...những lúc mình tự biết mình, biết người; giữa
thiện và ác được phân bày tự tâm một cách quang minh chánh đạt, vượt lên
đứng trên bản ngã cao vợi. Những lúc đó mình chính là PHẬT vậy. Nhưng
rất tiếc đó lại là những giây phút ngắn ngủi, rất ngắn; so với cả một
cuộc đời thọ nghiệp. Và đó cũng là những khoảnh khoắc ngắn ngủi không
phải cuộc đời ai cũng một lần có được…
Tác giả: Giác Đạo Dương Kinh Thành
Tôi tuy không được học hành tới nơi tới chốn, với chúng chỉ là lớp nhứt,
biết đọc, biết viết, chẳng có tí gì làm lợi ích chứng nhận cho sự “hiểu
biết” của mình. Nhưng qua quá trình lăn lộn với bạn…nhậu! Một thứ trường
đại học trên đại học, đã giúp tôi có đủ “can đảm” hiên ngang ngẩn mặt,
đối mặt với bất kỳ ai chủ trương học hoài cả đời vẫn thấy thiếu. Tôi tự
hào như thế đấy, và tôi cũng lấy đó làm phương tiện xã giao với đời một
cách khoái trá! Các bạn biết sao không? Nếu chỉ vậy thôi thì chưa đủ;
ngoài cái “chứng chỉ thất học” ấy tôi còn được trang bị hào nhoáng bằng
cái nghề thợ bạc cha truyền con nối của gia đình tôi. Tôi tự hào vì
chính tay tôi nhào nắn vo tròn, bóp méo hay làm ra bất cứ con vật nào từ
cục vàng thô kệch, và những thứ tôi làm ra dĩ nhiên nó được đeo trên tay
các bà mệnh phụ, các người đẹp lộng lẫy, những kẻ dư thừa tiền của. Nói
chung lại, nghề của tôi là phục vụ cho sự thể hiện giàu có, hay chí ít
cũng là cho kẻ có tiền. Vinh dự quá đi chứ! Nếu không thì các bạn nhìn
những kẻ nghèo khổ ắt sẽ rõ. Nghề thợ bạc muôn năm! Bản thân tôi nhờ đó
mà tăng thêm giá trị ở đời. Chưa hết, khoái nhất là trong lãnh vực giao
tiếp với người khác phái, với bọn con gái thích mode, ăn diện, bọn này
dễ câu dính hơn ai hết mà không hề tốn công sức hay dùng lời lẽ tỏ tình
trăng hoa. Nghề thợ bạc đã giúp tôi đi tắt ngỏ vắng tình yêu. Mới quen
nhau một vài ngày làm tặng nàng chiếc nhẫn; quen nhau lâu hơn chút; làm
tặng đôi bông tai…thế là chiếm ngay được trái tim nàng chứ gì! Bởi vậy,
tuy mới hai mười lăm tuổi đầu mà tôi đã có hơn hai đời vợ kèm theo danh
sách dài thòng các cô bồ dự khuyết! Đã quá đi chứ, bởi vậy Ông Bà mình
chẳng đã từng nói “lấy chồng thợ bạc vàng đeo đầy người” đó sao? À nói
đến đây tôi lại nhớ có lần tôi bị chỉnh và thách đố về ý nghĩa câu ngạn
ngữ đó. Sức mấy mà tôi thua lý lẽ họ, mặc dù họ cho rằng đó là tục ngữ
chớ không là ngạn ngữ. Họ nói rằng câu ấy được ra đời ngay trong thời kỳ
thực dân Pháp “bảo hộ” xứ An Nam ra sức vơ vét cũng như thực hiện kế
sách ngu dân hóa nước mình. Nếu nói cho đủ câu ấy thì như thế này: “Thầy
Thông, Thầy Ký, Thầy Lục, em chẳng màng. Lấy chồng thợ bạc vàng đeo đầy
người”…Xí! Biết nhiều hiểu rộng mà nghèo xác xơ như họ thì biết làm chi
? Nói cho hay, cho đủ để rồi được ai nể, ai phục mà làm phách? Đấy,
trước mắt họ nói như thế mà có được tôi nể đâu. Thế là họ đành “chịu
thua” tôi mà lặng thinh…cứng họng đấy. Điều tôi bực tức nhất ở họ thà để
cho bọn người không nắm được thoi vàng, tức tối ra sức chưởi bới nghề
thợ bạc, đàng này họ cũng chính là người cùng nghề, có người tay nghề
đáng bậc thầy tôi chứ không vừa. Họ quên rằng mình làm giàu cho người,
cho cả bản thân kể cả ra đường ai ai cũng đều buộc phải lé mắt, nhờ đó
những kẻ sống thực dụng mới hồ hởi phấn khởi hãnh tiến chứ. Đàng này, họ
còn nói tôi là con sâu làm rầu nồi canh, nghề nghiệp không làm đẹp bản
thân (nhất nghệ tinh, nhất thân vinh), bản thân phải làm đẹp cho nghề.
Họ còn nói tôi là thằng người chuyên liếm láp bụi vàng, cắt xén của
người khác để làm giàu cho mình v.v… Hứ ! Hèn chi bọn họ sống “chân
chính” quá nên cứ mãi nghèo hoài, mãi đi xe đạp cọc cạch trường kỳ.
Chính họ mới làm cho tôi hổ thẹn về nghề nghiệp chứ chẳng ai khác. Đấy,
cứ như tôi sống ung dung tung hoành ngang dọc, chẳng cần biết sợ hay
khuất phục ai. Với tay nghề “tinh xảo” (bọn nó cho tôi là Xảo-quyệt) sẵn
sàng biến một thành hai, bốn số 9 thành năm hoặc hơn cũng được, mấy đời
tam đại cụ “Ác-si-mét” có sống lại, đo lường cách mấy cũng không sao
phát hiện được. Nhờ thế tôi mới mua được tất cả, kể cả cái gọi là nhân
nghĩa lẽ phải ở đời, để bù cho thời niên thiếu đói nghèo, từng lặn ngụp
dưới rạch ao mò cua bắt cá, căn bệnh sôt rét tồn biến da mặt tôi tái
nhợt hôm nay là kết quả di chứng của thời cơ cực đáng ghét đó…
À, các bạn hỏi tôi cái thời gian đốn mạt đó hả? Khoan, để tôi uống hết
ly này rồi sẽ kể tiếp. Khà… Chà rượu đã quá ta ! Hả? Xưng mầy tao cho
bình đẳng hả? Ừa, TAO cũng chờ có vậy…
Số là giai đoạn đó bà nội tao vì thương các cô hơn nên nghe lời đuổi gia
đình ba má tao tìm đất khác mà ở. Chẳng là lúc này các cô chú tao đang
làm ăn có tiền mà. Và cần nói rõ hơn là riêng ông già tao chẳng theo
nghề thợ bạc, thích thợ mộc thôi, nên từ nhỏ không được bà nội ưa cho
lắm. Rồi làm ăn thất bát. Ông già tao xoay sở trăm phương, thiếu thêm
túng, nên lại bán đứng căn nhà vào sâu trong ruộng cạnh chùa làng cất
cái nhà lá nhỏ để ở. Tiền không có, gạo không đủ no lấy đâu mà ăn với
học nên anh em tụi tao nghỉ học. Riêng tao thì làm đủ thứ “nghề”, bất
luận mò lặn, leo trèo…miễn sao có tiền là được. Sức mấy mà tao “cho” bà
già tao, chủ yếu là để ăn chơi hay mua sắm cho chẳng thua chúng bạn, có
chăng là những lúc nhà không có thức ăn tao lặn lội xuống ao rạch mò cua
bắt ốc về cho “bả” yên lòng hầu có cái để báo cáo cho ông già tao, đừng
rầy la chưởi bới. “Ổng” với tao đâu có hợp nhãn với nhau, gặp là mạnh ai
nấy lánh cho êm chuyện. Bởi vậy tuy ở chung nhà mà quanh năm suốt tháng
tao với ổng gặp mặt nhau chẳng mấy lần. Ổng thì hay đay nghiến bà già
sao không biểu tao làm gì ra tiền phụ giúp, lêu lỏng miết. Tao nghĩ thôi
số mình trước sau gì cũng “bay” khỏi gia đình nên cóc sợ ổng, cứ lánh
mặt là thượng sách. Chừng khi có tiền nhiều về liệng trước mặt ổng bả
cho biết tài thằng này. Tao biết tính tình ông bà già tao mà, thích tiền
hơn thích tao. Và tao chờ thời cơ đó. May mắn cho tao, những đêm hết
tiền đi nhậu hay uống cà phê cùng mấy con nhỏ cùng xóm, tao hay vô ngôi
chùa gần đó chơi với mục đích ghé mắt xem có “ghẹ” nào hợp nhãn là kết
liền. Không hiểu sao cái chùa này có thanh niên nam nữ thường xuyên đi
lễ rất đông, nhưng con gái thì tuy hiền đó nhưng chẳng đứa nào dám nói
chuyện với tao. Còn cánh con trai thì càng lánh xa hơn nữa? Sao này mới
biết là họ “sợ” tao về thành tích quậy và nhất là hay đệm tiếng…Đan Mạch
! Duy chỉ có tay Tâm, anh chàng này có lẽ là đàn anh trong nhóm họ, luôn
gợi và nói chuyện với tao. Thế là tao được anh ta kết và giao du rất
thân khiến nhóm đàn em anh ta vì rất nể nên tao cũng được nể lây! Ban
đầu tao thấy anh ta cũng hay dùng tiếng “Đan Mạch” với tao, có chết ai
đâu, cũng như anh ta lắm lúc theo tao la cà nữa chứ! Vậy đó mà anh ta
chỉ yêu cầu tao có mỗi một việc là “ráng đi chùa”. Bù lại anh ta sẵn
sàng giúp đỡ tao, nếu yêu cầu. Yêu cầu quá đi chớ, ngoài việc ăn uống,
quần áo cho tao, anh ta còn vay tiền để khuyến khích tao học nghề thợ
bạc của các chú. Thế là tao có tiền mua sắm đồ nghề và thực hiện ước
vọng “làm cho ông bà già tao lé mắt”. Dĩ nhiên thời gian đó tao cũng làm
bộ theo anh ta đi lễ chùa, thậm chí may cái áo tràng để cùng đi hộ niệm
nữa chứ, lấy điểm mà ! Chớ sao nữa. Nếu anh ta “tuỳ thuận” thì tao cũng
có độc chiêu khác để …thuận tuỳ vậy! Chính bà già tao cũng lấy làm ngạc
nhiên tại sao con trai mình nhanh chóng thay đổi tính tình như vậy, lại
còn biết đi chùa nữa chứ. Không thể nào tiết lộ bí mật kế hoạch cho dù
đó là mẹ mình. Có đôi lần anh ta đến thăm bà già tao và như để bả hiểu,
anh ta nói “Chị an tâm, tui lo cho em cháu, tính khí tuổi trẻ khác
thường lắm, hơn nữa thằng này em thấy coi bộ dễ chịu phục thiện. Vì vậy
để tránh cho nó khỏi ngại ngùng, mỗi buổi sáng em vờ nhờ nó lấy báo dùm
tiện thể để cùng ăn sáng luôn”. Dĩ nhiên bà già tao cám ơn rối rít và
sau này chính câu nói đó của anh ta, bà già tao “dạy” phải lấy đó để kết
án anh ta…kể ơn! Chà, bà già tối ngày quanh quẩn xó bếp không ngờ có
“sáng kiến” coi bộ còn “thông minh” hơn tao. Đúng là bà già tao hay
thiệt, khi mọi nhu cầu tiến thân đầy đủ, tao thực hiện y lời quả đúng
anh ta cứng họng thiệt. Và thế là với nghề thợ bạc trong tay tao đi lên,
đi lên cho đến hôm nay. Còn chùa hả ? Xí ! Và cũng từ “thắng lợi” đó,
tao thực hiện kế hoạch tiếp theo là xa lìa cái nhà này như trước đây đã
định, tao nhanh chóng khăn gói ra đi. Với nghề nghiệp này trong tay tao
không sợ đói, và tay nghề cao cỡ như tao các tiệm vàng mời gọi không
ngớt. Nếu nơi nào trả lương cao ở lâu lâu, không thì mỗi nơi tao chỉ làm
chừng 2,3 tháng là bay, mặc cho chủ tiệm mời gọi khẩn khoản. Tuy vậy,
phần lớn tao thường chọn các tiệm nhỏ, làm ăn ít ít, nhất là các tay chủ
tiệm mới vào nghề buôn bán vàng… Sự có mặt nơi bàn nhậu nhà anh Tiên hôm
nay là do thằng Nhung rủ về trước là làm quen qua tiệc rượu sau đó là…
- Dô! Dô đi mày, rồi nói tiếp, Mẹ nó, lý lịch gì mà dài quá, nghe nảy
giờ rượu cũng muốn chua. Dô!
- Dô! Không chừa “long đền” à nghen.
- Chăm phần chăm! Dô!
Bọn nó không muốn đợi thêm tôi nói hết phần lý lịch trích ngang âý, cứ
hôi nhau uông hêt ba lít rượu Củ Chi nặng đô. Bọn chúng làm như rượu
tiếp xúc với không khí dễ bị Oxy hoá vậy. Dù sao tôi vẫn phải phục tùng
vì hiện tại tôi đang là khách.
- Khà! Chú em mày có thể cho biết tiếp Ông bà già có thái độ ra sao khi
chú em mầy bỏ nhà đi?
Tay Tiên này rõ đúng hàng anh chị, hiểu ý đàn em vì đó còn là điều cần
thiết trước khi cho tôi nhập môn. Tôi nhờ đó nói tiếp về ông bà già, dù
sao bọn họ cũng cần biết về điều này để phần nào hiểu sự “bạc phước” của
tôi mà mạnh dạn chấp nhận chiến hữu mới. Sau khi nốc cạn ly cối rượu
trắng từ tay anh Tiên đưa, tôi tiếp tục:
- Nhắc ổng bả thêm phiền. Ổng bả sanh tao ra nhằm cái năm Canh Tuất đáng
ghét, đó là lỗi tại hai người chớ tao có muốn ra đời như vậy đâu! Vậy đó
mà cứ chụm năm chụm bảy với mấy bà hàng xóm, than vãn và nguyền rủa tao
đủ điều này nọ. Đã vậy còn nghe lời mấy cha thầy bói nào là cái tuổi
CANH-CÔ-MỒ-QUẠ, cái chữ Canh hỏng có bền bỉ với ai hết. Lại còn quả
quyết cái tuổi Tuất của tôi là thứ lừa thầy phản bạn, bởi sách tử vi ghi
“Trai bất nhân, phá quân: THÌN-TUẤT; gái bạc tình, tham sát: DẦN-THÂN”.
Đã biết tin vậy thì đừng mong tìm kiếm tao mất công. Tao thề là một đi
không trở lại mà…
Anh Tiên cầm ly rượu vỗ vai tôi nói:
- Nhân danh chủ xị, nhân danh chủ nhà, nhân danh đàn anh. Tao hoan hô
tính khí anh hùng của chú em. Đây là ly rượu chứng nhận cho sự đầu quân
hôm nay, chú em đã là chiến hữu.
Cả bọn vỗ tay hoan hô ầm ĩ, tôi tự hào uống cạn một hơi liền. Khi buông
ly xuống cũng là lúc miếng mồi đã được tay Nháng đưa kề sẵn nơi môi, hắn
nói :
- Thưởng cho mày – Tôi hả họng nuốt gọn, hắn nói tiếp – Khoái nhất hồi
nảy mầy nói bọn nhậu chúng mình là trường đại học “chênh” đại học. Chỉ
một buổi nhậu thôi mà mình có thể thông suốt tất cả mọi lãnh vực khoa
học, xã hội, kinh tế và cả chính trị. Hí, Hí, Hí…
- Mầy nói như vậy tao thử đố mây “Ba-Lê” là thủ đô của nước nào? - Thằng
Ngọc trổ tài đi vào môn địa lý nhân văn trước. Thằng Nháng nhanh nhẩu
đáp :
- Ối ! Chuyện con nít. Ba-Ri chứ hỏng phải Ba-lê. Còn mầy hỏi thủ đô của
nước nào hả? Hứ, giỡn với tao. Ba-Ri là thủ đô của nước Ai-Cập! – Không
đợi thằng Ngọc phản ứng, nó vồ lấy cơ hội “thừa thắng xông lên” trả đũa
- Vậy tao hỏi mầy Hoa-Thịnh-Đốn là thủ đô của nước nào?
Thằng Ngọc nhanh miệng chứng tỏ tài làu thông :
- Xí! Hoa-Thịnh-Đốn là thủ đô của nước Lào! Mà nước Lào là nước chuyên
sản xuất…thuốc lào…
Thấy tình thế có chiều lấn sang lãnh vực “kinh tế”, và nhận thấy đám đàn
em bấy nhiêu đó cũng đủ thể hiện…sự thông thái. Anh Tiên lấy quyền chủ
xị và là đàn anh nghiêm nghị phán.
- Thôi thôi các cha ơi! Bây giờ hãy quay về thực tế với chiến hữu mới
gia nhập này. Tụi bây nói riết tao thấy xấu hổ…
Anh ta chưa nói hết câu đã thấy gia đình anh ta khiêng vô 3 thùng bia
Sàigòn. Hoá ra bọn họ giục uống hết nhanh để chuyển qua màn hai cảnh hai
của vở tuồng NHỮNG NGƯỜI CON NGỌC HOÀNG BIẾT ĂN NHẬU. Như vậy tốt quá đi
chứ, trúng tủ tôi nữa vì “Đô” của tôi dư sức qua cầu cả ngày. Lần đầu
tiên, cuộc hội ngộ này, tôi đã gặp được chính những người biết nhậu và
chan hoà thân thiết mà trong đời lang bạt kỳ hồ của tôi ắt được dịp học
hỏi. Những điều đó chưa bao giờ thấy và có được ngay cả với hai con vợ
cũng như ông bà già tôi ở nhà. Xem kìa! Ba má họ đều lăn xả vào phục vụ
các “con trời” ăn nhậu, râm rấp tuân phục như người hầu, người ở. Hai
thùng bia vừa mang vào đã thể hiện điều tôi nói, ba má họ sao mà hiểu ý,
biết điều đến thế! Tôi đâm ra buồn tức và thầm ghen với họ về mặt thua
thiệt này. Họ hạnh phúc quá nhỉ? Ông bà già tôi mà chứng kiến được cảnh
này chắc rằng phải nhanh chân tìm kiếm tôi về để phục vụ. Cũng như để tự
hào về một thằng con – À không, Quý Tử chứ mà ổng bả từng cho rằng hư
đốn!
- Dô! Sao ngồi thừ người đó vậy?
Lại tiếng hối thúc của anh Tiên. Anh chủ nhà này lúc nào cũng chứng tỏ
mình bản lĩnh cầm chịch cuộc nhậu. Tôi vội vã cầm ly nốc một hơi đến
cạn, với dụng ý chạy kịp theo bọn họ để cho mau qua đợt “nước mát quê
hương”, bước sang 3 thùng bia đang chực chờ quyến rũ. Nhưng khi tay tôi
vừa đặt ly cối trở về vị trí cũ, anh chàng Tiên cầm lên xâm soi, chưởi
một tiếng văng tục rồi nói:
- Đành rằng sẽ đến chầu bia, nhưng uống phải có “chình độ”. Tụi bây cứ
nóng nảy hèn gì tiếng đời không chưởi là “bợm” cũng uổng. - Rồi anh ta
xoay qua bên vách nhà nói lớn – Con Hoa đâu! (anh ta thường gọi vợ mình
như vậy). Đem đồ nhấm của bia lên, dẹp những thứ thừa mứa này qua một
bên. Còn Má, Má ơi! Má! – Bà già anh ta tất tả chạy lên hai tay còn dính
những sợi cải nồi bào mỏng – Má biểu thằng Tùng chạy qua nhà chú Hai
Hộc, mời chú qua đây!...
Cứ thế, anh ta ra lệnh đầy quyền uy, như thể lôi kéo tất cả vào cuộc
nhậu, hay nói đúng hơn là có trách nhiệm trực tiếp với cuộc nhậu thường
xuyên tại nhà, kể cả ba má anh ta. Tiếc là ông già anh ta đang đi ruộng
chưa về nên tôi chưa thể thấy anh ta sẽ phân trách nhiệm cho ông ta như
thế nào. Dù sao chỉ bấy nhiêu diễn biến từ đầu cuộc tới giờ, thử hỏi là
dân nhậu ai lại chẳng thèm được như thế. Một hồi lâu sau bà già anh ta
quay về, kề tai nói nhỏ điều gì đó khiến anh ta cười mỉm nhẹ nhưng cặp
mắt luôn dán nhìn vào tôi ráo hoảnh. Tiếp theo đó nữa thằng Tùng chạy
về, cũng tương tự như vậy và nhanh chân chạy ra sau bếp, chừng như biết
tôi bắt gặp khoảnh khắc vừa rồi anh ta vỗ vai tôi:
- Nè, Chú em mầy cứ yên chí đem đồ đạc qua nhà tao luôn đi, đừng gởi ai
hết. Cùng nghề với nhau cả mà. Hà hà…
Anh ta cười để lộ đôi răng cửa…trống huếch! Thằng Nhung nảy giờ im lặng
bỗng nhiên nói góp vào:
- Anh Tiên là đại ca của tao, tay nghề xứ này đố ai qua nổi ảnh. Tao
biết hiện nay mày kẹt vốn, lại đang thua mấy độ nên tao mới dẫn về đây,
ảnh dư sức xoay vốn cho mầy.
Chà! Tôi nghe mà tưởng như trên đời là người đại phước, vừa được gặp bạn
nhậu tâm đầu ý hợp, vừa gặp người cho giúp làm ăn, khỏi còn phải trôi
nổi lang bạt kiểu mấy thằng mới học nghề với công đoạn “phân kim, kéo
chỉ”. Tôi hăng hái chìa tay ra bắt cả hai vừa đem cho tôi sự lạc quan
đó, sau đó tuần tự bắt tay hết những “chiến hữu” có mặt trong bàn nhậu.
Thế là tôi nhờ thằng Nhung trở qua nhà chú Hai Hộc lấy hành lý và túi đồ
nghề của tôi đem qua nhờ vợ anh Tiên cất giữ. Chưa hết, anh Tiên còn thể
hiện vai trò hoàn hảo đối với đàn em, tâm lý hết ý khi hứa rằng nếu tôi
đồng ý ở lại và làm việc cho anh ta thì anh ta sẽ lo cho tôi vài “em” để
có mà “bầu bạn” với người ta. Tôi khoái chí tử bởi kinh nghiệm dạy tôi
rằng ngoài rượu-vàng ra thì “bầu bạn” là điều không thể thiếu. Tôi muốn
nhảy cỡn lên để tỏ lòng tri ân, tôi có thể từ nay sẽ cột chặt cuộc đời
nơi đây, không cần bất cứ điều kiện nào. Tôi ngất ngưởng, sung sướng
trong men say:
- Cảm ơn anh, anh là người tốt nhất mà em chưa hề gặp. Vậy chầu nhậu này
em xin bao hết, khỏi phiền gia đình anh tốn kém. Vậy kể từ ngày mai, em
xin nhận má anh làm mẹ em, ba anh là tía em, nhà anh là nhà em, vợ anh
là…
Ngay giữa lúc “cao trào” ấy bỗng con chó dưới gầm bàn phập vào gót chân
tôi nghe “sật”, đau điếng hồn! Có lẽ tôi múa máy quàng xiên mà không
biết nó có đang chờ gặm xương bên dưới bàn, vô tình đạp dẫm lên. Nhưng
vì hơi men và “sĩ diện” tôi bặm môi xem như chẳng có gì thì cũng ngay
lúc ấy anh Tiên quát lớn:
- Mầy im đi! Chưa chi đã ăn nói tầm bậy…
Rồi cũng bỗng nhiên anh bỏ dở câu nói khi thằng Nhung giở tấm trải bàn
nhìn xuống và la lên:
- Anh Tiên ơi! Nó bị con phèn cắn!
Tưởng anh ta dịu giọng đổi “ton” sang phèn, nào dè anh ta sẵn trớn:
- Hứ! Cái thứ ăn nói không đầu đuôi, chó cắn là phải!
Thằng Nhung khẩn khoản:
- Anh Tiên à! Nó bị con phèn cắn, vết cắn sâu lắm, máu ra nhiều quá. Bây
giờ muốn gì thì muốn nhưng phải lo cầm máu, lấy nọc. – Anh ta có hơi
chột dạ nhưng vẫn làm như tỉnh ra lệnh kẻ cả:
- Nhung, mầy khỏi cần lo. Mau trói gô con phèn lại, đem ra nhà sau biểu
con Hoa làm thịt, lấy máu cho nó uống là khoẻ re!
- Anh Tiên ơi! – Nhung ái ngại - Cầm máu, lấy nọc gì kỳ vậy? thưở giờ em
mới nghe. Mà lỡ con phèn này đang mắc bệnh dại thì kẻ uống máu, người ăn
thịt, ăn uống vô là điên luôn cả đám! – Nói đến đó Nhung có vẻ rưng rưng
- Hở hở cái làm thịt chó hoài vậy anh Tiên?
Anh ta tức giận chỉ thẳng mặt thằng Nhung:
- Mầy dạy đời tao đó hả! Cái thứ ếch ngồi đáy giếng! Biết gì.
Anh ta lấy lon bia giựt nút khui, tu một hơi rồi liếm mép nói tiếp - Mấy
thằng nhậu là con Ngọc-Hoàng, cung mạng rất lớn, nọc độc nào dăm xâm
nhập? Còn con phèn, nó phạm tội cắn ẩu, xử tử ngay tức khắc là đúng tội,
đúng luật…tao ban ra. Nếu con phèn có chết cũng là con thứ năm phạm cái
tội tương tự…
- Nhưng mà… - Nhung tức tối.
Anh ta đập bàn:
- Bây giờ mầy cãi tao phải không? Đứa nào…
Mỗi người nói vào một câu, chủ yếu là đồng tình với thằng Nhung, chẳng
khác nào đổ thêm dầu vào lửa khiến anh Tiên đã tức tối càng thêm tức
tối. Sau đó tiếng đập bàn, tiếng quát tháo cãi vã ầm ĩ! Lúc này chẳng ai
còn nghe ai, riêng tôi, vì mất máu quá nhiều do vết thương con phèn cắn,
ngất đi mê man tự hồi nào chẳng hay…
*
* *
Ầu ơ! Bạc chục không vay, bạc mười vội lấy
Đoạn trường trải lên trang giấy nợ người đời.
Chứ ầu ơ! Bây giờ nặng túi, mà nặng lãi chơi vơi
Ăn không dám, tiêu chẳng mạnh tay. Muốn để lên trang mà thờ…ờ.
Lạy lia lạy lịa như giả vờ chẳng ai hơn…
Buổi trưa oi nồng tiếng ai đó ru con nghe văng vẳng, và đó là lần đầu
sau bốn ngày mê man, tỉnh lại. Như vậy đã bốn ngày rồi tôi nằm đây.
Nơi tỉnh lẻ này bác sĩ hiếm hoi, huống hồ người biết chuyên khoa ngăn
ngừa và tiêm phòng chống bệnh dại. Bởi thế sau lần tỉnh đầu tiên ấy, mắt
tôi lừ đừ mở nhẹ thì đã thấy trước nhất hình ảnh vị bác sĩ…thú y! Thôi
thì cũng được, có còn hơn không. Biết đâu phước chủ may thầy và vái ông
trời con phèn nhà anh Tiên đây không mắc bệnh dại. Rất tiếc là nó đã bị
“xử tử” theo đúng cái luật gì đó của anh ta đề ra, cho nên không có điều
kiện để theo dõi, cũng như không biết cả nhà anh ta có xơi tái hết thịt
nó không! Tôi rùng mình khi nghĩ đến đó.
Mười lăm ngày sau đó nữa trôi qua trong chập chờn mê man thất thường.
Tôi bắt đầu biếng ăn và hay lên cơn sốt, có nhiều biếng chứng khả nghi
cộng vào khiến tôi vẫn nghĩ mình đã mắc bệnh dại. Mọi sự chăm sóc cần
thiết đối với một bệnh nhân dại hầu như không có, chỉ có tiếng chưởi bới
nhau giành lấy phần hưởng túi hành trang của tôi mà gia đình họ đang cất
giữ. Túi hành trang ấy tôi đã mang đi từ sự bất hiếu ở gia đình; từ sự
vong ơn bội nghĩa với thầy, bạn và những người chung quanh trước kia!
Một quãng đời thanh xuân của tôi coi như đã đến hồi “đứt bóng” khi nghe
họ cãi vã nhau thay vì chăm sóc cho tôi. Mà làm sao chăm sóc được khi
đống thịt này đã trở thành của nợ, chỉ có tống khứ đi, nhanh chừng nào
tốt chừng ấy…
Ầu ơi!...
Lại tiếng ru ban nãy vọng về! Trong tôi giờ đây hình như thức A-Lại-Da
được dịp trỗi dậy và bay là đà trên xác thịt đang chờ ngày huỷ hoại. Có
lẽ do vậy mà tôi có được sự tỉnh táo bên ngoài da thịt, không nghe đau
đớn, không cảm thấy va chạm, nhưng vẫn thấy, thấy rất rõ những diễn biến
chung quanh, và đặc biệt không còn cảm thấy sợ sệt! Hay tại do bản chất
tự hào muôn thuở là “con Ngọc-Hoàng” nên mọi đe doạ không hề nao núng?
Ôi! Với tâm trạng nầy, những ai nằm đây trong hoàn cảnh như tôi hiện giờ
mới thấu hiểu được những điều tôi vừa nói.
Vậy là tôi hoàn toàn bị mắc bệnh chó dại rồi! Tôi biết chắc điều đó khi
năm ngày tiếp theo sau vị bác sĩ thú y nọ đến lần thứ hai rồi không trở
lại nữa. Thầy chạy! Dù là bác sĩ thú y thế mà trong tôi vẫn muốn được
ông ấy rờ mó…định bệnh, một chút an ủi, ấm áp.
Trong thời gian này, thần thức của tôi làm việc cật lực khiến lúc nào
cũng tỏ ra tỉnh táo nhất. Tôi nghe những người trong nhà bàn tán với
nhau rằng nên đưa tôi liệng vào một nơi nào đó để lỡ có chết cũng rảnh
tay. Nhân đạo hơn thằng Nhung vừa ghé thăm nghe vậy bàn rằng nên đưa tôi
vào nhà thương điên của Tỉnh! Thế mà sự “nhân đạo” tối thiểu đó lẽ ra
còn rớt lại nơi một thằng người bèn bị cú đá trời giáng của thằng Tùng
con anh Tiên! Nó cho rằng “chú” Nhung điên thì có, bệnh chó cắn - ủa
quên - bệnh chó dại cắn này nhà thương điên nào chứa? Cái thằng rõ hỗn
láo, đánh cả người đáng cha chú mình, lại còn doạ sẽ tiếp tục “vớt” nếu
chen vô chuyện này. Ba má nó phát lương hằng ngày cho mọi người mà! Nó
dựa vào định luật vô địch ấy đấy, nếu không tại sao trước sự việc như
vậy ba má nó đứng chứng kiến lại tỏ ra hài lòng về hành động kịp thời,
lại thông minh của con mình? Vì vậy, thằng Nhung lủi thủi ra về không hề
dám hở môi thêm một lời nào. Chén cơm hằng ngày đang nằm trong tay người
ta mà!
Hôm sau nữa, anh Tiên đi đâu về, vừa vào đến cửa vội chạy xộc xuống nhà
bếp, nơi tôi đang nằm, oang oang:
- Mẹ nó! Của cải cái gì! Trong gói hành trang của nó toàn là vàng giả.
May mà hỏng nhờ mớ đồ nghề của nó bán thế chấp kèm theo cái thẻ căn cước
của tôi là giờ này bị người ta còng tay đưa vô nhà đá rồi. Đồ cái thứ
lường gạt, láo khoét!
Chưởi xong anh ta đá hất cái chỏng tre tôi đang nằm lật nhào, úp mặt tôi
xuống đất, mùi đất ẩm xông lên tanh tưởi.
BO..O..NG..!
Tiếng chuông chùa? Phải rồi, lâu lắm rồi tôi mới nghe lại được tiếng
chuông chùa êm đềm thanh thoát, giữa lúc này tâm hồn tôi như mát rượi.
Tôi cố ngoi tầm mắt qua khe hở các vạt tre của chiếc chõng. Ơ kìa! Trước
mắt tôi là một đống xương sọ của chó! Có lẽ nào con phèn cũng chung cùng
số phận trong đống xương sọ này? Thôi rồi! Cả gia đình họ đã ăn thịt hay
đem cho ai đó nữa rồi! Làm sao đây, làm sao nói cho họ biết và ngăn chặn
căn bệnh dại sắp sửa hoành hành? Làm sao? Làm sao?... B.. OO.NG.. ! Lại
thêm một tiếng chuông đưa vọng đến, kịp thời nhắc nhở tâm thức tôi những
riêng phần định nghiệp ở mỗi con người. Tôi chợt bình tâm lại. Thôi thì
cầu mong sao cho chóng chấm dứt hơi thở nơi xác thân đang nằm kia. Vừa
lúc đó chị Hoa cầm cây đèn dầu đi xuống tới, đưa chân phải hất nhẹ cằm
tôi trở lên, thằng Tùng cũng vừa kịp theo sau. Chị ta nói với con rằng:
-Thằng cha mầy biểu ngay đêm nay phải bỏ của nợ này vô bao bố, tìm khúc
đường cái nào vắng vẻ liệng quách cho xong. Bây giờ hơn sáu giờ chiều,
chùa trong xóm vừa công phu. Lo đi ngủ sớm đi, khi mấy ông thầy công phu
khuya tao kêu dậy.
Thằng Tùng gãi gãi đầu:
- Trời ơi! Tối nay con mắc xuống triền Ông Sáu Lục tâm sự với con nhỏ
Ngọc, nó thương con dữ lắm…
Chưa để nó nói dứt câu chị Hoa đớp cho nó cái tát nảy lửa vào mặt.
- Đồ con nít quỷ! Mới 15, 16 tuổi…
Nó cũng chẳng thua gì, vội đớp lại ngay:
- Vậy chớ ba má hồi đó lấy nhau bao nhiêu tuổi mà…
- Bà nội cha mầy! Mầy hỏi ba mầy với bà nội mầy đó…
Vừa nói, tay chị vừa lò dò tìm khúc cây kề bên định phang cho nó một
trận nhưng nó nhanh hơn, vội biến mất khi chị vừa quay lại. Vừa bực tức
cho thằng con vừa la hét mệt lả, chị ta lấy hơi thở mạnh rồi buông khúc
cây xuống ngay cạnh mặt tôi nghe cái rầm, làu nhàu:
- Con với cái! Rồi chì ta lại nhìn xuống tôi không quên nhổ nhổ khoẹt
một bãi nước bọt hôi hám trước khi bỏ đi - Hứ, ráng nằm như vậy một đêm
nay nữa đi!
Những giọt nước mắt muộn màng của tôi bây giờ mới thật sự tuôn trào, đau
lòng hơn khi chính những giọt nước mắt ấy hiện giờ là của một người mang
bệnh dại! Khó có ai tin được nó được tuôn ra tự cõi lòng tôi. Thôi, có
lẽ số phận mình sẽ được định đoạt ngay đêm nay. Ôi! Cái thể xác vô nghĩa
này sao nặng chịch những đau thương đột biến đến không ngờ. Bây giờ
ngoài trời đang mưa tí tách, những giọt mưa đầu mùa oi ả khô khan, những
hạt mưa đưa tiễn tôi đây mà! Tôi nhẩm tính…À, đã bước sang ngày thứ hai
mươi mốt. Dù cặp mắt đã đứng tròng, miệng bắt đầu cất lên những giọng
tru tréo nghe rợn người, nhưng thần thức vẫn cho phép tôi chứng kiến đầy
đủ mọi diễn biến chung quanh “Cái rừng tập trung tất bệnh” của mình. Tôi
cố gắng ngoảy đầu lại cho dễ thở thì…ơ kìa! Đống xương chó đang cử động
và đùn nhô lên như xảo thuật điện ảnh rồi từ từ biến dạng, thay vào đó
là nguyên bản thân hình con phèn đã cắn tôi mấy mươi ngày trước! Nó đang
cử động, rủ lông và rùng mình đứng lên! Tôi chưa hết ngạc nhiên thì
chính nó – con phèn đã cất lời nhỏ nhẹ kèm theo đôi mắt…biết ơn!
- Chào anh bạn! Trước hết tôi xin cảm ơn anh đã giúp tôi gián tiếp từ bỏ
nghiệp dĩ của mình. Hôm nay có thể tôi sẽ được hoá sanh để nhường vị trí
ấy lại cho anh. Chúc anh mau chóng tiêu trừ nghiệp chướng…
- Ơ khoan, ơ khoan! Hãy nghe tôi nói, phèn ơi! – Tôi khẩn khoản khi nó
định quẫy đuôi quay đầu đi. Nó nhìn lại lần nữa và ân cần hơn:
- Tôi thành thật khuyên anh bạn trong giây phút này không nên nói nhiều
anh bạn ạ, bởi tiếng nói của bạn giờ đây kẻ khác nghe được chính là
tiếng tru của tôi đó. Thôi, chào bạn.
- Anh ban! Phèn ơi!...phèn ơi…
Tôi kêu gào tuyệt vọng đến khi bóng con phèn không còn thấy nữa. Cả nhà
anh Tiên đều thức giấc, người cầm đèn, kẻ cầm gậy xồng xộc chạy xuống
nhà bếp. Chị Hoa bực bội:
- Bà nội cha nó! Hồi hổm biểu thằng Tùng đem liệng phức cái cho rồi, để
nửa đêm nửa hôm tru tréo như vầy nghe mà lạnh tóc gáy hà. - Rồi chị kêu
lớn – Tùng ơi Tùng!
- Nó đi tò tí với con bồ nó chưa về - Anh Tiên vừa ngái ngủ vừa trả lời.
Chị Hoa bực thêm tức:
- Bây giờ hỏng ấy anh qua nhà thằng Nhung dựng đầu nó dậy, biểu nó lôi
cái thây này đi đâu đó cho khuất mắt.
Đúng là con phèn nói có lý. Tiếng nói của tôi bây giờ là tiếng tru tréo,
gây tai hoạ sớm cho tôi, cho dù không muộn, trước sau gì tôi cũng chết!
Tôi không dám hở môi nữa, vì biết đâu trong cơn bực bội họ chẳng bổ cho
tôi một khúc cây vào đầu, càng chết đau điếng hơn! Tôi chỉ còn biết van
xin bằng ánh mắt cứng đờ, ngây dại rằng hãy thương tình cố nán đợi thêm
vài hôm, khi nào cơn co giật cúi cùng kêt liễu. Hay ít ra mong họ chờ
cho đến sáng, dứt tạnh cơn mưa đêm đầu mùa đang hâm hấp báo hiệu những
điều không may cho một kẻ cô thân viễn xứ… Những ước muốn nhỏ nhen, rất
tầm thương, kể cả cái trở mình hiện nay đối với tôi sao mà lớn lao, to
tát và khó khăn vô vàn. Phải đâu tôi không còn biết thương-yêu-thù-giận
hoặc lý trí tê liệt. Tôi chợt nhớ những cái mà tôi từng tự hào cho rằng
người ta “cứng họng” thua tôi trong mọi đối kháng trước kia. Nhưng người
ta còn có vị trí, còn có cơ hội sống trong ánh hào quang của lẽ phải.
Còn tôi đã tuyệt lộ cùng đồ! Tôi lại chợt nhớ lại những cô bác ngày xưa
từng khuyên tôi sửa đổi tâm tính và thường xuyên đi chùa đọc kinh, nghe
giảng, chừng sau này có muốn cũng không được. Tôi cho rằng đi chùa hễ
muốn là bước tới nơi, làm gì đi không được? Còn đọc kinh thì cứ giở
trang sách ra đã có chữ đọc, dễ dàng quá! Vâng, dễ dàng như ý nghĩ là
thế. Nhưng mà hỡi ôi! Giờ đây nghe tiếng chuông chùa, muốn mấp máy đôi
câu niệm Phật và muốn đưa hai cánh tay lên chắp búp hoa sen thôi…nào
phải dễ dang! Nếu tôi cất tiếng đọc? hay nếu tôi chắp tay được thì đó
cũng chỉ là tiếng tru tréo và quynh tay quynh chân khiến thiên hạ lo sợ
mà thôi. Làm sao họ biết được trong tôi hiện giờ đang có những suy tư
ấy, những suy tư lạ lẫm nhưng chính chắn nhất mà thuở nhỏ tới giờ tôi
chưa lần…động não! Tôi muốn niệm Phật, muốn chắp tay để sám hối, hoàn
toàn bất lực. Nào có phải lội suối băng đèo, xuyên rừng hay xuống biển,
thế mà tại sao tôi chẳng thể chủ động được và đi qua được? Những điều
khi còn đầy đủ sức lực mình luôn ỷ lại hoặc đôi khi kích bác. Giờ đây,
hình ảnh các anh chị Tâm, Tài, Hậu, Nga, Dũng, Minh, Quý, Nghĩa, Tú
v.v…ngày xưa từng dẫn tôi len lõi vào các xóm nghèo, nơi thị tứ phồn hoa
đọc những lời kinh hộ niệm cho các gia đình, dù lúc ấy ý thức tự giác
còn nằm dưới mưu đồ toan tính của tôi, và chỉ là ham vui, trêu chọc nữ
giới… Nó như đang chập chờn lơ lửng giống một cảnh giới an lành nào đó,
ẩn hiện man mác trong tôi. Làm sao tôi có thể còn dịp nào nữa để trở lài
cùng anh chị ấy như thuở ban đầu. Tuy vậy, nhờ những lần đi hộ niệm ấy,
nhất là với những nơi có người đang hấp hối; ít nhiều tôi cũng cảm nhận
được ý nghĩa của Sinh Tử Luân Hồi mà ranh giới là một xác xuất khó có
thể nhìn thấy được. Và cũng qua đó, tôi được biết với những người hấp
hối, người ta sẽ chẳng thấy hoặc cần gì ngoài vọng niệm đến chư Phật.
Tiền tài, của cải, gia quyến, kể cả xác thân trở nên vô nghĩa trong lúc
này… Đó là những gia sản bằng vàng bằng bạc đã một lần tôi sờ mó được
nhưng không biết nắm giữ để vuột mất khỏi tay, không nhìn lại được lần
thứ hai. Xin cảm ơn các anh chị, những người tốt chung quanh đã cho tôi
cơ hội bằng vàng đó, nếu nay mai tôi có đi rồi vẫn xin các anh chị cứ
nghĩ rằng tôi luôn mang theo những ý niệm tốt lành này và xin cầu chúc,
hồi hướng công đức ấy đến với anh chị…!
RỘT, ROẸT, RẦM, R.. ẦM..!
Họ đã đến, những âm thanh đáng ghét đó là tiếng phản hồi của chuỗi hành
động lục soạn cây gậy, bao bố để đẩy thân xác tôi trở ngửa và cho vào
bao chuẩn bị đem đi…
- Ngày mai có ai hỏi, nói nó bị chó cắn chết, trước khi đến nhà tao. Chỉ
vậy thôi. Phần mầy, tao cho mầy nghỉ đi giao hàng một ngày, nhưng cho ăn
lương ba ngày. Nè, tao đưa trước cho phân nửa…
Tay Tiên ra lệnh cho thằng Nhung và chi tiền cho nó, tôi không biết bao
nhiêu nhưng thấy cả một xấp dày cộm. Như vậy trên đường đi nảy giờ họ đã
toan tính cặn kẽ sẽ liệng tôi nơi đâu vừa kín đáo vừa bặt tông tích.
Thằng Nhung vẫn như muôn thuở, im lặng hành động theo lời căn dặn của
tay Tiên. Nó xốc tôi lên vai – lúc này đã gọn nằm trong bao bố - và đi
bằng cửa sau. Từ xa vẫn nghe tiếng vợ chông anh Tiên cự cãi rồi lại cười
nói hô hố. Đây là những lời cuối cùng tôi nghe được từ họ:
- Mẹ bà nó! Cái con phèn, tại nó mà mình mất tay thợ bạc thuộc hàng cao
thủ “chế tác”, có thể giúp mình đánh quả mấy kẻ dư tiền ăn diện. Cơ hội
làm ăn to bị gãy đổ, tiếc quá! – Anh chồng nói.
- Ối! Tiếc gì cái con phèn, nuôi chó thì phải bắt nó giữ nhà, sủa ban
đêm, chứ ai lại sủa ban ngày lại còn cắn người khác làm mình phiền luỵ
hàng tháng trời. May mà anh cho giết nó để thủ tiêu chớ không rồi đây
tai hoạ còn đổ ập vào gia đình mình nữa. – Bà vợ đắc ý thêm vào. Anh
Tiên thở ra như để trút hết bao phiền luỵ thời gian qua đã không lợi lại
còn suýt tai bay hoạ gởi, nói:
- Dù sao cũng cám ơn con phèn. Không nhờ nó thì biết có bảo đảm cái
thằng này sẽ trung thành với mình như lý lịch nó kể nghe đầy giọng quẹt
mỏ, phủi đít quá! mớ đồ nghề trong hành trang nó đó, toàn là giả
dối…Mình thì – Anh ta hơi mỉm cười – kín đáo hơn, “sâu sắc” hơn, ai như
nó…
{
Thằng Nhung đặt nhẹ thân xác tôi xuống một bờ dốc nào đó để thở lấy hơi.
Có lẽ đã đi khá xa, xa cái căn nhà đầy mưu ma chước quỷ nọ mà nếu không
bị “chó cắn” còn sống chắc tôi sẽ là một trợ thủ tầm cỡ góp phần vào đội
quân lường gạt. Mưa lúc này cũng bớt nặng hạt, mùi đất nóng hực lên nghe
nồng nặc bởi cơn mưa đầu mùa. Thằng Nhung thều thào trong tiếng thở:
- Mầy nằm đây, chờ tao chút xíu, tao chạy vô xóm tìm xem có manh chiếu
rách hay cái mền cũ nào đó, quấn mầy lại cho đàng hoàng. Tao đây còn
lạnh huống hồ…
- Nói xong, nó chạy đi rất nhanh và không quên phủ tấm nylong mà nãy giờ
nó dùng làm áo mưa, lên người tôi. Tôi cảm nhận được tấm lòng của nó qua
câu nói và nghĩa cử này, mặc dù nó những ngỡ rằng tôi như vậy đã chết,
cũng như nó nói không biết rằng tôi có nghe được không. Nó nói như thuở
còn ngồi nhậu với nhau vậy, có lẽ trong nó tôi vẫn sống. Cái thứ tình
người cỏn con ở một góc nào đó của trái tim.
Điều không ngờ xảy ra là chỗ thằng Nhung vừa để tôi nằm cách đó không xa
là nơi thằng Tùng và con nhỏ Ngọc đang ngồi tò tí tâm sự! Từ đầu hôm cho
đến giờ này không hiểu hai đứa nhỏ này đã nói những gì không biết, nhưng
lúc tôi thoáng nghe được nhờ làn gió đưa lại là những câu, những lời thô
tục thằng Tùng dành cho ba má nó, sau đó là những toan tính của kế hoạch
nó dẫn con Ngọc bỏ nhà ra đi tìm xây tổ uyên ương… Trời ơi! Làm sao tôi
có thể ngăn cản hay ít ra khuyên lơ nó trước những điều manh động ấy,
bởi đó là bản sao photocopy của cuộc đời tôi khi xưa mà hậu quả mức đến
là thảm trạng này đây! Làm sao để khi chân lý, lẽ phải ở đời mình vừa
thẩm thấu bằng cả sinh mạng được truyền trao cho người khác, giúp họ
chuyển hoá và rút ngắn bớt con đường mình đi qua? Phải chi tôi còn là
một con người như bao con người lành mạnh khác, nói năng, đi đứng bình
thường… Ôi chân lý sao mà nhiêu khê truyền thụ đến vậy? !... Nhưng ô
kìa! Tai tôi lại vừa nghe tiếng thằng Tùng khoe với con bồ nó rằng hồi
chiều nhà ở xóm dưới có đập chết một con chó cắn ai đó nữa rồi đem cho
nhà ông Hai Thành, ông ta xào nấu đủ thứ và bày cuộc mời cả xóm, trong
đó nó là chủ chốt trong việc chế biến các món từ thịt chó! Vì vậy nó
đang cảm thấy khó tiêu mà từ đầu hôm ngồi nói chuyện tới giờ thỉnh
thoảng nó kêu đau không ít! Thôi rồi! như vậy không kịp nữa rồi, nó, ông
Hai Thành và cả xóm… Tôi la lên: Đừng! Đừng!... Nhưng tôi quên bẵng đi
tiếng la của mình lại là tiếng tru tréo giữa bụi lùm đêm khuya vắng
lặng, khiến đôi tình nhân non choẹt kia sợ hú vía chạy thục mạng.
Ai khôn, ai dại, hai chữ dại khôn
Kéo nhau cả phồn đi học chữ ngu,
Đèn hết dầu, tim bất lụn nên mới lu
Chữ khôn không kịp châm dầu, tiếp hơi!
{
Ngày thứ một trăm, Bàn tay vị Hoà Thượng trụ trì rất nhiều lần vuốt nhẹ
vừng trán lấm tấm mồ hôi của tôi. Không biết Ngài ngồi niệm Phật bên
thân xác tôi đã bao ngày rồi nhưng ba ngày nay lúc nào mở mắt tôi đã
thấy Ngài ngồi đó. Lúc này cơn co giật không thể kềm chế được nữa và
nước dãi từ hai bên mép cứ chực trào liên tục. Ngày cuối cùng rồi đây!
Thỉnh thoảng vị Hoà Thượng còn đưa mắt dõi ra phía cổng tam quan xa tít
ngoài đầu lộ có nhiều vết bùn lầy lội, như để mong ngóng ai.
Hơn hai tháng qua tôi được đưa về đây nhờ lòng trắc ẩn từ bi của những
người Phật tử đi buôn bán sớm. Họ phát hiện tôi nằm cạnh xác chết tím
bầm của thằng Nhung. Nó bị rắn độc căn chết trên đường đi tìm manh chiếu
rách đắp cho tôi khuya hôm ấy. Vậy mà nó cũng ráng chạy, rồi bò, lết về
đến gần chỗ tôi nằm, trên tay còn ôm chặt nửa mảnh chiếu tả tơi! Hoà
Thượng trụ trì nhiều lần răng dạy chúng điệu và Phật tử có nhắc đến chi
tiết này và kết luận: Khi nghiệp dĩ đổ ào vào thân phận, đến người ân
cuối cùng cũng không giúp gì được. Ngài còn đem sự kiện của tôi liên
tưởng đến những lời kinh gần nhất, dễ dàng đọc nhất và được phần đông
Phật tử thuộc làu nhất: Đó là kinh Báo Phụ Mẫu Ân Kinh. Trong đó có
những câu khi đọc lên, Tăng chúng và Phật tử ai cũng thương cảm nhìn vào
thể xác co quắp của tôi…
Sanh con bất hiếu phải mang tiếng đời…
Bỏ bạn lành theo cùng chúng dữ…
Làm sự trái ngang…
Nghe lời dụ dỗ quân hoang
Bỏ cha bỏ mẹ trốn sang quê người..
…Bỏ thân ngoài đồng.
…
Những lời kinh không rắc rối biện chứng, dễ nghe, dễ thuộc nhưng có ai
dễ làm được đâu! Hoá ra Hoà Thượng gởi chút hy vọng mỏng manh chờ thân
nhân tôi đến, một hy vọng của bậc thềm tuyệt vọng, bởi giấy tờ tuỳ thân
tôi không có, do muốn giữ kín tông tích nhân thân trong việc làm ăn gần
như lường gạt trước đây. Nói thì toàn là tru tréo, làm sao biết được
thêm những gì nơi tôi!
Những Ân-Oán, Vay-Trả rồi Trả-Vay…đã hiện bày qua đoạn đời ngắn tôi hiện
tại, trước khi giã từ một mẫu đời khốn đốn. Đó là việc thằng Nhung thay
vì liệng tôi xuống con rạch gần đó hoặc đặt vào ổ kiến lửa, hang rắn
độc, vẫn biết rằng nó phải tuân lệnh chủ bằng mọi cách tống khứ tôi, lại
cố ý đặt giữa đường để cầu mong một sự nhân từ chuyển tiếp nào đó, hay
ít ra không muốn tự tay trực tiếp giết chết tôi bằng cách nào đó? Bởi vì
đồng tiền của tay Tiên bỏ ra là thứ đồng tiền trả công và hàm chứa bao
nộc độc; còn trước kia, trong những lần môi giới cho công việc làm ăn
của tay Tiên, Nhung đã gặp tôi, đã từng túng quẫn mỗi lần tay Tiên trừ
hoặc “phạt” nó do sơ sẩy (anh ta cho nó là Ngu), tôi đã giúp đỡ nó vượt
qua những lần ấy. Dù không gọi là trả nghĩa đi nữa, thằng Nhung thừa
biết trách nhiệm của mình do giới thiệu, môi giới tôi về đây mới ra nông
nỗi. Nó nông cạn nghĩ rằng khi đưa tôi về đây chỉ vì muốn tôi dừng bước
chân lang bạt kỳ hồ… Những điều ấy đơn cử cho nét vi tế, vi trần của
nhân quả bào ứng. Còn sự việc tôi đang được nằm đây, được vị Hoà Thượng
cao cả trực tiếp chăm sóc, hằng đêm được nghe kinh…chính là nhờ phước
báu ngày xưa đi lặn lội hộ niệm với các anh chị Phật tử quê nhà…và nhiều
điều nữa…khi tôi đã nhận ra cũng là lúc tôi sắp sửa không còn! Bởi vậy
hằng đêm nằm đây nghe kinh, nhìn những em bé mẹ đến chùa ê a đọc kinh và
lễ Phật, tôi cảm phục họ vô cùng, thầm ghen tỵ với họ vì họ có nhiều may
mắn hơn tôi. Tôi thầm mong sao mai đây họ đừng để như tôi, một mẫu đời
vô phước, khi đạo đã được trao tận tay lại phủi đi. Tất cả chỉ vì tham
vọng và thực dụng để hôm nay cay đắng dù một phân vàng, một hạt ngọc quý
giá nào để tận tay cũng không sao nắm lấy, thậm chí có một cảm giác
được.
Dẫu sao, Do chủng giống Bồ đề đã một lần được hé nụ, mặc dù không còn
được dịp vươn lên, nhưng trước cơn co giật liên hồi, nước dãi nhỏ dài,
cặp mắt trắng dã, tất cả đã không làm cho thần thức tôi chùng bước định
tỉnh. Nhờ đó tôi không lâm vào tình thế Hốt Nhiên Thọ Sanh, tôi sẽ được
thoát sanh về một cảnh giới nhất định, vừa vặn của tạo tác để thọ nghiệp
bản thân, để hoá sanh, dù Thai-Noãn-Thấp sanh, với hành trang dẫy đầy
một đời tạo tác, nhờ chủng giống Bồ đề ấy, ít ra tôi cũng đoán được sẽ
đoạ vào cảnh giới nào rồi. Tất cả quá khứ, tương lai đang bắt đầu được
quyết định.
Kìa! Thân xác tôi chợt uốn mình ghê rợn, kèm theo tiếng tru dài não
lòng. Hai tay bắt đầu buông thòng xuống mặt giường nghe rất mạnh; kế
tiếp đó lưng tôi từ từ ngay thẳng trả về vị trí tương song với mặt
giường! Tôi đã dứt nghiệp.
Diễm phúc sao trong phút cuối trong một đời kẻ vô nghì như tôi với quá
nhiều tội lỗi lại được Hoà Thượng trụ trì ngồi niệm hồng danh Phật tiếp
dẫn. Các Tăng chúng trong chùa và một vài vị Phật tử có mặt đã bắt đầu
công việc tẩn liệm cho tôi, tẩn liệm một quá khứ tiền kiếp đen tối.
Thần thức tôi lui dần về sinh ấm, trạng thái trung hoà. Sự im lặng từ
đây bắt đầu nơi ý nghĩa đó. Một tiền kiếp qua rồi.