...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Ba

Hồi thứ 141

Hồi thứ 142

Hồi thứ 143

Hồi thứ 144

Hồi thứ 145

Hồi Thứ 141

 

Các gia nhân lòng trung bảo hộ chủ

Tôn Ðạo Toàn vâng lệnh thầy cứu người

 

Trương Sĩ Phương đi thương lượng với nhà đám nhà đồ xong, cầm về hai hóa đơn nhưng không đặt tiền cọc. Bốn trăm lượng bạc hắn vẫn giữ trong người, trở về gặp Vương thái thái. Thái thái hỏi:

- Con ơi, con đi thương lượng giá với nhà đám nhà đồ xong chưa?

- Thưa cô, cô khỏi bận tâm, con làm việc gì chắc chắn là phải rực rỡ mới được. Nhà chúng ta cất rạp không thể để cho thiên hạ cười chê! Con tính là phải cất rạp cao ráo, đều lợp ngói. Trước sau có phòng khách, hai cái đều dừng chiếu nhuyễn, chẳng cho lổ đầu gỗ bằng cách trang trí những hoa tươi với cửa sổ bằng pha lê ở bốn phía. Thiên tĩnh ngũ sắc, trên cửa vào làm một cỗ lầu, gắn hoa tươi và trang trí lụa màu rực rỡ. Tòa thí thực bên trong làm một hoa tòa lớn gắn lụa ngũ sắc chung quanh. Cửa vòng cung có lan can. Cửa vòng trước bàn linh hình mặt trăng bằng pha lê gắn kèm những dải lụa. Xung quanh nguyệt đài có lan can bằng pha lê. Cái rạp này nếu để người khác đi đặt chắc phải đến 1.000 lượng, mà con đặt chỉ 800 lượng thôi, bớt được 200 lượng. Con sắp đặt công việc không để cho em con trở về mà ý oán trách.

Lão thái thái là phận đàn bà, làm sao biết được sự thật bên trong, nên chỉ nói:

- Có là bao, có là bao!

Vương Hiếu đúng kế bên đợi hắn nói xong mới hỏi:

- Trương công tử đặt ở nhà đám nào thế?

- Ta đặt ở nhà đám Thiên Hòa.

- Tôi cũng hỏi ở nhà đám Thiên Hòa các đồ vật y như công tử đặt không thiếu món nào hết mà giá chỉ có 400 lượng thôi. Xin hỏi công tử đặt nhà đồ bao nhiêu tiền?

- Ta đặt 1.600 lượng.

- Tôi cũng hỏi người ta có 800 lượng thôi. Ðồ đạc mọi thứ giống y như công tử đã đặt.

Trương Sĩ Nguyên nghe nói ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Tên tiểu tử này lanh lẹ thiệt”. Nhưng cũng nói át: 

- Cô đừng nghe bọn nó nói. Bọn nó tính hạ uy tín con đó. Tại tụi nó ưa đồ giả chớ không có chỗ nào rẻ như vậy đâu!

Lão thái thái nghe hắn nói như vậy, đằng hắng một tiếng rồi bảo:

Này Vương Hiếu, các người cần gì phải làm như vậy! Nó là cháu ruột của ta chẳng lẽ lại lận tiền như vậy sao? Thôi, các người hãy đi đi!

Vương Hiếu nghe thái thái bảo hắn chẳng thể gian lận tiền được, bèn nghĩ thầm: “Mình vì lòng tốt bỏ công ra mà thành công cốc thôi!”, tức giận quày quả trở về. Các gia nhân ngồi bên góc cửa lớn, có người giận nói:

- Thằng tiểu tử Trương Sĩ Phương thiệt là lòng lang phổi chó mà!

Người thứ hai nói:

- Ta trông cho công tử chúng ta trở về để tên tiểu tử này xéo đi cho bọn ta đỡ phải cái nạn ông chủ thứ hai.

Ai nấy mỗi người nói một câu, bàn tán lăng xăng thì bên ngoài có tiếng:

- Vô lượng Phật, bần đạo học tiên. Bần đạo chính là Mai hoa chân nhân ở Mai Hoa Lãnh, núi Mai Hoa đây.

Mọi người nhìn ra thấy có một vị huyền môn đạo giáo, đầu đội khăn đạo sĩ cửu lương bằng đoạn màu xanh, mình mặc đạo bào bằng đoạn màu lam, lưng thắt dây tơ vàng chanh, vớ trắng vân hài, lưng đeo một bảo kiếm bọc bằng da cá, trên cán có tua nhung vàng, tay cầm cây phất trần bóng loáng, mặt màu vàng nhạt, mày nhỏ mắt sáng, mũi thẳng miệng vuông, ba chòm râu đen phất phơ trước ngực. Thật là tiên phong đạo cốt, nghi biểu khác phàm! Các gia nhân mới hỏi:

- Ðạo gia đi đâu đây?

Bần đạo là Mai hoa chân nhân ở Mai Hoa Lãnh trên núi Mai Hoa, đang ngồi tĩnh tu trong động, bỗng nghe tâm huyết máy động, lần tay toán biết Vương thiện nhơn ở đây gặp nạn, nên bần đạo vội cưỡi mây cứu hộ. Các người hãy vào trong bẩm báo, là bần đạo làm việc này để chu toàn công đức phần mình, chớ không đòi hỏi một văn nào của gia chủ cả!

Gia nhân nghe nói bàn hỏi:

- Ðạo gia đến đây để cứu viên ngoại chúng tôi à?

- Ðúng như vậy!

Vương Hiếu nghe nói rất mừng, vội chạy vào phi báo:

- Bà ơi có tin mừng!

Lão thái thái nghe nói, rầy:

- Cái thằng này! Viên ngoại sắp chết đến nơi mà mày lại nói có tin mừng! Tin mừng cái gí, ở đâu?

- Hiện bên ngoài có một vị đạo sĩ xưng là thần tiên ở núi Mai Hoa, bảo rằng ông ta có thể cứu được viên ngoại. Ðó không phải là tin mừng sao?

Trương Sĩ Phương nghe nói, lật đật cản lại:

- Mấy người nghe đạo sĩ phỉnh gì thế? Chỉ toàn là lời nói gạt gẫm yêu ma để xin vài điếu tiền. Có tiền cũng không thèm cho họ. Mau bảo ông ta đi đi!

- Thưa bà! Lão đạo sĩ nói ông ta chỉ cốt làm phước chứ không đòi tiền.

Trương Sĩ Phương nói:

- Chú cứ nói bậy bạ hoài! Ông ta không đòi tiền chứ không phải chú tự mình bỏ vô bị ông ta sao?

- Chính ông ấy nói không đòi tiền mà!

Vợ của Vương Toàn là Ðổng thị đứng kế bên, nói:

- Này Vương Hiếu, chú ra mời lão đạo sĩ vào xem cho viên ngoại cũng tốt có sao đâu! Thảng như cứu được viên ngoại dù cho phải tốn 1.000 lượng hay 2.000 lượng mình cũng chịu chi hết. Còn như không cứu được mình cũng không mất cho ông đồng nào.

- Phải đó!

Vương Hiếu tán thành ngay và quày quả đi ra trước, nói:

- Thưa đạo gia, bà chủ chúng tôi xin mời ngài!

Lão đạo sĩ gật đầu, cùng Vương Hiếu đi vào nhà trong. Vị đạo sĩ này chính là Hoàng diện chân nhân Tôn Ðạo Toàn vâng lệnh Tế Ðiên đưa Lôi Minh va Trần Lượng đến trước cứu Vương An Sĩ. Ðến Hải Sanh kiều, ông ta bảo Lôi Minh, Trần Lượng ngồi ở quán rượu chờ đợi, rồi một mình đến cổng để được gia nhân đưa vào bên trong. Trương Sĩ Phương dòm thấy đạo sĩ bèn nói:

- Lão đạo sĩ mũi trâu này đến đây làm chi? Không khéo trở thành oan gia đấy!

Tôn Ðạo Toàn miệng niệm “Vô lượng Phật”, nói:

- Bần đạo hiểu biết không giống như công tử, bần đạo muốn đến cứu Vương thiện nhơn.

- Ông không phải dùng lời yêu ma gạt gẫm mọi người. Ông có biết lão viên ngoại bị bệnh gì không?

- Tự nhiên sơn nhân phải biết chớ! Sơn nhân nói ra e có người khó đứng ở chỗ này, vì mắc cỡ chịu không nổi.

- Vậy chớ lão viên ngoại mắc bệnh gì?

- Vương Viên ngoại bị âm nhơn hãm hại.

- Ông đừng nói bậy bạ nhé! Lão viên ngoại làm một vị thiện nhơn, bình thường đối đãi với người rất trọng lậu, làm sao gia nhân lại có thể hại ông ấy được?

- Trái lại không phải do gia nhân hãm hại. Ta là người xuất gia lấy từ bi làm gốc, thiện niệm làm đầu, nói ra phải để đức nên không dám nói rõ. Lời thường có nói: “Nói ra phải để lại nửa câu; làm việc theo lễ phải nhường ba phần”.

- Lão đạo này, ông thiệt là nói vu vơ. Vậy ai hãm haị lão viên ngoại chớ?

Lão đạo sĩ hơi mỉm cười, nói:

- Công tử thiệt muốn hỏi người hãm hại lão viên ngoại ư? Người ấy thân là đàn ông mà mang tâm tính độc ác của đàn bà, người rất thân trong nhà nhưng lại lấy họ ngoài.

Trương Sĩ Phương nghe mấy câu đó mặt mày biến sắc. Các gia nhân nghe nói, đều đoán là hắn ta. Người thân thích trong nhà mà lấy họ ngoài, không phải hắn thì là ai? Mọi người đều rõ cả, nhưng không dám nói ra, chỉ lấy mắt nhìn chăm chăm. Trương Sĩ Phương xấu hổ quá hóa giận, nói:

- Lão đạo sĩ này, ông không nên buột miệng nói càn như thế! Ông nói có âm nhơn lãm hại, vậy có bằng chứng gì không?

- Dĩ nhiên là có chứ! Công tử cứ gọi một gia ngân lại đây đi!

- Kêu gia nhân lại làm gì?

Vương Ðắc Lộc chạy lại. Lão dạo sĩ nói:

- Quản gia, chú đến dưới giường của lão viên ngoại, mò trên ván giường xem có hình người bằng gỗ đào hãy lấy ra.

Quả nhiên Vương Ðắc Lộc đến bên giường đưa tay mò thử, nói:

- Ðúng rồi, có cái gì đây!

Lập tức lôi ra xem. Ðó là một hình người bằng gỗ đào có mặt mũi với tám chữ ghi rõ ngày giờ năm sinh của lão viên ngoại. Bấy giờ tiểu tử Trương Sĩ Phương thẹn quá, chuồn ra ngoài chạy tuốt về Tam Thanh quán gặp đạo sĩ Ðổng Thái Thanh, hắn nói:

- Ðổng đạo gia ơi! Cách làm của ông linh thiệt. Từ ngày đó dượng tôi nằm liệt luôn, hôn mê bất tỉnh không dậy nữa. Dượng tôi chưa chết mà tôi tính che rạp sửa soạn trước đây.

- Phải đúng bảy ngày nới chết thiệt, chưa đúng bảy ngày không được đâu.

- Linh thì có thiệt nhưng bây giờ hư hết rồi!

- Sao vậy?

- Hôm nay có một lão đạo sĩ tự xưng là Mai hoa chân nhân ở núi Mai Hoa. Ông ta bảo có thể trị bịnh cho Vương An Sĩ được và kêu gia nhân gỡ hình nộm gỗ đào ra. Ông ta còn nói người hại Vương viên ngoại là người đàn ông mà tánh hiểm độc của đàn bà, là người thân trong nà nhưng mang họ ngoài. Như vậy không phải tôi thì là ai? Ông ta đoán không ra tên họ của tôi nên tôi mới chạy về đây. 

- Ta Nói cho chú biết, bất luận ông ta là ai cũng không thể cứu được đâu! Tối hôm nọ ta đã làm phép bắt Vương An Sĩ ba hồn thu một hồn, bảy phách giữ hai phách bỏ vào trong bình nhiếp hồn đây. Ông ấy đâu có thể mạnh được?

Trương Sĩ Phương nghe bảo như vậy mới nói:

- Tuy ông bắt hồn của Vương An Sĩ nhốt trong bình nhiếp hồn này, Tôi chắc thế nào Mai hoa chân nhân cũng đến kiếm ông để đòi bình nhiếp hồn cho coi.

- Ông ta không đến thì tốt, còn ông ấy dẫn xác tới đây ta sẽ thúc tánh mạng cho ông ấy là xong chuyện.

- Sợ ông nói mà làm không được đó chớ! Tôi thấy lão đạo sĩ thật là tiên phong đạo cốt, mặt đạo bào màu la,m mặt mũi vàng tươi, ba chòm râu đen nhánh đẹp hơn ông nhiều, đại khái là tài năng cao hơn ông một bậc. Khi đến tìm ông đòi bình, ông không chịu đưa thì phải thế mạng thôi.

- Chú thiệt là chọc ta tức chết đi thôi!

Hai người đang nói tới đó thì bên ngài có tiếng “Vô Lượng Phật”. Trương Sĩ Phương Nói:

- Phải chăng ông ấy đã đến?

Ðổng Thái Thanh nghe nói, tức giận tràn hông, tự nghĩ: “Hay cho tên đạo sĩ này, dám đến phá hư việc của ta, lại còn dẫn xác đến cửa ta nữa! Ta phải cho mi biết thế nào là: “Ra tay trước vẫn hơn ra tay sau bị hại cho biết chừng!”. Nghĩ rồi từ trên vách rút xuống cây bảo kiếm, cầm lăm lăm trong tay, hầm hầm bước ra trước. Mở cửa ra, định đưa kiếm đâm một nhát, nào ngờ nhìn lại người đến không phải là Mai hoa chân nhân, mà là một lão đạo sĩ mình cao tám thước, tam đình nở rộng, trên đầu quấn tóc hình tim trâu, mình mặc đạo bào xanh, lưng cột dây tơ, vớ trắng vân hài, bên sườn một cây bảo kiếm ló cán tua vàng trong bao da cá, vai quảy một chíc đòn gánh với hai bao ở hai đầu. Vị ấy mặt sắc như dao, chơn mày đôi trên cặp mắt to tròn, mũi thẳng miệng vuông, hai tai phủ đầy lông đen. Hàm râu quai nón ngắn cứng như đám kim thép đâm tua tủa. Ðổng Thái Thanh định đâm một nhát, nhưng nhìn kỹ vội rụt kiếm lại, sợ hết cả hồn vía, lật đật bước tới hành lễ.*

 

Hồi Thứ 142

 

Hai yêu đạo tham tài thi tà thuật

Hai hào kiệt lập kế trộm bình hồn

 

Ðổng Thái Thanh cầm kiếm định đâm người mới tới, nhưng nhìn kỹ lại chẳng phải người nào khác mà chính là Trương Thái Tố, sư huynh của mình đi ra ngoài mới trở về. Ðổng Thái Thanh bước tới hành lễ, Trương Thái Tố tức giận mắng:

- Hay cho sư đệ! Ta dạy ngươi học đạo được bao nhiêu tài nghệ, bây giờ ngươi lại cầm kiếm giết ta hử? Thiệt là quá sức rồi!

- Xin sư huynh chớ nóng giận, trong việc này có một đoạn ẩn tình.

- Ẩn tình gì thế?

- Sư huynh vào trong rồi đệ sẽ nói.

Trương Thái Tố bước vào bên trong, hỏi:

- Một đoạn sự tình gì thế?

- Này sư huynh, phương pháp hại người anh dạy tôi thiệt là linh ghê. Hiện tôi đã hại được một người.

- Ai vậy?

- HạI Vương An Sĩ ở thôn Vĩnh Minh.

Trương Thái Tố nghe rồi đùng đùng nổi giận, nói:

- Ngươi hại người khác ta không giận, lại nhè hại Vương Sĩ An chớ! Ta hỏi ngươi nè: Hai khoảng ruộng hương hỏa của miếu chúng ta ai cúng vậy?

- Vương An Sĩ.

- Sửa sang lại điện là tiền của ai?

- Vương An Sĩ.

- Sổ hóa duyên ai viết cho ta? Một năm bốn mùa ai cúng đèn dầu? Lương thực chi dùng trong miếu ai cúng?

- Cũng Vương An Sĩ.

- Ngươi đã biết tất cả đều là của Vương An Sĩ cúng. Ông ta là thí chủ đứng hàng đầu của miếu chúng ta mà ngươi đi hại ông ấy thì còn lương tâm nữa không?

- Không phải tôi muốn hại ông ấy đâu! Ðó là Trương Sĩ Phương bảo tôi hại ông ấy hắn trả tôi 500 lượng bạc đấy.

Trương Thái Tố nghe xong “a” lên một tiếng, nói:

- Ðã có 500 lượng bạc, kể cũng được đi! Giết người lấy máu đào đổi bạc trắng đấy! Ta chỉ tưởng giết không thôi, chớ làm như vậy cũng được.

Trương Sĩ Phương nghe nói lúc đầu tưởng là không xong, chừng nói đến 500 lượng bạc, Trương Thái Tố khỏi ý tham, đổi giận làm vui, mới yên tâm. Trương Thái Tố nói:

- Ông hại được người ta, tại sao lại cầm kiếm muốn chém tôi vậy?

Ðổng Thái Thanh nói:

- Hiện giờ có một người xưng là Mai hoa chân nhân gỡ hình nộm gỗ đào đi. Tôi tưởng là ông ta đến kiếm tôi để đòi bình nhiếp hồn, cho nên mới xách kiếm chạy ra chớ! Cái ông lão đạo sĩ ấy thiệt là quá hư công chuyện của mình hết trọi!

- Không hề chi! Ta dạy ông hại người bảy ngày mới chết. Ta sẽ làm phép bắt ông ta chết ngay bữa nay thôi. Này Trương Sĩ Phương, chú đi mua cho ta một ít vật dụng để tối nay ta làm cho Vương An Sĩ hết thở luôn. Trương Sĩ Phương, ngày mai chú lo việc tang ma là vừa!

Trương Sĩ Phương mừng quá, lập tức đi mua những đồ cần dùng ngay. Tối lại, đợi đến canh hai trăng tỏ đầy trời, Trương Thái Tố mới đặt một bàn hương án trong viện, lột mũ ra, để tóc xõa, tay cầm kiếm đốt hương đảo cáo:

- Tam thanh giáo chủ ở trên, xin bảo hộ đệ tử Trương Thái Tố hại được Vương An Sĩ để có 500 lượng bạc của Trương Sĩ Phương đền ơn. Con sẽ may áo choàng Tam Thanh giáo chủ để hoàn nguyện.

Ông ta cầu đảo như thế, chớ thực ra Tam Thanh giáo chủ đâu có vì cúng áo choàng mà giúp đỡ hại người, cũng đâu phải là thần tiên để ý đến việc này! Trương Thái Tố đảo cáo xong rồi đốt ba đạo bùa, dùng mũi kiếm huơi lên, miệng đọc lâm râm. Ba đạo bùa đốt xong, lão đạo sĩ dùng mũi kiếm chỉ lên hô: “Thái Thượng Lão Quân, cấp cấp như lệnh!”, rồi giở nắp bình nhiếp hồn ra, tức thì có một trận gió lạnh buốt, kèm theo tiếng ò ò như bò rống, từ bên ngoài đưa vào bình như làn gió xoáy. Ðó là hồn phách của Vương An Sĩ bị lão đạo sĩ thâu vào trong bình nhiếp hồn, rồi dùng lụa đỏ bịt lại, cột bằng chỉ ngũ sắc. Hai lão đạo sĩ cùng Trương Sĩ Phương bước sang Tây phối phòng. Trong nhà này sát vách có một cái bàn bát tiên, hai bên có ghế dựa. Hai lão đạo sĩ ngồi ở ghế dựa, để bình nhiếp hồn lên giữa bàn. Trương Thái Tố nói với Trương Sĩ Phương:

- Trương Sĩ Phương, chú không tin thì đi về xem thử, dượng chú bây giờ hết thở rồi! Ngày mai chú bắt đầu làm đám, có thể đưa bọn ta 500 lượng bạc được rồi; còn không đưa, ta thâu hồn chú vô đây luôn.

- Tôi lẽ nào lại không đưa.

Ðang nói tới đó thì nghe phía sau Ðông phối phòng có tiếng người la:

- Tôi muốn treo cổ đây!

Trương Thái Tố nghe la, nói:

- Này hiền đệ, ta nghe bên Ðông có người la sắp sửa treo cổ, chúng ta đi xem thử, đâu có lý bỏ mặc người ta?

Ðổng Thái Thanh nói:

- Ði xem thử! Tôi nghe tiếng đó hình như ở sau viện phía Ðông.

Nói rồi hai lão đạo sĩ cùng Trương Sĩ Phương chạy ra, khép cửa lại, chạy vòng ra Ðông phối phòng xem thử. Trong viện này nguyên có một gốc cây, trên cây lừng lững một cái áo choàng, thấy người ấy đầu đội khăn tráng sĩ sáu múi màu thúy lam, tiễn tụ bào cùng màu, chân mang giày đế mỏng, mặt mũi trắng trẻo, tuấn phẩm hơn người. Người ấy đang mở thắt lưng cột trên cây, miệng nói lẩm nhẩm:

- Hết rồi! Người ta sống có nơi, chết có chỗ. Diêm Vương ấn định canh ba chết, đâu để người rốn lại canh năm? Ta chết đây, ta chết đây, ta chết đây, mọi việc kể như xong!

Lão đạo sĩ thấy vậy, nói:

- Này bạn, bạn làm sao lại tới viện chúng tôi định treo cổ thế? Chúng tôi cùng bạn không oán thù, trước đây không quen biết, sao bạn lại làm như thế?

Người đó ngẩng đầu lên nhìn rồi nói:

- Ðạo gia không nên lấy làm lạ, tôi thật không biết trong miếu có người, tôi tưởng miếu trống không thôi! Nếu tôi biết miếu có chủ, thì tôi dù gan lớn bằng trời cũng không dám đến quấy rầy quý vị.

Lão đạo sĩ nghe những lời rất thông tình lý của người ấy mới nói:

- Bạn ơi! Tại sao bạn lại muốn chết như vậy? Tôi thấy tôn giá đường đường nghi biểu khác người, đại khái không dám nói là tầm thường, nhưng vì sao bạn lại có ý nghĩ không hay ấy?

Người ấy đằng hắng một tiếng rồi nói:

- Ðạo gia đã hỏi, tôi một lời khó nói hết! Tôi vốn là người Trấn Giang sống về nghề bảo tiêu. Lần này tôi đưa 20 vạn lượng bạc đi qua vùng trũng của mạn Ðông này, chẳng ngờ gặp phải một ổ cường đạo, ước chừng 40 – 50 tên. Chúng chặn tôi lại muốn cướp xe hàng, tôi nói tên tiêu cục của chúng tôi, nhưng bọn giặc này bất kể đến. Chúng bảo: - Dù cho hoàng thượng đi qua đây cũng phải nộp tiền mãi lộ. Tôi bắt buộc phải động thủ. Chúng nhiều người thế đông, một mình tôi đâu thể địch lại! Hai mươi vạn lượng bạc bị chúng cướp sạch tôi càng nghĩ càng thấy khó xử! Muốn trở về ư? Không tránh khỏi tù tội! Khách họ đâu có chịu để yên, bắt tôi phải bồi thường, mà tôi tiền đâu để bồi thường cho họ? Tôi tính chỉ còn có nước chết mà thôi!

Ðổng Thái Thanh hỏi:

- Trong nhà bạn có bao nhiêu người?

- Trong nhà tôi có mẹ già tóc bạc, cô vợ còn son trẻ, đứa con vị thành niên, ba người: mẹ già, vợ trẻ, con thơ.

- Trong bạn đã có mẹ già, vợ mọn như vậy, nếu bạn chết đi, thì người trong nhà biết trông cậy vào ai? Tôi khuyên bạn đừng nên nghĩ quẩn! Bạn hãy đến nha môn địa phương báo cáo để lưu ẩn tích này lại rồi trở về, để chứng tỏ việc bạn mất cướp là có thật. Nếy khách không tin thì bảo họ đến nha môn địa phương đây mà điều tra kỹ vụ án này, khách họ cũng không thể bắt đền bạn được. Bạn nghĩ thế có đúng không? Bạn hãy đi mau đi! Tôi cũng không mời bạn vào miếu làm chi, vì hôm nay miếu chúng tôi có Phật sự.

Người ấy gật đầu, nói:

- May được đạo gia chỉ lối cho tôi, tôi hết lòng cảm tạ đạo gia.

Người ấy nói xong cúi đầu lễ thật sâu, rồi gỡ cái áo choàng trên cây xuống, lập tức nhảy qua tường mà đi. Lão đạo sĩ quay trở vào, vừa đến trong viện thì thấy ở Tây phối phòng có một người râu đỏ mặt chàm đương trộm bình nhiếp hồn. Lão đạo sĩ nhìn thấy, tức giận hét lên:

- Ðồ nghiệt chướng to gan!

Tức thời đóng ngay cửa lại. Những người mới tới Tam Thanh quán không ai khác, mà chính là Lôi Minh và Trần Lượng. Hai người này đi đâu thế? Nguyên khi Tôn Ðạo Toàn ở trong nhà Vương An Sĩ gỡ hình nộm bằng gỗ đào ra mà Vương viên ngoại vẫn chưa ngồi dậy được. Mọi người mới hỏi:

- Thưa tiên trưởng! Lão nhân gia thấy bịnh của chủ chúng tôi như thế nào?

- Viên ngoại của các ngươi không cần biết đến làm chi! Tối nay ta tìm được hồn về, viên ngoại sẽ tỉnh lại ngay.

- Bịnh của lão viên ngoại chúng tôi nếu được lão nhân gia cứu trị lành mạnh, chắc chắn người sẽ cảm tạ lắm!

- Tôi không cần cám ơn, làm việc này là để tạo công đức thôi! Tôi phải đi tìm hồn đây. Tối sẽ gặp lại.

Nói rồi Tôn Ðạo Toàn đi ra khỏi nhà Vương viên ngoại, thẳng đến quán rượu ở Hải Sanh kiều, nơi đó Lôi Minh và Trần Lượng đang chờ sẵn. Gặp Tôn Ðạo Toàn, Lôi Minh và Trần Lượng nói:

- Sư huynh uống rượu nhé!

Ba người uống rượu xong, Tôn Ðạo Toàn kêu Lôi Minh và Trần Lượng ra khỏi quán, đến chỗ vắng, nói:

- Hai sư đệ, sư phụ có dặn tối nay hai sư đệ phải đến Tam Thanh quán ở phía Tây này. Sư phụ nói trên bàn trong phối phòng phía Tây của miếu này có một cái bình tên là Nhiếp hồn bình. Hồn sư tổ Vương An Sĩ của chúng ta bị mấy ông đạo sĩ của miếu này bắt nhốt vào trong bình đó. Hai sư đệ hãy đi trộm chiếc bình ấy về cứu viên ngoại. Phải hết sức cẩn thận mới được! Hai lão đạo sĩ không dễ gì tha thứ, họ đều biết yêu thuật tà pháp cả. Hai sư đệ phải để tâm lắm mới được!

Lôi Minh, Trần Lượng gật đầu, lập tức đi ngay. Lôi Minh nói:

- Này tam đệ, hai đứa mình đi lấy trộm nè! Nhị ca sử dụng thuật phi thiềm tẩu bích, tài trộm lấy thần tình thì anh hơn tôi. Còn sử dụng tài ăn nói, gặp ai nên nói lời gì, cơ xảo linh hoạt, mắt nhạy bén thì anh phải nhường tôi. Nhị ca nè, anh trộm bình đi! Tôi sử dụng kế điệu hổ ly sơn dụ mấy đạo sĩ ra ngoài cho.

- Chú làm sao sử dụng kế điệu hổ ly sơn được?

- Tôi cũng không nhất định, thấy cần việc nào thì làm việc đó. Có thể là phóng hỏa, có thể là giả thần giả quỷ cũng nên.

Hai người nói tới đó thì đã tới trước cổng miếu. Trần Lượng nói:

- Nhị ca, anh ở phía Tây xem tôi ở phía Ðông sử dụng kế điệu hổ ly sơn đây!

Trần Lượng nhảy lên tường xem thấy hai lão đạo sĩ đang ở trong phối phòng phía Tây, bên Ðông của một gian hậu viên có một gốc cây. Trần Lượng la lên:

- Ta treo mình đây!

Lôi Minh thấy hai lão đạo sĩ đi ra, bèn từ nóc nhà nhảy xuống, vừa định tiến vào phối phòng phía Tây, nhưng lại sợ trong đó có người, vì hồi nãy quên hỏi Tôn Ðạo Toàn miếu này có mấy đạo sĩ. Lôi Minh trong lòng còn do dự, nhưng lại sợ hai lão đạo sĩ trở lại bắt gặp, bèn đến bên Ðông xem thử, thấy hai lão đạo sĩ đang nói chuyện với Trần Lượng. Lôi Minh trở lại vừa muốn xô cửa, lại sợ trong phòng có người, nghe ngóng một hồi mới dám xô cửa tiến vào. Hai lão đạo sĩ trở lại thấy Lôi Minh đang đưa tay ôm cái bình nhiếp hồn. Ðổng Thái Thanh hét lên:

- Ðồ nghiệt chướng to gan!

Lôi Minh ngoái đầu nhìn lại, thấy hai đạo sĩ đã về đến cửa rồi, bèn bỏ bình nhiếp hồn, rút dao định xông ra ngoài. Nào ngờ Trương Thái Tố lấy tay chỉ một cái, dùng định thân pháp trồng cứng Lôi Minh lại.*

 

Hồi Thứ 143

 

Lôi Minh lanh trí giết Trương Thái Tố

Ngộ Thiền thổi khí cợt Ðổng Thái Thanh

 

Trương Thái Tố dùng định thân pháp trồng cứng Lôi Minh lại mới nghiệm sự việc, bèn nói với Ðổng Thái Thanh:

- Hiền đệ, thằng mặt trắng định treo cổ hồi nãy cùng phe với thằng này đấy; một đứa dùng kế điệu hổ ly sơn, còn một đứa ở lại trộm bình, có đúng không nào?

- Có lý đấy!

Ðổng Thái Thanh nói rồi, lập tức kêu Trương Sĩ Phương lấy dây trói Lôi Minh lạu. Hai lão đạo sĩ ngồi xuống nói với Lôi Minh:

- Cái tên lớn mật này, mi dám tới đây lấy trộm bình nhiếp hồn của ta chớ! Mi họ gì? Ai sai mi đến đây? Cái thằng mặt trắng dùng kế điệu hổ ly sơn là ai? Hãy mau nói thiệt đi!

- Tôi tới một mình thôi! Cái thằng mặt trắng nào tôi đâu có biết?

- Ai kêu mi tới trộm bình nhiếp hồn của ta?

- Tôi tự đến lấy trộm thôi.

- Tại sao mi không lấy trộm cái khác mà lấy cái bình đó?

- Làm ăn trộm thấy cái gì thì lấy cái nấy. Tôi thích cái bình đó nên trộm lấy nó.

Trương Thái Tố nói:

- Cái thằng này đại khái là không chịu nói thiệt. Trương Sĩ Phương! Vào lấy dây và gậy ra cho ta. Ta không đánh nó, nó không chịu nói mà.

Trương Sĩ Phương lập tức vào bên trong lấy dây ra. Trương Thái Tố lột quần áo Lôi Minh ra, lấy dây nhúng nước cột rút lên. Lôi Minh buột miệng mắng lớn. Rẹt rẹt rẹt, mấy chục roi liên tiếp bổ vào người làm Lôi Minh khắp mình đều mang thương tích. Trần Lượng đứng bên ngoài chờ một hồi lâu không thấy Lôi Minh trở về mới lén vào trong dọ thử, thấy lão đạo sĩ đang đánh Lôi Minh lia lịa. Trần Lượng thấy nhị ca mình bị treo đánh như vậy lòng đau xót vô cùng! Muốn nhảy xuống cứu mà biết các đạo sĩ có yêu thuật tà pháp, mình không phải là đối thủ của họ; còn không nhảy xuống cứu, mắt thấy nhị ca bị hành hạ như vậy, lòng càng thêm bất nhẫn. Lòng đang rối bời, trực nhìn ra thấy phía sau đại điện có rất nhiều củi khô, Trần Lượng tức thì móc Tự lai hỏa châm vào đống củi khô ấy, giây lát cả đại điện đều bén lửa. Trương Sĩ Phương bỗng nhiên nhìn thấy bên ngoài sáng rực, lật đật chạy ra xem thì thấy đại điện bị cháy rồi. Trương Sĩ Phương vội la lên;

- Không xong, không xong! Ðại điện bị bén lửa rồi!

Ðổng Thái Thanh nghe la, trước hết cầm bình nhiếp hồn cùng Trương Thái Tố và Trương Sĩ Phương chạy ra phía sau hậu điện tìm cách cứu lửa. Trần Lượng bấy giờ mới bước vào cõng Lôi Minh ra, thẳng về Hải Sanh kiều. Ngoái lại xem thấy Tam Thanh quán bị lửa hoành hoành, bốc cao có ngọn. Trần Lượng về Hải Sanh kiều tìm gặp Tôn Ðạo Toàn. Tôn Ðạo Toàn hỏi:

- Hai sư đệ có trộm được bình nhiếp hồn không?

- Sư huynh ơi! Chẳng những bình nhiếp hồn trộm không được mà nhị ca còn bị lão đạo sĩ đánh đến nỗi thương tích đầy mình đây nè! Tôi phải dùng kế điệu hổ ly sơn mới cứu được nhị ca đó. Chúng ta phải tìm một nới nào để nhị ca nghỉ ngơi rồi mình thoa thuốc chỉ thống mới được!

- Bây giờ mình đến nhà Vương viên ngoại nhé!

Nói rồi Tôn Ðạo Toàn dẫn Trần Lượng cõng Lôi Minh đến nhà họ Vương, bảo Trần Lượng đứng một bên chờ đợi, Tôn Ðạo Toàn bước tới gọi cửa; quản gia Vương Hiếu nhìn thấy, nói:

- Tiên trưởng đến rồi à? Hay quá!

- Ta có hai đứa em đi phụ bắt hồn bị mệt, muốn mượn thư phòng của mấy chú nghĩ ngơi, mấy chú lén cho nghĩ nhờ được không?

- Ðược mà, để chúng tôi mở cửa, tiên trưởng và họ vào nghỉ.

Tôn Ðạo Toàn cùng Trần Lượng cõng Lôi Minh vào trong cho Lôi Minh nằm nghỉ định thần lại rồi mới thả rèm, rịt thuốc Kim sang chỉ thống. Tôn Ðạo Toàn ngồi ở phòng ngoài, giây lát gia nhân dâng trà và hỏi:

- Thưa Tổ sư gia, ngài tìm được hồn của viên ngoại chúng tôi chưa? Viên ngoại đã ngừng thở rồi.

- Chú vào bên trong thưa với thái thái là không hề chi đâu. Thái thái đừng có khóc, ta bảo đảm là viên ngoại không chết đâu!

Ðang nói tới đó thì bên ngoài có tiếng ồn ào:

- Tam Thanh quán bị cháy rụi rồi.

Tôn Ðạo Toàn thấy gia nhân chạy ra, mới nói:

- Hai sư đệ đừng nên chộn rộn, Tam Thanh quán bị cháy rụi rồi! Thế nào hai lão đạo sĩ ấy cũng đến đây tìm ta để thí mạng coi.

Trần Lượng nói:

- Vậy thì hết cách rồi! Tôi đâu có thể thấy nhị ca bị đánh nhừ tử như vậy! Họ nếu không đến thì tốt, còn nếu họ đến tìm thì ba chúng ta cùng liều mạng với họ.

- Việc đã đến như này, hai vị sư đệ cũng không cần phải lo cho ta. Hai lão đạo sĩ ấy đều biết tà thuật, hai vị sư đệ động thủ với họ chỉ có chết uổng mà thôi, chi bằng trốn đi là hay nhất. Còn phần ta đã có cách! Họ đến tìm ta, ta đi với họ là xong!

Bàn tính tới đó thì trời đã sáng tỏ. Bên ngoài có tiếng gọi cổng, gia nhân chạy ra xem thì là Ðổng Thái Thanh và Trương Thái Tố. Hai lão đạo sĩ ấy thấy miếu mình bị lửa thiêu rụi không còn một miếng ngói, mới dậm chân nói:

- Trương Sĩ Phương, cũng tại vì chú mà miếu ta bị cháy rụi như vậy. Ta phải kiếm Mai hoa chân nhân để thí mạng với ông ấy mới được. Hai thằng này chắc là do Mai hoa chân nhân phái đến đây!

Trương Thái Tố nói:

- Ta biết Mai hoa chân nhân này rồi, ông ấy là vượn linh hóa thân. Chúng ta đi tìm ông ấy đi!

Nói rồi hai đạo sĩ cùng đến nhà Vương An Sĩ gọi cửa. Gia nhân mở cửa nhìn thấy quen, mới hỏi:

- Ðổng đạo gia, Trương đạo gia, hai vị đi đâu, có việc gì mà đến đây sớm vậy?

Trương Thái Tố hỏi:

- Trong nhà này có Mai hoa chân nhân đến ở không?

- Có đấy!

- Chú kêu ông ta ra đây, nói là có chúng tôi đến tìm ông ấy có việc.

Gia nhân lập tức vào bên trong nói:

- Thưa tiên trưởng, hiện giờ bên ngoài có Ðổng đạo gia và Trương đạo gia ở Tam Thanh quán đến tìm Ngài.

Tôn Ðạo Toàn nói với Lôi Minh và Trần Lượng:

- Hai vị sư đệ hãy trốn đi nhé!

- Sư huynh, hai đứa tôi gây họa lại bỏ đi để liên lụy cho sư huynh coi sao được?

- Thôi, hai sự đệ đi đi. Sư huynh ra gặp họ.

Tôn Ðạo Toàn bước ra cửa, Ðổng Thái Thanh nhận ra là người quen mới nói:

- Té ra là đạo huynh!

Tôn Ðạo Toàn nói:

- Hai vị đạo hữu muốn nói điều chi, chúng ta hãy tìm chỗ vắng vẻ sẽ nói. Sự việc của hai người nói qua nói lại, để cho người khác nghe họ sẽ cười cho. Chúng ta là người Tam Thanh giáo, việc của chúng ta nên tìm chỗ riêng nói tốt hơn.

Trương Thái Tố nói:

- Vậy thì hãy theo ta.

Ba vị đạo sĩ cùng nhau đi về hướng Hải Sanh kiều, nào ngờ bọn Lôi Minh, Trần Lượng đã nhảy tường ra ngoài ngầm theo dõi xa xa ba người. Ðến Hải Sanh kiều, trời đã sáng rõ. Trương Thái Tố nói:

- Tôn Ðạo Toàn, ông hãy nói đi!

- Chúng ta đi quá phía Bắc chút nữa, đến dưới núi Thiên Thai, chỗ ấy vắng vẻ sẽ nói chuyện.

- Ừ, thì đi!

Ba người lại tiếp tục đi đến chân núi Thiên Thai. Tôn Ðạo Toàn hỏi:

- Hai vị đại hữu tìm tôi có việc chi?

Ðổng Thái Thanh nói:

- Ông vô cớ phá hư việc của tôi, lại còn sai thằng mặt trắng, thằng mặt xanh đến đốt miếu của tôi nữa. Tôi đâu có thể tha ông được!

- Hai vị đạo hữu chớ nóng giận! Chúng ta đều là người Tam Thanh quán cả. Ðạo hữu đưa bình nhiếp hồn cho tôi, tôi sẽ nói với Vương viên ngoại cất lại Tam Thanh miếu y như cũ đền cho đạo hữu. Còn hai thằng mặt xanh mặt trắng nào đó không cần nhắc đến nữa. Ðạo hữu thấy có được không?

- Ông định xí xóa hả? Ðâu có được! Bữa nay ta phải băm vằm ông ra mới hả được cơn giận của ta! Còn bình nhiếp hồn ư? Chính ta cũng nói với viên ngoại sửa miếu được, cần gì ông phải nói chớ?

- Hai đạo hữu đừng nổi nóng, có gì thư thả hãy nói.

Ðổng Thái Thanh đâu có chịu nghe, đưa tay rút soạt bảo kiếm nhằm Tôn Ðạo Toàn đâm một nhát. Tôn Ðạo Toàn không trả đòn, chỉ tránh qua một bên, miệng cứ nhún nhường năn nỉ:

- Hai vị đạo hữu tha thứ cho tôi! Tôi xin dập đầu tạ lỗi với hai vị mà hai vị chưa bằng lòng sao?

Ðổng Thái Thanh cứ theo đâm chém mãi. Trương Thái Tố đứng day mặt về hướng Nam theo dõi và mắng lớn:

- Không giết được ông, không hả được cơn giận của hai ta!

Ngay lúc đó, Lôi Minh và Trần Lượng từ hướng Ðông đi vòng lên hướng Bắc ngồi núp sau tảng đá. Lôi Minh nhìn, nói:

- Này tam đệ, sư huynh chúng ta không chịu trả đòn, cứ tránh mãi. Hai thằng cha đạo sĩ này thiệt đáng giận! Ta lừa đi họ bất phòng, mình làm thịt bớt đi để trả mối thù của ta.

Nói rồi, Lôi Minh rút dao đi lần tới trước. Trương Thái Tố đứng day mặt về hướng Nam, Lôi Minh ở phía sau ông ta đi lại, bụng nghĩ thầm: “Nếu ông không ngoái đầu lại là ta làm thịt ông liền”. Nào ngờ lão đạo sĩ tội ác đầy trời đã tới hồi lãnh quả báo nên không ngoái đầu lại, chỉ cố nhìn chăm chăm về phía Ðổng Thái Thanh động thủ. Lôi Minh bước đến gần, bất thình lình lia dao tới trước, máu phun có vòi, đầu đạo sĩ lăn lóc dưới đất, Ðổng Thái Thanh thấy sư huynh mình bị thằng mặt xanh giết chết mới hét lên:

- Hay cho Tôn Ðạo Toàn, bọn bây một phe với nhau mà! Hè nhau giết sư huynh của ta. Hôm nay ta phải lấy tánh mạng của bọn bây mới được!

Lôi Minh, Trần Lượng nói:

- Ba người chúng ta lấy tính mạng ông thì có!

Ðang nói tới đó thì thấy đầu của Trương Thái Tố bỗng nhiên từ dưới đất bay vọt lên cao hơn hai trượng nhắm ngay đầu của Ðổng Thái Thanh đập xuống. Ðổng Thái Thanh nói:

- Sư huynh, anh chết oan ức đừng có lộng quỷ phá nữa. Tôi tìm được kẻ thù của anh rồi, tôi sẽ báo thù nó cho anh.

Nói mấy lời đó xong, đầu người lại bay lên cao rồi lại nhắm ông ta đập xuống, liên tiếp mấy lần như vậy. Mọi người để ý nhìn kỹ thấy sau gộp đá phía Tây có một vị tiểu Hòa thượng, chính là Ngộ Thiền. Ngộ Thiền từ đâu đến đây? Nguyên Tế Ðiên dẫn Ngộ Thiền lên Tòng Lâm quán thăm Lỗ Tu Chơn. Lỗ Tu Chơn vốn là người chơn tu, khi nói chuyện biết Tế Ðiên là bậc cao tăng đắc đạo nên hai người nói chuyện rất tương đắc. Tế Ðiên lấy Càn khôn điên đảo mê lộ kỳ ra đưa cho Lỗ Tu Chơn, nói:

- Sau này tôi lên Từ Vân quán ở Thường Sơn viện gặp phải một đại nạn, nếu không nhờ đạo hữu cứu tôi thì không xong.

- Thánh tăng nếu cần dùng đến tôi cứ đưa tin, tôi sẽ đến ngay.

Hai bên càng nói càng thân thiết. Lỗ Tu Chơn bèn cầm thầy trò Tế Ðiên ở lại. Hôm sau trời vừa sáng, Tế Ðiên kêu:

- Ngộ Thiền, con đến chân núi Thiên Thai cứu ba sư đệ con.

Ngộ Thiền gật đầu, thẳng đến chân núi Thiên Thai, ẩn mình theo dõi, thấy Tôn Ðạo Toàn cứ năn nỉ mãi. Sau thấy Lôi Minh giết Trương Thái Tố, Ngộ Thiền mới thổi cho đầu người bay bỗng đánh Ðổng Thái Thanh. Tôn Ðạo Toàn dòm thấy mới nói:

- Tiểu sư huynh, mau lai đây!

Ðổng Thái Thanh cũng dòm, nói:

- Hay cho yêu tinh này, mi dám vô lễ thế hử?

Ngộ Thiền phình bụng hớp một hơi thổi Ðổng Thái Thanh bay bổng lên cao cách mặt đất hơn một trượng, rồi rút hơi lại cho lão đạo sĩ rớt bịch xuống. Ðương lúc dồi Ðổng Thái Thanh như vậy thì nghe bên sười núi có tiếng “Vô lượng Phật” và tiếng ca:

Nước sạch trong, nước sạch trong

Trước mắt mây bay hơn phú quý

Khe sâu nước chảy chẳng bụi hồng

Thị thị phi phi thây trối kệ

Hay hay dở dở kể như không

Ấy ai tâm sự nhiều vương vấn

Ðầu non một khúc Cổ Thanh Phong.

Vị lão đạo sĩ ngâm khúc ca xong, mọi người nhìn kỹ sợ hết cả hồn vía!*

 

Hồi Thứ 144

 

Lão tiên ông nổi giận bắt Ngộ Thiền

Hai tráng sĩ đêm dò núi Thiên Thai

 

Ngộ Thiền đang thổi dồi Ðổng Thái Thanh, bỗng nghe bên sười núi có tiếng “Vô lượng Phật”, tiếp theo một bài ca vang lên và một lão đạo sĩ xuất hiện. Vị này đầu đội khăn đạo sĩ bằng vãi cũ, mình mặc áo nạp rách, đôi vớ trắng cao cổ cột lên tới gối, mang dép đế dày, mặt như cổ nguyệt, tóc bạc mặt non với bộ râu quay nón bạc, thật đúng là bậc tiên phong đạo trưởng, trong tay xách một giỏ hoa, sau lưng đeo một Càn khôn ảo diệu đại hồ lô. Lão đạo sĩ mới đến chẳng phải ai khác mà chính là Ðông phương thái duyệt Lão tiên ông Côn Lôn Tử ở Thượng Thanh cung trên núi Thiên Thai. Ðổng Thái Thanh vừa nhìn thấy lật đật bước tớI quỳ tham lễ:

- Tổ sư gia ở trên, đệ tử xin cúi đầu kính lễ.

Tôn Ðạo Toàn cũng quỳ xuống. Ngộ Thiền cũng sợ không dám thổi nữa. Lô Minh, Trần Lượng mù tịt không biết lão đạo sĩ đó là ai. Vị lão đạo sĩ này ở trên núi Thiên Thai, đạo đức rất sâu xa. Tòa núi Thiên Thai này, sài lang hổ báo, rắn độc quái thú rất nhiều, hàng phàm phu tục tử khó mà lên được. Tôn Ðạo Toàn, Ðổng Thái Thanh nhận ra ông ta nên lật đật quỳ xuống hành lễ như vậy. Lão tiên ông nhìn thấy, hỏi:

- Tại sao hai ngươi lại đánh nhau như vậy? Hãy nói thiệt ra! Còn con yêu tinh này là ai vậy?

Tôn Ðạo Tồn thưa:

- Bẩm Tổ sư gia, vị tiểu hòa thượng này là tiểu sư huynh con. Con lễ Tế Ðiên làm thầy để học thêm chút ít pháp thuật.

- Ðược, sơn nhân ta đang muốn tìm Tế Ðiên đây!

- Tại sao lão tiên ông lại muốn kiếm Tế Ðiên để đối nghịch?

Ðó là như vậy: Mấy hôm trước, hai lão đạo sĩ Chữ Ðạo Duyên và Trương Ðạo Lăng bị Lôi Minh, Trần Lượng lột hết y phục. Hại lão đạo sĩ đến chừng tỉnh dậy dòm lại thấy trần truồng như nhộng. Chữ Ðạo Duyên nói:

- Làm sao bây giờ? Nếu đi trên đường sẽ bị người ta thấy mất!

Trương Ðạo Lăng nói:

- Chúng ta hãy đi tìm Tổ sư gia ở Thượng Thanh cung trên núi Thiên Thai đi!

Hai người ban ngày không dám đi, đợi đến lúc trời tối đen mới dám đi lên núi, nhưng không dám đi gần làng xóm. Ðến Thượng Thanh cung, hai người gõ cửa. Ðạo đồng từ bên trong đi ra mởi cửa thấy họ lõa lồ mới hỏi:

- Hai vị làm sao mà cả đến quần áo cũng không có nữa? Chắc là thua bạc người ta rồi phải không?

Chữ Ðạo Duyên nói:

- Không phải đâu! Hai đứa tôi bị Tế Ðiên Hòa thượng hiếp đáp làm khổ đấy. Hai đứa tôi muốn lên gặp Tổ sư gia, cầu xin người trả thù giùm chúng tôi.

Nói tới đó đã vào tới bên trong, gặp Lão tiên ông. Lão tiên ông giận quá, hỏi:

- Hai cái thằng này, tại sao không biết xấu hổ? Cả đến quần cũng không có nữa?

Trương Ðạo Lăng thưa:

- Tại Tổ sư gia không biết đấy thôi. Trên trần thế mới có một Tế Ðiên tăng, hưng Tam Bảo, diệt Tam Thanh. Hắn ta nói Tam Thanh giáo không có người, đều là súc sinh hết, toàn là thứ mang lông đội sừng, không phải là do tứ tạo sinh ra, xương sống chổng lên trời, xương ngang bọc tim. Y phục của hai con đều do hắn lột lấy hết. Cầu xin Tổ sư gia báo thù cho chúng con, cũng là làm nở mặt mày Tam Thanh giáo.

Lão tiên ông nghe xong, nói:

- Ta nghe nói Tế Ðiên Hòa thượng là bậc La Hán, làm sao lại nói những lời như thế được? Ðạo đồng đi lấy hai bộ quần áo cho hai tên này mặc. Chừng nào gặp Tế Ðiên, ta sẽ hỏi lại ông ấy.

Chữ Ðạo Duyên và Trương Ðạo Lăng mặc y phục xong, ở lại trong miếu một ngày rồi mới đi. Hôm nay sáng sớm Lão tiên ông đang hái thuốc trên núi, nhìn thấy dưới núi có một cột yêu khí bốc lên thẳng đến khoảng đẩu ngưu, cho nên mới xuống núi để xem thử. Khi hỏi Tôn Ðạo Toàn, nghe ông ta nói mình bái Tế Ðiên làm thầy nên tiên ông mới nói: - Ta đang kiếm Tế Ðiên đây! Rồi lại hỏi:

- Hai đứa bây tại sao lại đánh nhau thế?

Tôn Ðạo Toàn thưa:

- Con vâng lệnh Tế Công đến cứu Vương An sĩ. Rồi đem việc Ðổng Thái Thanh, Trương Thái Tố hai người bắt hồn nhốt vào bình ra sao thuật lại tỉ mỉ.

Ðổng Thái Thanh nói:

- Thưa Tổ sư gia, Ngài xem Tôn Ðạo Toàn vô cớ sai người đến đốt miếu chúng con, vừa rồi cái thằng mặt xanh kia lại giết sư huynh của con nữa!

Lão tiên ông nói:

- Ðổng Thái Thanh, tên nghiệt chướng này, mi vô cớ không giữ bổn phận, tham của hại người! Trương Thái Tố chết là đáng kiếp! Mi hãy đem bình nhiếp hồn giao ra, không được động thủ nữa thì hôm nay sơn nhân để yên cho mi.

Ðổng Thái Thanh đâu dám không đưa, lập tức lấy bình nhiếp hồn ra giao. Lão tiên ông nói:

- Này Tôn Ðại Toàn, ngươi cầm bình nhiếp hồn này về cứu Vương An Sĩ, còn tên tiểu yêu tinh này là sư huynh của ngươi à? Ðể ta bắt nó đem về treo lên, ngươi hãy đưa tin cho sư phụ Tế Ðiên của ngươi, bảo ông ấy lên núi gặp ta. Ông ấy lên núi chậm ngày nào là ta còn treo tiểu yêu tinh này ngày đó. Chừng nào ông ấy đến, ta sẽ mở thả thằng tiểu yêu tinh này ra.

Tôn Ðạo Toàn cũng không dám nhiều lời. Ngộ Thiền dù sợ cũng không dám chạy đi. Làm sao dám chạy đi cho được? Vì biết rằng Lão tiên ông đang đeo sau lưng một chiếc Càn khôn ảo diệu đại hồ lô, bất luận là yêu tinh tiên đạo gì, hễ thâu vào đó một giờ ba khắc sẽ hóa làm máu mủ hết! Lão tiên ông lập tức bắt Ngộ Thiền bỏ vào trong giỏ hoa xách lên núi.

Lôi Minh, Trần Lượng chứng kiến cảnh đó lòng lo như lửa đốt. Lôi Minh nói:

- Sư huynh, cái lão lộn sòng kia bắt sư huynh của chúng ta đi rồi, anh để mặc vậy sao?

- Hai vị sư đệ không biết đấy! Lão tiên ông ấy thần thông quảng đại, pháp thuật vô biên, rớ vô không được đâu! Cả đến tiểu sư huynh chúng ta đạo hạnh dường ấy mà còn không dám chạy đi, ta càng không dám đụng tới ông ấy.

Lôi Minh, Trần Lượng nghe nói uất lên tận cổ, nói:

- Sư huynh ngán ông ấy chớ chúng tôi đâu có ngán. Tiểu sư huynh chúng ta bị ông ấy bắt đi làm sao hai chúng tôi khoanh tay làm ngơ cho được?

- Hai vị sư đệ định làm gì nào?

- Chớ chẳng phải lão ở trong miếu trên núi này sao?

- Ðúng thế!

- Hai đứa tôi phải chặt mổ lão này để trả thù cho tiểu sư huynh mới được.

- Hai vị sư đệ ngàn muôn lần đừng nên làm thí càn như vậy! Lão đạo sĩ ấy khống giống như các vị khác đâu. Hai vị sư đệ đâm đầu vào chỉ chết uổng mạng thôi. Theo ta thấy không nên đâm vào đó vẫn hơn.

- Anh nói không tính, chớ hai chúng tôi tính liều mạng với ông ấy đây!

Nói rồi hai người chạy nhầu lên núi. Tôn Ðạo Toàn hai ba lần ngăn cả không được.

Hai người chạy theo dấu lão đạo sĩ, căng mắt ra nhìn mà không thấy lão đạo sĩ đâu cả. Hai người làm sao theo kịp được vì lão đạo sĩ vận chẩn cước phong! Hai người cố chạy theo, đường núi rất là quanh co gập gềnh, không bằng phẳng chút nào! Ðang đi tới trước, bỗng gặp một đường khe rộng ước chừng năm trượng, sâu hun hút, ở giữa chỉ có một cây cầu độc mộc gác ngang, hai bên chẳng có con đường nào khác, nếu không bước lên cầu độc mộc này thì không thể qua được. Trần Lượng nhìn thấy cây cầu này quá củ kỹ, đều đã mục hết; lấy tay lắc thử thấy đầu kia chúc xuống dưới. Trần Lượng nói:

- Nhị ca, anh xem nếu không nhờ cây cầy này thì đâu có thể qua bên kia được? Nếu bước ra giữa cầu, nhỡ gãy một cái thì xương thịt nát như tương là cái chắc!

- Chúng ta phen này liều chết, chẳng phải là giết lão đạo để cứu tiểu sư huynh ra sao?

- Phải đấy!

Hai người lập tức thi triển phép Lục địa phi đằng bước qua cầu. May mắn không việc gì, mới thở phào đi tiếp tới phía trước. Ði được vài dặm bỗng thấy phía trước có một con mãnh hỗ, hai mắt giống như hai lồng đèn, miệng há to như chậu máu, đuôi quất qua quất lại quét mấy cục đá nhỏ trên đất bay rào rào. Lôi Minh, Trần Lượng nhìn thấy sợ mất cả hồn vía. Lôi Minh nói:

- Lão tam ơi, chú xem con quỷ đòi mạng ở trước kìa! Nếu muốn trở lại đi qua chiếc cầu độc mộc đó không khéo rớt xuống cũng toi mạng, còn con mãnh hổ này rượt theo chắc gì chạy kịp nó?

Hai người tính:

- Thôi, liều chết may ra được sống!

Nói rồi cùng rút dao đi xăm xăm tới. Ði tới trước mãnh hổ, cọp đưa mũi ngửi ngửi, ngoắc đuôi rồi bỏ đi. Lôi Minh, Trần Lượng sợ mướt cả mồ hôi. Trần Lượng nói:

- Nhị ca, hai đứa mình không có mùi người ta nên cọp ngửi rồi ngoắc đuôi bỏ đi như thế!

- Thôi, chúng ta đi đi, bọn mình chắc không phải là thức ăn của nó đấy!

Nói rồi hai người tiếp tục đi tới, mắt thấy mặt trời đã lặn về Tây. Ðang đi tới trước, trực nhìn lên đỉnh núi, trước mặt một con mãng xà dài hơn 30 trượng, to cỡ bằng cái lu, hai con mắt giống như hai dĩa đèn. Lôi Minh, Trần Lượng mới gặp con cọp sợ đến toát mồ hôi, sởn cả gai ốc, vừa ráo mồ hôi lấy lại tinh thần đôi chút, bây giờ lại gặp đại mãng xà này hai người sợ đến nỗi hồn bay ngàn dặm! Không đi trước cũng không được vì trên núi không có con đường nào khác. Trần Lượng nói:

- Nhị ca ơi, sống có chỗ, chết có nơi! Hồi nãy cọp không ăn thịt mình, con đại mãng xà này chắc cũng không hại người đâu! Mình cứ lặng lẽ xông tới đi.

Mới nói tới đó thì con đại mãng xà nổi một trận quái phong đi mất. Lôi Minh, Trần Lượng nói:

- Hú vía, hú vía! Hai đứa mình coi như được đẻ một lần nữa!

Hai người lại chầm chậm đi lên đến Thượng Thanh cung. Lúc đó vào khoảng canh hai, sao sáng đầy trời, ánh trăng nhàn nhạt, bóng núi lặng lẽ nghiêng nghiêng. Nhìn thấy nơi đây trước miếu sau ba tầng đại điên, địa thế không phải nhỏ. Cổng day về hướng Bắc, bên trên đắp chữ vàng “Hộ quốc Sắc tứ Thượng Thanh cung”, hai bên có hai cửa phụ đều đóng kín. Ngoài cổng có hai cây phan, trong sân miếu có hai cột cờ. Lôi Minh, Trần Lượng xem rồi nhún mình nhảy lên tường vào trong quan sát. Chính giữa là năm gian đại điện có nguyệt đài, hai bên đều có phối điện. Viện giữa trồng tùng trúc đang lắc lư trước gió. Phía Ðông đại điện có dựng bức bình phong bốn cánh, đó là viện ở tầng hai. Hai người nhảy tường vượt nóc giở thuật phi thiềm tẩu bích như đi trên đất bằng, chạy thẳng ra phía sau. Ðứng trên nóc nhà nhìn xuống thấy bên chái Ðông có ánh đèn. Ở viện này cũng có phòng tứ hợp, thượng phòng Bắc có năm gian, tòa phía Nam cũng có năm gian, Ðông Tây phối phòng cũng đều có năm gian. Ở thượng phòng Bắc phát ra ánh đèn. Lôi Minh, Trần Lượng đến mái trước Bắc thượng phòng, sử dụng thức Trân châu đảo quyển liêm và Dạ xoa thám hải, móc chân ngoái đầu nhìn xem, thấy trong nhà trên bàn sát vách tường phía Bắc có một ít sách vở, trước bàn bát tiên có đặt một đĩa dầu, lão đạo sĩ ngồi trên ghế dựa bên trên bàn bát tiên coi sách dưới ánh đèn. Phòng này tranh tối tranh sáng, nhìn lên sàn nhà thấy Ngộ Thiền bị treo ngược tòn ten trên đó. Lôi Minh, Trần Lượng nhìn thấy khí uất tận cổ, lập tức đưa tay rút dao từ trên nóc nhà nhảy xuống, xông vào nhà vén rèm định giết lão đạo sĩ. Nào ngờ lão đại sĩ ngước đầu lên, nói:

- Hay cho bọn nghiệt chướng, cuồng đồ lớn mật!

Nói rồi lấy tay chỉ một cái, dùng định thân pháp trồng cứng Lôi Minh, Trần Lượng tức quá buột miệng mắng lớn. Lão đạo sĩ lập tức gọi:

- Bây đâu, trói hai tên tiểu bối này đem ra sau kết thúc tánh mạng nó cho rồi!*

 

Hồi Thứ 145

 

Thôn Vĩnh Ninh làm phép cứu Vương An Sĩ

Hàn gia viện đuổi bắt Chương Hương Nương

 

Khi lão tiên ông kêu trói Lôi Minh và Trần Lượng đem ra sau kết thúc tánh mạng, thì có người ở một bên chạy đến xin:

- Thưa sư phụ, xin lão nhân gia đại phát lòng từ bi cho! Hai người này là anh em kết nghĩa và cũng là ân nhân cứu mạng của con. Xin Tổ sư gia nể mặt đệ tử mà tha cho họ! Hai vị hiền đệ cùng ta ra sau đi!

Lôi Minh, Trần Lượng nhìn người vừa nói câu đó chính là Dạ hành quỷ Tiểu côn lôn Quách Thuận. Lôi Minh, Trần Lượng đang mắng chửi. Quách Thuận nói:

- Hai vị hiền đệ đừng mắng chửi chớ!

Nói rồi lập tức đưa Lôi Minh, Trần Lượng ra sau. Lão tiên ông còn đang tức giận chưa nguôi. Trời bắt đầu sáng rõ, bỗng nghe bên ngoài có tiếng “Vô lượng Phật”. Tiểu đồng chạy ra xem, người đến là Tôn Ðạo Toàn. Tôn Ðạo Toàn dưới chân núi Thiên Thai thấy Lôi Minh, Trần Lượng đuổi theo lão tiêng ông mà cản không được, không biết làm sao, bèn cầm nhiếp hồn trở về thôn Vĩnh Ninh. Tới nhà Vương An Sĩ gọi cửa, gia nhân ra mở cửa, hỏi:

- Ðạo nhân đã tới à? Có tìm được hồn của viên ngoại chúng tôi không?

- Tìm được rồi!

Gia nhân lập tức đưa Tôn Ðạo Toàn vào nhà trong, thấy Vương viên ngoại nằm giống như người chết. Tôn Ðạo Toàn lấy bình nhiếp hồn ra, mở nắp niệm chú. Hồn Vương An Sĩ trở về nhập khiếu. Vương An Sĩ ho lên một tiếng, mở mắt ra nói:

- Ta mệt quá!

Mọi người nghe viên ngoại nói ra tiếng đều vui mừng. Vương thái thái hỏi:

- Này viên ngoại, trong mình ông có khỏe không?

- Ta đâu có bịnh, hình như vừa qua một giấc chiêm bao vậy.

Các gia nhân nói:

- Viên ngoại ơi, người nằm hôn mê bất tỉnh cả mấy ngày trời, nếu không nhờ tiên trưởng đây cứu giúp chắc là mê luôn quá!

- À ra thế!

Nói rồi viên ngoại lập tức ngồi dậy giống như người mạnh khỏe, muốn dập đầu cám ơn lão đạo sĩ. Tôn Ðạo Toàn nói:

- Lão viên ngoại ngàn muôn lần chớ có dập đầu cảm tạ tôi làm chi khiến cho tôi tổn thọ.

Gia nhân trước hết đưa trà Quế Viên lên. Vương ngoại uống trà vào cảm thấy đói bụng. Trong sẵn có cháo yến sào, đem lên cho viên ngoại một bát. Lão viên ngoại mời chân nhân ra thư phòng ngồi. Viên ngoại cũng không dám hành lễ, thay áo xong ra tiếp ở thư phòng, kêu gia nhân dọn rượu thượng hạng lên. Mọi người đều cảm nhận lòng tốt của lão đạo sĩ nên dọn cơm lên ngay. Lão viên ngoại bồi tiếp Tôn Ðạo Toàn uống rượu chuyện trò. Lão đạo sĩ đang uống rượu, bỗng nhìn sang phía Ðông thấy có một cột yêu khí bốc lên không, mới hỏi:

- Thưa viên ngoại, bên viện phía Ðông là ai ở vậy?

- Trong viện đó là một người em kết nghĩa của tôi ở. Chú ấy họ Hàn tên Thành, là bạn thế giao của tôi.

- Trong nhà có bao nhiêu người?

- Trong nhà, ngoài hai vợ chồng chú ấy còn có đứa con tên Hàn Văn Mỹ và một con dâu. Ðạo gia hỏi như vậy là có gì?

- Tôi thấy trong viện có một cột yêu khí bốc lên trời, ở đó chắc có yêu tinh.

- Không nghe trong nhà họ có yêu tinh quấy phá gì. Ðâu, chân nhân xem thử giùm có yêu tinh hay không?

- Thế thì đúng là có thật rồi.

Vương An Sĩ nghe nói, nghĩ thầm: “Ta cùng Hàn viên ngoại rất thân, đã biết đâu lẽ làm ngơ”, mới nói:

- Thưa đạo gia, ngài đã thấy biết rồi xin ngài mở lòng từ bi cùng tôi sang bên đó bắt trừ yêu tinh đi! Hàn viên ngoại ở viện kia là bạn chí thân của tôi chớ không phải người ngoài.

- Cũng được, để sơn nhân ta đi xem thử!

Lão viên ngoại lập tức cùng lão đạo sĩ đến nhà cách vách gọi cửa. Quản gia của Hàn viên ngoại ra mở cửa, hỏi:

- Vương viên ngoại, ngài có khỏe không?

- Tôi vẫn khỏe, Hàn viên ngoại có ở nhà không?

- Hiện có ở nhà.

- Chú vào trong nhà thưa lại giùm, ta muốn gặp viên ngoại có chút việc.

Gia nhân lập tức vào trong bẩm báo, Hàn Thành vội bước ra nghinh tiếp. Tôn Ðạo Toàn nhìn thấy trước mặt mình: Hàn viên ngoại mình cao tám thước, tam đình nở rộng, đầu đội khăn viên ngoại màu lam có khảm viên ngọc đẹp ở phía trước. Ông vốn là võ cử nhân xuất thân nên ngoài mặc áo choàng bằng đoạn màu lam, lưng thắt dây tơ, vớ trắng dép thêu, mặt như ngọc tía, mày rậm rạp to với ba chòm râu phơ phất. Khi gặp Vương An Sĩ, Hàn viên ngoại vội thi lễ, nói:

- Huynh trưởng mấy hôm không khỏe, hôm nay đã khỏe chưa? Tiểu đệ có mấy lời thăm viếng.

- Chúng ta là tri kỷ, nói những lời khách sáo ấy làm chi.

- Vị đạo gia này là ai vậy?

- Vị này là Mai hoa chân nhân, bệnh của tôi nhờ vị này cứu khỏi đó.

Hàn Thành đưa tay mời khách vào thư phòng. Gia nhân dâng trà. Vương viên ngoại nói:

- Hôm nay tôi cùng đạo gia đến đây không có cớ gì khác. Vừa rồi tôi đang uống rượu ở thư phòng, chơn nhơn đây nhìn thấy yêu khí bốc lên trong nhà hiền đệ. Chúng ta là bạn tri kỷ. Tôi biết chẳng lẽ làm ngơ mới thỉnh chân nhân sang hàng trừ yêu quái cho nhà hiền đệ.

Hàn Thành nói với Tôn Ðạo Toàn:

- Trong nhà tôi không có thấy yêu tinh nào quậy phá hết. Ðạo gia làm sao thấy yêu tinh được?

- Tôi thấy cột yêu khí này là âm khí, chắc là nữ yêu. Ðâu, viên ngoại gọi nữ quyến ra đây, kể cả a hoàn, vú em đều gọi ra nốt. Hễ không phải là người, tôi nhìn thấy biết liền.

- Phải đấy!

Hàn viên ngoại nói xong lập tức bảo gia nhân đưa tin vào nhà trong gọi thái thái, nàng dâu, a hoàn, vú em đều ra hết. Giây lát, nữ quyến ở nội trạch đều ra đủ. Lão đạo sĩ bước vào trong viện xem thấy có một người thiếu phụ độ hơn hai mươi tuổi, tư dung thùy mị, đẹp đẽ vô song, hai bên có hai a hoàn dìu đỡ. Tôn Ðạo Toàn nhìn thấy thiếu phụ này chính là yêu tinh, mới rút kiếm ra, quát:

- Hay cho con yêu tinh, đã gặp sơn nhân mà còn giả mù sa mưa hử?

Người thiếu phụ ấy không nói không rằng gì. Tôn Ðạo Toàn hét:

- Mi còn chưa chịu hiện nguyên hình sao?

Người thiếu phụ ấy cũng không nói tiếng nào. Tôn Ðạo Toàn giơ kiếm lên bước tới định chém. Người thiếu phụ này chẳng ai xa lạ chính là con dâu của Hàn Thành. Tại sao nàng ấy lại là yêu tinh? Nguyên cớ là như vầy: Hàn Văn Mỹ con của Hàn Thành vốn là một thư sinh, xưa kia cùng Vương Toàn và Lý Tu Duyên là bạn học đồng song. Trong ba người, kể về tuổi tác thì Hàn Văn Mỹ lớn tuổi nhất, Vương Toàn kế đó, còn Lý Tu Duyên nhỏ tuổi nhất. Từ khi Lý Tu Duyên bỏ đi, Vương Toàn buồn lòng bỏ học, chỉ một mình Hàn Văn Mỹ cố công đèn sách. Bỗng nhiên vợ qua đời, Hàn Văn Mỹ không còn lòng dạ nào ở nhà đọc sách nữa, mà thường dắt thư đồng đi ngao sơn dạo thủy để giải sầu. Hàn Thành định cưới vợ khác cho con mà mấy chỗ không vừa ý, cao thì với không tới, còn thấp lại chê, cho nên cứ lần khân mãi. Một hôm Hàn Văn Mỹ dắt tiểu đồng đi du ngoạn đến phía Tây thôn Vĩnh Ninh cảm thấy miệng khô lưỡi ráo, bèn bảo:

- Tiểu đồng, thầy trò ta đi tới chỗ nào nghỉ một ít. Mi kiếm cho ta tách trà giải khác mới được.

Tiểu đồng thưa:

- Phía trước đây không phải là am Thanh Tịnh sao? Vị lão ni cô trong miếu không phải là sư phó của công tử sao? Chúng ta sao lại không vào trong miếu uống trà?

Hàn Văn Mỹ nghĩ lại cũng phải, lập tức cùng thư đồng đến miếu gọi cửa. Không bao lâu, từ bên trong đi ra một tiểu ni cô mở cửa, nói:

- Công tử đến à?

- Lão sư phó có nhà không? Hàn Văn Mỹ hỏi:

- Ðang ở trong miếu, mời công tử vào bên  trong ngồi.

Hàn Văn Mỹ dắt thư đồng vào thẳng bên trong, đi đến chái nhà ở phía Tây. Nhà phía Tây này có ba căn. Tiểu ni cô đến thiền đường ở phía Bắc vén rèm lên, nói:

- Thưa sư phó, có Hàn công tử đến.

Lão ni ở trong phòng ấy pháp danh là Diệu Huệ, nghe nói có Hàn công tử đến, lật đật bước ra, nói:

- Công tử đã đến đấy à? Sao mà rảnh rang dữ a?

Hàn Văn Mỹ vội bước tới hành lễ, nói:

- Mấy lúc này sư phụ có mạnh khỏe không? Ðệ tử xin kính lễ.

- Ðược, mời công tử ngồi.

Hàn Văn Mỹ ngồi xuống, lão ni cô kêu người giúp việc bưng trà ra. Chỉ nghe bên trong nhà có tiếng đáp lại âm thanh như là mật rót. Màn vém lên, từ đi trong đi ra một thiếu phụ còn để tóc tu hành. Hàn Văn Mỹ nhìn thấy chẳng khác nào tiên nga giáng thế. Nàng này bước tới châm trà, Hàn Văn Mỹ nghe người nàng tiết ra một mùi hương xạ thơm lừng. Thiếu phụ rót trà, chớp chớp thu ba, mắt hạnh nhìn nghiêng liếc nhìn Hàn Văn Mỹ một cái rồi quay vào trong. Hàn Văn Mỹ vừa gặp thiếu phụ ấy, tâm thần phiêu lãng, mới hỏi lãi ni cô:

- Người thiếu phụ ấy là ai vậy?

- Ðó là đồ đệ tôi mới thâu, họ Chương tên Hương Nương. Cô ta là người ở phía Bắc thôn này. Chông cô qua đời, nhà có bà gia ép cô cải giá. Cô không chịu cải giá, tình nguyện xuất giá, lạy tôi làm thầy và ở lại miếu này hầu hạ Phật Tổ.

Hàn Văn Mỹ nghe nói gật gật đầu, ngồi rốn lại giây lát rồi cáo từ. Ra khỏi miếu mà hồn còn vương vấn không thôi. Về đến nhà biếng ăn chán uống, nằm vật trên lò sưởi, nhắm mắt lại thấy như có nàng Chương Hương Nương ở trước mặt, tự mình mắc bịnh tương tư. Hai vợ chồng viên ngoại chỉ có một đức con, nay thấy con mắc bịnh như vậy vội mời các danh y đến chữa trị. Các thầy thuốc bắt mạch tìm không ra bịnh mà bịnh mỗi ngày một lậm thêm! Hàn Thành nhớ lại: “Bệnh này rất lạ lùng!”. Bèn kêu thư đồng lại vặn hỏi:

- Công tử mi đã đi những đâu? Nếu mi không nói thiệt, ta đánh chết không tha!

Thư đồng không dám chối quanh, bèn đem việc lên Thanh Tịnh am gặp Chương Hương Nương nói lại. Vợ chồng Hàn viên ngoại thương con quá, vội sai người đến Thanh Tịnh am rước lão ni cô xuống. Hàn thái thái nói:

- Sư phó nhìn thấy đệ tử sư phó bịnh trầm trọng không? Sư phó hãy cứu đồ đệ đi. Vợ chồng tôi chỉ có một mình nó thôi!

- Tôi làm sao cứu nó được?

- Trong miếu của sư phó nói có một người tên là Chương Hương Nương. Sư phó chỉ cần nói cô ta ưng thuận việc thành thân là bịnh nó hết ngay.

- Ối chào, người ta xin tôi xuất gia, tôi lại khuyên người ta đi cải giá. Ðâu có thể làm chuyện như vậy được!

- Xin sư phó cố hết sức giúp giùm. Chỉ cần cô ta ưng thuận, tôi sẽ hậu tạ sư phó thật xứng đáng.

- Ðể tôi nói thử xem.

Nói rồi lão ni cô trở về miếu, đem việc đó nói lại với Chương Hương Nương. Lúc đầu nàng ta không đồng ý, sau cùng bằng lòng. Lão ni cô lập tức đưa tin cho Hàn gia hay. Hàn Thành bèn định ngày đưa kiệu đến, giống như rước dâu vậy. Hàn Văn Mỹ nghe nói hai bên đã ưng thuận, bịnh lần lần mạnh lại. Khi cưới về rồi, vợ chồng gắn bó như keo sơn. Hai ông bà cũng thích cô dâu, vú em, a hoàn cũng vừa ý cô chủ mới. Nửa năm trôi qua mà nào ai biết đó là yêu tinh trá hình. Hôm nay vô cớ bị Tôn Ðạo Toàn nhìn ra và rút kiếm bước tới định chém. Nào ngờ Hàn Thành giận quá, bất thình lình ở phía sau bước tới xáng Tô Ðạo Toàn một bạt tai xiểng niểng, rồi nắm chặt xô tuốt ra ngoài cửa, nói:

- Lão đạo sĩ ở đâu vào nhà ta giở thói càn rỡ, nói đâu là yêu tinh! Ông có cút mau đi không?

Nói rồi đóng chặt cửa lại.

Tôn Ðạo Toàn nghĩ lại thật là:

Thị phi chỉ tại lắm lời,

Phiền não bởi khoe tài giỏi.

Tự mình cảm thấy mất mặt, chi bằng đi tìm sư phó, nhờ người bắt yêu tinh để gỡ lại sĩ diện. Nghĩ như vậy xong bèn đi về phía trước, nào ngờ khi ra khi ra khỏi cổng làng thì nghe phía sau có một trận quái phong thổi tới. Tôn Ðạo Toàn đoán chắc là yêu tinh đuổi theo sau.*

- o0o -

 Hồi thứ 140 | Mục Lục | Hồi thứ 146-150

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính : Diệu Mỹ
Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-09-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

can điểm thi nghiep qua se ra sao tháng ngày yên ả Vài chua thanh an القانون العام والقانون giận cong 座禅の組み方 Ä á an chay huong neu tri tue khong co dao duc soi duong vẠlãå 弘忍 31 dao tin 580 651 t l phật giáo là trí tín chứ không mê tín cận CÃƒÆ chua to ma Thể dục giúp làm dịu các bất ổn 願力的故事 dau chan voi chua 具一切功德 Nghi thuc tung kinh tuổi trẻ và những điều cần biết khi Điều kiện kinh tế tác động đến chum tho bong xa muon phien cua thay nghiem nếu nghĩ nuôi được cha mẹ là tròn Tương quan Tăng sĩ Cư sĩ và vấn đề ý niệm về hạnh phúc vi nguoi ma tao nghiep ac thi chinh minh phai chiu nghiệp hay định luật đạo đức nhân chùm thơ tỉnh thức của phật tử thanh phat trien tam thuc 心经 moi lien he giua an chay va suc khoe cua xuong 延参法师 大学生申请助学金的申请理由怎么写 19 giúp đỡ sau khi chết phần 2 Những bài thuốc cho người mỡ máu cao tu tướng và tu tâm đại å å æ Žä¹ˆçœ 佛教极乐世界指什么 dung mang da dat o trong Thuốc không hiệu quả trong điều Làm việc theo ca ảnh hưởng xấu đến