Sau khi xem xét Asoka trong vai trò một hoàng đế Phật tử và trong vai trò một vị vua Chánh pháp, bây giờ chúng ta sẽ thử xem Asoka đã tìm thấy điều gì ở Phật giáo là khả dĩ cho sự nghiệp trị quốc của ông .A.J.Toynbee nêu quan điểm rằng mọi thể chế chính trị đều bắt nguồn từ tôn giáo. Nói khác đi, Tonynbee cho rằng đức tin và tư tưởng tôn giáo đứng đằng sau và chi phối các thể chế chính trị. Nhận xét của nhà sử học kiêm triết gia người Anh này có thể gây nhiều tranh luận trong số những người theo quan điểm chính trị học hiện đại, nhưng Toynbee không phải không có lý khi nhấn mạnh vai trò và ảnh hưởng tôn giáo trong đời sống chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh các thể chế chính trị cổ đại. Chẳng phải tìm đâu xa, các nhà nước châu Âu trong cổ là một điển hình về ảnh hưởng tôn giáo trong sinh hoạt chính trị .Asoka khẳng định đức tin ở Phật giáo, trị vì vương quốc Maurya dựa trên Chánh pháp (Dharma) và như vậy vấn đề chúng ta cần xem xét ở đây là pháp trị quốc mà Asoka đạ nói đến trong các chỉ dụ của ông phải chăng là Phật pháp (Buddha-dharma) .
Các học giả nêu nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này .J.F.Fleet cho rằng Pháp (Dharma) được nói đến trong các bia ký và trụ đá Asoka không phải là Phật pháp (Buddha-dharma) mà chỉ là vương pháp (raja-dharma) , nghĩa là các bổn phận được kê ra cho hàng vua chúa và quan lại.[1] D.R. Bhandarkar không đồng tình với quan điểm trên của Fleet bởi ông cho rằng Pháp của Asoka không phải chỉ để cho hàng vua quan theo đuổi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý mà đúng hơn là để cho quần chúng thực hành nhằm mục đích dẫn dắt nếp sống chân thiện của tất cả mọi người.[2] J.M.Macphail cũng cho rằng giáo pháp của Asoka không tiêu biểu cho Phật giáo mà tiêu biểu cho hiếu đạo giản dị mà Asoka mong muốn hết thảy thần dân của ông , không phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng, sẽ theo đuổi.[3] V.A.Smith nêu quan điểm rằng Pháp hay các nguyên lý đạo đức mà Asoka muốn truyền đạt được tìm thấy trong mọi tôn giáo và không tiêu biểu cho một tôn giáo nào.[4] Nhưng ở một nơi khác học giả này lại bảo Pháp của các bia ký Asoka là pháp Ấn giáo (Hinduism) với một ít sai khác vì muốn màu Phật giáo hơn là mang đậm tư tưởng đạo đức căn bản của Phật giáo.[5] R.Mookerji cũng theo chân các học giả trên khi nói rằng chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa tôn giáo mà Asoka đã theo đuổi với tư cách cá nhân và tôn giáo mà ông đã nỗ lực truyền đạt và giới thiệu cho dân chúng của ông.[6].Mookerji cho rằng Asoka tín ngưỡng Phật giáo, và nếu vậy thì những gì Asoka muốn truyền đạt cho người khác , theo Mookerji, đích thực không phải là Phật giáo.F.W.Thomas cũng nghi ngờ Pháp của Asoka là Phật pháp bởi theo ông các bia ký và trụ đá Asoka không hề nói đến các giáo lý Phật giáo như Tứ diệu đế, Bát thánh đạo, Thập nhị nhân duyên, cũng không có từ ngữ hay ý niệm nói về Niết bàn.[7]
Trái với quan điểm của các học giả trên, senart cho rằng các bia ký Asoka tiêu biểu cho bức tranh đầy đủ và trọn vẹn về Phật giáo.[8] D.R.Bhandarkar cũng thiên về quan điểm xem Pháp của Asoka là các giáo lý cơ bản của Phật giáo dành cho cư sĩ.Theo Bhandarkar,[9] giáo lý Phật giáo gồm hai phần: thứ nhất là giáo lý dành cho các tu sĩ, tức là các tăng ni,và thứ hai là giáo lý dành cho những người tại gia cư sĩ. Bhandarkar cho rằng Asoka là một cư sĩ quần chúng mà ông giảng dạy Chánh pháp cũng là những người tại gia cư sĩ, vì vậy, theo ông , muốn biết rõ Pháp của Asoka có phải là Phật pháp hay không thì cần phải hiểu rõ những bài kinh mà Phật giáo dành riêng cho những người cư sĩ đọc tụng, suy gẫm và thực hành. Học giả này dẫn chứng nhiều bản kinh Phật so sánh với các bia ký của Asoka và đi đến kết luận rằng trong các bia ký của ông Asoka đã vay mượn các giáo lý của Phật giáo.
Trên đây là hai loạt ý kiến khác nhau về nguồn giáo lý chứa đựng trong các tài liệu bia ký và trụ đá Asoka. Để có được một đánh giá chắc chắn hơn về giáo pháp của Asoka, chúng ta sẽ tập trung khảo sát vấn đề này qua ba phương diện: Niềm đam mê học tập và khả năng nắm bắt Phật pháp của Asoka, Phật pháp và bia ký Asoka, tư tưởng Phật học trong bia ký Asoka.
I.Niềm đam mê học tập và khả năng nắm bắt Phật pháp của Asoka:
Lý do thứ nhất khiến chúng ta có cơ sở để tin rằng Asoka đã vận dụng giáo lý Phật giáo vào đường lối trị quốc thông qua các chỉ dụ của ông là sự kiện ông rất thích thú học hỏi và nghiên cứu Phật pháp và, như là kết quả, rất giỏi về Phật học. Cứ theo truyền thuyết Tích Lan thì ngay lần đầu gặp tu sĩ trẻ Nigrodha, tức vào năm ông lên ngôi, khoảng 270 hay 269 trước Công nguyên, Asoka đã tỏ rõ tấm lòng yêu quý Phật pháp. Ông được cảm hóa bởi bài pháp do Nigrodha và các tu sĩ Phật giáo vào hoàng cung thọ trai và giảng dạy Chánh pháp. Cũng theo tài liệu Tích Lan thì Asoka từng học Phật pháp với Moggalaputta Tissa, một trong những vị tu sĩ Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đối với sự nghiệp của ông. Chuyện kể rằng dưới thời Asoka Phật giáo bị biến nhiễm na75ng bởi các tập quán và kiến giải sai lạc do các tăng sĩ gốc ngoại đạo gây ra ở trong giáo hội. Asoka rất lo lắng cho tương lai của đạo pháp và hiện trạng của giáo hội nên đã cho triệu hồi Moggaliputta Tissa về kinh đô Pàtaliputra để tìm giải pháp cho vấn đề. Khi Moggaliphutta về đến kinh thành, Asoka đã yêu cầu vị trưởng lão này giảng pháp cho ông trong suốt thời gian một tuần lễ, sau đó đích thân ông chất vấn các tu sĩ Phật giáo về giáo lý của bậc Đạo sư. Tài liệu Mahàvamsa thuật rằng Asoka đã yêu cầu các tu sĩ Phật giáo lần lượt trình bày kiến giải của mình về lời dạy của đức Phật. Những ai cho rằng Phật giáo chủ trương linh hồn bất tử hay những lý thuyết liên quan thì bị buộc rời khỏi Tăng già. Chỉ những ai bảo đức Phật chủ trương giáo lý hay phương pháp phân tích (vibhajjavàda) thì mới được lưu lại trong giáo hội. Tài liệu này cho hay 60.000 tu sĩ Phật giáo gốc ngoại đạo đã bị Asoka trục xuất hỏi giáo hội trong đợt thẩm tra này. Sự kiện Asoka đích thân thẩm vấn các tu sĩ Phật giáo về giáo lý của đức Phật chứng tỏ ông rất giỏi về Phật pháp lâu ngày của ông. Tài liệu bia ký [10] cũng thông báo cho chúng ta Asoka đã từng sống với Tăng già hơn một năm mà kết quả là sau đó ông đã nỗ lực rất lớn trong công tác truyền bá Chánh pháp. Mặc dù bia ký này không cho biết đích xác Asoka đã làm gì trong suốt hơn một năm sống với Tăng già, chúng ta tin rằng ông đã dành trọn thời gian đó để nghiên cứu và thực hành Chánh pháp. Sở dĩ chúng ta có niềm tin như vậy là bởi trong một bia ký khác [11] Asoka đã cho chúng ta thấy khả năng nghiên cứu sâu rộng và tài nắm bắt Phật pháp rất tinh tế của ông. Bia ký Bhabrù đề cập sự kiện Asoka tán dương giáo lý đức Phật là khéo thuyết, điều này chứng tỏ rằng ông đã đọc rất kỹ các bản kinh Phật, bởi lẽ chỉ có những ai đọc kỹ những lời dạy của đức Phật được lưu giữ trong kinh tạng mới thấy hết tài năng thuyết pháp của ngài. Hơn thế, bia ký này còn nói đến sự kiện Asoka đã chọn ra bảy bài kinh trong số các bản kinh Phật và khuyên tất cả tăng ni và Phật tử nên chú tâm nghiên cứu và thực hành. Điều đó càng chứng minh Asoka không những nghiên cứu sâu rộng về giáo lý của đức Phật mà còn thấy rõ những giáo lý nào cần thiết và thiết thực cho đời sống của tăng ni và tín đồ. Từ thông tin bia ký Bhabrù chúng ta thấy rằng Asoka không những đánh giá cao lời dạy của đức Phật mà còn mong muốn giáo lý của ngài được nghiên cứu và thực hành rộng rãi bởi tất cả tăng ni và phật tử. Thông tin này thật cần thiết bởi nó giúp phá tan sự nghi ngờ của nhiều người về Pháp của Asoka là Phật pháp. Cũng từ thông tin này chúng ta thấy rằng R.Mookerji đã không hoàn toàn chính xác khi cho rằng có sự khác biệt giữa tín ngưỡng mà Asoka theo đuổi với tư cách cá nhân và tín ngưỡng mà ông muốn giới thiệu cho dân chúng của ông. Ít nhất bia ký Bhabrù đã cho thấy Asoka tín ngưỡng Phật giáo và mong muốn mở rộng tín ngưỡng ấy cho nhiều người khác.
Ta cũng khó tin rằng một người am tường và thấy rõ hiệu năng của Phật pháp như Asoka lại không vận dụng nguồn giáo lý ấy vào đường lối trị quốc của mình, đặc biệt khi đường lối trị quốc ấy hoàn toàn dựa trên Chánh pháp và nhất mực đề cao đạo đức. Có nhiều lý do để tin rằng Pháp mà Asoka nói đến trong các bia ký và trụ đá của ông đều được khắc dựng sau ngày Asoka quy ngưỡng Phật giáo, nghĩa là sau khi ông từ bỏ tín ngưỡng Bà-la-môn và chuyển sang đức tin Phật giáo. Như vậy ta có thể nói rằng tất cả những huấn chỉ mang tính tôn giáo và đạo đức mà Asoka cho khắc lên bia ký và trụ đá chắc chắn là các huấn chỉ Phật giáo hoặc ít ra cũng lấy cảm hứng từ đức tin Phật pháp mà ông vừa mới quy ngưỡng. Giả thiết này được củng cố một phần bởi đức tin Phật pháp rất vững mạnh của ông và phần khác quan trọng hơn bởi Asoka rất giỏi Phật pháp.Lại nữa, trong bia ký XIII, Asoka tuyên bố thực hành Chánh pháp, yêu quý Chánh pháp và phổ biến Chánh pháp. Asoka là một Phật tử và như vậy lời tuyên bố này của ông không gì khác là lời xác nhận về giá trị Phật pháp mà ông đã thực hành và mong muốn mở rộng cho mọi người.Asoka cũng nhận ra rằng kể từ khi ông quy ngưỡng Phật giáo và thực hành lời Phật dạy, ông đã tạo ra được một chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống quần chúng nhân dân. Dân chúng của ông đã được tiến bộ đáng kể về phương diện đạo đức và tâm linh nhờ các huấn chỉ tôn giáo của ông.[12] Bia ký IV cho hay tình trạng giết hại súc vật để tế lễ, đối xử tàn ác với sinh linh, không hiếu kính cha mẹ, xử sự không đúng với bà con, với Sa-môn, Bà-la-môn đã được khắc phục đáng kể nhờ tấm gương thực hành và phổ biến Chánh pháp của Asoka. Từ thông tin bia ký này, chúng ta có thể nói rằng đạo đức hay Chánh pháp mà Asoka theo đuổi và nỗ lực truyền bá thông qua các bia ký và trụ đá của ông không gì khác là đạo đức Phật giáo bởi Phật giáo ngăn cấm mọi hình thức sát sanh. Bia ký IV xác nhận tình trạng giết hại súc vật để cúng tế đã được khắc phục nhờ các huấn chỉ đạo đức của Asoka. Xem ra những gì Asoka đã làm là hoàn toàn đi ngược với tín ngưỡng Ấn giáo bởi lẽ tôn giáo này chủ trương hy sinh thú vật cho các mục đích tế lễ. Trong bia ký I, Asoka tuyên bố ngăn cấm việc giết hại súc vật cho mục đích cúng tế, đạo dụ này chắc chắn đã gây không íy bất bình cho giới tu sĩ Bà-la-môn đương thời nhưng qua sự việc này ta thấy rằng Asoka đã thành công trong việc bãi bỏ tục giết hại súc vật hết sức nhẫn tâm của tín đồ Ấn giáo trong các lễ hội tôn giáo. Sự kiện này càng khiến chúng ta tin rằng Chánh pháp hay các nguyên lý đạo đức mà Asoka đã nói đến trong các bia ký và trụ đá của ông là Phật pháp, chứ không phải pháp Ấn giáo như học giả V.A.Smith quan niệm.
Sau cùng, Asoka thích thú học hỏi và nghiên cứu Phật pháp chắc chắn không phải chỉ để thỏa mãn tín ngưỡng và tri thức cá nhân mà còn để tìm ra những đáp án thiết thực cho sự nghiệp trị quốc của ông, và về phương diện này ông đã thành công, Asoka là một ông vua hiền triết nhưng đồng thời cũng là nhà quản trị xuất sắc. Việc ông vận dụng lời dạy của đức Phật vào đường lối trị quốc và biến giáo lý ấy thành các đạo dụ có tính cách pháp lý chứng minh Asoka là một con người có đầu óc thực tế. Sử gia Will Durant nói rằng các sắc lệnh của Asoka tỏ cho thấy ông đã hoàn toàn tin lời dạy của đạo Phật và rán áp dụng nó vào việc trị quốc, nghĩa là vào khu vực hoạt động khó đem nó vào việc trị quốc, nghĩa là vào khu vực hoạt động khó đem nó ra thực hành nhất.[13] Asoka đọc được tinh thần mỗi lời dạy của đức Phật và vận dụng tinh thần ấy vào đường lối trị quốc của ông. Thomas bảo rằng bia ký Asoka không đề cập các giáo lý Tứ đế (Cattàra Ariyasaccàni), Bát thánh đạo (Ariyaatthan-gikamagga), Thập nhị nhân duyên (Paticca-samuppàda), Niết bàn (Nibbàna), đấy là sự thật, nhưng phải chăng đấy chính là dụng ý của Asoka mong muốn biến Niết bàn Phật giáo thành hiện thực thông qua một nếp sống đạo đức giản dị mà ai cũng có thể theo đuổi? Asoka không nói đến các khái niệm Phật giáo như Tứ đế, Bát thánh đạo, Duyên sinh, Niết bàn nhưng các đạo lý của ông phản ánh tinh thần Tứ đế, Bát thánh đạo, Niết bàn. Hơn nữa, đúng như D.R.Bhandarkar đã nhận xét, Asoka là một cư sĩ và quần chúng mà ông mốn truyền đạt Chánh pháp cũng là những người tại gia cư sĩ, bởi vậy chắc chắn Asoka đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng về giáo lý nào của đức Phật là thích hợp cho quần chúng số đông. Sự kiện bia ký IV cho hay dân chúng Ấn Độ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nếp sống đạo đức Chánh pháp chứng tỏ Asoka đã thành công trong việc ứng dụng đạo đức Phật giáo vào chính sách trị quốc của ông. Một bằng chứng khác nói rõ tài năng ứng dụng Phật pháp vào đường lối trị quốc của Asoka là việc ông đã chọn ra bảy bài kinh trong số các bản kinh Phật giáo để cho hàng tu sĩ xuất gia cũng như hàng cư sĩ tại gia chuyên tâm học hỏi và thực hành. Nội dung các bài kinh này nói gì ta sẽ xem xét sau, [14] tuy nhiên việc tuyển chọn bảy bài kinh trong số hàng ngàn hàng vạn bài kinh Phật để cho các tu sĩ và cư sĩ ứng dụng chứng tỏ Asoka không những giỏi Phật pháp mà còn thấy rõ lợi ích thiết thực của giáo lý đức Phật đối với mỗi đối tượng cụ thể. Asoka cũng chứng tỏ là người am tường giới luật Phật giáo khi ông công bố mệnh lệnh tẩn xuất các tăng ni cố ý gây chia rẽ Tăng già. Các trụ đá Sàrnàth, Kauśàmbì và Sàñchì nói đến trường hợp Asoka ban hành điều luật buộc các tăng ni cố tình gây chia rẽ trong Tăng già phải mặc áo trắng và rời khỏi giáo hội. Rõ ràng đây là điều lệ được nói đến trong giới luật Phật giáo và được ứng dụng trong tổ chức giáo hội nhưng Asoka đã vận dụng điều lệ ấy và biến nó thành pháp lệnh nhà nước.
Tổng hợp các thông tin trên ta có thể đi đến nhận xét rằng Asoka đã miệt mài học tập và nghiên cứu Phật pháp và đã vận dụng nguốn giáo lý ấy vào đường lối trị quốc của ông. Điều đáng chú ý ở đây là ông đã vận dụng những lời dạy của đức Phật một cách khéo léo và tài tình, đem lại những kết quả thiết thực cho đất nước và nhân dân ông mà không cần tuyên bố đấy là giáo lý của ai và do ai dạy. Chân lý không cần nhãn hiệu. Asoka tự nhận là đệ tử Phật nhưng không hề bắt ép ai theo tín ngưỡng của mình. Ông hết lòng ca ngợi giáo lý của đức Phật và thực sự đã vận dụng giáo lý ấy vào sự nghiệp trị quốc nhưng trong các chỉ dụ của ông, Asoka không hề nhân danh đức Phật hay giáo pháp của ngài. Dường như rằng Asoka đã ý thức rất rõ sự phiền toái và giới hạn của biện pháp trị quốc nhân danh tôn giáo và ông đã cố gắng không để cho tình cảm tôn giáo xen vào công việc triều chính. Về phương diện này Asoka tỏ ra sắc sảo và tế nhị hơn các bậc tiền bối của mình. Chẳng hạn, Bimbisàra từng nhân danh một Phật tử để đưa 80.000 dân của ông đến quy y đức Phật và lắng nghe giáo pháp của ngài [15] và ra điều lệnh không cho phép bất kỳ ai đụng đến các Sa-môn Thích tử (Sakyaputtiya Samana). [16] Asoka không có những biểu hiện như thế, nhưng những gì ông làm chắc chắn đã mang lạo nhiều lợi ích không những cho những người cùng tôn giáo với ông mà còn cho hết thảy mọi người dù thuộc bất kỳ tôn giáo hay tín ngưỡng nào. Ông đã khiến tất cả mọi người sống với những lời dạy của đức Phật mà không hề bị mặc cảm là kẻ bội giáo hay bị ngăn cản bởi áp lực tình cảm tôn giáo. Một người hãy cứ sống thiện đi thì đã là Phật tử rồi, không cần phải khoe khoan mình là đệ tử ai hay giáo lý nào anh ta theo đuổi.
II.Phật pháp và bia ký Asoka:
Sau một thời gian học hỏi và thực hành giáo lý của đức Phật Asoka nhận ra sự tiến bộ của bản thân cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Ông cảm thấy phấn chấn hẳn lên , sức khỏe dồi dào và năng lực làm việc tăng lân rõ rệt. So với thời gian trước ông từng phàn nàn về năng lực yếu kém của mình [17] thì giở đây Asoka cảm thấy tinh tấn vượt trội, thích thú giải quyết việc nước việc dân và hăng hái làm nhiều việc thiện [18] Phật pháp đã tiếp sức cho ông. Cảm nghiệm sự tiến bộ của tự thân nhờ thực hành lời dạy của đức Phật, Asoka nghĩ ngay đến biện pháp khiến cho hết thảy mọi người đều được tiến bộ và lợi ích bởi Chánh pháp. Ông cho khắc các huấn chỉ của mình lên vách núi và trụ đá với hy vọng “ quần chúng sau khi nghe được sẽ theo đuổi và sẽ đạt được tiến bộ và lợi ích trong Chánh pháp.”[19] Đó là lý do ra đời của các bia ký và trụ đá Asoka.
Do đó, nếu xem xét kỹ các sự kiện liên quan đến cuộc đời của Asoka ta đã có thể thấy được mối liên hệ mật thiết giữa Phật pháp và các bia ký của ông. Asoka thực hành Phật pháp, nhận ra lợi ích của lời Phật dạy và ông cho khắc các chỉ dụ của mình lên các bia đá với hy vọng truyền đạt cho mọi người lợi ích của Phật pháp mà chính ông đã gặt hái được. Nói khác đi, các bia ký và trụ đá của ông chính là hệ quả của sự thực hành Phật pháp mà Asoka mong muốn chia sẻ với hết thảy mọi người. Do tính phổ thông của nguồn giáo lý được tìm thấy trong các bia ký và trụ đá nên nhiều người đã nghĩ rằng Pháp của Asoka không phải là Phật pháp. Tuy nhiên từ cơ sở các cứ liệu đã nói từ trước đến nay ta đã có thể hoàn toàn an tâm với kết luận về Pháp của Asoka. Vấn đề còn lại là chúng ta sẽ xem Asoka đã vận dụng giáo lý nào của Phật giáo vào đường lối trị quốc của ông, và để có được lời giải đáp này chúng ta phải xem Asoka đã nói gì trong các bia ký của ông, song song với việc dẫn chứng những lời dạy của đức Phật trong kinh tạng mà từ đó Asoka đã rút ra.
Để hiểu được Pháp của Asoka, chúng ta cần phải hiểu đối tượng mà Asoka muốn truyền đạt là ai song song với việc tìm xem những giáo lý nào trong Phật giáo mà Asoka đã vay mượn. Về phương diện này, D.R.Bhandarkar hoàn toàn có ký khi nói rằng Asoka là một cư sĩ và đối tượng mà ông muốn giảng dạy Chánh pháp cũng là những người cư sĩ. Học giả này cũng tỏ ra xuất sắc khi phân biệt hai nguồn giáo lý mà Phật giáo dành cho hai đối tượng khác nhau giữa tu sĩ và cư sĩ và cho rằng pháp của bia ký Asoka là các giáo lý Phật giáo dành cho hàng tại gia cư sĩ. Chúng ta không nghĩ rằng Asoka chỉ đề cập những vấn đề liên quan đến đời sống cư sĩ, bởi một vài nơi trong các bia ký và trụ đá của ông Asoka cũng biểu lộ mối quan tâm đối với đời sống tu sĩ. Bia ký Bhabrù, chẳng hạn, đề cập các bản kinh Phật bói về phạm hạnh của các bậc thánh (Aliya-vasàni), về đời sống ẩn sĩ (Muni-gàthà), về độc cư thiền tịnh (Mauneya-sùte), về sự tinh tấn của người xuất gia trước lẽ vô thường (Anàgat-bhayàni); hay trong các trụ đá Sànàrth, Kauśàmbì và Sàñchì, Asoka bày tỏ mối lo ngại về tình trạng chia rẽ trong Tăng già và đã ra điều lệ khắc phục.Tuy nhiên nhìn chung thì đối tượng mà các chỉ dụ Asoka muốn nhắn đến là những người cư sĩ và Pháp mà Asoka mong muốn truyền đạt cũng là Pháp dành cho cư sĩ. Điều này có thể được thấy rõ qua việc Asoka luôn nhấn mạnh đến hạnh phúc đời này và đời sau của quần chúng thông qua nếp sống đạo đức nhân ái mà ông đã lập đi lập lại nhiều lần trong các bia ký và trụ đá của ông.
Asoka đề cao nếp sống không sát sanh,[20], hiếu kính cha mẹ [21] và các bậc trưởng thượng,[22], tôn trọng thầy cô giáo,[23] cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn,[24] sử sự tốt đối với thân bằng quyến thuộc,[25]chia sẻ với bạn bè,[26] đối đãi nhân hậu với kẻ làm công, người giúp việc,[27] giúp đỡ người già, người nghèo khó, kẻ khổ đau.[28] Ngoài ra bia ký Asoka còn nhấn mạnh các đức tính như thiện tâm (dayà), [29] bố thí (dànam), [30] thành thật (satyam), [31]trong sạch (śaucham), [32] lịch thiệp (màrdavam),[33] thánh thiện (sàdhutà), [34] tiết kiệm (apa-vyayatà), [35] tự chế (samyama), [36]tịnh tâm (bhàva-śuddhi),[37] biết ơn (kritajñatà), bất hại (avihàsà), [38] tận tâm (dridha-bhaktinà), [39] yêu mến sự thật (dharma-rati). [40] Đặc biệt Asoka đề cao nguyên lý chiến thắng bằng Chánh pháp hay đạo đức (Dharma-vijaya) được nỗ lực làm việc lành, tỏ rõ thiện tâm, sống với tâm hào phóng, chân thật và trong sạch.
Tổng hợp các đức tính và nguồn giáo lý bia ký trên đây chúng ta thấy rằng Asoka đã đọc rất kỷ các bản kinh Phật để rút ra các nguyên lýđạo đức cần thiết cho cuộc sống con người, đặc biệt là đời sống Phật tử có các bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình và nhiều mối tương giao với xã hội. Không sát sanh là nguyên lý đạo đức đầu tiên mà một người Phật tử phải tuyệt đối tuân thủ nhằm bảo đảm hạnh phúc cho tự thân và cho mọi loài. Chúng ta không có gì nghi ngờ về nguyên lý không sát sanh được nói đến trong các bia ký Asoka bởi đây là giới cấm thứ nhất trong số năm giới cấm (pañca-sìla) của Phật giáo mà một người Phật tử phải tuân giữ. Về phương diện ứng xử đạo đức trong đời sống gia đình và tương giao xã hội, Asoka hẳn đã chú ý rất nhiều đến bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Sungàlovàda Suttanta) được lưu giữ trong tuyển tập Trường Bộ (Dìgha Nikàya). Bài kinh này, thứ 31 trong số 34 bài kinh thuộc tuyển tập Trường Bộ, đề cập chi tiết về nếp sống đạo đức của người Phật tử được thể hiện cụ thể qua việc biết cân nhắc chọn lựa giữa những gì nân và không nên làm, song song với việc thực thi các bổn phận và trách nhiệm của người gia chủ đối với (a) cha mẹ, (b) thầy cô giáo, (c) vợ con,(d) bạn bè và thân bằng quyến thuộc, (e) người làm công, kẻ nô bộc, và (f) các Sa-môn, Bà-la-môn. Do tính chất quan trọng của nó đối với đời sống người cư sĩ, bài kinh được mệnh danh là giới luật của người gia chủ (gihi-vinaya). Theo ông, bất cứ ai lắng nghe bài kinh này thì vị ấy nhất định sẽ tốt hơn, không xấu.[41]Bài kinh do đức Phật thuyết giảng cho một thanh niên có tên là Singàla, người mà ngài đã gặp trong lúc đi khất thực ở thành Vương Xá (Ràjagaha). Vị thanh niên này tuân thủ lời di huấn của phụ thân trước lúc lâm chung bào chàng lễ bái sáu phương vào mỗi buổi sáng sớm. Hôm ấy, bắt gặp Singàla đang hành lễ ở bên ngoài cổng thành, đức Phật hỏi lý do và rồi dậy cho chàng hành lễ sáu phương ‘ phù hợp với pháp luật của bậc thánh’. Đức Phật dạy Singàla rằng theo giáo pháp của ngài, sáu phương tiêu biểu cho sáu mối quan hệ mà một người gia chủ cần phải khéo thiết lập và cư xử. Phương Đông tiêu biểu cho cha mẹ; phương Nam là sư trưởng; phương Tây là vợ con; phương Bắc là bạn bè; phương Dưới là lao công, tôi tớ; phương Trên là Sa-môn, Bà-la-môn. Ngài dạy Singà la rằng thay vì lễ sáu phương, một người nên làm tốt các trách nhiệm đối với gia đình và xã hội như hiếu thảo đối với cha mẹ, tôn trọng sư trưởng, yêu thương vợ con, chia sẻ với bạn bè, hậu đãi người làm công và kẻ nô bộc, cung kính cúng dường các Sa-môn và Bà-la-môn. Bài kinh dành phần lớn một dung để mô tả sáu mối tương giao, các trách nhiệm và bổn phận mà người ta cần thực hiện trong các tương giao và kết quả mà đôi bên cùng được hưởng nhờ thực hiện tốt các mối giao hảo. Chẳng hạn, con cái hết lòng phụng dưỡng cha mẹ thì đáp lại cha mẹ sẽ thương yêu con cái và sẽ làm mọi điều tốt lành cho con. Một học trò biết tôn trọng và vâng lời thầy thì đáp lại người thầy sẽ hết lòng dạy dỗ học trò và sẽ tạo điều kiện cho học trò thành đạt. Một người chồng nhất mực thương yêu và thủy chung với vợ thì người vợ sẽ đảm đang chu tất mọi việc trong gia đình. Một người sẵn sàng chia sẻ và chân thành với bạn thì đáp lại sẽ được bạn bè quý mến và tìm cách bảo vệ. Một người chủ luôn quan tâm và hậu đãi người ăn kẻ ở thì đáp lại sẽ nhận được sự phục dịch tận tâm của người làm công, kẻ tôi tớ. Một cư sĩ biết cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn thì đáp lại vị ấy sẽ nhận được những lời khuyên dạy bổ ích từ những con người thánh thiện này. Các bia ký Asoka không mô tả cặn kẽ sáu mối tương giao giống như bài kinh nhưng chắc chắn Asoka đã mong muốn tất cả thần dân của mình sẽ sống đúng như những gì được mô tả trong bài kinh, bởi lẽ đây chính là các nguyên lý giúp xây dựng đời sống hạnh phúc gia đình và tiến bộ xã hội. Rõ ràng Asoka đã không phải bận tâm nhiều cho việc tìm ra các nguyên tắc trị quốc bởi nguồn giáo lý Phật giáo mà ông tỏ ra quan tâm và thích thú nghiên cứu và học hỏi đã giúp ông rất lớn. Ông nhấn mạnh việc hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy cô giáo, xử sự tốt đối với bạn bè, thân bằng quyến thuộc, cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, hậu đãi người làm công, kẻ giúp việc, xem ra tất cả điều này đã được đức Phật chi 3 dạy cặn kẽ cho thanh niên Singàla ở trong bài kinh Singàlovàda.
Đối với một số đức tính mà các bia ký Asoka nhấn mạnh như thiện tâm (dayà), bố thí (dàna), chân thực (sacha), trong sạch (sochaya), thánh thiện (sàdhutà), tự chế (samyama), nhã nhặn (màdava), tận tâm (drdhabhaktità), bất hại (avihìsà), chúng ta có bài kệ, ghi trong bài kinh Tướng (Lakkhana Suttanta) thuộc Trường Bộ (Dìgha Nikàya), đề cập các đức tình tương ứng .Bài kệ này, nêu rõ một số đức tính mà nếu chuyên tâm thực hành thì hạnh phúc và an lạc cõi trời sẽ được thành tựu, chép như sau:
“ Sacce ca dhamme ca dame ca samyame soceyya-sìlàlay-uposathesu ca,
Dàne ahimsàya asàhase rato dalham samàdàya samattam àcari.”
“Sống chân thực, đúng pháp,
Điều phục và tự chế,
Sống với hạnh thanh tịnh,
Ngày trai giới, Bố tát.
Bố thí, không bạo động,
Không làm hại một ai,
Tâm kiên cố hành trì,
Sống thật sự toàn diện.”[42]
So sánh các bia ký Asoka và bài kệ trích dẫn trên đây chúng ta thấy rằng các đức tính như chân thật (sacha), trong sạch (sochaya), bố thí (dàna), bất hại (ahimsà), tự chế (samyama), tận tâm hay tâm kiên cố (dridhabhaktità) là hoàn toàn giống hau giữa hai nguồn tài liệu D.R.Bhandarkar cho rằng đức tính bất hại (ahimsà/asàhasa) và tự chế (dama/samyama) được nêu trong bài kệ là tương ứng với đức tính thiện tâm (dayà) và nhã nhặn (màdava) của bia ký Asoka. Bhandarkar cũng xem việc trì giới (sìla) được ghi trong bài kệ là tiêu biểu cho đức tính thánh thiện (sàdhutà) mà bia ký Asoka đã nói đến.[43] Thông tin từ bài kinh cho chúng ta hay những đức tính được đề cập trong bài kệ vốn là sở hành của Như Lai trong nhiều tiền kiếp nên hiện tạo ngài được sinh ra với đầy đủ hảo tướng của bậc Đại trượng phu, quyết chắc thành tựu hai ngôi vị cao thượng, hoặc trở thành bậc Chánh giác thuyết pháp độ sanh hoặc làm vị vua Chuyển luân Thánh vương chinh phục thiên hạ bằng Chánh pháp. Rõ ràng Asoka đã đọc rất kỹ bài kinh này và đã tìm thấy các đức tính trên đây là khả dĩ để bổ sung cho nguồn giáo pháp của ông. Ông vận dụng nguồn giáo lý này thứ nhất bởi ông tin tưởng vào kết quả hiện tại và tương lai của các đức tính được nêu trong bài kệ và thứ hai bởi nguồn cảm hứng rút ra từ bài kinh, đặc biệt là về gương sáng của đấng minh quân chinh phục thiên hạ bằng Chánh pháp được mô tả trong bài kinh mà chính Asoka đã và đang nỗ lực theo đuổi.
Một nguồn giáo lý khác mà Asoka đã vận dụng và đưa vào văn bản bia ký của ông là bài kinh Điềm lành lớn hay Vận may tối thượng (Mahàmangala Sutta) được lưu giữ trong Kinh Tập (Sutta Nipàta). Bài kinh này đề cập một loạt các đức tính và bổn phận của người cư sĩ sống đời sống gia đình mà sự thực hành chúng sẽ mang lại cho vị ấy vận may tối thượng (mahàmangala). Bài kinh có tên Mahàmangala, , nêu trỏ các lý do để thành tựu vận may tối thượng, khiến chúng ta liên tưởng đến bia ký số IX trong đó Asoka khuyên thần dân của mình nên đánh dấu những ngày kỷ niệm bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với Chánh pháp gọi là vận may Chánh pháp (Dharma-mangala). Các đức tính và bổn phận được nêu trong bài kinh gồm : (1) không thân cận kẻ ngu nhưng gần gũi bậc trí; (2) cứ trú nơi thích hợp và thường xuyên tự thẩm xét chính mình (atta-sammàpanidhi); (3) siêng năng học tập, giỏi tay nghề, khéo huấn luyện và khéo ăn nói (subhàsità-vàcà); (4) chăm sóc mẹ cha (màtàpitu-upatthàna), nuôi dưỡng vợ con, yêu mến an tịnh; (5) bố thí (dàna), sống chân chánh (dhamma-cariyà), giúp đỡ các bà con (ñàtakànam sangaha), hành động không lỗi lầm (anavajjàni Kammàni); (6) từ bỏ điều ác (pàpapàrati), chế ngự đam mê rượu, nhiệt tâm trong Chánh pháp (dhammesu appamàda), (7) kính lễ và hạ mình, biết đủ và biết ơn (kataññutà), đúng thời nghe Chánh pháp (dhammasavanam); (8) nhẫn nhục, nói lời hòa nhã (sovacassatà), giao thiệp với bậc chân nhân, đàm luận Chánh pháp (dhamma-sàkacchà); (9) sống phạm hạnh trong sạch (brahmacariyà), hiểu rõ bốn Thánh đế, chứng ngộ quả Niết bàn; (10) tâm không động, không sầu muộn, không vướng lụy khi xúc phạm với mọi thứ ở đời.
So sánh nguồn giáo lý trong các bia ký Asoka và nội dung bài kinh trên chúng ta thấy rằng Asoka hầu như đã vay mượn toàn bộ bài kinh Mahàmangala để xây dựng giáo pháp của ông. Các động thái mà bia ký Asoka nhấn mạnh như hiếu kính cha mẹ, bố thí, chăm sóc giúp đỡ bà con, tránh xa tội lỗi, cung kính các Sa-môn, Bà-la-môn đều được tìm thấy trong bài kinh . Hơn thế, các đức tính khác mà Asoka đề cao như thiện tâm, nhã nhặn, chân thật, trong sạch, thánh thiện , tự chế, biết ơn, yêu mến sự thật, thẩm xét tự thân, v.v,cũng được bài kinh nói đến như là các điều kiện để thực hiện vận may tối thượng.
Nhưng Asoka không chỉ khuyến khích điều thiện, ông còn chỉ rõ điều ác (àsinava/papa) [44] và khuyến cáo mọi người nên lánh xa.[45] Về mặt này, Asoka cũng vay mượn những lời dạy của đức Phật ở trong kinh tạng. Trong các bia ký của ông, Asoka xem các hành vi như sát sanh, tàn bạo, sân hận,kiêu căng, ganh tỵ,[46] tham lam, đua nịnh, dễ cáu gắt, thiếu kham nhẫn, lười biếng, thờ ơ,[47] không hiếu kính cha mẹ, dối gạt vợ con, không chân thực với bạn bè, không chia sẻ với bà con, không bố thí [48] là những điều ác không nên làm. Trong số các cảnh báo của đức Phật về điều ác, phi pháp, những lời khuyến cáo của ngài lưu trong bài kinh Bại vong (Paràbhava Sutta) thuộc Kinh Tập (Sutta Nipàta) có thể được xem là nguồn tài liệu mà Asoka s9ã vay mượn để sử dụng trong các chỉ dụ của ông.Bài kinh ghi lời đức Phật nói về các điều ác, phi pháp như sau:
(1) Thường xuyên giao du với kẻ ác và thực hành pháp của kẻ ác:
(2) Lười biếng , không nỗ lực, dễ cáu gắt và thích đám đông;
(3) Giàu có nhưng không phụng dưỡng mẹ cha;
(4) Dối trá, lừa gạt kẻ nghèo khó, bậc Sa-môn, Bà-la-môn.
(5) Có tài sản lớn nhưng không san sẻ với một ai;
(6) Tự hào về dòng dõi, tài sản, gia đình, khinh thị các bà con;
(7) Đắm say tửu sắc, tiêu xài hoang phí.
(8) Quan hệ bất chính với vợ người;
(9) Ghen tỵ vợ mình;
(11)Tiêu xài lãng phí khi tại chức vị;
(12)Tham lam vô độ.
Cả hai nguồn tài liệu nói trên khá thống nhất trong việc nêu trỏ một số điều ác, phi pháp và đều xác nhận chúng là nguyên nhân của mọi thất bại. Trong bài kinh Paràbhava, đức Phật gọi chúng là nguyên nhân dẫn đến bại vong; trong bia ký của mình Asoka xem chúng là “những lý do thất bại.”[49]
Sau cùng, chúng ta chú ý tới quan niệm chinh phục lòng người bằng Chánh pháp hay đạo đức (Dharma-vijaya) mà Asoka đã xem như là nguyên lý căn bản cho đường lối cai trị của ông. Asoka đã áp dụng chính sách đức trị và trong chừng mực nào đó đã thành công trong việc đưa đất nước đến chỗ thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp, đồng thời thiết lập quan hệ hòa hiếu với các nước trong khu vực. Về phương diện này,Asoka rõ ràng đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là nguồn cảm hứng rút ra từ hai bài kinh ở Trường Bộ, kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavattì Sìhanàda Suttanta) và kinh Tướng (Lakkhana Suttanta). Hẳn là hình ảnh vị vua Chuyển luân Thánh vương cai trị bằng Chánh pháp được mô tả trong hai bài kinh đã tạo ấn tượng lớn đối với Asoka và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường lối trị quốc của ông: “ Vị này (Chuyển luân Thánh vương) dùng Chánh pháp trị nước, là vị Pháp vương , bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy báu. Vị này chinh phục quả đất này cho đến hải biên và trị nước với Chánh pháp, không dùng trượng , không dùng đao.” Trong bia ký IV, Asoka tuyên bố dùng Pháp âm (Dharma-ghosa) thay thế tiếng trống trận (Bherì-ghosa), nghĩa là từ bỏ chiến tranh xâm lăng và chủ trương chinh phục lòng người bằng đạo đức hay Chánh pháp (Dharma-vijaya). Trong bia ký Kalinga II, Asoka khiến cho các quốc gia khác yên tâm và thoát khỏi lo lắng về mối đe dọa xâm lăng bởi lời tuyên bố bao dung và từ bỏ chiến tranh của ông: “ Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này : ‘Nhà vua này muốn gì ở chúng ta?’ Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp (Dharma) để đượclợi ích đời này và đời sau.” Bia ký XIII nêu sự kiện Asoka mong muốn tất cả chúng sinh không bị tổn hại, chế ngự tham dục, được đối xử côngbằng và sống hạnh phúc. Bia ký này nhấn mạnh nguyên lý Đức trị hay chinh phục đạo đức (Dharma-vijaya) mà Asoka xem là căn bản cho đường lối đối nội và đối ngoại của ông. Ông cũng kêu gọi tất cả con cái và cháu chắt ông chớ có tìm kiếm sự chinh phục nào khác ngoài việc chinh phục một lãnh thổ mới bằng chiến tranh xâm lăng dẫn đến các nỗi khổ đắng cay và gây hiểm họa cho văn hóa, đồng thời bảo đảm thiện chí của các lân bang và tôn trọng các hiệp ước về toàn vẹn lãnh thổ, song song với việc chiếm trọn tình cảm và lòng biết ơn của các quốc gia này ngang qua các hoạt động , văn hóa và từ thiện.[50]
III.Tư tưởng Phật học trong các bia ký Asoka:
Tài liệu bia ký và trụ đá Asoka mang âm hưởng tư tưởng tôn giáo và triết lý sâu sắc đến độ nhiều người đã nghĩ rằng Asoka là một nhà hiền triết hay một giáo chủ tôn giáo hơn là một hoàng đế. Thực ra Asoka chỉ là người ham thích học hỏi tôn giáo, nhiên cứu triết lý và khéo vận dụng các tư tưỏng tôn giáo và triết lý ấy vào đường lối trị quốc của ông. Sự khôn ngoan của một nhà lãnh đạo là biết tập hợp chung quanh mình nhiều bộ óc giỏi và tận dụng tối đa khả năng biến hóa của những bộ óc đó cho mục đích của mình. Asoka đã tự trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm Phật giáo đủ để dùng vào việc trị quốc của ông. Các bia ký và trụ đá của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng và triết lý Phật giáo mà ông đã thai nghén lâu ngày và mong muốn được chia sẻ với mọi người.
Will Durant nói rằng các sắc lệnh của Asoka rõ ràng chịu ảnh hưởng Phật giáo, trong số các sắc lệnh ấy có chỗ nói tới một đời sống vị lai đấy, và chỉ điểm đó cũng đã cho ta thấy rằng tư tưởng, tín ngưỡng của Phật tử đã khác xa chủ trương hoài nghi của Phật tổ rồi. Nhưng không có đoạn nào trong các sắc lệnh bảo dân phải thờ phụng một vị thần nào cả, chẳng những vậy , ngay đến Phật tổ, cũng không bắt dân thờ nữa.[51] Nhận định này của Will Durant không hoàn toàn chính xác cho lắm,nhất là đoạn nói về sự khác biệt giữa tín ngưỡng của Phật tử và chủ trương của Phật tổ, tuy nhiên Durant hoàn toàn đúng khi cho rằng các sắc lệnh Asoka chịu ảnh hưởng Phật giáo và không bắt dân ph3i tôn thờ thần linh, ngay cả Phật tổ. Đây quả là một trong số các đặc điểm của tư tưởng Phật học được tìm thấy trong bia ký Asoka mà tiếp theo chúng ta sẽ khảo sát.
Nhưng trước khi xem xét nội dung các tư tưởng Phật học được phản ánh trong bia ký Asoka, ta cũng nên nhắc lại ở đây quan điểm của D.R.Bhandarkar rằng Asoka là một cư sĩ và đối tượng mà ông muốn truyền dạy Chánh pháp cũng là những người tại gia cư sĩ. Bởi vậy không phải tất cả tư tưởng triết lý của Phật giáo đều bao hàm trong bia ký của ông. Asoka là một Phật tử đồng thời là một vị vua, do đó những gì ông nói và làm chắc chắn không vượt ra ngoài cương vị một Phật tử và hơn thế một hoàng đế có trách nhiệm chăm lo lợi ích chung của cộng đồng. Bia ký Asoka phản ánh các tư tưởng sau đây:
1,Tư tưởng tôn trọng sự sống hay bất hại (Ahimsà):
Các bia ký Asoka nhấn mạnh nguyên lý không sát sanh hay bất hại (bia ký III, IV, IX, XI, XIII; trụ đá V, VII) ngụ ý xây dựng một đời sống đạo đức thánh thiện trên cơ sở tôn trọng sự sống của tất cả mọi loài. Không sát sanh tức không cố ý giết hại hay gây thương tổn đối với mọi loài hữu tình và bất hại (ahimsà) cũng có nghĩa là chấm dứt mọi ý tưởng và hành động sát hại hay gây thương tổn đối với sự sống (Ca kàyena vàcàya manasà ca (bhùtànam) nahimsati). [52] Đây là đặc điểm nổi bật trong các bia ký Asoka, phản ánh sâu sắc tư tưởng từ bi, tôn trọng sự sống và bất bạo động của Phật giáo. Asoka khuyên tất cả thần dân của mình tránh xa sát sanh, không làm tổn hại đến mọi loài bởi ông mong muốn tất cả chúng sinh thoát khỏi bị hại, được đối xử công bằng và sống hạnh phúc (bia ký XIII). Ông tuyên bố từ bỏ mọi ý đồ xâm lăng bởi ông từng chứng kiến cảnh tượng tàn khốc của chiến tranh và chết choc. Ở đây Asoka như đọc thấy tư tưởng hết sức nhân bản của đức Phật khi ngài nói đến một tâm lý rất chung của chúng sanh là lo sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống. Kinh Pháp cú dạy như thế này: “ Tất cả mọi người đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống; hãy lấy mình làm ví dụ để không giết hại và không khiến người khác giết hại.”[53] Asoka ngăn cấm nạn giết hại súc vật để tế lễ, một hành vi tìm kiếm an lạc cho mình qua việc gây khổ đau cho kẻ khác không chút thương tâm và không mấy công bằng của các tín đồ Ấn giáo. Việc làm này cho thấy Asoka đã theo gương đức Phật khi ngài phản đối thái độ sai lầm của con người dùng sự sống của kẻ khác để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Đương thời người ta thấy đức Phật lên án mạnh mẽ tục hiến tế súc vật của các Bà-la-môn, cho rằng đó là hành vi của những người tự hành khổ mình và hành khổ người. Động thái này của Asoka cũng phản ánh một tư tưởng rất người và rất mực công bằng của Phật giáo rằng tất cả chúng sanh đều mong muốn được an lạc, bởi vậy không thể dùng khổ đau của kẻ khác để đổi lấy an lạc cho chính mình. Đức Phật dạy: “ Chúng sanh cầu mong được an lạc.Ai dùng roi trượng hại kẻ khác để tìm an lạc cho mình, người ấy không đạt được an lạc ở đời sau.”[54]
2.Tư tưởng thiết thực hiện tại hay tinh thần thực tiễn:
Điều này ngụ ý những việc làm thiết thực hữu ích mà con người cần tỏ rõ trong cuốc sống của mình. Chẳng hạn , trong bia ký XI, Asoka đề cao Pháp thí hay quà tặng Chánh pháp (Dharma-dàna) và liền chỉ rõ đó là những động thái thiết thực mà con người cần phải làm và khuyến khích người khác cùng làm như hiếu kính cha mẹ; cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn; chia sẻ với bà con, bạn bè; đối xử nhân hậu với kẻ làm công, người giúp việc, Nói khác đi, khi một người thực hiện và khuyến khích người khác làm những việc như trên thì được gọi là Pháp thí hay ban bố Chánh pháp cho kẻ khác. Như vậy Pháp thí ở đây có nghĩa là hành động hay việc làm thiết thực hữu ích mà một người có thể làm cho người khác. Đây là một trong những đặc điểm của giáo lý Phật giáo mà có lẽ Asoka đã đọc được khi tiếp cận với những lời dạy của đức Phật. Chúng ta thấy trong bài kinh Singàlovàda (Giáo thọ Thi CaLaViệt) rằng đức Phật đã dạy cho thanh niên Singàla thế nào là ý nghĩa thiết thực của lòng tôn kính sáu phương. Ngài đã cũ thể hóa sáu phương thành sáu mối tương hệ trong cuộc sốn và khuyên Singàla nên xử sự “đúng pháp” trong tất cả các mối tương hệ đó. Chẳng hạn, để tỏ rõ tấm lòng tôn kính đối với phương Đông thì thay vì hướng về phương Đông lễ lạy, người ta nên hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ hiện tiền. Đối với phương Nam tiêu biểu cho sư trưởng hay thầy cô giáo thị việc kính lễ nên được tiến hành bằng cách tôn trọng và lắng nghe lời dạy bảo của thầy. Phương Tây tiêu biểu cho vợ con, do đó việc chăm lo hạnh phúc cho vợ con là đồng nghĩa với lòng tôn trọng phương Tây. Đức Phật gọi phương Bắc là bạn bè và khuyên Singàla nên tôn kính phương Bắc bằng cách luôn luôn sống chân thành và hết lòng với bạn. Phương Dưới được xem là tiêu biểu cho kẻ ăn người ở, bởi vậy, để tỏ lòng tôn trọng phương Dưới, người ta nên đối đãi nhân hậu với kẻ ăn người ở của mình. Phương Trên ngụ ý các Sa-môn và Bà-la-môn mà nghĩa cử tôn kính và cúng dường cho các bậc thánh nhân này được xem là đồng nghĩa với việc đảnh lễ phương ấy.
Asoka thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thực tiễn của Phật giáo khi ông ban bố chỉ dụ kêu gọi mọi người nên tiến hành các lễ hội cưới gả, sinh nhật, tiễn người đi xa bằng những việc làm thiết thực và hữu ích hư đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở, tôn trọng thầy cô giáo, không sát hại sinh linh, bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn (bia ký IX). Ở đây bia ký Asoka khiến chúng ta nhớ tới lời dạy của đức Phật trong bài kinh Kùtadanta, Trường Bộ, khi ngài nói đến việc thay thế các lễ tế đàn giết hại súc vật và hao tốn tiền của bằng những việc làm thiết thực và hữu ích như bố thí, trì giới, làm các điều thiện. Asoka cố ý xây dựng truyền thống lễ hội theo tinh thần này bởi theo ông đó là những nghĩa cử cao đẹp, thiết thực, hợp với đạo lý mà ông gọi là vận may Chánh pháp (Dharma-mangala). Ông cũng muốn đơn giản hóa các cuộc lễ hội dân gian thường được tổ chức rất linh đình và tốn kém bởi ông cho rằng đây là cách hay nhất để tiết kiệm sức người và sức của (apa-vyayatà-apa-bhàndatà).[55]
Liên quan đến tinh thần thực tiễn trong các bia ký Asoka, tôi chú ý đến câu chuyện ngụ ngôn được ghi trong bài kinh Kùtadanta mà tôi tin Asoka đã từng đọc qua. Chuyện kể như thế này : “ Thuở xưa, có một vị vua tên là Mahàvijita rất giàu có, tài sản của cải chất thành đống , sở hữu vô số vàng bạc và châu báu. Một hôm, đang ngồi ở nơi nhàn tịnh, nhà vua suy nghĩ: ‘Ta đã sở hữu nhiều tài sản, đã chiếm được một vùng đất đai rộng lớn. Nếu nay ta tổ chức một tế đàn lớn, như vậy phải chăng ta sẽ được lợi ích và an lạc lâu dài?’ Nhà vua liền cho gọi người chủ tế và thông báo cho ông ta về suy nghĩ của mình. Vị chủ tế liền tâu: ‘ Nay vương quốc của Bệ hạ đang gặp tai ương bởi nạn cướp bóc, làng mạc và thành thị bị tàn phá, nông thôn nhan nhản kẻ cướp. Nếu Bệ hạ cho đánh thuế các vùng này thì đó là việc làm sai lầm. Nếu Bệ hạ nghĩ rằng: ‘Ta sẽ tiêu diệt dịch cướp bằng cách hành hình, tống tù, tịch thu, đe dọa trục xuất,’ như vậy nạn cướp này sẽ không hoàn toàn chấm dứt. Những kẻ sống sót sẽ tiếp tục nhiễu loạn vương quốc của Bệ hạ. Tuy nhiên, bằng cách này, Bệ hạ có thể loại sạch nạn cướp, tức là, những ai trong vương quốc của Bệ hạ chuyên việc canh tác và chăn nuôi, Bệ hạ hãy cung cấp hạt giống và thực phẩm gia súc cho họ; những ai chuyên việc kinh doanh, Bệ hạ hãy đầu tư tiền vốn; những ai phục vụ triều chính, Bệ hạ hãy trả tiền lương đủ cho họ sinh sống. Những người này, so mải mê làm công việc của mình, sẽ không nhiễu loạn vương quốc của Bệ hạ. Thu nhập của Bệ hạ ngày càng tăng, xứ sở được thanh bình, không còn tai ương cướp bóc, dân chúng hân hoan, vui đùa với con cái và sống với cửa nhà rộng mở.”[56]
So sánh đoạn văn trên với các bia ký Asoka, chúng ta có cở sở để tin rằng Asoka đã rút ra những bài học bổ ích cho việc trị quốc của ông từ những bản kinh như thế này. Các chính sách được nói tới trong các bia ký của ông như đề cao đạo đức, chăm lo hạnh phúc cho dân, tăng cường đầu tư cho các công trình công ích và phúc lợi xã hội, ưu đãi đối với người già cả, kẻ nghèo khó, phụ nữ lầm đường lạc lối, khoan dung và giảm án cho các phạm nhân, v.v… hẳn là những chính sách thiết thực hữu ích mà Asoka đã học được từ Phật giáo và đã ứng dụng thành công trong lĩnh vực trị quốc của ông.
3.Tư tưởng hòa bình- Vô úy thí (Abhaya-dàna):
Asoka thấm nhuần giáo lý từ bi, tôn trọng sự sống của Phật giáo nên bia ký của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng hòa bình, bất bạo động. Ông tuyên bố dùng Chánh pháp thay trống trận,[57] chủ trương thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái,[58] biểu lộ tấm lòng bao dung và độ lượng đối với lỗi lầm của mọi người.[59] Asoka nhận rõ thảm cảnh của chiến tranh và ý đồ đen tối của mộng xâm lăng ngay sau khi ông vừa chinh phục xứ sở Kalinga. Ông tỏ ra ân hận về công cuộc xâm lăng của mình “ bởi đã gây ra cảnh chết choc đầy tang thương cho dân chúng một xứ sở độc lập.”[60] Kể từ sau chiến thắng Kalinga trở đi, Asoka từ bỏ chiến tranh, xâm lăng và theo đuổi đường lối hòa bình, bất bạo động. Trong bia ký Jaugada, ông khẳng định không dùng vũ lực quân sự để xâm lăng các quốc gia khác mà dùng điều thiện để phục vụ lợi ích của mọi dân tộc. Asoka xác nhận trong bia ký rằng ông làm như vậy là để trả nợ cho tất cả chúng sinh , rằng ý chí, quyết tâm của ông là không bao giờ thay đổi, Ở đây chủ trương hòa bình của Asoka là đồng nghĩa với vô úy thí (abhaya-dàna) hay ban phát không sợ hãi cho loài hữu tình được nói đến trong Phật giáo. Bởi bạo động, chiến tranh mang đến khổ đau và sợ hãi cho chúng sinh, chủ trương hòa bình, bất bạo động của Asoka có nghĩa là giải phóng chúng sinh khỏi khổ đau và sợ hãi. Ở đây ta lại thấy Asoka như đọc được lời dạy về úy thí của đức Phật : “ Này các Tỷ -kheo, Thánh đệ tử tứ bỏ sát sanh, ban bố không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, ban bố không hận thù cho vô lượng chúng sinh, ban bố không hại cho vô lượng chúng sinh; sau khi ban bố cho vô lượng chúng sinh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là đại bố thí.”[61]
Phật giáo nói đến ba loại bố thí-tài thí (àmisa-dàna), pháp thí (dharma-dàna) và vô úy thí (abhaya-dàna). Tài thí là cung cấp vật dụng hay tạo phương tiện sinh sống cho người khác. Pháp thí là khuyến khích hay dạy ngưòi hưóng thiện, tu nhân tích đức. Vô úy thí là tỏ rõ tấm lòng từ bi bằng cách giải phóng mọi người khỏi lo âu và sợ hãi. Asoka xem ra đã thực hiện đầy đủ các hạnh bố thí được nói đến trong Phật giáo. Ông lãnh đạo đất nưóc giàu mạnh,ban bố các chính sách thiết thực khiến dân chúng an cư lạc nghiệp tức là đã làm tròn hạnh nguyện tài thí hay bảo đảm sinh kế cho tất cả mọi người. Tự thân ông cũng thăm viếng, tặng quà và hỗ trợ tiền tài cho các Sa-môn, Bà-la-môn và các bậc cao niên trưởng lão.[62]Ngoài ra , hạnh bố thí tài vật của ông cũng được đánh dấu bởi chính sách bang giao giúp đỡ các quốc gia khác về phương diện y tế và các chế độ an sinh phúc lợi xã hội. Asoka đề cao pháp thí bằng cách nỗ lực truyền bá Chánh pháp và đẩy mạnh đường lối giáo dục đạo đức cho mọi tầng lớp của xã hội, Ông cũng tỏ rõ là người thực hiện hạnh Pháp thí khi ủng hộ công cuộc truyền bá Phật pháp do các tăng sĩ Phật giáo thực hiện ở khắp nơi trong nước và ở ngoài nưóc. Đặc biết , với chính sách hòa bình và với tấm lòng đầy bao dung độ lượng, Asoka đã thiết lập đức vôúy, khiến cho hết thảy mọi người không còn lo sợ bởi chiến tranh khổ đau mà hoàn toàn tin tưởng ở ông, bởi “đức vua giống như người cha, thươngyêu hết thảy mọi người, xem mọi người như con cái”, và bởi “đức vua sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp mọi người thực hành Chánh pháp để được lợi ích đời này và đời sau.”[63]
4.Tư tưởng bao dung hay hộ trì chân lý (Saccà-nurakkhana) :
Bia ký Asoka cũng phản ánh tư tưởng bao dung hay tinh thần hộ trì chân lý được nói đến trong Phật giáo. Theo quan điểm của đức Phật, bao dung hay hộ trì chân lý có nghĩa là khẳng quyết đức tin của chính mình nhưng không vì thế mà bài xích niềm tin của người khác. Đây là sắc thái tư tưởng rất đặc biệt của đức Phật, đặt nền tảng cho thái độ tôn trọng tự do tín ngưỡng của người khác rất sáng suốt và rất trí thức của Phật giáo. Trong bài kinh Thương Già (Cankì Sutta), số 95, Trung Bộ (Majjhima Nikàya), đức Phật nêu rõ thái độ bao dung và hộ trì chân lý như sau: “ Này Bhàradvàja, nếu có người có lòng tin và bảo : ‘Đây là lòng tin của tôi,’ người ấy hộ trì chân lý ; nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: ‘ Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm.’[64] Ngài nói thêm với Bhàradvàja rằng hộ trì chân lý không đủ để một người có trí đi đến kết luận một chiều rằng chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm. Như vậy, theo Phật giáo, một người có đức tin và kiên quyết theo đuổi đức tin của mình thì được gọi là hộ trì chân lý, nhưng người ấy không nên quá cực đoan cho rằng chỉ những gì mình tin là đúng, ngoài ra la hư vọng. Nói khác đi, người ta có quyền theo đuổi và bảo vệ đức tin của riêng mình nhưng không phải vì thế mà bài xích tín ngưỡng của người khác. Đây quả là tư tưởng độc đáo của đức Phật khiến cho tôn giáo của ngài nổi tiếng là bao dung và hòa bình. Người ta nói rằng bậc Đạo sư từng khuyên Sìha, vị tướng quân người Licchavì, và Upàli, người gia chủ giàu có danh tiếng xứ sở Nalanda, tiếp tục ủng hộ cho các tu sĩ Kỳ Na giáo sau khi hai vị cựu tín đồ Kỳ Na này tuyên bố quy y Tam Bảo, bởi theo lời ngài thì từ lâu gia đình của họ đã là “giếng nước mưa nguồn của các tu sĩ phái Kỳ na (Jainism).”[65]
Asoka biểu lộ thái độ tương tự đối với tín ngưỡng cũ của mình là Bà-la-môn giáo và các giáo phái đương thời sau khi ông chính thức quy ngưỡng Phật giáo. Ông thăm viếng, tặng quà và cúng dường tài vật cho các Sa-môn, Bà-la-môn,[66] ban tặng hang động Nigrodha và Khalatika cho các tu sĩ Àjìvìka.[67] Thông tin trụ đá VII cho hay Asoka đã bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra và nhiều loại quan chức khác ở kinh đô Pàtaliputra và tại các tỉnh thành trong nước nhằm phục vụ các mục đích tôn giáo. Các quan chức này có nhiệm vụ chăm nom, tạo điều liện cho các tu sĩ xuất gia cũng như những người cư sĩ tu tại gia của mọi giáo phái thực hành Chánh pháp nhằm thúc đẩy lòng nhân từ, tínhtrung thực, lòng rộng lượng, trong sạch, từ hòa và thiện tâm trong đời sống quần chúng nhân dân. Họ cũng được giao trách nhiệm phân phối các phẩm vật cúng dường của hoàng gia dành cho Tăng già, các tu sĩ Bà-la-môn, các nhà tu khổ hạnh Kỳ Na giáo và các tu sĩ giáo pháo Ájìvika. Có thể nói rằng chính tấm lòng bao dung của đức Phật đã mở đường cho chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo của nhà nước Maurya. Trong chỉ dụ ghi ở bia ký Girnar, Asoka đã cụ thể hóa tinh thần hộ trì chân lý của đức Phật bằng những lời lẽ như sau: “ Người ta không nên chỉ tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người vì lý do này hay lý do khác. Vì làm như thế người ta chẳng những làm tổn thương giáo phái của mình mà còn làm thương tổn giáo phái của người khác. Về nhiều phương diện khác nhau, tất cả mọi giáo phái đều xứng đáng được tôn trọng. Những ai tôn trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác, nghĩ rằng như vậy ta sẽ làm rạng danh giáo phái của ta’, thì ngược lại những người ấy chỉ làm tổn thương giáo phái của chính mình.”
5.Tư tưởng sống đạo đức trong sạch để hưởng hạnh phúc đời này và đời sau:
Bia ký Asoka nhấn mạnh đến hạnh phúc đời này và đời sau thông qua nếp sống đạo đức, trong sạch và hướng thiện. Asoka đề cao nếp sống đạo đức nhân ái được thể hiện qua việc từ bỏ sát sanh, tránh các điều ác, làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, chân thực, thanh cao [68] vốn đã được đứcPhật khái quát hóa qua bài kệ số 138 ghi trong bản kinh Pháp cú:
“ Không làm các điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.”
Asoka mong muốn hết thảy mọi người được hạnh phúc an lạc đời này và đời sau và ông tin chỉ có nếp sống đạo đức tôn giáo mới giúp mọi người thực hiện mục đích ấy.[69] Ông đề cao nếp sống không sát sanh; hiếu kình cha mẹ; tôn trọng thầy cô giáo; cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn; giúp đỡ bà con , bạn bè; đối xử nhân hậu với kẻ làm công, người giúp việc. Ông gọi những việc làm này là vận may Chánh pháp (Dharma-mangala) bởi chúng đưa đến hạnh phúc đời này và đời sau.[70] Ngoài ra, bia ký của ông còn nhấn mạnh đến một số các đức tính khác như thiện tâm, bất hại, bố thí, chân thật, trong sạch, từ hòa, thánh thiện, tự chế, thanh tịnh tâm, biết ơn, tín tâm, yêu mến sự thật, tiết kiệm. Asoka tin rằng nhờ nuôi dưỡng và phát triển các đức tính như thế mà con người có thể đạt được hạnh phúc đời này và đời sau.
Asoka rất tin tưởng lý thuyết nhân quả nghiệp báo và do đó bia ký của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng đạo đức luân lý. Ông kêu gọi mọi người sống lương thiện, trong sạch, chân thực, từ hòa, hào phóng; ông đánh thức mọi người về lòng hiếu thảo, thái độ tôn kính, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, lòng nhân hậu. Ông tin tưởng kết quả tốt lành của hành vi không sát sanh, chế độ ăn chay, công đức của bố thí. Trụ đá V đánh dấu sự kiện Asoka ngăn cấm việc sát sanh và làm tổn thương các loài sinh vật. Chỉ dụ ghi ở trụ đá IV cập sự kiện Asoka ra điều lệ cho phép các tù nhân bị xử tội chết được gia hạn thời gian chấp hành án trong ba ngày để xem thân nhân của họ có xin kháng án hay không và để cho các tội nhân có cơ hội bố thí và ăn chay trong thời gian đó với hy vọng hưởng được lợi ích đời sau. Có thể nói rằng tất cả những hành vi đạo đức luân lý được đề cập trong các bia ký và trụ đá Asoka phản ánh khá đầy đủ và sâu sắc tư tưởng đạo đức Phật giáo. Trước đây chúng ta đã có dịp điểm qua một số bài kinh tiêu biểu cho khía cạnh đạo đức luân lý Phật giáo mà rõ nét nhất là hai bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta) thuộc Trường Bộ và kinh Điềm lành lớn hay Vận may tối thượng (Mahà-mangala Sutta) thuộc Tiểu Bộ. trong hai bản kinh này, cơ sở đạo đức Phật giáo được nêu trỏ khá đầy đủ. Bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt nêu rõ nếp sống không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không làm các ác nghiệp, không phung phí tài sản hay tiết kiệm, phụng dưỡng cha mẹ, tôn trọng thầy cô giáo, thương mến vợ con, giúp đỡ bạn bè, đối xử nhân hậu với kẻ ăn người ở, cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn là căn bản hạnh phúc cho đời này và đời sau.[71] Bài kinh Điềm lành lớn hay Vận may tối thượng đề cập một số các đức tính cần thiết cho việc xây dựng hạnh phúc hiện tại và tương lai như hiếu kính cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, bố thí, sống chân chánh, giúp đỡ các bà con, hành động không lỗi lầm, từ bỏ điều ác, chế ngự rượu chè, thực hành Chánh pháp, cung kính và hạ mình, biết đủ và biết ơn, nhẫn nhục, nói lời hòa nhã, gần gũi bậc chân nhân,yêu mến an tịnh, tự thẩm sát bản thân, sống trong sạch , thanh cáo, tâm không sầu muộn, không giao động và không vướng lụy. Như vậy, so sánh hai nguồn tài liệu, bia ký -trụ đá Asoka và kinh điển Phật giáo, chúng ta có thể đi đến kết kuận rằng tư tưởng đạo đức được đề cập trong các bia ký và trụ đá Asoka không khác gì là tư tưởng đạo đức Phật giáo, Asoka đã không phí công nghiên cứu đạo Phật bởi các tư tưởng thiết thực được tìm thấy trong bia ký và trụ đá của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng thiết thực của Phật giáo.
[1] JRAS, 1908,tr.491-97.
[2] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.105.
[3] J.M.Macphail,Asoka,tr.48.
[4] V.A.Smith,Asoka,tr.59-60.
[5] V.A.Smith,Asoka,tr.29-30.
[6] R.Mookerji,Asoka,tr.60.
[7] CHI,tập I ,tr.505.
[8] IA, 1891,tr.264-65.
[9] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.107-13.
[10] Tiểu bia ký I.
[11] Bia ký Bhabrù hay Bairat.
[12] Bia ký IV.
[13] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.100.
[14] Xem Phụ lục II.
[15] Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts,phần II,tr.2-5.
[16] Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts, phần I,tr.197.
[17] Bia ký VI.
[18] Tiểu bia ký I.
[19] Trụ đá VII.
[20] Bia ký III, IV,XI; trụ đá VII.
[21] Các bia ký III, IV,XI,XIII; trụ đá VII.
[22] Bia ký IV;trụ đá VII.
[23] Tiểu bia ký II, Bia ký IX.
[24] Bia ký III, IV,VII, IX,XI.
[25] Bia ký III, XI.
[26] Bia ký III,XI,XIII.
[27] Bia ký IX,XI,XIII; trụ đá VII.
[28] Bia ký VIII; trụ đá VII.
[29] Trụ đá II, VII.
[30] Bia ký VII, trụ đá II, VII.
[31] Tiểu bia ký II ;trụ đá II, VII.
[32] Trụ đá II, VII.
[33] Bia ký XIII; trụ đá VII.
[34] Trụ đá VII.
[35] Bia ký III.
[36] Bia ký VIII.
[37] Bia ký VII.
[38] Bia ký VII.
[39] Bia ký IV;trụ đá VII.
[40] Bia ký VII,XIII.
[41] JRAS, 1915,tr.809.
[42] Kinh Trường Bộ, tập II,tr.486.
[43] D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.110.
[44] Trụ đá II, III.
[45] Trụ đá II.
[46] Trụ đá III.
[47] Bia ký Kalinga I.
[48] Bia ký IV.
[49] Bia ký KalingaI, Trụ đá III.
[50] B.M. Barua, Asoka and his Inscriptions,tr.235-36.
[51] Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ,tr.100.
[52] Samyutta Nikàya,tậpI,tr.165.
[53] Pháp cú, kệ số 129-130.
[54] Pháp cú, kệ số 131.
[55] Bia ký III.
[56] M.Waldhe,The long Discourses of the Buddha,tr.135-36.
[57] Bia ký IV.
[58] Bia ký XIII.
[59] Bia ký XIII.
[60] Bia ký XIII.
[61] Kinh Nguốn nưóc công đức, Tăng chi.
[62] Bia ký VIII.
[63] Bia ký Jaugada.
[64] Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh tập II, tr.172,Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1974.
[65] Xem Kinh Upàli, số 56, Trung Bộ; E.M.Hare, The Book of the Gradual Saying ,tập IV,tr.126-27.
[66] Bia ký VIII.
[67] Bia ký hang động Nigrodha và đồi Khalatika.
[68] Trụ đá II.
[69] Bia ký Jaugada.
[70] Bia ký IX.
[71] Kinh Trường Bộ, tập II, tr.531-45.
Nguồn: www.quangduc.com