•
Bước Ði Của Thiên Thần
•
Cây Đa Chùa Cũ
•
Dâu Trăm Họ
•
Ðường Lên Núi Linh
•
Giấc Mộng Đầu
•
Nghề Ðuổi Qụa
•
Những Ván Cờ
•
Người Quét Chợ
•
Pháp Sư Tí Hon
•
Quét Lá
•
Sân Ngoài Còn Lá |
Truyện Ngắn Phật Giáo
Pháp Sư Tí Hon
Vĩnh Hảo
______________________________________________________________________________
Ở chùa đôi khi cũng có người đi tu vì hoàn cảnh cưỡng ép. Có kẻ đi tu vì
nhà quá nghèo không đủ cơm gạo ăn; có kẻ đi tu vì mồ côi cha mẹ; có kẻ
đi tu vì bị gia đình bạc đãi; có kẻ đi tu vì thất tình; có kẻ đi tu để
trốn quân dịch; có kẻ đi tu vì chán ngán cõi đời phiền lụy, muốn tìm chỗ
yên tĩnh để trốn chạy cuộc đời. Những nguyên cớ đi tu như vậy đều bị coi
là không chân chính. Tuy vậy, cửa chùa luôn luôn mở rộng để đón nhận tất
cả những con người đau khổ, dù họ đến với mục đích chân chính hay không
chân chính. Trăm sông dù trong dù đục cũng không làm hao mòn gì cái
lượng bao la của biển được.
Chú Hòa là một trong những kẻ đi tu vì hoàn cảnh. Hoàn cảnh của chú bi
thảm lắm, cho nên khi mẹ chú đem gửi chú ở chùa, thầy trụ trì nhận lời
ngay; mà chú cũng vậy, cảm thấy thích ở chùa hơn là theo mẹ đi lang
thang, sống nhờ bà con hết nhà này sang nhà khác. Chú nhớ rằng nhà chú
trước kia cũng to lớn rộng rãi lắm. Có sân có vườn, có nhiều cây ăn
trái, có chú Hải làm vườn, có chị Tám giúp việc, bác Cần tài xế v.v...
Dinh cơ đồ sộ của ba chú là một trong những ngôi nhà danh tiếng của
vùng. Không biết ba chú có làm việc gì cho chính quyền không. Chú chỉ
nhớ là mỗi sáng bác Cần lái chiếc xe hơi màu đen đưa ba chú đi làm ở đâu
đó, chiều mới về đến nhà. Thỉnh thoảng có vài ông lính, hay mấy ông cảnh
sát đến nhà nói chuyện gì với ba chú mà trông họ có vẻ trọng vọng ba chú
dữ lắm.
Đùng một cái, đêm đó chú bừng thức dậy, nghe nhiều tiếng súng nổ quanh
nhà. Một hồi lâu có nhiều người vào nhà chú la hét om sòm và cuối cùng,
họ bắt trói ba chú lại, dẫn đi đâu không biết. Mẹ chú lăn lộn khóc dưới
đất. Chú chỉ biết ngồi ôm mẹ mà khóc theo thôi. "Mẹ ơi, đừng khóc nữa
mẹ." Cho đến sáng mà mẹ chú vẫn cứ ngồi thẫn thờ dưới đất nhìn chăm chăm
ra đầu ngõ. Chị Tám giúp việc cho nhà chú nói rằng đêm qua người ta lấy
thóc gạo, thức ăn, đồ dùng trong kho, đem đi đâu hết rồi. Lính ở đâu kéo
tới nhà chú đông lắm. Rồi họ nói là sẽ đi kiếm ba chú về. Nhưng mẹ chú,
và chú nữa, chờ hoài chờ hoài mà chẳng thấy ba về bao giờ. Bỗng nhiên
một đêm nọ, chú bừng thức dậy thấy mẹ cõng mình chạy. Nhà cửa trong xóm
sao mà cháy dữ dội. Đạn bom ở đâu mà nổ long trời. Nhiều người cũng kéo
nhau chạy như mẹ con chú vậy. Và từ đó, mẹ không cõng chú về nhà nữa. Và
cũng từ đó, mẹ có vẻ như không còn chờ đợi ba về nữa. Mẹ nói ba đi luôn
rồi. Chú không biết đi luôn là đi đâu.
Mẹ con chú lên xe xuống xe, đi đâu xa lắm. Chú đói khát cứ khóc hoài và
mẹ đành đi xin cơm cho chú ăn suốt dọc đường. Mẹ đưa chú đến thành phố
mà mẹ nói là có nhà bà ngoại ở đó. Nhưng bà ngoại chú dọn đi đâu rồi, mẹ
không tìm được địa chỉ. Mẹ đành đi lang thang và cuối cùng mẹ đem chú
gửi vào chùa.
Ngày vào chùa, chú vui vì có được mấy chú tiểu ngang lứa khác làm bạn
nên quên rằng mẹ đã bỏ đi từ sáng. Đến chiều tối, sau khi ăn chú mới sực
nhớ đến mẹ rồi chú ngồi khóc hu hu. Thầy trụ trì đang tụng kinh nên
không ai dỗ dành chú cả. Mấy chú tiểu khác cứ ngồi trố mắt ra mà ngó chú
thôi. Chú khóc nghe thảm thiết lắm. Và đây là lần đầu tiên chú khóc mà
không có sự vỗ về an ủi của mẹ. Chú cảm thấy hình bóng mẹ lúc này thật
cần thiết, cần thiết hơn tất cả những gì hiện có chung quanh chú. Chú
thấy không cần thiết phải ở chùa như thế này. Chú muốn mẹ quay trở lại,
mang chú đi, dù là đi lang thang bất định, đói khát. Càng nghĩ đến mẹ
chú càng khóc rống lên. Khóc thật lâu, thật mệt rồi, chú mới chịu im và
ngồi ì ra đó mà thút thít. Một chú tiểu đến cầm tay chú, nói hoài một
câu dỗ dành, chẳng thêm chẳng bớt một chữ: "Nín đi, đừng khóc nữa." Dù
vậy, chú cũng thấy đỡ tủi đôi chút, còn hơn là chẳng ai an ủi lời nào.
Đến khi thầy tụng kinh xuống, chú bỗng dưng lại khóc to lên như trước.
Thầy vào phòng giải y hậu xong là quay trở ra ngay, hỏi liền:
"Sao? Sao mà khóc trời sầu đất thảm vậy, hở con?"
Chú không nói gì, thấy có thầy lưu tâm là chú khóc nhiều hơn, nước mắt
nước mũi tuôn ra không kềm lại được. Thầy xoa xoa đầu chú, dỗ dành:
"Nín đi con, mai mốt mẹ con sẽ trở lại mà."
Đó là câu an ủi mà chú đang chờ đợi. Chú nín khe, quẹt mũi một cái rồi
hỏi thầy:
"Mẹ con nói như vậy hở?"
"Ừ, sẽ trở lại. Con đừng có khóc mấy chú cười cho. Mấy chú đó cũng như
con, đâu có ba má bên cạnh mà có khóc tiếng nào đâu. Đi tu thì phải hùng
dũng lên, nhất là mình con trai nữa, chẳng nên khóc như mấy đứa con gái,
nghe chưa?"
Thầy nói chưa hết câu là chú giật mình nhìn lại mấy chú tiểu kia. Chuyện
đơn giản vậy mà chú không để ý, bây giờ mới thấy quê quê. Không nên khóc
như vậy, chẳng anh hùng chút nào. Chú không thể chịu thua mấy chú tiểu
kia được. Chú lấy vạt áo lau nước mắt, nín luôn. Từ đó, chú học theo các
chú tiểu khác: dõng mãnh, cứng rắn, dẹp bỏ những đòi hỏi thường tình của
một đứa con nít, không khóc, không thắc mắc chừng nào mẹ đến, chỉ lo học
kinh, tụng kinh, quét sân, quét chánh điện v.v... làm tất cả những công
việc mà những chú tiểu khác làm. Tuy vậy, trong thâm tâm, chú vẫn mong
mẹ đến, không phải là để mang chú đi nữa, nhưng để chú bớt nhớ mẹ mà
thôi.
*
Chú Hòa là một đứa trẻ thông minh và có thể nói là "có căn tu." Vài
người Phật tử thường lui tới chùa đã nói như vậy. Sự tiến bộ rất nhanh
của chú trong việc học kinh và giáo lý khiến thầy hài lòng và có khi tấm
tắc khen với vài đạo hữu khác. Chú đến sau mà thuộc kinh, giỏi giáo lý
hơn những chú tiểu đến trước. Do đó, chỉ trong vòng một tháng là chú đã
được thầy xuống tóc cho, chừa lại một cái chỏm ở trước. Cho đến lúc chú
xuống tóc để trở thành một chú tiểu, mẹ chú vẫn không thấy trở lại. Dù
sao, chú cũng dần dần quen thuộc với cảnh chùa rồi. Nơi đây, chốn tu
hành thanh đạm, chú cũng tìm thấy những thú vui thích hợp cùng các chú
tiểu ngang lứa. Chú không thấy khổ; chỉ thỉnh thoảng thấy nhớ mẹ và
trông mẹ đến thăm mình—không phải để cứu mình ra khỏi cái chốn thiền môn
ảm đạm buồn tẻ mà chú cảm thấy ngay lúc mới bước vào, mà để ôm mẹ, khoe
với mẹ rằng mình đã cạo tóc và trở thành một chú tiểu ngoan.
Quả vậy, chú là một chú tiểu ngoan, dễ thương, học giỏi, được thầy lưu
tâm và hài lòng lắm. Đặc biệt nhất là chú có thể nhớ rất kỹ những lời
thầy giảng dạy cho các Phật tử vào các buổi thuyết pháp vào mồng một và
ngày rằm mỗi tháng. Ký ức của chú rất tốt. Có thể nói là đầu óc chú như
một cuốn băng thâu lại rất chính xác những âm thanh nào mà chú để ý. Cho
nên, sau khi thầy giảng xong, chú có thể nói lại y trang những lời của
thầy. Một vài Phật tử biết vậy nên lâu lâu lại nhờ chú "tụng" cho nghe
lời giảng của thầy thay vì họ phải đến nhờ thầy giảng lại. Có một hôm,
đi ngang phòng của các chú tiểu, thầy nghe chú nói lại những lời của
mình giảng, thầy giật mình. Thầy nói khi xưa thời đức Phật còn ở đời,
cũng có một đệ tử lớn của Phật tên là A Nan có trí nhớ khủng khiếp lắm:
bao nhiêu lời giảng của Phật, A Nan đều nhớ hết. Không những chỉ nhớ lời
giảng, A Nan còn nhớ cả nơi chốn, thời gian, và những ai tham dự thời
thuyết giảng của Phật nữa. Nhờ vậy mà sau khi đức Phật nhập Niết-bàn,
giáo hội mới suy cử A Nan đọc lại tất cả những gì Phật giảng dạy trong
suốt 45 năm để ghi chép thành kinh điển lưu lại cho nhân gian. Nhưng
thầy cũng nói thêm, A Nan chỉ nhớ mà không thực hành cho nên mãi đến khi
ngài Ca Diếp triệu tập 500 vị Thánh tăng lại để kết tập kinh điển thì A
Nan vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để tham dự. Khi A Nan bước vào hội trường,
ngài Ca Diếp chận lại, nói khích một câu: "Nếu ông có thể đi xuyên qua
cánh cửa này thì cứ việc," rồi đóng cửa lại. A Nan chịu thua vì chưa
chứng được quả vị A La Hán để có thể đi xuyên qua vách qua cửa. A Nan
liền quày quả tìm chỗ thanh vắng để tham thiền nhập định và chỉ trong
vòng nửa ngày sau, A Nan chứng được Thánh quả A La Hán, vận thần thông
đi xuyên qua cửa hội trường, bước thẳng lên pháp tọa và thay mặt tăng
đoàn tuyên đọc lại kinh tạng của Phật giáo.
Nghe thầy kể chuyện ngài A Nan chú cũng hiểu được rằng có lẽ thầy không
có ý chê trách gì chú đâu. Thầy chỉ muốn nhắc chú là phải thực hành,
phải tu theo những gì mà mình nghe được, học được. Thầy dạy gì chú cũng
siêng năng thực hành, chỗ nào không hiểu chú liền thỉnh ý thầy, xin thầy
giải thích. Chú đã thông minh, hiếu học lại ngoan ngoãn như vậy bảo sao
thầy không thương không quí. Ngay cả các chú tiểu trong chùa, dù sức học
thua kém chú thấy rõ nhưng cũng không đem lòng ganh ghét đố k là vì chú
không kiêu hãnh tự cao tự đại. Chú luôn vui vẻ và hết lòng giải thích
cho bạn những gì mình hiểu.
Có lần thầy đi vắng ba ngày để đi họp đại hội Phật giáo tại Sài Gòn. Các
Phật tử đến chùa tụng kinh thấy vắng bóng thầy bèn mời chú Hòa lên
thuyết pháp. Họ nài nỉ quá nên cuối cùng chú cũng đứng ra giảng pháp
ngay tại chánh điện chùa. Chú giảng y như thầy đã giảng, một đề tài mà
không ai có thể ngờ được rằng một chú bé 10 tuổi như chú có thể nhớ chứ
chưa nói là hiểu để mà "thuật" lại cho mọi người nghe. Xong buổi giảng,
Phật tử vỗ tay hoan nghênh quá sức. Có người còn chụp hình, thâu băng để
đem khoe lại với thầy nữa. Lúc về, thầy nghe kể lại, nửa vui nửa lo, bèn
gọi riêng chú vào phòng. Đó là lần đầu tiên hai thầy trò tâm sự với nhau
thân mật. Thầy xoa đầu chú hỏi:
"Lâu nay con có nhớ mẹ không?"
Chú buồn buồn đáp:
"Dạ... có."
"Có lẽ mẹ con đi tìm bà ngoại con chưa ra. Và mẹ con đang đi kiếm việc
làm, dành dụm để nuôi con. Con đừng oán trách mẹ con nhé. Mẹ nào cũng
thương con hết. Nhất là mẹ con, chỉ có mình con thì bà thương con vô
cùng. Thầy nghĩ có lẽ bà đang bận làm việc ở đâu đó chưa có thể xin nghỉ
để đến thăm con."
Chú Hòa rơm rớm nước mắt:
"Con nhớ mẹ, nhưng con học kinh, tụng kinh để khỏi nhớ. Con cũng thường
cầu nguyện cho mẹ bình an để mẹ mau đến thăm con."
"Mẹ con sẽ đến mà. Con rán học, rán tu đi. Mẹ con biết con tu học giỏi
thì bà cũng vui mừng. À, thầy hỏi thiệt con điều này nghe..."
Chú Hòa ngước mắt lên nhìn thầy, chờ đợi:
"Dạ, thỉnh thầy..."
Thầy im một lúc, rồi mới hỏi:
"Nếu mẹ con trở lại đem con về nhà ngoại thì con tính sao?"
Chú lúng túng. Mấy tháng nay, vui theo chúng bạn, nương thầy học đạo,
sớm tối kinh kệ, tương chao rau dưa; thầy trò, chúng bạn, vui vầy với
nhau dưới mái chùa ấm cúng, chú quên khuấy đi rằng có thể có một ngày
nào đó mẹ trở lại và đòi đem chú trở về với đời, tiếp tục sống cuộc sống
cũ: không có tiếng chuông chùa, không có tiếng kinh kệ và những buổi
ngồi thiền, niệm Phật, những buổi sáng thầy trò ra vườn nhổ cỏ, tưới
cây... Sống ở chùa mới mấy tháng thôi, chú đã cảm thấy là chú không thể
chọn một cuộc sống nào khác hơn, dù là cuộc sống êm đềm dưới sự chăm sóc
của mẹ hiền yêu dấu. Chú thương mẹ chú lắm và chú biết mẹ rất khổ sở từ
khi ba chú bị dẫn đi mất biệt. Mẹ rất cần có chú cũng như chú rất cần
mẹ. Nhưng, cuộc sống ở chùa, sao mà hiền hòa dễ thương quá. Nó có một
cái gì đó êm nhẹ, lặng lẽ, níu kéo chú, khiến chú không sao tưởng được
rằng mình có thể bỏ chùa ra đi được nữa. Chú nói với thầy với giọng băn
khoăn, không dứt khoát:
"Con chưa biết con phải làm sao... Con thương mẹ con lắm..." nói đến đó
thì nước mắt chú chảy dài trên hai gò má bầu bĩnh. Phải một lúc lâu chú
mới nói tiếp:
"Nhưng con cũng thích ở chùa nữa. Con không muốn xa chùa, con không muốn
xa thầy..."
Thầy cảm động, vỗ vai chú:
"Cái khó khăn đầu tiên của người xuất gia là rũ bỏ được tình cảm sâu đậm
của gia đình. Mà rồi về sau này, suốt cuộc đời của người xuất gia cũng
chỉ là một cuộc chiến đấu để thắng được những tình cảm ràng buộc của thế
gian. Con khó xử là phải. Thầy thấy cửa chùa rất thích hợp với con.
Nhưng nếu mẹ con cần con, con nên trở về với mẹ để vui lòng bà. Khi nào
mẹ con muốn con xuất gia thì con đến tìm thầy cũng không muộn đâu."
"Phải chi mẹ con ở gần chùa... Con cứ ở chùa, lúc nào nhớ mẹ thì chạy về
nhà thăm."
Thầy cười:
"Tu như vậy đâu có được. Phải dứt khoát con à. Xuất gia là chọn lựa một
đời sống mới vô cùng hệ trọng cho cả đời mình. Với đời sống mới cao đep
đó, người xuất gia cắt đứt mọi tình cảm thân thuộc để dấn mình vào mục
đích tối hậu. Không thể có được cả hai thứ, vừa nhà vừa chùa, chạy tới
chạy lui thì chẳng khác gì chim chuột. Con có biết chim chuột là ý nói
gì không?"
"Bạch thầy, không."
"ở trong chùa, chữ chim chuột dùng để chỉ cho những người tu không ra
tu, đời không ra đời, thứ chi cũng thích, cũng không từ bỏ; gặp khi bất
lợi thì bên nào cũng chối chạy, gặp lúc tốt đẹp thì bên nào cũng muốn dự
phần. Giống như con dơi, khi người ta muốn bắt những loài biết bay như
chim thì nó nói nó thuộc loài chuột chứ không phải loài chim, dù nó biết
bay. Nhưng khi người ta bắt chuột thì nó chối, nói rằng nó không phải
giống chuột mà thuộc loài chim biết bay!"
"Dạ, con hiểu rồi."
"Cho nên, thầy muốn con suy nghĩ trước, chọn lựa trước để khi mẹ con trở
lại, con sẽ biết điều gì nên làm."
Chú cúi đầu, chắp tay cám ơn thầy rồi lui ra. Chú bước đến cửa thì thầy
gọi lại.
"Dạ, thưa thầy gọi con?"
Thầy vừa nói vừa cười:
"Con thực sự muốn xuất gia luôn hả?"
"Dạ, con muốn xuất gia."
"Mẹ con chỉ gửi gắm con nơi đây cho chùa chăm sóc dùm chứ không phải cho
con xuất gia."
"Nhưng con thích... con cũng đã xuống tóc rồi."
"Còn làm tiểu thì xuống tóc hay để tóc lại cũng chẳng khó khăn gì."
"Mẹ thấy con xuống tóc rồi chắc mẹ cũng không bảo con về đâu."
"Thầy hy vọng như vậy. Tuy nhiên, chỗ quan trọng là chính con có muốn
xuất gia hay không."
"Bạch thầy, con muốn."
"Xuất gia khổ cực lắm, gian nan lắm. Làm chú tiểu như con bây giờ chưa
thấy được những nghịch cảnh to lớn mà các thầy gặp phải đâu. Xuất gia
không dễ dàng như làm chú tiểu quét lá đa, học kinh Phật là đủ. Đến khi
con trưởng thành, trăm ngàn thứ chướng ngại kéo đến, quấy phá, không để
cho con yên. Chỉ những kẻ quyết tâm, ý chí dõng mãnh, nguyện lực thâm
sâu mới có thể vượt qua được."
"Con sẽ vượt qua."
"Giỏi lắm, có chí lớn! Hãy nhớ lời con nói với thầy hôm nay nhé. Thầy
mong con sau này sẽ làm rạng rỡ cho đạo. Con muốn làm gì mai sau? Làm
Phật? Làm Tổ?"
Chú chỉ cười rồi nói:
"Làm Pháp sư."
Thầy cười to:
"Pháp sư?! Tốt. Mấy hôm thầy đi vắng con đã giảng pháp cho Phật tử rồi
kia mà! Được lắm, con có thể thành Pháp sư lắm, nhưng phải chịu khó
nghiên cứu học hỏi nhiều nghe. Đọc nhiều chưa hẳn đã giảng thuyết hay.
Phải có thực hành, và phải có năng khiếu giảng nữa."
"Con sẽ cố gắng."
*
Một hôm thầy đi họp đâu ở chùa Tỉnh Hội về, tập họp các chú lại bảo
rằng:
"Tỉnh hội ta có mở một Phật học viện cấp Sơ đẳng để đào tạo các chú tiểu
mới xuất gia như các con. Thầy tính gởi các con đến đó học. Nhưng các
con phải qua một kỳ thi khảo hạch về kinh luật và giáo lý căn bản thì
mới được nhập học. Cho nên, trong vòng ba tháng, thầy sẽ kèm các con học
để mà thi vào Phật học viện. Còn bây giờ thì phải ghi danh trước để xin
dự thi."
Chú Tâm nhanh nhẩu hỏi:
"Phật học viện có phải là chùa không, bạch thầy?"
Thầy từ tốn giải thích:
"Phật học viện cũng có chánh điện thờ Phật như chùa vậy thôi, nhưng đặc
biệt là ở đó có mở trường đào tạo học tăng—học tăng là những người học
về Phật Pháp để trở thành Tăng sĩ đó mà. Nói cho dễ hiểu thì đó là
trường để dạy học cho tu sĩ. Phật học viện có nhiều bậc: Phật học viện
Sơ đẳng tương đương với cấp Tiểu học phổ thông ở ngoài, Phật học viện
Trung đẳng I tương đương với Trung Học Đệ nhất cấp, Phật học viện Trung
đẳng II tương đương với Trung học Đệ nhị cấp và Phật học viện Cao đẳng
ngang với Đại học. Lứa tuổi từ 6 đến 11 tuổi như các con thì phải học
Phật học viện sơ đẳng. Các con muốn thành tu sĩ tài giỏi sau này để phục
vụ cho nhân loại, cho giáo hội thì phải theo học tại các Phật học viện."
Chú Tuấn e dè hỏi:
"Nếu chúng con đi học hết thì ai ở lại chùa với thầy?"
Thầy cười:
"Chuyện học của các con là cần thiết. Các con ở mãi bên thầy thì không
học được nhiều như khi theo học ở Phật học viện. ở đó, Giáo hội cử các
giáo sư giỏi đến dạy cho các con. Nhiều môn học lắm. Thầy không có thì
giờ và cũng không có khả năng để dạy cho các con tất cả các môn. Hiểu
chưa? Ngoài ra, các con xuất gia theo thầy không có nghĩa rằng các con
chỉ là đệ tử của riêng thầy, mà các con chính là đệ tử Phật, là con của
giáo hội. Sau này lớn lên, các con sẽ hiểu rõ hơn vai trò của các con
đối với đạo pháp cũng như đối với đất nước. Tóm lại, các con nên chuẩn
bị để lên đường đi học. Này Hòa, sao nãy giờ con im lặng vậy? Con nghĩ
sao? Con thích đi học không?"
Chú Hòa cúi mặt, lặng thinh một lúc rồi hỏi:
"Phật học viện ở xa không, bạch thầy?"
"Trong tỉnh, nhưng cũng xa lắm. Khi đến đó học các con chỉ có thể về
thăm thầy mỗi năm vào dịp Tết hay dịp rằm tháng bảy thôi."
Chú Hòa ngập ngừng một chốc rồi nói:
"Con rất thích đi học, nhưng con nghĩ, để mấy chú đi còn con ở lại hầu
thầy."
Thầy cảm động khi nghe chú nói vậy. Nhưng thầy cũng đủ sành tâm lý để
hiểu rằng chú chưa muốn đi xa khi chưa gặp lại mẹ. Thầy không đá động gì
đến chuyện mẹ con chú, chỉ nói bóng gió rằng:
"Con cứ vào Phật học viện mà học. Muốn làm giảng sư, pháp sư thì cũng
phải học mới thành được. ở mãi với thầy con chỉ có thể trở thành một ông
thầy trụ trì mà thôi. Các con thương quý thầy thì siêng năng tu học, mỗi
tháng thầy lên đó thăm các con. Nếu cha mẹ các con có muốn đi thăm, thầy
sẽ hướng dẫn cho đi thăm. Sao, chú Tâm, chú Tuấn tính sao?"
Hai chú kia nhanh nhẩu đáp lời thầy:
"Dạ, chúng con muốn đi học."
Thầy nhìn chú Hòa, ôn tồn hỏi:
"Con không thích đi với hai chú ấy hả? Thôi, thầy cho con suy nghĩ lại
trong vòng ba hôm rồi trả lời thầy để thầy ghi danh trước cho các con
luôn một lúc."
Chú Hòa chỉ khẽ dạ một tiếng nhỏ rồi lui về phòng.
*
Cha mẹ chú Tâm và chú Tuấn được tin các chú sắp đi học xa liền lên chùa
gặp thầy để tìm hiểu thêm về việc học đó. Nghe thầy giải thích, họ đều
vui mừng và hãnh diện là con mình được gửi vào Phật học viện. Thầy nói:
"Được đi học như vậy là quý lắm. Hồi xưa tôi ở chùa thầy tổ dạy chi biết
đó, ngoài ra đều là tự tham khảo chứ có được vào trường lớp đâu. Bây giờ
Phật học viện mở ra, các chú có cơ hội, có tương lai quá mà. Tuy nhiên,
phải lo học thi ngay từ bây giờ."
Nhìn cha mẹ các chú đến thăm các chú, Hòa tủi thân lặng lẽ bỏ ra ngoài
vườn sau, nơi có cây bồ đề cổ thụ mười người ôm không hết. Chú ngồi dưới
gốc cây, nhớ đến mẹ. Chú không hiểu sao mẹ lại bỏ chú đi lâu quá. Mẹ có
gặp chuyện gì bất trắc không? Mẹ có nhớ rằng mẹ đang còn một đứa con
trai nhỏ đang gởi gắm ở chùa hay không? Chú thì chú nhớ lắm, chú muốn
xuất gia, muốn trở thành pháp sư về sau, nhưng bao giờ, nhất là ngay lúc
này, chú cũng nhớ mẹ thật nhiều. Chú nhớ mẹ ngồi thẫn thờ suốt ngày khi
ba bị người ta bắt dẫn đi. Chú nhớ mẹ hớt ha hớt hãi cõng chú chạy giặc.
Chú nhớ mẹ đi xin ăn, bị người ta xua đuổi và mẹ khóc. Chú nhớ mẹ vô
cùng. Và chú khóc nấc lên, tức tưởi.
Thấy vắng chú, thầy để cho cha mẹ chú Tâm và chú Tuấn tha hồ tâm sự với
con của họ, rồi thầy lặng lẽ đi tìm chú Hòa. Thầy thấy ngay chú dưới gốc
cây bồ đề. Thầy bước nhẹ đến, ngồi xuống bên cạnh chú, tay xoa đầu, vuốt
vuốt cái chỏm của chú:
"Nín đi con. Hồi xưa đức Phật ngồi dưới gốc bồ đề chứng thành đạo quả,
nay con ngồi dưới gốc bồ đề mà khóc sao?"
Chú cúi mặt xuống, thút thít. Thầy nói tiếp:
"Muốn trở thành pháp sư giỏi, ngay từ bây giờ con phải lập chí lớn.
Quyết tâm vượt qua những khó khăn, buồn tủi. Đồng ý là xa mẹ lâu ngày
con phải nhớ mẹ rồi, nhưng đừng khóc. Mỗi khi thấy buồn nhớ, con vào
điện Phật tụng kinh, hoặc ngồi bất cứ ở đâu, niệm Phật. Nhớ chưa? Như
vậy mới là con ngoan của mẹ. Như vậy mới là đệ tử giỏi của Phật chớ!"
Chú nín, không nói gì. Thầy nắm tay chú kéo dậy, dắt vào trong. Vừa đi
thầy vừa nói:
"Mẹ con sắp trở lại thăm con trong nay mai thôi, đừng có lo nữa."
Chú ngước lên hỏi:
"Bạch thầy, sao thầy biết?"
Thầy cười nói:
"Thầy biết."
Quả nhiên ngày hôm sau, khi chú đang quét sân thì mẹ chú bước vào cổng
chùa. Hai mẹ con nhìn nhau ngập ngừng một chốc, rồi chú ném cái chổi
xuống đất chạy a đến mẹ. Chú ôm ghì lấy mẹ, gọi mẹ trong giọng nghẹn
ngào:
"Mẹ ơi, mẹ ơi... con nhớ mẹ quá, mẹ ơi!"
Mẹ chú cũng ôm chặt lấy chú, không nói một lời, nhưng nước mắt bà chảy
ròng ròng. Một lúc lâu, bà mới nói:
"Nín đi con. Mẹ đến với con rồi nè."
Rồi mẹ xoa đầu chú, nhìn bộ đồ vạt khách màu nâu chú đang mặc, hỏi rằng:
"Ai bảo con cạo tóc đi tu vậy?"
"Con thích, mà thầy cho phép nữa."
Người mẹ im lặng, suy nghĩ.
Rồi hai mẹ con kéo nhau đến ngồi ở băng ghế đá trong vườn chùa. Chú tíu
tít kể chuyện ở chùa cho mẹ nghe. Nào là thầy thương chú và thường an ủi
chú. Nào là các chú Tâm chú Tuấn, bạn nào cũng mến chú. Nào là chuyện
chú học kinh, tụng kinh, "thuyết pháp." Nào là chuyện ăn uống, ngủ nghỉ
như thế nào. Nào là chuyện thầy xuống tóc cho chú v.v... Rồi đến cả
những lần chú nhớ mẹ mà khóc. Kể huyên thuyên một hồi, chú sực nhớ lại
là chưa hỏi về chuyện của mẹ. Mẹ ngập ngừng một chốc rồi kể tóm tắt cho
chú nghe rằng mẹ đi tìm bà ngoại nhưng bà ngoại dọn xuống miền Tây mà
chẳng biết là ở tỉnh nào. Mẹ phải hỏi thăm hết chỗ này đến chỗ nọ, từ bà
con đến láng giềng, cuối cùng mới biết được là bà ngoại dọn xuống Cần
Thơ. Mẹ phải xuống đó rồi nhờ cảnh sát khắp các địa phương tìm giúp.
Cuối cùng khi tìm ra được nhà bà ngoại thì bà ngoại đang nằm trên giường
bệnh. Ông ngoại ghẻ (ba ghẻ của mẹ chú Hòa) chết trước đó một tháng.
Ngoại buồn quá bệnh theo và nằm liệt giường, nhờ hàng xóm thương tình
thay phiên chăm sóc. May có mẹ về kịp lúc để hầu hạ bà ngoại trước khi
mãn đời. Bây giờ, căn nhà của ngoại, có cả vườn tược, để lại cho mẹ. Mẹ
nhờ hàng xóm trông hộ rồi lên đây rước chú về sống với mẹ dưới đó. Chú
nghe mẹ nói thì sửng sốt:
"Mẹ... mẹ nói là mẹ rước con đi hả mẹ?"
"Ừ, chứ sao nữa con. Mẹ chỉ có mình con thôi mà, không rước con thì rước
ai!"
Chú rơm rớm nước mắt:
"Mẹ không thích con đi tu hả mẹ?"
"Hồi đó mẹ chỉ đến gửi con nhờ thầy trông coi một thời gian để mẹ đi tìm
bà ngoại thôi mà. Mẹ đâu có nói là cho con đi tu đâu."
"Thầy nói con có căn tu đó mẹ, thầy còn nói sau này con sẽ thành pháp sư
đó."
Bà mẹ mỉm cười, nói:
"Vì không thấy mẹ trở lại thầy nói vậy thôi chứ bây giờ mẹ đến rước con
thì có ở chùa nữa đâu mà làm pháp sư."
"Nhưng con giảng hay lắm mẹ à, ai cũng khen con hết đó."
"Đó đâu phải là lý do để con bỏ mẹ đi tu. Bây giờ nhà cửa ổn định rồi,
con phải theo mẹ về chứ."
Chú giẫy nẫy một chút rồi hỏi mẹ:
"Chỗ nhà bà ngoại gần đây không mẹ?"
"Xa lắm. Đi xe đò cả ngày mới tới. Chi vậy?"
"Con muốn ở chùa tu. Mẹ ở nhà, khi nào mẹ rảnh mẹ đến thăm con."
Người mẹ thở dài, buồn bã nói:
"Con hết thương mẹ rồi hả?"
"Dạ thương chứ, nhưng... con muốn đi tu, con muốn làm pháp sư giảng đạo
quá mẹ à. Mẹ cho con đi tu đi."
Mẹ chú ứa nước mắt, tự nghĩ có lẽ tại lỗi mình bỏ con ở đây lâu quá. Bà
thở dài:
"Con có giận mẹ không?"
"Không, mẹ. Con thương mẹ, con nhớ mẹ thôi, con không có giận mẹ."
"Vậy con đi về với mẹ nhé."
Chú chưa kịp trả lời thì mẹ bỗng đứng dậy chắp tay vái chào. Chú quay
lại thấy thầy đến phía sau lưng. Thầy nở nụ cười đôn hậu nói với chú:
"Sao? Con đã thỏa lòng chưa? Con niệm Phật nhiều nên mẹ đến với con đó."
Rồi thầy nói với mẹ chú:
"Mời bà vào trong phòng khách, chúng ta sẽ bàn về chuyện chú ấy."
"Dạ," mẹ chú nói nhỏ rồi nắm tay chú dắt theo thầy.
Thầy ngồi xếp bằng trên trường kỷ. Hai mẹ con chú cùng ngồi ở một chiếc
ghế dựa rộng ở phía đối diện. Thầy chậm rãi rót trà mời khách xong, rồi
hỏi:
"Bà đã tìm được bà thân chưa?"
"Bạch thầy, đã tìm được rồi, nhưng mẹ con cũng vừa mất."
"Vậy sao?" ngưng một lúc, thầy nói, "tôi chia buồn cùng bà và sẽ ghi tên
cầu siêu cho bà cụ."
Nhìn sang chú Hòa, thầy bảo:
"Con ra ngoài chơi với hai chú Tâm, Tuấn. Để thầy bàn chuyện với mẹ con
một chốc."
Chú Hòa tần ngần một lúc rồi bái thầy lui ra ngoài. Tâm và Tuấn chờ chú
ngoài hiên. Hai chú kia có vẻ mừng cho chú Hòa, Tâm nói:
"Vậy là má chú đến thăm chú thường xuyên, chú khỏi có buồn nữa há."
Tuấn hỏi:
"Má chú có mua gì cho chú không vậy?"
Chú chưa kịp trả lời thì Tâm nói chen vào ngay:
"Vô duyên. Hỏi chi vậy! Gặp nhau là mừng lắm rồi."
Chú Hòa lúc đó mới nhớ sực rằng mẹ mình đến đã không mang cho mình món
quà gì—như là cha mẹ của hai chú kia từng làm. Có lẽ mẹ còn nghèo không
có tiền mua quà cho chú, mà cũng có lẽ mẹ chỉ nghĩ đến chuyện rước chú
đi về, mua quà làm gì cho nặng nhọc đoạn đường xa. Chú nói với hai bạn,
giọng cảm động lắm:
"Tui sợ mẹ tui dẫn tui về, không cho tui tu ở đây nữa đó."
Nói rồi, chú ứa nước mắt, khóc thút thít nữa. Chú Tâm lại vuốt lưng, vỗ
vai, nói hoài một câu như ngày đầu tiên chú Hòa khóc ở chùa vậy: "Nín
đi, đừng khóc nữa!"
Trong khi đó, trong phòng khách, thầy nói với mẹ chú Hòa rằng:
"Con bà có căn tu. Chú ấy là một đứa bé thông minh, có căn khí ngay từ
nhỏ. Nếu chú xuất gia thì sẽ làm rạng rỡ cho đạo mà bà cũng được hưởng
nhiều phước báo. Tuy nhiên, chuyện xuất gia của chú là do bà quyết định.
Theo qui chế của cửa chùa thì một đứa trẻ xuất gia phải có sự chấp thuận
của phụ huynh. Nếu không có thì việc bất thành. Tôi chưa thấy có đứa bé
nào thông minh đặc biệt như chú. Vì vậy tôi rất tiếc là nếu hôm nay bà
đến để đem chú về lại đời. Có lẽ bà thắc mắc là tại sao tôi cạo tóc cho
chú để trở thành một chú tiểu. Thực ra, chuyện tôi cạo tóc cho chú không
phải là tôi muốn đặt lưỡi cày trước con trâu, bắt buộc bà phải chấp nhận
một chuyện đã rồi. Trong cửa chùa, hình thức của các chú tiểu chỉ là tập
sự, chưa có gì chính thức, không có tính cách vĩnh viễn, bắt buộc. Do
đó, chú có thể theo bà trở về mà không có gì trở ngại trên phương diện
kỷ luật hay sở nguyện của chú ấy cả. Trong đạo Phật cũng không bao giờ
có tính cách bắt buộc một người phải theo hay bỏ đạo. ở chùa, chú tiểu
chỉ là một chú bé tập sự hạnh xuất gia, thấy tu được thì tiếp tục, không
kham được hoặc vì hoàn cảnh nào mà phải bỏ dở thì cứ việc đi về, không
có gì rắc rối trở ngại hết. Bà không phải lo ngại. Điều quan trọng là bà
nên chọn lựa tương lai của chú. Tôi chỉ góp ý thôi, và bà quyết định.
Tôi nhắc lại như đã nói khi nãy rằng nếu xuất gia thì cả chú và bà đều
được phước báo lớn. Bản thân chú sẽ là rường cột cho đạo pháp mai sau.
Còn ngược lại, thì không có gì cả... Ý tôi muốn nói... không được tốt
đẹp bằng để cho chú xuất gia."
Mẹ chú Hòa cảm động thưa:
"Bạch thầy, con thật đội ơn thầy đã dưỡng dục chú ấy một thời gian, giúp
cho con qua cơn ngặt, và đề nghị một tương lai tốt đẹp cho chú trong nẻo
đạo qua sự xét đoán của thầy. Ơn này con suốt đời không quên nổi..."
Nói đến đó thì bà quỳ sụp xuống, vừa lạy vừa khóc. Vị thầy ngăn cản:
"Đừng làm vậy. Thời buổi loạn ly này, bao gia đình tan nát, đổ vỡ. Mọi
người gặp kẻ nguy khó, ngặt nghèo, ai cũng muốn đùm bọc nhau, huống chi
cửa chùa là nơi nương tựa cho mọi con người đau khổ. Việc đón nhận chú
ấy hay giúp bà là bổn phận của chúng tôi thôi. Tôi chỉ muốn hỏi bà xem ý
kiến của bà thế nào về việc đi hay ở của chú ấy. Bà nghĩ sao? Nếu bà
chưa có thể quyết định liền được, bà có thể đem chú ấy về nhà hôm nay,
rồi hai mẹ con cùng suy tính, bàn bạc và quyết định. Khi nào bà đem chú
trở lại, cửa chùa cũng hoan nghênh đón nhận."
"Dạ.. bạch thầy. Giòng họ bên chồng con chỉ còn có chú ấy. Chú xuất gia
mà thành được danh tăng có lợi cho đạo cho đời thì thật là phúc đức cho
con, nhưng... nghĩ đến sự tuyệt tự của giòng họ nhà chồng, con thấy
không được an lòng. Cho nên, con nghĩ... con chỉ còn có mỗi một cách là
đem chú ấy về mà thôi."
Thầy gật gù, rồi thở dài:
"Đành vậy. Đáng tiếc, đáng tiếc. Thôi, bà hãy ra gọi chú ấy vào sửa soạn
hành lý mà về."
Mẹ chú đứng dậy vái dài rồi lui ra. Chú Hòa đang đứng cùng hai bạn ngoài
hiên, thấy mẹ bước ra liền quẹt nước mắt, hỏi liền:
"Sao mẹ? Thầy nói sao mẹ?"
Mẹ chú nói với chút ái ngại:
"Thầy bảo mẹ quyết định."
"Vậy mẹ quyết định sao?"
Người mẹ không trả lời, quay nhìn hai chú kia rồi nhìn lại con mình. Bà
chưa biết phải nói sao. Chú Hòa lại giục:
"Mẹ quyết định sao hở mẹ?"
"Con thương mẹ không?"
"Thương."
"Vậy thì mẹ ở đâu con ở đó, phải không?"
"Dạ phải... dạ... không."
"Sao lại không?"
"ở chùa cũng thương mẹ được mà."
"Con nỡ bỏ mẹ một mình ở nhà sao con?"
"Con muốn đi tu, mẹ ơi, con năn nỉ mẹ, cho con đi tu."
Nói đến đó, chú ôm lấy chân mẹ, khóc thảm thiết, lập đi lập lại một câu:
"Cho con đi tu mẹ ơi!"
Mẹ chú không cầm được nước mắt. Bà không ngờ chỉ mới hai tháng mà chú đã
có thể dám quyết định xa bà để đi tu. Không hiểu ở chùa có sức cuốn hút
nào mà một đứa trẻ giàu tình cảm như con bà, từng đeo níu lấy bà mà cũng
đành đoạn đòi ở lại, mặc cho mọi gian khổ, cực nhọc, thiếu thốn, đạm
bạc, buồn tẻ của cảnh chùa. Dù sao, bà cũng phải dứt khoát mới được.
Chồng bà mất tích, có thể nói là đã chết rồi. Chỉ còn đứa con trai này,
phải nuôi dưỡng nó để nối dõi. Đó là bổn phận duy nhất mà bà có thể làm
được để làm vui lòng tộc họ nhà chồng cũng như chính chồng bà nơi chín
suối. Bà nói giọng cương quyết:
"Không, con phải về với mẹ. Mẹ chỉ có mình con thôi, con không biết điều
đó sao? Mẹ không thể thiếu con được!"
Rồi bà nắm tay chú kéo đi. Chú vụt vùng ra, chạy u vào trong phòng
khách, nơi thầy chú đang còn ngồi xếp bằng trên trường kỷ. Chú quỳ dưới
chân thầy, khóc lóc:
"Bạch thầy, xin thầy đừng đuổi con về, xin thầy đừng để mẹ đem con về...
nói mẹ con giùm con, con muốn xuất gia, con muốn làm pháp sư!"
Thầy im lặng, lắc đầu. Mẹ chú bước vào:
"Bạch thầy, con phải làm sao đây? Con không thể..."
Thầy đưa tay ra dấu cho bà đừng nói nữa, rồi thầy xoa đầu chú Hòa, nói
với giọng truyền cảm:
"Chú muốn xuất gia ai cũng hoan hỷ. Nhưng bổn phận làm con, chú phải lo
cho tròn trước khi đầu Phật. Phật dạy vào cái thời mà Phật không còn tại
thế thì cha mẹ chính là Phật ở trong nhà vậy. Chú hãy nhớ lấy điều đó.
Chuyện xuất gia của chú, thầy làm chứng cho. Dù chú không ở bên thầy,
nhưng tâm luôn hướng thiện, hàng ngày ngoan ngoãn vâng lời mẹ, làm vui
lòng mẹ, chăm chỉ học hành, tránh làm điều ác, làm các việc lành, trọn
đạo làm con, thì thầy vẫn coi chú như là một đệ tử thân cận của thầy đó.
Hơn nữa, thầy bao giờ cũng nhớ ước nguyện của con là xuất gia và trở
thành pháp sư. Mấy hôm thầy đi vắng không phải con đã từng làm một pháp
sư tí hon đó sao! Con giỏi lắm, nhưng con nên về với mẹ, sau này con có
trở lại chùa bất cứ lúc nào thầy cũng đón nhận."
Chú im lặng lắng nghe thầy nói, nhưng sao chú vẫn không muốn đi về với
mẹ dù rằng chú thương mẹ rất nhiều. Chú quay qua nhìn mẹ, đôi mắt thành
khẩn, năn nỉ. Thầy đưa tay ra dấu cho mẹ chú, bảo cứ đi về. Người mẹ
ngập ngừng một lúc, rồi vái chào thầy, bước lui; vừa bước lui vừa nói
với chú:
"Thôi được, con thành tâm muốn xuất gia thì con ở lại hầu thầy. Bây giờ
mẹ về đây. Con nhớ tu học siêng năng, đừng phụ lòng thầy và cũng không
làm xấu mặt họ hàng nhà mình nghe con."
Nói rồi, bà lau nước mắt bước đi. Chú Hòa đứng dậy, ngạc nhiên. Chú
không ngờ cuối cùng chú cũng được mẹ chấp thuận, một cách đơn giản, dễ
dàng, và mẹ đã bỏ chú ở lại để ra về một mình. Chú tần ngần đứng lại,
ngó thầy rồi nhìn theo dáng mẹ bước ra sân chùa. Thầy ôn tồn nói:
"Chú tiễn mẹ ra khỏi cổng chùa chứ sao lại đứng đó!"
Chú dạ rồi lật đật chạy theo mẹ.
"Mẹ, chờ con chút."
Mẹ chú quay lại, tưởng chú đã đổi ý theo mình về, nhưng bà vẫn nói giọng
hờn dỗi:
"Thôi con vào với thầy đi, con xuất gia rồi thì đừng bịn rịn nhiều không
tốt."
"Thầy bảo con tiễn mẹ về."
"Tiễn? Không cần. Mẹ về một mình được mà. Con không thương mẹ thì mẹ về
một mình, sống một mình. Con ở lại vui với thầy với bạn đi."
Chú im lặng không nói, chỉ bước theo sau mẹ đến cổng tam quan. Mẹ chú
nói mà không nhìn chú:
"Mẹ về đây. Con vào đi."
Rồi bà đi thẳng.
Chú đứng nhìn theo. Vai mẹ vẫn gầy như thuở cõng chú chạy giặc. Tóc mẹ
bạc hơn, từ xa chú vẫn nhìn thấy. Mẹ đi không ngoái lại. Chú muốn mẹ
ngoái lại một chút để chú vẫy tay với mẹ. Chú chờ. Mẹ không quay lui. Mẹ
đi gần khuất ở cuối đường rồi mà vẫn chưa hề quay ngó lại. Chú vội kêu
to lên:
"Mẹ, mẹ ơi!"
Lúc đó mẹ chú mới chịu đứng lại, quay lui, đưa một tay lên vẫy vẫy. Chú
cũng đưa một tay lên vẫy, nhưng chú nghẹn ngào, chú khóc. Chú thương mẹ
quá. Chú thấy tội nghiệp mẹ quá. Mẹ không còn ai bên cạnh. Ông ngoại bà
ngoại đã chết, ba đã mất tích, chú đi tu thì mẹ chỉ có một mình thui
thủi. Chú biết chú không thể bỏ mẹ đi về một mình được. Chú vùng chạy
theo mẹ. Mẹ chú đứng ở cuối đường chờ đợi. Hai mẹ con ôm lấy nhau khóc
nức nở. Rồi họ đi luôn, không quay trở lại chùa nữa.
*
Mười hai năm sau, thầy trụ trì đã già rồi. Thầy giao chùa cho chú Tâm
coi sóc. Chú Tâm lúc đó cũng đã là một vị đại đức, tuy còn trẻ nhưng tài
giỏi, đức hạnh, đủ khả năng quán xuyến mọi việc của chùa. Chú Tuấn cũng
đã thành một vị trụ trì ở một ngôi chùa khác. Thầy trụ trì tĩnh tu trong
tịnh thất, ít tiếp xúc ai.
Hôm đó, bỗng có một người lính vào chùa xin gặp thầy trụ trì. Chú Tâm ra
tiếp. Người lính nói:
"Thưa thầy, tôi muốn gặp vị thầy trụ trì... lớn tuổi kia."
Chú Tâm hiểu là người lính muốn gặp thầy mình:
"Thầy đang tĩnh tu, không tiếp khách, anh có việc gì cần nhắn lại
không?" chú nói.
Người lính lưỡng lự một lúc rồi trình bày:
"Thưa thầy, tôi có người bạn thân cùng đơn vị tác chiến với tôi. Đi
trận, anh ấy bị thương nặng được đưa vào quân y viện. Khi tôi về thăm
thì anh đang hấp hối. Trước khi chết, anh chỉ xin tôi giúp anh một ước
nguyện là mang khung ảnh của anh ấy đến đây, xin thầy cho thờ ở chùa
này. Anh ấy... nói anh nhớ chùa lắm, nhớ thầy và nhớ bạn lắm..."
Người lính nói đến đó thì xúc động, ngồi im một lúc rồi lôi trong cái
bao giấy lớn ra một khuôn ảnh lồng kiếng, trao cho chú Tâm. Chú Tâm nhìn
người lính trong ảnh, thấy nét mặt quen quen. Chú hỏi người lính:
"Anh thân với người này lắm hả? Anh ấy tên gì vậy?"
"Dạ tên Nguyễn Đức Hòa."
Chú Tâm nín thở, nén xúc động. Rồi chú ôm khung ảnh vào lòng.
Người lính bối rối. Chú Tâm thở dài hỏi:
"Mẹ anh ấy đâu rồi?"
"Bà ta đã chết khi anh ấy còn ở ngoài trận tuyến. Thầy biết bạn tôi à?"
"Vâng, anh ấy là một chú tiểu của chùa này. Anh chờ tôi lên trình thầy
tôi rõ."
Rồi chú Tâm mang khung ảnh chú Hòa lên tịnh thất của thầy. Nhìn ảnh là
thầy biết ngay đó là chú Hòa năm xưa, chú bé thông minh và tình cảm, đã
từng nhất quyết đòi xuất gia nhưng khi tiễn mẹ về thì chạy theo mẹ không
một lần quay trở lại nữa. Thầy ngắm nghía chú Hòa trong ảnh một lúc, rồi
thầy thở dài nói:
"Thầy biết là con trở về sẽ không tốt nhưng không sao cản được. Mỗi
người có một duyên nghiệp đeo bám, có khi biết mà không sao tránh khỏi.
Pháp sư tí hon ơi! Thầy chờ con mà đến giờ này con mới trở lại sao!"
Chú Tâm lui ra, đặt khung ảnh của chú Hòa lên bàn thờ các vong linh. Chú
Tâm đốt nhang cho bạn, thấy đôi mắt bạn trong ảnh có vẻ như muốn khóc.
Hồi nhỏ chú Hòa cũng hay khóc lắm. Đôi mắt chú lúc nào cũng ươn ướt. Bây
giờ, chú là người lính chiến đã chết trận, da xạm đen, rắn chắc, nhưng
đôi mắt chú vẫn vậy, không thay đổi: đa cảm, thông minh và trong sáng
như thiên thần. Chú Tâm bùi ngùi nói:
"Nín đi, đừng khóc nữa. Pháp sư tí hon!"
Đầu Trang |
|