Tương truyền, khi Phật còn tại thế, nơi thành Xá Vệ có một
thanh niên, con một gia đình trưởng giả lương thiện, thường nghe Phật thuyết
pháp, phát tâm quy y Tam Bảo và xin xuất gia học đạo.
Bấy giờ, trong hàng Tăng chúng có một vị Tôn Giả được giao cho trách nhiệm giảng
về thế giới luật cho thanh niên học hỏi. Tôn Giả dạy rằng: "Này là pháp hữu, đây
là loại giới thứ nhất, đây là giới thứ hai, giới thứ ba, thứ tư...thứ chín, thứ
mười v.v...Ðây là tiểu giới của người xuất gia, đây là trung giới, đây là đại
giới, đây là Ba La Ðề Mộc Xoa, đây là giới căn bản, đây là Tịnh giới về hành vi,
đây là những thường giới để dùng hàng ngày...". Vị Tôn Giả còn giảng nhiều hơn
nữa.
Nghe xong, vị tân Tỳ kheo nghĩ rằng: "Số mục, danh từ của giới quá nhiều, một
lượt mà phải thọ giữ bao nhiêu giới luật như vậy, e rằng khó bảo toàn! Ðã không
giữ giới được hoàn toàn, thì sự xuất gia không lợi ích gì. Chi bằng trở về làm
một trưởng giả (như cha mình trước kia) làm ít việc thiện như: Bố thí, phóng
sanh... rồi nuôi dưỡng vợ con là đủ rồi". Nghĩ vậy, vị tân Tỳ kheo mới thưa với
Tôn Giả rằng: "Thưa Tôn Giả, tôi không thể giữ một lúc nhiều giới luật như vậy
được! Không giữ được thì xuất gia có ích gì? Tôi sẽ hoàn tục để sinh sống, xin
dâng y bát lại cho Ngài!".
Tôn Giả đáp: "Ðành rằng ông có thể hoàn tục nếu thấy mình không kham lãnh, nhưng
ông cũng phải đến đảnh lễ Ðức Phật một lần cuối đã". Nói đoạn, Tôn Giả dẫn vị
tân Tỳ kheo đến lễ Ðức Phật. Ðức Phật vừa trông thấy hai người đã hỏi rằng:
- Các ông hôm nay đến đây có việc gì?
- Bạch Thế Tôn, vị Tỳ kheo nầy nói là không thể chấp trì giới luật, giao trả y
bát, và hoàn tục vì vậy chúng con hướng dẫn người đến đảnh lễ lần cuối, từ biệt
Ðức Thế Tôn.
Hiểu được nguyên cớ, Ðức Phật mới dạy rằng:
- Nầy Tôn Giả, sao Tôn Giả lại giảng cho vị tân Tỳ kheo nầy nghe nhiều giới luật
như thế? Ông ấy chỉ nên tùy theo sức mình mà tuân giữ chớ! Về sau Tôn Giả không
nên giảng giới nhiều như vậy nữa. Bây giờ hãy để ông ấy ở lại đây với tôi...
Rồi Ðức Phật bảo vị tân Tỳ kheo kia rằng:
- Ông hãy nghe đây, ông không còn phải giữ nhiều giới như vậy chỉ có 3 giới
thôi. Chừng ấy ông có nhứt định giữ được không?
Vị Tỳ kheo muốn hoàn tục kia thưa rằng:
- Bạch Ðức Thế Tôn, chỉ có 3 giới thôi, thì con có thể giữ được.
Ðức Phật mỉm cười:
- Tốt lắm! Từ nay về sau ông chỉ giữ 3 giới là ngăn ngừa 3 nghiệp Thân, Khẩu, Ý
không để chúng phạm vào các điều ác. Tôi nhắc lại là ông chỉ cần giữ 3 giới ấy
mà thôi, chớ nên hoàn tục làm gì.
Nghe Ðức Phật dạy như thế, vị Tỳ kheo kia hết sức vui mừng, hướng về Ðức Phật
đảnh lễ và phát nguyện trọn đời giữ 3 giới mà Ðức Phật vừa trao, rồi đảnh lễ Ðức
Phật theo chúng trở về tịnh xá. Ông nghĩ rằng: "Các vị Tôn Giả không được như
Ðức Phật, giảng dạy giới luật cho mình mà dùng nhiều loại danh số quá, khiến cho
mình trong một lúc không thể lãnh ngộ, nhưng khi đến Ðức Phật Ngài tóm thâu các
danh số phiền phức của giới, chỉ còn có 3 môn để trao dạy cho mình, thì mới vỡ
lẽ thấu rõ. Ðức Phật quả là một vị Pháp Vương trong thế gian không còn ai hơn
nữa".
Từ đó trí tuệ ông tăng trưởng rất mau. Sau mấy hôm, ông chứng được quả vị A La
Hán.
Khi rõ được sự kiện trên, các vị Tỳ kheo mới họp nhau bàn luận: Các pháp hữu,
đối với vị Tỳ kheo sắp sửa hoàn tục kia, Ðức Thế Tôn đã khéo léo phương tiện đem
tất cả giới luật gồm thâu làm 3 môn học mà trao cho ông ta, làm cho ông ta sớm
chứng được quả vị, Ngài thật là một người vĩ đại! Trong khi mọi người đang bàn
luận về công đức của Ðức Phật, thì ngay lúc ấy Ðức Phật cũng vừa đi đến, Ngài
hỏi:
- Các ông nhóm họp bàn luận việc gì?
Một vị Tôn Giả thay mặt đại chúng thưa rõ mọi việc điều vừa bàn luận, Ðức Phật
nghe xong liền dạy:
- Này các Tỳ kheo, một bao to thì nặng quá nhưng khi chia thành mấy bao nhỏ, vác
lên vai mà đi thì sẽ nhẹ nhàng. Xưa có một Trưởng giả được một khối vàng rất lớn
không thể nhắc lên, ông bèn phân làm mấy khối nhỏ, sau đó ông lần lượt đem về
nhà, không có gì gọi là nhọc sức cả.
Tiếp theo Ðức Phật thuật lại một mẫu đời như sau:
"Thuở xưa, trong thành Ba La Nại, có một nông phu một hôm ra đồng cày ruộng. Ðó
là một khoảnh ruộng được di tặng bởi một phú ông trong thôn. Phú ông trước khi
qua đời có đem chôn giấu một khối vàng lớn trong đám ruộng ấy. Người nông phu
đang cày ruộng, thì bỗng dưng lưỡi cày chạm phải khối vàng trượt lên. Ông tưởng
là cái rễ của một đại thọ, bèn moi đất lấy lên, mới biết là một khối vàng vĩ
đại! Ông vui mừng trong lòng, rồi lấp đất phủ lại như cũ, đánh trâu tiếp tục cày
những nơi khác. Ðến chiều, khi mặt trời vừa lặn, ông cho trâu nghỉ ngơi và đến
moi lấy khối vàng. Nhưng khối vàng quá nặng, ông mới suy nghĩ: "Chỉ có cách chẻ
khối vàng nầy ra làm bốn, một phần để sinh kế, một phần để dành làm vốn buôn bán
về sau, và một phần đem ra bố thí làm các việc thiện". Nghĩ như vậy ông liền chẻ
khối vàng ra làm bốn, rồi lần lượt đem về nhà ba phần một cách dễ dàng không mệt
sức. Ông giữ lời nguyện đem một phần ra làm việc phước thiện. Nhờ đó, đời đời
kiếp kiếp được sanh vào các cảnh thiện...".
Rồi Ðức Phật kết luận:
- Người nông phu được khối vàng lúc bấy giờ chính là tôi ngày nay đây!
Nguồn: www.quangduc.com