TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG
Người dịch: Ðồ Khùng
- - -o0o- - -
Hồi Thứ 171
Hồi Thứ 172
Hồi Thứ 173
Hồi Thứ 174
Hồi Thứ 175
Hồi Thứ 176
Hồi Thứ 177
Hồi Thứ 178
Hồi Thứ 179
Hồi Thứ 180
Hồi Thứ 171
(^)
Gặp bạn cũ dò được tin xác thực
Thấy nghĩa đệ nghe thuật chuyện bị hại
Dương Mãnh ra khỏi quán rượu không xa, gặp một người say rượu. Người này họ Hoàng tên Trung, là trưởng tùy lộ của quan, mấy năm trước đã theo hai quan Tri phủ đi trấn nhậm ở ngoài, trong tay có mấy đồng tiền đều tiên sạch cả. Người này tính tình thẳng thắn, lại hay kết giao, có bao nhiêu tiền bạc đều giao hết cho bạn. Hiện tại do giới thiệu của chủ cũ, anh ta được tiến cử giữ chức quản gia cho Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên. Anh ta ở thành Lâm An giao thiệp rất nhiều bạn bè, trên từ các phú hộ thân hào, buôn bán lớn nhỏ, dưới đến kẻ ăn xin nơi đường phố anh ta đều quen biết; với Dương Mãnh, Trần Hiếu, anh ta cũng có quan lại.
Hôm nay gặp Dương Mãnh, Trần Hiếu, Hoàng Trung nói:
- Hai vị đi uống rượu với tôi nhé! Hồi nãy tôi ngồi uống rượu một mình cả buổi chẳng thấy thú vị gì hết, trong lòng tôi đang có rất nhiều điều phiền muộn không tiện nói ra. Anh em chúng ta thường hay uống đua, hôm nay lại uống nữa nhé!
Dương Mãnh, Trần Hiếu tuy trong lòng đang có việc lo nhưng không tiện khước từ, nên cùng Hoàng Trung trở lại tửu lầu cũ. Phổ ky nhìn thấy, nói:
- Mới đưa Bạch Bình sang nằm ngủ ở nhã phòng đây, bây giờ hai vị này lại đưa một con ma men tới nữa!
Ba người ngồi xuống, phổ ky lau dọn bàn ghế, Hoàng Trung kêu:
Ðem cho ta 300 bầu rượu. Phổ ky nghe nói nghĩ thầm: “Cái này thiệt là quá lắm! Vừa rồi Bạch đầu kêu 100 bầu rượu, vị này lại kêu 300 bầu”. Tuy nghĩ như thế nhưng phổ ky cũng lật đật nói:
- Có, có chứ! Ông cứ uống từ từ đi, rượu hiện có sẵn nhưng không đủ bình, ông uống tớI đâu sẽ rót tới đó.
- Hoàng đại ca mắc mớ gì kêu tới 300 bầu lận? Hai tôi vừa mới uống cả buổi đây này.
- Hôm nay chúng mình cùng uống với nhau một bữa, ngày mai chắc sẽ không gặp tôi đâu.
- Huynh trưởng nói câu đó là có ý gì?
- Trên dương thế nhân gian này sẽ không có tôi rồi, tôi không muốn sống nữa.
- Huynh trưởng bị ai hiếp đáp? Hay có việc gì quá bực tức? Chỉ cần nói cho tôi biết. Hai anh em tôi lo cho, thay mặt huynh trưởng tính với họ. Bình thường chúng ta là tri kỷ mà.
Hai vị không cần phải lo, mà lo cũng không được đâu. Tôi bực bội quá rồi! Ngày xưa tôi theo quan đi phó nhậm bên ngoài, kiếm nhiều kiếm ít, cũng không có gì phải lo. Bây giờ ông chủ cũ của tôi tiến cử tôi vô làm việc trong nhà Ðại lý tự chánh khanh Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên, tôi tức muốn bể bụng. Tôi là người dễ giận mà gặp tên tiểu tử Vương Thắng Tiên lại càng đáng ghét. Hắn thân làm quan lớn, lại là em của Thừa tướng mà không biết tự lượng, toàn làm những việc thương thiên bại lý không thôi. Hôm nay vô cớ vu oan giá họa cho Ðậu Vĩnh Hàng người dân lương thiện là giặp cướp rồi giam vào ngục, lại gạt bắt vợ của Ðậu Vĩnh Hàng đưa về nhà hắn. Người đàn bà ấy thật là trung trinh tiết phụ, khi xuống kiệu thấy mình bị gạt, cất tiếng chửi toáng lên. Vương Thắng Tiên kêu các vú em trói nàng ta lại, khiêng bỏ trong lầu Hợp Hoan, cho các vú em theo dỗ dành để chịu thành thân với hắn. Tôi thấy việc đó chịu không được! Tôi nghĩ ra rằng, mình đây sống một thân một mình, không con không cái, trăm năm rồi cũng xuống lỗ thôi. Tối nay tôi đi mua một con dao, đến lầu Hợp Hoan giết tiểu tử Vương Thắng Tiên đi để trừ hại cho mọi người rồi tôi cắt cổ tự vẫn luôn. Tôi đây trên không còn cha mẹ, dưới không có vợ con bận bịu, tôi chết đi mà danh tiếng vẫn còn, có lẽ vẫn hơn không.
Dương Mãnh, Trần Hiếu mừng thầm vì biết Châu thị hạ lạc nơi nào. Hoàng Trung lúc này uống đã say mèm, nói chuyện đã líu lưỡi, ngã ngang xuống đất bất tỉnh nhân sự, Dương Mãnh, Trần Hiếu kêu phổ ky:
- Ðem vị này cho nghỉ tạm ở nhã phòng giây lát cho tỉnh rượu. Chúng ta đi lo chút việc, một lát sẽ trở lại.
Phổ ky nói:
- Dương gia, Trần gia, đừng đưa thêm một ma men nào đến nữa nhé! Tiệm chúng tôi có bốn nhã phòng, hai vị vừa rồi chiếm hết hai phòng, có thêm hai vị nữa chúng tôi hết buôn bán được!
- Xin cảm phiền giùm, giây lát chúng tôi sẽ trở lại tính tiền rượu khá khá cho mà.
Nói rồi hai người xuống lầu. Trần Hiếu nói:
- Dương hiền đệ, chắc chắn vợ của Ðậu hiền đệ bị Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên gạt bắt đi. Thảng như vợ của Ðậu hiền đệ bị ác cưỡng gian, chúng ta có lỗi với Thiết đầu thái tuế Châu Khôn lắm đó nghe!
- Theo tôi, chúng ta về nhà cắp dao cướp ngục, cứu Ðậu Vĩnh Hàng ra. Ba chúng ta nhất tề kéo đến nhà Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên giết thằng chó đẻ đó cứu Châu thị ra. Cả ba chúng ta cùng chạy đi là tốt nhất.
- Chú đừng nói bậy ngoài đường mà mang họa vào thân đấy! Thôi, chú đừng nói nữa!
Nói rồi kéo nhau ra cửa Tiền Ðường. Vừa ra cửa Tiền Ðường thấy một người đằng kia đi lại. Người này mình cao chín thước, tam đình nở rộng, đầu đội mũ vải xanh, mình mặc tiễn tụ bào bằng đoạn màu trắng, lưng buộc dây loan đái, mang giày đế mỏng để lộ đôi vớ anh hùng màu đen, mặt như lọ chảo, mày ta mắt lộ, đúng là bậc thiếu niên anh hùng. Người này tay trái xách một bao đại bát kiện, tay mặt cầm một bao đệm đựng thổ sản. Dương Mãnh nhìn kỹ chẳng phải người nào xa lạ chính là Bắc lộ tiêu đầu Châu Khôn. Châu Khôn bảo tiêu từ Bắc lộ đi qua đường này, khi cách thành Lâm Anh chừng hơn 20 dặm, Châu Khôn bảo thủ hạ áp tải đi trước, còn phần mình cầm một bao đồ thổ sản, lại mua thêm một bao đệm đồ điểm tâm, định đến thành Lâm An thăm chị và anh rể, sẵn dịp thăm Dương Mãnh, Trần Hiếu luôn. Nào ngờ mới đến cửa Tiền Ðường, hai bên gặp nhau, Châu Khôn vội bước tới thi lễ, nói:
- Trần đại ca, Dương đại ca, mạnh giỏi luôn nhỉ? Lúc trước anh chị tôi đến kinh đô, cầm phong thơ của tôi gởi cho hai anh nhờ giúp đỡ chiếu cố giùm. Hiện giờ anh chị tôi ở đâu? Xin hai anh chỉ giúp để tôi đến thăm họ. Lát nữa đây chắc chắn tôi sẽ đến thỉnh an hai anh.
Trần Hiếu còn đương trù trừ chưa biết trả lời thế nào cho phải, Dương Mãnh vốn tính thật thà, nói:
- Châu hiền đệ, chú đến đây thì hay quá! Hay đứa tôi định cướp ngục phá lao mà còn thiếu người. Chú tới rồi thì giúp chúng tôi một tay.
Trần Hiếu lật đật bước tới xô Dương Mãnh qua một bên, nói:
- Chú điên rồi à?
Châu Khôn nghe nói, ngạc nhiên hỏi dồn:
- Thưa hai vị huynn trưởng, lại có việc gì xảy ra thế?
Dương Mãnh nói:
- Hai đứa tôi đang khó nghĩ vì việc anh rễ và chị của chú bị nạn đây! Ðậu Vĩnh Hàng bị người ta gán ghép cho tội trộm cướp bắt bỏ vào ngục rồi; còn chị của cậu bị em của Tần Thừa tướng là quan Ðại lý tự chánh khanh Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên gạt cướp đem đi bỏ trong lầu Hợp Hoan ép thành thân với hắn. Không biết phải làm sao đây?
Châu Khôn nghe nói hét lên một tiếng, ném bổng hai bao đệm đi mất. Bao đệm điểm tâm bay tuốt vào nhà của hai vợ chồng già kiếm sống qua ngày. Bà già nói: - Thèm ăn đại bát kiện quá! Ông già nói: - Bà thấy đó, nhà ta cả đến củi còn không có, bà ăn đại bát kiện nấu nhừ, làm gì có tiền mà mua cho! Mới nói câu đó vừa xong thì nghe xoạt một tiếng, từ nửa lừng trời rớt xuống một bao đệm, lượm mở ra xem thì lại là bát kiện, bà già nói: - Ðây là trời còn thương mình, ban cho món điểm tâm, mình thiệt là có phước quá! Ðại khái là còn có mấy năm hưởng phước. Ông già nói: - Cái này mới thiệt là kỳ! Hai vợ chồng già vui mừng vô kể.
Còn bao thổ sản kia rơi sang một nhà khác. Nhà này hai vợ chồng nhỏ sống qua ngày, người chồng không có ở nhà, người vợ lại không chịu an phận, thường bên cửa trau tria, hấp dẫn bọn trai nhỏ tuổi. Hôm nay thấy bao đồ bay đến, cô ta nghĩ rằng: “Ðây chắc là hai anh em nhà cách vách thảy cho ta. Hôm qua hắn cùng ta đá lông nheo, chắc chắn là của ta rồi!”. Chuyện cô nàng nghĩ bậy bạ không cần nhắc tới.
Thiết đầu thái tuế Châu Khôn nghe nói anh rể mình bị phải việc quan, còn chị mình bị người ta gạt đưa đi, đâu có lý nào không động tâm? Lúc đó lửa giận ngút ngàn, giống như trặc chân từ lầu cao muôn trượng, ngồi thuyền đổ thác sông Dương Tử, ném hai bao đồ xong cất bước chạy đi. Ðến cửa Tiền Ðường, muốn kiếm nhà của Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên, gặp một giết một, gặp hai giết cả hai, dao bằm kiếm đâm chết hết, cứu chị mình mới nguôi cơn giận này. Ðang chạy tới trước, hai mắt long sòng sọc, bỗng Châu Khôn nhớ lại tự kêu rồi trách thầm: “Châu Khôn ơi là Châu Khôn! Sao mi làm việc hồ đồ quá vậy? Trời không mây làm sao có mưa, trong tay không dao làm sao giết người? Mình không mang theo binh khí, phải đi mua một con dao rồi hãy đi”.
Nghĩ rồi bèn đi tới trước, thấy trước mắt có một tiệm bán dao, Châu Khôn bước nhanh tới hỏi:
- Chưởng quỹ này, có dao tốt không?
Chưởng quỹ thấy Châu Khôn mắt long sòng sọc, mới hỏi:
- Ông mua dao làm chi?
- Vậy ông bán dao làm chi?
- Tôi bán dao để làm binh khí!
- Tôi cũng mua dao để làm binh khí, ông lấy cho tôi thứ rèn bằng thép. Dao càng bén càng tốt, một dao một đứa, giết người không phí sức nhé!
- Không có.
Châu Khôn đảo mắt nhìn quanh, nói:
- Ông dám nói không có à? Ðể tôi tự tìm ra, lấy ông làm vật khai đao nhé!
Chưởng quỹ sợ quá, lật đật nói:
- Có có có, đại gia đừng nóng, để tôi tìm cho.
- Mau lấy ra cho tôi, chỉ cần dao tốt, chẳng sợ chi tiền.
Chưởng quỹ lật đật vào bên trong xách ra một cây dao thuần thép. Châu Khôn nhìn thấy, hỏi:
- Còn có loại nào tốt hơn không?
- Cái này là thượng hạng rồi. Dao này có thể chém đinh chặt sắt như không. Không có con dao nào tốt hơn nó nữa đâu.
Châu Khôn nhìn thấy quả nhiên rất tốt, mới hỏi chưởng quỹ:
- Giá bao nhiêu tiền?
- Phải bốn lượng mới bán.
Châu Khôn không trả giá thò tay vào túi rút ra một nắm bạc vụn đưa cho chưởng quỹ đi cân lấy. Chưởng quỹ đi thâu bạc rồi, Châu Khôn xách dao đi ra, nhưng rồi lại nghĩ thầm: “Ta cũng không biết nhà của Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên ác bá ở chỗ nào, mặt có sắc giận mà hỏi thăm, người ta sẽ tố cáo ta mất. Còn cầm dao đi cùng đường như vậy không phải là việc bình thường. Chi bằng trước hết giấu dao đi ngầm mang theo, định thần lại rồi sẽ hỏi người ta”. Nghĩ rồi kiếm chỗ nghỉ ngơi tinh thần định tĩnh lại. Trời cũng đã sụp tối, Châu Khôn gặp người đi đường bèn hỏi:
- Xin anh cho hỏi, nhà của quan Ðại lý tự chánh khanh Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên ở chỗ nào?
- Từ đây đi thẵng về phía Bắc đường có một tòa miếu đường đã Lang Hổ miếu, từ trước miếu này đi thẳng về phía Tây, đó là phường Tần Hòa. Cổng lớn đầu tiên là phủ Thừa tướng, cách đó mười mấy cổng về phía Tây có một tòa nhà lớn, đó là nhà của Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên.
Châu Khôn hỏi thăm đã rõ, tức thì đi thẳng đến phường Tần Hòa, muốn tìm nhà Vương Thắng Tiên giết cả gia quyến.*
Hồi Thứ 172
(^)
Lầu Hợp Hoan, chị em đều bị khổn
Ðường Phụng Sơn, thấy trò định kỳ mưu
Thiết đầu thái tuế Châu Khôn đã hỏi đường xong bèn theo đường lớn đi về phía Bắc, quả nhiên thấy một tòa Lang Hổ miếu, đi qua phía Tây mười mấy cổng nữa quả nhiên có cổng lớn ở phía Bắc đường. Ngoài cổng để sẵn một kiệu lớn với vài người tùng nhân và ngựa. Phía trong cửa treo đèn lớn, rất nhiều sai quan kiệu phu đang đứng chầu chực. Nguyên hôm nay quan Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn không đi chầu, đến chúc mừng Vương Thắng Tiên. Thầy trò đang uống rượu mừng ở khách sảnh. Vương Thắng Tiên định hôm nay say khướt một bữa, tối lại động phòng hoa chúc với người đẹp. Châu Khôn từ ngoài đi vào cổng, gia nhân hỏi:
- Tìm ai vậy?
- Có phải đây là nhà của Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên không?
- Bộ muốn phản hả? Ðây là nhà của Vương đại nhân đấy.
Châu Khôn nghe nói là nhà của Vương Thắng Tiên liền rút dao ra nhắm ngay tên gia nhân lia một nhát, đầu rơi long lóc xuống đất ngay. Gia nhân nhốn nháo cả lên. Châu Khôn xách dao chém loạn đả, đi thẳng vào nhà gặp ai chém nấy, giết một loạt mười mấy người. Châu Khôn mới nghĩ thầm: “Viện này quá lớn, không biết chị mình ở đâu, phải cứu chị mình ra gấp mới được!”. Nghĩ rồi bèn níu một tên gia nhân, kề dao hỏi:
- Ta hỏi mi nè, người đàn bà là Châu thị bị Vương Thắng Tiên gạt đem về đây hiện đang ở đâu? Mi nói thật cho ta biết, ta không giết mi.
Tên gia nhân sợ quá, run lập cập nói:
- Xin đại thái gia tha mạng, tôi xin nói: Ra cửa ngách phía Tây, xuyên qua một tầng viện, qua phía Bắc là hoa viên, người ấy ở trên lầu của năm gian Hợp Hoan lầu ấy.
Châu Khôn nghe xong giết luôn tên gia nhân rồi đi thẳng qua cửa ngách phía Tây, xuyên qua một tòa viện, quả nhiên có một hoa viên, thấy phía Bắc có một tòa lâu đài năm gian, ánh đèn sáng trưng, bóng người thấp thoáng. Châu Khôn bước lên thang lầu xem thấy chị mình là Châu thị bị trói ghịt cánh khuỷu, bốn người vú em đang theo khuyên giải. Châu Khôn rút dao ra giết hết bốn người vú em đó rồi kêu:
- Chị ơi, chạy đi với em!
Châu Khôn chạy tới cắt dây trói cho chị. Bấy giờ nghe dưới lầu có tiếng ồn ào và hô lớn:
- Bắt nó, đừng để chạy thoát!
Châu thị thấy tình hình ấy, bèn nói:
- Em ơi, hãy đưa dao đây cho chị cắt cổ mình cho rồi, còn em hãy trốn nhanh lên.
- Chị ơi, chị không nên chết như vậy, để em cõng chị hay nhé!
- Em ơi, hãy dòm bên ngoài xem, người ta vây chặt cả rồi. Em hãy tìm cách đi. Chị nhất định không để lọt vào tay tên ác bá. Em nếu không trốn, cả đến em hắn cũng không tha.
- Chị ơi, đừng chết!
Lại nhìn xuống lầu thấy người ta đông nghẹt dưới lầu, thấy đèn đuốc sáng rực như ban ngày, mỗi người đều cầm dao gậy kiếm kích. Nguyên khi Châu Khôn tiến vào cửa giết người thì có người báo cho Vương Thắng Tiên hay. Vương Thắng Tiên truyền lệnh kêu bọn gia đinh coi nhà hộ viện, tất cả độ hơn 100 người cùng áp tới vây chặt Hợp Hoan lầu. Châu Khôn thấy trên lầu có một cây gài cửa bèn rút ra, đứng ở cửa lầu, nói:
- Ai không sợ chết thì lên đây.
Mọi người chỉ hò hét chứ không ai dám lên lầu. Vương Thắng Tiên cùng Lục Bính Văn cũng đến hoa viên xem, có rất nhiều người cùng vây quanh bảo vệ Vương Thắng Tiên ra lệnh:
- Ai bắt được hung thủ, ta thưởng cho 200 lượng bạc.
Người ta vì tham tiền mà chết, chim bởi tham ăn mà tiêu đời. Nghe mấy câu nói đó, những người có gan lớn thì xông lên trước. Vừa lên ba bốn bậc thang thì bị Châu Khôn điểm cho một côn tét đầu rớt xuống. Trong đám hộ viện có hai anh em cùng thương lượng:
- Anh em ta một người lên thang lầu, một người bò ở lan can, để cho anh ta hai đầu phó không được.
Châu Khôn có chủ ý, thấy một người bò lên lan can chạy đến bên cửa sổ, một người chạy lên thang lầu. Châu Khôn đánh người lên thang lầu trước, rồi chạy lại giáng lên thiên linh cái của người bò lan can một côn rớt xuống lầu.
Ai nấy chỉ hò hét mà không dám tiến lên lầu. Châu Khôn hét lớn:
- Ai dám đến cản trở đại thái tuế hử?
Các gia đinh nghe nói nhao nhao lên:
- Ðại thái tuế này lợi hại thật!
Trước tình hình đó, bên ngoài có tiếng ồn ào vang lên, vô số quan binh kéo đến. Nguyên Lục Bính Văn đã truyền lệnh cho 2 viên quan và 500 lính của nha môn, các quan chức bộ thành, thủ doanh, hai doanh lục bộ đều kéo đến bắt giặc. Mọi người kéo đến tính ra đến cả ngàn quân binh nha dịch, mỗi người cầm lồng đèn, thương dài dao lớn, kiếm ngắn búa to vây chặt bốn phía lầu Hợp Hoan, nước chảy không lọt. Ai nấy cũng chỉ hò hét lấy oai chứ không dám xông lên. Có người nói:
- Nhị ca, anh tiến lên phía này đi!
- Tôi đương làm quân sai, người kia nói, mỗi tháng trừ tiền đậu hủ còn lại ít tiền liều mạng không xong. Anh có tham công thì anh lên lầu đi. Anh thấy vị thái tuế kia không, tay cầm con dao sang quắc, lại còn cây gài cửa nữa, ai không sợ chết cứ nhào lên.
Mọi người tuy vây chặt, nhưng không ai dám tiến lên. Châu Khôn cũng gấp như lửa đốt, xuống không được làm sao cứu chị đi? Ðương lúc nguy cấp ấy, nghe bên ngoài có tiếng hét lớn:
- Các ngươi tránh đường, Thiên vương tới đây!
Một người mình cao chín thước, mặt xanh râu đỏ, trong tay cầm một cây côn sắt, từ phía sau quan binh đánh nhào tới. Những quan binh này ai cự là chết, chống lại là tiêu đời. Người đó đi tới đâu, máu rơi xương đứt thịt nát tới đó. Quan binh nhốn nháo cả lên, la:
- Thiên vương lợi hại thật!
Mọi người nhất tề dạt ra hai bên. Vị Thiên vương ấy mở một đường máu thẳng tới cầu thang Hợp Hoan lầu. Châu Khôn nhìn thấy trên mặt người này thoa chàm xanh, mang râu đỏ, lật đật hỏi:
- Anh là ai?
- Châu hiền đệ, người ấy đáp, ta đây mà!
Châu Khôn nghe tiếng quen, nhưng không nhận ra, lại hỏi:
- Ai vậy kìa?
Vào bên trong sẽ nói.
Vị Thiên vương mới đến là ai vậy? Nguyên sau khi Châu Khôn chia tay với Dương Mãnh, Trần Hiếu, hai người này không có cách nào cản Châu Khôn được, bèn đi đến chùa Linh Ẩn. Ðến cổng chùa, Trần Hiếu nói lời chào hỏi xong, ông thầy giữ cửa hỏi:
- Quí vị tìm ai?
Dương Mãnh, Trần Hiếu hỏi:
- Tế Công có ở nhà không?
- Hai vị tìm Tế Công à?
- Vâng.
- Thôi, đừng nhắc tới thì hơn. Ông Tế Ðiên này thiệt đáng giận! Sáng thức dậy đi mấy cả ngày, tới chừng chùa đóng cửa bỏ ông ta ở ngoài mà không được. Nhìn xuống núi xa 2 dặm không thấy ông ta đâu, tôi tính đóng cửa chùa lại ông ta không thể nào lên kịp, nào ngờ mới vừa đóng cửa ông ta thò một chân vào nói đừng đóng, còn tôi đây mà! Ngày nào cũng như ngày ấy, cũng không biết phải làm sao? Chừng nào đóng cửa, chừng đó ông ta về. Hôm nay hai vị đến là mai đó, từ sáng tới giờ ông ta không ra cửa, chỉ ở trong Ðại Hùng bảo điện ôm sư tử thôi. Hai ông đến đó thử xem!
Dương Mãnh, Trần Hiếu lên Ðại Hùng bảo điện, quả nhiên thấy Tế Ðiên đang ôm sư tử ở đó. Hai người lật đật bước tới hành lễ. Tế Ðiên hỏi:
- Hai người tới đây chi vậy?
- Sư phó lão nhân gia nói đúng quá!
- Ta nói đúng cái gì nào?
- Hiện tại Ðậu Vĩnh Hàng bị nhốt ở cửa quan, vợ hắn bị Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên gạt đem đi. Cầu xin sư phó từ bi tìm cách cứu mạng hắn.
Tế Ðiên gật đầu nói:
- Ta cứu hắn! Hai người kề tai nghe ta dặn như vầy… như vầy. Hai người cứ đi trước đi. Chúng ta không thấy chắc không tan, chắc chắn phải hợp rồi.
Dương Mãnh, Trần Hiếu gật đầu đáp ứng, cùng nhau trở về. Tế Ðiên mặc tăng bào bước ra khỏi chùa Linh Ần. Ði ra khỏi cửa Tiền Ðường không xa, thấy phía trước có một người đi lại. Người này mình cao chín thước, mặt như giấy ô kim, mày tròn mắt lộ, chính là Thám nan thủ vật Triệu Bân. Gặp Tế Ðiên, Triệu Bân bước đến hành lễ, nói:
- Sư phó mạnh giỏi luôn hả?
- Triệu Bân nè, hôm nay con không cần phải đi bán trái cây nữa, ta nhờ con một chút việc.
- Sư phó có việc gì cứ nói ra. Hôm nay con có chuyện bực mình cũng không muốn bán nữa.
- Ta có một phong thư, con cầm đến đường Phụng Sơn giao cho tận tay Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng, chỗ mà ngày xưa con đem bán trái cây lần đầu đó, người chắc hẳn sẽ tiếp con, con hãy ở đó đợi ta.
Triệu Bân gật đầu ưng thuận. Tế Ðiên viết một phong thơ giao cho Triệu Bân. Triệu Bân xách giỏ trái cây đi đến đường Phụng Sơn, đến trước cổng nhà Trịnh Hùng gọi cửa. Gia nhân nhìn thấy, hỏi:
- Ðây có phải là vị bán trái cây hồi đó không? Ông đến tìm ai vậy?
- Tôi vâng lệnh Tế Công ở chùa Linh Ẩn đem thơ đến cho Trịnh gia.
- Ông có quen với Tế Công hả?
- Tế Công là sư phó của tôi.
- A, ông họ gì?
- Tôi họ Triệu.
- Ông là đồ đệ của Tế Công, đại gia chúng tôi cũng là đồ đệ của Tế Công, vậy ông với đại gia chúng tôi là sư huynh sư đệ đấy. Ông vào phòng ở cửa này chờ một chút, để tôi vào bẩm báo.
Triệu Bân vào phòng ngồi đợi, gia nhân cầm thơ đi vào. Trịnh Hùng lúc đó đang nói chuyện với Ngưu Cái ở thư phòng. Hôm trước dẫn Ngưu Cái về nhà, Trịnh Hùng hỏi Ngưu Cái là người ở đâu, hắn đáp là người phủ Tuần Ðiển. Hỏi hắn họ gì, hắn đáp họ Ngưu; tên gì, đáp: tên Cái. Trịnh Hùng hỏi hắn những việc khác, hắn đáp không rõ ràng. Trịnh Hùng rất thích hắn mới giữ lại trong nhà, sớm tối rảnh việc dạy cho Ngưu Cái về nhân tình thế thái, nói năng lệ nghĩa. Ngưu Cái là người quá khờ nên có điều biết có điều chẳng biết. Hôm đó hai người đang ngồi ở thư phòng, gia nhân cầm thơ vào nói:
- Bên ngoài có một người họ Triệu nói là Tế Công ở chùa Linh Ẩn bảo đem thơ đến.
Nói rồi trình thơ lên. Trịnh Hùng mở thơ ra xem, trong lòng đã rõ, bèn kêu gia nhân mời Triệu Bân vào sảnh đường dọn cho anh ta mấy dĩa đồ nhắm và một bầu rượu. Nói là Tế Công bảo anh ta ở đây chờ, chậm làm canh hai Tế Công sẽ đến. Lại kêu gia nhân đi mua 100 tiền phèn xanh và một bộ râu quai nón màu đỏ dùng để diễn trò giao cho Triệu Bân, chờ Tế Ðiên đến sẽ dặn bảo sau. Lại dặn lấy côn sắc đưa cho anh ta. Gia nhân gật đầu đáp ứng, đi ra hỏi:
- Triệu gia, đại gia chúng tôi bảo mời ông vào sảnh đường uống rượu. Tế Công có dặn, bảo ông ở đây chờ, chậm lắm đến canh hai Tế Công sẽ tới.
Triệu Bân gật đầu theo vào thư phòng. Gia nhân lau quét bàn ghế, đem rượu thịt dọn lên. Triệu Bân ngồi vào rót uống một cách tự nhiên. Gia nhân đã mua phèn xanh, bộ râu hát bội về, và đem cây côn sắt giao cả cho Triệu Bân hỏi:
- Ðể làm gì vậy?
- Chờ Tế Công đến, rồi lão nhân gia sẽ dặn bảo sau.
Triệu Bân ngồi ở nhà Trịnh Hùng uống rượu chờ đợi. Giây lát trời đã lên đèn. Uống rượu xong thì trống canh đầu đã điểm. Bên ngoài Tế Ðiên mới tới, vác theo trên vai một bao đồ tổ bố. Triệu Bân hỏi:
- Sư phó vác cái gì trên vai thế?
Tế Ðiên mở bao ra, mọi người nhìn thấy thảy đều há hốc, mắt trợn trừng.*
Hồi Thứ 173
(^)
Cải hình dung ngầm cứu người trinh tiết
Thi Phật pháp đốt rụi Hợp Hoan lầu
Tế Ðiên vào nhà Trịnh Hùng, bỏ bao xuống mở ra xem, thì ra đó là năm bộ quần áo, mũ vải xanh có dải cột, áo chẽn vải xanh, dây nịch da, khoái hài cổ vịt đế mỏng, cả đến quần luôn vớ đều có, đủ cả năm bộ. Triệu Bân nhìn thấy, hỏi:
- Sư phó, những bộ quần áo, giày mũ này ở đâu vậy?
- Ta đi lấy trộm đó.
Thật đúng là lấy trộm. Nguyên ở huyện Nhơn Hòa có một vị họ Tiêu ở ngoài cửa Tiền Ðường, trong nhà chỉ có một người vợ là Tôn thị ở, một nhà một cửa với ba gian Bắc phòng và một gian lầu lợp tranh. Tôn thị là người không đoan chính, thường tư thông với người. Khi Tiêu đầu đi biện án, các nha dịch ở nha môn Nhơn Hòa khi tan hầu hay kéo đến nhà Tiêu đầu cùng Tôn thị làm chuyện mờ ám. Hôm nay Tiêu đầu đi biện án không có ở nhà, bọn họ năm người kéo nhau đến nhà Tiêu đầu. Tôn thị nhìn thấy, hỏi:
- Các anh em đến đó hỉ?
- Vâng, chúng tôi đến đây.
Người mang theo rượu, người mua thức ăn cùng bày ra ăn nhậu, đùa cợt cười ầm cả lên. Uống rượu xong, họ nói:
- Tiêu đại nương này, chúng tôi đều không về, hôm nay Tiêu đại ca không có ở nhà, chúng tôi ở lại suốt đêm.
- Không về thì không về, mấy anh cứ ở lại cả có sao!
Năm người nghe nói như mở cờ trong bụng, lại có hơi say, bèn trút bỏ y phục ra, để mình trần nằm lăn ra trên phản. Năm người vừa mới nằm xuống thì nghe bên ngoài có tiếng gọi cửa:
- Mở cửa ra!
Tôn thị nghe kêu, nói:
- Chà không xong rồi! Chồng tôi về đó!
Năm người mất cả hồn vía, hỏi:
- Làm sao bây giờ?
- Mấy anh mau chạy qua nhà tranh trốn đi!
Năm người đó bỏ cả quần áo, lật đật chạy sang nhà tranh ẩn mình. Tôn thị vội quơ quần áo, giầy vớ, dây nịt của họ nhét vào trong bao rồi mới ra mở cửa. Cửa mở ra, nhìn tới nhìn lui chẳng thấy ai, Tôn thị trong lòng bực bội. Tìm một hồi lâu vẫn không thấy mới trở về trong nhà dòm lại bao quần áo của năm người đâu mất, bèn lật đật vào trong nhà tranh kêu họ ra, nói:
- Chồng tôi không có về nhà, quần aó của các anh sao đâu mất cả.
Năm người này nghe nói, ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao bây giờ?
- Các anh mau đi đi. Ðợi tới trời sáng bạch làm sao đi được?
Năm người không còn cách nào khác, đành phải rút lui, men theo vách tường mà đi, sợ có người quen thấy được. Vừa hay lại có người đi đường, giơ đèn rọi xem, thấy năm người đang cố men theo vách tường, họ càng soi rõ thêm. Một người quen với họ hỏi:
- Mấy anh Ban đầu làm sao mình trần như nhộng vậy? Chắc là thua bạc hả?
Không phải đâu! Chúng tôi đi tắm, vừa mới cởi quần áo ra thì nhà tắm phát hỏa, chúng tôi sợ quá mới chạy ra đây.
Nhà tắm nào phát hỏa? Sao tôi không nghe tiếng thanh la báo động?
Có lẽ lửa dập tắt nhanh đấy.
Họ nói lấp lửng cho qua chuyện rồi ai nấy về nhà mình. Năm người này khoái đi chơi hoang mới bị báo ứng, quần áo họ bị Tế Ðiên lấy trộm hết. Tế Ðiên cầm năm bộ quần áo đến nhà Trịnh Hùng gặp Triệu Bân, bảo Triệu Bân cầm ba bộ quần áo, kề tai bảo phải làm như vầy… như vầy. Triệu Bân ghi nhớ mọi điều, đoạn lấp phèn xanh thoa lên mặt, đeo bộ râu đỏ vào, cầm lấy côn sắt thẳng đến phường Tần Hòa. Thẳng đến nhà của Vương Thắng Tiên đánh rấn vào. Côn gặp người thì đánh, miệng xưng “Thiên vương đến đây”, mở một con đường lớn thẳng đến lầu Hợp Hoan. Châu Khôn hỏi:
- Ai?
- Ta là Thám nan thủ vật Triệu Bân đây!
Châu Khôn cũng quen biết với Triệu Bân từ trước nói:
- Triệu đại ca, anh đánh vào đó hả?
- Ta vâng lệnh Tế Công ở chùa Linh Ẩn đến cứu chị em chú. Ta mang ba bộ đồ quan nhơn, chú với chị chú hãy thay vào, ta cùng thay luôn. Tế Công dặn hễ thấy dưới lầu gió trốt thổi lên, chúng ta phải lập tức xuống lầu trà trộn vào đám người ở dưới trốn đi. Ðó gọi là mắt cá lộn hạt châu đấy!
Châu Khôn lật đật kêu:
- Chị ơi, hãy thay đồ nhanh lên.
Châu thị xỏ chân vào cột dây cẩn thận, lại lấy áo chẽn xanh mặc vào, lưng cột dây da to bản, trên đội mũ xanh có dải cột. Châu Khôn cũng thay đổi xong. Triệu Bân gỡ bỏ bộ râu quai nón, lột mũ tráng sĩ bỏ vào túi, thay đổi y phục quan nhân xong thì thấy dưới lầu nổi lên một trận gió trổt, ngửa tay không thấy chi, đối mặt không thấy người. Châu Khôn, Châu thị cùng Triệu Bân thừa lúc đó chạy xuống lầu. Triệu Bân đi trước, Châu thị đi giữa, Châu Khôn đi cuối cùng, xô vẹt mọi người đi nhầu về phía trước. Quan binh bị trận cuồng phong này mở mắt không ra làm sao nhìn rõ được? Ba người vượt qua khỏi vòng vây, chẳng dám chạy ra phía trước, nhắm cửa ngách nơi hoa viên chạy tới mở cửa ra ngoài. Châu Khôn than:
- Chao ôi, thiệt là sanh ra một lần nữa!
Câu nói đó chưa xong thì thấy đằng kia hai người đi lại. Hai người này đều đội mũ xanh cột dải, mặc áo chẽn xanh, thắt dây da to bản, chân mang khoái hài, lấy tay chỉ chỉ, nói:
- Có phải chim sợ cung, cá lọt lưới chạy trốn đây không nào?
Châu Khôn, Triệu Bân nhìn lại, hai người nói đó chẳng phải ai lạ mà chính là Dưong Mãnh, Trần Hiếu.
Ở nhà Trịnh Hùng, sau khi sai Triệu Bân đi, Tế Ðiên bèn đến kiếm Dương Mãnh, Trần Hiếu đưa cho họ hai bộ đồ quan nhơn bảo họ mặc vào rồi đến cửa ngách phía sau hoa viên của Vương Thắng Tiên chờ Châu Khôn, Châu thị, Triệu Bân. Dặn Trần Hiếu mấy câu xong, Tế Ðiên đi thẳng đến phía sau hoa viên thi triển Phật pháp hóa ra một trận quái phong, Châu Khôn cùng Châu thị, Triệu Bân vừa lọt ra ngoài, Dương Mãnh, Trần Hiếu nhìn thấy đúng là Châu Khôn, lật đật chạy tới, nói:
- Châu hiền đệ, bị một mẽ kinh hãi dữ a! Tế Công bảo chúng tôi chờ các người ở đây, bảo Triệu hiền đệ cứ về nhà đi, khỏi cần phải lo nữa; Châu hiền đệ và chị bây giờ hãy về nhà tôi trước. Tế Công tới ngày mai mới cứu được Ðậu Vĩnh Hàng.
Châu Khôn gật đầu, cùng chị theo Dương Mãnh, Trần Hiếu về nhà. Triệu Bân cũng đi về nhà mình. Tế Công đến sau hoa viên thi triển Phật pháp làm cho quan nhơn loạn cả lên. Người này nói với người kia: - Tại sao anh lại chỉ huy tôi? Người kia nói: - Tay tôi cầm đuốc, tay anh cầm lồng đèn, tôi phải hơn anh chớ! Người kia nói: - Tại sao anh kéo tôi? Người này lại nói: - Tại anh đạp tôi! Mọi người cải nhau loạn xị cả lên. Người này níu người kia, người kia đánh người nọ. Người nọ ném đuốc, người kia cũng vụt lồng đèn nốt. Lồng đèn vụt lên lầu, lửa phàm dẫn lửa thần bắt cháy. Trong phút chốc, Hợp Hoan lầu bèn lửa bốc cao. Thật là:
Phương Nam đúng là ly hỏa
Hôm nay giáng xuống nhân gian
Vô tình lửa dữ cháy lan
Ngốn sạch nhà to cung điện
Cuồn cuộn sáng lòa mặt đất
Ào ào đất chuyển trời rung
Khác nào diệm sơn bốc lửa
Người người hoảng sợ chạy tung.
Vương Thắng Tiên thấy lửa nổi lên, vội chạy lui lánh nạn, nghĩ là thái tuế, thiên vương và người đẹp đều bị cháy hết trong lầu. Thái tuế thiên vương cháy hết cũng không sao; chỉ tiếc cho người đẹp chết oan uổng, bèn lật đật kêu người cứu hỏa. Ngọn lửa bốc cao, mọi người dùng nước gì tưới vào cũng không tắt nổi. Trong chớp mắt, tòa Hợp Hoan lầu bị thiêu rụi, ngã sập. Trời đã tối, ngọn lửa cũng tàn luôn. Vương Thắng Tiên cho là mình gặp xui xẻo, rất nhiều gia nhân bị thái tuế giết, cũng có người bị thiên vương đập chết, việc này không dám báo cáo với Tần Thừa tướng, vì sợ Thừa tướng cứu xét nguyên so rồi trách cứ hắn. Vương Thắng Tiên không biết làm sao, đành cho mỗi người chết 50 lượng bạc, kêu thân nhân đem thây về chôn. Ðó là: Tìm vui không thành mà lại quậy ra long trời lở đất! Hắn ta đáng bị lãnh ác báo như vậy!
Tế Ðiên ra đi từ sớm, mặt trời vừa ló dạng đã đến trước cửa nha môn Kinh doanh điện soái. Ðối diện với nha môn có một quán rượu nhỏ, vừa mới nhóm bếp, có mấy người đến uống rượu. Họ đều là người buôn bán lặt vặt, đi ra để đến chợ sớm. Có những người bán thức ăn, cũng có người bán hàng, đều bước vào tiệm uống chút rượu. Tế Ðiên vén rèm bước vào, bên trong có người quen nói:
- Tế Công ở đâu mà lại đến sớm dữ à?
Có người nói:
- Mời Thánh tăng lại đằng kia uống rượu.
Tế Ðiên nói:
- Các vị đừng mời ta, hôm nay trong lòng ta đang tức giận, ta chờ Hình đình đại nhân tới, ta không thưa nó ta không chịu được!
- Tế Công, lão nhân gia là người xuất gia, kiện người ta làm chi?
- Thôi đừng nhắc tới nữa. Hôm qua chùa ta đi tụng một đám, đáng lẽ phải bảy người tụng ba xấp kinh, mà Hòa thượng ở chùa ta bận quá, đi không đủ số bảy, cho đi năm vị thiếu một còn bốn ông Hòa thượng. May mà kiếm được người mới cạo tóc điền vào cho đi. Tụng xong ba xấp kinh, nhà chủ nói: - Chúng tôi có nấu một nồi cơm để cho các Hòa thượng ăn, nhưng phải tụng thêm một đàn thí thực nữa. Mấy ông Hòa thượng ta đang đói như điên, nghe nói có cơm ngon canh ngọt thì tụng thêm một đàn thí thực có kể số gì! Nào ngờ tụng đàn thí thực xong, gia chủ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nói: - Thầy chủ lễ giọng không ngọt. Rồi không chịu chi tiền, nói tới nói lui sanh ra cải lộn rồi đánh nhau. Gia chủ nhiều người, bốn ông Hòa thượng chùa ta đều bị đánh cả nhưng họ đánh ta không được.
Có người hỏi:
- Tế sư phụ, ông đánh người ta à?
- Ðâu có, ta chạy đi mà! Nếu không chạy thì người ta cũng đánh thôi. Ta phải đi cáo báo mới được. Tụng kinh rồi lại đánh Hòa thượng. Chuyện này để vậy không được rồi!
Mọi người xúm lại khuyên:
- Tế Công, xin người bớt giận đi! Chuyện đó không quan trọng gì, không cần phải quỳ thưa với quan Hình đình đại nhân. Cáo báo việc quan không phải là điều tốt đâu.
Mới nói tới đó có người chạy lại xin:
- Bạch Thánh tăng, xin Ngài mở lòng từ bi cho! Cậu tôi bị chứng chân lạnh, đau nhức nằm không được, xin lão nhân gia từ bi cho một ít thuốc.
Kế lại có người nữa chạy tới, nói:
- Mẹ người em kết nghĩa của tôi bị suyễn đàm lên, chặn nghẹt, bệnh củ tái phát, cầu xin sư phó từ bi thí cho một ít thuốc.
Tế Ðiên nói:
- Bữa nay ta không thể vừa lòng quý vị được. Ðể bữa khác đi, bữa nay thì không được! Bữa nay lòng ta bực tức chịu không nổi, phải gặp Hình đình đại nhân tố cáo họ mới được.
Vứa nói tới đó thì bên ngoài có tiếng thét la inh ỏi:
- Ai không có việc gì hãy tránh xa, Hình đình đại nhân trở về!
Nguyên, Hình đình đại nhân khi ra đi phô trương thanh thế rất uy nghiêm, đi đầu có khoái tử vác bảng cầm roi dẹp đường, cả nhóm tiền hô hậu ủng đi thành một đoàn rất rầm rộ. Khi Hình đình đại nhân ngồi kiệu vừa đến, Tế Ðiên kêu lên một tiếng:
- Oan ức cho tôi quá!
Tế Ðiên nói rồi bước tới níu kiệu lại, sử dụng kình lực, nghe rắc một tiếng, chiếc kiệu gãy làm hai.*
Hồi Thứ 174
(^)
Trước Hình đình, pháp thuật kinh gian đảng
Thỉnh Tế Công, Thần Phương mua lương tâm
Tế Ðiên la lên: - Oan ức cho tôi quá, rồi chạy đến đưa tay níu kiệu lại. “Rắc” một tiếng, đòn khiêng kiệu bị gãy đôi, kiệu xô về phía trước, Hình đình đại nhân cơ hồ bị lọt ra ngoài. Ông ta ở trong kiệu bị ùa tới trước, chiếc mũ nhị phẩm rớt ra lăn tròn rơi đúng vào hủ nước tiểu. Kiệu không ngồi được, mũ sa cũng đội không được, Lục Bính Văn tức giận đùng đùng, hét bắt Hòa thượng trói lại, còn chính mình lội bộ về Ban phòng. Quan nhơn nói:
- Này Hòa thượng, ông lớn mật dữ a, dám bẻ nát kiệu của Hình đình đại nhân, lát nữa ông đây có nhiều điều vui lắm đấy!
- Ta cũng không biết tại sao mình mạnh như vậy! Tế Ðiên nói, làm cho đại nhân phải lọt ra ngoài!
Lát nữa ông gặp đại nhân cũng nói như vậy, đừng nói khác nhé!
- Cái đó tự nhiên rồi.
Ðương nói tới đó thì nghe tiếng hiệu lịnh vang lên báo hiệu đại nhân thăng đường. Lục Bính Văn tức giận quá, vào nha môn đổi mũ khác, lập tức truyền lệnh thăng đường, kêu đem Hòa thượng lên. Quan nhơn lập tức đưa lên. Lục Bính Văn dự tính là đưa Hòa thượng lên nạt nộ một hồi, đánh một trận cho hả tức. Nào ngờ đưa Hòa thượng lên, Lục Bính Văn chưa kịp nói thì có một gia nhân ở một bên kề tai nói nhỏ:
- Thưa đại nhân, ông Hòa thượng này đánh không được đâu. Ông ấy là Tế Công ở chùa Linh Ẩn, là thế tăng của Tần Thừa tướng đấy. Ðại nhân đánh ông ta há chẳng phải là làm nhục Tần Thừa tướng hay sao?
Lục Bính Văn nghe nói, trong bụng nghĩ thầm: “Coi bộ ông ta phóng đãng bất kể, dám có thể là thế tăng của sư bá mình lắm đa? Làm sao mà đánh được bây giờ?”. Không biết làm sao, đánh không được làm sao hả giận, mới nói:
- Này Hòa thượng, ông là người xuất gia không nên làm việc lỗ mãng như vậy! Có việc gì oan uổng, thủng thỉnh hãy nói nhé!
Nếu Hòa thượng đáp: “Tôi cũng không phải cố ý, xin đại nhân đừng giận”. Lục Bính Văn sẽ xuống đài nói: “Ông đã không cố ý, ta nghĩ ông là người xuất gia, không nỡ bắt tội ông. Thôi, ông đi đi, từ đây về sau nên an phận nhé!”. Như vậy kể như xong rồi.
Nào ngờ Hòa thượng không nói như vậy mà lại nói:
- Hòa thượng ta thật là oan uổng. Tối hôm qua, chùa chúng ta lãnh một cái đám, mời bảy vị tụng ba xấp kinh, trong chùa ta bận quá, đi không đủ số, còn thừa lại bốn ông Hòa thượng thêm một ông cạo tóc nữa thành năm người. Tụng xong ba xấp kinh, nhà chủ nói: - Chúng tôi có nấu một nồi cơm để cho các Hòa thượng ăn, nhưng phải tụng thêm một đàn thí thực nữa. Mấy ông Hòa thượng ta đang đói như điên, nghe nói có cơm ngon canh ngọt thì tụng thêm một đàn thí thực có kể số gì! Nào ngờ tụng đàn thí thực xong, gia chủ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nói: - Thầy chủ lễ giọng không ngọt. Rồi không chịu chi tiền, lại còn đánh Hòa thượng chúng ta nữa. Ta đến kêu oan, cũng không biết do sức mạnh nào đó làm cho đại nhân rớt ra ngoài kiệu như vậy.
Lục Bính Văn nghe Hòa thượng nói những lời không giống như ý mình, trước mặt rất nhiều người nếu không đánh Hòa thượng, làm sao chịu được! Lục BínhVăn nghĩ thầm: “Ta đánh ông Hòa thượng trước rồi sẽ nói sau. Nếu Tần Thừa tướng có hỏi thì ta đến trước Tần tướng xin tội là xong, bảo là mình không biết vì ông ấy mà cách chức của mình”. Nghĩ rồi vỗ kỉnh đường cái chát, nói:
- Tăng nhân, ông thiệt là lớn mật, cứ nói bậy nói bạ không thôi, làm quấy rối trọng địa nơi quan thự. Hãy lôi ông ta xuống đánh 40 bảng thật nặng cho ta.
- Vâng!
Chưởng hình vâng dạ, chạy lại kéo Hòa thượng, bảo:
- Ði!
Tế Ðiên la:
- Ta sắp bị đánh đây!
Quan nhơn nói:
- Ông la làm chi?
- Ta phải la mới được.
Quan nhơn kéo Tế Ðiên xuống đại đường đè xuống đất, một người cưỡi lên cổ, một người đè dưới chân, chưởng hình giơ roi sắp đánh, bỗng trước đại đường nổi lên một trận quái phong, gió xoáy đến nỗi mọi người mở mắt không ra. Chưởng hình cũng nhắm híp đôi mắt lại. Ngay lúc đó nổi lên, Lục Bính Văn đang ngồi trên đại đường, bỗng thấy trong bụng căng phồng lên, căng lên giống như mặt trống, đến nỗi hai tay ông ra ôm không giáp bụng. Lục Bính Văn lúc đó mê đi, liên tiếp bảo: - đừng đánh, đừng đánh! Quan nhơn dĩ nhiên phải dừng tay lại. Lục Bính Văn tự tay bứt râu của mình. Trong nháy mắt, hàm râu ba chòm chỉ còn lại một. Tùng nhơn ngó thấy, nói:
- Ðại nhân, ngài làm gì kỳ vậy?
Nói rồi áp khiêng ông ta vào nhà trong. Phu nhơn, thiếu gia, tiểu thơ nhìn thấy kinh hãi, hỏi:
- Ðại nhân, tại sao như vậy? Hồi nãy rất khỏe mạnh, trong giây lát bụng lại lớn dường này. Các ngươi mau đi rước thầy thuốc đi!
Gia nhơn lật đật chạy đi rước thầy họ Vương chỉ chuyên bán thuốc ở cách vách đến. Ông họ Vương này có biệt hiệu là Tam nguyên hội. Tại sao gọi là Tam nguyên hội? Tại vì ông ta trị lành ba người một lúc: một người đau răng, một người bị mụt ghẻ to, một người bị bệnh trĩ. Ba người sau khi được lành bệnh bèn hùn nhau làm một tấm biển, viết là “Tam nguyên hội”. Vì vậy mà mọi người đều gọi ông ta là Tam nguyên hội. Vị Vương tiên sinh này xưa nay ít đọc Vương Thúc Hòa, chưa đọc tánh dược phú, không biết bắt mạch thế nào là phù trầm trì sát, dùng thuốc thế nào mà hàn nhiệt ôn lương, thế nào là lục phủ ngũ tạng, làm sao luận âm dương ngũ hành? Ðại khái là không biết gì ráo, chỉ làm theo kiểu mơ mơ hồ hồ thôi. Hôm nay ông được mời vào trong nhà, Lục Bính Văn đang nằm trong màn thò tay ra ngoài để chuẩn mạch. Phu nhơn, tiểu thơ, a hoàn, vú em đều đứng vây chung quanh, mắc bệnh không tị hiềm thầy thuốc. Vương tiên sinh nghe bụng lớn, ông ta nghe lầm dì nhỏ đang chuyển bụng. Lục Bính Văn bàn tay 10 ngón thuôn nhỏ, Vương tiên sinh quên cả quy củ, đáng lý mới vào phải theo phép vọng văn vấn thiết, ông ta cũng không hỏi người bệnh là ai, đưa tay chẩn mạch. Mò mẫm một hồi lâu rồi nói:
- Không sao đâu, đây là sắp sanh, các người nên rước mụ đi!
Phu nhơn nghe nói, la lên:
- Mau đưa ông ta ra đi.
Vương tiên sinh nói:
- Tôi nói có tin mừng, phu nhơn không tin tôi sao?
- Ðây là đại nhân chúng tôi mà! Phu nhơn nói.
Vương tiên sinh nghe nói như vậy cụt hứng, bị gia nhân dẫn đi ra. Phu nhân nói:
- Tụi bây không làm nên tích sự gì cả, nhè đi mời tên thầy thuốc chó về đây à? Mau đi mời danh y cho ta!
Gia nhân nói:
- Tại thành Lâm An có hai nhà danh y, một vị là Trại thúc hòa Lý Hoài Xuân, một vị là Chỉ hạng hoạt nhất Thang Vạn Phương.
Phu nhân và thiếu gia nói:
- Mời vị nào cũng được mà!
Gia nhân ra đi, giây lát mời Trại thúc hòa Lý Hoài Xuân đến. Ông ta chẩn mạch cho Hình đình đại nhân, nói:
- Ðại nhân, chứng bụng lớn này thật là lạ! Tôi xem sáu bộ mật bình an, bên trong mười hai kinh mạch đều không có bệnh, chứng bụng lớn này tôi đoán không ra.
- Tiên sinh đoán không ra, vậy ai có thể đoán ra, nhờ tiên sinh chỉ giùm.
- Tôi đoán không ra thì Thang Vạn Phương cũng đoán không ra. Chỉ có một người có thể trị được, đưa tay tới đâu bệnh lành tới đó.
- Ai vậy?
- Tế Công trưởng lão ở chùa Linh Ẩn. Trước đây, tôi thăm bệnh ở Tần tướng phủ, nhị công tử mắc chứng đại đầu ung, tôi cũng thấy mạch lý cũng không có bệnh, phải nhờ Tế Công trị mới hết. Nếu không thỉnh lão nhân gia đến thì người khác không trị được đâu.
Gia nhân đứng một bên nghe như vậy liền nói:
- Tế Ðiên tăng ở chùa Linh Ẩn bị trói ở phòng Ban đầu nơi nha môn kia kìa!
- À ra thế, Lý Hoài Xuân nói, mau đi thỉnh Ngài đi!
Phu nhơn hỏi:
- Tạo sao trói ông ta như thế?
Gia nhân đem việc khi nãy thuật lại. Phu nhân nói:
- Tụi bây mau đi thỉnh Hòa Thượng lên đây. Chỉ cần đại nhân hết bệnh là ta sẽ thả Hòa Thượng.
Gia nhân chạy đến Ban phòng. Hắn là người không biết nói khéo, bảo:
- Này Hòa Thượng, phu nhân chúng tôi kêu ông vào đấy!
Tế Ðiên nói:
- Phu nhân các người kêu ta, ta sợ rớt lưỡi lắm!
- Nói lời sao khó nghe quá! Hòa Thượng, ông đừng nói bậy. Phu nhân chúng tôi kêu ông vào là để trị bệnh cho đại nhân đó mà!
- Trị bệnh hả? Ngươi nói cho phu nhân ngươi biết, là ta chà hết.
Gia nhân nghe nói như vậy, la lên:
- Hay cho ông Hòa Thượng, ông thiệt muốn đánh đòn mà! Ta về thuật lại rồi ông biết!
Gia nhân vào bên trong, nói:
- Bẩm phu nhân, Hòa Thượng không đến, ông nói chà hết. Phu nhân nghe, nói:
- Sao vậy cà?
Lý Hoài Xuân ở kế bên nói:
- Phu nhân nên sai thiếu gia đích thân đi mời, gặp Hòa Thượng nói mấy câu khiêm tốn thì Hòa Thượng sẽ đi ngay.
- Ðược, phu nhân nói, thiếu gia, con cùng với gia nhân đi mời.
Thiếu gia vâng lời, cùng với gia nhân đi ra, nói:
- Bạch Thánh Tăng, xin lão nhân gia từ bi, từ bi. Thân phụ tôi mắc bệnh bụng lớn, xin Thánh tăng trị bệnh cho!
- Ðã là thiếu gia có lời mời, Hòa Thượng ta mới xem thử, nhưng không biết có trị được hay không?
Tế Ðiên mới chịu đi và nhà trong, trước đó thiếu gia đã sai người mở dây sắt trói Hòa Thượng rồi. Vị thiếu gia rất cung kính này vốn không phải con đẻ của Lục Bính Văn, mà chỉ là con nuôi thôi. Gia đình ông ta rất là tạp nhạp, vị phu nhân lúc trước vốn là kỹ nữ viện Câu Lan. Lục Bính Văn nguyên là người Tứ Xuyên, đem theo ba vạn tiền đến kinh đô ứng thí. Ông ta đến mua vui ở viện Câu Lan rồi quen biết với người kỹ nữ tên là Thúy Hồng. Lục Bính Văn không đi ứng thí, ba vạn tiền đem theo tiêu sạch vào việc vui chơi với Thúy Hồng đến nỗi không còn lộ phí để về nhà. May mà Thúy Hồng có lòng trắc ẩn, trước tình cảnh túng quẫn của Lục Bính Văn bèn giữ hắn lại viện Câu Lan làm người gác phòng, mua bán lặt vặt để sống. Thúy Hồng để dành được hơn hai vạn lượng bạc, bèn tự nghĩ: “Mai kia xuân sắc qua rồi, mình sẽ ra sao?”. Nhìn thấy Lục Bính Văn là người có học, nàng ta thương lượng với mụ tào kê muốn theo Lục Bính Văn để hoàn lương. Nàng bỏ tiền ra mua một chức quan võ nhỏ, bù lại Thúy Hồng trở thành quan thái thái. Mụ tào kê trở thành nhạc mẫu lão thái thái, mua một bé gái thành là tiểu thơ, xin một cậu con trai thành ra công tử thiếu gia. Về sau Lục Bính Văn bái Vương Thắng Tiên làm sư phụ, con đường quan lộ rộng mở, lại biết chiều chuộng nên chưa đầy mười năm mà đã giữ chức Hình đình, Thúy Hồng chính là phu nhân.
Hôm nay thiếu gia mời Tế Ðiên vào tới, Lý Hoài Xuân lật đật đứng dậy, nói:
Bạch Thánh Tăng, lão nhân gia chịu đến rồi à?
- Lý Hoài Xuân, ông cứ bới việc cho Hòa Thượng ra không hà!
- Bệnh này không nhờ sư phó trị thì người khác bó tay thôi.
Tế Ðiên cười ha hả, thi triển Phật pháp độ thoát Lục Bính Văn, thi triển thần thông giải cứu Ðậu Vĩnh Hàng.*
Hồi Thứ 175
(^)
Với Lương Tâm, giữa công đường tha hảo hán
Tìm bạn cũ, vợ chồng được đoàn viên
Tế Ðiên bước vào nhà trong thăm Lục Bính Văn. Phu nhơn, thiếu gia, tiểu thơ, đều nói:
- Bạch Thánh Tăng, xin Ngài mở lòng từ bi cho!
- Ta xem bệnh của đại nhân đây, Tế Ðiên nói, nếu nói ra chắc mọi người sẽ không tin.
Phu nhân nói:
- Xin Thánh tăng cứ nói, lẽ nào lại không tin!
- Bụng lớn của đại nhân là thai đấy!
Phu nhơn nghe nói rất ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Lạ thiệt, vị tiên sinh kia nói là thai, bây giờ Hòa Thượng cũng nói là thai nữa”. Nghĩ rồi lật đật nói:
- Bạch Thánh tăng, Ngài xem thai này phải làm sao?
- Cái này không như thai đâu thường đâu! Trong bụng đại nhân là âm dương quỷ thai, phải trục cái thai ấy ra khỏi mới tốt. Ðể Hòa thượng ta kê một cái toa đến tiệm của Lý Hoài Xuân mà hốt thuốc.
Lý Hoài Xuân nói:
- Phải đó, sư phụ kê toa đi.
Gia nhân lập tức đem bút mực giấy đến. Tế Ðiên day lưng viết rồi dán lại, giao cho gia nhân. Ðại nhân cũng không biết Hòa Thượng viết những gì trong đó.
Gia nhân cầm toa đi đến tiệm của Lý Hoài Xuân, đưa toa cho chưởng quỹ, nói:
- Ông chủ các ngươi đang ở đằng nha môn đại nhân chúng tôi, đây là toa của Tế Công ở chùa Linh Ẩn cho, bảo tôi đến lấy thuốc.
Người làm công mở ra xem, thấy trên toa viết là:
Thiên lý lương tâm: 1 cái (phải đầy đủ)
Công đạo: toàn phần.
Tiệm thuốc xem xong, nói:
- Quản gia ơi, ông đem toa này về đi, tiệm của chúng tôi không có lương tâm.
- Tiệm thuốc của các ông không có lương tâm sao?
- Chẳng những chúng tôi không có lương tâm, mà cả tiệm thuốc này cũng không có lương tâm.
Quản gia không có cách gì hơn, bèn về nhà nói:
- Bẩm phu nhân, thuốc không hốt được.
Lý Hoài Xuân nói:
- Cái gì? Ðằng tiệm thuốc tôi cái gì cũng có mà sao không hốt được?
Gia nhân nói:
- Tiệm thuốc của các ông không có lương tâm. Họ nói cả tiệm thuốc đều không có lương tâm, không có vị thuốc đó.
Lúc Bính Văn nói:
- Toa thuốc đâu, đem cho ta xem nào!
Gia nhân đem toa thuốc trình lên. Lục Bính Văn xem thấy đề là:
Thiên lý lương tâm: 1 cái (phải đầy đủ)
Công đạo: toàn phần. Lục Bính Văn nói:
- Thuốc này không phải mất tiền mua, chính mình đã có sẵn lương tâm đây mà!
Tế Ðiên nói:
- Ông chỉ có lương tâm là được.
Lục Bính Văn nói:
- Truyền các Ban đầu chuẩn bị thăng đường.
Gia nhân nói:
- Ðại nhân đau yếu như vầy, làm sao thăng đường cho được?
- Thăng đường, phải thăng đường! Ta đã làm một việc trái lương tâm, ta phải thăng đường mới được!
Ông ta mới nói câu đó xong, bụng tự nhiên tóp nhỏ lại. Lý Hoài Xuân nói:
- Ðại nhân thăng đường biệc việc công, y sinh xin cáo từ, vì còn phải đi thăm bệnh chỗ khác.
Lục Bính Văn lập tức sai gia nhân truyền lịnh thăng đại đường, và dọn một chỗ ngồi kế bên cho Hòa Thượng. Lục Bính Văn sai cầm giám bài điệu Vương Long, Vương Hổ và Ðậu Vĩnh Hàng ra. Thủ hạ nguyên biện là Mã Hùng vâng lịnh vào nhà lao đem Vương Long, Vương Hổ và Ðậu Vĩnh Hàng ra trước đại đường. Ba người ra quỳ trước đại đường. Lục Bính Văn hỏi:
- Vương Long, Vương Hổ, ở Bạch Sa Cương đón đường cướp bạc lương, giết quan giải lương, có Ðậu Vĩnh Hàng trong bọn bây không? Hai người hãy nói đúng lương tâm công đạo đi!
Vương Long, Vương Hổ nghĩ thầm: “Trước đây lời cung khai đều được mớm cho cả, bây giờ đại nhân lại hỏi; tình trạng vẫn y như cũ, ta làm sao nói khác đi!”. Nghĩ rồi bèn nói:
- Thưa đại nhân, có Ðậu Vĩnh Hàng.
Lục Bính Văn đùng đùng nổi giận, vỗ kỉnh đường cái chát, nói:
- Hai thằng lộn sòng này, kéo nó xuống đánh mỗi đứa 20 hèo cho ta.
Chưởng hình vâng lịnh, lập tức lôi Vương Long, Vương Hổ ra đánh. Ðánh xong, Lục Bính Văn lại hỏi:
- Vương Long, Vương Hổ, hai đứa bây hãy nói thiệt, có Ðậu Vĩnh Hàng trong vụ này không nè?
Vương Long, Vương Hổ lại nghĩ: “Ðây chắc là Ðậu Vĩnh Hàng đã chạy chọt rồi đại nhân mới gạn hỏi lại hai đứa mình. Phải đừng nói khác, một mực như cũ, đại khái là Ðậu Vĩnh Hàng lãnh án thì hai ta mới mong bảo toàn tánh mạng”. Nghĩ rồi bèn nói:
- Trong vụ đó thiệt có Ðậu Vĩnh Hàng.
Lục Bính Văn nói:
- Hai cái thằng này thiệt là muốn ăn đòn mà! Ðánh thêm nó 20 hèo nữa cho ta.
Lập tức hai người bị lôi ra đánh, đánh xong lại hỏi. Vương Long, Vương Hổ nghĩ thầm: “Cái này thiệt lạ! Trước đây chúng ta kéo Ðậu Vĩnh Hàng vào lại không bị đánh, bây giờ tại sao lại bị đánh vậy kìa?”. Hai người vẫn nói y như trước, Lục Bính Văn lại kêu đánh nữa. Ðánh hai người tới lần thứ ba đến nỗi thịt rách máu rơi. Lục Bính Văn nói:
- Nếu hai đứa bây không nói đúng lương tâm, ta đánh hai đứa bây hoài cho đến chết. Rốt cuộc có Ðậu Vĩnh Hàng trong vụ đó không?
Vương Long, Vương Hổ nghĩ thầm: “Cực hình này chịu hết nổi rồi! Nếu nói có chắc bị đánh nữa”.
Hai người không còn cách nào khác, đành phải nói:
- Bẩm đại nhân, vụ đó không có Ðậu Vĩnh Hàng.
Lục Bính Văn nói:
- Có thế chứ, người ta nói ra phải có lương tâm. Bản bộ viện có lương tâm, ta biết Ðậu Vĩnh Hàng là người tốt, chuyện hai người khai quáng không có Ðậu Vĩnh Hàng trong đó. Bây đâu, hãy mở xiềng xích cho Ðậu Vĩnh Hàng, ta sẽ thả hắn ngay tại đương trường.
Các quan nhân kế bên thấy đại nhân làm chuyện tầm phào vô cớ đó, thư biện vội bước đến, nói:
- Bẩm đại nhân, Ðậu Vĩnh Hàng ở Bạch Sa Cương đánh cướp bạc lương, giết chết quan giải lương, coi như là phản nghịch; hơn nữa, đại nhân đã định án tâu lên hoàng thượng rồi. Ðại khái là vụ án này đã phán quyết xong, chẳng bao lâu sẽ có ý chỉ đưa xuống. Ðại nhân bây giờ thả Ðậu Vĩnh Hàng, tới chừng đó phải làm sao xử trí?
Lục Bính Văn nói:
- Ngươi đừng có nói nhiều, ta có lương tâm, hoàng thượng cũng không bằng ta. Ðại phàm, quan hiện tại không bằng cai quản việc đương làm, ta nếu thả Ðậu Vĩnh Hàng, hoàng thượng cũng cai quản không được ta việc này.
Thư biện nghe nói những câu không giống ngày thường, bèn nói:
- Ðại nhân nếu thả Ðậu Vĩnh Hàng, thư biện làm không được rồi, vậy đại nhân hãy cách chức thư biện trước đi!
- Cách chức mi cho đỡ hỏng việc. Bây đâu, đưa giấy cách chức lại ta cách chức tên này trước.
Tức thì giấy cách chức được dán lên. Nguyên biện là Mã Hùng cũng đến dập đầu trước quan Hình đình, nói:
- Bẩm đại nhân, thả Ðậu Vĩnh Hàng không được đâu.
- Sao vậy?
- Ðại nhân nghĩ xem, Ðậu Vĩnh Hàng mưu phản đại nghịch đã hỏi cung xong, đại nhân trình với Thừa tướng làm văn thư, Tần Thừa tướng dĩ nhiên đã biết. Ðại nhân tha hắn đi rồi, Tần Thừa tướng muốn xét lại vụ án này, đại nhân phải làm sao?
- Ðồ cức, Tần Thừa tướng không xía vô được chuyện của ta. Ông ta làm Thừa tướng, ta làm Hình đình, ông ta không can thiệp được vào việc của ta. Ta có lương tâm! Ðậu Vĩnh Hàng là người tốt.
- Ðại nhân nếu thả Ðậu Vĩnh Hàng thì nên cách chức tôi đi.
- Cách thì cách! Bay đâu, đem sổ cách chức lại, cách chức Mã Hùng cho ta.
Các quan nhân thủ hạ sợ hết hồn, thoái lui hết. Hễ ai ngăn cản thì bị cách chức, mọi người đều không dám nói gì. Lục Bính Văn sai kẻ tả hữu mở xiềng cho Ðậu Vĩnh Hàng. Quan nhân thủ hạ lập tức mở trói ngay. Lục Bính Văn nói:
- Ðậu Vĩnh Hàng, bản bộ viện biết ngươi là người tốt bị hàm oan, ta thả ngươi tại buổi hầu này.
Ðầu Vĩnh Hàng trong lòng lo lắng, nghĩ thầm: “Tại sao có sự việc như vầy?”. Ngước lên nhìn thấy có Tế Ðiên ngồi một bên, Ðậu Vĩnh Hàng càng thêm chưng hửng. Tế Ðiên nói:
- Ðồ trứng ung! Còn không chịu đi mau, một lát nó sáng trí lại, kêu người ta trói ngươi lại bây giờ!
Ðậu Vĩnh Hàng mới vỡ lẽ, lật đật bước ra ngoài. Ra tới cổng, thấy các quan nhân ở đó đang xúm nhau bàn luận:
- Ðại nhân chúng ta vô cớ thả Ðậu Vĩnh Hàng thật là một chuyện quá mới mẻ.
- Các anh tin tôi đi! Người kia nói. Chức Hình đình này chắc ông ta ngồi không lâu đâu!
Ðậu Vĩnh Hàng bước ra cổng nha môn thì thấy đằng kia đi lại hai cỗ ngựa, người cưỡi phục sức theo lối tùy tùng. Ðến cổng Hình đình, họ dừng ngựa nhảy xuống. Hai người cưỡi ngựa chẳng ai xa lạ mà chính là Tần An, Tần Thuận, hai vị quản gia của Tần chính là Tần Thừa tướng. Nhân vì Lục Bính Văn bắt trói Tế Ðiên, trên đường phố đồn ầm cả lên, truyền đến phủ Tần tướng. Gia nhân Tần tướng phủ đều cảm niệm ân đức của Tế Ðiên. Trước đây, khi Tế Ðiên lần đầu tiên đến Tần tướng phủ, các gia nhân này mỗi tháng được thêm ba tiền công, đó là nhờ chủ ý của Tế Ðiên. Hôm nay nghe quan Hình đình bắt trói Tế Công chùa Linh Ẩn, có người bẩm với bốn vị quản gia đại nhân. Ðại quản gia Tần An nghe được, bèn nói:
- Hay cho Lục Bính Văn lớn mật! Dám bắt trói thế tăng của Tướng gia chớ! Chuyện này rõ ràng là làm xấu mặt Tướng gia rồi đó.
Nói rồi lập tức bẩm báo với Thừa tướng. Tướng gia nghe nói, quá bất bình, kêu gia nhân:
- Ngươi cầm danh thiếp của ta đi ngay đến nha môn quan Hình đình nói rằng ta mời Tế Công đến ngay tức khắc.
Quản gia Tần An, Tần Thuận mới cầm danh thiếp lật đật đến nha môn Hình đình mời Tế Ðiên như thế.
Ðậu Vĩnh Hàng sau khi ra khỏi đầm rồng hang hổ rồi, có ý muốn về nhà nhưng lại không dám. Gặp việc quan như thế này không biết ở nhà có bị rắc rối không? Bèn nghĩ lại: “Chi bằng hãy đến nhà Dương Mãnh, Trần Hiếu hỏi thăm trước rồi hãy tính”. Nghĩ rồi mới đến ngõ cửa nhà Trần Hiếu. Trần Hiếu, Dương Mãnh đang nói chuyện với Châu Khôn ở bên trong, nghe tiếng gõ cửa, Trần Hiếu bước ra mở cửa thấy Ðậu Vĩnh Hàng, rất ngạc nhiên hỏi:
- Ðậu hiền đệ làm sao về đây được?
- Lục Bính Văn thả tôi ngay tại buổi hầu. Vào bên trong tôi sẽ nói cho các huynh trưởng rõ.
- Chú về đây là phải, vợ chú hiện ở đây, em vợ chú là Châu Khôn cũng hiện có ở đây. Chú vào đi!
Ðậu Vĩnh Hàng theo Trần Hiếu vào bên trong, Châu Khôn thấy, hỏi:
- Anh ơi, sao anh trở về được như vầy? Việc quan thế nào rồi?
Dương Mãnh trông thấy Ðậu Vĩnh Hàng cũng vui lên, hai bên cùng chào hỏi vui vẻ. Ðậu Vĩnh Hàng mới đem việc Lục Bính Văn thả mình ngay buổi hầu và cách chức quan nhân thư biện ra sao, trong lúc đó Tế Công ngồi có mặt ở đại đường, thuật lại một lượt. Mọi người mới vỡ lẽ, Ðậu Vĩnh Hàng hỏi Châu Khôn:
- Sao chú lại ở đây?
Dương Mãnh, Trần Hiếu nói:
- Ðậu hiền đệ, chú chưa biết à? Việc quan của chú là bị gia nhân người ta trồng tréo vu cáo chú trộm cướp mà bắt vào ngục, vợ của chú bị Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên gạt bắt đi đưa vào nhốt ở Hợp Hoan lầu…
Dương Mãnh, Trần Hiếu kể lại những việc đã qua, nào là đi tìm Tế Ðiên ra sao, Châu Khôn đến nhà Vương Thắng Tiên giết người ra sao, Tế Ðiên triển Phật pháp cứu mọi người ra và đốt Hợp Hoan lầu ra sao, mỗi mỗi thuật lại. Ðậu Vĩnh Hàng nghe kể, sợ rợn tóc gáy, nói:
- Té ra có những việc kinh người như thế à!
Trần Hiếu nói:
- Trong vụ này không có Tế Công thì không xong đó nghe. Ðậu hiền đệ hôm nay đã về đây rồi, cả nhà chúng ta hãy vui say một bữa. Ðể ta đi kiếm rượu và đồ nhắm đem về. Chúng mình say vùi một trận.
Trần Hiếu nói xong đi ra mua rượu thịt. Một lát sau Trần Hiếu trở về, rượu thịt không thấy cầm theo mà mặt mày lại thất sắc. Ai nấy ráp lại hỏi:
- Sao vậy? Sao Trần huynh trưởng không mua rượu thịt?
- Không xong rồi,Trần Hiếu nói, Kinh doanh điện soái truyền lịnh thủy bộ mười ba cửa phải đóng chặt, các ngõ hẽm đều cho quan binh án giữ, đi từng hộ tra xét tìm Ðậu Vĩnh Hàng.
Mọi người nghe nói, sợ đến hồn phi phách tán.*
Hồi Thứ 176
(^)
Lục Hình đình ra lệnh bắt cường tặc
Mỹ nhiệm công nghe tin cản quan binh
Mỹ nhiệm công Trần Hiếu đi ra mua đồ nhắm, thấy đường phố loạn cả lên, nghe nói quan Kinh doanh điện soái hạ lệnh cho mười ba cửa thủy bộ đều đóng chặt, xét từng hộ để bắt kẻ gian dương đại đạo trốn trại vượt ngục là Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng. Tại sao có chuyện lạ như thế?
Sau khi quan Hình đình Lục Bính Văn thả Ðậu Vĩnh Hàng đi ra, Tần tướng phủ sai quản gia mời Tế Công về rồi, Lục Bính Văn bỗng nhiên sáng suốt trở lại, nhìn lại ở đại đường, Vương Long, Vương Hổ còn quỳ ở dưới, bèn hỏi thủ hạ:
- Vương Long, Vương Hổ quỳ ở đó làm chi? Ai kêu chúng ra như thế?
- Ðại nhân không phải cách chức thư lại Mã Hùng và thả Ðậu Vĩnh Hàng rồi sao?
- Ai thả Ðậu Vĩnh Hàng ra vậy?
- Ðại nhân kêu thả! Chớ chẳng phải việc mới vừa rồi mà đại nhân lại quên rồi à?
Lục Bính Văn nghĩ lại, phưởng phất trong lòng mơ hồ ù ù cạc cạc như trong mộng. Hơi nhớ lại việc, sợ hết cả hồn: Ðậu Vĩnh Hàng đã thành án, tâu lên hoàng thượng, làm sao có thể thả được? Tức thời căn dặn bọn thuộc hạ:
- Mau truyền lệnh ta: Ðóng chặt mười ba cửa thủy bộ, quan sảnh phải giữ gìn các địa phương của mình, hai nhà hai bên phải coi ngó một nhà ở giữa, quan từ tam phẩm trở xuống, bất luận là nhà nào, đều phải tra xét từng hộ một. Bảo họ đừng nói là Ðậu Vĩnh Hàng được thả ra mà phải nói đại đạo Ðậu Vĩnh Hàng vượt ngục trốn trại, như có ai che giấu thì mắc tội đồng lõa, người nào giao nộp Ðậu Vĩnh Hàng sẽ được thưởng một ngàn lượng bạc.
Dụ lệnh truyền ra, mười ba cửa thủy bộ đều đóng chặt, các quan cai quản địa phương mình mang quan binh đi tra xét các nơi. Trần Hiếu nghe tin này, thức ăn cũng không kịp mua, lật đật về nhà nói cho Dương Mãnh, Châu Khôn và Ðậu Vĩnh Hàng nghe.
Ðậu Vĩnh Hàng nghe xong, đằng hắng một tiếng rồi nói:
- Hai vị huynh trưởng không nên kinh hãi như vậy. Ðậu Vĩnh Hàng tôi, tình khuất mà mạng không khuất, thì không thể để liên lụy đến hai anh. Tôi sẽ nhảy tường phía sau đi đến nha môn Hình đình một mình đầu án, hai vị huynh trưởng tìm cách đưa vợ và em tôi đi trốn là được rồi. Hai vị huynh trưởng khỏi lo cho tôi.
Trần Hiếu nói:
- Làm như vậy đâu có được!
- Tôi lại có chủ ý, Dương Mãnh nói:
- Chú có chủ ý gì? Trần Hiếu hỏi:
- Tôi với Châu Khôn mỗi người cầm một ngọn dao thẳng đến nhà Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên gặp ai chém nấy; còn anh với Ðậu Vĩnh Hàng hai người thẳng đến nha môn Hình đình, phụp cho mỗi người một dao cho rồi đời tên cẩu quan ấy đi, giết cho đến gà chó không còn một mống. Chúng ta đại phản ở thành Lâm An, giết xong cùng vượt thành tìm một ngọn núi nào đó ở xa xa chiếm lĩnh làm đại vương, dựng lên cờ hiệu, chiêu quân mãi mã, tích thảo tồn lương. Nếu quan binh có đến, chúng ta cũng không sợ, bớt được tức giận vì bọn cẩu quan này.
- Chú cứ nói bậy nói bạ không thôi! Trần Hiếu nạt, căn cứ vào sức của bốn anh em ta tạo phản thì làm được những gì? Chủ ý gì khác đi để chúng ta xem có được thì làm.
Ðương nói đến đó thì nghe bên ngoài có tiếng ồn ào, tiếp theo có tiếng gõ cửa. Dương Mãnh nói:
- Anh bị xét rồi đó! Ðể cho tôi khai đao trước cho.
- Ðừng có lỗ mãng nghen! Ðể tôi đi ra nói chuyện với họ xem. Nếu có thể nói cho họ đi được thì càng tốt, thật thế là không được, nhưng đâu có thể nói là không được.
Nói rồi Trần Hiếu lật đật đi ra ngoài. Vừa mở cửa thấy đứng sẵn lố nhố các quan binh, có hai vị quan địa phương, một vị họ Hoàng, một vị họ Trần, đều mũ áo gọn ghẽ, dây loan đái thắt lưng, tiễn tụ bào, giày đế mỏng, dao đeo bên sườn. Trần Hiếu nhìn thấy hai vị quan đều là người quen, nhưng cố làm như không biết, hỏi:
- Hai vị đại lão gia đến đây có việc chi?
Hoàng lão gia nói:
- Trần Hiếu, chúng mình đều là hàng xóm với nhau, thật ra chúng tôi cũng biết ông là người an phận qua ngày, hôm nay chúng tôi vâng lệnh quan Kinh doanh điện soái tra xét từng hộ tìm đại đạo trốn trại vượt ngục Ðậu Vĩnh Hàng. Ðây là việc công, không thiên không vị, ai cũng thế cả. Ông hãy tránh ra để chúng tôi vào xem thử!
Ðây là vì quen biết với Trần Hiếu nên còn nể tình, nếu là người không cần phải nói như vậy, chỉ đem người ập tới, cho xét cũng xét, không cho xét cũng xét.
Trần Hiếu nghe như vậy, bèn nói:
- Hai vị lão gia khoan hãy vào, tôi có mấy lời này, thực ra tôi ở đây không phải ở một ngày một bữa. Bình thường tôi cũng không biết kết giao với bọn thổ phỉ, cũng không có những bạn bè vô lại đến nhà. Ðại khái hai vị lão gia cũng thấy biết rồi. Hôm nay không phải là tôi không cho quý vị vào xét, vì trong nhà tôi còn có bà con thân thích ở, có hai đứa cháu gái bên nội, một đứa cháu gái bên ngoại đang ở, chúng đều là những cô nương 18, 19 tuổi, chưa ra khỏi khuê môn. Hai vị lão gia đưa quan binh tiến vào làm cho mấy cô nương thân thích của tôi xuất đầu lộ diện e có nhiều điều bất tiện!
- Xin hai vị lão gia nể mặt Trần Hiếu tôi, hai vị đưa người đến xét nhà khác; giây lát tôi đưa mấy vị cô nương đi rồi, quý vị sẽ trở lại xét sau.
Hai vị lão gia nghe nói, đáp:
- Cái đó không được! Ðây là việc quan, phải chăng là ông dám chống lại không tuân lệnh trên?
- Tôi cũng không dám chống lại không tuân lệnh, xin hai vị lão gia thông cảm cho; ai bảo trong nhà tôi ngăn cản không tiện cho xét.
- Trần Hiếu, trong nhà ông có giấu Ðậu Vĩnh Hàng không?
- Không có đâu!
- Trong nhà ông không có Ðậu Vĩnh Hàng, chỉ có mấy cô nương cũng không hề gì, chúng tôi vào đó xem thử có ngại gì đâu!
Nói rồi muốn xô Trần Hiếu vẹt qua để tiến lên. Lúc đó Dương Mãnh cầm dao sẵn đứng chờ ở cửa thứ hai, nghĩ thầm: “Mấy tên bị thịt này bước vào, mình lấy nó làm vật khai đao mới được”. Trong lúc Trần Hiếu đang nói chuyện giằng co với hai vị lão gia thì đằng kia ba cổ kiệu nhỏ đi lại. Có một người cỡi ngựa đi kèm, tới cửa nhà Trần Hiếu nhảy xuống ngựa nói:
- Thưa Trần gia, chúng tôi đến rước cháu gái nội và cháu gái ngoại của ngài.
Trần Hiếu nghe nói, ngạc nhiên nghĩ thầm: “Ta nói nhà ta có cháu gái nội và cháu gái ngoại là buột miệng nói càng, làm sao thiệt có người đến rước kìa?”.
Thấy lối phục sức của người trưởng tùy này lạ hoắc, nhưng cũng tùy cơ ứng biến, Trần Hiếu nói:
- Hai vị lão gia, các vị thấy tôi nói có đúng không? Trong nhà tôi thiệt có bà con ở, người ta đến rước đây. Xin hai vị chờ một lát, đợi khi chúng lên kiệu rồi, các ngài vào khám xét là xong.
- Thế thì được. Hai vị lão gia đáp.
Trần Hiếu cùng người trưởng tùy đưa ba cái kiệu vào trong nhà, Trần Hiếu hỏi:
- Tôn giá ở đâu đến đây?
- Tôi là người của Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng ở đường Phụng Sơn. Trịnh gia sai tôi đến rước Ðậu Vĩnh Hàng. Có phong thơ gởi cho ngài đây.
Nói rồi móc thơ đưa ra, đó là thơ của Tế Công. Trần Hiếu mới vỡ lẽ, lật đật kêu Ðậu Vĩnh Hàng, Châu Khôn cùng Châu thị ba người lên kiệu, phủ màn xuống để người đó đưa đi. Sau khi kiệu đi rồi, Trần Hiếu nói:
- Hoàng lão gia, Trần lão gia, hai vị hãy đưa người vào xét đi.
Hai vị lão gia mới đưa người vào xét. Mà xét ai? Dĩ nhiên là không gặp rồi. Hoàng lão gia nhớ lại sự việc, suy nghĩ một hồi lâu. Hai vị này đều là người tinh minh lão luyện, ở bên ngoại lão thông việc biện án, một khi thấy ba cỗ kiệu đến có vẽ khác thường, ban đầu Trần Hiếu không cho xét, nói lời quanh co, sắc mặt biến đổi. Sau khi ba cổ kiệu đi rồi, sắc mặt Trần Hiếu dần dần trởi lại bình thường, lời nói cũng mạnh mẽ thấu lý. Hai vị lão gia nghĩ rằng trong ba cỗ kiệu này chắc có duyên cớ chi đây. Họ liền phái một quan nhân đi theo dõi xem ba cỗ kiệu này khiêng về nhà nào rồi báo cáo cho quan địa phương chỗ ấy biết, bất luận là chỗ ấy đã khám xét hay chưa cũng cho người đến xét. Quan nhân vâng lệnh ngầm theo dõi phía sau, thấy ba cỗ kiệu khiêng đến đường Phụng Sơn, tiến vào một tòa cổng lớn ở phía Bắc đường. Quan nhân ngước nhìn chính là nhà của Thiết diện thiên vương Trịnh Hùng đại quan nhân, lập tức đến quan địa phương ở đường Phụng Sơn báo cáo. Hai vị lão gia ở địa phương, một vị họ Bạch, một vị họ Dương. Quan nhân đến báo:
Hoàng lão gia và Trần lão gia của chúng tôi sai tôi đi theo ba cỗ kiệu từ nhà Dương Mãnh, Trần Hiếu ở đường Ðông khiêng ra, khiêng đến nhà Trịnh đại quan nhân ở đường Phụng Sơn. Lão gia chúng tôi nói trong kiệu có điều khả nghi, bảo tôi đến cho lão gia hay để nhanh chóng đến tra xét.
- Bạch lão gia, Dương lão gia nghe nói, lập tức dẫn bản bộ quan binh đến trước cửa nhà Trịnh Hùng, nói lời phân trần:
- Chúng tôi vâng lệnh quan Kinh doanh điện soái, tra xét từng hộ để tìm bắt tên đại đạo trốn trại vượt ngục là Ðậu Vĩnh Hàng, cảm phiền các vị quản gia vào thông báo lại là có chúng tôi đến tra xét.
Gia nhân và Trịnh Phúc vào bẩm báo. Nguyên trước đây, Trịnh Hùng được thơ của Tế Ðiên bảo hôm nay đem ba cỗ kiệu đến nhà Dương Mãnh, Trần Hiếu rước vợ chồng Ðậu Vĩnh Hàng và Châu Khôn. Kiệu và người vừa vào tới thì gia nhân vào bẩm báo là có quan địa phương đưa binh đến tra xét. Trịnh Hùng nghe báo, ngạc nhiên nói:
- Làm sao bây giờ?
Lại nghĩ: “Tế Công kêu mình đi rước Ðậu Vĩnh Hàng. Nếu bị xét gặp trong nhà mình đố tránh khỏi bị kết tội cố giấu giếm đây!”. Sợ đến phát ngây nói không ra lời. Ðậu Vĩnh Hàng nói:
- Trịnh đại quan nhân không cần phải lo thế! Tại mạng của tôi nó đen như vậy rồi thì đừng để liên lụy đến lão gia làm chi! Tôi sẽ nhảy tường ra ngoài đi trình diện là xong.
Trịnh Hùng nói:
- Làm như vậy đâu có được! Tế Công bảo tôi đi rước mấy vị về đây, tôi làm sao có thể để các vị vào tù cho được?
Gia nhân là Trịnh Phúc nói:
- Nô tài lên kiệu trở lại, rồi quan nhân cỡi ngựa đưa đi, bảo là đưa gia quyến ra ngoài thành, thế là xong!
Trịnh Hùng nghĩ: “Lời nói này có lý đa!”. Lập tức một mặt kiên gia nhân chuẩn bị ngựa, một mặt bảo đem kiệu đến, kêu Châu Khôn, Châu thị và Ðậu Vĩnh Hàng lên kiệu lại. Trịnh Hùng đưa kiệu ra khỏi nhà mới lên ngựa. Bạch lão gia và Dương lão gia hỏi:
- Trịnh lão quan nhân đi đâu đó?
- Tôi đưa gia quyến đi viếng mộ.
Nói rồi, Trịnh Hùng giục ngựa cùng ba chiếc kiệu ra đi. Gia nhân mời Bạch lão gia vào trong tra xét. Tra xét nào gặp ai! Bạch, Dương hai vị lão gia bèn nảy chủ ý: “Ba cỗ kiệu này vừa mới đến nhà Trịnh Hùng nghe nói có tra xét lại khiêng đi ra nói là đi viếng mộ, chắc là có gian trá chi đó”. Lập tức sai một quan nhân đi theo, xem họ ra cửa nào rồi đưa tin cho quan giữ cửa, bảo phải xét kiệu, đừng để cho ra thành. Trịnh Hùng đưa ba chiếc kiệu sắp ra cửa Cấn Sơn. Nào ngờ ki đến cửa Cấn Sơn, bốn vị lão gia giữ cửa đưa quân giữ lại dò xét. Lúc này mấy chiếc kiệu muốn ra khỏi thành thiệt là khó hơn lên trời.*
Hồi Thứ 177
(^)
Phật gia điểm hóa cứu anh hùng
Giữa đường lánh nạn gặp cướp núi
Nói về Trịnh Hùng đưa ba chiếc kiệu thẳng ra cửa Cấn Sơn, trong lòng lo đến phát run. Vừa đến cửa Cấn Sơn, thấy cửa thành đã đóng chặt, bốn vị lão gia đứng giữ cửa từ trong đi ra. Bốn vị lão gia này một vị họ Vương, một vị họ Mã, một vị họ Ngụy, một vị họ Triệu. Bốn vị lão gia này đều có quen biết với Trịnh Hùng cả. Bình thường Trịnh Hùng là người rất ưa kết bạn, giao thiệp rất rộng, trên từ công khanh dưới đến thứ dân, quen biết với ông ta rất nhiều. Hôm nay bốn vị lão gia này gặp Trịnh Hùng, nói:
- À, té ra là Trịnh gia. Ai ngồi trong kiệu đó? Và định đi đâu?
- Ngồi trong kiệu là nội quyến của tôi. Hôm nay là ngày tế tự, tôi muốn đi viếng mộ ở ngoại thành, cảm phiền các vị lão gia mở cửa thành để chúng tôi đi ra.
- Trịnh lão gia, hôm nay không giống như mọi ngày đâu, bình thường cũng không đóng cửa để mặc sức thiên hạ ra vào. Hôm nay có lệnh của quan Kinh doanh điện soái đóng chặt cả mười ba cửa thủy bộ để xét bắt tên đại đạo vượt ngục trốn trại là Ðậu Vĩnh Hàng. Việc này rất trọng đại, mấy chiếc kiệu của ông muốn ra cửa thành phải để chúng tôi vén rèm xem thử mới được. Kỳ thật chúng ta bình thường có giao tình, nhưng đây là việc công phải làm theo việc công.
- Các vị lão gia nói như thế không đúng, Trịnh Hùng tôi, đại khái các vị cũng biết, tôi bình thường không giao du với bọn phỉ loại, trong kiệu của tôi làm sao ẩn giấu bọn gian tế được? Trong kiệu này là đàn bà con nít, các vị đòi xem ở tại đường lớn như vầy có nhiều bất tiện.
- Trịnh Hùng, ông là người minh bạch, chúng tôi làm việc công. Việc quan trọng này, bỏ qua không được đâu! Ông muốn ra khỏi thành, không cho chúng tôi xét, chúng tôi để cho ông đi, lát nữa có người đòi như vậy thì chúng tôi phải làm sao? Cho ông đi được mà không cho người khác đi, há chẳng có sự thiên vị hay sao?
- Các vị đã không nhìn thấy không cho đi, thì tôi trở về nhà không đi nữa.
Bốn vị lão gia đang cãi lý với Trịnh Hùng, nào ngờ có vị quan nhân ở đường Phụng Sơn chạy đến nói:
- Bạch lão gia, chúng tôi đưa tin cho các vị biết, đừng thả cho ba cổ kiệu này khỏi thành. Nguyên do ba cỗ kiệu này phát xuất từ nhà Dương Mãnh, Trần Hiếu ở đường Ðông, khiêng đến nhà Trịnh Hùng lại đưa đi, trong đó chắc chắn có duyên cớ gì đó!
Bốn vị lão gia nghe báo xong, bèn nói:
- Này Trịnh Hùng, ông cho chúng tôi cũng xem, không cho xem chúng tôi cũng xem.
- Tôi không thể để cho phụ nữ nhỏ 16 tuổi đầu chường mặt ra đường phố được. Tôi không đi, tôi trở về nhà là được rồi.
- Ông trở về nhà, chúng tôi cũng phải xem.
- Thưa các vị, cái này là không đúng rồi đa! Tôi ra khỏi thành, các vị đòi xem, sợ mang theo gian tế; tôi trở về nhà, tại sao các vị cũng đòi xem?
- Này Trịnh Hùng, trong ba cỗ kiệu này là ai vậy?
Nguyên ngồi ở cỗ kiệu đầu là Châu Khôn, cỗ kiệu thứ hai là Ðậu Vĩnh Hàng, cỗ thứ ba là Châu thị. Trịnh Hùng nói:
- Ở cỗ đầu là tệ tiện nội, cỗ thứ hai là cháu của tôi, cỗ thứ ba là cháu gái họ của tôi, đều là những thiếu phụ cô nương nhỏ tuổi cả.
- Có Ðậu Vĩnh Hàng trong đó không?
- Tôi cũng không quen Ðậu Vĩnh Hàng, làm sao có Ðậu Vĩnh Hàng cho được?
- Ðã không có Ðậu Vĩnh Hàng, chúng tôi dòm xem đâu có ngại gì!
- Các vị thiệt là ỷ quan cậy thế, không cần tình lý gì hết.
Ðương nói tới đó thì Tế Ðiên từ đầu kia thất tha thất thiểu đi lại.
Nguyên Tế Ðiên đang ở đại đường ở phủ Kinh doanh điện soái, được quản gia Tần tướng mời về Tần tướng phủ. Tần tướng thấy Tế Ðiên lật đật mời ngồi, nói:
- Thánh tăng, tại sao Hình đình Lục Bính Văn dám trói lão nhân gia thế?
- Tướng gia hỏi đến, Hòa thượng ta có điểm oan ức không rõ ràng. Hôm qua chùa chúng ta lãnh đám tụng ba xấp kinh, nhà đám dọm một nâm cơm nguội, bảo tụng thêm một thời thí thực. Năm ông Hòa Thượng tụng kinh xong, nhà chủ không chịu trả tiền, nói là giọng của thầy cả không ngọt, lại còn đánh các Hòa Thượng nữa. Bốn ông Hòa thượng kia đều bị đánh, chỉ có Hòa Thượng ta không bị đánh thôi. Ta muốn quỳ trước Hình đình để báo cáo họ, nào ngờ quan Hình đình không hiểu sự lý, bắt trói Hòa Thượng ta lại. Ðến chừng lên đại đường, Lục đại nhân nổi khùng đem đại đạo Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng thả ra.
Tần tướng nghe xong, nói:
- Ðậu Vĩnh Hàng ở Bạch Sa Cương chặn đường cướp bạc lương, giết chết quan giải lương, giống như là phản nghịch, ta đã tâu rõ lên thánh thượng rồi, trình thỉnh xin xử giảo, làm sao ông ta dám thả kìa?
- Hiện giờ ông ta thả ra rồi. Ðại nhân không tin thì cho người đi hỏi thăm thử xem!
- Ðược, nếu ông ta đã thả, ta xem chừng ý chỉ thánh thượng đưa xuống, ông ta sẽ làm sao? Nếu ông ta đã thả rồi thế nào cũng bị triệu vào hầu, tạm thời không cần phải để ý đến ông ta nữa. Bạch Thánh tăng, xin mời ở đây uống rượu nhé!
- Cũng được!
Tần tướng lập tức sai gia nhân lau bàn ghế, dọn rượu lên. Tế Ðiên uống vài ba chén đứng vậy muốn cáo từ. Thừa tướng nói:
- Thánh tăng có gì gấp đâu? Uống rượu rồi hãy đi!
- Ta đi xem nhiệt náo, hiện tại quan Hình đình đã thả Ðậu Vĩnh Hàng, rồi lại phái người truyền đóng cửa chặt mười ba cửa thủy bộ xét từng hộ kiếm bắt đại đạo Ðậu Vĩnh Hàng. Việc này có thể là mới mẽ đấy. Ông ta muốn tự mình làm đảo lộn mà!
Nói xong, Tế Ðiên đứng dậy cáo từ ra khỏi Tần tướng phủ, thẳng đến cửa Cấn Sơn. Trịnh Hùng lúc đó đang nói quanh co với các lão gia giữ cửa, sợ họ xét kiệu. Thấy Tế Ðiên đến, Trịnh Hùng lật đật nói:
- Tế Công đến rồi! Ngài là người xuất gia xin phân giải việc này cho.
Tế Ðiên hỏi:
- Chuyện gì vậy a?
Trịnh Hùng nói:
- Tôi đưa gia quyến muốn ra khỏi thành đi thăm mộ, các vị lão gia này đòi xét kiệu; tôi nghĩ ở ngoài đại lộ, phụ nữ tuổi nhỏ thò đầu ló mặt ra, có nhiều điều bất tiện nên nói là không được. Họ muốn xem trong kiệu có ai. Sư phụ nghĩ xem họ làm như vậy có phải là không nể tình nhau không? Có chỗ không đúng phải không?
- Không đúng rồi! Có lẽ Trịnh Hùng làm không đúng. Người ra làm việc công, ngươi không cho người ta xem, người khác đi đến đây cũng đều không cho xem, như vậy thì thử hỏi việc công sẽ làm như thế nào?
Các vị lão gia nghe như vậy bèn nói:
- Sư phó thật là sáng suốt.
Trịnh Hùng trong bụng nghĩ thầm: “Tế Công ơi, ông đùa với mình sao chớ! Ông kêu mình đi rước Ðậu Vĩnh Hàng, bây giờ người ta đòi xét, ông lại nói những lời như thế. Ðây có phải là ông cố ý cho ta nằm ấy đây mà!”. Không cách nào khác, Trịnh Hùng bèn nói:
- Mấy vị cứ xem đi!
Các vị lão gia hỏi:
- Ngồi ở kiệu thứ nhất là ai vậy?
- Là tệ tiện nội.
Mọi người vén rèm lên xem thì là một ông già râu bạc, ngay đến Trịnh Hùng cũng phải ngạc nhiên! Mọi người hỏi:
- Này Trịnh Hùng, ông không phải nói là tiện nội của ông hay sao?
- Tại các ông nghe không rõ, đây là cha của tệ tiện nội.
- Còn ở chiếc kiệu thứ hai?
- Là cháu gái của tôi.
Mọi người vén rèm lên xem thì là một bà già. Mọi người hỏi:
- Ðây là cháu gái của ông à?
- Ðây là bà nội của cháu gái tôi.
- Còn ở kiệu thứ ba?
- Ðây là cháu gái họ.
Vén rèm lên xem thì là một bà ni cô già. Trịnh Hùng nói:
- Ðây là sư phụ của cháu gái họ tôi.
- Trịnh Hùng, cái này ông có ý giỡn chơi, trong kiệu không có phụ nữ nhỏ tuổi, cũng không có Ðậu Vĩnh Hàng. Ông cố ý đùa cợt chúng tôi mà! Hãy mở cửa thành cho nhóm Trịnh Hùng đi đi.
Lập tức cửa thành được mở ra. Ba cỗ kiệu cùng Hòa thượng đồng ra khỏi thành đi về phía nhà mồ của Trịnh Hùng. Tới nơi, Châu Khôn, Ðậu Vĩnh Hàng, Châu thị đều xuống kiệu, bước tới hành lễ Tế Ðiên. Ðậu Vĩnh Hàng nói:
- Bạch Thánh tăng, lão nhân gia thật là Phật pháp vô biên, cứu vớt đệ tử sống lại một lần nữa. Ðậu Vĩnh Hàng tôi chỉ có nhất bộ nhất bái mới báo đáp được ơn dày của lão nhân gia ban bố.
Tế Ðiên nói:
- Trịnh Hùng, ngươi đưa cho ta ba con ngựa, một con dao đeo bên hông, bảo bọn họ trốn đi. Tương lai chúng ta còn có duyên gặp lại.
Ðậu Vĩnh Hàng lại cám ơn Trịnh Hùng rồi mới cùng Châu Khôn, Châu thị cáo từ.
Trịnh Hùng hỏi:
- Hai vị định đi đâu?
Ðậu Vĩnh Hàng nói:
- Tôi cũng không biết đi nơi nào!
Châu Khôn nói:
- Tôi định cùng anh chị tôi đi đến chỗ một người bạn để tạm lánh.
Nói rồi cung tay từ biệt.
Ba người lên ngựa, thuận theo đường lớn đi tới trước, cũng không nhất định là đi đâu. Trên đường đi, cứ đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ. Hôm đó, sắc trời đã tối, đang độ đỏ đèn, ba người cỡi ngựa đang đi tới trước, gặp một cửa núi. Bỗng nghe vang lên một hồi thanh la, từ trong núi xông ra hơi hai chục người đều bịt mặt, vận quần aó ngắn, mỗi người cầm trường thương, dao lớn, kiếm ngắn, búa to, chạy ra cản đường. Có người thét lớn:
- Núi này ta mở, cây này ta trồng, ai đi qua đây phải để lại tiền mãi lộ. Ú ớ cự cãi nửa câu, một dao một mạng đất chôn vùi.
Lại nói:
- Bầy dê non nhạn lẽ kia, tới đây mau để lại vàng bạc mãi lộ đi, sẽ được tha cho khỏi chết, nếu chẳng nghe lời trốn đi, khó hơn lên trời đấy.
Châu Khôn thấy bị chặn đường bèn lật đật thúc ngựa lên trước, nói:
- Xin có đôi lời cùng các bạn: Tại hạ họ Châu tên Khôn, nguyên là Bắc lộ tiên đầu, hôm nay cùng anh chị đi qua đường này, cảm phiền các vị trở về bẩm lại với trại chủ là Châu Khôn hôm nay không thể lên núi bái vọng được, tạm thời mượn đường đi qua. Hôm khác sẽ lại đến thỉnh an trại chủ.
Các lâu la nghe như vậy, nói:
- Té ra tôn giá là Tiêu đầu Châu Khôn ở Bắc lộ! Xin tôn giá chờ một lát, chúng tôi về bẩm lại với trại chủ một tiếng.
Nói rồi cho người chạy bay lên núi. Giây lát không lâu, từ trên núi một hồi thanh la nổi lên, hơn hai trăm người kéo xuống, lồng đèn và đuốc cầm sáng rực như ban ngày. Châu Khôn ngước nhìn thấy ba người đi trước. Người cưỡi ngựa hồng đi giữ, đầu đội khăn đoạn bảo lam, mình mặc tiễn tụ bào màu lam, mặt vàng như nghệ, lông đen áp tai, dao đeo bên sườn, thương cài sau lưng; người bên phải cưỡi ngựa màu đen, mặc áo choàng đen, gương mặt đen bóng, cũng kẹp một cây thương; người bên trái cưỡi một con ngựa bạch, mặc áo lụa trắng, mặt trắng, cũng cài một ngọn thương. Ba vị trại chủ đến gần, vỗ ngựa hỏi:
- Trước mặt chúng tôi là ai?
Châu Khôn nói:
- Tôi là Bắc tiêu đầu Thiết đầu thái tuế Châu khôn, hôm nay cùng anh chị tôi đi qua đây, muốn mượn đường một lần, hôm sau sẽ đến cảm tạ.
Vị trại chủ mặt vàng hỏi:
- Lệnh thân là ai vậy?
- Anh rể tôi là đả hổ anh hùng Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng.
Ba vị trại chủ nghe nói, “a” lên một tiếng, nói:
- Té ra là Ðậu đại ca!
Nói rồi ba người lật đật nhảy xuống ngựa, bước tới hành lễ.*
Hồi Thứ 178
(^)
Núi Thúy Vân, anh hùng làm thảo khấu
Lục Hình đình hiến gái đẹp gạt người
Nghe Châu Khôn nói anh rể mình là Ðả hổ anh hùng Hắc diện báo Ðậu Vĩnh Hàng, ba vị trại chủ lật đật xuống ngựa bước tới hành lễ, nói:
- Té ra là Ðậu huynh trưởng, hèn lâu mới gặp.
Ðậu Vĩnh Hàng nhìn lại ba vị trại chủ đều không quen, liền vội vàng đáp lễ, nói:
- Quý tánh của ba vị trại chủ là chi? Tôi thật là mới gặp lần đầu.
- Ðậu đại ca là bậc quý nhơn hay quên, xin mời lên sơn trại rồi sẽ trình bày sau.
Ðậu Vĩnh Hàng không lẽ không đi, bèn theo mọi người đi lên núi. Ðến cổng trại nhìn thấy tòa đại trại này nhà cửa rất nhiều. Tiến vào cửa đại trại đầu, giao ngựa cho tùng nhân rồi vào thẳng Tụ nghĩa đường. Ngồi xuống xong, các thủ hạ dâng trà. Châu Khôn nói:
- Chưa được lãnh giáo tôn tánh của ba vị trại chủ.
Vị trại chủ mặt vàng nói:
- Chúng ta là người nhà trăm năm về trước. Tôi cũng họ Châu tên là Hổ, có ngoại hiệu nho nhỏ là Tiếu diện tỳ hưu. Còn đây là hai em kết nghĩa của tôi.
Nói rồi lấy tay chỉ người mặt đen nói:
- Chú ấy kêu là Thiết bối tử Cao Trân, còn chú mặt trắng kia gọi là Hắc mao sái Cao Thuận. Tòa núi này tên là Thúy Vân Phong. Ðậu huynh trưởng, các vị từ đâu đến đây?
Châu Khôn nói:
- Thôi, đừng thắc mắc nữa! Anh rể tôi ngụ tại thành Lâm An, vô cớ gặp phải việc oan rất là oan khuất, may mắn gặp được một vị cao tăng cứu chúng tôi ra khỏi đầm rồng hang hổ. Tôi định cùng anh ấy đi đến nhà bạn, qua đường này gặp ba vị trại chủ ở đây. Không biết ba vị trại chủ làm thế nào mà quen biết anh rể tôi như thế?
Châu Hổ nói:
- Ba anh em chúng tôi đóng ở đây lâu rồi, vâng lệnh ủy phái chúng tôi ở đây. Từ lâu thanh danh Ðậu huynh trưởng vang vội xa gần, hôm nay mới gặp mặt, thật là tam sanh hữu hạnh! Trước đây chúng tôi có cho người đi mời Ðậu đại ca hai lần nhưng không tìm được chỗ ở, hôm nay may mắn gặp được ở đây. Ðậu đại ca, Châu hiền đệ, hai vị đừng đi đâu nữa làm chi!
Ðậu Vĩnh Hàng hỏi:
- Mấy vị chiếm cứ núi này, làm sao còn có cấp trên nữa?
- Chúng tôi chiếm cứ núi này cốt để chiêu tụ anh hùng trong thiên hạ, tương lai chúng tôi đều giữ chức Khai quốc đại tướng quân cả.
- Ba vị nguyên là tướng quân của Ðại Tống ư?
- Không phải là quan chức của Ðại Tống đâu. Tôi có một vị Tổ sư gia tên là Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong. Ông ấy có một thứ bửu bối tên là Càn khôn tí ngọ hỗn nguơn bát. Lão nhân gia giỏi về tính toán, khóe biết về quá khứ vị lai. Ở giữa Bình Sa Giang tại Thường Châu có một tòa núi tên là Ngọa Ngưu Ky, trên núi có một cái miếu tên là Từ Vân quán. Hiện tại trong miếu đó có Tiền điện chân nhân, Hậu điện chân nhân, Tả điện chân nhân, Hữu điện chân nhân. Có hơn 500 vị lục lâm muốn thiết lập Huân Hương hội. Ai nấy đều dừng chân ở miếu đó. Ðậu đại ca, anh đừng đi đâu, nên ở lại núi này đi. Chúng tôi sẽ gởi cho Tổ sư gia ở Từ Vân quán một phong thơ, chờ Tổ sư gia hồi âm, các anh sẽ giúp chúng tôi cùng hoàn thành đại nghiệp. Tương lai thế nào cũng được một chức hoặc nữa chức quan chớ chẳng không.
Ðậu Vĩnh Hàng suy nghĩ: “Tạm thời không chỗ nào có thể đến được, chỉ nên hứa trước ở đây đã”. Nghĩ rồi bèn ưng thuận. Châu Hổ liền sai người cho quét dọn riêng một căn nhà cho vợ chồng Ðậu Vĩnh Hàng, có vú em hầu hạ. Châu Khôn cũng ở trên núi đó. Tiếu diện tỳ hưu sai người đem sang Từ Vân quán một phong thơ. Suốt ngày, các vị trại chủ cùng vầy đoàn một chỗ. Thời gian thấm thoát, ngày tháng như thoi, một hôm mọi người đang nói chuyện ở đại sảnh, Ðậu Vĩnh Hàng nhắc lại hồi ở Lâm An bị Vương Thắng Tiên làm nhục, thật là đáng giận! Châu Hổ nói:
- Không hề chi! Tương lai chúng ta thành công rồi thì có thể báo thù.
Ðương nói tới đó thì bên ngoài một tên lâu la chạy vào phi báo:
- Bẩm các vị trại chủ, dưới núi hiện có quan Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn ở thành Lâm An đang trở về nhà, đi ngang qua dưới núi, chúng tôi chạy ra ngăn kiệu lại; ông ta đưa một tấm danh thiếp, nói là bái vọng trại chủ, mượn đường qua núi.
Tiếu diện tỳ hưu Châu Hổ nghe nói, bảo:
- Cao hiền đệ, mấy em ai biết Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn?
Cao Trân, Cao Thuận đều lắc đầu không biết. Châu Hổ lại hỏi:
- Ðậu huynh trưởng có quen biết không?
Ðậu Vĩnh Hàng nghe đến tên Lục Bính Văn, giận đến nỗi sắc mặt tái xanh, nói:
- Ba vị trại chủ không biết, Lục Bính Văn với tôi có một mối thù sâu tợ biển. Tôi ở thành Lâm An bị hắn vu cáo đạo tặc bắt tôi bỏ ngục, gạt vợ tôi đem đi đưa cho Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên, hại cho cả nhà tôi tan nát. Nếu không nhờ Tế Công cứu cho thì chúng tôi đều bị chết trong tay hắn. Tế Công đã nói cho tôi biết trước, hắn là kẻ cừu thù của tôi. Hôm nay hắn đã đến đây, tôi đâu có thể để yên cho hắn? Ba vị trại chủ đã không quen biết với tên Lục Bính Văn này thì để cho tôi báo cừu rửa hận.
Nói rồi cầm lấy con dao, chạy bay ra ngoài.
Lục Bính Văn tại sao lại đến đây? Trong đó phải có một đoạn duyên cớ. Nhơn vì trước đây Lục Bính Văn thả Ðậu Vĩnh Hàng ra, sau khi tỉnh trí lại bèn sai người xét bắt, nhưng không bắt được, ông ta tính thầm: “Việc này đã tâu lên hoàng thượng rồi, làm sao mà ém nhẹm được!”. Nghĩ rồi lật đật ngồi kiệu đến nhà Vương Thắng Tiên và được mời vào thư phòng. Lục Bính Văn hành lễ Vương Thắng Tiên xong rồi nói:
- Lão gia, xin cứu môn sinh với. Bị rắc rối rồi!
- Hiền khế có việc gì thế? Chậm chậm hãy nói.
- Hiện giờ Ðậu Vĩnh Hàng chặn đường cướp bạc ở Bạch Sa Cương đã trốn thoát rồi. Sự việc này đã tâu lên thánh thượng biết, cầu xin lão sư gia che chở giùm cho môn sinh với.
Vương Thắng Tiên nghe nhắc tới việc này, đùng đùng nổi giận, nói:
- Ðậu Vĩnh Hàng là cừu nhân của ta, ngươi không biết sao? Hỏa thiêu lầu Hợp Hoan làm cho người đẹp của ta bị chết cháy trong đó, ta mất không cả về người lẫn của mà còn thả Ðậu Vĩnh Hàng ra để nó cầm dao đến thí mạng ta à! Ðến nước này ngươi còn bảo ta che chở cho ngươi, chừng nó đến kiếm ta báo cừu thì ai che chở cho ta? Ngươi tự mình làm thì tự mình chịu lấy, ta cũng không có cách nào giúp ngươi được, ngươi hãy về đi.
Lục Bính Văn như đâm đầu vào cọc, không còn cách nào hơn, đành phải cáo từ. Ngồi trên kiệu trở về nha môn tìm cách chạy chọt sau. Ðang ngồi trên kiệu đi tới trước, Lục Bính Văn bỗng thấy bên con đường lớn một người đẹp đang đứng, thật là thiên kiều bách mị, như hoa tự ngọc, Lục Bính Văn bỗng nhiên nảy sinh ý mới: “Vương Thắng Tiên rất thích người đẹp, muốn nhờ ông ta giúp, nếu không đưa người đẹp đến cho ông ta thì khó làm cho ông ta động lòng”. Nghĩ rồi liền bảo dừng kiệu lại, hỏi:
- Người đứng bên đường là ai vậy?
Ðương sai đáp:
- Không có ai, chỉ có mỗi người bán tranh thôi.
Lục Bính Văn định thần nhìn lại, thì ra đó là một bức họa đang treo, trên có vẽ hình một người đẹp, trông giống như thiệt. Ðứng kế bức họa là người bán tranh, phục sức theo lối nho lưu tú tài, tuấn tú hơn người. Lục Bính Văn liền gọi người bán tranh đến gần hỏi:
- Bức tranh người đẹp đó bán bao nhiêu tiền?
- Ðại nhân muốn mua, tôi không dám lấy đắt, chỉ cần đưa một trăm lượng bạc thôi, ít nữa tôi không bán.
- Một bức tranh giá gì mà nhiều thế?
- Bức tranh này đắt giá vì công phu rất nhiều. Món hàng này chỉ dành cho bậc thức giả minh công sành điệu. Bức tranh của tôi ngày âm u không vẽ, ngày mưa không vẽ, gió mạnh, đại hàn, nóng bức cũng không vẽ, mỗi khi gặp ngày trong sáng mới đem ra vẽ vài nét. Hơi có một chút không cao hứng thì cũng không vẽ. Bức họa này tôi vẽ mất hơn một năm mới thành, có thần như thế. Cho nên ít nữa không bán vậy.
- Quý tánh tiên sinh là gì?
- Tôi họ Mai, có tên đôi là Thành Ngọc.
- Tiên sinh là người ở đâu?
- Tôi nguyên là dân ở phủ Trấn Giang.
- Tiên sinh đến kinh đô làm gì?
- Nhân vì song thân đã qua đời, tôi đưa cô em lên kinh đô, ở tạm nhà thân thích; làm việc gì có hai nhà giúp đỡ qua lại cũng tiện. Hiện tại anh em tôi ở nhờ đằng ngõ thứ hai tại hẽm Thanh Trúc để vẽ tranh sống qua ngày.
Lục Bính Văn trong lòng bỗng nghĩ: “Mỗi khi vẽ một nét đều có ảnh hưởng đến ngũ quan của người, xem ra Mai Thành Ngọc tướng mạo thanh tú, đại khái em gái anh ta chắc phải đẹp lắm”. Nghĩ rồi nói:
- Tiên sinh hãy cuốn bức họa này lại theo ta về nha môn.
Mai Thành Ngọc bèn cầm bức họa cùng theo về nha môn. Quan kinh doanh điện soái mời Mai Thành Ngọc vào thư phòng rồi hỏi:
- Tiên sinh, trong nhà được mấy người?
- Chỉ có hai anh em tôi thôi.
- Tiên sinh! Lệnh muội cũng biết vẽ nữa phải không?
- Cũng biết vẽ.
Lục Bính Văn lập tức kêu người cân 100 lượng bạc giao cho Mai Thành Ngọc. Lục Bính Văn nói:
- Tiên sinh nên nán lại ở đây hoặc có thể tôi còn muốn nhờ tiên sinh vẽ cho ít tấm bình phong.
Mai Thành Ngọc trong lòng rất vui vẽ, bèn chịu ở nán lại; rồi cáo từ ra về.
Sáng sớm ngày hôm sau, Lục Bính Văn sai một bà vú em đem theo hai bao điểm tâm, dạy bà vú mấy câu rồi bảo ngồi lên một chiếc kiệu nhỏ thẳng đến ngõ thứ hai hẻm Thanh Trúc. Ðến nơi hỏi thăm nhà của Mai tiên sinh vẽ tranh. Khi đã hỏi thăm rõ ràng bèn đến ngay cửa hạ kiệu, gọi cửa.
Mai Thành Ngọc lúc đó cùng em là Bích Hòan đang bàn luận ở trong nhà, nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa. Mai Thành Ngọc ra mở cửa xem thì thấy đó là một người vú em bèn hỏi:
- Bà tìm ai?
- Tôi là người của nha môn Kinh doanh điện soái đại nhân. Chỉ vì hôm qua đại nhân chúng tôi mua bức tranh của tiên sinh đem về, phu nhân chúng tôi xem thấy rất thích, bảo tôi đến nhà tìm tiên sinh để vẽ thêm mấy bức nữa. Tôi vào nhà tiên sinh quấy rầy một chút được không?
Mai Thành Ngọc nghĩ thầm: “Bà ta là vú em, mời vào nhà có hề chi!”. Lập tức mời vào nhà bên trong, Bích Hoàn cô nương tự nhiên cũng gặp mặt. Bà vú em thấy vị cô nương này quả thật là mặt như thiên tiên. Lục Bính Văn phái vú em đến cốt xem mặt cô nương này, nếu như cô đẹp đẽ thì mời Mai Thành Ngọc đi, còn như mặt mày coi bình thường thì không luận đến nữa. Vú em thấy vị cô nương này quả là thiên kiều bá mị, mới nói:
- Ðại nhân chúng tôi bảo tôi đến mời tiên sinh đến nha môn nói chuyện, ngài còn muốn vẽ một số tranh nữa, tôi không nhớ là bao nhiêu! Tiên sinh đích thân đến gặp đại nhân chúng tôi nói chuyện tốt hơn, sẵn dịp định giá cả luôn.
Mai Thành Ngọc nghĩ rằng: “Quá tốt”. Lập tức cùng theo vú em đi đến nha môn.*
Hồi Thứ 179
(^)
Mai Thành Ngọc nguy khốn gặp anh họ
Ðiểm chó trắng cợt đùa kinh gian đảng
Mai Thành Ngọc cùng bà vú em đi đên nha môn quan Hình đình. Vú em vào trước bẩm báo, Lục Bính Văn mời ngay Mai Thành Ngọc vào thư phòng, giả bộ cung kinh nói:
- Mời tiên sinh ngồi.
Mai Thành Ngọc nghĩ thầm: “Ta là một nhà nho nghèo. Hình đình đại nhân cung kính như thế, ta cảm thấy có điều khác lạ”. Ngồi nói chuyện một lát, Lục Bính Văn hỏi:
- Tiên sinh năm nay được bao nhiêu niên kỷ?
- Tiên sinh năm nay 27 tuổi.
- Nghe nói trong nhà tiên sinh có một vị lịnh muội, mà không có vú em, đây thiệt là duyên trời vừa hợp, tôi xin bảo đảm với tiên sinh một đám cầu thân nhé! Hiện tại có quan Ðại lý tự chánh khanh Hoa hoa thái tuế Vương đại nhân, vợ mới chết còn chưa tục huyền, tôi đảm bảo với tiên sinh, đám này rất tốt.
Mai Thành Ngọc đến Lâm An ở được mấy tháng, đã từng thấy từng nghe, biết Vương Thắng Tiên là tên ác bá tại địa phương, nên lật đật nói:
- Tiểu sinh là một nhà nho nghèo, đâu dám với cao, xin đại nhân không cần phải lo nghĩ.
- Tiên sinh, đừng nên chối từ. Ðám cầu thân này tiên sinh muốn tìm cũng không ra đâu! Vương đại nhân là em của Tần Thừa tướng đương triều, ông ta lại là sư phụ của tôi, gả cho đám này, luận về thân thích, tương lai tiên sinh sẽ là cậu của tôi đấy.
Mai Thành Ngọc trong bụng nghĩ thầm: “Mình không nhận làm cậu hắn chắc là bị mắng quá!”. Nghĩ rồi bèn nói:
- Xin đại nhân an tâm, tôi xin lãnh nhận thịnh tình; việc này tôi cũng không thể tự chủ được, phải trở về thương lượng cùng cô em mới xong.
- Không phải thương lượng, tiên sinh không muốn cũng phải muốn thôi. Ðây, tiên sinh hãy cầm 200 lượng bạc này đem về làm của sính lễ, cũng không cần phải chưng dọn chi, lựa ngày tốt sẽ đến rước dâu. Tiên sinh cứ về chờ tin nhé! Việc này tôi đã làm chủ rồi đấy!
Mai Thành Ngọc không lấy bạc cũng không được vì có lệnh bảo anh ta phải lấy mà! Mai Thành Ngọc không còn cách nào khác, bèn cầm 200 lượng bạc trở về nhà. Vừa gặp cô nương, anh ta nói:
- Em ơi, mau gom góp đồ đạc tế nhuyễn rồi chúng ta trốn đi cho mau nhé! Ta đi thuê thuyền đây.
Cô nương nói:
- Ôi, anh gặp việc gì mà có vẻ vội vàng thế?
- Anh không cần nói cho em hay, không có thì giờ nữa, em nên mau thu xếp đi, anh đi thuê thuyền đây.
Nói rồi Mai Thành Ngọc từ trong nhà đi ra, nào ngờ vừa đến đầu ngõ phía Ðông thấy có hai vị Ban đầu cùng với 10 người lính chực sẵn ở đó. Thấy Mai Thành Ngọc họ nói:
- Mai tiên sinh đi đâu vậy? Bọn tôi vâng lệnh quan Kinh doanh điện soái canh giữ ở đây. Tiên sinh định trốn đi hả? Ðâu có được! Tiên sinh muốn đi cũng được, mà hãy để gia quyến lại.
Mai Thành Ngọc nghe nói, ngạc nhiên tự nghĩ: “Mình muốn trốn, nào ngờ Lục Bính Văn đã sai người canh giữ rồi!”. Bèn quẹo qua hướng Tây. Ở đầu ngõ hướng Tây cũng gặp hai vị Ban đầu và mười người lính chực sẵn ở đó. Mai Thành Ngọc thấy vậy, trong lòng quá lo lắng: “Việc này phải làm sao đây?”. Còn đương ngây người suy nghĩ thì đầu kia có một người đi lại hỏi:
- Hiền đệ, làm sao mà đứng ngây người như vậy?
Mai Thành Ngọc vừa thấy người này bèn nói:
- Biểu huynh ơi, anh đến thiệt là hay quá, em đang gặp một tai họa tày trời đây!
Người vừa mới đến không ai khác mà là Thám nan thủ vật Triệu Bân. Nguyên mẹ của Triệu Bân là cô của Mai Thành Ngọc, hai người này là anh em cô cậu. Triệu Bân thấy Mai Thành Ngọc có dáng vẻ quá sợ hãi như vậy mới hỏi:
- Hiền đệ có việc gì thế?
- Mời anh đến nhà, em sẽ nói sau.
Hai người cùng về nhà Mai Thành Ngọc. Triệu Bân hỏi:
- Hiền đệ gặp việc gì vậy?
- Em vì bán tranh mà gánh cái họa này.
- Sao vậy?
Mai Thành Ngọc mới đem việc Lục Bính Văn ra lịnh cầu thân nói ra một lượt và bảo:
- Bây giờ muốn trốn cũng trốn không được. Hai đầu ngõ đều có quan binh chặn hết. Huynh trưởng có cao kiến gì bày cho em với.
Triệu Bân nghe rồi mắt long song sọc nói:
- Hay cho bọn chó đẻ này, hết cướp người lại hại người dám khi phụ em của ta chớ! Ðể ta xách dao tới phủ Kinh doanh điện soái gặp ai giết nấy, chém tận giết tuyệt rồi đến chỗ Vương Thắng Tiên giết hết cả nhà mới hả cơn giận của ta.
- Huynh trưởng nói như vậy không được đâu! Một mình anh đâu có thể tạo phản với bao nhiêu binh lính ở phủ Kinh doanh điện soái? Anh chỉ giết được một hai người rồi bị người ta bắt thì bậy bạ lắm đó. Vả lại anh không anh không em, chẳng những cứu không được em đây mà còn bị liên lụy đến mình, chừng đó cô ở nhà phải làm sao? Nghĩ như huynh trưởng không phải là kế an toàn đâu!
Triệu Bân nghe như vậy, yên lặng suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Ta có dụng ý rồi.
- Huynh trưởng có cao kiến gì thế?
- Ta có vị sư phó. Ðó là Tế Công Phật sống của chùa Linh Ẩn, lão nhân gia là người rành tướng số, biết rõ việc quá khứ vị lai. Anh em ta hãy mời Ngài đến tính việc này mới xong.
- Cũng được! Mai Thành Ngọc đáp.
Hai người vừa đi khỏi nhà không xa thì thấy Tế Ðiên bước thấp bước cao, ngã xiêu ngã tó, khật khà khật khưỡng đi lại. Triệu Bân vừa thấy liền nói:
- Chà hay quá, Tế Công lão nhân gia tới kìa!
Nói rồi lật đật bước tới hành lễ, nói:
- Sư phó ở trên, đệ tử xin kính lễ! Con định đi tìm lão nhân gia đây.
- Triệu Bân, con hãy đứng dậy đi, không cần phải hành lễ.
Triệu Bân nói:
- Hiền đệ, em hãy ra mắt đi! Ðây là Tế Công, sư phó của anh đó.
Mai Thành Ngọc thấy Hòa thượng rách rưới quá mức trong lòng có vẻ coi thường, bước tới vái chào qua loa. Triệu Bân nói:
- Thưa sư phó, đây là Mai Thành Ngọc, biểu đệ của con.
- Con muốn tìm ta có việc gì?
- Sư phó đi với con đến nhà biểu đệ đây rồi sẽ nói.
- Cũng được!
Tế Ðiên đi theo Triệu Bân về nhà Mai Thành Ngọc. Ðến nơi, mời Tế Ðiên ngồi xong, Triệu Bân nói:
- Bạch sư phó, xin người đại phát lòng từ bi cho. Em con gặp phải, một tai họa tày trời!
- Con không cần nói ta cũng biết rồi. Hai con mau đi vào nhà trong xem thử! Trong nhà loạn cả lên rồi đó.
Triệu Bân, Mai Thành Ngọc nghe nói có điều khác lạ, lật đật chạy vào nhà, thấy Bích Hoàn cô nương đang treo tòn ten trên dây thừng làm Mai Thành Ngọc và mọi người hoảng sợ mướt cả mồ hôi. Bích Hoàn cô nương mạng chưa tuyệt hẳn, may mà thời gian treo cổ chưa lâu. Mai Thành Ngọc lật đật đỡ em xuống cứu tỉnh, từ từ kêu gọi, cô nương mới lấy hơi lại được. Mai Thành Ngọc nói:
- Hiền muội ơi, em không nên nghĩ quẩn như vậy! Anh em ta chỉ có hai người, nếu em chết đi còn lại một mình ta trơ trọi, ta biết nương tựa vào ai? Bây giờ có biểu huynh mời được Phật sống Tế Công ở chùa Linh Ẩn tới đây, lão nhân gia chắc chắn sẽ cứu được chúng ta, hiền muội đừng nên nghĩ lo bậy bạ nữa.
Nói xong, nghĩ lại hoàn cảnh mình, Mai Thành Ngọc lệ tuôn lã chả. Tế Ðiên nói:
- Mai Thành Ngọc, Triệu Bân hãy ra đây!
- Sư phó, giờ phải làm sao?
- Mai Thành Ngọc, ngươi hãy đi ngay đến phủ Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn, nói là đã thương lượng với em gái ngươi xong, đòi phải có 1.000 lượng bạc, một bộ trang sức bằng vàng thiệt, áo ngoài áo lót quần kép quần đơn đều phải là thứ lụa là thượng hạng, một mâm đủ cả sơn hào hải vị. Mọi thứ phải đem đến ngay để tối nay đưa kiệu đến rước người. Nếu không đủ cả mọi thứ yêu cầu sẽ không cho rước cô nương đâu.
Mai Thành Ngọc nói:
- Sư phó nói như vậy, nhỡ họ ưng thuận đem đồ đến và đưa kiệu đến rước dâu thì phải làm sao?
- Không hề gì. Ngươi cứ đi lo chuyện đó đi! Họ có đưa đồ đến, tự nhiên sẽ có người lên kiệu mà!
- Ai vậy?
- Ta thấy trong nhà này không phải có con chó trắng sao? Chừng đó cho nó lêu kiệu.
- Như vậy làm sao được?
- Ngươi đừng lo, ta bảo đảm được mà!
Triệu Bân nói:
- Sư phó bảo em đi thì em cứ đi đi, sư phó thần thông quảng đại, pháp thuật vô biên, Ngài có cách của Ngài mà.
Mai Thành Ngọc nữa tin nữa ngờ, nhưng cũng nghe lời ra đi. Ra đến đầu ngõ, các quan nhân hỏi:
- Mai tiên sinh đi đâu đó?
- Tôi đến nha môn Kinh doanh điện soái gặp Lục đại nhân.
- Phải, tiên sinh cứ đi đi!
Mai Thành Ngọc đi thẳng đến nha môn Hình đình, gia nhân vào bẩm báo, Lục Bính Văn ra lệnh mời vào và đưa Mai Thành Ngọc vào thư phòng, hỏi:
- Tiên sinh đến đây có việc gì?
- Tôi về nhà thương lượng với em gái tôi, nó đã đồng ý, nhưng đòi 1.000 lượng bạc, một bộ đồ trang sức bằng vàng thiệt, bộ quần aó bằng lụa là thượng hạng, một mâm đủ cả sơn hào hải vị. Tất cả đều đem đến ngay đủ thì tối nay đại nhân đưa kiệu đến rước người. Nếu không đưa bạc cho tôi thì việc đó không thành đâu. Còn nói sau khi gả em rồi, ông ta là nhà hào phú, tôi lại không tiền, vai vế thân thích cũng không tròn được, không đưa cho tôi những đồ vật ấy thì việc đó khó bàn luận lắm!
Lục Bính Văn nghe vậy, trong bụng khoái tỉ, nói:
- Chỉ cần tiên sinh bằng lòng thì tiền bạc và đồ vật có sẵn đây. Tiên sinh cứ về đi, lát nữa tôi sẽ phái người đem bạc, quần áo, đồ trang sức, tiệc rượu đến ngay.
Mai Thành Ngọc cáo từ trở về nhà, nói:
- Sư phụ, Lục Bính Văn đều ưng thuận hết.
- Ðược!
Nói câu đó chưa xong thì Lục Bính Văn sai người đem bạc và đồ vật tới, Tế Ðiên nói:
- Dọn rượu lên, chúng ta cùng uống nào!
Mai Thành Ngọc nói:
- Sư phụ, lát nữa kiệu sẽ đến rước đấy!
- Ngươi đi mua trước cho ta bốn cái xiên để nướng, nửa cân thịt bò muối để ta cho chó trắng ăn lên kiệu coi nào!
Mai Thành Ngọc lập tức đi ra bên ngoài mua thịt bò nướng về. Tế Ðiên hỏi:
- Trong nhà có dây đỏ và son phấn không?
- Có.
- Ðem ra đây!
Lập tức đem bốn cây xiên ra, mỗi cây xiên hai lượng thịt bò. Tế Ðiên nói:
Triệu Bân, con hãy ra cửa Tiền Ðường thuê trước một chiếc thuyền, chuẩn bị sẵn sàng. Mai Thành Ngọc, ngươi hãy gom góp tất cả đồ tế nhuyễn trong nhà cho nhanh lên. Lát nữa ta đưa chó lên kiệu đi rồi, tức thì Triệu Bân con hãy đưa biểu đệ, biểu muội của con đi trốn nhé! Nếu không, chừng chó trắng hiện nguyên hình, họ nhất định sẽ đến bắt con đấy!
Triệu Bân gật đầu ưng thuận. Tế Ðiên bè vẩy tay gọi chó trắng lại, La Hán gia mới thi triển Phật pháp, đại hiển thần thông, điểm hóa cho con chó trắng biến làm người đẹp báo ứng Vương Thắng Tiên.*
Hồi Thứ 180
(^)
Cưới người đẹp chó trắng náo động phòng
Bị cách chức giữa đường gặp cướp núi
Tế Ðiên vẫy gọi chó trắng lại, lấy bốn xiên thịt nướng cho chó trắng ăn. Chó trắng lắc đầu vẫy đuôi nhảy nhót vui mừng. Cho chó ăn xong, Tế Ðiên lấy dây đỏ cột tay chó cho sát xuống và cột miệng cho luôn, đoạn lấy son phấn tô lên, lấy quần áo cho mặc và giày đỏ tra vào chân chó trắng. Tế Ðiên niệm chân ngôn: “Án ma ni bát mê hồng!”. Lấy tay rờ vào mặt chó trắng, nói:
Khắp người lông trắng mỏ đen,
Lắc đầu vẫy đuôi ra oai,
Ngày thì canh cửa đêm canh trộm,
Chủ nhân nghèo cũng chẳng ăn năn,
Chó lành chẳng hề sủa bậy,
Tối nay vào chốn hương khuê,
Bần đạo điểm hóa ngươi xinh đẹp,
Ðể đi báo ứng Thắng Tiên Vương.
Tế Ðiên dùng pháp thuật điểm hóa cho chó trắng xong, Triệu Bân, Mai Thành Ngọc nhìn lại, thấy chó trắng đã biến thành người đẹp thiên kiều bách mị, rất vui mừng. Triệu Bân lật đật ra cửa Tiền Ðường thuê thuyền xong, trở về cùng Tế Ðiên tiếp tục bày tiệc. Uống cho đến lúc trời đã lên đèn, nghe bên ngoài tiếng trống vang lừng, kiệu hoa đã đến. Lục Bính Văn sau khi sai người đưa bạc và vật dụng đến nhà Mai Thành Ngọc xong liền cầm bức họa người đẹp đến nhà Vương Thắng Tiên, Lục Bính Văn nói:
- Xin chúc mừng lão sư.
Vương Thắng Tiên từ khi hỏa thiêu Hợp Hoan lầu, cứ đinh ninh người đẹp bị chết thiêu nên lòng càng nhớ tưởng mãi không một khắc nào quên. Hôm nay nghe Lục Bính Văn đến nói chúc mừng, bèn hỏi:
- Ta có gì mừng đâu nào?
- Môn sinh rước về cho lão sư một người đẹp, công việc đã xong xuôi. Vị cô nương này tự họa cho mình một bức chân dung. Lão sư gia xem bức họa này thử, thiệt giống như người không khác.
Vương Thắng Tiên mở bức họa người đẹp ra xem rồi nói:
- Trên đời sao có người đẹp như thế này?
- Hiện tại có đấy, môn sinh đã thu xếp ổn thỏa cho lão sư rồi. Ðó là em gái của Mai Thành Ngọc ở ngõ thứ hai hẻm Thanh Trúc. Quy định là tối nay đem kiệu rước đưa đến cho lão sư thành thân, gặp mặt là biết liền thôi.
Vương Thắng Tiên vốn là tên bợm háo sắc, nghe nói như vậy chịu quá:
- Hiền khế cực khổ vì ta quá, ta thật hổ thẹn.
- Chỉ cần lão nhân gia che chở cho môn sinh về việc thả Ðậu Vĩnh Hàng khỏi bị cách chức là được.
- Ôi, đó là việc nhỏ, dễ thôi, dễ thôi!
Nói rồi Vương Thắng Tiên bảo gia nhân dọn tiệc để cùng Lục Bính Văn đối ẩm, một mạch sai gia nhân tìm thuê một chiếc kiệu hoa để đi rước dâu. Hễ có tiền thì việc gì cũng xong. Trong chốc lát mọi việc đều sẵn sàng. Trống nhạ vang trời, kiệu hoa đi thẳng đến ngõ thứ hai ở hẻm Thanh Trúc. Tế Ðiên đã sắp đặt trước, thấy kiệu hoa đến bảo đóng chặt cửa không cho vào, ra lệnh thổi kèn đánh trống một chặp cho rôm rả! Bên ngoài kèn trống nổi lên inh ỏi. Tế Ðiên hô:
- Thổi bài mở cửa, công xích thượng liễu thanh nương, phát phấn điệp.
- Thổi xong đưa bao lì xì, phải đưa bao vô cho thật nhiều, Tế Ðiên mới cho kiệu vào. Lại bảo Mai Thành Ngọc nói:
- Khi tân nhân lên kiệu, rất kị người lạ mặt, kiệu phải đem vào sát cửa.
Kiệu phu dạ, khiêng kiệu vào tận cửa. Tế Ðiên bồng chó trắng để vào trong kiệu. Do pháp thuật của Tế Ðiên, chó trắng ngồi yên trong kiệu không phát ra được tiếng nào, kèn trống nổi lên inh ỏi, kiệu phu khiêng kiệu đi về nhà Vương Thắng Tiên. Tới nơi, vú em ra vèn rèm lên dìu chó trắng xuống kiệu. Vương Thắng Tiên nhìn thấy quả là người đẹp vô cùng, đôi chân mang giày nhỏ xíu. Tế cáo trời đất xong, Vương Thắng Tiên vui mừng quá mức, ngồi vào trong trướng mà trên bàn tiệc rượu đã dọn sẵn, mọi người xúm lại mời tân nhân ăn. Tân nhân không nói cũng không ăn. Ai nấy đều lại dòm mặt người đẹp. Do pháp thuật của Tế Ðiên, chó trắng muốn nhúc nhích cũng không được. Thấy cả nhà đều lạ mặt, nó tức giận lắm. Nó tức giận vì thấy đồ ăn đầy bàn mà không thể nào mở miệng được.
Ðến chừng trống đổ canh hai, Lục Bính Văn nói:
- Xin mời lão sư vào động phòng! Lát nữa môn sinh cũng về, ngày mai sẽ đến chúc mừng!
Vương Thắng Tiên vào trong phòng nhìn lại, người đẹp ngồi đó mà không nói lời nào. Vú em muốn giúp tân nhân trút bỏ áo xiêm nên bước tới mở dây cột ra, mở luôn cột miệng của chó trắng. Vương Thắng Tiên lúc đó mới bảo:
- Các vú em hãy ra đi!
Mấy vú em đều lui ra hết. Vương Thắng Tiên vội vàng bước tới, nói”
- Người đẹp ơi, nàng không nên mắc cỡ! Ðây là đạo lý của nhân gian, chúng ta sẽ là chồng vợ mà!
Nói rồi, tên tiểu tử này dâm tâm nổi dậy, bước tới ôm choàng chó trắng kê miệng định hôn. Chó trắng đang tức giận sẵn, nhằm ngay mặt Vương Thắng Tiên phập một cái, ngoạm sứt chiếc mũi của hắn. Lúc này chó trắng đã hiện lại nguyên hình, mang luôn cả áo xiêm chạy tuốt ra ngoài, Vương Thắng Tiên bị táp đau quá nằm lăn ra mà hét:
- Cẩu tinh, cẩu tinh.
Gia nhân nghe lạ quá, không ai dám bắt chó lại. Sau khi chó chạy đi rồi, chạy đến lượm chiếc mũi của Vương Thắng Tiên, thừa lúc máu nóng còn chảy đem gắn nó lại. Lại cho tìm Lục Bính Văn. Lục Bính Văn đã nghe biết tin đó, lật đật chạy về nha môn, sai người đi bắt Mai Thành Ngọc. Quan nhân tới nơi thì nơi đó chỉ còn nhà trống. Việc của Vương Thắng Tiên cũng không thể ém nhẹm được, ai nấy đều cho là Lục Bính Văn gian kế rắp tâm muốn hãm hại. Mọi người đem việc đó bẩm lại với Thừa tướng. Thừa tướng nghe xong, tức giận nói:
- Em ta là kẻ vô tri, Lục Bính Văn cố tình dẫn dụ hắn nên mới xảy ra việc đáng giận này.
Thừa tướng đem việc này tâu với vua và nói rằng:
- Lục Bính Văn tự ý thả đại đạo Ðậu Vĩnh Hàng, bỏ bê công vụ, hành xử như kẻ lái chợ, nếu còn ở lại quan chức thì mặc ý tung hoành.
Hoàng thượng bèn ban chỉ dụ: Cách ngay chức tước của Lục Bính Văn, vĩnh viễn cũng không thâu dụng nữa. Lục Bính Văn dĩ nhiên là phải bị cách chức.
Khi còn tại chức Hình đình, hắn gom góp cũng được khoảng 8 đến 10 ngàn lạng bạc, hắn bèn cùng phu nhân, tiểu thơ, thiếu gia mướn xe, thuê kiệu từ Lâm An bồng bế nhau về Nam kinh. Một hôm, đoàn người ngựa đang đi ngang dưới núi Thúy Vân, bỗng có mấy mươi tên lâu la chạy ra cản đường. Một tên hét lên:
- Những tên dê non nhạn lẽ trước mặt kia hãy đem vàng bạc nộp tiền mãi lộ, sẽ tha cho được sống. Bằng không nghe lời thì của người đều mất cả đấy!
Lục Bính Văn nghe nói, lật đật thúc ngựa đến trước, cầm một tấm danh thiếp, hỏi:
- Trại chủ của các người họ gì?
Lâu la đáp:
- Ðại trại chủ chúng tôi là Tiếu diện tỳ hưu Châu Hổ.
- Cảm phiền các vị cầm tấm danh thiếp này báo lại là Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn từ nhiệm trở về nhà, đặc biệt đi vòng đường đến vấn an trại chủ và mượn núi đi qua.
Lâu la cầm danh thiếp lên núi báo lại. Châu Hổ, Cao Thuận, Cao Trân ba vị trại chủ nhìn nhau bàn tán nhưng không ai biết mặt. Ðậu Vĩnh Hàng nghe nói người mới đến là Lục Bính Văn, không dằn được cơn thịnh nộ đang sôi sục trong lòng, nói:
- Ba vị trại chủ đã không quen thì được rồi. Lục Bính Văn là kẻ thù của tôi, hãy để cho tôi hôm nay báo thù rửa hận.
Nói rồi, Ðậu Vĩnh Hàng đứng dậy rút phắt con dao định chạy xuống núi. Tiếu diện tỳ hưu Châu Hổ nói:
- Ðậu huynh đài hãy khoan đã. Anh cùng hắn có mối thù gì vậy, nói rõ cho chúng tôi nghe với.
Ðậu Vĩnh Hàng mới đem việc ở Lâm An bị Lục Bính Văn làm hại ra sao, thuật lại từ đầu đến đuôi.
Châu Hổ nói:
- Anh đã có cừu thù với hắn như vậy cũng không cần phải xuống núi giết hắn làm chi. Hắn có chết đi kể như là đã xong đời, như vậy đâu gọi là báo thù. Tôi có chủ ý, không cần phải lấy tính mạng hắn, để tôi xuống núi mời hắn lên sơn trại dùng lời ngon ngọt an ủi hắn. Ba anh em sẽ nói đưa hắn đi một đoạn đường rồi áp giải hắn về Từ Vân quán, nơi ở của Tổ sư gia, đem vợ và con gái hắn cho Tổ sư gia thích cho ai thì cho. Nơi Tổ sư gia có Càn Khôn sở và Phụ nữ doanh. Cho Lục Bính Văn ở đó hầu hạ mọi người, lúc không có việc gì thì lôi hắn ra đánh một trận đầy ải hắn cho nhục nhả tả tơi. Như vậy còn hơn là bắt hắn chết. Sơn trại này nhờ hai anh coi sóc giùm. Lát nữa ba anh em tôi sẽ đưa hắn đi.
Ðậu Vĩnh Hàng nghe nói cũng phải, hỏi Châu Hổ:
- Vậy tôi có cần gặp hắn không?
- Không cần gặp hắn làm gì, để tôi xuống núi gặp hắn thôi.
Nói rồi Châu Hổ, Cao Thuận, Cao Trân cùng kéo xuống núi, Lục Bính Văn ở dưới núi đang lo lắng, Châu Hổ đến gần, nói:
- Té ra đại nhân giá lâm, tiểu khả không đến sớm để tiếp rước, xin chân thành tạ lỗi!
Lục Bính Văn lật đật nói:
- Trại chủ ở trên, tôi là Lục Bính Văn xin ra mắt! Hôm nay xin mượn đường qua núi, hôm khác sẽ đến đáp tạ.
Châu Hổ nói:
- Ðại nhân đã đến tệ sơn, xin mời lên sơn trại giây lát cho biết.
Lục Bính Văn nghe nói, trong bụng đã đánh lô tô, nhưng đâu dám nói không đi. Ba vị trại chủ lập tức cho lâu la áp tải người ngựa lên núi cùng Lục Bính Văn. Vào đến sơn trại, phân ngôi chủ khách tiếp đãi. Lục Bính Văn nói:
- Tôi chưa được lãnh giáo tôn tánh ba vị trại chủ.
Bọn Châu Hổ mỗi người tự xưng tên họ và sai lâu la dọn tiệc khoản đãi Lục Bính Văn. Châu Hổ hỏi:
- Ðại nhân từ đâu đến đây?
- Tôi từ thành Lâm An muốn trở về huyện Thượng Nguyên ở Kim Lăng.
- Hôm nay chúng ta có duyên, lát nữa chúng tôi sẽ đưa đại nhân một đoạn.
- Không cần quý vị nhọc sức, các vị trại chủ khỏi phải làm thế!
- Ðại nhân bất tất phải khiêm nhường, đây là ba anh em chúng tôi muốn đưa đi mà.
Ăn uống xong, ba vị trại chủ dắt theo 100 lâu la đưa Lục Bính Văn xuống Thúy Vân Phong thẳng đến Từ Vân quán ở phủ Thường Châu. Trên núi chỉ còn Ðậu Vĩnh Hàng và Châu Khôn ở lại coi ngó sơn trại. Châu Khôn nói với Ðậu Vĩnh Hàng:
- Anh ơi, Lục Bính Văn phen này sắp gặp báo ứng rồi. Kể ra hắn hại người trở lại hại mình! Bây giờ anh em ta phải làm sao đây!
- Bây giờ coi như chúng ta báo được thù, có điều chúng ta vốn là người dân lương thiện thủ phận bách tính. Bị dính vào việc này không biết gỡ sao cho ra. Bây giờ chúng ta chiếm núi rơi vào số phận thảo khấu, cuối cùng chúng ta phải tính kế khác mới xong.
Anh em ở trên núi năm, sáu ngày, một hôm có lâu la chạy lên núi bẩm báo:
- Hiện tại dưới núi có một người đang đứng trước sơn khẩu mắng chửi om sòm, đòi tiền mãi lộ. Nếu không chịu nộp thì rấn lên núi, gà chó giết hết không chừa một mống!
Ðậu Vĩnh Hàng và Châu Khôn nghe báo, nói:
- Chuyện này lạ dữ đa! Lâu nay người ta chiếm núi xưng đại vương cốt để đón đường cướp của còn đằng này lại muốn lên núi đòi tiền đại vương, thiệt là khi dể ta quá mức!
Hai người vội lấy binh khí, thót lên ngựa dẫn lâu la chạy xuống núi.*
- o0o -
Hồi thứ 161-170 | Mục Lục | Hồi thứ 181
- o0o -
| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |
---o0o---
Vi tính : Diệu Mỹ
Trình bày : Nhị Tường
Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
Cập nhật : 01-7-2003
Nguồn: www.quangduc.com