•
Mục Lục
•
Lời Giới Thiệu
•
Lời Cảm
Tạ
•
Phần 1 •
Phần 2
•
Phần 3
•
Phần 4
•
Phần 5
|
Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh
Võ Ðình Cường
______________________________________________________________________________
[Phần 3]
VII. Viếng Bắc Ấn Ðộ
Ð?t chân vào Bắc Ấn Ðộ, Ngài đi ngang qua hai tiểu quốc là Ca-bi-ca
(Capica) và Lâm-ba (Lampaka) là những nước thuộc Tiểu thừa Phật giáo.
Sau khi ở đấy vài tháng để nghiên cứu kinh điển Tiểu thừa, Ngài đi đến
một nước rất hùng cường trong năm xứ Ấn Ðộ thời xưa là Kiền-đà-la
(Gandhara). Nước này trong quá khứ có những vì vua anh hùng cái thế, và
rất sùng mộ đạo Phật như vua Di-lan-đà (Nilanda), Già-nhi-sắc-già
(Kanishka). Nước này cũng là quê hương của những vị luận sư xuất chúng,
hay những tổ sư đã sáng lập các tông phái như Ngài Na Tiên Tỳ kheo, Pháp
Cữu, Như Ý, Hiếp Tôn Giả ...
Trước khi đến nước này, Ngài nghe nói có một cái hang mà bóng đức Phật
Thích Ca thường xuất hiện, nên Ngài định đến chiêm ngưỡng. Hang này,
theo người ta kể lại, là nơi đức Phật đã hàng phục con Long thần Gopâla
và còn để lại hình bóng Ngài. Nhưng con đường đến hang ấy rất hoang vu
và có nhiều trộm cướp hoành hành. Từ mấy năm rồi, không còn ai dám đến
đấy nữa. Những người đồng hành với Ngài đều khuyên Ngài không nên ghé
đến. Ngài trả lời:
–Trong mấy ngàn A-tăng-kỳ-kiếp chưa chắc đã có một lần thấy được hình
ảnh của Phật. Tôi đã đến đây, làm sao không đến chiêm ngưỡng được? Các
người hãy đi trước đi, tôi ghé đấy rồi sẽ theo sau.
Nói xong, Ngài một mình đi rẽ về phía hang bóng Phật. Khi Ngài đến một
ngôi chùa gần đây, không ai dám dẫn Ngài đi. Ngài đành đi một mình. Giữa
đường, Ngài gặp một ông già bằng lòng hướng dẫn Ngài đến hang. Ði được
vài dặm, hai người gặp năm tên cướp tay nắm giáo mác đang tiến tới phía
Ngài. Ngài cất mũ và chỉ vào bộ áo quần nhà sư của mình. Bọn cướp hỏi:
–Nhà sư muốn đi đâu đây?
–Tôi muốn đi chiêm bái bóng đức Phật.
–Nhà sư không biết rằng trong vùng này có nhiều kẻ cướp sao?
Ngài ôn tồn trả lời:
Kẻ cướp cũng là người. Tôi đi chiêm bái đức Phật, thì dù có gặp thú dữ,
rắn độc, tôi cũng không sợ. Các anh là người, nghĩa là trong lòng đã sẵn
có mầm từ bi, sao tôi lại sợ?
Bọn cướp nghe Ngài nói rất cảm kích, và tình nguyện đi theo Ngài đến
hang.
Hang này ở phía đông một dải suối chảy giữa hai trái núi. Cửa hang mở ra
một thành đá. Ngài nhìn vào cửa hang không thấy gì khác hơn là một
khoảng tối om om. Ông già bảo Ngài:
–Pháp sư hãy đi vào trong, khi Ngài đến đụng vách đá phía đông Ngài hãy
lùi lại đó độ 50 bước và đứng nhìn vào vách đá, sẽ thấy bóng đức Như
Lai.
Ngài Huyền Trang đi vào một mình, làm như lời ông lão dặn. Ngài xây mặt
về phía vách đá, lạy một trăm lạy, nhưng vẫn không thấy gì. Ngài òa lên
khóc vì tự thấy mình bạc phước và chứa nhiều tội lỗi nên không được bóng
đức Phật thị hiện ra. Bấy giờ với một tấm lòng thành khẩn. Ngài tụng
những bài sám hối, và sau mỗi đoạn lại đảnh lễ Phật. Quả thật, sự linh
diệu bắt đầu hiện ra! Sau khi Ngài đã lạy trên 100 lạy, một điểm sáng
bằng cái bình bát hiện ra ở trên vách đá phía đông và vụt tắt ngay. Vừa
mừng, vừa tủi, Ngài lạy nữa, và lần này, Ngài thấy một khoảng sáng lớn
bằng cái thau xuất hiện rồi vụt tắt, nhanh như chớp. Bấy giờ lòng tràn
ngập hân hoan và thành kính, Ngài thệ nguyện quyết tâm ở lại đây mãi cho
đến khi nào thấy được hình bóng thiêng liêng của đức Phật mới thôi. Ngài
tiếp tục tụng niệm. Và thình lình, tất cả hang đá đều sáng rực lên, và
hình ảnh đức Như Lai hiện ra trắng toát. Một đường ánh sáng viền quanh
khuôn mặt đấng giác ngộ, thân hình Ngài và chiếc y rực lên một màu vàng
chói. Từ hai đầu gối Ngài trở lên, những tướng tốt hiện ra trong ánh
sáng; nhưng phía dưới tòa sen ánh sáng mờ nhạt như ánh sáng hoàng hôn.
Hai bên tả, hữu Ngài, có rất nhiều hình bóng của các vị Bồ tát.
Ngài Huyền Trang ngây ngất đứng nhìn hình ảnh nhiệm mầu, thiêng liêng ấy
một hồi rồi gọi sáu người đi theo Ngài đang đứng ở ngoài cửa hang, đem
đèn đuốc và hương hoa vào, thì đức Như Lai biến mất. Ngài Huyền Trang
bảo tắt đèn đuốc, và hình ảnh trước lại xuất hiện. Trong sáu người đi
theo Ngài – Ông lão và năm tên cướp – chỉ có năm người nhận thấy hình
ảnh đức Phật, còn một trong năm tên cướp không nhận thấy gì hết.
Ngài Huyền Trang quỳ xuống dâng hương hoa và tán thán đức Phật một hồi
thì bóng đức Phật tắt hẳn. Ngài lạy tạ rồi đi ra.
Sau khi được chứng kiến rõ ràng hiện tượng kỳ diệu ấy, Ngài Huyền Trang
đi thẳng đến nước Kiền Ðà La (Bắc Ấn Ðộ) phía đông giáp Ấn Ðộ hà
(Indus). Ở đây, trước kia là một nơi chứa rất nhiều di tích Phật giáo,
nhất là ở cựu thành Bố-lộ-sa-bố-la (Peshawar). Hoàng đế Ca-nị-sắc-ca
(Kanishka) xưa kia có dựng trong vùng này trên một ngàn tịnh xá để chư
tăng ở. Nhưng khi Ngài Huyền Trang đến đây thì quang cảnh thật là buồn
bã, hoang phế. Dân cư thưa thớt. Dinh thự, đền đài, tịnh xá, thành quách
đã bị quân Hung nô nhiều lần đến tàn phá. Những di tích quý báu của đức
Phật đều bị cướp đem đi, cho đến cái bảo vật quý nhất là bình bát mà xưa
kia lúc tại thế, đức Phật đã dùng đi khất thực, cũng không còn.
Trong hơn một ngàn tịnh xá trước kia, nay chỉ còn lại một cái. Ðó là
tịnh xá mà Ðại đế Ca-nị-sắc-ca đã dựng lên cho Ngài Hiếp Tôn Giả.
Sự tích của Ngài Hiếp Tôn Giả là một cái gương kiên nhẫn, tinh tấn, vô
cùng quý báu, mà hàng tín đồ Phật tử thường kể cho nhau nghe:
Tôn giả đã gần 80 tuổi mới xả tục xuất gia. Những người thanh niên trong
thành phố đều nhạo báng và chê Ngài là người không biết điều: "Lão già
thật ngu. Xuất gia thì phải đủ sức để tập định và tụng kinh. Nay đã già
khọm đi rồi, còn tiến thủ sao được nữa, mà dám lạm dự vào bậc thanh lưu.
Thật là để ăn bám mà thôi".
Hiếp Tôn Giả nghe những lời nhục mạ như thế, đứng trước mọi người mà thề
rằng:
–Hiếp này, nếu không thông suốt được Tam tạng kinh điển, không đoạn trừ
được phiền não của tam giới, thì quyết đừng cho Hiếp này dự vào chỗ
chiếu ngồi.
Từ đấy, Tôn giả chăm chỉ học hỏi không ngừng; khi đi, khi đứng, khi
ngồi, lúc nào cũng nghiền ngẫm đến những điều mình vừa học. Ban ngày thì
nghiên tầm giáo lý, đêm đến thì tĩnh tọa tham thiền, trong khoảng ba năm
Ngài đã thông hiểu hết ba tạng kinh điển. Do đó người đời mới tôn kính
đặt cho Ngài cái danh hiệu "Hiếp Tôn Giả".
Sau khi lễ bái các Phật tích ở đây và đem các tặng phẩm mà vua Cao Xương
đã biếu cho Ngài như vàng, bạc, vóc lụa, y phục ... phân phát cho các tu
viện, Ngài Huyền Trang đi lần về phía đông nam.
Ngài đi đến nước Ca Thấp Di La (bây giờ là Taxila trong vùng Panjab). Vị
trí nước này ở phía Tây dãy Hy Ma Lạp Sơn, thượng lưu sông Na Bô và sông
Xa Lâm, là những chi lưu của sông Ấn Ðộ, diện tích độ 1.900 dặm vuông
Anh. Nước này là nơi phát nguyên Ðại thừa Phật giáo. Trong thời vua A
Dục trị vì, Ngài đã đặt ở đây Thủ đô của những tỉnh miền Tây bắc và cử
Hoàng tử Câu Na La (Kunâla), con Ngài, làm thủ hiến vùng này. Nhân đây,
tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện thương tâm của vị Hoàng tử này:
Hoàng hậu, vợ vua A Dục mất, vua lấy một người vợ sau. Bà này là người
không đứng đắn, đem lòng yêu Hoàng tử Câu Na La, nhưng bị Hoàng tử cự
tuyệt. Bà sinh tâm oán hận Hoàng tử và xúi vua đày Hoàng tử lên trấn
nhiệm các tỉnh miền Tây bắc, tức là nước Ca Thấp Di La. Nhưng bà mẹ kế
này vẫn chưa nguôi thù oán. Bà làm một sắc chiếu giả và thừa lúc vua
ngủ, đóng dấu răng ngài vào – sự đóng dấu theo thể thức này là một luật
lệ của triều đình – Tờ chiếu truyền lệnh móc đôi mắt Hoàng tử. Khi nhận
được chiếu chỉ, các thủ hạ của Hoàng tử do dự không dám thi hành. Thái
tử bảo họ:
–Phụ thân ta đã truyền lệnh như thế, ta đâu dám chẳng tuân theo? Các
người hãy thi hành đi.
Hoàng tử bị mù cả hai mắt từ đấy. Với một cây đàn, Câu Na La đi kiếm ăn
hết tỉnh thành này đến tỉnh thành khác. Một hôm, thái tử đi về phía kinh
đô, đến gần hoàng thành, nơi vua A Dục đang ở. Trong đêm khuya Thái tử
vừa gảy đàn vừa than trách số kiếp xót đau của mình. Vua từ trên lầu
cao, giật mình kinh ngạc khi nghe giọng hát ấy. Vua cho thị vệ gọi người
hát vào và đau đớn nhận ra là con mình! ...
Trong thời Ngài Huyền Trang đến đây, ảnh hưởng Phật giáo Ðại thừa vẫn
còn đang mạnh mẽ trong dân chúng. Khi Ngài đến gần kinh thành, vua nước
ấy thân hành đem triều thần, tăng chúng, quân lính ra nghinh đón có trên
ngàn người. Cờ quạt rợp trời, hương hoa đầy đất. Vua thân đến trước mặt
Ngài, rải hoa dưới chân Ngài và mời Ngài lên ngồi trên một thớt voi lớn,
còn vua và đám rước đi theo sau.
Sau khi biết được ý định của Ngài sang Ấn Ðộ để sưu tầm kinh điển, vua
truyền cho 20 người thơ lại đi theo Ngài biên chép.
Ngài đến trọ tại một ngôi chùa "Am-ra-nhân-đà" trong kinh thành. Chùa
này có 30 vạn biến kinh, cọng 96 vạn câu, và một vị cao tăng đã 70 tuổi
là Xưng Lão Pháp sư rất tinh thông kinh điển Ðại thừa. Ngài ở đây biên
chép kinh điển và theo học với vị cao tăng này trong hai năm. Ngài đã
tìm thấy ở đây một vị sư xứng đáng với hoài bảo của mình. Ngài thường ca
tụng vị sư này là một người nghiêm trì giới luật, thông minh xuất chúng,
học hỏi uyên thâm và đức hạnh hoàn toàn. Do sự mến phục ấy, Ngài theo
học với vị cao tăng đêm ngày không biết mệt. Và vị cao tăng này, khi
Ngài Huyền Trang từ giã ra đi, đã tuyên bố với đại chúng rằng:
–Thầy Tăng Chi Na này trí lực hoằng thâm, trong bọn chúng ta không ai
hơn được. Ông là người thông minh đức độ, đủ nối được cái phong thái và
sự nghiệp của anh em Thế Thân Bồ tát.
*
* *
VIII. Trên đường đến các Thánh địa Phật giáo
Ngài Huyền Trang đi dần về phía Trung Ấn Ðộ. Sau khi đi chừng 1.000
dặm và qua mấy tiểu quốc ở Bắc Ấn Ðộ, một hôm, đi ngang một khu rừng rậm
rạp, Ngài và những người bạn đồng hành gặp phải một bọn cướp chừng 50
tên. Sau khi lấy hết cả đồ dùng, áo quần, vàng bạc, chúng nó còn nắm
giáo mác đuổi theo Ngài và mấy người lữ hành. Chạy được một đoạn đường,
mấy người lữ hành nhận thấy bên bờ một cái hồ khô nước, cây cỏ rậm rạp,
có một cái hang rộng, có thể chứa được nhiều người. Họ ra dấu cho Ngài
và mấy người cùng nhau chạy xuống đấy ẩn trốn. Bọn cướp đuổi theo sau,
đến đây thấy mất tăm dạng các người lữ hành, chúng mới thôi, không đuổi
nữa. Sau khi thoát nạn, họ chạy đến một làng gần đấy và kể lại tai nạn
vừa xảy ra. Một người Bà-la-môn, có lẽ là xã trưởng, đánh trống hội họp
dân làng cùng nhau đuổi theo tiêu trừ bọn cướp. Nhưng bọn này đã cao bay
xa chạy vào rừng sâu. Các lữ hành mất hết của cải rất đau buồn, chỉ có
Ngài là giữ được vẻ mặt tự nhiên tươi sáng, vì Ngài nghĩ rằng tánh mạng
là điều quý nhất chưa mất, thì cái gì rồi cũng có thể tạo lại được.
Mà thật, khi đến một thành phố gần đấy, họ gặp được một vị Bà-la-môn
già, có cảm tình với đạo Phật, triệu tập dân chúng và hô hào họ quyên
góp vàng bạc, áo quần, vật dụng trao tặng lại cho những người đã bị
cướp. Ðiều may mắn nhất cho Ngài là vị Bà-la-môn già ấy lại là đệ tử
thông thái của một đại sư đã có công lớn trong sự kiện toàn môn Nhân
Minh học, là môn luận lý học của Phật giáo. Ngài Huyền Trang bất ngờ mà
gặp được vị đệ tử giỏi về môn học này rất vui mừng, và xin ở lại thụ
giáo với vị này trong một tháng trời. Ngài Huyền Trang nhờ môn học này,
mà đã thông hiểu một cách tường tận hệ thống triết lý Ðại thừa và nhất
là Duy Thức học Phật giáo.
Ngài đi dần về phía đông, và qua mỗi đoạn đường, Ngài lại gặp thêm nhiều
minh sư, ích hữu, thu hoạch được rất nhiều kinh điển Ðại thừa quý báu.
Ngài ở chỗ này một năm, chỗ kia năm ba tháng để khảo sát, biên chép, hay
thỉnh giáo với những vị học rộng biết nhiều.
Rồi Ngài đi dần về phía đông nam, đến thành phố Ma-siêu-la (Mathura)
trong lưu vực sông Jumna là thành phố còn giữ rất nhiều di tích của các
vị đệ tử tiếng tăm của đức Thích Ca, như Ngài Mục Kiền Liên, Xá Lợi
Phất, Ưu Bà Ly, A Nan Ðà, La Hầu La ...
Sau khi đến chiêm bái các nơi này. Ngài lại đi tiếp sang phía đông, đến
thượng lưu sông Hằng. Ðối với tín đồ Ấn Ðộ giáo, sông Hằng là một con
sông linh thiêng, bắt nguồn từ trên cõi trời mà chảy xuống đất. Sắc nước
luôn luôn thay đổi màu, sóng rất lớn. Nước ngọt và lòng sông toàn cát
trắng rất mịn. Theo kinh điển Ấn Ðộ giáo, người ta gọi sông này là sông
Hạnh phúc, ai tắm trong nước của nó thì được rửa sạch tội lỗi, ai uống
nước của nó, hay chỉ súc miệng thôi, cũng đủ thoát nhiều tai nạn; ai
trầm mình chết ở đấy sẽ tái sanh lên cõi trời. Vì thế dân chúng theo Ấn
Ðộ giáo đêm ngày tụ tập lễ bái hai bên bờ sông. Và một số người tìm cái
chết trong dòng nước thiêng ấy để hy vọng lên cõi trời. Rải rác từng
khoảng gần hai bên bờ sông, Ngài thấy có những chiếc sào cắm xuống nước,
phía trên đầu có những cái móc hay cái nạn để cho người tín đồ treo mình
lên đấy. Từ sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu lên, Ngài Huyền Trang đã thấy
một vài tín đồ ra sông, tự treo mình dọc theo cái sào ấy với một tay và
một chân móc vào cái nạn, còn tay và chân kia thì dang thẳng ra, đôi mắt
họ nhìn mặt trời và theo nó từ phía đông cho đến phía tây, từ khi nó mới
mọc cho đến khi nó lặn xuống chân trời mới trở về nhà, để sáng hôm sau
lại tiếp tục cái công việc ấy. Và cứ như thế, họ làm hết tháng này đến
tháng khác, hết năm này đến năm khác, hết hàng chục năm này đến hàng
chục năm khác, với mục đích là giải cho tâm linh thoát kiếp luân hồi!
Dọc theo sông Hằng, Ngài Huyền Trang đi đến thành Khúc Nữ (Kanauj) là
kinh đô của nước Yết-nhược-cúc-đồ (Kayakubja). Nước này thuộc Trung Ấn
Ðộ là miền rất có nhiều thánh tích đức Phật Thích Ca. Thời cổ gọi là
"Ðất Giữa" vì nó nằm ở giữa Ấn Ðộ. Khi Ngài Huyền Trang đến, thì
Yết-nhược-cúc-đồ là một nước đang thời thịnh trị, dân cư giàu có, vui vẻ
làm ăn. Vị vua đang trị vì nước ấy là Giới Nhật (Harsha) một anh quân,
rất sùng mộ đạo Phật có thể so sánh được với A Dục vương thời trước.
Kinh thành Khúc Nữ nằm trên bờ tây sông Hằng có đến 100 ngôi chùa, tăng
lữ có trên vạn người. Khi Ngài Huyền Trang đến đây, vua Giới Nhật không
có ở kinh đô, nên không được vua tiếp đón như những nước mà Ngài đã đi
qua. Ngài ở lại đây ba tháng, trọ lại chùa Bạt-đạt-di-kha-la
(Bhadravihârâ) để học hỏi Tam tạng kinh điển. Sau ba tháng ở thành Khúc
Nữ, Ngài lại vượt sông Hằng đi về phía đông, đến một thành có nhiều di
tích rất thân thiết đối với Ngài, là thành A Du Ðà (Ayodhya, tỉnh Oude).
Thành này còn rực rỡ oai danh của hai vị Bồ-tát có công lớn với Ðại thừa
Phật giáo và là những vị đã thành lập môn Duy Thức học, đó là hai anh em
Ngài Vô Trước (Asanga) và Thế Thân Bồ-tát (Vasubandhu). Ngài Huyền Trang
đến khu rừng Xoài, cách 5, 6 dặm về phía tây nam A Du Ðà, là nơi có tịnh
xá mà hai thế kỷ trước, hai vị bồ-tát này đã tu niệm và giảng dạy giáo
phái của hai Ngài.
Câu chuyện của hai vị Bồ tát này cũng đáng để cho chúng ta suy gẫm trong
vấn đề đi tìm sự thật:
Hai anh em Ngài Vô Trước và Thế Thân, gốc ở thượng lưu sông Hằng, đều là
những vị thông minh xuất chúng. Nhưng trong lúc Ngài Vô Trước là anh, tu
theo phái Ðại thừa thì Ngài Thế Thân là em lại theo Tiểu thừa. Hai Ngài
đều có trước tác những bộ luận để xướng minh giáo lý của phái mình, và
tất nhiên không thể không có những sự xung đột về lý thuyết.
Một hôm, Ngài Vô Trước mời em đến tịnh xá của mình tại rừng Xoài chơi.
Ðêm đến, Ngài Vô Trước dẫn Ngài Thế Thân ra một cái gác dựng bên sông để
em nằm hóng mát, còn mình thì trở vào. Ðêm ấy là một đêm thu, có trăng
rất đẹp. Trăng và nước hòa hợp trong một bầu trời thu, mênh mông, huyền
ảo. Bỗng một giọng tụng niệm trong trẻo thanh thoát ngân lên, ngân lên,
bay trong gió, hòa hợp trong không trung. Ðó là một bài luận về Ðại
thừa. Qua ý nghĩa bài luận, thế giới vật chất như tan biến, mung lung,
mộng ảo như ánh trăng, như hơi nước đang bàn bạc trên sông. Trước mắt
Ngài, vật chất chỉ là thế, nghĩa là hư ảo, là duy tâm, là duy thức.
Ngài Thế Thân xúc động đến tận đáy lòng, và cảm thông được cái cao thâm
huyền diệu của giáo lý Ðại thừa, Ngài vừa xấu hổ, vừa hối hận, đi vào
nhà, xin cắt lưỡi trước mặt anh để chuộc cái tội đã phỉ báng Ðại thừa.
Ngài Vô Trước can em:
– Sao lại cắt lưỡi? Em đã dùng cái lưỡi ấy để công kích Ðại thừa thì nay
cũng nên dùng cái lưỡi ấy để xiểng dương Ðại thừa, mới phải chứ!
Ngài Thế Thân nghe theo lời anh dạy. Trước kia Ngài đã viết 500 bộ luận
về Tiểu thừa để kích bác Ðại thừa, thì từ đấy, Ngài lại viết 500 bộ luận
về Ðại thừa để thuyết minh giáo lý Ðại thừa. Do đó, người đời tôn xưng
Ngài là "Thiên bộ Luận sư", vị luận sư tạo ngàn bộ luận.
Ngài Huyền Trang khi đến thăm tịnh xá của hai vị Bồ tát này, chắc không
thể không xúc động mãnh liệt, vì giáo lý Duy thức mà hai vị này đã phát
huy ra trước Ngài hai thế kỷ, chính là giáo lý mà sau này Ngài đã dùng
làm cơ sở cho bộ luận Thành Duy Thức đồ sộ của Ngài, và là căn bản của
Pháp Tướng tông.
Từ giã tịnh xá của hai vị Bồ-tát này, Ngài đi thuyền xuôi theo sông Hằng
về phía đông để tiếp tục viếng các Phật tích. Trong thuyền có lối 20
hành khách. Thuyền xuôi theo dòng sông, độ vài chục dặm thì xảy ra một
tai nạn lớn, có thể nói là lớn nhất trong cuộc hành trình của Ngài từ
trước đến nay, và có thể làm Ngài bỏ xác nơi đây.
Thuyền đi vào một khúc sông, hai bên bờ có nhiều cây cối rậm rạp của
rừng cây "A Dục". Dưới những tàn cây rậm rạp bổ ra sông, có mười chiếc
ghe của bọn cướp đang ẩn núp đợi mồi. Khi thấy thuyền Ngài gần đến, bọn
cướp hè nhau bơi thuyền ra chặn đường. Nhiều hành khách sợ quá nhảy ùm
xuống sông và mất xác, những người còn lại bị đưa vào bờ và bị bọn cướp
lột hết quần áo, của cải. Bọn cướp này thờ "Durga", một nữ hung thần
thường bắt các đệ tử cuồng tín phải làm lễ hy sinh người sống cho mình.
Thường năm, đến mùa thu, họ tìm một nạn nhân, phần nhiều là đàn ông có
hình dáng cân đối, mặt mũi khôi ngô để lấy huyết và thịt dâng cúng cho
nữ thần. Khi bọn cướp này nhận thấy Ngài Huyền Trang có khuôn mặt tuấn
tú, hình dáng oai nghi, chúng nhìn nhau mừng rỡ. Chúng nói với nhau:
–Chúng ta đã trễ quá thời hạn làm lễ tế thần, vì chưa tìm được một kẻ hy
sinh xứng đáng với nữ thần. Nhưng bây giờ chúng ta gặp được nhà sư mặt
mũi khôi ngô, thân hình đẹp đẽ này, chúng ta hãy làm lễ tế ngay, để nữ
thần ban phước.
Ngài nghe nói, bình tỉnh trả lời:
–Nếu thân xác của bần tăng này đáp đúng ý nguyện của các ngươi, để dâng
cúng cho nữ thần, bần tăng thật tình không dám tiếc. Nhưng bần tăng từ
phương xa lặn lội đến đây để chiêm bái các Phật tích, cung thỉnh các
kinh điển và học hỏi giáo lý của đức Thích Ca. Sở nguyện thiết tha ấy
chưa thành, mà nay các ngươi đành tâm giết bần tăng, thì bần tăng e rằng
các ngươi đã không được phúc mà trái lại còn mang thêm nhiều tai họa.
Những người hành khách quỳ xuống xin bọn cướp tha chết cho Ngài. Có
người lại xin thay mạng cho Ngài. Nhưng bọn cướp đều từ chối. Tên đầu
đảng truyền lệnh cho bộ hạ vào rừng lấy nước trong và dựng một cái bàn
thờ với đất bùn lấy ở dưới sông lên. Xong xuôi nó truyền hai tên thân
tín rút giáo, lôi Ngài lên bàn thờ để làm lễ hy sinh ngay. Trong lúc đó
sắc mặt Ngài vẫn không đổi, bình thản như thường. Bọn cướp lấy làm ngạc
nhiên và không khỏi xúc động. Riêng Ngài, thì Ngài thấy giờ phút cuối
cùng sắp đến, nên yêu cầu bọn cướp trì hoãn cho Ngài một lúc để Ngài cầu
nguyện và đừng lôi kéo Ngài như thế. Ngài bảo:
–Các ngươi hãy để cho bần tăng được nhập Niết-bàn một cách thanh tịnh và
hoan hỷ.
Nói xong, Ngài ngồi kiết già, xưng tán đức Di Lặc và chư Bồ tát trong
mười phương, mong cầu được nhập vào hàng Thánh chúng để được nghe pháp
và giác ngộ hoàn toàn. Rồi Ngài lại nguyện sau khi giác ngộ sẽ trở về
cõi Ta Bà này khai thị cho bọn cướp, đưa chúng về con đường chính và làm
các việc công đức để chuộc những lỗi lầm. Cuối cùng, Ngài nguyện sẽ hóa
độ toàn thể chúng sanh, và đưa họ vào cảnh giới an lạc. Nguyện xong,
Ngài nhập định và chú toàn tâm lực vào đức Bồ-tát Di Lặc.
Bỗng Ngài nhận thấy tâm hồn lâng lâng siêu thoát, như bay bổng đến núi
Tu Di, và sau khi lên đến tầng trời thứ ba, Ngài thấy đức Di Lặc đang
ngồi trên tòa sen rực rỡ và quanh Ngài, chư thiên đang ngồi nghe pháp.
Trong khi tâm hồn Ngài đang phiêu diêu trong cảnh giới thanh tịnh ấy,
Ngài không còn nhận thấy rằng mình đang ngồi trên bàn thờ tế nữ thần,
bên cạnh bọn cướp khát máu đang nóng lòng chờ đợi cắt da, xẻ thịt mình,
và dưới chân Ngài, chung quanh Ngài, những người đồng hội, đồng thuyền
với mình đang than khóc tiếc thương Ngài.
Bỗng một trận cuồng phong nổi lên, làm cây cối gẫy ngã, cát bụi tung đầy
trời, sóng cuồn cuộn gầm thét và lật úp ghe thuyền trên sông. Bọn cướp
hoảng sợ, hỏi những kẻ bộ hành cùng đi theo Ngài:
–Nhà sư này ở đâu đến và tên ông ta là gì?
Một người trong đám hành khách trả lời:
–Ðó là một cao tăng từ Trung Hoa đi sang đây thỉnh kinh. Nếu các người
giết vị sư ấy thì tai họa lớn lao sẽ đến với các người. Các người thấy
chưa, gió bão đang nổi dậy đó chính là triệu chứng sự giận dữ của chư
thiên trước hành động bạo tàn của các người. Các người hãy mau hối cải
mới được.
Bọn cướp sợ hãi, sụp quỳ xuống bên chân Ngài, xin tha tội, nhưng Ngài
vẫn điềm nhiên tĩnh tọa, không nhận thấy sự thay đổi đột ngột, kỳ lạ xảy
đến chung quanh Ngài. Một tên cướp xích lại gần, nắm chéo áo Ngài van
xin tha tội, làm Ngài sực tỉnh.
Khi được biết bọn cướp đã hoảng sợ mà đổi ý, Ngài nhận tin ấy một cách
bình tĩnh, không đổi sắc mặt. Ngài khuyên bọn cướp hãy cải tà quy chánh.
Bọn cướp ngoan ngoãn xin tuân theo. Trận cuồng phong dịu dần rồi tắt
hẳn.
*
**
IX. Chiêm bái các Phật tích
Sau khi được toàn tánh mạng, và thoát khỏi tay bọn cướp hung ác một
cách bất ngờ, Ngài Huyền Trang đi về phía Ðông Bắc là nơi có nhiều Phật
tích quý báu, trong số ấy có 6 đại thánh địa mà mọi Phật tử, khi sang Ấn
Ðộ hành hương, đều ao ước được đến chiêm bái. Sáu đại thánh địa ấy là:
Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đức Phật giáng sanh; Thành Ca Tỳ La Vệ, nơi trưởng
dưỡng của Ngài khi chưa xuất gia; Bồ đề đạo tràng, nơi đức Phật thành
Ðạo; vườn Nai, nơi Ngài thuyết pháp lần đầu tiên cho nhóm ông Kiều Trần
Như; vườn Trúc Lâm hay Cấp Cô Ðộc, nơi Ngài nhập Niết-bàn.
Trong cuộc chiêm bái của Pháp sư Huyền Trang, Ngài không theo thứ tự như
đã kể trên, nhưng theo sự thuận tiện trong cuộc hành trình mà tuần tự
chiêm bái những nơi sau đây:
1. Chiêm bái vườn Trúc Lâm hay Cấp Cô Ðộc.
Vườn này có tên là Cấp Cô Ðộc vì do một vị trưởng giả giàu có, ông Tu Ðạ
Na, cúng cho đức Phật để làm nơi thuyết pháp. Sự tích cúng vườn này cũng
là một điều lý thú nên nhắc lại: Ông Tu Ðạt Na là một người giàu lòng bố
thí, thường cung cấp nuôi dưỡng những mẹ góa, con côi nghèo khổ, cho nên
được người đời tặng cho biệt hiệu là Cấp Cô Ðộc trưởng giả. Khi Phật đến
thuyết pháp tại thành Vương Xá (Kocala, nay là tỉnh Oude), ông Tu Ðạt Na
xin nguyện cúng cho Ngài một nơi yên tĩnh để làm tịnh xá. Ông lựa được
một chỗ đất rất tốt, đó là rừng Trúc Lâm. Nhưng rừng này thuộc sở hữu
của nhà vua. Ông xin mua lại bằng cách đem vàng bạc trải trên mặt đất.
Nhưng còn một đám đất vì cây cối rậm rạp ông chưa biết làm thế nào để
trải lên, nên đứng nhìn đám đất với vẻ mặt băn khoăn. Vua lấy làm lạ,
hỏi nguyên nhân, ông Tu Ðạt Na trả lời:
–Tâu Hoàng thượng, thần được diễm phúc cúng dường đức Phật một nơi làm
tịnh xá, để Ngài thuyết pháp độ sinh. Thần thấy đó là một công đức lớn
vô cùng. Nhưng nay vì còn một đám đất rậm rạp này, thần chưa biết phải
trải vàng thế nào để mua nốt, nên thần đang băn khoăn suy nghĩ.
Vua trả lời:
–Nếu sự cúng dường cho đức Phật có một công đức lớn lao như thế thì ta
không bán đám đất còn lại ấy nữa. Ta sẽ dâng cúng cho đức Phật để làm
công đức.
Từ đấy một tịnh xá đồ sộ được dựng lên ở trong vườn Trúc Lâm, nơi thường
trú của đức Phật, sau ngày thành đạo. Mấy thế kỷ sau ngày nhập diệt của
Ngài, khách hành hương đến chiêm bái ở đây vẫn còn say ngắm những phong
cảnh ngoạn mục nên thơ, nào hồ sen, nào bồn hoa cây cảnh, nào giảng
đường, nào trai phòng ... Nhưng khi Ngài Huyền Trang đến đây, thì tịnh
xá này đã hoang vắng, điêu tàn. Tất cả cảnh tượng đồ sộ ngày xưa, chỉ
còn trơ lại hai cột trụ đá mà vua A Dục đã truyền dựng lên, mang ở trên
đỉnh một bánh xe Pháp và ở dưới mấy hàng chữ ghi dấu vết một nơi thánh
địa đã có cái vinh dự làm bối cảnh cho bao cuộc thuyết pháp của đức
Phật, mười ba thế kỷ trước.
Vùng Trúc Lâm này, không những chỉ được cái vinh dự in nhiều nhất những
bước chân của đấng Giải thoát, mà còn mang bao di tích quý báu có liên
hệ đến đời Ngài hay của các vị đại đệ tử.
Chính ở đây, du khách còn được chiêm bái đám đất trước kia là tu viện
của Di mẫu đức Phật và quý vị Tỳ Kheo Ni đầu tiên của Ni bộ. Mỗi bước
Ngài Huyền Trang dẫm lên vùng này là gặp một kỷ niệm đáng kể: Ở đây là
mộ phần của anh chàng Vô Não (Angulimâla), một tên cướp theo cuồng đạo,
giết người để chặt ngón tay làm chuỗi hạt đeo ở cổ. Theo đạo ấy, thì hễ
ai giết được một trăm người, lấy một trăm ngón tay làm tràng hạt thì
được đắc đạo. Anh chàng Vô Não chỉ còn thiếu có một ngón tay thì chuỗi
hạt của anh đủ một trăm ngón. Tìm không ra người để giết, anh toan đem
mẹ anh làm vật hy sinh. Ðức Phật biết được, tự nguyện thay người mẹ để
cho chàng Vô Não giết. Anh ta vung gươm nhảy tới chém đức Phật; đức Phật
cứ lui dần, lui dần, và tên sát nhân khát máu kia không sao đuổi kịp.
Vừa bước lui, vừa thuyết pháp, cuối cùng đức Phật đã hàng phục được tên
cuồng tín kia và cho nhập vào hàng thánh chúng. Ở nơi kia là mộ phần của
nàng con gái mà bọn ngoại đạo đã âm mưu độn bụng để vu oan cho đức Phật.
Ở một nơi khác là cái bia dựng lên để kỷ niệm nơi đức Phật đã săn sóc
một vị Tỳ kheo già ốm. Một hôm đức Phật nhận thấy trong một căn nhà hẻo
lánh, một vị Tỳ kheo già ốm đang nằm đợi chết. Phật hỏi duyên cớ, vị Tỳ
kheo trả lời vì mình quá giải đãi, không chịu uống thuốc men và cũng
không ai săn sóc nên mới ra nông nỗi như thế. Ðức Phật động lòng từ bi,
dẫn ông ra khỏi phòng, tự tay quét dọn giường chiếu, rửa tay và thay áo
quần cho vị Tỳ kheo ấy, rồi đi ra, sau khi đã dạy bảo ông phải luôn luôn
tinh tấn. Bệnh của vị Tỳ kheo ấy tự nhiên lành hẳn.
Bao nhiêu kỷ niệm đã vươn dậy dưới bước chân của Ðường Pháp sư, và mỗi
kỷ niệm là một bài học vô giá, một biểu hiện của lòng từ bi hay trí tuệ,
của thanh tịnh hay tinh tấn ... Với một tâm hồn phong phú, tín thành như
Ngài Huyền Trang, thì một mảnh tường đổ, một viên gạch, một hòn sỏi, cho
đến một cục đất trong thánh địa Trúc Lâm đều đáng được ôm vào lòng để
nâng niu, chiêm ngưỡng.
2. Chiêm bái vườn Lâm Tỳ Ni và thành Ca Tỳ La Vệ.
Sau khi rời khỏi vườn Cấp Cô Ðộc, Ngài Huyền Trang đi 800 dặm về phía
Ðông bắc, đến thành Ca Tỳ La Vệ (bây giờ thuộc nước Népal), quê hương
của đức Phật. Thành này, khi Ngài Huyền Trang đến chiêm bái, là một nơi
hoang địa. Thành quách, đền đài bị tàn phá, may ra chỉ còn lại những
móng gạch của kinh đô xưa. Cỏ cây hoang dại lan cùng mặt đất; năm bảy
cái chòi tranh che không kín gió những người dân thưa thớt, nghèo nàn.
Vài ba chục vị Tỳ kheo Tiểu thừa cố gắng gìn giữ một cách bất lực, thảm
thương, với sự hiện diện nghèo nàn của mình, cái huy hoàng rực rỡ ngày
xưa của nơi chôn nhau cắt rún của vị Siêu phàm đã làm vẻ vang cho nhân
loại! Mười ba thế kỷ đã qua rồi, tang thương đã mấy lần thay đổi, ngài
Huyền Trang còn mong gì tìm thấy lại vang bóng của thời oanh liệt xưa
kia? Nhưng cũng may, nhờ sự sáng suốt nhìn xa của vua A Dục, những trụ
đã được dựng lên khắp nơi để ghi lại cho hậu thế những biến chuyển đầy ý
nghĩa trong đời sống của đức Phật, khi còn sanh trưởng trên mảnh đất phì
nhiêu này.
Ðây, nơi đạo sĩ A Tư Ðà tiên đoán tương lai huy hoàng của Thái tử Tất
Ðạt Ða. Ðây, nơi Ngài đã thi tài võ nghệ và đã thắng cuộc một cách vẻ
vang để kết hôn với công chúa Da Du, con vua Thiện Giác. Ðây, ba cửa
thành mà Ngài đã gặp người đau, người già, người chết ... Ðây con đường
nhỏ Ngài đã phi ngựa Kiền Trắc trong đêm, trốn ra khỏi hoàng thành để
tìm Ðạo. Ðây, cánh đồng ven rừng mà Ngài đã ngồi tham thiền sau khi thấy
cảnh tương tàn tương sát giữa chúng sanh. Ðây, nơi hội ngộ đầu tiên giữa
Ngài và vua Tịnh Phạn, sau những năm dài Ngài xuất gia và tìm được Ðạo.
Cách thành Ca Tỳ La Vệ mấy dặm về phía đông bắc, là vườn Lâm Tỳ Ni, nơi
đức Phật đã ra đời trong khi Hoàng hậu Ma Da đang đi ngoạn cảnh vào buổi
tinh sương ở trong vườn. Cây Vô Ưu mà Hoàng hậu đã với tay lên trong
phút giây thiêng liêng của đức Phật xuất thế, bây giờ cũng không còn dấu
vết nữa, vườn hoa rực rỡ ấy chỉ còn là một khu rừng hoang vắng tiêu
điều! Thật cảnh vô thường đã quá rõ rệt!
3. Chiêm bái rừng Sa La, nơi đức Phật nhập diệt.
Từ giã thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài Huyền Trang đi về phía đông, qua 500 dặm
rừng rậm, đến xứ Câu-thi-na-yết-la (Kucinagara, bây giờ là Kasi), là nơi
đức Phật đã nhập diệt. Ngài Huyền Trang đến khu rừng Sa La (Cala) nơi
đức Phật đã bảo ông A Nan treo võng cho Ngài nằm nghỉ. Và đó cũng chính
là nơi yên nghỉ cuối cùng của Ngài. Rừng cây, hoa lá của vùng này đã có
diễm phúc nghe những Pháp âm vô cùng quý giá của Ngài trước khi Ngài
nhập diệt, như " ... Này, các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi! Hãy
lấy Pháp của ta làm đuốc, hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát. Ðừng
tìm sự giải thoát ở một kẻ khác! Ðừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào
khác" ... Hoặc: "Này các Tỳ kheo! Các người đừng nghe dục vọng mà quên
lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã.
Chỉ có Ðạo ta là quý báu. Chỉ có chân lý của Ðạo ta là bắt di bất
dịch!". "Hãy tinh tấn lên để giải thoát!"
Ngài Huyền Trang đi viếng khắp cả vùng này. Ðây là nền nhà trong ấy ông
Thuần Ðà đã dâng cúng bữa cơm cuối cùng của đức Phật. Ðây là nơi nhập
diệt. Ðây là nơi làm lễ trà tỳ (hỏa táng). Ðây là nơi các vị quốc vương
Ấn Ðộ chia Xá lợi của Phật ...
Chiêm bái ở đây xong, Ngài Huyền Trang vượt nhiều rừng núi để đi đến
thành Ba La Nại (Bénarès), viếng vườn Lộc Uyển.
4. Chiêm bái vườn Lộc Uyển.
Lộc-uyển là nơi mà đức Phật đến thuyết pháp lần đầu tiên, sau khi thành
đạo, cho năm người bạn đồng tu của mình là nhóm ông Kiều Trần Như. Vườn
này nằm ở ngoại ô thành Ba La Nại. Nhóm ông Kiều Trần Như gồm năm tu sĩ,
ban đầu cùng tu với đức Phật, theo phương pháp khổ hạnh. Ðược ít lâu,
nhận thấy phương pháp này không có hiệu quả, trái lại cứ làm cho thân
thể mỗi ngày mỗi gầy yếu, đức Phật đã rời nhóm ông Kiều Trần Như và
phương pháp tu hành của họ. Ngài trở lại ăn uống như thường, và bị nhóm
ông Kiều Trần Như chế nhạo, khinh rẻ. Sau một thời gian tu luyện một
mình, đức Phật đã thành đạo Chánh đẳng Chánh giác. Ngài trở về vườn Lộc
Uyển và trình bày sự giác ngộ của mình cho năm người bạn đồng tu là nhóm
ông Kiều Trần Như nghe. Năm người này trở thành năm đệ tử đầu tiên của
ngài. Từ đó Lộc Uyển trở thành một đạo tràng mà đức Phật Thích Ca thường
tới lui thuyết pháp. Vua A Dục đã dựng lên ở đây một trụ đá chạm trổ rất
đẹp để đánh dấu nơi thuyết pháp đầu tiên của Phật.
Khi Ngài Huyền Trang đến đây, mọi thánh tích của đức Phật khi còn tại
thế đều được giữ nguyên vẹn và kính cẩn, vì ở đây, đang có một ngàn rưởi
vị Tỳ kheo tu hành trong tịnh xá dựng lên ở vườn Lộc Uyển. Nhờ thế, Ngài
Huyền Trang được chiêm ngưỡng những cái hồ mà đức Phật đã dùng hoặc để
tắm, để giặt, hay để rửa bình bát ...
5. Chiêm bái Bồ-đề đạo tràng, nơi đức Phật thành đạo.
Ngài Huyền Trang đi lần về phía Nam, đến xứ Ma Kiệt Ðà, là một nước phồn
thịnh trong thời Phật tại thế, và là quê hương của vua A Dục. Chính ở
kinh đô nước này, Vương Xá thành, là nơi vị vua anh hùng cái thế ấy đã
triệu tập các vị đại đức tăng già để kiết tập kinh điển lần thứ ba.
Khi Ngài Huyền Trang đến thành Vương Xá thì thành này đã sụp đổ điêu
tàn. Ngài chỉ còn nhận thấy những vết tích của những điện các huy hoàng
ngày xưa. Và trong số hàng trăm tịnh xá mà vua A Dục đã dựng lên ở đây,
chỉ còn lại vài ba cái còn đứng vững. Ngài Huyền Trang ở lại đây bảy
ngày, rồi đi về phía Tây, luôn trong sáu ngày mới đến rừng Bồ đề già là
nơi có cây Bồ đề mà đức Phật đã ngồi tham thiền ở dưới gốc cho đến khi
thành đạo. Chính ở gốc cây này, đức Phật đã phát lời thệ nguyện lịch sử:
"Nếu không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta cũng không rời khỏi
gốc Bồ đề này".
Khi Ngài Huyền Trang đến chiêm bái vùng này, thì sông Ni Liên Thuyền,
nơi đức Phật đã tắm rửa trước khi ngồi xuống gốc cây Bồ đề, vẫn còn
trong xanh, cây hai bên bờ vẫn còn tươi tốt. Riêng về cây Bồ đề lịch sử,
ngài Huyền Trang đã tả: "Thân cây màu trắng ngà, lá xanh láng mướt,
không tàn rụng trong mùa hè cũng như mùa đông. Chỉ đến ngày kỷ niệm đức
Phật nhập Niết-bàn thì lá mới rụng, nhưng ngày hôm sau lại đâm chồi nảy
lộc sum mậu như trước. Ngày ấy các bậc vua chúa, triều thần và thiện nam
tín nữ đến hành lễ ở đất, họ tưới vào gốc cây sữa tươi, thắp hương đèn
và rải hoa chung quanh. Họ hái lộc rồi ra về".
Cây Bồ đề này được vua A Dục săn sóc chu đáo và vô cùng quý trọng. Vua
cho xây thành bằng gạch quanh gốc cây, có trổ nhiều cửa ra vào. Cửa
chính hướng về phía Ðông, nhìn ra sông Ni Liên Thuyền. Cửa phía Nam giáp
giới một cái hồ trồng đầy sen. Phía Tây giáp giới với một dãy đồi cao.
Phía Bắc có một cái tịnh xá rộng lớn, chính giữa có một pháp tọa, gọi là
Kim Cang pháp tọa, vì dù cho trời long đất lở, thì pháp tọa ấy cũng vững
vàng như bàn thạch, không lay chuyển. Tương truyền chỉ những vị Bồ-tát
sắp chứng được quả vị Phật mới được vào đấy.
Sau khi đứng chiêm ngưỡng cây Bồ đề một hồi lâu, Ngài Huyền Trang sụp
quỳ xuống đất, không ngớt lời than khóc:
Kính lạy đức Từ phụ, khi Ngài đã chứng quả Bồ-đề thì con đang còn lặn
hụp trong biển khổ si mê; cho đến nay sau khi Ngài đã nhập Niết bàn trên
một ngàn năm rồi, con cũng vẫn chưa thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi!
Thật quả nghiệp báo của con quá nặng nề, và con vô cùng xấu hổ, thẹn
thùng cho duyên kiếp của con".
Ngài nói xong, nước mắt chan hòa, không sao cầm lại được. Trong lúc ấy,
có trên mấy ngàn tu sĩ vừa ra hạ, đến vây quanh Ngài Huyền Trang, và đều
mũi lòng thương cảm trước thái độ thành khẩn của Ngài.
Ngài Huyền Trang ở đây 6 ngày, rồi đến lưu học ở chùa Na Lan Ðà.
Thế là Ngài đã lần lượt chiêm bái xong các thánh địa chính như ý Ngài
mong ước. Về phương diện tình cảm của một đệ tử thuần thành đối với đức
Từ phụ, như thế là Ngài đã được như nguyện. Bây giờ Ngài còn phải làm
thế nào để được thỏa mãn lý trí trong sự khao khát tìm cầu học hỏi và
sưu tầm kinh điển.
Đầu Trang |
|