•
Tản Mạn Về Mẹ Nhân
Mùa Vu Lan 2004
•
Tản Mạn Về Cần Thơ
•
Bồ Tát Đưa Thơ
•
An Tâm
•
Bất Tăng Bất Giảm
•
Hành Hương Thiên Trúc
•
Hồng Hạnh
•
Người Đẹp Thoảng Hương Sen
•
Ngưu Ma Vương
• VẾT NHẠN LƯNG TRỜI (Tập
Truyện)
Lời Giới Thiệu của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh
Trần Truồng
Vết Nhạn Lưng Trời
Thuốc Đắng
Loài Hoa Bình Dị
Thành Toàn
Ngộ
Đâu Chẳng Là Nhà
Chân Dung Của Mẹ
• CỬA THIỀN DÍNH BỤI (Tập
Truyện)
Một Bước Chẳng Rời
Khẩu Phật Tâm Xà
Khảo
Cửa Thiền Dính Bụi
Tầm Thầy
Ðiệu Múa Loài Ong
Sen Trắng
Tiền Nào Của Ấy
• NHƯ THẾ MÀ TRÔI (Tập Truyện)
Trò Chơi Cút Bắt
Tan Loãng Theo Mây
Lấy Chồng Xa Xứ
Như Thế Mà Trôi
Cam Lồ Xa Mạc
Thần Tài Gõ Cửa
Tình Nghĩa Xương Rồng
Hoằng Nguyện Thênh Thang
• CON ĐƯỜNG VÔ TẬN (Tập Truyện)
Lời Nói Đầu
Một Vị Phật Khai Sinh
Phổ Nguyện
Ngưỡng Cửa Của Thương Yêu
Cửa Thiền Cửa Tịnh
Tô Canh Bù Ngót
Con Ðường Vô Tận
Một Niệm Buông Lung
• MẸ QUAN ÂM CỬU LONG (Tập
Truyện):
Lời Nói Đầu
Theo Dấu Chân Xưa
Mẹ Quan Âm Cửu Long
Người Đẹp Thoảng Hương Sen
Mở Toang Cửa Địa Ngục
Tiếng Chuông Của Chư Thiền Sư
Quan Âm Tóc Rối
Cây Khô Trổ Bông
|
Truyện Ngắn Phật Giáo
Tản Mạn Về Mẹ Nhân Mùa
Huỳnh Trung Chánh
______________________________________________________________________________
Vào mỗi mùa Vu Lan, tôi thường viết những truyện
ngắn tưởng tượng về những bà mẹ, còn nhắc về người mẹ thật của tôi, tôi
chỉ viết một lần trong tùy bút “Tản
Mạn Vể Cần Thơ”, để ghi
lại quãng thời ấu thơ hạnh phúc nhất đời, một năm học duy nhất mà tôi
được sống ấm êm trong vòng tay của mẹ.
Tôi mất cha khi vừa tròm trèm sáu tuổi. Thuở đó, tình hình an ninh kém
cõi, thương ông bà ngoại tôi sống đơn chiếc, mẹ tôi dẫn con cô gái út về
quê nhà tại Cao Lãnh chăm sóc ông bà. Phần hai đứa con trai, bà gởi mỗi
đứa một nơi - thường là các bà dì - để “ăn nhờ ở đậu” đi học. Tôi quen
thui thủi sống môït mình từ lúc mới tập tễnh học lớp một, mỗi năm chỉ
gặp mẹ tối đa hai lần, còn anh em có khi hằng mấy năm trời vẫn chưa thấy
mặt nhau, nhưng càng xa nhau thì chúng tôi càng thương mẹ, thương anh
thương em.
Sau năm 1975, anh em chúng tôi đùm bọc dắt dìu nhau, đưa mẹ đi vượt
biên. Em gái tôi đã lập gia đình tại Thụy Sĩ từ lâu, còn hai anh em tôi,
tuy đồng định cư tại Hoa Kỳ, nhưng mỗi đứa lập nghiệp một phương, phương
Đông và Tây cách nhau hàng ngàn dậm khiến cho bà mẹ, sống với đứa nầy
thì nhớ đứa kia, đi qua lại hụt cả hơí!
Mẹ tôi năm nay đã ngoài 88 tuổi, những năm gần đây chân bà đã yếu, phải
lần vách hay nương gậy mà đi, nhưng may mắn bà vẫn có thể lo việc vệ
sinh và tắm rửa một mình. Được như vậy, là nhờ anh tôi rất cẩn thận chăm
lo sức khỏe, cả nhà giữ một chế độ ăn uống kiêng cữ đặc biệt với những
thức ăn toàn loại phẩm chất dinh dưỡng khỏe mạnh, ngoài ra, anh cũng cho
bà giữ thời khóa vận động chân tay nghiêm nhặt. Chương trình vận động
tay chân của bà mỗi ngày 3 lần, mỗi lần gồm có 3 mục : a. tập bốn động
tác khí công cải tiến nhẹ, mỗi động tác 10 lần, b. đi bộ (lần vách đi)
10 vòng, c. lái xe (nương theo loại khung có hai bánh xe đẩy đi) 10
vòng. Mẹ tôi vốn dễ dãi và bền bĩ chịu đựng, nên dù bà mệt mỏi chán ngán
vận động lắm, nhưng vẫn chiều ý con cái gắng sức mà tập, bà chỉ lầm thầm
thở than : “Hồi nhỏ mình tập nó đi, bây giờ nó bắt mình tập đi, đúng là
bị quả báo!” Lòng dạ tôi mềm yếu, mỗi khi được ủy thác trông chừng bà
vận động, theo dõi bà chừng nửa chương trình thì đã thấy chân tay bà lết
bết, hơi thở phì phò, mặt mày buồn hiu, tôi thương quá, lánh đi nơi khác
để cho bà tùy ý muốn làm sao thì làm. Tôi biết mình yếu ớt như vậy là
hơi phụ lòng anh tôi, nhưng quả thật tôi không thể cố gắng nỗi. Mẹ tôi
mà sống với tôi, chắc chắn là tôi sẽ không nỡ ép bà vận động, và như vậy
có lẽ bà đã ngồi liệt một chỗ từ lâu rồi.
Mấy năm nay, chân yếu không còn đủ sức đi lại chia xẻ thời gian với các
con, mẹ tôi thường trực sống với anh tôi, và hằng năm tôi đến thăm bà
đôi lần, mỗi lần lưu lại một hoặc hai tháng cho anh tôi thoải mái đi
nghỉ hè, và tôi cũng thoải mái có được những giờ phút riêng tư “hủ hỉ”
với mẹ. Ông anh tôi tính “siêu cẩn thận”, lần nào cũng vậy anh dặn dò
nhắc tới nhắc lui hàng trăm lần thời dụng biểu và những điều cần thiết
cho việc săn sóc mẹ, tuy vậy anh vẫn chưa hài lòng, nên trước khi đi anh
còn trao cho chiếc cẩm nang, để mở ra xem xét lại từng mục kẻo quên.
May mắn là về phương diện thực đơn thì tôi không bị ràng buộc quá đáng.
Lần nào, bà xã tôi cũng ưu ái chuẩn bị cho tôi một va li thức ăn đặc
biệt, gồm toàn những món ăn có thể thiếu tiêu chuẩn bổ dưỡng, nhưng rất
hợp khẩu vị của bà : tôm kho tàu, cá kèo kho, mắm chưng... Những món ăn
nầy gợi cho mẹ tôi nhớ lại hình ảnh quê hương xa xưa, nhất là khoảng
thời gian trẻ trung khi mới về nhà chồng. Lần nào cũng vậy, mẹ tôi, mắt
sáng ngời gắp con cá kèo, giẻ miếng tôm đỏ au hay vít miếng mắm vào chén
cơm, rồi cười cười nhắc nhở : “Ở Cổ Chiên mình, cá kèo đầy dẫy ở ven
sông, người ta chê cá kèo, lòng tong, lục chốt không ăn, nhưng bây giờ,
thì nó là món ăn hiếm có con há!...”, “Mắm lóc, nội con làm cả lu ăn
suốt năm chẳng hết”, “Ừ!Tôm càng ở Cổ Chiên mình nhiều lắm! thằng Xê
nhảy xuống sông lặn một hơi, trồi lên hai tay cầm hai con. Còn vào mùa
dở chà thì tôm càng nhiều quá ăn không xuể, mình phải phơi khô, phải kho
tàu như vầy nè để ăn được nhiều ngày...”
Lúc sau nầy, mẹ tôi lẩm cẩm quên trước quên sau, chỉ có khoảng thời gian
ấu thời và thời gian mới lập gia đình theo chồng về Cổ Chiên là còn nhớ
rất rõ. Tôi biết bà thích chuyện xa xưa, nên mỗi khi bà nhắc nhở đến Cổ
Chiên tôi thường nói đùa : “Đằng đó, ởù Cổ Chiên có cá sấu không...?”
Đây là câu đầu tiên mà mẹ tôi ấp úng hỏi “trổng” cha tôi trong ngày lễ
“coi mắt” khoảng 70 năm về trước, tới giờ nầy mà khi nghe nhắc lại bà
vẫn còn sung sướng vừa thẹn thùng như một thiếu nữ đang xuân. Bà cười hì
hì : “Ai biết gì đâu, nghe xứ Cổ Chiên lạ hoắc, tưởng chỗ cọp beo, cásấu
gì ở chớ!”.
Năm xưa, nội tôi được người mai mối hướng dẫn đến nhà ngoại tôi để xin
kết nghĩa xuôi gia. Sau khi bàn luận và cân nhắc tuổi tác các con gái
gia chủ, nội bỗng ngỏ ý chọn mẹ tôi làm dâu, mặc dù trước đó người mai
mối không hề đề cập gì về mẹ tôi cả. Mẹ tôi đang lúi húi phụ giúp người
nhà chuẩn bị bếp núc đãi khách, bỗng bị bà ngoại ra lệnh cấp tốc chỉnh
trang lại y phục, bưng nước trà mời khách. Mẹ tôi ơ hờ theo lệnh ngoại.
Mẹ vừa trở xuống bếp chừng 10 phút, thì cha mẹ hai bên đã long trọng tác
thành đôi lứa. Khi ngoại thông báo cho mẹ quyết định nầy, mẹ tôi chưng
hửng chẳng biết người chồng tương lai của mình mặt mũi ra sao nữa, nhưng
phận làm con “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó!” mẹ tôi đâu dám hó hé gì. Sau
đó, ngoại mới sắp xếp cho “hai đứa nhỏ” được trò chuyện riêng. Mẹ ngồi
trước mặt cha tôi, thẹn thùng, sợ sệt, bối rối ngổn ngang, cúi gầm mặt
chẳng dám ngẩng nhìn, ba hỏi câu nào thì trả lời “trổng trổng” câu đó.
Sau cùng, bậm gan lắm bà mới hỏi câu đầu tiên mà tôi lập lại để ghẹo bà
ở trên.
Quê ngoại tôi tại Hòa An, Cao Lãnh thuộc vùng nước ngọt, xóm làng gần
gũi, vườn cây trái xanh um, còn quê nội tôi là một cù lao nhỏ, nằm ở vàm
sông Cổ Chiên, tuy thuộc quận châu thành tỉnh Trà Vinh, nhưng vị trí sát
biển nên nước lợ mặn quanh năm cây ăn trái hiếm hoi, xóm làng thưa thớt.
Ngoại tôi tin tưởng ông mai, một nhà giáo đứng đắn trong vùng nên không
dò xét kỹ, cứ đinh ninh Cổ Chiên thuộc quận châu thành phải là chốn thị
tứ, chừng đưa con gái về nhà chồng, thấy cảnh hoang vắng đìu hiu, toàn
là ruộng lúa chen lẫn với rừng dừa nước, ngoại xót thương con gái đã
khóc ròng, trong khi mẹ tôi lại tỏ vẻ bình thản. Có thể là bà đã phải
gắng gượng đè nén tiếng nức nở để tránh gây khổ đau thêm cho Ông Bà
ngoại chăng?
Khi tôi nghe mẹ kể đến chuyện nầy, tôi thường ghẹo bà : “Má vừa gặp ba
đã thương tức khắc, thương quá xá cỡ rồi! ba sống ở đâu thì quyết chí
theo ở đó, hùm beo cá sấu còn chẳng sợ huống gì rừng lá! phải không
má?”. Mẹ tôi dễ tánh nên tôi mới dám “cà rỡn” với bà, tuy là lời nói
giỡn nhưng nó lại phản ảnh khá chính xác mối tình yêu tha thiết thâm
trọng hy hữu của bà dành cho chồng. Có lần bà chị họ tôi nghe tôi nói
câu nầy, cười hề hề theo kiểu “biết rồi! khổ lắm! nói mãi!” rồi lên
tiếng : “Còn phải nói gì nữa. Nếu mợ không thương cậu sâu đậm, thì làm
sao chịu nỗi cảnh trung trinh góa bụa thờ chồng được?”. Thật ra, chuyện
mà tôi muốn nói ở đây là tình yêu của mẹ tôi trải qua những năm tháng
dài mù mịt - cha chết khi mẹ mới 29 tuổi, tính ra đã 60 năm rồi -, mà
vẫn còn sâu đậm tha thiết như thời trẻ trung mới là hy hữu, mới là đặc
biệt. Cho nên, dù tuổi đã kề cận 90, quên trước quên sau, mà khi nhắc
đến thời gian chung sống với chồng tại Cổ Chiên thì bà có thể thuật linh
hoạt hàng trăm thứ chuyện, từ sinh hoạt linh tinh giỗ Tết cúng kiến,
chuyện làm dâu, em chồng, cho đến chuyện bà con lối xóm, ông câu, ông
nói liệu, chuyện lúa thóc, tôm cua..., chẳng chuyện nào bà quên cả. Mà
hể câu chuyện nào liên quan đến chồng, thì giọng nói của bà lúc đó tức
thời biến đổi thành tha thiết trang trọng, tình nghĩa tràn đầy. Mấy ngày
qua, mỗi khi tôi rót nước cam cho bà, bà đều tươi cười nói “Ở Cổ Chiên
mình làm gì có cam, ba con phải mua cam tận chợ Trà Vinh để vắt nước
đó!”. Đây là mẩu chuyện mới nghe lần đầu, nhưng tôi ơ hờ chẳng để ý.
Chừng nghe liên tiếp vài mươi lần, tôi quan sát kỹ thái độ vui tươi của
bà khi nói ra câu đó thì mới hiểu ra. Ở lứa tuổi mẹ tôi, vợ chồng thương
yêu chiều chuộng nhau là việc phải dấu kín, do đó, bà chẳng hề nhắc nhở
chuyện nầy với ai. Và bây giờ, đợi đến hơn 60 mươi năm sau bà mới dám
thổ lộ cho tôi nghe, mà niềm hạnh phúc được chồng cưng “mua cam tận chợ
Trà Vinh về vắt nước” vẫn còn miên man trong lòng. (Tôi nghĩ một bà vợ
dẫu được ông chồng đổi cả sự nghiệp để mua hột xoàn dâng tặng, chưa chắc
đã hạnh phúc bằng mẹ tôi được ly nước cam ngày xưa của ba tôi đâu!)
Mẹ tôi hay quên, nhưng đầu óc vẫn còn sáng suốt, bà thường nhìn cái già
nua lọm khọm của mình với nụ cười hóm hỉnh. Bà tự chọc quê sức khỏe yếu
ớt mình là “không nghe lời”, là “sanh tật”, nên thường cười hề hà than :
“Cái tay bữa nay không chịu nghe lời má...” hoặc : “Độ rày, má già nên
hay sanh tật quá!”
Mẹ tôi quả thật có rất nhiều tật, mà đối với tôi thì tật nào cũng đáng
quý và dễ thương vô cùng. Tật lâu đời và lớn nhất của bà là tật tận tụy
hi sinh cho mọi người mà chẳng hề kể lể thở than. Sau năm 1945, vùng quê
Cao Lãnh kém an ninh, hoa lợi lúa ruộng suy giảm, khả năng thuê mướn
người giúp đỡ khó khăn, trong khi ông bà ngoại lại già yếu, bệnh hoạn
liên miên. Mẹ tôi có bảy chị em gái, nhưng chẳng ai có điều kiện và
thiện chí để về quê chăm sóc cha mẹ già, nên bà đành hi sinh lãnh nhiệm
vụ nầy ròng rã hàng mười mấy năm trời mà chẳng hề được chị em nào gánh
vác cho một tháng. Trong thời điểm nầy, phải kể đến những lúc cực kỳ
gian khổ, khi bà ngoại bị nằm liệt hơn 3 năm, ông ngoại cũng không xê
dịch trong 6 tháng, mẹ tôi ngày đêm túi bụi lo cơm nước, lo đút từng
miếng cơm, từng ngụm nước, nài nĩ từng viên thuốc, lo việc tiêu tiểu,
tắm rửa, lại phải bù đầu chăm sóc nhà cửa ruộng vườn, chắt mót từng nải
chuối, buồng cau... để có thêm hoa lợi. Mẹ tôi cực khổ dường ấy, nhưng
luôn luôn cắn răng chịu đựng, chẳng một lời thở than, cũng chẳng hề dựa
vào công lao của mình để suy bì, hay trách cứ nặng nhẹ chị em nào cả.
Thuở nhỏ, tôi rất ấm ức “tật” nầy, nên càm ràm : “Má cực khổ phải nói ra
cho mấy dì biết, nếu không, ai cũng tưởng má sung sướng lắm!”, mẹ tôi
cười hỉ xả rồi thôi. Mẹ bền bĩ phụng dưỡng ngoại, cho đến khi ông bà lần
lượt từ trần, thì mới lặng lẽ về Saigon chung sống với các con, để lại
nhà cửa ruộng vườn của ngoại cho bà chị gánh vác.
Với anh em chúng tôi cũng vậy, bà trọn đời xả thân tận tụy phục vụ,
thương yêu chăm sóc, mà cũng chẳng bao giờ kể lể công ơn hay thở than
mỏi mệt. Đến khi lũ cháu ra đời, tánh bà cũng chẳng khác, khi có cơ hội
thì bà tức thời thương yêu chí thiết, chiều chuộng hết mình, chăm sóc
nâng niu từng li từng tí. Các con tôi một mực thương quí nội và thường
nhắc lại những ngày sống chung được nội thăm dò nhu cầu từng đứa để lăng
xăng phục vụ, hay cặm cụi làm đủ loại bánh, gọt sẵn đủ loại trái cây để
nài nĩ, dụ dỗ chúng ăn. Thời còn ở Việt Nam, em gái tôi xuất ngoại giao
hai con gái bé bỏng cho ngoại nuôi giữ mấy năm trời, bà sẵn sàng dang
tay đùm bọc, tâng tiu như bảo vật. Đến khi anh tôi vượt biên còn kẹt lại
đứa con gái mới lên 4 tuổi, cũng yên tâm phú thác cho bà nhận lãnh. Cháu
bé bất ngờ bị đau sốt xuất huyết nặng phải đưa vào bệnh viện Triều Châu
cứu cấp. Thời đó, thuốc Tây khan hiếm, bác sĩ ngụy chỉ còn mấy móng,
dịch sốt xuất huyết hoành hành dữ dội khiến tỷ lệ trẻ em tử vong rất
cao, vì vậy bệnh viện Triều Châu đông nghẹt bệnh nhân, cháu bé còn có
chỗ nằm, mẹ tôi phải ngồi chầm chập canh chừng cháu không phải một hai
giờ mà là suốt bốn ngày đêm. Lúc đó, hàng ngày tôi phải đi học tập thật
chuyên cần, sáu giờ chiều mới có thể đến thay thế cho bà đôi giờ để bà
tắm rửa tạm nghỉ ngơi lấy sức mà thôi. Sau khi mạng sống của cháu được
cứu vãn thì mẹ tôi cũng gần hụt hơi. Tôi biết nếu mẹ tôi lơ là một chút
thì mạng sống của cháu khó an toàn. Thời gian sau, tôi đưa mẹ và cháu đi
vượt biên thành công, mẹ tôi bàn giao cháu cho anh tôi với nụ cười, và
tánh nào tật ấy, bà không hề kể lể những nỗi nhọc nhằn của mình. Anh có
nghe cháu đau thì bất quá nghĩ rằng đó là chỉ chuyện ấm đầu, sổ mũi,
uống một viên aspirine là xong, chớ đâu tưởng tượng hoàn cảnh thập tử
nhất sanh của cháu ngày đó.
Giờ đây, tuổi ngày càng cao thì mẹ tôi – theo nguyên văn từ ngữ bà xử
dụng – lại càng sanh tật nhiều thứ lắm. Tật hay quên, tật chân tay yếu
ớt, tật mắt kém đọc viết, khó khăn... Vì sợ bà sanh tật thình lình, nên
anh em chúng tôi thay phiên nhau trông chừng bà ngày đêm, nhất là lúc bà
tắm, sợ bà sanh tật té nên túc trực ở ngoài nghe ngóng. Bà tắm xong,
chúng tôi xấy tóc, gỡ đầu cho bà, kẻo bà sanh tật cảm lạnh thì nguy. Một
hôm sau khi gỡ tóc cho mẹ, sẵn thấy có đôi vớ, tôi mang cho bà. Tôi bỗng
ngẩn người, khi nhìn thấy móng chân của bà dài ngoằn, có móng như bấu
vào thịt. Thì ra, tuy bà còn có thể tự cắt móng tay, nhưng bà đã “sanh
tật” không thể cúi xuống để cắt móng chân được. Tôi săn sóc mẹ mà không
để ý điều nầy, nên vừa xót xa vừa xấu hỗ, lên tiếng hỏi bà : “Sao má
không bảo tụi con cắt móng chân cho má”. Bà cười hồn nhiên : “Mấy người
giàu sang, ăn không ngồi rồi, để móng tay móng chân năm nầy tháng nọ, mà
có sao đâu?”
Mấy hôm trước, tôi túc trực bên ngoài khi bà tắm, nhưng chờ khá lâu vẫn
không nghe xối nước. Việc tắm rửa của bà kéo dài là chuyện rất bình
thường vì lẽ nội cái việc lụm khụm cỗi đồ ra và bận đồ vào cũng tốn rất
nhiều sức lực và thời giờ rồi. Tôi lên tiếng hỏi dọ vài lần thì bà trả
lời bình thường, mà tiếng nước vẫn im bặt một cách lạ lùng. Hơn hai giờ
sau, bà mới mở cửa bước ra, mặt hơi giận, lầm bầm : “Bữa nay, sao cái
chân sanh tật cụt ngủn hà! bước vào bồn tắm hoài không được, nên đâu có
tắm!”. Bồn tắm cao, tôi biết mẹ phải khó khăn mới dở chân lên vừa đủ để
bước vào, nhưng vẫn làm lơ cho bà có cơ hội cố gắng vận động tối đa. Tôi
an ủi : “Chuyện đó dễ mà, để ngày mai con sắp xếp lại, rồi má sẽ bước
vào bồn tắm dễ ợt hà!”. Lâu lắm rồi tôi mới thấy mẹ tôi lộ vẻ buồn, bà
than : “Sao má sống lâu quá vậy? Má đâu muốn sống dai như vậy, con ạ!”.
Tôi an ủi mẹ theo tinh thần đạo Chúa của bà : “Mình đâu có thể mong muốn
chuyện gì được má! Chúa bảo sống đến đâu thì mình sống đến đó thôi, phải
không má?”. “Ưà!”. Tuy bà “ừa”, nhưng nhận thấy bà vẫn chưa vui, tôi giả
giọng con nít lên tiếng : “Má nó chết, thì ai nuôi nó! hu hu!”, nhờ vậy
mẹ tôi cười tươi lên. (Nguyên thuở mẹ còn ấu thơ, chừng năm sáu tuổi,
một hôm bà chứng kiến bầy chó vật con gà mẹ chết. Bà khóc hoài, vỗ mãi
không nín và cứ thắc mắc hỏi ngoại : “Má nó chết thì ai nuôi nó!”. Ngoại
bực mình quá nói : “Má nó chết thì mầy nuôi nó!”. Vậy mà mẹ tôi đồng ý,
nín khóc, rồi mỗi ngày đứng ra “chít chiu”săn sóc đám gà con cho đến khi
chúng lớn thành gà giò. Chuyện nầy là một trong những chuyện hiếm hoi
tại Cao Lãnh mà mẹ tôi kể lại. Một hôm mẹ tôi và dì Năm – một bà 88, một
bà 90 tuổi – được con cháu sắp xếp cho điện thoại thăm nhau, hai bà nói
chuyện nào cũng trớt qướt, nhưng vừa nhắc đến vụ “Mẹ nó chết, ai nuôi
nó”, hai bà rộn ràng tranh kể lại cho nhau nghe và đồng hớn hở vui
cười.)
Ngày hôm sau, tôi nhấc cái ghế đặt sát bồn tắm, bà ngồi trên ghế dở chân
bỏ qua bồn, rồi đứng dậy tắm dễ dàng, nên mẹ tôi rất hài lòng. Tật “chân
cụt” lần nầy thì giải quyết được, nhưng chắc chắn bà còn sanh tật dài
dài, và đó là điều khiến cho tôi lo lắng triền miên. Hồi tôi đang học
lớp năm, có lần tôi bị nổi dời trên háng, mẹ tôi bảo tôi cỡi quần ra để
bà xức thuốc. Tôi mắc cỡ còn vùng vằng thì bà nạt đùa : “Tao là má mầy,
tao sanh mầy ra mà mắc cỡ nỗi gì”. Hôm qua, tôi đã nhắc lại chuyện nầy
cho mẹ tôi nghe, để chuẩn bị, có ngày nào đó, tôi phải săn sóc mẹ, mà mẹ
mắc cỡ thì tôi sẽ lập lại tương tợ như vầy : “Con là con của má! từ bụng
má chui ra, mà má mắc cỡ nỗi gì!”
Mấy năm trước, tôi có viết truyện ngắn tựa đề “Lấy chồng xa xứ”, theo
đó, người con gái sau khi hiểu được công ơn cha mẹ như trời như biển sức
mình không thể báo đền chữ hiếu, bèn cất tiếng thở than qua điệu ru em :
Cha mẹ ơi! sanh con là gái
Biết chừng nào trả ngãi mẹ cha
Chừng nào cho cá hóa rồng
Đền ơn cha mẹ, ẫm bồng thuở xưa.
Thật ra, tôi đã viết bài nầy cho chính tôi, và đây là tiếng than của tôi
khi nghĩ đến sự hiếu dưỡng nan giải của mình đối với mẹ. Bạn đọc có thể
chế diễu tôi : “Cha nầy, đàn ông mà mượn giọng đàn bà tâm sự thì yếu
quá! tệ quá!”. Các anh các chị biết không? tôi nghĩ rằng vì tôi là đàn
ông nên sự tình mới trở nên tồi tệ. Giả dụ tôi là đàn bà, thì tôi có thể
chăm sóc mẹ chu đáo những chuyện thân mật : tắm rửa, thay quần áo... thì
tốt đẹp cho mẹ con tôi biết là bao nhiêu.
Mùa Vu Lan 2004
Đầu Trang |
|