Trong những năm mới ngoài ba mươi, trên đường du hóa, Ðức Phật
gặp một ông Bà La Môn giàu có. Thấy Ðức Phật chúng ta quá đỗi đẹp trai, ông Bà
La Môn liền kêu lại, ngỏ ý muốn gả con gái cưng cho, Ðức Ðạo Sư bèn từ chối và
lựa lời giáo hóa ông Bà La Môn tốt bụng này. Thái độ của Phật khiến người đẹp Ma
Ðăng Già cảm thấy bị tổn thương, vì cô không phải là hạng gái ế ẩm đến nỗi phải
đem bán cho.
Với chủ tâm trả thù Phật, ngày hôm sau Ma Ðăng Già cho bắn tin với Ðại Vương
thành U Du rằng cô đã bằng lòng. Một tuần sau, cô trở thành Hoàng phi vua U Du,
đệ nhất phu nhân vùng Kasambi.
Nhiều năm trôi qua, ngày mà Ma Ðăng Già chờ đợi đã đến. Ðức Phật cùng A Nan du
hóa qua vùng Kasambi. Những tay chửi lộn mướn chua ngoa nhất của kinh thành đều
được tụ tập lại, để đón chào Ðấng Ðạo Sư. Ngài điềm nhiên đi qua những con đường
vang rền âm thanh thô tục như không có chuyện gì xảy ra. Riêng Tôn giả A Nan,
tối tăm mặt mũi trước những âm thanh kỳ quái đó, bèn bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, chúng ta đi về thôi!
- Về đâu hở A Nan?
- Thưa, đi đến một thành phố khác, như thành Ðề Xá chẳng hạn.
- Nhỡ nơi đấy, cư dân lại đón tiếp thầy trò mình y hệt như nơi đây thì ông tính
sao?
- Thưa, chúng ta sẽ đi qua thành Hoa Thị!
- Và nếu tình trạng của thành Hoa Thị lại tương tự như vậy thì con tính sao?
- Bạch Thế Tôn, chúng ta sẽ đi và sẽ đến những nơi nào mà người ta không bạc đãi
mình như thành Vương Xá, thành Tỳ Xá Ly chẳng hạn.
- Này A Nan, Tại sao dân cư các thành phố đó lại ưu ái và ân cần với Thầy trò
mình?
- Thưa, vì họ đã nghe pháp, hiểu pháp, đã có trí tuệ để biết đâu là hạnh lành,
đâu là hành động dữ, nên rất khát khao được chiêm ngưỡng dung nhan Ðức Thế Tôn.
- Và này, A Nan còn dân cư vùng này tại sao đón tiếp Thầy trò mình kiểu này?
- Vì họ chưa hề biết đến Phật pháp, chưa phân biệt rõ đâu là việc lành hay việc
dữ nên họ mới hành động như thế.
- Này A Nan, ví như có một đại lương y tài giỏi thương bệnh nhân như con đẻ. Vị
lương y này có bao giờ dán bố cáo trước cổng rằng:
"Nơi đây bổn hiệu chỉ nhận chữa bệnh cho những người lành mạnh hoặc ít bịnh, còn
ai đau nặng thì xin miễn tiếp hay không?
- Bạch Thế Tôn, không bao giờ. Vì thầy thuốc hay cần cho bệnh nặng không phải
dành riêng cho người mạnh khỏe.
- Này A Nan, cũng thế! Như Lai ra đời là vì lợi ích cho những chúng sanh si ám,
chưa phân biệt rõ thiện và ác, chuyên tạo nghiệp dữ để chiêu vời những quả khổ
trong ba đường ác. Những người bệnh nặng cần lương y như thế nào thì cư dân nơi
đây cũng cần đến sự hiện diện của Như Lai như thế đó. Cư dân của thành Tỳ Xá Ly
cùng Vương Xá giống như những người khỏe mạnh hay ít bịnh, các đệ tử Như Lai
hiện diện nơi đó cũng đủ rồi. Còn nơi đây, nếu Như Lai không đích thân giáo hóa
thì còn ai dám thế nữa, hở A Nan?
- Nhưng bạch Thế Tôn, nơi đây có ai thèm nghe Thế Tôn nói pháp đâu? Họ đã đón
tiếp Thế Tôn bằng những gì thối tha bẩn thỉu nhất. Những người bệnh nặng mà
không cần thầy thuốc thì dù lương y có sẵn từ tâm, cũng chỉ uổng công vô ích mà
thôi.
- Này A Nan, một người bị bệnh nặng, thân và tâm đều xúc não thống khổ, không
thể nào có những tâm niệm ngôn ngữ và hành vi như những người bình thường được.
Vị lương y phải tận tâm hành nghề, không xao xuyến về cử chỉ và lời nói bất nhã
của bệnh nhân. Cho đến bao giờ, thấy rằng cư dân vùng này thật sự không còn cần
đến Như Lai nữa. Như Lai sẽ đi ngay.
- Ngay lúc ấy, tên chúa trùm du đãng, thủ lãnh các tay anh chị chửi lộn mướn
chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư nói riêng, xin được ngỏ lời xin lỗi Ngài cùng ông
thầy đây.
- "Qua câu chuyện đối đáp giữa thầy trò của Ngài, chúng con vô cùng hối hận. Vậy
xin Ngài Cồ Ðàm đừng giận mà hãy ở lại đây dạy dỗ chúng con, những bịnh nhân
đang hấp hối.
Một tuần lễ sau, dân chúng thành U Du lại cư xử với đấng Ðạo Sư hệt như thành
Vương Xá, thành Tỳ Xá Ly. Ngày Ðức Ðạo Sư cùng Tôn giả A Nan lên đường du hóa
nơi khác, dân chúng lũ lượt kéo nhau đi tiễn đưa, rải hoa và khóc than rất bi
thiết.
Nguồn: www.quangduc.com