Dưới triều chúa Ðịnh Vương, tại thành Qui Nhơn có người tàu
Quảng Ðông, tục gọi Tàu Dư, cứ mỗi năm đến tháng chạp, chở hàng hóa lên thôn
Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Viễn, bán cho người địa phương. Hiểu rõ tâm lý người dân
Việt Nam và hoàn cảnh chốn thôn quê lúc gần Tết, Tàu Dư bán hàng chịu, kẻ đáng
nhiều thì nhiều, kẻ đáng ít thì ít, rồi đến mùa gặt lúa tháng ba sang năm, mới
trở lại thu tiền. Nhờ vậy hàng chú không bao giờ ế, và người địa phương đối với
chú rất có cảm tình.
Ở Vĩnh Thạnh có người bán bánh bèo tên là Phan Phiên. Nhà cửa tuy nhỏ nhưng rất
ngăn nắp, lại có vườn rộng và quán bánh ở bên đàng. Vì tiện lợi cho sự buôn bán
nên mỗi khi đến Vĩnh Thạnh thì Tàu Dư đến ở đậu nhà Phan Phiên. Hai bên rất
tương đắc.
Năm năm lui tới yên vui, Tàu Dư bỗng mất tích. Lúc bấy giờ nhằm lúc nhà Tây Sơn
khởi nghĩa binh đánh lấy thành Qui Nhơn. Người thì đoán rằng Tàu Dư sợ giặc giã
đi lánh cư nơi khác. Người thì cho rằng chú đã gặp rủi ro trong chốn ba quân. Kẻ
bàn người tán, xôn xao trong ít lâu, rồi công ăn việc làm xóa mờ dần dĩ vãng.
Rồi noi dấu Tàu Dư, Phan Phiên đi Qui Nhơn mua hàng về bán Tết. Và mỗi năm đi
buôn chỉ một lần, mà chưa đầy năm năm, trong nhà đã dư ăn dư để. Chàng dẹp lò
bánh bèo, mua trên vài chục mẫu ruộng tốt cho làm rẽ, dỡ bỏ mấy căn nhà cặp nhỏ
hẹp, cất lại một tòa nhà mái ba gian, có hồ sen có non bộ, nghiễm nhiên thành
một người giàu sang nhất vùng. Ai nấy đều cho rằng nhờ Thần tài phù hộ.
Ðể tạ ơn trên trước, Phan Phiên rước hát bội đến hát. Chàng định hát một đêm một
ngày. Rạp hát cất cổ lầu, đồ trần thiết mướn toàn đồ Tàu, vàng thêu rực rỡ.
Người đến xem đông như kiến. Chủ nhân lựa tuồng Tiểu Giang San để tôn vương xong
là bế mạc.
Mặt trời vừa gác núi, tiếng trống chầu trống chiên đã nổi dậy vang lừng. Và
trong nhà cúng tế vừa xong thì ngoài rạp bắt đầu khai diễn. Bao nhiêu con mắt
đều dồn lên sân khấu. Trống chầu đôi gióng, trống chiên thúc.
Anh kép đóng vai Khương Linh Tá bước ra giáo đầu. Ðiệu bộ thật khéo. Tiếng chầu
thưởng dòn. Nhưng vừa toan cất tiếng xưng danh thì anh kép liền ngậm miệng, mặt
dớn dác, chân bước lui... Vừa vào buồng, bị thôi thúc, anh kép trở ra lại, nhưng
cũng vừa toan cất tiếng thì liền ngậm miệng lại, và hốt hoảng chạy vào buồng.
Anh kép khác ra thay, rồi anh kép khác ra thay nữa, nhưng anh nào cũng vừa muốn
cất tiếng thì liền ngậm miệng, hốt hoảng chạy vào buồng. Ông bầu hỏi duyên do,
anh nào cũng làm thinh, lấy tay khoát, có vẻ sợ hãi.
Cả rạp đều ngạc nhiên hết sức!
Ông bầu đề nghị cùng chủ nhân cho thay vở tuồng khác, rồi tự mình ra giáo đầu.
Ông bầu đóng vai Quan Công phò nhị tẩu vừa bước ra sân khấu thì liền được khán
giả hoan nghênh. Nhưng cũng vừa toan cất tiếng xưng danh thì liền ngậm miệng lại
bước lui mấy bước, rồi cũng hốt hoảng chạy vào buồng. Ngoài rạp nhao nhao... Hai
vị phụ lão cầm chầu quăng dùi đứng dậy bỏ về. Chủ nhân vừa lo ngại vừa tức giận
vào cự bầu hát. Bầu hát không nói không rằng, chỉ hối thúc con em lo dọn gánh
rút lui.
Thế là đám hát bị tan rã.
Cho là điềm xấu, Phan Phiên đâm đơn kiện người bầu hát đã làm mất thể diện mình.
Ðể Ly Tuy Viễn lúc bấy giờ là quan huyện họ Tàu, có tiếng là công bình chính
trực. Ðêm trước hôm Phan Phiên đầu đơn kiện, Tào Công đang ngồi đọc sách dưới
đèn, thì một người Tàu vào đặt ngay thư án một quả sơn đỏ, rồi vái hai vái mà
lui. Công mở quả xem thì thấy một trái cam chín thắm. Công toan cầm cam lên ngửi
thì một con quạ bay đến, lấy chân quắp tha đi, Công vội đuổi theo thì vấp ngã...
Giật mình tỉnh dậy thì là một giấc chiêm bao. Vì vậy sáng hôm sau nhận được đơn
của Phan Phiên, Công đoán chắc có sự liên quan giữa giấc chiêm bao và vụ kiện.
Công sức trác đòi đoàn hát bội đến và tự mình lấy khẩu cung.
Ông bầu gánh cùng mấy người kép đều khai giống nhau rằng khi ra tuồng, chúng vừa
toan cất tiếng thì một người Tàu cầm quả cam chín thắm nhét vào miệng không cho
nói. Sợ quá chúng phải bỏ cuộc rút lui.
Tào Công ngẫm nghĩ:
- Thật là kỳ! Cũng chú Tàu, cũng quả cam chín thắm! Nhất định có điều gì bí ẩn
chi đây.
Công cho đoàn hát bội về nhà, rồi cùng một viên thuộc hạ lên thẳng Vĩnh Thạnh.
Ðến nhà Phan Phiên, Công không đề cập đến vụ kiện chỉ truyền đưa đi xem quanh
vườn.
Vườn rộng chừng nửa mẫu, cau chuối xanh tươi, chim se sẻ từng đoàn bay kêu ríu
rít. Không thấy chi lạ, Công toan trở vào nhà xét xem, thì nơi góc vườn bỗng
nghe tiếng quạ kêu não ruột. Lòng sanh nghi hoặc, Công lần bước theo tiếng quạ
kêu. Ði được vài mươi bước thì Công dừng ngay lại: một cây cam xanh tốt đứng
choán một góc vườn nhưng trên cành sum sê chỉ có vỏn vẹn một quả chín thắm. Thấy
quả cam trên cành giống quả cam trong mộng, Công đứng ngẩn người. Ðương tần ngần
suy nghĩ thì một con quạ bay đến đậu nơi cành cam, kêu mấy tiếng não nùng, rồi
lấy mỏ mổ vào quả cam đoạn cất cánh bay mất... Liền đó một vòi huyết từ quả cam
quạ mổ vụt phun ra... Viên thuộc hạ hết hồn. Phan Phiên sợ run cầm cập. Tào Công
lấy làm kinh dị tự nhủ:
- Nhất định có kẻ bị chết oan.
Bèn sai đào gốc cam lên.
Cây cam vừa ngã thì bày ra một bộ xương khô! Phan Phiên hãi hùng, thét lên một
tiếng rồi cắm đầu chạy trốn.
Tào Công một mặt cho tẩn liệm bộ xương và chôn cất tử tế, một mặt cho bắt giải
Phan Phiên đến huyện đường.
Ðến huyện đường, không cần tra tấn, Phan Phiên qùy cung:
- Bộ xương ấy là của Tàu Dư.
- Tàu Dư đến buôn bán tại Vĩnh Thạnh rất phát đạt. Thấy y chân chất và không vợ
con, tôi bèn làm mối cô em vợ tôi cho y. Y bằng lòng, bàn cùng tôi tậu ruộng
nương, cất nhà cửa tử tế rồi lo việc gia thất. Tôi tán thành, y về Qui Nhơn lo
thu xếp công việc.
Một đêm tôi vừa thiu thiu ngủ thì nghe tiếng Tàu Dư gọi cửa. Lúc bấy giờ vợ con
tôi đã ngủ say. Tôi dậy mở cửa. Y gánh vào một cặp bầu cũ kỹ, ngó quanh quất rồi
thẳng vào buồng nhà trong. Y chỉ cặp bầu nói cùng tôi:
- Tài sản của tôi có chừng nấy.
Ðoạn mở bầu lấy ra hai chĩnh sành, một chĩnh đựng toàn vàng nén, một chĩnh đựng
toàn bạc nén. Chưa bao giờ thấy của giàu như thế, mắt tôi hoa lên! Tàu Dư nói:
- Không nên để trong nhà. Hãy đem chôn ngay ra sau vườn.
Tôi lấy cuốc thuổng rồi cùng Tàu Dư khuân hai chĩnh vàng bạc ra sau vườn. Tôi
cuốc đất, Tàu dư xúc đổ. Vừa làm việc tôi vừa nghĩ đến hai chĩnh vàng bạc...
Cảnh giàu sang hiện ra trước mắt tôi, lòng tham của tôi tưng bừng nổi dậy. Thấy
Tàu Dư đương chú ý vào việc xúc đất thuận tay tôi trở đai cuốc xáng mạnh xuống
đầu, y vỡ sọ chết tức khắc. Sẵn hầm đào đã sâu, tôi liền lấp xác chết. Rồi bứng
cây cam bên cạnh trồng lên trên. Từ trong nhà đến người ngoài không một ai hay
biết.
Rồi để che mắt thế gian, tôi bỏ nghề bánh bèo, bắt chước Tàu Dư đi mua hàng về
bán Tết... Tôi trở nên giàu có. Năm năm trôi qua, không còn ai nhắc nhở đến Tàu
Dư, cũng không hề thấy ai đàm luận đến sự giàu sang của tôi, tôi liền rước hát
bội về hát để tạ ơn kẻ khuất mặt đã phù hộ. Nào ngờ...
Tào Công quăng bút thở dài! Ðoạn truyền đem giam Phan Phiên vào ngục thất. Chợt
nhớ đến quả cam, Công sai người thắng ngựa đi lấy. Ngựa chưa kịp thắng, thì một
con quạ bay đậu trước huyện đường kêu inh ỏi. Công trông ra: một quả cam chín
thắm từ chân quạ rơi xuống mặt sân. Sai lượm lên xem là quả cam nơi vườn Phan
Phiên, nhưng ruột trống rỗng, mà nơi quạ mổ vẫn còn vết máu tươi.
Công hội ý, ra lệnh tịch biên gia sản Phan Phiên, trích ra một số tiền làm chay
cầu siêu cho Tàu Dư, ba ngày ba đêm. Ðêm thứ ba, giờ tý, hồn Tàu Dư hiện đến,
lạy trước bàn Phật ba lạy rồi biến mất, và trên không một con quạ vừa bay vừa
kêu.
Nguồn: www.quangduc.com