Ngày xưa, tại một địa phương nọ bên nước Ấn Ðộ có một ngọn núi
tên gọi Ảm Sơn. Trên núi cây cối um tùm, cỏ hoa tươi tốt, quanh năm ít có người
qua lại, thực là một cảnh thích nghi cho những ai muốn lên đây tu hành. Về sau,
ngọn núi tĩnh mịch này được nhiều vị tu hành để ý mỗi ngày một nhiều, nên dần dà
thành ra chốn đạo tràng của các vị thánh Tăng, được hàng vạn người kính mộ và
lên núi cầu phúc, cúng dường, thiết trai luôn luôn không ngớt.
Một hôm có một vị Trưởng giả đem người nhà lên núi chuẩn bị một bữa cơm chay rất
tinh khiết để cúng dường chúng Tăng. Mọi người lũ lượt lên núi, dự buổi tập
phước này, trong số đó có một cô gái nghèo, tuổi 17, 18 nghĩ rằng: "Hôm nay nhà
Phú ông cúng dường Chư Tăng trên núi, nếu ta lên theo chắc thế nào cũng được một
bữa no nê, nhất là đã mấy hôm nay, ta chưa hề được bữa ăn nào gọi là lưng lững
dạ". Nghĩ xong, với một vẻ mặt hớn hở, người con gái đó rảo bước chân đi.
Khi cô gái nghèo ấy lên đỉnh núi thấy cỗ chay của Trưởng giả bày ra đủ thứ mỹ vị
thơm tho tinh khiết thì trong bụng nghĩ : "Kiếp trước vị Trưởng giả này chắc là
dày công tu thân tích phước, nên ngày nay mới thành người giàu có, đó là quả báo
đền bù. Ðến ngày nay Phú ông lại có Thiện tâm thiết trai cúng dường Chư Tăng,
sửa tạo những công đức lớn, chắc rằng phước quả kiếp sau còn nhiều, có lẽ còn
nhiều hơn cả đời hiện tại này nữa.
Ngẫm lại thân ta - cô gái nghèo nghĩ tiếp - thực là đáng thương! Chỉ vì kiếp
trước không biết tu tạo phước quả, cho nên bây giờ mới chịu cảnh cùng khốn như
thế này. Nếu giờ đây ta không lo tu phước thì kiếp sau chắc còn nghèo khó gấp
mấy! Vậy, hiện tại trong lưng còn hai đồng tiền đồng mà ta đã dành dụm được, sao
ta chẳng đem ra cúng dâng các vị Hòa Thượng có được không? Mặc dù hai đồng tiền
này cũng có thể mua được hai chiếc bánh ăn tạm cho đỡ đói lòng, xét ra: Nếu ta
đem cúng dâng các vị tu hành xuất gia thì ta không đến nỗi chết kia mà".
Nghĩ rồi, cô gái nghèo lẳng lặng đợi các vị Tăng Ni dùng trai xong, liền móc
trong bị ra hai đồng tiền đồng cung kính dâng lên Hòa Thượng.
Theo qui tắc đã định trên núi Nà, nếu có ai bố thí cúng dường thì chỉ có vị sư
tri khách đứng lên thay mặt cho Chư Tăng hướng thí chủ mà chúc phước. Nhưng lần
này cô gái nghèo lại được chính vị Hòa Thượng trụ trì thân hành ra trước mặt cô
gái mà chúc phước rằng:
"Tất cả bảo vật trên trái đất đều ở cả trong người đồng nữ này đã đem bố thí cho
kẻ xuất gia, vật bố thí đây nguyên là việc tu phước. Vậy bần Tăng chúc cho thí
chủ vĩnh viễn lìa khỏi nghèo khổ".
Cô gái nghèo nghe xong, trong lòng không thể kể xiết nỗi niềm hân hoan. Rồi đại
chúng ai ai cũng cấp thức ăn cho cô, thật là một sự vui về đạo pháp không còn gì
sánh kịp.
Sau khi cô gái đã no nê liền đủng đỉnh ra khỏi cửa chùa tới dưới một gốc cây cổ
thụ nằm nghỉ và chợp mắt đi lúc nào không biết. Lúc đó vầng Thái dương đã xế
chiều, thế mà bóng cây vẫn y nguyên không thay đổi. Nhìn lên xem thấy trên đỉnh
cây cao bỗng có đám mây năm sắc như chiếc tàn che cho cô gái. Ðó là một chuyện
hiếm thấy từ trước đến nay.
Giữa lúc ấy, Ðức Quốc Vương nước đó vừa vặn đi qua, nhân vì Hoàng Hậu mới từ
trần, nên trong lòng ngài u uất buồn rầu mới ruổi xe đi du sơn ngoạn thủy để cho
tiêu sầu giải muộn, bỗng nhiên gặp thiếu nữ nghèo nằm ngủ dưới gốc cây mà trên
đỉnh ngọn cây có đám mây ngũ sắc che cho như chiếc tàn vàng thì Quốc Vương lấy
làm kinh ngạc, khác nào được thiên nữ hiện xuống dưới trần. Nhà vua tự tán thán:
"Thiếu nữ này ở đâu mà dám nghỉ nơi đây? Sắc đẹp của nàng chẳng kém gì hằng nga!
Với cái thân hình yểu điệu, với vẻ mặt xinh tươi, nàng đã khiến cho nhiều người
để ý". Nói rồi, sai cung nữ ẵm nàng lên xe.
Cô gái trong cơn mộng chợt tỉnh, mở choàng mắt ra, thấy mấy người khiêng mình bỏ
lên xe thì kinh hãi kêu lên:
- Ôi Phật ơi! Các người là ai? Ðịnh mang tôi đi đâu?
- Xin cô đừng sợ, chúng tôi không phải là quân gian phi đâu, chúng tôi vâng mệnh
Quốc Vương đón cô về cung đây!
- Cô gái nghèo sau khi đã được đặt nơi sau xe Quốc Vương ngồi rồi, Quốc Vương
liền dịu dàng hỏi:
- Năm nay cô nương bao nhiêu tuổi?
- 18 tuổi.
- Cô nương đẹp quá, rất đáng yêu, trẫm muốn đem cô nương về cung lập làm đệ nhất
phu nhân. Vậy cô nương có bằng lòng không?
Cô gái nghèo liếc nhìn vị Quốc Vương thấy Ngài xin đẹp trẻ trung thì nở một nụ
cười. Nhưng trong lòng vẫn nghi hoặc không tin, cô nghĩ: "Có lẽ nào ta lại được
mạng vận quá tốt, đến nỗi đương từ một đứa con gái nghèo đi ăn xin mà bỗng trở
nên một vị phu nhân số một". Cô càng nghĩ càng ngây người ra, không nói được câu
gì.
- Thế nào cô nương không vui lòng hay sao mà làm thinh không trả lời?
- Tâu Ðại Vương! Tôi hoài nghi rằng: Tôi đương ở cõi thực hay là cõi mộng đây?
- Không phải mộng mị gì đâu. Ðây là cõi thực đấy! Ðoàn xe Quốc Vương đã về tới
cung. Ngài liền tuyên bố với toàn quốc lập cô làm đệ nhất phu nhân.
Sau khi đã trở thành người đàn bà cao sang nhất nước, nào ăn ngon, nào mặc đẹp
lại được mọi người kính nể nhưng trong lòng cô vẫn không đoạn tuyệt với ý nghĩ:
"Sở dĩ ta có hạnh phúc ngày nay chỉ vì đã có nhân duyên bố thí hai đồng tiền!
Vậy thì vị sư phụ chúc phước cho ta hôm trước đã là một vị ân nhân tuyệt đối cao
quý của ta".
Nghĩ rồi, liền bẩm với Quốc Vương:
- Tâu Ðại Vương, tiện thiếp vốn là cô gái hèn mọn, ngày nay được đội ơn Ðại
Vương yêu mến, lập làm đệ nhất phu nhân, lẽ tất nhiên phải cảm tạ hồng ân của
Vua. Nhưng nghĩ đến cái ân của vị xuất gia mà tiện thiếp đã bố thí hai đồng tiền
đồng, tiện thiếp muốn được đem chút gì lại chùa bố thí cúng dường để tỏ lòng báo
ân. Vậy chẳng hay ý Ðại Vương thế nào?
- Tốt lắm, tùy khanh định liệu, khanh muốn như thế nào trẫm cũng vui lòng cho
phép.
Rồi đó, Quốc Vương và Hoàng Hậu sắm sửa thật nhiều cỗ chay long trọng và tinh
khiết, chất đầy hàng mấy chục xe đem lại núi Ẩm Sơn bố thí.
Sau khi các vị Tăng chứng thọ trai rồi đến lúc ra chúc phúc cho thí chủ, thì
không thấy vị Hòa Thượng trụ trì thân ra trúc phúc như lần trước mà chỉ là vị sư
tri khách thay mặt người chúc phúc thí chủ mà thôi. Việc này khiến cho cả Quốc
Vương lẫn Hoàng Hậu đều lấy làm kỳ quái mà nói rằng:
- Ngày trước, tôi đem bố thí hai đồng tiền đồng được vị sư phụ trụ trì ra chúc
phước. Ngày nay, tôi bố thí biết bao nhiêu là phẩm vật trân quí, thế mà không
thấy sư phụ ra chúc phước là tại làm sao?
Ðại chúng đều nhận xét như thế là ai ai cũng thắc mắc như nhau.
Vị sư phụ trụ trì thấy mọi người cùng xôn xao, liền vân tập quần chúng lại mở
lời khai thị rằng:
"Ngày trước, tuy Hoàng Hậu bố thí chỉ có hai đồng tiền đồng là vật nhỏ mọn,
nhưng là cả một tấm tâm thành phát ra, đấy là điều chí cao và khả quí. Ngày nay
Quốc Vương và Hoàng Hậu tuy bố thí rất nhiều, nhưng trong lòng có hàm chứa nhiều
"ngã mạn" không giống như lần trước.
Nên biết rằng Phật pháp không trọng "vật chất" mà trọng ở điều "phát tâm" sở dĩ
vì đó mà lần này ta không thân ra chúc phúc. Vậy mọi người nên hiểu rõ Phật pháp
độ kẻ nghèo cùng bố thí là như thế nào!".
Quốc Vương và Hoàng Hậu nghe lời Hoà Thượng giảng giải thì trong lòng vừa thẹn
vừa vui mừng: Bây giờ mới hiểu rõ nghĩa thực và giá trị của hai chữ bố thí.
Nguồn: www.quangduc.com