình cũng có thể biết được căn cơ của mình mà.

Quay lại với thực tế của mình, Trí Hải hỏi:

- Vậy thì làm sao mà biết được căn cơ của tôi như thế nào?

Thiện Giả tiếp lời:

- Không ai biết được căn cờ của ta ngoài chính ta.

- Nhưng bằng cách nào?

- Tại bên bờ suối Bản Lai nầy thì rất dễ. Chỉ cần chế ngự cho được cái tâm vọng động của mình là sẽ bắt đầu thấy được mình?

- Khi con dã nhân biến mất.

- Phải. Chính thế!

- Nếu lỡ như Trí Hải tôi không đến được suối Bản Lai và không gặp con dã nhân mà lâm vào tình trạng “hóa thánh” thì sao?

- Thì nghiễm nhiên trở thành một ông hay một bà đạo nhỏ.

- Thiện Giả vừa nói vừa cười đùa. Trí Hải thở dài không nói.

Mùa Xuân và lộc non. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông về và đi trên cây cỏ như sinh, lão, bệnh, tử đối với con người. Những ngày cuối đông và đầu xuân trên vùng núi non Kim Phụng, Trí Hải sống một mình. Ngày đi quanh những ngọn núi lớn nhỏ hay ngồi tĩnh lặng định tâm bên suối Bản Lai, đêm về khu nhà trai vắng vẻ của chùa Từ Vân, Trí Hải khám phá một thế giới mới của người sống một mình. Giữa xã hội đời thường, người ta quen kiểu sống cho ai và sống với ai. Một mình giữa rừng núi buổi đầu, Trí Hải quen dần với ý niệm “sống cho mình và sống với thiên nhiên”. Muốn sống an lạc với thiên nhiên thì phải biết đưa thiên nhiên vào mình, chứ không thể làm ngược lại là đưa mình vào thiên nhiên. Những ngày đầu, Trí Hải phản ứng chống lại thiên nhiên như phải cắn răng hay co cụm thân mình hoặc đốt than suốt ngày để chống với cái lạnh của núi rừng. Nhưng càng chống với thiên nhiên thì thiên nhiên càng phản ứng lại một cách lạnh lùng không nhân nhượng. Trí Hải dần dà tập nghe thiên nhiên và sống với thiên nhiên như nghe và sống với tiếng “con gà” gáy sáng thuở nào.

Từng đêm khuya và mỗi sáng sớm, Trí Hải lắng hết tâm trí nghe tiếng núi, tiếng gió ngàn, tiếng lá rung, suối chảy, dã thú, côn trùng… của rừng thẳm vang lên từng hồi, từng chặp hay thâu đêm đâu đó. Trí Hải nén hơi thở mình, trộn hơi mình với khí lạnh bên ngoài, hít sâu vào châu thân, mở rộng ngõ cho luồng khí lạnh len lỏi, chạy đều khắp kinh mạch trong người. Cảm giác tê buốt lúc đầu giảm dần, rồi bảo hòa và ấm lại cho đến khi nguồn nội nhiệt giao hòa với tiết trời lạnh buốt bên ngoài để tạo thành một luồng sinh khí mới.

Từ hơi thở đến những sinh hoạt khác hàng ngày như ăn, uống, thức, ngủ, nghĩ, nhìn… Trí Hải tự luyện tập cho mình theo cùng với điệu sống của thiên nhiên. Thiên nhiên là một người cha nghiêm khắc, nhưng là một người mẹ nhân từ. Với người cha, bắt thiên nhiên uốn lượn theo đường nét riêng của cá nhân mình là điều nghịch lý, không thể nào chìu con được. Với mẹ, gieo tấm thân lem lấm bụi đời vào vòng tay mẹ, bao giờ cũng được mẹ, dang tay ra đón với tất cả tha thứ và yêu thương. Chỉ có thiên nhiên mới rũ được những lớp bụi phong trần. Con người thì có vẻ như khi cố lau sạch bụi đời thì thường vụng về và luống cuống tấp thêm những lớp phù sa lấp loáng nước phèn. Lớp phèn phù sa mang dáng vẻ cao đẹp và hình tướng, nhưng thực tánh thì cũng là một lớp bụi giữa đời.

Càng gần gũi và giao hòa với thiên nhiên, núi rừng, cây cỏ, Trí Hải càng cảm thấy cái vũ trụ nhỏ mang tên “Hoàng thân Trí Hải” chỉ là một ý niệm bèo bọt như một tiếng lá rơi chưa chạm đất giữa rừng thẳm trong đêm khuya. Tầm mắt nhìn từ đỉnh núi không bị che chắn bởi rào dậu hay biên cương. Mắt người nhìn sâu vào vũ trụ chỉ là đốm lửa tàn lóe lên trong giây lát và thể nhập vào cõi mênh mông. Tai nghe một vọng âm phát ra từ đối vật rồi tắt lịm vào chốn im lìm nguyên sơ tuyệt đối. Rồi hương vị, mùi vị, cảm vị trở thành vô vị, trống không giữa đá núi rêu phong và cây rừng bạt ngàn, trùng điệp. Có cái gì là tồn tại, là thật giữa núi rừng Kim Phụng nầy. Rõ ràng là không có gì cả. Ngay cả cái tên gọi cũng chỉ là những thói quen, những quy ước bâng quơ. Kẻ có chữ gọi nó là Kim Phụng; người làm ruộng dưới đồng bằng phía Đông gọi nó là núi Tây Phương; giới tìm trầm thì gọi nó là núi Trầm; dân sống gần chân núi thì gọi là núi Xanh. Tất cả đều đúng, tất cả đều sai hay chẳng có ai sai, ai đúng cả? Nghĩ đến đó, Trí Hải bật cười sảng khoái một mình.

Hình tướng và danh tướng không có một chỗ đứng nào vừa mắt trên đỉnh núi mây bay nầy.

Càng ngày, Trí Hải càng khám phá ra một sự thong dong tự do tuyệt đối: Nó! Nó là sự rỗng lặng tuyệt vời. Nó không mảy may dính mắc như mây trắng phiêu du. Nó không tên, không tuổi, không hình, không dáng, không phẩm, không lượng. Nó rỗng không mà đầy ắp. Nó hiện ra thường xuyên trong ta, ngoài ta, quanh ta. Nó có đó mà không đó. Khi tâm trí hoàn toàn buông xả thì Nó đến. Chỉ một chút tơ vương là Nó biến mất. Nó vô hình mà hiện hữu trong từng chớp mắt. nó không phải là một cặp phạm trù mà là một. “Nó” vừa có vừa không. Giữ lòng trống thì Nó hiện ra tức khắc. Tìm cách giữ nó lại bằng một tên gọi, một mảy may ý niệm mô tả hay so sánh thì Nó sẽ vụt bay đi. Nó là không. Và chỉ có Không mới hiểu được Không và cũng chỉ có Không mới nuôi dưỡng được Không. Chẳng có gì chứa được “Không” mà “Không” cũng chẳng chứa gì trong nó cả dù chỉ là ý niệm vì tự “Không” là một ý niệm.

Trí Hải cảm thấy lòng mình trải dần ra với những đám mây phiêu du bay qua đỉnh núi. Đám mây có đó mà như không. Không chẳng phải vì mây biến đi hay mất dạng mà bởi tánh mây hoàn toàn rỗng lặng. Thế rỗng lặng không có hình, có tướng nên không cần mắt để nhìn nên mắt cũng như không. Cũng chẳng cần tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm vì tánh rỗng lặng làm gì có âm thanh mùi vị dấy lên mà cần đánh tiếng, nghe hơi. Sự rỗng lặng chẳng có gì để va chạm, ngắm nhìn hay so sánh nên chẳng có ý mà cũng không có thức. Ý thức không hề dấy lên thì làm gì có độ lớn, độ cao, độ sâu hay giới hạn của ý thức. Rồi từng đám mây bay qua, bay qua. Mây bay hoài nghìn năm trước và nghìn năm sau không hình tướng. Mây rỗng lặng. Trong rỗng lặng, không dấy lên một hạt bụi. Bụi không sinh ra thì bụi chẳng rơi xuống. Bụi không có thì bụi chẳng bám, chẳng làm dơ hay chẳng cần phủi sạch; chẳng thêm chẳng bớt gì trong sự rỗng lặng đó cả.

Càng giữ được cái tâm có khuynh hướng về gần với tánh thường rỗng lặng, buông xả, Trí Hải càng yêu cuộc đời nầy lạ lùng. Yêu cuộc đời để sống với nó, yêu thương nó, trân trọng nó từng khắc từng giây chứ không phải cầm giữ nó như một kỷ vật hay một mơ ước; hoặc chối bỏ nó như trốn chạy nợ nần. Sự rỗng lặng mở hết mọi sự cột trói, ràng buộc. Khi mầm non không nẩy cành, sinh lá thì cũng sẽ không có cây già lá rụng. Không lo toan, không sợ hãi, không mong cầu, không suy tính và cũng chẳng cần dùng đến một mảy may nào cố gắng của thân xác, của cảm xúc, của trí óc. Trí Hải không còn cảm nhận mây bay qua nữa mà mình là mây. Mênh mông. Rỗng lặng…

Cuộc đời nầy sẽ không có; cuộc đời này sẽ chết đối với người không thật sống với nó. Chẳng có một cuộc đời nào cả khi tâm vắng bóng giữa đời. Tâm vắng bóng là khi nó bị ràng buộc bởi những vòng quấn hệ lụy làm cho nó sống thoi thóp. Cái tâm chỉ hiển lộ thật là tâm khi nó thoát ra ngoài ràng buộc, hít thở tự do. Trí Hải nhận ra rằng muốn cứu đời trước hết phải làm cho cuộc đời nầy hiện hữu với chính mình. Khi mình không thực sống cho mình thì mình cũng chẳng sống được cho ai cả. Nếu chính mình đã phủ nhận đời sống mà vẫn đòi sống cho người khác thì hoặc là bất minh, hoặc là giả dối hay tự đánh lừa chính mình. Trí Hải cảm nhận nỗi ân hận trào dâng khi nghĩ lại hơn nửa đời qua và thấy mình vô lý. Mình muốn giúp đời mà chối bỏ cuộc đời. Mình không thực sống với cuộc đời mà cứ mãi mê đi tìm những gì nằm ngoài hiện thực cuộc đời.

Cái Ta bản lai diện mục. Cụm từ ngỡ như là triết lý cao siêu nầy, thật ra, để chỉ cái tánh rất thật, rất chân phương và trong suốt nằm sâu trong ta. Nó ở ngay trong ta mà nó đi đâu chẳng thấy vì bị những cái tánh rất giả, rất dối che khuất.

Trí Hải sửa lại bài tập thở “Tám cửa vào nhà trống” thành “Tám cửa vào đời sống”. Một điệu sống dấn thân mà không chấp nhặt; hành động mà vẫn buông xả; có “có” trong không, có “không” trong có:

Thở vào không dựa Ta

Thở ra không dựa Người

Mắt nhìn không đắm sắc

Tai lắng không say thanh

Mũi thở không dính hương

Lưỡi thường mắc vị

Toàn châu thân xả hỷ

Tâm trí lặng như không.

Trí Hải không tìm cách phủ nhận đời thường, diệt ham muốn nữa. Bởi vì do ham muốn mà con người sinh ra, nên con người chuyển động và sinh tồn do động cơ ham muốn thúc đẩy. Diệt ham muốn tức là diệt cái gốc con người. Trong cái vòng tròn sinh diệt ấy, thật ra, tất cả là một chuỗi thay hình biến tướng liên tục chứ chẳng có cái mới nào sinh ra và cái cũ nào tiêu diệt cả. Trí Hải đã toan “diệt dục” bằng phương thức triệt tiêu tinh lực của bản thân mình, xả bỏ hết năng lực tình dục, đày đọa xác thịt, tiêu mòn sức sống để đuổi hết ham muốn ra khỏ thân xác mình. Nhưng làm như thế có khác gì làm công việc cố vét bùn, tát cạn một dòng sông để triệt tiêu nước nguồn, mưa lũ. Thế nhưng mưa nguồn không đến từ một dòng sông mà đến từ biển cả sau một chuỗi dài biến tướng ra đi và trở về; không một ly sinh diệt.

Sau cơn chấn động dị thường, Trí Hải trở về với cuộc đời thường quanh vùng núi rừng Kim Phụng và chùa Từ Vân. Những buổi ngồi định tâm hằng ngày, mỗi lúc một kéo dài lâu hơn. Trí Hải không đi tìm một thế giới nào an lạc hơn ngoài chính mình nên cả thân xác lẫn tâm hồn đều rất an tịnh. Không còn quay quắt, loay hoay để cố thoát ra khỏi mình, tìm đủ mọi cách xuất hồn, xả vía hay tự tán mình trong biển linh quang, Trí Hải cảm thấy thế giới nầy tĩnh lặng từ bầu trời xanh đến cành cây ngọn cỏ. Tiếng chim kêu không ríu rít, buông lung mà có gởi gắm điều gì rất ý nghĩa trong đó. Nắng, gió cùng tiếng suối Bản Lai trong sáng và dịu thoát vô cùng. Ngay cả Ba Gấm cũng trở thành một hình tượng đẹp đẽ, yêu kiều không làm gợn lên một thoáng dục tình, đục trong, ham muốn.

Khi cả tâm hồn và thể xác đều thể hiện trọn vẹn “nội dung” bên trong lẫn bên ngoài thì tất cả đều phơi trải trên dòng hiện tại, giữa phút này đây. Khi không còn một nơi trú ẩn, không còn cái hang quá khứ để trốn vào đó mà tiếc nuối hay ân hận; không có một lâu đài tương lai để sa đà vào đó mà mơ mộng vẽ vời hay lo sợ thì tâm lý con người sẽ được tự do. Tự do đích thực không phải đến từ bên ngoài mà tịnh thoát từ bên trong. Trí Hải nghĩ về những ngày qua với một cảm giác an nhiên của gã tiều phu đi nhặt những miếng củi trong rừng để bỏ vào bếp lửa đang cháy trước mắt. Trí Hải nhìn về con đường trước mặt cũng với tâm lý tự tại của gã tiều phu đang đốt than. Bếp lửa than đang đốt củi thành than. Điều nầy cũng tất nhiên như than sẽ được bán ra đổi gạo vào một lúc nào đó tại một nơi nào đó. Bếp lửa đang cháy mới thật là sự sống. Chối bỏ sự sống hiện tại là phủ nhận dòng thời gian không đứt đoạn. Bếp lửa đang cháy là sự sống; nó là gạch nối giữa quá khứ và tương lai, Trí Hải gật đầu với quá khứ và mỉm cười với tương lai, nhưng không mảy may để ý đến nó. Giữa hiện tại, Trí Hải biết có một Ba Gấm giữa đời này. Ba Gấm đã từng gắn bó với Trí Hải trong những ngày qua và sẽ gặp ông trong thời gian tới. Cái “biết” của Trí Hải trong phút hiện tại nầy là một cảm giác đứng yên và độc lập. Đấy là một cảm giác thanh thản, bình an; không chán, không ham, không gợi, không tưởng.

Nắng vàng trên cao như đang tung mình vào những tảng mây quanh đỉnh núi Kim Phụng. Rồi mây và nắng xa nhau không một chút bịn rịn, không một lời từ ly, nên không gây một tiếng động giữa cung trời.

Trời đất, con người và vạn vật có sự cảm ứng qua lại nhưng tất cả đều phải ở trong một trật tự hòa điệu, không dính mắc vào nhau, không lấn lướt tấn công và hủy diệt nhau. Cả vũ trụ trăng sao trùng trùng thăm thẳm thế kia mà vẫn muôn đời im lặng. Chỉ có thế giới ta bà nầy là ồn ào, vọng động nhất vì muôn loài đã đánh mất chân tánh. Định tâm để tìm về và tìm lại chân tánh gọi là tu.

 

 

----o0o---

 

Mục Lục| 01 | 02| 03 | 04 05| 06 | 07 | 08 |09 |10 |11 | 12 |13 |14 |15

16 | 17 | 18 | 19 | 20 |21 | 22 | 23 |24 |25 |26 |27 | 28

 

----o0o---

Nguồn: Phương trời cao rộng 20
Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 10-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

崔红元 二年级家访学生记录 Quả nho có nhiều công dụng tốt cho sức 佛教极乐世界指什么 å Žæ 村上市お墓 Vũ khí phòng chống ung thư là thể 佛教典籍的數位化結集 สวนธรรมพ นท กข Mẹo giữ tươi màu rau củ trái cây sau 积极向上的名言警句 å æžœå žå¾ 五戒十善 HoẠVĩnh Phúc Lễ giỗ Tổ sư Khương Tăng thế là đủ rồi 激安仏壇店 Tưởng niệm cố Ni trưởng khai sơn chàm 读西游记有感 åœ 多彩的活动作文六年级 Tịnh 6 tội lỗi lớn nhất mà người việt Chào người quá cố 七慢 Nụ cười Phật đản sanh bông hÓng cài áo 真言宗金毘羅権現法要 å çº å ƒ sữa hạnh nhân giàu dưỡng chất cho 五痛五燒意思 丢失菩提心的因缘 Doanh nhân làm nhà sư một tuần hiếu dưỡng cha mẹ tâm thành ç½ åˆ¹å ³ Đâu là nguyên nhân gây ra chứng khó Cái bài 1 普集餓鬼陀羅尼梵羽 太虚大师人成即佛成 是名真现实 七五三 小山 Thuốc giảm cholesterol làm tăng nguy cơ bá t æåŒ 转正申请书 Lá thư chưa dám gửi mẹ yêu å æœ æ Æ duc phat da xu su nhu the nao khi chung kien ca