•
Bước Ði Của Thiên Thần
•
Cây Đa Chùa Cũ
•
Dâu Trăm Họ
•
Ðường Lên Núi Linh
•
Giấc Mộng Đầu
•
Nghề Ðuổi Qụa
•
Những Ván Cờ
•
Người Quét Chợ
•
Pháp Sư Tí Hon
•
Quét Lá
•
Sân Ngoài Còn Lá |
Truyện Ngắn Phật Giáo
Cây Đa Chùa Cũ
Vĩnh Hảo
______________________________________________________________________________
Chú Hữu quét sân xong, không vội vào trong. Như thường lệ, chú cầm chổi
đến dưới gốc đa, đặt cây chổi một bên, ngồi nghỉ mệt một chút, hóng gió
cho ráo mồ hôi. Rồi chú móc trong túi áo vạt khách ra một mẩu giấy nhỏ,
trên đó chú đã ghi sẵn mười chữ Hán, kèm theo cả âm lẫn nghĩa từng chữ.
Chú nói với gốc đa: "Đa ơi, giúp tôi mau thuộc nghe Đa!" Rồi chú bắt đầu
học. Chú lấy một cái que nhỏ viết các chữ ấy trên đất, học kỹ từng chữ.
Cho đến khi nào học thuộc, chú mới vào trong để phụ với cô Diệu Lan nấu
bếp.
Chú còn nhỏ, mới mười ba tuổi thôi, nên chú chẳng thắc mắc gì về cô Diệu
Lan này. Ngày chú vào chùa xuất gia cách đây hai năm, cô ấy đã có sẵn
trong chùa, dọn dẹp lặt vặt, nấu cơm, giặt đồ, hầu hạ thầy. Chú đi tu
làm chú tiểu thì đương nhiên chú cũng xăn tay làm việc chùa, phụ giúp cô
ấy một tay. Có khi thầy dạy chú rằng cô Diệu Lan không phải là người tu
như thầy và chú, cho nên, đúng ra những công việc trong chùa, chú phải
cáng đáng hết. Nhưng vì chú còn nhỏ, không lo nổi mọi việc, cô Diệu Lan
sẽ tiếp tục công việc chùa cho đến khi chú trưởng thành. Nghe thầy dạy
như thế, chú thấy trong lòng biết ơn cô Diệu Lan lắm. Nếu không có cô ấy
thì thật là cực nhọc cho chú biết bao. Công việc trong chùa không phải
là ít. Vừa thỉnh chuông khuya, chuông tối, vừa tụng kinh mỗi ngày bốn
thời, vừa quét dọn trong nhà, ngoài sân, tưới cây, nấu cơm, giặt đồ cho
thầy... chưa kể có khi còn đấm bóp cho thầy vào mỗi tối nữa.
Vào bếp nấu ăn phụ cô Diệu Lan có nghĩa rằng chú đến ngồi quanh quanh
bếp để chờ cô ấy sai vặt. Có khi cô bảo chú xách nước giếng lên cho cô
rửa rau, hoặc rửa tay rửa chân. Có khi cô sai chú đi mua nước đá ở quán
chè đầu đường về để cô pha nước chanh mời thầy uống — và những lần pha
nước chanh như thế, bao giờ cô cũng tự thưởng cô một ly mà không bao giờ
cô có ý mời chú. Có lẽ cô nghĩ rằng chú có bổn phận phục vụ cô, vì cô đã
bỏ hết thời giờ của cô ra để chăm lo việc chùa nhờ đó chú mới được chút
rảnh rang mà học kinh kệ, học chữ Hán. Chú mang ơn cô, tất nhiên chú có
bổn phận phải phục vụ lại cô để đền đáp phần nào công ơn đó. Nghĩ vậy,
chú không dám hó hé hay buồn phiền gì. Cô sai gì chú làm nấy. Thậm chí
có khi cô còn sai chú xách nước vào buồng tắm cho cô tắm nữa.
Buổi tối, cô Diệu Lan ngủ dưới bếp. Dưới đó có một phòng riêng dành cho
cô. Còn chú, chú cũng có một phòng riêng ở phía bên trái của chánh điện.
Phòng của thầy thì ở phía bên phải. Hai phòng cách nhau một khoảng rộng
của chánh điện. Và hai phòng cũng cách xa nhà bếp một khoảng sân sau
cùng nhà ăn của chùa. Thỉnh thoảng, chú nghe tiếng nói chuyện của cô
Diệu Lan và thầy ở bên kia vọng qua. Chú biết là cô Lan đang đấm bóp cho
thầy. Thầy có thói quen phải đấm bóp trước khi ngủ, không đấm bóp thì
không ngủ được. Lâu lâu cô Diệu Lan về quê, thầy bảo chú qua đấm bóp
thay. Thầy nói tay chú còn yếu lắm, khi nào chú lớn thì mới đấm được như
ý thầy muốn. Cho nên khi cô Diệu Lan từ quê trở lại chùa, thầy lại tiếp
tục nhờ cô ấy đấm bóp mỗi tối chứ không bảo chú làm công việc ấy nữa.
Chú mừng lắm nếu cô Diệu Lan nhận làm công việc đó, vì suốt ngày mệt mỏi
rồi, chú cũng chẳng muốn thức khuya để đấm bóp dù chú luôn nghĩ rằng chú
có bổn phận phải hầu hạ, phục dịch thầy thay vì ở nhà phụng dưỡng cha
mẹ.
Cho đến khi cô Diệu Lan mang thai, chú cũng chẳng thắc mắc gì cả. Chú
chỉ giật mình vào một sáng nọ khi phát giác rằng cái bụng của cô tự dưng
mà tròn vin như cái trái dưa hấu loại thượng hạng. Ngày nào chú cũng gặp
cô mà chú không biết bụng cô lớn dần. Chú cũng không biết tại sao cô ấy
mang thai nữa. Chú nhớ hồi ở nhà, khi mẹ chú mang thai, chú hay tới rờ
bụng mẹ, hỏi:
"Mẹ à, sao mẹ có em bé vậy mẹ?"
Mẹ chú cười, chẳng trả lời được. Một lúc sau, bà nói cho qua chuyện:
"Có gì đâu con, tự dưng tới tuổi thì đàn bà phải có thai thôi."
"Vậy hả mẹ."
Từ đó, chú tin rằng con gái lớn lên thì có thai. Nay cô Diệu Lan có thai
thì đúng rồi, có gì đâu mà thắc mắc. Tuy nhiên, thời gian cô ấy mang
thai, chú thật là cực khổ. Cô ấy nóng tánh làm sao. Hở một chút là cô la
cô mắng cô chửi chú. Chưa hết, cô sai chú liền tay. Cô ngồi một chỗ, chỉ
tay năm ngón, làm chú mệt đứt hơi. Bụng cô càng lớn, chú càng mệt nhọc
với công việc. Chú thầm cầu mong cô sau lần có thai nầy là đủ rồi, đừng
có thai thêm lần khác nữa. Cũng trong thời gian này, cô không đấm bóp
cho thầy nên mỗi tối chú phải qua phòng thầy đấm bóp cho thầy trước khi
ngủ. Thầy dạy:
"Nè, cô Diệu Lan bụng mang dạ chửa, con phải hết lòng giúp đỡ cô ấy
nghen. Đừng để cô ấy phải làm những công việc nặng nhọc. Thấy cô làm gì
thì mình giành lấy mà làm, không phải đợi cô ấy sai. Khi nào sanh xong
cô ấy sẽ làm việc bình thường lại, khỏi phiền con nhiều. Thời gian này
thì chịu khó đi. Muốn tu thành Phật thì phải tập tu, tập chịu cực nhọc
cho quen."
Chú chỉ dạ và im lặng đấm bóp. Lâu nay ở chùa chú chẳng bao giờ nệ hà
chuyện gì. Chùa chỉ có ba người: thầy, cô Diệu Lan và chú. Thầy và cô là
người lớn tuổi, như cha mẹ, như cô như cậu trong nhà, có sai chú làm
việc thì cũng là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, đôi lúc chú thấy buồn tủi khi
bị cô Diệu Lan la mắng. Thời gian mang thai, cô càng dữ dằn hơn, đụng
đâu phang đó, đến thầy mà cô còn không vị nể huống chi là chú. Bị cô la
vì những chuyện vô lý, chú ấm ức lắm nhưng chẳng biết bộc bạch với ai.
Mấy phen chú trình lên thầy rằng chú bị cô ấy trách oan thì thầy gạt đi,
cứ bênh vực cô ấy, chẳng kể gì đến những gì chú nói cả. Những lần như
thế, chú chỉ biết ra ngồi ngoài gốc cây đa, khóc một mình. Từ lúc con
chó tên Tuất ở chùa—người bạn thân yêu duy nhất của chú—bị xe cán chết,
chú chỉ còn biết tâm sự với cây đa trước sân. Cây đa không biết nói,
không ve vẫy liếm tay liếm chân chú, không kêu sủa như con Tuất nhưng
chú biết cây đa lúc nào cũng lắng nghe một cách chân tình những gì chú
tâm sự. Chú để ý mỗi lần chú buồn và khóc, tự dưng có gió ở đâu thổi
qua, lá đa xào xạc, các giây leo đong đưa trước mặt chú. Chú cho đó là
cách mà cây đa biểu lộ tình cảm của nó. Chỉ có cây đa đó mới an ủi được
chú mà thôi. Khi được cây đa an ủi, nước mắt chú càng rơi nhiều hơn. Chú
có cha mẹ chứ chẳng phải không. Nhưng chú là đứa bé khó nuôi, cha mẹ lại
nghèo, nên nghe lời người ta, đem chú lên gởi ở chùa cho thầy nuôi dùm.
Chú vào chùa ở thì tự dưng mọi thứ bệnh đều hết, ngay cả cái bệnh còi mà
cha mẹ chú nghĩ là không thể trị được cũng hết luôn và chú đang nẩy nở
phát triển thấy rõ chứ không đèo đẹt như trước kia nữa. Vì thế, nếu chú
có thưa với cha mẹ những chuyện làm chú buồn thì cha mẹ cũng chỉ bênh
vực thầy, bênh vực cô Diệu Lan để mà qui lỗi cho chú thôi. Thậm chí, cha
mẹ chú còn có ý nghĩ rằng sẽ gởi chú luôn ở chùa chứ không đem chú về
lại với gia đình nữa, thì chuyện gì cha mẹ cũng muốn cho qua để êm thắm
chứ đâu có dám bênh vực chú để rồi mất lòng thầy cô đâu. Những cảm nghĩ
đó chú đều nói cho cây đa nghe. Chú nói rằng ngoại trừ con Tuất và cây
đa ra, không ai thương chú hết. Chú còn nghĩ rằng nếu đức Phật có hiện
xuống ngôi chùa này thì ngài cũng đi gặp thầy trụ trì—người có thẩm
quyền của chùa—để nói chuyện chứ làm sao ngài để ý tới một chú tiểu nhỏ
bé như chú.
Hôm nay chú lại bị cô Diệu Lan quở trách nữa. Chuyện chẳng có gì quan
trọng. Chú đang ngủ trưa trong phòng riêng thì cô vào gọi giật dậy, sai
ra chợ mua cho cô trái xoài xanh. Chú không muốn đi, chùng bùng, ngồi ì
một chỗ. Cô tru tréo lên. Chưa đầy một phút sau là thầy bước xuống. Cô
nói liền mà như trách thầy không biết dạy chú vậy:
"Sai nó ra chợ một chút mà cũng không được nữa. Đó, rồi ngồi một đống!"
Chú vùng vằng nói:
"Hồi sáng đi chợ sao cô không dặn mua luôn một lần, bây giờ lại bảo đi
chợ nữa. Mà có mua cái gì quan trọng! Trái xoài chứ gì đâu!"
"Câm miệng," thầy nói, "cô sai thì đi, không được cãi. Chú muốn ở chùa
hay muốn ra ngoài đường?"
Chú vội vàng đứng dậy, xuống bếp rửa mặt rồi cầm tiền ra chợ. Cô còn dặn
chú mua xoài ở đâu, lựa xoài như thế nào. Chú làm thinh không dạ không
ừ. Ra tới gần cổng chùa, chú còn nghe thầy nói vói theo:
"Khi nào cô sai mà chú không muốn đi thì chú lên đây nói tôi, tôi đi."
Đi bộ một mình dưới trời nắng chang chang, chú thấy trong lòng thật là
bực dọc. Chưa bao giờ chú thấy bất mãn như lúc này. Tại sao chỉ ăn một
miếng xoài cho vui mà bắt một đứa con nít dang nắng đi xa như vầy! Thèm
gì mà bất nhơn vậy! Chú đây còn là con nít mà chú có thèm ăn vặt bậy bạ
đâu. Tự dưng nổi hứng giữa trưa bảo đi mua xoài!
Đi gần tới chợ, ngang một tiệm bán sách báo và dụng cụ học sinh, chú
bỗng bắt gặp một chú tiểu khác đâu chừng mười sáu tuổi đang đứng trong
tiệm. Chú tò mò đứng lại nhìn. Chú tiểu kia mặc áo dài năm thân màu lam
trông đàng hoàng, chững chạc lắm chứ đâu như chú chỉ mặc bộ đồ vạt khách
đỏ loét (áo hơi giống áo bà ba, may thêm một vạt ngắn phía bên phải;
quần thì luồn giây thun, cùng màu với áo). Đồ vạt khách chú bận thì suốt
ngày này qua tháng nọ chẳng thay đổi dù ở trong chùa hay đi ra đường.
Ông chủ tiệm thấy chú đứng tần ngần trước cửa tiệm bèn nói với chú tiểu
bên trong:
"Kìa, có bạn chú ở ngoài kìa."
Chú tiểu kia quay nhìn ra. Hai chú bỡ ngỡ ngó nhau một lúc. Chú tiểu
trong tiệm sách bỗng đưa hai tay chắp lên ngực chào chú. Xưa nay chẳng
ai chào chú như vậy cả. Chú lúng túng chắp tay chào lại. Chú không ngờ
chú tiểu kia lớn tuổi hơn mình mà lại chào mình lịch sự như thế. Chú
tiểu kia dạn dĩ, từ trong tiệm bước ra, đến gần chú, hỏi:
"Chú ở chùa nào vậy?"
"ở chùa Nghĩa Trủng."
"Nghĩa Trủng?"
"Ừ, Nghĩa Trủng. Còn chú?"
"ở chùa Từ Quang. Chú đi đâu đó?"
"À... đi chợ. Còn chú?"
"Đi mua tập và bút máy. Tại vì sắp tới ngày khai giảng rồi. Vô đây
chơi."
Chú rụt rè bước vào. Mắt liếc nhìn cách ăn bận của chú kia và thấy rõ sự
khác biệt giữa mình với chú ấy. Chú có vẻ luộm thuộm lôi thôi quá. Tuy
rằng ở chùa thì chẳng cần phải ăn diện gì, nhưng ít nhất cũng phải tươm
tất, gọn ghẽ khi ra đường. Thầy và cô Diệu Lan chẳng hề nghĩ đến chuyện
sắm áo dài cho chú mặc ra đường. Ngay cả đôi dép cũng không mua, đi đâu
chú cũng cứ đi chân trần như một hành khất. Áo quần thì đỏ loét đỏ loe
với loại vải rẻ tiền nhất. Trông chẳng ra con giáp nào cả.
Chú kia lại hỏi:
"Chú pháp danh gì?"
"Pháp danh? À... tôi quên rồi vì chưa bao giờ thầy gọi bằng pháp danh
cả. Tên tôi là Hữu. Chú có pháp danh rồi hả?"
"Ừ. Tôi pháp danh là Tâm Tuệ. Chú chuẩn bị sách vở đi học chưa? Chú học
ở đâu?"
"Học ở trường Bồ Đề. Sách vở chưa sắm."
"Trường Bồ Đề thôi hả, chứ không vào Phật học viện à? Phật học viện sắp
sửa khai giảng, các chùa đang chuẩn bị cho các chú tiểu như tụi mình vào
đó."
"Phật học viện là cái gì?"
"ủa, chú không biết hả? Phật học viện là trường dạy cho tụi mình về giáo
lý, kinh điển, chữ Hán, các thứ đó."
"Tôi có học chữ Hán và học kinh ở chùa, thầy tôi dạy."
"Như vậy đâu có đủ. Chùa nào cũng có dạy như vậy hết, nhưng muốn học
theo trường lớp, theo chương trình của Giáo Hội đàng hoàng thì phải vào
Phật học viện kia."
"Vậy hả! Tôi đâu có biết. Phật học viện xa không vậy?"
"Xa. Phật học viện ở tận trong Hội An, cách đây chừng ba mươi cây số."
"Vậy sao mình đi học mỗi ngày được?"
Tâm Tuệ cười nói:
"Đâu có đi mỗi ngày, mà mình phải tới Phật học viện ở luôn tại đó mà
học. Đó là chỗ cho tụi mình vừa ở vừa tu vừa học."
"Như vậy ở đó chắc đông bạn bè lắm hả?"
"Dĩ nhiên là đông rồi. Phật học viện nào cũng có khoảng bảy tám chục
tăng sinh ngang tuổi ngang lớp với nhau."
"Làm sao mình xin vào học tại Phật học viện được?"
Tâm Tuệ suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
"À, phải học thuộc hai thời công phu, bốn cuốn luật, học qua giáo lý sơ
đẳng phổ thông, chút ít chữ Hán, đâu chừng 3000 từ là đủ. Rồi phải thi
vào nếu đậu thì được học không thì thôi. Mà phải có Giáo Hội hay là thầy
bổn sư giới thiệu nữa."
"Thầy bổn sư là ai vậy?" chú Hữu ngây thơ hỏi. Tâm Tuệ tuy không lớn hơn
chú Hữu bao nhiêu nhưng cũng nhanh trí biết rằng người bạn mới của mình
đã không được may mắn học hành hiểu biết nhiều như mình. Tâm Tuệ nói:
"Thầy bổn sư là thầy nhận cho chú xuất gia, cạo đầu, đặt tên pháp danh
cho chú đó."
"Hai thời công phu thì tôi biết rồi, nhưng... bốn cuốn luật và giáo lý
sơ đẳng là gì, làm sao có được để học?"
"Chú chưa học luật và giáo lý sơ đẳng hả? Chú lên hỏi thầy, thầy sẽ cho.
Nếu ở chùa chú không có bộ luật Sa Di bốn cuốn thì qua chùa Từ Quang tôi
tặng chú một bộ. Bộ Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư bằng chữ Hán cũng có
ở bên tôi nữa, tôi sẽ tặng chú."
Chú Hữu mừng rỡ ra mặt, cám ơn bạn mà rưng rưng cả nước mắt. Chú những
tưởng suốt cuộc đời mình chỉ biết có thầy, cô Diệu Lan và cây đa trước
sân. Không ngờ hôm nay, Tâm Tuệ mở ra trước mắt chú một khung trời tương
lai đầy ánh sáng. Chú nói với Tâm Tuệ:
"Chắc thầy tôi không có bộ luật đó đâu, vì tôi không bao giờ nghe thầy
tôi nhắc tới. Vậy... vậy tôi theo chú đến chùa chú bây giờ được không?"
"Chú đi chợ mà?"
"Tôi ghé qua chùa chú xong rồi đi chợ sau cũng được."
"Có sao không? Nghe nói..." Tâm Tuệ nói đến đó thì im. Rồi lại nói:
"Nếu chú đi được mà về không bị la thì tụi mình đi. Nhưng khoan, đợi tôi
trả tiền sách đã."
Trong khi Tâm Tuệ lo tính tiền với ông chủ tiệm, chú Hữu đứng ngẫm nghĩ
về số phận mình. Chú ở chùa đã hơn hai năm mà thầy chỉ dạy cho học hai
thời công phu để mà tụng kinh hàng ngày, sau đó dạy cho chút chữ Hán để
mà tập đọc sớ điệp công văn mà cúng đám chứ chẳng bao giờ dạy chú giáo
lý hay kinh luật gì khác. Đứng trước Tâm Tuệ, chú thấy mình sao quê mùa
ngốc nghếch. Mà Tâm Tuệ hình như có ý nghĩ gì không tốt đối với ngôi
chùa mà chú đang ở thì phải. Cũng may Tâm Tuệ tốt bụng, không khinh chê
chú. Chú thầm cám ơn đức Phật, cám ơn cây đa đã cho chú gặp người bạn
tốt như Tâm Tuệ hôm nay.
Khi Tâm Tuệ trả tiền xong, hai chú cùng đi bộ đến chùa Từ Quang. Chùa
này cũng nằm trên cùng một con đường với chùa Nghĩa Trủng mà chú Hữu ở,
nhưng hai chùa cách xa nhau cả cây số. Vào chùa, Tâm Tuệ đưa bạn vào
phòng riêng của mình rồi lục soạn trong đống sách trên bàn học, lấy ra
vài cuốn sách đưa cho chú Hữu.
"Đây là cuốn luật Sa Di mà tôi nói khi nãy, phải học thuộc lòng. Trong
này vừa có cả âm lẫn nghĩa. Đáng lẽ phải có người giảng dạy, nhưng nếu
chú không có người dạy thì cứ học thuộc lòng trước đi, rồi sau này học
kỹ hơn. ở đây tôi có thầy dạy nên học cũng nhanh. Độ chừng hai tháng thì
xong."
Chú Hữu nhẫm tính một lúc rồi hỏi:
"Bao giờ thì Phật học viện khai giảng?"
"Tháng sau. Bây giờ đã có người tập trung tại đó rồi, vì còn phải trải
qua một kỳ thi nữa."
"Vậy thì... tôi đâu có học kịp," chú Hữu nói.
"Chắc là không kịp... nhưng, nếu cố gắng... hay là đi đại..."
"Là sao?"
"Tức là đến đại Phật học viện, năn nỉ được ở đó mà học. Nếu không cho
học thì xin ở đó mà tu cũng được. Xin ở được thì vào học ké cũng đâu có
khó khăn gì!"
"Làm vậy cũng được hả?" chú Hữu mừng rỡ hỏi.
"Tôi nghĩ là được, vì mấy thầy ai cũng thương các chú tiểu như tụi mình.
Nếu chú lạy thầy Giám Viện, nói hoàn cảnh của mình rồi xin ở đó tu học,
chắc thầy thương mà nhận."
Chú Hữu sung sướng, thấy như mình đã được tham dự vào Phật học viện rồi
vậy. Chú cũng thầm cảm phục Tâm Tuệ. Người đâu mà lanh lợi quá đỗi!
Hai chú đang ngồi nói chuyện với nhau thì thầy của Tâm Tuệ bước ngang
cửa phòng. Thấy chú tiểu lạ, thầy bước vào. Tâm Tuệ và chú Hữu cùng đứng
dậy chắp tay vái chào. Thầy xoa đầu chú Hữu hỏi:
"Con ở đâu tới đây? chùa nào?"
Giọng thầy nghe ấm cúng, tình cảm làm sao. Chú ngước lên trả lời thầy:
"Dạ, con ở chùa Nghĩa Trủng."
"A, chùa Nghĩa Trủng! Thầy con có khỏe không?"
"Dạ, khỏe."
Tâm Tuệ bỗng nói chen vào:
"Con mới quen chú ngoài tiệm sách Tiến Đức. Chú ở chùa hai năm rồi mà
chưa được cho học giáo lý. Chùa Nghĩa Trủng không có kinh sách gì hết,
bạch thầy."
Thầy không nói, lẳng lặng đến ngồi bên bàn học của Tâm Tuệ:
"Tại thầy ấy muốn cho chú trau luyện đức hạnh trước, học hành sau. Cũng
như người ta nói ‘tiên học lễ, hậu học văn’ đó mà. Chưa chắc hoàn cảnh
của chú như vậy là xấu hơn con."
Tâm Tuệ tiếp tục nói, và chính lúc này, chú Hữu mới nhận thức được rằng
trong giọng của Tâm Tuệ hằn lên những bực tức như thể chú ấy đang nói
lên sự bất mãn thay cho hoàn cảnh của mình:
"Hồi trước chú Tiến cũng ở chùa Nghĩa Trủng ra đó, bạch thầy. Chú ấy
cũng giống như chú Hữu bây giờ. May mà..."
Thầy cắt ngang:
"Thôi con à. Chuyện xưa rồi nhắc làm gì. Mỗi nơi có một nếp sống, một
qui luật riêng. Không thể bắt mọi chùa phải sinh hoạt giống nhau được."
Tâm Tuệ vẫn cứ lý luận:
"Nhưng... có cái bắt buộc phải giống nhau chứ, bạch thầy?"
Thầy ôn tồn dạy:
"Con chưa đủ lớn để xét việc của người khác đâu con ạ."
Thầy nói vậy, Tâm Tuệ mới chịu làm thinh. Thầy từ từ đứng dậy rời phòng.
Đến cửa, thầy quay lại nói với chú Hữu:
"Nếu trên bước đường xuất gia con gặp phải những buồn đau, trở ngại, hãy
coi đó như những thử thách ban đầu của con. Chí càng lớn, gian nan càng
nhiều. Đừng nản lòng nghe con. Con có cần kinh sách gì thì nói với Tâm
Tuệ, rồi thầy sẽ giúp con."
Những lời thân mật đầy thương yêu của thầy khiến chú Hữu không ngăn được
giọt lệ. Chú như kẻ lần đầu tiên nhận được tình cảm từ một vị thầy khả
kính trong cửa chùa, và ngay lập tức, chú hiểu ngay rằng có những cái
cao đẹp thiêng liêng hiện hữu trên cuộc đời. Chỉ tại chú chưa được may
mắn để đón nhận mà thôi. Chú bỗng quỳ sụp xuống lạy thầy mà nước mắt
chảy dài trên hai tay. Thầy đỡ chú đứng dậy, hỏi:
"Con... con khổ lắm phải không?"
Thầy chỉ hỏi vậy thôi là chú bật khóc nấc ra tiếng, không kềm hãm được
nữa. Tâm Tuệ đứng bên cạnh cũng ứa nước mắt, quay đi. Tâm Tuệ nói:
"Con biết mà. Con biết bạn con cũng bị như chú Tiến trước kia mà. Đó
không phải là chùa. Ông ấy không phải là thầy."
Thầy lớn tiếng cắt lời Tâm Tuệ:
"Im! Con không được nói vậy. Chuyện ai làm người đó gánh chịu. Không dòm
ngó lỗi người mà hãy tự nhìn xét chính mình. Con không nhớ lời dạy đó
sao! Thầy không muốn con nhắc tới chuyện cũ của chú Tiến nữa, nghe
chưa!"
Tâm Tuệ cúi mặt dạ nhưng lòng như vẫn còn ấm ức. Thầy quay sang chú Hữu,
an ủi:
"Thầy đã nói với con khi nãy, hãy nhẫn nại. Xem tất cả như những thử
thách ban đầu cho chí nguyện xuất gia của con. Khi nào gặp trở ngại lớn
không giải quyết được thì đến đây thầy dạy cho phương cách tốt đẹp cho
con."
Rồi thầy đi ra. Hai chú ngồi lại trong phòng, im lặng chẳng nói gì. Một
chặp, Hữu hỏi nhỏ:
"Chú Tiến là ai vậy? Chú ấy bây giờ ở đâu rồi?"
Tâm Tuệ suy nghĩ một lúc, nói nhỏ:
"Chú đừng cho thầy biết là tôi nói nghe. Chú Tiến bây giờ ở chùa Phổ
Hiền. Hồi đó tôi và chú Tiến cùng học ở trường Bồ Đề, chú ấy kể tôi nghe
chuyện ở chùa Nghĩa Trủng. Sau, tôi bày mưu cho chú ấy... Chú Tiến sắp
đi học Phật học viện với tôi đó."
"Chú bày mưu làm sao?"
"Đâu có gì đâu. Tôi nói chú ấy nói với ba má rằng chú không muốn tu nữa.
Ba má chú đem chú về nhà. Rồi chú xin ba má cho đi tu lại ở chùa Phổ
Hiền."
Chú Hữu ngồi lặng thinh. Một hồi, chú hỏi:
"Sao không xin từ chùa Nghĩa Trủng qua chùa Phổ Hiền luôn mà lại về nhà
rồi xin đi lại, mất công quá vậy?"
Tâm Tuệ cười:
"Tại vì đi từ chùa Nghĩa Trủng thẳng qua Phổ Hiền thì thầy ở Nghĩa Trủng
sẽ trách thầy ở Phổ Hiền sao dụ dỗ đệ tử mình."
"À, té ra là vậy. Mà chú Tiến kể cho chú nghe chuyện gì ở chùa Nghĩa
Trủng?"
Tâm Tuệ nhìn bạn, ngập ngừng:
"Chú ấy nói... chú ấy nói ở chùa đó chú không được học hành gì cả mà chỉ
làm việc suốt ngày."
Chú Hữu thở dài:
"Tại vì chùa đâu có ai, mình phải làm thôi. Mình ăn ở tại đó thì phải
làm việc chứ làm sao nữa."
"Biết vậy rồi. Nhưng... mình đi tu đâu phải là để làm việc suốt đời như
vậy."
"Vậy chú không làm việc gì trong chùa này hết hả?"
"Không phải. Làm việc thì chú tiểu như tụi mình ở đâu cũng làm hết, quét
sân, quét chánh điện, lau bàn ghế, thỉnh chuông, tụng kinh... nhưng,
ngoài công việc ra, phải có tu học."
"Tôi có tụng kinh niệm Phật và học chữ Hán mỗi ngày."
"Như vậy chưa đủ. Chú nên biết tôi học hết bốn cuốn luật bằng chữ Hán,
rồi cả bộ Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, lịch sử Phật giáo, Phật Học
Phổ Thông cuốn I và II, vậy mà thầy vẫn gởi tôi đi học ở Phật học viện.
Thầy đâu có muốn giữ tôi lại đây hầu hạ thầy để rồi tôi thành người
dốt."
Chú Hữu cúi mặt xuống, tủi thân. Tâm Tuệ an ủi:
"Tôi nói vậy chú đừng có buồn, đừng giận tôi nghe. Tôi nói thiệt đó mà.
Tôi biết chú Tiến ở đó, rồi bây giờ thêm chú nữa. Tôi muốn giúp chú
thôi."
"Chắc không giúp gì được đâu. Tôi với chú Tiến khác nhau. Ba má chú Tiến
thương chú, nghe chú đòi về thì cho về, đòi đi lại chùa khác thì cho đi
chùa khác. Ba má tôi không cho phép tôi làm như vậy đâu. Tôi giống như
con của thầy ở đó. Ba má tôi đâu có nhận tôi trở về lại với nhà đâu."
Tâm Tuệ cảm thương cho bạn mình, ngồi ứa nước mắt. Một hồi, Tâm Tuệ nẩy
ra ý kiến mới, liền nói cho bạn nghe:
"Hay là chú xin thầy cho chú vô Phật học viện học. Nếu thầy cho đi, chú
ở luôn tại Phật học viện, không trở về Nghĩa Trủng nữa."
"Như vậy thì tội nghiệp thầy quá đi. Tôi không muốn bỏ thầy đi luôn."
"Nhưng ở đó chú đâu có tương lai! Huống chi... chú cũng phải đi học chứ
bộ tội nghiệp thầy rồi ở bên thầy suốt đời hả!"
"Tôi cũng biết vậy, nhưng tôi vẫn thương thầy, thấy khó bỏ thầy đi xa
quá. Với lại... tôi biết thầy không cho tôi đi Phật học viện đâu, vì tôi
đi thì đâu có ai giúp việc trong chùa cho thầy."
"Đừng có lo chuyện đó mà. Hồi chú chưa đến đó chùa cũng đâu có ai, có
sao đâu! Mà chú nói vậy có nghĩa rằng thầy muốn giữ chú lại ở chùa để
giúp thầy thôi chứ gì! Như vậy thì thầy đâu có thương gì chú!"
Chú Hữu ngồi suy nghĩ, một lát thì nói:
"Để tôi về tính lại. Thôi bây giờ tôi phải về đi chợ kẻo..."
"Kẻo cô Lan dưới bếp la phải không?"
"ủa, sao chú biết?"
"Biết chứ sao không. Cô ấy nổi tiếng mà, ai lại không biết! Nổi tiếng là
bà chủ của chùa Nghĩa Trủng đó!"
Chú Hữu nhìn bạn, vẻ mặt vừa ngơ ngẩn vừa buồn bã khi nghe vậy. Một lúc
ngắn, chú mới giật mình đứng dậy, cáo từ. Tâm Tuệ bỏ kinh sách mình tặng
bạn vào một túi ni-lông, đưa cho Hữu rồi đưa bạn ra đến cổng tam quan.
Khi chú Hữu định đi, Tâm Tuệ, gọi lại:
"Nếu học mấy cuốn này thấy không hiểu chỗ nào, chú qua đây tôi nói chú
nghe, chỗ nào tôi không nói được thì nhờ thầy tôi giảng. Đừng ngại
nghen. Thôi, chú về há. À khoan, để tôi kể chú nghe câu chuyện ngắn này.
Mẹ của thầy tôi lâu lâu đến chùa ở lại tuần lễ hay nửa tháng. Những ngày
ở lại đây bà ấy hay sai bảo mấy người Phật tử đến chùa làm việc này việc
nọ, có khi sai tôi làm nữa. Ban đầu, tôi nghĩ bà ấy là mẹ thầy mà lại là
người lớn tuổi như bà nội bà ngoại mình nên bà sai gì tôi làm đó. Nhưng
sau tôi thấy bà có vẻ quá trớn, muốn tỏ ra mình là mẹ của thầy nên tôi
phản đối, không chịu làm. Bà ấy lên thưa với thầy tôi, nói rằng tôi
bướng bỉnh không nghe lời bà. Chú biết thầy tô phản ứngi làm sao không?"
Chú Hữu trả lời ngay:
"Kêu chú lên la một trận còn không thì cũng bắt quì nhang."
Tâm Tuệ cười nói:
"Không phải. Thầy tôi nói với bà ấy rằng tôi làm như vậy là đúng."
"Sao kỳ vậy?"
"Thầy nói rằng tôi đến đây xuất gia làm đệ tử thầy chứ không phải để làm
đệ tử của bà ấy. Cho dù bà ấy là mẹ của thầy, bà cũng không có quyền sai
bảo một chú tiểu ở chùa làm việc này việc nọ. Chỉ có quý thầy mới có
quyền sai bảo các chú thôi. Thầy còn nói là ba má tôi xin cho tôi được
làm đệ tử thầy vì kính mến ngưỡng mộ thầy chứ không phải ngưỡng mộ mẹ
thầy. Còn nữa, không thể lấy cái chuyện trật tự ở ngoài đời mà áp dụng
vào chùa. Một chú tiểu tuy nhỏ tuổi nhưng cả tính mạng và tâm hồn đã
trao phó cho lý tưởng phụng đạo, cho nên không ai được phép lấy quyền
hạn thân thích hoặc dựa vào tuổi tác, dựa vào chức quyền mà sai bảo chú
tiểu ấy. Như vậy thì mẹ thầy cũng không có quyền nạt nộ sai bảo hay chửi
mắng tôi. Thầy nói với mẹ thầy thế nào nữa chú biết không? Tôi chỉ nghe
lén thôi. Mẹ thầy nghe thầy nói thì giận lắm bỏ về, nhưng mấy hôm sau bà
trở lại chùa, tự tay quét dọn rồi làm những việc lặt vặt trong chùa. Bà
ấy không đứng chỉ tay sai hết người này tới người khác nữa."
"Thầy nói với bà ấy cái gì nữa mà bà giận rồi sau đó thay đổi?"
"Thầy nói... mẹ không phải là người xuất gia, mẹ sai bảo các chú tiểu ở
chùa thì mẹ bị tổn phước lắm đó. Vì các chú tiểu đến chùa là để học làm
Phật ngay trong kiếp này. Cho dù không thành Phật thì các chú cũng sẽ
trở thành những vị tăng sĩ đi theo con đường của Phật. Các chú bỏ nhà đi
tu không phải để đến chùa làm tôi tớ cho mọi người sai bảo..."
Chú Hữu nghe đến đó thì trong lòng bị kích động, sực nhớ lại vị trí của
mình ở chùa. Dù trước đây chú vào chùa chỉ vì hoàn cảnh gia đình, cũng
như chính thân phận èo uột khó nuôi của chú; nhưng sau một thời gian ở
chùa thì nếp sống đạo, những thời kinh, tiếng chuông chùa, bài học giáo
lý... cũng ít nhiều thấm vào tâm hồn xanh tươi hồn nhiên của chú. Trong
thâm tâm, chú biết rằng có cái gì không ổn trong đời sống hàng ngày của
chú ở chùa hiện nay nhưng chú không tìm thấy được hoặc không có khả năng
để nhìn thấy. Bây giờ những lời của Tâm Tuệ làm chú hiểu được loáng
thoáng con đường cao đẹp của mình — một chú tiểu bỏ nhà xuất gia để học
làm Phật. Chú như một kẻ bị bỏ quên lâu ngày tưởng mình tầm thường nhỏ
mọn, nay được người khác nhắc nhở ca ngợi con đường thiêng liêng mình
đang dấn bước thì thấy bàng hoàng, chấn động đến nỗi tim chú đập mạnh
lên từng hồi.
Tâm Tuệ nói tiếp:
"Thầy còn nói rằng chú tiểu là người cất bước đi tìm một phương trời cao
rộng mà không một người lớn nào ở thế tục có thể làm nổi. Con đường của
tụi mình là như vậy đó. Không thể tự khinh thường mình rồi bỏ quên chí
nguyện xuất gia cao cả."
Chú Hữu nghe bạn nói xong thì sa lệ. Chú cám ơn Tâm Tuệ. Hai chú chắp
tay chào nhau rồi chia tay.
*
Khi chú bước vào chùa đã trông thấy cô Diệu Lan ngồi chờ ở cửa bếp. Mặt
cô ấy hầm hầm. Chú đặt mấy trái xoài xanh và tiền lẻ thối lại lên bàn,
không nói lời nào. Cô Diệu Lan đay nghiến:
"Cám ơn chú, chú đi nhanh quá làm tôi hết muốn ăn rồi."
Chú lặng thinh không đáp, quay đi về phòng riêng của mình. Ngay lúc đó,
thầy từ trên chánh điện xăm xăm bước xuống, chặn chú giữa đường, hỏi:
"Chú đi đâu giờ này mới về. Ra chợ mua trái xoài mà mất mấy miếng đồng
hồ hả?"
Chú cúi mặt chẳng dám nói thật:
"Con... con... ghé tiệm sách coi mấy cuốn sách."
"Tôi có biểu chú ghé coi sách không?"
"Dạ không..."
"Không sao chú làm? Chú bây giờ to gan lắm, muốn gì làm nấy mà, phải
không?"
"Bạch thầy, từ nay về sau con không dám nữa."
Thầy im lặng, ngó cô Diệu Lan. Cô Diệu Lan nguýt thầy một cái, ngó chỗ
khác, nói:
"Nói vậy ăn thua gì."
Thầy liền hét lên:
"Chú lập tức lên chùa quỳ một cây nhang rồi sau đó tụng một thời kinh
sám hối."
Chú dạ nhỏ một tiếng rồi về phòng. Tiếng cô Diệu Lan còn vẳng sau lưng
chú:
"Quỳ nhang mà thấm tháp gì với nó. Oánh cho nó một trận mới hả giận chứ!
Dạy trò mà dạy như thầy thì làm sao nó nên thân nổi."
Thầy nói:
"Thôi mà, phạt như vậy được rồi."
"Tôi thấy chưa được. Lần sau, thầy để tôi dạy nó. Dạy kiểu thầy chẳng
kết quả gì đâu. Tới tay tôi thì nó phải biết..."
*
Chú Hữu không dám thưa thầy về dự tính nhập học Phật học viện. Chú chỉ
lén lấy kinh sách của Tâm Tuệ cho mà tự học một mình trong phòng riêng.
Phật học viện đã sắp đến ngày khai giảng rồi mà chú cũng chưa thuộc hết
bốn cuốn Luật. Trình độ thấp kém của chú không sao có thể tự học nổi.
Đêm nằm trằn trọc, chú quyết định ngày mai sẽ lạy thầy mà xin đi học xa.
Nghĩ đến đời sống tu học vui vẻ với chúng bạn cùng trang lứa nơi Phật
học viện, chú thấy sung sướng và nghe nôn nả, rạo rực trong lòng.
Buổi sáng, thầy đang ngồi viết sớ, viết bùa cho một đám ma nào đó. Chú
rón rén đến gần thầy hai ba bận rồi quay đi, chưa đủ can đảm để thưa
thiệt với thầy ước muốn của mình. Đang ngập ngừng, do dự nghĩ lời để
thưa thầy, chú bỗng nghe tiếng cô Diệu Lan dưới bếp la ơi ới. Chú chưa
kịp phản ứng sao thì thấy thầy đã đứng phắt dậy, chạy nhanh xuống phòng
cô ấy. Vừa chạy, thầy vừa nói với chú:
"Nhanh, nhanh, chạy đi kêu xích-lô!"
Chú lật đật chạy vù ra ngoài, chẳng biết ất giáp gì. Có lẽ cô ấy bị
trúng gió. Thầy sao biết hay quá, nếu không có thầy chắc chú chẳng biết
phải làm gì.
Bác xích-lô chở chú chạy nhanh về chùa. Bác vừa dừng xe ở sân chùa đã
thấy thầy dìu cô Diệu Lan bước ra. Chú thấy mặt cô ấy xanh mét. Cô ôm
bụng la, rên thật thảm. Bác xích-lô giữ cho xe khỏi chỗng gọng trong khi
thầy đỡ cô Diệu Lan lên xe. Thầy bảo bác chở xuống nhà thương hộ sinh.
Chú biết nhà thương chứ không hiểu hộ sinh là gì. Thầy bảo chú coi chùa
rồi thầy phóng xe gắn máy chạy theo xích lô. Chú mất cơ hội để xin thầy
đi học. Còn có vài tuần nữa là Phật học viện khai giảng. Chú nôn nóng
chịu không nổi, bèn đóng cửa chùa chạy qua chùa Từ Quang để kiếm chú Tâm
Tuệ.
Tâm Tuệ thấy chú thì mừng rỡ đưa vào phòng hàn huyên. Tâm Tuệ cho biết
chú ấy đang thu xếp để vào Hội An dự thi và nhập học Phật học viện. Tâm
Tuệ hỏi về chuyện xin đi học của chú Hữu. Chú buồn buồn đáp:
"Tôi định thưa thầy thì cô Diệu Lan bỗng đau bụng, rồi thầy đưa cô ấy đi
nhà thương hộ sinh rồi. Chắc cô đau nặng lắm. Thầy có vẻ lo lắng lắm."
"Nhà thương hộ sinh?"
"Ừ."
"Vậy là cô ấy đi sanh đó mà."
"Hả? sanh con? sanh em bé hả?"
"Chứ gì nữa. Thiệt là quá sức! Nhục ơi là nhục!"
"Sao mà nhục?"
"Chú không biết thật à? Thì... cô ấy với thầy ấy có con với nhau đó. Đâu
có thể làm như vậy được. Xấu hổ quá đi! Chú phải rời ngay cái chùa đó
lập tức. Đó không phải là chùa. Tôi nói rồi mà chú không tin. Bây giờ
chú thấy chưa! A, chú Tiến kìa. Chú Tiến đến chơi, nhờ chú ấy giúp chú
được lắm."
Từ ngoài sân, một chú tiểu to cao, đâu khoảng mười bảy mười tám tuổi
bước nhanh vào. Tâm Tuệ bước ra đón. Chú Hữu rụt rè bước theo. Ba chú
chào nhau. Tâm Tuệ giới thiệu hai người rồi cùng kéo nhau vào phòng. Tâm
Tuệ kể hoàn cảnh của chú Hữu cho chú Tiến nghe. Tiến cười ồ ồ, giọng chú
như giọng vịt đực. Chú giải thích một cách mạch lạc cho Hữu nghe:
"Đó không phải là chùa. Ông ấy cũng không phải là ông thầy. Đúng ra chỉ
là một cái nhà thờ Phật của một ông thầy cúng, một ông thầy pháp. Họ ăn
mặn, phải không? Chú ở đó thì biết quá rồi mà, đâu có ăn chay ngày nào
đâu! Những ông thầy đó còn lấy vợ, có con, lợi dụng ngõ đạo để làm ăn,
mưu sinh bằng nghề cúng đám chứ chẳng có lý tưởng xuất gia xuất trần gì
cả. Ai thiệt xui xẻo mới lọt vào đó để chôn cả cuộc đời tu. Tôi đã lầm
lẫn rồi, nay tới chú, chú biết rồi thì... tốt hơn là rời nơi đó sớm
chừng nào tốt chừng đó."
Chú Hữu nghe xong rúng động tim gan, người chú xụi xuống, xanh mét, thất
vọng não nề. Ngay lập tức chú hiểu hết. Chú ôn lại cách thầy đối xử với
mình, cách thầy và cô Diệu Lan giao tiếp với nhau, cách sinh hoạt của
chùa với sự thờ ơ khinh bỉ của những người Phật tử bên ngoài. Chùa chú ở
không bao giờ có Phật tử tụ tập đông như các chùa khác. Quanh năm suốt
tháng chỉ có thầy, cô Diệu Lan và chú. Thỉnh thoảng mới có một gia đình
lầm đường lạc lối đến xin làm lễ đám ma. Đi đám ma cho người ta, thầy ra
giá cả y như những người buôn bán ngoài chợ. Bây giờ thì chú hiểu hết.
Chú buồn tủi cho mình, ngồi cúi mặt nhìn xuống đất. Chú Tiến an ủi:
"Chỉ còn một con đường thôi là phải lập tức rời khỏi ngôi chùa đó. Chú
đi tu không phải để làm đầy tớ cho những người không có chút tâm đạo như
vậy. Họ chỉ lợi dụng đạo mà thôi."
Chú Hữu không nói. Chú biết hoàn cảnh của chú khác với hoàn cảnh chú
Tiến. Chú như là đứa con của thầy chứ không phải là một đứa trẻ đến chùa
xin xuất gia với ý thích, chí nguyện hay một mục tiêu vạch sẵn. Cha mẹ
chú sẽ không đón chú về cho dù họ có biết thầy chú thực ra chẳng phải là
ông thầy tu. Cha mẹ chú đâu có mong đợi là cho chú đi tu với một vị thầy
chân chánh gì đâu. Họ chỉ gởi chú vào đó để khỏi phải nuôi một đứa con
khó nuôi mà thôi. Như vậy, chú trở thành con của thầy rồi. Chuyện lý
tưởng xuất gia là chuyện khác. Chú nói với chú Tiến và Tâm Tuệ hoàn cảnh
của mình. Tâm Tuệ nói:
"Tôi biết rồi. Trước đây chú đã kể cho tôi nghe. Nhưng, chú phải tìm lối
thoát cho chú chứ. Dù thế nào thì ông ấy cũng không phải là cha ruột của
chú."
"Nhưng thầy đã nuôi tôi từ mấy năm nay."
"Từ lúc chú mười một tuổi. Đến nay chỉ mới hai năm. Nhưng hai năm đó,
chú làm việc cực nhọc để đổi lấy mấy bữa cơm không tình cảm. Hơn nữa...
cơm chùa là của bá tánh chứ không phải của ông thầy. Nói thầy nuôi là
nói cho gọn, cho dễ hiểu. Chứ thật ra một người xuất gia ở chùa chỉ mang
ơn cơm gạo của bá tánh mà thôi. Ông thầy không có công nuôi nấng cơm ăn
áo mặc gì hết, nhất là một ông thầy đám thầy cúng. Ông ta chỉ đào tạo
chú thành một người phụ tá để đi cúng kiếm tiền, để sai làm việc trong
chùa thôi, và mỗi ngày đi cúng đám với ông ấy là chú đã tự kiếm miếng
cơm cho chú, chứ có phải là ông ấy nuôi chú đâu! Ổng không có nuôi chú
ngày nào hết, nghĩ lại đi!" chú Tiến nói một hơi với giọng đàn anh như
vậy.
Chú Hữu còn đang phân vân thì chú Tiến lại tiếp:
"ở đó chú không được dạy dỗ gì hết. Chú nhớ lại xem. Suốt năm suốt tháng
chú không được dạy dỗ điều gì hay ho cả. Chỉ có sai vặt, đấm bóp, đi
chợ, giúp cô Diệu Lan, xách nước cho cô tắm... toàn là ba cái chuyện bá
láp, bất công! Tôi nói có đúng không! Tôi có ở Nghĩa Trủng một thời gian
đó chú à! Chú tin tôi đi, suốt đời chú ở đó chú vẫn cứ là một người để
sai vặt mà thôi."
Tâm Tuệ chen vào:
"Chú Tiến biết không, cô Diệu Lan mới vừa đi nhà thương hộ sinh đó, có
thầy lái xe gắn máy theo hộ tống."
Chú Tiến thả xụi hai vai xuống ra dáng muốn xỉu:
"Ôi trời! Chú tiểu đây có rồi mà thầy còn kiếm chi thêm chú tiểu khác
nữa vậy thầy!" (nói ngang đây, Tiến bỗng ngay người lại, nói giọng nửa
giỡn nửa thiệt) "à này, vậy là chú tiểu sắp ra đời sẽ là trụ trì tương
lai vì nó là con ruột của thầy ấy, còn chú chỉ là con nuôi thôi. Trước
sau gì rồi chú cũng phải cuốn gói ra khỏi chùa. Có một đứa con ruột ra
đời, chú càng bị đối xử tệ hơn. Chú lo tính chuyện sớm đi."
Chú Hữu càng nghe càng bối rối chẳng biết tính sao. Tâm Tuệ thấy tội
nghiệp, nói:
"Tôi định bụng là nếu tôi với chú Tiến xin vào Phật học viện được, hai
đứa chúng tôi sẽ lên xin thầy Giám viện cho chú vào đó ở tu rồi học dự
thính một thời gian, sau đó nếu chú học kịp thì xin học chính thức
luôn."
"Nhưng... phải có thầy bổn sư giới thiệu mà. Hôm trước chú nói vậy."
Chú Tiến trả lời thay Tâm Tuệ:
"Đó là theo nguyên tắc, chứ hoàn cảnh của chú, thầy nào nghe cũng sẽ hết
lòng giúp đỡ. Chẳng hạn như thầy của Tâm Tuệ hay thầy tôi ở chùa Phổ
Hiền cũng có thể giúp chú được."
Chú Hữu sáng mắt mừng rỡ:
"Vậy hả?"
Nhưng rồi chú mặt chú lại chùng xuống. Chú nhớ đến chùa mình. Nơi đó,
chú không hiểu có cái gì đó khắng khít với mình lắm, đến nỗi khi nghĩ
đến chuyện bỏ đi, dù sung sướng cách mấy, chú cũng nghe đau nhói ở bên
trái ngực mình. Chú không phân định được cái gì đã níu kéo, ràng buộc
tâm hồn mình. Lòng chú bỗng buồn vô hạn. Chú nói với hai chú kia với
giọng không mấy tin tưởng rằng mình sẽ quyết định tìm một cuộc sống mới:
"Có hai chú hay quý thầy giúp thì tôi mừng lắm. Nhưng... tôi không biết
tôi có đi được không nữa. Thôi, hay là các chú cứ vào Phật học viện đi.
Khi nào nghỉ học về đây các chú ghé cho tôi biết rồi tôi mới tính được."
Chú Tiến nói:
"Cái đó tùy chú thôi. Hai đứa tôi sẽ cố gắng giúp chú thoát khỏi đó rồi
vào Phật học viện nữa. Chú chưa tính được bây giờ thì rãi rãi mà tính,
nhưng chân thành mà nói, tôi khuyên chú bằng cách nào cũng phải tính
chuyện rời khỏi cái chỗ hắc ám đó nếu chú thật sự muốn trở thành một
người xuất gia chân chính. Còn như chú muốn trở thành thầy đám thầy cúng
thì tụi tôi không bàn tới nữa."
Ba chú từ biệt nhau ở cổng tam quan. Tâm Tuệ còn gắng níu chú Hữu lại,
căn dặn kỹ càng với giọng cảm động:
"Thầy tôi có dặn chú hôm trước là khi nào chú có chuyện khó xử thì đến
thầy, thầy sẽ giúp chú, chú nhớ nghen, đừng để ai ăn hiếp hành hạ chú
nghe."
Chú Tiến cũng nói:
"Có hàng trăm chùa sẵn sàng dang tay đón nhận những chú tiểu xuất gia
như chú. Hoàn cảnh của chú, không chùa nào từ chối đâu. Chú nhớ nghe."
Chú Hữu nghe lời dặn dò của hai bạn mà chảy nước mắt. Chú không ngờ chú
có thể có được những người bạn tốt như hai người bạn này. Các chú chắp
tay vái chào nhau. Chú Hữu vội vã trở về chùa.
Vừa bước vào cổng chú thấy thầy tay cầm roi đứng chực sẵn. Thầy vụt cho
chú mấy roi vào lưng, vào vai. Đau quá chú chạy ra sân, thầy rượt theo,
hét:
"Đứng lại, đứng lại không tao đuổi luôn ra ngoài đường!"
Chú không dám chạy nữa, đứng lại chịu đòn. Thầy chẳng nói chẳng rằng,
quất chú túi bụi bằng chiếc roi mây mà khi nào nóng giận lắm thầy mới
cầm đến để phạt chú. Chú té xuống đất, thầy cũng chẳng tha, quất bừa lên
người chú. Chú lăn qua lăn lại để tránh đòn nhưng vẫn không thoát được
những lằn roi đau xé thịt da. Thầy ngưng tay rồi, chú mới lồm cồm ngồi
dậy, khóc thút thít. Thầy gằn giọng:
"Tôi bảo chú giữ chùa mà chú bỏ đi đâu? Lỡ ăn trộm vô hốt hết đồ thì
sao!"
"Dạ... con đã khóa cửa rồi."
"Khóa cửa mà ăn nhằm gì! Nhưng tôi hỏi chú đi đâu?"
"Dạ... con... con ra tiệm sách."
"Ra tiệm sách làm cái gì! Tôi có bảo chú đi không! Kinh sách ở chùa chú
học có hết đâu. Chữ Hán học đã hết đâu! Bộ tôi dạy chú không đủ sao mà
còn đi kiếm thêm sách về học? Làm như là hiếu học lắm vậy! Đi vô rửa mặt
đi. Chú còn tái phạm tôi đuổi chú về với ba má chú lập tức."
"Dạ... con không dám nữa," chú đứng dậy vái chào thầy rồi vào trong.
Thầy thì vào phòng cô Diệu Lan loay hoay soạn đồ đạc gì đó. Chú vào
phòng kiếm dầu xức lên các vết xước và bầm trên người, thấy đau rát cả
người. Một lúc, thầy ôm một gói đồ lớn ra cột phía sau xe gắn máy.
"Hữu!"
Chú dạ rồi chạy ra sân:
"Thầy gọi con?"
"Coi chùa nghe chưa. Thầy đi xuống nhà thương, tối mới về. Nếu sau mười
giờ không thấy thầy về, chú cứ đóng cửa nẻo kỹ lưỡng rồi đi ngủ, nghe
chưa?"
"Dạ," chú đáp mà trong lòng thấy vui vui. Chú chẳng hiểu sao bây giờ chú
lại thấy vui khi thầy đi vắng. Chú phụ giúp thầy ràng bao đồ sau xe.
Thầy đang hầm hầm bỗng đổi vui, vừa cười vừa nói:
"Cô Lan sanh đứa con trai."
"Vậy hả thầy?" chú Hữu hỏi lại cho có lệ.
Thầy có vẻ vui lắm. Nếu không thì thầy còn đánh phạt chú nặng nề hơn
nữa. Chú nghĩ vậy. Đứa bé trai mới chào đời chẳng dính dáng gì đến chú
để có thể cho chú niềm vui. Nhưng cũng nhờ nó mà thầy nhẹ tay với chú
hôm nay mà thôi. Khi thầy đi rồi, chú lẩn thẩn bước ra sân, đến ngồi
dưới gốc cây đa. Những rễ má chằng chịt của cây đa rũ xuống quanh chỗ
chú ngồi. Chú thấy ấm lòng khi ngồi dưới gốc đa—người bạn thân thuộc của
chú. Chú nói với cây đa:
"Đa ơi, sao tui khổ vậy Đa? Thầy đánh tui Đa có thấy không? Đây nè, đánh
chỗ này sứt cả miếng da, chảy máu ra, Đa có thấy không? Còn chỗ này,
chưa chi mà bầm tím rồi. Từng lằn, từng lằn ở đây nữa nè. Đau lắm đó Đa
à! Không ai cản thầy hết Đa thấy không? Hồi tui ở nhà... hu hu... hồi
tui ở nhà... ba má tui đâu có đánh tui. Ba má tui thấy tui ốm yếu nên
không bao giờ đánh tui hết á. Hu hu... ba má tui tưởng thầy tui hiền, sẽ
không đánh tui... hu hu... vậy mà thầy đánh tui hoài. Ba má tui đâu có
biết. Mà tui cũng không dám nói cho ba má tui nghe nữa. Tui đâu có muốn
ba má tui buồn... Đa thấy tui có hoang không? Tui đâu có hoang phải
không? Tui đi qua chùa của bạn tui thôi mà, vì bạn tui sắp đi học xa
rồi, tui phải qua từ giã bạn tui chớ. Bạn tui hai người, người nào cũng
được đi học hết đó Đa à. Bạn tui sướng lắm, được thầy thương, không bị
ai mắng chửi, đánh đập, ăn hiếp hết.... hu hu, sao tui khổ vậy hở Đa?"
Cây đa như lắc lư, xào xạc cả lá cành để an ủi chú. Chú ngồi đó mà khóc
cho đến khi trời tối mới từ giã cây đa mà vào trong.
Ngồi nơi bàn học trong phòng riêng của mình, nhìn sách vở bút tập, nhìn
mấy cuốn luật mà Tâm Tuệ tặng, chú bỗng thấy nỗi háo hức đi học xa ùn ùn
nổi dậy. Chú khát khao được vào Phật học viện biết bao. Chú tự nhủ:
"Không lẽ mình ở suốt đời tại đây để đi cúng đám, làm việc lặt vặt như
vầy hoài sao!" Chú đứng dậy đi vòng vòng trong phòng rồi lại ngồi xuống
trước bàn học. Tại sao mình không nhân cơ hội thầy đi vắng mà bỏ chùa
trốn theo chú Tiến với Tâm Tuệ? Hai chú ấy nói là quý thầy ở chùa nào
cũng vui lòng nhận mình đến ở hết. Quý thầy khác đâu có giống thầy ở
đây. Như thầy của Tâm Tuệ đó, thầy ấy sao mà hiền và thương Tâm Tuệ quá,
thương cả mình nữa. ở chùa khác cũng đâu có ai như cô Diệu Lan, đụng đâu
sai đó, chửi đó, có khi cãi lộn với cả thầy nữa. Thầy còn nể sợ cô ấy
nữa thì làm sao cô ấy chẳng ăn hiếp mình! Nghĩ vậy, chú vụt đứng dậy, ra
cổng chùa nhìn xem thầy đã về chưa. Rồi chú trở lại phòng, đứng tần
ngần, phân vân một lúc. Cuối cùng, chú vội vàng thu xếp hai bộ áo quần
cùng một ít kinh sách của mình vào một cái bao ni-lông lớn. Xong, chú
khép cửa phòng lại. Đi quanh khóa chặt các cửa để ăn trộm khỏi vào lấy
đồ của chùa. Rồi chú ôm gói đồ, vụt chạy ra ngoài. Nhưng đến ngang cổng
tam quan, chú bỗng khựng lại. Chú thấy sao mà khó lòng bỏ đi một cách âm
thầm lén lút như vầy. Có cái gì đó níu kéo chú mà chú không hiểu nổi.
Mấy năm nay sống bên một vị thầy nhu nhược sợ đàn bà, ít suy nghĩ, ít
tình cảm và một người đàn bà đanh đá hiểm ác lúc nào cũng sẵn sàng hoác
rộng miệng ra để chửi rủa tru tréo, chú thấy không lưu luyến gì với họ
cả khi quyết định rời họ mà đi ngay lúc này. Nhưng sao trong lòng chú
vẫn nghe một cái gì đó buồn buồn, vương vấn. Dường như nơi cảnh chùa nhỏ
hẹp buồn tẻ này vẫn có cái gì êm đềm khắng khít với tâm hồn chú, vuốt ve
những đau buồn tủi nhục của chú hằng ngày. Chú thấy quặn đau trong lòng
khi đứng nơi cổng tam quan với ý nghĩ nhìn lại ngôi chùa lần cuối trước
lúc từ biệt. Dùng dằng một lúc, chú thở dài rồi lững thững quay trở vào
trong, không đi nữa. Chú ném gói hành lý của mình trên giường. Chú bước
lên chánh điện, đi quanh các bàn thờ, nhìn thật kỹ những tượng Phật,
tượng Bồ Tát, tượng Hộ Pháp và các khuôn hình quen thuộc trên bàn thờ
vong linh. Chú nhớ những thời tụng kinh của mình từ khi mới vào chùa đến
nay. Chắc là cả ngàn lần chú tụng kinh nơi chánh điện này rồi. Những lần
đó, có khi có thầy, có khi chỉ mình chú. Chú thích tụng kinh lắm. Nhưng,
hình như chuyện tụng kinh không phải là điều làm chú lưu luyến. Chú có
thể tụng kinh ở một ngôi chùa khác với thầy khác hoặc các chú tiểu khác.
Chú đứng mãi nơi chánh điện mà chẳng hiểu chú luyến tiếc gì nơi đây và
chú cũng thật tình chẳng biết phải làm gì ngay lúc này nữa. Chỉ thấy một
nỗi buồn tràn ngập trái tim nhỏ bé của mình.
Bỗng chú nghe thấy tiếng xe gắn máy của thầy chạy vào sân chùa. Chú lật
đật rời chánh điện trở về phòng mình, cất dấu gói hành lý. Chú ra đón
thầy ở cửa hông của chùa. Vừa khóa xe, thầy vừa nói:
"Thằng nhỏ dễ thương hết sức!"
Chú chẳng nói gì. Chú nhớ đến Tâm Tuệ và chú Tiến. Các chú ấy cho rằng
thầy và cô Diệu Lan đã có con với nhau. Có nghĩa rằng thằng bé mới chào
đời là con thầy. Hèn chi thầy vui quá. Y hệt ba chú mừng thằng cu Đen em
út của chú lúc nó mới được mẹ chú sanh ra vậy.
Ngày nào thầy cũng lái xe gắn máy mang cơm mang nước gì đó cho cô Diệu
Lan. Đâu khoảng tuần lễ thì thầy đưa cô ấy cùng thằng bé sơ sinh về
chùa. Thằng bé được thầy hay cô Diệu Lan đặt tên là Mừng. Chắc thầy mừng
quá không nghĩ ra được cái tên nào khác bèn đặt đại theo xúc cảm của
thầy thôi. Cô Diệu Lan hay sai chú quạt lò than đặt dưới giường cho cô.
Khi thằng Mừng khóc, cô bảo chú đu đưa cái nôi cho nó nín. Rồi cô tập
cho chú thay tả cho nó nữa. Chú ghét nhứt là công việc thay tả này. Một
tay bịt mũi một tay thay, chú bị cô Diệu Lan chửi cho một hồi:
"Làm gì dữ vậy! Em nó có ăn uống gì đâu mà c. em thúi! Bịt mũi bịt mũi
có ngày bị quả báo sứt mũi cho mà coi!"
Những ngày cô nằm dưỡng chú thật là cực nhọc. Hầu như suốt ngày chú
thường trực dưới phòng cô để chực cô sai bảo và cũng để ẵm, ru thằng
Mừng cho cô ngủ ngon giấc (thầy bảo vậy). Vừa lo việc chùa, chú còn phải
lo cho cả hai mẹ con cô Diệu Lan nữa, thật là cực nhọc. Chú nhớ hồi
thằng cu Đen em chú chào đời, ba má chú đâu có bảo chú làm gì. Chú thấy
chán nản lắm, nhưng chú cứ bặm môi, cúi mặt mà làm tất cả những gì thầy
và cô sai bảo. Có lúc đang ngồi đưa nôi cho thằng Mừng, chú bỗng nẩy
sinh ý nghĩ bỏ chùa mà đi. Nhưng, chú nghĩ, có lẽ giờ này Tâm Tuệ và chú
Tiến đã đi vào Hội An để dự cuộc thi tuyển vào Phật học viện rồi. Chú có
trốn đi thì cũng chẳng ai hướng dẫn và giúp đỡ. Thôi thì đành cắn răng
mà chịu. Huống chi chú vẫn còn quyến luyến gì đó nơi chùa này đến nỗi
mỗi khi nghĩ đến chuyện đi thì tự dưng thấy đau đau ở trái tim.
Chiều đó, cô Diệu Lan lại sai chú đi mua đồ. Mua sữa bò cho thằng Mừng.
Chú nghĩ bụng, phải nhân cơ hội này ghé chùa Từ Quang thăm Tâm Tuệ. Hy
vọng chú ấy và chú Tiến chưa đi Hội An.
Quả nhiên Tâm Tuệ chưa đi. Chú Hữu mừng lắm, bước vào phòng bạn là hỏi
dồn:
"Tôi tưởng chú đi rồi chớ. Chừng nào mới đi? Chú Tiến có qua đây đi
chung với chú không? Các chú đi chừng nào thì về thăm?"
Tâm Tuệ nói mà giọng có vẻ ái ngại, sợ bạn buồn tủi:
"Sáng mai hai đứa tôi đi rồi. Tối nay chú Tiến qua đây ở lại một đêm.
Đến Phật học viện, tụi tôi phải chờ khoảng tuần lễ rồi mới thi khảo
hạch. Nếu đậu thì ở luôn đó mà học, rớt thì về lại đây ngay."
"Nhưng chắc là không rớt đâu phải không chú?" chú Hữu hỏi.
"Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi và chú Tiến học kỹ lắm. Điều kiện là tốt nghiệp
Sơ đẳng Phật học nhưng tôi và chú Tiến đều đã học chương trình tương
đương với Trung đẳng I thì làm sao mà rớt được. Chú Tiến nói sẽ cố gắng
xin cho chú vào Phật học viện, nếu không dự học được thì cũng xin ở đó
mà tu cũng tốt phước hơn là..."
Tâm Tuệ chưa nói hết câu thì Hữu đã sa nước mắt, cúi mặt nghẹn ngào.
"Sao vậy? Có chuyện gì vậy? Chú bị họ ăn hiếp phải không? Nói tôi nghe
đi?" Tâm Tuệ nóng ruột hỏi.
Chú Hữu không trả lời được, cổ họng chú nghẹn cứng. Sự quan tâm của bạn
làm chú cảm động và càng khóc nhiều hơn, nước mắt chú chảy từng hàng
từng hàng xuống hai gò má ốm xanh. Tâm Tuệ lúng túng chẳng biết an ủi
bạn thế nào. Chỉ cầm tay bạn mà bóp nhẹ. Vừa lúc đó, chú Tiến bước vào,
mang theo hai cái va-li lớn. Thấy Hữu khóc, chú Tiến nói ngay:
"Có chuyện rồi phải không! Cái mụ đó đánh đập chú hả? Tôi nói chú bỏ đi,
đừng nấn ná chi ở cái chỗ u tối đó. Họ làm gì chú vậy, nói tôi nghe
coi."
Chú Hữu không nói gì được. Phải một lúc lâu, chú mới nói tóm được một
câu:
"Suốt ngày tôi phải giữ em, thay tả, chăm sóc cho cô Diệu Lan và thằng
con của cổ..."
Chú Tiến nghiến răng nói:
"Không được! Dứt khoát là không được rồi. Họ làm vậy là hết mức rồi.
Không ai mà chấp nhận được! Để tôi qua đó nói chuyện với họ. Phải chấm
dứt lập tức tình trạng bỉ ổi đó!"
Chú Hữu níu Tiến lại:
"Đừng chú. Đừng làm vậy, thầy đuổi tôi đó."
"Đuổi? Đuổi thì đi chứ sợ gì! Thiếu gì chùa thương chú. Chú là chú tiểu
rồi thì tất cả các chùa đều là nhà chú, chú có biết không? Chú là con
của Giáo Hội, chẳng phải là con riêng gì của ông ấy hết! Đi, ba đứa mình
đến đó nói chuyện thẳng với họ."
Chú Hữu dùng dằng níu bạn, không muốn đi. Tâm Tuệ cũng giữ chú Tiến lại,
nói:
"Khoan đã Tiến à, đừng nóng nảy như vậy. Thầy ấy là người lớn, thầy đâu
thèm nói chuyện với tụi mình. Nếu cần thì nhờ thầy tôi qua nói chuyện,
hoặc là... chú Hữu cứ đi luôn khỏi cần quay về nữa thì êm chuyện. Chú ở
đây, ngày mai theo chúng tôi đi đến Phật học viện. Tụi tôi xin dự thi để
nhập học, còn chú thì xin nhập chúng ở tu; khi nào chú có thể học theo
kịp thì xin học. Thời gian đầu chỉ xin ở tu thôi. Chắc chắn ba đứa lên
lạy thầy Giám viện nói rõ hoàn cảnh chú thì thầy sẽ nhận chú làm đệ tử
ngay. Các chú thấy sao?"
Tiến đáp ngay:
"Hay lắm, ý kiến rất là hay. Chú Hữu bây giờ cứ ở lại đây đi, sáng mai
tụi mình cùng đi. Chắc chắn thành công mà. Đừng có thèm trở về cái địa
ngục đó nữa."
Hữu nghe ý kiến các bạn, trong lòng vô cùng phấn khởi. Nhưng nhớ lại là
mình chưa chuẩn bị gì hết, chú nói:
"Cám ơn các chú bày cách hay. Tôi vui lắm. Nhưng..."
"Đừng có nhưn nhị gì hết. Không có tiếc gì cái chỗ đó nữa," chú Tiến
chận ngang.
"Không phải. Tôi đang cầm tiền để mua sữa cho thằng Mừng con cô Diệu
Lan."
"Cứ mua sữa đi... rồi để tôi nhờ một bác xích lô mang về chùa Nghĩa
Trủng dùm là được rồi. Có bác Bảy xích lô ở kế bên chùa này nè," Tâm Tuệ
nói.
"Nhưng... tôi còn đồ đạc ở chùa, làm sao mà lấy được?" Hữu nói giọng lo
lắng.
"Đồ của bọn tiểu mình có gì đâu mà tiếc! Cũng là hai ba bộ đồ vạt khách
với dăm ba cuốn kinh thôi chứ nhằm nhò gì đâu! Bỏ hết đi, tụi tôi góp
tiền may đồ khác cho chú. Bây giờ chú mặc tạm đồ của Tâm Tuệ cũng vừa
mà," Tiến góp ý.
"Chú Tiến nói đúng đó, bỏ hết đồ đó đi, sắm lại đồ khác. Tụi tôi có may
thêm đồ trước khi đi Hội An, để tôi chia bớt cho chú hai bộ mặc tạm. Sau
này tụi mình may thêm. Tôi và Tiến đều có tiền của gia đình, lại thêm
tiền của thầy cho nữa. May đồ, mua vé xe đò, vậy là đủ rồi, kinh sách
học thì chùa nào lại chẳng có, khỏi lo chú à. Đồng ý đi. Tụi tôi không
muốn chú tiếp tục bị đày đọa nữa. Chú phải dứt khoát thì mới có tương
lai được."
Chú Hữu suy nghĩ một lúc, lau nước mắt rồi sung sướng gật đầu.
*
Tâm Tuệ đưa tiền nhờ bác Bảy xích lô mua sữa rồi đem đến trao tận tay
cho cô Diệu Lan. Bác Bảy là Phật tử thân cận của chùa Từ Quang, theo lời
dặn của chú Tâm Tuệ, chỉ nói vắn tắt là có một chú tiểu nhờ đem sữa đến
và chú ấy sẽ không bao giờ trở lại nữa. Cô Diệu Lan tròn xoe đôi mắt,
lật đật lên báo tin cho thầy biết. Thầy hầm hầm la hét om sòm:
"Để rồi coi, một hai ngày đói meo ngủ bờ ngủ bụi rồi nó cũng lết về đây
cho mà xem! Đồ cái quân mất dạy, phản chủ!"
Tâm Tuệ không muốn phiền đến thầy mình nên đem dấu chú Hữu trong phòng.
Buổi tối, Tâm Tuệ đem cơm vào phòng cho chú Hữu ăn. Tâm Tuệ nói:
"Chút nữa tôi và chú Tiến lên lạy từ giã thầy để khuya nay đi. Khi tụi
tôi đi chào thầy, chú cứ ở lại trong phòng này. Tối nay chú ngủ tạm một
đêm ở đây, khuya này khi thầy đang tụng kinh thì tụi mình rời chùa ra
bến xe, vậy thì thầy sẽ không biết gì hết. Tôi không muốn thầy biết
chuyện... thực ra thầy tôi biết thì thầy cũng thương mà giúp chú thôi,
nhưng sợ thấy thầy khó xử với thầy chú. Chuyện tụi mình tính tôi nghĩ là
sẽ êm xuôi, không muốn phiền thầy để rồi giữa hai chùa, hai thầy có xích
mích với nhau. Chú hiểu tôi không?"
Chú Hữu gật đầu ngay. Chú không ngờ Tâm Tuệ mới mười sáu tuổi mà lanh
lợi, tế nhị, biết điều làm sao.
Buổi tối sau khóa Tịnh Độ, thầy gọi chú Tâm Tuệ và cả chú Tiến lên phòng
riêng của thầy để dặn dò chuyện đi học xa. Tâm Tuệ và Tiến dấu nhẹm
chuyện của chú Hữu, không hé môi với thầy lời nào. Thầy soạn cho Tâm Tuệ
và chú Tiến một ít kinh sách cần thiết. Thầy còn cho hai chú tiền để đi
học xa nữa. Khi rời phòng thầy, chú Tiến nói với Tâm Tuệ:
"Thầy tôi có cho tôi tiền rồi. Tiền của thầy chú cho thêm, tôi dành cho
Hữu. Nghĩ đến chú ấy tôi thấy tội nghiệp quá. Hy vọng chuyến đi này sẽ
cho chú ấy một cuộc sống mới, đúng nghĩa."
Sau khi coi lại hành lý lần chót, Tâm Tuệ và chú Tiến giăng mùng. Ba chú
nằm chung trong một cái mùng to, cùng ngủ dưới đất. Cả đêm ba chú cứ bàn
tính, nói chuyện tương lai. Hữu sung sướng ngủ không được. Hai chú kia
ngủ ngon rồi mà mắt chú cứ trao tráo. Chú nằm lăn qua trở lại bao lần.
Chú nhớ về chùa. Chú ôn lại những ngày đầu khi cha mẹ chú đưa chú vào
chùa. Chú thấy thương cha mẹ quá. Cha mẹ chú đâu có biết chú bỏ chùa mà
đi thế này. Nếu biết, cha mẹ chú hẳn là buồn lắm. Chắc cha mẹ sẽ nghĩ
rằng chú hoang đàng, ngỗ nghịch, dám cãi thầy, bỏ chùa đi hoang. Chú
nghĩ là chú cần phải viết cho cha mẹ một lá thư ngay sau khi đến Phật
học viện và biết kết quả chuyện cư trú của mình tại đó. Càng suy nghĩ
lòng chú càng nghe buồn vô hạn. Nỗi vui nỗi buồn chen vào nhau, cắn xé
nhau, làm cho lòng chú dùng dằng rồi căng ra, thật khó chịu. Chú không
rõ tại sao quyết định bỏ chùa đi để tìm một đời sống mới nơi chùa khác,
là một quyết định hợp lý, đầy ý nghĩa, đầy hạnh phúc, mà lại khiến cho
tâm hồn chú thấy chùng xuống như mất mát một cái gì to lớn lắm vậy. Nghĩ
đến thầy và cô Diệu Lan, trong lòng chú không nẩy sinh chút tình cảm êm
đềm nào hết. Thật uổng phí hai năm chung sống với họ dưới một mái chùa.
Giờ này nghĩ đến họ, chú chỉ nghe một nỗi chán chường, tởm lợm. Chú
không luyến tiếc gì họ cả. Có một cái gì khác mà chú bỏ quên nơi ngôi
chùa đó. Chú không nghĩ ra được. Chú nằm trằn trọc cho đến một hai giờ
khuya, bỗng dưng chú sực nhớ đến người bạn thân yêu của chú. Chú ngồi
vùng dậy. Phải rồi, cây đa, cây đa! Chú thương cây đa của chùa quá. Đó
là người bạn duy nhất từng lắng nghe, từng chứng kiến bao nỗi đau buồn
khổ nhục của chú suốt hai năm nay, từ khi chú vào chùa. Chú ngồi đó,
nghĩ đến cây đa, chú nhớ cây đa, và chú khóc. Một chặp lâu, thấy Tiến và
Tâm Tuệ hãy còn ngủ ngon, chú bỗng nẩy ý định quay trở về chùa.
Chú rón rén chui ra khỏi mùng. Chú ước tính, từ đây về chùa chú khoảng
một cây số, nếu chú đi bộ thì chỉ mất mười lăm phút là cao. Chú rón rén
mở cửa phòng Tâm Tuệ, bước ra ngoài. Chú nhẹ nhàng đi băng ngang phòng
ăn, phòng thầy trụ trì, hành lang chánh điện, rồi ra sân. Cổng chùa này
chỉ cài then chứ không khóa kỹ như cổng chùa chú. Chú khép cổng lại rồi
đi nhanh về hướng chùa mình.
Đường phố vắng hoe, chỉ có vài chiếc xích lô đạp nhanh đi tìm khách. Chú
cúi mặt đi không nhìn ngó ai. Từ xa, chú đã thấy cây đa vươn lên phủ rợp
cả một nửa mái chùa. Nhìn thấy cây đa, trong lòng chú đã rung lên, xúc
động. Chú chạy nhanh đến cổng chùa. Cổng khóa không vào được, chú leo
qua song sắt nhảy vào trong. Rồi chú chạy a đến cây đa. Chú ôm cây đa mà
khóc nấc. Cây đa, người bạn khổng lồ của chú, dường như dang tay để ôm
chặt chú vào lòng. Chú chẳng nói gì với cây đa. Chỉ khóc thôi. Rồi chú
từ biệt cây đa. Nhảy ra khỏi cổng rào rồi, chú đưa tay vẫy vẫy với cây
đa:
"Tạm biệt Đa nghen. ở đâu tui cũng nhớ Đa hết. Đa ở lại đừng có buồn
nghe Đa..."
Rồi chú phóng nhanh trở lại chùa Từ Quang. Nhẹ nhàng vào sân chùa, vào
phòng Tâm Tuệ, chui vào mùng, nằm xuống ngủ. Bây giờ chú ngủ được rồi.
Bốn giờ khuya, khi thầy của Tâm Tuệ tụng kinh trên chánh điện, Tâm Tuệ
đánh thức Hữu và Tiến dậy. Cả ba cùng mang hành lý ra bến xe. Chú Hữu
phụ xách hành lý cho hai chú kia, vì chú chẳng có hành lý gì. Mua được
vé xe rồi, ba chú leo lên xe ngồi. Tài xế cho biết một tiếng đồng hồ nữa
xe mới chạy. Ba chú ngồi trên xe với tâm trạng nao nao, sung sướng. Khi
chất hành lý xong xuôi, bác tài xế kiểm soát vé của hành khách trước khi
khởi hành. Các chú biết là xe sắp chạy rồi. Khung trời mới sắp mở ra
rồi.
Bỗng nghe tiếng gọi từ phía dưới xe. Tiếng gọi rất quen thuộc:
"Tâm Tuệ, Tâm Tuệ!"
Chú Tâm Tuệ thò đầu ra khung cửa sổ và thấy thầy mình. Tay thầy ôm một
gói đồ, tay kia thầy cầm hai cái phong bì, vừa đi quanh xe vừa cất tiếng
gọi. Tâm Tuệ mừng quá reo lên:
"Con đây, bạch thầy!"
Thấy ba chú rồi, thầy xin phép tài xế lên xe để dặn dò các chú. Ba chú
cùng đứng dậy chắp tay vái chào thầy. Thầy kéo chú Hữu đến gần, ôm chú
vào lòng, rồi xoa đầu chú. Chú không ngờ trước được sẽ có sự cố này xảy
ra. Chú chỉ biết khóc, gục mặt vào chiếc áo nâu bao dung của thầy mà
khóc. Thầy hiền hòa nói:
"Đây là hành lý thầy gói cho con. Phong bì này là thư giới thiệu của
thầy, con mang lên trình Thượng Tọa Giám Viện thì Thượng Tọa sẽ cho con
ở lại Phật học viện mà tu học. Thượng Tọa là bạn cũ của thầy đó. Còn
phong bì này là chút tiền thầy cho để con mua sắm thêm các thứ linh
tinh. Trong gói đồ này có vài cuốn kinh và mấy xấp vải để con may đồ.
Con cố gắng tu học nghen. Có gì không hiểu thì nhờ chú Tiến và Tâm Tuệ
dìu dắt. Thầy không kịp thời giờ để căn dặn, dạy dỗ con. Con nên tự biết
con đường cao đẹp mà con chọn để tiến tu. Không còn con đường nào cao
quý hơn. Thôi các con đi bình an và thành công há."
Thầy xoa đầu các chú rồi xuống xe. Ba chú nhìn theo thầy rồi nhìn nhau.
Không chú nào biết tại sao thầy biết có chú Hữu trốn chùa đi theo chuyến
đi này. Chỉ có chú Hữu là thầm đoán được rằng có thể lúc khuya lẻn về
chùa Nghĩa Trủng thăm cây đa, thầy đã thức và thấy chú... Bỗng thầy lại
xuất hiện ở dưới, bên khung cửa sổ, thầy ngước lên gọi chú Hữu. Tâm Tuệ
nhường chỗ cho chú Hữu chen ra cửa sổ.
"Bạch thầy gọi con?" chú Hữu cảm động hỏi.
Thầy cười cười nói:
"Khi nào thầy đi ngang chùa con thầy sẽ vẫy tay với cây đa, nói rằng con
rất dễ thương, và con đang siêng năng tu học ở xa, nhé!"
Đầu Trang |
|