Truyện Phật Giáo - Chuyện bình thường.

 

...... ... .

 
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO 2004

Chuyện bình thường

Tác giả: Thích Chân Tính

 

Mục Lục

 

 

  

Suy nghĩ kỹ chưa?  ^

Một thiện nam đến chùa xin thế phát xuất gia. Sư ông trụ trì hỏi:

- Chú đã suy nghĩ kỹ chưa?

- Bạch thầy, con đã suy nghĩ kỹ rồi.

Ba tháng sau Sư ông cho xuống tóc. Tu được hơn một năm, một hôm chú đến bạch với Sư ông:

- Mô Phật, bạch thầy, cho phép con được hoàn tục.

Sư ông hỏi:

- Chú đã suy nghĩ kỹ chưa?

- Bạch thầy, con đã suy nghĩ kỹ rồi.

Rồi chú tự động thu dọn hành lý trở về nhà.
 

Trăm thương không bằng một ^

Du tăng Lưu Tâm rất nổi tiếng về tài năng cũng như học vấn. Trên đường hành đạo sư tạm dừng bước tại một thiền viện. Qua sinh hoạt của sư được các thiền sinh rất khâm phục. Họ dành mọi tình cảm cho vị du tăng trẻ tuổi tài cao này và mong người dừng bước du phương tại đây để hoằng pháp lợi sinh.

Tiếng lành đồn xa, không bao lâu trẻ già trai gái tìm đến nghe pháp và thân cận cúng dường rất đông. Sự kiện này khiến cho các thiền sinh càng yêu mến chiều chuộng, dành mọi tình cảm tốt đẹp hầu giữ sư lại thiền viện làm lợi ích Tam Bảo lâu dài.

Một hôm Lưu Tâm bỗng đi biệt tăm với một cô gái trẻ đẹp thường thân cận cúng dường. Cả thiền viện sửng sốt và bàn  tán xôn xao.

Viện chủ thiền viện họp đồ chúng lại và nói:

- Tình thương của hàng trăm thiền sinh không thắng nổi tình yêu của một thiếu nữ.


 

Thật thà quá ^

 

Tại chùa Chân Lý có ni cô Diệu Chân nổi tiếng thật thà như trẻ nít. Trong lòng nghĩ sao ngoài miệng nói vậy chẳng so đo cân nhắc. Nếu ai tiết lộ với cô một điều gì không sớm thì muộn sẽ bị bật mí.  Do tính thật thà này trong chúng không ai dám nói xấu chuyện của người cho cô nghe cả.

Vào dịp lễ Vu Lan. Một tín nữ đem xấp vải lam đến cúng dường. Cô thường mặc y phục nâu nên đã trả lời thẳng thắn:

- Không! Tôi có mặc vải này đâu.

Cô vẫy tay từ chối.

Tín nữ vì chưa biết tính tình cô nên đã buồn giận cầm xấp vải ra về.

Trong chúng nghe kể lại ai cũng lắc đầu cười về tính thật thà quá mức của cô 

 

Bát nhã Ba la mật^

 

Tại buổi giảng kinh của Pháp sư Thông Biện, trong đó có một vị du tăng tu hạnh Ðộc giác đến dự. Vị Pháp sư nói về công đức tu hạnh Bát nhã Ba la mật của Bồ tát vượt trội hơn công đức trí tuệ của hàng Thanh văn, Duyên giác. Vị du tăng thính pháp bất đồng ý kiến về quan điểm này, bèn chất vấn vị Pháp sư:

- Ðã là trí tuệ thì không có sự sai biệt, là bình đẳng. Tại sao ngài so sánh hơn thua?

Vị Pháp sư mỉm cười. Ngài cầm chiếc bật quẹt giơ lên và bật thành ngọn lửa. Ngài hỏi:

- Theo thầy thì ánh sáng của ngọn lửa với ánh sáng của mặt trời có khác không?

Vị tăng Ðộc giác không trả lời. Ngài đứng dậy vái chào vị Pháp sư, đeo bình bát lên vai rồi rời khỏi giảng đường. 

 

Chuyện bình thường^

 

Chùa Vân Môn có khoảng một trăm vị tăng. Sư ông trụ trì nổi tiếng là người bình dị. Trong sinh hoạt thường nhật ngài luôn hòa chúng. Phật tử đến chùa đều kính phục hạnh tu của Sư ông.

Một hôm có một thiện nam đến viếng thăm và tán thán hạnh tu của Sư ông. Sư ông mỉm cười nói:

- Có chi đâu, đó chỉ là một việc bình thường thôi.

Vị khách khẳng định:

- Dạ không, bạch Sư ông, con đã đi nhiều chùa và chưa thấy vị thầy nào thật sự bình đẳng như Sư ông.

- Cư sĩ thấy tôi bình đẳng ở chỗ nào?

- Dạ điển hình là một việc nho nhỏ như ngài lao động chung với Tăng chúng, cùng ngồi ăn chung mâm với chư Tăng, không phân biệt ngôi vị cao thấp. Trong khi ở những nơi khác, địa vị của Sư ông phải ăn trên ngồi trước.

Sư ông bật cười, nói:

- Ðó là vì tôi muốn khỏe mạnh và ăn được thôi. Này nhé, nếu không lao động thì trong người sẽ không biết thèm, không biết đói. Do lẽ đó muốn ăn ngon thì phải lao động. Còn lý do nào tôi ăn với Tăng chúng phải không? Thật ra đây là cơ hội kích thích mình ăn được nhiều thôi.

- Như vậy là sao ạ!

- Thế này, nếu tôi ăn riêng với mâm đầy cỗ ngon dễ khiến mình buồn chán. Nhưng cũng một mâm ấy mà đông người ăn sẽ vui. Do vậy ăn chung với đại chúng sẽ giúp mình ăn được và ăn ngon hơn.

- À , thì ra là thế!

Giới sát ^

Sau buổi thuyết pháp của giảng sư, một cô Phật tử đứng dậy nêu thắc mắc:

- Kính bạch Ðại đức, vừa qua con nghe Ðại đức giảng về giới sát mà con khổ tâm vô cùng.

Giảng sư hỏi:

- Có điều gì thắc mắc thì cô cứ nêu.

- Bạch Ðại đức, cái giường của mẹ con nằm ngủ có rất nhiều rệp, chúng cắn mẹ con đến phát sinh bệnh tật. Bây giờ con phải biết làm sao với lũ rệp đó?

Giảng sư hỏi:

- Mạng sống của mẹ cô quý hay con rệp quý?

- Dạ, dĩ nhiên mạng sống của mẹ con phải quý hơn.

- Vậy thì hãy bắt những con rệp ấy quẳng chúng đi.

Cô trợn mắt nhìn vị giảng sư:

- Nếu thế chúng sẽ chết và như vậy con sẽ phạm vào giới sát.

Vị giảng sư đáp:

- Vậy thì cô để cho những con rệp ấy sống, để cho mẹ cô chết.

 

Nhận lầm ^

 

Hai thanh niên đi đường cùng chiều. Họ nhìn thấy ở lề đường một hộp kiếng, bên trong có thỏi vàng óng ánh. Hai người giành giật nhau để chiếm đoạt.

Một anh nói:

- Tôi thấy trước.

Anh kia cãi:

- Nhưng tôi lượm trước.

Hai người lời qua tiếng lại không nhân nhượng nhau. Cuối cùng để lấy được của, họ phải dùng vũ lực. Hai bên ẩu đả quyết liệt bất phân thắng bại. Quần chúng bu lại xem làm tắt nghẽn giao thông.

Công an được tin đến phân xử thì mới rõ vàng trong hộp là vàng giả. Kết quả hai thanh niên phải vào bệnh viện để chữa trị, lại phải nộp phạt về tội gây rối trật tự giao thông.

 

Ðúng sai ^

Thầy Thiện Phước đi nghe thuyết kinh Kim Cang Bát Nhã. Sau khi về chùa, thầy trở nên hoang mang trong việc hành trì tu tập. Nếu có chấp tác thì chỉ là miễn cưỡng chứ không còn nhiệt tâm như trước. Ðể giải tỏa thắc mắc của mình, thầy đến bạch với sư phụ.

- Kính bạch thầy, theo lời vị giảng sư dạy thì việc tụng kinh, lễ bái, ngồi thiền chỉ là hình thức chứ chưa phải là tu. Vậy xin thầy chỉ cho con được rõ đúng hay sai.

Sư phụ đáp:

- Cũng đúng mà cũng sai.

- Thưa thầy, con chưa hiểu.

- Ở vào hoàn cảnh địa vị giảng sư là đúng. Ở vào hoàn cảnh địa vị của con là sai.

Ðệ tử vẫn chưa hiểu rõ lời dạy.

Một thời gian sau, thầy Thiện Phước được sư phụ cử đi trụ trì một ngôi chùa và hướng dẫn đồ chúng . Ðến lúc này thầy mới nhận ra được lời dạy của sư phụ thật là đúng.


 

Bi Trí^

 

Một vị đệ tử chưa hiểu tinh thần kết hợp giữa bi và trí mà thầy vừa giảng nên đã hỏi.

- Bạch thầy, theo ý con đã là bi thì không nên có trí xen vào.

- Con hãy cho thầy một thí dụ cụ thể.

- Chẳng hạn thấy người đói khổ thì cứ bố thí. Nếu mình so đo tính toán hoặc tìm hiểu tại sao thì con e rằng lòng từ bi sẽ bị thui chột mất.

- Ðúng. Nhưng nếu con gặp một người té sông thì sao? Con có nhảy xuống cứu họ không?

- Dạ không.

- Tại sao vậy?

- Dạ tại vì con không biết bơi.

- Vậy thì lòng từ bi của con ở đâu?

- Mặc dù lòng từ bi có nhưng vì con không biết bơi, nếu nhảy xuống sông cứu họ thì e rằng con cũng sẽ chìm theo họ mất.

- Vậy con phải làm sao?

- Con sẽ tìm cách nào đó để có thể cứu sống được họ.

- Bi kết hợp với trí mà thầy muốn nói là nghĩa như thế đó.

Ðệ tử cúi đầu bái tạ lui ra.

 

Thương ghét bất đồng ^

 

Hòa thượng Ngộ Ðạo là một vị chân tu khả kính, đệ tử xuất gia và tại gia có đến hơn vạn người. Cuộc đời của ngài ngoài việc tu hành nghiêm trì giới luật và giáo hóa đồ chúng ra còn làm rất nhiều việc từ thiện khác. Nói chung cả cuộc đời ngài tận tụy vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.

Một hôm ngài an nhiên thị tịch. Tin này nhanh chóng được truyền khẩu đến tai các đệ tử của ngài. Có người đã vui mừng thốt lên:

-  Thế là thoát nợ.

Cũng có những vị thương tiếc than thở:

-  Ôi! Một ngôi sao sáng vừa lịm tắt.

8-1990
 

Làm con mới đúng ^ 

Một bà vãi đến bạch với thầy trụ trì:

- Kính bạch thầy, chú tiểu Lam không chịu làm công việc phụ giúp con.

Thầy nhỏ nhẹ:

-  Thôi, mình lớn tuổi rồi ráng hy sinh làm để cho giới trẻ có thời gian tu học. Mai này chú ấy tu được thì phước của vãi rất lớn.

- Dạ bạch thầy, rủi chú ấy không tu được thì sao?

- Thì kiếp sau chú làm mẹ của vãi.

Bà trợn mắt:

- Trời đất! Vậy tội gì con phải hầu chú để rồi kiếp sau chú ấy lại làm mẹ mình.

- Vậy vãi muốn chú ấy làm con hả?

-  Mô Phật! Làm con mới đúng chứ. Ngu sao chịu chú làm mẹ.

- Vậy thì vãi lại phải hầu nó tiếp nữa à?

Bà vãi? 

 

Không ăn lộc chuột ^ 

Một hôm chú tiểu đem chuối dâng lên cúng dường thầy. Thầy hỏi:

- Chuối ở đâu vậy con?

- Dạ bạch thầy, chuối này con lấy ở bàn thờ cửu huyền.

- Ấy, từ nay con không được lấy thức ăn cúng vong dâng cúng quý thầy nghe chưa.

Chú tiểu dạ nhưng thắc mắc hỏi lại:

- Bạch thầy, tại sao không được? Con thấy nải chuối này Phật tử cúng ngon quá nên con mới dâng cúng thầy.

- Vì quý thầy độ cho vong linh nên không ăn thừa lộc của vong.

Một hôm chú tiểu thấy quả chuối để trên bàn bị chuột ăn hết một phần định quăng bỏ. Thầy thấy vậy vội ngăn:

- Con không nên phung phí thực phẩm như vậy. Hãy cắt bỏ phần chuột ăn đi, phần còn lại mình ăn cũng được, có chết chóc gì đâu mà sợ.

Chú tiểu thưa:

- Bạch thầy, con không sợ chết mà sợ ăn lộc chuột không độ được chuột thôi ạ.

Thầy!?!
 

 

Người ngu đốt tiền^

 

Có một anh nọ cứ mỗi buổi sáng cầm tờ giấy bạc 200 đồng ra đốt. Lúc đầu người hàng xóm tưởng anh đốt đô la âm phủ, nhưng về sau phát hiện ra anh ta đốt tiền thật.

Việc làm này bị mọi người chung quanh chê trách nguyền rủa là đồ ngu. Tiền làm ra đổ mồ hôi nước mắt mới có được lại đem đi đốt chơi. Thật là khùng, điên, mát... Anh ta bỏ ngoài tai hết và cứ tiếp tục đốt tiền vào mỗi buổi sáng.

Một hôm đang đốt tiền thì có một anh hàng xóm vì quá ngứa mắt nên đến hỏi:

 - Tại sao anh lại dại dột đến nỗi đem tiền đốt chơi như thế?

Nói xong anh đưa điếu thuốc lá lên miệng rít một hơi dài, phả ra từng ngụm khói như trêu ghẹo.

Anh kia bình tĩnh trả lời:

- Công nhận tôi dại thật, tiền làm ra đổ mồ hôi lại đem đốt chơi. Thế nhưng so với người đã đốt tiền, đốt phổi lại còn đốt cả sức khỏe thì ai ngu hơn?

Anh hàng xóm lẳng lặng bỏ đi.

 

Khỏi mất phần^

 

Theo quy định tại nghĩa trang chùa Vân Thê, những Phật tử khi mất được an táng theo thứ tự, chết trước chôn trước, chết sau chôn sau, không ai được giành phần trước. Một hôm có các Phật tử đến thưa với thầy quản lý nghĩa trang:

- Bạch thầy, chúng con đi chùa đã lâu, chỉ mong sau này mất được an táng tại đất chùa. Vừa rồi chúng con ra thăm nghĩa trang thấy mộ phần quá nhiều, đất sắp hết, không biết sau này tới lượt chúng con sẽ yên nghỉ nơi đâu?

Thầy hỏi lại:

- Quý vị sợ mất quyền lợi phải không?

- Mô Phật, phải.

- Vậy thì quý vị tranh thủ chết sớm để khỏi mất phần.

-!?!

 

 

Thầy trò ^

Thầy vào phòng làm việc thấy mất một số giấy tờ bèn kêu thị giả đến hỏi:

- Con có thấy những giấy tờ vụn để trên bàn không?

- Mô Phật, có.

- Thế đâu rồi?

- Dạ, con thấy giấy vụn nên đã đem bỏ vào thùng rác rồi ạ.

- Từ nay về sau những thứ để trên bàn thầy không được bỏ đi, nếu chưa có sự đồng ý của thầy, nhớ không?

- Mô Phật, nhớ.

Một hôm, thầy gọi thị giả vào phòng trách:

- Con có thấy vỏ chuối để trên bàn không?

- Mô Phật, thấy.

- Tại sao con không dẹp?

-  Mô Phật, tại vì chưa có sự đồng ý của thầy.

Thầy?!!

 

Trọn vẹn cả hai ^

Có một Phật tử đến hỏi một vị Sư:

- Bạch Sư, con có một thắc mắc này xin Sư hoan hỷ chỉ giáo cho.

- Ðược cư sĩ cứ hỏi.

- Bạch Sư! Trường hợp thấy một con cọp định ăn con heo. Nếu để con cọp ăn con heo mà mình không cứu nó thì thiếu lòng từ bi. Nếu mình tìm cách không cho con cọp ăn con heo thì con cọp sẽ bị đói tội nghiệp nó. Vậy trước hiện thực này mình phải xử lý thế nào cho trọn vẹn cả hai?

Vị Sư đáp:

- Vậy cư sĩ nên hiến mình cho cọp ăn là trọn vẹn cả hai.

12-12-2000

 

Không cầu Phật ngoài^

 

Hôm nay là buổi giảng pháp của Pháp sư Thông Minh. Trước khi giảng, Pháp sư nói:

- Xin mời quý Phật tử chắp tay cùng chúng tôi niệm Phật cầu gia bị. Sau khi niệm danh hiệu Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật ba lần xong, thầy mời đại chúng an tọa

Trong buổi nói pháp hôm nay. Pháp sư Thông Minh giảng về đề tài tự lực. Ngài nhấn mạnh tinh thần tự giác tự lực của người tu Phật học Phật. Ðại ý khuyên Phật tử không nên cầu Phật bên ngoài.

Kết thúc bài giảng, vị Pháp sư nói:

- Trước khi hồi hướng và chấm dứt buổi nói pháp hôm nay, tôi xin thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho toàn thể quý Phật tử thân tâm thường lạc, vạn sự cát tường như ý.

Thính chúng?!?

10-6-2001

 

Tha lực là yếu hèn!^

 

Một vị Pháp sư học rất giỏi và thuyết pháp rất hay được nhiều người ái mộ. Do học nhiều nên Sư bị cận thị nặng phải đeo kính thường xuyên.

Một hôm sư thuyết pháp về đề tài tự lực và tha lực. Trước khi kết thúc, sư nói:

Người tu hành mà nhờ vào tha lực là yếu hèn.

Sau đó sư hỏi tiếp:

- Có ai thắc mắc điều chi cứ hỏi.

Trong giảng đường có một vị sư đứng lên hỏi.

- Thưa thầy, tại sao thầy đeo mắt kính?

- Tôi bị cận nặng.

- Ðeo mắt kính là tự lực hay tha lực?

Vị Pháp sư không trả lời.

22-11-2001 

 


 

Sức và trí^

 

Hai người đi tìm châu báu. Trải qua bao gian khổ, vượt qua nhiều cánh rừng, cuối cùng họ đã phát hiện lâu đài châu báu cách choã họ bằng một con sông lớn, sóng to nguy hiểm.

Một người cho mình có đủ sức mạnh bơi qua sông, nên anh đã không ngần ngại nhảy xuống sông để bơi.

Người còn lại mặc dù cũng đủ sức mạnh để bơi qua sông, nhưng cho chắc ăn hơn, không phải tốn sức, khỏi sợ mất mạng vì dòng nước hung hãn, khi chưa lấy được châu báu, anh bèn tìm cách chặt những cây chuối kết thành chiếc bè làm phương tiện chống chèo qua sông.

Một người qua sông bằng cách dùng sức. Một người qua sông bằng cách dùng trí. Ai là người sẽ qua sông an toàn để đến núi báu?

2-2003

Luyến ái ràng buộc^

 

Diệu Hòa là một Phật tử thuần thành của chùa Liên Hoa. Bà rất có tín tâm đối với Tam Bảo và chuyên tu pháp môn Tịnh độ. Bà thường qua chùa tụng kinh niệm Phật và rất say mê âm thanh niệm Phật trầm bổng thanh thoát của quý thầy. Hằng ngày đi đứng nằm ngồi bà luôn niệm Phật, chí thành tha thiết nguyện một đời vãng sinh Tây phương Cực lạc, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Một hôm bà đến bạch với thầy trụ trì chùa Liên Hoa.

- Kính bạch thầy, con đi chùa này đã hơn 30 năm rồi, con rất mến chùa, mến cảnh và kính quý thầy. Nay tuổi con đã lớn, gần đất xa trời, con có một ước mong nho nhỏ xin thầy từ bi hứa khả cho.

Thầy đáp:

- A Di Ðà Phật, bà có việc gì thì cứ nói.

- Kính bạch thầy, con mong ước sau khi qua đời, xin thầy cho con được nghỉ tại nghĩa trang chùa, được thờ hình tại chùa, để hằng ngày con được gần gũi quý thầy nghe kinh thính pháp.

Thầy hỏi:

- Vậy bà không về Tây phương Cực lạc sao?

Bà?!?

3-2003

 

Tự khai^

 

Sáng nay, khi thức giấc chuẩn bị công phu, đại chúng phát hiện chú tiểu Vô Tư 6 tuổi bị chảy máu cam trong lúc ngủ. Thầy trụ trì bèn cử hai chú cư sĩ lấy xe gắn máy chở chú tiểu lên bệnh viện Huyết Học tại thành phố, cách chùa khoảng 15 km để chữa trị. Họ đi từ 6 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa mới về.

Thầy hỏi:

- Tình hình chữa trị bệnh cho chú tiểu Vô Tư ra sao?

Một chú cư sĩ trả lời:

- Bạch thầy, sáng nay chúng con chở chú tiểu đến bệnh viện, nhưng hôm nay mới mùng 6 tết, bệnh viện chưa làm việc, nên chưa khám cho chú được. Họ hẹn hai ngày nữa trở lại.

- Sao mấy chú đi về trễ vậy?

- Dạ, tại lúc này người ta đi chơi tết đông nên kẹt xe ạ.

Thầy gật đầu hoan hỷ. Thầy dắt chú tiểu Vô Tư vào phòng. Thầy xoa đầu và hỏi thăm chú:

- Con còn bị chảy máu cam không?

Chú tiểu trả lời:

- Mô Phật, bạch thầy, hết rồi ạ.

Thầy lấy bánh cho chú ăn. Hai thầy trò nói chuyện một lát, chú tiểu khoe:

- Sáng nay con đi chơi Sở Thú vui lắm.

Thầy gật đầu nhận ra.

- Thế à!

4-2003
 

Tại thầy nóng quá ^

 

Ðược tin thầy gọi, tôi đi vội lên nhà khách. Bước vào phòng tôi hơi ngạc nhiên thấy ngoài thầy ra còn có hai chú tiểu ngồi đó. Sau khi xá chào thầy, thầy chỉ tay về phía chiếc ghế đối diện với hai chú tiểu và bảo tôi ngồi xuống. Tôi đang phân vân chưa hiểu chuyện gì thì thầy lên tiếng:

- Từ nay về sau tôi giao hai chú này cho thầy trông nom, uốn nắn. Thầy nhớ trách nhiệm này chứ?

- Dạ nhớ.

Quay qua hai chú, thầy nhấn mạnh:

- Mấy chú có nghe tôi dặn không?

Hai chú khép nép thưa:

- Mô Phật, nghe.

- Sáng nay hai chú này có chuyện xô xát lẫn nhau. Bây giờ thầy điều tra xem sự việc xảy ra thế nào? Ai phải ai trái rồi thuật lại cho tôi rõ.

Dứt lời thầy đứng dậy và bước ra khỏi phòng. Chúng tôi cũng đứng dậy tiễn thầy.

Từ trước tới nay, những chuyện xích mích xảy ra giữa hai chú Lâm và Ly này, tôi cũng đã khuyên nhiều lần nhưng đều vô hiệu quả. Hôm nay trước mặt hai chú, sư phụ chính thức giao quyền dạy dỗ hai chú cho tôi, tôi thấy mình có thêm sức mạnh về uy quyền. Tôi đưa mắt nhìn hai chú một lượt để thị uy rồi với giọng đàn anh tôi nói:

- Sao, bộ mấy chú định quậy nữa phải không?

Hai chú ngồi im re, mặt cúi xuống. Thấy vậy tôi tiếp:

- Ðây là nơi trang nghiêm thanh tịnh chứ có phải võ đài hoặc nơi chợ búa đâu mà mấy chú cãi nhau, đánh nhau ỏm tỏi như vậy. Thật là quá lắm, quá lắm! Ở chùa mà không biết luật nghi, không kiêng nể ai gì hết ráo! Bây giờ chú Lâm hãy trình bày cho tôi rõ câu chuyện xảy ra giữa hai người như thế nào để tôi còn biết đường phân xử.

Tôi ngồi nghiêm nét mặt ra vẻ như một quan tòa. Tuy vậy, nhìn gương mặt bình thản của chú, tôi biết những lời nói và cử chỉ thị uy của mình vẫn chưa có hiệu quả bao nhiêu. Chú ung dung trả lời:

- Thưa thầy, sáng nay, sau khi quét dọn chính điện xong, con trở về phòng và thấy lọ mực để trên bàn bị đổ. Lúc con vừa vào phòng thì thấy thằng nhóc này đi ra.

- Nè, nè, trước mặt tôi chú phải ăn nói nghiêm túc lễ phép nghe chưa. Chú có biết cách xưng hô với người trên kẻ dưới như thế nào không?

- Dạ biết.

- Biết sao đâu, chú nói tôi nghe thử nào?

- Dạ, lớn kêu là huynh, nhỏ kêu là đệ.

- Tốt, tiếp tục trình bày.

- Thấy lọ mực đổ, con biết chỉ có cái thằng đệ này chứ...

- Ơ, ơ... lại ăn nói hàm hồ nữa rồi. Ðệ là đệ chứ sao lại thằng đệ. Nếu không gọi đệ thì gọi là chú, nghe chưa?

Chú gật đầu rồi tiếp:

- Thấy vậy con kêu chú lại hỏi, nhưng chú cứ một mực chối là không có làm đổ. Nhìn mấy cuốn sách bị mực làm cho loang lổ, con tức quá tát cho chú một bạt tay.

- Úi chà, như vậy là nóng nảy quá không được. Chưa gì đã gây chiến rồi. Tôi xen vào.

- Dạ, nhưng chú đã đưa tay ra đỡ nên không trúng. Thấy đánh tay không được, tức quá con giơ chân lên đá thật mạnh vào mình chú một cái.

- Bậy, bậy, chơi đòn nguy hiểm như vậy thì chết người ta rồi còn gì! Tôi lắc đầu than.

- Dạ, nhưng chú đã nhanh tay chụp chân con lại và xô con một cái ngã chổng kềnh xuống đất.

Ðáng đời, ai biểu lớn ăn hiếp nhỏ. Tôi cười thầm.

- Tội nghiệp quá! Té có đau không?

- Dạ hơi ê ẩm một tí!

- Thôi được, không bể đầu là tốt rồi. Cứ tự nhiên kể tiếp.

- Lúc đó, lửa giận trong người con sôi lên sùng sục ...

- Nói ngắn gọn thôi, không cần văn chương lúc này – tôi chỉnh – chỉ cần nói giận quá là tôi hiểu rồi, khỏi phải nói sôi sùng sục gì cả.

- Dạ, lúc đó con giận quá vớ ngay chiếc dép phang cho chú một cái.

Trời đất! Chơi tay, chơi chân không lại, bây giờ còn dở trò chơi dép nữa ta.

- Ðúng là giận quá mất khôn rồi. Chú có biết là phang như vậy nguy hiểm lắm không?

- Dạ, nhưng chú ấy lại chụp được chiếc dép và phang lại trúng ngay trán con.

Chú đưa tay chỉ vết bầm nơi trán. Tôi cố nín cười và nhủ thầm: Tội nghiệp không! Lớn đánh nhỏ không lại còn bị nhỏ cho đo đất và choảng u đầu nữa. Tôi động lòng thương nói:

- Chú cầm đỡ lọ dầu cù là này xoa lên chỗ bầm. - Tôi đưa tay vào túi áo lấy lọ dầu nhưng lại rút tay ra không – À quên, vừa nãy để trong phòng không có đem theo.

- Cám ơn lòng tốt của thầy.

- Không có chi, thương người như thể thương thân. Chú đau cũng như tôi đau tiếc chi chút dầu. Thôi bây giờ chú tiếp tục trình bày đi.

- Lúc chiếc dép chạm vào trán con thấy nháng lửa một cái, tiếp theo đó ba bốn ông sao hiện ra chớp chớp nhảy múa trước mắt. Ðau quá con đưa tay ôm đầu rồi lom khom đứng dậy định trả đũa thì chú ấy đã phi thân mất tiêu rồi. Buồn cho thân phận, giận vì u đầu, con liền thẳng đến phòng thầy trụ trì trình bày sự việc.

Lớn đánh nhỏ mà không biết xấu hổ còn đi thưa nữa. Ðã vậy, mở miệng ra còn bày đặt nói văn chương.

- Thôi được, phần của chú coi như tạm xong. Bây giờ tới lượt chú Ly cứ thật thà mà khai báo. Có sao nói vậy, bất tăng bất giảm.

- Dạ thưa thầy, sáng nay khi vào phòng chú Lâm con đã thấy lọ mực đổ trên bàn rồi.

- Tại sao chú vào phòng người ta?

- Dạ con đem trả cuốn truyện. 

- Truyện gì?

- “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tonxtôi. Lúc chú Lâm vào phòng thấy lọ mực đổ và kêu con lại hỏi. Con thật thà trình bày đầu đuôi chú nghe, nhưng chú không tin và cứ khăng khăng đổ lỗi cho con và còn đánh con nữa.

Tôi quay qua chú Lâm hỏi:

- Chú đã coi truyện “Chiến tranh và hòa bình” chưa?

- Dạ rồi.

- Vậy mà hai người đã không hòa bình lại còn gây chiến tranh nữa. Coi truyện như vậy thật là vô ích quá.

Chú Ly nhanh miệng xen vào:

- Dạ, con cũng muốn hòa bình lắm chứ nhưng vì chú Lâm gây chiến trước, bắt buộc con phải tự vệ. Dù sao cuộc chiến tranh vệ quốc của con vẫn là chính nghĩa.

- Chà, hai người đánh nhau mà kêu là “vệ quốc”. Vệ cái con khỉ mốc, vệ cái thân của chú còn chưa xong nữa ở đó mà bày đặt vệ quốc. Thế chú có biết nguyên do nào mực đổ không?

- Dạ không.

- Lẽ ra chú Lâm đánh chú như vậy, chú phải lên thưa với thầy mới đúng. Tại sao chú đánh lại như thế?

- Dạ con đâu có đánh, con chỉ đỡ theo thói quen đó thôi. Nếu con thực tâm đánh thì chú ấy không còn cái răng ăn cháo nữa.

- Mày nói cái gì?

Mặt chú Lâm xám ngắt, đứng phắt dậy định đánh chú Ly.

- Nè, nè, chuyện đâu còn có đó, chú nóng nảy như vậy là không được, ngồi xuống đi. – Quay qua chú Ly tôi tiếp – Còn chú nữa, từ nay tôi cấm chú không được ăn nói hỗn láo như vậy nghe chưa! Dù sao người ta cũng lớn hơn mình, tu trước mình, mình phải nể trọng một tí chứ! Bây giờ chú phải trả lời thật cho tôi biết, có phải chú có võ không?

- Dạ, phải.

- Võ gì?

- Thiếu Lâm Tự.

- Tại sao lúc vào chùa chú không kê khai lý lịch cho rõ để người ta biết mà phòng ngừa?

- Vì con thấy không cần thiết.

- Thôi được, thế chú nói là không làm đổ mực. Vậy thì ai làm đổ, trong khi một mình chú vào phòng người ta?

- Dạ con cũng không rõ nữa.

- Vô lý quá! Chú xuất gia rồi mà còn nói dối.

- Con xin thề danh dự với thầy – chú giơ tay lên – nếu con nói dối cho quỷ sứ bắt hồn con ngay tức khắc.

- Thôi, thôi, bỏ tay xuống đi, thề với thốt cái gì. Quỷ sứ đến bắt chú không được lại bị đo ván nữa, mất công tôi phải xử thêm một vụ khác. Chú có biết người phạm lỗi mà dám nhận lỗi là đáng phục, đáng quý nhường nào không?

- Nhưng con không phạm lỗi mà bắt con phải nhận thì con đâu có chịu.

- Chú có biết thế nào là nhẫn nhục không?

- Dạ biết.

- Biết làm sao chú nói tôi nghe thử nào?

- Nhẫn là điều dù có họ nói không

Không nói có mặc tình ai thêu dệt

Con đã tu thì chi chi nhịn hết

Nhịn nhịn hoài, nhịn nhịn mãi không thôi.

- Giỏi, thuộc lòng như vậy là rất tốt. Tuy nhiên tôi nói cho chú rõ, người tu chỉ quý ở chỗ thực hành đúng chứ không ai chuộng cái lối học như két đâu. Từ nay trở đi tôi cấm chú không được giở võ nghệ ra nữa. Nếu có gì oan ức chú cứ lên thưa lại cho tôi rõ để tôi phân xử. Lần sau còn tái phạm đánh nhau nữa tôi sẽ phạt quỳ một cây nhang nửa thước. Chú nghe rõ chưa?

- Dạ rõ.

Quay sang chú Lâm tôi nói:

- Còn chú nữa! Dù sao chú cũng phải tỏ ra mình là bậc đàn anh một chút chứ. Chưa chi đã ẩu đả với đàn em như vậy thì làm sao nó phục mình cho được! Chú có biết trong vấn đề này chú có hai điểm đáng trách không? Thứ nhất chú để lọ mực trên bàn mà không đậy nắp lại. Thứ hai chưa rõ nguyên nhân nào lọ mực đổ mà chú đã vội vã đánh người. Giả sử nếu chú đậy nắp lọ mực cẩn thận sau khi xài xong, cho dù lọ mực có đổ thì mực cũng không thể chảy ra ngoài được, mực không chảy thì đâu có chuyện xô xát như thế. Chú có thấy rõ cái hậu quả của sự bất cẩn chưa? Còn việc lọ mực đổ có nhiều nguyên nhân chứ đâu phải gán ép một cách vô căn cứ cho chú Ly được. Nếu chú thấy rõ chú Ly làm đổ mà chú ấy chối thì mình có quyền la rầy hoặc bắt đền. Ðằng này chú chỉ thấy người ta trong phòng đi ra rồi đoán mò đâu có được. Có thể là con mèo hoặc con chuột nào đó chạy ngang làm đổ thì sao! Thế nên bất cứ một việc gì mình phải tìm hiểu cho rõ ngọn nguồn rồi hãy kết luận. Nóng nảy chỉ đem đến sự thất bại lớn lao và hậu quả không thể lường được. Chú thấy tôi từ trước đến giờ có nóng nảy việc gì không?

- Dạ không.

- Tại sao chú không noi gương ấy mà học tập?

- Dạ, từ nay trở đi con sẽ cố gắng học tập theo gương của thầy.

- Tốt. Nếu lần sau chú tái phạm nữa tôi sẽ phạt quỳ cây nhang một thước.

Mắt chú Lâm trợn lên nhìn tôi:

- Sao chú Ly nửa thước mà con tới một thước lận?

- Lớn rồi phải gấp đôi.

- Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng mà.

- Một thước mốt.

- Thầy xử ép con quá!

- Một thước hai.

- Dạ .........

- Một thước ba. Càng khiếu nại càng tăng.

- Thôi con không dám khiếu nại nữa. Xin thầy hoan hỷ lượng thứ mà hạ xuống mức cũ cho con nhờ.

- Quân tử nhất ngôn, không nói đi nói lại.

Thấy chú im lặng, tôi hỏi:

- Sao còn ai khiếu nại gì nữa không?

Chú Lâm lên tiếng:

- Dạ không.

- Tốt, cho phép giải tán.

- Dạ khoan, nhân tiện có thầy đây con xin hỏi việc này.

- Ðược, cứ hỏi.

- Thưa thầy, dù sao con cũng là kẻ hậu sinh khả úy – tôi nhìn chú và rủa thầm: Dốt chữ mà còn bày đặt xổ nho nữa – tuổi đời tuổi đạo còn non nớt, trình độ Phật pháp lại càng không thể so sánh với thầy được. Do đó, hôm nay con xin phép trình bày với thầy việc này. Sau khi nghe xong xin thầy cho con biết là con có phạm giới hay không?

- Ðược, cứ tự nhiên.

- Dạ thưa thầy, đêm qua có một cô gái ôm con.

- Thôi thôi! Vậy là đủ hiểu rồi! Ðể con gái ôm là quá lắm rồi! Quá lắm rồi!

- Dạ thưa.........

- Không có dạ với thưa gì nữa cả. Chú có biết Tăng là gì không?

- Dạ biết.

- Biết làm sao hả? Nói mau!

- Tăng là thanh tịnh ạ.

- Tại sao chú lại để trò bất chính xảy ra nơi cửa Thiền?

- Nhưng con.........

- Không có nhưng gì cả. Tại sao đêm khuya thanh vắng chú dắt gái vào phòng?

- Nhưng con có dắt gái vào phòng đâu!

- Láo! Chú làm như chú đẹp trai nhất thiên hạ, đến nỗi các cô gái phải mò vào phòng chú không bằng!

- Con xin thề danh dự.

- Không thề với thốt gì cả. Chú đừng hòng ngụy biện với tôi. Nếu chú không tình ý gì thì ai mở cửa cho người ta vào phòng?

- Thật tình con không có mở.

- Thôi đừng có loanh quanh lắm lời. Chẳng lẽ tiên trên trời bay xuống phòng chú à? Giả sử có đúng như vậy tại sao chú không la lên, lại để cho cô ta ôm? Rõ là dấu đầu lòi đuôi.

- Lúc cô ta vừa ôm, con liền giật mình tỉnh giấc và mới rõ là mình nằm mơ.

- Trời đất! Tại sao nãy giờ chú không nói sớm?

- Dạ tại thầy nóng quá!

-!?!? ..........


 

Lầm mà hóa hay^

 

Con đường từ thành phố về Hóc Môn chỉ khoảng hai chục cây số, quá gần đối với tôi trước đây thế mà hôm nay lại xa thăm thẳm. Mười năm về trước, cũng trên chiếc xe đạp này tôi đã vượt qua những chiếc xe đạp chạy cùng chiều với mình mà chẳng biết mệt nhọc là gì, trái lại càng thích thú hăng say thêm nữa. Nhìn những cô gái, những ông già đạp xe cà rì cà rề với dáng vẻ nặng nề tôi lấy làm quái lạ và cười thầm: Ðạp xe gì mà như người đi bộ không khác! Vậy mà hôm nay, cũng trên chiếc xe đạp thuở ấy, cũng trên con đường mà tôi từng ngạo nghễ tự hào về thần tốc lực của mình, tôi lại đạp xe một cách nhọc mệt, hai chân nhức mỏi rã rời, xe thì nặng nề như có ai ghì lại, đường cứ thấy xa mãi ra. Càng mệt mỏi bao nhiêu tôi lại càng thấy thương những người mình coi khinh trước kia bấy nhiêu và càng thấm thía bài học nhân quả hơn nữa. Thấy những cô gái, những ông già lần lượt qua mặt mình, tôi chạm tự ái và cố dốc toàn bộ sức lực để vượt lên trên họ. Cố gắng được một lát thì đôi chân rã rời đạp hết nổi. Nhìn họ cứ xa dần, tôi tự an ủi: Ôi! Ði trước đi sau gì cũng đến nơi tội gì phải đạp nhanh cho mệt, cứ tà tà như vậy vừa khỏe lại vừa được ngắm cảnh nữa có phải thích hơn không?

Tuy vậy, trong cái rủi lại có cái may, nhờ đạp xe chậm chạp mà hôm nay tôi mới khám phá ra chân lý nhìn cảnh vật đúng “như thật” của nó. Mặc dù hiện tại ngoài những căn nhà mới xây, những hàng cây xanh tươi mới trồng, những công trình mới đang được xây dựng ra, còn lại toàn bộ những cảnh vật dọc theo hai bên lộ quá quen thuộc và tồn tại hàng chục năm nay, vậy mà bây giờ nhìn nó tôi cứ ngỡ là mới gặp lần đầu. Quả thật các Tổ ngày xưa vẫn cho mình là sống trong ảo tưởng chứ ít chịu sống thực là quá đúng. Ăn không biết mình ăn, đi trên con đường này hằng bao nhiêu chục lần rồi mà cứ tưởng như là chưa bao giờ đi. Tâm đắc ý này, tôi say sưa quan sát cảnh vật, lòng cảm thấy vui vui với những điều mình mới khám phá. Nhìn những thay đổi và phát triển của xã hội dọc theo suốt con đường, tôi nghĩ đến chùa mình cũng sẽ sung túc như vậy.

Sau hơn một giờ đồng hồ tôi mới về đến chùa. Ngừng xe trước cổng tôi cảm thấy như trút được tất cả gánh nặng trên vai. Bao nhiêu ồn ào náo nhiệt của thành phố đã tạm lắng dịu tại đây. Ðưa mắt quan sát sơ một vòng chùa tôi hơi ngạc nhiên khi thấy cảnh vật có vẻ khác thường; chung quanh chùa xây tường kín mít, những cây điều bị chặt nằm ngổn ngang, đồ đạc không thấy bày biện như trước, các chậu cảnh quý cũng biến đâu mất, không khí có vẻ u buồn. Tôi dắt xe vào nhà khách mà lòng đầy nghi vấn. Vài ba con chó nhào ra chào tôi bằng những tiếng sủa dữ dội. Bác Tửu từ trong nhà khách bước ra lên tiếng la nó khi nhìn thấy tôi và lũ chó dần im tiếng. Tôi dựng xe đạp và tiến đến hỏi thăm:

- Bác Tửu, lúc này bác khỏe chứ?

- Cám ơn, tôi vẫn khỏe, sao lâu quá không thấy thầy về thăm chùa vậy?

Ông mừng rỡ bước ra đón tôi.

- Dạ, lúc này bận học quá bác ạ! Sư Cụ có khỏe không bác?

- Khỏe. Thầy ngồi dùng nước nghỉ ngơi một tí rồi hãy vào thăm Cụ.

Ông rót nước ra mời.

Ngồi nói chuyện với ông một lát, tôi đứng dậy bước ra lu nước rửa mặt. Nhìn chiếc lu bị xây dính trên nền gạch, tôi ngạc nhiên:

- Ủa, xây như vậy làm sao xúc lu?

- Ðành chịu như vậy thôi thầy ạ! Mỗi lần xúc lu mình chịu khó múc nước ra hết.

- Mà xây làm chi vậy bác?

Ông thở dài:

- Khổ lắm thầy ơi! Lâu nay thầy không về nên không biết tình hình ở đây đó thôi. Lúc này trộm cắp nổi lên như nấm.

Nghe ông nói tôi mới rõ tại sao chùa lại xây tường kín mít, các chậu kiểng quý và đồ đạc đem cất hết. Nhìn chiếc lu tôi cười nói:

- Nó có lấy thì lấy những thứ gì đáng tiền chứ ba cái đồ sành đồ đất này lấy làm chi, đã nặng nhọc lại bán được bao nhiêu tiền?

- Thôi thầy ơi! Thầy không biết đó, chẳng một thứ gì mà nó chừa cả. Từ những cái nhỏ nhặt bằng mủ như ly, chậu đến cái cánh cổng bằng sắt lớn như vậy mà nó còn rinh được.

Ông đưa tay chỉ một cánh cổng còn lại.

- Trời ơi! Cánh cổng này cầu năm người lực lưỡng chưa chắc đã khiêng nổi.

- Ờ, vậy mà tụi nó đã lấy hết một chiếc rồi đó. Bây giờ bất cứ cái gì bán được tiền là nó ăn cắp. Mới hôm qua nó vào tận nhà bếp rinh cả nồi kho đang nấu đem đi.

- Ban ngày hay ban đêm?

- Ban ngày.

- Chu choa, làm gì mà loạn dữ vậy! Thế chùa không đi báo công an biết à?

- Có chứ! Nhưng thỉnh thoảng họ mới đảo qua thì ăn thua gì.

Nhìn toàn bộ đất đai rộng mênh mông nơi đây, tôi thông cảm và hiểu những khó khăn của chính quyền địa phương.

- Không phải vậy đâu bác! Vì từ chùa đến trụ sở Công an xã quá xa. Nếu tính đường chim bay cũng hơn cả cây số, còn đường xe chạy thì ba cây số. Do vậy mình không thể đòi hỏi họ phải túc trực canh gác tại đây được, vì họ còn việc của họ nữa. Ðiều hay nhất là mình làm sao kết hợp với dân phòng để bảo vệ thôi.

Ông lắc đầu và cười:

- Dân phòng cũng chẳng ăn thua gì đâu thầy ơi! Hôm trước chùa có nhờ họ giúp đỡ, tối họ cũng xách gậy gộc đi đến đảo đảo vài vòng rồi tìm chỗ làm một giấc đến sáng bét mới về.

Tôi bào chữa:

- Mình cũng thông cảm cho họ thôi. Thời buổi khó khăn này ai cũng phải bươn chải kiếm tiền sinh sống. Quần quật cả ngày, đêm lại phải đi gác thì sức lực đâu mà họ thức cho nổi.

Một con chó màu hung hung nâu, to mập, bộ lông tươi nhuận rất đẹp đến bên chân tôi liếm liếm. Tôi cũng làm quen đưa tay vuốt vuốt đầu nó:

- Thế mấy con chó này đành bất lực trước tụi trộm cắp à?

- Chùa mình rộng quá. Chó ở đầu này thì trộm lẻn vào đầu kia.

- Còn mấy cây điều kia sao chặt uổng vậy bác? Lúc này hạt điều đem đi xuất khẩu bán có giá lắm đó.

- Ấy, vì nó có giá nên tụi nó càng ăn cắp dữ. Cả ngày cả đêm hết tốp này đến tốp khác vào quấy phá la ngăn không nổi. Cuối cùng tôi phải chặt bỏ và chùa mới yên được thế này.

Tôi ngồi nói chuyện với ông một lát rồi lên chính điện lễ Phật. Sau đó vào thăm sư phụ.

Nhìn thầy vẫn hồng hào đẹp lão, tôi mừng thầm và đến bên ngài đảnh lễ. Thầy mỉm cười nhìn tôi, rồi bảo ngồi xuống đó.

- Bạch Sư Cụ vẫn khỏe chứ ạ?

Thầy tôi ngước mắt nhìn như hỏi lại. Biết tai thầy kém nên tôi nhắc lại câu ấy lớn hơn. Thầy tôi lắc đầu nói:

- Mệt!

- Sư Cụ vẫn ăn uống bình thường chứ?

Thầy tôi cũng không nghe rõ, tôi phải la tướng lên lần nữa. Giọng thều thào thầy đáp:

- Khi được, khi không.

Nhìn thầy có vẻ mệt, tôi không dám hỏi nữa, ngồi quạt cho ngài.

Tối đến tôi vào phòng nghỉ. Thấy phòng khóa tôi biết ông Tửu giữ chìa nên đi tìm ông.

Sau khi mở cửa, một con chó lẻn vào phòng trước. Ông Tửu thấy vậy liền la lên:

- Ra ngoài!

Con chó nghe la, cúp đuôi rón rén đi ra. Tôi nhìn kỹ đúng là con chó vừa nãy liếm chân
mình.

- Con chó này có tật lạ lắm, hay chui vào phòng nằm. Mỗi lần cho nó ăn tôi phải tìm kiếm hết phòng này đến phòng khác.

- Thế tới giờ ăn nó không ra à?

- Không, nó đã vào phòng ai rồi là kiếm chỗ nằm trốn suốt ngày khỏi ăn cũng được.

Ông nói xong liền đi ra ngoài. Tôi vào phòng quét dọn.

¯

Trời tháng hai âm lịch thật oi ả. Tôi lên giường từ lúc mười giờ và đã nằm hơn một tiếng đồng hồ nhưng vẫn không chợp mắt được, tay cứ phe phẩy chiếc quạt mãi. Ðã vậy nằm trên chiếc giường sắt được lót bởi hai tấm ván, mỗi lần tôi trở mình nó đều kêu ken két đến phát bực. Không chịu nổi sự oi bức, tôi định bỏ bớt quần áo ngoài ra ngủ cho thoáng mát, nhưng chợt nhớ đến bài kệ trong “Nghi luật tu trì thiết yếu” do Thầy tôi soạn cho chúng tôi học.

Dù trời nóng nực đến đâu

Cởi trần nằm ngủ ra mầu chẳng trinh

Trong luật ngăn cấm cho mình

Giữ gìn ngăn nắp, vô tình người chê.

Chà, kẹt ghê vậy đó! Nghĩ tới bài kệ này tôi chần chừ không dám hành động, nhưng vì trời nóng nực quá. Cuối cùng tôi đành phải ngụy biện: Thôi kệ, tất cả đều là phương tiện. Giới luật này áp dụng trong những trường hợp ngủ nơi công cộng hoặc chỗ tập thể. Hiện tại một mình một phòng, cửa đóng kín mít như vậy ai mà trông thấy. Giả dụ có người nào gõ cửa gọi thì mình cũng dư thời giờ để mặc quần áo mà! Thế là tôi quyết định mặc quần ngắn nằm ngủ. Tôi cũng không quên xếp bộ quần áo ngoài lại cẩn thận để nơi cuối giường. Quả thật, phương pháp này có hiệu nghiệm, chỉ vài phút sau tôi đã thiếp đi một cách dễ dàng...

Một giờ sau.........

- Kình, kình, kình .........

Ðang thiu thiu ngủ tôi chợt nghe tiếng cậy cửa và giật mình thức giấc. Ðể xác minh thực hư thế nào, tôi nằm im lắng tai nghe:

- Kình, kình, kình .........

Ðúng là trộm cậy cửa rồi! Nhưng sao nó lại bạo gan hành động như là không có ai trong phòng vậy? À, có lẽ nó đã do thám kỹ và biết lâu nay mình đi vắng nên mới lẻn vào cậy cửa đây. Tôi định nhào ra mở cửa tóm cổ nó, nhưng sực nhớ đến mình chỉ mặc có mỗi chiếc quần ngắn mà thôi. Nếu nhào ra thì phải la lớn để mọi người thức dậy tiếp sức với mình bắt trộm, mà thân mình thì lại trơ trọi với một bộ xương sống xương sườn nhô ra như vậy, lỡ bà con nhìn thấy thì còn gì là thẩm mỹ nữa! Thôi đành phải mặc quần áo ngoài vào rồi ra cũng còn kịp chán. Tôi nhè nhẹ ngồi dậy nhưng cái giường này bỗng kêu “két” một tiếng. Lúc đó bên ngoài cũng ngưng tiếng cậy cửa và tiếp theo là tiếng “rầm” vang lên. Biết trộm phát hiện ra mình trong phòng nên đã bỏ chạy, tôi mặc vội quần áo vào, nhảy xuống giường, nhào ra mở cửa và la lên:

- Ăn trộm! Ăn trộm!

Tôi vừa la vừa chạy đến chỗ công tắc bật đèn. Bên ngoài nhà khách, ông Tửu nghe tiếng tôi la liền đánh kẻng báo động. Tôi chạy tới chạy lui tìm kiếm và tin chắc nó còn nấp đâu đó, vì vách tường chung quanh cao gần hai thước không dễ gì tẩu thoát lẹ được. Mọi người trong chùa đều thức dậy và kéo ra. Tiếng kẻng báo động vẫn đánh liên hồi. Một phút sau tôi nghe tiếng người la ở phía ngoài:

- Trộm vào chùa bà con ơi! Bắt nó! Bắt nó!

Không mấy chốc, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, mỗi người một chiếc gậy kéo vào đầy cả chùa. Họ chia nhau đi tìm.

Năm phút sau, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy có ba anh công an và một anh tổ trưởng an ninh xuất hiện. Họ hỏi thăm lý do và tôi đã thuật lại đầu đuôi sự việc trộm cậy cửa khi nãy. Thế rồi họ cũng tham gia tìm kiếm giúp.

Lục soát gần nửa giờ mà không thấy trộm đâu, mọi người dần tan. Nơi nhà khách mấy anh công an vẫn còn ngồi nói chuyện với bác Tửu.

Tôi trở về phòng và lên giường nằm. Nghĩ đến sự việc vừa xảy ra, tôi nhủ thầm: Phải chi mình đừng coi thường giới luật thì hay biết mấy!

¯

Nửa tháng sau, tôi trở về thăm chùa. Vừa đến nhà khách, ông Tửu gặp tôi mừng rỡ khoe:

- Chùa lúc này tạm yên rồi thầy ạ!

- Vậy hả bác?

- Ờ, nhờ thầy đó.

Tôi mỉm cười. Thấy tôi không tin, ông khẳng định:

- Thật mà! Thầy còn nhớ mấy anh công an không?

- Công an nào?

- Cái đêm mà xảy ra vụ trộm cậy cửa đó.

- À, nhớ rồi!

- Thầy có biết tại sao họ lại có mặt đúng lúc không?

Tôi lắc đầu.

- Thực ra đêm hôm ấy họ đi kiểm tra hộ khẩu những nhà dân gần đó và nghe tiếng kẻng báo động của chùa nên kéo nhau vào. May sao trong ba anh công an đó có một anh là công an huyện. Chứng kiến sự việc và lại được nghe tôi trình bày về tình hình trộm cắp lộng hành ở đây, anh công an huyện hứa là sẽ có biện pháp khắc phục. Vài hôm sau họ cho người đến chùa theo dõi thường xuyên và chỉ hơn một tuần là họ hốt sạch tụi trộm cắp. Từ đó tới nay chùa không còn bị quấy phá và mất cắp gì cả.

- Ồ, vậy thì hay quá!

- Nè, hôm nay tôi mới nói thật cho thầy biết, đêm đó không phải trộm cậy cửa đâu. Chính là con chó mà thầy khen đẹp cậy cửa đó.

- Không, tôi nghe rõ người cậy cửa mà.

Tôi liền thuật lại cặn kẽ sự việc đêm đó cho ông nghe, ông mỉm cười nói:

- Chó tôi nuôi mà tôi không biết tính nó hay sao. Thầy cứ ngủ ở đây vài đêm sẽ rõ.

Tôi trầm ngâm một lát thấy có lý rồi gật gù nói thầm:

- Kể ra lầm mà hóa hay!

 

Xướng ngôn viên số “một” ^

Ðược cử làm xướng ngôn viên “phụ” lễ tang cố Hòa thượng Phước Quang tôi rất hãnh diện. Nhưng làm thế nào cho hay cho tốt thì tôi còn mù tịt. Tuy nhiên đã lỡ nhận rồi thì phải làm sao cho mọi người khỏi chê mình “dỏm”. Do đó tôi phải lên kế hoạch để tập dượt. Việc trước tiên của tôi là tập cho nhuyễn câu xướng lễ đã. Thấy trên lầu một vắng người, tôi leo lên đó dợt. Tôi cố luyện cái giọng khàn khàn của mình cho thanh thanh một chút và âm điệu có trầm bổng đàng hoàng. Khổ quá! Dợt năm bảy lượt rồi mà giọng vẫn cứ rè rè. Thấy không ổn, tôi dự định hay là mình nhờ một thầy có giọng tốt xướng lễ giùm, mình chỉ nói thôi? Nhưng rồi suy đi nghĩ lại thấy làm như vậy phiền thêm một người nữa, mất công quá. Ðang phân vân không biết tính sao cho ổn, bỗng một cô Phật tử lên báo có phái đoàn đến viếng. Tôi vội vã đi xuống làm nhiệm vụ. Lời đầu tiên của tôi được phát thanh:

- Ban Tổ chức chúng tôi nhận được tin phái đoàn Phật giáo quận A vừa mới đến. Thay mặt Ban Tổ chức và môn đồ pháp quyến hân hoan chào mừng quý liệt vị”.

Vừa dứt lời, tôi liền kêu thầm: Thôi chết rồi! Ai đời đám tang chứ có phải tiệc vui đâu mà “hân hoan chào mừng”. Theo lẽ mình phải nói là “kính chào quý liệt vị” mới đúng chứ. À, à, nhưng mà cũng có lý. Vì người ta thường quan niệm “sống gởi thác về”, thì chết có gì đâu là buồn, đã về thì vui chứ buồn cái nỗi gì! Nhất là người Hoa mỗi khi gia đình có người thân mất, họ thường thuê kèn Tây đến thổi ì xèo lên đó! Hơn nữa nghi thức cúng tụng của họ cũng kèn cũng trống nghe vui tai quá đi chứ! Ðến khi di quan họ cũng đốt pháo đì đùng, tiễn người chết như tiễn cô dâu về nhà chồng vậy! Do đó mình chào mừng quý khách đến viếng người mất cũng phải thôi. Tuy tôi cố gắng tự bào chữa nhưng vẫn ân hận trách mình không chịu để ý lắng nghe thầy Thiện Xuân xướng ngôn nên mới xảy ra tình trạng này. Nói cho đúng cả ngày hôm qua tôi cũng đã nghe đầy lỗ tai lời thầy nói rồi, nhưng dường như những âm thanh ấy tác động vào tai một cách tự nhiên chứ không thật đúng nghĩa nghe của nó. Quả là có những việc mình thấy nghe hằng ngày rất quen thuộc tưởng chừng như rất dễ, đến khi bắt tay vào làm thì mới thấy lúng túng và không đơn giản.

Qua phần mời phái đoàn vào làm lễ viếng. Lần này tôi rút kinh nghiệm đứng nhẩm câu nói một lát rồi mới phát ngôn:

- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thay mặt Ban Tổ chức và môn đồ pháp quyến, chúng tôi xin kính mời quý vị trong phái đoàn Phật giáo quận A hoan hỷ đến trước kim quan Hòa thượng làm lễ viếng. A Di Ðà Phật, trân trọng kính mời. Yêu cầu quý vị trong ban Tiếp lễ chuẩn bị hướng dẫn phái đoàn vào.

Mời xong tôi nhẩm lại từng chữ xem cách dùng từ có chuẩn không. Tôi thấy câu nói này tạm được nhưng dùng cho các vị khách tục. Riêng đối với chư Tăng mình nên thay chữ “kính mời” là “thành tâm bái thỉnh” và “làm lễ viếng” là “cử hành lễ viếng” nghe nó đạo vị hơn. Quả là chữ với nghĩa thật là phức tạp. Lựa lời nói cho chuẩn và hay không phải là dễ dàng.

Lúc ấy phái đoàn từ từ tiến đến trước linh đài. Sau phần phát biểu cảm tưởng và chia buồn của đại diện là phần niệm hương. Trong lúc các vị niệm hương, tôi đứng hồi hộp chờ đến phiên mình xướng lễ tiếp theo. Lúc này tôi lo quá! Bởi vì nói trước công chúng đã là khó rồi, bây giờ lại xướng lễ cho quý thầy lạy lại càng khó hơn. Thật tình mà nói, giọng tôi thì ồ ề, lại đứng trước các vị tôn túc bậc thầy về tán tụng, nếu mình làm không ra hồn sẽ bị cười chết. Bây giờ tôi mới nhận ra những khuyết điểm của mình về vấn đề này. Trước đây tôi có quan niệm tu sĩ chỉ lo trau giồi giới đức, học Phật pháp cho giỏi để làm giảng sư hoặc nghiên cứu, phiên dịch kinh sách chứ cái việc xướng tụng này để cho mấy ông thầy đám xài. Thế mà không ngờ hôm nay, đứng trước hiện cảnh này tôi mới hiểu tất cả đều có cái lý của nó. Ðúng là “ghét của nào trời trao của nấy”. Thôi bây giờ ráng gân cổ lên mà gào chứ còn chần chừ gì nữa. Tôi hít một hơi thật dài rồi xướng:

- Nhất tâm đảnh lễ... ế ... Nam mô Từ tế thượng chánh tông tứ thập nhị thế, húy Trừng Minh, thượng Phước hạ Quang Hòa thượng giác linh tam bái ... ái ... ì ...

Vì trong khuôn viên linh đường có đặt một cái loa thùng nên tôi nghe rõ giọng “vịt xiêm” của mình và đứng cười thầm mãi.

Sau khi chư vị đảnh lễ xong, tôi thay mặt Ban Tổ chức cảm tạ và mời đại diện phái đoàn ghi vào sổ tang lưu niệm. Công việc xướng ngôn của tôi chỉ có bấy nhiêu và được lập đi lập lại suốt buổi sáng.

Chiều cùng ngày, tôi bàn giao việc xướng ngôn cho thầy Thiện Xuân và cứ mỗi lần thầy nói tôi lại chăm chú lắng nghe để rút kinh nghiệm học tập.

Qua hôm sau tôi yên chí là việc xướng ngôn tạm thời của mình đã chấm dứt nên thong thả ngồi chờ làm việc khác. Ðang ngồi uống nước trà, một cô Phật tử đến báo có phái đoàn đến viếng. Tôi nhắc cô:

- Cô bạch với thầy Thiện Xuân ấy.

- Thưa, thầy Thiện Xuân chưa đến.

Thế là tôi phải đến bên máy ghi âm. Cả buổi sáng tôi vừa nói vừa ngóng thầy Thiện Xuân đến để giao việc lại. Thế rồi chờ mãi mà không thấy bóng thầy đâu cả. Khoảng 11 giờ, tôi đi qua nhà khách nghỉ để chuẩn bị dùng cơm trưa và gặp thầy Thiện Xuân ngồi đó. Tôi hơi giận trong lòng nhưng vẫn ra mặt thân mật hỏi:

- Ủa, tưởng thầy không đến chứ?

Thầy cười đáp:

- Có chứ! Tới từ 8 giờ đến giờ.

Nghe câu nói này tôi càng giận thêm:

- Vậy sao thầy không vào thay?

- Thay gì nữa, thầy nói như vậy được lắm rồi.

Tôi dịu cơn giận ngay.

- Ðâu dám múa rìu qua mắt thợ.

- Thật mà.

Thế là bao nhiêu bực phiền của tôi liền tiêu tan hết. Cái câu “Thầy nói như vậy được lắm” nó cứ văng vẳng bên tai và ám ảnh tôi suốt buổi cơm trưa. Tôi cứ suy đi nghĩ lại những lời mình nói trên máy ghi âm vừa qua xem có đúng với lời khen ấy không, hay đó chỉ là câu khuyến khích để mình “gánh” giùm cái lười cho thầy! Cuối cùng tôi tự an ủi thôi được dù sao cũng là sự thật, “gánh” nhiều thì tốt chứ không hại gì cả... Từ hôm đó cho đến ngày di quan Hòa thượng, tôi và thầy thay phiên nhau làm việc này.

Sáng nay chính thức cử hành lễ di quan Hòa thượng Phước Quang đến nơi trà tỳ. Ðược tin thầy Thiện Nhơn sẽ điều khiển chương trình buổi lễ, tôi rất lấy làm yên tâm. Vì hôm nay sẽ có những vị tôn túc, khách quý, đại diện chính quyền và đông đảo Tăng Ni Phật tử đến dự. Nếu không có người xướng ngôn lưu loát sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Ban Tổ chức và giảm giá trị của buổi lễ.

Mới 6 giờ sáng, người ta đã đứng chật cả đường Nghĩa Thục vào tận chùa Vạn Phật. Tôi cố len lỏi vào tới sân chùa. Vừa gặp tôi, thầy Bửu Minh hỏi ngay:

- Hôm nay thầy làm gì?

- Dạ chưa biết.

- Vậy nhờ thầy giúp giùm trật tự được không?

- Dạ được.

Thầy đưa tôi cái băng vải màu vàng viết hai chữ trật tự màu đỏ. Tôi nhận rồi đi vào giảng đường điểm tâm. Ðang ăn, thầy Thiện Xuân đến vỗ vai tôi nói:

- Hôm nay thầy phụ với Ðại đức Thiện Nhơn xướng ngôn giùm, tôi bận chạy vòng ngoài.

Tôi giơ băng trật tự cho thầy coi và nói:

- Thầy Bửu Minh mới giao nhiệm vụ này.

Thầy không đồng ý và nhắc tôi cứ tiếp tục việc xướng ngôn. Ăn xong tôi qua bên linh đường và gặp thầy Thiện Nhơn đang ngồi trên ghế. Mừng quá tôi liền đến bên chào thầy và hy vọng sẽ giao toàn bộ việc xướng ngôn cho thầy “gánh” giùm. Ai dè, vừa gặp tôi, thầy nắm tay thân mật nói:

- Thầy cứ tiếp tục công việc của mình như mọi bữa nhé.

Tôi chưng hửng:

- Không! Nghe nói hôm nay thầy thay thế mà?

- Ờ, nhưng tôi chỉ điều khiển trong buổi lễ chính thức lúc 8 giờ thôi. Còn từ giờ đến đó thầy vẫn làm như cũ.

Tôi ngần ngại thưa:

- Nhờ thầy hoan hỷ giúp giùm luôn.

Thầy cười nói:

- Chỉ còn hơn một giờ nữa thôi ráng làm đi. Tôi còn nhiều việc khác phải làm.

Cuối cùng tôi cũng phải đến bên máy phóng thanh. Lúc này tôi cảm thấy lo hơn bao giờ hết. Vì trước mặt tôi là thầy Thiện Nhơn, một xướng ngôn viên lưu loát nổi tiếng của Thành hội Phật giáo và bao nhiêu chư tôn túc, các vị khách quý. Do đó trước khi nói một chữ, một câu gì tôi đều tính toán, nhẩm đi nhẩm lại thật kỹ mới dám khai khẩu. Tuy vậy, đến khi thầy Thiện Nhơn bắt đầu xướng ngôn, tôi mới thấy mình còn non tay nghề và vụng về quá nhiều.

Hơn 8 giờ rưỡi kim quan Hòa thượng mới rời vị trí. Tôi thấy mình đã hoàn tất nhiệm vụ xướng ngôn nên đi ra ngoài phụ giúp quý thầy làm trật tự lề đường, vừa tới chỗ xe phóng thanh, thầy Giác An ngoắc tôi lại và kêu lên xe xướng ngôn tiếp. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Thầy Thiện Nhơn đâu, bạch thầy?

- Thầy về đi giảng rồi.

Thế là tôi leo lên xe phóng thanh. Vừa ngồi xuống tôi đã nghe thầy Giác An hối tôi nói. Thật sự lúc này tôi không biết phải nói gì, nhưng hỏi lại thầy thì nhất định tôi không hỏi. Dở, nhưng không chịu để ai biết rõ cái tẩy của mình. Dù sao cũng là tự ti mặc cảm và danh dự của con người mà! Thế là tôi nói ngay chả cần phải cân nhắc suy nghĩ gì cả:

- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thay mặt ban Tổ chức chúng tôi xin cáo bạch đến toàn thể quý liệt vị được rõ: Hòa thượng Phước Quang là... và đã được Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức tang lễ, đứng đầu là Hòa thượng Thích Minh Nguyệt ...

Tới đây tôi bỗng giật nẩy mình lên vì ngón tay của thầy Giác An thọc vào hông tôi và nói:

- Hòa thượng Minh Nguyệt viên tịch rồi ông ạ! Còn sống đâu mà đứng ra tổ chức.

Thôi chết! Tôi chợt nhớ ra mình nói lầm và đưa tay lên bụm miệng lại. Rõ là lẩm cẩm, Hòa thượng Thiện Hào không nói lại nói là Hòa thượng Minh Nguyệt! Thầy Giác An lắc đầu mỉm cười nhìn tôi. Còn tôi thì muốn vả vào mồm một cái thật đau.

Khi đoàn đi bộ chấm dứt và mọi người chuẩn bị lên xe để đến lò thiêu. Tôi rời khỏi xe phóng thanh và ngoắc chiếc xe Honda của một thanh niên đang làm trật tự xin đi nhờ. Do vậy tôi đã đến lò thiêu tại Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh trước đoàn. Lối kiến trúc và toàn bộ khuôn viên lò thiêu đã hấp dẫn tôi. Ðang say sưa chăm chú quan sát thì thầy Thiện Xuân nhắc tôi lại xe phóng thanh “nói cho ấm cúng buổi lễ”. Cơ khổ! Tôi cứ ngỡ việc mình làm như vậy đã xong, ai ngờ lại nói nữa! Mà bây giờ biết nói gì đây trong khi mình chưa chuẩn bị gì ráo? Mặc dù thắc mắc nhưng chân tôi vẫn bước đều đến bên xe phóng thanh như một phản xạ tự nhiên. Lúc này Tăng Ni Phật tử tràn ngập cả sân.

Sau đó là khóa lễ trà tỳ. Vì khuôn viên nơi hành lễ không đủ chứa số lượng người quá đông, nhưng dường như ai cũng muốn mình được vào tận nơi để xem hành lễ nên đã xảy ra cảnh chen lấn mất trật tự, làm cho cuộc lễ bị trở ngại. Thấy vậy tôi liền nói:

- Ban Tổ chức chúng tôi yêu cầu tất cả quý Phật tử hoan hỷ bước ra bên ngoài nhường chỗ cho quý Tăng Ni hành lễ. A Di Ða Phật, xin quý vị lưu ý cho.

Mặc dù tôi đã lập đi lập lại như vậy nhiều lần, nhưng dường như họ vẫn còn nuối tiếc chưa muốn bước ra. Biết họ ao ước được theo dõi toàn bộ cuộc lễ nên tôi nhắc:

- Xin quý vị yên tâm, xin quý vị yên tâm. Chúng tôi sẽ theo dõi và truyền thanh trực tiếp cuộc thi đấu ...

- Cái gì vậy?

Tiếng của ai đó chợt vang lên. Lúc ấy tôi sực nhớ mình nói lộn về buổi truyền hình trực tiếp cuộc thi đấu bóng đá giữa đội Liên Xô và Rumani mà tôi đã xem tối hôm qua! Tôi liền cáo lỗi:

- À, à, xin lỗi, xin lỗi! Chúng tôi sẽ truyền thanh trực tiếp buổi lễ trà tỳ để quý vị được tường tận.

Dứt lời, tôi nghe tiếng ai đó nói:

- “Xướng ngôn viên số một”.

 

Tụng đám^

 

Ðang quét dọn chính điện chùa Bát Nhã, tôi chợt nhìn ra phía trước cổng chùa và thấy Diệu Hạnh đi vào một cách vội vã. Tôi hơi thắc mắc vì sự xuất hiện đột ngột của cô Phật tử này. Chắc có chuyện quan trọng lắm nên Diệu Hạnh mới đến chùa lúc trời còn đầy sương như vậy? Những câu hỏi đang được đặt ra trong đầu tôi, thì cô đã đến sát cửa chính điện.

- A Di Ðà Phật, bạch thầy con mới qua.

Cô chắp tay cúi đầu chào. Tôi ngừng quét đáp lễ bằng câu niệm Phật. Qua lời nói và nhìn gương mặt đượm buồn của cô, tôi đoán ra có việc không may rồi. Tôi hỏi:

- Có chuyện chi không Diệu Hạnh?

Nghe tôi hỏi cô liền nấc lên vài tiếng rồi sụt sùi đáp với giọng đứt khoảng:

- Bạch thầy, mẹ con vừa mất đêm qua.

- Vậy hả?

Tôi bàng hoàng trước hung tin này và đứng lặng người chia sẻ nỗi buồn với cô. Trong khi ấy những giọt nước mắt thương đau của cô đang thi nhau lăn dài xuống nền hoa. Sau vài giây xúc động, tôi hỏi thăm nguyên nhân cái chết của thân mẫu cô. Nghe rõ đầu đuôi câu chuyện tôi khuyên cô hãy nén đau thương để dồn tâm sức lo tang lễ mẹ được chu tất. Cô cảm tạ sự quan tâm của tôi rồi thưa:

- Bạch thầy, ba con đã từ trần khi con còn nhỏ, nay mẹ con lại quá vãng, chúng con còn trẻ dại chưa rõ việc tang lễ như thế nào. Xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho.

Thôi rồi, đúng là một gánh nặng đặt lên vai mình đây! Tôi than thầm và ngẫm nghĩ: Chắc chắn từ chối là tôi không thể từ chối được rồi, bởi lẽ Diệu Hạnh và mẹ nàng là Phật tử thuần thành đã ủng hộ tôi từ hơn ba năm nay sau khi tôi lên thành phố ăn học và tạm trú tại ngôi chùa này. Vẫn biết rằng việc làm của họ không có ý mong cầu đến lúc chết được các thầy đến tụng niệm và đưa đám mà đó cũng là nhân và quả. Kẻ thi ân chân chính chẳng quan tâm đến việc cầu báo, nhưng người chịu ân lẽ nào không nghĩ đến hai chữ báo đền? Hơn nữa mình lại là tu sĩ, hằng ngày thường khuyên Phật tử nên lấy đạo lý làm người đối xử với nhau, lẽ nào bây giờ gia đình họ gặp hữu sự mình lại thờ ơ hoặc không có trách nhiệm gì vậy thì tình nghĩa thầy trò ở chỗ nào? Thế nhưng nhận lãnh thì biết gì mà chỉ dạy đây? Thú thật, khi còn ở với sư phụ vì là đệ tử út lại được làm thị giả thầy, nên mỗi lần có đám tang tôi đều viện cớ này lý nọ lẩn tránh để các huynh tôi lãnh giùm. Hơn nữa vì cái quan niệm “TRỌNG LÝ KHINH SỰ” của mình nên tôi coi thường việc cúng tụng đám ma và xem đó không phải là việc làm của tu sĩ đạo Phật. Do vậy tôi hoàn toàn mù tịt về vấn đề này. Bí quá, tôi đề nghị cô nên thỉnh thầy trụ trì chùa Bát Nhã đây, nhưng cô cứ một mực nhờ tôi với lý do là chỗ quen thân dễ dàng xử sự hơn. Thôi thì “thế thời phải thế” chứ còn biết làm sao khác hơn được.

Cô móc túi lấy ra tờ giấy ghi tên tuổi mẹ và ngày sinh ngày tử nhờ tôi coi giờ tẩn liệm, an táng. Tôi ấp a ấp úng:

- À, à, coi ngày giờ hả?

- Dạ, xin nhờ thầy xem giúp giùm con luôn.

Trời ơi, từ trước tới giờ tôi có biết chi đến việc xem ngày giờ tốt xấu gì đâu! Vả lại tôi đã từng lên án nó là mê tín không lẽ bây giờ lại nhúng tay vào? Không thể được, mình phải giữ lập trường trước sau như một. Tôi nhanh chóng phân tích cho cô hiểu về chính kiến trong Phật giáo. Rõ là có hiệu quả, trong lúc tôi giảng giải, cô gật gù ra vẻ tán đồng ý kiến. Khi tôi vừa dứt lời cô liền thưa:

- Bạch thầy hoan hỷ cho, chính con cũng rất hiểu về vấn đề này, nhưng vì trong lúc gia đình có tang, các em con tin tưởng ở ngày giờ, xin thầy cũng vì phương tiện mà cho chúng con một viên thuốc an thần.

Chà, kẹt quá! Tôi thấy mình cần phải giữ vững lập trường trong lúc này và đó cũng là lối thoát cho mình khỏi phải coi ngày giờ. Tôi ra sức thuyết phục, thế nhưng cô cũng ra sức phân trần. Cuối cùng...

- Thôi được, Diệu Hạnh về trước sắp đặt nhà cửa một lát nữa tôi qua thông báo ngày giờ.

Cô ra về. Tôi thơ thẩn đứng đó với bao ý nghĩ rối bời. Về việc coi ngày giờ thì tôi có thể nhờ thầy trụ trì đây được rồi. Còn vấn đề tẩn liệm, an táng sắp tới thì sao? Chả lẽ bây giờ mình lại đến “cầu pháp” với các huynh đệ mà trước đây mình đả kích? Thấy hành động như vậy sẽ tổn thương danh dự, tôi liền về phòng tính kế khác. Tôi chợt nhớ ra trước đây mình có một cuốn sách nói về nghi thức tụng đám. Mừng quá, tôi lao ngay vào các chồng sách lục lọi nhưng tìm mãi mà không thấy. Vốn có thành kiến với nó nên tôi đã hất hủi bỏ nó ở đâu không rõ nữa. Lúc này tôi cảm thấy tiêng tiếc mà thấm thía lời này: Ðừng lãng phí những cái chưa cần để rồi mai đây ta khỏi hối hận khi cần đến nó.

¯

Ðúng giờ nhập quan, tôi có mặt tại nhà Diệu Hạnh. Tuy không biết tí gì về nghi thức này nhưng tôi vẫn thấy vững tâm ở chỗ là ngoài tôi ra không có một thầy nào khác. Nhờ vậy mà tôi dễ dàng tự biên tự diễn hơn. Tay trái cầm ly nước trong, tay mặt cầm nhánh bông cúc, tôi đến cạnh thi hài vừa đọc bài Tán Dương Chi vừa nhúng cành bông vào ly nước rồi rải chung quanh xác chết và tôi cho đó là sái tịnh! Mặc cho con cái khóc la, việc mình mình làm, tôi nhanh chóng tụng chú Ðại Bi, Bát Nhã, niệm Phật, hồi hướng. Thế là xong phần nhập quan. Có lẽ nhờ tiếng khóc la đó khiến tôi bớt trơ trọi và ít ai để ý đến nghi thức cúng tụng của mình. Trong lúc hành lễ tôi thấy một cậu thanh niên tuổi ngoài ba mươi phụ sắp đặt lễ nghi rất là thông thạo. Mặc dù thế dường như sợ múa rìu qua mặt thợ nên cậu ta nhất nhất làm cái gì cũng hỏi tôi. Qua cách bày biện tôi biết chính anh chàng là “thợ” chứ không phải là mình nên tôi cũng nhất nhất gật đầu tán thành.

- Bạch thầy, con thấy thường thường người ta để quả trứng và đôi đũa bông trên bát cơm đầy, đặt trên nắp quan tài. Bây giờ mình cúng chay thì thay quả trứng bằng củ khoai tây được không?

Tưởng anh chàng hỏi ý nghĩa về đôi đũa bông thì bí chứ còn hỏi việc đó tôi gật đầu đáp:

- Ờ, ờ, như vậy là tốt đó đạo hữu.

Bây giờ tôi cảm thấy vừa lo lại vừa mừng về sự hiện diện của cậu thanh niên này. Lo là mình không làm đúng, mừng là mừng có người sắp đặt giúp mình.

Sau khi tẩn liệm xong, anh cho người khiêng một bàn thờ đã dọn sẵn đến trước quan tài. Trên bàn thờ, bên trái là lọ bông huệ, bên phải là mâm trái cây, chính giữa là ba chén cơm với vài ba dĩa thức ăn, bên ngoài là lư hương và ba chiếc ly nhỏ để không. Anh dựng bốn chiếc đũa lên chén cơm đặt trên đầu quan tài: Một đôi ở giữa và hai chiếc mỗi chiếc một bên.

- Bạch thầy, con để vậy có đúng không?

- Tốt rồi đạo hữu.

Tôi định hỏi lại tại sao cúng ba chén cơm mà không để ba đôi đũa mà lại để bốn chiếc và tại sao không để nằm lại để dựng đứng ở đầu quan tài. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại đáng lẽ Phật tử hỏi mình thì mới phải, chứ ai đời Thầy lại đi hỏi Phật tử, như vậy làm sao mà “thống lĩnh đại chúng” cho được.

- Bạch thầy, bây giờ cúng cơm trước hay làm lễ thành phục trước?

Cái gì? Lễ thành phục? Mình có nghe lầm không nhỉ? Tôi liền hỏi lại và anh ta đáp y xì như trước. Thật vậy sao? Lễ thành phục? Tôi ngẫm nghĩ xem nó là cái lễ gì mà nghe lạ tai quá. Trong lúc chờ đợi tìm ra câu giải đáp, tôi quyết định:

- Cúng cơm trước, lễ thành phục sau.

Anh vội vào nhà trong lấy ra một ấm nước trà và đặt lên bàn cạnh ba chiếc ly không. Thấy vậy tôi nói:

- Rót nước vào ly đi đạo hữu.

Anh quay lại nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Thầy không trà châm sơ tuần, nhị tuần, tam tuần à?

Có vụ này nữa sao ta? Bây giờ mình lỡ nói rót nước ra ly rồi thì phải giữ chữ tín, vả lại mình có rành nghi thức cúng cơm đâu mà biết lúc nào là trà châm sơ tuần, nhị tuần... Tôi liền biện bác:

- Rót một lần đầy ly để người chết uống cho đã khát, chứ mỗi lần rót chút chút một phiền mình mà vong phải chờ đợi tội nghiệp! Mình phải đổi mới tư duy chứ đạo hữu!

Anh chàng nhếch môi cười:

- Vậy có nghĩa là mình gắp thức ăn vào chén cơm cúng luôn khỏi phải tiến phạn?

- Ðúng đấy đạo hữu.

Trong khi tụng kinh, tôi có cảm tưởng mình là chiếc máy radio, miệng đọc mà để đọc, chứ tâm trí thì đi đàng nào ấy. Ba chữ lễ thành phục cứ ám ảnh tôi mãi cho đến khi tụng sang phần niệm Phật rồi mà vẫn chưa tìm ra nó là lễ gì. Kẹt quá tôi đành phải kéo dài thời gian bằng cách đứng niệm Phật thật lâu. Lát sau cậu thanh niên mới bưng ra một cái mâm có đựng đồ tang và đặt trước bàn vong. Tôi “à” một tiếng vì đã tìm ra đáp số và thấy người mình nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng. Tôi thì thầm:

- Thì ra là lễ phát tang!

Ðến lễ thành phục tôi thấy mình cần phải ứng dụng câu ‘tùy duyên biến hóa” trong thế bí này. Tôi nói:

- Mỗi người thắp một nén nhang khấn ngày tháng năm, tên họ mình nay xin thọ tang mẹ.

Trong lúc họ thì thầm khấn, tôi cũng lâm râm đọc thần chú, tay phải cầm ba cây nhanh vẽ lên đồ tang chữ ÁN to tướng. Sau khi thu nhang cắm vào lư hương, tôi nhắc mọi người lấy đồ tang mặc vào. Lúc ấy Diệu Hạnh thưa:

- Nhờ thầy phát tang cho tụi con.

Tôi lúng túng không biết phân biệt cái nào là của ai. Nhìn lên mâm đồ tang tôi thấy ngoài quần áo, khăn ra còn có một cái mũ bằng rơm được quấn bằng vải mùng trắng bên ngoài, vành tròn và có một đường cong ở giữa đỉnh đầu. Tôi đoán chắc mũ này là của người chị cả nên cầm lấy và trao cho Diệu Hạnh. Cô đưa tay lên định cầm thì cậu thanh niên can:

- Ấy, cái đó là của con trai.

Diệu Hạnh ngước nhìn tôi mỉm cười và cầm mũ trao cho đứa em trai. Mặt tôi hơi đỏ.

Trong lúc ngồi giải lao sau khi hoàn tất công việc, Diệu Hạnh đến bên tôi chắp tay thưa:

- Bạch thầy, hôm di quan mẹ con, nhờ thầy thỉnh giúp hộ con hai vị nữa.

Nghe lời yêu cầu của Diệu Hạnh tôi tán thành ngay.

¯

Tôi và hai thầy nữa đến nhà Diệu Hạnh trước khi động quan nửa giờ. Vừa đến cổng, tôi thấy cậu thanh niên bưng một cái mâm đặt trên chiếc ghế đẩu để trước cửa nhà. Trên mâm có một tấm triệu, một đĩa đựng: Một con tôm, một con cua, một miếng thịt, tất cả đều luộc chín có mầu đo đỏ, ba ly nước không, một ấm trà, một cặp đèn cầy nhỏ, vài cây nhang và một ít giấy vàng bạc. Tôi hỏi:

- Cúng cái gì vậy đạo hữu?

- Bạch thầy, cúng cáo đạo lộ ạ!

Cáo đạo lộ? Tôi nhướng mày nhìn và ngẫm nghĩ cúng cáo đạo lộ là cúng ai cà? Sau vài giây tìm hiểu tôi đoán có lẽ là cầu ông thần đất để ông phù hộ cho xe tang đi đường khỏi bị chết máy ẩu chứ gì! Rõ là người Việt Nam ta rất biết điều và lễ nghĩa đầy đủ quá!

Tới giờ làm lễ di quan, tôi cho mời tất cả tang quyến tề tựu trước quan tài. Lúc này tiếng thầy chủ sám vang lên:

- Tang chủ tựu linh tiền.

Tiếng thầy cất lên trầm bổng ngân nga làm mọi người đang ồn ào bỗng im phăng phắc. Dường như âm thanh của thầy đã lôi cuốn họ về với lời kinh tiếng kệ. Quang cảnh buổi lễ trở nên trang trọng lạ thường. Thầy xướng tiếp:

- Giai quỵ.

Lúc này tôi mới cảm được cái tác dụng của âm thanh. Một bản nhạc dù hay cách mấy mà người hát dở cũng chẳng hấp dẫn được thính giả. Nếu lời kinh là một bản nhạc tuyệt vời mà thầy tụng là ca sĩ giỏi thì chắc chắn sẽ dễ dàng thu phục nhân tâm quay về chính đạo. Tôi say sưa lắng nghe và trân trọng theo dõi nghi lễ cúng tụng của hai thầy. Lúc chấm dứt, thầy chủ sám xướng:

- Tang chủ khởi thân lễ tất tứ bái...

Nghe thầy xướng hay quá, tôi nhớ lại mình hôm qua, sau phần cúng cơm tôi nói gọn lỏn:

- Tang chủ lễ tạ bốn lễ.

Sau đó thầy chủ sám nhắc tôi mời các đạo tỳ vào làm lễ bái quan. Tôi thật thà nói:

- Ðã tới giờ động quan, mời quý vị đạo tỳ vào làm lễ bái quan.

Thầy chủ sám nhìn tôi mỉm cười rồi xướng lại, giọng rất trầm hùng:

- Dịch giả tựu linh tiền tác lễ.

Biết mình làm không xong, tôi ghé tai thầy chủ sám nói:

- Nhờ thầy xướng giúp luôn.

Ðợi các đạo tỳ làm lễ bái quan xong, thầy xướng tiếp:

- Triệt hạ linh tòa.

Họ nhanh chóng dọn dẹp tất cả những đồ trang trí chung quanh quan tài. Trước khi động quan, thầy chủ sám xướng:

- Thiên cửu tựu dư.

Quan tài được nhấc lên từ từ. Tôi và hai thầy niệm Phật dẫn đường, kế đó là cậu con trai bưng bát nhang, Diệu Hạnh theo sau bưng di ảnh mẹ, tiếp đến là quan tài. Ðoàn người chậm chạp chuyển động. Tiếng niệm Phật ngân nga trầm bổng hòa với tiếng khánh nhịp mõ của thầy chủ sám vẫn có sức hấp dẫn tôi phải suy nghĩ về vấn đề nghi lễ cúng tụng của tu sĩ Phật giáo. Làm thế nào trong tinh thần tùy duyên hóa độ người mất này mà vẫn giữ được sự bất biến. Những suy nghĩ ấy đang cùng với đoàn người xa dần khởi điểm ...

 

Dưới mái hiên chùa^

 

Ðứng trên lan can phía trái của chính điện ngôi chùa, tôi có thể nhìn thấy những mái nhà tôn, nhà ngói, cái cao cái thấp, cái lớn cái nhỏ, lố nhố san sát nhau, thỉnh thoảng mới có một vài ngôi nhà đúc hai ba tầng cao trội hơn cả. Những đường hẻm ngoằn ngoèo như những con rắn mang bầu, chỗ phình ra chỗ hẹp lại không có luật lệ gì cả. Dường như trước đây mạnh ai có chút quyền thế gì cứ việc lấn chiếm hàng rào nhà mình cho rộng bất chấp đó là đường sá. Nhìn toàn bộ địa hình nơi đây ta có thể đoán được cuộc sống phức tạp của những người lao động chân tay nghèo khổ. Hai phần ba dân số là người Hoa. Hằng ngày họ tản mác đi làm các nơi khác đến chiều tối mới tụ họp về gia đình.

Mỗi ngày vào khoảng bảy giờ sáng, ngang con hẻm chùa, một bà lão trạc tuổi sáu mươi, tóc đã bạc trắng, hai gò mà nhô cao trên gương mặt xương xẩu nhăn nhó, cặp mắt hơi thụt vào và không còn thấy ánh sáng. Khoác trên thân hình gầy ốm tiều tụy là bộ đồ bà ba đen cũ kỹ sờn gấu. Một tay bà bám vào vai đứa bé trai khoảng tám tuổi, một tay bà cầm chiếc ca nhựa có quai, lần bước theo đứa bé đến sạp cà phê cách nơi bà ở khoảng năm mươi mét. Ngày nào cũng như ngày nào bà chỉ ngồi một chỗ, một chiếc bàn như là một thói quen. Sau khi uống cà phê và nói chuyện phiếm với khách xong, bà gọi đứa cháu dắt về. Có hôm nó mải đi chơi xa bỏ bà ngồi chờ chán rồi mới quay lại đưa bà về. Mỗi lần như vậy bà không quên rót trà vào ca mủ của mình đem về nhà uống.

Hơn ba tháng nay tôi để ý thấy bà cứ đi ngang con hẻm chùa và uống cà phê nơi sạp đó vào mỗi buổi sáng.

Một hôm nghe tiếng trẻ nhóc ở đây vỗ tay cười la “thầy chùa, thầy chùa” um sùm nhưng không rõ lý do gì. Trong tâm tôi đinh ninh rằng có lẽ vị sư nào đi khất thực ngang đây bị chúng chọc chăng? Ðể xác minh sự thật, tôi liền bước ra lan can ngó xuống đường và thấy lũ con nít đang bu quanh bà lão mù, đầu bà hôm nay bỗng trắng hếu, không còn tóc nữa.

Bà đứng lại la:

- Ðồ quỷ, đồ yêu! Mẹ bay đẻ bay ra có tóc không mà đi chọc phá người ta, hả?

Cặp mắt bà trợn lên lộ cả tròng trắng, tròng đen với những đường chỉ đỏ, dáo dác nhìn theo phía tiếng trẻ nít. Mặt bà hậm hực như muốn nhào lại đánh chúng cho hả giận.

Bất chấp lời la mắng của bà, lũ nhỏ vẫn tiếp tục cười chọc. Thấy không ngăn nổi chúng, bà thúc đứa cháu đi về, miệng vẫn lẩm bẩm chửi rủa. Một vài cô sồn sồn đang đứng xem cũng đồng tình. Lúc ấy một người đàn ông đi qua la rầy lũ nhỏ. Các ả thấy vậy mới động lòng trắc ẩn lên tiếng can thiệp vào:

- Ðừng có phá tụi bay.

- Người ta già cả mù lòa chọc ghẹo mai mốt sẽ mang quả báo đó.

- Gùa Thù ơi! Phán xẻ. Ngộ tả lị pây giờ.

Tuy miệng nói như vậy nhưng cặp mắt của mấy mụ thì ánh lên vẻ thích thú, nhìn theo lũ nhỏ đang đi theo sau chọc ghẹo bà lão mù.

Thực ra ai còn lạ gì cái xóm này nữa. Một số trẻ mới lớn đã được học chửi thề trước khi biết nói! Có lần tôi nghe cái mụ có thằng con tên Gùa Thù dạy con:

- Lị ngu quá, ló chửi lị như vậy mà lị im hả! Miệng mồm lị tâu mà không chửi lại! Pộ lị sợ ló tánh hả! Lồ cái thứ khôn nhà dạy chợ!

Phần lớn những đứa trẻ ở đây được giáo dục theo kiểu đó, thế nên mỗi lần hễ mở miệng ra nói chúng đều có kèm theo câu chửi thề và dường như cha mẹ chúng cũng rất vui mừng hả dạ khi thấy con mình chửi thề, nói tục giỏi hơn con người khác! Chính vì thế mà một hôm tôi thấy cái thằng Gùa Thù nó văng tục lại với mẹ nó khi tức giận. Huống chi lời hăm dọa của mụ khi nãy có thấm vào đầu nó chút sợ sệt nào đâu! Cha mẹ đã không ra cha mẹ thì bảo sao con cái trở thành con cái được! Thú thật lần đầu tiên đến sống nơi đây tôi rất khó chịu và khổ sở khi phải nghe những lời nói quá tục của họ xổ ra hằng ngày. Thế mà không hiểu sao bây giờ tôi đã lờn với nó rồi, trời ạ!

Thấy tụi con nít xúm nhau chọc phá như vậy mà sáng nào bà cũng đi đến sạp cà phê đó uống, tôi đâm thắc mắc. Bởi vì cách nhà bà vài căn cũng có sạp cà phê vỉa hè, tại sao bà không ở đó uống cho gần mà lại lần mò đi xa để cho lũ trẻ quấy rầy như thế? Giả sử vì sạp cà phê cạnh nhà không ngon thì bà có thể sai mấy đứa cháu nó đi mua về uống, cớ gì phải khổ sở đích thân lê la đến tận nơi mỗi ngày như vậy? Sau nhiều lần dò hỏi những người nghiện cà phê tôi mới biết người ta không chỉ nghiện cà phê mà còn nghiện cả chỗ ngồi nữa!

Mấy ngày nay tình hình trở nên lắng dịu, tiếng la cười chọc phá của lũ nhỏ không thấy nghe nữa. Tôi cho rằng tâm lý trẻ con bao giờ cũng vậy, chơi trò chơi gì cũng chỉ hăm hở ở lúc đầu rồi vài ngày sau là chán ngấy.

Sáng nay, tôi ra lan can cố đứng đợi bà lão mù đi ngang qua để xem lời đoán của mình có đúng không. Vài phút sau tôi mới vỡ lẽ là mình đã sai và hiểu rõ tại sao lũ con nít không dám chọc phá nữa.

Một ông lão trạc tuổi bà lão, trán hói lên tận đỉnh, mớ tóc chung quanh đầu cũng được ủi sạch nhẵn bóng, nổi bật trên gương mặt nhăn nheo là cái mũi to tướng, thỉnh thoảng hinh hỉnh lên, hai vành tai thì lại nhỏ xíu so với cái đầu “bưu”, cặp mắt ti hí hơi lõm vào. Nhìn gương mặt ông tôi có cảm tưởng nếu ông được lên sân khấu diễn vai hề chắc chắn sẽ thành công và rất ăn khách. Ông mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay đã ngả màu đất và chiếc quần xà lỏn màu xám tro để lộ đôi chân xương xẩu được bao bọc bởi lớp da lùng nhùng chẳng còn bắp thịt. Nhìn những nếp nhăn nơi gương mặt và chân tay ông, tôi có thể đoán thời trai trẻ ông rất mập. Tay nắm tay, ông dắt bà lão thủng thẳng cùng đi.

Không hiểu sao đôi chân khẳng khiu của ông lại hấp dẫn tôi một cách lạ kỳ thế. Ðứng ngắm nhìn từng bước chân đi như hai khúc xương di chuyển tôi cứ suy ngẫm rồi đâm ra so sánh:

Chắc chắn vợ chồng ông bà lão này so với Thầy tôi thì kém rất xa. Ở cái tuổi tám mươi mà Thầy tôi vẫn mập mạp hồng hào, bắp chân bắp tay còn chắc thịt, đi đứng vững vàng, lời nói trong thanh, tinh thần minh mẫn. Nếu nói rằng đó là kết quả của sự ăn uống đầy đủ sung sướng thì không có lý, vì Thầy tôi ăn chay từ bé đến giờ đâu có ăn cá thịt hay cao lương mỹ vị như người thế gian. Còn nếu cho rằng người tu hành nhàn rỗi nên được vậy thì lại hoàn toàn sai. Bởi lẽ từ khi xuất gia năm mười lăm tuổi đến nay, sống nơi đồng quê Thầy tôi đã lao động tự lực cánh sinh ít khi chịu ăn không ngồi rồi. Như vậy, cũng là người già với nhau, cũng ăn một lượng thức ăn bằng nhau mà có người thì mập ra, kẻ lại tóp vào. Thế là sao nhỉ?

Tôi suy nghĩ một lát thì chợt nhớ đến câu chuyện hôm qua, khi tôi cùng đi với người bạn trên đường Võ Thị Sáu gần đến ngã tư Bà Huyện Thanh Quan. Tôi giơ tay chỉ một cây cổ thụ bên lề đường hỏi:

- Cây gì vậy anh?

- Cây cao su đó thầy.

- Vậy hả! Sao nó lại phình to ở gốc cây vậy?

- Dạ, vì nó không bị lấy mủ nên mới mập như thế đó.

Tôi gật đầu đắc ý.

Nhờ cây cao su này đã giải đáp được câu thắc mắc của tôi. Lấy mủ hết thì cây sẽ khô héo tiều tụy dần, tích chứa mủ thì thân cây sẽ càng to lớn tươi xanh.

. . . . . . . . . . . . . .

- Từ từ chứ ông!

Nghe tiếng bà lão mù la lên, tôi liền ngó xuống đường.

- Ði nhanh lên một tí. – Ông lão thúc giục.

- Té tôi bây giờ đó.

- Bà đã nắm chặt tay tôi rồi còn sợ gì nữa.

- Chậm rãi mà đi, có giặc đâu mà phải vội vã.

- Bà có sợ té thì leo lên lưng tôi cõng về cho. Ông cúi người xuống phía trước bà pha trò.

- Ðồ khỉ! Già rồi còn mất nết.

Ông lão cười hì hì rồi chậm rãi dắt bà đi.

¯

Sáng nay tôi dắt chiếc Honda dame ra đường để chuẩn bị đi học. Thấy xe dơ quá, tôi lật yên lên lấy chiếc khăn ra ngồi lau sơ một tí.

Ðối diện với con hẻm ngang hông chùa là Tổ hợp sản xuất dây đồng hồ. Lúc này vào khoảng hơn sáu giờ rưỡi, các công nhân đã tập trung trước cửa chờ đúng bảy giờ sẽ vào làm việc. Trong thời gian chờ đợi họ ngồi tán dóc với nhau đủ thứ chuyện trên đời.

Tôi loay hoay chùi xe không để ý đến các cô cậu thanh thiếu niên này. Bỗng một cậu lên tiếng:

- Dzách lầu mụ pho. Trăm năm hạnh phúc.

Một cậu khác thêm vào:

- Cho đến răng long đầu bạc.

- Không phải, răng long đầu trọc.

Cả bọn vỗ tay cười ồ lên.

Tôi hơi đỏ mặt khi nghe câu này. Mắt cứ chăm chú vào công việc không dám ngước nhìn lên, trong lòng thì lại thầm trách những anh chàng bất lịch sự thiếu văn hóa này. Xui thật, mới sáng sớm đã bị lũ choai choai này chọc ghẹo rồi. Nghe họ xì xầm cười nói tôi tưởng chọc mình nữa nên càng cúi gầm mặt xuống. Lúc đó chợt có hai bóng người lom khom đi ngang qua, ngước mắt lên nhìn, tôi mới nhận ra vợ chồng bà lão mù. À! Té ra nãy giờ không phải họ ghẹo mình. Tôi yên chí đứng dậy cất chiếc khăn vào yên xe, bật công tắc, leo lên xe đạp máy rồi khởi hành.

Xe lao lên phía trước, tôi thấy ông lão nắm tay dắt bà lão đi thật hạnh phúc. Ngẫm lại câu “trăm năm hạnh phúc cho đến răng long đầu trọc” của cái tụi thanh niên khi nãy là có cơ sở hẳn hòi. Nhìn lại chiếc đầu không có tóc của ông bà lão, tôi chợt nghĩ đến mình rồi cười thầm.

 

Học đánh máy chữ^

 

Chú tiểu Lâm đứng ngoài cửa sổ nhìn một cách say mê và đầy khao khát vào nơi thầy thư ký đang đánh máy chữ. Tiếng đánh máy lách cách đều đặn của thầy có sức thu hút lạ kỳ đối với chú không chỉ bây giờ mà ngay từ những ngày đầu khi mới bước chân vào chùa. Ôi, tại sao những ngón tay của thầy lại lướt nhẹ nhàng, lanh lẹ trên bàn máy một cách tuyệt diệu như thế? Ðặc biệt là thầy không hề nhìn vào hàng chữ mình đánh, nhưng lại không sai sót một dấu nào. Nếu có sai thầy ngừng tay và sửa lại liền. Chú tiểu Lâm có cảm tưởng như thầy còn có con mắt thứ ba nào đó đang nhìn vào bàn máy nên biết rõ tất cả. Chú quyết tâm tìm cho ra nguyên nhân nào đã dẫn đến sự thành công này. Do vậy, cứ mỗi lần thầy đánh máy chữ là chú tìm cách đến bên cạnh để xem. Một hôm, chú vừa mon men lại chỗ thầy làm việc, thầy có vẻ không bằng lòng và hỏi:

- Sao chú không học kinh, lại đây làm gì?

- Dạ, con xem thầy đánh máy.

- Chú nên nhớ, người lịch sự không bao giờ đứng ngó người khác làm việc như vậy.

Mặt chú hơi đỏ vì “quê”.

- Bạch thầy, không phải con tò mò về nội dung bài thầy đang đánh máy mà con muốn tìm hiểu về phương pháp đánh máy chữ của thầy.

- Biết vậy rồi. Dù sao tình ngay nhưng lý vẫn gian. Lần sau chú không nên hành động như thế. Nếu chú muốn học thì cứ nói, tôi sẽ dạy cho.

- Mô Phật, xin thầy hoan hỷ thứ lỗi và xin thầy chỉ dạy cho con học.

Thầy gật đầu đồng ý. Chú tiểu Lâm cáo từ và lẳng lặng đi ra. Tuy hơi “quê” khi bị thầy chỉnh nhưng dù sao chú cũng nhận ra khuyết điểm và coi đó là một bài học đáng nhớ.

Từ đó chú tiểu Lâm ngày đợi đêm mơ tính từng ngày một. Thế nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, đã hơn hai mươi ngày rồi mà thầy thư ký chưa đếm xỉa gì đến việc “cầu pháp” của mình. Ðã vậy, mỗi lần gặp thầy chú định nhắc lại lời thầy hứa và xin chỉ dạy nhưng dịp may đã chẳng đến. Tuy nhiên, sự thờ ơ và im lặng của thầy vẫn không làm giảm sút ý chí cầu học và trái lại càng tăng thêm lòng kiên nhẫn của chú. Một hôm thầy đang ngồi làm việc, chú Lâm đến bên cạnh chắp tay thưa:

- A Di Ðà Phật, bạch thầy.

Thầy ngó ngoái lại và hỏi:

- Có việc chi không chú?

- Hôm trước thầy hứa dạy con đánh máy chữ.

- À, à, thế hả! Vậy chiều nay tôi sẽ dạy.

- Bạch thầy, vào lúc mấy giờ ạ?

- Khoảng hai giờ chú sang đây.

Suốt buổi trưa hôm đó, chú tiểu Lâm không thể chợp mắt được. Hết nằm lại ngồi thấp thỏm chờ đợi, chốc chốc chú lại nhìn đồng hồ. Chú càng mong muốn cho thời gian ngắn lại bao nhiêu thì nó lại càng dài ra bấy nhiêu. Sốt ruột quá, mới hơn một giờ rưỡi chú đã đến trước phòng thầy thư ký ngồi chờ, nhưng mãi đến hai giờ rưỡi thầy mới mở cửa cho chú vào.

Lúc này, trước mặt chú trên bàn là chiếc máy đánh chữ, bên phải là tờ giấy mẫu với những chữ ưưư, ơơơ, ơươ... và một số chữ khác cũng sắp xếp theo kiểu tương tự. Thoạt tiên thầy nói sơ qua về cách sử dụng máy. Kế đến thầy hướng dẫn chú đặt 8 ngón tay trên 8 chữ nhất định ở hàng chữ thứ ba từ trên đếm xuống, còn hai ngón cái dùng vào việc nhấn cách khoảng giữa từ này với từ khác. Sau khi nắm rõ ngón nào đặt trên chữ nào rồi, thầy không cho chú nhìn vào máy nữa, trong lúc đánh chỉ nhìn vào tờ giấy mẫu. Sau khi đánh xong một hàng chú mới được phép nhìn những chữ đã đánh để kiểm tra lại xem đúng sai thế nào. Vì tay còn cứng vả lại chưa quen nên chú đánh hay bị lộn và nhảy chữ lung tung. Tuy nhiên chỉ mười lăm phút sau chú đã khá thuần và xin thầy học qua chữ mới. Thầy hỏi:

- Chú thuộc kỹ chưa?

- Bạch thầy thuộc kỹ rồi ạ.

- Bây giờ tôi kiểm tra lại nhé?

- Mô Phật.

- Nếu đúng thì tôi dạy chữ mới, còn sai thì chú tiếp tục tập cho đến khi nào thuộc thì thôi. Ðồng ý chứ?

- Mô Phật.

Chú tiểu Lâm mặc dù đã tự tin nơi khả năng của mình, nhưng khi nghe thầy ra điều kiện như vậy cũng hơi hồi hộp. Trước khi dò, thầy hỏi lại:

- Chuẩn bị chưa?

- Bạch thầy rồi.

Vừa dứt lời thầy đọc thật nhanh:

- ươư cách ơươ cách ưươ cách ơơư cách ......

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tay chú Lâm vẫn quíu lại, đánh lộn xà ngầu lên. Xong một hàng thầy hỏi chú:

- Bây giờ tôi đọc lại cho chú dò xem có sai chỗ nào không?

Sau khi đọc xong, chú đáp:

- Bạch thầy có sai.

- Nhiều ít?

- Dạ khá nhiều.

Thầy mỉm cười:

- Vậy là chưa thuộc rồi. Tập lại đi thôi và chú nên nhớ là học làm sao từ chưa thuộc mặt chữ đến thuộc làu, đánh làm sao cho từ chậm đến thật nhanh.

Chú Lâm dạ rồi tiếp tục học. Ðến lần thứ hai, thứ ba cũng vậy. Qua lần thứ tư chú mới nhuần nhuyễn thuộc làu. Học xong hai chữ ư, ơ, thầy nói:

- Thôi hôm nay học bấy nhiêu đủ rồi.

Chú Lâm ngước lên nhìn thầy có vẻ khẩn khoản:

- Xin thầy dạy con học thêm ít chữ nữa. Giờ này còn sớm lắm.

- Từ từ mà học. Ăn cái gì cũng phải cho nó có thời gian tiêu hóa nữa chứ. Coi chừng “dục tốc bất đạt” đấy.

Chú lưỡng lự chưa muốn rời khỏi bàn máy:

- Bạch thầy, học như vậy biết chừng nào con mới đánh được như thầy?

Thầy hơi nhếch môi cười. Tâm lý nôn nóng của chú Lâm chẳng khác gì thầy trước kia. Thích cái gì là muốn làm cho bằng được. Thầy nhắc nhở:

- Chú biết không, lúc trước tôi thấy người ta nói chuyện với người nước ngoài bằng tiếng Anh, tôi rất mê và ao ước nói được như vậy. Khi vào trường học, giáo sư dạy chậm quá, vì nôn nóng muốn nói được ngay nên tôi về nhà học thêm từ mà không để ý đến văn phạm. Ðến khi học lên cao, chữ thuộc nhiều nhưng văn phạm mất căn bản. Thế là tôi nói sai bét hết. Quay trở lại học lớp thấp thì ngại, mà học tiếp lên cao thì không hiểu. Cuối cùng tôi đã phải bỏ ngang. Thế đó chú, việc học cũng chẳng khác việc tu hành đâu, vì tất cả pháp đều là Phật pháp. Muốn sáng tỏ một vấn đề gì phải chuyên chú và quán triệt nó một cách rốt ráo. Có được như vậy việc tu hay học của chúng ta mới đỡ vất vả và sự thành công sẽ vững chắc hơn.

Nghe thầy nói có lý, chú Lâm vui vẻ đứng dậy chắp tay xá chào lui ra. Từ đó mỗi buổi chú học khoảng một giờ và thuộc từ hai đến bốn chữ. Sau mỗi buổi học, những lúc rảnh rỗi chú gợi lại những chữ đã học và nhịp nhịp ngón tay như là mình đang ngồi đánh trước bàn máy. Do chuyên tâm như vậy, khoảng ba tháng sau chú đã đánh thông thạo không thua kém gì thầy.

Một hôm chú đang ngồi đánh máy một cách say mê. Những ngón tay thoăn thoắt lướt nhẹ trên bàn máy và tiếng đánh máy liên tục dòn như bắp rang. Chợt tiếng thầy thư ký vang lên khi bước vào phòng:

- Chu choa, hôm nay đánh máy khá quá!

Lúc đó chú Lâm rùng mình vì lời khen của thầy. Bây giờ chú mới nhận ra mình đã đạt đến trình độ khá cao. Thật xứng đáng với lòng kiên nhẫn học tập của chú. Có đôi lần đánh máy, chú thấy dường như thân tâm mình đã hòa cùng chiếc máy thành một dòng trôi chảy liên tục, lúc ấy ý thức không còn phân biệt như trước nữa. Chú đánh máy mà không còn thấy mình đánh máy. Từ bài học kinh nghiệm thực tế này, chú nghĩ đến pháp môn Tịnh độ trì danh hiệu Phật. Nếu mỗi ngày mình chịu khó huân tập chủng tử Phật danh, thì chắc chắn không bao lâu sẽ đạt đến nhất tâm bất loạn. Lúc ấy niệm đã thuần thục rồi thì khi niệm mà không thấy mình niệm, không niệm nhưng vẫn niệm. Chú mỉm cười sung sướng vì nhận ra được chân lý này và nói:

- Ðúng là “Tất cả pháp đều là Phật pháp”.

 

Cúng dường Phật đản^

 

Trăng đã lên cao, tỏa ánh sáng tươi đẹp. Gió nhè nhẹ lùa vào phòng. Thu Thảo tắt đèn, khẽ đặt lưng xuống giường. Nàng vui sướng nhẩm lại số tiền vừa mới đập con heo đất và vạch kế hoạch cho ngày mai. Xem nào: Mua 20 con chim sẻ, một chục cam, nửa ký nho, nửa chục xoài, một bó huệ, một thẻ nhang trầm. Thôi, như vậy cũng tạm ổn rồi. Ðó là tất cả tấm lòng của Thảo dành dụm quà học hơn ba tháng nay để dâng lên cúng dường ngày Phật đản. Nghĩ đến một mâm hoa quả và những con chim tung bay trên nền trời bao la, Thảo sung sướng quá mong cho ngày mai đến sớm. Nàng thiếp dần trong cơn mơ thật đẹp.

Hôm nay là mười bốn tháng Tư âm lịch. Thảo thức dậy sớm hơn mọi ngày để lo việc nhà cho xong rồi xin phép mẹ đi qua nhà người bạn. Lý năm nay 15 tuổi nhỏ hơn Thảo một tuổi. Hai chị em quen biết từ khi học chung nhau năm lớp một. Hoàn cảnh Lý rất đáng thương, cha mất sớm, gia đình nghèo khó, mẹ phải đi bán hàng rong kiếm ăn từng bữa. Sau khi lên cấp II họ phải chia tay nhau mỗi người một trường. Từ đó thỉnh thoảng chị em mới gặp nhau. Cũng như mọi năm, hôm nay Thảo qua nhà rủ Lý cùng đi chợ mua sắm các thứ để dâng cúng Phật. Trước khi đến nhà Lý, Thảo phải đi ngang qua chùa. Một lễ đài Phật đản được dàn dựng trước cửa chùa với những bông hoa trang hoàng mỹ lệ, những chậu kiểng bài trí thật hài hòa đẹp mắt, cờ năm sắc tung bay phất phới khắp nơi. Thảo dừng xe lại ngoài cổng, đứng ngắm nhìn mà lòng rộn niềm vui. Trong lúc quan sát Thảo đọc tất cả những biểu ngữ quanh lễ đài, trong đó có một câu nàng chú ý hơn hết: “PHỤNG SỰ CHÚNG SINH TỨC LÀ CÚNG DƯỜNG CHƯ PHẬT”. Thấy chư Tăng và Phật tử đang nhộn nhịp chuẩn bị cho buổi lễ ngày mai, nàng cũng nôn nóng và leo lên xe đạp chạy vội đến nhà bạn.

Thảo dừng lại trước căn nhà gỗ đã mối mọt cũ kỹ. Thấy hai cánh cửa khép hờ, Thảo gõ cửa và gọi bạn. Lý nghe tiếng biết Thảo đến liền chạy ra đón. Nụ cười thân ái của đôi bạn chưa dứt trên môi thì nét buồn thoáng hiện nơi gương mặt lo rầu của Lý. Lúc ấy có tiếng rên la trong phòng vọng ra rất rõ. Lý hỏi vội bạn:

- Thảo đến chơi hay có việc gì không?

Nàng định trách bạn sao lại quên cái ngày trọng đại của người con Phật như thế và nói rõ lý do đến hôm nay, nhưng khi nhìn gương mặt Lý và nghe những tiếng rên la trong phòng, Thảo đáp:

- Nhớ Lý quá nên hôm nay đến thăm đó. Sao, lúc này khỏe không? À, má bồ đau bệnh gì mà rên la dữ vậy? Ðưa mình vào thăm bác đi.

Không đợi bạn trả lời, Thảo sốt ruột đi ngay vào giường nơi mẹ của Lý đang nằm. Mặc dù thấy Thảo đến bà rất mừng nhưng cơn đau bụng không cho phép bà nói chuyện nhiều. Thảo quay sang hỏi Lý về chứng bệnh đau bụng của bà, Lý trình bày bệnh trạng mẹ mình cho bạn biết, rồi kết luận:

- Theo ý kiến của một vài y tá có thể mẹ mình bị đau ruột dư.

Thảo trợn mắt kinh ngạc. Nàng nhớ đến trước đây cạnh nhà đã có người chết vì không sớm phát hiện ra bệnh này. Nàng hỏi Lý:

- Sao không đưa má vào bệnh viện?

Lý cúi mặt xuống đau khổ. Thảo chợt nhớ đến hoàn cảnh bạn và hối hận về lời nói nóng vội của mình:

- Xin lỗi nhé. Thôi đưa má vào bệnh viện ngay đi. Nếu đúng là ruột dư để lâu không tốt đâu. Có gì mình sẽ lo liệu giúp với.

Má Lý nghe Thảo nói, bà xua tay ra dấu không đi. Thảo năn nỉ nói rõ sự nguy hiểm của căn bệnh, nhưng bà cứ rên la và lắc đầu từ chối. Tưởng không tin mình có tiền, Thảo ghé tai bà nói nhỏ:

- Cháu có hơn ba chục ngàn lận. Tiền cháu bỏ ống đó bác.

Mặc dù đau thắt ruột bà cũng phải cười thầm vì sự ngây ngô thật thà của Thảo. Thấy bà nằng nặc không chịu đi, Thảo tức quá trở ra ngoài đường. Ba phút sau nàng quay lại trên chiếc xích lô đạp. Thảo nhờ anh xích lô khiêng bà ra xe. Phần vì đau phần vì cảm động lòng thành của Thảo bà đành nhắm mắt rơi lệ nghe theo. Thật ra bà chỉ muốn chết để khỏi bị bệnh tật dày vò thể xác và phiền đến người khác, nhưng khi nhìn thấy Lý, một đứa con nhỏ dại, đang ủ dột bên giường bà lại lo sợ tử thần cướp đi mạng sống quý báu của mình thì ai sẽ đùm bọc săn sóc đứa con vốn đã bất hạnh từ khi mới lọt lòng. Càng nghĩ đến Lý bà lại càng muốn hết bệnh, muốn được sống lâu hơn nữa, sống cho đến ngày nhìn thấy con mình hưởng hạnh phúc trọn vẹn nơi cuộc đời này. Nhưng tất cả không đơn giản như những suy nghĩ mộng ước mà thực tế luôn phũ phàng ngang trái. Những giọt lệ vẫn đang lăn dài trên gò má nhô xương của người mẹ lao khổ.

Tại bệnh viện, theo lời khai của Lý, các bác sĩ đã tiến hành khám bệnh và chụp hình thử nghiệm. Vài giờ sau, bác sĩ cho biết bà bị ruột dư ở thời kỳ nặng, nếu để quá vài giờ nữa sẽ bất trị, càng phải mổ gấp. Lý nghe tin vừa mừng vừa lo. Mừng vì phát hiện kịp ra căn bệnh nguy hiểm, nhưng lại lo không có tiền chi trả. Thảo biết ý liền rủ bạn đến phòng ông Giám đốc bệnh viện trình bày đầu đuôi sự thật. Nàng lấy ra một cọc giấy bạc loại 200 đồng đưa hết cho ông. Cảm động trước tấm lòng cao đẹp của cô bé, ông Giám đốc hứa sẽ giúp đỡ phần còn lại.

Trên đường về nhà, Thảo ghé vào chùa. Lúc này, các Phật tử với gương mặt hân hoan tay nhang tay quả đang quy tụ về chùa cúng dường Tam bảo. Thấy ai ai cũng có phẩm vật dâng lên Ðức Phật mà mình vào chùa tay không, Thảo cảm thấy buồn buồn. Nàng đến trước lễ đài thắp ba cây nhang dâng trọn lòng thành lên Ðức Phật. Vừa thấy câu: “PHỤNG SỰ CHÚNG SINH TỨC CÚNG DƯỜNG CHƯ PHẬT”. Tự nhiên niềm vui lại tràn ngập trong lòng nàng. Thảo có cảm tưởng mình đang dâng tất cả những phẩm vật dự tính sáng nay lên cúng dường Ðức Phật một cách trọn vẹn nhất. Ðối với Thảo mùa Phật đản năm nay thật đầy đủ ý nghĩa.

 

Mấy lời tâm huyết 

Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ. Ðược như thế công đức vô lượng, đó gọi là pháp thí.

Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, thì thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, rồi sau đó lại lần lượt cho nhà khác mượn nữa, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ nghe, cũng được công đức vô biên, đó cũng gọi là Pháp thí.

Chính Ðức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí chỉ có Pháp thí là công đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng”.

Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng lo nghĩ vội, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo trước cái đã. Ðó là mục đích chính và thiêng liêng cao cả của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, hoặc một tảng đá hay một viên gạch v.v... ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.

Chúng ta không nên quan niệm ở công đức vô lượng vô biên, mà điều cần thiết là nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng đầy tội lỗi không có lối thoát, hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý. Nếu được như thế chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.

Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho muôn dân xem.

Ðược như vậy công đức không gì sánh bằng! Tha thiết mong mỏi như thế!

Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui.. Nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ có vài ngàn, nhưng vẫn còn quý hơn bạc vạn.

Quý vị nào muốn phát tâm ấn tống kinh sách xin liên hệ: CHÙA HOẰNG PHÁP, Xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. ÐT: 7130002-7133827. Email: hoangphap@hcm.vnn.vn 

 

 

--- o0o ---

 

Vi tính: Diệu Huệ, Trình bày: Nhị Tường
 Cập nhật: 01-06-2004 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

tÃÆ 市町村別寺院数 phật giáo đem lại lợi ích gì cho tuổi æµæŸçåŒçŽ 生日快乐 Hạnh phúc рикна 弘忍 å çœ¼ä½ æ Từ thiện tha long theo Để драма18 Cồn Hoạ Bên 横浜 永代供養 Phật Tản mạn mùa hạ 淨行品全文 lien mÊç å ä¹ chua 我心中最亮的星体育健儿作文 the vn tÃƒÆ B o ngÒ 关于文化的名人名言 Tâm หลวงป แสง Suối Di tảo Đức Phật đối với quan hệ anh em thân ç½ åˆ¹å ³ chân Bến sông vàng phat HT tịnh ThẠnay cac ban tre xuat gia 簡単便利戒名授与水戸 å æ äº å