Ngày xưa, sau khi Ðức Phật nhập niết bàn không lâu, tại một
khu rừng nọ có một con rắn thật to, nhân dân trong xứ ấy ai cũng sợ. Một bữa nọ,
đầu và đuôi rắn ta tranh luận với nhau:
Ðầu bảo đuôi:- Ta đây thật đáng làm lớn.
Ðuôi nói lại:- Chính ta mới thật là lớn.
Ðầu nói:- Ta có tai để nghe, có mắt để thấy, có miệng để ăn đầy đủ trí hiểu
biết, lúc nào nên đi, lúc nào không nên đi, chỗ nào nên tiến, chỗ nào nên thoái
và khi nào ta cũng đi trước. Còn mày, mày làm sao có những điều kiện đó mà đòi
làm lớn vậy ta làm lớn mới đúng.
Ðuôi không chịu nghe, cãi lại:
-Như mày nói tao không có những điều kiện ấy, thì thôi cũng đành được đi, nhưng
mày nên nhớ rằng khi nào tao khiến mày đi thì mày mới được đi, chứ đâu phải mày
muốn là được. Nếu không muốn đi, tao dùng thân tao quấn chặt vào cây luôn 3
ngày, thì xem mày có bò đi và tìm thức ăn được không, hay bị đói khát mà chết
khô, rồi bị người ta xách đầu về ăn thịt.
Ðầu nghe đuôi ngụy biện lớn lối như vậy, không biết phải nói như thế nào để đuôi
hiểu cho phải, nên buồn rầu bảo đuôi:
-Này đuôi, thôi mày nói như thế tao xin chịu thua. Vậy tao cho mày làm lớn mày
hãy đi trước đi.
Ðuôi nghe đầu chịu thua, lòng mừng phấn khởi, ngoắt đuôi phóng ngay nhưng vì
chẳng thấy đường nên cứ bò quàng, bò xiên bậy bạ không đường lối, cuối cùng bị
rơi xuống hầm lửa chết tươi.
Cũng vậy, như trong chúng tăng, có hàng trưởng thượng đạo cao đức trọng, đủ trí
tuệ để phán quyết mọi việc, nhưng gặp phải hàng hậu học sơ cơ ngu muội lại tự
thị cho mình là trí tuệ hơn người, nên tỏ ra khinh khi bậc trưởng thượng tôn
túc, không chịu nghe lời dạy bảo. Ðến nỗi các ngài buồn phiền nói: "Thôi thôi
tôi xin lỗi, các vị tự ý muốn làm gì thì làm".
Vì vậy, những kẻ thiếu trí ngu si tự do làm theo ý mình tạo các điều bất thiện,
khi mạng chung đều đọa vào địa ngục.
Nguồn: www.quangduc.com