•
Mục Lục
•
Thay lời tựa
01.
Thái Tử Nhẫn-Nhục-Khải
02.
Xá-Lợi-Phất Niết Bàn Trước Phật
03.
Cắt Thịt Nuôi Cha Mẹ
04.
Thiện Hữu và Ác Hữu
05.
Hai Nhà Vua Hiền Ðức
06.
Chuyển Luân Thánh Vương
07.
Vua Chuyển Luân Ðảnh-Sanh
08.
Vì Hiếu Quên Thù
09.
Kẻ Ngu Hay Cãi
10.
Chồn Cưới Công
Chúa
11.
Chim Phượng Hoàng
12.
Nai Cứu Người
13.
Quốc Vương Hữu-Ðức
14.
Tể Tướng Ðại-Ðiển-Tôn
15.
Nhẫn Nhục Tiên Nhân
16.
Người Ðệ Tử Cuối Cùng
|
LƯỢC TRUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
Hòa thượng Thích Ðức Niệm
Phật Học Viện Quốc Tế, California, 1998
______________________________________________________________________________
Chồn Cưới Công Chúa
Một thuở nọ tại vườn Trúc-Lâm thuộc thành Vương-Xá, ta
từng nghe đức Phật nói như vầy: "Thuở xa xưa vào một kiếp nọ, có vị đạo
sĩ lánh mình ẩn tu trong hang động, ngày ngày sống với núi rừng cỏ cây,
vui với chim hót suối reo, đêm đêm chuyên tâm thiền tọa tụng kinh âm
thanh lảnh lót thiền vị làm sao! Trong lúc ấy, có một con chồn đêm đêm
cứ đúng giờ tụng kinh của đạo sĩ là nó đến nằm trước cửa để nghe. Cho dù
gặp phải những đêm giông tố sấm sét gió mưa, chồn cũng vẫn không vắng
thiếu bữa nào. Lâu ngày, con chồn kia như thấm được lời kinh tiếng kệ,
hiểu được nghĩ lý vi diệu một vài đoạn kinh. Thế rồi một hôm chồn nẩy
sinh ra ý nghĩ kỳ lạ: "Nay ta đã hiểu được nghĩa lý kinh điển thánh
hiền. Thánh hiền là bậc tôn quý của loài người. Còn ta nay hiểu được
giáo lý của thánh hiền, thì ta chắc phải được làm vua trong loài thú. Mà
vua thì phải có quần thần". Nghĩ như thế rồi, chồn kia đứng dậy lập mưu
chiêu binh mãi mã.
Trên đường chiêu mộ binh sĩ, đầu tiên chồn gặp một con cáo đang mắc bệnh
liền phô trương hùng hổ ra oai nhảy lại toan muốn giết cáo. Cáo kia đang
lúc bệnh mỏi mệt thấy vậy thất kinh mới hỏi chồn: "Tôi với anh không có
oán thù, sao anh lại muốn giết tôi".
Chồn gầm gừ hung hăng đáp: "Ngươi có biết ta đây là chúa tể của muôn
loài hay không? Tại sao ngươi thấy ta mà không biết hạ mình cung kính lễ
chào? Như thế là ngươi đắc tội khi quân. Ta không giết thì để ngươi sống
làm gì nữa chứ? Nếu ngươi chịu phục tùng theo ta, thì ta tha cho mạng
sống, sẽ hưởng được sung sướng sau nầy".
Vì cơn bệnh hoành hành đau nhức không còn sức lực để tranh hùng, nên cáo
phải hạ mình nói: "Thưa ngài! Xin ngài tha tội. Tôi xin tuân lệnh phục
tùng theo hầu hạ ngài".
Thế rồi hai con chồn cáo cùng kéo nhau đi. Ði được một quãng đường thì
gặp một con chó sói lạc đàn đói khát đang đi kiếm ăn. Chồn và cáo liền
bao vây tấn công muốn giết chó sói. Bất ngờ trước hành động hung tợn của
đối phương, chó sói lấy làm kinh hoàng ngạc nhiên hỏi: "Tôi với hai anh
có oán thù gì đâu? Tại sao hai anh lại muốn hãm hại tôi? "
Chồn hùng hổ nói: "Nhà ngươi gặp vua tôi của ta đi kinh lý mà không biết
giữ lễ vái chào, lại còn tỏ ra lơ là mục hạ vô nhơn. Ta không triệt hạ
ngươi thì để làm chi nữa chứ? Nếu ngươi chịu theo ta thì được sống. Bằng
không thì tự chuốc lấy cái chết vào thân ngay bây giờ. Một trong hai con
đường, theo ta thì sống, chống lại thì chết, ngươi phải chọn gấp".
Nghe thế, sói thấy mình thân cô thế yếu, đành nuốt hận hạ giọng nói:
"Thưa ngài! Xin ngài bớt giận tha mạng cho. Tôi nguyện tuân theo lời
ngài, phục tùng hầu hạ".
Ðược sói xong, chồn lại tiếp tục đi chiêu mộ binh mã, khéo lợi dụng khí
thế quần bầy để uy hiếp thế cô, khéo mưu mô dùng voi khắc phục cọp, lợi
dụng loài thú nầy khắc phục loài thú khác. Nên chẳng bao lâu cọp, beo,
voi, sư tử đều bị mắc mưu phục tùng chồn . Từ đấy, chồn tự xưng làm chúa
tể muôn loài.
Từ khi các loài ác thú núi rừng phục tùng dưới sự chỉ huy của chồn, thì
chồn tự cho mình là có uy thế hùng mạnh nhất trong muôn loài. Nên chồn
lại nghĩ rằng: "Ta bây giờ nghiễm nhiên là một vị vua của muôn loài. Thế
là ta phải có hoàng hậu. Mà hoàng hậu thuộc loài thú thì hóa ra tầm
thường thấp hèn lắm sao?! Không được, ta phải kiếm trong loài người một
công chúa trẻ đẹp để làm hoàng hậu, như thế mới tỏ ra được cái đặc biệt
hơn muôn loài thú vật". Nghĩ vậy rồi, chồn cưỡi trên lưng một thớt voi
to mạnh dẫn theo sau đoàn cáo, sư tử, voi vào thành Ba-La-Nại. Dân chúng
trong thành thấy đoàn ác thú hung hăng đi đứng lăng xăng trên các đường
sá phố phường, nên ai nấy đều kiếp sợ. Chẳng mấy chốc, tin nầy được
trình báo đến nhà vua tới tấp. Vua lập tức phái sứ giả ra nói: "Chúng
ngươi là loài thú ở chốn núi rừng, sao lại dám cả gan ngang tàng đi
trong phố xá làm cho dân chúng lo sợ bất an như thế nầy?"
Ngồi chễm chệ trên lưng voi, chồn hất mặt xấc xược đáp: "Ta là vua của
tất cả muôn loài. Ta nay đến đây là muốn cưới công chúa của thành
Ba-La-Nại nầy để làm hoàng hậu. Các ngươi có thuận theo lời ta thì tốt.
Ta để cho dân chúng được an ổn. Bằng không thuận gả công chúa cho ta.
Thì trước hết các ngươi hãy nhìn vào binh tướng hùng dũng của ta đây,
chỉ trong giây lát thành trì nầy sẽ sụp đổ tan tành, dân chúng trong
thành sẽ bị nghiền nát không còn một mạng. Vậy ngươi hãy lập tức trở về
tâu lại cho vua của các ngươi biết quyết định của ta".
Sau khi được sứ giả trình tấu, nhà vua rất là lo âu, liền hội quần thần
văn võ bá quan trình bày rõ sự việc để tìm phương kịp thời đói phó. Các
quần thần nghe nói đến voi, sư-tử, cọp, beo kết thành đoàn kéo vào phố
phường, ai nấy đều xanh mặt thất sắc đồng tâu lên vua rằng: "Xin Bệ-hạ
nên thuận theo lời của chồn, mà đem công chúa gả cho nó, để đổi lấy sự
sanh tồn của trăm họ, sự an toàn của thành trì, và sự thanh bình của
quốc gia xã tắc. Bằng không thì chúng ta không thể tránh được hiểm nguy.
Bởi vì trong nước ta hiện nay chỉ có voi, ngựa là bậc giỏi hơn hết.
Nhưng chồn kia không những chỉ có voi, ngựa mà còn có cả cọp, beo, sư-tử
nữa, thì chúng ta đâu có cách nào địch nổi. Hơn nữa, hễ ngựa, voi nghe
tiếng sư-tử rống thì chúng hoảng hốt bò mọp kinh hãi khiếp sợ chạy trốn.
Như vậy, khi ra trận với chồn, thì thua là điều chắc, chúng ta khó tránh
được sự tổn thất tiêu diệt. Chi bằng Bệ-hạ không nên vì tiếc một người
mà để cả nước trăm họ phải chịu hậu quả không thể lường được".
Trong lúc nhà vua còn phân vân suy nghĩ chưa biết phải quyết định ra
sao, thì có một đại thần từ trước giờ yên lặng, nhưng vốn nổi tiếng là
người can đảm, thông minh tài trí xưa nay, đứng lên tâu rằng: "Tâu
Bệ-hạ! Hạ thần từng xem sách thánh hiền cổ kim, xưa nay chưa hề thấy
công chúa mà đem gả cho loài thú như vậy. Vả lại, làm như thế thì còn gì
quốc thể kỷ cương của triều đình, còn gì uy quyền cao quý của ngôi vua
chí tôn chí thượng!? Tuy hạ thần là kẻ tài sơ trí mọn, nhưng hạ thần nầy
quyết phải giết con chồn hỗn láo kia đi, để giải thoát hiểm nguy cho
quốc gia xã tắc, đem lại sự an lành cho bá tánh muôn dân trăm họ, và
giải cứu muôn thú bị con chồn quỷ quyệt đốn mạt kia khống chế".
Trong lúc bâng khuâng lo âu chưa biết phải giải quyết cách nào cho thỏa
đáng, thì nghe được lời tâu như thế, nhà vua hiển rõ trên sắc mặt nỗi
vui mừng hy vọng, liền hướng về vị đại thần kia hỏi: "Vậy khanh có kế
nào tuyệt diệu, hãy mau nói ra cho Trẫm nghe đi?"
Vị đại thần kia đáp: "Tâu Bệ-hạ! Bệ-hạ cứ phái sứ thần ra định ngày giáp
chiến và giao hẹn với con chồn yêu quái kia rằng, nếu ngày lâm trận,
chồn để sư-tử đi tiên phong, thì hai bên xáp trận đánh trước rồi sau đó
mới cho sư-tử rống. Giao hẹn như thế, con chồn quỷ quyệt kia tưởng mình
sợ sư-tử, nó sẽ cho sư tử đi tiên phong và rống trước khi xáp trận. Khi
sư tử rống lên thì các loài thú của chồn kia đều hoảng hốt mất hồn rối
loạn bỏ chạy. Ðồng thời trước đó Bệ-hạ nên ra lệnh trong thành dân chúng
cũng như voi, ngựa của ta tất cả đều lấy bông gòn nhét lỗ tai thật chặt.
Khi nghe sư-tử của chồn rống lên thì ta cho lệnh xung phong tấn công.
Như thế là ta sẽ tiêu diệt lũ chồn, cáo kia như trở bàn tay".
Nhà vua nghe vị đại thần tâu xong, không dấu được nỗi vui mừng, liền
phán rằng: "Hay lắm! Hay lắm! Lời tâu của khanh quả thật là diệu kế. Chí
lý lắm!"
Không để mất cơ hội tốt, nhà vua liền sai sứ ra định ngày xáp trận với
chồn, và căn dặn chồn phải giữ đúng những điều giao ước là: "Sư-tử đi
tiên phong xáp trận trước rồi mới được rống sau".
Chồn tâm dạ vốn quỷ quyệt, tuy nhận lời giao ước, nhưng không làm đúng
những điều ước định. Nên khi voi, ngựa binh lính của nhà vua ra trước
cửa thành, dàn trận tề chỉnh để chờ lệnh lâm trận xáp chiến, thì chồn ra
lệnh cho sư-tử rống to, với mưu đồ để cho ngựa, voi nhà vua kinh sợ bỏ
chạy. Nhưng chồn đâu có biết rằng, nhà vua đã ra lệnh nhét bông gòn kỹ
cho voi ngựa trước đó rồi. Vừa nghe tiếng rống vang trời của sư-tử,
chính chồn giật mình kinh hãi từ trên lưng voi rớt xuống đất bể tim giập
mật chết ngay tại chỗ, không kịp nhắm mắt. Các loài thú theo sau con
chồn kia cũng đều kinh hoàng run sợ chạy tứ tán vào rừng. Chỉ trong
trong chốc lát, không mất người tốn của mà nhà vua thắng trận, giải
thoát được hoạn nạn tàn sát của con chồn ác ôn một cách dễ dàng.
Kẻ đên đây, đức Phật liền nói bài kệ rằng:
Gian tham chi lắm hỡi chồn ơi!
Kiếp thú cưới người được sao ngươi?
Quỷ quyệt dẫn binh đòi công chúa,
Tan thay! Muôn thú được thảnh thơi.
Ðức Phật nói kệ xong. Ngài hướng về đại chúng mà phán rằng: "Vị đại thần
thông minh tài trí hiến kế kia là tiền thân Xá-Lợi-Phất. Con chồn đòi
cưới công chúa là tiền thân của Ðề-Bà Ðạt-Ða. Vị vua xứ Ba-La-Nại thời
bấy giờ chính là tiền thân của Như-Lai đây vậy.
Đầu Trang |
|