...... ... .

 

TẾ ÐIÊN HÒA THƯỢNG

Người dịch: Ðồ Khùng

- - -o0o- - -

Tập Hai

Hồi thứ 66

Hồi thứ 67

Hồi thứ 68

Hồi thứ 69

Hồi thứ70

 

HỒI THỨ 66

 

Cầu Ngọa Hồ, dâm tặc giết Hòa thượng

Khánh Phong Ðồn, Tế Diên cứu văn sinh

 

     Mã Tịnh nhướng mắt nhìn kỹ, thấy một con hồ ly lớn bằng con chó nằm dưới chiếc mũ của Tề Ðiên. Tế Ðiên nói:

-   Chú xem, đó có phải là vợ của chú không?

-   Vợ của tôi là hồ ly à?

-  Vợ của chú không phải là hồ ly đâu. Con hồ ly này có mối thù với chú, nó hóa ra hình vợ chú để khuấy rối gia cang làm hại chú đó! Vợ của chú hiện đang ở nhà, nàng là người tốt, chú không nên nghe lời Lý Bình, phải cho Lý Bình thấy đây là do yêu tinh biến hóa ra mới được. Chú đi kiếm Lý Bình đến để cho hắn ta thấy mà xóa đi hết mọi hiềm nghi từ trước.

 

Mã Tịnh lật đật chạy ra quán rượu tìm Lý Bình kêu vào. Lý Bình vào đến chùa thấy con hồ ly to tổ bố liền ngạc nhiên hỏi:

-  Ðây là chuyện gì vậy?

Mã Tịnh mới đem mọi việc thuật lại từ đầu tới cuối. Chừng đó Lý Bình mới biết Hà thị vốn là người tốt.

Tế Ðiên nói:

-  Mã Tịnh, chú tính con hồ ly này đi.

Mã Tịnh cầm dao nhắm ngay hồ ly chém xuống. Tế Ðiên lấy tay chỉ một cái, đầu hồ ly vỡ làm hai mảnh. Tế Ðiên bảo:

-  Chú gom củi cỏ chất thành một đống thiêu cả hai xác của Cao Khánh và hồ ly đi.

Mã Tịnh bèn kiếm củi cỏ chất đống lại thiêu luôn cả xác Cao Khánh và hồ ly. Tế Ðiên nói:

-  Này Mã Tịnh, chú nên về thả Hoa Vân Long ra, hay la đợi Hòa thượng ta tới bắt nó?

-  Xin sư phụ từ bi, từ bi! Nên nể mặt tôi một phen mà tha thứ cho hắn.

     -  Ðâu có được, Hoa Vân Long tội nghiệp quá nặng. Chú nếu không thả nó ra ta sẽ đến nhà chú bắt nó, báo hại chú phải lên quan lôi thôi đấy.

-  Ðể tôi thả nó ra rồi sư phụ sẽ bắt nó nhé?

-  Cũng được, chú hãy về thả nó đi.

     -  Mã Tịnh cám ơn Tế Ðiên rồi trở về nhà mình, quả nhiên thấy vợ về nhà thăm mẹ mới qua. Mã Tịnh rất cảm kích tấm lòng tốt của Tế Ðiên. Chính mình đến Ðông phối phòng mở vách đôi ra kêu:

-  Ba vị hiền đệ ra mau.

Hoa Vân Long, Lôi Minh, Trần Lượng ba người chui ra, hỏi:

-  Mã đại ca, Hòa thượng đi đâu rồi.

   -  Hoa nhị đệ, chú chạy trốn mau đi! Tế Công đoán biết chú ở trong vách đôi này, ta thật không giấu chú ở đây được. Ta giả thác nói chú là bạn bè của ta để cầm chân Hoòa thượng giây lát, chốc nữa ông sẽ tới đây bắt chú đó. Chú mau chạy đi. Ra cửa rồi chú cứ chạy thật mau, ta cũng không kể là chú chạy Ðông Tây Nam Bắc phía nào, chú ráng mà giữ lấy mình đấy, Hòa thượng cũng không biết đợi chú ở đâu để bắt đấy nhé!

     Hoa Vân Long nghe nói sợ xanh cả mặt. Tới nước này chẳng lẽ không đi, bèn cám ơn Mã Tịnh rồi ra cửa. Mã Tịnh theo đưa ra cửa lớn, Hoa Vân Long sợ quá không theo đừơng lớn, chạy thẳng về hướng chánh Nam, chạy được ba dặm, trước mặt có một chiếc cầu tên là Ngọa Hổ kiều. Hoa Vân Long nhìn kỹ thấy dưới cầu có một Hòa thượng đang thò đầu ra ngoài dòm quanh quất. Hoa Vân Long sợ quá muốn chạy đi nhưng lại nghĩ: “Ðừng chạy có sao đâu. Chi bằng ta móc cây phiêu ra cho ông Hòa thượng này một nhát, để cho ông biết thế nào là “thương ngay dễ tránh, tên lén khó phòng”. Nếu đánh không trúng ổng thì Hoa Vân Long ta đã tới bước cùng đành thí mạng với ổng mới xong”. Nghĩ rồi bèn móc ra một cây phiêu, nhằm lúc Hòa thượng vừa thò đầu ra, Hoa Vân Long phất tay một cái, mũi phiêu đánh trúng ngay yết hầu của Hòa thượng, Hoa Vân Long bồi thêm một dao, đầu Hòa thượng rơi tõm xuống, trôi theo dòng nước. Hoa Vân Long chùi dao và giắt vào vỏ xong, lại nổi lên một trận cười khan, nói:

      Ta tưởng Tế Ðiên Hòa thượng là thế nào? Cổ có ba đầu, lưng mọc sáu tay! Nào ngờ là phường bất tài, chỉ là xác phàm bị thịt. Ta nghe Lôi Minh, Trần Lượng khen nức nở là Tế Ðiên chẳng khác thần tiên, nhưng xem kỹ chỉ là tiếng hão. Hoa Vân long ta lại muốn đến lâm An, quấy chơi một lần nữa cho bọn nó biết mặt.

Ðang dương dương đắc ý, Hoa Vân Long nghe phía sau có người nói:

-  Hay cho Hoa Vân Long, ta xem mi chạy đằng nào cho biết?

     Hoa Vân Long ngoái đầu ngó lại, người nói chính là Tế Ðiên Hòa thượng, hắn sợ đến nỗi hồn phi phách tán, co giò chạy bất kể phương hướng.

     Hoa Vân Long vừa giết xong một Hòa thượng, ngỡ đó là Tế Ðiên, thực ra đó là Tiểubạch hổ Châu Lan vừa chạy trốn khỏi chùa Tỳ Lô ra ẩn ở đó. Hắn nấp dưới gầm cầu tưởng là Mã Minh đuổi theo giết hắn. Chừng nhìn kỹ lại không phải Mã Minh, mới yên tâm không phòng bị, nào dè bị Hoa Vân Long tưởng lầm là Tế Ðiên phóng tiêu giết chết. Hơn nữa, tên này cũng tới ngày tận số. Tên Tiểu bạch hổ lại chui nằm dưới Ngọa Hổ kiều, chỗ phạm húy như vậy mà không chết sao được. Hoa Vân Long cho rằng mình đã giết chết Tế Ðiên, còn đương đắc ý, bỗng nghe tiếng Tế Ðiên nói sau lưng, không hết hồn bỏ chạy sao được. Hắn cắm đầu chạy thục mạng, Tế Ðiên cũng lẹp kẹp đuổi riết sau lưng.

Hoa Vân Long chạy vòng qua Khánh Phong Ðồn. Tế Ðiên cũng đuổi theo suốt đêm. Sáng ra mới bỏ Hoa Vân Long, không đuổi theo nữa và đi chậm chậm về phía đám đông đang đứng chật phía trước. Tế Ðiên lại gần thấy vòng người vây chặt một người ở giữa, bèn nói:

   -  Ðể ta vào xem thử nào.

   Mọi người đứng ken nhau khít rịt, Tế Ðiên nói:

-  Tránh ra giùm chút!

Có người nói:

-  Tránh ra phải chịu tiền mới được.

-  Muốn chịu tiền bao nhiêu cũng được mà.

-  Tôi còn chen vào không được thì Hòa thượng làm sao chen được?

     Tế Ðiên bèn nhắm ngay ót người đứng trước thổi phù một cái, người này nghe ót mình lạnh toát bèn ngoái đầu lại, Tế Ðiên thừa kẽ hở lại chen lên trước. Người này quay lại cự nự:

 -  Hòa thượng, sao nhè ót tôi mà thổi lạnh toát vậy?

    -  Có con muỗi đậu trên cổ anh, ta sợ nó đốt anh, ta thổi cho nó bay đi ấy mà.

     Tế Ðiên lại nhắm cổ người trước mặt thổi một phát, người này vừa quay lại, Tế Ðiên chen lên phía trước. Người ấy quay lại cự nự:

-  Ông Hòa thượng này, thổi vô ót tôi chi vậy?

-  Con muỗi trên cổ anh kia bay sang đậu trên cổ anh, ta thổi để đuổi nó giùm anh đó.

     Tế Ðiên vào tới bên trong thấy một chàng trai chừng 20 tuổi đang nằm trên đất, không một mảnh vải che thân, đầu óc rối bù, nhưng dáng vẻ là người nho nhã. Có người hỏi:

-  Vì sao chú phải ra nông nỗi này?

Chỉ nghe người ấy trả lời độc một câu: Khát quá!

Có người hỏi: Chú quê quán ở đâu?

-  Khát quá!

-  Tên họ chú là gì?

-  Khát quá!

-  Tại sao không mặc áo quần gì hết vậy?

-  Khát quá!

Tế Ðiên nói:

-  Chú này chắc tên là Khả Ô, người ở huyện Khổ A đây.

Mọi người nói:

-  Hòa thượng đừng bậy bạ chớ!

Tế Ðiên bèn chạy qua một tiệm kế bên kêu:

-  Này chưởng quỹ, ông cho ta mượn cái chén lấy nước cho anh chàng trần truồng này uống. Anh ta kêu khát dữ quá kìa.

Chưởng quỹ kêu:

-  Chúng tôi không cho mượn đâu, khát quá mà uống nước vào có là tự tử, chúng tôi không muốn vạ lây đâu.

Tế Ðiên thấy bên vườn rau kia có người đang kéo nước bèn đi đến, hỏi:

-  Này chú, ở đây có giếng không?

Người kéo nước kia hỏi:

-  Hỏi chi vậy?

-  Ðể nhảy xuống giếng.

     -Muốn nhảy xuống giếng thì đi chỗ khác mà nhảy, chúng tôi không cho nhảy ở đây đâu.

-  Mấy chú có thùng không? Cho ta mượn thùng múc một ít nước.

     -  Ông vừa nói gì đó rồi lại đòi mượn thùng của tôi, ông nói nhảy xuống giếng tôi có thùng cũng không cho ông mượn đâu!

     -  Chú không cho ta mượn thùng, ta sẽ nhảy xuống giếng để cho chú bị vu án mạng lên quan chơi.

     -  Nếu ông muốn chết thì cứ nhảy xuống giếng, tôi cũng liều lên quan cho, chỉ sợ ông không dám chết thôi.

-  Chú coi ta dám chết không nào?

     Nói rồi Tế Ðiên nhảy ngay xuống giếng. Người kia sợ quá lật đật chạy lại xem, thấy Hòa thượng không nhảy xuống giếng mà quéo chân vào miệng giếng thả mình xuống như ngọn đèn cầy cắm ngược. Tế Ðiên lấy mũ của mình múc nước, may mà mực nước không sâu lắm. Người kia thấy vậy, bèn nói:

-  Hòa thượng, ông làm tôi sợ hết vía. Ðể coi bây giờ ông làm sao lên được cho biết?

Tế Ðiên sử dụng thức Lý ngư phiên thân lộn mình nhẩy vọt lên, nói:

     -  Ta không cần mượn thùng của chú, chú thấy ta lấy cái mũ náy múc nước được không nào?

     Nguyên chiếc mũ này bị bùn ghét dính đầy nên đựng nước không rịn chảy. Tế Ðiên cầm chiếc mũ đựng nước đến trước anh chàng lõa thể cho anh ta uống rồi cởi tăng bào ra đắp trên mình anh ấy. Chẳng bao lâu, mình anh ta rịn mồ hôi cùng khắp. Mọi người thấy vậy nói:

-  Khá rồi đó.

Kế nghe anh ta kêu “trời ơi” một tiếng rồi mắng lớn:

-  Hay cho ông Hòa thượng, ông làm cho tôi khổ đến bực nào.

Mọi người thấy anh ta mắng vãi như vậy, bất bình nói:

     -  Cái anh này thiệt chẳng biết điều gì hết! Hòa thượng đã kiếm nước cho anh uống; lấy tăng y đắp cho anh, anh mới ra được mồ hôi khỏe khoắn như vậy mà lại chẳng thèm cám ơn, còn đi mắng ngược lại Hòa thượng, thiệt là lấy oán báo đức, vô lễ hết chỗ nói!

Anh ta ho lên một tiếng rồi nói:

     -  Các vị không biết nên rầy đó thôi. Người tôi mắng không phải là ông Hòa thượng này. Tôi họ Trương, tên là Văn Khôi, là một văn sinh tú tài, nhà ở Trương gia trang phía ngoài cửa Bắc huyện Long Du. Nhân vì mấy năm nay gia đình sa sút, sống qua ngày rất khó khăn, tôi mới đến thành Lâm An tìm cậu mợ tôi mượn đỡ 200 lượng bạc đem về nhà tìm cách làm ăn sống qua ngày. Không ngờ đi về đến giữa đường, tôi nghe đau bụng quá bèn ngồi nghỉ dưới gốc cây. Bỗng đằng kia đi lại một vị Hòa thượng hói đầu , mặt mày đỏ lưỡng có đầy chấm đỏ. Ông ta hỏi tôi tại sao lại ngồi đây. Tôi trả lời là bị đau bụng quá. Ông ấy móc cho tôi một viên thuốc đen, uống vào rồi tôi mụ đi không biết trời đất là gì nữa. Ông ấy lục lấy sạch tiền bạc trong túi tôi rồi đi mất. Tôi bị mê luôn cho tới bây giờ, tôi không biết mình làm gì và ra sao nữa! Tôi mắng là mắng ông Hòa thượng kia đó.

Mọi người cùng nói:

-  À ra thế!

     Tế Ðiên nói:

-  Chú mặc tăng bào này vào rồi đi với ta nhé!

     Tế Ðiên đi trước, Trương Văn Khôi xúng xính trong tăng y đi theo sau. Tới một tòa tửu lầu, Tế Ðiên đi thẳng vào. Phổ ky dòm ra thấy một ông Hòa thượng mặc cái áo rách hở cả lưng trần, chân mang dép cỏ, cùng đi với một người mặc chiếc áo tăng bào rách tả tơi. Phổ ky định bụng là ăn mày nên nói:

-  A, này Hòa thượng, không có cơm thừa đâu.

-  Nói bậy đi! Ðồ mới ngon không biết ta ăn chưa, nói gì đến đồ thừa.

     Tế Ðiên nói rồi dẫn Trương Văn Khôi thẳng ra hậu đường tìm một bàn ngồi xuống. Tế Ðiên kêu:

     -  Này chưởng quỹ, ông đừng thấy bọn ta ăn mặc áo rách để hở lưng lòi da rồi coi thường. Tài chủ đến viếng chủ quán mà không hay đấy!

Phổ ky nói: Phải đa!

Tế Ðiên kêu:

     -  Ðem cho ta các loại chiên xào hầm nấu tổng kê 16 món thức ăn, hai bầu rượu Nhân Sâm Quế lộ.

Phổ ky nói:

-  Nhân Sâm Quế Lộ tửu gia 1 điếu 200 tiền mỗi bầu.

-  Nhiều nhỏ gì! Bọn ta là người của xứ sâm lộ đây. Ở đó họ bán mỗi bầu đến hai điếu bốn trăm văn đấy. Ở đây bán rẻ phân nửa giá ở đấy thôi.

     -  Phổ ky cũng không dám nói là không bán cho ông ta mà quán rượu cũng không có lệ ăn cơm phải trả tiền trước, nên đành phải lui cui lau bàn ghế, bưng dọn thức ăn và rượu thịt theo lời gọi. Tế Ðiến bảo trương Văn khôi ăn. Trương văn khôi nói:

-  Tôi không ăn đâu!

-  Tại sao lại không ăn?

-  Ăn rồi tiền đâu trả cho người ta.

     -  Không tiền cũng chả có sao! Cứ ăn rồi hãy tính. Họ muốn đánh thì cứ tuột quần ra. Họ đánh nhẹ thì sợ cóc gì, còn họ đánh nặng thì mình được thêm tiền thuốc, có gì đâu mà sợ?

     Phổ ky ở một bên nghe không sót, biết rằng Hòa thượng “chịu đấm ăn sôi” đây.

     Tế Ðiên đang nói chuyện với Trương văn Khôi, bỗng từ bên ngoài có hai người tiến vào, một người la lên:

-  Hay cho Hòa thượng, ông trốn ở đây à?

Nói rồi bước thẳng tới chỗ Tế Ðiên.*

 

 

HỒI THỨ 67

 

Hai Ban đầu đói khát đi tìm Hòa thượng

Hai hào kiệt quán rượu năn nỉ Tế Công

 

     Nghe tiếng nói, phổ ky nhìn ra thấy hai người mặc áo quần nguyệt bạch, tay trái cầm cái trăn, từ bên ngoài đi vào. Ðó chính là hai vị Ban đầu Sài nguyên Lộc và Ðỗ Chấn Anh. Sau khi giao kết nhau trong trò chơi trốn kiếm (ú tim), hai vị này kiếm Tế Ðiên mãi không ra mà trong lưng không có một đồng nào cả, đành nhịn đói đi kiếm suốt đêm đến Tiểu Nguyệt Ðồn. Suốt cả ngày hôm sau nhịn đói đi vòng Tiểu Nguyệt Ðồn mấy lượt cũng không tìm thấy Tế Ðiên ở đâu cả.

     Hai người vừa đói vừa giận, đang đi thơ thẩn trên đường bỗng thấy Tế Ðiên với chiếc lưng trắng hếu sau lần áo rách cùng đi với một người mặc tăng y của Hòa thượng, đang tiến vào trong quán. Hai người vào quán. Gặp Tế Ðiên, Sài Ðầu nói:

     -  Hay cho ông Hòa thượng, ông trốn ở đây ăn sướng há, báo hại bọn tôi mang bụng đói suốt từ hôm qua.

Tế Ðiên nói:

-  Tại miệng của hai vị lười biếng đó chớ. Tại sao lại không chịu ăn?

-  Không tiền thì lấy gì mà ăn!

Phổ ky nghe họ đối đáp, nói:

-  Rồi, lại tới thêm hai thằng cha ăn quỵt.

Sài, Ðỗ hai người đói quá, ngồi xuống là ăn liền. Phổ ky lén vào báo với chưởng quỹ:

     -  Ngoài trước có ông Hòa thượng kiếc đến trước với anh chàng mặt mày sáng sủa, tiếp đó lại có hai người xác xơ, đại khái đều là bọn không tiền cả.

Chưởng quỹ nghe nói, dặn:

-  Ðợi họ ăn xong sẽ tính!

Ngay lúc đó, bên ngoài bỗng có tiếng nói rổn rảng:

-         Này lão tam, chúng ta hãy vào đây uống chén rượu đã. Tòa Khánh Phong lầu này coi cũng đẹp đấy!

     Tiếng nói vừa dứt, từ bên ngoài tiến vào hai người. Người đi đâu mặt xanh, tóc râu đều đỏ, đội mũ tráng sĩ màu tía, tiền tụ bào cũng màu tía, lưng thắt dây da, chân đi vớ anh hùng bằng đoạn màu xanh; người đi sau mặt mày tuấn tú, phẩm mạo hơn người. Bọn họ chính là Phong lý vân yên Lôi Minh và thánh thủ bạch viên Trần Lượng. Hai người này đang ở nhà Mã Tịnh, sau khi Hoa Vân Long đi rồi, Mã Tịnh nói:

-  Lôi, Trần hai vị hiền đệ, hãy ở lại chơi với anh vài ngày.

Lôi Minh, Trần Lượng đáp:

     -  Huynh đài đừng lưu tụi tôi làm chi, chúng tôi có việc phải đi đây. Ngày mai chúng tôi xin cáo từ.

Sáng hôm sau, Lôi, Trần xin cáo biệt. Mã tịnh nói:   

-  Hai vị hiền đệ ăn cơm rồi hãy đi.

Trần Lượng đáp:

     -  Chúng tôi thiệt có việc gấp không thể nán lại được. Chúng ta là bạn giao tri, kể gì một bữa ăn?

     Liền đó hai người từ nhà Mã Tịnh hướng về phía Nam. Ðến Khánh Phong lầu định uống tí rượu rồi đi tiếp. Bước vào tửu lầu, hai người đi thẳng ra sau hậu đường. Ngước đầu dòm lên họ thấy Tế Ðiên cùng hai vị Ban đầu đang ngồi uống rượu. Lôi Minh, Trần Lượng lật đật đến trước Tế Ðiên thi lễ. Chưởng quỹ thấy hai người ăn mặc chỉnh tề lại đến vái chào Hòa thượng kiếc, trong lòng cảm thấy rất lạ lùng.

     Lôi Minh hỏi:

      -  Thưa sư phó, lão nhân gia từ đâu đến đây? Tại sao không mặc tăng y mà để lưng trần ra vậy? Còn vị này là ai?

     Tế Ðiên bèn đem việc cứu Trương Văn Khôi thuật lại một lượt. Lôi, Trần bấy giờ mới vỡ lẽ. Tế Ðiên bảo:

     -  Này Trần Lượng, con hãy dẫn Trương Văn Khôi ra tiệm sắm cho anh ta một bộ áo quần giầy vớ nhé!

     Trần Lượng vâng lời dẫn Trương Văn Khôi ra tiệm mua khăn áo văn sinh quần áo lót giầy vớ đủ cả. Về đến tửu quán đem tăng y trả lại cho Tế Ðiên, rồi mọi người cùng vui vầy ăn uống.

Tế Ðiên hỏi:

     -  Lôi Minh, Trần Lượng, hai con có đem tiền theo không? Giúp đỡ cho Trương Văn Khôi với!

Trần Lượng nói:

     -  Con có bốn nén vàng, để lại hai nén, cho chú ấy hai nén. Mỗi nén đổi ra được 50 lạng bạc.

Lôi Minh nói:

-  Con có 50 lạng bạc, đem cho chú ấy hết.

Nói rồi hai người móc ra đưa cho Trương Văn Khôi.

Trương Văn Khôi nói:

     -  Tôi cùng hai vị bèo nước gặp nhau. Hai vị cho nhiều quá như vậy càng làm cho tôi thêm hổ thẹn.

Lôi Minh nói:

Bốn biển đều là anh em, mấy lượng bạc nhỏ này không đủ nhét kẽ răng mà kể số gì!

     -  Bốn người cùng nhau ăn uống xong, Lôi Minh và Trần Lượng mời Tế Ðiên đến một cái bàn vắng vẻ không người. Tế Ðiên hỏi:

-  Hai đứa nhỏ này, bữa nay tụi bây làm cái gì có vẻ quỷ quỷ yêu yêu kỳ lạ thế?

Trần Lượng nói:

     -  Thưa sư phó, xin lão nhân gia từ bi, từ bi cho! Xin nể mặt hai đứa con mà trở về Lâm An, đừng theo bắt Hoa Vân Long nữa. Chúng con xin dập đầu năn nỉ người.

Tế Ðiên nói:

     -  Hai con đừng kêu ta thôi bắt Hoa Vân Long thì tốt hơn. Trần Lượng con đi mua cho ta một tờ giấy, một cái phong bì rồi tới chưởng quỹ mượn một cây bút đem đến cho ta.

     Trần Lượng không biết Tế Ðiên định viết những gì, nhưng cứ ra ngoài mua giấy, phong bì và mượn bút của chưởng quỹ lại. Tế Ðiên bèn xoay lưng lại phía Lôi Minh, Trần Lượng viết một hồi rồi bỏ vào phong bì dán lại, ngoài bì thư vẽ hình cái bầu rượu là biểu hiệu của mình.

     Trần Lượng hỏi:

-  Sư phó viết thư chi vậy?

     -  Ta đưa cho hai ngươi phong thư này mang đi. Lát nữa hai ngươi đưa Trương Văn Khôi về Trương gia trang ở ngoài cửa Bắc huyện Long Du xong, hai ngươi hãy tiến sang đường phía Tây ở cửa Bắc, nơi đó có một tòa tửu lầu tên là Hội Tiên lầu. Hai người hãy vào đó và lên lầu tìm một chiếc bàn sát bên cửa ngồi xuống giở lá thư này ra xem. Nếu tối hôm nay Hoa Vân Long không làm việc đó thì Hòa thượng ta không theo bắt nó nữa.

     Lôi Minh, Trần Lượng cũng không biết Tế Ðiên viết những gì trong thơ, hai người chỉ biết gật đầu nghe theo. Tế Ðiên nói:

     -  Này ta nói cho biết, ta bảo các ngươi đưa Trương Văn Khôi về nhà mà các ngươi không chịu đưa tới nơi, Hòa thượng ta biết được là chết với ta đấy nhé!

Lôi Minh, Trần Lượng đáp: Xin vâng.

Sau khi đưa Trương Văn Khôi về nhà hai người nếu không vào cửa Bắc, không lên Hội Tiên lầu, Hòa thượng ta biết là chết với ta đấy nhé! Sau khi vào Hội Tiên lầu, không chịu lên lầu, không tìm một chiếc bàn sát cửa ngồi xuống, Hòa thượng ta biết được là hai ngươi chết với ta đấy nhé! Sau khi hai người vào ngồi ngay bàn sát cửa trên lầu mà không dở thư ra xem, Hòa thượng ta biết được là chết với ta đấy nhé!  

     Lôi Minh, Trần Lượng nghe nói, lấy tính mạng cam đoan nhất nhất làm y theo lời dặn.Cất kỹ bao thư vào áo rồi tiếp tục ăn uống. Ăn uống xong, tính tiền cơm rượu rồi, Tế Ðiên nói:

     -  Trương Văn Khôi, ta bảo hai người này đưa chú về nhà, chú theo hai người này về nhé.

     Trương Văn Khôi dập đầu cảm tạ Tế Ðiên và cùng Lôi Minh, TGrần Lượng cáo từ ra đi khỏi quán rượu. Cứ theo đường lớn đi về phía huyện Long Du. Khoảng chừng 30 dặm không lấy gì làm xa, ba người thong thả đi tới cửa Bắc huyện mà không hay.

Trương Văn Khôi nói:

     -  Từ đây về nhà tôi không còn mấy bước nữa, xin mời hai vị ân công ghé nhà tôi nghỉ ngơi giây lát.

Lôi Minh, Trần Lượng nói:

-  Nếu về gần tới nhà thì chú cứ về đi, bọn tôi có việc phải đi tiếp

     Trương Văn Khôi hai ba lần thỉnh mời mà Lôi Minh và Trần Lượng không nhận, bèn không cách nào hơn là cảm tạ hai người rồi từ biệt trở về nhà.

     Lôi Minh nói:

-  Tam đệ này, chúng ta đi đến cửa Bắc xem sao!

     Hai người tiến về cửa Bắc, đi qua phía Nam ngước mắt nhìn lên, quả nhiên bên đường phía Tây có một tòa nhà tên là Hội Tiên lầu. Trước cửa treo bảng chữ tửu rất lớn với mấy câu thơ:

Lý Bạch rượu vào thơ trăm thiên

Tràng An quán rượu ngủ liên miên

Thuyền rồng thiên tử cho vời gọi

Tạ từ: Thần hạ Tửu trung tiên.

Và:

Sáng ra uống chút đỉnh

Trưa lại nhắm lai rai

Hương nồng thêm quyến khách

Sành điệu phải dừng xe.

     Bên trong vang ra tiếng dao thớt râm ran. Hai người thẳng vào bên trong, phía Nam là quầy hàng, phía Bắc là bếp lò. Hai người thẳng ra phía sau, nơi đó rất rộng rãi, dưới lầu bàn ăn kê đầy khắp, dựa vách tường phía Bắc là thang lầu. Vừa lên thang lầu, thấy có một cái bàn kê sát cửa.

     Lôi Minh, Trần Lượng vừa ngồi vào bàn thì nghe dưới lầu có tiếng người giành nhau trả tiền:

-  Hoa nhị ca không nên làm thế, khoản tiền ấy bọn tôi trả rồi.

     Trần Lượng nghe nói thế rất ngạc nhiên! Nhìn xuống dưới lầu quả nhiên là Hoa Vân long cùng hai người nữa đang dành nhau trả tiền ở dưới lầu. Một người có vẻ là tráng sĩ, đầu đội khăn tráng sĩ sáu múi mầu xanh, trên gắn 6 miếng kiếng nhỏ, mình mặc tiễn tụ bào màu xanh, lưng buộc dây loan đái bằng tơ, đi giầy đế mỏng, ngoài choàng áo cừu anh hùng màu lam, tuổi trạc ngoài 30 mươi, mặt vàng, mày nhỏ mắt to. Người kia có dáng võ sinh, tuổi ngoài 20, gương mặt trắng xanh. Trần Lượng dòm xong nói:

-  Lôi nhị ca này, anh xem hai người đi với Hoa nhị ca kìa, bộ dáng không phải là người lương thiện.

     -  Này tam đệ, chú đừng thèm để ý đến họ, chú mở phong thư của sư phụ ra xem trong đó nói gì!

     Trần Lượng lấy phong thư dán kín mở ra xem, lặng yên giây lát, nói:

-  Lôi nhị ca, anh xem đây, chuyện không xong rồi đấy!

-  Ta xem làm sao được? Ta có biết chữ nào đâu. Chú đọc cho ta nghe đi!

-  Sư phó viết tám câu thơ đây, để tôi đọc cho anh nghe:

Hiệp tâm nghĩa khí rạng thiên thâu

Thương cứu Vân Long phải lụy cầu

Chờ đến canh ba Long Du huyện

Nấp rình cửa bắc Triệu gia lầu

Rắp phạm gái yơ ra sức cứu

Trừ ác ra tay chém giặc đầu

Long tặc đêm nay chừa tật cũ

Bần tăng quay gót tếch Hàng Châu

     -  Này nhị ca, ý của sư phó nói trong tám câu thơ này là Hoa Vân Long thế nào đêm nay cũng hái hoa ở Triệu Gia lầu. Sư phó lại nói: Nếu Hoa nhị ca tối nay không làm việc đó thì lão nhân gia sẽ không theo bắt ảnh nữa. Việc này thật là thiệt giả khó phân. Sư phụ bảo hai ta ngầm theo dõi để bảo hộ người liệt nữ trinh tiết đó. Chúng ta phải đi dò xem Triệu Gia lầu ở về hướng nào mới được.

Lôi Minh nói: Phải đó.

     Hai người bèn kêu rượu, 4 đĩa thức nhắm. Ăn uống xong trả tiền cơm rượu rồi xuống lầu. Ra khỏi quán rượu, hai người đi về phía Bắc, thấy trước mặt có một ông già đầu tóc bạc phơ. Trần Lượng vội đến thi lễ, hỏi:

-  Xin hỏi lão trượng, ở đây Triệu Gia lầu ở chỗ nào? Xin lão trượng vui lòng chỉ giúp.

Ông già ấy nghe hỏi thế bèn đáp:

     -  Tôn giả hỏi thăm triệu Gia lầu ư? Tiểu lão năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, sanh đẻ tại đây, ngõ nghách lớn nhỏ tôi đều thông hiểu cả, nhưng mà không có địa phương nào tên triệu Gia lầu cả. À à, địa phương chúng tôi có một tài chủ họ triệu, người ta gọi là triệu thọ nhân. Nhà ông ấy có rất nhiều lầu, phòng.

Trần Lượng nghe ông lão nói như vậy, lật đật nói trớ:

     -  Phải rồi, người nhà chúng tôi bảo đưa đến đó một phong thư, dặn rằng ở cửa Bắc huyện Long Du có một người tài chủ họ Triệu nhà có nhiều lầu. Vừa rồi tôi nói không rõ ràng.

     -  Mấy ông muốn kiếm nhà Triệu thiện nhân thì hãy đi về hướng Bắc, thấy bên Ðông đường có tiệm gạo Ðức Thái Dũ, phía Bắc ngõ ấy có con đường nhỏ tên là Hưng Long. Mấy ông theo con đường đó đi về hướng Ðông, đến một cổng lớn ở phía Bắc đầu con đường Ðông ấy thấy có một tấm biển lớn đề: “lạc thiện hiếu thi”, kế bên cây hòe lớn là nhà họ Triệu đấy.

     Lôi Minh, Trần Lượng hỏi thăm rõ ràng, hai vị anh hùng dự định tối nay đến thám họ Triệu Gia lầu, bảo hộ liệt nữ trinh tiết, bắt dâm tặc Hoa Vân Long.*

 

 

HỒI THỨ 68

 

Xem thơ dặn, thám dọ Triệu Gia lầu

Gặp nạn phụ, anh hùng tâm trắc ẩn

 

     Sau khi được vị lão trượng chỉ đường, Lôi Minh, Trần Lượng đi thẳng về hướng Bắc. Không xa đó quả nhiên có tiệm gạo Ðức Thái Dũ ở phía Ðông đường. Cách vách tường của tiệm về hướng Bắc có một con đường khá lớn. Theo con đường Hưng Long ấy đi một đỗi thấy bên đường trước mặt có một cái cổng to với hai cây hòe lớn bên ngoài. Trên cổng có một biển đề: “Lạc thiện hiếu thi”. Trần Lượng xem kỹ biết bên trong thế nào cũng có nội quái. Nội quái là gì? Ðó là tiếng lóng của giới giang hồ lục lâm, gọi những người mhận công việc bảo tiêu là nội quái, những người múa võ kiếm ăn trên đường là tinh quái. Trần Lượng quan sát rồi cùng với Lôi Minh đi qua phía Ðông, thấy bên Ðông của cửa lớn có một đường hẻm nhỏ ở bên chạy về hướng Bắc. Lôi Minh, Trần Lượng cùng bước vào con đường hẻm nhỏ ấy. Con đường này rất hẹp, rộng ước chừng hai thước (60m). Trần Lượng nói:

     -  Nhị ca, anh coi con đường hẻm nhỏ này, nếu đằng kia có ai mập mạp một chút đi lại thì hai bên chen nhau có thể không lọt lắm đấy.

     Hai người đi thẳng vào con đường hẻm xem thử. Bên trong vách tường phía Tây là hoa viên của nhà họ Triệu. Lôi Minh, Trần Lượng đứng trên gò cao nhìn qua một lượt. Bên trong hoa viên bài trí rất lớp lang với những giá sơn đá đâm tua tủa, nguyệt nha hà, mẫu đơn đình, đậu tường vi, chiếc thuyền con, lưu phong các, đình đụt nắng, đình thưởng tuyết. Thật là hoa nở bốn mùa không ngớt, cỏ thơm tám tiết xanh rờn. Chính giữa vườn hoa có một nhà lầu ba gian. Trước những cửa sổ đều có treo màn. Mấy đứa a hoàn bộc phụ đang cầm giỏ nhỏ xuống lầu hái hoa, hái xong đem trở lên lầu. Trần Lượng nói:

     -  Nhị ca này, anh xem trên lầu chắc là có phụ nữ ở, nhưng vì mắc tấm rèm che chắn nên không nhìn rõ được bên trong là cô nương hay thiếu phụ.

     Hai người cũng không dám nhìn lâu vì sợ e người mhà họ Triệu trông thấy. Trần Lượng nói:

-  Nhị ca, tối nay bọn mình sẽ do con đường này vào dọ thám nhé.

     Nói rồi hai người cùng trở ra ngõ hẻm. Vừa đến đầu hẻm thấy ở cổng nhà Triệu thiện nhân người vây đông nghịt. Trần Lượng ngạc nhiên nói:

-  Hồi nãy mình mới vào đường hẻm này đâu có ai, sao bây giờ đông nghịt vậy kìa?

     Nói rồi bèn vẹt mọi người tiến vào xem. Bên trong là một thiếu phụ còn nhỏ tuổi, đầu chít khăn tang, mình mặc hiếu phục, lưng thắt dây gai. Một ông lão đứng kế bên cầm tờ giấy trải trên đất. Trên tờ giấy viết sẵn tờ cáo bạch: Kính  cùng chư vị tứ phương: Tiểu phụ nhân họ Lưu, nhà ở cuối đường phía Bắc ngõ Hưng Long này. Chỉ vì gia đình quá nghèo túng, bà gia tôi lo lắng lâu ngày, bệnh cũ nhân đó tái phát, thuốc thang vô hiệu, vừa tạ thế vào giờ Thân ngày hôm qua. Chồng của tiểu phụ nhân vốn sống bằng nghề buôn bán lặt vặt, mấy lúc nay bị ghẻ độc hành hạ không thể day trở được, bà già tôi vừa qua đời, áo mền quan quách đều không có, nhà đang chạy ăn từng bữa, không còn gì để bán được. Gặp cảnh khốn khó này chẳng biết phải làm sao! Cùng kế khả thi, chỉ trông cậy vào lòng trắc ẩn của chư vị bốn phương. Ngày xưa nhờ có thuyền thóc hỗ trợ mà khỏi được ốm o của ngựa kém. Xưa nay đều như thế. Thảng như nhờ lòng thương của chư vị ra sức giúp vun, góp ít thành nhiều, trọn nên nghĩa cử. Bà gia của tiểu phụ nhân được cất chôn kín đáo, thật là một ân đức không gì sánh kịp!

     Nói xong, Lưu thị dập đầu bái tạ.

     Trần Lượng xem thấy hoàn cảnh thật đáng thương tâm. Lại nghe ông lão đứng kế bên nói;

     -  Thưa các vị đại gia, người phụ nữ này là hàng xóm của lão hán. Nhân vì bà già chồng của cô ta vừa mới mất, chồng cô ta lại bị ghẻ dữ không thể tống táng được. Tôi đi với cô ta đến đây, cầu xin bốn phương quân tử mở lòng nhân từ, ra tay làm phước, mỗi người một ít giúp qua cơn nghèo ngặt.

     Có người ưa làm việc bố thí, nghe thấy hoàn cảnh đáng thương vừa mới rút tiền ra, thì có người khác đứng kế bên nói:

     -  Lão huynh, anh đừng vội tin! chuyện này biết thiệt hay giả đấy? Coi chừng họ kiếm chuyện làm tiền anh đấy!

     Vì câu nói ấy mà người nọ rút tay ra không! Thật là: “Một câu nói nên nhà, cũng một câu nói mà nát cửa” . Người vừa nói câu phá bình ấy họ Trần, tên là Sự Bất Túc, ngoại hiệu là Hoại sự hữu dư  “rớ đâu hư đó” . Trần Lượng nói

-  Nhị ca này, đây là việc tốt, chúng ta nên giúp đỡ cô ta.

Lôi Minh đáp:  Phải đó!

     Nói rồi rút ra một nắm bạc có hơn 10 lượng đưa cho người thiếu phụ ấy. Trần Lượng cũng móc bạc đưa thêm và nói:

     -  Khoản bạc này tính chung ước 40 lượng, cô hãy đem về nhà lo mua sắm quan tài và các vật dụng tang ma, khỏi phải trước mọi người kêu cầu nài nỉ.

Người thiếu phụ thấy Trần Lượng đưa cho số tiền lớn như vậy, lật đật hỏi:

-  Xin hỏi nhị vị ân công quý tánh đại danh là gì?

Trần Lượng đáp:

     -  Cô khỏi cần hỏi tên họ tôi làm chi, chúng tôi không phải là người ở vùng này, đừng tính chuyện đền đáp làm chi, hãy trở về nhà lo việc thì hơn!

     Người phụ nữ không ngờ gặp người qua đường có lòng tốt như vậy. Cô ta cốt đến đây để xin Triệu thiện nhân giúp đỡ mà thôi. Trước kia, Triệu thiện nhân thường hay thí xả quan tài cho người nghèo khó. Cũng bởi bọn vô sỉ lợi dụng lòng tốt của người, nhà không có người chết, cũng mặc áo sô đến nhà họ Triệu dập đầu xin quan tài, gạt lấy áo quan tài đem ra trại hòm bán lại. Vì thế hiện tại nhà họ Triệu không phát tâm thí áo quan nữa, trừ khi thấy đúng nhà có người chết mới cho. Người phụ nữ này định đến cửa nhà họ Triệu để xin Triệu thiện nhân. Nào ngờ được Lôi Minh, Trần Lượng giúp đỡ cho một số bạc, người ấy hết lòng cảm tạ rồi trở về nhà.

     Lôi Minh, Trần Lượng làm nghĩa cử ấy xong bèn về hướng Tây, ngõ Hưng Long, tìm một quán rượu vào ăn uống. Nhâm nhi mãi cho đến trống đổ canh hai, hai người tính tiền rượu rồi bước ra khỏi quán. Tìm chỗ vắng lấy bao đồ dạ hành lôi ra quần áo đen khăn đen để thay đổi. Trên đầu cột chiếc khăn đoạn màu đen, bên trên đội một cái mũ xẻ ba, khắp người quấn dây La hán đầu gút mối, trước ngực đính hình con bướm, hai cánh phủ đến cạnh sườn; trước đầu bướm là túi bát bửu, bên trong đầy đủ những vật dụng cần thiết như: thiên lý hỏa, đèn tự minh, nạy cửa khoét song... khố đen vớ xanh với đôi giầy đế cao. Ðơn dao đút vào bao da cất kỹ, quần áo mặc ban ngày bỏ hết vào bao cột kỹ bên mình. Sửa soạn xong, hai người cất mình nhảy lên nóc nhà, dùng thuật phi thiềm tẩu bích lướt đi vùn vụt.

     Hai người đi đến một ngôi nhà gồm có ba gian. Trong gian phía Ðông có ánh đèn thấp thoáng, bóng người lung linh. Bỗng nghe có tiếng người nói:

-  Nương tử cúng hai vị ân công chưa? Ðốt hương chưa?

Có tiếng đàn bà đáp lại:

-  Ðã cúng rồi!

     -  Nương tử đi nghỉ chút đi! Ngày mai hãy đi mua quan tài. Thật tội cho nàng, hôm nay phải cực khổ quá! Nàng hãy nằm ngủ một chút. Kể ra ông trời cũng không nỡ đẩy người đến bước đường cùng, mới khiến cho  gặp được người xem tiền như rác thế ấy.

     Trần Lượng nằm trên nóc nhà nghe tiếng nói hơi quen, bèn kéo Lôi Minh nhảy xuống, đến bên cửa sổ lấy nước miếng thấm ướt dùi một lỗ nhìn vào: Trên đất nằm ngay ngắn một người đã chết, ấy là lão thái thái. Ngay phía trước là một cái giường tre, trên giường một người đàn ông chừng 30 tuổi, trên bắp vế mọc mụn ghẻ to bằng cái chén. Dựa vách phía Ðông có đặt một chiếc bàn. Trên bàn thờ, một bài vị trên viết: - Nhị vị ân công thần vị. Trước bài vị, ba nén hương còn cháy dở. Một người phụ nữ đứng dưới đất chính là thiếu phụ chít khăn sô xin tiền quan tài lúc ban chiều. Người thiếu phụ sau khi thổi tắt đèn bèn đến bên giường, vẫn để nguyên áo, nằm xuống ngủ.

     Trần Lượng kéo Lôi Minh ra góc tường Ðông thì thầm:

     -  Nhị ca ơi, không xong rồi! Bài vị thờ trên bàn là người thiếu phụ ấy viết tên chúng ta đó.

-  Thờ thì thờ, có sợ gì?

     -  Tại nhị ca không đọc sách nên không biết đó chớ. Hồi xưa vào thời Tùy Ðường có vị tên Tần Quỳnh tự Phúc Bảo, ông ta cứu mạng Ðường Vương Lý Uyên ở núi Lâm Ðồng, Ðường Vương hỏi họ tên ông là gì? Tần Quỳnh chạy xa nói với lại: Tôi tên là Tần Quỳnh. Vừa nói vừa đưa tay khoát. Ðường Vương Lý Uyên nghe không rõ, tưởng là Quỳnh Ngũ. Trở về bèn thờ bài vị Quỳnh Ngũ đại tướng quân. Báo hại Tần Quỳnh sa sút đến nỗi phải cầm cây giản và bán con ngựa quý của mình ở thành Lộ Châu đấy. Bọn mình là bọn phàm phu tực tử mà bị thờ như vậy, há không tổn phước mà tàn mạt hay sao?

-  Vậy để ta trộm quách bài vị cho xong.

-  Anh lấy cắp rồi ngày mai họ lại viết bài vị khác.

-  Vậy phải làm sao bây giờ?

     Hai người nói chuyện tới đó bỗng nghe từ bên ngoài có cục đất ai ném vào. Lôi Minh, Trần Lượng đoán chừng Hoa vân long đi hái hoa ngang qua đây. Hai người lật đật đứng nấp vào góc tường nhìn ra. Từ bên ngoài vách nhô lên một cây sào dài, bên trên cột cây ngang, đó gọi là cái thang rết. Một tên trộm vặt từ bên ngoài leo vào, mắt nhìn quanh bốn phía. Tên trộm vặt vừa mới đến họ Tiền, tên là Tâm Thắng. Tên này vốn là người ở đường hẻm Hưng Long, thường ngày chẳng làm chi cả trừ việc ăn nhậu và đánh bạc. Bao nhiêu sản nghiệp tiêu ma hết, vợ con cũng buồn tình bỏ đi nốt. Trưa hôm đó hắn thấy bọn Lôi, trần giúp đỡ Lưu Vương thị một gói bạc độ 40 lượng, Tiền Tâm Thắng hận không được số tiền ấy. Tối lại hắn mới nảy ra ý gian, bèn làm một cái thang rết, đem đền nhà họ Lưu, leo lên tường dò thử rồi theo thang tuột xuống. Hắn rút ra một con dao nhỏ, đi đến cửa nhà trên cạy cửa một cái rồi nghe thử, cạy đôi ba lượt cửa mới bật mở. Tên trộm bước vào dòm thử, trong nhà chẳng có tủ rương chi, vợ chồng Lưu, Vương ngủ say như chết. Vì không có chỗ cất tiền, Lưu Vương thị bèn nhét tiền dưới mép chiếu. Tên trộm mò mẫm một lát liền vớ phải, lòng mừng khấp khởi, lật đật bước ra khỏi nhà, theo thang trèo lên tường. Ðứng trên tường bỏ thang ra ngoài rồi trèo xuống. Lôi, Trần hai người đứng rình thấy rõ tất cả, bụng mắng thầm: “Hay cho tên trộm này! Thật là lòng lang dạ sói! Nhà người ta có người chết không tiền mua quan tài, phải dập đầu năn nỉ mọi người làm phước. Vậy mà nó nỡ lấy trộm của người ta chớ!”. Trần Lượng tức giận phừng phừng nói:

-  Nhị ca, anh đứng đây đợi tôi một lát nhé. Ðể tôi chạy theo nó.

-  Phải đó!

Trần Lượng rút dao, nhảy khỏi tường chạy theo tên trộm.*

 

 

 

HỒI THỨ 69 

 

Tiền Tâm Thắng đêm tối trộm bạc tang

Thánh thủ viên ngầm dọ Triệu Gia lầu

 

     Trần Lượng rút dao chạy theo tên trộm, thấy hắn ngoặt qua tiến về phía nhà lầu ở phía Bắc. Trần Lượng chạy theo đến dòm qua kẹt cửa, thấy tên trộm đang ở trong nhà lui cui tháo cái thang rết đem lên phòng trên. Trần Lượng nhún mình nhảy vào trong nhà. Nhà này gồm có ba gian Bắc phòng, tên trộm đang ở gian phòng phía Ðông đốt đèn. Trần Lượng đến bên cửa sổ xoi lỗ nhìn vào. Một cái lò sưởi ở cuối phòng trên đó kê một cái giường với mền gối đầy đủ. Dưới đất là cái bàn bát tiên và tủ tiền với mấy chiếc ghế. Một chiếc đèn đang tỏa ánh sáng trên giường. Tên trộm ngồi trên lò sưởi móc tiền ra đếm, gương mặt rạng rỡ! Hắn mở gói tiền ra, miệng nói lảm nhảm:

     -  Phần tiền này cất ở nhà, phần này mua đất, phần này để buôn bán.

Lẩm nhẩm một hồi rồi đem cất vào tủ. Lại lấy trong tủ ra 100 văn, xách bầu đi mua rượu. Trần Lượng lật đật náu mình trên nóc nhà. Tiền Tâm Thắng bước ra gài cửa lại, miệng cười ha hả vừa đi vừa hát, khi thì hát khúc nhị hoàng, lúc thì hát theo điệu xàng xê mới, lòng vui không bút mực nào tả hết. Khi đến quán rượu, hắn nói:

-  Vương chưởng quỹ! Ðong cho tôi một bầu rượu đi!

     Vị chưởng quỹ của quán rượu này là người Sơn Tây, người ta cứ gọi là lão Tây. Trước kia Tiền Tâm Thắng thường uống rượu lận của lão Tây, đến chiều tối đi mua rượu, lão Tây đến bên cửa, đứng cách vách bán rượu qua lỗ nhỏ. Tiền Tâm Thắng mang theo hai bầu rượu giống nhau, trong đó có một bầu nước lạnh, và đưa cái bầu không cho lão Tây đong rượu. Lão Tây đong đầy rượu xong đưa cho Tiền Tâm Thắng. Tiền Tâm Thắng nói:

-  Chưởng quỹ ghi sổ cho tôi thiếu nghe!

Lão Tây nói:

-  Tôi không bán thiếu đâu!

-  Ông không chịu bán tôi trả lại rượu cho ông nè!

     Hắn lấy bầu nước lạnh đưa cho lão Tây. Lão Tây lấy bầu nước ấy trút vào trong hũ rượu. Tiền Tâm Thắng đổi không mất tiền được bầu rượu đem về. Lâu ngày chầy tháng, kiểu cũ làm hoài, lão Tây sinh nghi, vì mấy lúc sau này khách đều cho rằng rượu dở quá. Hôm đó, Tiền Tâm Thắng lại đến mua rượu, đong rượu xong, Tiền tâm Thắng lại xin thiếu. Lão Tây không chịu bán thiếu. Tiền Tâm Thắng nói:

-  Ông không bán thiếu, tôi trả lại rượu cho ông nè!

     Nói xong lại đem bầu nước đưa cho lão Tây. Lão Tây nếm thử: đúng là nước lạnh, bèn bước ra níu Tiền Tâm Thắng lại, xem kỹ thì ra hắn có tới hai cái bầu, lão Tây và Tiền Tâm Thắng gây gổ sanh ra ẩu đả. May có người can mới thôi. Hôm nay Tiền Tâm Thắng lại xin mua rượu, lão Tây nói:

-  Tiền tiên sinh, hôm nay lại đến mua rượu lận nữa phải không?

-  Tôi đưa tiền trước cho ông đây! Ông đong cho tôi 100 tiền rượu.

     Ðong rượu xong, Tiền Tâm Thắng hớn hở quay về nhà. Hắn vừa về đến cửa, Trần Lượng ở phía sau đưa tay thộp ngực kéo hắn lại. Lúc Tiền Tâm Thắng vừa ra khỏi cửa, Trần Lượng vào nhà hắn, mở tủ lấy hết số bạc vừa cất, lại lấy sạch 900 tiền còn lại trong tủ. Xong lại kéo chiếc mền bông, trên giường châm lửa đốt, rồi lấy chiếc bàn dằn lên, đoạn ra ngoài chờ hắn. Tiền Tâm Thắng vừa về đến cửa bị Trần lượng thộp ngực kề dao hăm:

-  Mày la tao giết chết!

     Tên trộm sợ quá không dám hé răng. Trần Lượng trói nghiến hắn lại, nhét dẻ vào mồm, kéo ra ngoài cửa, bảo:

     -  Ta là Dạ du thần, chuyên xét việc họa phước chốn nhân gian đây! Ngươi trộm bạc nhà người ta, phải cho ngươi biết mùi báo ứng mới được.

     Nói rồi bèn bỏ đi. Tiền Tâm Thắng chạy vào nhà xem: trong nhà khói bay mù mịt. Tiền Tâm Thắng sợ quá mà không làm gì được, miệng bị nhét đầy không thể phát ra lời, muốn tri hô mà không hô được. Từ phía Ðông đi lại hai người tuần canh, một người cầm dùi, một người cầm thanh la. người nọ nói:

-  Ngõ hẻm này dễ sợ thiệt!

-  Ðừng hù tôi, tôi nhát gan lắm à!

     Nói tới đó bỗng nghe tiếng “ớ”. Hai tuần canh sợ quá, quay lưng định chạy. Một người nói:

-  Chắc là ma đó!

Người kia gắt: Sợ cái gì?

     Nói tới đó, bỗng nghe “ớ” một tiếng nữa. Người tuần canh bạo dạn chạy lạy xem: thì ra là Tiền Tâm Thắng, chỉ phát ra bằng mũi, vì miệng bị nhét cứng. Hắn kêu lên để người ta đến mở giùm hắn. Hai người tuần canh lúc đó mới mở trói cho hắn, móc dẻ trong miệng hắn ra và hỏi:

-  Tiền tiên sinh, ông bị ai trám miệng thế? Làm chúng tôi sợ hết hồn!

-  Tôi gặp Dạ du thần rồi. Mời hai chú vào nhà tiếp tôi với.

     Bọn họ vào trong nhà xem. Mền nệm đều bị ngún cháy. Họ lật đật dập tắt ngọn lửa sắp sửa bốc cao. Tiền Tâm Thắng mở tủ ra xem. Số bạc để vào hồi nãy không còn mà tiền có trước cũng bị mất sạch.

     Sau khi lấy bạc ở nhà Tiền Tâm Thắng, Trần Lượng trở về chỗ Lưu Vương thị, lén vào trong nhà, banh tay tử thi của bà cụ để tiền vào hai tay cho nắm lại, rồi đến bên bàn thờ gỡ bài vị ân công đi. Lại đến nhà trong kiếm cái bồn bể ném xuống đất kêu loảng xoảng. Hai vợ chồng Lưu Vương thị nghe động giật mình thức dậy đốt đèn lên xem thấy bà cụ hai tay đều cầm tiền. Vợ chồng họ đang ngơ ngác bỗng nghe bên ngoài có tiếng nói lớn:

     -  Gia chủ hãy nghe đây! Ngày mai không được cúng bài vị của ân công nữa. Cúng nữa có đại họa đấy! Ta đi đây!

     Nói xong câu đó, Lôi Minh, Trần Lượng phi thân lên nóc nhà  thẳng đến Triệu gia lầu. Vào đến hoa viên của Triệu gia lầu, ngấm ngầm thám dọ. Trong viện lặng trang, không cả tiếng người nói, chó sủa. Hai người nhảy vào bên trong, thẳng đến dưới lầu, phi thân lên lầu hướng về căn phòng có ánh đèn. Ðến bên cửa sổ, hai người thấm nước miếng xoi lỗ nhìn vào. Phòng này trang trí thật là u nhã. Tựa vách tường phía Bắc một chiếc giường tre sương phi điểm bông, trên giường mắc những màn lụa đắt tiền. Ngay giữa phòng treo những giỏ hoa, trên đó trồng hoa lài, hoa dạ lý hương thơm ngát. Trên giường mền chiếu rất sang trọng, hai bên hai cái móc vàng chóe móc hai mí màn bằng đoạn màu xanh nhạt. Dựa tường bên Ðông một cái bàn chân nhỏ, trên đó để một chậu pha lê trong đó có hai chú cá vàng nhạt mắt rồng đuôi phượng đang tung tang bơi lội. Trên bàn hai cái chuông vàng khánh ngọc đặt hai bên cây san hô cành xanh biếc lá trắng phau. Góp phần sang trọng còn có mấy lọ đồ sứ đắt tiền. Dựa tường phía Tây có chiếc bàn hình bán nguyệt, trên bàn đựng một tấm gương lớn, phía trước bày những lọ phấn, dầu xức tóc, lược chải đầu đầy đủ mọi thứ điểm trang của phụ nữ. Sát bên cửa sổ kê một chiếc bàn bát tiên. Trên khảm một bàn cờ ngọc đen, hai bên có hai ghế dựa thái sư. Trên bàn để đầy sách vở và để sẵn văn phòng tứ bửu: bút, nghiên, giấy, mực. Trên vách tường đông treo một bức họa vẽ hình Phú quý mẫu đơn. Hai bên có hai hàng liễn đối:

   Gió trăng mỗi tháng bốn mươi lăm bữa mặc tình,

   Rượu uống trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày say khướt.

     Trần Lượng quan sát hồi lâu thấy trong nhà chỉ có một người hầu, bèn trở lại cùng Lôi Minh xuống lầu, nói:

-  Nhị ca, trên lầu này không có ai, bọn mình đi tới trước dọ xem sao!

     Hai người dở thuật phi thiềm tẩu bích, cưỡng tường vượt mái như đi trên đất bằng, đi thẳng về phía trước. Viện phía này là nhà ba tầng, đầu tầng một là khách sảnh với thư viện. Hai người lại lên tầng hai, bò trên mái nhà sau nhìn xuống, thấy trước thềm treo đầy đèn bát giác, ở Bắc thượng phòng ánh đèn sáng rỡ, nơi đó hai người trai đánh đàn hồ cầm, hai người gái gảy đàn tỳ bà, vừa đàn vừa hát. Hôm nay là ngày lễ khánh thọ của Triệu viên ngoại, ai nấy đều tất bật suốt ngày vì khách khứa đến chúc mừng. Chiều tối, khách khứa lần lượt cáo từ. Lôi Minh, Trần Lượng quan sát hồi lâu, Trần Lượng đề nghị:

     -  Nhị ca này, mình ra sau đợi họ đi. Nhà này hôm nay có tiệc mừng, phải chờ thân hữu về hết, cả nhà mới nghỉ ngơi được.

     Hai người lại vượt tường chạy ra phía sau, ở trong bóng tối chờ đợi. Trống điểm canh hai, bỗng từ phía trước ánh vạn đèn chói sáng, hai con a hoàn tay xách đèn lồng, hai nàng hầu dìu một cô thiếu nữ. Lôi Minh, Trần Lượng nhờ ánh đèn nhìn thấy rất rõ. Người thiếu nữ này thật là thiên kiều bá mị, vẻ phong lưu. Có thơ khen rằng:

Theo gió hương bay ngào ngạt,

Dáng đi bách mị thiên kiều

Nét đẹp đan thanh khó vẽ

Vóc người trên dưới cân phân

Khoác ngoài aó lam vừa vặn

Thoa vàng cài lỏng tóc mai

Chiếc quạt cầm tay hờ hững

Môi son hé nở duyên cười.

     Trần Lượng khen thầm: “Thật là tuyệt thế vô song. Từ đầu tới chân không chỗ nào chê được”. Phía sau cô này lại có hai đứa a hoàn dìu một thiếu nữ, tuổi độ 18, 19 lại càng mỹ miều hơn. Trang sức như thế nào, có lời khen rằng:

Tóc mây đen thắm

Khéo vấn quanh đầu

Ðũa ngọc đính cài búi tóc

Phụng bay trâm giắt tóc mai

Tươi tắn phù dung mặt đẹp

Má hồng mày liễu cong cong

Mắt hạnh thu ba lấp lánh

Mũi mật hài hòa má phính

Môi son hé lộ ngọc cười

Thân áo trăm hoa thêu nở rộ

 Cánh sen lá tọa đoạn cung quần

Thắt lưng lồ lộ uyên ương đái

Xuyến đưa hương quyện nét cành tôn

Có phải hậu hoàng trong phái đẹp

Hay là tiên nữ lạc trần gian?

     Trần Lượng xem thấy khen thầm là quá đẹp. Lại nhìn về phía sau cô nàng thấy có hai đứa a hoàn dìu một cô nương khoảng 16, 17 tuổi. Trần Lượng nhìn kỹ nàng này, quả thật:

Thiên nhiên rành rành sẵn đúc

Vượt xa thiếu nữ tầm thường

Mày nhỏ vút cong như xuân liễu

Mắt cong chứa đựng cả trời thu

Sóng mũi thẳng ngay trên miệng thắm

Hai tai lấp lánh ngọc làm hoa

Mặc áo lụa lam tay phỉ thúy

Bên trong lồ lộ áo hương xanh

Cung quần trăm nét thêu sen thắm

Bước đi đủng đỉnh dáng hao gầy

Mắt nhìn thu hút khôn dời bước

Tinh linh anh tú hội về đây!

Nét ngọc thiên tiên khôn sánh ví

Hằng Nga nguyệt điện kém vài phân.

     Ba cô gái đang đi, một cô nói: Sao chị đụng em?

     Cô kia nói: Tại chân em đạp chân chi đó mà.

     Họ vừa nói vừa bước lên lầu cười khúc khích. Trần Lượng và Lôi Minh đến bên cửa sổ ghé nhìn vào. Ba cô nương đều trút bỏ áo xiêm bên ngoài. Một cô nói:

    -   Chị ơi, chắc chị mệt lắm! Hôm nay là ngày sinh nhật của viên ngoại, khách khứa tới đông vầy làm sao rảnh tay được. Bây giờ bọn mình phải nghỉ ngơi cho lại sức mới được.

     Ba cô nương uống một chum trà xong để nguyên áo lên giường thả màn xuống nằm ngủ. A hoàn cũng thổi tắt đèn lớn, rút sang phòng phía Tây ngơi nghỉ. Trần Lượng và Lôi Minh vẫn ở trong bóng tối đợi chờ. Trống điểm canh ba, bỗng từ xa ba bóng đen xuất hiện.*

 

Hồi Thứ 70

 

Thấy gái đẹp, dâm tặc mời tri kỷ

Gặp cố tri, ba tên giặc hái hoa

 

     Thấy ba cô đi ngủ, Trần Lượng và Lôi Minh theo lời dặn của Tế Ðiên vẫn ở trong tối ngầm bảo vệ và chờ bắt dâm tặc. Trần Lượng nói:

     -  Nhị ca, anh xem ba cô này sắc đẹp mỹ miều, giai nhân bậc nhất trên đời như thế, thảo nào Hoa Vân Long không đến hái hoa sao được.

     -  Nói tới đó, bỗng nghecó cục đá dò đường rớt đánh cảng trước mặt. Giây lát trên tường phía Ðông xuất hiện ba bóng đen, đều mặc đồ dạ hành lướt như bay.

Trần Lượng nói:

     -  Nhị ca coi đó, sư phụ nói có sai đâu. Lão nhân gia là bậc vị bốc tiên tri, cái gì cũng biết trước hết. Anh xem người đi giữa trong ba người đi tới là Hoa Vân Long đó. Tên đi đầu tôi có biết hắn là người Tây Xuyên, anh em kết nghĩa với Hoa Vân Long, cũng là tên dâm tặc hái hoa nổi tiếng. Tên hắn là Ðào hoa lãng tử Hàn Tú; người đi phía sau là ai tôi không quen.

Lôi Minh nói:

-  Ta biết người đi sau, hắn là Bạch liên tú sĩ Hồn Phi.

     Vừa nói xong, hai người thấy ba tên giặc đã vào đến lầu nhà bên Ðông. Có việc hái hoa đêm nay là như thế này: Hoa Vân Long vừa ra khỏi nhà Mã Tịnh không xa bị Tế Ðiên đuổi theo, chạy suốt cả đêm mới trốn thoát. Thoát nạn, hắn bèn lò dò đến huyện Long Du. Vừa đến cửa Bắc, hắn gặp ngay hai người. Một người mặc áo màu thúy lam, phục sức ra vẻ một tráng sĩ, đó là Ðào hoa lãng tử Hàn Tú; còn người kia có dáng một công tử võ sĩ chính là Bạch liên tú sĩ Hồn Phi. Hai tên này cũng là giang dương đại đạo nổi tiếng ở lộ Tây Xuyên, vốn là bạn tương giao đồng nhóm với Hoa Vân Long. Gặp Hoa Vân Long, hai người lật đật chạy đến chào và nói:

-         Hoa nhị ca, lâu nay anh vẫn mạnh chứ? Làm sao hôm nay anh lại đến đây?

-         Té ra là hai hiền đệ! Chao ôi thật là xúi quẩy, tưởng rằng bọn mình hết gặp nhau rồi chớ!

Hàn Tú và Hồn Phi đều nói:

-  Huynh trưởng nói gì mà nghe thảm thế?

-  Anh em ta từ ngày chia tay nhau ở Tây Xuyên, ta ra đi gặp biết bao nhiêu việc!

     Hoa Vân Long nói thế rồi đem việc ba lần tới Phụng Hoàng Lãng, may mắn gặp được Oai trấn bát phương, sau lại đến am Ô Trúc hái hoa giết người, tại Thái Sơn lầu giết chết chưởng quỹ Tần lộc, vào Tần tướng phủ lấy trộm Phụng quan ngọc chúc, nhất nhất kể lại.

Hàn Tú và Hồn Phi nói:

     -  Hay quá, huynh trưởng ở kinh đô làm những chuyện kinh thiên động địa như thế, kể ra cũng thuộc vào hạng siêu quần bạt tụy đấy! Bây giờ huynh trưởng định đi đâu?

-  Bây giờ ta cũng chẳng biềt đi đâu nữa!

Hàn Tú hỏi:

-  Huynh trưởng có mang theo hộp muội hương không?

-  Ðể làm chi vậy?

     -  Không giấu gì nhị ca, bọn tôi ở huyện Phú Thịnh tại ngã tư đường đến huyện Long Du này đã hơn mười ngày rồi. Bọn tôi không có việc chi, đi loanh quanh đến công viên nhà tài chủ họ Triệu, qua cửa sổ bọn tôi dòm thấy có ba nàng con gái. Ba nàng này thật là tuyệt thế vô song, giai nhân bậc nhất trong thiên hạ. Bọn tôi không đem theo muội hương, không dám đi hái hoa, sợ e trong nhà có nhiều người, rủi ro có những điều không tốt. Mấy hôm nay bọn tôi tính tới tính lui mãi mà không biết làm sao. Nếu không gặp nhị ca ngày hôm nay, chắc bọn tôi phải đành rút lui thôi. Nhị ca nếu có mang muội hương theo thì chúng mình cùng đi hưởng lạc. Hưởng được của lạ ấy một lần cũng được thỏa nguyện bình sanh rồi.

Hoa Vân Long nghe rồi dâm tâm phát đông, hứng chí nói:

-  Hay đó, bây giờ bọn mình đi uống rượu trước đã!

     Ba người bèn trở vào thành, đến Hội Tiên lầu kêu rượu thịt chè chén, mười phần vui vẻ. Ba người ăn uống no say xong, phổ ky đưa giấy tính tiền lại, ba người giành nhau trả tiền. Trần Lượng và Lôi Minh vừa mới tới thấy rõ Hoa Vân Long và hai người kia, nhưng bọn họ lại chẳng biết Lôi Minh và Trần Lượng ở trên lầu. Hàn Tú tính tiền xong, ba người bước ra khỏi quán. Hàn Tú nói:

-  Hoa nhị ca, anh theo bọn tôi về tiệm Phú Thịnh đi, không cần phải đi dạo phố làm gì!

-  Phải đó!

Ba người cùng về tiệm Phú Thịnh ở ngã tư đường. Phổ ky nhìn thấy, chạy ra chào:

-  Hai vị đại gia còn trở lại à!

Hàn Tú nói:

     -  Bọn ta gặp bạn thân, nên tạm thời chưa đi, muốn nán lại ít ngày nữa. Ngươi mở cho ta một thượng phòng nhé!

     Phổ ky vâng dạ, lấy chìa khóa mở cửa phòng, đưa ba người lên và đem vào một bình trà nóng. Ba người đã ngà ngà say. Hoa vân Long nói:

     -  Bây giờ rỗi rảnh, bọn mình nên ngủ một giấc đi.

     Ba người cùng lăn ra ngủ. Ngủ đến chiều tối, thức dậy kêu rượu thịt ra ăn uống. Ăn uống xong, trống điểm canh một, Hàn Tú và Hồn Phi nói:

-  Nhị ca, bọn mình đi nhé!

Hoa Vân Long nói:

     -  Hai chú thật ngốc quá! Ai đi vào giờ này, người ta chưa ngủ mà laị! Thảng như mình bị phát hiện tri hô lên, những quản gia canh cửa chạy đến vây bắt, có phải là hỏng việc không? Làm nghề ăn trộm hay hái hoa đều phải sau canh ba. Chừng đó đường vắng, người thưa, ai nấy ngủ hết mới sử dụng muội hương được.

     Hai tên kia nghe nói, biết gấp cũng không được đành chờ vậy. Chờ đến canh ba, ba người thay đổi y phục dạ hành, phóng mình qua cửa sổ ra khỏi khách điếm. Sau khi đóng cửa lại làm ký hiệu xong, họ nhảy lên nóc nhà dùng thuật phi thiềm tẩu bích, lòng gấp như lửa đốt, chạy như bay về hướng Triệu Gia lầu. Ðến hoa viên, họ thấy mọi thứ đều im lặng, cho đến tiếng người nói hay chó sủa cũng không có. Mượn đá dò đường để xem động tĩnh, thấy không có phản ứng gì, ba tên giặc nhảy tót về hướng lầu phòng. Ðến bên ngoài cửa sổ, Hoa Vân Long lấy ra 6 cuộn vải nhỏ, chia ba người nhét kín hai mũi. Ðoạn mở hộp muội hương lấy ra cái hạc chủy, mình trông có mỏ nhọn như mỏ hạc, xoi lỗ giấy cửa sổ đút mỏ hạc vào. Cây muội hương đút trong mình hạc nhờ hai cánh quạt chấp chới khói muội hương theo mỏ bay vào phòng. Lúc đó Lôi Minh và Trần Lượng phục sẵn trên nóc nhà. Chờ đợi một lát, ba người lấy dụng cụ đốt hương cất kỹ vào trong hộp rồi mở hết cửa sổ ra, tiến vào trong nhà. Hoa Vân Long đánh lửa đốt đèn lên. Lúc này ba cô nương bị phải muội hương ngủ mê như chết. Ba cô này, một là cháu của viên ngoại, còn hai người kia là con gái. Hoa Vân Long vén màn lên. Dưới ánh đèn, mặt ba nàng hiện ra như ngọc, chẳng khác nào Tây Thi. Tên giặc lòng mừng quá đỗi. Hàn Tú nói:

-  Hoa nhị ca, anh xem đẹp quá chừng chừng không?

     -  Thiệt hết chỗ chê rồi! Ba anh em mỗi người một cô cũng không có ai phải chọn lựa, nhưng ta có ý này: Bọn mình lấy ba miếng giấy viết số 1, 2, 3, theo thăm bốc được mà hành sự, khỏi ai so bì gì hết!

Hàn Tú nói:

     -  Cũng tốt thôi! Ba cô này cô nào cũng đáng yêu cả! Tôi đề nghị như vầy: Sau khi vui vẻ xong, bọn ta mỗi người cõng một cô về làm vợ, kể ra cũng sướng một đời!

     Lôi Minh và Trần Lượng nằm phục trên nóc nhà nghe bọn dâm tặc tính thế tức giận cành hông. Trần Lượng lật đật chạy ra trước cho mấy người trong nhà hay, còn Lôi Minh gỡ ngay một miếng ngói nhắm thẳng Hoa Vân Lôi ném tới. Hoa Vân Long lúc đó đang viết mấy cái lá thăm. Viên ngói từ tay Lôi Minh xé gío nhằm đầu Hoa Vân Long bay tới. Nếu trúng thì ít nhất gáo dừa cũng bị tét bể! Ném xong, Lôi Minh lật đật phóng mình chạy trốn. Ba tên giặc từ trong nhà phóng ra đuổi theo. Lôi Minh vội lấy mặt nạ mang vào để họ không nhìn ra. Thấy họ đuổi theo, Lôi Minh biết chúng đều là hạng võ nghệ xuất chúng, sức mình địch không lại, chỉ dở thuật phi thiềm tẩu bích chạy càng nhanh càng tốt. Về phía bọn giặc muốn đuổi theo gấp để xem kẻ phá bĩnh là ai, nào ngờ phía trước mặt tiếng hò hét đồng loạt nổi lên. Té ra hồi nãy Trần Lượng chạy ra nhà trước hô hoán:

-  Chủ nhà nghe đây! Ở lầu nhà sau có trộm, mau mau vây bắt chúng, để chậm trễ là hỏng đấy!

     Hô xong, Trần Lượng nấp sang một bên. Các người canh cửa, hộ viện, tuần canh nghe náo động lật đật đốt đèn cầm binh khí chạy ra nhà sau, miệng hô:

-  Bắt trộm!

     Ba tên giặc định đuổi theo giết Lôi Minh cho đã tức, nhưng nghe dưới đất gia nhân hô rầm rĩ bèn thôi không dám đuổi theo nữa. Hoa Vân Long nói:

-  Chữ Hợp ơi, gió lớn rồi. Chuồn thôi.

     Hô xong, ba tên giở thuật trèo tường vượt mái chạy mất. Lôi Minh đi tìm Trần Lượng, hai người dắt nhau đi đến chỗ vắng người, lấy bao hành lý ra thay đồ dạ hành, mặc lại thường phục. Trần lượng nói:

-  Nhị ca này, chúng ta không cần lo cho Hoa Vân Long nữa, để Tế Công bắt hắn cho rồi.

     -  Phải đó, bọn mình đừng thèm lo cho anh ấy nữa! Ba tên ấy thật là đáng giận! Ðồ loạn thần tặc tử gì đâu! Ai gặp mà không muốn trừ khử?

Nói rồi hai người đi kiếm chỗ ngồi chờ sáng.

Trần Lượng nói:

-  Nhị ca ơi, hai đứa mình đi tìm sư phó đi.

     Hai người đi chậm chậm về phía trước, thấy đằng kia có hai người đi lại nói chuyện với nhau:

     -  Nhị ca, hai đứa mình lại đám đông đằng kia xem đi. Bên ngoài cửa Ðông có một người đi mua quan tài, đang đi về bỗng có một ông Hòa thượng níu kéo quan tài lại không cho đi. Ông ấy hỏi mua quan tài này về đựng quần áo hay đựng tiền? Người ta trả lời là đựng người chết. Ông Hòa thượng đòi chui vô nằm thử, người ta không cho thử, ông bèn đá bể quan tài, mới sinh ra ẩu đả. Mình tới mau để coi nè.

Trần Lượng nghe họ bảo như vậy bèn nói:

-  Nhị ca này, đây chắc là Tế Công chứ chẳng ai. Chúng ta tới đó xem thử!

Hai người đi đến cửa Ðông, quả nhiên gặp Tế Ðiên. Sau khi bảo Lôi Minh và Trần Lượng đưa Trương Văn Khôi về nhà rồi, Tế Ðiên cùng hai vị sài, Ðỗ ra khỏi quán rượu. Sài đầu nói:   

     -  Sư phó ơi, lão nhân gia nói đi tới Thiên Gia Khẩu bắt được Hoa Vân Long mà sao tới bây giờ còn phải đi đâu nữa đây?

-  Mấy ông đi với ta tới huyện long Du, thế nào cũng bắt được mà.

     Sài, Ðỗ hai người cùng Tế Công đi tới cửa Bắc huyện Long Du thì trời đã tối. Ba người tìm một quán trọ, kêu rượu thịt ăn uống no say và kêu một phòng ba giường cùng nhau đi ngử. Sài đầu nói:

-  Sư phó ơi, ngày mai tiền trọ, tiền cơm tính sao đây?

-  Mấy ông yên trí, có Hòa thượng ta đây mà!

Ngủ đến canh tư, Tế Ðiên thức dậy, len lén đến trong viện vỗ cửa sổ, kêu Sài, Ðỗ nói:

     -  Sài đầu, Ðỗ đầu! Ngày mai đến huyện Long Du gặp nhau nhé! Không có tiền trọ, tiền cơm ta cũng không cần biết, ta có việc phải đi đây.

     -  Nói rồi Tế Ðiên trèo tường ra khỏi cửa điếm, thẳng đến bên ngoài cửa Ðông huyện Long Du. Tế Ðiên ngồi xổm đó, đợi đến mặt trời mọc, thấy đằng kia có bốn người khiêng một cái quan tài đi lại. Tế Ðiên hỏi:

-  Khiêng cái này đi đâu vậy?

Mấy người kia đáp:

-  Khiêng vào trong thành.

-  Cái quan tài này đựng quần áo hay đựng tiền?

Trong số bốn người đó có một người là chưởng quỹ, bèn bước tới nói:

     -  Cái ông Hòa thượng này bộ khùng chắc? Có ai mua quan tài về đựng quần áo bao giờ. Cái này để liệm người chết chứ!

     -  Liệm người chết thì phải để người sống xem dài ngắn ra sao cái đã. Mấy người để xuống ta nằm vào đó thử xem nào?

Chưởng quỹ nói:

-  Làm sao ông thử được?

     -  Tế Ðiên bèn đi đến cho vào một đá, quan tài bể tung. Chưởng quỹ thấy vậy giận quá, kêu phổ ky xúm lại đánh Hòa thượng.*

 

 - o0o -

Hồi thứ 65  | Mục Lục | Hồi thứ 71-75

- o0o -

| Mục lục Tác giả || Tủ Sách Phật Học |


---o0o---
Vi tính : Tịnh Nguyên, Tịnh Hương, Thanh Tuấn, Bảo Tịnh
Trình bày : Nhị Tường

Bắt đầu đánh máy: 01-05-02
 Cập nhật : 01-07-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

ý nghĩa dâng hương Ao 五痛五燒意思 om mani padme hung vô lý thị 日本的墓所 Ð Ð Ð Yêu vÙi 除了学习外 平时有时间也会多看看书 妙蓮老和尚 Bún trả can điểm thi nghiep qua se ra sao tháng ngày yên ả Vài chua thanh an القانون العام والقانون giận cong 座禅の組み方 Ä á an chay huong neu tri tue khong co dao duc soi duong vẠlãå 弘忍 31 dao tin 580 651 t l phật giáo là trí tín chứ không mê tín cận CÃƒÆ chua to ma Thể dục giúp làm dịu các bất ổn 願力的故事 dau chan voi chua 具一切功德 Nghi thuc tung kinh tuổi trẻ và những điều cần biết khi Điều kiện kinh tế tác động đến chum tho bong xa muon phien cua thay nghiem nếu nghĩ nuôi được cha mẹ là tròn Tương quan Tăng sĩ Cư sĩ và vấn đề ý niệm về hạnh phúc vi nguoi ma tao nghiep ac thi chinh minh phai chiu nghiệp hay định luật đạo đức nhân