Tô Ðông Pha, quan Hàn Lâm học sĩ triều Tống, nổi tiếng là
người học rộng nghe nhiều, tài hoa lỗi lạc. Ỷ tư chất thông minh, ông xem mọi
người dưới tầm con mắt, thường làm những bài văn với tính cách trào lộng để mai
mỉa tình đời. Ðối với đạo Phật, ông lại còn tỏ ra thái độ khinh rẻ, không tin,
thẳng lời bài bác.
Một độ, nhân đi phó nhậm ở Chiết Giang, nghe danh sư Phật Ấn ở đỉnh Vân Cư là
bậc học thông ba tạng, Tô Ðông Pha liền nảy ra ý định đến viếng cửa thiền, mục
đích để trêu chọc lão Hòa Thượng này chơi. Ðến đây tôi xin tạm dừng câu chuyện
thăm viếng ấy lại, để lược thuật cho quí vị biết tướng mạo và hành vi của vị
tăng ở núi Vân Cư ra thế nào?
Phật Ấn thiền sư, vóc người cao lớn, mập mạp. Trên mặt ngài luôn luôn nở nụ
cười, mỗi khi tiếp chuyện với khách. Về ngôn ngữ, Sư nói rất trôi chảy tài tình,
khiến cho người đối thoại phải lặng thinh khâm phục. Sư có nhiều hành động khác
thường, đến như rượu thịt là giới cấm trong nhà Phật, sư cũng không từ. Nhưng
với bao nhiêu cử chỉ ấy, tất cả Tăng đồ và tín đồ thời bấy giờ không ai dám bài
bác, và nhận thấy ở nơi sư có một cái gì siêu phàm hay làm cho người đời tỉnh
ngộ, mà kẻ dung thường không thể bắt chước. Cho nên, hành vi khác lạ của sư được
nhiều người ghi chép bằng nhiều bài thi, trong ấy có những câu :"Viễn Công cô
tửu yêu Ðào Lịnh, Phật Ấn thiêu trư đãi Tử chiêm" (Ngài Huệ Viễn mua rượu mời
Ðào Uyên, minh sư Phật Ấn nướng thịt đãi Tô Tử Chiêm). Ðây là hành vi của bậc
đại triệt, đại ngộ, tùy cơ giáo hóa. Những vị tăng sĩ nào chưa được như thế,
không nên khen ngợi bằng lối bắt chước, cũng đừng vội chê bai.
Xin tiếp tục câu chuyện trước. Khi Tô Ðông Pha đến non Vân, sư Phật Ấn còn đang
ngồi tịnh trong phương trượng, nghe thị giả thưa: "Có quan Hàn Lâm học sĩ đến"
Sư vui vẻ chào hỏi và mời khách ngồi. Sau khi đáp lễ xong, Tô Ðông Pha liền mở
lời vấn nạn:
- Bạch Hòa Thượng! Xin cho tôi hỏi một câu:
- Vâng, tôi cũng xin tùy chỗ hiểu biết để hầu chuyện cùng ngài.
- Bạch, tôi muốn mượn thân tứ đại của Hòa Thượng làm tòa ngồi, có được chăng?
Một nụ cười nở trên môi, Phật Ấn thiền sư đáp:
- Nếu bần đạo trả lời không suông, xin theo tôn ý, bằng trái lại, ngài sẽ tính
thế nào?
- Tôi xin đem chiếc đai ngọc, một vật quí của vua ban cho, để đáp tạ Hòa Thượng.
- Bần đạo tứ đại vốn không, ngũ uẩn chẳng có, vậy ngài lấy chi làm tòa ngồi.
Tô Ðông Pha sửng sốt hồi lâu, không trả lời được, đành phải mở đai ngọc giao cho
Phật Ấn thiền sư. Sư thâu nhận, rồi bảo thị giả vào trong đem chiếc áo bá nạp ra
tặng cho quan Hàn Lâm học sĩ. Tô Ðông Pha gắng gượng tiếp lấy và làm bài kệ
trình lên rằng:
Căn tối đành ngơ trước máy thần
Nặng vì thân bịnh vướng đai cân!
Muốn khuyên khất thực nhà ca kỹ?
Nên mới nhường cho áo núi Vân.
Ðoạn, hai người cùng nhau tiếp chuyện rất thân mật.
Từ khi được gặp Phật Ấn thiền sư và sau mấy phen ngài chiết phục, Tô Ðông Pha
trở nên bạn thân của vị Tăng phi thường ấy. Trong thời gian đó, ông lại được
quen với một vị sư khác: ngài Hoành Sơn Cốc. Khi rảnh việc Tô Ðông Pha thường
mời hai bạn đến nhà thết tiệc khoản đãi, hoặc cùng đi dạo ở những nơi thắng
cảnh. Nhưng, trong ba người, chỉ có sư Phật Ấn là mạnh ăn nhất. Vì thế, Tô Ðông
Pha, Hoành Sơn Cốc thường bị cụt hứng và thường chịu lép trong những cuộc vui.
Một hôm, Ðông Pha bảo người nhà sửa sang con thuyền và sắm sẵn gỏi ngon rượu
tốt, rồi mời riêng Sơn Cốc thiền sư cùng mình mở cuộc lãng du trên dòng nước.
Không dè ngài Phật Ấn hay được việc ấy, lén đến mé sông trước, và dở ván ngồi
lẳng lặng dưới khoang thuyền. Sơn Cốc, Ðông Pha đến sau thờ ơ không hay biết chi
cả, bảo trạo phu gay chèo để phát khởi cuộc du trình.
Lúc ấy nhằm ngày rằm. Hoàng hôn đã trở về từ lâu nên mặt sông thu yên tĩnh. Vào
khoảng đầu hôm, chị Hằng lộ dáng đứng trên dãy non Ðông, như bàng hoàng giữa
vầng Ngưu Ðẩu. Hàng cây bên bờ sông in bóng dài trên bãi cát. Một ngọn gió mát
từ đâu thoảng lại, thổi phất phơ tà áo vị thiền sư trí tuệ và trang học sĩ tài
hoa. Thuyền từ từ tách khỏi bến ra giữa lòng sông, thả suôi theo dòng nước. Ði
không lâu, chiếc du thuyền rẽ vào một mặt hồ to rộng, bao la. Bấy giờ, những
thức ăn uống được sắp bày trên thuyền, dưới gương nga tỏa sáng. Trước khi nhập
tiệc, Ðông Pha bảo Sơn Cốc:" Chúng ta mỗi người hãy làm bốn câu thi tức cảnh,
hai câu sau lấy trong sách Tứ thơ và kết cuộc bằng chữ "tai". Nếu ai làm không
được phải bị phạt ba chén rượu. Và, bước đầu tôi xin nhường cho Ngài. Lộ vẻ tươi
cười, thiền sư đáp: "Thế thì còn chi thú vị bằng! Tôi xin lĩnh ý".
Bấy giờ con thuyền đang từ từ rẽ nước. Cánh bèo theo gợn sóng tan ra, lộ dáng
mấy con cá lội thấp thoáng. Sơn Cốc trông thấy liền ngâm:
Phù bình bác khai
Du ngư xuất lai
Ðắc kỳ sở tai!
Ðắc kỳ sở tai!
(Bèo nổi tan ra, Dáng cá lội qua
Phải cảnh nó a! Phải cảnh nó!).
Ðông Pha vỗ tay khen: "Hay! Hay lắm! Thật là tuyệt!" Rồi, vẻ mặt trầm ngâm ông
nhìn khắp chung quanh để tìm câu gợi tứ. Chợt trông lên trời thấy áng mây trắng
bay qua để lộ màu thỏ bạc, ông liền đọc:
Phù vân bác khai
Minh nguyệt xuất lai
Thiên hà ngôn tai?
Thiên hà ngôn tai?
(Mây nổi qua mau, Trăng tỏ lộ màu
Trời nào nói đâu, Trời nào nói đâ?)
Sơn Cốc cũng vỗ tay khen: "Mấy câu vừa rồi ý nghĩa siêu thoát lắm! Không biết
ngài có nhận được mùi thiền trong ấy chăng? Ðông Pha không đáp, yên lặng tủm tỉm
cười. Ðoạn, hai người cùng rót rượu để tán thưởng cho nhau và sắp sửa vào tiệc.
Nhưng, Phật Ấn thiền sư đã dở ván, từ dưới khoang thuyền chun lên, vừa đọc lớn:
Phù bản bác khai
Phật Ấn xuất lai
Nhơn yên sưu tai?
Nhơn yên sưu tai?
(Ván lót dở cao, Phất Ất ra mau
Người giấu được nào? Người giấu được nào?).
Ðọc xong sư điềm nhiên ngồi chễm chệ trước tiệc, quơ đũa không mấy chốc, thức ăn
đã hết sạch. Sơn Cốc và Ðông Pha dở khóc dở cười, nhìn nhau ngơ ngẩn.
Những việc trớ trêu tương tự như thế, thường xảy đến với Tô Ðông Pha, nhưng cũng
do đấy, ông càng nghĩ càng khâm phục sư Phật Ấn.
Khách đa tài phần nhiều hay đa tình, Ðông Pha có bảy người thiếp rất đẹp. Một
hôm, trong cơn đàm thoại, Phật Ấn thiền sư bảo ông rằng: "Tôi nghe ngài có nhiều
thê thiếp, mà tôi lúc này thiếu người hầu hạ, không biết ngài có vui lòng cho
tôi mượn một nàng không?" Ðông Pha cười nói: "Hòa Thượng đã muốn, tôi đâu dám
chẳng vâng lời". Sau khi về đến nhà Ðông Pha cho gọi thiếp thứ bảy ra bảo: "Hôm
nay, Phật Ấn thiền sư hỏi tôi mượn một cô hầu. Vậy nàng hãy sửa soạn để đi đến
chùa cho sớm". Người thiếp tỏ vẻ không bằng lòng, thưa: "Ông ấy đã tu hành, sao
còn nói gở như thế?" Ðông Pha bảo: "Người quân tử đã hứa, tất phải nhớ lời. Nàng
nên vì tôi chịu phiền đi đến xem Hòa Thượng sử sự ra sao?"
Khi người thiếp đến chùa, Phật Ấn thiền sư ra tiếp, đưa vào cho an nghỉ một
phòng. Ðoạn, sư bắt bảy cái lò gần đấy, quạt lửa than cháy đỏ rồi suốt đêm bước
qua bước lại trên lò. Sáng ra, thiền sư bảo xa phu gác xe đưa mỹ nhân trở về.
Sau khi về đến nhà, người thiếp thuật rõ lại hành vi của sư Phật Ấn trong đêm
vừa qua. Ðông Pha nghe xong, thầm nghĩ: "Ðây chắc là thiền sư ngụ ý bảo: ta có
bảy nàng hầu như bảy lò lửa, hành vi bước qua có phải tỏ rằng mình đã thoát khỏi
vòng ái dục rồi chăng?" Nghĩ đến đó, ông dường như tỉnh ngộ.
Về sau, do sự hóa độ của Phật Ấn thiền sư, Tô Ðông Pha lần lần hồi tâm trở về
với đạo Phật. Khi lớn tuổi, ông mướn thợ vẽ một bức tượng A Di Ðà, đi đâu thường
mang theo mình. Có ai hỏi, ông đáp: "Bức tượng này là công cứ của tôi đấy".
Giữa Phật Ấn và Ðông Pha còn lắm đoạn kỳ quan. Theo lời truyền thuyết ở các sách
tàu, Tô Ðông Pha là thân sau của giới thiền sư, cũng là bạn đồng tu học của vị
tăng núi Vân Cư từ kiếp trước. Trong tiền thân Phật Ấn thiền sư đã đắc đạo. Ngài
tái sanh làm vị tăng với mục đích nhắc nhở người bạn tiền duyên trở lại con
đường giác ngộ. Ðiều này, nên tin hay không ở đây không thành vấn đề bàn luận.
Chúng ta chỉ nên biết rằng hành vi của ngài Phật Ấn không những có ý nghĩa với
Tô Ðông Pha, mà với tất cả bao nhiêu người đồng tâm trạng, cảnh ngộ như ông.
TRÍ HIỀN
Một hôm, Tô Ðông Pha sáng tác được một bài thi mà ông rất hài lòng, ông bèn cho
đem tặng Phật Ấn thiền sư ở chùa Kim Sơn. Thay cho lời khen mà ông Tô Ðông Pha
mong ước, thiền sư lại phê hai chữ "phóng thí" (*) Ức lòng, Tô Ðông Pha bương bả
vượt sông đến Kim Sơn bắt lỗi. Thiền sư lấy bút sửa câu chót, làm cho Tô Ðông
Pha dở khóc dở cười.
Nguyên văn bài thi của tô Ðông Pha như sau:
Khể thủ thiên trung thiên.
Hào quang chiếu đại thiên.
Bát phong xuy bất động.
Ðoan tọa tử Kim liên.
Làm để xưng tụng Ðức Phật, bài thi ấy thật rất hay, nhưng thiền sư biết tác giả
chỉ là người múa văn, chơi chữ, chứ không phải người thâm nhập Phật lý đến mức
thực chứng cảnh giải thoát "Bát phong xuy bất động", nên thiền sư phê hai chữ
"phóng thí" để trêu. Quả như thiền sư tiên liệu: Tô Ðông Pha đã nổi nóng, vượt
sông đến hỏi. Nhưng sau khi thấy thiền sư sửa câu chót thành "phóng thí đã quá
giang", Tô Ðông Pha hổ thẹn vì đã để cho một cái "Lỡ trôn đánh bay ngang sông".
Ðông Pha bái phục ra về, không nói được một lời... (**)
Pháp sư SIÊU TRẦN
Tám gió (bát phong) là chỉ những cái ưa ghét của người đời, hễ một trong những
cái ấy đến thì lòng người bị xao xuyến, như gió thổi nước lay. Tám gió ấy là :
1. Lợi, 2. Suy (tổn thất), 3. Hủy (chê), 4. Dự (khen), 5. Xưng (phong tặng), 6.
Cơ (nói xấu), 7. Khổ (cay đắng), 8. Lạc (vui).
"Rồi đây nguyện được như lời
Thuyền từ một chiếc thảnh thơi giữa dòng
Hỡi những ai còn trong bể khổ
Hãy nương thuyền tế độ mà qua
Bến mê vượt khỏi ái hà
Lên bờ giải thoát mới là an vui..."
*Thí : có nghĩa là lỡ trôn nếu nói theo trong Nam, hay trung tiện nói theo Bắc,
Trung.
** Bài thi của Tô Ðông Pha có nghĩa: Cúi đầu làm lễ Thần của các vị Thần mà ánh
sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, là đấng mà "tám gió" thổi không
lay và đang ngồi trên hoa sen vàng tía.
Nguồn: www.quangduc.com