Truyện Phật Giáo - Bóng hạnh phúc.

 

...... ... .

 

 

Bóng hạnh phúc

Thích Nữ Thể Quán
Phật lịch 2506
Tác giả xuất bản và phát hành - 1963

----o0o---

 


- Thay lời tựa
- Bóng hạnh phúc
- Chủ yếu của tập sách nhỏ này

 


 


Thay lời tựa

Mãi viết, tuy có nghe tiếng Cam-Ly sủa ngoài vườn mà tôi không để ý.

Nhưng khi ngẩng lên, thì Sư-cô T.T. đã đứng trước mặt.

- Ủa cửa trước khóa, cửa sau gài, pháp-muội vào đàng nào mà tài tình thế?

- Dạ em vận thần thông.

Sư cô đưa vạt áo sau cho tôi xem:

- Đại-tỷ coi, cái áo mới tinh khôi mà tượt một đường, tội chưa nè, tại thép gai đây.

Tôi cười:

- Té ra xuyên-ly thông[1] chứ có phải vận thần thông đâu?

 Tôi bảo điệu đem kim chỉ lên rồi tiếp khách tại bàn viết.

- Đại tỷ viết chi mà say sưa, cho em coi với.

Sư-cô nhìn xuống đoạn văn tôi đang viết... “Bóng hạnh phúc” ngang đây là hết, nhưng chủ yếu của tập sách nhỏ này nó lại lộn ra sau… Pháp-muội tôi đọc kỹ lại một lần nữa, rồi hỏi:

- Đại-tỷ viết đoạn này là ý sao, em không hiểu? Rồi Sư-cô giải thích: đã gọi chủ yếu, tức là nòng cốt của bài, hay của câu chuyện, thì sao lại có thể lộn được? Vậy Đại-tỷ viết lộn, hay để lộn?

Tôi cười:

- Lộn đây, là lộn hồn lộn vía, chứ không phải viết lộn. Thiệt, tuổi tuy chưa nhiều chi mấy nhưng có lẽ vì bom nguyên-tử thả tứ tung, nên cứ viết một bài, thì không quên trước cũng quên sau, không lộn hồn cũng lộn vía, nhưng lỡ rồi biết sao.

Pháp-muội tôi không chịu được lối ngụy biện của tôi:

- Đại-tỉ nói chướng quá, lộn chi thì còn được, chứ cái chủ yếu mà để lộn ra sau là vô lý lắm. Ví dụ dọn một mâm cơm, mặc dù có nem, chả, rau, dưa v.v... nhưng cơm là chủ yếu, thì có ai dọn đồ ăn mà lại quên cơm bao giờ?

- Thế thì Pháp-muội nói, bữa cơm, cơm bổ hay nem, chả bổ?

- Nem chả chỉ ăn chơi, cơm mới bổ. Và cơm mới là món ăn chính thức chứ.

- Đúng thế. Và chính vậy mà lộn lại thành không.

Bạn muốn biết ai đúng, ai sai, xin hãy đọc kỹ đoạn chủ yếu sau thì rõ.

Thích Nữ  THỂ-QUÁN

 

 

Bóng hạnh phúc

Từ ngày Lý thiếu Quân nhuốm bệnh, Hoàng đế Quy-chơn buồn, và lo sợ lắm. Ngài đã cho triệu nhiều danh y, nhưng mười người thầy đều nói như một, là bệnh tuy lơ lửng song khó bề qua khỏi.

Chiều nay, khi màn sương xuống, Thái giám lại hoảng hốt vào tâu:

- Suốt ngày Lý thiếu Quân đã ngất đi mấy lần. Cứ mỗi cái tin, là một mũi tên, vô tình, vô hình, nhưng đã xuyên nát tâm can. Tuy thế, Quân vương vẫn giữ thái độ bình tĩnh:

- Tội nghiệp! Đầu xanh tuổi trẻ!

Rồi ngài thẩn thờ bước lên “Dạ minh lâu”[2], nơi đây là chỗ hai chúa tôi đã nhiều lần gặp gỡ. Khi bàn quốc sự, lúc chuyện tâm tình. Qua những ván cờ không phân cao thấp; những vần thi bỏ vận tài tình… Chúa phục tôi, tôi mến chúa, nghĩa chúa tôi mỗi ngày một thêm tình bè bạn. Quân vương đã xem Thiếu Quân là người tri kỷ. Nhưng than ôi! Giờ còn đâu giây phút ấy!

Vua thở dài:

- Thiếu Quân là gái có chồng, trẫm là bậc chí tôn. Giữa hai ta đã bị một bức “Vạn lý trường thành” ngăn cách…

Suốt đêm trằn trọc, nhà vua không hề chợp mắt, sáng nay chúa thượng truyền sửa xe giá cho Đông-cung ra thăm sư phụ[3].

Đông cung mới 8 tuổi, nên được vào tận phòng thầy. Thừa lúc không có ai, theo lời phụ hoàng, Đông cung thơ ngây trao cho Thiếu Quân một hoàn thuốc:

- Phụ hoàng dạy con đem hoàn thuốc này dâng sư phụ xơi.

Mắt Thiếu Quân sáng lên, nàng vội đưa tay yếu ớt cầm lấy. Song khi bóc ra thì không thấy thuốc, mà chỉ vỏn vẹn có bốn chữ “Trẫm hẹn tái sanh” trong một mảnh giấy xếp nhỏ. Nàng toan bỏ vào miệng nuốt đi…

Nhưng một bàn tay nhẹ nhàng đã đưa ra giữ lấy. Tiếp theo một giọng êm dịu buồn bã:

- Không nên con ạ, vẫn biết kiếp này không gặp thì hẹn kiếp sau, đấy là thông bệnh của kẻ si tình. Nhưng con ơi! Ái ân lắm, thì đau khổ nhiều, kiếp sau dầu đúng hẹn, cũng chỉ gặp gỡ vài ba mươi năm. Đối với thời gian vô cùng, không gian vô tận phỏng có là bao? Ta rất tiếc cho con, đem trọn đời tài ba phụng sự một cái không chắc thật!

Xưa nay những kẻ chung tình, có ai hẹn sống cùng nhau trọn cả trăm năm? Lẽ sống của con người! Cái sống của  người thông minh, trí thức, phải là cái sống vĩnh viễn. Thân tứ đại của con dù có ngày tan rã, nhưng sức sống của tâm linh phải vươn lên bàn bạc trên sách sử… còn cái sống trong tình lụy là lối sống của người giàu cảm tình nhưng nghèo lý trí, thì cuối cùng chỉ gặt lấy khổ đau.

Bà ấp hai bàn tay giá lạnh của nàng vào lòng bàn tay mình, như muốn truyền bao nhiêu sanh lực cho con người tài ba bạc mạng… nàng nhắm mắt nghiền lại, tay nàng cứ muốn thoát ra khỏi tay bà, quờ quạng, quờ quạng như để tìm một vật gì đã mất! Nhưng khi nghe đến câu cuối, nàng mở mắt buồn bã nhìn bà, rồi thở dài lập lại: “Cuối cùng chỉ gặt lấy khổ đau”… Đây là di mẫu (dì ruột) của Lý Thiếu Quân. Từ ngày song thân mất đi, bà đã nuôi nàng ngay khi còn tấm bé.

Suốt đêm ấy nàng tỉnh nhiều mặc dù vẫn không ngủ được.

Sáng hôm sau, theo lời yêu cầu của bệnh nhân, bà vội vã đi thỉnh một vị thiền sư và bạch tất cả công chuyện với ngài.

Khi thiền sư đến, bà thỉnh ngài vào thẳng phòng bệnh.

Đứng trước bệnh nhân, thiền sư rung cây tích trượng, nhìn thẳng vào mặt nàng. Ngài dõng dạc hỏi:

- Như hà thị tình?[4]

Nàng mở mắt nhìn Thiền sư rồi buồn bã thưa:

- Vô ngôn thị tình.[5]

Thiền sư dằn mạnh tích trượng xuống đất đọc luôn bốn câu kệ:

Ái hà thiên xích lãng

Khổ hải vạn trùng ba

Dục thoát luân hồi khổ

Cấp cấp niệm di đà.

Tạm dịch:

Sóng tình cuồn cuộn muôn trùng

Dận chìm bao kẻ anh hùng tài ba

Phải mau vượt khỏi ái hà

Tức tâm[6], niệm Phật thể hòa vô sanh

Nghe xong, Thiếu Quân mở to mắt nhìn Thiền sư, nàng hỏi:

- Như hà thị đạo?[7]

Thiền sư đáp:

- Vô ngôn thị đạo.[8]

Ngài liền đọc luôn một bài “Bát-nhã tâm kinh”. Khi nghe đến câu: “Thị chư pháp không tướng”, nàng nhắm mắt, suy nghiệm một lúc, rồi gật đầu, và ra dấu di-mẫu đỡ dậy chấp tay đảnh lễ Thiền sư.

Suốt mấy ngày nay, lúc nào cũng có hai thị tỳ đỡ hai bên, để nàng ngồi xây mặt về phương tây. Thiếu-Quân nhất tâm niệm Phật, gạt bỏ tất cả niệm thế gian, chí tâm cầu sinh Tịnh-độ. Cách mấy hôm sau, khi biết mình không còn sống được. Nàng tỉnh táo cầm tay di-mẫu nói mấy lời tạ ơn nuôi dạy…

Thấy di-mẫu rơm rớm nước mắt, nàng an ủi: Di-mẫu là người hiểu sâu chánh pháp… chính con nhờ di-mẫu mà tâm hồn hiện giờ được thảnh thơi, không còn vương vấn gì nữa, mà hơn lúc nào hết, con vẫn còn làm được việc lợi ích cho nhân loại, vậy sau khi con chết, di-mẫu cứ làm như thế, như thế…

Cái tin Thiếu Quân mất đi, là cả một khối đá đau thương đè trĩu lên trái tim chúa thượng.

Khắp bốn phương trời mây sầu chằng chịt, cây cỏ cũng ngậm ngùi, như không nói hết nỗi thương đau.

Sáng hôm sau, quan Khâm mạng[9] đem chiếu chỉ của vua ra để tang gia hay, là hoàng đế đặc ân ban cho trọn chốn “Trường hận khưu”[10] làm nơi mộ địa.

Từ phủ Văn hộ giá[11] lên gò “Trường-hận”rất xa. Khoảng giữa con đường ấy, vua sắc dựng ngay “Vọng cố nhân dài” gấp để kịp ngày đưa đám.

Di mẫu là người hiểu đạo, nên sau khi nàng chết, bà làm y theo lời dặn. Lúc khâm liệm thay y phục xong, bà đặt nàng nằm nghiêng bên tay mặt, chung quanh rải hoa tươi. Tang lễ rất đơn giản, chỉ chọn một trăm đồng nữ, cho học thuộc lòng bài “Bát nhã tâm kinh”. Lúc đưa đám các em đồng nữ y phục toàn sắc trắng, cầm hoa tươi đi chung quanh linh cữu. Quan tài sơn trắng, viết trọn bài “Bát nhã” chữ vàng. Trên nắp quan tài năm chữ “Thị chư pháp không tướng” lồ lộ, như để người phải chú ý.

Vọng cố nhân đài cất xong, là ngày cử hành đám tang quan Văn hộ giá.

Một ngày trời âm u, sắc thái đau thương như nhuộm khắp ngàn cây nội cỏ.

Cả triều đình mặc lễ phục tang theo sau quan tài. Tiếp đến là thân bằng quyến thuộc. Người mến đức, kẻ trọng tài, người khen chí khí, kẻ khen chí tình. Không ai là không mến tiếc, con người tài ba bạc mạng đáng thương.

Quân vương mặc thường phục, mắt mang kính đen. Ngài đứng trên bao lơn của “Vọng cố nhân đài” buồn bã đợi chờ…  

Khi đám người áo trắng ẩn hiện xa xa, quân vương đã mấy lần cất kính ra lau mồ hôi mặc dầu trời không nóng…

Đám tang từ từ tiến đến, và dừng hẳn trước đài, vì nơi đây chúa thượng sẽ làm lễ “Tứ tửu”[12] gọi là lễ thưởng một vị lương thần đã từng cộng  tác với quân vương đắc lực.

Trước linh cữu,  một bàn hương án, đèn sáng hoa tươi, hương trầm nghi ngút.

Thái giám dâng lên quan Khâm mạng một bộ khay chén ngọc và một bầu rượu bằng lưu ly.

Quan Khâm mạng rót rượu vào chén ngọc xong, Thái giám trịnh trọng đặt lên hương án.

Theo lệ thì một tuần rượu lại có một bản nhạc điếu. Nhưng đây thay vào, cứ một tuần tứ tửu thì trăm em đồng nữ tụng một bài “Bát nhã tâm kinh”.

Quân vương đứng trên đài nhìn xuống, ngậm ngùi than nho nhỏ:

Thiên trường địa cửu hữu thời tận.

Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ[13]

Bỗng một tràng âm thanh trông như pha lê vang dội giữa không trung: “…Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách… sắc bất dị không… sắc tức thị không… thị chư pháp không tướng…[14]

Lời kinh thánh thót rõ ràng như len lỏi vào tâm hồn người nghe.

Bất giác quân vương cất cặp kính đen, nhìn xuống…

Thì năm chữ “Thị chư pháp không tướng” nằm tự tại trên nắp quan tài, đã lặng lẽ giác tỉnh quân vương. Mắt vua sáng lên…

Thái-giám lại trịnh trọng đặt lên hương án tuần rượu cuối cùng. Quân vương thở dài. Ngài đọc thêm hai câu:

Thế giới như không hoa[15]

Nhân sanh như mộng huyễn.

Ôi! Nhân sanh vũ trụ còn là mộng huyễn thay, huống chi hạnh phúc? Hừ “Bóng hạnh phúc” hạnh phúc chỉ là bóng trong gương, trăng dưới nước!

Thôi! Trẫm cảm ơn tri kỷ, và nguyện không dám phụ lòng cố nhân!...

Xong cuộc lễ “Tứ tửu”, người ta lặng lẽ đưa linh cữu đi. Đám tang xa lần, xa lần, nhưng thỉnh thoảng âm thanh còn vọng lại… sắc tức thị không… thị chư pháp không tướng…

Quân vương đứng tựa bao lơn nhìn theo cho đến khi mắt không còn thấy, và tai không còn nghe…

Rồi ngược dòng tư tưởng, cả một cuốn phim tuần tự diễn rõ trong tâm tư chúa thượng:

“Khoa thi năm ấy, có chàng Bạch-Diện Thư-sanh[16] chiếm giải trạng nguyên.”

Buổi yến thưởng tân khoa và đồng thời ban áo mão tại “Phụng nghi điện” là buổi gặp mặt đầu tiên. Quân vương, một vị thiếu niên anh tuấn, lại là người biết trọng nhân tài, đã trao tận tay tân khoa viên ngọc ấn và thanh bửu kiếm với mấy lời khích lệ ân cần. Nhưng chúa thượng không khỏi ngạc nhiên trước sắc đẹp lộng lẫy trên tấm thân nam tử?

Và khi tân khoa quỳ lãnh bảo vật, vua nhìn kỹ đầu mày cuối mắt, nhất là hai cánh tay tân khoa, đấy phải là đôi cánh tay của một thiên kim tiểu thư trong khuê các.

Ồ sao lại có người nam tử đẹp đến thế? Rồi yêu vì sắc, trọng vì tài, chúa thượng phong cho tân khoa làm Văn hộ giá, kiêm chức Phụ đạo[17].

Lý Thiếu Quân và Chúa thượng, vua, tôi, tuổi tác suýt soát ngang nhau. Trong những buổi luận đàm quốc sự, Thiếu-Quân tỏ ra người tài ba lỗi lạc, chàng vạch nhiều kế hoạch chỉnh lý chánh trị và phụng sự nhân sanh rất hiệp ý vua.

Nhưng bốn năm trời qua đi chóng quá.

Lại một khoa thì khác, một thanh niên nữa đoạt giải trạng nguyên.

Khi quan giám khảo vào phòng ngự trình danh sách của quan trạng mới, chúa thượng rất đỗi ngạc nhiên. Vì sao, tên họ và quê quán của tân trạng nguyên lại giống hệt Văn hộ giá? Cũng họ Lý tên Thiếu-Quân, cũng làng Mỗ huyện Mỗ…

Quân-vương quay nhìn Lý Thiếu-Quân…

Bỗng chàng tái mặt, toàn thân toát mồ hôi. Vua hoảng hốt đứng dậy toan đỡ ngồi xuống cẩm đôn.

Nhưng chàng gỡ nhẹ tay vua:

-Tâu, hạ thần lâu nay vẫn có chứng “huyễn vựng”[18], thỉnh thoảng lại bị như vậy, nhưng không sao.

Rồi chàng xin cáo từ trong lúc còn loạng choạng, cái tính quả quyết của Thiếu Quân, chúa thượng thường hiểu, nên ngài không lưu lại, chỉ truyền hai tên Thị-vệ đưa chàng ra tận kiệu.

Ba hôm sau, đức vua nhận được một phiếu sở đại ý: “Lý Thiếu-Quân là gái, song thân nàng đã chỉ phúc giao hôn[19] với người bạn đồng liêu họ Lý. Gia đình nàng thọ ân họ Lý rất nhiều. Song bỗng nhiên Ly-Gia bị nhiều tai nạn kế tiếp, rồi ly tán phương xa, trên 15 năm trời không tin tức.

“ Khi nàng 7 tuổi thì phụ thân mất, cách 5 năm sau thân mẫu bệnh nặng. Lúc sắp lâm chung mẹ nàng gởi gắm nàng cho di mẫu và giao lại chiếc kim-thoa là vật hôn ước của họ Lý. Bà dặn dò di mẫu xong thì từ trần. Nhờ di mẫu săn sóc châu đáo, nàng xin cải nam trang quyết chí học hành, rồi vào kinh thi, mong được gặp Lý Công-tử. Khi ra ứng thí, nàng lấy cả tên họ và quê quán của vị hôn phu”…

Từ khi thi đậu, làm Văn hộ giá và kiêm dạy Đông-cung, nàng đã tận tâm giúp vua trong công việc trị nước, và hết lòng nhân-ái đối với quần chúng nên ai cũng mến thương.

Nhưng một mối ân tình của nhà họ Lý, vẫn còn canh cánh bên lòng, mặc dù nàng và Lý Công-Tử hai bên chưa hề biết mặt nhau.

Thế mà hôm nay khi biết được Lý Công-Tử là tân Trạng nguyên của khoa thi này, thì nàng cảm thấy trời đất xoay như chong chóng. Trong tâm tư dường như có một cái gì đang sụp đổ…

Dù sao nàng cũng phải vâng lời di mẫu để về nhà họ Lý một ngày gần đây.

Cảnh tượng ấy còn rõ ràng trong ký ức Quân-vương, vì cách đây mới vài ba tháng. Ngài còn nhớ khi đọc xong phiến sớ, lòng mình cũng thấy trời đất như nghiêng ngửa.

Nhưng biết làm sao? Nàng nay là gái có chồng, trẫm là bậc chí tôn. Những sự chướng duyên cay nghiệt ấy, nếu không có một sức mạnh của người quân tử thì thật dễ dàng vượt qua lễ giáo.

Thiên tử tuy ngự trị cả muôn dân còn dễ, mà ngự trị cõi lòng thật là một việc khó khăn.

Suốt mấy tháng nay, những quân tướng yêu đương, nhung nhớ, đang kịch liệt phá rối cuộc trị an trong lòng chúa thượng…

Nhưng ngài đã thắng được, mặc dù tâm tư nức rạng tơi bời.

Lúc tiếp được phiến sớ của nàng độ tuần nhựt, thì Quân-vương lặng lẽ tặng nàng một đôi vòng minh châu đựng trong hộp ngọc, với mấy hàng vắn tắt:

“Trẫm tặng tri kỷ đôi minh châu, hân hạnh được nằm trên tay tân-nhân khi bước lên kiệu hoa”.

Song nàng trả lại,với mấy vần thi:

Quân tri thiếp hữu phu

Tặng thiếp song minh chu

Hoàn quân minh chu song lệ thùy

Hận bất tương phùng vị giá thì.

Tạm dịch:

Quân vương biết thiếp có chồng

Còn đem cho thiếp đôi vòng ấy, chi?

Giận người, giọt lệ lâm ly

Hận rằng chẳng gặp nhau khi chưa chồng![20]

Một phiến sớ, một bài thi, quân vương cất kỹ bên mình. Hôm nay ngày sầu vô tận, lại là ngày giải thoát vô biên…

Chúa thượng lấy ra hai mảnh giấy nhàu nát rồi quẹt diêm đưa vào lửa… nhìn những mảnh tro tàn bay nhẹ lửng lơ, lơ lửng giữa hư không, cho đến khi tan biến…Vua đăm chiêu, chậm rãi:

“Thị chư pháp không tướng”…

Thiếu Quân mất đi, nhà vua đã tìm quên trong công việc, và thừa theo chí nguyện cố nhân, ngài đã tìm nhiều phương pháp để giữ gìn đất nước và phụng sự nhân sanh. Tuy nước yên, dân an, mà tâm trí vua ổn định. Hình bóng người thiên cổ vẫn còn in đậm nét trong lòng.

Nhưng khuya nay, khi tiếng chuông chùa Giác-hoàng vọng lại, Quân-vương sực tỉnh. Bỗng nhiên như ngài đã tìm ra một con đường sống mới…

“ Vọng cố nhân đài” nay đã biến thành QUÁN ÂM BỬU ĐIỆN, nghiêm lệ huy hoàng.

Quân-vương chí tâm chú một pho tượng Bồ tát Quán-Thế-Âm bằng vàng, tôn thờ tại đấy. Những ngày trai tiết vua thường ngự lễ Phật và thọ trì “Bát nhã tâm kinh”. Mỗi khi xong một thời khóa lễ, vua thường quỳ lâu trước bửu điện, như một em bé ngoan quỳ dưới gối từ-mẫu khi biết mình có tội.

Và ta hãy nghe đây, những lời của hoàng-đế Quy-chơn đã thiết tha bạch lên với Bồ-tát:

“…Đệ tử cũng như vô số nhân loại, với cái tuổi hoa niên, vì cuồng vọng đuổi theo bóng hạnh phúc. Thật không khác một em bé thơ ngây chụp những bong bóng trên mặt nước, say sưa mà quên đi, hay không biết gì đến nguy hại…

Song đệ tử may nhờ phước duyên nhiều kiếp, nên gặp được thiện tri thức, đã tìm phương tiện nâng đỡ con qua khỏi hầm hố mê mờ tội lỗi, để bước lên con đường giải thoát an vui.

Vậy để đền ơn tri ngộ, và báo thâm ân chư Phật, đệ tử nguyện đem tấm thân như huyễn này, để phụng sự chánh pháp của Như-lai, bằng cách làm lợi ích muôn loại và nâng đỡ trăm họ. Mặc dầu trên đường hành đạo có phải hi sinh tiền tài hay thân mạng, đệ tử cũng không từ”.

Mấy năm tắm trong lòng biển pháp. Giọt nước cành dương của Bồ-tát đã làm lạt đi nhiều trạng thái nhớ nhung.

Hôm nay, một sáng tinh sương. Khi vua thọ trì kinh xong, thì ánh dương quang vừa chiếu vào bửu điện. Năm chữ “Thị chư pháp không tướng” bằng pha lê lồ lộ, dựng trên bức hoành phi vàng chói, treo sau tượng Bồ-tát, như ấn mạnh vào tâm khảm Quân-vương, tâm hồn người bỗng nhiên thanh thoát nhẹ nhàng, như đã bức phăng đi hết những gì vương vấn lâu nay.

Phải chăng mặt trời trí tuệ đã giúp vua trực nhận được “Thật tướng bát nhã”

“Bóng hạnh phúc” ngang đây là hết. Nhưng “chủ yếu” của tập sách nhỏ này, nó lại lộn ra sau. Đấy là cái bệnh lẩn thẩn của tác-giả. Vậy trước hết, tôi xin lỗi quí bạn, và rất mong quí bạn hãy đọc kỹ đoạn chủ yếu sau đây:

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH

Quán tự tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách.

Xá lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc ; sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị, xá lợi tử thị chư pháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỹ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô-vô minh, diệc vô vô minh tận ; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ, tập, diệc, đạo, vô trí vô, diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, bồ đề tát đỏa y bát nhã ba ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn. Tam thế chư Phật y bát nhã ba la mật đa, đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Cố tri bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú : năng trừ nhất thế khổ chơn thật, bất hư. Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết : yết đế, yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

 

CHỦ YẾU CỦA TẬP SÁCH NHỎ NÀY :

Chủ yếu của tập sách nhỏ này nói về Bát-nhã tâm kinh, nói đủ là Ma-ha-bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh, một phẩm kinh mà tất cả hàng Phật-tử ai cũng biết, nhất là từ khi dịch ra quốc văn và in thành nghi thức tụng niệm, thì những Phật-tử trí thức, bình dân, ở thôn quê cũng như thành thị, trên núi non, ngoài biển dã v.v... không ai là không học tụng.

Chẳng những hàng Phật-tử Việt-Nam, mà tất cả Phật-tử trên thế giới, nước nào cũng dịch thành quốc văn để trị tụng hằng ngày.

Tại sao thế ? Một lẽ rất dễ hiểu, vì Bát-nhã tâm kinh là một phẩm kinh rất ngắn, dễ học, dễ tụng, mà lại có công năng vô cùng mãnh liệt.

Bạn hãy đọc nghĩa của nó ở đoạn này :

Bát-nhã : trong các kinh nói thì có đến sáu nghĩa là :

Thanh tịnh   (kinh Đại-phẩm)

Viễn ly         (kinh Phóng-quang)

Minh            (kinh Lục-độ)

Tuệ              (nhiều kinh)

Trí               (nhiều kinh)

Trí tuệ          (nhiều kinh)

Ta xem sáu nghĩa trên thì biết hai chữ Bát-nhã ý nghĩa rộng lớn vô cùng. Nhưng nghĩa thứ sáu là trí tuệ thí có phần xác đáng hơn hết.

Ba la mật đa: Tàu dịch là « đáo bỉ ngạn » nghĩa là sau khi đã dùng trí Bát-nhã triệt để phá trừ chấp ngã chấp, pháp chấp, đoạn sạch phiền não chướng ; đồng thời tu tập vô lượng phước đức và phát triển vô lượng trí tuệ, thì chứng đại niết bàn, đại bồ đề, gọi là Bát- nhã ba la mật (trí tuệ cứu cánh).

Tâm: Chữ tâm ở đây có nghĩa là « tích tập ». Bao nhiêu ý nghĩa tinh vi của thời Bát-nhã, đức Phật thuyết cho các vị đại Bồ-tát nghe trên 20 năm, đều kết tập trong bản kinh này.

Kinh: dịch : Khế lý, khế cơ, nghĩa là giáo lý đức phật dạy ra thường hợp với chơn- lý và căn cơ của chúng sanh.

Như thế  « Bát- nhã ba la mật đa tâm kinh » là tinh yếu của toàn bộ kinh đại Bát-nhã gồm có 600 cuốn mà cũng là tôn-chỉ của đạo Phật vậy.

Lai lịch sử du học Ấn-Độ của Ngài Huyền-Trang có chép: Lúc Ngài qua Tây-Vức cầu tai nạn, mà tai nạn đáng kể nhất là lúc bị nạn giữa bãi sa mạc. Ngài chiêm bao thấy một vị Thánh tăng đến cho một phẩm kinh Bát-nhã và bảo Ngài tụng. Trong lúc nguy cấp Ngài chí thành tụng liên tiếp, nhờ vậy mà thoát khỏi tai nạn và đạt được một đích.

Sau khi về nước, Ngài liền dịch bản kinh này ra quốc văn (dịch chữ Phạn ra chữ Trung Hoa).

Do đó chúng ta thấy kinh « Bát-nhã » ngoài diệu dụng phát sanh trí huệ, diệt trừ phiền não ; lại còn có năng lực mãnh liệt, là hàng phục ma chướng và trừ tai nạn rất công hiệu.

Như vậy kinh yếu của bộ Đại Bát-nhã 600 cuốn chỉ nằm gọn trong một bài « Bát-nhã tâm kinh ».

Bài Bát-nhã tâm kinh 270 chữ, nhưng trong đó thì cốt yếu lại chỉ có 16 chữ mà thôi. Nay đem 16 chữ này chia ra làm ba thứ Bát-nhã, thì sáu chữ  « chiếu kiến ngũ uẩn giai không » thuộc về « Quán chiếu Bát- nhã » năm chữ « Độ nhất thế khổ ách » thuộc « Phương tiện Bát- nhã » ; và năm chữ « Thị chư pháp không tướng » thuộc « Thật tướng Bát- nhã ».

1/ Quán chiếu Bát- nhã: Nghĩa là Bồ- tát đem trí tuệ (Bát-nhã) quán sát, biết rõ ngũ uẩn[21] không thật. Chẳng những phân tích nhân sanh, vũ trụ là không mà ngũ uẩn là những nguyên liệu cấu tạo ra nó (nhân sanh vũ trụ) cũng không thật có: Duyên sanh vô tánh (do nhân duyên hòa hiệp mà sanh, nên không có thật thể)

2/ Phương tiện Bát-nhã: Nghĩa là Bồ-tát dùng trí tuệ (Bát-nhã ) quán sát, biết rõ nhân sanh vũ trụ là không (như huyễn), nhưng vì vô minh nghiệp lực, nên mới hình thành ra muôn vật « vô tánh duyên sanh » (tuy không có thật thể, song nó tùy nhân duyên mà hình thành muôn vật ).

Nhân sanh vũ trụ đã do nhân duyên nghiệp lực mà có ra, rồi cũng do nhân duyên nghiệp lực mà chịu đau khổ, quay cuồng trong lục đạo. Bồ tát tuy biết chúng sanh là huyễn hữu, nhưng vẫn hòa mình vào trong lục đạo tìm tất cả phương tiện để cứu độ,cũng như hai người trong đêm, một người thức, một người ngủ say, người thức nghe người ngủ say kêu ú ớ, tuy biết họ chiêm bao, nhưng vẫn có bổn phận thức bạn dậy.

Vì thế rất khác nhau với Nhị thừa, Bồ-tát phát Bồ đề tâm[22] len lỏi vào mọi tầng lớp, mọi loài chúng sanh,để cứu khổ cứu nạn cho tất cả, cuối cùng đưa chúng sanh lên bờ giải thoát.

3/ Thật tướng Bát-nhã: Thật tướng Bát-nhã là chơn không. Nếu xét theo tính cách không gian thì các pháp là « vô ngã »,     nghĩa là phân tích riêng từng bộ phận, thì dầu không phải người ; tay chân, tách rời thân thể cũng không phải người.

Và xét theo tính cách thời gian, thì các pháp là «  vô thường », nghĩa là lúc mới sanh ra tên Thúi tên Hôi, lúc lớn lên lại thành Phương Mai, Mai Phương v...v... cho đến khi trẻ, khi già... từ lúc trắng răng đến thuở bạc đầu, biến chuyển nhiều giai đoạn. Tâm niệm thì khi buồn, khi vui, lúc thương, lúc giận, trẻ thì vui vẻ săn đón, già thì lụm khụm chậm chạp v...v... Nhân sanh đã thế thì vũ trụ cũng vậy: Ruộng dâu hóa thành bãi biển. Các thế giới đều nằm trong định luật thành, trú hoại không. Thật không vật gì đã có hình tướng mà không bị vô thường biến chuyển.

Như thế ta cũng thấy tất cả sự hình thành giữa hoàn vũ này, đều là huyễn hữu[23]

Vì vậy người Phật tử phải tu học và trì tụng Bát-nhã, để phá trừ lần lần các tướng giả dối (huyễn hữu) để chứng lý chơn không (thật tướng Bát nhã).

Có Bát-nhã mới phát triển đại trí, khởi đại hạnh, và thành đại nguyện.

Bát nhã là một pháp cần yếu nhất cho tất cả Phật tử. Chẳng những vậy, mà chính đức Phật và các vị Bồ tát cũng đều phải tu học Bát-nhã mới thành tựu quả vị vô thượng trí giác.

Nhưng điểm chính là ở chỗ học và hành phải ăn khớp nhau, dù chưa được khít khao, thì ít nhất cũng không đến nỗi, nói một nơi làm một ngã.

Bạn hãy đọc nốt câu chuyện một người tụng « Bát-nhã » dưới đây :

Hòa thượng Phật-Ấn[24] là bạn thân của ông Tô-Đông-Pha[25] . Ông rất quí trọng Ngài và tôn Ngài là bậc thầy.

Một hôm ông đến xin Ngài một phương pháp để tu hành. Ngài trao cho ông một phẩm kinh Bát-nhã và dạy: Thừa tướng  « Nhất nhật vạn cơ » [26]chỉ thọ trì một phẩm kinh này cũng đủ.

Ít lâu ông qua bạch với Ngài :

Đệ tử xin phép Hòa -thượng cưới thêm một cô Mười nữa, cho chẵn chục ( ông đã có chín vợ )

Lúc sắp đưa dâu về, Hòa thượng cho đạo đồng[27] đưa thư qua phủ Thừa tướng mượn cô Mười ít hôm.

Thiệt là một vấn đề rắc rối, nhưng biết sao được ? Khi trống kèn inh ỏi, quân lính khiêng kiệu cô Mười về tới cổng phủ, thì Tô-Đông-Pha cho người ra bảo: « Đưa thẳng cô dâu qua chùa Diệu-Giác cho Hòa thượng mượn ».

Cô dâu ngồi trên kiệu hoa nghe, thất kinh hồn vía, cô khóc tức tưởi: cũng tưởng đâu một bước, bước lên địa vị cô lớn, ai ngờ đâu ra nông nổi như vầy? Nhưng không lẽ vùng mà chạy trốn?

Khi kiệu hoa đến cổng tam quan, đạo đồng đã đứng chực để chỉ đường đưa dâu thẳng vào liêu Hòa-thượng.

Cô dâu sợ hãi bước vào. Thấy giường nệm sẵn sàng, cô liền nằm dụi xuống, khóc nức nở.

Mãi đến khuya khi nghe tiếng động, cô Mười mở hé hé mắt ra dòm, thì thấy Hòa -thượng đi vào...Nhưng lạ thay, ngài không đi giữa đất, mà lại bước ngay trên những lò lửa đỏ rực xung quanh giường, không biết ai đã để bao giờ. Ngài bước qua bước lại trên 10 lò lửa lớn cho đến sáng.

Đạo-đồng lại qua tin Thừa tướng, để cho người tới gánh cô Mười về.

Ra khỏi cổng chùa, cô Mười hú hồn hú vía, rồi về đem chuyện kể cho Tô-Đông-Pha nghe.

Ông buồn bã bảo:

- Hòa thượng giác tỉnh cho ta đấy. Ta bị phú quý nên sanh phóng dật, mười lò lửa chính là ám chỉ mười người thiếp của ta. Và ngài đi trên lửa như vậy, để tỏ ra ngài đã được sự tại không bị lửa dục nung đốt, còn ta thì lại sa ngã vào, thật đáng thương!

Sau việc cho mượn vợ được ít hôm, ông lại qua thăm Hòa-thượng. Trong lúc đàm đạo, vui miệng ông khoe:

- Đệ tử nhờ Hòa-thượng dạy cho tụng trì  « bát-nhã tâm kinh » nên nay dù  « bát phong »[28] xuy, cũng không động.

Ngài Phật-Ấn không đáp, lại « xì » một tiếng dài.

Tô-Đông-Pha đỏ mặt.

Hòa-thượng Phật-Ấn cười :

- Gió tám ngã ùa vào mà Thừa-Tướng không nao núng. Bần đạo mới phe phẩy một chút, Thừa-Tướng đã rung rinh. Như thế Thừa-Tướng chỉ đọc Bát-nhã, chứ chưa phải thâm biểu lý Bát-nhã. cho nên chỉ làm được chuyện to tát[29], mà chưa làm được việc lặt vặt[30].

Câu chuyện trên đây Hòa-Thượng Phật-Ấn chỉ rõ cái bệnh của ông Tô-Đông-Pha, nhưng cũng để nói chung thông bệnh của chúng sanh.

Thật thế, có những chuyện to lớn như bỏ hàng triệu ra lập viện tế bần chẳng hạn ta có thể làm được, nhưng đôi khi một vài việc cỏn con như cho người lỡ làng chục bạc thì ta lại không làm. Có những trường hợp rất khó nhẫn, người ta vẫn nhẫn được, mà chỉ một vài tiếng xì xà thì lại nổi xung.

Ở đây Ngài Phật-Ấn quở ông Tô-Đông-Pha. Nhưng đã cho ta phân biệt, ý nghĩa đọc kinh, và hiểu kinh khác nhau rất xa.

Quả vậy, nếu thâm hiểu được thật tướng « bát-nhã » là chơn không; không sanh, không diệt, không sạch, không dơ v.v... thì đại sự cũng chơn không, tiểu tiết cũng chơn không. Nếu biết được như thế thì tâm không còn bị tham sân si làm chướng ngại, và cũng không có gì đáng lo sợ khủng khiếp...

Bởi vậy, từ nghìn xưa, cũng như hiện nay, có những đoàn Phật-tử, họ đã coi nhẹ thân mạng, công danh, tài sản v.v... trong lúc ra phận sự chánh pháp và phục vụ nhân sanh. Những đoàn người « tử tâm vì đạo » ấy. Chính là những bậc đã thể nhận được thật tướng « bát-nhã » vậy.

Thích Nữ Thể Quán


 

[1]  Xuyên ly thông: chui hàng rào.

[2]  Dạ minh lâu: tên một tòa lầu cao đẹp.

[3]  Sư phụ: Lý thiếu Quân là thầy của Đông cung, con trai vua.

[4]  Thế nào là tình?

[5]  Không nói mới thật chí tình

[6]  Tức tâm: dứt bỏ hết các tâm niệm: giận, hờn, thương, ghét v.v...

[7]  Thế nào gọi là đạo?

[8]  Không nói là đạo. (Chỗ chí đạo, không thể đem lời nói phô mà diễn đạt ra được)

[9]  Khâm mạng: là người lãnh ý của nhà vua để truyền lại.

[10]  Trường hận khưu: cái gò tên trường hận

[11]  Phủ Văn hộ giá: chức quan của Lý Thiếu Quân, phủ: chỗ ở của Thiếu-quân.

[12]  Tứ tửu: Vua ban rượu.

[13]  Thiên trường địa cửu hữu thời tận... của Vua Đường-Minh Hoàng, than khi Dương Quý-Phi chết. Đại ý: trời cao đất dày 2 thứ vĩnh viễn cũng có ngày tan rãbiến hoại nhưng một mối sầu hận này, dây dưa vương vấn mãi trong lòng, thật không biết ngày nào dứt được.

[14]  Thị chư pháp không tướng: tất cả các pháp đã có hình tướng, đều là giả dối cả.

[15]  Thế-giới lăng xăng như hoa đốm giữa hư không, nhân vật ỡm ờ như chuyện mơ trong cảnh mộng, và hư  huyễn như trước mắt nhà huyễn thuật.

[16]  Bạch diện thư sanh: người con trai mặt đẹp

[17]  Phụ đạo: Thầy dạy Đông -Cung

[18]  Huyễn Vựng: Xây xẩm mặt mày

[19] Hai bà mẹ có thai kết thân với nhau, hẹn sau nếu đồng sanh trai thì kết bạn, hay bên gái bên trai thì kết sui 

[20] Hai bài thi này tôi không nhớ xuất xứ ở đâu. Nay tôi mượn tạm vào đây. Vậy tình cờ tập sách này qua mắt tác giả, xin hoan hỷ cho, đa tạ.

[21] Ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành , thức.

[22] Phát bồ đề tâm: Phát cái tâm trên cầu giáo pháp của Phật để tu học thêm; dưới thì đem tâm từ bi cứu độ tất cả chúng sanh.

[23] Huyễn hữu: Có mà như nhân vật trên sân khấu của nhà huyễn thuật

[24] Hòa-thượng Phật-Ấn: Một vị cao tăng đời Tống, có tài hùng biện nên chiết phục được Tô-Đông-Pha. Ngoài tuy hiện tướng Tỳ kheo, nhưng trong ẩn hạnh Bồ-tát. Thường thân cận chỗ tướng môn để cảnh tỉnh khách tài ba phong vận

[25] Tô-Đông-Pha tức Tô-Thức đời Tống, là một bậc phong lưu phú quý đương thời, làm quan đến chức tể tướng 

[26] Nhất nhật vạn cơ: Một ngày muôn mối lo, ngàn việc bận

[27] Đạo đồng: Ông điệu nhỏ mới vào chùa

[28] Bát phong xuy bất động: Gió tám ngã thổi cũng không lay động. Tám thứ gió: danh, lợi, khen, chê, thạnh, buồn, vui. Ý nói dù danh lợi, khen chê, đắc thất, khổ vui...cũng không làm cho tâm hồn xao động

[29] Chuyện to tát: cho mượn vợ

[30] Việc lặt vặt: nghe xì một cái mà nổi xung

 

 

----o0o---


Vi tính: Trúc Giang

Trình bày: Vĩnh Thái - Linh Thoại

Cập nhật: 01-09-2005

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ç å ä¹ chua 我心中最亮的星体育健儿作文 the vn tÃƒÆ B o ngÒ 关于文化的名人名言 Tâm หลวงป แสง Suối Di tảo Đức Phật đối với quan hệ anh em thân ç½ åˆ¹å ³ chân Bến sông vàng phat HT tịnh ThẠnay cac ban tre xuat gia 簡単便利戒名授与水戸 å æ äº å Khám vô lý 心经 长寿和尚 激安仏壇店 chua thanh an 栃木県 寺院数 giận お寺との付き合い 檀家 座禅の組み方 31 dao tin 580 651 t l sáu Chất xơ ngăn ngừa huyết áp cao giao ly nghiep 佛頂尊勝陀羅尼 地藏十轮经 tha long theo Từ thiện драма18 kinh phap hoa 忏悔 多彩的活动作文六年级