Thuở Ðức Phật còn tại thế, một hôm chư Tăng hội lại rất đông
để hầu Phật. Nhiều Thầy Tỳ kheo choán chỗ rộng lớn, có vị một mình chiếm hai
hoặc ba chỗ. Ðại Ðức Xá Lợi Phất đến sau, không có chỗ ở, đành phải ở ngoài
trời. Khuya lại đi kinh hành gặp Ðức Thế Tôn, Ðức Thế Tôn đã biết chuyện ấy,
nhưng để đến khi gặp đức Xá Lợi Phất, Ngài hỏi tại sao ở ngoài đồng. Ðại Ðức Xá
Phất mới bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Vì con đến trễ nên không có chỗ nghỉ".
Nhân chuyện ấy, sáng ngày Ðức Thế Tôn mới cho họp chúng và nhắc một tích như
vầy:
-Về thời quá khứ, tại rừng Tuyết Lãnh có một cây vừng to, nơi cây vừng ấy là nơi
tụ họp của ba con thú và cũng là ba người bạn thân: Chim đa đa, khỉ và tượng. Ba
con thú ấy chơi với nhau rất thân nhưng không biết ai lớn ai nhỏ. Ba con mới nói
với nhau rằng: "Chúng ta chơi với nhau như vầy chưa đủ vì chúng ta thiếu phép
cung kính nhau, vì không biết kẻ lớn người nhỏ để chỉ dạy nhau, vâng lời nhau.
Vậy trong chúng ta biết cây vừng này từ bao giờ?".
Tượng đáp: "Này các bạn, trong khi tôi còn là tượng con, mẹ tôi dẫn đi ăn thì
cây vừng này còn ở dưới bụng tôi. Tôi biết cây vừng từ khi ấy.
Khỉ đáp: "Này các bạn, khi tôi còn bú, tôi ngồi trên đất, không cần phải ngước
đầu lên, cũng có thể dùng miệng cắn ngọn cây vừng này được. Vậy tôi biết cây
vừng này từ khi ấy".
Chim đa đa đáp: "Còn tôi, khi trước ở bên kia có cây vừng to, tôi ăn trái vừng
về đại tiện nơi đây nên mới có cây vừng này".
Từ ấy về sau, khỉ, tượng tôn chim đa đa lên làm anh cả, cả hai kính trọng vâng
lời chỉ bảo. Khỉ và tượng vâng lời chim đa đa lánh ác làm lành, nên sau khi chết
đều được sanh về cõi trời.
Sau khi nhắc tích này Ðức Thế Tôn mới dạy các Tỳ Kheo:
"Này các Thầy Tỳ kheo! Loài thú mà nó còn biết kính trọng nhau thay huống chi
các Thầy, xuất gia hành theo giáp pháp chân chánh của Như Lai sao không biết
kính trọng nhau?...".
Nguồn: www.quangduc.com